sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 100: Sửa Soạn Đại Náo Củ Chi Lần Thứ Hai

Không phải hai vợ chồng Sáu Hùm và Năm E chơi cắc cớ. Nhưng chỉ còn có một cái hầm cũ nên hai cậu trinh sát thì ngủ ngoài miệng hầm, còn tôi và Nê thì ở trong. Võng trên võng dưới, cô bé mến tôi như "anh ruột" và tôi cũng đối xử cô như "em gái". Trời đất, thiên hạ đều biết mà.

Vừa vô hầm là pháo bắn. Tôi nhường cho cô nằm võng trên, nên cô lăn xuống. Không xuống đất mà lại lăn xuống võng tôi. Pháo nổ dứt loạt, cô bé không chịu trở lại vị trí cũ. Tôi phải giục mãi cô mới nghe lời. Không phải tôi là con người làm bằng sắt, nhưng tôi mệt quá không còn sức chiến đấu. Nếu tổng công kích trận này thì chắc phải bỏ mặt trận Sài Gòn. Sáng mai đâu có hành quân nổi. (Tinh thần trách nhiệm cao!) Cô em không chịu ngủ cứ trở mình. Tiếng chân chòi ny-lông khua như lửa cháy da, tôi bèn giả bộ ngáy. Tôi sắp thành thánh... chết rồi!

- Anh Hai ngủ hả?

Tôi càng ngáy to như xe nổ máy.

- Anh coi tim em nhảy phình phịch nè!.

Cái kiểu bị các em kêu "con tim" này, tôi bị nhiều lần rồi nên nằm im, không dám thở mạnh. Tôi cảm thấy người "gian" sắp mắc nạn. Ai có lâm vào cái cảnh này thì hiểu khó khăn của tôi. Phen này ông thầy pháo đành hạ mã.

Nhưng bỗng có tiếng kêu:

- Anh Hai! Anh Hai. Có thơ hỏa tốc.

- Đứa nào đó.

- Em, thằng Gàu và thằng Nùng.

Tôi biết đó là trinh sát, liên lạc của ông Tham mưu phó Năm Tiều nên lật đật ngồi dậy, đụng đầu vào lưng em mềm mềm. Tôi quơ tay tìm cây đèn pin. Một cậu chui tọt vào hầm móc túi đưa tôi miếng giấy bằng hai ngón tay tréo. Mắt nhắm mắt mở, tôi đọc:

Tôi bảo hai cậu bé:

- Tụi bây ra cụm rừng thưa kêu đám trinh sát của anh dậy.

- Dạ em kêu rồi.

- Lệnh gì thế, Gàu?

- Dạ tụi em nghe chú Năm dặn miệng, biểu anh về ngay gặp chú.

- Để làm gì?

- Dạ em không biết!

Chúng nó chạy tuốt, không nói gì thêm.

... Chỉ 15 phút sau trinh sát dẫn đầu, liên lạc tập hậu, cả đoàn phóng như bay trên vết chân cũ trở về Sa Nhỏ. Chuyện gì? Tôi nghi là ở trên đưa quân báo mật cho hay Mỹ sẽ càn vùng Phú Hòa Đông, nên kêu tôi tránh mũi nhọn của nó. Năm E và Sáu Hùm cũng di quân. Sáu Hùm dìu bà vợ chửa. Tôi thấy thảm quá bèn dừng lại móc một cái đồng hồ và một sợi dây chuyền của Tư Bính chia, đưa cho Sáu Hùm:

- Mày cất lấy nuôi vợ đẻ.

Rồi vọt nhanh tới trước bỏ hai vợ chồng hắn tụt hậu.

Về đến Sa Nhỏ mới 5 giờ sáng. Sương còn mù mịt trên ngọn tre đầu xóm thì nhưng mấy ngôi nhà hầm đã có ánh đèn nhấp nhoáng. Bên ngoài thì lính tráng nấu cơm bên mép chiến hào, võng, tăng giăng đầy đường đầy vườn. Tôi không biết là lính Q16 hay E268, lính R thì chỉ hai tụi đó thôi.

Tôi bước vào một cái chòi gần đó, thấy ba, bốn ông đầu bạc đang cắm xuống mặt bàn, nhưng có Năm Tiều nên quày trở ra. Có lẽ ông Năm phải nhường chỗ cho họ ở.

Ngoài đường, chỗ nào cũng có lính nhà ta, toàn mặc đồ cứt ngựa, bên cạnh họ dựng lển nghển B40, AK, RPD, toàn đồ mới. Nhiều ông mang "cun", sắc cốt đi đi lại lại, coi trời bằng vung. Thằng Tiễn càu nhàu:

- Mấy ông nội này chắc chưa bị chụp lần nào nên coi thường Mỹ quá! Họ phá nát cơ sở của mình cho coi, anh Hai!

Tôi cũng lo nhưng không nói ra. Đóng quân gom kiểu này nó cho nửa giờ pháo là tiêu hết, cần gì phải chụp?

Cuối cùng tôi gặp Năm Tiều. Ở trong nhà, ông già lúc nào cũng ăn mặc như chánh quy nai nịt sẵn sàng, súng K54 dây choàng tréo qua ngực chớ không đeo bằng thắt lưng. Bên cạnh đó bốn, năm ông chắc là chỉ huy của đơn vị kia.

Năm Tiều thấy tôi liền chạy tới nắm vai lắc lia:

- Tao tưởng tới xế mày mới về -rồi quay lại đám người kia- Đây là tướng tài của quân khu đây. Còn đây là Hai Trí.

Tôi chợt kêu lên:

- Anh Hai! Anh xuống hồi nào?

- Nghe cậu làm ăn đậu giàn xuống thăm.

Anh Trí -tục gọi là Trí O- thời trước là chính trị viên Đại đội 932 của D307 danh tiếng nhất Nam Bộ. Khi về Nam anh mang cấp bậc E phó nay nghe nói là F phó của công trường 5. Năm Truyện hy sinh rồi chắc ảnh đang làm F trưởng.

Một ông to béo đầu trọc bước lại gần chìa tay tôi:

- Hôm trước cậu sắp đánh Thái Mỹ tôi có coi buổi lập sa bàn. Tôi có hỏi cậu cầm cối có nặng không? Cậu lắc đầu nhớ không?

Năm Tiều tiếp:

- Đó là anh Năm Sĩ E trưởng E268 của F5, còn kia là Ba Lành chánh ủy E.

Tôi bước lại chào và bắt tay. Năm Sĩ khen tôi:

- Địa phương quân mà đánh cường tập rồi đánh tiếp viện hốt gọn chớp nhoáng trong vùng tiếp cận địch như vậy là giỏi lắm.

- Nguyễn Văn Tiên D trường 307 hồi đó đánh trận Phong Phú diệt một đại đội Lê Dương Pháp cũng nhanh như vậy thôi!

Hai Trí bổ túc lời khen của Năm Sĩ. Ba Lành lại tiếp:

- Cậu ta có cả một trung đội dũng sĩ anh hùng chớ không phải toàn miền Bắc chỉ có một cô Nguyễn Thị Chiêu.

Năm Tiều bảo tôi:

- Mày về bên má con Tiễn nghỉ đi, tao làm việc với mấy ảnh rồi sẽ truyền đạt lệnh mới cho mày.

- Chạy muốn bể bánh chè đó anh Năm!

- Thì có nữ cận vệ cận vẹo nên bể... ể chớ sao?

Hai Trí bước lại thân mật vỗ vai tôi:

- Cậu so với tôi hồi trước, trẻ hơi nhiều.

- Cũng cứng cạy rồi anh Hai ơi.

- Băm mấy?

- Băm "nhăm". -Tôi nói theo tiếng Bắc.

- Có chỗ nào chưa?

Năm Tiều tiếp:

- Có nhiều chỗ muốn nó mà nó không chịu nên cứ xách cặp dừa đi xuống đi lên hoài.

Tôi chào chung và bước ra. Nằm chưa nóng võng thì Năm Tiều sang. Anh bảo tôi mệt cứ nằm. Anh đứng nói chuyện với tôi:

- Ở trên lệnh cho D7 mày phải đánh quận Củ Chi trong vòng ba ngày.

Tôi đang nằm bỗng bật dậy kêu lên:

- Đánh Củ Chi?

Năm Tiều đè tôi nằm xuống và nói tiếp:

- Đánh xong trụ lại trong đó chớ không được rút như kỳ trước, nghe chưa em?

Nghe lệnh trên cái "sọ dừa" của tôi muốn bưng nắp.

Đánh Củ Chi và trụ lại trong đó. Một chuyện trời sập không bằng. Phen này thì lên bàn thờ!

Tôi nói ngay:

- Yếu tố bất ngờ đâu còn mà mình chơi bạo vậy anh?

Năm Tiều gãi đầu nhăn mặt:

- Lệnh là lệnh. Tao hổng biết -Rồi anh móc túi lấy giấy mở banh ra đọc- "Đánh trong vòng ba ngày B7 phải hạ cho được chi khu Củ Chi và trụ lại đó. Ba Xu ".

Tôi đang mệt nhừ và buồn ngủ nhưng nghe cái lệnh tôi tỉnh ngủ ngay và tường mình bỗng chốc biến thành miếng bông gòn trong gió, tưởng mình chiêm bao chiêm bị. Đánh sao được mà đánh? Cũng như lệnh đánh Sài Gòn vậy thôi.

Vua có quyền ban chiếu chỉ, thần dân có quyền chết vì vua.

Năm Tiều đưa tay rề chiếc ghế đẩu bên mép võng, ngồi xuống rủ rỉ với tôi:

- E268 kéo xuống Sài Gòn tới Xuân Thới Sơn bị pháo dập tiêu một D kéo về đó mày ạ.

- Sao ở trên không bảo họ đánh Củ Chi?

- Ai biết được!

- Anh làm ơn bảo mấy ông cho lính ăn ở vén khéo lại chút. Đầm già liếc thấy nó kêu pháo là đi một D nữa đó.

- Bây giờ chỉ còn hơn một D chớ đâu đủ hai D. Lính của Hai Trí sẽ bổ sung.

- Mình đang như gà ở trong cái thúng úp. Nó muốn bật ra vặt lông lúc nào cũng được.

Năm Tiều xua tay:

- Tao biết rồi, nhưng tác phong của họ còn chánh quy chưa thích hợp với Củ Chi mình đâu. Chiến trường sẽ dạy cho họ cách sống bằng cái chết! -Năm Tiều trở lại cái lệnh- chiến dịch này còn tiếp diễn toàn miền Nam. Trong nội đô vẫn còn lực lượng của ta. Ở ngoài này mình phải tấn công kềm chân không cho nó đem quân đến tiếp viện.

- Tụi lính Dù, Thủy Quân Lục Chiến mà cần bọn lính lãi Trung Hòa tiếp viện sao chú Năm?

- Một con đỡ một con chớ mậy.!

- Tôi đánh Củ Chi, ai kềm chế pháo Đồng Dù và Trung Hòa cho tôi?

- Cũng mày chớ ai.

- Còn E268 này

- Nó không trực thuộc tao.

Thằng Gàu chạy vô:

- Tiết canh xong rồi chú Năm!

Năm Tiều bảo tôi:

- Thôi tụi mình qua bến cưa với mấy chả vài khúc.

- Hai Trí không uống rượu đâu chú Năm. Tôi biết ảnh lâu rồi.

- Không nhậu thì đè đổ. Vô bàn nhậu thì bình đẳng sư trưởng sư phó gì cũng coi như lính thôi. Năm Sài Gòn (Năm Truyện) rửa chân lên bàn thờ sớm quá, mất bạn nhậu.

Tôi và Năm Tiều kéo qua. Hai Trí, Năm Sĩ và Ba Lành đang ngồi chờ.

Năm Sĩ vừa rót rượu vừa kêu: "Tuyệt! Tuyệt!"

Ba Lành nói theo tiếng Nam Kỳ:

- Xuống Hóc Môn tưởng đã hốt trọn ổ tụi nó về ăn Tết chớ! Ai ngờ bị tụi nó hốt. Thôi, không hốt kỳ này thì kỳ sau xuống hốt.

Hai ông Bấc Kỳ chịu chơi, cứ úp cạn gàu và rót liền liền. Năm Tiều có tánh thương đám cháu của anh (vốn là con của người anh ruột mới chết vì pháo) nên bảo tôi:

- Mày cho mấy dứa gác-đờ-co của mày ăn uống no không?

- Dạ có chú Năm.

Năm Sĩ hỏi:

- Gác-đờ-co là cái gì?

Hai Trí cười:

- Gác-đờ-co là cận vệ đó anh Năm.

Hai Trí ăn nói nhỏ nhẹ. Anh là người có văn hóa, từng học trường Tây Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho, đi kháng chiến từ 45. Cán bộ Nam lẫn Bắc đều nể anh có trình độ văn hóa, chớ không i tờ mà lãnh đạo.

Tôi rót nước mời anh:

- Anh không uống thì cũng thấm môi một chút cho đời lên hương ba ngày tết anh Hai.

- Uống vô chóng mặt lắm chú em.

Tôi nhìn anh, mái tóc hoa râm, gương mặt phong trần mà hiểu lấy cái thân phận nhà binh của mình. Hồi đó mình là B phó, ảnh là chính trị viên C, bây giờ ảnh là F phó mình là E trưởng. Thời gian đi nhanh như viên đạn lửa. Mới đây mà đã hai mươi năm, thanh niên trở thành ông già, trẻ con trở thành trung niên.

Năm Tiều trút cạn ly rồi nói:

- Củ Chi này đàn bà giá nhiều quá anh Hai. Nội mấy cái chòi chung quanh đây cũng có hơn chục nường rồi Còn tính cả Củ Chi có cả trăm.

Tôi nói:

- Trăm sao được chú Năm! Nội cái đợt anh Năm Sài Gòn về đây hồi 66 cũng đã để lại cả trăm trái bầu giống rồi. Người đi đâu có trở lại, mặc cho trẻ thơ khóc oe oe và thiếu phụ hóa đá vọng phu.

- Ba Lành, Năm Sĩ có muốn hát khúc "Chinh phu về" không?

Năm Tiều nói:

- Hồi đó đêm nào cũng thắp đèn măng sông hai ba cái đám cưới tập thể. Đây, kìa con Tư Thêm, chồng của nó là lính của anh Năm Sài Gòn đó, anh Hai! Đây là nhà của ba má nó.

Hai Trí nói với giọng buồn buồn. Mái tóc xám tro của anh có vẻ phụ họa theo:

- Xưa nay chinh chiến mấy ai về, anh Năm!

Năm Tiều cười khùng khục:

- Bởi vậy nên thầy Lôi bị đàn bà giá lẫn con gái cắt chỉ hè nhau tấn công mà nó cứ sụt cà lui hoài. Đánh giặc thì hùm hổ còn ái tình thì nhát như thỏ đế.

Hai Trí nói:

- Biết đâu nó cánh du kích anh không hay!

Năm Tiều quay sang Năm Sĩ và Ba Lành:

- Tụi tôi ra ngoài thì các anh tìm chỗ cho cấy rau muống. Bây giờ mấy anh vô đây tụi tôi tìm nơi cho mấy anh trồng dừa khô.

Năm Sĩ nói:

- Trồng dừa mắc gốc mắc rễ khó lắm anh Năm ơi! Bây giờ hạnh phúc nhất là nhậu tiết canh thôi.

Bỗng Hai Trí hỏi:

- Nhà Năm No ở gần đây không Lôi?

- Dạ, em nghe nói ảnh ở đâu bên xã Lộc Hưng quận Trảng Bàng. Anh ruột của ảnh là xã đội Ba Bụng, em có liên hệ công tác một lần. Em có hỏi thăm anh Năm No, nhưng anh Ba Bụng bảo: "Thằng No bây giờ đi cày ruộng, bồi vườn. Trời kéo nó cũng không trở lại".

Năm No là E phó công trường 9 của Sáu Khâm. Kỳ học lớp trung sơ cấp do Bùi Thanh Khiết giảng, tôi có gặp anh và nói về kỹ thuật bắn pháo cách nào để khỏi đấm lưng bộ binh ta. Sau đó Năm No bỏ về nhà luôn. Do tác dụng của pháo nhà đấm lưng quân ta chăng?

Hai Trí nói:

- Nó bị "bể" sau trận Phước Long. B52 đội điên đầu. Nó thoát chết và thề không đánh giặc nữa.

Năm Sĩ nói:

- Nếu cứ thất trận mà bỏ về nhà thì còn cán bộ đâu mà chỉ huy? Trận nào thất bại cũng không bằng trận đánh sân bay Cù Hanh của Ba Kiên hết. Ông ấy nướng trọn một D, chỉ còn sót một mình ông xách điếu về. Còn gần đây Hai Đồng Q16 nướng gọn một D ở Bàu Trân.

Để cho ba ông già cù cưa, tôi và Năm Tiều xin rút lui bàn kế hoạch đánh Củ Chi. Năm Tiều đang đi bỗng quay trở lại:

- Mày chờ tao chút để tao bảo thằng Gàu tìm cho mấy ổng cây cà nông.

- Cà nông gì mà thằng Gàu tìm chú Năm?

- Cái thằng không biết gì hết. Ra Bắc cả chục năm mà không biết các chả hút thuốc "nào" hay sao? Thuốc cây mấy chả chê, rít không ‘"nịm" cu xanh!

Củ Chi!

Củ Chi ơi!

Em là niềm hạnh phúc và nỗi khổ tâm của anh. Tên em là Đồng Lớn, Sa Nhỏ, Gót Chàng, Bến Mương, Gò Nổi. Em khoác áo nâu non thêu hoa lửa sẩm. Em đội sao trời chân mang hài ngàn dậm. Tay em lấp lánh uốn khúc như sông Sài Gòn và tóc em trải ra thành cuồng phong bão tố.

Anh yêu em mà em chẳng yêu anh. Em hay bắn pháo bầy quá hè. Làm đầu anh trọc lóc như gáo dừa. Em hay thả đầm già cá rô theo dõi bước chân anh, để chơi anh nhiều cú sanh tử. Anh cũng đáp lại lời tình của em bằng họng cối và B40. Em đứng thù lù một cục đó, hơi ngoài tầm cối 81 mà anh với mãi không tới để ru em trong vòng tay "yêm ấu" của anh.

Anh đã từng vào tận ruột em, đốt tóc, chặt tay em nhưng rồi em không sao cả, thói nào tật ấy vẫn còn nguyên. Em lại gầm gừ, em lại hò hét. Em làm anh mất ăn mất ngủ còn hơn trước. Em đẹp ra mơn mởn trong khi anh sụm dần dần.

Bây giờ anh phải đánh em. Đây là lần thứ hai, tình yêu thắm thiết nhé! Anh sẽ dâng trái tim lửa của anh cho em đun bếp thay củi già. Anh sẽ vào hôn em bằng cặp môi thép. Anh sẽ cười khoái trá bên xác em. Củ Chi ơi! Chúng ta như cặp tình nhân và đôi tình địch, yêu nhau mà không bao giờ hòa thuận với nhau. Em lấy cái chết của anh là hạnh phúc. Và ngược lại. Nếu nước còn chảy trên sông Sàigòn thì mối tình của chúng ta vẫn còn gay cấn hay ho hục hặc hoài hoài.

Tôi đang dẫm chân trên gốc rạ và suy nghĩ miên man theo kiểu ông bạn văn sĩ đã từng xuống đây viết về Củ Chi. Thì Năm Tiều cười hắc hắc.

Tôi quay lại hỏi:

- Gì vậy chú Năm?

- Tao thấy cặp "ống điếu của mày mà nghĩ đến cái thân già của tao. Nếu nó bằng gỗ lim thì chắc đã mòn tới đầu gối rồi. May là nó bằng xương bọc da. Mày nghĩ coi, mình đi từ Bắc vô Nam rồi từ R xuống đây mấy năm nay quần quật khắp vùng này chân cẳng nào chịu nổi.

Tôi nói:

- Mình về được quê nhà là may rồi chú Năm. Tôi chỉ tội nghiệp các cậu bé mười sáu, mười bảy tuổi, không biết con cái của ai nổi trôi lều bều trên sông Sài Gòn, rồi nay mai chìm xuống đáy nước, ai biết đâu mà tìm mà vớt. Xương cốt nó nằm chật lòng sông.

- Thì đi mần cách mạng phải vậy chớ sao mậy. Muốn sướng thì về nhà với vợ như Năm No kia cà.

Kế hoạch nào của D7 tôi cũng phải thông qua quận ủy và báo cáo với bà khu ủy Năm Đang. Đến nổi xuất quân tổng công kích mà sau khi đặc huấn lệnh của trung ương tôi cũng phải "Kính thưa khu ủy" trước quân hàng. Bây giờ tôi và Năm Tiều phải đến trình diện với bà Năm của tôi và chị Năm của Năm Tiều.

Đến địa điểm thấy cả một nhà chật nứt những tai tí mặt chuột địa phương. Một ông phỗng thịt cởi trần phơi tấm thân to béo đầu trọc như gáo dừa nổi bật lên giữa mấy người khác. Tôi nhận ra ngay đó là Sáu Huỳnh, phó ban quân báo khu và là đồng hương của tôi. Sáu Huỳnh cười cười:

- Tao tưởng mày dzô Sài Gòn luôn rồi chớ!

- Dzô rồi ra mấy hồi chú Sáu!

Sáu Huỳnh đưa bàn tay úc núc vò đầu tôi:

- Lúc này sao mày có vẻ "xuống" quá mậy? Bộ bị pháo Đồng Dù gọt há? Mày ra đây làm gì, có biết tao tới không?

- Tôi ra anh Ba Xuyên để nắm tình hình, chớ đâu có biết bệ hạ giá lâm.

- Tao biết mày sắp làm gì nên tới cho mày biết để liệu cơm gấp mắm nghe mày tụi!

- Mình đâu có "liệu’ được chú? Mắm và cơm ở trên đã đưa ra rồi, mình phải xực thôi.

Cả bảy người ngồi vào bàn. Sáu Huỳnh nói ngay:

- Tình hình ta địch mày biết rồi. Nhưng tao cụ thể hóa thêm. Hiện tụi nó đang mở chiến dịch phản kích lấy tên là "Quyết Thắng Operation" mục đích của nó là đuổi mình ra khỏi vùng tiền tuyến tức các xã chung quanh Sài Gòn, rồi truy kích tận trung tuyến như Củ Chi Trảng Bàng. Trung tuyến sẽ trớ thành vùng sôi động hơn tiền tuyến. Mày phải chuẩn bị đi! -Sáu Huỳnh tiếp- Để thực hành chiến dịch này hai bên Mỹ Việt tụi nó huy động những đại đơn vị sau đây: Bên phía Mỹ: Sư5, Sư9, Sư25. Bên Sài Gờn: Sư Dù, Sư Thủy Quân Lục Chiến, Sư 5. Cộng tất cả hai bên là 21 D Mỹ và 15 D Việt. Ở đây không có ai lạ, tao phải nói sự thực - E Quyết Thắng mũi nhọn, các D3, D4, ở Bình Tân, Nhà Bè, D Phú Lợi của Thủ Dầu Một đã mất danh hiệu hết rồi. Các ban chỉ huy không còn một ai. Hai Nan, Tám Hà bỏ về Sài Gòn. Tụi địch rải truyền đơn là đúng đó. Còn Ba Sinh tức Ba Ngọt mà mày kể cho tao biết là đã từng sang Lào đánh Nậm Thà đó, thì đã bị bắt ở Gò Vấp. Năm Sài Gòn, Tư Nhựt, Tư Chi, Tám Lệ tử trận ngay trong phút đầu tiên của đợt một. Mấy nguồn tin Sài Gòn, BBC, VOA đưa là đúng hết đó. Nhưng đài Giải Phóng của mình bác bỏ và nói lửa đang nổi dậy trong nội thành Sài Gòn. Mấy ông lớn bảo mày xuống đó gom đám tàn dư lại để giữ mặt trận Gò Môn. Nhưng không nên chủ quan nghe mày tụi.

Cả bàn hội im phăng phắc. Sáu Huỳnh nói tiếp:

- Tin giờ chót cho biết, D1, D2 đã rút qua bên này Rạch Tra, D4 đặc công còn lại bao nhiêu cũng đã rút. Củ Chi bây giờ củ chì thung đó nghe mày! Lần này nó dám chơi bom hơi ngạt lắm đó. Mà mình không có mặt nạ. Lúc trước nó còn kẻ ô phân biệt vùng oanh kích tự do, nhưng bây giờ nó cứ chơi xả láng. Dân chúng bỏ nhà chạy sẽ thán oán mình chớ không thán oán Mỹ.

Tôi ngắt ngang:

- Sao ông Bảy Dũng phó phòng chính trị xuống phổ biến cho D7 nói là đợt một mình đã đạt yêu cầu nên tiếp tục mở đợt hai?

Sáu Huỳnh tiếp:

- Ba thằng cha chánh trị thì lúc nào cũng thắng lợi cả. Miền Đông ta còn có thêm lữ đoàn 503 Mỹ, lữ đoàn 173. E4 kỵ binh thiết giáp, E11, E2 ngoài ra còn có sư đoàn 4 bộ binh. Còn gì nữa tao không thể biết hết được.

Sáu Huỳnh hớp trà rồi chấp môi tiếp:

- Mày ra Bắc mười năm, tao cuốc than Hòn Gai tám năm bây giờ tao biết ruột gan mấy cha "Phòng chánh trị" rồi! Nó hót mình nghe êm tai lắm, êm như B52 và pháo bầy vậy! -Sá u Huỳnh hạ giọng- Thôi có lệnh trên, mày cố liệu cơm gắp mắm.

Đến đây thì Ba Xuyên gọi cán bộ ra báo cáo tình hình. Cô gái tên Liên, chừng mười tám, mười chín tuổi. Cô được Ba Xuyên cho đi do thám dinh quận để phục vụ tin tức cho trận đánh của chúng tôi sắp tới mà Ba Xuyên tưởng cụm quân báo quốc lộ 1 phải cung cấp đầy đủ cho chúng tôi

Liên ra ngồi cùng bàn đối diện với tôi và tường thuật lại việc làm của cô:

- Em ở trên xe bước xuống và đi bộ lại trước cổng gác đường vào dinh quận. Một tên lính đang hút thuốc giụt cái tàn qua đầu em. Em la: làm gì vậy, bộ không thấy người ta hả? Tên lính cười trừ. Một tên khác buông lời chọc ghẹo "Em về nấu cơm kho thịt, chút nữa anh về ăn nghe em yêu rấu?" Em cười tình đưa đẩy rồi đi qua. Nó còn hỏi: "Em đi đâu đó?" "Người ta đến xin giấy tờ đi buôn chớ gì nữa. Xí, việc nhà mà cũng không biết". Rồi em đi thẳng.

Tôi hỏi:

- Em đã quan sát mặt đường số 1 và đường số 8 chưa

Liên đáp:

- Em vào xem dinh quận trước, rồi chuyến trở ra em sẽ xem mấy chỗ đó và tua mũi Chùa.

- Còn bót cảnh sát?

- Tụi nó ở đằng đầu kia. Dễ xem thôi. Để em sẽ báo cáo sau. Thế là em lọt vào khu dinh quận. Em thấy nó xây cất lại và thay đổi nhiều khu mới. Sau khi anh Hai đánh lần thứ nhất. Vô đây lại gặp lính gác. Em không biết làm sao đi vào đường hẻm để xem phía sau dinh quận. Đang đi bỗng em ngừng lại, dựa vào tường bên cạnh chiếc lô cốt có lính gác. Mặt em nhăn nhó, em ôm bụng rên rỉ. Tên lính bước ra hỏi: Cô làm gì vậy? Em đáp: "Em đau bụng quá trời. Ở đây có chỗ nào không? Anh cho em đi nhờ chút." Tên lính ờ ờ rồi bảo: "Lại đây tôi dẫn cho vô cầu chớ đi ngoài trống người ta thấy mông hết sao?" Anh ta đưa em vào phía sau dinh quận. Ở đây là dãy trại lính bên ngoài có bao dây thép và bùi nhùi. Tên lính chỉ: "Cầu đó cô nương. Đi mau mau nghe. Người lạ không được vào! Đặc biệt cho cô em đó!" Em vô cầu đóng cửa lại, bên trong sạch sẽ có nước dội nên em ngồi lâu để nghĩ cách xem tiếp. Một tên lính đi ngang. Không hiểu sao hắn dừng lại và bảo: "Lấy tờ giấy nè để chùi". Em bảo ném vô. Hắn vò lọn ném qua đầu cửa. Em ngồi một lát rồi trở ra. Thấy ở cửa nhà bên cạnh có bà già đang nhổ lông gà. Em bèn sà lại ngồi bên và nói:"Cháu hết đau bụng rồi". Bà già vui tính hỏi: "Cô đi đâu vậy?" "Dạ cháu đi qua chợ Bắc Hà nửa đường bị đau bụng may nhờ anh lính cho đi đây". Bà già nói tiếng Bấc, khoe con bà làm lái xe cho ông quận trưởng. Và bữa nay là đám giỗ bố nó tôi giết gà cúng mâm cơm. Thấy đứa bé ba, bốn tuổi đi lẫm đẫm em móc kẹo cho nó rồi đi ra phía chợ Bắc Hà.

- Trong dinh quận có gì khác? -Ba Xuyên hỏi.

- Vách tường nó xây mới tinh và bên trong có một hàng thùng phuy sơn trắng đổ đầy đất. Bên ngoài tường có dây chì gai hai ba lớp.

- Mấy lớp? -Ba Xuyên gặng hỏi.

- Dạ hai ba lớp không nhớ rõ là mấy. Đặc biệt có rất nhiều chó.

Tôi nói:

- Mấy lớp cũng được. Thùng phuy nó đổ đất đầy là để chống B40 còn sơn trắng là để mình chạy qua là lộ hình lên nó dễ thấy mà bắn.

Liên báo cáo mọi chi tiết thu nhận được rồi rút lui.

Tôi nói:

- Bố trí của tụi nó đại khái cũng thế, nhưng "yếu tố bất ngờ" không còn nữa, mình rất khó tấn công. Bây giờ nó phòng ngự cẩn thận hơn và sẵn sàng nghênh chiến. Yếu tố chó là rất quan trọng nghẹn chú Sáu!

Vừa đến đây thì có liên lạc của Sáu Huỳnh tới đưa thư. Sáu Huỳnh mở ra xem và nói với tôi:

- Thơ cấp trên mời cả mày nữa đó Lôi.

Năm Tiều hỏi:

- Có mời tôi không?

- Ông được miễn. Để tôi với thằng Lôi di dự về báo lại.

Năm Tiều mừng húm lật đật rút lui. Còn tôi và Sáu Huỳnh, Ba Xuyên vác ba toong đi họp. Tôi hỏi cấp trên nào? Sáu Huỳnh không nói chỉ giục đi nhanh lại nhà Tám Khen. lỏi nghĩ thầm: Tưởng tới nhà ai chớ nhà Tám Khen là trúng tủ ông Thiên Lôi rồi.

Khi bước tới sân nhà, tôi thấy bên trong đèn đuốc sáng choang và có tiếng người đàn bà cười nói. Vô tới cửa, nhìn vào trong tôi thấy hai ba người mặc đồ láng mướt quay lưng ra. Tôi chắc không phải vợ Sáu Huỳnh vì bà Sáu đầu quăn, còn mấy bà này thì bới tóc bí bo.

Sáu Huỳnh lên tiếng:

- Cấp trên nào đâu, ra cho thằng Lôi chào kính chút coi.

Sau một tràng cười khúc khích, ba bà đùn nhau ra khỏi bếp; Hai Xót, Năm Đang và Tám Phụng.

- Cấp trên đây chớ đâu. -Một bà nói.

- Mấy bà đời nào làm cấp trên... bọn tôi được. Chỉ kỳ nào tụi tôi mệt quá thì nhường cho mấy bà lên... trên thôi

- Quỷ nè, già rồi mà ăn nói không nề nếp gì hết!

- "Nếp, tẻ" gì chị Hai. Tui hỏi thật chị còn sầu riêng không?

- Nói xàm nữa đi.

- Có mấy "múi" chị cho thằng mắt toét cạp hết rồi còn đâu nữa.

- Thì cạp cái hột đỡ vậy!

Hai bà cấp trên đã sồn sồn nên ăn nói mặn miệng, còn nàng trẻ thì đứng úp mặt vô gốc cột để che bộ mặt chắc đỏ rần. Sáu Huỳnh chĩa mũi vào bếp hít hít và hỏi:

- Bữa nay làm gì mà thơm quá vậy hai chị?

Năm Đang nói:

- Tụi tôi ăn mừng chiến thắng trước cho Hai Lôi.

- Chớ không phải mừng cho nó khỏi xuống đường à?

- Tầm bậy, đi giải phóng Sài Gòn là vinh quang mà mừng vì trở về hay sao?

- Vinh quang sao mấy bà không đi?

Hai Xót gạt ngang:

- Thôi chị Năm! Nói không có lợi cái miệng ông Gáo Dừa đó đâu. Dọn cháo ra đi Tám.

Thế là tôi được đãi đằng bất ngờ. Năm Đang gắp cái đầu vịt bỏ cho Sáu huynh. Sáu Huỳnh biết bà Khu ủy chơi xỏ mình nên ông gấp cái phao câu bỏ vô chén tôi và nói:

- Tao biết mày thích phao câu. ăn một cái bằng mười chai Đại bổ thập toàn, chạy đua với "cá lô" dư sức.

Năm Đang hỏi tôi:

- Lâu nay có gặp con Lành vợ Tư Nhựt không anh Hai?

- Dạ không có gặp chị Năm à!- Tôi sợ bà Khu ủy bắt bẻ chuyện gì, nên tôi chối phéng đi.

Năm Đang tiếp:

- Nó đang tìm anh!

- Tìm tôi làm gì?

- Tôi không biết! Nó có đi mấy công tác tôi giao cho nó. Nhưng bây giờ nó không đi nữa. Hôm nọ tôi gặp nó bế con đi dưới nắng chang chang. Tôi hỏi nó đi đâu, nó bảo là đi tìm Hai Lôi. Tôi hỏi tìm làm gì. Nó bảo để nhờ Hai Lôi giúp một chuyện gì đó của Tư Nhựt trối trăn. Tôi cạch hỏi mấy lần nó cũng không nói.

Tôi hỏi:

- Nghe đồn chỉ điên có không chị Năm?

- Điên gì. Nó khôn tổ bà. Chỉ giả điên từng chập thôi. Gặp anh hổng chừng nó hết điên đó. Anh có biết vụ ông Bảy Ưng bị bò cạp chích không?

- À chuyện đó hả...? Tui không có nghe đâu!

Hai Xót vọt miệng:

- Bò cạp cái!

- Thôi thì nói phứt ra cho anh Hai với bà con mình biết để ông Bảy có đi rêu rao gieo tiếng xấu cho nó thì không ai tin. Số là như vầy. Lúc đó nó về tá túc với văn phòng E Quyết Thắng là đơn vị có nhiều cán bộ của Tư Nhựt chồng nó, trong đó có cả thắng em của Tư Nhựt là Năm Tân. Nhà chỉ có một cái hầm chủ nhà bỏ đi. Ban đêm bốn người ngủ trong đó. Vợ Tư Nhựt sợ con mình ngủ võng rồi đái trên mình mấy chú mấy bác nên hai mẹ con trải chiếu nằm dưới đất. Nửa đêm nó nghe tay ai bỏ xuống ngực nó. Nó giận quá bèn mò rút cây móc tai đâm cho một phát. Sáng ra không ai nói gì, nó cũng lặng thinh. Đêm sau một cái giò bỏ xuống đùi nó. Nó lại đâm cho một phát nữa. Cái gì kia cũng rút êm. Sáng ra ông Bảy Ưng nói bô bô cái miệng "Đêm qua tao bị bò cạp kẹp chân. Tụi bây có đứa nào bị không?" Vừa nói vừa xăn tay áo, và đưa chân ra khoe. Vợ Tư Nhựt làm bộ hỏi: "Sao nó không kẹp ai bết mà chỉ kẹp chú thôi chú Bảy?" Ai cũng biết tại sao nhưng vì ổng là thủ trưởng nên không ai dám nói ra.

Sáu Huỳnh cười hô hố:

- Thằng cha FM đầu bạc dở quá. Một là không biết o gái. Không nói gì hết mà bốc hết nên bốc nhằm bò cạp cái là phải. Hai là có lỡ bị chích rồi thì im luôn đi còn thanh minh làm gì. Càng thanh minh là càng thú nhận.

Hai Xót trừng mắt:

- Già rồi kinh nghiệm dữ a!

- Thì cũng như kẻ cạp sầu riêng, ai lại chẳng biết nó cạp, nhưng nó có thanh minh với ai đâu, phải không chị Hai bà chẻ?

Hai Xót yểu xiều quay sang rót rượu cho Sáu Huỳnh để đánh trống lảng. Sáu Huỳnh đưa cho Năm Đang bảo:

- Bà Năm hớp một miếng cho nóng máy nói chuyện với em út.

Năm Đang cười:

- Tôi uống có chuyện gì...

-... Thì thằng Lôi nó nâng... đỡ chị về nhà.

- Thiệt hôn anh Hai? -Năm Đang vừa nâng ly lên môi vừa nhìn tôi.

- Gật đi mày Lôi.

Tôi gật. Bỗng tôi nghe có bàn chân nào gác lên bàn chân tôi. Chả là bà khu ủy ngồi bên trái. Còn Tám Phụng ngồi bên phải tôi. Tôi ngồi tỉnh bơ. Sáu Huỳnh giục:

- Mày không giúp thì tao giúp bả đa nghen!

Năm Đang dẫy nẩy:

- Anh vợ con đùm đề còn đèo bòng! Hỏng sợ bò cạp chích sao?

Cái bàn chân nhỏ xíu mát rượi càng miết xuống bàn chân tôi. Tôi thấy hai gò má bà khu ủy ửng hồng không biết có phải vì hớp rượu kia không. Biết Sáu Huỳnh là tay bán trời không mời thiên lôi nên tôi muốn đánh lạc mục tiêu. Tôi nhắc lại vụ thằng chổng trôi trên sông và cô cứu thương chúng tôi vớt xác chôn bên ven rừng cao su.

Nghe tôi kể, Năm Đang hỏi:

- Anh còn giữ giấy tờ đó không?

Tôi móc túi đưa ra. Năm Đang xám mặt và gục đầu xuống bàn khóc hu hu.

- Trời ơi? Nó là cháu kêu tôi bằng cô ruột!

- Chập sau tỉnh lại bà Năm nghiến răng như cóc gặp hạn- - Họp khu ủy kỳ này tôi sẽ tố cáo thằng quận đội Châu Thái Hùng và thằng cha Bảy Ưng đã mò vợ đồng chí, tố cáo Bảy Tùng không cho cháu tôi đi học nên nó phải chết thảm thiết như vậy. Nó không chấp thuận vì con Xuân "thành phần không cơ bản". Tôi cũng là thành phần không cơ bản sao tôi đi theo cách mạng mút mùa. Gia đình tôi có nhà máy xay. Ông già tôi vừa gởi cho tôi một trăm ngàn đây nè. Tiền đó tôi có xài cho tôi đâu. Tôi nuôi mấy thằng cha khu ủy đó.

Bà Khu ủy càng nổi trận lôi đình thì cái bàn chân kia càng miết xuống chân tôi. Tôi không dám nhúc nhích. Sợ bả nổi lập trường phang tới tôi. Thấy bà khu ủy nguôi cơn giận, Sáu Huỳnh lại chuốc rượu:

- Chi Năm uống miếng nữa đi. Dụng tửu quân giải phá thành sầu. Hổng tin chị uống hết ly này chị sẽ quên hết u sầu rồi chị sẽ thấy cuộc đời nó tươi như hoa mua, hoa lục bình vậy, uống đi chị Năm!

Hai Xót cũng mời tiếp. Năm Đang quệt nước mắt trông rất thảm thương rồi ngửa cái cổ trắng mịn ngon như cổ vịt luộc ực hết nửa ly rượu. Đáng lẽ tôi phải về vẽ bổ túc bản đồ quận Củ Chi nhưng tôi bận việc khác.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx