sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 112: Yêu Nước... Hồn Nhiên Mà Được Ư? Nhớ Những Ngày Kháng Chiến Chống Pháp

Đâu khoảng 1950, tôi ra trường Lục Quân với cấp bực Trung đội phó về Cần Thơ thực tập gặp một vụ địch vận kết quá 75% phần dầu. Số là ở vùng Long Tuyền cây xanh nước ngọt, có một cái bót (tên gì quên mất) do một anh thiếu úy trẻ làm trưởng đồn. Ban địch vận tỉnh, không rõ bằng cách nào móc ngoéo được với anh chàng thiếu úy này và cho cô Lâm thị Ph. vô địch vận. Hứa rằng nếu anh chàng dâng bót cho cách mạng sẽ được vầy duyên can lệ với nàng.

Ph. là con gái của ông giáo P ở Cầu Đôi Cái Khế Cần Thơ, đẹp có học. Không rõ anh chàng yêu nàng hay "giác ngộ cách mạng" mà dâng cái bót cho Việt Minh và được sánh đôi cùng nàng Tây Thi nước Việt. Đám cưới rình rang, chúc tụng linh đình. Nhưng người buồn nhất là ông giáo E ông lo cho con gái tan nát một đời hoa.

Một chuyện: Nhân đây xin nhắc lại ba điều bốn chuyện không còn mới nhưng cũng chưa cũ: Người ta có nói về tướng Lâm văn PH. của Việt Nam Cộng Hòa. Ông PH. là anh cô Ph. Hai vợ chồng cô Ph. đi tập kết. Không còn nhớ năm nào sau khi MTGP thành lập, Hà Nội tổ chức đưa cô Ph. về Nam liên lạc với tướng PH. để làm gì đó. Trời bất dung gian đảng, cô vừa về tới Sài Gòn thì được mời... lên xe cây thay vì gặp anh ruột để "phối hợp hành động"!

Tội nghiệp hồng nhan bạc phận, ngày xưa cô đã địch vận được viên đồn trưởng, một chiến công vang lừng Miền Tây một thời. Nhưng tập kết ra bắc vợ chồng cô được đối xử như chó. Khi cần moi móc ra xài. Kết quả hay không thì cũng hết xôi rồi việc. Nay không biết cặp "oan ương" này sống chết, ở đâu?

Một chuyện: - Dương văn Nhựt và Big Minh

Nhựt em Minh. Người đen đúa, môi thâm, bộ tướng giống như Thổ lai. Nhựt không được tín nhiệm, chỉ gắn lon đại úy rồi cho ra làm công tác xây cất trại Nông Trường Lam sơn (Thanh Hóa) của F 330 Đồng văn Cống. Nghe nói Việt Cộng cũng cho Dương văn Nhựt về móc ngoéo với Big Minh hồi... nào đó.

Lại một chuyện: - Trần Thiện Liêm và Trần Thiện Kh.

Liêm gốc địa chủ gộc ở Mỹ Tho đi kháng chiến ở Đồng Tháp Mười với người anh ruột là Trần Thiện Thanh. Vì thành phần địa chủ nên không ngóc đầu lên nổi. Liêm có bằng cấp tú tài nhưng chỉ được chầu rìa tiểu văn nghệ khu. Còn Thanh trầy trật mãi không được gì hết.

Thanh, Liêm là em chú bác với thủ tướng họ Trần, nghe nói Việt Cộng có gởi Liêm về Sài Gòn gặp anh nhưng... anh đi đường anh, em đường em.

Còn một chuyện khác: Phạm Ngọc Thuần và Phạm Ngọc Thảo. Tôi không phải nói nhiều. Thảo Lé gốc gián điệp đã từng làm trưởng Ban Đặc Vụ của UBKCHC Nam Bộ hồi kháng chiến chống Pháp (1949). Sau đó làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 410 Trung đoàn Tây Đô. Thảo không đi tập kết, ở lại, Việt Cộng giàn cảnh cứu Giám mục Ngô Đình Thục. Ông lầm to nên nhận làm con nuôi. Tên gián điệp Lé được trọng dụng, có lúc làm tỉnh trưởng Kiến Hòa. Thời kỳ này Thảo thả hết tù Việt Cộng và để bãi trống cho Việt Cộng từ Bắc đổ vũ khí vào Nam bằng bãi biển Cồn Chim (Bến Tre). Sau đó tên gián điệp Thảo Lé quay lại đảo chánh ông Diệm, bất thành và bị giết.

Sau vụ cô Ph. lấy đồn, tỉnh Cần thơ "thừa thông xông lên" cũng bằng địch vận đánh bót Phán Đặng năm 1952, ở gần thị xã Cần Thơ. Móc ngoéo đâu đấy chắc chắn đàng hoàng, huyện đội Ô môn cho một trung đội võ trang đồ bén và tiểu liên MAS của Pháp. Đến giờ hẹn nội ứng bên trong xẹt đèn pin ra hiệu. Bộ đội lẻn vào cửa rào đã mở. Nhưng khi cả trung đội lọt vào thì cửa rào đóng và khóa ngay. Kết quả bị phản phê, quân ta bỏ 6 xác trong đồn, còn bao nhiêu xé rào chạy lấy người. Tôi bị 4 vít. Viên đạn xuyên cả 2 đùi. Nếu trịt qua 1 phân thì gãy xương đùi, nhích lên 5, 6 phân sẽ bể bọng đái. May nhờ một chiến sĩ cõng chạy việt dã rồi bỏ xuống ghe chèo về căn cứ, không đến đỗi cưa chân chống tó như thằng Đỏ hôm nay.

Nằm trong chiến dịch này, bộ đội bao vây mấy cái lô cốt lẻ ở Trường Thành Ba Xe, Bông Giếng trong quận Ô Môn, bắn chỉ thiên mấy phát rồi phát loa kêu gọi:

Ở trong đồn chửi vọng ra:

Hôm nay nhớ câu trả lời hóm hỉnh đó, tôi bật cười. Đó chẳng qua là sự khác biệt lập trường. Những kẻ thường đem Tổ Quốc ra làm một thứ vật thiêng liêng để lòe người khác thì đó chính là những kẻ nhục mạ, bôi bác, bán rẻ Tổ Quốc. Cái mà họ gọi là Tổ Quốc thì họ xem như rác giá trị không bằng một cái tổ chim, tổ cò. Và câu trả lời của những người lính trong đồn chúng khác nào một nắm bùn ném vào mặt những tên ngoác mồm kêu gọi kẻ khác hãy quay về với Tổ Quốc. Chính chúng là những kẻ phải mở mắt ra để "thấy đường quay về với Tổ Quốc".

Phải chăng Tổ Quốc thiêng liêng nằm trọn vẹn trong những câu hát bất hũ này: không một người Việt Nam nào không mang nặng Tổ Quốc trong lòng, khi hát:

Đây là bài hát Nam Bộ Kháng Chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn sáng tác năm 1946. Người con gái của ông hiện giờ đang ở Hoa Kỳ. ông chỉ sáng tác có một bài nhưng dân tộc cảm ơn ông vô vàn về nhạc phẩm vĩ đại này. Thời kỳ ấy toàn dân trẻ già trai gái từ bưng biền đến thành thị "thét" to bài này đến vỡ lồng ngực khiến cho xe tăng tàu chiến Pháp phải lui bước xâm lăng. Người ta lầm: bên trong sao vàng có cái cán búa và cái lưỡi liềm.

Dân tộc Việt Nam cần những nhạc sĩ như Tạ Thanh Sơn, chứ đâu cần những tên nhạc sĩ vàng ôm cây đàn đỏ, làm cho âm nhạc từ đó trở thành màu cam.

Thời đó tôi là thiếu nhi cứu quốc. Nhờ có học được chút ít chữ ở trường Tây nên đâm ra say mê gương yêu nước củaJeanne D’Arc và Le Petit Barbara dans les vallées de Ronceveaux. Jeanne D’Arc là một cô bé chăn cừu được một tiếng nói thiêng liêng nhắn nhủ đã đứng lên lãnh đạo khởi nghĩa đánh quân Anglosaxons giải phóng nước Pháp vào thế kỷ thứ 14. Còn cậu bé Barbara thì ra trận thổi kèn cho quân sĩ xông lên tiêu diệt quân Prussiens (tức quân Đức) vào thế kỷ thứ 18. Bị thương, cậu vẫn thổi vang những nốt nhạc cuối cùng rồi gục ngã với chiếc kèn dính máu tim cậu.

Lôi này muốn làm ]eanne D’Arc lẫn Barbara. Được lắm chứ. Ai cấm yêu nước? Tôi đã theo kháng chiến ngay từ đầu năm 1945, gia nhập ban Tuyên Truyền E 300 Dương Văn Dương của ông Mười Thìn. Năm 1946 toàn ban kéo về kinh Xáng Lý Văn Mạnh để dự lễ thành lập Trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh do ông Huỳnh Văn Một chỉ huy. Kinh Xáng Lý Văn Mạnh đen nghẹt bộ đội: E 300 của Bảy Đậu, E 304 của Mười Trí, E 308 của ông Một, nam thanh nữ tú từ Sài Thành và các cơ quan của tỉnh Chợ Lớn v.v... đến dự. Đèn điện sáng choang, cách sân bay Tân Sơn Nhất và trường đua Phú thọ không hơn 10 cây số.

Ban Tuyên Truyền của E 300 đã nổi danh khắp vùng từ lâu vì trong đó có những nhân tài văn nghệ như anh Ú-Đa tức Năm Dân chủ gánh hát Tô Huệ từng diễn ở Sàigòn. Bảy Thiều (anh của Tám Củi và Mười Vân), Nguyễn Minh, Nguyễn Giáp kéo violon, anh Ba Từ thổi saxo, Nguyễn Hóa chơi ghi-ta Hawaienne, anh Mạnh Thường giỏi hóa trang, chuyên đóng vai cụ Hồ lên sân khấu diễn tấu bài "Bé yêu Bác Hồ " Nguyễn Minh làm hề... Ngoài ra còn các em gái Ngọc Khánh Mỹ Linh rất xinh, hát hay và một đám trai lấy theo họ Dương (Văn Dương): Dương Văn Phùng, Dương Hoàng Mai, Dương Đình Lôi. Thằng Phạm Văn Nam, em Phạm Văn Hoàng (sau này là Phó ban Quân báo R. Thằng Nam là quân báo khu lấy tên Sáu Thanh, tôi gặp ở trạm thường trực I/4 với cháu nó là con Lan, đã kể ở một chương trước).

Ngoài ra anh Hoàng Nhụy Bích sáng tác bài "Trên sông Lòng Tào" ca ngợi chiến công đánh chìm tàu Saint Loubert Bié của Sơn Tiêu (sau này là Năm Lê Tham mưu phó QK).

Mặt tiền sân khấu căng một tấm bảng lớn: "LỄ THÀNH LẬP TRUNG ĐOÀN 308 NGUYỄN AN NINH". Trước mặt sân khấu là kỳ đài đắp bằng đất, trên đó dựng một cột cờ bằng 2 thân cau róc vỏ sạch phết vôi chắp lại.

Người được giao cho chỉ huy lễ chào cờ là anh Năm Triệu dân Bình Xuyên, có đi lính Nhựt Bổn. Khi đi kháng chiến anh mang đôi giày bốt đen và cây gươm Nhật dài mang ở thắt lưng mũi gươm đụng cổ giày Anh cao lớn, với chiếc cổ bẹ ra như cổ bò mộng, hét một tiếng như trời gầm, cả ngàn con người ta từ đầu sân đến cuối sân đều nghe. Anh tập kết ra Bắc làm ở hãng rượu Quốc Doanh gần chợ Đuổi. Buồn tình không có đất dụng võ, chủ nhật nào anh cũng ra Bờ Hồ gây chuyện với tụi Canada và Ấn Độ để đánh lộn chơi giải sầu xa xứ. Đám bộ đội bu lại ăn có xôm lắm. Dân dạo bờ hồ tha hồ xem những pha cụp lạc còn hơn đấu kiếm cải lương.

Năm Triệu có võ Judo. Một lần anh túm nguyên con thằng Chà chóp giở hổng chân phóng xuống hồ. Tên da đen mặt trời đánh lóp ngóp bò lên văng mão sút hia, mọp lạy lia. Có lần gặp xếp Công an Bờ Hồ là đại úy Bảy Ngàn, người Bến Tre. Bảy Ngàn không bắt bớ làm khó dễ chi, lại "bủa sua" (bắt tay) và mời Năm Triệu uống bia. Và rỉ tai: "Oánh cho thấy mẹ bọn Chà chóp này giùm tôi!"

Năm Triệu nạt chào cờ. Hai Ty giơ FM Bren bằng một tay bắn pạc cú đúng 27 phát. Đạn vạch đường lửa bay về phía trường bay Phú Thọ.

Phần lễ chính thức xong, đến phần diễn kịch, đám thiếu nhi chúng tôi trổ tài trong một vở kịch cương (Hồi đó đâu có ai viết nổi kịch bản. Mặc dù vậy vẫn không nói láo theo kiểu "Mượn Mỹ" trên đài Giải Phóng để nịnh bọn lãnh tụ như Nguyễn Vũ bây giờ).

Anh Bảy Thiểu đóng vai nông dân. Anh Minh, Mạnh, Giáp, Bính làm Tây đi ruồng, mũi nhọn, tóc hung, đi đứng, la ó không khác Tây một nét nào.

Khán giả ở dưới chửi bới, ném đá lên sân khấu như căm thù Tây thiệt. Đến lớp Tây đốt nhà, khói lửa bốc lên. Súng nổ bốp bốp. (Đạn làm bằng diêm quẹt) ông chủ nhà (Bảy Thiểu) mặt mày bôi mẹc-cuya rô cờ rôm đỏ lòm từ trong buồng chạy ra ngả vật trên sân khấu. Chú Thiên Lôi con và cô bé Mỹ Linh từ hai bên cánh gà chạy ra ôm xác cha kêu khóc thảm thiết: "Ba ơi, Ba bị Tây bắn chết rồi! "

Khán giả ùn ùn đứng cả lên la hét: "Đả đảo thực dân Pháp" rầm trời. Anh Bảy bảo nhỏ: "hai đứa đừng có ủi vô ba sườn tao, nhột, tao cười bây giờ".

Màn buông xuống. Ba cha con đứng dậy, không có ai chết cả. Còn mấy ông Tây thì chùi râu, gỡ mũi, lột tóc giả, ôm nhau cười đại thành công. Kịch chỉ có vậy mà Lôi và Mỹ Linh mấy hôm sau đi đến đâu cũng được bà con cho bánh kẹo nhét đầy túi. Hai đứa nổi tiếng là kịch sĩ khắp vùng Xóm Tiều, Thái Thiện, Bà Trau, núi Nứa, Lý Nhơn... Tiếng khen đến tai cả Trung tướng Nguyễn Bình. Ông tặng cho đội thiếu nhi mỗi đứa một bộ đồ ka ki quần vàng áo blouson nỉ xanh do thợ Sàigòn may rất đẹp.

Hồi này ông quận trưởng Việt Minh Sáu Trầm đã cưới cô Tịnh là bạn học của tôi. Sau này anh đổi tên là Sáu Huỳnh làm Phó ban quân báo khu, có tánh hài hước độc giả thường gặp ở các chương trước.

Tụi tôi có thấy Trung tướng khi ông ngồi xem kịch ở Kinh Xáng Cần Giờ. Thời kỳ này Nguyễn Văn Hoàng đưa ông từ Vườn Thơm vào Sàigòn Chợ Lớn như cơm bữa.

Cũng ở trong ban Tuyên Truyền này, chú Thiên Lôi con mọc nanh phá phách. Phá gì không phá lại phá địa lôi. Một buổi trưa, thừa lúc mấy anh lớn trong ban chỉ huy (Năm Lê) hội nghị đặt kế hoạch đánh tàu Saint Loubert Bié từ Đức Hòa lên Trảng Bàng. Hồi đó, đám con nít tụi tôi thích làm chuyện mạo hiểm nên thấy các anh lớn làm gì chúng lôi cũng rình mò lén coi, nên biết cách gài địa lôi.

Hai ông địa đã gầm lên bay hai chiếc xe nồi đồng chớ đâu có đùa. Từ đó Lôi cảm thấy mình chẳng thua gì Jeanne d’Arc và Barbara bên Pháp. Anh Sơn Tiêu không rầy rà chi hết mà lại vỗ đầu Lôi, khen: "thằng nhỏ này có khiếu quân sự! "

Ít năm sau Lôi được gởi đi học trường Lục quân Trần Quốc Tuấn ở miền Tây Nam Bộ.

.... Tôi nằm trên võng lắc lư. Nhịp võng đưa hồn về dĩ vãng. Cả một thời hồn nhiên của tuổi trẻ yêu nước mơ thành anh hùng của lịch sử.

Cái chết của Ba Xu, Năm Tiều làm tôi ngán ngẩm, lựng khựng không còn say mê công tác nữa. Tôi đang trở thành người khách lữ hành trong "chuyên xe đêm " của Pautowski, trên đó khách đã gặp ba nàng xinh đẹp thật lòng đưa khách lên thiên đàng cùng sống cảnh đời trần tục nhưng khách đã từ chối để khi xuống xe, đi xa rồi mới tự hỏi: "không hiểu sao ta lại từ chối một viễn ảnh huy hoàng như vậy?" Và để bây giờ, khi tóc nhuộm sương thì hối tiếc!

Có lẽ tôi không nên hối tiếc như người khách kia. Vì tôi đã không từ chối một tâm tình của ai. Nhưng hoàn cảnh của tôi là nước chảy bèo trôi, đá lăn không đóng rong được. Pierre qui roule n ‘ammasse pas mousse. Và ngọn gió đa tình dù có làm rung động lòng thi sĩ cũng chỉ lướt qua chớ không đổ ở ngọn cây nào. Tôi chỉ là con ngựa chiến yên cương hàm thiếc luôn luôn mắc sẵn, chỉ cần chủ vọt lên lưng là phóng thẳng ra chiến trường. Có lúc nào được yên thân đứng trong chuồng gặm cỏ đâu! Nói chi rảnh rang mà cặp bè cặp bạn nô đùa trên đồng xanh.

Bây giờ trở thành con ngựa gì, không phải ngựa đua, không phải ngựa kéo xe mà cũng không phải con ngựa hồng thiến để dành triển lãm cho các cô xem vui mắt nữa.

Bất thần, tôi lấy bóp, móc thư gia đình ra đọc. Lá thư của ông già viết cho tôi khi tôi mới từ Bắc về Nam. Thư viết trên pơ-luya, trải bao nắng mưa bom đạn vẫn nằm trong ngăn cuối của chiếc bóp phong trần. Tôi phải nhẹ tay mới móc được lá thư và càng nhẹ tay hơn để mở ra cho khỏi rách.

Một dòng chữ viết xéo trên góc trái: "Thơ này của Ba viết cho con ".

Tôi thuộc tuồng chữ của ông già. Chữ nghiêng, thưa thưa, những chữ "g" bụng tròn, những chữ "d" chữ "h" cao thẳng chân phương theo kiểu thầy giáo, không bay bướm hoa hòe nhưng nay thấy hơi run không còn cứng cáp như xưa nữa.

Dòng lệ tuôn tràn, tôi không đọc được nữa. Nước chảy mây trôi. Mới đây mà đã 20 năm. Ngẫm lại tấm thân Lê Dương đỏ cơm thùng nước chậu mà vẫn chưa thôi cái kiếp đâm thuê chém mướn cho Tổ Cuốc, Tổ Cò mà chán chê tê tái. Thắng em thứ Năm là đại úy TQLC. Anh em ra trận biết đâu tôi chẳng ngoéo cò "giết giặc lập công mừng tuổi Bác!" "Cuộc chiến tranh của các đồng chí không phải là cuộc chiến tranh chống xâm lăng như nhân dân Liên Xô chống phát xít Hít Le mà là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn". Tên giáo sư Liên Xô mà nó còn biết vậy, tại sao Hà Nội không sáng mắt sáng lòng?

Thằng Đá vào đập võng:

- Anh Hai à, có người tìm.

Tôi ngồi bật dậy: Ai? Tôi đang lim dim thấy cái đầu Năm Tiều về nháy nháy một bên mắt.

Thằng Đá nói:

- Lính nào không biết.

- Bảo: tao không có nhà!

Nhưng hai cậu thanh niên đã bước qua ngạch cửa. Thằng Lẹ cận vệ của Tư Linh và một cậu nữa. (Bây giờ tôi mới nhớ ra thằng Lẹ). Tôi hỏi:

- Trà thuốc đã gùi đầy chưa? Chừng nào trở về trển?

- Dạ đầy rồi! - Thằng Lẹ đáp - Dạ dạ...

- Ở chờ đó, Tao viết cho Tư Linh một cái thơ rồi hãy đi!

Hai đứa ngồi im. Tôi lấy giấy bút ra kê trên bàn định viết nhưng thằng Lẹ đã lên tiếng:

- Anh Hai à!

Tôi nghe giọng nó hơi lạc nên nhìn nó như hỏi: "Gì nữa đây?" nhưng nó lại hỏi tôi:

- Ở dưới này còn chỗ nào không anh Hai?

- Hầm hố không còn xài được nữa. Địa cũng banh trê, từ lâu, bộ tụi bây không biết hay sao mà hỏi chỗ?

- Dạ em biết địa đâu có! Em muốn xin anh Hai ở lại đơn vị tác chiến.

- À... à! tôi bị bất cập không biết đáp cách nào.

Thằng Lẹ tiếp:

- Đêm hôm qua em nghe B52 lại nện đường 30 nữa anh à! Chắc khúc Phú Bình.

- Hồi nào, sao tao không nghe?

- Dạ hồi 2, 3 giờ sáng.

- Chắc Tư Linh đã được báo trước, nó dông xa rồi!

- Nhưng tụi em không muốn về trên đó nữa.

- Bây nói gì vô kỷ luật vậy?

- Dạ cái hầm đó có ma. Đêm nào em cũng thấy ổng hiện về nhát tụi em. Ổng hét: "Nhà của tao sao bây dám chiếm"? Em có báo cáo với anh Tư nhưng ảnh bảo đó là dị đoan. Mác Xít không tin những chuyện như vậy. Rồi ảnh bỏ qua không dời điểm mà cứ ở hoài trong hầm đó.

- Còn thằng Mỹ ở đâu? - Tôi hỏi bất ngờ.

- Em không biết, nhưng từ lâu em không thấy mấy cô chia khẩu phần cho nó nữa.

Tôi hứa cho qua truông:

- Thôi, ở đó tao tính cho!

- Dạ, anh Hai tính giùm tụi em, chẳng khác cha sanh mẹ đẻ một lần nữa.

Đây cũng là một trường hợp đào ngũ chỉ khác là 2 đứa không đi Sàigòn và không đập tủ kiếng tiệm vàng hốt đồ người ta. Tôi hỏi:

- Tụi bây đi trinh sát được không?

- Dạ gì cũng được, miễn đừng về trển thì thôi.

Tôi trở lại võng nằm và bảo thằng Tiền mời Bảy Ga lên hội ý. Bảy Ga nhận cho hai đứa vô đội trinh sát. Như vậy khỏi mất lính.

Tôi định ngủ một giấc để quên sự đời, nhưng lại có người đến. Tư Bính. Tôi nói ngay:

- Nghe nói ông lên đồng linh lắm. Có "ngồi" cho tôi được một chầu không?

- Anh Hai phá tui hoài.

- Thiệt mà. Người ta hứa gả cho tôi con cháu gái. Không dè cô này đã hi sinh rồi mà người ta không hay.

- Tui biết rồi. Bà Năm Đang hứa gả cô Xuân cho anh chớ gì!

- Đâu ông "ngồi" thử xem cái số của tôi hen xui thế nào?

- Tui đâu biết "ngồi đứng" gì.

- Sao tôi nghe tin đồn rằng ông cho Tư Nhựt Hai Phái nhập xác nói linh lắm. À mà có cả Hai Lôi "về" nữa, phải không?

Tư Bính cười trông có duyên tệ không giấu được vẻ ngượng ngùng. Hắn gãi đầu gãi tai:

- Tui tương kế tựu kế với bà má để có lý do cưới con bả chớ đồng mả gì! Hì hì. Tôi cố tình che giấu, nhưng mấy đứa nhỏ cũng nhìn ra bộ chưn của tôi:

- Tôi nghe bà Năm đang phản đối má Bảy dữ lắm, rồi sao ông cũng tiến hành êm xuôi vậy?

- Áo mặc không qua khỏi đầu anh Hai ơi t Thời buổi này bả cũng sợ mấy ông mảnh ăn đêm. Lớ huớ lại cho con bả trái bầu non thì khốn. Với lại tôi đi Sàigòn về cũng có tí xủng xẻng cho cô nàng làm vốn. Tiền là tiếng nói của mọi giống người mà anh Hai! Trước kia có mấy đứa "cộp" 1 hơn tui đến rấm rớ cũng đâu có rờ được cái lông của các cổ. Tôi có nhằm gì.

Tôi cười đẩy đưa:

- Dù sao cưới được "em gái hậu phương" 18 tuổi cũng tươi đời rồi! Tôi còn thua ông xa lắm.

- Tươi gì mà tươi anh Hai ơi!

Sao vậy?

Cái miệng thăng Df bỗng nhiên méo xẹo một cách thảm hại trông vừa buồn cười vừa thương tâm.

Bính móc túi ra để trên bàn: nào giấy má nào thuốc men, giọng rưng rưng:

- Anh cất giùm em!

- Ông đi đâu mà làm vậy?

-"Em" đi Rạch Kiến. (Hình như lần đầu tiên tôi thấy hắn khóc và xưng "em" với tôi một cách nghiêm trang)

Tôi biết Rạch kiến là đâu rồi. Bên kia sông. Mỹ vừa đóng chốt. Bộ ở trên sai nó đi nhổ cái chốt này chớ gì? Đường 30 bị một trận B52 cuối năm 67. Nhánh cây gãy chọc vỡ sọ tên tướng đầu đỏ ở Long Nguyên. Sau trận bom này, từ đấy đến nay, đường 30 bị bằm ra như thịt chuột. Rồi Mỹ chốt, chúng biết con đường huyết mạch của Bộ Tư Lệnh quân khu.

Tôi hỏi:

- Ở trên cho đơn vị nào đi đánh?

- Tom góp ba thằng đi Sàigòn dội về, chớ đâu có đơn vị nào. Anh giúp em được không?

- Ông muốn gì, nếu có, tôi giúp. Nhưng súng thôi chớ không có lính.

- Trời! ông thầy nói vậy em chết còn sướng hơn!

- Lính có ở đâu cho ông! Ông giỏi thì kêu Chín Tống đi với. Tôi cho mượn đó.

- Nó ném đại liên xuống sông về tay không. Nhờ thầy cứu mạng; nếu không nó tiêu dênh rồi. Nó như gà rót còn đánh ai được nữa!

- Cầm quân ai cũng có lúc... vầy lúc khác ông Bính à. Có ông tướng nào không chiến bại?

Tôi ngồi im. Bính nhìn như muốn đoán ý nghĩ của tôi. Nghĩ quái gì. Bính là Df đi Sài gòn lại lộn về -sau Chín Vinh hai tháng - nên ở trên muốn phạt nó hay muốn cho nó lập chiến công? Trời! Chiến công gì mà đem lính cò mửa chống với quân thiện chiến? Nướng hết người Nam, giờ họ ngứa ngáy chụm luôn người Bắc chẳng gớm tay.

Bính sướt mướt nói đứt quãng:

- Em mồ côi, không biết cha mẹ, nên đi theo đảng coi như cha mẹ... Vợ em chưa có bầu... Em cố gắng kiếm một đứa con mà gấp quá, em làm sao kịp? Thôi đành cây không trái. Hai Phái kêu: "đảng viên Cộng Sản tiến lên" trước khi ngã gục. Ừ tiến thì tiến! Em tiến đây thầy Hai à!

Bính ôm tôi nức nở. Quả thật, Bính dắt 1 đại đội qua sông rồi không về Đồng Lớn, bỏ lại cô vợ mới cưới 2 tháng. Rạch Kiến ghi thêm một "chiến công". Bác Hồ sẽ sống lâu thêm 5 năm, 10 năm, 20 năm" 2 hay lâu hơn nữa!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx