sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 102: Buổi Lễ Cúng Cô Hồn

Ngôi quán của má Bảy chật ních những người. Đã lâu lắm người dân mới nghe tiếng đờn của văn công quận do Năm Phạm Sang chỉ huy.

Mấy năm nay toàn nghe sáo B52, "ắc-coọc" của Đồng Dù và "đờn cò Tây" Trung Hòa hợp xướng. Cho nên bất chấp nguy hiểm người dân kéo đến coi. Phạm Sang vì mê đờn, vợ bỏ vô Sài Gòn. Đúng ta y mê mấy cây "ghita" không dây, không phải mê đờn. Cho nên cuộc đời y đứt dây không nối được. Nhà văn công họ Phạm đã lập thành tích tặng cho cô em ca sĩ Tuyết Minh gì đó một bản kim tiền hay bình vắn bán dài cụp liệt. Vì nở bề ngang, cô em không lọt miệng địa đạo nên ở nhà rồi dông ra Sài Gòn tổng công kích luôn chớ không dám khai cho ông Phạm văn công.

- Xin giới thiệu với bà con anh Hoàng Mộng Thắm hiến một bản kim tiền mô tả trận đánh hạ tám xe tăng dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Hai Lôi.

Ca sĩ Thắm bước ra sân đất cúi đầu chào rất văn công nghiệp dư và cất giọng:

Tiếng đàn tiếng ca họa nhau rất ăn nhịp làm người xem mê tít.

Dứt bản kim tiền, nghe tiếng chắc lưỡi hít hà lẫn trong tiếng vỗ tay hạn chế vì sợ đạn pháo đi không nghe.

- Ai đặt bài hát thiệt hay.

- Ờ, bản này của ông Năm Sang làm đó.

- Để chút nữa mình xin ông chép lời ca học chơi.

Một bác nông dân lên tiếng:

- Còn bài nào khác làm luôn đi chú Năm, kẻo chút nữa pháo bắn không làm được.

Má Bảy bước ra xua tay:

- Tui xin bớt bớt ba cái văn nghệ đi!

- Vậy bà mời Năm Sang đến đây làm gì?

- Chờ khuya khuya coi tình hình có êm hay không đã. Nếu êm tôi cho văn nghệ tới sáng.

Một người hỏi:

- Bữa nay bà làm gì mà rình rang vậy bà Bảy?

- Tui làm gì kệ tui, ai dự thì ở dự, ai không dự cứ đi về. Đừng có hỏi, tôi mệt lắm rồi, -bà quay lại Năm Sang- chú Năm cho hát thêm vài bài nữa đi rồi chú Năm ngưng nghe!

- Dạ bài hát còn nhiều nhưng chỉ sợ pháo bắn và trực thăng soi.

- Nó có soi thì soi ngoài sông Sài Gòn chớ trong này có ếch nhái gì mà soi. Bà con có nghe hát hay cũng đừng vỗ tay lớn, để lắng tai nghe pháo đề-pa.

Rồi bà quay vô nhà bảo hai đứa con gái của bà là Ba Cương và Tư Cưỡng khiêng con heo quay ra để trên mâm đem đặt trên bàn ở giữa sân lộ thiên. Con heo vàng rực, mắt nhắm hít, miệng há ra cười đời. Lại thêm cái đuôi nhỏ xíu cong lên như một chiếc cà rá to tướng.

Bà Năm Đang, bà Hai Xót, cô Tám Phụng đều có mặt trong nhà. Bà Năm là người cao cấp nhất trong vùng Củ Chi này mà cũng không ngăn cản được ý định cúng cô hồn bữa nay của má Bảy. Năm Đang thấy người đến càng đông không thể nào giữ trật tự được. Một viễn ảnh ăn pháo sẽ không tránh khỏi. Năm Đang bèn hỏi má Bảy:

- Sao không làm trong nhà cho kín đáo, má?

- Cúng âm hồn là phải ở ngoài sân.

- Sao vậy má?

- Là vì họ" không có ở trong nhà. Hồn oan vất vưởng bên ngoài, đậu trên chòm cây ngọn cỏ, nếu mình cúng ở trong nhà, "họ" đâu có thấy mà hướng được.

Năm Đang đã nói hết lời rằng đây là dị đoan mê tín không được cách mạng chấp nhận. Nhưng má không nghe.

Má nói:

- Đây là tục lệ ông bà để lại, cách mạng không chấp nhận thì cách mạng đừng dự, còn tôi, tôi phải làm để "họ" phò hộ cho trong nhà trong cửa tôi.

Hai Xót chức nhỏ nhưng lớn tuổi hơn Năm Đang. Thay vì đi theo đường lối của Năm Đang, Hai Xót lại chơi ngược lại, do đó má Bảy có chỗ dựa mà làm tới. Còn Tám Phụng thì thủ khẩu như bình, lại có lánh ham vui, thấy văn công tới khua đờn đánh trống thì dường như trái tim trẻ cũng rung rung, nên "ai sao em vậy!"

Má Bảy cưỡng lời Năm Đang nhưng cũng nể oai bà khu ủy nên tìm cách giải thích:

- Cô Năm à! Mấy đêm trước tôi nằm chiêm bao thấy ba nó đi Sài Gòn "về" mình mẩy máu me, quần áo ướt dầm dề. Tôi hỏi sao mình về vậy? Ba nó nói ai cũng về hết thì tui ở làm gì? Đơn vị của tui có còn ai đâu mà ở. Ba nó biểu tôi phải làm việc vớt cho ba nó.

Năm Đang đã hạ lệnh bắt dân công từ 18 đơn 55 đi xuống đường, mụ thừa biết cái chết của ông già Bảy điếc lác nên làm bộ hỏi han:

- Vậy ra ảnh chết dưới nước sao?

- Ba nó nói vậy thì tôi nghe vậy chớ có ai biết chết ở đâu? Ba nó còn dặn dò là tôi không được gả con Cương cho ai. Ổng đã hứa với người ta rồi. Nói vậy rồi mở cửa sau đi mất chớ không có nói là hứa gả cho ai.

Má Bảy ngưng lại hồi lâu rồi tiếp:

- Ổng linh thiệt cô Năm à! Ổng vừa nói ban tối thì chiều hôm sau người ta về tới cũng nói y như ổng.

- Ai vậy má? -Tám Phụng hỏi.

- Thằng Tư Bính với thằng Vàng. Tư Bính là tiểu đoàn phó còn ổng là dân công bị bắt làm quản lý tiểu đoàn. Tôi đoán chắc trong lúc đi xuống Sài Gòn hai bên đã hứa với nhau nên khi chết ổng về nói cho tôi rõ kẻo ổng thất hứa với người ta.

- Còn thằng Vàng?

- Ổng không có hứa với thằng Vàng. Nhưng thằng Vàng về chung một chuyến với Tư Bính, chuyện nó xảy ra như vậy chớ khi không mà bày đặt ra làm chi cho hao công tốn của. Cô Năm, cô Hai với cô Tám có biết đâu tôi phải bỏ hai ngày ra ấp chiến lược Cây Trâm để tìm rước cho được một ông đồng và một ông thầy pháp. Tiền bạc xong xuôi rồi, nhưng nghe tôi rước về trong này, hai ông không chịu đi. Tôi năn nỉ và xin đặt tiền tổ gấp ba nhưng cuối cùng chỉ có ông đồng chịu đi thôi. Cô Năm, cô Hai nghĩ thử coi họ làm ngặt mình vậy đó. Không có thầy quất khăn ấn thì làm sao đồng lên được? Nhưng ông thầy bảo ổng đưa cho ông đồng một lá bùa, vô trong đó chừng nào muốn "sai đồng đi", thì uống lá bùa là ông "lên". Ai muốn hỏi gì ổng cũng trả lời trúng hết. Thôi cũng được! Sau khi điều đình xong với ông đồng thì chợ quận bị tấn công, ổng lại cũng thụt luôn, không dám vô cái vùng đất thép này! Tôi phải trả thêm gấp hai rưỡi ổng mới chịu đi, nhưng ổng đòi nếu có chuyện gì xảy ra cho ông tôi phải chịu tiền thang thuốc.

Tôi đành nghe theo ổng cho được việc. Nhưng rồi phút chót ổng cũng không đi, chỉ bán rẻ cho tôi cái lá bùa.

Hai Xót nói:

- Cái thứ nghề không có pa-tăng đó đáng lẽ má phải đá cho nó một đá, chớ sao lại trọng vọng chiều chuộng vậy?

- Lúc cần thì phải chịu ẹp chớ sao, cô Hai!

Năm Đang hỏi tới:

- Như vậy là chỉ có "đồng" chớ không có thầy bà gì hết. Vậy ai đọc thần chú quất khăn ấn cho nó lên?

Má Bảy nói:

- Tôi đã đưa lá bùa cho một người. Chút nữa họ sẽ uống và lên như "đồng".

Năm Đang hỏi:

- Ông đó ở đâu rồi cho tôi gặp chút được không?

- Dạ, ổng đang "tịnh" ở dưới hầm. Dạ, chi vậy cô Năm?

- Để tôi phổ biến chủ trương chánh sách về mê tín dị đoan.

- Thôi thôi cô ơi! Chuyện đó để khi khác! Còn bữa nay xin tha cho để tôi cúng ba cái vong hồn cho xong đặng gả con tôi. Nhà hai ba đứa tồng ngồng mà chưa có chồng mấy ổng tới tới lui lui có ngày tụi nó thành cá nóc mít hết!

Hai Xót biết điều hơn, can gián:

- Thôi chị Năm để khi khác, chánh sách còn đó chớ có thiu thúi gì mà lo. Để sau bữa cúng rồi chị phổ cũng được.

Năm Đang thấy cũng có lý nhưng còn kêu lập trường:

- Đây là lần cuối cùng, khu giải phóng không chấp nhận lần thứ hai.

- Dạ ngàn năm ngàn "thở" ủa ngàn năm "một thở" đó cô Năm!

Ở ngoài sân tiếng đờn kìm reo lẳng tẳng, tiếng ắc-coọc nổi lên phừng phực. Giọng lại cái của ông trưởng đoàn văn công eo éo như giọng bà bóng.

- Chúng tôi xin hiến cho quý đồng bào một bài gọi là "Bài ca may áo " của nhạc sĩ trên Rờ.

- Hoan hô. Bép, bép... bép!

Nữ diễn viên Út Huệ bước ra chào và hát theo tiếng phụ họa của cây ắc-coóc.

- Xin mời bà con vỗ tay cho ăn nhịp.

- Tui lạy các ông con nít, pháo nổ đề-pa không có chui hầm kịp đó!

Nhưng bài này không được khán giả chú ý bằng bài kim tiền hồi nãy. Không phải vì bài hát dở và người hát không hay mà vì trên bộ ván ở giữa sân, ông đồng đã xuất hiện và bất đầu "hự hự". Cái đầu trùm khăn đỏ lắc lia như tàu hủ dừa quay trong cơn gió lớn. Con heo quay vểnh tay và nhe răng trắng hớn cười.

Há há... há, ông đồng phá lệ cười nghe rởn tóc gáy. Ông ta xếp bằng tréo hai chân vào nhau mà nhảy cà tưng đít bật lên khỏi mặt ván cả tấc tây, rồi rơi xuống làm bộ ván kêu rầm rầm.

- Ta là Vương Thuyền lão tổ giáng thế. Ai muốn ta mách bảo điều gì thì hỏi mau lên để ta thăng.

Tâm lý người chủ nhà nào rước thầy pháp tới nhà cũng muốn cho đồng linh, thầy già tay ấn. Má Bảy bước ra đứng bên mép ván, với tay lấy bình trà rót một tách mặt trước mặt ông đồng và nói:

- Xin mời lão tổ uống miếng nước rồi đệ tử xin hỏi.

Một người đưa tách nước lên trút vào miệng lão tổ qua lớp vải đỏ trùm mặt.

Má Bảy hỏi:

- Tôi muốn biết ba sắp nhỏ nằm ở đâu?

Bỗng nhiên ông đồng đổi giọng khàn khàn:

- Má con Cương hả? Tui nè bà! Tui đang lội trên sông Sài Gòn, mặt úp xuống, ngộp quá muốn ngóc lên mà không được. Lạnh quá, muốn lên bờ mà leo không nổi vì chân trái gãy rồi. -Nói một dây, rồi ông đồng giơ tay ra- Bà cầm tay tôi coi: Tay mặt văng mất rồi!

Má Bảy òa lên khóc. Hồi lâu đồng nói:

- Bà vớt tôi lên mau mau kẻo lạnh quá! -Đồng khua hai hàm răng lọc cọc và tiếp - Bà ra ấp chiến lược mà ở. Bán trâu và bỏ ruộng đi. Đừng gieo mạ nữa.

Thấy ngộ nghĩnh Hai Xót liền hỏi:

Thấy ngộ nghĩnh Hai Xót liền hỏi:

- Ba con Cương. ông có gặp anh Hai Phái với Tư Nhựt không?

- Có có gặp hết! Đông lắm. Dân Củ Chi, dân tứ xứ đều nằm dày đặc mương Cau. -Đồng ngưng một giây. Bỗng giơ tay lên- Chào đại tướng, tôi là E trưởng mũi nhọn báo cáo chờ lệnh đại tướng. Các đồng chí chuẩn bị hành quân.

Rồi đồng đứng phắt dậy chân đi hai hàng loanh quanh trên vai và hét: Mục tiêu A, toàn đơn vị tấn công. Ha ha ha. "Đảng viên cộng sản tiến lên". Rồi ngã quật xuống tay ôm ngực, thở hồng hộc như trâu cắt cổ.

Một người nói:

- Ông Hai Phái về đó.

- Sao biết?

- Lính chạy về nói lại ổng chạy qua đường xe lửa hô như vậy đó. Rồi ngã gục, rên rỉ.

- Hai Phái chớ ai? Hai Phái là chánh ủy E mũi nhọn mà!

Hai Xót lại hỏi:

- Còn Tư Nhựt đâu?

Ông đồng đang rên bỗng bật dậy, quẫy quẫy cái đầu rồi nói giọng hụt hơi đứt quãng.

- Má con Thơ ơi! Anh không còn gặp em trên cõi đời nữa. Em đi tìm anh Hai Lôi nhờ ảnh giúp cho.

- Hiện anh nằm ở đâu, nói cho em biết để em đem anh về.

- Trong hầm chỉ huy, chung với Tám Lệ. Hai hàm răng anh bay hết, nói không ra tiếng.

Bỗng từ đám đông một cái bóng nhô lên rồi một giọng đàn bà ré to:

- Anh Tư! Anh Tư, em là vợ anh đây nè.

Mọi người quay lại nhìn. Thì ra là vợ Tư Nhựt. Nàng lẫn vào đám khán giả xem văn công lúc nào không ai hay. Nàng bế con đến bên mép ván, chìa ra:

- Con anh đây. Con anh đây! Thơ, cho ba bồng đi con. - Con bé sợ hãi khóc thét lên.

Đồng giơ tay ra đỡ lấy. Nhưng rút lại rên rỉ:

- Đạn bắn bể ngực anh. Coi chừng dính máu. Mặt anh đã lõm nề không thấy sao?

- Em tìm gặp được Hai Lôi có một lần.

- Hai Lôi là người bạn tốt. Ảnh dồn công ảnh cho anh nên anh mới được danh hiệu anh hùng. Rụ rụ rụ, thôi để tôi cho xe chạy kẻo trễ. Bí bo bí bo...

Một tiếng xầm xì:

- Rõ ràng là Tư Nhựt về. Ông ta lái xe đò đường Hốc Môn Tây Ninh, ảnh bóp kèn đó chớ ai!

- Nhưng Hai Lôi đã hy sinh rồi. -ông đồng nói.

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau.

Năm Đang hỏi:

- Trận nào?

- Trận đánh vô quận kỳ rồi. Hy sinh trên đường rút lui.

- Chắc không? -Năm Đang rót rượu và hỏi tiếp.

- Cho ta "hồ" ba cống liền rồi ta nói cho nghe.

Năm Đang run tay nhưng cố cho đồng "hồ" ba ly đã. Đồng quệt môi và cười hắc hắc.

- Rượu này mua của Chín Khuôn có bỏ vôi uống nhức đầu quá! Cho ta điếu Cá Tanh ta hút cho thơm râu ta mới nói. Cá Tanh chớ thuốc ta không hút!

Năm Đang quay ra:

- Ai có thuốc Cáp-tăng cho xin một điếu mời Hai Lôi, coi bà con!

- Đúng là Hai Lôi rồi đó. Đánh Củ Chi xong các đơn vị đều rút về đây đầy đủ. Riêng ông bảy ngày rồi chưa về.

- Ông nằm ở đâu? -Năm Đang lấy điếu thuốc đốt sẵn của ai cho, cắm vào mồm đồng.

Đồng rít mấy hơi rồi đáp:

- Trên bờ không phải trên bờ, dưới sông không phải dưới sông.

- Gần đây hay xa?

- Ba ngày! -Đồng xòe tay, nói.- Thôi ta thăng! ta thăng!

Đồng bật ngửa ra, thở phì một hơi dài. Không ai kịp hỏi thêm Hai Lôi nằm ở đâu.

Con Thanh và thằng Gàu đem công văn hỏa tốc cho quận đội, trên đường về gặp văn công tấp vào xem. Nghe nói Hai Lôi hy sinh chạy bay về đập cửa:

- Chú Năm ơi? Chú Năm!

- Cái gì mà làm như giặc tới vậy?

- Hai Lôi hy sinh rồi.

- Ở đâu?

- Không biết ở đâu?

- Ai nói?

- Cô hồn về nói.

Thằng Gàu thuật tỉ mỉ lại câu chuyện lên đồng ở sân nhà má Bảy cho Năm Tiều nghe. Năm Tiều bảo:

- Có chánh quyền ở đó không?

- Có cả khu ủy, quận ủy đủ hết.

- Không ai nói gì sao?

- Mấy bả rót rượu, rót trà mời ông đồng uống, còn bảo nói gì?

Năm Tiều lầu bầu:

- Mấy ông an ninh xã ở đâu mà để cho đồng bóng làm rình rang vậy?

Con Thanh nói:

- Có cả thím Tư Nhựt nữa chú à!

- Con điên đi đâu đó?

- Hổng biết thím tới hồi nào mà ngồi lẫn trong đám đông. Đến chừng chú Tư Nhựt về, thím mới bồng con ra đưa cho chú. Chú nói chú bị thương bể ngực bể hàm sợ làm máu dính con nhỏ nên chú rút tay lại. Còn ông Hai Phái nói giọng khao khao giống y lúc ở nhà, không khác một chút!

- Thằng "đồng" ở đâu bây biết không?

- Dạ nó bịt mặt bằng vải đỏ, mặc áo chim cò lòi lưng quần đai đen. Nhưng lúc nó ra gần mép ván có người nghi là vì thấy cặp chưn cong cong vòng kiềng quen quen.

- Tụi bây không nhận ra ai sao?

- Dạ không vì nó không nói giọng thiệt mà lúc thì nói giống Hai Phái, lúc nói giống như Tư Nhựt. Đặc biệt anh Hai về, đòi cáp-tăng và uống rượu biết là của chú Chín Khuôn có bỏ vôi uống nhức đầu. Thì đúng ảnh rồi chớ còn ai nữa?

Năm Tiều ngẩn người ra một lúc, rồi chép miệng mà không nói gì. Hồi lâu mới vỗ đùi kêu:

- Mà cũng lạ, sao năm, bảy ngày rồi nó đi biệt không về? Có nghiên cứu mặt trận mới thì cũng phải báo cáo cho tao biết chớ, tại sao lại lạc một cánh quân với nó? Đụ bà! Ba thằng đồng bóng nhảy cóc nhảy nhái gặp tao, tao thộp đầu nhốt chớ rót rượu mời.

Rồi đứng dậy khoác súng nai nịt, nói cứng:

- Nó đang ngủ bên nhà con Thêm kia chớ đâu!

Năm Tiều bước ra. Thằng Gàu chạy theo. Con Thanh càng sốt ruột cũng không ở nhà được. Qua nhà Tư Thêm, Năm Tiều ngó vào thấy có bộ ba bà táo đang lụm cụm làm gì trong bếp! À họ đang làm gà làm vịt. Chi vậy? Năm Tiêu đập cửa.

- Chị Hai, cô Năm, cô Tám.

- Ai đó.

- Tui.

Năm Tiều vừa ló đầu vô, Năm Đang đã bước tới rỉ tai. Năm Tiều gạt phắt:

- Khu ủy mà đi tin ba thằng thầy pháp. Bộ tính bán lúa giống không làm ruộng nữa hả chị?

- Nó nói y như thiệt anh Năm ơi! Cho nên tụi tui mần vịt cúng ảnh nè!

- Mấy tháng nói láo đều phải giữ vẻ nghiêm trang thì người ta mới tin chớ.

Tư Thêm ló đầu xuống bếp, mặt mày xanh dờn:

- Anh Hai cháu đâu rồi chú Năm?

- Mày giữ nó mà đi hỏi tao.

- Sao các C về đủ hết, ảnh không về?

- Nó ở trong hầm mày á!

- Không có đâu chú Năm. Cháu đang mong ảnh đây nè.

Năm Đang nói:

- Tụi tôi nấu cháo cúng ảnh đây.

- Mai thì mở cửa mả. Nhưng ngặt không biết nó nằm ở đâu!

Năm Tiều ngớ ra.

- Cái thằng này! Lạ quá?

Năm Đang nói:

- Ảnh "về" đòi thuốc cáp tăng rõ ràng anh Năm ơi? Tụi tôi bán tín bán nghi! Có cả ban văn nghệ của thằng Năm Sang ở đó thấy nữa chớ phải mình tôi sao. Trời, phải anh thấy cái cảnh "vợ chồng" Tư Nhựt gặp lại nhau coi, thiệt là cầm nước mắt không được. Con bé nó biết ba nó nên nó không khóc tiếng nào hết! -Bà khu ủy biết đẩy cây thoa mỡ bò.

Năm Tiều hơi run trong bụng nhưng vẫn nói cứng:

- Tôi bảo đảm là thằng Lôi về tới đây nội ngày mai. Đừng có cúng quải gì xui cho nó. Khu này còn một mình nó như con heo nái đó nó ngủm thì không có ai thay.

Bỗng có tiếng chân xen lẫn tiếng bi đông khua bên ngoài. Năm Tiêu vừa nói vừa bước nhanh mở cửa rồi đi luôn.

Một chút trở vô ngồi bình tĩnh. Rồi bảo:

- Cúng thằng Lôi thì cúng đi! Nó chết hai ba ngày rồi, chắc ở dưới nó đang đói lắm.

Ba bà cán gáo, với cô chủ nhà hối hả kẻ đem nguyên con vịt để lên bàn thờ, người đốt nhang đỏ rực khói tỏa mịt mù thiên địa. Bà Năm Đang thì rửa ba cái ly đóng bụi rồi rót rượu.

Năm Tiều nghiêm nghị:

- Cô Năm mua rượu nào, coi chừng rượu Chín Khuôn nó chê đó!

- Anh lại đây coi, tôi không rành!

- Thôi được, rượu nào cũng rượu, ăn thua ở tấm lòng thành. Chị vái mau mau đi để nó chớ lâu nó giận, nó bỏ đi không trở lại đó.

Nghe Năm Tiều nói, người này đùn người kia, không ai chịu đứng lên bàn thờ. Năm Tiều bèn đưa ra nguyên tắc: ai có quan hệ mật thiết với nó thì vái trước. Người này lại ngó người kia. Năm Đang đổ cho Tám Phụng:

- Em thân với ảnh nhiều nhất vậy em vái trước đi!

- Em chỉ liên hệ công tác, mà lần nào cũng có cô Hai, cô Năm đi kèm. Có cô Năm mới chỉ đạo công tác cho ảnh nhiều.

Hai Xót tự nhiên đứng ngoài vòng lên tiếng cứu bồ:

- Ở đây không ai quan hệ mật thiết với anh Hai bằng ông tham mưu cả. Ngày đêm không rời, đánh trận nào cũng có nhau. Vậy ông tham mưu thay mặt cả quân dân chánh là toàn vẹn cả.

Ba bà cán thấy có lý bèn tổng tấn công Năm Tiều. Ngài tham mưu bị ba bà cán cả vú lấp miệng em, không chối cãi được bèn bước lại bàn thờ đốt nhang xá xá, cái miệng méo xẹo, cặp mắt liếc con vịt ngoẹo cổ le lưỡi như đáp lời.

- Lôi ơi là Lôi! Mày đi đâu bỏ vợ bé con thơ, bỏ anh em đồng đội như rắn trun hai đầu, biết xài đầu nào bây giờ... Hi hi... nửa khóc nửa cười.

Tư Thêm ở trong hầm bước ra, mắt đỏ chạch mếu máo:

- Để em vái cho chú Năm.

- Ờ phải, má con Tiền vái thằng Lôi mới chứng.

- Anh Hai ơi? -Tiếng kêu của người thiếu phụ nức nở tự tâm can.- Anh bỏ Củ Chi mà đi đâu? Mẹ con em từ nay hết ngóng chờ mong đợi. Anh đi sao không kịp nói với mẹ con em lời nào! -Rồi òa lên khóc.

Cả ba bà cán mắt đỏ hoe, hít mũi sụt sịt. Chỉ mình Năm Tiều che miệng cười ruồi. Bỗng nghe tiếng vỗ vách nhè nhẹ.

Năm Tiều bảo:

- Thằng Lôi về đó. Má con Tiền vái linh thật. Coi kìa, cọng nhang rung rung, khói nhanh xoáy cuộn thấy chưa?

Năm Tiều dứt tiếng thì có tiếng eo éo lọt qua kẽ ván:

- Các đồng... đồng... chí ơi! Hai Lôi bị pháo bắn hụt nằm phơi bụng giữa đồng.

Năm Tiều lên giọng làm oai:

- Đồng nào mày phải nói cho rõ nghe Lôi!

- Đồng Dù chớ đồng nào mà hỏi. Hé hé hé.

Tiếng cười dội vào nghe rởn ốc.

- Sao mày đánh Củ Chi mà lọt vô Đồng Dù?

- Rót rượu đi, làm sơ sơ ba hột rồi em sẽ tường thuật cho anh Năm nghe.

Năm Tiều bảo:

- Các bà rót đi? Tôi rót nó không uống đâu.

Ba bà cán đứng im như đá. Bà nào bà nấy mặt xanh như chàm. Năm Tiều quay ra ngoài quát:

- Mày có linh như Tư Nhựt, Hai Phái thì vô đây coi! - Nói rồi bước lại mở cửa hé hé.

Rồi quay lại các bà:

- Má con Tiền vái, nó về đó.

Vừa dứt tiếng, cánh cửa rung rung rồi mở bét ra. Một cái áo blouson vụt hiện trong khung cửa.

Ba bà cán kêu rú lên rồi lủi dưới đít bàn thờ. Chỉ một mình má con Tiền đứng nhìn trân trân rồi kêu lên:

- Anh Hai? Anh Hai. -Và ngất xỉu, tay ôm gốc cột, gục đầu.

Năm Tiều cười ha hả, trong lúc con Tiền kêu to:

- Anh Tiễn, anh Đá, cậu Hai về kìa má ơi!

Tiếng của đứa bé làm mọi người thức tỉnh, Năm Tiều tiếp:

- Nói gạt các bà chơi chớ nó chẳng có sứt miếng da nào.

- Chú Năm làm cháu sợ muốn rụng tim.

- Rụng thì lượm lên gắn lại đi. Mỗi người hun nó một cái coi nà! Ở trên R, bà Phùng Văn Cung ôm nó hun chùn chụt đó!

Tôi và thằng Đá, thằng Tiễn đứng tần ngần giữa nhà. Năm Tiều hất hàm:

- Ê Lôi! Mày ở dưới Diêm Vương mới về hả? Có gặp bồ nhà nhiều không?

- Cái gì kỳ vậy chú Năm? -Tôi làm bộ ngơ ngác hỏi.

Năm Tiều trỏ nồi cháo bốc hơi ngùn ngút trên bàn:

- Người ta mần vịt cúng mày đó! Định ngày mai mở cửa mả cho mày. Nhưng ngặt không biết cái mả ở đâu.

Tám Phụng không nén được niềm vui:

- Tránh khỏi đám ma thì mai đi đám cưới anh Hai à!

- Đám cưới anh Hai với ai? -Tôi hỏi.

- Không, em nói mời anh Hai đi đám cưới người ta.

- Người nào?

- Ông Tư Bính với thằng Vàng. Hai người cưới một lượt hai chị em.

- Ba Cương, Tư Cưỡng chớ gì!

- Sao anh biết giỏi vậy?

- Mà có đúng không chớ?

- Đúng. ông Tư Bính đi Sài Gòn về với thằng Vàng ghé nhà má Bảy mấy bữa này. Rồi hồi tối này đồng lên, ông già về nói đã hứa gả hai cô ấy cho hai người đó rồi!

Năm Tiều hất hàm với tôi:

- Còn mày cũng nên tính đi chớ, có để cám treo heo nhịn đói hoài sao?

Ba người Năm Đang, Tám Phụng, Tư Thêm đều nhìn tôi mỗi người một cách.

Hai Xót biết mình "ho-giơ" nên buông một câu lơ lửng, nhưng có ý ngầm:

- Con vịt chặt ra, mỗi người một miếng cũng ngon rồi!

- Còn cặp chân có một cái, tôi một cái gặm, chị một cái cạp, hổng bổ ruột gan thì cũng bổ chưn cảng. Ngày mai nó có chụp, mình chạy đua với trực thăng dư sức đó chị Hai.

Năm Đang chêm vô:

- Răng anh Năm hơi yếu gặm dò không nổi đâu, ảnh thích cạp sầu riêng của chị hè.

- Sầu riêng của chị Hai bị ông Mắt Toét cạp hết rồi, còn xơ cứng thôi! -Năm Tiều trả đũa.

Hai Xót trừng mắt:

- Anh lúc nào cũng thò cái cù nèo ra làm cho người ta "hốt hền".

- Cái cù nèo của tôi nó hiền lấm chị Hai à. Nó không có đụ. ung ai đâu!

Ngồi vào bàn, Hai Xót và Năm Đang cứ cằn nhằn. Năm Đang nói:

- Anh Năm chơi ác thật. Làm chị em tôi tốn nước mắt vô lý vậy đó!

Năm Tiều cười hà hà:

- Lúc nãy tôi ra cửa, gặp ba thầy trò nó vừa tới. Không hiểu sao tôi nảy ra ý định gạt cho mấy bà rơi "nệ" cho vui. Hề hề! Tết này anh em mình "hui" nhiều quá nên tôi buồn, tôi hay sanh "chiện".

Hai Xót nguýt:

- "Chiện" gì không sanh lại sanh ra "chiện" đó. Rủi mai mốt có thiệt thì tại cái miệng ăn "ba cái đồ"...

Năm Tiều trợn mắt:

- Đồ gì?.

- Đồ hộp Mỹ chớ đồ gì?

Năm Tiều vừa nhai xương rau ráu vừa nổ như pháo tre.

- Các bà trách thăng Lôi không trách, lại trách cái ông Năm Tiều. Lôi! Tại sao mày oánh Củ Chi xong, người ta về hết, còn mày chui cái lỗ mô? Mày phải bá cáo cho rõ ràng để mấy bả kiểm thảo cái cù nèo tao đa!

Tôi cười:

- Tôi rút sau cùng! Chờ đem thương binh ra hết thì xe tăng tới cắt đường không rút theo kế hoạch được. Túng thế quá tôi phải liều băng đồng chạy về phía Mỹ Hạnh.

Năm Tiều nói:

- Mày dám đâm đầu vô ổ kiến lửa hay sao?

- Đồng bào ở đó tốt lắm chú. -Tôi kể lại việc cưới vợ cho Sáu Lực và tiếp- Trong hoàn cảnh nguy nan phải biến thế. Chớ nếu mở đường máu thì bị xe tăng nó quét sạch hết rồi chú à. Tám chiếc nó đan lưới lửa, một con kiến cũng không lọt.

- Thôi, lết được về đây, cái cù nèo không sứt mỏ là được rồi. Cụng cái cho ngọt coi! -Năm Tiều tiếp- Tao cho thằng Gàu đi hỏi Bảy Ga và Tư Quân. Tụi nó cũng lấy làm lạ không biết mày chui hang nào! Tụi nó cho trinh sát đi tìm khắp cũng không thấy dấu.

Năm Đang thuật lại vụ lên đồng và phàn nàn về ba ông lính đi Sài Gòn về:

- Ông nào cũng đeo đồng hồ cà cáo đỏ tay. Vô quán ăn xong ký tên kêu quân nhu thanh toán. Nhưng cũng có nhiều tốp mua đứt cả các quán, nhậu xong ném sợi dây chuyền vàng thay tiền.

- Cá biệt thôi chị Năm ơi!

- Còn cái vụ này mới lạ chớ! ông nào cũng cưới vợ.

Rồi Năm Đang kể luôn vụ thằng Bính, thằng Vàng cưới hai chị em, vụ Tư Nhựt, Hai Phái về. Vợ Tư Nhựt đem con cho chồng bồng. Không biết má Bảy đi rước ở đâu được một ông đồng về ngồi ngất ngưỡng giữa quần chúng nói chuyện Sài Gòn đúng y trân. Lối xóm bu đen, dỏng tai nghe còn hơn bài của bà Nhã Nam trên đài Giải Phóng. Mình tuyên truyền một năm, nó nói lại một câu là bể hết. (Thì tại cái đài của mình là đài "giải phét!" Tôi nghĩ thầm. Nói phét một lần người ta còn tin. Chớ nói mãi người ta biết, ai tin nữa!)

Năm Tiều ngồi gục gặc đầu bỗng ngóc lên phản đối:

- Quân đội chỉ đánh giặc còn ba cái vụ đồng bóng ném về dân vận do mấy bà lo. Tụi nó phản tuyên truyền thì mấy bà phải phản lại, chớ nói với tôi làm gì. Nếu muốn thộp cổ chúng nó thì kêu công an xã tới là xong. Tui cho mượn "cun" nè.

Năm Đang tỉnh ngộ bảo đám liên lạc:

- Tụi bây lại đẳng coi đám cúng còn đông không? Về đây báo cáo.

Con Thanh nói:

- Mấy ông văn công còn đó chớ đâu. Ông đồng cũng còn uống rượu cà gục cà gục cái đầu.

- Hồi nãy thằng Gàu nói thấy cặp giò cong cong phải không Gàu?

- Dạ phải cô Năm!

Tôi không im lặng được nữa, nói với Năm Đang:

- Đồng chân lư chớ đồng nào! Chị cho tụi con nít tới lột khăn đỏ ra. Nếu không phải thằng Bính về đây tôi xin dâng đầu.

Năm Tiều cười khè khè:

- Đầu mà đầu... nào mậy?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx