sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 106: Thằng "Biu", Vị "Thượng Khách " Độc Nhất Của Quân Khu

Sau "trận" Trung Hòa, Mỹ đổ quân củng cố tinh thần cho các cứ điểm mà chúng tôi chạy loanh quanh nghiên cứu nhưng không nổ súng được.

Đánh không được thì bày đặt ra những hội nghị để cấp trên nói trăng nói cuội trấn an đám cá kèo. Chiến trường thật êm ắng. Có tiếng nổ chăng thì đó là bom pháo Mỹ chớ không gì khác. Chúng tôi E trưởng, F phó đều đặt đơn vị kiếm chỗ chui.

Một hôm trời mưa như trút, tôi ngồi giở binh thư đồ trận ra xem sẽ "gầy sòng" ở chỗ nào thì bỗng có ba người xuất hiện ngoài sân. Ở giữa mả cao hai bên mả thấp!

Tôi lấy làm lạ, người gì có thứ người kỳ quái như thế. Nó làm cho hai người kia như hai đứa con nít đi bên cạnh người lớn. Cả ba đều đội nón lá hoặc trùm ni lông, tôi không nhận ra ai. Họ tấp vô thềm nhà.

Một người lột nón ra ném xuống đất, tiếng nói ồm ồm.

- Mưa gì mưa thúi đất thúi đai!

Tôi bảo thằng Đá đang đánh bài với thăng Tiễn, chạy ra coi ai tới kìa. Thằng Đá chạy vọt ra rồi trở vào:

- Mỹ! Mỹ anh Hai ơi?

Tôi hốt hoảng. Biệt kích thừa cơ trời mưa đột nhập vào căn cứ. Thằng Lịnh thám báo bị tôi bắn què giò ở Ràng năm trước chưa tởn sao còn ló đầu vô đây kiếm kẹo.

Tôi quơ cây AK mắc trên cột sau lưng tôi. (Bao giờ cũng thủ sẵn AK) lên đạn cái rốp thì thằng Đá nhào tới chụp tay tôi la bài hải:

- Không phải! Không phải.! Ông Hai Khứ với ông Năm Rỗ.

- Sao mày bảo Mỹ?

- Hai ổng bắt được Mỹ dẫn tới nạp cho anh chắc.

Vừa tới đó thì Hai Khứ đi vô với sợi dây đâm trâu nắm trên tay, lằng nhằng. Theo sau là một thằng người to lớn đến nỗi cái trán suýt chạm ngưỡng cửa. Hai Khứ giật cái nón trên đầu nó ném "pạch" xuống đất. Mớ tóc vàng hoe của nó như một bó rơm lố xố niềng ngang bằng một chiếc khăn rằn bịt ngang mặt buộc thắt gút sau gáy.

Hai tay nó bị trói ngoặt lại sau bằng sợi dàm trâu, một đầu do Hai Khứ nắm, đầu kia do Năm Rỗ giữ. Thằng Mỹ không thấy đường, cứ khựng khựng. Năm Rỗ tống vô mông nó một đạp, quát:

- Đi dzô mày!

Hai Khứ lôi sợi dàm và bảo:

- Coi chừng nghe cha. Ông nội giả ngu giả chết, chớ thả ông ra thì tay thụt tay ria, mình chạy lòi con mắt đó!

Hai Khứ là bí thư, còn Năm Rỗ là xã đội trưởng xã Phước Hiệp. Tôi quen biết hai người đã lâu. Năm Rỗ cởi áo tơi bằng lá còn Hai Khứ trút tấm ni lông ném xuống

đất

- Tui giao cho ông đó ông trời. -Hai Khứ nói với tôi- Con quỉ này làm tụi tui mệt thấy bà!

- Sao không giao cho quận đội?

- Quận đội ở xa, tắp vô đây cho tiện. Dắt nó đi tồng ngồng ngoài đường rủi cá nhái nó chụp bắt trở lại uổng công!

Tôi không ham chút nào. Thời buổi này mà giữ một thằng Mỹ trong cơ quan chẳng khác nào kêu chụp dù và xe tăng tới, như cục đường mía nhử ruồi bu.

Tôi gạn hỏi:

- Các cha có cho ai biết không?

- Ai cũng biết chớ sao không? Anh Hai cho điếu thuốc mấp cho ấm.

- Bỏ mẹ rồi!... mấy bà đi chợ tót tét cái miệng ra tới Đồng Dù, Củ Chi, Trung Hòa, tụi nó đuổi theo moi hầm tìm, mình mang khốn. -Tôi vừa móc thuốc vừa nói.

Hai Khứ làm thinh. Năm Rỗ quay lại càu nhàu với Hai Khứ:

- Hồi nãy tôi bảo "bụp" nó phứt cho rồi, anh bảo sợ phạm chánh sách!

Hai Khứ vừa run lẩy bẩy vừa nói:

- Phạm thiệt chớ chơi sao cha!... Anh Hai có đế cho làm bậy vài hớp cho đỡ lạnh.

Tôi lấy bi-đông rút nút đưa cho Hai Khứ. Bên ngoài, nhà quân sự tỉnh bơ mà trong bụng rối tợ tơ vò. Mẹ kiếp, cái ngữ này gặp lính nhà mình thì nó không để lằng nhằng như thế này lâu lắc. Nhưng bây giờ đã đem nó về nhà, nó là tù binh rồi, mình không thể cho nó theo ông vải được. Phải nuôi báo cô... không biết bao lâu. Cơm bưng nước rót, chỗ ăn chỗ ngủ, hầm hố, có bố ráp phải dắt nó chạy. Cái thằng bịt mắt làm sao chạy? Ai cõng cho nổi? Còn khiêng? Khiêng bằng đòn gì? Sao các cha không khìa nó cho rồi.

Tôi ngó sơ qua thằng ôn vật. Nó cao ít nhất hai thước mốt. Mẹ nó ăn gì mà to béo thế, bằng thằng cha bí và xã đội gộp lại. Trời đất! Bỗng nhiên nó trở thành thượng khách của mình.

Tôi hỏi Hai Khứ:

- Có giấy tờ gì trong mình nó không các cha?

- Có miếng giấy kiếng có chữ, nhưng quẳng mẹ nó rồi! Hay rớt ở đâu tôi cũng không biết.

- Trời đất, các cha làm vậy tôi sẽ báo cáo thế nào?

Ngó qua ngó lại đã thấy người ta đến chật nhà. Đàn bà, con nít ông già bà cả ùn ùn kéo đến như xem văn công. Ai báo mà họ hay nhanh thế. Không chặn được. Trời mưa càng lúc càng to, sấm sét nổ rầm rầm trên đầu như Tề Thiên Đại Thánh đang loạn thiên cung. Mỗi người một tiếng, chỉ chỏ và la ó rùm nhà.

- Thằng Mỹ! Thằng Mỹ’

Tôi bảo mấy cậu trinh sát mời họ về, kẻo ở đây máy bay phát hiện được thì nguy to. Nhưng không ai muốn nghe lời. Vẫn cứ la om và trỏ mặt con ngợm:

- Thằng Mỹ! Thằng Mỹ!

Ờ, thì nó là thằng Mỹ chớ có ai nói nó là thằng Tây hay là thằng Marốc cóc ken gì đâu mà họ phải khẳng định để người khác khỏi nhầm nó là thằng Mỹ.

Thằng Mỹ đứng sù sù giữa nhà, đầu gục xuống, đôi giày da treo lòng thòng trước ngực. Bỗng một ông già và đám đông sấn vô:

- Thằng Mỹ đâu?

Thấy vật gì sáng loáng trên tay ông vung lên, tôi hét:

- Bác Bảy! Đừng có chém nó.

Ông già khựng lại. Run run hạ xuống, lưỡi mác sáng choang, hình như ông vừa mài. Giọng ông đứt quãng:

- Con tôi chết. Trâu tôi chết...

Tôi biết sức căm thù của đồng bào. Đất Củ Chi này trở thành bãi tha ma là vì bom đạn Mỹ. Đàn bà con gái Củ Chi này mắc bịnh tiêm la hột xoài cũng vì Mỹ ở cái Đồng Dù ôn dịch kia. Mỹ là giống người gì, từ đâu tới. Người ta không cần biết, chỉ biết giết được Mỹ là họ hả lòng lắm.

Bất cứ ở trận nào chúng tôi đánh giết được Mỹ, người ta đều kéo nhau tới, ngay lúc trận mạc còn chưa kết thúc, để hôi đồ. Họ lột sạch sẽ: đồ lính Mỹ chắc lắm, mặc đi làm không rách. Để cho những cái xác to như bò chương phơi ra đó. Tốp khác đến mổ bụng chặt đầu, cột dây lôi đi rồi bỏ đi. Tốp khác tới: bốn chân mõm dài, răng sắc, tranh nhau cắn xé thịt xương.

- Các em mở khăn bịt mắt nó ra! -Tôi bảo

Hai Khứ lẫn Năm Rỗ đều phản đối. Hai Khứ nói:

- Không được đâu ông quận (y kêu tôi theo lối hồi tôi làm quận đội trưởng). Nó mà biết chỗ này là nó kêu pháo dộng nát hết.

Tôi giật mình bảo:

- Các em mò coi trong túi nó có máy móc gì không?

Năm Rỗ nói:

- Tụi tui lục kỹ rồi, không có gì hết. Thằng này là lính, chỉ có con cặc không thôi.

- Vậy chỉ mở khăn cho nó khỏe chút rồi tôi giải nó đi.

- Ờ, tùy ông quận. Tôi không có trách nhiệm nữa! Tôi giao nó cho anh đó.

Không có ai biết tiếng Mỹ. Chỉ có Tư Linh phó ban địch vận khu vài câu họa chăng nói được bập bõm, nhưng không biết hắn ở đâu mà tìm.

- Không sao đâu anh Hai, anh Năm. Tụi nó hùm hổ lúc chưa bị bắt kìa chớ bị bắt rồi, nó cũng biết thân, không dám chạy đâu. Chạy là chết với tôi ngay.

(Thực ra trên đường Trường Sơn tôi có thấy một thằng Mỹ bị nhốt trong cũi như cũi heo. Viên cai ngục kể rằng hắn đã giật AK của hai người lính áp giải hắn, đập một người suýt vỡ sọ. Tuy trông bề ngoài có vẻ xụi lơ vậy chớ một khi hắn đã cầm súng thì phải biết hắn. Hắn quạt cho mà mát bụng.)

Thằng Bòn trinh sát cởi khăn bịt mắt. Các cha buộc quá chặt, hồi lâu mới mở được cái gút sau ót. Mắt hắn được "giải phóng", hấp háy nhìn mọi người rồi ụp xuống. Năm Rỗ đạp vô lưng hắn:

- Ngồi xuống đi! Con đĩ mẹ mày!

Thằng Mỹ không hiểu gì nên không ngồi, trong khi thằng Bòn mở sợi dây dàm trâu trong tay nó. Nhưng Năm Rỗ cương quyết:

- Mở khăn bịt mắt thôi anh Hai. Còn tay nó thì cứ để trói như vậy.

Tôi bảo Bòn:

- Thôi em, đừng mở.

Tôi là chỉ huy tối cao ở đây có K54 trong lưng nhưng trong trường hợp này tôi phải sợ cái mác vót của ông già.

Có lẽ thằng Mỹ nhìn thấy tôi mang súng ngắn, biết tôi là người chỉ huy ở đây nên nó quì sụp xuống gục đầu nói lù xù cái gì tôi chỉ nghe được có tiếng "cô-nô" mà tôi phỏng đoán và hiểu theo tiếng Pháp là "colonel" tức là "quan năm". Ra trận thì sát phạt nó tôi không có ngán tay. Như trong trận đánh tám xe tăng ở ngay trước cổng Đồng Dù tôi thấy mấy thằng chạy lủi trong bụi, một thằng bị thương bò lê, tôi kêu đại liên quét rúm hết, không cảm xúc thương hạí con mẹ gì hết. Mình không giết nó, nó giết mình. Nhưng giờ đây thấy thằng này co rúm mất hết chí khí, tôi cũng học tánh Quan Công: Hạ mã bất sách!

Tôi bảo Bòn lấy thuốc đốt cho nó hút. Nó há miệng ngậm mím điếu thuốc và cảm ơn liên miên: "Thanh kiêu cô nô " chỉ tiếng Thank you thì tôi nghe ra.

Chập sau tôi bảo cởi trói rồi cho ăn cơm. Nhưng ăn xong trói lại.

Bác Bảy hất hàm:

- Ông chỉ huy coi kìa. Nó tỉnh lại rồi. Coi chừng nó chạy.

- Không sao đâu bác. -San đó tôi nói luôn- Bà con coi mãn nhãn rồi rút về nhà kẻo máy bay phát hiện được thì mình ăn bom pháo mệt lắm!

Năm Rỗ nói thêm:

- Coi chừng nó chưa chết mà mình đã phèo ruột đó nghe!

Nhưng không người nào chịu rút lui. Năm Rỗ bỏ ra ngoài rồi hớt hãi chạy vô:

- Cá nhái tới! Cá nhái tới!

Thế là người ta chạy tủa ra lủi mất hết. Thiệt tài!

Đó là một tâm lý buồn cười. Giải thích năn nỉ không nghe. Dọa một phát nghe tuốt. Tôi bắt đầu hỏi chuyện hai ông xã để làm báo cáo.

- Kêu thằng Minh lại đây.

Minh là học sinh Sàigòn. Nãy giờ tôi quên khuấy nó đi. Chắc nó biết tiếng Mỹ. Hai Khứ kể. Năm Rỗ bổ túc. Tôi đọc thành câu cho Minh đánh máy.

"... Hồi sáng này có ba đứa bé ở Truông Viết coi bò. Hai gái một trai cỡ mười bốn, mười lăm tuổi. Tới trưa chúng mở cơm gói trong mo cau ra ăn dưới bóng tre. Truông Viết là vùng đất ở bên cửa ngõ Đồng Dù ít ăn bom đạn vì không có cơ quan bộ đội nào dám về đó.

Chúng đang ăn thì thấy cái tên Mỹ này từ phía Ba Xa đi lên. Đây là xóm Bầu Điều ngó ra ấp chiến lược Cây Trâm cũng nằm trong ấp Truông Viết. Tụi con nít này thường trông thấy lính và xe tăng Mỹ từ Đồng Dù xuất phát qua cổng này. Nhưng hôm nay sao chỉ có một ngoe? Thằng con trai dạn hơn không chạy còn hai đứa con gái lẩn tránh sau bờ tre. Thằng Mỹ tự nhiên đi tới chỗ đám chăn bò. Thằng con trai ngó trước ngó sau không thấy thằng nào đi theo nó. Thăng Mỹ đi tới hỏi thằng nhỏ: "Vixi? Vixi". Thằng nhỏ lắc đầu. Thằng Mỹ khen "Tốt lắm". Thằng chăn bò xin thuốc hút, xin kẹo ăn. Thằng Mỹ móc trong túi cho. Thấy chung quanh không có ai, thằng Mỹ bèn móc trong túi ra một bộ bài. Thằng chăn bò ngoắc kêu hai đứa con gái ra và bốn đứa gầy sòng đánh bài. Dưới bóng tre mát rượi lại có con gái kèm hai bên, thằng Mỹ mê say chơi bài ăn kẹo thay tiền. Thấy hai dứa con gái vui cười với nó thì nó không nghi ngờ gì hết, lại còn muốn trổ mòi với đứa lớn. Thằng con trai ranh mãnh chụp ngay cơ hội ra dấu, bảo: "Con gái này nhỏ lắm. Để tôi đi kêu con gái lớn hơn!". Thằng Mỹ nghe vậy thì thích lấm nên ngồi lại chơi bài với hai đứa con gái trong lúc thằng con trai chạy vô xóm "tìm con gái lớn hơn".

Chập sau có một đứa con gái đi ra thật. Con gái ngoắc nó đi theo. Vô sâu trong xóm chừng hai trăm thước là đụng chúng tôi. Con gái lớn là một mụ đàn bà có con, chồng đi dân công biệt tích. Còn một trong hai đứa con gái chăn bò kia tên là con Nhiều. Nó là chị của thằng Lắm lính của D Quyết Thắng chết trận ở quốc lộ 6. Từ trong bụi hai đứa du kích nhảy ra chĩa súng bắt nó nằm xuống bịt mắt, trói tay dẫn đi êm ru. Nó không có chống cự gì hết mà cũng không hỏi những kẻ bắt trói nó là ai?"

Nghe xong câu chuyện - tôi tin là có thật vì tụi Mỹ có tiếng dại gái. Đám Mỹ trong Đồng Dù bị chị em ta ở Sàigòn (đi lén trong thùng xe chở rác) lột hết tiền bạc, lấy quân phục, đèn pin, bi-đông, xanh-tuya-rông đem ra chợ Bắc Hà bán đổ bán tháo là sự thường. Không ai thèm bịa đặt làm gì. Thằng lính này đuổi theo mùi tanh tanh mà bị mấy đứa chăn bò gạt tuốt. Súng Mỹ thì khôn, nhưng lính Mỹ thì ngu lắm.

Kể xong Hai Khứ nói:

- Ông quận làm ơn cho xã Phước Hiệp tôi cái biên nhận ngày này tháng này có giao cho ông quận một thằng Mỹ đủ tay đủ chân, mắt mũi con nguyên, nhưng không biết tên gì.

Tôi cười:

- Ai cướp công của mấy anh mà anh sợ?

- Không phải sợ cướp công mà chung tôi muốn khi hòa bình, ở trên phải phát cho xã chúng tôi một cái máy cày. Tôi nghe ở trên phổ biến ở bên Cu-Ba đổi Mỹ kiểu đó.

Tôi cười ngất:

- Thiệt vậy sao? (Chính tôi cũng nghe đồn nhưng không chắc).

- Tôi nghe mấy cậu lính vịt xiêm nói ở ngoài Bắc hợp tác xã toàn xài cày chìa vôi (là cày gì? - Tôi giải thích). Thứ đó vô trong này làm sao cày cho sạch đất? Hôm trước trên khu có nói xã nào bắt được Mỹ sẽ được lãnh máy cày. Bắt được mấy thằng thì lãnh mấy cái. -Hai Khứ kể lể với lòng tin tưởng ngời lên trong mắt.

Tôi không biết ở đâu có cái chuyện kỳ lạ vậy, cũng như hồi ở ngoài Bắc, tụi tôi có nghe con gái trong Nam trừ mười tuổi cho anh đội miền Nam tập kết trở về. Mừng húm, ngày đêm vượt núi. Về tới nơi không có gì hết. Không biết ai phịa câu chuyện "trừ mười" đó và chuyện cái máy cày này nữa!

Tôi bảo thằng Minh:

- Cậu đánh cho tôi một công văn chứng chắc tôi có nhận của xã Phước Hiệp một thằng Mỹ sống đủ tai đủ mắt và.... hì hì cái gì của nó cũng còn nguyên.

Minh vừa cười vừa mổ. Xong đưa tôi ký tên đóng dấu. Hai Khứ và Năm Rỗ cầm lấy cười ngỏn ngoẻn như con nít được kẹo.

- Chừng đó Phước Hiệp sẽ được lãnh máy cày.

(Tội nghiệp người dân miền Nam quê mùa chất phác, ở trên phán cái gì cũng tin bằng thánh! Khi biết rõ ra không có gì hết, thì đã muộn! Và tiếc cho Hai Khứ và Năm Rỗ, mấy tháng sau cả hai bị xe tăng càn, lính moi hầm bắn chết, chưa kịp biết cái máy cày ra làm sao!)

Đêm hôm đó tôi bảo thằng Bòn chuẩn bị bốn ngày ăn, đem một tổ trinh sát hộ tống ông "thượng khách" của tôi qua sông nộp lên quân khu cho rảnh nợ. Thì sáng sớm lại bị đổ dù ngay trước mũi. Thằng Mỹ này có máy kêu về Đồng Dù chắc!

Bòn hỏi tôi:

- Bây giờ làm sao anh Hai?

- Đem nhận nó xuống hầm.

- Hầm đâu có anh Hai.

- Hầm cũ cũng được. Để nó ở trên, nó xổng mất, mình đứt đầu.

- Nếu tình thế khẩn cấp thì sao anh Hai?

- Tùy cậu giải quyết. Đi mau đi!

Pháo dọn bãi bắn như mưa thằng Bòn cũng phải lôi ông "khách quí" chạy ra khỏi vòng chụp. Một đứa nắm dây lôi, hai đứa chĩa súng đủn tới. Hôm sau Bòn nhắn về báo cáo với tôi rằng nó đưa luôn thằng quỉ qua sông. Trời! Tôi thở phào như rứt được cục bướu sau lưng.

Để nó ở văn phòng nhủng nhẳng giết không được mà tha càng không. Nó sẽ vướng vô cùng cho sự điều binh của tôi

Một tuần lễ sau thằng Bòn trở về báo cáo tỉ mỉ.

- Em dẫn nó lên tới Hố Bò đợi qua sông thì lại bị chụp mà lại chụp rát sườn chớ. Mấy đứa nó giục: "Cụp phứt cho rồi!" Em bảo chờ đã! Chừng nào đối cùng sẽ giải quyết cách đó. Cũng may nhờ gặp chị Là. Chỉ cho cái hầm cũ.

- Chỗ nào?

- Em cũng không nhớ chỗ nào những cái nắp hầm mục rệu rồi. Trông cái miệng hầm móm sọm như miệng không răng.

- Rồi mày làm sao?

- Em rán nhét nó xuống đó. Cái thằng quỉ! thân mình nó to không lọt xuống được. Em cho hai chân nó thọc xuống trước đến ngang ngực thì mắc kẹt không xuống được nữa, hai thằng đạp trên vai nó, cố nhận xuống, như nhét nút ve chai. Cái nút lớn không lọt được. Nó kêu eng éc quắc mắt như muốn ăn thịt tụi em. Em phải chĩa AK vào đầu hắn, hắn mới để cho chúng em ấn lọt xuống hầm và đậy nắp lại còn chúng em thì co giò phóng. Em nghe nó rên la. Sợ tụi kia nghe tiếng tới cứu. Em trở lại giở nắp lôi đầu nó lên nhét khăn vô miệng hắn rồi chạy luôn.

- Trời đất! -Tôi kêu lên!

Bòn tiếp:

- Vậy mà khi tàn trận chụp chúng em trở lại, mở nắp hầm lôi nó lên. Nó vẫn còn sống. Em đá cho mấy đá và bắt chạy...

- Lỡ có chết thì cũng thôi chớ làm gì bây giờ... Rồi tụi bây giao nó cho ai?

- Cho ông Tám Nghĩa? -Bòn chìa ra tấm giấy- Biên nhận đây anh!

- Sao lại cho Tám Nghĩa? Ổng là trưởng trạm giao bưu khu có biết tù binh là gì?

- Chớ bên đó đâu còn ai? Ổng nói ông sẽ giao nó về cho trại tù binh trên R.

Tôi tỏ vẻ hài lòng:

- Thôi được, giao nó cho ai cũng được! Miễn có giao thì thôi. Mà nó không có chết thiệt chớ? Hay tụi bây bắn nó rồi về bịa chuyện?

- Em tưởng bị nhét dưới hầm cũ bí hơi nó chết ngộp, nhưng nó mạnh như trâu anh à! Em cho nó mang lại đôi giày thế là nó đi như gió, tụi em phải chạy lúp xúp mới kịp. Bao nhiêu gạo, bi-đông và ba cái ba lô em cho nó quảy giùm hết trông nó như con lạc đà có hai chân.

Tôi bật cười. Tôi chợt nhớ tới cô em Nhã Nam. Nếu có nàng nữ phóng viên đó ở đây chắc đài Giải Phóng sẽ được một bài "tường thuật" về một tiểu đoàn Mỹ bị du kích bắt sống...

Báo cáo xong, Bòn kề tai tôi:

- Ông Ba Kiên và Năm Dũng chết hết rồi anh ạ.

Tôi vờ giật nảy người. Đó là trung đoàn trưởng và chánh ủy Q16 của Trung ương gởi vào. Hai ông này cũng là hùm xám Điện Biên, vô đây là em nối ruột của bà phó tư lệnh R. Tôi làm bộ ngơ ngác hỏi:

- Hồi nào? Ai đồn vậy?

- Năm Dũng... hồi nào không rõ, nhưng Ba Kiên thì mới đây. Ổng đi ngang qua Đường Long, chỗ trảng trống bị cá lẹp rỉa cả hai thầy trò. -Thằng Bòn nhỏ giọng lại còn che miệng- khi mở ba lô lấy võng bó xác ông, người ta thấy trong ba lô có cả bọc vàng lá và một xâu cà rá vàng cả chục cái. -Bòn tiếp- Em nghĩ ông ta đâu có xuống Sàigòn mà thắng lợi to vậy?

Tôi gạt phắt cố ý dập tắt cái dư luận đó.

- Chiến sĩ cách mạng như ổng làm gì giữ vàng nhiều như thế trong mình. Nói bậy!

- Ai biết đâu, em chỉ nghe đồn thôi mà à hà... anh Hai!

- Bậy nào, làm cách mạng đâu có cần vàng. Cậu đừng tin chuyện đó!

Thằng Bòn lặng thinh rồi rút lui êm. Không biết nó nghe hay không nghe tôi. Sự thực tôi đã biết chuyện đó lâu rồi.

Thằng Bòn lấy làm lạ nhưng tôi thì không. Nó còn trẻ, mới tham gia cách mạng từ Đồng Khởi tới bây giờ là bốn, năm năm. Nó còn ôm một lý tường cao siêu xa vời, như tôi hồi 1947. Khi nó bằng tuổi tôi bây giờ, nó sẽ hiểu các nhà cách mạng... hơn nhiều. Rất là nhiều, Bòn ơi!

Việc E bị pháo dập chết hết ờ Tầm Lanh đã xảy ra đúng 30 năm 1968-1998 nhưng tới nay vẫn còn ám ảnh tôi. Mỗi khi nhớ lại tôi hãy còn rùng mình rởn ốc. Tiếng pháo nổ gần như đại liên bắn, nổ xa như tiểu liên rẹc. Năm cụm pháo dụm mỏ chĩa vào Tầm Lanh. 50 ngàn trái cà nông, nhiều hay ít.

Tầm Lanh là một mảnh đất nhỏ bé nằm cách Trung Hòa chừng ba cây số đường chim bay là một ấp trù phú của xã An Phú nổi tiếng là nơi chứa cán bộ thời Pháp và là căn cứ của bộ đội cơ quan Khu. Gái Tấm Lanh xinh đẹp nhờ tắm ở hai dòng suối róc rách chảy qua thôn xóm..

Vậy mà sau trận pháo lịch sử đó, không còn gì cả. Chưa kể E268 bị vùi mà dân chúng cũng "hy sinh" ngót trăm. Trông thấy bộ đội vịt xiêm đến, họ đã lôi thôi lệch thếch đùm túm của cải và con cái chạy đi lánh nạn. Họ thính lắm thấy bộ đội đến đóng là họ đoán sẽ có chuyện. Do đó kế hoạch đánh Trung Hòa bị bể chăng Ngoài ra còn có một lý do khác. Cán bộ trong E tôi không ít người có gia đình ở ngoài Củ Chi, Trung Hòa hoặc có người đi làm cho Đồng Dù. Tình hình nhân dân phức tạp như thế đó. Các cán bộ này lén cho gia đình hay để tản cư lánh nạn. Ở ngoài này chạy vô, ở trong đó chạy đi chỗ khác. Sự lộn xộn lọt vào mắt địch, mắt thịt lẫn một thần. Sau khi thất bại rồi mới hiểu ra nguyên nhân. Nhưng dù có hiểu trước cũng không làm sao ngăn chặn được. Đó là tình thế bắt buộc phải chấp nhận, nếu muốn đánh giặc.

Cả tháng sau tôi mới có dịp đi qua mảnh đất này. Hố pháo toang hoác như huyệt phủ cỏ xanh. Hố nào cũng đầy ứ nước mưa, trẻ nít bắt ếch nhái dưới đó.

Cây gãy cúp đã lên tược. Những gốc vú sữa, xoài, mãng cầu bị chém ngã nằm vắt lên nhau. Nhiều hố pháo liền mép hình số 8. Một quả bắn từ Bình Dương sang một quả từ Chà Rầy tới nổ cặp như hai tên lính liên quân trên trời dưới đất.

Không còn cái nhà nào. Không khí hôi thối sặc sụa. Xương cốt, tóc tai còn dính trên cây. Rải rác đó đây tôi thấy những tấm da trâu xương trâu. Người ta đã nhanh nhẩu tới xẻ những con vật bị thương, quảy thịt đi. Bò xe chết cũng nhiều. Bò xe là nguồn sống của dân Củ Chi cũng là phương tiện vận tải chính của quân giải phóng. Bò xe chở gạo ban đêm, chở cả vũ khí cho đợt một Tết Mậu Thân.

Để giết sạch sẽ một trung đoàn Mỹ đã bắn chừng 50 ngàn quả pháo vào đây. Miểng pháo đầy đất. Miểng pháo đan thành một tấm lưới dày như bàn tay xoè. Có thể nói không một ngọn cây lá cỏ nào đứng ngoài vòng sát thương của pháo. Năm Sĩ sống sót nhờ chui vào một cái hang bên mép suối Bà Cả Bảy.

Tôi dã từng bị pháo lẫn B52. Không có cách gì chống lại hai thứ này. Nếu rủi lâm vào vòng chụp của nó thì chỉ có hai cách: một là niệm Phật, cầu Chúa chờ trái bom hoặc trái pháo đến rước về thiên đàng hai là chạy liều. Nhưng không phải muốn chạy là chạy được đâu. Tôi đã từng kéo lê lết ông chánh ủy Hai Phái ở trận Bàu Trâu. Ông không bị thương mà chạy không chạy được. Thần kinh của ông không chỉ huy được cặp giò của ông. Ngoài ra mặt đất đong đưa như sàng gạo. Chạy ra khỏi trận địa ông ta chỉ còn cái quần tiều. Súng ống dây nịt, xắc-cốt, áo, quần đều tuột văng mất hết.

Ban đầu tôi không ưa Năm Sĩ, bởi vì ông có tánh tự đề cao, cái gì cũng cho là made in Bắc Kỳ là số 1. Trong câu chuyện ông thường khoe được Võ đại tướng khen, được Võ đại tướng bắt tay... Mãi khi Năm Sĩ cạo đầu nghỉ chơi trò binh lửa tôi mới nghĩ thương y và cho rằng y khoe khoang thì ít mà vì lý do khác thì nhiều. Trong cơn túng thiếu người ta thường mơ tưởng một lần trúng số độc đắc. Trong thất bại ê chề người ta thường nhớ lại quá khứ thành công. Sỡ dĩ Năm Sĩ nhắc lại những chuyện đó là để tự an ủi mình: Tôi cũng từng chiến thắng liệt oanh chớ đâu phải hễ cầm quân là nướng sạch đến lính cuối cùng! Tội nghiệp cho Năm Sĩ, Ba Kiên, Năm Dũng, những con hùm xám Điện Biên!

Nhưng than ôi! Đánh với Mỹ không dễ như đánh với Pháp. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vô đến tận Long Nguyên để chỉ huy cuộc Tổng tấn công vừa qua nhưng ông đại tướng đã thăng thiên trước khi vào đợt một. Nếu đại tướng Võ Nguyên Giáp vào đây, tại nơi Củ Chi này thì ông cũng không xoay chuyển được tình hình Củ Chi được mà, đừng nói tình hình Sàigòn. Bây giờ Năm Sĩ trở thành một con người không ra người, điên không phải điên mà khôn thì không thể gọi là khôn được. Ông ta có bao nhiêu tiền mua rượu đầy bình toong vừa tu vừa "địt mẹ chúng nó?".

Chúng nó là ai? Không ai biết. Có lẽ ông cũng không biết chúng nó là ai mà ông ta đã luôn mồm như vậy.

Bỗng một hôm con nhà lính chúng tôi được biết cái ông thích địt mồm này được bổ nhiệm làm tham mưu phó quân khu. Cả đám chúng tôi tròn mắt nhìn. Tài nướng quân của ông E trưởng cao đến mức được thăng chức. Lên làm tham mưu ông ta càng trổ tài.

Nhưng ông Năm Sĩ không thích cái chức đó. Vì Ba Kiên và Năm Dũng nướng quân chẳng kém Năm Sĩ một tẹo nào, nhưng sau khi nướng một E, cả hai đều được chị nuôi Ba Định phong cho hai thằng em ngồi làm phó tư lệnh Quân khu.

Năm Sĩ lấy làm bất mãn. Càng bất mãn càng địt mạnh. Năm Sĩ không qua sông xách cặp cho tham mưu trưởng Năm Lê. Vì như vậy là dưới cấp Năm Dũng và Ba Kiên đồng nghiệp nướng quân của mình.

Một hôm tôi gặp Năm Sĩ ngất ngưởng đi giữa nắng chang chang không có cần vụ cần vẹo gì cả. Tôỉ rập chân và giơ tay:

- Chào đồng chí tham mưu phó.

Năm Sĩ nhìn tôi hồi lâu rồi phá lên cười. Rồi bước tới nắm hai vai tôi lắc như gió.

- Chào ông bạn Tầm Nanh.

- Anh đi đâu đây.

- Tớ đi tìm cậu nhậu chơi! -Năm Sĩ đưa tay cào cào mớ tóc bù xù.- Cậu có biết chỗ nào cắt tóc không? Nắng ngứa kinh hồn.

- Vô văn phòng tôi có thợ nhà.

Tôi dẫn Năm Sĩ vô văn phòng, kêu Năm Thơi cậu thằng Thượng, vừa mang cục vinh quang xuống đường to tổ bố thụt về được tôi cho làm quản lý C, mừng húm cảm ơn rối rít. Tôi bảo:

- Mày "cúp đầu" giùm cho ông tham mưu phó chút.

Ông tham mưu phó cười ré lên:

- Tham gì tôi. Cậu cắt luôn cái đầu giùm tôi đi. Và đừng có gán cho tôi cái danh hiệu đó, tôi chui xuống đất bây giờ. Tẩy sạch đi để pháo khỏi gọt.

Với cái đầu mới trọc lóc như gáo dừa, Năm Sĩ ngồi bệt xuống đất. Mỗi đứa một bi-đông tu liền.

Tôi thấy thế bèn kêu các hỏa đầu quân làm một mâm đem ra.

Năm Sĩ nhậu mạnh lắm. Bi-đông mà hai đứa cũng cụng lộp bộp như chạm ly.

Tôi nói:

- Anh xứng đáng làm hội viên của tôi.

- Hội gì thế?

- Hội ve chai chống Mỹ!

Năm Sĩ gục gặc cái đầu bóng lưỡng mồ hôi tươm ướt da như thoa dầu dừa, nhìn tôi như ông bạn từ cung trăng rớt xuống phàm trần rồi cười như điên.

- Vậy cậu có kết nạp tớ dzô không nào?

- Kết nạp và tuyên bố chánh thức luôn khỏi qua thời kỳ dự bị.

- Tớ đủ tiêu chuẩn à?

- Thừa ba bi-đông! Tiêu chuẩn hội viên chỉ một bình toong là dzô hội được rồi. Còn anh làm tại bốn bi.

- Ai là chủ tịch của chủ hội.

- Tôi! Hội của tôi thành lập ba năm trước. Anh em dzô đông lấm. Họ bầu tôi làm chủ hội và bắt uống thử thách. Tôi làm một hơi cạn một bì. Anh em công kênh tôi lên hoan hô nhiệt liệt.

- Dân chủ nhỉ.

- Nhưng nay hội viên lẩn cả rồi. Toàn cấp C, D không hè. Chỉ còn ông chủ hội cu ki đây thôi.

- Bộ họ không hoạt động bị khai trừ cả à?

- Không, họ đi tìm hội viên mới dưới âm phủ. Tôi muốn nhường chức chủ hội cho anh đây!

- Bậy nào, tớ lấy làm vinh dự được cậu kết nạp đâu dám "chèo neo".

Rồi ông tham mưu phó ôm lấy tôi hôn tràn nước mắt. Rồi khóc hu hu như trẻ con:

- Thầy mẹ ơi con còn sống sót là nhờ công đức của thầy me...

- Anh đừng khóc buồn lắm anh Năm à!...

Trong đời giang hồ của tôi đây là người Bắc thứ hai mà tôi cảm mến. Người thứ nhất là Trần Bá Xài (không phải Xoài) người Ninh Bình gả em vợ cho tôi. Người thứ hai là Năm Sĩ. Hai người sống bộc lộ không giấu giếm, như những hiệp sĩ của thời chống Pháp chống Mỹ. Ít lâu sau tôi nghe tin có một người tự vận trong hầm bằng một trái lựu đạn Mỹ. Khám xác thấy có một bức thư gởi cho đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có tiếng xì xầm cho rằng đó là Năm Sĩ. Nhưng tôi không tin. Sĩ quan Việt Nam không mang dòng máu võ sĩ đạo Nhật. Từ đó tôi không gặp lại anh nữa. Biết đâu cái không thể xảy ra lại xảy ra, vẫn cứ xảy ra.

Một hôm tôi có một người khách lạ của đô thành. Đó là nàng Mai Khanh. Các bạn hẳn còn nhớ lúc tôi làm thầy giáo ở trường Pháo Binh. Một đêm nọ Mai Khanh, có người chồng là D phó chết ở trận Bổ Túc năm 65, đã nấu nước xông "cảm mạo" cho tôi.

Một lần nàng xuống tận Bến Mương khi tôi phụ trách H6 thăm tôi. Lần đó nàng cho biết ông chánh ủy U10 (tức là pháo binh R) dùng nàng làm liên lạc ra vào Sàigòn. Rồi có tiếng đồn nàng trở thành bà chánh ủy U10.

Chuyện đó không lạ gì. Không có tên già dềnh nào ở trong rừng mà không có bồ tèo. Ông chánh ủy lúc nào cũng có rượu sâm ngâm bao tử nhím, sừng sơn dương và lộc nai. Lần này Mai Khanh xuống đây gặp tôi để hỏi về tác dụng của súng DKB. Tôi đã từng sử dụng DKB (đạn khoan bê tông) loại "súng máng heo" do Bắc Kỳ chế tạo đơn giản đến độ buồn cười. Bắn không tới đâu cả. Vậy mà cũng đưa hai cậu nhóc theo làm chuyên gia!... Sáu Phấn đi cất giấu loại đạn này, bị xe tăng phun lửa chết rụi cả hầm mười mấy mạng. Kỳ này tôi cũng có bố trí, trận địa DKB hẳn hoi để cho tận mắt Năm Sĩ nhìn thấy tác dụng của loại súng kỳ (cục) diệu này. Đạn lép mà cũng có tiếng... vang, nên trên U10 Bộ Tư Lệnh Pháo R gởi người xuống hỏi kết quả.

Tôi bèn báo cáo màu hồng... cho bà ta về vuốt chòm râu bạc le the của ông chánh ủy.

Tình hình ngày càng bi đát. Tin buồn tới tấp.

Đài Giải Phóng báo tin thành lập Chánh phủ cách mạng lâm thời miền Nam do Huỳnh Tân Phát làm chủ tịch. Huỳnh Tấn Phát trong kháng chiến là giám đốc Đài Tiếng Nói Nam Bộ (phân sở B), Huỳnh Văn Tiếng giám đốc phân sở A. Ông Tiếng có vợ là ca sĩ Xuân Mai.

Một buổi tối tôi đang ngồi vặn đài Sàigòn để bắt cải lương Sàigòn "đãi" cô bạn khách đô thành thì bật ra mấy câu vét đuôi:

- Luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch chủ tịch đoàn ban cố vấn tối cao.

Chập sau bản tin được phát lại từ đầu, thì nghe trong đó có Trần Đình Xu làm thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Trần Đình Xu tức là anh Ba Xu nhà mình. Như vậy là quân khu mình lên chưn rồi.

Tôi cho gọi Bảy Ga, Tư Quân và toàn bộ ban chỉ huy E, đoàn bộ E lại để tôi báo tin cho mọi người biết cái tin này. Trong đó có hai vị giáo sư thầy cũ của tôi là:

Giáo sư Nguyễn Văn Chì - Chủ tịch ủy Ban Hành Chánh Thành phố Sàigòn.

Giáo sư Nguyễn Văn Chí - Bộ trưởng Bộ Thanh Niên.

Bọn lính ngó chúng tôi không biết đây là cái gì. Tin vui hay hổng vui, chỉ biết là những ông bà trong chánh phủ toàn là những trự từ Mặt Trận Giải Phóng đưa sang. Người Bắc có câu rất hay: "đánh bùn sang ao" loại bùn cháo này còn xài tạm được! Dù sao cũng có chuyện mới đến, lý do để tổ chức nhậu. Nhân đó đãi bà bạn khách đô thành.

Hôm sau tôi được lệnh qua sông gặp Năm Lê nhận kế hoạch mới. Tôi sợ ông cạo cho sát da về việc đánh hụt Trung Hòa, nhưng anh không nói gì. Tôi làm quà cho anh một cây Capstan, một chai Anis và một kí tôm khô.

Anh cười, mặt méo xẹo:

- Ở bển còn chất tươi hả may?

- Dạ cũng còn lai rai hoài anh Năm! Hổng có ba cái thứ này lấy gì chống Mỹ!

- Tao nghe nói hội ve chai do mày kềm hoạt động mạnh lắm hả?

- Dạ đâu có anh Năm! Vài ba ngày mới làm vài cốc chớ đâu có làm thường xuyên. Tụi nó chụp liên miên chạy không kịp khóc.

Anh dọn rượu và mồi nhậu đãi tôi. Cái hầm này không đủ tiện nghi bằng cái hầm bên nhà xã đội trưởng Ba Xây ở An Nhơn Tây. Nó có vẻ tạm bợ nhà đá nhà đạp ở không lâu rồi lại đi. Thật vậy, chỉ có bọn lính chiến chúng tôi là phải cõng hầm trên lưng mà chạy (đến đâu đào đến đó) chớ không có hầm cố định do lính xây cất như loại tổng hành dinh của các ông lớn.

- Uống đi mậy. Hay sợ vết thương làm độc.

Tôi nói:

- Dạ đâu có anh Năm.

- Mày bị thương hết chưa?

- Dạ, chỉ đạp miểng pháo sơ sơ thôi, mà lành rồi.

- Cái "vụ đó" làm vết thương lâu lành mày biết không?

Tôi làm thinh. Anh xé cho tôi nửa con khô mực rồi nói:

- Mày có muốn đi miền Tây với tao không?

- Anh xuống đó à?

- Anh Ba nói ở trên mấy chả đã chấm tao. Mày biết Nguyễn Hoài Phi không?

- Dạ biết. Hồi tôi mới ra trường đi thực tập ở huyện Ô Môn, ông đang làm huyện đội trưởng ở đó. Sau lên làm tỉnh đội phó Cần Thơ.

- Chết rồi!

- Ủa, hồi nào, anh Năm?

- Nó về một lượt với Lê Quốc Sản. Sản về làm tư lệnh khu 8 nó về tư lệnh khu 9. Thằng Sản chết vì phi thuyền ở Đồng Tháp còn nó bị ho-bo lúc qua sông Cửu Long hay bị xe tăng càn ở Bà Đầm gì đó.

- Bà Đầm Thát Lát là đất dụng võ của ổng ngày xưa.

- Của thổ hoàn lại thổ!

Một chốc Năm Lê trở lại chuyện đi miền Tây và rủ tôi.

Tôi ngồi ngẫm nghĩ. Miền Tây nơi tôi có biết bao kỷ niệm. Trần Bá Xài không biết bây giờ ở đâu? Nếu về gặp lại ảnh thì vui lắm. Trong đời tôi chưa gặp ông Bê Ka nào lạ lùng như anh. Trước khi tôi xuống tàu tập kết, ông kêu tôi về nhà gả em vợ cho và cản: "Mày đừng có đi. Ở ngoài xứ tao tao biết. Toàn ăn củ chuối. Đói bỏ mẹ!" Năm Lê thấy tôi không trả lời thì không hỏi nữa.

Tôi lấy chai rượu của tôi mở nút bằng con dao sáu lưỡi rót cho anh một ly:

- Làm thứ này cho ngọt miệng anh Năm!

- Ừ! -Anh uống cạn. Tôi rót thêm.

Tôi thấy trên nét mặt anh phảng phất nét buồn. Có lẽ anh không muốn đi miền Tây chăng?

Tôi hỏi:

- Anh định đem ai đi với anh.

- Còn ai đâu mà đem? Nếu thằng Nghi (Thượng úy xạ thủ Tám Nghi) không bị bắt thì chắc tao đem nó theo.

- Anh thấy công trường 5 thế nào anh Năm?

Ảnh cười phá lên. Tiếng cười vang to trong hầm nhưng không xóa được nỗi buồn trên gương mặt. Anh nâng ly rượu uống từ từ như để tìm câu trả lời:

- Thì nó như mày thấy đó.

- Anh Năm (Sàigòn) hy sinh sớm quá! tôi nói.

- Sớm hay muộn thì nó cũng thế. Hai Trí có kém gì... ai. Nhưng mà thời thế này không tạo nên anh hùng được, chỉ tạo nên tử sĩ mà thôi. Mày ham văn thơ từ thuở nhỏ, chắc mày biết nhiều thơ. Có thuộc bài đêm liên hoan của Hoàng Cầm không?

- Tôi thuộc cả bài hồi nó mới về tới Đồng Tháp Mười!

Năm Lê bất ngờ ngâm nga. Cái đầu bạc gật gù. Đôi mắt lim dim:

Anh ngưng rồi tiếp:

Mắt anh đỏ hoe, giọng anh xúc động:

- Ai cũng chết mà thôi! Cái thằng này đoán tài thật.

Dường như để khỏa lấp sự yếu đuối không nên có của một nhà quân sự trước một thuộc cấp, anh quệt mắt, bảo: "rượu cay quá!" rồi lấy lại giọng bình thường hỏi tôi.

- Ba trăm tử sĩ... mày giải quyết cách nào?

Tôi trả lời cho qua truông:

- Khó khăn nào cũng vượt qua thôi anh Năm à!

- Cũng xong nghĩa là thế nào?

- Dạ bó chiếu đại đa số.

Anh kêu lên một tiếng cơ hồ không nghe được:

- Trời đất.

Để chữa tội cho mình và cho bạn tôi nói:

- Dạ đâu còn nhà cửa gì. Anh nghĩ coi. Nếu đóng hòm như hồi 1965 thì phải mất gần 1800 tấm ván. Nhà đồng bào bây giờ không còn mấy cái còn dược bộ ván ba nguyên. Tất cả đều dùng vào việc làm hầm. Cửa ván vách ván thì bay hết từ lâu.

Năm Lê thở dài:

- Rồi thằng Năm Sĩ làm sao?

Tôi thấy không thể giấu được. Chỉ việc tôi bị thương tí ở chân mà ảnh còn biết, nên đành thưa thiệt.

- Ảnh điên anh Năm à!

- Thiệt sao?

- Dạ không đến đỗi ỉa rồi ăn hoặc bôi lên đầu nhưng ảnh khóc khóc cười cười như người mất trí.

- Vậy còn quá cha điên! -Nói xong anh đi qua ngách rồi trở lại với một tờ giấy trên tay, anh đưa cho tôi.

Tôi nghiêng vào ánh đèn cầy hắt hiu, đọc. Đó là quyết định của R bổ nhiệm anh đi làm tư lệnh I3 tức khu 9 cũ.

Tôi đưa tờ giấy cho anh, không nói gì. Anh lại nâng ly uống rồi nói như nói với không khí:

- Một trận. Ba trăm con người ta. rồi nhìn tôi- Nhưng không phải mình chỉ mất 300 cây súng mà còn mất thêm cái gì khác nữa! Đó là tinh thần anh em còn sống chiến đấu. Cái đó có thể lấy lại được, nhưng phải rất lâu. Cũng có thể không lấy lại được. -Anh tiếp- Địch nó đặt chúng ta vào tình thế bất đắc dĩ. Không đánh không được. Đánh, bị thiệt hại, không đánh cũng bị thiệt hại. Không đánh Trung Hòa ta mất một E, nếu đánh mất bao nhiêu? Cũng gần như nhau. Đợt ba sắp sửa khai diễn. Củ Chi mở màn trước đó... À..mà mày có hay tin có chánh phủ miền Nam chưa?

Tôi nói láo:

- Dạ chưa.

- Cái thằng! Tin quan trọng thế mà mày chưa hay à? Cuộc tổng tấn công hồi Tết như cục đá thọ khí âm dương nứt ra Tôn Hành Giả.

Tôi biết chuyện đó trong truyện Tây Du nhưng không hiểu hôm nay anh dùng nó có ngụ ý gì. Tôi hỏi:

- Nghĩa là sao anh Năm?

- Thì như vậy đó chớ còn sao nữa?

Anh không nói gì thêm, còn tôi cũng không đoán được anh định nói gì. Một lát sau anh mới trở lại vấn đề:

- Anh Ba mình có chân trong chánh phủ đó.

- Chân gì anh Năm?

- Thứ trưởng Quốc Phòng.

- Chức to vậy à anh?

- Ờ, to lắm.

Anh bảo tôi ở lại ăn cơm chiều. ăn xong trời tối, anh lại bảo ở lại đêm với anh. Đường bây giờ đứt hết. Biệt kích như rươi. Tám Nghi bí thư của anh bị xe tăng khui hầm nay có thằng bí thư mới, tôi không quen. Anh chàng này lấy làm lạ bảo đám cận vệ: lâu nay ông Năm giữ bí mật địa điểm lắm, cán bộ đến làm việc, không có ai được ông tiếp làm vậy, nhất là mời uống rượu và ngủ lại với ông.

Năm Lê có nhiều tâm sự. Anh không nói hết với tôi.

Nhưng có tôi bên cạnh, anh có cảm giác là anh không nói tôi cũng hiểu. Do đó anh giữ tôi lại.

- Ở đây có chỗ chui không anh?

- Có mẹ gì. Thằng Burchett nói láo rằng địa xuyên qua cả đít Đồng Dù. Sao nó không nói chui luôn qua sông Sàigòn cho nhân dân thế giới phục luôn... tài nói láo của nó. Ở đây chạy là thượng sách, không có chui.

Trưa trưa coi bộ tình hình yên tĩnh anh lại gọi tôi, hỏi:

- Bây giờ ở bển cần gì?

- Gì cũng cần hết anh à!

- Nhưng cái nào nhất cái nào nhì.

- Người và súng ngang nhau anh Năm à.

- Cái thằng! Mày đùa hả?

- Tôi nói thiệt mà anh Năm! Anh coi cái 268 của Năm Sĩ đó thì biết.

Năm Lê làm thinh. Chiều hôm đó tôi theo anh đi hội nghị. Một cái hội nghị không vui vẻ chút nào. Nội dung là hội nghị "Phân tán mỏng" nghĩa là các đơn vị tập trung bây giờ phải tìm chỗ ẩn trú để bảo toàn lực lượng trường kỳ mai phục chờ thời cơ. Trở lại thời kỳ man khai du kích.

Địa điểm đặt tại vùng trên cách đây hai ngày đường. Con hùm xám Củ Chi ra khỏi hang. Một trung đội cận vệ. Nhưng con hùm này khác với con hùm Điện Biên và khác với cọp R Chín Vinh đi Sàigòn qua Rạch Cây Da.

Con đường vô tận vạch qua những bãi B52 đất nám đen, chui qua những thân cây ngã và leo qua những thân cây tróc gốc không biết đến đâu là mút.

Nhưng có con đường nào là đường đi không đến? Cuối cùng đoàn dừng lại. Năm Lê hỏi tôi:

- Mày biết đây là đâu không?

Tôi ngơ ngác. Rừng nào cũng giống rừng nào. Chỉ khác là cái kỷ niệm của mình với nó.

Anh rỉ tai tôi:

- Long Nguyên.

Tôi trố mắt nhìn. Long Nguyên đây sao? Cái vùng đất mà hai mươi măm trước mình dẫm chân lên đây đi kháng chiến chống Pháp lúc mười ba tuổi.

Long Nguyên yêu dấu.

Đi một buổi nữa mới đến điểm họp. Lẩn khuất trong cây rừng tôi thấy một cái núi đất nho nhỏ. Tôi hỏi:

- Mả ai giữa rừng mà to vậy anh Năm?

- Tối nay anh em mình ngủ hầm Đờ Cát, bảo đảm 75%.

Quả thật tối lại tôi ngủ trong cái hầm có điện. Có nhiều đại lộ như một khu phố nho nhỏ ở Hà Nội, đi không phải khom. Nóc hầm hình chóp, đà ngang ba tấc bề kính. Có một đồi nóc ở chính giữa.

- Mày biết ai làm cái hầm này không?

Tôi biết mà đáp không.

- Một trung đoàn công binh của Tư Cường kiến trúc và xây cất đêm ngày trong vòng sáu tháng đấy em!

Tôi nghĩ bụng. Hầm của Đờ Cát Sáu Di chớ ai.

Ở đây tôi gặp lại thằng bạn nối khố của tôi: Tư Linh. Cái bản mặt của nó vàng ngo ách như mặt dọc, thỏn cóp như mặt khỉ. Ngoài giờ hội nghị, nó dắt tôi đi trong các ngách hầm. Mẹ thằng Bọ Chét không được đến đây để về nói phét cho thế giới ngây thơ nghe mà phục lăn. Để cho lão Russel và mụ A. Strong tếu lên ca ngợi quân giải phóng. Để thiên hạ tin rằng địa đạo Củ Chi dài 700 miles có chợ búa, có câu lạc bộ và có nhà thương giải phẫu óc và đẻ con dưới đó. Vâng, cái hầm này có đủ phương tiện để chứa mười tên đầu bò chui xuống ăn bơ sữa Mỹ trong vòng ba tháng với một trăm cung nữ và thái giám chực hầu. Đó là triều đình của ông vua đỏ Nguyễn Chí Thanh, đông cung thái tử của nhà Hồ chưa kịp lên ngôi đã ngủm.

Tư Linh dắt tôi đến nhà bếp. Mẹ kiếp cơm cá nấu bằng rề-sô. Thịt hộp vun như núi, gạo dư cho chuột ăn và làm ổ. Cái giếng đào ngay giữa lòng hầm chẳng khác địa huyệt thời Chung Vô Diệm đi thám thính.

Cái villa ngầm này xây lên nhằm mục đích chống B52. Bọn lãnh đạo chiến tranh miền Nam ở đường Quan Thánh không hiểu B52 và bom đìa là gì. Bề sâu nó khoan thủng từ 10 đến 12 mét. Bề kính từ 200 đến 300 mét. Nó rộng và sâu như một cái đìa nên gọi là bom đìa. Chịu còn không nổi bom phản lực thường nữa là B52.

Những hắn chết đâu phải là do Mỹ đánh mà là trời đánh. Trời đánh chết tên tội đồ dân tộc để cứu lương dân.

Một buổi chiều tư lệnh dắt tôi ra miệng hầm. Trời! Nội cái miệng hầm thôi vừa nom thấy cũng hết hồn. Miệng túm hùm người phải len xuống nhưng nó được chắn ba phía bằng ba quả đồi con có nóc. Bom bí rắc cũng không lọt. Đường xuống đếm đủ chín bậc "cửu trùng". Đi giữa lòng hầm mát mẻ như có máy lạnh.

Tư Linh trỏ tay:

- "Ổng" sụm ở chỗ này.

- Sao mày biết?

- Thì mấy chả nói đi nói lại mình đoán ra. Chớ hồi đó tới giờ ai có đến đây mậy.

- Cái hầm có cô hồn, tao ghê quá!

- Nhờ người ta bỏ nên mình mới được ở chớ nếu không, bọn cá kèo mình đến đây sao được!

- Ở đây ăn mâm (pháo) nào?

- Mâm nào nó cũng "xẹc vía" cũng được cả. Bình Dương, Rạch Kiến, Chà Rầy.

- Chà Rầy vói cũng tới nữa à?

- 175 ở đâu nó vói không tới.

Hút tàn điếu thuốc, Tư Linh than dài:

- Ở đây hơi khỏe, nhưng khô quá. Thà ở Củ Chi có chết có sống mà vui. Sao? Mày độ rày em Ba em Bảy nào rồi?

- Mệt ứ hò he mày ơi!

- Có để bầu để bí cho em nào chưa?

- Tao tu lâu rồi. Lố chứng minh thư của mày cho hồi nẳm xài chưa hết.

Tư Linh phá lên cười:

- Thôi đi ông nội ơi! Ông đánh Củ Chi lấy cả thùng, chớ xài chưa hết gì. Nghe nói con "lủng sĩ" của mày có về R và được tấn phong anh hùng hả?

- Ối ba cái chuyện đó tao không có rành.

- Rờ tới rờ lui rờ lên rờ xuống chắc có ngày mày nuôi đẻ chớ không khỏi đâu. Rồi ra dũng sĩ con cả bầy. Mỗi đứa mỗi cha.

Tôi phát cáu gạt ngang:

- Mày có nhận được thằng Mỹ nào chưa?

- Được rồi. Thằng cha Tám Nghĩa sợ ăn khoai lang (bom bi) nên nó đùn cục nợ cho tao. Mẹ kiếp, nó cao hai thước ngoài, hầm thường nhét nó không xuống phải đào riêng cho nó một cái với nắp hầm ngoại cỡ.

- Ở đây mà cũng đào BM nữa sao?

- Trời. Nó thả biệt kích nhẩm dấu mày ơi. Tao đâu có dám để ở trên. Ngày đêm gì cũng nhốt dưới hầm, chỉ cho nó ló cái mũi nhọn ra lỗ hơi thôi. Tay trói chân xiềng. Vài ngày dở nắp cho ăn cho thở một lần. Trông cho nó chết mà nó cứ sống nhăn hoài. Phải nó chết mẹ nó đi thì tiện cho tao quá. Gạo mình không có ăn mà phải chia cho nó. Cơm bưng nước rót, có thua gì thượng khách của quân khu. -Tư Linh tiếp- Chết đến nơi mà cũng còn o gái đó nghe mậy!

- O khỉ cái ở đây à?

- Nó quèo được mấy con nhỏ nấu cơm.

- Của mày hả?

- Của trời! Hí hí. Nó làm thế nào mà có lần tao bắt được một con nhỏ giở nắp hầm cho nó ăn rồi ngồi nói chuyện với nó lâu lắc.

- Thì cô ta làm "địt" vận nó cũng như mày địt... mấy cô ấy chớ gì!

- Trời, nó kêu cô ta bằng "chị Hai" rõ ràng nghe mậy.

- Lớ quớ nó "địt"... được nhân viên của mày trốn đó.

- Bây giờ nó bò chừng 100 mét là tao tóm lại được ngay. Mày gặp lại nó mày không có nhìn ra đâu. Sốt rét da bủn xì râu bít mặt, ghẻ xốn khắp mình như thằng cùi. Mày cứ tưởng tượng con vịt đắp đất sét khắp mình đốt rơm nướng. Thằng này cũng vậy. Nó nằm giữa hầm đất sét sáu tháng rồi. Mày cứ tưởng tượng thì biết chớ gì. Mày xuống đó chừng vài giờ là trồi lên ngay. Nó chịu liên miên như vậy. Mà nó sống dai như khỉ già Trường Sơn. Phải chi nó là Ngụy thì tao bắt nó bổ củi đào đất, còn mặt mũi nó như qủi sứ thế này, lỡ có ai thấy là lộ bí mật hết. Rồi sớm muộn gì cũng có chuyện. -Tư Linh tiếp- Bởi vậy nên mấy đứa cảnh vệ gác mệt quá, nên bàn kế hoạch "dăng-xương nhị tì" 2 nó cho rồi. Có gì khó, tụi nó chỉ hô hoán lên rằng thằng quỉ vượt ngục rồi rẹt cho nửa băng là xong chớ gì, nhưng tao biết tao chận ngay. Tao nghe mấy thằng cai ngục trên R ngầm phổ biến cái "chánh sách tù binh" đặc biệt với đó với nhau. Bây giờ lính cũng biết nữa. Từ rày mày có thộp được cái thứ quỉ đó, đừng có đem về nhà nữa, mệt tao lắm!

- Nhờ nó mà mày biết mặt thằng Mỹ, nếu không có tao mày có biết giống nó mồm ngang mũi dọc ra sao? "Công tác địt" của mày chỉ ăn hút thôi chớ làm gì.

- Tao vái cả mũ trả lại mày đem nó về mà thờ!

- Nó tên gì, cho tao biết để lập bài vị?

- Tên nó hả? Thằng Biu!

- "Biu" là cái giống đéo gì?

- Mỹ là "Willliams" như họ Nguyễn, họ Trần, họ Dương-dâm-hoác của mày vậy.

- Đừng có cụp nó đó. Tao nhắc cho!

- Tao không bảo đảm. Bà thủy không bắt thường gà!

- Một cái máy cày cho xã Phước Hiệp đó nghe mậy! Không khá hơn cày chìa vôi à?

- Cái củ... chì họ có máy cày cho!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx