sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 104: Ba Nàng Nữ Sinh Áo Trắng Và Gã Thiên Lôi

Sư đoàn 25 Sàigòn tỏa ra đánh khắp các căn cứ từ Long Nguyên chạy dài tới ngoại ô Sàigòn. Không một phút im tiếng súng. Trung tuyến Củ Chi trở lại thành tiền tuyến. Trước hết chúng tôi còn nhậu nhẹt đánh tú lơ khơ dưới hầm được hoặc còn vài cái quán bán rượu, trà, thuốc lá. Nhưng sau Tết, tướng không cởi giáp, ngựa chẳng rời yên. Chỉ còn phía bên Trảng Bàng thì có thể làm nơi tránh né. Tôi bèn tìm Năm Tiều:

- Các chả dông lên Cao Miên hết rồi, mình làm sao chú Năm?

Năm Tiều đang hút nửa điếu thuốc, ném bẹt, phá luôn một bãi nước miếng:

- Đánh giặc cái củ... cặc họ chớ đánh gì vậy?

- Chú cho lịnh tôi đi!

- Lịnh lọt gì. Mày có chỗ nào yên yên cho ém quân ít ngày để tụi nó dưỡng cặp giò, chớ ở đây bị rượt riết thế nào cũng có ngày lòi lưng, nó kêu B52 tới là xong.

- Tôi qua An Phú được không?

- Mày đi đâu thì đi. Nhưng đừng để nó nghe hơi nồi chõ, nó truy kích là bể ngay. Thời gian này đừng nên nổ súng. Chờ coi ở trên lên dọn chỗ nào rồi tao mò tới thỉnh thị cái đã. Hiện đồn Trung Hòa tăng cường một D mạnh. Củ Chi khỏi nói, lính đen nghẹt.

Tôi kẻo quân sang An Phú, đến ngay nhà Tám Râu. Chỉ có mấy đứa ở ngơ ngác:

- Chú Tám đi Sàigòn.

- Chừng nào chú về?

- Dạ không rõ.

Vậy là hỏng bét cáỉ kế hoạch dưỡng quân của ông Thiên Lôi rồi. Nhưng cũng may, hôm sau Tám Râu về. Thấy lính tráng căng võng đào hầm ngoài vườn còn tôi thì ở ngoài hàng ba, Tám Râu kêu lên:

- Nhà cửa thênh thang sao không vào ở?

- Biết người ta có đồng ý không? - Tôi nói mát.

Lần trước khi đánh hạ Thái Mỹ xong, tôi rút đơn vị về đây, Tám Râu coi tôi như tiểu Napoléon.

- Từ bé đến lớn, "moa " chưa thấy ai đánh giặc như "toa". Xưa trong Tam Quốc, Quan Công chém tướng địch xách thủ cấp về, ly rượu hâm hãy còn nóng, nay "toa" hạ đồn dọn tiệc không kịp để khao quân.

Lần này sang đây, tôi không mong được tiếp đón với thái độ niềm nở ấy vì cái đợt một vô Sàigòn. Từ Sàigòn về, chắc Tám Râu đã trông thấy nhiều việc. Y không thể nào còn phục tôi là Napoléon nữa. Tôi chuẩn bị chờ đón sự lạnh lùng của y. Tôi sang đây là để tìm một ốc đảo yên lành cho đơn vị xả hơi sau những ngày sằt máu, chớ không mong gì Tám Râu thần thánh hóa tôi như trước. Tôi sẽ không thất vọng vì quá hy vọng.

Nhưng tôi lầm. Tám Râu bắt tay tôi, siết đến đau:

- Toa ờ dưới mới về hả? Retour tnomphal! Toa thắng lớn quá. Sứ quán Mỹ bị đánh sập, đài phát thanh bị chiếm ba ngày. Bộ tổng tham mưu ra tro! Tài thiệt. Quân... đánh giỏi thiệt. Toa đi cánh nào? Moa có ý tìm gặp toa ở Sàigòn trong đoàn quân chiến thắng. Ô! thật là một cú ngoạn mục. C’est pittoresque! -Tám Râu nói một hơi, tiếng Tây pha tiếng Việt làm tôi như con chim bị vướng trong lưới dày đặc không có kẽ hở để chui ra.

Tám Râu lôi tôi luôn vào nhà kêu đứa ở làm cơm linh đình và mời cả văn phòng tiểu đoàn tôi vào dùng cơm chung với ông ta trên chiếc bàn mà trước kia Sáu Lức không dám ngồi vào vì sự choáng lộn của nó.

Cơm xong, Tám Râu mở cửa tủ rượu lấy ra những chai còn nguyên nhãn hiệu ngoại quốc, và bảo cán bộ của tôi:

- Các em đem ra hầm nhậu chơi cho ấm. Hà hà... Tết này Nguyễn Huệ vào Thăng Long đây... Rượu này là rượu chiến thắng, rượu truyền thống anh hùng.

Tám Râu nói năng hoạt bát, thân mật hơn hẳn lần trước. Tôi lấy làm yên lòng vì có lẽ Tám Râu không thấy những điều cả thiên hạ đều thấy. Vì thế y đã không nói những lời người khác nói mà tôi nghe đã đầy tai từ mấy tháng nay.

Quý hóa thay tấm lòng một người dân yêu nước dành cho những người mà y tưởng là cũng yêu nước theo cái kiểu của y. Phải chăng y là Tào Tháo đối với Quan Công khi ông về trú ngụ cùng Tào.

Tuy Tám Râu coi tôi như bạn, nhưng lại cho phép hai đứa con gái Hằng và Nga nữ sinh Sàigòn tự do tiếp xúc với tôi. Rồi sau đó tôi làm quen với Trúc Mai cũng nữ sinh Sàigòn, gọi Tám Râu bằng cậu ruột.

Nhà trúc Mai cũng ở gần đó. Nàng còn mẹ già. Trúc Mai tính tình điềm đạm không liến thoáng như Hằng, Nga.

Khi đóng trong nhà Tám Râu, một bữa thấy cây đàn măng-đô treo ở vách, tôi bèn hỏi mượn đem ra ngoài bờ dừa dạo chơi mấy bản nhạc thời học trò bỗng cô Hằng nghe được. Rồi từ đó làm quen. Hằng đòi tôi chép cho nhạc giải phóng. Đàn và hát cho nàng nghe. Một hôm tôi đàn và hát một câu Tango Chinois:

Bỗng Hằng nghe được. Một hôm nàng hỏi tôi.

- Anh có chép cho em bài ấy được không?

Cố nhiên là tôi chép được. Nhưng tôi sửa vài chữ:

Lời hát phịa lời, ấy vậy mà có tác dụng bất ngờ. Cô chị hát nhẩm hay để ở đâu mà cô em bắt được. Rồi Nga lại phân bì đối xử không công bằng: "Chép bài hát cho chị Hằng mà không chép cho em?" Thế là tôi phải chép một bài khác và cũng phịa lời theo bài "Ở trong vườn Capri"

Nga mừng lắm và hát luôn miệng. Rồi hai nàng đi khoe với Trúc Mai. Nhà Trúc Mai ở cuối đội hình đóng quân của tôi, nên tôi cũng thường đi xuống đó kiểm tra các tổ, đội. Một hôm lại gặp Trúc Mai. Nàng cũng đòi bài hát. Và tôi lại chép. Chỉ đổi hai chữ cuối ở câu đầu: Tuyết Nga ra Trúc Mai thật hoàn toàn ăn nhạc.

Ở trong đơn vị tôi không có thành phần học sinh. Các cậu học sinh thành ra đây thì được đưa về các văn phòng để làm thư ký lo sổ sách chớ có cậu nào ra đơn vị chiến đấu đâu thành ra tuy tôi đã là bạn của "ba cháu"mà các cháu vẫn cứ bỏ vòi tíu tít với chú Hai.

Lại có "cun" đeo bên hông nữa. Bây giờ chú hai đã trở thành anh Hai thân mến của Hằng, Nga và của cả Trúc Mai. Số trời định vậy, cho nên tôi phải đa đoan việc nước lẫn việc tình. Tôi bị đặt vào một trận địa ba mặt thọ địch. Nhưng cái khó của kẻ bị vây là làm thế nào dùng được chiến thuật cổ điển "thanh đông kích tây" hoặc kích phía này mà hai phía kia không nghe gươm khua súng nổ.

Cái cuộc đời lê dương của tôi là như thế. "Chiếm thành rồi lại bỏ thành" để rồi chỉ mang thêm những vết thương bất tử mà thôi.

Cũng như ở quán ba con Thỏ Bạch bên Bến Chùa, lần này lại ba con Bạch Thố.

Lần này tôi trở lại không gặp Hằng, Nga chỉ tái ngộ Trúc Mai. Nhưng từ Sàigòn về vì lo cho mẹ già. Trúc Mai định rước mẹ lên Sàigòn ở cho yên thân, mặc dầu trên đó không có bà con. Nhưng mẹ nàng không chịu rời quê. Trúc Mai không thể bỏ mẹ mà đi trở lại trường. Vừa lúc đó thì tôi lại đến. Nàng vẫn chưa dứt dường tơ với tôi, nhưng trong lòng nàng chắc có những điều thay đổi. Nhìn nét mặt dàu dàu của nàng, tôi đoán như thế.

Bữa cơm chiều tiểu đội dọn lên bàn có đủ ghế. Trúc Mai cũng có mặt nhưng nàng không ngồi, chỉ làm đầu bếp múc rội thức ăn cho anh em. Cậu A trưởng bỏ vào chén tôi một con chuột ướp muối sả nướng và rót một ly rượu:

- Nhậu đi anh Hai. Chuột đồng An Phú này lông còn mướt vì chưa bị hóa học không như chuột bên Củ Chi.

Mấy cậu khác cũng tiếp đưa đà. Một cậu nói:

- Em nghe nói anh "ngầu" lắm. Đâu bữa nay anh "ngầu" với tụi em một bữa coi.

Tôi sợ Trúc Mai chê giải phóng mình là dã man: ăn thịt chuột nên làm không mạnh miệng, chỉ bẻ cái đùi nhấm nháp chậm chạp. Thằng Bọ Ngựa khi Trung Hòa lần thứ nhất chỉ là liên lạc nay là A trưởng xạ thủ súng máy thấy vậy liền lấy bánh tráng cuốn với rau sống đưa cho tôi. Tôi cực chẳng đã phải dzô ngầu. Có lẽ Trúc Mai biết ý, nên nói:

- Ăn đi anh, ở Sàigòn người ta vẫn có quán nhậu thịt chuột đó mà!

Tôi nói:

- Thịt chuột còn ngon hơn thịt gà. Nhưng anh chỉ sợ chuột bị hóa học như bên Phú Mỹ Hưng thôi, chớ bên này chưa bị thì không sao.

Tôi biết ở nhà Tám Râu đang đợi tôi cơm chiều. Quả thật ăn chưa xong, chuông đã reo. Cậu A trưởng bắt điện thoại và báo cáo:

- Ở văn phòng đang tìm anh Hai.

Tôi vội vã quảy xắc-cốt đi. Nhưng ra đến ngõ, bị Trúc Mai chận lại:

- Em muốn nói chuyện này một chút!

- Chuyện gì vậy, để bữa khác được không em??

- Sợ không còn dịp.

Tôi hơi bối rối, thầm vái: chuyện gì thì chuyện xin nàng đừng quên rằng:

Riêng tôi thì coi câu đó là lời khuyên chí lý. Còn một lẽ khác nữa là tôi không muốn ai đó phải hóa đá vọng phu vì tôi. Biết bao nhiêu trẻ con gọi tôi bằng ba. Mới đây lại thêm một đứa bé còn đỏ lói mà mẹ nó cũng bảo nó tôi là ba của nó.

Trúc Mai nói:

- Lâu nay em nói dối anh.

- Việc gì?

- Em nói rằng em là con một, nhưng không phải!

- Chuyện đó không quan hệ gì.

- Đối với em thì rất quan hệ chớ anh!

Trúc Mai vừa nói vừa móc trong túi ra một gói nhỏ, rồi từ từ mở những sợi dây ràng buộc ra, chứng tỏ rằng nàng rất trân trọng vật được bọc bên trong. Đó chỉ là một cái hộp thuốc aspirine tròn bằng ngón tay, loại mà tôi thường dùng, đựng 20 viên của hãng bào chế bên Pháp. Trúc Mai mở nắp rồi dùng hai ngón tay có móng dài nhéo lôi ra một cuộn giấy. Nàng bỏ chiếc ống vào túi rồi từ từ mở banh tờ giấy ra. Nó đã cũ, có nhiều đốm vàng sậm. Như đây là nước mắt của người viết hay người đọc. Nàng đưa tôi và bảo:

- Anh đọc đi!

Tôi cầm lấy. Dưới ánh nắng chiều, những dòng chữ in vào mắt tôi:

Tôi không hiểu gì cả vì không biết được tác giả, vì dưới cùng bức thư không có ký tên. Tôi đánh bạo hỏi:

- Chị của em ở đâu bây giờ? Tại sao viết thư với giọng oán than như vậy?

- Biết đâu anh có gặp mà anh không biết? Chỉ ở trên R!

- Hay là... -Tôi thầm nghĩ. Huỳnh Mai?

Trúc Mai chỉ mỉm cười chua chát. Còn tôi đứng im lìm, lặng câm. Huỳnh Mai! Hai năm trước, khi hội nghị "xách nóp" bế mạc, một phái đoàn do Bùi Thanh Khiết Cục phó Cục chính trị hướng dẫn xuống học ở trường Trung Sơ. Huỳnh Mai đi theo làm thơ ký đánh máy. Đang nửa chừng nàng bỗng được gọi về R. Hai hôm sau B52 rắc bom. Tôi nhìn thấy những cột khói lên mà biết nàng thọ nạn. Sau đó có tin đồn, nhưng không chắc.

Tôi đọc lại ngày tháng trên đầu lá thư rồi hỏi Trúc Mai:

- Sau bức thư này còn bức thư nào khác không em?

- Đó là bức cuối cùng? -Trúc Mai lạnh lùng đáp.

Nhìn vẻ mặt bơ phờ bất chợt của tôi, Trúc Mai hỏi:

- Bộ anh có gặp hay quen biết gì với chị em sao? Chị em cũng tên Mai như em. Huỳnh Mai!

Tôi giật mình đánh thót, miệng thốt như máy:

- Chắc là không có đâu em à? -Tôi thầm nghĩ chắc tên trùng tên. Mai là tên hoa đẹp nên ai cũng thích lấy làm tên.

Nắng nhạt dần rồi tắt hẳn. Một buổi chiều ảm đạm trong đời thằng Lê Dương. Trúc Mai bảo:

- Anh vô nhà, em cho xem tiếp cái này.

Tôi còn đủ tỉnh táo, bảo cậu A trưởng báo văn phòng tôi sẽ về sau. Trúc Mai đưa tôi vào phòng khách rồi kéo ngăn tủ lấy ra một bao thư lớn để trên bàn, lục đưa cho tôi một bức ảnh cỡ gắn thẻ học sinh.

Tôi nghe tê điếng cả tâm can. Đúng rồi, chính là Huỳnh Mai lội qua trảng lầy, tôi bắt đỉa cắn chân nàng khi sắp tới trạm ông Thanh Vân.

- Anh có quen chị không?

- Ảnh này chụp hồi nào vậy

- Lâu rồi. Nhưng không lâu lắm.

Tôi không biết phải đáp thế nào? Nếu nói có "quen" thì phải nhắc lại cả một quãng đường tình, còn chối phăng thì tủi hồn người chết. Trúc Mai bảo:

- Anh lên đây!

Trúc Mai đưa tôi lên lầu. Bàn thờ. Trên đó có tấm ảnh rọi lớn. Rõ ràng là đóa mai vàng năm nào. Bất giác tôi rút nhang đốt cắm vào lư hương thầm van vái rồi quay lại Trúc Mai, nước mắt nàng chảy ròng ròng. Không biết nàng có hiểu câu chuyện không nói ra qua những cử chỉ vừa rồi của tôi không? Nàng cầm tấm ảnh lên lau bụi trên kiếng rồi hai đứa lẳng lặng trở xuống nhà vừa lúc chuông điện reo. Không biết là ai gọi nhưng tôi cứ bảo là gấp tôi để có cớ thoát khỏi bầu không khí bi đát. Lại một cuộc tình tan vỡ!.

Sáng sớm hôm sau, Tám Râu từ giã tôi. Anh ta buồn rầu nắm tay tôi:

- Toa ở lại nhé! Không biết bao giờ mình gặp lại nhau. Nhà của moa đó, toa cần gì muốn làm gì cứ tự tiện. Còn con Trúc Mai là con một, nếu toa có bề gì thì cứ về đó nó nuôi. Moa nói vậy, toa hiểu rồi. Thôi, toa ở lại bình an.

Những tiếng cuối cùng Tám Râu nói trong nước mắt.

Tôi cũng cầm lòng không đậu. Khi Tám Râu đi rồi, các cán bộ đề nghị tôi dời quân ngay với lý do đóng ở đây đã ba ngày. Nhất quá tam. Thời cuộc này không thể đóng ở một chỗ quá thời gian đó. Tôi biết trong bụng anh em nghi có chuyện "bất trắc" sẽ xảy ra.

Riêng tôi thì tôi không nghĩ là có chuyện gì. Một người như Tám Râu không làm chuyện mờ ám. Tám Râu là một con người phi thường, như Tống Giang trong Thủy Hử.

Từ đó tôi không gặp lại Tám Râu nữa. Có đôi lần tôi qua đây liên hệ công tác tình cờ gặp Năm No- E phó công trường 5 của Sáu Khâm. Năm No là em ruột của Ba Bụng, xã đội trưởng xã Lộc Hưng... bỏ đơn vị về nhà làm ăn sau mấy trận đánh Phước Lộc, Đồng Xoài. Ở trên cho người đến mời trở lại nhiệm vụ nhưng Năm No xin được làm dân. Tôi có hỏi về Tám Râu, Năm No nói:

- Thằng cha đó, trên đời này không có hai người. Lúa nông nghiệp thu 10.000 giạ, thằng chả đóng 5.000 giạ. Quận tỉnh lạc quyên hỏi một tiếng thằng chả cho 100 giạ. Tụi quận Trảng Bàng này lẫn tiểu đoàn 4 của Hai Nhị, Chín Hung, sống là nhờ gạo Tám Râu. Ê, tao nghe nói ngoài Bắc đấu địa chủ, bắt họ phải ăn cứt có không mậy?

Tôi ấp úng. Năm No nói:

- Chính Sáu Khâm đã tâm sự với tao như vậy.

Tôi không thể chối nên cười trừ:

- Biết rồi còn hỏi làm chi cha nội?

- Địa chủ như Tám Râu thì sao? Có đấu không? -Năm No cười hề hề- Con gái địa chủ Tám Râu coi được đến chớ mậy? Mày không tính làm phò mã hay sao? Tao cũng muốn được như mày lắm, ngặt vì tao biết thân, không thể làm đỉa đeo chân hạc. Mày coi cặp hạc đó, ưng con nào thì leo lên lưng đi, để nó bay đi Sàigòn uổng lấm!

Anh Tám Râu ơi, bây giờ anh có còn trên cõi đời? Dù sao Lôi này vẫn nhớ anh luôn. Và merci Tám Râu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx