sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Quyển VII - Chương 109: Thần Kiến Lửa Và Thần "Capstan"

Đi ngang qua nhà Út Chạy, bí thư xã Trung Lập, thấy anh ta đang lom khom ngoài vườn, tôi lên tiếng. Anh ta mừng rỡ như chết đi sống lại, khoát tay một vòng rộng:

- Anh coi đó, Sa Nhỏ của tui bây giờ trống hốc như cái quần tiều không đáy. Đứng đầu dưới ngó thấy đầu trên. Nhà bỏ đi hết. Tôi cho bà con mình tha hồ giỡ lấy cây lá đem về xài. Anh có muốn, về đây tôi cho đất cho nhà, tha hồ mà sản xuất nhi đồng.

Tôi bảo:

- Anh làm vậy người ta bất mãn rồi ra luôn ấp chiến lược không trở về trong này đó nghen.

- Không làm vậy họ cũng đi luôn chớ có trở về đâu anh. Họ ra ngoài tụi nó cho "tôn", gạo, dầu mỡ, thuốc nhức đầu nóng lạnh, đủ hết còn về mần chi nữa. Ở trong này nhà cửa, ruộng vườn tược tanh banh ráo! Phía trại Giàn Bầu ít thiệt hại hơn. Khúc trên này, còn một cái quán của bà má ở ngoài An Phú mới vô đó. Bả ở được ba ngày, ăn một trái bom ngay lệnh, bay hết trơn không còn một hột muối. Cũng may, bả quảy gánh đi bổ hàng không có ở nhà, nên thoát chết. Bây giờ bả thất kinh, hết có khen trong này "êm" hơn ngoài An Phú. Không biết bả còn trụ ở đó hay cuốn gói đi rồi! Dân bây giờ không có nghe chánh quyền nữa. Chỗ nào sống thì họ đến, chỗ nào chết họ đi! - Út Chạy tố khổ một hơi rồi hỏi: - Anh lên nhà bà Út Siêng hả? Bả vừa cự với tôi, mới xách đít về đó!

- Cự việc gì?

- Ông Hai Mỏ kêu bả đặt kế hoạch rước dân mình ngoài ấp chiến lược về. Bả bắt tôi đem du kích võ trang đi ủng hộ bả. Tôi nói du kích đâu còn thằng nào mà ủng hộ. Bả dọa báo cáo lên Hai Mỏ. Tôi không nói ra chớ trong bụng nghĩ: Bây giờ có đem long xa phụng tán rước họ cũng không về. Hai Mỏ chớ Ba Bốn Mỏ cũng không làm gì được nữa là Hai Mỏ.

- Tại ông bí thư tên Chạy nên dân chạy hết chớ sao.

- Ở trển chỉ còn tụi thằng Nhanh với cái chòi của con Bảnh chồng đi bộ đội mới chết thôi. Bà Ba Bánh Dừa chạy cong đuôi rồi. Nhà bả cũng ăn một trái bom ngay chóc, không đi thì ở đâu?

Nói thêm vài ba câu, tôi từ giã. Đường sá không còn. Bom pháo xới tung lên, cây cối ngả bít hết. Vừa đi vừa dãn tai trợn mắt canh chừng máy bay. Chúng nó biết Sa Nhỏ là mảnh đất bộ đội còn có thể cắm dùi được, nên bắn phá hằng ngày. Đêm cũng không tha. Bỗng thằng Đá la lên:

- Đầm già tới kìa anh Hai!

Tôi ngước lên thấy chiếc L19 mốc cời từ ngoài sông xăm xăm chĩa mũi vào. Hai thầy trò lủi vô một cái chòi mới cất bên đường, ở phía.trước treo mấy nải chuối xiêm hườm hườm, bên cạnh lủng lẳng một xâu bánh ú, bánh dừa.

Ngôi chòi trống lỏng chỉ có tấm phên ngăn đôi. Thấy khách không mời mà đến, một người đàn bà ló đầu ra, định la lối (vì sợ đầm già trông thấy bắn rốc kết) nhưng nhận ra người quen bên đổi giận làm vui:

- Anh Hai đi đâu lạc tới đây?

- À, em... - Tôi lựng khựng chưa nhận ra chủ nhà là ai mà gọi tôi ngọt vậy.

Thằng Đá cũng không quen. Cô nàng mặc áo tê-tô-rông màu hột gà mỏng dính, đầu tóc bao lưới coi có vẻ gái ấp chiến lược chớ không phải dân giải phóng.

Tôi hỏi:

- Sao em biết tôi?

- Anh là chỉ huy D Quyết Thắng chớ ai. Con nhỏ kia là út Láng em của Sáu Hoàng đại đội trưởng của anh. Tụi em di dân công cho mấy anh vô quận hai lần sao không biết?

Cô bé có tên Út Láng bước ra, đon đả:

- Bữa nay anh Hai tới chắc quán tụi em gặp hên! Anh Hai mở hàng giùm tụi em đi. tụi em mới hùn vốn gây dựng cái quán này kiếm cơm chớ ra ấp chiến lược không tiện. Tụi em mặt mày "lem luốc" khó sống công khai ngoàu đó. Đám Phượng Hoàng nhìn mặt rồi tra hạch phăng ra gốc gác, mệt lắm!

- Ờ được, ráng ở trong này với mấy anh cho vui. Các em đi hết rồi tụi anh sống với mấy gốc cau kia chớ còn ai! ào, muốn anh mở hàng gì? Cho anh trước tiên một cây Cáp-Tăng. Còn hàng gì nữa đem ra.

- Có trà, đường, sữa, bánh kẹo như quán con Khuân vậy Nhưng cất giấu dưới hầm tránh đầm già "cảo... đùng " 1 tiêu hết. Con Khuân cũng sắp dông rồi. Nó mới lấy thằng Minh sợ bộ đội tới lui ì xèo máy bay bắn, nên không dám ở trong này.

- Hai em ở vầy sao tiện?

- Chớ không tiện thì làm sao anh Hai? Út Láng nói với giọng tủi hờn - Mấy ông du kích ban đêm hay mò... tới rứt bánh ú, bẻ chuối của tụi em. Chồng của chị Bảnh đi công trường 9 hi sinh rồi. Chỉ buồn nên tắp với em cho có bạn. Thời buổi này... khó sống quá hà anh Hai! Cô bé nghẹn ngang - sụt sịt- Ở trong này thì bom pháo còn ra ngoải thì bị xã ủy quy là phản động.

Tôi giục:

- Đi lấy hàng cho anh. Có nhắn gì với Sáu Hoàng không?

Cô bé xuống hầm lấy trà sữa bánh kẹo ôm lên để trên nắp hầm. Tôi bảo:

- Lấy thêm mỗi thứ hai gói. Có cá khô lấy luôn vài ký.

- Dạ. Anh Hai có gặp anh Sáu em nhắn giùm bà già đau nặng.

- Ở, để anh bảo nó về thăm bà già.

- Em quên, anh mua khô phải có mỡ để chiên mới ngon. Em có cả thùng. Mỡ Mỹ thiệt béo. Anh muốn mua dầu cũng có. Tèng ơi! Mấy bà vợ sĩ quan ngoài quận bán rẻ rề hà. Gạo Mỹ dẻo thơm lắm. Ai ra ấp chiến lược họ phát cho, không nói nặng nhẹ gì hết. Dân giải phóng mình khôn quỉ. Lãnh chỗ này xong, còn đi chỗ khác xin thêm, thành ra ăn rồi còn dư đem bán cho tụi em đó chớ.

Tôi cười:

- Nhờ ăn đồ Mỹ mà mấy anh đánh Mỹ mới mạnh vậy đó Có "đế " không Láng?

- Dạ em mới lấy về có một lít. Mấy ông du kích đòi mua chịu, em không bán nên mới còn đây. Anh nhớ trả chai. Quán mới, em không có chai đong rượu.

Tôi móc tiền đưa ra, bảo:

- Tiền của Sáu Hoàng đưa cho bà già uống thuốc, em đem về giùm Anh Sáu em đi R học 6 tháng mới về đơn vị.

- Anh Hai nhơn đức quá hà. Cô bé rưng rưng nhận tiền.

Tôi quay đi để khỏi phái nhìn cảnh hai người con gái bất hạnh chung sống trong một túp lều, nhưng vừa bước ra thì nghe bàn máy chạy lạch cạch trong buồng, nên hỏi:

- Mấy em may đồ cho ai vậy?

- Dạ cho Rờ.

- R nào ở đây? Phải Bảy Hốt ngoài Bến Dược không?

- Dạ ổng đi đâu mất rồi. Cái này là của cô Hà.

- Hà nào? Vùng này đâu có ai làm hậu cần tên Hà.

- Dạ em không biết. Nhưng cổ đặt may, trả giá mỗi bộ 50 đồng cao hơn ông Bảy. Nhưng cổ hối may nhanh để cổ phát cho lính Hai Lôi.

- Sao cô ta biết anh?

- Ở ngoài đồn còn biết anh nữa là người trong này!

Tôi và thẳng Đá rời quán, nghe sau lưng hai nàng nói với nhau:

- Ảnh lên nhà má con Tiền chớ đâu.

Quả thật, tôi lên đó. Lâu nay ông Đốc chiến Năm Tiều về bám trụ ở Sa Nhỏ đào hang ở nhà má Hai kế bên. Láng chỉ tay bảo tôi:

- Anh lên đó thấy cái chòi cất ngoài bờ tre không có vách phên gì ráo là nhà má Hai. Còn nhà má con Tiền thì anh rành quá rồi.

Ngày xưa, khởi sự đánh Tây: dân giàu, nhà phông tô nền đúc, điền chủ khai lúa vựa nuôi quân. Đánh Tây xong nhà ngói hóa nhà tranh, lúa không còn một hột. Tới đánh Mỹ, cái chòi cũng không còn, bộ đội không có gạo ăn và đóng quân ngoài rừng. Kháng chiến muôn năm! Dân muôn năm chết đói còn lãnh tụ nhớn lãnh tụ con béo núc, túi đầy xu. Vợ bé lãnh tụ đeo vàng từ lỗ tai tới mắt cá.

Má Hai đang ngồi bó gối trên chiếc sạp nhỏ ngó ra đồng. Trong xóm chỉ còn bờ tre này. Hôm sắp chơi Trung Hòa, tôi cho mua tre ở đây ở làm thang đánh công kiêng chiến. Trận đó không thực hiện được, E88 của Năm Sĩ vùi xác ở Tầm Lanh. Bây giờ thấy bờ tre mà nhớ ông bạn hội viên hội "Ve chai chống Mỹ" của Thiên Lôi. Ổng được phong tham mưu phó Quân Khu, nhưng không nhận, nhất định vác ống điếu về R xin dưỡng lão. Không biết con hùm xám Điện Biên không còn móng sẽ moi hang ở đâu?

Vừa trông thấy tôi, má Hai khóc òa, nức nở:

- Má nghe nói con đi Sài Gòn... hu hu với thằng Tư Nhựt Con Thêm rầu rĩ mấy bữa rày mất ăn mất ngủ. Sao con về được đây?

Tôi nói:

- Hôm trước con có ghé nhà má ăn đám cúng Tư Nhựt mà, má quên sao? (Đúng ra là đang lúc mấy bà "cúng tôi" thì tôi về tới)

Má Hai quệt nước mắt, cố nén khóc:

- Tao nghe nói mình xuống Sài Gòn rồi không có đứa nào về hết!

- Dạ đâu có má. Mình ở lại dưới đó là vì mình chiếm mấy nơi quan trọng, nếu bỏ về thì chúng nó lấy lại làm sao!

Từ sau Mậu Thân, gặp bà con nào bi quan, tôi cũng lặp lại cái "thiệu" dóc đó.

Tôi bảo thằng Đá nấu nước châm trà, dọn kẹo bánh ra mời má. Má vẫn tiếp:

- Chết bỏ vợ bỏ con lại đó. Trời ơi! Tao thấy vợ thằng Tư Nhựt ẳm con đi ngoài nắng chang chang mà đứt ruột đứt gan. Hồi nó còn sống thì vợ nó được chào đón, đứa này gọi chị Tư, đứa khác gọi thím Tư. Bây giờ chồng chết rồi, không ai thèm ngó!

Nàng Thêm nghe tiếng tôi liền sang. Nhưng thấy có thằng Đá, nàng chỉ nhìn tôi rồi lẫn tránh. Con Tiền chạy lại mét với tôi bằng giọng thân mật cố hữu:

- Ba ơi ba, má muốn gởi con ra ấp chiến lược để đi học. Con không muốn đi, má bắt con phải đi. Ba biểu má đừng bắt con ra ngoải buồn lắm nghe Ba?

Con Thanh thằng Nừng thằng Gàu cũng ùa sang. Con Thanh nói:

- Chú Năm ở ngoài bờ tre kia kìa. Hôm rày chú ngóng anh như trời hạn trông mưa.

Nói xong con bé dẫn tôi ra bờ tre. Vừa đi, nó đay nghiến:

- Sao dám đi ban ngày hả ông Thần? Bộ chê con đầm già đui hả?

- Nhớ người ta nên đi liều!

- Xí! Có người đi tìm kia cà. ở đó mà nhớ "người ta"!

- Ai tìm?

- Bà lớn nào trên R lục lạo tìm ông Hai Lôi mà tôi không có dám mách.

Nghe nói tôi không đoán là ai. Bà nào mà chẳng lớn...? Có bà nào chịu nhỏ... đâu.

Ra tới bờ tre Thanh trỏ tay:

- Ổng ở chỗ kia kìa!

Tôi đi trờ tới ít bước thì thấy ở trong bụi tre nhô một cái đầu trọc lóc làm cho tôi giựt mình tưởng đó là con hùm xám Điện Biên. Rồi một người chui ra như con cóc chậm chạp bò khỏi hang: Đúng là ông tham mưu phó Quân khu. Ông ta có thói quen lúc nào cũng mặc uniforrm, mang súng ngắn dây quàng trước ngực theo kiểu Trung Quốc, dáng bộ bệ vệ như ngồi ở văn phòng hoặc đứng trước đơn vị chánh qui huấn từ. Nhưng nay thì ở trần trùi trụi, quần tiều, ghẻ xốn tím ngắt lập thành "vành đai thép" khắp trên bộ da vàng lườm. Ông tham mưu phó vừa cào ghẻ vừa nhăn mặt bảo:

- Nếu bữa nay mày không vô tao sẽ cho trẻ nhỏ đi kêu mày tới!

Có chuyện gì vậy chú Năm? (Khi tôi kêu anh, khi gọi chú, tùy thời cơ).

- Chuyện gì, mày dư biết còn phải hỏi!

- Bộ ông Thần Núi có chỉ thị cái gì hay sao chú?

- Để chút rồi bàn!

Tôi quay lại bảo con Thanh:

- Em đi vô bưng nước ra đây. Bảo thằng Đá canh máy bay để anh và chú bàn công chuyện.

Con bé đi vừa khuất, Năm Tiều bảo:

- Mày tính sao, tao coi bộ ráp nhiu rồi đa!

- Mình sắp vô đợt 4 rồi mà chú Năm! Khè khè.

Năm Tiều nói qua chuyện khác:

- Mày có tính thì tính sớm đi. Tao còn đây, thì tao chủ hôn cho hai đứa. Để tao chết không ai lo. Tao coi nó như con. Cha nó hi sinh cho cách mạng. Nội cái Củ Chi này, coi đi coi lại nó có thua đứa nào. Bộ mày chê nó hay sao?

Tôi thật xúc động với lời lẽ của ông bạn già. Lâu nay ông cứ mớm bóng hoài mà cầu thủ chưa chịu làm bàn. Tình hình này đâu phải là hội kết uyên ương?

Tôi nói:

- Tôi cảm ơn chú rất nhiều, nhưng tôi coi nó như em gái chớ đâu có gì.

- Mày hơn nó có 21 tuổi. Vua ngũ tuần lấy vợ 16 cũng xứng mà! Anh Ba Duẩn đó có ai cười chê gì đâu! Cái thằng, con gái hơ hớ không chịu lại cứ lăm le đi hốt ổ. Mày không sợ người ta cười con trai lại cỡi kỳ đà hay sao?

- Tôi đâu có định cỡi kỳ đà, chú Năm!

- Má con Liên, má con Hoàn, má con Tiền, má con Rớt. Bốn cái ổ đó, thế nào mày cũng hốt một cái.

- Tại tui thương con nít mồ côi! Chớ không...

- Ờ ờ thương con thời phải quí mẹ chớ sao!

Tôi quay lại thấy con Thanh đứng im sau bụi tre, tay bưng mâm trà. Năm Tiều bảo tôi:

- Mày phải ra áo giống y thằng lái heo như tao nè. Xuống hầm không ăn mặc như vậy được.

- Ngồi trên này uống trà cho mát chú à!

- Không được. Bây giờ là sau Mậu Thân không phải trước Mậu Thân.

Con Thanh đem mâm trà xuống hầm, đốt đèn cầy rồi trở lên, nhường chỗ cho tên lái lợn uống trà với gã lái trâu. Năm Tiều khoát tay bảo:

- Tao kêu thằng Nừng với thằng Gàu móc thêm cái bùng binh cho rộng ra, đủ lót 2 tấm ván nằm ngủ. Rồi trổ cái cửa sau để đề phòng nó quăng bom xăng đặc lên bụi tre thì mình chui ra, nếu không sẽ thành chuột quay sao! Tao định dời qua Cỏ Ống nhưng bên đó chưa có cơ sở gì. Rủi xe tăng càn rồi lủi đi đâu? Mẹ nó rượt nột tới nơi rồi.

Vừa uống trà, Năm Tiều vừa trải tấm bản đồ ra dưới ánh sáng leo lét của cây đèn cầy. Năm Tiều nhìn tôi có vẻ trách cứ:

- Ổng hỏi tao sao không thấy Củ Chi đấm đá gì?

- Lấy gì mà đấm? Có môn cắn nó thôi. Hoặc kêu đám dũng sĩ dùng móng tay quào mặt tụi Mỹ.

- Ổng bảo không làm nổi Trung Hòa thì làm mấy cái nho nhỏ cho gọn.

- Sao ổng không bảo mấy thằng Kl, K2, Q16 mà cứ xúi tôi?

Năm Tiều quệt mồ hôi trán, lấy bút chì vòng tròn lô cốt Suối Cụt rồi hỏi:

- Mày liệu kham nổi không?

- Nổi thì cũng nổi nhưng phải hi sinh vài cán bộ b, c như ở bót Thầy Mười. Lúc này mà mất cán bộ c thì đau quá ông à. Tốn công đào tạo rồi quăng vô lửa như chơi hay sao?

Năm Tiều buông bút thở dài:

- Thằng Hai Hằng dt K2 đang đeo con nhỏ thợ may ngoài Cây Dương, nên nó để cho bộ đội ăn no nằm dài, còn Kl (tức D14 cũ) thì Ba Nhị bị rút về văn phòng, Năm Sơn không biết đi đâu, chỉ còn thẳng Chín Hung ban đêm mò ra Trảng Cỏ, ban ngày trồi về Sóc Lào ngồi thum, chờ xe tăng càn rồi rút chạy. Tiếng là quân khu có 2, 3 E nhưng nhập lại không bằng quân số D Quyết Thắng của mày hồi trước. Cán bộ có kinh nghiệm đánh đồn, ngoài mày ra không còn ai. Cái Suối Cụt mày rành như lòng bàn tay. Mày cho nghiên cứu sơ sơ rồi đánh liền kẻo chiến trường nguội quá, mấy ổng la tụi mình.

- Tôi biết Suối Cụt không có gì đáng sợ, nhưng địa thế rất khó dàn quân. Đánh cường tập mà không có địa hình để triển khai lực lượng thì chằng khác chiến đấu trong thành phố. Đội hình hàng dọc nó lia một loạt thẳng là rụi hết. Cán bộ giỏi của tôi, mấy ổng đưa đi nơi khác hết rồi! Bây giờ tôi như con cua gãy càng, đâu có được như hồi đánh Thái Mỹ.

Trà cạn tới rượu. Năm Tiều hút thuốc khói bay mịt trong hầm và than thở:

- Việc lấy cán bộ của mày bổ sung nơi khác là cực chẳng đã thôi. Thằng Năm Ngó biết cái giống máu đẻ gì mà làm quận đội trưởng Nam Chi, cho nên phải đưa thằng Tám Thế và Hai Thành của mày xuống giúp nó. Nam Chi là đất anh hùng tận. Đưa thằng nào xuống rụi thằng nấy. Từ ngày Tám Giò chết tới nay là 5 mạng cum rồi. Con Bảy Phán, con Tư Bé biết đầu L. trở xuống cuống L. trở lên chớ biết đánh đấm gì mà làm quận đội phó. Hai đứa chết hết. Rồi bây giờ đưa con Bảy Nê, chỉ tội nghiệp con nhỏ thôi. Đám con gái bị thằng Tám Quang thọt đít nhảy tưng lên rồi chết sạch.

Thấy Năm Tiều chui dưới gốc tre, tôi nhớ Tám Giò. Hắn cũng đào hang dưới lùm tre, nhưng bên ngoài rào nắp kỹ lưỡng, bên trong nhiều ngách và rộng rãi hơn. Có cả nhà bếp. Lần đầu tiên Hai Khởi dắt tôi đến "bái yết hoàng thượng" được chị nuôi Bảy Phán đãi cho bữa mắm chua... lét.

Tôi nói với Năm Tiều.

- Mấy ổng vừa bảo phân tán mỏng để tránh bị tiêu diệt như E88, bây giờ lại muốn hạ đồn để hâm nóng chiến trường, ông nội ai cũng không biết đường thi hành.

- Mày nói vậy chớ chừng "có chức" lớn, mày cũng ra lệnh cho tao kiểu đó. Mấy ông kêu tao đi R xin thêm quân và báo cáo thực trạng dưới này kẻo R tưởng mình có 2, 3 E mà không làm gì.

- Chừng nào anh đi?

- Bàn xong kế hoạch giao cho mày ở nhà thi hành là tao lên đường. Kệ, xin được ngoe nào hay ngoe nấy. Tụi lính vịt xiêm thì mình cứ đưa xuống Sài Gòn cho nó sáng mắt.

Tư Thêm nấu cơm dọn săn kêu con Thanh ra mời tôi và Năm Tiều. Vừa đi anh nói:

- Con nhỏ này bắt xác mày đó nghen. Coi chừng, gái một con có nhiều bài bản lâm ly bi đát lắm. Nó chài là mày khó thoát. Nó tâm sự với tao là sở dĩ nó còn nấn ná trong này là vì mày còn ở Củ Chi, chớ nếu mày thuyên chuyển đi vùng khác thì nó bán nhà đem má Hai ra ấp chiến lược may mướn sống. Mày nên quyết định đi, không còn thời giờ lắc lư tìm điểm nữa đâu.

- Vợ con gì trong lúc này, Chú Năm?

Năm Tiều có vẻ xúc động:

- Tao đi R chắc lâu lấm mới về. Tao muốn kêu chị Năm mày vô, nhưng kỳ rồi vô gặp tao ở Cỏ Ống chưa gì hết đã bị xe tăng càn, hai má con lủi dưới lúa, chắc bữa nay kêu bả không dám vô nữa đâu.

- Thôi đừng kêu anh Năm à! Tôi cũng muốn rước ông già vô chơi mà dợm hoài không dám. Rủi có gì thì ân hận suốt đời.

Nàng Thêm đứng chờ ở cửa sau, mắt đỏ hoe, tôi vừa dứt tiếng, nàng bụm mặt khóc như mưa bấc

- Em tưởng anh không trở về nữa.

Năm Tiều nạt:

- Con điên, mày nói bậy một năm được mấy lần hả?

- Chú Năm ơi! Cháu sợ quá hà!

- Sợ, sợ cái gì! Càng sợ càng gặp hiểu chưa?

Con Tiền chạy lại ôm chân tôi:

- Ba ơi, ba nhớ con không? Con nhớ ba quá, mỗi lần nghe tiếng ai ngoài sân con ra coi phải ba về không?

Tôi móc tiền đưa cho nó đi mua kẹo. Năm Tiền cười, vò đầu con bé:

- Cháu lấy cái dĩa nhôm mua cho ba cháu một dĩa nước mắm nghe! Đi chầm chậm. Tới chiều về cũng được.

Con bé nhìn tôi, không hiểu. Tư Thêm nguýt:

- Chú Năm nghi oan cho cháu không hè.

- Ừ nghi oan lắm. Xuống hầm kìa cho hết oan!

Tư Thêm lẽo đẽo theo bên tôi:

- Để em bắt con vịt nấu cháo!

Nói vậy nhưng nàng lại xuống hầm. Năm Tiều cười nháy mắt với tôi.

- Vịt nuôi dưới hầm kìa! Chút nữa hai đứa bắt với nhau. Muốn bắt mấy con thì bắt... Nè Lôi, tao có kế hoạch chống đói hữu hiệu hơn là mày xách thúng đi vay gạo từng nhà cho lính ăn.

- Kế gì chú Năm? Tôi định vay lúa của má Bảy Mô. Nhiều không có chớ chừng 100 giạ thi dư xăng.

- Mày có đọc Vạn lý trường chinh không?

- Có, nhưng lâu quá quên hết rồi.

- Tao cũng quên chỉ còn nhớ có một đoạn là đồng chí Bành Đức Hoài bắt lính thắt dây nịt thêm hai ba khoản rồi uống nước. Thế là no.

Tôi cười:

- Đoạn đó không hay bằng đoạn luộc cả thắt lưng da mà làm gỏi với cỏ dại.

Hai anh em cười rũ rượi.

Tư Thêm bắt con vịt ngoài bờ ao xách vô. Con vật dãy dụa kêu cạp cạp vang rân như 1000 dân dưới sự lãnh đạo của bà Hai Xót biểu tình đấu tranh hô khẩu hiệu chống Mỹ cứu nước.

Không hiểu sao bữa nay Năm Tiều cười nói, trêu ghẹo luôn mồm:

- Còn sống hổng cho ăn để chết cúng ruồi.

Thấy Tư Thêm đứng giữa khung cửa trống hoác, tôi hỏi:

- Hai cánh cửa bị cà nông thổi bay rồi hả em?

Tư Thêm đáp:

- Em hiến cho xã đội rồi!

- Để làm gì?

- Làm hòm chôn tụi E88 chớ làm gì? Năm Tiều đáp thay - Hết ván tới chiếu mà cũng không đủ. Tao chưa từng thấy trận nào lính chết cỡ đó. Cái bàn này không xài được nên còn nguyên.

Tôi cười:

- Bàn tròn thì khoanh xác lại như chó nằm con cúi vậy.

- Mày nói tệ quân mình mậy!

Tư Thêm cắt cổ vịt. Tôi và ông tham mưu phó bàn kế hoạch vô đợt 3.

Tôi hỏi:

- Nghe nói con hùm Điện Biên tự rút chốt lựu đạn hả chú Năm?

Năm Tiều nhảy dựng lên:

- Ai bảo?

- Tôi nghe Bảy Ga nói lính đồn rùm mà!

- Hổng có đâu, thằng đó... hừ hừ... chắc tin ẩu. Nó còn hi vọng về xứ kia mà!

- Nghe ổng có để lại bức thư gởi đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị bỏ các sách "Luận về trì cửu chiến", các chiến thuậtmổ bò, mổ heo, chài lưới gì nữa mà!

- Heo bò đâu mà mổ. Cá ở đâu đây mà chài lưới? Thôi bỏ đi, tao với mày bàn kế hoạch. Tao thay mặt Quân khu quyết định, không phải thỉnh thị trên.

Tôi nghĩ bụng: Ở trên có còn ai mà thỉnh thị?

Năm Tiều ra vẻ trịnh trọng:

- Trước nhất tao sẽ đi R xin thêm viện binh như tao nói hồi nãy.

- Bây giờ đi R, qua sông Bà Hảo phải "bàn thờ trên đầu", mà đi nghe chú Năm!

- Tao biết rồi, nhưng con không khóc, mẹ không cho bú. Phải nằm vạ may ra mấy ổng mới cho.

- Nhưng E của tôi còn ngo ngoe, vả lại phải phân tán mỏng để tránh pháo, thì xin thêm quân số làm chi. Năm ngoái ở trên chỉ bổ sung có 90 tân binh miền bắc. Loại đó đút vô lò Củ Chi này chỉ như rơm thôi.

Năm Tiều cương quyết:

- Tao đi xin luôn tiện báo cáo về E 88 của Năm Sĩ kẻo ở trên tưởng mình đánh trận nào cũng thắng như ăn gỏi mày hiểu chưa. Do đó khu R cứ đưa kế hoạch mới cho mình hoài. Nay mai lại bắt mình nhổ cái Trảng Bàng hoặc cái Đồng Dù cho mà xem. Rồi mày lấy lực lượng đâu mà đánh? Nhe răng ra dọa tụi nó à?

Nghe ông tham mưu phó giải lý, tôi không cản nữa.

- Chú định chừng nào đi?

- Chờ rước thầy bói coi ngày lành tháng tốt thì xuất hành.

Năm Tiều đã chuẩn bị trong lúc tôi đi Long Nguyên, nay sẵn sàng. Tôi lấy một tiểu đội mạnh gồm cả B41, trung liên RPD đưa anh đi. Còn đám cận vệ của anh con Thanh, thằng Gàu, thằng Nùng, thì để ở nhà. Mấy đứa này chỉ hữu dụng trong việc đào hầm lo cơm nước cho chú Năm thôi.

Tôi hỏi:

- Chú không từ giã thím Năm à?

- "Từ giã"?! Để giành cặp giò mà lội mày ơi!

- Đi đường nào?

- Thì có một đường đó chớ đường nào khác?

(Tức là Phước Chỉ giáp ranh Miên, nơi Ba Xu vừa tử nạn) Tôi ơn ớn nhưng không dám nói ra.

Phái đoàn lên đường, tôi tiễn chân một quãng. Buổi trưa nắng chang chang là thời khắc Hòa bình an lạc nhất trong ngày. Giờ này Mỹ ăn cơm uống bia. Pháo ít bắn, thằng đầm già có thể trông thấy từ xa, biệt kích cũng dễ đề phòng. Còn những gì khác nữa thì làm sao mà dự đoán trước được. Tôi và Năm Tiểu đi song song vừa nói chuyện vừa cảnh giác trên trời dưới đất.

Một bán đội đi hẳn lên phía trước, một bán đội bọc hậu. Như vậy là rất an toàn cho ông tướng con.

Nhưng chiều hôm sau tôi trở lại Sa Nhỏ, đập cửa nhà Tư Thêm kêu:

- Gàu ơi! Nùng ơi! Thanh ơi! Chú Năm hi sinh rồi.

Đám trẻ ngơ ngác, không hiểu gì cả. Tư Thêm đang chắt nước cơm, buông xụi chiếc soong, gạo đổ tứ tung dưới đất, đứng như trời trồng.

....

Sự thực đó chỉ là sự tưởng tượng của tôi. Tôi thấy mọi người còn nguyên tại chỗ để khóc cái chết của Năm Tiều, nhưng trước mặt tôi không có ai cả. Ngôi nhà của Tư Thêm, cái chòi của má Hai, bờ tre sau nhà, tất cả đều không còn trên mặt đất.

Nhà của Tư Thêm bi một trái bom. Trước sân, ngoài đường hai trái khít nhau. Bên kia đường một trái. Loại bom dây ác hơn pháo bầy. Cứ ba trái miểng, lại một trái xăng đặc. Bom miểng phá nát, bom xăng thiêu rụi. Một trận bom đi qua để lại chỉ tro than, không gì khác. Một khi đã vì quyền lợi của mình thì ai cũng nhẫn tâm tàn bạo như ai.

Tôi đứng lơ láo giữa những hố bom và dấu xích xe tăng, không biết kêu réo ai mà cũng không khóc được. Mình nhào vô Sài Gòn chết rụi. Tụi nó vọt ra thụi sau lưng chém trên đầu mình. Bờ tre dài xanh um đặc nghẹt những thân tre cao vút bị ủi tróc gốc lật ngang chắn bít cả đường đi ngọn nằm chia ra ruộng đè rạp một vạt lúa.

Xe ủi đất đã đến đây. Chỗ nào nó nghi có địa hoặc hầm là nó ủi sạch sẽ. Các lô cao su không còn một gốc nào. Hễ thấy một khóm cây là nó ủi láng, bứng tận rễ cái.

Hầm cá trê của Năm Tiều ở chỗ nào, tôi không còn nhận ra.

Quay vào nhà, tôi lại gọi, vẫn không nghe tiếng đáp lại, tôi rảo quanh tìm kiếm. Có khi người bị sức ép chết dưới hầm, hoặc bị bom tung văng ra đâu đó. Nhưng tìm mãi không thấy dấu vết gì.

Tôi thất thểu trở lại quán Ba Bảnh, thấy người lố nhố trong đó. Thì ra là thằng Gàu, tháng Nùng thằng Tiền thằng Đá và con Thanh. Trước khi lên đường với Năm Tiều, tôi đưa cho thằng Gàu 500 bảo lại quán mua thức ăn, đám con nít kéo nhau đi quán. Chúng cà kê ở đó trong lúc khu trục ném bom bờ tre. Rồi trực thăng trái chuối thả xe tăng và xe ủi xuống làm cỏ Sa Nhỏ.

Tư Thêm và bé Tiền bị thương. Má Hai còn sống. Má mướn xe bò chở hai mẹ con bé Tiền ra Củ Chi. Con Thanh kể cho tôi nghe mọi việc rồi cười như ăn thua một cuộc chơi nhảy nhà:

- Nếu anh không cho tiền đi quán thì xí-lấc-léo cả đám rồi.

Tôi không muốn kể cho chúng nghe về cái chết của Năm Tiều, nhưng không thể giấu được nên đành phải nói sự thực cho chúng nghe.

Hôm qua, khi ra đường số 7 thì gặp một chiếc xe bò đi cùng một hướng. Tôi và Năm Tiều bám sau xe cố đi theo cho kịp. Chả là xe bò chở gạo của Quân Nhu nhà mình. Bỗng tôi đạp miểng bom dừng lại băng rồi phát thèm điếu thuốc Tôi móc túi lấy gói Capstan ra đốt. Trời gió hơi mạnh, cho nên hộp quẹt Zippo có cái chắn gió (cache flamme) ngọn lửa không tắt nhưng mồi mãi điếu thuốc chưa cháy. Tôi phải quay sang bề khác để lấy lưng che gió. Trong lúc mấp điếu thuốc thì một tiếng "đùng" rung đất làm tôi chới với.

Tôi quay ra phía trước nhìn. Một bựng khói bốc lên che kín cả xe lẫn người. Tôi phun điếu thuốc và chạy tới. Khói và bụi khét đặc làm tôi dội lại hồi lâu. Chờ cho đám khói tan tôi mới xông vào thực địa.

Không còn gì ở đó nữa hết. Người đánh xe, chiếc xe, con bò và ông tham mưu phó Quân khu đều biến mất, không để lại mặt dấu vết gì.

Tôi rống thinh không:

- Chú Năm ơi! Chú Năm!

Chỉ có ánh nắng trưa đáp lại bằng một tiếng vang hờ hững.

Vì định bụng đi một quãng ngắn với Chú Năm, bàn nốt mấy việc vặt phải giải quyết, nên tôi đi một mình, không cho hai đứa nhỏ đi theo.

Tôi ngó quanh một chập thì thấy mấy vật gì xa xa hai bên ven đồng. Tôi chạy tới thì nhận ra là cái bọng con bò và chiếc gọng xe. Tít đằng kia là cái bánh xe chỉ còn một khúc vành gãy. Thịt bò và thịt người lẫn lộn trộn trong đất. Cạnh đó là một chiếc đầu lâu. Tôi nhận ra ngay là thủ cấp của Năm Tiều với bộ tóc cháy queo. Hai hàm răng nhô ra trọn vẹn, tròng mắt đã cháy khô, hố mắt tun hút. Ở trận Cây Trắc nhiều lính của tôi bị bom napalm cháy thui, nhưng hai con mắt còn nháy, môi còn mấp máy: "Thủ trưởng, xin cho em một phát?"

Bán đội xích hầu quay lại. Tôi bảo:

- Lấy ni lông túm đem về.

Đêm đó chúng tôi chôn túm ni lông ở nghĩa trang Ba Sòng. Không có hòm rương gì cả. Bữa sau tôi sai người báo tin cho Thím Năm hay. Thím ẳm thằng bé con 3 tuổi đốt nhang trước mộ chồng, khóc không ra tiếng.

Không ai ngờ được một cái chết lạ lùng như vậy. Mà lại là sự thực. Trái DH10 của Trung Quốc, không biết ai chôn ở giữa đường (du kích bỏ quên!?) Sao đám xích hầu đi trước đạp lên lại không nổ mà đợi tới chiếc xe bò đi tới mới gầm?

Tôi mất người bạn già trong nháy mắt. Như chiêm bao. Trên 30 năm rồi, bây giờ ngồi viết, cứ tưởng vẫn chiêm bao. Năm Tiều còn đứng đó giễu cợt cười đùa trước mặt tôi. Năm trước, ở Bàu Trâu, trong lúc rút lui, bị pháo dập, tôi và Sáu Khoắn Xã đội trưởng nhảy xuống một cái hầm, rủi nhằm ổ kiến lửa, hai đứa tông lên chạy liều mạng. Hôm sau trở lại thấy cái hầm tan hoác. Một trái pháo dã rơi ngay đó. Nếu không có ổ kiến lửa thì sao?

Và hôm nay nếu tôi không dừng lại hút thuốc thì chuyện gì đã xảy ra cho tôi?

Phải chăng thần Kiến Lửa và thần Capstan đã phù hộ gã Thiên Lôi? Chiến tranh ở Củ Chi này là thế. Mấy thằng cầm bút lưu manh biết chó gì mà đứng ngoài vòng vỗ tay khen "thằng bé ăn ớt giỏi". Chúng coi hát không tốn tiền mua vé, chỉ mất công vỗ tay và cười chế nhạo. Còn bọn lãnh tụ khoái nghe vỗ tay nên không tiếc gì sinh mạng dân đen con đỏ.

Cả đám con Thanh thằng Nùng thăng Gàu lặng ngắt. Chúng biết tôi không nói chơi. Cô chủ quán Ba Bảnh gượng gạo:

- Anh có xem trên ngọn cây chung quanh đó không? Biết đâu ổng văng nằm trển.

Út Láng gạt ngang:

- Xí. Ông địa gầm xe tăng cũng bay còn mong gì hốt được nắm thịt. Anh Hai lượm được cái đầu ông là may rồi!

Tôi kêu con Thanh, thằng Nừng, thằng Gàu đi theo tôi về đơn vị. Cha chết theo chú. Chú chết. Ba đứa nhỏ lại mồ côi lần thứ hai.

Trên đường về, tôi lại gặp Ba Tiến, tên thượng úy mùa thu, bí thư của ông tư lệnh Ba Xu... kẻ đã từng gói miếng sườn chó dúi cho tôi sau bữa tiệc của khu ủy ở Bến Dược cách đây 2 năm. Tôi tưởng hắn từ âm phủ trở về. Tôi reo lên rất đỗi kinh ngạc:

- Ủa, sao mày còn ở đây Tiến?

- Hổng ở đây thì ở đâu cha nội.

- Sao nghe nói mày đi theo "ổng" lên R?

- Đi mà rồi hổng đi!

- Vô đây làm một xị rồi kể đầu đuôi tao nghe coi.

Tôi lôi tay Ba Tiến vô quán Chín Khuân. Con nhỏ có da có thịt mới lấy chồng, nở bề ngang lẫn bề dọc, nút áo gài siết có nận như bánh tét. Tôi bảo:

- Cho đồ nhâm nhi coi, em Chín.

Cô bé đem ra mấy trứng vịt lộn, một chai đế trong như mắt mèo, rồi rội tiếp một dĩa tôm khô. Tôi hỏi:

- Ở đâu còn thứ này, em cưng?

- Ở Hóc môn lên chứ đâu anh.

- Nghe Hóc Môn bị giải phóng mình chi... iếm rồi mà!

- Anh chiêm bao chắc. Xe lam đi về mỗi ngày cả chục chuyến. Giống gì mà hổng có.

Tôi rót rượu và bảo Ba Tiến:

- Tao tế sống mày đó Ba Tiến!

- Chú Năm Tiều sao vậy hả bồ?

- Thì vậy đó. Tao cũng không hiểu sao. Nếu không đứng lại hút điếu thuốc Capstan thì tao cũng rụi tèng hen.

- Tớ cũng thế. Đang đi với anh Ba. Bỗng bị kiết, không đi nổi. Có lẽ do uống nước giếng chôn dân Cao Đài hồi nẳm. Anh Ba cho tao ở lại rồi đi sau. Phái đoàn đi tới Phước Chỉ giáp ranh Miên... Bây giờ tao ngủ còn giựt mình.

- Thằng Mười Trường dắt đường, bộ đui hay sao?

Ba Tiến tợp liền hai ba ngụm, quẹt mép:

- Lâu ngã mặn quá, Lôi à. Đi theo xách cặp cho các chả, mình không tu cũng phải ăn chay cái kiểu Lỗ Trí Thâm. Bữa nay gặp cậu, rượu ngọt như nước mía.

Hắn vừa ăn vừa uống như chưa bao giờ được ăn được uống, nói như vừa được khai khẩu.

- Tử sánh hữu mạng ông thầy Pháo ơi. Đây không phải là lần đầu đối với tớ. Lần vừa rồi ở trên "hầm Đờ Cát" ông biết không? 2

- Ủa mày cũng có ở đó nữa à?

- Có chớ. "Ổng" đứng giữa, thăng Thuần bí thư của ổng đứng một bên. Anh Ba mình đứng một bên. Ổng đang chống nạnh chỉ chỏ nói... toàn dấu nặng. Bỗng ngã lăn ra. Tao nghe cái cộp, ngó ngoáy lại thì thấy ổng ngã lăn. Không nói một tiếng. Chết liền. Anh Ba mình bế xốc ổng lên, ổng trợn trừng đi xuôi.

- Không trối trăn gì hết?

- Không!

- Mày đứng ở đâu?

- Ngay sau lưng anh Ba chớ đâu! Nhưng còn xa hơn thằng Thuần. Nó đứng ngay bên cạnh ổng cách không đầy một thước Tây! Anh Ba kêu tụi công binh gói trong tấm ni lông và cho thẳng Hai Ninh điện gấp về R.

- Chịp!

Ba Tiến tiếp:

- Tao không hiểu gì cả. Trời đánh như có lựa người. Bom đạn như có mắt.

- Tội nghiệp, hầm hố như vậy mà chừng tới số cũng chạy không khỏi.

- Rồi cái gói ni lông đi đâu?

- Tao không biết. Nghe nói là 2 chiếc xe thồ cấp tốc chở đi Mi-mốt. Nếu may mắn, không bị đổ chụp, không bị biệt kích, thì đạp cũng mất 4 ngày mới tới ranh Cao Mên. Chớ mày tưởng gần à?

- Tao đâu có nói gần! Mày về nhà nên múc chai nước giếng mà thờ. Còn tao thì tao lập miếu thờ ổ kiến lừa và gói thuốc Capstan.

- Mày phải thờ cái hộp quẹt Zippo nữa cho đủ bộ!

- Ừ cúng luôn, cái gì cũng cúng. Thờ luôn cả cái mảnh đạn 175 ly.

Tôi thở dài. Hồi kháng chiến chống Pháp, Bộ Tư lệnh ba khu 7, 8, 9 còn nguyên. Bây giờ chống Mỹ chưa chi ba Bộ tư lệnh đã chết hết. Xui xẻo quá trời! Tại mình xuất quân nhằm ngày sát chủ.

Tôi cười:

- Mày là "người háng rộng nho thâm" mà không nhớ năm 1788 là năm Mậu Thân, vua Quang Trung đại thắng quân Thanh vào ngày mồng năm Tết hay sao?

Ba Tiến ậm ờ một chút rồi nói lảng sang chuyện khác:

- Bây giờ căn cứ còn đâu nữa! Tao cứ lêu bêu như chuột mất hang không biết về đâu.

Tôi cười:

- Nó phá nát trên mặt đất chớ hệ thống địa mình còn nguyên, mày khỏi có lo. Ở đây với tao khỏe ru thôi!

- Địa nào? "Địa lu" ấy hả?

- Mày chưa xuống nên không biết. Hiện giờ các Xã đội An Phú và Phú Hòa Đông cho Địa chui qua cả sông. Có vài chỗ khoét lỗ cho nước chảy vô mình hứng xài như nước phông tên Xà goòng!

- Phả... ải, tao biết chớ! Anh Ba có xuống một lần, ảnh khen quá xá. Ảnh nói không ngờ ở dưới địa lại có Bệnh viện, có câu lạc bộ, đủ thứ tiện nghi. Lòng hầm mát như có quạt máy.

Tôi biết Ba Tiến thấu cáy tôi về vụ năm kia ông Tư Lệnh chạy B52 qua Phú Mỹ Hưng, chui xuống địa bị Mỹ chốt bên trên, ổng bị ngộp suýt chết, tôi phải đem quân đánh giải vây cấp tốc, chừng cứu lên được ổng ngất ngư.

Nghe Ba Tiến nói, tôi đẩy cây luôn:

- Địa bây giờ khác xưa rồi. Mày lạc hậu không biết ngoài Bắc đưa chuyên gia vô xây hầm theo kiểu Thượng Cam Lĩnh bên Triều Tiên à? Để bữa nào xuống dưới đó an dưỡng dài hạn, tao kêu ông thầy Nạo tẩm bổ cho mày rượu sâm ngâm chất liệu "đẹc" biệt.

Ba Tiến chắp tay xá xá:

- Con lạy ông nội, con không cần thứ đó. Có đế đem thêm ra đây, uống xong mình du địa... phủ luôn. Mẹ, thằng Tư Cường bắt 400 công binh đào hầm cho ông Sáu ở, tưởng chống được cả B52 ai dè B52 chưa bỏ mà ổng đi trước cụ Hồ. Mày phải biết, hồi xưa xuất quân mà đại kỳ bị ngã, chủ soái chết là điềm bất tường. Hạng Võ trong trận cuối cùng đánh Lưu Bang, chưa ra quân thì soái kỳ bị gió quật gãy, Ngu Cơ khuyên ngừng chiến trận, ổng không nghe cứ đánh tới. Trận đó ổng đại bại và tự sát ở bến Ô giang. Bây giờ, mình cũng vậy. Trước khi mở màn chiến dịch, ông Sáu Di chết bất đắc kỳ tử. Rồi năm nay cụ Hồ theo Mác Lê. Con đầm già có dịp kéo đờn ò e tối ngày trên đầu mình.

Tôi gạt ngang:

- Thôi đừng có tin dị đoan! Nè, uống di rồi đi tắm sông Sài Gòn coi bò vàng!

- Bò gì lội ở dưới sông?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx