sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 101: Những Kẻ Bắt Hôi Đìa May Mắn Hơn Chủ Đìa

Tôi xé thư của quận ủy Củ Chi xem:

Tôi đọc xong, sẵn Hai Khởi đứng bên cạnh, tôi đưa cho y xem. Y liếc nhanh rồi la om:

- Tưởng nhiệm vụ gì ai dè đi hôi đồ, tôi biết dư mà. Kỳ rồi nói đi thu thuế, nhưng có thu gì đâu. Chỉ đập cửa tiệm hốt đồ. Mình đổ máu cho mấy chả hưởng. Ai rảnh đâu mà yểm trợ bọn hôi đô. Họ hốt về quơ trọn chớ có phải quấy với mình đâu.

Tôi bảo:

- Thì mình cứ làm nhiệm vụ của mình. Họ làm việc của họ. Ai có trách nhiệm nấy.

Tôi nhìn ra vườn, thấy lố nhố du kích Đồng Lớn, Ràng, Đồng Hòa. Phước Thành, Phước Hiệp cũng có mặt. Hổng biết sao họ hay tin này? Như vậy thì đám vợ con lính cũng hay rồi. Làm sao mà đánh được. Miệng dân chúng truyền còn nhanh hơn tin điện.

Hai Khởi càu nhàu:

- Tại kỳ trước thằng Tư Quân và thằng y sĩ Ba Tua vô hốt thuốc tây của người ta cho nên bây giờ mới có cái lệ hôi đồ không cản được. Rồi tụi du kích Phước Thành chặn xe đò lột đồ của hành khách, lấy hàng hóa trên xe. Bây giờ ông nội ai mà giảng chánh sách cho họ nghe dzô? Anh coi kìa, đám du kích có nhiệm vụ khiêng thương binh, họ đem theo võng đòn. Nhưng trên mỗi cây đòn có buộc thêm một cái bao. Như vậy vô đó họ lo hốt đồ chớ thèm tải thương à? Cái bao khi trở về thì no phè còn cái võng vứt ở bụi nào ai biết.

Bảy Đạo tham mưu trưởng quận đội, mắt hí, đầu bạc trắng bước vào dáo dác nhìn quanh:

- Có chú Năm ở đây không thầy Hai?

- Ổng về trỏng rồi.

- Thầy có được thư của quận ủy chưa?

Hai Khởi đáp cộc lốc:

- Có, chúng tôi đã "nghiên cứu" kỹ rồi.

- Các đồng chí thấy thế nào?

- Chúng tôi làm nhiệm vụ của chúng tôi, ngoài ra không biết gì khác.

Bảy Đạo nói:

- Đây là công tác, đồng chí bí thư quận ủy giao cho chúng tôi chớ không phải chúng tôi tự đặt ra. Nhưng các đồng chí cũng nên biết là tụi tư sản trong thị trấn này có thèm đóng thuế cho mình đâu. Có tên còn chế giễu: "Các ông vô ban đêm khó làm sổ sách xin tới ban ngày, muốn bao nhiêu chúng tôi đóng bấy nhiêu ". Nó bảo mình vô thị trấn ban ngày? Đụ mẹ nó kỳ này tôi cho du kích "dzô" tụi nó biết.

Tôi để cho hai Khởi đối đáp với ông ta, tôi lỏn đi lo công việc khác. Tôi còn nghe Bảy Đạo năn nỉ:

- Nếu các đồng chí không yểm trợ được thì xin cho tôi biết kế hoạch chiến đấu để chúng tôi đặt kế hoạch công tác phối hợp giữa hai bên.

Nghe y nói thế, tôi chưa bước ra khỏi cửa vội. Y định kèo nài, nhưng Hai Khởi bảo:

- Kế hoạch chiến đấu. Tôi là Tham mưu trưởng D, đồng chí là Tham mưu quận. Là cán bộ quân sự mà đồng chí đòi chuyện kỳ lạ. Dù cha con vợ chồng cũng không cho biết dược. Hơn nữa kế hoạch chiến đấu chỉ có Hai Lôi giữ thôi, bất cứ ai cũng không được biết trước một giờ nổ súng.

Bảy Đạo còn năn nỉ:

- Vậy xin cho tôi coi sơ đồ chút.

- Sơ đồ quận thì đồng chí cũng có chớ riêng gì tôi. Còn bản đồ chiến đấu thì tôi không có!

Đích thân tôi xuống từng C nói rõ mục tiêu và giờ nổ súng, sự liên quan giữa các C, những hỏa điểm của địch cần phải diệt trước. Cách vượt qua chướng ngại. Sự kềm chế Đồng Dù khi súng nổ. Đường tải thường đến trạm giải phẫu tạm thời trước khi đưa về trạm hậu phương. Khi chiếm được toàn bộ cứ điểm, phải bố trí phòng ngự chờ địch đến, không đơn vị nào được tự ý rút lui. Cố gắng giải quyết chiến trường trong một tiếng đồng hồ. Riêng đơn vị phòng không của Sáu Lức không được nổ sớm. Chờ cho Dakota lọt vào hậu địa mới bắn. Nếu bắn sớm nó bay mất, không hạ được. Nó trở lại chơi mình.

Tôi phổ biến mệnh lệnh mà trong đầu tôi bị cái nghĩa địa ám ảnh. Lúc chiều đi qua tôi thấy một hàng lỗ đã đào xong, đất đỏ ối mới tinh như nhuộm máu. Chốc nữa đây sẽ có đứa -biết đâu tôi- nằm xuống đây. Giết nhau để ăn cái gì? Cuộc đời nào rồi cũng kết thúc ở đây thôi. Giấy vàng và nhang tôi mua để thăm mồ bạn dọc đường xuống SàiGòn xài hãy còn một mớ trong ba-lô tôi kia.

Khi tôi được lệnh đi Sài Gòn tiếp viện cho Tư Nhựt, dọc đường đi có nhiều người đưa tiễn, không hiểu sao họ hay được - với cặp mắt u buồn. Như tiễn Kinh Kha qua sông Dịch Thủy. Nỗi buồn biệt ly không nói ra- "Anh Hai chừng nào về nhớ ghé nhà em!"

Rồi lúc chiều khi vào Củ Chi tôi cũng được nhiều bà mẹ, nhiều em gái tiễn chân với cặp mắt u buồn ấy. Lần đánh trước tôi chắc thắng hơn lần này. Vì tôi chủ động đánh bất ngờ. Còn lần này tôi bị động vì yếu tố bất ngờ không còn nữa. Kẻ địch đã biết trước, còn đánh làm sao.

Nhưng phải đánh. Cũng như Tư Nhựt, Hai Phái phải đánh Sài Gòn hồi Tết. Thăng Bòn B trưởng trinh sát đến báo cáo với tôi mặt trận đã sẵn sàng, và yêu cầu tôi trở về chỉ huy sở để chỉ huy mặt trận bằng điện thoại.

Không khí im phắc. May không có một tiếng chó sủa. Tôi sực nhớ mấy cô du kích lúc ban chiều đeo theo tôi xin súng ngắn súng dài. Tôi hứa khi lấy được sẽ cho. Các cô mừng rỡ vô cùng. Tôi thầm nghĩ:"Trời ơi! ham chi ba cái thứ đồ chơi oan nghiệt đó. Giết người thì sớm muộn gì cũng sẽ bị người giết. Tôi đã ôm súng hai mươi năm rồi, thấy có lúc nào được thảnh thơi đâu? Đời này chừng nào không còn cái đồ chơi gọi là "súng" thì chừng đó dân tộc này và nhân loại mới sống yên ổn được. Ngày xưa đánh nhau không có súng, chỉ bằng gươm dáo nên lính tráng thì đông mà chết ít còn bây giờ lính ít mà lại chết nhiều.

Tôi ngồi trong hầm với thằng Đá, thằng Tiễn và cô Nê, bỗng sực nhớ, tôi bảo Tiễn:

- Em chạy xuống Cl coi súng phun lửa đã bố trí xong chưa? Bảo Sáu Hoàng phối hợp chặt chẽ với B phun lửa. Hễ Sáu Hoàng mở đột phá khẩu xong thì trung liên bắn yểm trợ cho súng phun lửa nhào tới. Phải chiếm cho được lô cốt đầu cầu thì mới triển khai lực lượng vào trung tâm được Nhớ chưa? Nói lại xem.

Thằng Tiễn đáp:

- Dạ

Sắp chạy đi thằng Đá báo cáo với tôi:

- Anh Hai! Điện thoại đã mắc xong! -rồi đưa ống máy cho tôi.

Tôi lặp lại mệnh lệnh và dặn thêm Sáu Lức D phó Phòng Không:

- Em nhớ, khi cối mở xong đột phá khẩu thì đem 13.2 ra khạc mạnh cho tụi phun lửa xông vô. Nghe rõ chưa? Coi chừng tụi bây đâm hông nhau. Rõ chưa?

- Dạ rõ.

Tôi coi đồng hồ. Còn 15 phút nữa. Tôi lo mấy chiếc xe bò của Bảy Đạo cót két làm chó sủa thì lộ hết, hỏng bét. Mấy ông nội bà nội không biết gì về quân sự nhưng luôn luôn muốn làm tổng tư lệnh mặt trận. Thằng cha Tư Trường mặt gà mái biết chiến thuật chiến lược chó gì mà là chánh ủy Khu, chỉ huy cả Tư lệnh Ba Xu?

Bỗng chuông reo. Thằng Tiễn bốc máy đưa cho tôi.

- Đứa nào đấy?

- Dạ em B trưởng Thơm, phun lửa.

- Em đã nhận rõ mệnh lệnh chưa Thơm?

- Dạ nhận rồi, những xin anh nhắc lại vì em có tới hai A. Anh bảo lên hết, hay chỉ một A?

- Chờ cối nổ thằng lính canh sẽ hụp xuống tránh. Em cho B40 và AK xông lên rồi hai D tiếp theo phun ngay. Phải chiếm được lô cốt này trong vòng hai phút. Không được chậm trễ.

- Dạ, em nghe rõ rồi.

- Bảo Sáu Hoàng lại máy... Alô Đại Bàng... Khi chiếm được lô cốt đầu cầu thì em cho đại liên bắn vào cửa chính dinh quận để C3 xông vào nghe không?

- Dạ, em rõ.

- Thằng Lúc, thằng Thành có ở đó không? Từ phút này các C trưởng, B trưởng phải cầm máy đợi lệnh tôi để thi hành ăn khớp nghe không?

- Dạ, em rõ.

- Tất cả đã sẵn chưa?

- Dạ, xong hết.

- Khi chạy lạc vào nhà đồng bào thì bảo họ xuống hầm hoặc nằm dưới sàn ván. Không được cướp giật nghe không? Tụi Bảy Dạo làm gì làm, mình không cho lính ăn ké vô đó nghe không? Thằng nào cướp giật, bắn bỏ tại trận cho tao.

Bỗng một tiếng ầm từ phía bót cảnh sát. Rồi một tràng trung liên.

Tôi quát hỏi:

- Gì đó Thơm?

- Lộ... lộ rồi!

- Giã ngay! -Tôi quát trong máy.

Cộc cộc cộc Xì đùng! Đùng, đùng! Đại liên, B40 cối trên toàn mặt trận nở rộ xen kẽ.

Tôi gọi: Sài Gòn, Hà Nội, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, nghe rõ trả lời.

- Phun lửa chưa? - Tôi quát.

- Phun rồi. Chiếm được lô cốt đầu cầu rồi.

- Chiếm được bót cảnh sát rồi.

Xẹt!

Thằng Tiễn từ ngoài nhào vô hầm:

- Nó bắn cấp cứu rồi anh sai!

Pháo sáng chiếu rọi vào hầm.

- Cho DK2 bắn vào cửa chính. Út Thành!

- Lửa gì vậy? -Tôi hỏi.

Thằng Tiễn đáp:

- Bảy Đạo đốt chợ rồi. Có loa phát bài "Giải Phóng Miền Nam" nữa.

- Bậy thật! (Đốt chợ rồi thu thuế, ai đóng cho?)

Ầm! tiếng nổ rung vách hầm. Tôi hỏi:

- Cái vì vậy?

Ầm! Ầm!

- Tụi nó phản cối.

- Lức, mày ở đâu?

- Đang lên bót cảnh sát. Em phun nóc chòi nó cháy rồi.

- Mau chiếm lĩnh.

Thằng Tiễn vọt ra vọt vào:

- Còi hụ ở Đồng Dù anh Hai. Nó báo động. Coi chừng xe tăng bọc hậu.

Tôi đâm lo. Mẹ nó, chừng mười chiếc bọc hậu sau chợ Củ Chi thì mình bị khóa đít chặt cứng không có đường về. Không thể ngồi ở hầm chỉ huy được, tôi vọt ra. Mấy đứa trinh sát liên lạc lôi tay tôi lại. Tôi bung ra.

- Để tao ra tại trận mới được!

Chúng nó phải vác máy chạy theo tôi.

Tôi đến ngay công sự Sáu Lức.

Lức chào:

- Bót cảnh sát cháy tiêu rồi anh Hai.

- Mày đừng dộng 13.2 nữa. Để tao qua đường.

- Để em bịt họng tụi nó cho anh qua. -Sáu Lức quơ tay.

Rục, rục, rục.

Thằng Đá, thằng Tiễn vọt qua. Tôi theo sau. Nê bọc hậu.

Dân công đang đổ vào kiếm súng.

- Năm Lé, mày ở đâu?

- Em đây. Tư ếch đã dẫn một A vào trong dinh rồi.

- Mã Tử, mày đâu?

- Em chiếm được lô cốt 2 rồi.

- Coi chừng bắt tín hiệu bên trong để bắn bồ nhà đó! - Tôi la.

Thằng Á bắt đài địch chạy tới báo với tôi:

- Anh Hai, tụi Mỹ ở Đồng Dù kêu Sài Gòn nói mình tràn ngập Củ Chi rồi. Tụi Sài Gòn đáp: Nó sẽ tới. Ở Đồng Dù kêu nó cũng bị ăn pháo mình.

- Vậy là yên trí DKB mình đã bịt họng nó.

Sáu Lức trỏ chiếc Dakota đang phún hỏa châu:

- Nó tới kìa anh Hai. Xuống hầm đi.

Tôi quát:

- Mày lo mày đi. Kệ tao! Để cho nó vào trận địa, đừng bắn nó chạy mất!

Không biết tụi nào quảy bòng, xách bị no phình chạy qua trước mặt tôi.

- Ai vậy?

- Gánh ông Bảy Đạo chắc.

- Đứa nào bị thương đó?

- Con Nền bị chân.

- Còn ai kia?’

- Thằng Tư ếch C phó. Nó bị nặng quá anh Hai. Chắc chịu không nổi!

- Các cánh đã vào trung tâm hết - Không rõ ai nói với ai? Tôi nghe vậy thôi.

Dakota đâm vô. Sáu Lức quát:

- Nổ!

Que sắt đã phọt ra từ nòng đại liên chĩa ngay chiếc Dakota. Nó quay đầu trở ra, đít xịt lửa trả đũa.

- Có trúng trận địa mình không?

- Xa lắc, anh Hai. Khỏe đi!

Thằng Đá lại báo cáo:

- Tụi nó chơi trái cay anh Hai. Mình không vô được.

- Đưa máy tao. Alô. Cần Thơ báo cáo coi!

Mã Tử báo cáo:

- Tụi tôi đã chiếm được mấy gian trong quận. Không có lính. Dân công đang khiêng đạn ra. Dãy nhà sau, nó bắn M79 hóa học, khói mịt không vô được.

C trưởng Năm Lễ báo cáo:

- Đã bắn sập lô cốt số 3. Hỏa lực nó đã tắt. Tư Ếch vào bị thương đã ra. Còn lại không ai ra. Không biết kẹt chỗ nào?

- Cho vô tìm!

- Khói mịt, không thấy đường.

Tôi lạnh mình. Anh em còn bỏ xác trong đó. Tôi bảo Bảy Ga chính trị viên D:

- Anh và anh Hai Khởi ở đây. Tôi phải lên đó mới được.

Hai đứa liên lạc xách máy chạy theo tôi. Thằng Tư Ếch C phó và thằng Trừu B phó trinh sát còn kẹt ở trong đó. Bảy Ga run run:

- Anh đi, ai chỉ huy toàn bộ?

- Ông cầm máy liên lạc với tôi! -Rồi tôi chạy đi.

Bảy Ga đưa máy cho Hai Khởi.

- Anh ở đây liên lạc với anh Hai. Tôi phải đi tới cánh B.

Tôi đưa K54 cho Tiễn chụp lấy cây AK chạy vút đi.

Thằng Á lại tới báo cáo:

- Tụi nó nói "on the way" (trên đường tới đây).

- Thằng nào?

- Dạ Sài Gòn.

- Chết mẹ rồi. Sài Gòn tới là nguy. -Tôi nghĩ thầm.

- Tiếng xe tăng Đồng Dù tới gần anh Hai!

- Chạy theo tao qua cửa bên hông. Bòn đâu?

- Dạ.

- Tiễn. Đá. Á. (Á là liên lạc mới vô, tôi cho ở B thông tin).

- Dạ.

Đùng! Một quả cối rơi nổ ngay trước mặt.

- Hụp xuống anh Hai.

- Nổ rồi hụp mẹ gì?

Tiễn báo cáo:

- Năm Đầu Ban đã vô lô cốt số 4.

- Sáu Mã Tử đâu?

- Dạ không liên lạc được.

- Bòn qua đường kêu Năm Thơm lại đây. Còn thằng Á dẫn một tổ qua dãy phố kia tìm thằng Phương và Năm Lé kêu về đây gặp tao. Mau lên.

Tạch tạch. Lửa lóe ở mặt đường. Rật tật!

- Nó thấy bắn kìa. Năm xuống anh Hai. -Tiễn đè lên lưng tôi.

Ầm! Mã Tử báo cáo. Ở sau dãy nhà lính nề.

- Phát triển lên.

- Khói cay không thấy đường!

- Nã mạnh vào. Cho dân công vô tìm thương binh đem ra.

- Anh Hai ngồi im. -Một cái khăn ướt bịt qua mũi tôi- Đề phòng thuốc hóa học, anh Hai.

- Thằng nào bị thương kia?

- Không biết!

- Năm, sáu đứa bị thương Đem ra sau cho núp vào dãy thùng phuy.

- Tụi nó đeo đồng hồ.

Tạch, tạch, tạch.

- Nó chơi hóa học. Anh Hai cay không?

Vọt ra đường số 8. Thằng Tiễn hỏi.

- Lệnh sao anh Hai?

- Bảo cánh nào đem thương binh ra ngoài, xong rút! - Tôi quát.

Hai đứa Tiễn, Đá vọt đi. Điện thoại đã đứt ở đâu. Còn Nê. Tôi hỏi:

- Đây là đâu Nê?

- Đây là ngã tư đường số 8 và quốc lộ.

Tôi qua cơn mê đã nhận lại vị trí mình đang đứng.

- Còn giăng đồng đó?

- Là xã Mỹ Hạnh.

- Ờ biết rồi? -Nói vậy cho lính đừng hoang mang chớ tôi chưa biết xã đó.

Những đám dân công lĩnh kình kéo qua, khiêng vác. Một chiếc xe bò. Đét đét. Đụi!

Roi quất, bánh xe càng cót két lăn nhanh.

- Tụi bây lấy được mấy cái’?

- Lính chết ghê quá.

- Mấy con đĩ ở truồng trong phòng cố vấn Mỹ.

- Mẹ, tưởng xi-rô ai dè uýchki, hục hục. Phèo, phèo.

- Xe tăng tới! -Một đứa báo cáo.

- Cho rút nhanh. Mỗi C một hướng.

- Còn mình?

Tôi lặng thinh. Hỏi:

- Tư Ếch và thằng Trừu ra được chưa?

- Dạ được.

- Thương binh còn kẹt bao nhiêu?

- Dạ không rõ.

Hai Khởi từ đâu xộc tới:

- Tụi Bảy Đạo quơ no anh Hai.

- Dẹp tụi đó đi.

- Báo cáo xe tăng tới gần. Anh phải rút nhanh.

- Ông đi trước đi! Thương binh còn kẹt ở trỏng.

- Thì cho người vào tìm. Còn mình phải rút.

- Ông là tham mưu trưởng hay là đồ chó chết? Tôi cách chức ông bây giờ.

Hai Khởi còn rán:

- Nó tới, đèn ló rồi kìa. Anh chạy đi. -Hai Khởi xô tôi.

- Ông rút đi. Dễ tôi lo. (Bây giờ nghĩ lại thương Hai Khởi Lúc đó tôi cáu bậy).

Hai Khởi chạy vút đi. Còn Bảy Ga ở lại. Bảy Ga bảo:

- Anh đi trước, để tôi ở lại cho.

- Anh đi trước, để tôi ở lại!

Rầm rầm rầm.

Pháo Đồng Dù ở bên hông, rung đất.

Ầm ầm ầm.

Pháo Trung Hòa hợp tấu phía sau lưng.

Rù rù...

Xe tăng bọc hậu. Hù hù. Mẹ cũng lìa.

Nê bảo:

- Chạy đi anh Hai.

- Để anh trở lại xem thương binh ra hết chưa?

Dù trận toàn thắng mà bỏ lại một thương binh cũng coi là bại trận. Cuối cùng, tôi phải trở lại trận địa, gặp đám dân công khiêng lùm đùm hai ba võng. Quốc lộ một rung rung dưới xích xe tăng. Tụi nó ở Đồng Dù bọc sau ruộng bò lên mé lộ như một bầy bò hung mình đen, mắt lửa.

Đèn sáng loáng xuyên qua kẽ lá bụi rậm bên đường.

Nê xô tôi:

- Chạy anh Hai, thương binh ra hết rồi.

B thông tin đang quấn dây điện chạy qua trước mặt tôi.

- Tư Kim đó hả?

- Dạ. Sao anh còn ở đó? Tăng tới rồi kìa! Chạy anh Hai!

Máy đã dẹp. Tôi chỉ còn la họng không. Nhưng đã khan tiếng. Ai nghe? Tôi chỉ chỏ quơ tay.

Tiếng vịt xiêm nhưng cũng rán khào khào bảo Bảy Ga:

- Cho về Bàu Tre, không nổ súng nữa.

Tôi không cho trụ. Trụ là chết hết. Sáu Huỳnh cho biết là tụi nó sẽ đóng lại Thái Mỹ và không khi nào cho mất Củ Chi, Trung Hòa. Mất hai điểm tựa đó Đồng Dù không thể sống với tôi. Nếu trụ ở lại thì B52 sẽ hủy diệt cả ta lẫn địch bằng B52 và pháo. Đó là nước cờ bí cuối củng phải chơi. Mỹ sẽ chơi kiểu đó, không ai khác.

Đèn pha xe tăng đã tỏa đầy đường. Dây xích khua rầm rầm, xổn xoảng, tóe lửa mặt đường, và họng súng phụt lửa. Nê xô tôi xuống ruộng.

Đạn bay phía sau lưng tôi.

Không biết đứa nào đưa cho tôi cái máy bộ đàm.

- Anh Hai liên lạc với các C.

Tôi cầm lấy kê lên miệng.

- Alô!

Ầm. Không nghe gì trong máy. Ầm ầm ầm.

Bản đại hợp xướng Đồng Dù nổi lên, tiếng nhạc nghe vi vút muôn điệu réo rất ỳ xèo đồm dộp, tục lẫn thanh. Cái máy trên tay tôi bay đâu mất.

- Đứa nào bị thương đó?

- Em. Ai khiêng em chút.

- Đứa nào vậy?

- Dân quân Phước Thành.

- Có người khiêng rồi. Lấy năm súng.

- Còn mấy người kia đang bắt tù binh!

- Ai khiêng thương binh khiêng lẹ ra bờ tre.

- Ba Thắng hả?

- Dạ. Em giải quyết xong phần em rồi.

- Cho rút đi.

Thằng Bòn chạy tới:

- Anh Hai cho thương binh qua cõng dân công, ủa dân công cõng thương binh.

Tiếng cười rộ lên.

- Ông nội con nít quýnh đít la bậy.

Đẹt! Tiếng cười tắt ngấm.

- Sá u Lức đó hả?

- Dạ em bị thương nhẹ còn vác 13.2 được. Cho em quay lại bắn xe tăng.

- Mày gãi ngứa nó hả?

- Em cho B40 đi theo.

- Thôi, rút. Nó tám chiếc. Mình hết đạn rồi. Không đánh nữa.

(Tôi biết B40 bắn nãy giờ không còn đạn, mỗi khẩu có ba viên. Khá hơn con cặc bòi chỉ có hai viên!)

- Trụ không anh Hai?

Tôi giơ đồng hồ lên. Gần bốn giờ sáng.

- Rút nhanh.

- Đường nào.

- Đi về phía Mỹ Hạnh -Nê vẫy tay qua mặt tôi như chỉ huy.

- Coi chừng lọt vào tụi F25.

- Kỳ này mập rồi anh Hai -Sáu Lức lội song song với tôi, vai vác nòng 13.2- Tụi nó quơ Xây-cô bộn. Ba thùng lựu đạn. Một bó M16 dân công rỉa hết rồi.

Pháo hiệu từ bót thám báo thằng Giắc xẹt lên liên tục.

Rùng rùng rùng. Loạt đạn dài nín thở. Xe tăng thấy mình nên khai hỏa vét đuôi. Có xóm nhà lưa thưa gần bờ ruộng. Tôi quát:

- Tạt vô đó núp. Đừng sợ.

- Thằng Tư Ếch bị nặng quá anh Hai!

- Có sao không?

- Nó hết rên rồi.

Tôi quát:

- Cl rút nhanh qua để xe tăng chẻ đội hình. Ai biết đường qua Mỹ Hạnh?

Thằng Tiễn đáp:

- Em biết!

Đạn xe tăng lùa theo đỏ đầu rạ. Mùa khô mà ruộng vẫn lầy Trời không giúp.

- Đứa nào biết Mỹ Hạnh nữa?

- Em!

- Một tốp theo thằng Tiễn, một tốp theo cô kia. Chạy tản ra.

Đạn xe tăng bắn đuổi theo. Tù binh bao nhiêu cho theo Cl, Sáu Hoàng lo. Dakota bay trên đầu. Không có phòng không bắn, nó xòe hai cánh sắt phủ lên rà sát thiếu chút nữa đụng đầu. Pháo sáng rực cánh đồng. Những cọc sắt đỏ từ bụng nó phụt xuống đội hình chúng tôi.

- Tản ra -Tôi quát.

- Tới bờ đìa cho em chơi nó, anh Hai. -Sáu Lức hậm hực.

- Không được! Nó kêu pháo bắn bỏ mẹ. Băng hết qua lộ 8 chưa?

- Hết rồi! Thương binh, tù binh xong. Súng đạn lấy hết.

Bây giờ tôi mới yên tâm và bảo Nê:

- Chạy nhanh em!

Nhưng hỏa lực xe tăng cắt chận đầu, không còn băng qua đường số 8 để về vị trí đã định được nữa. Tôi bảo:

- Em nhắm hướng Mỹ Hạnh mà chạy.

Tuy chạy nhưng bụng vẫn lo. Tôi cứ dừng lại từng chập nhìn phía sau lưng.

- Còn tụi mình đó không?

- Hết rồi anh Hai.

- Mày trở lại coi còn thương binh kẹt không?

- Dạ em ra sau chót mà.

- Còn sót tao cách chức mày.

- Dạ Tư Lé và thằng Trứu đã đem ra rồi thì không còn ai.

Nê khóc hu hu.

- Anh không lo cho anh mà cứ lo cho người khác.

- Tôi là chỉ huy chớ không phải là cứt, cô đừng nói bậy.

Tiếng đại bác bắn thẳng cà ùm cà ùm về phía quận lỵ. Lửa còn cháy đó đây. M16 nổ rẹt rẹt. Tụi nó còn bộn chớ chết hết đâu.

- Anh Hai có sao không?

- Đứa nào đó.

- Ba Tua quân y.

- Băng bó thương binh hết chưa?

- Dạ năm nhẹ, hai nặng xong cả rồi.

- Mau lên vôvườn trước sáng kẻo lòi lưng cá rô rỉa.

- Dạ. - Ba Tua vụt qua mặt tôi.

Kỳ này hắn không quơ được thuốc nên cái bị lép kẹp không thấy đeo trên lưng.

Không biết từ đâu một thanh niên tới trước mặt tôi thở như trâu cắt cổ:

- Tía em nè anh Hai. Để cho ổng dẫn đường.

- Tôi ở Mỹ Hạnh chòi tôi kìa Mấy ông theo tôi.

Trong lúc nguy nan tôi nghe theo, không hỏi thêm. Năm cái võng nặng nề lội ruộng. Nước văng trắng đêm, tiếng la í ớ tiếng cười xen kẽ.

- Ông nội này nặng hơn tạ.

- Con nhỏ này nội cái bề hê của nó cũng hơn 15 kí lô rồi.

- Ngày thường đụng tới nó la oai oải, bây giờ cho không hổng thèm.

Trời sáng dần. Tiếng cười nói làm cánh đồng sống dậy sau đêm kinh hoàng.

Dakota rút lui. Cá rô chưa tới. Chỉ có pháo giã liên hồi nhưng ở hướng khác. Chúng nó không ngờ mình rút qua hướng này. Xe tăng cũng không bắn đuổi. Có lẽ nó án ngữ chỗ ngã tư đường 8 và quốc lộ ngang đường vào dinh quận.

Chúng tôi lội chậm lại để thở.

- Hai tháng bé đâu? Tôi hỏi Nê.

- Dạ anh bảo tụi nó đi đâu lúc nãy.

- Nó biết đường tới đây không?

- Dạ biết.

Vào đến mí vườn, tôi ngồi xuống tựa lưng vào gốc cây. Ne mở nút bi đông kê vào miệng tôi.

- Anh thấm giọng chút.

- Vạy là C1 C2, C3 đã về dược bên nhà?

- Dạ! Tại mình rút trễ nên bị xe tăng đẩy xuống phía này.

- Thôi được rồi.

- Anh Hai khỏe? -Tiếng Sáu Lức.

- Em cho đào công sự phòng không ngay. Nó tới ngay đó.

- Dạ, em đang cho đào!

- Tụi nó cho đầm già dò theo dấu chân của mình, sẽ tìm ra đường rút mình. Bom tới bây giờ đó.

- Anh Hai đừng lo. Em phải hạ một con chim sắt như hồi đánh ở Đồng Chà Dơ.

- Trận này mình làm không gọn. Vì phòng ngự nó thay đổi

- Dạ súng phun lửa hay lắm. Nó phun mình cũng phun.

- Chừng bao nhiêu tù binh?

- Chục tên là cùng.

Một võng thương binh từ ngoài ruộng đi vào. Bốn dân công nam lẫn nữ ì ạch mãi mới bước lên được mí vườn.

Sáu Lức tới đưa tay:

- Tôi lãnh cho một đầu.

Chập sau trở lại, cười khè khè:

- Tưởng thương binh nào ai dè con Nền anh Hai ạ!

- Thì sao?

- Vợ thằng Xướng B trưởng trinh sát của mình hồi trước.

- Thằng! Tưởng tao không biết sao mậy?

Lức lỏn lẻn. Trông gương mặt chất phác cục mịch của nó mà thương. Hăm bảy, hăm tám gì rồi! Đánh giặc chì lắm, nhưng không biết o gái. Có tiền bao nhiêu đều nhậu hết. Dân Vàm Cỏ Đông. Chính tôi thấy khả năng tiềm ẩn của nó nên đề nghị cho nó từ A trưởng lên B trưởng. Bây giờ là D phó phòng không. Lúc làm C trưởng, chính nó hạ chiếc B2 ờ Đồng Chà Dơ, khi tôi pháo kích sập chuồng cu bót Trung Hòa năm trước.

Tôi hỏi:

- Người ta bị thương mày không khiêng bây giờ mới hụ hợ có một khúc.

- Dạ em mắc kêu 13.2 mà anh Hai!

- Rồi bây giờ tính sao?

- Dạ thằng Xướng hy sinh lâu rồi. Cô ta buồn nên đi dân công, lại bị thương.

- Bị thương ở đâu?

- Dạ đạn xuyên đùi.

- Mổ lấy ra chưa?

- Dạ đạn qua tuốt.

- Mày có định khiêng về Đồng Lớn không?

- Dạ có ai thay em lo cho ba khẩu 13.2 thì em xin xung phong.

Tôi đoán chắc cậu này có ý gì rồi. Cô Nền coi cũng xứng đôi. Mới có chồng được hai tháng thì Xướng hy sinh. Coi như con gái chớ gì.

Tôi đứng dậy vỗ vai Sáu Lức:

- Mày lo phòng ngự cho ngon đi. Còn vụ kia để tao tính.

- Vụ gì anh Hai?

- Thì vụ ấy chớ vụ gì.

Các đơn vị lạc bầy chạy lục tục tới nơi. Đâu non một C bộ binh, vô vườn trú ẩn an toàn. Tôi gọi các A trưởng, B trưởng và Sáu Lức lại bảo:

-Tất cả các đơn vị hoặc chiến sĩ có mặt ở đây đều phải sẵn sàng chiến đấu. Địch có thể đổ quân không biết lúc nào. Tôi giao quyền chỉ huy cho Sáu Lức D phó phòng không. Tất cả đều đặt dưới quyền đồng chí Lực bất kể đơn vị nào kể cả dân công các xã lạc bầy ở đây.

Tôi vừa nói xong ngoảnh lại thì thấy một anh nông dân đen đúa lực lưỡng. Nếu đứng chung với Sáu Lức thì xứng anh em. Người nông dân nói:

Tôi là Năm Hội. Nhà tôi ở trong kia. Xin mời ông chỉ huy vào nghỉ.

Ủa sao ông biết mình là chỉ huy? Tôi nghĩ thầm. Thì một cô gái trạc mười bảy, mười tám bước tới nói:

- Dạ anh của cháu dắt đường cho bộ đội về đây, còn đây là bác của em.

- Vậy hả? Tôi chưa kịp cám ơn lại phải mang ơn thêm. - Tôi nói.

Năm Hội đáp:

- Thấy mấy ông lâm nạn tôi giúp vậy mà, có ơn nghĩa chi đâu.

Thằng Tiễn, thằng Đá cũng về tới. Cả bốn thầy trò đi theo Năm Hội.

Tôi hơi ngại vì đây là vùng đất tôi chưa hề đặt chân tới, lại rất sát với Hóc Môn, đặc biệt cách Tân Phú Trung không xa. Nó nhử mình vô ao rồi phóng một mẻ chài bắt gọn cả trứng mén. Vừa thắng lại thua!

Ý nghĩ này làm tôi chùn bước. Tôi liếc sang Nê xem cô ta có nói gì không. Nê gật gật tỏ ý đồng tình. Tôi cố ý đi tụt lại sau và nắm tay lôi cô bé.

- Anh đừng lo. Đây là vùng lạ nhưng em xem tướng ông chủ nhà không phải là người xấu.

- Sao em biết chắc?

- Em linh tính như thế. Hơn nữa chú Tám Thiện- Thị đội trưởng- nhà ở vùng này, chú có đem dân công giúp mình hồi hôm ở Củ Chi.

- Em bảo đứa nào tìm chú Tám mời lại đây anh nói chuyện..

Nhà Năm Hội ba gian rộng, sạch sẽ. Bên chái nhà có cây rơm cao nghệu và chuồng trâu. Ở ngoài Bắc dư sức bị đấu tố.

Vừa vào nhà xong, Nê mở bọc thuốc ra lấy đưa cho tôi một viên thuốc:

- Lúc nãy uống nước phèn đau bụng, anh uống ngay đi.

Năm Hội cũng vừa đem bình trà lên để ở giữa bàn.

- Ông chỉ huy uống trà sẽ hết đau bụng.

Trông ông ta chừng hơn bốn mươi nên tôi kêu bằng anh và xưng tên, thứ để ông gọi lại cho đúng.

- Cảm ơn anh Năm. Kêu tôi bằng chú em được rồi. Lúc nãy chạy ngoài ruộng khát quá mà cái bi đông mấy đứa nhỏ mang chạy lạc nên tôi vốc hết mấy ngụm nước đìa.

Năm Hội nói:

- Ở đây mấy năm nay không có một viên đạn lạc. Xóm này đều làm nghề đương đệm bàng để sống (cũng như ở Ràng có xóm đương nia, thúng, rổ).

Tôi uống vài tách trà với Năm Hội rồi kêu mấy đứa nhỏ đi theo, ra ngoài công sự của D phòng không. Có đủ cả ba khẩu đại liên của Sáu Lức. Địa hình rất phải thế để ký đại liên phòng không. Đứng trong vườn nhìn ra, đồng trống mênh mông, cỏ lác đỏ đầu lưa thưa. hai ba bóng người lom khom hình như cắt cây bàng. Mương vũng ao đìa có phần giống ở Tháp Mười hồi 1949. Chó sủa âm vang trong những vòm cây trong xóm. Chắc quân ta đến đây, chúng chưa quen hơi nên lên tiếng chào chăng?

Bất ngờ tôi gặp ông tham mưu trưởng của tôi. Hai Khởi đến bên cạnh tôi, thủ thỉ:

- Hồi hôm tôi quýnh quá thầy Hai.

- Tôi thông cảm rồi. Thôi bỏ qua đi, kỳ sau rút kinh nghiệm!

Hai Khởi đi theo tôi và hai đứa bé quan sát trận địa phòng ngự. Tôi vào một vài nhà thấy trai gái giã bàng cùm cum trên ván. Cái nghề thiệt đơn sơ quá chừng. Không ai tưởng những tấm đệm khéo léo như thế lại ra đời từ đây. Xưa kia khi chống Pháp lính ta đâu có võng mà ngủ như bây giờ. Toàn lật nóp chống muỗi.

Nóp với dáo mang ngang tai...

Thời đó tôi từ miền Đông xuống miền Tây để học trường Lục Quân. Ghé qua Đồng Tháp Mười bị một trận ruồng do trung tướng Bondis Pháp chỉ huy. Giết cả trăm thường dân ở Cái Bèo. Rồi ở Tháp Mười tôi làm quen với cô Th.. là con gái của ông bà Lê Đình Chi. Năm sau bà Chi xuống miền Tây. Tôi và nàng trở thành "bạn kháng chiến" kể từ đó. Bỗng có một bức điện từ miền Đông đánh xuống. Chuyện này tôi đã kể trong một đoạn nào đó ở mấy cuốn trước.

Trước khi trở lại nhà Năm Hội, tôi và Hai Khởi ghé qua công sự của Sáu Lức. Hắn đào công sự thì không chê được. Không khi nào cạn và không khi nào thất thế. Hắn đã quen tay bắn đại liên từ mấy năm nay. Giao cho hắn phòng không thì tôi không phải lo gì. Trước khi vô bộ đội Lức không biết súng ống gì ráo trơn mà chỉ năm năm đã chỉ huy cao xạ đại liên.

Tôi và Hai Khởi đáp vào công sự của Sáu Lức ở giữa hai gốc dừa. Tôi nói:

- Mày đào giữa rễ dừa như vầy gãy xương sống lính hết sao, Lức!

Lức đang ở dưới hầm trồi đầu lên, cười khoe bộ răng vàng nghĩnh khói thuốc và cốt trà, đầu dính đầy đất:

- Em đào đây chớ lính đâu anh Hai. Tụi nó ngủ để cho nó ngủ.

- Mày định đào tới âm phủ hay sao? -Hai Khởi bảo.

- Đào sâu chắc ăn ông tham mưu ơi!

- Thôi nghỉ đi uống trà -Tôi bảo.

Sáu Lức trỏ cái bếp.

- Em đang sửa soạn pha cà phê kia.

Sáu Lực chống tay trên miệng hầm vọt lên phủi tay và đi lại bếp mời anh Hai và ông tham mưu ở lại uống cà phê.

- Ở đâu mà có mau vậy?

- Hổng biết ở đâu lính nó đưa ra đây. Cà phê thì thường thôi, mà cái vợt rất đặc biệt.

- Sao lại đặc biệt?

- Cái ống quần của con Nền cắt ra may đó!

Hai Khởi kêu lên:

- Cà phê lược bằng cái vợt đó uống chắc câm quá Lức.

- Sao câm? Bổ chớ ông tham... mưu. Khà khà! Dễ gì có được cái vợt cà phê này anh Hai ơi!

Sáu Lức tiếp:

- Hổng nói giấu gì hai anh. Thằng Tua nó mổ vết thương cho con Nền. Cái ống quần vướng nó không làm việc được nên nó cắt bỏ luôn. Em đang đứng ở đó coi, bèn lượm đem về hề hề... Trời, vải ni lông dầu láng nước bỏ uổng quá. Em định đem về may cái túi con đựng thuốc rê, nhưng tụi nó bảo đang thiếu cái vợt cà phê nên lấy may luôn. Em thấy lược cà phê cũng tốt. Ống quần ở dưới ống giò. Mà có trên đầu gối cũng tốt chớ có sao! Anh Hai!

Hai Khởi nói:

- Nó bị thương ở đùi chớ phải ở ống quyển sao.

- Ờ ờ, khúc trên cũng vậy thôi. Xài vài lần rồi quen... mùi, ghiền luôn.

Vừa đối đáp với Hai Khởi, Sáu Lức đã lọc cà phê xong trong cái đít bình toong Mỹ đưa mời tôi:

- Anh Hai uống trước tới ông tham mưu rồi em bao chót. Mình uống chung chớ không có chén tách gì hết.

Tôi móc bao thuốc, đưa cho mỗi người một điếu rồi bưng ca uống.

- Cha! Cà phê này thiệt đặc biệt, ngàn năm có một!

Sáu Lức cười hô hố, cái cười trẻ con hồn nhiên:

- Ngạo tụi em chi anh Hai! Ông tham mưu làm một mách đi.

- Cà phê này đúng cà phê đen vì ống quần ni lông đen.

Tôi ngồi thòng chân xuống hầm và nhắc lại chuyện đánh đồn Thái Mỹ.

- Lức à! Lính mê mày bắn vô Thái Mỹ kỳ đó lắm. Đột phá khẩu mày mở trong vòng có ba phút. Hì hì, sau đó rút qua Trảng Bàng đóng ở nhà ông Tám Râu mày nhớ không?

- Dạ nhớ chớ!

- Tao có kể chuyện về tài thiện xạ của mày, ổng phục lắm. Ổng có nói với tao ông muốn gả con gái cho mày. Ổng muốn xem mặt mày nên bày bữa tiệc hôm đó.

Sáu Lức rít một hơi thuốc, hớp ngụm cà phê và nói:

- Thôi anh Hai phá em hoài.

- Thiệt mà! Tám Râu mời tất cả các ban chỉ huy là cốt ý xem mặt mày, nhưng mày không đi nên không ai đến hết. Kỳ đó tao không nói ra!

- Trời! Anh Hai muốn em độn thổ hay sao chớ! Em thấy cái nhà lót gạch bông, bàn ghế láng bóng ngó thấy mặt, em thấy mà hết hồn làm sao dám ngồi bàn tiệc với họ. Em nghe Hai Nương nói trong nhà ăn cơm thường ngày cũng bằng muỗng nĩa không hà. Em làm sao mà cầm ăn cho được. Thôi, thôi anh Hai cho em xin đi.

- Kỳ này trở về bên phát nữa, ông Tám Râu lại làm tiệc mời nữa đó.

- Thôi anh Hai ơi! Có mời cả D thì em tới ăn, nhưng ăn ngoài sân chớ không có vô nhà. Em không đáng vô cái bếp của họ mà ngồi chung cái gì! Rồi kêu bằng ba má à?

- Phải duyên thì kêu chớ sao, em?

Hai Khởi nói:

- Cà phê mày uống không ghé Lúc à. Nấu nước đi, thầy Hai có trà trong xắc-cốt kìa. Tụi mình "úp" một mách cho đã khát. Thằng Tua ở gần đây không? Kêu nó tới uống luôn thể báo cáo tình hình thương binh cho anh Hai rõ luôn.

Sáu Lức chạy đi một chốc rồi quay lại với một rổ nào bình tách đủ bộ trà.

- Mấy bình anh Hai?

- Ổng thì một gói hai bình thôi. Mày không biết tánh ông sao? Nước dảo của ông còn hơn cốt của thiên hạ. Uống riết ông quéo lại như con khô lóc mày không thấy sao?

- Kêu tụi nó dậy uống với! -Tôi bảo.

Sáu Lức nói:

- Anh Hai à, D em có ba khẩu đội, hồi đánh ở Đồng Chà Dơ...

- Mày gặp xã đội phó út Là. Mày mết phải không?

- Em đâu có anh Hai.

- Sao không nói với tao? Phải nói thì xong rồi!

- Hồi đó em chẳng ra nước gì. Người ta đâu thèm ngó.

- Bây giờ mày "vô đợt" được rồi đó.

- Em là cố nông mà bị ẹp quá, mấy đứa trung nông qua mặt em vù vù.

- Bần cố của mày là bần cố nội. -Hai Khởi tiếp.

Tôi nói:

- Không phải ở trên không để ý mày nhưng tại vì mày hay cự nự với cấp trên. Khi đổ quạu thì xài nho chùm. Ngoài mấy điểm đó ra mày nhiều ưu điểm hơn những đứa khác. Nhất là Sáu Uya nó ghim mày. Nay mày cũng cứ quen cái miệng xài nho.

- Em đâu có dám với anh. Em coi anh như ông thầy, ở đây em không phục ai bằng anh. Hì hì, em có ý kiến nhờ anh giúp em cú này.

Đang nói chuyện vui tươi với nhau bỗng có cậu lính chạy tới báo cáo với Sáu Lức:

- Anh Sáu, có lính tới.

- Lính nào?

- Chắc tụi nó theo dấu chân mình.

- Ở đâu? Hai Khởi bật dậy nạt.

- Ngoài ruộng kìa.

Sáu Lức liền nhảy xuống hầm, quay họng đại liên, làu bàu:

- Để tao quạt cho nó vài loạt.

Tôi bảo:

- Khoan đã Lức! Để tao coi lính nào?

Sáu Lức đưa ống dòm cho tôi. Tôi khoát tay bảo mấy người kia xuống hầm và bắc ống dòm lên nhìn. Ngoài ruộng một đám người lố nhố lội trong đống lác ngập đầu, không nhận ra là ai.

- Tụi nào vậy anh Hai? -Sáu Lức nhóng lên hỏi.

- Chưa biết là tụi nào

- Hổng lẽ tụi nó đổ bộ mà êm ru vậy? -Hai Khởi nói- Nhưng cứ chuẩn bị đi.

Tôi bảo:

- Ông vô cho các nơi khác hay... Tụi này coi có vẻ bệ rạc. Thằng quảy súng, thằng tay không. Lại có thằng treo tay trên cổ. Một thằng quấn băng đầu... Không lẽ tụi Sư 25 truy kích mình mà lính tráng lại như vậy thì đánh ai? Ông coi hai bên mé vườn còn tốp nào nữa không?

- Chỉ có đưng lác. -Hai Khởi đáp.

Sáu Lức nóng nảy:

- Để em quạt trả thù cho thằng Tư Ếch.

- Coi chừng bắn lầm dân thất chánh trị, mày!

Tôi quay ống dòm nhìn xa rồi nhìn gần. Không thấy gì hết. Tốp người đâu chừng chục rưỡi mạng. Sáu Lức vẫn kê vai vô bá 13.2. Mắt miết vào kính ngắm.

- Lọt vô hết rồi. Em buông nửa loạt là tiêu ráo!

Tôi nghĩ:

- Nếu nó truy kích mình thì khi gần đến mí vườn, bom phải dội xuống mình, cá lẹp tưới hột sen còn bộ binh thì giăng hàng ngang ra chớ đâu có đùn cục như vậy.

Đám người lội qua khỏi cụm lác cao. Tôi bỏ ống dòm xuống ngực quả quyết:

- Không phải tụi Sư 25!

- Dám biệt kích lắm à anh!

- Không có gì hết. -Tôi ngồi xuống vỗ bả vai ướt mồ hôi của ông D phó- Lính mình ông ơi!

Sáu Lức ngó tôi với cặp mắt trắng dã:

- Lính mình đi đâu đây?

- Tụi đánh Sài Gòn về -Tôi quả quyết.

Sáu Lức lặng thinh, ngạc nhiên mà không cãi.

Toán người đã tiếp cận mí vườn. Tôi đưa ống dòm cho Sáu Lức. Hắn nhảy lên, đi lại núp bên gốc dừa nhìn ra. Rồi quay lại.

Tôi kể qua mấy lần gặp quân ta xuống đường dội về ở bên sông Sài Gòn. Sáu Lức kêu trời:

- Nếu em đi thì cũng như tụi này.

Toán người vô tới mí vườn. Một tiếng reo mừng rỡ, gọi đàn:

- Sống rồi chúng mày! Nhanh lên!

Một cậu tới ngay trước họng 13.2 mà chẳng thấy gì hết.

Cậu ta ném AK cái rật xuống đất rồi cầu nhàu:

- Địt mẹ chúng nó. Giặc mí chả giã!

Sáu Lức lên tiếng?!Cả bọn lục tục đến mừng rỡ như tái sanh. Tôi bảo Sáu Lức kêu gom cả lại. Tôi hỏi:

- Các cậu thuộc đơn vị nào.

- Dạ E268.

- Ai chỉ huy?

- Dạ ông Ba Nanh chính ủy, ông Năm Sĩ E trưởng ạ!

Tôi biết chúng nói đúng.

- Cậu cấp bậc gì?

- Dạ em B trưởng còn mấy đứa kia, A trưởng và hạ sĩ.

- Còn cậu nào cao cấp hơn không?

- Dạ có một anh xưng là tham mưu phó trung đoàn, nhưng tụi em không tin.

- Cậu ấy đâu rồi?

- Kìa anh ta đang đi tới.

- Mục tiêu chiến đấu của các cậu là gì?

- Dạ E chúng em được lịnh đánh Hóc Môn, chiếm xong trụ lại đó ba tiếng đồng hồ sẽ có tiếp viện.

- Rồi có tiếp viện không?

- Dạ chưa đánh mà đã nộ bí mật nên pháo binh và phản nực dập nu bù. Ba ngày sau mới gom nại được. Ông Năm Sĩ và ông Ba Nanh rút về còn tụi em kiệt sức và bị thương nên tụt hậu.

Cậu tham mưu phó trung đoàn đã vô tới vườn. Tôi bảo gọi cậu lại, tôi chưa kịp hỏi gì thì cậu ta reo lên và chạy ào tới, la mừng rối rít:

- Thủ trưởng còn nhớ em không? Em là thằng Na này!

- Na nào?

Cậu xưng là Na vỗ ngực:

- Na hôm ăn Quốc Khánh gặp thủ trưởng ở nhà xã đội phó Nà cho dừa khô về nàm thịt chó. Thủ trưởng còn cho thêm cái đùi bò nữa đấy. Em đi với thằng Diệu.

Tôi sờ soạng trong trí nhớ và gật đầu. Tên Diệu tôi nghe quen quen ở đâu đây. Na nói tiếp:

- Em được giao cho nàm tham mưu phó trung đoàn, nhưng không có quyết định chính thức. Mà do anh em cử nên thôi.

Tôi giật mình. Mới có hai năm mà một hạ sĩ lên cấp E?

- Chết nhiều quá không còn ai nên mới thế thủ trưởng à!

Tôi nhìn cả toán: hơn một A. Thương hại quá! Đánh đấm gì thế này. Chết hết anh em. Cái ông Chín Vinh đâu có ở đây mà nhìn giùm một chút.

- Cậu tập họp tất cả anh em lại đây.

Trong khi chờ đợi anh em đến đủ mặt, tôi hỏi Na:

- Như vậy ở ngoài Bắc các cậu thuộc Sư 308 phải không?

- Vâng, đúng thế ạ!

- Anh hùng Nguyễn Quốc Trị là sư trưởng, chiến sĩ thi đua Giáp Văn Khuông là tham mưu trưởng E phải không?

- Sao thủ trưởng rõ cả thế?

- Tôi có vài lần liên hệ công tác với F 308.

Anh em đã tới đủ mặt. Tôi bảo:

- Các cậu về đây là tốt rồi. Không nên chửi bới lung tung đồng bào nghe được, chúng mình mất uy tín. Trong lúc chờ đợi tìm E268 tôi tạm thời nhận các cậu vào E của tôi. Hai cậu bé thì về làm trinh sát với tổ trinh sát của tôi, trong đó có cậu Đá quê ở Sơn Tây.

Một cậu mặt xanh lướt mừng rỡ:

- Em ở Đan Phượng Hà Đông cách Sơn Tây không xa.

Tôi tiếp:

- Cậu B trưởng tạm thời về giữ chức C phó thay cho cậu C phó của tôi mới hy sinh.

Cả bọn ồ lên. Một cậu nói:

- Lên chức sướng nhé.

- Còn cậu tham mưu E thì tôi cho vào đội nữ dũng sĩ phụ khiêng tiếp thương binh với các cô. Về đến căn cứ tôi sẽ cho người đưa về E268. Chứ cấp E tôi không có quyền điều động!

- Thôi, xin thủ trướng cho em ở đây luôn với chức A trưởng, B trưởng gì cũng được ạ!

- Chúng ta phải theo nguyên tắc quân đội. Cấp E phải do F điều động. Còn các cậu khác thì ở lại đơn vị phòng không. Đây là D phó của các cậu. -Tôi chỉ Sáu Lức.

Các cậu kéo đi tìm chỗ, tản mác khắp trong vườn. Tôi bảo cấp dưỡng đem cơm nước ra phục vụ. Các cậu mừng mà tôi cũng vui. Bỗng nhiên được trời cho một A lính.

Tôi quay lại chuyện Sáu Lức.

- Mày thấy con Nền được hả?

Sáu Lức bẽn lẽn:

- Anh Hai thấy sao?

- Hễ mày được thì tao giúp. Cưới cho mày chớ bộ cho tao sao?

- Em... em thấy cô ấy rất tốt. Có tinh thần công tác. Ra trận xung phong. Chồng là đồng chí của mình.

- Mày không sợ tụi nhỏ nó cười con trai đi lấy đàn bà sao?

- Cổ đâu đã có con anh Hai.

- Thì câu hát người ta đặt ra như vậy chớ phải nói mày sao?

Sáu Lức mím môi một chút rồi nói:

- Đàn bà thì đàn miễn thương em thì được.

- Mày thương nó rồi hả? Thương hồi nào?

- Dạ... dạ mới kỳ đánh trận này thôi!

- Mày bị nhiễm cà phê lược bằng cái vợt đặc biệt rồi hả?

Sáu Lức bẽn lẽn:

- Anh coi được thì bảo thằng em anh một tiếng.

- Nói với ai tao cũng nói được hết, chỉ yêu cầu mày sửa đổi tác phong lại. Ăn nói phải chững chạc, đúng tư thế D phó. Mày vác đạn phụ với lính là tốt. Nhưng khi hô xung phong đừng có la "Đụ mẹ xung phong! " Thuở đời nay có ai dám đụ mẹ xung phong như mày? Mỗi lần xét đề bạt, tao đều nhắc tới mày nhưng người ta gạt mày ra vì điểm tư cách.

- Em có làm gì mất tư cách?

- Sự đời nó như vậy đó! Thằng lớn đầu ba vợ, mỗi vợ một villa thì hổng sao, chớ lính o đàn bà giá thì bị ghép đạo đức, kiểm thảo, khai trừ đủ thứ. -Tôi lột đồng hồ đang đeo- Nè, mày đeo để coi giờ phân công gác và đi họp cho đúng giờ.

- Thiệt sao anh Hai?

- Thiệt chớ gian sao mày?

- Trời, "Xây Cô" có Cửa Sổ, "ô-tô-tích " hả anh Hai?

- Coi đó thì biết. Sợi dây tao đeo hơi rộng. Chắc cườm tay mày vừa!

Ba Tua y sĩ nói:

- Báo cáo anh Hai, trong các vết thương chỉ có Tư Ếch là nặng. Động mạch bị đứt máu ra nhiều quá chắc không chịu nổi. Em đã cho đưa về C5. Còn thằng Trứu bị thương ở đầu nhưng không ảnh hưởng sọ não. Thằng Mầm cũng không sao. Còn cô Nền thì em nhét "gạt" chỉ ba ngày là cho về nhà dưỡng sức được.

- Liệu có ảnh hưởng gì không đồng chí? -Sáu Lức hỏi.

- Không sao. Những ngón chân đều ngo ngoe được.

Sáu Lức dẫn tôi và Hai Khởi đi xem qua các khẩu đội khác. Vừa đi hắn vừa giơ tay lên xem giờ.

Trở lại nhà, tôi bàn với Hai Khởi:

- Cậu có thấy mấy đứa con gái của Năm Hội không?

- Có mấy đứa trong nhà nhưng không biết đứa nào là con ổng, đứa nào ở đằng xóm.

- Đứa lớn tên là Mè. Con của ông đặt có vần Mè, Rô, Lóc... toàn là cá. Tôi thấy cô Mè xứng với thằng Lức. Gia đình này cũng cỡ với gia đình nó. Tôi coi Năm Hội có cảm tình với mình. Tôi nói chắc được.

- Thầy định tốc quyết tốc thắng thiệt sao?

- Được mà! Cậu thấy sao? Đâu tham mưu một cú cho đẹp coi!

- Đằng trai thì chắc đồng ý rồi. Khè khè, chưa biết đằng gái thế nào!

- Con nhỏ coi bộ mặn mà chắc làm lụng giỏi dắn.

- Thầy có uy tín, thầy mở lời đi. Mình có thêm cơ sở đóng quân và vận động quần chúng.

Thằng Tiễn chạy ra báo:

- Có ông Tám Thiện tìm anh Hai!

- Chắc Tám Thiện thị đội trưởng, nghe đâu ổng là em vợ của Năm Hội.

Bỗng thằng Tiễn vừa quay ra lại trở vào báo có khách.

- Khách nào nữa.

- Đàn ông hay đàn bà? -Tôi gắt.

- Dạ đàn bà... ủa con gái!

Tôi giật mình. Linh tính báo cho tôi biết là ai. Có lẽ thấy nét mặt của tôi thay đồi ít nhiều, Hai Khởi rẽ ngã khác và nói là đi kiểm tra công sự và đi qua chỗ Ba Tua thăm thương binh. Hắn để cho tôi được tự do.

Tôi vào nhà. Từ xa tôi thấy một cô gái đầu quăn mang kiếng mát đen ngòm như mắt thòi lòi. Nàng ta giơ tay lên vẫy vẫy. Đích thị là người tình có trái tim rực cháy xuất hiện và biến đi như kiếm hiệp: nàng Ua, cán bộ quân báo của Sáu Huỳnh. Lâu nay tôi cũng không có thời giờ để nhớ những kỷ niệm với nàng. Đúng ra là trái tim của tôi đã quá chật chội không còn dành chỗ cho nàng.

Nàng chạy tới, nói ríu rít và nắm tay tôi:

- Anh còn sống hả? Vậy mà trong quận, cái loa mắc dịch nó nói tên Hai Lôi tiểu đoàn 7 bỏ xác trong dinh quận. Tụi nó kêu mình vô đó cho khiêng đem về chôn.

Tôi cười hề hề:

- Bỏ xác nhưng còn hồn!

Nàng lột kiếng ra ngó sát tôi như muốn nuốt sống. Rồi hạ giọng:

- Sao trận này làm không gọn tía non?

- Mất đi yếu tố bất ngờ.

- Trận này anh thất bại ê chề rồi!

Tôi trừng mắt:

- Ai bảo?

- Rồi chú Sáu Huỳnh và anh Ba Xuyên sẽ báo cáo về Khu cho anh coi.

- Báo cáo cái gì?

- Anh cho lính cướp tiệm và đốt chợ. Bây giờ trong chợ người ta réo đích danh Hai Lôi chửi. Anh vô đó mà nghe!

- Ai bảo vậy?

- Thì em mới ở trỏng lấy tin ra mà. Dân chúng thán oán. Người ta chửi Mặt Trận ăn cướp.

- Suỵt!

Tôi đưa tay bịt miệng Ua. Ua vùng ra quốc mắt la to:

- Sạp vải của dì Ba (Má con Chia) cháy tiêu. Má suýt chết: Người ta tản cư về Sài Gòn hết rồi. Một tiểu đoàn của trung đoàn 49 Sư 25 vừa tới tăng viện.

- Thôi bỏ qua đi, em đến có đem lệnh mới cho anh không?

- Không có lệnh lọt gì hết.

- Sao em biết anh ở đây?

- Anh lên tới trời em cũng theo... Chị Bảy Mô rước bà già vô làm gì hả?

- Đâu có ai vô? -Tôi chối phắt. (Chớ dám nhận à?)

- Chưa vô nhưng sẽ vô. Chị Ba khoe với em. Bộ anh muốn chia đôi trái da láng với em hả? (Chị Ba cùng với Năm Mai hùn bán nước đá ở gần xóm Nhà Thờ. Cả hai đều là chị của Bảy Mô. Lần nghiên cứu đánh Suối Cụt, Ua có chở tôi đến đây uống nước đá).

- Thì bà già vô thăm con bả, anh đâu có biết.

Ua vùng vằng:

- Anh ghê lắm nghe! Tại sao bây giờ đoàn bộ của anh toàn là nữ dũng sĩ. Bảy Nê, Tư Bé, và các bà Hai Nương, con Ẻng sẩm lai ở đâu tấp về nấu bếp?

- Đó là do ông Hai Khởi bố trí. Ổng là tham mưu trường mà.

- Bố trí! Bố trí! ảnh có bố trí anh ngủ chung hầm với họ không?

Tôi ngắc ngứ không trả lời. Bụng bảo dạ: đường dây nào mách cho cô nàng những chuyện đó? Ua kéo tay tôi ra chỗ vắng rồi gầm gừ:

- Anh đã hứa trước mặt má rằng anh sẽ cưới em hu hu... má cũng đồng ý.

- Ừ thì anh hứa! Má cũng đồng ý, anh có nói gì đâu.

- Hứa mà vậy đó hả? Đời em đã phó thác cho anh rồi.!

- Thôi đừng khóc lính thấy nó đồn rùm ra, khó công tác.

- Đồn gì Em là vợ chưa cưới của anh! Em không sợ.

Ua dậm chân bèm bẹp như đất lở trời long. Tôi ngó xuống, đánh trống lảng:

- Giày cao gót mới mua ở Sài Gòn hả em? Coi em cao bộn đó!

Ua bật cười. Tôi tiếp:

- Còn ba cái tóc giả này coi chừng chạy Honda bay mất.

- Anh liệu đó. Một trái "da láng" chia hai nghen! -Nàng nhìn tôi với cặp mắt ướt rồi lần mở nút áo giữa ngực thọc tay vào lôi ra một vật đen đen. Tôi liếc thấy khẩu 6.35, nàng bấm lấy băng đạn và lẫy hai viên để trên bàn tay quắc mắt- anh muốn viên nào?

- Viên nào cũng được. Nhưng loại kẹo bắn ruồi này không ngọt -Tôi vừa nói vừa móc Colt cây Colt tôi đổi của Bảy Tùng đi Cao Miên hôm ở hầm Bảy Ưng) lấy băng đạn lẫy hai viên đưa cho nàng- Thứ này mới ngọt. Hai đứa chỉ cần một viên thôi.

Nàng nhìn tôi trân trân hồi lâu rồi bảo:

- Anh không còn yêu em nữa?

- Em cứ làm tình làm tội anh hoài. Em đã không giúp mà cứ phá anh.

- Hôm nào đi Sài Gòn em qua Nhà Bè mét má cho anh coi!

- Mét gì?

- Anh định quơ con gái địa chủ!

- Ở đâu?

- Bên Trảng Bàng. Nhà Tám Râu. Chị là Hằng, em là Nga. Có không?

Tôi chết điếng cả người. Tại sao nàng lại biết cả chuyện đó? Tôi định chối phứt thì nàng tiếp:

- Chị Sáu Khiêm là bạn em đấy.

- Sáu Khiêm nào?

- Út Sữa, còn chối nữa hết. Rồi chị Mười Lý nữa!

- - Mười Lý nào?

- Chỉ kể cho em nghe hết. Chỉ rất đau khổ vì phải xa anh! Anh ác lắm!

Thôi bỏ mẹ rồi. Té ra các nàng đều có đường dây bí mật cả. Tôi cười:

- Đó chỉ là công tác. Cô ấy "đau khổ" chớ anh đâu có biết gì!

Đàn bà tuy dữ mà hiền. Khi đã mang vết thương lòng thì thuốc chữa trị chỉ là đàn ông thôi. Dù thù ghét, họ không thể thiếu đàn ông được.

- Thôi đi vô em. Nhà mới đóng quân, người ta thấy anh em mình tu ti lâu vầy, họ nghi. Kìa, cặp mắt em đỏ hoe. Chùi đi!

Ua tỏ ra là tay có võ nghệ khá trong làng quân báo. Nàng càng khóc to lên và đi vào nhà. Nàng mếu máo:

- Em thấy các anh gian khổ em thương quá hà... hức hức.

Mấy cậu lính, các cô dân công và cả đám con gái chủ nhà đứng trước thềm ba nhìn chúng tôi. Tôi thản nhiên, đóng một vai kịch cương khá tự nhiên:

- Đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Cô về cho tôi nhắn gởi lời cảm ơn bà con trong thị trấn.

- Còn mấy cái xác trong đó... (Ua bịa chớ đâu có xác nào).

- Cô về nhờ đồng bào cất giấu giùm. Tôi sẽ cho cơ sở bí mật giải quyết.

- Em sẽ tẩm liệm rồi đưa ra xe đò chở vô được không?

Chắc mọi người tưởng Ua là công tác nội thành nên nhìn chúng tôi với vẻ mặt xót thương và cảm phục. Màn bịp khá thành công.

- Em ở ăn cơm được không?

- Em phải về báo cáo ngay. Ở đây lâu, lộ hết!

Rồi Ua tra cặp mắt thòi lòi vén tóc, đội nón lên ra sân rồ máy Honda dẫn ra đường. Tôi đi theo nàng. Trong tiếng máy êm ru, chúng tôi tiếp tục nói chuyện công tác.

- Anh nhớ đây! Lần này là lần chót em cảnh cáo anh gắt gao.

- Mấy đứa đó coi anh như anh ruột mà!

- Xời! Con Ẻng là ghê lẩm. Nó ở bên K20 làm cho mấy lão FM đầu bạc sụp hầm chông mất lon mất gáo rồi qua đây! Tới phiên anh đó. Liệu cái thần hồn.

- Em khỏi lo.

- Ừ nó cho anh hết chớ gì. Con nhỏ đó gác máy bay ghê lắm đó nghe.

- Con nào lại không gác?

- Em nói chơi chơi mà làm thiệt đó. Em đi xuống Nhà Bè rước má lên nội trong ba ngày nữa cho anh coi.

- Ừ em rước má em, tụi mình làm đám "tiên bố", để lâu nguội hết!

Nàng rồ máy một cách mừng rỡ. Nàng cười với tôi và gác chân qua yên xe.

- Làm sao hôn anh bây giờ?

- Hổng được đâu. Người ta ngó thấy, mất uy tín em hết.

Nàng đưa tay hôn gió rồi rồ máy phóng tuốt. Tôi như vừa tỉnh giấc mê.

Xế chiều. Sửa soạn hành quân đáo lai Đồng Lớn. Năm Hội và cả xóm làm tiệc tiễn đưa, làm thịt năm con chó.

Tại nhà Năm Hội làm gà vịt và mua thịt quay làm cỗ cúng ông bà hẳn hoi. Anh Năm chị Năm mặc áo dài đốt nhang trên bàn thờ. Cậu Lức và cô Mè đứng hai bên bàn thờ. Trong không khí trang nghiêm, với sự có mặt của. gia đình và một tiểu đội phòng không, mọi việc tôi đã bàn trước với Năm Hội. Sẵn tiệc tôi nói luôn để mọi người ngạc nhiên chơi.

- Hôm nay tôi xin thay mặt gia đình em Lức và ban chỉ huy đơn vị xin chánh thức hỏi cô Mè cho em Lức, tiểu đoàn phó tiểu đoàn phòng không của tôi. Gia đình em Lức ở bên Vàm Cỏ Đông gần cầu Bến Lức nên anh em gọi là Sáu Lức.

Tôi vừa dứt lời thì cậu A trưởng hô "nghiêm". Toàn thể đứng thẳng người, rồi cô Nê bưng mâm trên đó có hai chiếc hộp phủ vải đò. Nê đặt mâm lên bàn và mở hộp đưa cho Lức. Lức lấy sợi dây chuyền vàng khoác vào cổ Mè. Nê mở hộp thứ hai. Lức lấy chiếc đồng hồ đeo vào tay nàng. Xong Nê cầm gói giấy đưa anh Năm.

Tôi nói:

- Đó là sính lễ của chàng rể, còn đây là số tiền 15 ngàn của đơn vị tặng cho cặp tân hôn dùng làm vốn sống với nhu. Kể từ giờ này em Lức là chồng chưa cưới của em Mè.

Năm Hội khoát tay:

- Thời buổi chiến tranh này, cưới hỏi làm luôn một lần cho tiện. Vợ chồng tôi coi như đây là đám cưới con Mè. Chú Lức là chồng của nó và là rể của nhà này. Thôi, hai con làm lễ ông bà và... động phòng hoa chúc... tối nay.

Trước sự bất ngờ, tôi nói luôn:

- Tôi thay mặt ban chỉ huy cho phép tiểu đoàn phó D phòng không Sáu Lức nghỉ phép một tháng ở lại với gia đình bên vợ. Sau đó sẽ trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu.

- Phòng không lần này bắn trúng máy bay rồi.

Không có ai ngờ đám hỏi vợ cho Sáu Lức lại nhanh như một cuộc tao ngộ chiến. Lại càng không ngờ đám hỏi trở thành đám cưới một cách vui vẻ như thế.

Trời vừa mát, bộ đội hành quân. Đôi tân hôn đưa đơn vị ra mé đồng. Sáu Lức chạy nhào tới ôm tôi úp mặt vào vai khóc như mưa, nghẹn ngào, sụt sùi:

- Anh thương em như cha mẹ ruột.

Cả nhà cũng khóc theo. Tay đưa lên vẫy nhau.

Hai Khởi đi bên tôi thầm thì:

- Tôi không thấy ai như thầy, ra trận thương lính như ruột thịt.

Khởi có biết đâu lòng tôi ngổn ngang đau khổ vì cái chết của C phó Tư Ếch trong trận vừa qua. Tư Ếch là dân Phú Mỹ Hưng, ấp Bò Cạp, nhưng địa danh Bò Cạp không được nổi tiếng bằng Hố Bò. Hố Bò có một thời được Pháp gọi là mật khu của Việt Minh. (Thời đó Tô Ký chỉ huy vừng này cùng với Hai Búa, Ba Ngọt, nay cũng còn sống và đang ở trên R. Ba Ngọt tức thượng tá Nguyễn Chí Sinh vừa bị bắt sống ở Gò Vấp). Tư Ếch nhà rất nghèo. Đi du kích, tính nhát súng chớ không bạo dạn như Năm Đầu Ban và Sáu Mã Tử.

Khi cô bé Là làm xã đội phó thì Tư Ếch chưa vô du kích. Là có la hét lắm Ếch mới chịu đi họp. Nhưng về nhà rồi lặn luôn chớ không tích cực như Mã Tử và Đầu Ban. Mãi đến sau cuộc càn Cesar Fall, du kích không còn đất sống, Sáu Mã Tử và Năm Đầu Ban gia nhập bộ đội. Rồi Tư Ếch cũng lót tót đầu quân. Khi tôi về D Quyết Thắng thì Mã Tử và Đầu Ban đã được phong kên B trưởng, còn Tư Ếch còn là lính trơn.

Đơn vị qua nhiều phen biên chế bổ sung, Tư Ếch mới được lên A trưởng chỉ huy một tiểu đội du kích. Đánh Củ Chi lần trước về, tôi phong cho B phó. Thấy anh ta chậm chạp nhưng chắc chắn, trong tình thế gay go, lệnh đưa xuống, Tư Ếch đều thi hành đúng, tôi phong luôn C phó. Cán bộ thiếu quá, lấy ai chỉ huy? Thôi thì cũng có người cho mình sai khiến. Tư Ếch thích đi gần tôi để nghe tôi nói chuyện về thao tác pháo và đại liên. Ngoài ra y còn thỏ thẻ về việc muốn cưới con Út. Trước khi ra trận, y nói với tôi:

- Về chuyến này em tiến hành đó anh Hai!

- Ừ tiến thì tiến đi, tao làm chủ hôn cho.

- Cha mẹ em không còn.

- Tao làm đàng trai luôn.

Thằng nhỏ mừng rỡ cám ơn tôi rối rít. Bây giờ thì nó chết rồi. Thằng thanh niên xóm Bò Cạp, con Út đang chờ nó về. Nhưng nó không về được nữa.

Tôi đã làm đàng trai đứng ra cưới vợ cho mấy đứa rồi. Từ H5 đến D7. Cô Thu, cô Út, cô Lan... thằng Xướng chết sau khi cưới con Nền có hai tháng. Con Nền, con Chạch bị thương đang nằm trong võng dân công khiêng kia. Con Thu bị pháo bắn chết rồi. Đời sống trong chiến tranh mong manh quá, nên hễ thấy chỗ nào ướm là tôi đốc vô và giúp cho tiến hành. Để rồi như thằng Tư Ếch. Vì thế khi nghe thằng Lức tò vè con Nền thì tôi cũng cố ý cáp đôi. Nhưng con Nền góa chồng còn Lức là trai. Tội nghiệp nó, cho nên thấy con Mè được gái tôi mạnh dạn hỏi. Lương duyên trời định, Năm Hội đồng ý ngay. Còn có vẻ mừng. Tiền bạc, nữ trang có sẵn trong mình tôi đưa ra cho nó cưới vợ. Chỉ một tháng phù du rồi trở lại đơn vị, biết ra sao ngày sau? Que sera sera. Cuộc đời ở cái xứ Củ này!

Trời chiều mát mẻ. Chân lội xuống bùn nghe êm êm, tôi miên man nghĩ ngợi về cuộc chiến tranh tàn bạo này.

Đánh nhau đổ máu chỉ vì miếng ăn. Cái miền Nam trù phú này là mồi thu hút đám cá mập cá xà trong nước lẫn ngoài nước chớ là cái quái gì!

Bỗng Bảy Nê rủ rỉ bên tai tôi:

- Ai hồi trưa vậy anh Hai?

- Ai đâu?

- Cô đầu quăn mắt thòi lòi.

- Ờ, cộng tác viên của... cơ quan.

- Người ta xầm xì là vợ anh. Có phải thì khai ra đi cho các cô buồn!

- Em coi xứng với anh sao?

- Cổ chừng mười bảy, mười tám chớ gì?

- Em mấy?

- Hai mươi. Người Sài Gòn hả anh?... Bởi vậy anh đâu có ngó dân phèn này!

- Không phải vậy đâu em.

- Chớ gì nữa?

- Công tác lu bù thời giờ đâu mà lo cho vợ.

- Chớ mấy ông Năm Tiều, Tư Quân thì sao? Bất quá cho bả ra ấp chiến lược. Năm Tân còn cho vợ đi làm Đồng Dù.

Tôi chạnh nghĩ tới Hai Phái, Tư Nhựt. Hai Phái chưa vợ, chân trơn nằm xuống không để khổ cho ai. Còn Tư Nhựt vợ trẻ, con đỏ lói không biết mặt cha. Vợ y đau đớn đến phát điên. Những hình ảnh mẹ góa con côi: Cô Mười và bé Hoàn, Ba Lụa và bé Rớt, Năm Mai và bé Liên, Tư Thêm và bé Tiền v.v... tôi gặp trên đường gió bụi, đã làm tôi ngẩn ngơ. Chiến tranh đẻ ra đàn bà góa. Củ Chi này có lẽ đông đàn bà góa hơn bất cứ quận nào trên thế giới. Công Trường 5, E268, Q16, D7, E Thép... cứ một đợt lê dương đầu đỏ đi qua là có hàng trăm con gái xuất giá và rồi sau đó có hằng trăm mái tóc xanh chít khăn tang đau sầu, khóc hận.

Chiếc khăn rùng rợn lâm ly nhất đang phất phơ trên đầu vợ Tư Nhựt như tiếng gọi "hãy ngừng chém giết nhau" nhưng bọn nó đang vục mỏ vào máng đâu có nghe.

Bảy Nê lại hỏi:

- Sao anh không lo cho anh mà cứ lo cho người ta vậy anh Hai?

- Em kiếm giùm cho anh đi!

- Có nơi người ta thương anh lắm mà anh có thèm để ý đâu -Nê đấm vai tôi, mặt đỏ rần.

- Đâu nói tên coi!

- Dạ, để nghỉ quân kỳ này em sẽ nói, mà em nói anh đừng có... rầy em nghe.

- Rầy gì mà rầy?

Một loạt pháo nổ xa xa. Rồi một bầy cá nhái lao về phía này!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx