sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 114: Thêm Vài Nét Về Đồng Dù Và Tết Mậu Thân

Khi tôi viết đến đây thì có thư độc giả hỏi thêm về Đồng Dù. Rải rác trong 5 quyển trước tôi có đề cập đến, nay xin ghi ra tất cả những gì tôi biết về căn cứ này.

Đây là căn cứ của Sư Đoàn 25 của quân đội Hoa Kỳ, cũng còn gọi là Sư Đoàn Tia Chớp - Tropical Light- từ 1965 đến 1973. Quân thường trực có chừng 4200, những lúc chiến dịch như Mahattan, Cedar Fall thì không rõ bao nhiêu. Đồng Dù tọa lạc trên một mảnh đất trống xa đô thành Sàigòn 30 km đường chim bay về hướng tây bắc bên phải quốc lộ 1 cách thị trấn Củ Chi chừng 4km và thị xã Bình Dương (Thủ Dầu Một cũ) chừng 15 km. Nó còn được che chở bởi 2 gọng kềm là đường 1 Làng và đường 8A. Ấp chiến lược Cây Bài nằm trên đường này. Từ ấp này bọn khu ủy có thể ra vô Sàigòn hoặc lên Gò Dầu Hạ để vọt sang Cao Miên liên lạc với R.

Phía trên đường 2 Làng từ ấp Phú Mỹ vô chợ Phú Hoà Đông cách Đồng Dù khoảng 4km đường chim bay là căn cứ của Trung Đoàn Quyết Thắng. Phía Tây Đồng Dù là hương lộ 237 (cũng còn gọi là đường số 2) từ Tân Phú Trung chạy đến ấp Bố Heo thuộc xã Lộc Hưng quận Trảng Bàng. Nằm trên đường này, cách ngã tư Trùm Tri vô 200m là cửa chính (Main gate) của Đồng Dù. Phía Đông, tiếp giáp với Rạch Láng The. Đồng ruộng phía này nơi cạn thì cấy lúa, chỗ sâu thì thành bưng trấp, lội lút đầu không thể hành quân qua được. Phía bắc là con đường đá đỏ từ Quốc Lộ 1 chạy tới ngã Ba ông Trừ gần chợ Phú Hòa Đông. Đồng Dù được bọc quanh ở phía Đông bằng con Suối Bà Cả Bảy. Con suối này cũng chảy qua gần đồn Trung Hòa - Nó vừa là trở ngại cho quân Mỹ tấn công các căn cứ Việt Cộng bằng xe tăng vừa là thuận tiện cho Việt Cộng trong việc phòng ngự.

Dọc đường trước kia là hai ấp Phú Mỹ. Sau năm 1967 ấp này đã trở thành ranh giới chia Củ Chi ra Nam Chi và Bắc Chi, còn Phú Mỹ thì trở thành xã Phú Hòa Tây. Năm Ngó bí thư quận ủy kiêm luôn quận đội xây căn cứ ở đây và cho người ra vào Phú Hòa Đông để mua gạo hoặc liên lạc với D đặc công rải quân từ Trung An đến Bình Mỹ - Hóc môn trong khi D1 của E Quyết thắng thì đóng khắp từ Gò Đình đến tận Trung Hòa và Bàu Tròn.

Mặt Bắc của Đồng Dù trước kia là vườn cao su Bàu Tre kéo dài đến đồng ruộng Trảng Lắm có ấp Truông Viết thuộc xã Phước Hiệp; phía Đông là vườn cao su Bàu Chứa, Bàu Tròn. Nơi đây có nhà mủ Bà Hộ là nhà mủ lớn nhất vùng này.

Từ đó các lực lượng Việt Cộng có thể tỏa lên Bàu Trăn, Bàu Lách thuộc xã Nhuận Đức.

Như vậy Đồng Dù nằm gọn giữa các trục lộ 237, 8A, đường 2 Làng, quốc lộ 1 và Suối Bà Cả Bảy, lại được án ngữ bằng thị trấn Củ Chi nằm ngay trên Quốc lộ 1. Đồng Dù nằm giữa rốn khu giải phóng rất thuận tiện cho sự chuyển quân chiến đấu tiếp vận tấn công khu giải phóng bằng xe tăng, bộ binh biệt kích v. v... chưa kể pháo binh, trực thăng và các loại binh chủng khác.

Từ năm 65, khi Đồng Dù trở thành căn cứ chính thức của Sư Đoàn 25 Hoa Kỳ ở Việt Nam thì các vùng lân cận thuộc các xã Nhuận Đức, Phước Vĩnh Ninh, Tân Thông Hội, Phước Hiệp đều bị tàn phá nặng nề hoặc san bằng. Sau Mậu Thân, các xã này trở thành vùng oanh kích tự do. Quân đội Mỹ đem trực thăng Chinook chở dân và heo gà ra ấp chiến lược, phát tôn, gạo, thuốc men để định cư. Hưởng được cuộc sống yên ổn no đủ không bom đạn, họ không trở về quê nữa.

Khi căn cứ Đồng Dù hoàn chỉnh thì cũng là lúc Củ Chi đất thép thành đồng bắt đầu trở thành Củ Chi đất sét thành bùn.

Sau đây là một số việc mà tôi còn nhớ trong lúc tôi hoạt động ở Củ Chi hoặc ghi lại từ các sách báo.

Đêm 30-10-64 Cộng Sản cho đoàn 69 (do Huỳnh Thành Đồng chỉ huy) pháo kích phi trường Biên Hòa. (Sau trận này, Nguyễn Chí Thanh vô Nam "ăn mừng" chiến thắng và phát huy chương cho đoàn 69 của Huỳnh Thành Đồng - đã nói ở các quyển trước).

Một số đài ngoại quốc đưa tin: có sáu B57 loại ném bom mới đưa từ căn cứ Clark sang bị phá hủy và hơn 20 chiếc bị hư hủy. 5 cố vấn Mỹ, 2 sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa hi sinh, hơn 100 binh sĩ và thường dân quanh vùng bị thương.

Ngày 19-12-64 Hà Nội mở chiến dịch Bình Giả (Phước Tuy)

Ngày 28-12-64 chiếm làng Bình Giả suốt 8 tiếng đồng hồ. (Bình Giả là làng Công Giáo di cư lập nghiệp ở Miền Nam). Sàigòn đưa 2 đại đội Biệt Kích đến thăm dò, đụng độ tại vườn cao su kế cận. Sàigòn tung luôn 7 tiểu đoàn thiện chiến đến giải vây. Việt Cộng bị tràn ngập rút lui, bỏ lại 200 xác chết và hơn 100 bị bắt sống.

Trước tình hình này, tổng thống Mỹ đưa tướng 5 sao Westmoreland sang Việt Nam. Đại sứ Cabot Lodge thay cho Taylor, chuẩn bị Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam.

Ngày 8-3-65 hai tiểu đoàn TQLC Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng. Hà Nội có cớ "chống Mỹ cứu nước" liên tiếp mở các chiến dịch Đồng Xoài, Phước Long,.Pleiku, Quảng Ngải để gây thanh thế nhưng phải chịu tổn thất nặng nề trong những trận thử sức với quân Mỹ.

Mỹ đổ thêm quân vào Việt Nam đồng thời dội bom miền Bắc.

Bên Liên Xô Alexis Kossygin lên thay Krutchev vào cuối năm 64- ủng hộ đường lối chiến tranh của Hà Nội.

Cán binh tập kết và quân đội Bắc Việt ùn ùn đổ vào Nam gần như công khai trước sự phản đối cầm chừng của thế giới. Mỹ gia tăng dội bom miền Bắc.

Cùng lúc mở các chiến dịch Hà Nội cho đặc công đánh bom vào khách sạn nơi cố vấn Mỹ trú ngụ đêm Noël 1964 tại Sàigòn.

Những đơn vị chính quy Bắc Việt xâm nhập ồ ạt hơn.

Căn cứ Đồng Dù được xây dựng càng ngày càng vững chắc bất khả tấn công.

Sau Sư Đoàn 25, đến Sư Đoàn "Anh Cả Đỏ " lại đổ vào Việt Nam đến trấn thủ vùng Bến Cát, Lai Khê, Dầu Tiếng để ngăn giữ cửa ngỏ Sàigòn lúc nào cũng bị áp lực nặng nề của các sư đoàn chính quy BV từ căn cứ R (Tây Ninh) đổ xuống.

Hỗn danh "Tam Giác Sắt" gồm Củ Chi, Bến Cát, Phú Hòa là do Hoa Kỳ đặt cho mà thành nổi tiếng từ 1964-65 chứ sự thực Cộng Sản không thể tung hoành như người ta tưởng. Chúng bị đánh tơi bời bị động thì có.

Cùng lúc này quân đội Mỹ tới Khe Sanh Pleiku.

Độc giả thân mến. Nói tới Đồng Dù, tôi còn nhớ y nguyên trong đầu một căn cứ vô cùng cơ động với đầy đủ cơ giới trên không lẫn dưới đất. Ngoài bộ binh, còn có tất cả các loại binh chủng đặc biệt, thiết kỵ, hóa học, công binh, quân khuyển... không thiếu một loại nào.

Nó như một cái máy phát điện cao thế, đụng tới nó là hằng trăm luồng điện chết người phát ra ngay. Chỉ trong vòng 25 phút trực thăng có thể đổ chụp bất cứ nơi nào ở Củ Chi. Và trong vòng 5 phút pháo có thể giã bất cứ nơi nào trong tam giác sắt. Trận E 88 bị dập ở Tầm Lanh không phải là trận pháo lớn nhất, nhưng trước kia sở dĩ Việt Cộng ít bị thiệt hại hơn là vì chúng liều chết chạy ra khỏi trận địa chớ không nằm chờ Mỹ tới để tiêu diệt như Năm Sĩ ở Tầm Lanh lần này (1969).

Thử tưởng tượng 50.000 trái pháo rơi vào một ấp nhỏ! Không một ngọn cỏ còn nguyên. Từ 200 đến 500 trái là thường. 1000 trái mới thấy ớn. Da thịt phải bọc thép mới sống được 5 năm ở Củ Chi. Đây không phải là một sự nói thánh nói tướng để tự đề cao mình mà là một sự thực. Tôi chỉ là một kẻ sống sót trên đất Củ Chi.

Tôi đến Củ Chi năm 1965, mãi tới năm 1966 mới hoạt động được, nhưng cũng không thể đụng độ với Đồng Dù. Đây là căn cứ mạnh nhất của Mỹ ở Đông Nam Á chớ không riêng toàn Miền Nam Việt Nam càng không phải của Mỹ ở Sàigòn Chợ Lớn.

Thời Pháp thuộc quân đội Pháp cũng đã từng dùng mảnh đất ruộng rẫy này làm nơi tập lính nhảy dù, nhưng sơ sài không có tiện nghi. Lính dù từ Sàigòn được chở tới nhảy cóc nhảy nhái, sáng đi chiều về, như những buổi cắm trại chỉ tốn vài giọt mồ hôi.

Nhiều tên lính bay rơi mắc trên ngọn tre làm trò cười cho đồng bào và Việt Minh thời đó. Đồng Dù thời Tây và Đồng Dù thời Mỹ là biểu hiện cho lực lượng Tây và Mỹ trong hai cuộc chiến tranh. Đồng Dù Tây là trò chơi của trẻ con, còn Đồng Dù Mỹ là con mãnh hổ nanh vuốt đầy trời ngập đất. Những ai từng kháng chiến 2 mùa đều phải công nhận điều này.

Tôi xin lần lượt nói thêm về lực lượng của Đồng Dù theo hiểu biết chiến trường của tôi và theo tin tức tình báo Việt Cộng mà tôi cho là không sai bao nhiêu. Đây là một số trang bị, vũ khí của Đồng Dù:

Sư Đoàn 25 Mỹ là sư đoàn bộ binh, nên tại căn cứ Đồng Dù không có riêng máy bay Skyraiders hay phản lực chiến đấu Fantôme hoặc Thunder Chief. Các loại này thuộc không đoàn 3 nằm ở Biên Hòa. Khi cần, chúng tới yểm trợ rồi rút về.

Thường xuyên Đồng Dù chỉ có các loại trực thăng chiến đấu trinh sát như HU-IA, HU-IB, CHINOOK (loại vận tải người và vũ khí nặng). Các thứ này không lúc nào vắng bóng trên bầu trời Củ Chi mà chúng tôi thường gọi là "cá nhái, cá rô, trái chuối", vì hình dáng của chúng.

Đặc biệt trực thăng "trái chuối" vận tải cả xe tăng, pháo, lô-cốt, lương thực, kẽm gai và nước rưới như mưa cho lính Mỹ tắm, công sự bê-tông cho sĩ quan ẩn trú qua đêm. Loại này có 2 cánh quạt, bay rất nhanh còn đổ vào khu để di tản người và súc vật ra ấp chiến lược.

Bên cạnh đó còn loại "cá lẹp" mình dẹp như con cá lẹp không rõ phiên hiệu là gì, trang bị đại liên, cà-nông 37 bắn một phút 6000 viên, phóng một phát 4 rốc kết, thường dùng để dọn bãi đổ quân. Loại HU-6A dùng để trinh sát, có thể bay đứng một chỗ rất lâu rồi bất thần đáp xuống bắt người như diều xớt gà con. Ngoài ra còn L19, có loại 2 đuôi không biết tên gì.

Các loại máy bay này thường trực ứng chiến có chừng hai ba chục chiếc tại bãi bay, bên trong Đồng Dù.

Các loại cơ giới, xe tăng thì gồm có: M113, M41, M48 có gắn pháo 75-80 ly. Thường xuyên có chừng 3, 4 chục chiếc để đi càn. Ngoài ra còn các thứ máy ủi đất, để phá rừng và lấp địa đạo, phá chướng ngại vật, bứng gốc cây to, xúc cả hầm, phá miệng địa đạo.

Xe tăng từ Đồng Dù theo cổng chính ở đường 237 hoặc cổng hậu đường 1Làng để lên Nhuận Đức, Bàu Lách. Hàng ngày vào buổi sáng có một chi đội rà đường từ Củ Chi tới Hóc Môn và một chi đội chạy ngược lên Trảng Bàng, Gò Dầu để canh quốc lộ 1.

Chúng còn rải từng cụm từ Hóc Môn lên Gò Dầu. Ban đêm M41 bắn cà nông 40 ly lên Truông Viết, Ba Sa, Gia Bẹ, Bàu Tròn, Bàu Chứa gây khó khăn trong việc hành quân và vân tải của đối phương. Đặc biệt đạn của nó rất nguy hiểm. Trong đầu đạn có đinh, Bác sĩ rất ngán giải phẫu loại này. Hễ đinh ghim vào sọ thì chịu chết chớ không mổ lấy ra được.

Sơ sơ bảy món ăn chơi, chưa kể các loại biệt kích đánh phá ngày đêm với nhiều bài bản nhớ không hết. Còn đây là các giàn giã gạo Củ Chi:

- Pháo 105 ly bắn xa 1 km, có chừng 10 khẩu.

- Pháo 155 ly bắn xa 15km, có chừng 8 khẩu.

- Pháo 175 ly bắn xa 32 km, có chừng 4 khẩu.

Ngoài ra còn cối 81 ly và 106,7 ly. Loại này lòng súng có khương tuyến, bắn xa 6 km thường đem theo M113 bắn để yểm trợ hành quân. Có thể ước đoán giàn pháo này có từ 24 đến 36 khẩu.

Địa bàn hoạt động của Sư Đoàn 25 từ Củ Chi đến Gò Dầu. Những nơi nào pháo Đồng Dù bắn không tới thì có các cụm pháo dã chiến khác tiếp thêm. Có thể kể:

- Cụm pháo Đồng Chùa ven đường số 1 khoảng giữa Suối Sâu và Suối Cụt

- Cụm pháo Chà Rày (ở Trảng Bàng) bắn lên đường số 6 Bùng Binh, Cầu Xe, Hố Bò, Đồng Lớn, Sa Nhỏ v. v...

- Cụm pháo Khiêm Hanh bắn dọc đường 30, Bến Cát.

- Giàn pháo Trung Hòa có 4 khẩu 105 ly và các loại nhỏ hơn.

- Giàn pháo Trảng Bàng, có 4 khẩu 105 ly.

- Giàn pháo Bến Cát 105-155 ly.

- Giàn pháo Lai Khê 105-155 ly.

- Giàn pháo Dầu Tiếng, 105-155 ly, chuyên khống chế Bời Lời, Sóc Lào, Bà Nhã, Bến Củi cắt đứt đường đây lên xuống R.

- Sau khi Anh Cả Đỏ vào Bến Cát thì có thêm các cụm pháo Bưng Còng. Rạch Bắp gồm một giàn 105 không rõ mấy khẩu.

- Giàn pháo Bình Dương cũng có cả chục khẩu, khi cần thì bắn ké chơi vài trăm trái sang Củ Chi. Ngoài ra còn các trận địa pháo di động bất thường không thể nhớ hết.

Nói tóm lại cái "tam giác sắt" do Mỹ la hoảng chính là cái tam giác nằm trong tấm lưới sắt của pháo Mỹ. Mỗi bước đi là một mảnh sắt lót đường. Không nơi nào pháo không bắn tới và bắn rất chính xác.

Vì thế anh tướng thầy ba Chín Vinh mới đái trên lưng ông quận đội trưởng Năm E khi vừa bị loạt pháo lót lòng của Bình Dương và quay trở về R "chỉ huy" cuộc tổng tấn công như đã viết ở quyển 5. Các bạn đã từng cầm súng đánh Tây có nhớ trận Tầm Vu Sóc Xoài không? Thời đó cả khu 9, Tây chỉ có loe hoe vài khẩu cà nông. Ra trận bấn dăm quả. Chúng mình vừa hút thuốc vừa cười đôi khi còn dư thời giờ ngó mấy con đầm tốc váy khiêu dâm lính ta nữa.

Nhưng đánh với Mỹ trong vùng đất nhỏ hẹp như "tam giác sắt" mà đã có có trăm khẩu pháo từ 105 đến 175. Chúng bắn như trung liên nổ chứ không "cà lăm" như các ông ầm thời Pháp. Đừng có tưởng bở. Đó là chưa kể B52. Ai có xem TV trận chiến vùng vịnh thì rõ B52 là cái gì!

Rất tiếc Võ Nguyên Giáp không vô chỉ huy cuộc Tổng công kích Mậu Thân ở Sàigòn. Thử xem chiếc áo "giáp" của ông ta có còn "nguyên" hay không. "Kêu gọi" đánh Mỹ thì dễ, còn "đánh Mỹ" thì không dễ như ông tưởng, ông đại tướng Quảng Lạc à!

Sơ sơ vài nét để giúp độc giả tìm hiểu thêm về Đồng Dù. Có thể nói một cách ví von: Nó khác nào cái bướu ung thư mọc ngay giữa ngực thằng Việt Cộng, muốn mổ cắt nó đi nhưng chẳng được nào. Đến đây tôi xin kể thêm vài chi tiết tấn công Đồng Dù.

Từ khi quân Mỹ tới, Đồng Dù bị tấn công trên thực địa 3 lần, - không kể vài vụ trộm pháo kích chính tôi chỉ huy. Bắn xong, vác súng chạy lấy người, hoặc chết bỏ xác.

Lần thứ nhất do Út Bá đại đội trưởng từ Bắc về chỉ huy một toán cảm tử Đặc Công của Tư Cường từ R đưa xuống. Tư Cường là E trưởng E Công binh kiến thiết cái hầm "Đờ Cát Di" cho Nguyễn Chí Thanh vùi thây trước Tết Mậu Thân.

Út Bá là đồng hương Bến Tre với mụ Ba Định. Không biết Bá nắm tình hình quân Mỹ thế nào mà dám cả gan dắt một đội cảm tử đột nhập vào Đồng Dù. Mới qua khỏi cổng thì bị bắn gục một nửa. Bị tăng bao vây vòng ngoài khóa đít, cả đám rút chạy bỏ lại 16 xác. Út Bá mất tinh thần chạy về dắt vợ đi hồi chánh luôn.

Lần thứ hai, cô Út Lan, 16 tuổi nhân viên mật của quân báo Củ Chi gài chất nổ trong lon coca cola làm bị thương 4 lính Mỹ. Út Lan có cô chị tên Thanh nấu cơm cho văn phòng Ban Quân Báo Củ Chi. Cô này định làm một cú nữa nhưng bị bắt ở khu vực chợ Bắc Hà. (ở một quyển trước tôi đã nhớ lầm là cô Úa.)

Lần thứ ba do Thiên Lôi phục kích ở gần cổng chính Đồng Dù. 11 chiếc xe tăng và thiết giáp đi tuần đường từ Hóc Môn về ban đêm bị chúng tôi bắn cháy 8 chiếc M113 và M48 vào tháng 12/1966. Thiên Lôi suýt bị đạn 37 ly đưa xuống âm ty.

Đồng Dù là một căn cứ khó tấn công bằng bất cứ chiến thuật nào mà tôi đã học được.

Vì 2 lý do:

- Việt Cộng không có đủ lực lượng để chơi. Ví như một ông lão 70 trước một mụ me Tây 40 quá sung sức. Nếu cố lấy le thì bị ngã ngựa ngay.

- Về địa hình. Từ xa Việt Cộng không thể bôn tập viễn tập ban đêm mà không bị lộ bí mật.

Còn hành quân ban ngày thì càng không thể. E88 của Năm Sì chỉ mới rục rịch đánh Trung Hòa, cứ điểm bằng 1/20 Đồng Dù, bị pháo dập tiêu diệt cả trung đoàn, nữa là đụng Đồng Dù.

Về bố phòng. Đồng Dù võ trang tận răng. Chung quanh Đồng Dù còn có cả một hệ thống phòng ngự khít khao, bãi mìn, hào hố, dây kẽm gai, chó... Bên ngoài bên trong có cả chục chòi canh, có hầm xi măng ẩn trú, công sự chiến đấu bằng bao cát, thùng phuy đất. Đột nhập vào được bên trong không có nghĩa là chiếm được Đồng Dù.

Ngoài ra còn có các hàng rào sống là các ấp chiến lược. Việt Cộng vô tới rào ấp là đã có mõ báo động rền vang nghe rợn cả người. Nhiều lần dự định pháo kích nhưng hỏng vì tiếng mõ của Nhân Dân Tự Vệ, Việt Cộng bỏ xác cũng vì tiếng mõ này.

Trong vùng tiếp cận Củ Chi suốt năm năm từ 1965 đến 70, chỉ có 2 bót thầy Mười (Cây Keo) ở Trung An, và bót Thái Mỹ bỉ san bằng (Thái Mỹ tái chiếm năm 67) Còn Đồng Dù, Trung Hòa không hề hấn gì. Riêng thị trấn Củ Chi bị D Thép đột nhập 2 lần như đá ném ao bèo. Theo như Năm Lê tham mưu trưởng quân khu thì:

Muốn đánh hạ Đồng Dù, phải có 5 Trung đoàn bộ binh mạnh, 1 trung đoàn pháo đủ loại, 4 tiểu đoàn đặc công, 4 tiểu đoàn hóa học, 1000 dân công. 20 trạm giải phẫu, 50 bác sĩ, 200 y tá, 15 ngàn chai Pénicilline, một tấn bông băng. San bằng được Đồng Dù thì Củ Chi sẽ trở thành một cái ao vĩ đại đành cho lão Hồ nuôi cá rô phi. Có nghĩa là nếu quân Mỹ thấy không chống đỡ nổi thì B52 sẽ hủy diệt toàn bộ chiến trường. Điều này đã xảy ra năm 1966. Bót An Hoà bị tấn cống và tràn ngập. Pháo Mỹ đã chi viện vô cùng hữu hiệu. Rốt cuộc ngôi đồn là mồ chôn Việt Cộng. Ngán Mỹ chưa? Me xừ Bọ Chét đừng có ấm ớ hội tề viết ẩu.

Đứng trước một cái Đồng Dù như vậy, ở trên giao cho chúng tôi phải cầm chân để các đơn vị khác "rảnh tay" đánh chiếm Sàigòn. Nhưng khi chiến trận nổ ra các điểm của Việt Nam Cộng Hòa bị tấn công đều tự phản ứng chứ đâu cần sự tiếp viện của Đồng Dù. Sư Đoàn 25 Mỹ chỉ làm nhiệm vụ khóa đít và tiêu diệt lực lượng Việt Cộng chạy tán loạn về Củ Chi.

Tôi xin nói rõ thêm về dự kiến của R trong Tết Mậu Thân 68: Vì không có phương tiện thông tin Quân khu IV chia ra làm 5 phân khu:

* Phân khu I gồm các quận trong đô thành và Gò Vấp, Hóc Môn, Trảng Bàng, Củ Chi, Bến Cát, Dầu Tiếng do Năm Truyện làm tư lệnh, Tám Hà Chánh ủy, - với Trung Đoàn Mũi Nhọn của Tư Nhựt.

* Phân khu II, III gồm phía Tây Nam Sàigòn - Hai Nan phó Tư lệnh (hồi chánh), không ai ngờ ông trung tá này dông lẹ vậy.

* Phân khu IV gồm Nhà Bè do Tám Quang, Hai Lơn, Năm Nam chỉ huy trưởng (không gọi là Tư Lệnh)

* Phân khu V gồm Thủ Đức, Dĩ An Lái Thiêu do Ba Sinh làm Tư Lệnh (bị bắt ngay tại ngã Ba Chú Ía!) Không biết "chị em ta" có giúp đỡ cho anh Ba trốn nhờ trong phòng không?

Quan trọng nhất là Phân khu I. Mục tiêu gồm có Bộ Tổng Tham Mưu và sân bay Biên Hòa. Trung đoàn Quyết Thắng Mũi Nhọn là lực lượng mạnh nhất trong các phân khu kể trên, gồm các đơn vị sau đây:

- Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng cũ của Củ Chi đánh Bộ Tổng Tham Mưu.

- Tiểu đoàn 2 Gò Vấp Hóc Môn đánh sân bay Tân Sơn Nhút (hay Biên Hòa)

- Tiểu đoàn 3 Phú Lợi của Bình Dương hỗ trợ.

- Tiểu đoàn đặc công Gia Định hỗ trợ.

- Và tiểu đoàn 89 và Hỏa tiễn H12 và ĐK 8 hỗ trợ.

Đây là một trung đoàn vá víu năm cha ba mẹ chưa từng tác chiến chung và cũng không có phương tiện chỉ huy liên lạc trên một chiến trường rộng lớn phức tạp mà nó chưa quen như Sàigòn. Khi Năm Ttruyện, Tư Nhựt chết và Tám Hà hồi chánh, R bổ sung Ba Kiên và Năm Dũng gốc sư đoàn 325 Bắc Việt. Hai tên này cũng thuộc loại "hùm xám Điện Biên" như Năm Sĩ, - không biết tí gì về địa hình của chiến trường cho nên cuối cùng cũng hát bản "nướng quân ca".

Tôi được trên chấm cho làm Ef Tham mưu trưởng E Mũo Mũi Nhọn. Không biết tại sao lại gạch tên, thay vào Phan Văn Xướng (hồi chánh ở Hàng Xanh- đã kể).

Mới dàn quân trên bản đồ đã thấy thua rồi, nhưng Hà Nội cứ đánh bừa. Ra sao thì ra nhân dịp này nướng sạch cán binh Nam Kỳ một mẻ để trống chỗ cho quân Bắc Kỳ xâm lược tràn vô thay thế, loại trừ trước hậu hoạn "Nam Kỳ tự trị" trở cờ chống lại Trung Ương. Ý định này rõ dần, nay dân Nam Kỳ sáng mắt ra thì đã muộn. Nam Kỳ không mất cho Tây cho Mỹ mà trở thành thuộc địa của Bắc Kỳ. (Nguyễn Văn Trấn đã chẳng đưa nguyện vọng thành lập liên bang Việt Nam làm bọn Hà Nội nhảy cà tưng là gì?)

Sự mê tín Trung Ương trong vòng 20 năm - từ 9 năm chống Pháp đến 1975 đã mang lại hậu quả đời đời, dân Nam Kỳ phải gánh chịu.

Đừng có than van ân hận gì hết ráo nghe các ông Giàu, Trấn, Đằng... chính các ông là những kẻ tiếp tay cho bọn Bắc Kỳ xâm lược Nam Kỳ quê hương các ông có hiệu quả nhất đấy!

Xin trở lại Mậu Thân con khỉ già:

Bọn Hà Nội dự định: Khi Trung Đoàn Mũi Nhọn chiếm được Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam Cộng Hòa và phi trường Tân Sơn Nhút thì 2 E của công trường 9 và công trường 5 sẽ đánh dọc quốc lộ 1 để chiếm phía Bắc Sàigòn. Nhưng mũi nhọn bị tà. 2 E này không đến được. Một E của công trường 9 bị kẹt ở Cầu Bông phải kéo vòng qua Đức Hòa phối hợp với Phân khu II, III nhưng cũng chỉ đốt bậy vài chiếc đò nát chớ không làm nên cơm cháo gì cả.

Trong lúc đó một E của công trường 5 (gốc F308 Bắc Việt) chạy vòng qua đồng Mỹ Hạnh tọt về Trảng Bàng bị bom pháo tiêu diệt gần hết. Ba Kiên chạy về gặp tôi ở Bàu Me ôm tôi khóc muồi như trẻ con. E này chỉ còn lại một đại đội lính lơ láo như ốc mượn hồn, năm 69 rút về trấn giữ quốc lộ 13 đóng vai trò giao liên không thuộc đường, cả ngày cứ chửi đổng, hút thuốc, uống rượu, sau này giải tán, sát nhập, mất luôn danh hiệu F308.

Trong lúc Trung đoàn Thép Củ Chi gồm cả du kích và đội nữ của Bảy Mô họp lại cộng với 1 C của E3/ công trường 9 bị đánh tan tác ở Sa Nhỏ và đám lính rã ngũ từ Sàigòn về, tất cả được 700 tên. Tôi phải chỉ huy một cái E như vậy để choảng nhau với Đồng Dù, Trung Hoà Củ Chi và các lực lượng Mỹ Việt thiện chiến, trang bị vô cùng tối tân có thể nói trong hai cuộc chiến tranh, chưa có trận nào quân Bắc Việt thua trận thảm thê bằng trận Mậu Thân 68.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx