sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 108: Em Xã Đội Vùi Chôn Tuổi Xuân - Bà Khu Ủy Hết Xôi Rồi Việc

Đường về nhà cô Là không xa. Từ mé sông Sàigòn vô Bò Cạp! Trời, cái xóm nhà lưa thưa điêu tàn. Đó là nơi sinh sống của ba người anh hùng áo vải: Năm Đầu Ban, Sáu Mã Tử và Tư Ếch, của đất Củ Chi.

Sáu Mã Tử và Năm Đầu Ban vô du kích từ khi Là làm xã đội phó. Hai cậu thanh niên này chuyên môn lượm đạn cà nông lép về cạy ra làm đạp lôi gài Mỹ, nên nổi danh là Năm Đầu Ban và Sáu Mã Tử. Tôi cứ thế mà gọi chớ cũng không hỏi lý lịch ba đời cụ kỵ làm gì. Đến khi vào đơn vị của tôi, hai chàng cũng mang cái tên thân mến đó. Tôi dạy dỗ từ những anh dân quê ngờ nghệch lên làm A phó, A trưởng rồi nâng dần lên tới C phó, C trưởng, chỉ huy đơn vị.

Riêng Tư Ếch nhát bom pháo. Một hôm bị cô xã đội phó xạc cà rây: "Người ta đi hết, chỉ một mình anh ờ nhà bắt ếch bắt lươn, không mắc cỡ hay sao?" Thế là Tư Ếch xin vô tiểu đoàn Thép. Và hy sinh với chức vụ C phó. Đi ngang xóm nhà của Tư Ếch, tôi không khỏi ngậm ngùi. Một anh chàng chuyên nghề đặt trúm lươn, bắt ếch lấy tiền nuôi cha già, đã hy sinh với chức C phó quân giải phóng. Sắp cưới vợ mà chết kể cũng buồn! Sắp lấy chồng mà chồng chết thì cũng chẳng vui gì hơn, nhưng việc đó xảy ra ở Củ Chi này như cơm bữa.

Nhà Là vắng hoe. Nó sụm xuống như một thân người không còn chân. Bốn năm trước, tôi về Củ Chi bước chân đầu tiên vào nơi này. Thằng Lạn chở tôi bằng xe đạp bỏ tôi ở đây. Kia là cái lò đường, tôi uống ngụm nước giải khát có vắt chanh. Nọ là ngôi nhà ngói xưa của má Hai, nơi tôi nằm ngủ trên ván gõ với chiếc gối tai bèo, giống y như nhà tôi vậy

Trời ơi! Bây giờ không còn gì. Nhà má Hai, cây vú sữa, lò đường... tất cả đều biến mất khỏi mặt đất.

- Là ơi! -tôi cất tiếng gọi.

Không có ai trả lời. Tôi ngó vào trong rồi đi đại vào.

Không có gì hết. Nhà hoang.

Tôi luồn ra phía sau kêu to:

- Chị Tám ơi! chị Tám... Lôi nè.

Nhà chị Tám ở ngay sau nhà Là. Chú Tư Thiên ở cạnh đó. Chú Tám Cạ cũng sát vách. Cuộc sống ác nghiệt làm cho họ tựa lưng nhau khi tối lửa tắt đèn, và họp thành một "tổ chức cách mạng" làm mọi cho dân Bê Ka vào xực ngon lành. Thấy không có hy vọng gặp người, tôi bước qua sân. Tụi nhỏ con trai con gái chị Tám đã gởi sang cho Lụa nuôi ở đâu?

- Trong đó đó. Gần C5 của Tư Chuyền.

Trời ơi, cái khu rừng C5 của Tư Chuyền đã hôi ổ từ lâu, sao còn vô đó xây hầm? Tôi trách thầm cô bé. Là yêu tôi và ghen công khai. Có lần suýt chia hai lựu đạn với hai cô Ua và Chia ở Bàu Chứa, ghen luôn với Bảy Mô. Với tất cả các nàng dũng sĩ. Tôi cũng đã tặng cho nàng chiếc nhẫn có chạm chữ "L". Bây giờ chiếc nhẫn nằm dưới đất sâu từng Hố Bò. Một mảnh tim Lôi chôn theo đó.

Không biết bao lâu, chị Tám mới nói:

- Cậu ác lắm!

-?!

- Biểu cưới đi cho nó có chồng mà cứ dùng dằng. Bây giờ còn đâu nữa!

Biết làm sao. Biết làm gì. Tôi đành nhận tiếng "ác" cho Thiên Lôi.

Về tới đơn vị hôm sau. Bảy Ga, Tư Quân ùa ra tiếp đóng lăng xăng như vắng tôi một ngàn ngày không bằng.

Tôi ném ba lô lên bàn, bảo hai cậu vần vụ.

- Hai em đi lại quán Chín Khuôn kia kìa (Dạ biết) mua hết trà thuốc, rượu, tóp mỡ, đường đậu, khô nhận đầy ba-lô, để tiền tôi trả.

- Dạ.

Một cậu nhắn:

- Anh Hai nhớ tìm giùm cho anh Tư vài tân binh.

- Ờ...ờ ờ đi lấy hàng đi rồi về sẽ giải quyết. -Rồi quay sang Bảy Ga- Có lệnh gì mới không đồng chí?

- Ở trên kêu tôi đi R học.

- Gì nữa?

- Anh Năm Tiều sắp đi R xin quân cho đợt hai.

- Đơn vị mình, sao?

- Cũng như hồi thầy ở nhà.

- Cậu đi tìm vị trí cho phân tán ngay. Phân tán thật mỏng.

Bảy Ga lẫn Tư Quân ngơ ngác không hiểu việc gì, cứ ngồi im. Tôi bảo thêm:

- Mỗi tổ cách nhau một, hai trăm mét. Không được ở chung hầm. Rút kinh nghiệm Tầm Lanh! Lệnh Năm Lê. Thi hành ngay bây giờ không được để tới ngày mai.

Bảy Ga còn do dự:

- Vậy làm sao vô đợt anh Hai?

- Đã bảo ở trên có kế hoạch rồi. Mình không phải lo vô ra gì hết.

- Ngoài Bắc đưa quân vô hả anh?

- Ờ, quân Tàu lẫn quân Nga, quân Hung, quân Tiệp!

- Năm Sĩ ôm lựu đạn rút chốt rồi anh ạ!

- Ở đâu?

- Lính 268 tán rùm.

- Không có đâu! Thằng chả chỉ buồn thôi.

- Thật mà. Có bức thư gởi cho Võ đại tướng nói về sự vô dụng của các chiến thuật "dao mổ bò giết ruồi " "vải chài nhanh, thu chài nhanh " "trì cửu chiến " v.v... gì đó tôi không có hiểu.

Tôi nghĩ bụng: đó là các chiến thuật của Mao Trạch Đông thường dùng trong kháng chiến chống Pháp, tôi có học nhưng làm sao xài được với chiến thuật trực thăng của Mỹ?

Tôi bán tín bán nghi về tin Năm Sĩ rút chốt lựu đạn nên gạt ngang:

- Tôi mới gặp chả ở Phú Mỹ Hưng làm hết một bình toong đây mà! Đừng đồn bậy lính mất tinh thần.

Ba Xu đạp mìn thì lính mất tinh thần cỡ nào? - Thiên Lôi tự hỏi và im luôn.

- Đi đâu vậy bà khu ủy?

- Thôi anh ơi, đừng có ngạo em.

- Sắp vô đợt rồi, có huấn thị gì mới trước toàn quân không?

Năm Đang đỏ rần mặt, đáp:

- Anh ở lại mà "dzô", em ra.

- Ra Sàigòn hả?

- Ra rìa. Em đã bảo em bị tống ra khu ủy rồi, anh chưa tin sao?

- Ủa sao vậy?

- Thì vậy chớ sao. Hết xôi rồi việc mà. Bây giờ em mới biết.

Nói trả treo một chập với tôi, rồi bà khu ủy bảo:

- Anh rỗi không? Cho em nói chuyện chút.

- Chuyện gì, quan trọng không? Tôi bận lắm.

- Bận gì cũng phải nhơn ra. Đây là lần cuối cùng anh gặp em.

Mụ này mắc chứng gì mà giở cái giọng tiểu thuyết ra với Thiên Lôi đây?

- Ờ được, gặp thì gặp chớ bà!

Năm Đang, một người đàn bà băm ba tuổi có chồng bị đày Côn Đảo. Con chủ nhà máy xay lúa ở Phú Hòa Đông. Được bốc bỏ vô khu ủy năm năm trước. Là người vận động tổ chức các cuộc biểu tình đấu tranh chánh trị bằng xe lam để tên Burchett quay phim đưa ra trình cho quốc tế thấy rằng "Mặt Trận Giải Phóng đã kiểm soát ba phần tư đất đai và bốn phần năm dân chúng, tận cửa ngõ Sàigòn!". Cũng là người bỏ tiền ra nuôi bọn mặt đỏ gọi là khu ủy và lại cũng là người đàn bà bị khu ủy mò khắp lượt, nhưng vì đảng tính của bà rắn quá, chúng gặp nhoáng lửa nên bây giờ chúng tống bà ta ra để tìm cái mềm mềm hơn.

Tiểu sử của khu ủy Năm Đang tạm ghi tóm tắt như thế, có thể thiếu nhưng không sai.

Tôi cũng giở giọng tiểu thuyết:

- Nếu không gặp... bữa nay thì bao giờ... -Tôi nhát kêu nàng bằng "em" vì cái mặc cảm bà ta là cấp nằm trên... tôi từ trước tới nay.

- Không hôm nay thì chẳng bao giờ.

- Tầm Lanh chỉ ăn pháo một trận là tan hết.

Tôi phóng bậy một quả pháo mồ côi. Chẳng ngờ bà khu ủy hứng ngay, nói tỉnh bơ:

- Chúng nó bắn mù, chớ anh là thầy pháo phải nhắm kỹ trước khi bắn chớ.

- Nhắm kỹ mấy rồi cũng có trái hụt.

- Mười trái hụt một là tài rồi.

Bà khu ủy dắt tôi vào một ngôi nhà hoang, có lẽ là cơ sở cũ của bà, cho nên bà thuộc hết cả hầm hố bếp núc từ hũ muối đến sóng chén.

Bà ném ba lô, giỏ xách vô hầm rồi trồi ra trừng mắt với tôi:

- Sợ kiểm thảo hả ông E phó?

- Ai kiểm tôi?

- Tôi... em... chớ ai. -Vừa nói Đang vừa ôm siết tôi hôn cái gò má nóng rực của tôi và lảm nhảm- Ghét cái mặt, làm bộ đạo đức hoài!

- Ai biết bụng ai ra sao.

- Người ta đạp chân mà cứ ngồi yên!

- Đạp thì đạp, ai biết nghĩa gì!

- Lại còn bỏ tay qua đùi con Phụng, tưởng người ta không biết.

- Thấy à?

- Có một chục con mắt chớ không phải hai con đâu ông thầy pháo. - Đang tát yêu tôi- Em biết anh không yêu em. Chung quanh anh đầy đàn đầy đống các cô lủng sĩ chúng nó đeo anh như đỉa. Em không đeo,em chỉ xin anh một đứa con đem về nhà sống cô đơn tới chết.

Nữa rồi. Tiểu thuyết phọt ra đằng mồm thì chắc trái tim của nàng cũng đang rườm máu.

- Nếu con Xuân còn, em sẽ gả nó cho anh.

- Đặng lấy giống Thiên Lôi hả?

- Em có kinh cách đây mười ngày. Hôm nay trứng rụng.

Giữa ban ngày chúng tôi yêu nhau. Một thứ tình yêu muộn màng và bất ngờ nhưng vô cùng say đắm bởi sự mài miệt và buông thả hoàn toàn của người đàn bà.

Nàng tâm sự:

- Em đâu có thương yêu gì thằng Bắc Kỳ Vũ Ba... Mà em phải lấy nó. Em biết gặp nó là đời em tàn. Trước nhất nó là người khác loại. Nó có vợ ngoài Bấc nhưng vô đây nó khai man. (Tụi Bắc Kỳ là vậy. Vô đây thằng nào cũng khai là bận công tác cách mạng, không có thì giờ lập gia đình. Nghe vậy, chị em Nam Kỳ chất phác tin bằng thật nên ôm cọng rau muống héo. Đến chừng vỡ nhẽ ra, đụng đầu mụ trùm khăn mỏ quạ răng đen thì hết đường rút lui). Đàn ông gì tay chân mặt mũi xanh lét yếu ợt như bún thiu. Lấy nó, thà lấy bà bóng còn sướng hơn. Nó lên R đi ra Bắc dưỡng bịnh mà không cho em hay, ra tới Bắc mới gởi thơ vào xin lỗi.

- Thôi đi bà nội! Bà cũng lên chưn lắm nên mới mắc lỡm. Còn trách ai!

- Em lên chưn việc gì khác, chớ không vì lấy thằng Bắc Kỳ liệt dương đó.

- Thằng chả giỏi bốn mươi là cùng.

- Em đâu có ưng. Nhưng lão Tư Trường cố nài ép. Anh biết tại sao không?

- Ai mà biết chuyện mấy ông lớn ỉa cứt giấu đầu nằm.

- Lão mò em.

- Hà hà hà... hồi nào ở đâu, có ai làm chứng không?

- Có thần lằn rắn mối làm chứng. Thằng chả biểu cho thằng chả ngủ một đêm rồi thằng chả sẽ đưa vô thường vụ khu ủy. Từ đó em tởn chúng nó. Ra là thế. Kết bè với nhau, nâng đỡ nhau, hè nhau dìm kẻ khác. Thằng chả gán Vũ Ba cho em để ém miệng em.

- Bộ bà la om lên à?

- Em không có la. Em chỉ tống cho lão một đạp vô mặt. Đồ mất dạy thế mà cũng bí thư khu ủy. Không biết tụi kia có vậy không?

- Không đâu! Mấy đồng chí kia đều đạo đức cao cả. Nhất là trung ương toàn những nhà đạo đức gương mẫu hết á, bà nội ơi!... Rồi tại sao Vũ Ba?

- Thì lão gán em cho Vũ Ba cho êm chuyện.

- Êm thế nào?

- Êm là em có nơi chỗ không phát ngôn tự do nữa!

- Sao bây giờ lại xì ra cho Thiên Lôi biết.

- Chớ để bụng chết đem theo à? -Nàng chấm câu bằng một cái hôn.

- Rồi bây giờ bà tính sao?

- Còn tính sao nữa. Về nhà nuôi heo nuôi chó. Ai muốn đi thì đi với em nè.

- Thôi bà nội ơi! -Tôi nghĩ thầm- Tôi còn cái tội có thằng em Thủy Quân Lục Chiến đây, chưa biết làm cách nào để mấy chả không nghi ngờ. Đụ mẹ, nếu biết vậy ông Thiên Lôi đã không đi kháng chiến, không về Nam. Ở nhà chơi với Tây mút mùa.

Hai đứa nằm hôn nhau. Nàng cứ rủ rỉ chuyện trời ơi đất hỡi mà tôi không ngờ. Thật không ngờ.

- Thằng cha Tư Trường hãm con nhỏ nấu cơm chảy máu...nó la rùm trời, phải gởi đi qua Bưng Còng cho Tám Lê xức thuốc rồi tống con người ta đi biệt không về cơ quan. Thằng cha Sáu Dân mò đàn bà giá bị la, không cho ở nữa. Thằng cha Ba Xu cũng bỏ ngón con gái nuôi bị bà Trắng bắt gặp làm bể trời suýt cuốn gói đi. Không có thằng nào đàng hoàng hết.

- Thôi bà nội ơi! Bà cũng đá bóng với mấy chả dữ lắm, cho nên mấy chả mới bắt mò làm tới đó chớ.

Đang nhảy dựng lên:

- Em đá bóng hồi nào? Với ai mà anh biết?

- Còn bà Út Tuất thì sao?

- Con nhỏ đó cũng ra rìa về nuôi cá tra rồi.

- Sao vậy?

- Tại nó không cho mấy lão tòm tem chớ sao.

- Bộ bả có mối nào hả?

Đang tát khẽ vào vai tôi.

- Anh tường em không biết à. Nó khai với em ráo trơn. Nó bảo của nó, đừng có giật ngang của quí của nó.

- Ai vậy?

- Thiệt hổng biết không?

Tôi ém miệng nàng bằng một cái hôn dài.

- Sao mình không là vợ chồng được hả anh?

Tôi tự giải thích bằng đề tài khác:

- Bí thư khu ủy và Tư lệnh khu đạp mìn.

- Đừng có lo cho mệt. Lo cái thân anh kia.

- Lo gì được mà lo!

- Mấy thằng Bắc Kỳ vô càng ngày càng đông, bố chúng nó phải kiếm chỗ cho chúng nó ngồi chớ?

Câu nói của bà cựu khu ủy làm tôi giật mình. Hăm hai mạng tan xác Một ông tư lệnh, một ông bí thư khu ủy.

Trần Văn Trà cho một đại đội trinh sát của công trường 9 đi tìm dấu vết khắp khu Mỏ Vẹt, Rừng Nhum một tháng không kết luận được bãi mìn là của ai gài.

Mười Trường quận đội trưởng Trảng Bàng dẫn đường mà lại đưa phái đoàn lọt trọn vào ổ mìn cả trăm trái. Em ruột của Mười Trường xã đội trướng xã Phương Chỉ bị bắt sau vụ nổ đó, dẫn đi đâu mất tích. Ai mà biết được ngòi nổ của những quả mìn đó làm bằng gì!

Không có một sợi tóc, một mảnh da nào được tìm thấy.

Chúng tôi từ giã nhau, đường ai nấy đi.

Tôi đưa nàng một quãng "để dài thêm hạn cuộc tình duyên".

- Em sống ở đâu?

- Chưa biết được anh ạ! -Nàng bịn rịn không muốn rời tôi. Em không ân hận một chút gì hết. Em không có lỗi gì với ai. Em không lừa gạt ai hết. Chỉ có người ta lừa gạt em thôi. Đời chó má. Khốn nạn. Em tiếc em chưa ỉa được vào mặt chúng nó.

Năm Đang đã học một bài học bất hủ và dạy cho tôi một bài học cũng khá hay ho về cái gọi là "Đạo đức cách mạng trong cuộc cách mạng do đảng lãnh đạo".

Tôi trở về chỉ huy sở, rã rời tứ chi không còn muốn làm gì nữa. Người đàn bà bất hạnh đã cướp mất linh hồn của một người bất hạnh hơn bà ta.

Bao nhiêu công việc của đơn vị ùn ùn thành đống trước mặt. Phân tán đơn vị, vũ khí nặng, quân số thiếu hụt, ban chỉ huy các đại đội, cán bộ có khả năng đã hy sinh hầu hết. Phải đưa cấp B lên thay cấp C, cấp A lên thay cấp B.

Cùng một lúc tin quân Mỹ tăng cường một lữ đoàn đóng dã ngoại. Đồng Dù, trong đầu tôi vang vang cái giọng trêu chọc của Tư Linh: "Mày lại làm phò mã hụt nữa rồi!"

Và cái tin tỉnh trướng Hậu Nghĩa treo giá cái đầu của Dương Đình Lôi hai mươi ngàn đồng. Người đàn bà đến muộn đã tặng cho tôi một vết thương.

Dở dang rồi ai ơi! Một tiếng nói từ cõi tâm linh vang vọng lại báo trước một điều gì nào ai biết lành hay dữ. Cho hay bi kịch trong lòng người còn độc địa hơn bi kịch do bom đạn gây nên.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx