sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 94: Cảnh Cũ Ngưòi Xưa Đâu Tá!

Tôi đi ngang Bến Chùa, bảo thằng Đá và thằng Tiển dừng lại kiếm cái gì bỏ bụng. Từ Long Nguyên về tới đây cuốc bộ suốt ngày vừa băng qua những hố bom thường vừa lội qua những hố bom đìa. B2 đã phát quang rừng rậm thành đồng trống. Không còn nhận ra cảnh cũ. Đi qua vùng Sáu Phấn làm căn cứ H6 tôi cũng chỉ đoán chừng chớ không chắc trúng. Mà y cũng đâu còn để đón tiếp mình. Sáu Phấn là con người chân thành mộc mạc và lo cho gia đình nhất.

Thế nhưng bây giờ không còn lo được nữa. Chết thiêu cùng với Đào Hải và cả văn phòng quận đội Củ chi. Ban chỉ huy H6 chỉ còn sót mình tôi. Hai Giả bị khui hầm ở Thủ Đức. Sáu Phấn đi chuyên chở chôn dấu DKB ở Củ Chi rồi chết ở Củ Chi. Còn tôi lang bang khắp Củ Chi đến Trảng Bàng. Mộ tập thể này mấy chàng lãng tử Ba Tố, Tôn Sứt nằm đâu đây. Tôi ngậm ngùi nghĩ tới những người bạn gái của họ không biết mồ mả người yêu ở đâu để đốt nén nhang. Chắc B52 đã san bằng và thể xác họ đã vùi tan trong cát bụi.

Ngày tôi trở lại để chỉnh đốn H6, Sáu Phấn lôi ra chai rượu và gói tôm khô: "Tôi để dành cho thầy đây: Tôi sợ tôm mốc, nên mỗi lần có nắng tôi đem ra phơi rồi gói lại. Thầy coi nè, con nào con nấy đỏ au. Còn rượu thì càng để lâu càng trong vắt". Lời nói của người bạn như còn văng vẳng bên tai.

Bây giờ kẻ dương gian người âm cảnh. Dè đâu đó là bữa tiệc cuối cùng. Bất giác tôi rút nút bình toong còn nửa rượu rót vung ra khắp đất:

- Sáu Phấn, Ba Tố, Tôn Sứt về đây uống rượu và phù hộ cho tôi.

Thằng Tiển và thằng Đá bảo chung quanh đây không còn tiệm quán nhà cửa gì hết.

- Còn quán bà Lụa đâu?

- Không có quán nào hết anh à!

Ngôi chùa ăn bom nhưng chưa đổ, cố đứng như hòn núi nhỏ giữa biển đất lởm chởm nhưng xóm nhà dì Ba đâu? Tôi từng về đây uống những ly la de, nước ngọt ngon lành. Tôi từng húp nước đá trên những ngón tay của những nàng nữ sinh. Ở đây tôi cũng từng nghe bà Tư Lệnh chỉnh đốn cái đầu ông Tư Lệnh một cách thẳng thừng.

Ôi cánh cửa hạnh phúc đã từng phen mở rộng cho gã lê dương giang hồ này đã bay mất, không biết họ đã đi phương nào hay đã bị vùi sâu dưới đất mà mình không biết. Và Lụa, má Hai và bé Rớt tía lia. Nếu tôi ưng thì gia đình của tôi đã là Bến Mương, là Hố Bò hoặc Bến Chùa, nhưng không đâu là tổ ấm của cánh chim bạt gió này. Nó vẫn còn bay trong khói lửa cho đến lúc gãy cánh rã xác tan tành.

Tội nghiệp hai thằng nhỏ cận vệ của tôi từ mấy tháng nay. Tôi vất vả bao nhiêu chúng cực khổ bấy nhiêu. Nửa đêm đang ngủ đập dậy đi thư hỏa tốc cũng chạy ngay, đạn bắn như mưa kêu đi truyền lệnh cũng phóng. Thằng Đá ở ngoài Bắc còn thằng Tiển ở trong Nam. Mười sáu mười bảy tuổi biết Mỹ Ngụy là gì? Tại lũ to đầu bày đặt lý tướng nọ kia rồi xúi giục trẻ con làm bậy.

Ba thầy trò xuống bến đò Dòng Sỏi ngồi chờ mong chộp được một chuyến qua sông. Thời may gặp Tư Thêu, anh thiếu úy đánh xe bò của nông trường Lam Sơn. Anh ta vẫn còn ôm cái vỏ B26 bị tôi bắn rớt ở Đồng Chà Dơ năm nào làm đò đưa khách của Tố Hữu:

- Mày vẫn còn đây à Thêu?

- Chớ đi đâu bây giờ hả anh?

- Từ ngày thằng nhà báo mũi lõ (Bọ Chét) tới Củ Chi, bây giờ là năm năm phải không?

- Em cũng không nhớ là năm mười năm, hai mươi năm hay lâu hơn nữa. Hí hi... Trời, có trận em đang ở giữa sông anh ơi.

- Trận gì?

- Dưa hấu chớ trận gì. Nó tung em lên bờ, tỉnh dậy mới biết mình ăn dưa hấu đã đời. Em không còn biết đường nào nữa. Cái ghe nhôm của em cũng bị ném lên bờ nằm bẹp dí, em phải "gò" sửa lại. Anh coi đó, đúng là cái lỗ bị bão 52.

Tên thiếu úy vẫn yêu đời:

- Em ở đây nhưng biết hết tin tức Sè Goòng.

- Sao mày biết được?

- Tụi Tư Tăng, thằng Tẻo đều đi ngang qua đây chớ đi ngã nào? Thương binh cũng do em chở qua cho ông Tám Lê chớ ai?

- Tám Lê bây giờ ớ đâu?

- Em không biết? Có lẽ đã trôi qua đất thằng bò hóc rồi!

Tôi ngoặt lại:

- Đám thằng Tẻo thằng Tăng đi đâu?

- Em không biết.

- Mày thấy có đứa con gái nào không?

- Có hai ba nàng, có nàng tóc dợn sóng ba đào coi có vẻ Sè Goòng mắt ướt sầu ly biệt lắm.

- Thằng giỡn hoài mậy.

- Em nói thiệt mà. Bộ anh có quen sao?

- Công tác viên của tao. Vợ con mày ra sao?

- Em cho dông vô Dầu Tiếng lâu rồi.

- Mày biết quán em Lụa dời đi đâu không?

- Làm sao em biết được.

- Xuồng mày chở hết ba người không?

- Hết, nhưng một người phụ bơi, hai người phụ tát. Nếu không tát nhanh thì Hà Bá mời.

- Mày ở đây hoài sao?

- Ở ôm cái gốc bần này, lâu lâu vọt về Dầu Tiếng thăm má thằng Cu, chớ đi chỗ khác làm sao mà vọt. Với lại em ở đây hễ gặp lính mình oánh Sè Goòng lội dzìa em bảo quay trở lại Củ Chi tìm nơi tá túc. Qua sông bị bắt trói vô trại giam ở Suối Máu. Ông Trương Phi phi còn hăm tử hình nữa đó!

- Mày cũng biết vụ ông Trương Phi... nữa sao?

- Em còn biết nhiều chuyện nữa chớ!

- Chuyện gì?

Tư Thêu đến gần bên tôi rồi kêu lên:

- Bình toong của anh còn nước cay không cho em súc miệng sơ sơ di rồi em kể cho nghe.

Tôi đưa cho Tư Thêu. Hắn không lột ra khỏi vai tôi mà khom xuống rút nút rồi kêu lên:

- Bi đông Mỹ đâu mà xài đồ Trung Quốc vậy ông nội?

- Đổi cả đồ phụ tùng cho ông Năm Sài Gòn rồi.

Tư Thêu ngẩn ngơ:

- Ông hay tin gì chưa?

Tôi làm bộ không biết. Tư Thêu nói:

- Nếu ông chưa biết thì tôi không nói.

- Nói nghe thử coi.

- Ổng lên bàn thờ rồi. -Tư Thêu rỉ tai tôi.

Tôi tiếp tục đóng kịch:

- Tin vịt đó ông chăn bò à! Tư lệnh gì mới xáp trận mà chết!

- Cha nội còn tàng nữa. Lính nó qua đò tôi nói om sòm ra, thòi lòi dưới gốc lá, khỉ đột trên ngọn bần còn rành kia cha. Chẳng những ông Năm Sài Gòn mà ông Tư Nhựt, Tám Lệ, Tư Chi cũng phủi cẳng hết rồi.

- Thôi mày ơi! Tin gián điệp đấy cha nội. ông Trương Phi mà nghe được thằng nào nói thì ổng cho mò tôm đó. Mũi nhọn của Tư Nhựt còn tung hoành dưới Sài Gòn kia kìa. Tao đi đón quân mới tới đưa xuống tiếp thu mấy căn cứ mình chiếm dược đây! Mày lo chuẩn bị ghe máy để đưa vài trung đoàn qua sông.

Tư Thêu nhìn tôi tỏ vẻ nghi ngờ, tay thì vặn nắp bi đông lại. Tôi hỏi:

- Sao không uống, bộ chê ít hả?

- Không phải chê ít chê nhiều, mà rượu dưới đít bình lạt nhách, thôi không uống nữa.

Đột nhiên Tư Thêu hỏi tôi:

- Hổng biết ông Tám đi tới đâu rồi anh Hai?

- Ông Tám nào?

- Bộ ổng không có ghé anh hay sao? Tôi đưa ổng qua sông đấy. Ổng hỏi tôi có biết anh ở đâu không?

- À, ổng có ghé tao chơi hai ngày.

Rồi tôi tiếp luôn:

- Đấy mày thấy không? Ổng về báo cáo tình hình và xin viện binh đấy. Ổng xuống trước chuẩn bị đợt hai, nếu không, cán bộ cỡ ổng trở xuống làm chi?

Nói láo dây chuyền. Lớn láo lớn, nhỏ láo nhỏ. Ông Ba Xu bịp Hai Lôi, Hai Lôi đẩy cây thoa mỡ bò với tên thiếu úy chăn bò. Hai Lôi biết mình bị lừa. Còn Tư Thêu, không biết hắn biết tôi nói láo với hắn không. Biết mình nói láo mà không cần người nghe biết mình láo hay không, thằng Cộng Sản vẫn tiếp tục nói láo, nói láo đến đổi chính hắn tưởng mình nói thật.

Tư Thêu đưa tôi qua sông xong, tôi còn nói láo thêm một phát nữa:

- Tụi thằng Tẻo, thằng Tăng chiếm đài phát thanh xong đó mày ạ!... Về R phen này tụi nó sẽ lãnh huy chương và mỗi đứa thăng ba cấp.

- Vậy à anh? Nếu em biết em đã xin thôi chức chăn bò để đi với tụi nó xuống đường kỳ rồi. Hì hì... ý mà thôi, đi với tụi nó rồi ai thăm má thằng Cu.

Tôi làm thinh. Không biết thằng chăn bò nói thiệt hay mỉa mai tôi. Tôi giục hai cậu cận vệ đi cho nhanh. Trời vừa sụp tối thì trực thăng cũng vừa vác đuốc rọi khắp mặt sông.

Ba thầy trò cứ cắm đầu chạy cho xa vùng tử địa (là bờ sông).

Nhưng kể từ vô đợt, bất cứ vùng nào cũng là vùng oanh kích tự do. Ở đây vốn là quê nhà của tôi... Chỉ cách mấy tháng mà trở thành lạ chân lạ mặt. Không còn tấm vách tường nhà mủ để làm vật chuẩn.

Vài dây ruộng lúa chín như tấm thảm vàng bị khoét thủng bởi bàn tay thần sấm. Tôi cứ nhắm hướng nhà cô xã đội mà đi. Tôi mang máng cảm thấy qua nhà Sáu Mã Tử, Năm Đầu Ban, Tư Ếch. Nhưng nhà cửa đã biến đi đâu hết. Tội nghiệp mấy cậu du kích này, bạn thân cận của Năm Cội, lần nào tôi về nhà cô em xã đội cũng xách tôm, ếch vô đóng góp mồi nhậu, bây giờ đã là cán bộ đại đội của tôi.

Đây là nền nhà của má Hai. Tôi còn nhớ được là nhờ gốc vú sữa cháy khô như thân người cụt đầu. Lần đầu tiên tôi về đây, ghế uống nước mía ở lò đường, đêm đầu tiên tôi nằm gối tai bèo trên ván gõ nhà má... Bây giờ không còn gì hết. Tôi cố tìm cây dừa cô em xã đội rắn mắt bảo tôi leo lên và ngó xuống... năm nào. Bây giờ cô em không biết trôi dạt nơi nào.

Ngôi nhà của Lụa sụp hẳn một bên, hai mái như đôi cánh con gà trùm lên chiếc ổ không có trứng. Nhà của chị Tám Khỏe và chú Tư Thiên ở sau kia, bên ven rừng cao su nhưng không thấy ánh đèn hoặc tiếng người. Cách đây vài tháng họ có vô văn phòng quận đội thăm tôi. Bây giờ không biết sống chết. Đám trẻ con hàng xóm tôi không biết tên, coi tôi như ruột thịt. Trước kia, tôi không để ý tiếng reo mừng của chúng, bây giờ thiếu chúng mới thấy sự lạnh lẽo của đất trời.

Từ đây mà về tới đơn vị thì không lội nổi, nhưng ở lại thì ở đâu? Ba thầy trò quay lại nhà chị Tám mong tìm cái miệng hầm chui xuống đó ngủ đêm nay. Trong nỗi tuyệt vọng, không dè lại gặp chị.

Chị ré lên:

- Cậu Hai đó hả?

- Ờ tôi đây chị Tám! -Tôi nhận ra tiếng của chị.

- Hồi nãy tôi có nghe tiếng chân đi, nhưng sợ biệt kích Mỹ. Đến chừng nghe tiếng cậu kêu mấy chú cận vệ thì tôi nhận ra cậu... Cậu đi đâu đây?

- Tôi ở bên sông về.

- Có gặp má Hai không?

- Có.

- Con Lụa bán quán có khá không?

- Khá! -Tôi đẩy cây luôn hai phát liền- Con Lượm thằng Quỳnh di học chung với con Rớt. Trường học do con dì Ba dạy ở gần sát hè nên không sợ bom pháo.

- Lúc này bên đó cũng yên hả cậu?

- Quán xa đông nghẹt như chợ Sài Gòn vậy chị ơi!

- Thôi đi, đi vô nhà kẻo pháo bắn. Cậu thấy không, trước sân có một cái giếng, phía sau rừng có một cái ao. Tôi lọt kẽ giữa, B52 đó cậu.

Chị hối vô nhà, nhưng nhà đâu mà vô. Cái miệng hầm tum húm. Vừa chen vô tôi vừa hỏi:

- Ủa, còn chú Tư với cô xã đội đâu?

Chị Tám ngập ngừng:

- Ờ ờ chú Tư đi mua rượu. Còn con Là đi công tác.

Tôi la lên:

- Rượu đâu mà mua? Công tác gì?

Chị Tám ngoẹo đầu một bên miệng méo xệch:

- Chú Tư với con Là bị xe tăng càn nhẹp rồi cậu ơi.

- Ở đâu?

- Tôi đoán vậy vì ba ngày rồi tôi không gặp hai người.

- Hình ai trên vách hầm vậy?

- Anh Ba Tố chớ ai!

Chị vừa nói vừa rọi đèn sát vách. Trong kẽ nứt cắm mấy cây nhang loe hoe. Trong hầm thiếu không khí nên đèn đã tắt hồi nào. Chị nói:

- Ảnh hy sinh được bốn tháng mười ngày rồi.

Tôi móc hộp quẹt đốt cây nhang đang cháy dở. Chị vừa van vái vừa quẹt nước mắt:

- Cậu Hai về nè, anh Ba... Anh phù hộ cho cẩu với.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx