sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 99: Nấm Mộ Hồng Nhan Bạc Mạng

Mấy đứa nhỏ nhảy tưng mừng rỡ. Còn tôi thì tìm gốc cây ngả lưng. Giờ này không có biệt kích và máy bay, chỉ sợ pháo thôi.

Trước kia đây là vùng trù phú đông đúc dân cư. Từ Bến Đá chạy dọc sông Sài Gòn đến Bến Dược, chiều chiều tài tử giai nhân dập dìu.

Áo màu quần lãnh chen nhau đi tìm anh bộ đội. (Tìm chồng giữa chốn ba quân). Còn anh bộ đội cũng thả bộ đi quán tìm người quen (tìm vợ chợ đông). Lính thì cuốc bộ, cán nhỏ cũng đi lô-ca-chưn. Cán lớn thì đi xe đạp, lưng nịt "cun", hai vai nặng gánh non sông: một bên xắc-cốt, còn bên kia đài hát ví von.

Đêm xuống, quán đốt đèn khí đá sáng lóe từng vùng. Cà phê hủ tiếu y như Sài Gòn, nào thua ai. Dưới sông thì tàu đò mỗi ngày một chuyến chạy từ Dầu Tiếng đến chợ An Nhơn. Hành khách nườm nượp. Mấy ông giải phóng mượn đầu heo nấu cháo vác cờ xanh đỏ nhảy xuống tàu trương lên để chụp hình đem ra khoe với quốc tế rằng miền Nam đã giải phóng ba phần tư đất đai, bốn phần năm dân số. Nếu bảo thầy kiện là loại người bán nước bọt ăn tiền, thì tên Nguyễn Hữu Thọ là tên bịp nhất thế gian. Không ai lừa được cả thế giới như xừ đó. Chính cái danh hiệu rởm của xừ đã lừa cả thế giới. lich sử cổ kim chưa ai hơn xừ về ngón bịp.

Thời đó bà Năm Đang tiếp thằng Bọ Chét nhà báo "quốc tế", vô quay phim "đấu tranh chính trị". Tên lưu manh đội lốt nhà báo này đòi "nếm mùi Củ Chi nguyên chất" không chịu dùng "áo mưa". Bà Năm và Tám Quang cũng phải chiều ý hắn. Nạn nhân là một cô gái. Sau vụ đó cô nàng xấu hổ bỏ ra thành mất tích luôn đến nay. Cô bé Hương quân nhu nay ở đâu? Hãy hô to lên "Hồ Chủ Tịch muôn năm" thêm lần nữa. Bây giờ, chỉ ba năm sau, Củ Chi đã trở thành cái mặt trống thủng đánh không kêu. Tôi ngồi hút thuốc miên man nhớ lại dĩ vãng yêng hùng thì bỗng thằng Đá chạy lên mặt mày hớt hải:

- Anh Hai, anh Hai xuống coi cái này nè

- Cái gì vậy! -Tôi bật dậy đi theo thằng nhỏ- Lại bò?

Đến mé sông, Đá chỉ tay về một lùm cây sà ra mé nước. Tôi nhìn theo, xa xa thấy một vật phập phồng vướng vào một nhánh chà ở ven bờ không trôi theo nước được. Hai thầy trò bèn đi dọc ven đất, rẽ lau sậy đến chỗ đó. Nước vỗ lách tách mé bờ. Một mùi thum thủm len trong không khí.

Tôi chưa kịp nói gì thì thằng Đá đã sụt lùi và la lên:

- Thằng chổng nữa anh Hai! Thằng chổng đàn bà! -Nó nói tiếp- Anh không thấy tóc dài xấp xài chung quanh nó đó sao anh Hai?

Tôi thấy chớ sao không thấy, nhưng bụng không muốn nói ra. Những mớ tóc đen phập phều chung quanh cái xác như những lá hẹ dưới ruộng sâu. Bất giác tôi bảo:

- Mày trở lại kêu con Nê với thằng Tiễn mang ba lô lại đây.

Chúng nó đến. Tôi nói như ra lệnh chiến đấu:

- Mở bòng lấy võng ra. Hai đứa tụi bây căng hai đầu. Lội xuống. Còn con Nê đi đốn một cây đòn đem lại đây mau.

Thằng Đá thằng Tiễn hạ võng xuống, múc cái xác lên võng.

- Thúi quá anh Hai!

Cả hai vừa thi hành lệnh của tôi vừa quay ra nhăn mặt. Tôi đốt cắm vào miệng mỗi đứa một điếu thuốc cho khói thuốc báng mùi hôi. Khi rề được cái xác vào bờ, tôi mới chắc chắn đó là một đứa con gái, với mớ tóc dài vắt lòng thòng bên mép võng. Chắc là nữ dân công hay thanh niên xung phong gì đây, chớ đàn bà có đi đâu mà chết chìm vào lúc này?

Con Nê chặt được cây đòn mang tới. Hai đứa bé khiêng cái võng lên lộ. Tôi bảo con Nê chạy theo gọi hai trinh sát tiền tiêu trở lại.

Sẵn cuốc Mỹ trong lưng, chúng tôi chôn cái xác ở ven rừng, đắp nấm làm dấu rồi nhảy xuống một cái hố bom đầy nước bên đường tắm sơ.

Xong lại tiếp tục hành quân.

Tối mịt mới đến căn cứ của Năm E, quận đội trưởng. Năm E không còn giữ nổi cơ sở của Tám Dò. Từ khi Tám Dò bị pháo chết, căn cứ của y cũng bỏ hoang. Năm E tạt xuống Phú Hòa Đông ở đậu với Sáu Hùm. May nhờ một du kích lạc bầy đã từng học bắn cối với tôi trước kia dắt vô tận nơi, chớ nếu không thì đêm nay chúng tôi không biết ăn quán ngủ đình nào. Anh ta bảo:

- Đây là hang của Sáu Hùm. Còn ông Năm E độn thổ nơi nào tôi không biết.

Nói xong anh ta rút lui.

Vợ Sáu Hùm là cô Bảy Bánh Ú thấy chúng tôi đến thì vừa mừng vừa sợ. Mừng là vì được gặp bộ đội còn sợ là sợ bể căn cứ của chồng mình. Xin nhắc sơ qua tiểu sử của đôi uyên ương ở hang này một chút. Sáu Hùm là xã đội trưởng Phú Hòa Đông, em ruột của Năm Hổ xã đội trướng Trung An. Hai anh em đều chịu chơi. Từ ngày làm xã đội trưởng Sáu Hùm chứng tỏ rằng mình rất am hiểu chiến lược của đại tướng Sáu Di "nắm thắt lưng Mỹ mà đánh", bằng cách đào hang thật sâu và ăn ở đâu không cho ai biết. Thành tích nổi bật nhất của anh Sáu là tiếp sức với Năm E cõng ông Chín Vinh qua cầu Rạch Cây Da để đi xuống Sài Gòn, nhưng chưa tới nơi thì bị pháo bầy bắn, ông Chín hùng dũng ra lệnh cho cõng ông quay lại để ông trở về Long Nguyên giải phóng Sài Gòn. Lúc đó tác giả của chiến lược "nắm thắt lưng"... đã bị cây chọi bể sọ rồi. Tôi không nhớ rõ ngày tháng chỉ nhớ là Sáu Hùm có thuật lại cho tôi rằng trong lúc ngồi trên lưng Sáu Hùm, ông Chín Vinh có hứa rằng khi xong trận này, ông ta sẽ đề bạt Sáu Hùm lên tiểu đoàn trưởng. Sáu Hùm kể lại chuyện đó với tôi không phải để nhắc lại lời hứa của ông Chín, một lời hứa rất dễ nói ra những cũng rất dễ quên khi hết xong rồi việc, mà là để tự mỉa mai mình. Sáu Hùm nói: "Anh Hai nghĩ coi, ba thằng du kích của em, em còn không chỉ huy nổi, làm sao em nắm một tiểu đoàn? Trời! em thấy anh chỉ huy đánh mấy trận Suối Cụt, Thái Mỹ, Bàn Điều. Củ Chi, đánh tám chiếc xe tăng ở ngay cửa Đồng Dù em ớn xương sống. Em có đầu thai ba kiếp cũng không làm được như anh...". Cho nên Sáu Hùm an phận đào hang trốn thật kỹ. Từ lúc cưới cô Bảy Bánh Ú thì Sáu Hùm càng chơi kỹ, ít ai thấy mặt hắn vào ban ngày.

Còn cô Bảy trước kia là dũng sĩ của đội Bảy Mô. Vì trong nhà gói bánh ú bán kiếm sống nên có danh là Bảy Bánh Ú. Lúc đó Tư Gừng và Năm Cội đang nổi danh là dũng sĩ diệt xe tăng đã từng lên R lãnh huy hiệu do chính tay Sáu Di trao tặng năm 60, 61 gì đó, cùng lúc tôi làm anh hùng giả thay mặt cho đoàn 69 của Huỳnh Thành Đồng. Khi mới về Củ Chi tôi thường xuống đây để xem qua tình hình chiến đấu. Rồi khi ra chỉ huy D1 thì thường liên hệ với các xã đội để nhờ giúp đỡ mọi việc. Tôi gặp Sáu Hùm trong một cuộc họp, sau đó, liên hệ công tác giùm. Rồi Hùm nhờ tôi mai mối cô Bảy. Chính tôi đã nối sợi dây tơ hồng cho hai người và xuất cả tác chiến phí cho hai người làm đám cưới. Cho nên bây giờ cô Bảy mới vui vẻ tiếp tôi, chớ ông lớn nào cô cũng không cho tới đây. Nếu ai có hỏi "anh Sáu bầy trẻ" ở đâu thì cô chỉ đáp: "Không biết". Gặp mặt tôi, cô Bảy trêu ngay:

- Cô Kim Anh đâu còn ở đây mà anh Hai xuống tìm?

- Cô Kim Anh nào?

- Anh mau quên vậy? Nhà cô ở đằng sau kia.

- À... à tôi nhớ rồi.

Hồi đó lính mình kéo đi đánh Paris dân Quy có ghé ngang đây. Cô Kim Anh thấy tôi say rượu bèn đem về nhà "cạo gió"... tôi hỏi:

- Sao không thấy nhà cổ?

- Cổ về thành lâu rồi. -Cô Bảy sốt sắng Mời anh Hai vô nhà em. Đứng ở ngoài lâu không nên. Giác này tụi Trung Hòa thường thụt chận đầu mình đi lên đi xuống Sài Gòn.

Biết ý cô Bảy sợ hầm chật, người đông, nên tôi bảo tất cả tản khai phòng ngự hễ có địch thì tự động nổ súng! Chỉ để cô Nê và hai đứa nhỏ ở lại phụ với cô Bảy nấu cơm thôi. Chừng nào chín, kêu lại ăn. Cứ y lời mà thi hành.

Hang uyên ương của cặp vợ chồng này cũng tươm tất lắm. Có lót ván, có ngách đầy đủ, nhưng nếu có biệt kích nó ném lựu đạn xuống thì làm sao? Tuy sợ cũng phải vô hang chớ đứng xớ rớ ở ngoài rủi trái pháo nào nổ một phát thì hết có "xuống dường", lên đường gì ráo.

Cô Bảy cũng còn giữ tác phong dũng sĩ:

- Vườn cao su bây giờ bị xe tăng ủi sạch. Nếu xe tăng tới thì anh cho nổ súng rồi chạy băng qua đường 15 xuống căn cứ của anh Sáu làm ở dưới mà sông. Còn địa đạo thì lâu rồi không có xài, mà em cũng không biết miệng nó ở chỗ nào. Anh chịu khó chờ anh Sáu em về, ảnh sẽ báo cáo với anh.

Bỗng thằng Đá nói với tôi:

- Anh Hai à, lúc nãy em định tìm một tấm gạch bể để làm mộ bia cho người ta mà không có. Bây giờ để em hỏi lại chị Bảy có miếng ván nào cho em xin một miếng để em trở ra cắm đỡ, chớ nếu không làm dấu, chỉ vài trận mưa là mất nấm, còn tìm sao được?

Cô Bảy nghe vậy bèn hỏi phăng tới:

- Mộ ai vậy anh ai?

- Tôi cũng không biết là ai. Đang tắm, gặp thì vớt lên chôn.

Cô Bảy rùng mình, lắc đầu:

- Cả tháng nay anh Năm E xả đáy chớ đâu có đóng nữa.

- Sao vậy?

- Ai dám ăn cá tôm mà đóng? Với lại... nó "vô" có mà bỏ luôn cả miệng đáy.

- Vậy bữa trước ảnh đem lên cho tụi tôi cả bao khô cá kèo. Tụi tôi đãi mấy ông R nhậu ngọt xớt có sao.

- Đó là lúc chưa xuống đường. Còn bây giờ thằng chổng nhiều quá hè. Tôm càng xanh mà em cũng không dám ăn.

- Ăn thì ăn chớ sợ gì, cô Bảy. Bộ Sáu Hùm cũng sợ nữa sao?

- Ảnh với anh Năm E cũng nhậu cầm chừng chớ không dám ăn mạnh miệng như trước.

Bỗng thằng Tiễn đưa cho tôi hai miếng giấy. Tôi hỏi:"Giấy gì?". Nó nói:

-Ttrong túi áo thằng chổng có cái gói này. Khi chôn, tụi em lật ngửa lại mới thấy. Đúng là con gái mặt trắng bệch, hai con mắt bị cá rỉa mất, sâu tun hút.

Thằng Tiễn bịt mũi lắc đầu. Tôi kê vào ánh đèn đọc.

Chữ đánh máy còn đọc được. Chữ ký tên bằng mực nguyên tử hơi nhòe nhưng tôi nhận ra là chữ ký của Bẩy Gấm quận đội Gò Môn và của Hai Phái, chính trị viên E. Cô bé tên là Nguyễn Thị Xuân 20 tuổi, cứu thương. Một quyết định đề bạt cô lên A trưởng. Còn một cái thì lên B phó. Xem xong, tôi hỏi cô Bẩy:

- Cô có biết cô bé nào tên Xuân, cứu thương quận đội không’?

- Có em biết con Xuân lâu rồi. Nhiều ông cán đeo nó lắm, nhưng nó còm ham tiến bộ, không muốn lấy chồng. Nó đang ở dưới quân y ông Tư Giám. Nó được đề nghị cho đi R học lớp y tá nhưng ở trên không cho vì thành phần không cơ bản. Chịp! con nhỏ chết mà khôn thiệt. Nó hết đường quay về quê quán. Nhà nó ở xã này nè anh Hai. Nhưng cha mẹ nó ra ngoài thành hết rồi.

Tôi bảo:

- Cô tìm cho tôi một tấm ván chắc chắc để tôi khắc tên nó chút.

Đây là lần thứ hai tôi khắc mộ bia. Lần trước cách đây sáu năm, tôi khắc trên đá bằng con dao cùn của hợp tác xã Hàng Bạc rèn. Anh chàng lính quê ở Hải Dương có vợ, ba con, tên là Hoàng Đình Khiếu, vừa mới lãnh được gạo anh ta ăn no quá mà bể bao tử chết. Trong lúc tôi cũng kiệt sức mà cái tên anh ta dài cả cây số, phải chi anh ta tên là Võ Văn Tư, TôVăn Ba ngăn ngắn thì đỡ cho tôi biết bao.

Bây giờ lại khắc tên làm bia cho nữ đồng chí.

Tôi lấy mũi dao khắc trên gỗ rồi lấy than củi vẽ theo nét khắc cho rõ dễ đọc chớ sơn cọ đâu có sẵn mà vẽ vời cho đẹp. Thôi như thế cũng được. Còn hơn Hai Phái và Bảy Gấm chết ở đâu ai mà dựng bia? Té ra ba người: Một người được lên chức và hai người ký tên quyết định đề bạt đều không còn trên cõi đời. Tôi đưa tấm gỗ vuông dài, có lẽ là một tấm ván lấy từ một nắp hầm cũ, mang tên Nguyễn Thị Xuân, cho thằng Đá, bảo:

- Mai tụi bây trở lại cắm dùi lên mộ nó làm phước. Rồi đến tao và tụi bây... sẽ có người khác làm cho.

Vừa đến đó thì có tiếng chân. Tôi nhìn cô Bảy. Cô Bảy biết ý nói ngay:

- Anh Sáu em với anh Năm E đi đón thương binh về đó.

Năm E và Sáu Hùm vừa đi vừa nói chuyện rù rì. Tôi ló đầu ra khỏi miệng hầm kêu:

- Năm E, Sáu Hùm! Hai Lôi nè!

Trời đã tối. Hai cái bóng dừng lại trước cửa hầm. Sáu Hùm la lên:

- Anh Hai hả?

- Ờ, tui đây.

Năm E vác cặp dầm đen đút vô bụi rồi hai người xuống hầm. Thằng Đá và Thằng Tiễn thấy hầm chật nên vọt lên trên mặt đất.

Năm E lột cái choàng tấm bịt trên đầu lau mặt và hỏi:

- Bộ anh Hai đi xuống dưới hả?

- Ờ, tôi được lệnh trên đi xuống gom lính tản lạc lại để giữ địa bàn.

Năm E vẫn lau mồ hôi:

- Hồi trước, ở trên bảo "yếu tố bất ngờ" rất quan trọng. Bây giờ đâu còn yếu tố đó nữa anh Hai!

Năm E không có học võ bị võ ban gì như tôi, nhưng qua những năm lặn lội ở Củ Chi anh cũng sáng dạ về quân sự. Nghề dạy nghề mà! Nên khi nghe anh nói câu đó, tôi mới sực nhớ ra. Ờ, "cái yếu tố bất ngờ" rất quan trọng này nay không còn nữa. Địch chẳng những đã phòng thủ mà còn phản kích. Củ Chi sẽ trở thành tiền tuyến chớ không phải là trung tuyến nữa. Bây giờ đem cả D7 xuống Sài Gòn, thì địch vào Củ Chi như vào chỗ không người.

Tôi ngập ngừng một giây rồi đáp:

- Chắc ở trên đã có chủ trương rồi, mình cứ thi hành lệnh thôi.

Năm E không phang ngang mà chỉ nhỏ nhẹ:

- Thương binh họ khóc lóc quá tay. Họ nói chờ tiếp viện.

Tôi tạt ngang:

- Coi chừng bao nhiêu nữa?

- Không biết bao nhiêu anh ạ. Tụi tôi đến bờ rạch cây Da, rước được bao nhiêu thì rước chớ đâu biết còn hết bao nhiêu? May quá! Bữa nay tôi định tấp vô ở với Ba Cà để nhờ ảnh tiếp tay đi rước thương binh, những nhảy mũi mấy cái, tôi nghĩ bụng chắc ở nhà có ai tìm nếu vội về đây. Thì ra là anh. Anh có ý kiến gì giúp tôi không?.

Tôi ngồi lặng thinh. Ý kiến gì bây giờ. Chỉ cần di chuyển năm thương binh là tôi phải dùng cả một B trinh sát chiến đấu của tôi rồi. Khiêng đường bộ phải mất bốn người một võng.

Năm E tiếp:

- Còn số thương binh nặng như bị thương sọ não, gãy chân, vết thương đã có dòi, tôi cho nằm ngoài hầm kia. Nếu có xe tăng hoặc biệt kích thì làm sao mà cất giấu, anh Hai? Đây không phải nhiệm vụ của tôi, nhưng tôi ngó lơ không đành. Anh em toàn là người Bắc họ vô đây chiến đấu cho mình, hổng lẽ mình bỏ họ thì coi sao được? Họ đau có lẽ còn ít hơn tôi. Tôi không bị thương nhưng tôi đau vì những lời chửi bới của họ còn ác hơn bom đạn nữa đó anh Hai. Anh có gặp Tư Bính không?

- Có.

- Tụi tôi vừa rước một tốp của ảnh qua Vàm Rạch Cây Da đó. Ảnh vừa bị thương chân vừa bị thương đầu. Ảnh nói ông Tám Hà nào đó...

- Chánh ủy Bộ tư lệnh tiền phương đó anh Năm.

- Ổng bảo đứa nào tự lực được thì cứ đi về, chớ ở đây chờ không biết chừng nào mới có người rước Lệnh trên đã ban xuống như vậy nên họ cứ đi.

Trong đầu tôi là một mớ xà bần. Chiến đấu, phòng ngự, rút lui, gom tàn quân, đặt kế hoạch?... Nó sôi sùng sục không biết nên làm cái nào trước cái nào sau. Gặp đâu xâu đó.

Bờ sông Sài Gòn phải chăng là bến Ô Giang của tôi? Nhưng Hạng Võ còn có người đẹp bên mình để từ biệt trước khi tử chiến với kẻ thù, còn tôi thì toàn tiếng kêu la của thương binh. Sài Gòn ơi! Sài Gòn. Ngày xưa là cả một trời hoa mộng.

Xa Sài Gòn hai mươi năm, kẻ giang hồ này trở lại Sài Gòn bằng con đường huyết lệ. Hồi 1949 Trung đoàn 300 của Dương Văn Dương (Bình Xuyên) treo một trái thủy lôi to bằng cái mái đầm, neo giữa sông Lòng Tào cách sông Nhà Bè chừng 10 km. Chính nó đã nổ trong chiếc tàu Saint Loubert Bié trọng tải 10 ngàn tấn đang trên đường chở vũ khí ra miền Bấc.

Kế hoạch tác chiến là do Năm Lê (hiện là Tham Mưu Trưởng Quân Khu) soạn thảo và chỉ huy. Thật là một chiến công hiển hách đã làm cho quân Pháp kinh hồn. Một ông già câu tôm vớt được một xác Tây còn đeo cây Colt. Ông đem nạp khẩu súng cho bộ đội và nhận được tờ khen thưởng. Bây giờ những lão ngư ông trên sông Sài Gòn cũng vớt được "xác và súng"! Giang thuyền chạy trên sông như mắc cửi mà không có chiếc nào bị đánh chìm.

Thấy tôi ngồi lặng thinh hút thuốc, Năm E chuyển sang đề tài khác:

- Anh Hai định xuống Trung An?

- Xuống sâu nữa chớ ở Trung An mình đâu có với tới Sài Gòn!

Sáu Hùm chui vô ngách một lát trở ra với mấy hộp nho nhỏ:

- Anh Hai đã dùng thứ này chưa?

- Thịt hộp Mỹ hả?

- Thịt hộp nhưng của Trung Quốc. Còn đây là bột trứng gà ăn cũng được lắm!

Nói xong Sáu Hùm khui một hộp trút ra chén. Rồi nhúm một nhúm bỏ vào miệng rồi nốc trà chép chép, nói:

- Ngặt thiếu đường nên khó ăn! Mà làm đồ nhậu thì dính trong đốc họng nuốt không trôi.

Tôi không muốn hai người nói đến vụ xuống đường lên đường nên quay lại vụ cô y tá chết trôi. Năm E nói:

- Mình phải làm cách nào chớ để những bầy thằng chổng nước lớn trôi lên, nước ròng trôi xuống đồng bào nhìn thấy thất chánh trị lắm anh Hai à. Rồi sau này mình làm sao tuyên truyền chiến thắng được nữa.

Sáu Hùm chép chép miệng, hớp thêm ngụm trà để đưa mớ bột trứng gà xuống bao tử, rồi nói:

- Anh Năm đang chờ quyết định mới để thuyên chuyển công tác đó anh Hai.

Cả tôi lẫn Năm E đều chưng hửng, nhưng không hỏi.

- Quyết định gì?

- Anh sẽ về làm E trưởng "Cu 17" hay "Cu 18" gì đó.

Năm E gạt ngang:

- Thằng nói bậy không mày. Tao mà làm E trưởng thì nướng lính hết sạch.

- Vậy còn tôi làm D trưởng đó sao?

- Mày làm D trưởng thì thui còn mau hơn tao nữa.

Sáu Hùm cười nhăn bộ răng như bừa đen thui, xếu xáo:

- Vậy anh không nhớ ông Chín gì phong cho anh làm E trưởng còn tôi làm D trưởng à?

Năm E mới ngã ngửa ra:

- Cái thằng khéo nhắc chuyện đời xưa mậy!

Quả thật ông Chín có hứa với Sáu Hùm và Năm E như vậy lúc hai anh cõng ông ta "xuống Sài Gòn" chớ bộ tụi tôi ham làm "dê trưởng" sao!

Năm E hỏi tôi:

- Bây giờ ông Chín ở đâu rồi anh Hai?

- Ổng về đâu trên E tôi đâu có biết.

- Ổng làm gì, bộ lớn lắm hả?

- Phó tư lệnh quân giải phóng, chỉ huy hết ráo đám chúng mình đó.

Sáu Hùm bỗng cười ré lên rồi bụm miệng quay ra ngoài.

- Em nhớ chuyện cõng ổng qua Rạch Cây Da mà tức cười. Ổng giò dài, tay cũng dài nghều lại còn xách thêm cây cù ngoéo bằng mây. Anh Năm cõng ổng trên lưng mà giò ổng thì muốn đụng đất. Nếu ban ngày em có máy chụp hình em xin một "pô Tội nghiệp anh Năm thì nhỏ con lại chân ngắn. Giống như con nhái bén cõng con ếch bà. Em nghe ông nói rù rì với anh Năm: "Đồng chí rán lên rồi tôi phong cho đồng chí làm cán bộ trung đoàn, còn chú kia (tức Sáu Hùm) thì làm cán bộ tiểu đoàn." Anh Năm cõng ông lên cầu khỉ bị cái cù ngoéo vướng vô tay vịn nên cả hai té lộn nhào xuống mé rạch. Cũng may là không xốc cừ chớ nếu xốc thì đổ ruột cả hai người. Coi vậy ổng cũng tốt ống nói với anh Năm đừng phiền. Lỗi tại ổng chở không phải tại anh Năm! Qua khỏi cầu tới phiên em cõng. Ổng ngồi trên lưng em, ổng nhắc lại câu tấn phong đó. Rủi quá ông vừa nói xong thì pháo bắn một loạt rồi liên tu bất tận, nhưng em chưa chịu nằm xuống.

Sáu Hùm ngừng lại cười ngả nghiêng. Hồi lâu, lại tiếp:

- Đến chừng về nhà vợ em giặt áo cho em và hỏi: "cái mùi gì khai khai ngứ ngứ vậy?" em nói "mùi gì đâu?...À... mà em nhớ ra rồi.... Lúc pháo bắn loạt đầu hơi gần, lửa chớp, em nghe nóng nóng cái lưng, nhưng em không muốn vợ em đừng có bắt mò tới nữa nên nạt: Mùi gì đâu! Tại áo ướt không phơi cho nên nó khai vậy đó." Vợ em bị em nạt không dám hỏi tới nữa.

Cô Bảy nãy giờ đang nằm tránh trong ngách mới ló đầu ra nói:

- Ờ, vậy thì được chớ mùi đó của cô nào thì em truy kích tới cùng.

- Cô nào mà có mùi đặc biệt đó thấm vô lưng áo anh

- Bây giờ em mới hết thắc mắc. Nếu bữa nay anh không khui ra em còn nghi hoài.

- Lúc nghe nóng lưng em tưởng là bị thương chớ! Sau trận pháo, em mới biết là không phải!

Không muốn Sáu Hùm nói thêm làm mất uy thế ông Chín giò dài nên lảng sang chuyện khác, tôi hỏi Sáu Hùm:

- Chừng nào có xã đội con đây, hổng lo để ở đó nói chuyện bao đồng!

- Tới đâu hay tới đó anh Hai ơi. Em hỏi thăm con Tám Mang ở đâu để em dặn trước. - Cô ấy thường đi với bà Hai Xót, Năm Đang. Các bà cũng tạt ra vùng meo rồi. Đôi khi cổ đến Vườn Trầu. Em phải đưa vợ em ra ở gần đó chớ để chuyển bụng rồi đi sao kịp? Thời buổi này khó tìm ra người cõng. Còn cõng cóc chửa thì cõng làm sao?

Năm E vọt miệng:

- Chừng đó xã đội cõng "trái bầu"chạy ngang đuôi thôi. Hí hí hí. Cha chả, bị pháo bắn thì cái lưng cũng nóng hổi như qua Rạch Cây Da cho coi.

Cô Bảy vẫn còn ló đầu ra khỏi ngách, xía vô.

- Xí, em không có nhát vậy dâu anh Năm. Pháo, em đội mấy chục trận rồi mà.

Năm E lại tiếp:

- Ờ...ờ ờ, cô cứ nắm thắt lưng Sáu Hùm mà oánh! Hí hí hí...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx