sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 98: Đường Vinh Quang Xây Xác Quân Nào

Ta yêu Dương Thái Chân trước Đường Huyền Tông mà! Đó là lời nói đầy phẫn nộ của man tướng An Lộc Sơn ném vào mặt Dương Thừa Tướng là anh của Thái Chân khi ông này báo tin cho em gái được vua tuyển làm vương phi, lúc An Lộc Sơn đứng ngay bên cạnh.

Phải! An Lộc Sơn yêu cô thôn nữ Thái Chân trước ông vua Đường, nhưng vì vua là con trời nên cuỗm ngay của An Lộc Sơn cái đóa hoa mỹ miều ấy. An Lộc Sơn đành ngậm miệng để trấn ải Bình Lư xa nàng!

Thiên Lôi này không phải là An Lộc Sơn nhưng cũng bị trấn ải Củ Chi. Tâm địa con người! Tri nhơn tri diện bất tri tâm. Tôi nghĩ xiên xẹo như thế về tướng Chè không biết đúng hay sai. Rủi sai sau này xuống dưới kia gặp lại anh "Ba". Ảnh "em chả, em chả" thì buồn lắm! Rồi bây giờ tưởng sao, lại được lệnh đi onh Sài Gòn, tiếp viện cho Hai Phái và Tư Nhựt! Cái thân phận Thiên Lôi, Ngọc Hoàng sai đâu đánh đó. Đi thì đi, sợ gì!

Tôi cho mời các ban chỉ huy D đến họp. Bảy Ga, Tư Quân... Vì đây là công tác chẳng lấy gì phấn khởi nếu cả đơn vị hay thì lính dám trốn về nhà lắm. Nên nhớ cái tiểu đoàn Quyết Thắng của tôi (và Tư Nhựt) chỉ huy trước kia đã trở thành trung đoàn Quyết Thắng Mũi Nhọn do Tư Nhựt đem xuống Sài Gòn trong đợt một vừa rồi. Còn cái D7 hiện giờ tôi chỉ huy gồm bốn phần năm là du kích xã đội còn bao nhiêu là tân binh. Cán bộ đại đội gốc là xã đội đưa lên, như Tư Ếch, Tư Đầu Ban, Sáu Mã Tử... chưa có kinh nghiệm chiến đấu tập trung. Ngoài ra còn một đội "dũng sĩ" của Tám Quang để lại do dũng sĩ thứ thiệt Bảy Mô chỉ huy. Lãnh đạo một đơn vị năm cha ba mẹ như vậy còn khó hơn lãnh đạo một sư đoàn chánh qui. Trong tình trạng đợt một vô Sài Gòn như thế, tin tức không có cách gì bịt được nếu họ biết họ sẽ đi tiếp viện cho một đơn vị không còn nữa, thì trong một đêm ngủ thức dậy, chỉ còn thấy súng chớ không có lính.

Tôi âm thầm lấy một trung đội trang bị mạnh làm tiền trạm, đi lót ổ trước cho cả đơn vị xuống đã, gồm có cối 60, B40, M79, AK do thằng Bòn chỉ huy.

Tôi giục Bòn:

- Thôi, đi lẹ lên! Mày dẫn đầu vô Bàu Đóng băng qua Sở Đốt Thịt vô Gót Chàng rồi ra Bến Mương. Không được ghé đâu lâu.

Còn tôi với cô nữ cận vệ Bảy Nê từng là dũng sĩ diệt Mỹ, và hai cậu bé trinh sát có tài chạy nhanh như chớp: Tiễn và Đa! Bảy Nê không hiểu sao đang làm đội phó của đội nữ lại xung phong về làm gạc-đờ-co cho anh Hai - Hỏi tại sao, Nê đáp: "Để học hỏi nơi anh Hai về cách chỉ huy tác chiến và học thêm chữ nghĩa?" Chữ nghĩa ai cần mà học.

Tiễn là liên lạc của phòng tham mưu, gốc Trảng Bàng. Còn Đá là dân làng Đan Phượng thuộc tỉnh Hà Dông hay thuộc phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây gì đó. Cả hai đều "gan to bằng thúng" đạn địch bắn như mưa, tôi kêu chạy xuống truyền lịnh cho các C, chúng cũng chạy không do dự một giây. Đi đâu có hai đứa nó vác AK theo là tôi vững bụng vô cùng.

Nhớ lại thời kháng chiến chống Pháp, anh Tiên D trưởng 307, là một vị chỉ huy bị "đạn chê" tôi cũng ớn lắm. Đã là chỉ huy thì ra trận phải gương mẫu với lính. Ông gì thì ông cũng chỉ một viên thôi. Ảnh ra trận như ở nhà, bình tĩnh lạ lùng. Anh Tám D phó cũng vậy. Lính thấy hai anh được bổ sung về đây thì lên tinh thần vô cùng. Thuở đó tôi mới ra trường Lục Quân, với cấp trung đội bậc phó nên biết rành. Anh Tiên có tới sáu cậu liên lạc. Chỉ từ Bến Tre các cậu xuống Cần Thơ đều hy sinh, mà anh Tiền không hề bị vết thương nào.

Tôi bây giờ cũng có cả tiểu đội liên lạc trinh sát, cận vệ. Các em lần lượt thằng Đỏ thằng Xanh... Rồi cuối cùng đến thằng Bòn và hai con chích chòe Tiễn, Đá cũng hy sinh, còn một mình tôi. Đi chuyến này chưa biết ra sao.

Ngó lên phía trước thấy thằng Bòn dẫn một toán đã đến trường học bên con đường đá đỏ. Nó vẫy tay. Tôi kêu Tiễn, Đá đi nhanh theo.

Người xưa cảnh cũ đâu còn. Tôi về Củ Chi năm 65. Bầu trời Củ Chi còn trong xanh, mặt đất Củ Chi còn nâu mướt. Tiếng chày giã gạo, tiếng trâu nghé ngọ còn là những điệu nhạc êm đềm bất hủ của đồng quê! Tuy đã bén mùi bom đạn nhưng người dân hãy còn tự do hưởng thú vui mộc mạc. Đến nỗi bà Năm Đang còn bắt chủ xe lam ngoài chợ Củ Chi vào để dựng nên "cuộc đấu tranh chánh trị" để cho tên bụng phệ nhà báo quốc tế Bọ Chét quay phim trình quốc tế kia mà. Thằng nói láo, bịp cả thế giới nay đã chết mẹ nó rồi mà cuộn phim "Củ Chi tranh đấu" vẫn chưa xong. Nếu nó trở lại đây vào năm nay (1968) thì nó sẽ quay được cuộn phim "Củ Chi trâu đánh" không còn một miếng vườn, không còn một mái nhà. Y như bộ mặt tướng già Mác bị bom Mỹ cạo sạch râu. Mỗi một bước chân đi dẫm trên một mảnh đạn. Mắt nhìn xa hay gần đều thấy tro than và hố bom. Và có ý nghĩ chính mình cũng sẽ hóa thành tro than nay mai.

Các tiểu đoàn địa phương hoặc các đơn vị của công trường 5 đều quen mặt đồng bào ở các vùng Đồng Lớn, Ràng, Sa Nhỏ, Cỏ Ống, Phú Hòa v.v... nay đâu còn mống nào. Các má gặp chúng tôi hành quân cứ hỏi thăm. Chúng tôi chỉ đáp: "Các ổng đổi công tác rồi!" Chỉ tính từ cuộc càn Cedar Falls năm 1967 tới nay, chẵn một năm, cũng thấy sự tổn thất của Củ Chi. Không còn một xã đội du kích nào. Không còn một bí thư xã nào! Đồng bào và cán bộ ở hang ở hầm trong lúc những người khác bỏ quê ra ấp chiến lược Vì đồng không nhà trống nên chúng tôi cứ nhắm hướng mà đi chớ không còn đường sá gì nữa. Mãi đến lúc lội qua một con lạch thì mới sực nhớ ra rằng đây là con suối từ Hố Bò chảy ra. Đứng ở rừng làng ngoảnh nhìn lại thì tầm mắt phóng xa tận Hố Bò không bị một rặng cây nào chặn ngang, còn nhìn ra sông Sài Gòn thì thấy nước trắng xóa ở những khoảng cây bần mọc lưa thưa ở ven bờ.

Chúng tôi cứ nhắm hướng mà đi. Bỗng tới một lùm cây. Bên cạnh có một mô đất mới đắp rất cao. Tôi dừng lại bảo Nê:

- Chắc là đây, Nê à!

Cô bé hiểu ý tôi, dừng chân, kêu thằng Tiễn đến. Thằng bé cũng hiểu ý bèn bỏ chiếc bòng xuống, mở ra lấy nhang và giấy vàng. Tôi lẳng lặng lấy chiếc hộp quẹt Zippo bật lửa, Nê cầm giấy và nhang đưa vào. Giấy bốc cháy, tro tàn bay theo gió cuộn quanh chúng tôi như những mảnh oan hồn người chết chưa tan. Nê cặm nắm nhang lên đầu mô đất. Khói quyện có cục rồi hòa trong không khí mênh mông của buổi chiều ảm đạm. Nê bảo:

- Anh van vái họ phò hộ chúng mình đó anh Hai!

Tôi bất giác nói lầm thầm:

- Sáu Phấn, Năm Triêm, Tư Hải, thằng Phích, con Hồng, con Lan...

- Thằng Ngọc với ba, bốn cậu miền Bắc nữa anh à. Tất cả là mười hai người thuộc phòng tham mưu quận đội nằm dưới mô đất này đó anh. Cao cấp nhất là anh Sáu Phấn D phó.

Tôi nghẹn ngào không nói được, cho khoát tay ra hiệu để đi tiếp, không muốn đứng lâu ở chốn này. Súng phun lửa Mỹ đã thiêu rụi cả một văn phòng dưới hầm. Sáu Phấn, ông bạn của tôi, một con người hiền hậu từ Bắc về làm chính trị viên H6, kỳ đó từ bên kia sông được lệnh qua đây để chôn giấu DKB chuẩn bị tổng tấn công, rủi bị xe tăng ruồng, chui xuống hầm với văn phòng tham mưu nên nằm chung trong nấm mộ tập thể này. Trước đó ít lâu, tôi được lệnh về củng cố H6 thành D8 do Phấn phụ trách, Phấn đãi tôi lít rượu và tôm khô. Anh cất để dành cho tôi cả năm trời. Phấn uống rượu với tôi, mặt buồn dàu dàu, than thở: "Uống cho hết đi thày Hai, tình thế này, biết còn gặp nhau nữa không?" Dè đâu đó là lời vĩnh biệt. Lần nào uống rượu với tôi, bạn bè cũng đều than như thế.

Bây giờ trở về Bến Mương người không còn mà cảnh cũ cũng tan hoang.

Bốn thầy trò lầm lũi đi. Riêng tôi thì lòng nặng nề u thảm xiết bao. Ở đây là quê hương của tôi. Hai năm trước tôi về đây khi H6 đang xuống dốc. Những nhờ mảnh đất đãi người này tôi đã cùng Sáu Phấn dựng lại nó, khá nề nếp. Ở đây có Má Mười, có vợ chồng tháng Út, có đôi trai gái hiền lành do tôi vun đắp thành vợ chồng. Có thằng Đỏ liên lạc rất mến tôi, có vườn sầu riêng, có bóng nàng Mai Khanh từ trên R đi đường thành vào thăm tôi, có nàng Thiên Lý... Tất cả đã chết trừ Mai Khanh...

Ở đây tôi bị một trận ruồng, cực chẳng đã phải xuống địa đạo, may nhờ có cô Thu cứu sống bằng nước tiểu của cô. Nếu không có món "tiên dược" đó thì đã chết rồi!

Đang nhớ ngược về thời gian trước bỗng có tiếng chân tới gần. Rồi tiếng kêu:

- Anh Hai hả?

Tôi nhìn ra phía trước. Hai ông nông dân ở trần trùi trụi. Một người đến đập vai tôi, quát:

- Không nhận ra tôi sao?

Tôi đang ngớ ngẩn thì người kia lại tiếp:

- Tám Đột và Sáu Bương nè!

- À, anh Tám anh Sáu! - Tôi nhận ra tiếng quen nhưng mắt chưa nhận ra người.

Sáu Bương bí thư và Tám Đột an ninh xã An Nhơn. Thật họ không còn ra người ngợm gì nữa. Sáu Bương nói:

- An Nhơn bây giờ chia làm hai xã rồi nghen anh Hai. An Nhơn đây thuộc quyền tôi còn từ Ba Sòng Gò Nổi trở ra là An Nhơn Tây thuộc quyền của Ba Tâm. Tình hình bây giờ khó khăn lắm (tôi biết). Trong xã mà không liên lạc với nhau được, nên phải chia đôi.

Tám Đột hỏi một dây:

- Tôi thấy mấy cậu trinh sát đi phía trước là tôi biết có anh theo sau. Bây giờ đi đâu đây? Ghé tụi này phụ nhĩ tình hình đấm đá cho nghe với. Ở dưới hang tôi toàn nghe máy bay loa tin tức Sài Gòn và đọc truyền đơn của chúng nó rải chớ đâu có biết giống gì?

Tôi cười gượng:

- Tụi tôi cũng vậy thôi! -rồi nói lãng sang chuyện khác- Bến Mương bây giờ trông lạ quá không giống hồi xưa chút nào. Có cái địa đạo nào còn chui được không?

- Nhẹp lâu rồi anh Hai à. Mà nếu còn anh dám chui không? Tám Đột cười banh miệng méo xẹo- Một lần đó suýt tiêu tùng không tởn hả?

Tôi gật, nói cứng:

- Anh chui thì tôi chui theo, sợ gì!

Bỗng thấy từ khúc quanh kéo tới hai ba người vừa đi vừa nói chuyện nghe rặt giọng Bắc.

Tôi hỏi:

- Lính nào vậy anh Tám (ở vùng này mà người Bắc thì chỉ có lính nhà ta thôi).

- Ai biết lính nào? Nhưng mấy cậu ấy nhập vô du kích ở đây rồi. Mấy cậu nói là đi đánh Sài Gòn về. Rồi ỳ ra ở đây luôn. Tôi thấy tội nghiệp nên nhận họ ở lại cho đeo vè cái xe bể.

Họ đi tới. Trời! Tôi kêu thầm. Cậu nào cậu nấy xanh xao, chân cũng cà tong cà teo. Vậy mà còn ở trần để lộ những bộ sườn non cộm lên như bò ốm nuốt que sắt. Một cậu vác cuốc đến nói với Tám Đột:

- Mai mình giồng thêm vài luống nữa nhá, anh Tám. Trời tháng này không mưa nó lâu bắt rễ quá. Trông cho nó ra lá non luộc ăn mà không thấy.

- Mưa cho mình chết lẹ. Chỗ đâu mà ở, trù mạt không hè!- Tám Đột gạt phắt.

Sáu Bương bảo:

- Đây là ông Hai Lôi, các cậu có xin vô tiểu đoàn ông thì xin.

Tôi móc thuốc mời từng cậu. Chắc thấy tôi mang K54 đeo xắc-cốt nên các cậu khúm núm:

- Xin thủ trưởng một điếu.

- Lâu quá chúng em không có thuốc hút.

Một cậu lại vọt miệng nói:

- Ở đây thì hút xách chớ nằm lại dưới Rạch Tra thì còn đâu mà hút?

Tôi biết nhưng hỏi:

- Các em ở "dưới" về hả?

- Vâng, chúng em vô đợt một đấy ạ! Có cậu kia thì không vô.

- Các cậu ở đơn vị nào, ai chỉ huy.

- Chúng em ở Q16 đi bổ sung cho E mũi nhọn không biết Ban Chỉ Huy E là ai.

- Rồi sao?

- Bá cáo thủ trưởng là đơn vị vẫn hoàn thành kế hoạch như thường ạ!

- Nghĩa là sao?

Cả bọn đứng im. Cậu này nhìn cậu kia qua làn khói thuốc, có ý đùn cho nhau trả lời.

- Thì cứ bá cáo sự thực đi rồi xin về đơn vị! -một cậu giục.

Tôi biết tính người Bắc cẩn thận kín đáo chớ không thẳng ruột ngựa và bộc lộ như người miền Nam, bèn bảo:

- Trong chiến đấu mà lạc đơn vị trên một chiến trường lạ là sự thường, có gì mà các cậu ngại. Tôi được lệnh đi xuống dưới vừa tiếp viện vừa thu dụng quân mình đây. Các cậu cứ cho tôi biết để tôi liệu định. Nếu tôi không vớt các cậu thì ông Năm Đăng bắt trói cả dấy.

Một cậu nói:

- Nếu thủ trưởng đi xuống đó thu dụng thì chúng tôi là những người cần được thủ trưởng thu nhận, còn nếu thủ trưởng đi xuống dưới đó để tiếp viện thì thưa thực với thủ trưởng, có còn ai mà tiếp viện. Đồng chí Tư Lệnh đã hy sinh. Chúng tôi được lệnh đồng chí chánh ủy những thương binh nào còn đi được thì tự lực mà đi về trên chớ chờ người xuống rước thì không biết chừng nào. Do đó chúng em mới lần về. Người bị thương cũng đi mà người không bị thương cũng đi. Qua Rạch Tra bị pháo dập mấy trận liền, ớn lắm. Mặc kệ, chúng em coi như đã chết rồi. Sống được thì may, không sống cũng thế thôi. Thủ trưởng xem thân hình chúng em đây từ dưới đó mà mò về đây mất hai tháng. Đói đã đành. Bệnh cũng trải chiếu xuống đất nằm, không có ai phục vụ một bát nước, đừng nói chi thuốc men.

Cậu bé "không đi Sài Gòn" nãy giờ đứng im, bây giờ lên tiếng:

- Riêng em ở trong đoàn bảo vệ đồng chí Phó tư "nệnh" xuống Sài Gòn đấy ạ!

- Ai vậy? Ổng đâu? -Tôi gắt- Các cậu phải cho tôi gặp ngay mới được!

- Dạ chuyện dài lắm. Thưa thủ trưởng, đoàn đi đơn Rạch Cây Da thì "nộn nại".

Đùng, đùng, đùng!

Chớp nhoáng nhì nhằng ngoài đồng. Tám Đột cười:

- Đồng Dù chào mừng anh sai đó, thôi vô căn cứ có hầm bảo đảm hơn. Ở đây lâu không được đâu. Cầu Rạch Sơn tụi tôi đã bắc lại rồi. Anh vọt qua mau không lo pháo chặn đâu!

Cả đoàn kéo vô căn cứ của Tám Đột và Sáu Bương. Tình thế thay đổi, cách sống cũng đồi thay. Phải thích hợp với pháo, bom, biệt kích thì mới sống được. Pháo là thứ võ sĩ mù. Nó đánh những cú bất ngờ tưởng không ăn thua mà chết. Như D phó Chín Câu, dượng rể của Bảy Mô đang ở sau vườn bắt vịt về làm thịt nhậu mà một trái pháo mồ côi rơi giết chết. Có ai ngờ’? Làm sao đo được? Loại pháo điện tử, khi nó tới, nổ rồi mới nghe tiếng gió hú. Cũng như khi nghe tiếng gõ cửa là kẻ trộm đã vào nhà. Bom thì dễ trốn, nhưng nó rơi ngay nắp thì không có hầm nào chịu nổi. Còn biệt kích? Loại này có thể chống được, đánh trả cũng không khó, nhưng nó đến ngay lúc mình ăn cơm hoặc ngủ mê thì làm sao mà chống? Trung đoàn trường Ba Châm bị biệt kích bắn chết ngay trong hầm lúc ngủ trưa!

Vậy muốn sống phải trốn tránh ba thứ ác ôn kể trên. Hút chưa được tàn điếu thuốc, Tám Đột trỏ tay bốn phía, nói:

- Anh Hai biết đây là đâu không? (Tôi lắc) -Tám Đột tiếp- Đây là nền nhà của Má Mười, phía sau lưng mình là cái miệng địa gần nhà ông Tư Lễ và Năm Giáo, còn đó là cái mả của ba Mười má Mười. Má Mười sợ quá bị động tim chết. Còn ba cái kia, hai cái lớn, một núm nhỏ là của vợ chồng thằng Út và đứa con nhỏ chết ngộp dưới hầm, anh nhớ không?

- Nhớ chớ sao không nhớ, cái địa đạo còn chui được không?

- Còn ai đâu mà chui. Mà nếu có chui chắc cũng không chui được. Xe tăng Mỹ nó cán nhẹp hết rồi. -Tám Đột chỉ tiếp- Ngoài gốc vú sữa cũng có mấy cái mả nhưng không có mộ bia, không biết của ai, tôi cũng không nhớ ai chôn hồi nào nữa! Chết nhiều quá anh à! Không biết sao tôi còn ngo ngoe đây!

Tôi bảo thằng Đá thằng Tiễn đốt nhang cẩm lên mỗi nấm mộ và đốt giấy vàng rải chung quanh.

- Tụi Mỹ tuy ác nhưng cũng hiền.

- Tại sao?

- Đàn bà con nít nó bắt được nó cho đồ hộp ăn. Còn mồ mả nó không cán. Anh tin di, chỗ nào nó thấy có chân nhang là nó tránh.

Trời chiều đã buồn thảm lại còn đứng bên mộ những người thân thì càng buồn hơn. Tôi giục Tám Đột:

- Thôi về căn cứ nghỉ chút đi anh Tám!

Trời ơi Ngày tôi còn ở đây tuy bị bom pháo liên miên nhưng cũng có nhà cửa, bếp núc, chỗ ăn chỗ ngủ chớ đâu như bây giờ. Tất cả gom lại chỉ một cái hầm như hang cá thòi lòi. Biệt kích nó tìm thấy nó bịt miệng hang tóm gọn.

Nếu xuống hầm thì không có đủ chỗ, nên cả bọn ngồi quanh miệng hầm. Tôi bảo mấy đứa nhỏ canh chừng xa xa, hễ có chuyện gì thì báo cho biết. Tôi ngồi lại đây là vấn đề tình cảm từng sống chết với nhau, cũng là để hỏi thăm tình hình đi chặng tới. Địa phương mới sát chớ mình chân ướt chân ráo dù có võ trang mạnh cũng không dám xông pha như ở mặt trận.

Tám Đột nói:

- Các xã Phú Mỹ Hưng, An Phú, An Nhơn (chia ra Đông Tây) cũng tiêu tàn hết, khác nào xã Nhuận Đức. Quận đề nghị Khu cấp cho mỗi du kích một tháng mười lít gạo. Nhưng khi có khi không. Ở trên bảo tự lực. Thiệt không biết nói sao. Gạo lãnh về, ngồi lượm thóc cả buổi mới nấu được một nồi cơm. Đến cối xay cũng bị pháo bắn gãy hết răng, còn cối giã thì thủng đáy. Dân còn loe ngoe, mấy người lỳ lợm ở lại bám đất bám vườn. Vậy mà tụi lính Trung Hòa cũng tới xét nhà. Gạo phải đem giấu, nếu nó thấy có nhiều nó lấy hết vì nó biết đó là gạo tiếp tế cho mình. Tình hình đó mà ông Sáu Phấn đem DKB về bắt tụi tôi phải cất giấu. Cất giấu chưa xong ông đã bị súng phun lửa... cùng với Đào Hải.

Tôi buồn rầu:

- Hồi nãy tôi có đốt nhang trên nấm mồ tập thể của phòng tham mưu. Chịp!Tội nghiệp quá. Sáu Phấn rất sợ chết bỏ vợ bỏ con mà rồi cũng không khỏi.

Tám Đột tiếp:

- Hôm Tết, mấy ông H6 có về. Tụi tôi dẫn họ đến đắp mộ cho cao. Tư Cư, Ba Quản Lý, Thầy Mười... Ờ, thầy Tám Lù Đù anh nhớ không Nó thoát ly hổng biết đi cơ quan nào, nay trở về cũng thấy đeo "cun" (colt) xề xệ.

Tôi móc gói thuốc bỏ ra đất. Mỗi người rút một điếu. Khói tỏa âm u.

Tám Đột tiếp:

- Mấy người này coi vậy mà có phước, chết còn có mả có mồ, chớ mấy ông trong trại Bà Huệ gần nhà Ba Xây, có ai tìm được miệng hầm mà đắp mộ. Tôi và thằng Ba Thắng không dám tới ban ngày, chờ tối lại soi đèn tìm cả canh cũng không thấy. Bữa sau trở lại mới tìm được miếng ván lòi ra giữa những dấu xích xe tăng. Định vun lên một nấm mộ tạm tạm rồi sau này sẽ tính, nhưng bị đầm già phát hiện, tụi tui phải chạy cong đuôi không đáp được. Tội nghiệp ông Tư Mạnh với con Lan cứu thương, hai người chống nhau như nước với lửa, nay lại chết chung một hầm. Xuống dưới đó giờ chắc đã hòa thuận trở lại rồi. Còn Ba Trạch với Út Nhỏ không biết có chuyện gì với nhau không mà thấy cô nàng cũng mang nhang tới đốt cặm đó. Ba Trạch thiệt rủi. Pháo bắn, cả bộ đội không ai chạy, chỉ có mình y vọt ra đồng trống rồi trúng có một miếng nhỏ xíu mà chết...! - Tám Đột kể một hơi, dừng lại thở ra- Con người có số anh!

Cô bé Nê nấu cơm xong đem tới. Khô cá kèo khô lươn đem đi từ nhà nướng thơm phức, Nê để trên nửa đọt lá chuối, còn canh chua thì nấu với bầu chín để nguyên trong soong, cái soong móp méo như một đời của tôi vậy. Cả bọn ngồi lua, mồ hôi xuống ướt lưng. Tám Đột nói tiếp:

- Tôi lâu lâu có bẻ ít bông trang rau mát đem để trên mộ của mấy ổng, van vái mấy ổng phù hộ mình, mấy ổng chết như vậy chắc hồn ma linh lắm phải không anh?

Thăng Tiễn vọt miệng:

- Ở dưới đó có chị Lan là dân An Phú của tôi đó chú Tám! Chú có cắm bông trên mộ chí, chú nói giùm tôi đến thăm chỉ nghen"

Cơm xong tôi đứng dậy ngó quanh. Thấy dòng nước Bến Minh đầy kỷ niệm năm xưa mà ngậm ngùi. Vợ thằng Út như còn đó, ẵm con đứng chờ chồng đi chở lúa tự túc bên Thanh An về. Em Thiên lý nhảy xuống sông tự vận khi biết cả gia đình đều chết, may được anh em H6 chúng tôi mò vớt lên và cứu sống... Bất giác nước mắt tôi chảy dài nóng hổi. Tôi quệt ngang không muốn để ai thấy và đưa tay cho Tám Đột:

- Tôi phải đi cho kịp tốp trước, anh Tám! -Tôi uể oải đứng dậy nói.

Tám Đột bảo đám du kích:

- Mình đưa anh Hai qua khỏi cầu Rạch Sơn rồi về bây!

Anh ta cũng quệt ngang mắt như tôi. Rồi anh vác cái mác đi trước. Tôi đi giữa. Mấy đứa nhỏ Bắc Kỳ theo sau.

Tôi nghe một cậu nói với thằng Đá và thằng Tiễn những lời để cải chánh về sự có mặt của chúng ở đây:

- Chúng tớ đâu có tụt hậu. Chúng tớ bị đơn vị bỏ rơi, chúng tớ không biết đường nên phải quay trở lại đó chứ. Đường sá gì ninh tinh quá không biết nối nào.

Tôi biết là hai cậu muốn thanh minh về sự "bê quay" của mình. Cũng như trên đường Trường Sơn có khối cậu chịu gian khổ không thấu nên phải trở lại, thà mang tên "bê quay" hơn làm "nợn nuộc". Tôi bảo:

- Các em đừng lo. Cứ ở đây với anh Tám, làm du kích cũng chiến đấu vậy! Chừng nào anh quay trở lại sẽ nhận các em về đơn vị với anh. Đừng buồn mà mất tinh thần hết.

Các cậu mừng rỡ vô cùng, một cậu ôm mặt khóc và nói tức tưởi:

- Tụi em vô đây không có thành tích gì hết mà đã trốn thế này, xấu hổ quá!

Một cậu lại bảo:

- Chúng mình có trốn đâu! Ông Tám ra lệnh cho mình rút lui đó chứ!

Nhìn thấy mấy đứa nhỏ, không đứa nào tới hai mươi tuổi, nheo nhóc, bệnh hoạn, tôi móc túi cho mỗi đứa 500.

Rồi đưa luôn cho Tám Đột một xấp không biết bao nhiêu, và cố nói với giọng bình thường:

- Thôi anh ở lại rán sống nghe anh Tám! Tôi phải đi! Mai mốt mình sẽ nhậu một trận.

- Ờ anh Hai đi mạnh giỏi. Có về cho tụi tôi hay mình nhậu một bữa tại đây.

Đoàn chúng tôi qua cầu. Tôi quay đầu lại nhìn. Những bàn tay cong queo gầy guộc đen thui đưa lên vẫy theo chúng tôi.

Tám Đột đứng ngẩn ngơ, bóng anh chìm trong trời chiều man mác.

Cô bé Nê tuy còn ít tuổi nhưng rất khá về môn tâm lý. Thấy tôi buồn, cô gợi chuyện:

- Để em sắp hạng cho anh Hai nghe nghen.

- Hạng gì?

- Hạng các cô ấy mà!

- Cô nào đẹp nhiều cô nào đẹp ít hả?

- Không phải. Cô nào thích anh nhiều nhất.

- Chẳng có cô nào thích anh cả em à.

- Theo em người thích anh nhất là chị Tư quận đội phó. Thứ hai là chị Tám Lệ ở ngoài Ràng.

Tôi làm bộ gạt ngang:

- Người ta có con rồi cô ạ!

- Có con nhưng đẹp hơn con gái, mà chồng lại chết. Thì có sao đâu!

- Còn thứ tư là ai? -Lòng ngổn ngang trăm mối, nhưng tôi cố gượng hỏi.

- Thứ tư là chị Tư Thêm má con Tiền.

- Cô ấy cũng có con rồi.

- Chị ấy có trình độ và khôn ngoan nhất vùng này đó, mấy bà cán còn phải nể chị ấy -Nê ra vẻ thầy đời.

- Còn ai nữa không?

- Còn một nàng nữa! Còn một chục nàng nữa!

- Ai?

- Khó nói lắm! -Nê cười khúc khích rồi tụt lại sau tôi.

- Khó cũng cứ nói nghe!

- Đó là cô giáo Chín Hòa. Cô giáo rất yêu anh nhưng làm bộ như không gì hết.

- có gì mà khó nói. Đó cũng thường trong tâm lý con gái.

- Còn một cô nữa. Nhưng để khi khác em mới cho anh hiểu.

- Em không nói anh cũng biết rồi. Anh chỉ coi cô ấy như một đứa em gái thôi.

- Hừm! Sao vậy? Cô ta không thích là em gái anh đâu - Nê nói giọng khác khác.

Cả hai lặng im. Tôi đi chậm lại như để nghe mùi tóc của Nê bay thơm trong gió.

Sông Sài Gòn lấp lánh trước mặt. Giang thuyền vắng bóng nên chúng tôi đi đứng khá tự do, cười nói râm ran. Những đơn vị đi Sài Gòn đều lần lượt dẫm chân trên lối mòn này đi xuống để rồi cũng đội về trên những nẻo này. Đi thì lén lút. Về thì tả tơi. Tro than trên mỗi bước.

Từ xóm Thuốc xuống Bến Đá, Bến Cỏ không biết bao nhiêu bom pháo đã đổ xuống như để xóa dấu chân người, nhưng chân người lại dẫm lên xóa hố bom, vết đạn như những bàn tay khâu vá thương tích trên thân người. Rốt cuộc mặt mũi quê hương tan nát. Từ xóm Dược, Bến Sức, Hố Bò chúng tôi đi dần xuống đụng Kinh Hố Bò, Kinh Bò Lạp, Láng Các, đến chợ An Nhơn đến ấp Bến Minh, cầu Rạch Sơn là nơi chúng tôi vừa vượt qua. Tất cả những địa danh ấy đều gắn liền với sinh mệnh của chúng tôi, của riêng tôi mỗi một tấc đất là một giọt máu, mỗi gốc cây dừa cây xoài là một kỷ niệm. Trước kia xóm làng xanh tươi bát ngát cây lá mát rợi bóng mát che ngợp quê hương. Phù sa tưới gốc trầu, liếp rau vồng mì, Củ Chi như một khu vườn hoa thơm trái lạ. Nay hoàn toàn trơ trụi. Tất cả các xóm đều nằm dưới mưa pháo mưa bom. Từ Trảng Cỏ đến Bến Đồn, từ Sa Nhỏ đến Bào Dương Bào Tranh, từ xóm Bưng đến Gót Chàng, Xóm Mới, Gò Nổi, tất cả đều là khu vực đánh phá tự do (destroyed zones) của Mỹ. Dọc bờ tả ngạn lẫn hữu ngạn sông Sài Gòn là những khu vực phá sạch. Từ nơi xuất phát của chúng tôi (Sa Nhỏ) đến ngoại ô Sài Gòn, đo đường chim bay thì chừng 40 còn đi ngoằn ngoèo theo vết chân du kích thì có ngót 80 cây số.

Nếu là đường sinh lầy những bom pháo thì lội chỉ trong hai ngày là chúng tôi tiếp cận mục tiêu. Nhưng đánh người ta thì người ta đánh lại chớ ai có dại để cho mình tự do múa gậy vườn hoang hay sao?

Đang đi bỗng thằng Tiễn bảo:

- Anh Hai à? ở đây gần bờ sông mình tắm một mách hết nực rồi hãy đi tiếp!

- Coi tụi tiền đạo có ra dấu gì không? Coi chừng xuống sông rồi thành "nợn nuộc" đó!

- Không có gì đâu anh Hai. tình hình êm ru hè? -Thằng Đá bất chước giọng Nam Kỳ nói.

- Ờ tụi bây xuống trước đi!- Tôi bảo.

Tiễn và Đá như hai con chích chòe, chuyền cây xuống một khoảng trống ở mé sông. Bỗng Tiễn dội trở lại kêu ơi ới:

- Anh Hai! Anh Hai! Bò của ai lội qua sông cả bầy kìa.

- Bò gì! Ở đâu? -Tôi quát- Tụi bây coi kỹ lại coi! Bò gì ở đây? Bò ở đây là bò xe. Ai lùa qua sông vào lúc này? Bộ điên sao?

Tiễn bật ống dòm ra, lội tới gần mé nước, xem một lúc rồi quay lại đưa ốm dòm cho tôi.

- Anh xem dùm coi! Em không nhận ra là cái gì. Nhưng thấy giống như lưng bò, bò vàng lẫn bò đen. Đó, cả bầy đang lội ngược dòng. Bộ nó muốn lên xóm Dược.

Tôi vẫn không tin. Bò gì lại bơi qua sông? Tôi đã qua lại con sông này mòn cả chân bạc cả đầu, nhưng chưa bao giờ gặp bò qua sông.

Tôi lấy ống dòm và bảo:

- Tụi bây cảnh giới hai đầu, để tao xem.

Thằng Đá leo trên cây che tay nhìn một lát rồi nói:

- Thây ma đó chớ bò heo gì.

- Ờ đúng!

Tôi buông ống dòm xuống trước ngực và tán thành ý kiến thằng Đá! Quả thật là thằng chổng. Một bầy chổng trôi bập bềnh trên sông. Thảo nào từ nãy, tôi đã thấy những bầy quạ bay rà rà trên mặt nước mà không hiểu tại sao! Không ngờ nó báo tin mà mình không biết.

Nê từ trên xa nghe nói chạy ào xuống vừa thở hổn hển vừa hỏi:

- Thằng chổng ở đâu... ở đâu mà cả bầyy, anh Hai??

Tôi đưa ống dòm cho Nê. Nê xem một chốc rồi nói:

- Thật rồi. ở đâu mà nhỉều vậy? Nó trôi lẫn trong những cụm lục bình nên khó thấy.

Tiễn tiếp:

- Bây giờ em thấy rõ rồi. Đó là anh em nhà mình. Chắc là lính của ông Tư Nhựt hoặc tiểu đoàn Gò Môn chớ gì? Nói chung là E Quyết Thắng.

Tôi nạt:

- Sao mày biết rõ vậy? Im đi! Đừng có bép xép cái miệng.

Thằng Tiễn im. Thằng Đá cũng không biết nói gì. Cô Nê cũng chẳng hé môi.

Tôi quát:

- Thôi, trở lên, không có tắm tiếc gì nữa!

Cả bọn riu ríu quay lên. Những đi một quãng tôi lại bảo:

- Tiễn, mở bòng ra lấy nhang và giấy vàng đem xuống đốt.

Thằng Tiễn và thằng Đá y lệnh. Tôi đứng ngó theo. Nhưng bụng không đành. Làm gì bây giờ? Làm sao mà lội vớt cho được?

Thằng Tiễn trở lên, mặt dàu dàu:

- Còn nhiều lắm anh Hai à. Thằng chổng thấy ghê quá!

Tôi quát:

- Tụi bây không được kêu là thằng chổng nữa nghen. Đồng chí của mày đó!

- Vậy chớ kêu bằng gì anh Hai?

- Kêu gì thì kêu nhưng cấm không được kêu chổng.

Tôi kiếm gốc cây tựa lưng. Nê thủ thỉ:

- Ở tuất dưới đó mà trôi ngược về trên này!

Tôi hỏi:

- Sao kỳ vậy?

- Em chắc là lên đến ngã ba sông Thị Tính gặp chỗ nước xoáy. Nước lớn chảy vô thế mạnh. Đến nước ròng chảy ra thì yếu nên khi tới ngã ba Thị Tính thì nó lềnh bềnh. Rồi tới nước lớn lại chảy mạnh tống lên đây, đó anh Hai.

Thằng Tiễn thằng Đá, đốt nhang và giấy xong trở lên. Chúng nó vẫn còn ấm ức, nhưng sợ tôi rầy, nên nói lầm thầm với nhau:

- Lính mình chớ lính ai!

- Ờ, kaki vàng là Quyết Thắng còn áo đen là Gò Môn.

Thằng Tiễn lại nói:

- Mấy ông nội ở với ông Tám Đột nói mấy ổng đi Sài Gòn trong ba lô bỏ theo giấy bố, quân hàm, đợi chiếm xong là tra vào đi dạo phố. Mẹ! trên bộ không đi lại đi đường thẳng.

Tôi nghe mà não lòng, nhưng không muốn nói gì nữa. Cố đi nhanh cho xa bờ sông để tránh cái hình ảnh "đàn bò đen bò vàng" nhấp nhô phập phồng trên sông.

Lên tới lộ, tôi quay mặt ngó xuống. Dòng sông lấp loáng nhưng mắt tôi lại bị choáng hết với những vệt vàng vàng đen đen. Chừng vài bữa nữa sẽ rục như trái bí trong lu nước mưa. Xương cốt biết đâu mà mò! Con cái nhà ai? Tôi gục đầu chua xót, nghĩ.

Bất giác tôi bảo hai thằng nhỏ:

- Tụi bây nhớ chỗ này cho tao nghe không?

- Chi vậy anh Hai?

- Chi, kệ tao đừng hỏi!

Bỗng cô Nê lôi tay tôi lại:

- Ở đằng trước, anh Bòn khoát tay kìa anh Hai!

- Có chuyện gì vậy?

Cả bọn nép vô bờ đứng đợi tin tức. Thì ra không phải địch mà ta! Lại lính ta đi dạo Sài Gòn về, nhưng tốp này có vẻ bi đát hơn chớ không được như mấy cậu ở với Tám Đột. Cậu thì băng đầu, cậu thì treo tay trên cổ, cậu lại chống gậy nhảy cò cò. Thấy tôi, cả bọn ùa lại, rối rít:

- Thủ trưởng có thuốc cho xin điếu.

Tôi cố ém tiếng kêu trong họng, tay móc gói thuốc.

- Sao các em... thế này? -Tôi nghẹn ngào (Đã biết rồi còn hỏi).

Bỗng một cậu còn khỏe mạnh chạy tới:

- Anh Hai! Em là Vàng nề. Nhớ không?... Em nằm y xá con Nga chung với anh đó.

- Mặt mày em sao vậy?

- Nhiều chuyện lắm anh Hai ơi! -Thằng bé rẻ lên khóc hụ hụ làm cả bọn lặng ngắt. Vài cậu quay ra bập bập điếu thuốc.

Thằng Vàng nói:

- Em bị chó bẹc-giê nó quào! -Vàng xăn tay áo lên cho tôi xem. Những dấu răng máu đọng khô đen nổi trên da thịt thằng bé. Nó tiếp- Em vật lộn với nó. Em đang là A trưởng. Trước khi xuống Sài Gòn mấy ông phong lên B trưởng. Em ở trong D ông Tư Bính. Chủ công đánh vào sân bay Tân Sơn Nhút. Tụi em vượt được lô cốt canh cửa, nhưng vô trong không biết đường nào mà chạy. Tụi nó đưa xe ieep và GMC có gắn đại liên ra chận tụi em lại, quét hết quá nửa. Em không biết phải đánh mục tiêu nào nên chạy tìm chỗ núp để phản công. Lủi vô một đám tranh cao quá đầu. Tưởng khỏi lòi lưng. Trời! mình đánh đồn là nhờ bóng đêm. Bây giờ vô đây đèn điện sáng như ban ngày, khớp quá, chân run chạy không được. Vô đám tranh tưởng êm rồi, nào ngờ trong đó lại đụng bùi nhùi kẽm gai, đâu có bò lăn gì được. Rồi tụi nó thả chó bẹc-giê vô săn tụi em. Con nào con nấy to bằng con bò. Nó nhào tới cắn xé em. Nó cao ngang ngực em, nó chồm lên cần cổ em. Em vật không lại. May nhờ anh Tư Bính tới bắn cho nó một phát. Nếu chậm một chút chắc nó xé em ra thành mảnh rồi.

Thằng Vàng kể một hơi. Nó vừa dừng lại, tôi hỏi:

- Còn Tư Bính đâu?

Tư Bính là cán bộ cũ của tôi. Chính tôi đề nghị nó lên C trưởng rồi D phó. Nó đi Sài Gòn với Tư Nhựt hồi nào tôi cũng đâu có biết, nay nghe thằng Vàng nhắc mới nhớ ra:

- Ờ, Bính Chân Lư!

Vàng trỏ tay phía sau. Thì Tư Bính cũng vừa tới, chống gậy lụp cụp đi xuềnh xoàng. Bính người cục mịch, dân Bác Kỳ vô Nam lâu đời nên nói tiếng giống Nam Kỳ và tác phong cũng như dân dưa hấu. Bính la lên:

- Anh Hai, anh đi đâu đây?

- Đi tiếp viện Tư Nhựt, Hai Phái chớ đi đâu mà hỏi. Mày điên sao Bính?

- Còn con mẹ gì mà tiếp với chả viện. Thôi quay về cho được việc ông nội con nít!

- Giỡn hoài mậy! Bộ muốn tao dứt đầu hả?

Bính gục vào vai tôi khóc như con nít. Tôi nghe nóng cả vai. Một hồi hắn ngóc lên nói:

- Em nói thật đó. Mấy ông đem con bỏ chợ... ợ. Hụ hụ hu hu.

- Mày là cán bộ lãnh đạo, không được phát ngôn bừa bãi như thế! - Tôi quát.

Bính hạ giọng, tay quệt nước mắt lia lịa, nhưng miệng vẫn còn hụ hụ như bò rống:

- Anh Hai ơi! Em đánh cả trăm trận rồi. Không trận nào như trận này. Đánh giặc gì đánh vậy chớ!

Tôi trợn mắt. Bính rỉ tai tôi;

- Rụm cả rồi. Anh xuống...

- Tao được lệnh xuống chiếm lãnh trận địa gom tui bây lại, tao chỉ huy.

- Ờ anh đi thì đi!

- Mày cố gắng đưa lính mày về tới Sa Nhỏ, đừng có tấp bậy dọc đường nghe không

- Đoàn thương binh này trên bảy chục. Tôi cao cấp nhất nhưng đâu có chỉ huy được. Qua Rạch Tra bị một trận pháo dập tan, đến bờ bên này coi lại mất hai mươi mấy đứa. Mặc kệ hồn ai nấy giữ, em còn biết làm sao?

Trời chiều chưa bao giờ ảm đạm như hôm nay.

Bây giờ tôi mới hỏi:

- Mày bị thương ở đầu lẫn chân à?

- Và sau lưng nữa. Bỉ chó cắn nát cả áo. Nè anh coi (nát cả lưng chớ áo gì!)

Tôi móc túi đưa cho xấp bạc chiến phí:

- Mua đồ bồi dưỡng cho tụi nó. Thôi tao đi cho kịp.

Bính ngó theo rồi bỗng kêu:

- Anh Hai anh Hai! Em muốn nói anh chuyện này.

Tôi bảo đám của tôi đi trước rồi quay lại. Bính kéo tôi vào lề đường, rủ rỉ:

- Kỷ này tôi về cưới vợ, anh Hai à. Băm mấy rồi.

- Cưới ai?

- Con Hai Loan, con Ba Cung, con Nữa, con Xưa. Đứa nào cũng được cả.

Lâu nay Bính bị con gái chê xấu tướng, chân lư lại kém vãn hóa! Từ ngày lên D phó Bính cũng biết ve vãn các em. Bính gặp em nào cũng vạch áo vỗ bạch bạch: K54 vỏ còn đỏ tươi nè, chịu hôn em? Nhưng chẳng cô nào cho nắm tay cả. Bây giờ tôi mới nghe Bính cương quyết cưới vợ. Những bốn mục tiêu cứ rình hoài mà không bóp cò được. Cứ ngắm cái nốt ruồi di động...

- Em nghỉ đánh giặc về nhà làm ăn anh Hai à!

- Nói bậy nữa! -Tôi nạt- Cái thằng này!

- Em nói thiệt đấy. Để rồi anh coi.

Nói xong, Bính mở chiếc ruột tượng trong lưng rồi thò tay vào móc ra một vốc nào đồng hồ, nào dây chuyền dúi vào tay tôi.

- Anh Hai cầm lấy, cho mấy em giùm em.

- Mày xuống đó làm gương cho chiến sĩ vậy đó hả?

- Em đâu có, em đâu có anh Hai. Em đã thấm nhuần quan điểm quân đội nhân dân mà.

- Thấm nhuần mà một ruột tượng đó hả?

- Không phải em đập tủ kiếng đâu anh Hai à. Em lượm trên xác chết chiến sĩ mình đấy.

Tôi biết "lượm" như thế nào rồi. Ai chịu cha ăn cướp? Quan điểm nhân dân! Không lấy cây kim sợi chỉ của dân. Ừ, nó đâu có lấy kim chỉ mà rầy nó! Nhưng không lẽ từ chối. Tôi hỏi:

- Mày muốn cho cô nào, tao cho.

- Cô nào cũng được, miễn anh đừng nói bung ra thì thôi. Nè anh Hai, em nói thiệt đó, Tư Nhựt, Hai Phái, Tám Lệ, Năm Thêm, toàn bộ ban chỉ huy E mũi nhọn đều hy sinh hết rồi. Cả đoàn bộ, thông tin, quân y, quản lý, trinh sát cũng không còn ai. Anh có đem cả D7 xuống nhập cả bọn kia lại cũng chỉ như muối bỏ biển thôi anh Hai à. Em nói thiệt đấy. Nhớ hồi đánh vô Suối Cụt cái bót nhỏ xíu mà D1 đi còn lỏng lẻo. Nay mình vô Sài Gòn, có một E thì trám sao bít? Mấy ổng biểu mình chiếm rồi trụ, chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ có quân tiếp viện nhưng chờ mấy ngày có thấy "rờ rẫm" gì đâu? Tụi Bắc Kỳ nó phát cáu, nó "địt" rân trời. Ai nó cũng "địt" bất kể ai!

Biết Bính sẽ nói càn, tôi trợn mắt. Bính im nhưng vẫn làu bàu:

- Mấy đứa bị thương nằm lền khên dọc bờ mương. Mỗi lần pháo dập, những thằng nhẹ thì lăn xuống mương còn mấy đứa nặng thì cứ nằm ỳ ra đó mặc cho lính tới, giết, tha, nhưng tụi nó không giết mà lại bỏ lên trực thăng chở đi. Sau trận pháo, tụi còn lại tiếc ngẩn tiếc ngơ: "Phải chi mình nằm cho nó bắt đem về Sài Gòn". Anh Hai ơi! Em về tới đây coi như mẹ đẻ ra em một lần nữa. Anh nghĩ coi trên bờ thì pháo, bom, bộ binh, ngoài đồng thì Thủy Quân Lục Chiến, dưới sông thì tàu. Mạnh thằng nào nấy lủi. Ra đồng thì bị "cá rô" rỉa, "cá nhái" chụp, chỉ còn có cách nhảy xuống sông lủi vô lá dừa nước, ô rô, cóc kèn. Thằng nào bơi qua sông được thì bò lên tìm đường về. Còn bao nhiêu thì đi tắm biển lặn luôn. Em không hiểu sao em về được tới đây? Từ dưới Rạch Bà Hồng mà về tới đây mất hai tháng trời, chết nhiêu chết, mạnh thằng nào thằng ấy tìm đường sống. Gặp mặt nhau không dám nhìn. Nhìn không ra cũng có, mà vì xấu hổ cũng có.

Tôi hỏi:

- Còn thẳng Bảy Thành quân y sĩ đâu?

- Để anh bắt nó trở xuống hả? Anh xuống dưới hỏi bà Thủy thì biết.

Tôi sốt ruột, đau lòng quá gắt ngang:

- Thôi để tao đi. Mày về lẹ đi!

- Em đợi anh về dự đám cưới em nghen!

- Ừ, chờ tao về dự.

- Em nói thiệt. Cái ruột tượng này của thằng nào bị pháo bắn chết. Em chạy ngang tưởng ruột tượng gạo nên quơ lấy chẳng dè không phải gạo.

Tôi xua tay:

- Tao biết mày rành quan điểm quân đội nhân dân lâu rồi.

Bính còn bỏ câu thoòng:

- Toàn "Xây Có - Ôtômalắc" không hè anh Hai. Thứ này ngâm nước một ngày vớt lên cây kim gió vẫn búng búng như thường, coi thiết đã!

- Sao mày biết rành vậy?

- Ông già câu tôm lột được một cái trong tay thằng chổng ổng nói vậy đó, chứ hồi nào tới bây giờ em có đeo đồng hồ đồng biếc gì mà biết?

Rồi Bính rỉ tai tôi:

- Em Nê lúc này coi mởn ra! Bộ không muốn làm "dũng sĩ" nữa sao theo cận vệ... ệ cho anh Hai vậy? Anh có chích "Bi" cho em chưa? Hé hé... hé!

- Mày nói bậy đó.

Trông mặt nó vừa đểu vừa hài quái dị hết sức.

Bính cười khe khẻ rồi chổi gậy đi theo đoàn, còn ngoảnh - Từ đây về tới Sa Nhỏ cũng mất ba ngày. Em về tới là đi nói con Ba Xưa ngay.

Tôi bước lại ôm hôn nó như hôn một đứa em. Không muốn rời nhau. Trời ơi! cái thằng Bính là thằng Bính.

Bao nhiêu năm nay tôi chỉ huy nó nhưng không nói chuyện tâm tình với nó bao giờ. Kể từ cái ngày tôi mới về Củ Chi chưa nhậm chức tước gì, gặp nó ở chuồng trâu nhà con Năm Biền con Sáu Trong, ăn tóp mỡ nhậu với ớt hiểm rượu trắng cay xé môi. Nó cứ uống ồng ộc. Kiểu ngồi của nó không khác Trần Bá Xoài và Hoàng Thọ. Thời đó nghe đồn nó cũng có ngấm nghĩa con bé chủ quán. Nhưng con nhỏ chê nó cù lần. Rồi thôi không nghe nó ve ai nữa. Cái kiểu ve gái của nó thô kệch lắm nên không cô nào ưng. Cho tới bây giờ cũng bằng tuổi tôi, nhưng tại nó kiến tôi là anh cả nên tôi coi nó là em, chớ em gì mà em!

Nó cứ ôm tôi không chịu buông ra. Chưa bao giờ tôi run từng miếng thịt như hôm nay. Thằng Bính mà khóc thì trời sập đến nơi rồi. Nó nhổ cái mặt nó ra khỏi vai tôi và nhìn tôi bằng cặp mắt đẫm ướt:

- Bây giờ anh bảo em làm gì hả anh Hai?

- Mày là chỉ huy làm sao coi cho được thì làm.

- Theo anh thì anh làm sao?

- Đánh nữa, chớ chạy à? Mỹ Ngụy nó cười cho thụt sịnh.

- Em biết. Nhưng lính đâu còn đứa nào. Em đâu biết ai chỉ huy em. Đánh mục tiêu nào? Liên lạc bằng gì. Chiến thuật tiền pháo hậu xung hay bộc phá khai khẩu? Mấy đứa này nó kháo với nhau em nghe được, em la chúng nó.

- Kháo thế nào?

- Nhất "xẩy cồ" nhì "xị dện" 1

- Nói bậy. Thôi đi đi!

Bị tôi quát mấy lần, nhưng thắng Bính chưa chịu đi. Đám thương bịnh binh của nó đứng, ngồi, nằm, dựa gốc cây tự nãy giờ không biết nghĩ gì khi nghe hai ông chỉ huy nói chuyện với nhau.

Tôi thấy cũng xấu hổ không kém thằng Bính, như chính mình cũng chuồn thục mạng từ Sài Gòn về đây vậy. Nếu tôi cùng đi với Tư Nhựt kỳ đó thì chưa biết bây giờ tôi ra sao? Tôi biết chúng là lính miền Bắc. Có đứa xâm trên tay trên ngực câu "Sanh Bắc Tử Nam" bây giờ áo rách lòi ra, tôi mới thấy dòng chữ ấy. Trước kia có nghe nói chớ chưa thấy hiện thực.

Chúng không cần giấu giếm, nhưng một khi nó đã lòi ra, như cái mặt nạ rơi xuống, cái mặt thật lòi ra, thì không che đậy nữa. Có che thì người ta cũng thấy rồi.

- Các em ờ tỉnh nào?

- Dạ chúng em ở Ninh Bình, Hà Nam, Bấc Ninh... có đủ

- Có em nào ở Hà Nội không?

- Dạ có hai thằng. Một thằng chết ở Rạch Tra, còn một thằng bị thương gãy xương đùi, không đi được còn nằm ở đằng sau. Chắc không sống nổi. Chúng em đã khiêng nó mấy tháng nay. Vừa rồi nó không cho khiêng nữa. Nó bảo chúng mày về đi. Tao sống cũng chỉ vài ngày nữa là cao...

- Em học lớp mấy?

- Dạ lớp mười ba.

- trường nào có lớp kỳ vậy.

Một cậu đáp thay:

- Mười ba trừ mười đó thủ trưởng.

- Ừ, cũng như các anh tập kết. Trừ 10. Thí dụ 35 trừ 10 còn 25 tuổi.

Tôi cố pha trò đánh tan cái không khí bi đát nhưng cái cục "bi" quá to, cái chất "hài" còm quá không xoi thủng mà cũng không gặm mòn nổi, nên đành móc túi lôi ra một nắm bạc, dúi cho cậu bé:

- Chia nhau mua thuốc hút.

Trời! gặp thương bịnh binh mà chỉ cho tiền mua thuốc hút. Có thằng chỉ huy nào dã man tán tận như tôi không. Nhưng tôi còn gì khác để cho chúng. Thằng Bính dập chân, giơ tay chào tôi theo kiểu chánh qui. Tôi không biết nó chế diễu tôi hay kính trọng tôi. Thôi, đằng nào thì cũng được.

Cuối năm đó, lính Mỹ chốt Rạch Kiến. Bính chỉ huy một tiểu đoàn lính mới nhập ngũ và lính Bắc, được lịnh trên phải nhổ chốt. Bính tử trận cùng với hơn một trăm lính thương vong, lúc vừa cưới được vợ. Đem một D qua sông Sài Gòn đánh Rạch Kiến rồi không về với vợ nữa. Nào ai biết được trong túi áo túi quần của chàng dũng sĩ Sài Gòn có tấm ảnh người yêu hay không? Ôi tình ái! Kẻ nhảy ra người nhào vô!

Chúng tôi đi tới Bến Đá thì mặt trời vừa sụp. Tôi bảo đám trẻ:

- Tụi bây có tắm thì tắm đi.

Thằng Tiễn nói:

- Nước sông mênh mông, có bấy nhiêu "bò" nhằm gì!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx