sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 118: Ông Tư "Kẹt" Thót Dế Chạy Tuột Quần, Kêu "Trung Ương Không Sáng Suốt"

Một hôm tôi nói với Tư Kẹt:

- Anh có muốn đi thăm một vài cơ sở của mình không? Tôi sẽ dẫn anh đi.

Ngồi hầm mãi, Tư Kẹt cũng bắt đầu có ghẻ xốn như các cô lủng. Nhưng buồn tình ca nhất là cô Tám không chui chung nữa - nên nghe tôi hỏi Tư Kẹt tỏ vẻ đồng ý:

- Cơ sở có bảo đảm không chú em?

- Dạ bảo đảm 100%. Đây là nơi tựa lưng của cách mạng qua 2 mùa kháng chiến đó anh Tư!

- Chú cho bố trí kỹ nghe.

- Dạ

Mấy ông lãnh đạo xưa nay không mấy khi chịu biết thực tế. Cho nên chính sách ban xuống đều chéo ngoe không thi hành được mà nếu có thi hành bừa nó không phù hợp với nguyện vọng quần chúng. Những ví dụ tầy đình là cải cách ruộng đất, hợp tác xã, Giải phóng miền Nam.

Cải cách ruộng đất: giết hại cả đảng viên trung kiên, phá nát luân lý dân tộc mọi việc tác tệ khác xảy ra ngay bên hè nhà lão mà lão vẫn mù tịt, đến khỉ hay ra thì lão khóc khóc mếu mếu qua loa rồi huề cả làng.

- Hợp tác xã: nông dân vừa lãnh đất, thì bị lùa vô hợp tác xã. Họ kêu ca: "thà làm tá điền cho địa chủ thời Pháp mà được tự do hơn!"

- Giải phóng Miền Nam: để ăn cướp, ai cần? Hi sinh hàng triệu người để xây đắp cho cái ngai vàng Triều đình đỏ. Giải phóng xong, dân Nam Kỳ được gì ngoài mấy cái vỏ dưa? Cụ thể ở Củ Chi xương máu cán binh và dân thường lầy đất. Mậu Thân trở thành biển lửa oán hận ngút trời. Để rước Bác vô! Ai dè oánh không phủng, Bác đi thăm Diêm Vương quách!

Ông bí thư mới muốn đi thì tôi dắt cho đi.

Tôi bố trí canh gác, đường đi nước bước kỹ lắm. Cùng theo ếch-coọc, có Năm Ngó ba tên quận đội và không thiếu bà quận ủy Hai Xót. Tám Phụng đang bận công tác ở xa không về kịp. Liên lạc xích hầu gồm có: Trung đội của Bảy Mô và trinh sát của tôi.

Xế chiều, phái đoàn tập hợp ở ấp Phú Mỹ dọc dường 2 Làng sát rạch Láng The chuẩn bị xuất phát vô ấp Cây Bài.

Tư Kẹt thấy đám "lủng sĩ " thì hấp háy, trịt cặp mất kính xuống ngó trân trân. Các em mặc đồ gọn gàng, quần ni lông ống túm, lưng nịt bao đạn làm căng tròn hai quả cam mật, cần cổ trần ngon hơn cổ gà luộc, tất cả đi qua đi lại triển lãm trước mặt anh Tư đùi dĩa rất chi hấp dẫn. Anh Tư như lân thấy pháo, nhấp nhỏm, rối rít:

- Các em "dũng xĩ" ‘ đó à?

- Dạ phải.

- Cô nào diệt Mỹ giỏi đâu?

- Dạ cô nào cũng giỏi hết anh Tư à! Tôi đáp- Bữa nay tôi chọn toàn gạo cội để hộ giá anh Tư.

Già Tư bắt tay Bảy Mô và các cô. Chìa cái bộ râu dế ra, hỏi:

- E...em nào có dư Mỹ đâu nào?

Tôi đáp:

- Em nào cũng dư hết anh Tư à!

- Cho oa mượn một tên cho đủ tiêu chuẩn được không? Hé hé. Oa cũng muốn làm dũng sĩ oá!

Vừa sụp tối, tôi cho hành quân. Một tiểu đội mạnh có cả B40 và Trung liên phối hợp với đội nữ đi đầu. Năm Ngó cho du kích cản hậu và 2 cậu Tiển Đá đi với tôi sát gót anh Tư.

Ấp chiến lược Cây Bài nằm cặp theo vòng rào Đồng Dù trên đường tỉnh lộ 8A cắt ngang đường 1 làng và quốc lộ 1 ở thị trấn Củ Chi. Ấp chiến lược này dân cư đông đúc phức tạp gồm dân giải phóng mới chạy ra và dân cố cư từ trước, cũng là ấp có nhiều dân đi làm cho Đồng Dù nhất trong vùng. Nói một cách ví von đó là cây chùm gởi bám vào cổ thụ Đồng Dù nhưng ngược lại nó cũng là nguồn sinh lực bồi bổ và là cái hàng rào thịt bao che cho Đồng Dù.

Đi gần đến, nghe tiếng mõ canh rõ mồn một, già Tư níu tay tôi giọng thì thào run run:

- Mõ gì vậy?

- Mõ canh của nhân dân tự vệ. Tôi đáp to.

Năm Ngó thổ địa tiếp:

- Không sao đâu anh Tư. Mình có cơ sở trong đó!

Vào nhà dân, Tư Kẹt ngó lom lom những cái TV màu, vài nhà có tủ lạnh để ngay trong phòng khách. Chủ nhà lấy la de nước ngọt, cam táo, hoặc pha cà phê, sữa, đãi khách và nói chuyện vui vẻ. Già Tư chỉ hút thuốc thơm, không ăn uống gì hết. Ý chừng sợ hưởng chai nước ngọt thừa của Dương Bạch Mai chăng?

Đi thăm nhà thứ nhất xong, ra đường Già Tư níu tay Năm Ngó:

- Thôi đi chú, đủ rồi! Mình về kẻo khuya.

Năm Ngó nói:

- Đây chưa phải là cơ sở chính. Mời anh Tư đi chút nữa.

- Xa không?

- Dạ nới đàng kia.

Già Tư bỗng giật nảy người:

- Cái gì sáng sáng vậy?

- Dạ đèn pha của Đồng Dù.

- Ủa, gần vậy sao?

- Dạ nó ở ngay kia, chút nữa mình vô giữa ấp sẽ nghe kèn nhảy đầm của lính Mỹ.

- Còn cái gì sáng kia nữa?

- Dạ đó là quận lỵ Củ Chi.

- Còn mờ mờ như trăng lú mọc kia?

- Dạ đó là Sài Gòn.

- Ủa Sài Gòn gần vậy à!

- Dạ chừng 30 cây số thôi!

- Còn vành đai thép diệt Mỹ ở đâu?

- Da để hôm nào anh Tư đi theo du kích bắn tỉa thì thấy.

Già Tư bảo trở về, chúng tôi phải vâng lệnh.

Sáng hôm sau, nhân lúc tình hình đang yên tịnh, tôi, Năm Ngó và Tư Kẹt không xuống hầm, ngồi uống trà bên trên. Già Tư hỏi tôi:

- Mấy cái TV tôi thấy đêm qua là ở đâu vậy chú em?

- Dạ của chủ nhà.

Tư Kẹt tỏ vẻ ngạc nhiên. ý chừng bụng nghĩ: vậy tôi tưởng họ mượn ở đâu về để khoe chớ! Chắc già Tư tưởng dân ấp chiến lược như hợp tác xã ngoài Bắc. Nghe nói có lãnh tụ tới thăm thì chưng dọn nhà cửa khác thường để khoe hợp tác xã của mình lên cấp 1, hơn hẳn các hợp tác xã khác (Phạm Văn Đồng vẫn thường quen miệng khoe "tính hơn hẳn của chế đệ XHCN đối với Tư bản chủ nghĩa ". Rất tiếc họ Phạm không có ở đây để nhìn cái "tính hơn hẳn " đó)

Ngồi uống cạn bình trà, Tư Kẹt mới buột miệng:.

- "Cây đa bến cũ con đò khác đưa" 1 hỏng bét rồi!

Tôi không hiểu, Năm Ngó càng không hiểu già Tư nói gì. Tôi mạnh dạn hỏi:

- Anh Tư bảo cây đa nào ở đâu? Chớ ở đây chỉ có cây xoài múc tụi con nít leo lên canh gác thôi.

Năm Ngó tiếp:

- Dạ ấp chiến lược nằm trên ấp Vĩnh Cư thuộc xã Phước Vĩnh Ninh rất xa con suối Bà Cả Bảy, nên mình không cần đò ạ!

Già Tư hỏi tôi:

- Chú về Nam năm nào?

- Dạ năm 64.

- Vậy chắc chú đọc báo Nhân Dân thường xuyên chớ?

- Dạ tôi thấy thường thường.

- Chú có đọc bài "cây đa cũ con đò khác đưa không?"

Một năm Xuân Thu nhị kỳ tôi mới đọc hết một bài trên báo này (ngoài mấy bài diễn văn tếu của lão trọc) nhưng cũng đáp ẩu:

- Dạ có!

- Chú thấy thế nào?

- Dạ ý anh Tư muốn sao ạ?

- Hợp tác xã so với ấp chiến lược thế nào?

- Dạ...

Bố tôi cũng không dám nói hợp tác xã là một sự ngu xuẩn của đám lãnh tụ Hà Nội, chúng đạp cứt Kholkhoz Liên Xô và công xã nhân dân Trung Cộng là nỗi oán hận của nông dân miền Bắc, nhưng tôi phải nói ngược lại.

Già Tư chép miệng:

- Hỏng bét rồi!

- Dạ cái gì hỏng ạ? (Cuộc hành quân đêm qua có gì sơ sót không vừa ý bệ hạ chăng?)

Già Tư không nói, chỉ thở dài sườn sượt và lắc lư cái đầu bạc phếu trông rất thảm não.

Tư Kẹt nói với Năm Ngó:

- Sẵn dịp tôi cũng muốn xem luôn cái địa đạo... chiến của các cô em.

- Dạ được anh Tư ạ! Cái chiến thuật này có từ lúc nhà báo Buộc Sết đến đây.

Già Tư ngớ ra:

- "Bụt-xết" nào?

- Dạ, đó là anh nhà báo bên Liên Xô hay bên Tây gì đó sang đây hồi xưa.

- Ừa có vụ đó nữa sao?

- Dạ có chớ. Chính ông ta xem đội dũng sĩ này biểu diễn cho ổng quay phim và đặt cho chiến thuật đánh Mỹ ở Củ Chi là "Địa đạo chiến" đấy ạ.

- Địa đạo của ta thần thánh như thế mà ta chưa tuyên truyền đúng mức nên quốc tế mù tịt, không biết gì cả.

- Dạ sau Buộc Sết, có cả một bà nhà báo đầm Tây và một ông giáo sư đại học Liên Xô tới nữa đó anh Tư!

- À vậy hả? Nhưng coi chừng ông Liên Xô, ổng đang ngoặc với Mỹ!

- Dạ, ổng nói chuyện thuận lợi cho chúng ta không hè. Ổng có coi bác sĩ Tám Lê cưa tay chiến sĩ không có thuốc mê bằng cưa sắt như hồi 48 đó anh Tư. Ổng khen lắm.

- Bậy quá. Cho ổng coi làm chi mấy vụ đó?

- Dạ đó là chỉ thị của khu ủy. Làm như vậy để xin viện trợ ạ.

Già Tư đấm đấm trán:

- Bậy! Bậy quá! Thiếu gì cách xin mà lại đưa vụ đó ra. Tôi e phản tác dụng.

- Dạ không ạ, ông giáo sư hứa về bển sẽ tích cực xin Chánh phủ Liên Xô cho thuốc men bông gòn và thuốc sốt rét.

- Các cậu không biết. Tình hình quốc tế nguy hiểm lắm. Mấy năm trước đồng chí Mi-ăn-cu, ủa, Mi-cu-ăng sang thăm nước ta có nói chuyện với dân Hà Nội, ông ấy bảo chúng ta nên xây dựng đất nước hơn là theo đuổi chiến tranh... - Già Tư hình như sợ trật đường rầy nên ngưng ngang - Còn các e... em dũng sĩ đâu cả rồi?

- Dạ họ về căn cứ của họ.

Tuy cuộc đi thăm dân ấp chiến lược cho biết cái sự...đời diễn biến và kết thúc mỹ mãn nhưng anh Tư coi bộ không vui. Lúc sắp vô hầm (trên mặt đất) ngủ, anh Tư mới thở hắt ra như một tiếng than thầm, không nói thì ấm ức, còn thốt ra thì sợ người khác nghe được bắt tội phạm thượng, cho uống nước ngọt.

- Trung ương không sáng suốt... Cách mạng hỏng mất rồi. Miền Bắc thua xa miền Nam.

Tôi không dám nói gì hết. Chỉ nghĩ thầm: các ông thấy rõ thực tế, nhưng khi báo cáo thì các ông sẽ tô hồng chớ không khi nào dám nói 1/100 sự thật.

Hôm sau Tư Kẹt triệu tập các quận ủy Đông, Tây Môn (Hóc Môn chia thành hai quận đông và tây) Gò vấp, và Nam Chi Bắc Chi đến nghe anh Tư phổ biến chỉ thị Trung ương về tình hình và nhiệm vụ mới, nhưng chờ mãi không có ai tới được. Lại bị chụp vén ót mãi, già Tư teo quá. Tôi phải di tản thương binh của quân y Nam Chi và căn cứ của Bảy Thung ở xã Phước Vĩnh Ninh để có nơi cho già Tư tá túc.

Cuộc họp le hoe mấy cán bộ xã trong cụm cao su Mỹ cày còn sót sát ruộng Láng The dọc đường 2 Làng, tức là xóm Phú Hiệp thuộc xã Phú Hòa Đông với sự canh gác của đơn vị tôi. Cả bọn ngồi lẫn trong những gốc cao su, nói lào khào như vịt xiêm, không dám nói to sợ cóc nhái nghe. Cũng may là ban đêm không có tên nào nhìn mặt tên nào nên đỡ sượng cái bánh bèo của đảng. Họp tới khuya thì ai xuống hầm nấy. Định họp 3 đêm mới xong. Đêm nào tôi cũng phải đưa anh Tư về căn cứ riêng biệt bên kia đường 1 Làng (đi thẳng vô chợ Phú Hòa Đông).

Nằm dưới hầm nghe mấy tên em út "đi" Sài Gòn như Bảy Đạo tham mưu trưởng quận đội và tên Vũ Mạnh Liên chánh ủy E kêu loa từ trên máy bay lồng lộng. Già Tư rêm lắm, y như tên ăn trộm sắp bị tóm, lúc nào cũng hỏi tôi: Căn cứ có bảo đảm không, có bảo đảm không?... Tôi đại diện cho Trung ương đây nghe đồng chí... í. Lỡ có bề gì thì nguy lắm!

Tôi đáp:

- Anh Tư đừng lo. Tôi chết anh Tư mới chết!

- Ý bậy nào! Mình phải sống để hoạt động chớ!- Anh Tư cố nói cứng bằng hai hàm răng đánh bò cạp nghe mà tội nghiệp.

Hội nghị được một đêm, sáng hôm sau Sư đoàn 25 chụp ngay chóc. Quân Mỹ đi vàng đồng, phản lực nhào xoáy tốc nóc nhà, loa kêu, pháo bắn sát bên hè. Cánh trực thăng xòe ra che mát cả một vùng. Già Tư như lên cữ rét. Mặt mày cắt không được hột máu. Già Tư bảo:

- Cho mình xuống địa đạo mau đi!

- Dạ địa đạo do xã quản lý chớ tôi không có xài!

- Thằng Ngó đâu rồi?

Thời may Năm Ngó vừa chạy tới. Già Tư bảo:

- Cho tôi xuống địa đạo mau chú!

Mặt Năm Ngó dớn dác. Tôi biết làm gì có địa cho già Tư xuống nghỉ mát. Các thứ địa đạo 2 tầng 3 tầng chỉ có trong bộ óc giàu tưởng tượng và trong sự lãng mạn của Hà Nội và quốc tế ngố thôi chớ lòng đất Củ C. này không hề biết cái kỳ quan "dài 100 mao" hay "121nches" đó. Năm Ngó bẩm:

- Dạ nó đổ chụp như vầy là thường, không ăn thua gì đâu anh Tư.

- Nhân dịp này, cho tôi xuống địa đạo xem qua để về báo cáo với trung ương.

- Dạ, nó đánh hóa học và súng phun lửa, ở dưới nguy lắm.

- Kệ nó, cứ cho tôi xuống, kẻo rồi không có dịp xem!

- Dạ cái cửa địa đạo cách xa lắm. Sợ anh Tư chạy không nổi!

- Chạy xa nhưng bảo đảm hơn ở trên chú à!

Trực thăng bay xè xè, ngó thấy cả phi công Mỹ. Tôi nháy Năm Ngó:

- Thôi cứ đưa anh Tư xuống tầng 2 cho an toàn.

Năm Ngó lôi già Tư ra vườn. Cả hai xuống hầm. Xuống hầm thì phải có em nuôi, con nuôi chui cùng, chớ chui sô lô thì còn lý thú gì! Nhất là một thằng già song ca với một thằng sồn sồn thì càng ngấy. Tôi đậy nắp hầm nghi trang cho già Tư và Năm Ngó rồi trở lui. Ơ dưới đó tha hồ Năm Ngó đưa anh Tư xuống tầng 2 tầng 3 có bếp Hoàng Cầm... múc nước giếng đào trong lòng địa đạo 16 thước bề sâu, nấu trà tẩm gân khỏe ru. Rồi vặn đài Giải Phóng nghe tin chiến sĩ ta "chiếm Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn"

Uống trà xong sẽ có các cô em nữ y tá đến tiêm thuốc khỏe rồi đưa đi xem đội văn nghệ của nhạc sĩ Phạm Sang biểu diễn cây đờn cò Tây. Chiều lại dẫn anh Tư chui vô đít Đồng Dù nghe Bốp Hốp biểu diễn cho lính Mỹ trên mặt đất xem. Xong, sẽ đưa anh Tư đến cửa hàng bách hóa Củ Chi mua gì thì mua, bằng ba thứ tiền của Liên bang Đông Dương Việt Miên Lèo, hàng nào của phe xã hội chủ nghĩa cũng tràn ngập chớ không như bách hóa Hà Nội trống rỗng chỉ có hàng mẫu không bán!

Anh Tư bị trầy xước da chân, bánh chè trẹo sai chỗ. Không sao, Năm Ngó đưa anh Tư tới quân y viện của bác sĩ Võ Hoàng Lê (sau này là đại tá quân y được Hà Nội gán cho danh hiệu anh hùng quân đội) người bác sĩ độc nhất thế giới mổ óc dưới địa đạo Củ Chi! Bà Thắm vợ của bác sĩ Lê, vừa qua cơn ghen vĩ đại, sẽ tự tay băng bó vết thương cho anh Tư và bác sĩ Lê sẽ phục hồi chức năng cái bánh chè cho anh bằng sérum Bogomoletz của Liên Xô mới viện trợ qua đường hầm mặt trăng chở trên tàu vũ trụ của Gagarin....

Châu du địa Củ Chi 3 ngày liền không một tí mặt trời chạm da, anh Tư trồi lên mặt đất Củ Chi với sự thán phục quân dân Củ Chi vô vàn anh dũng. Anh Tư tưởng đã lột xác như Chung Vô Diệm thám địa huyệt cực kỳ lạ lùng. Nhờ phép Mác Lê Mê Lác mà già Tư trở nên một chàng trai tuấn tú khôi ngô. Vừa trông thấy anh Tư, các em dũng sĩ ào tới hôn hít ra rít.

Một cô vuốt mái tóc thề của già Tư, âu yếm hỏi thăm:

- Bác Tư bữa nay trông đẹp trai tệ! Bác Tư thăm địa đạo có vui không?

Già Tư cười tươi như mếu, vuốt mớ tóc chó Cò lòa xòa trên trán gồ nhăn đẫm mồ hôi.

- Các e e... lủng xỉ đó hả. Ở dưới địa như có máy lạnh khác nào villa của anh Ba anh Hai ở đường Quan Thánh Hà Nội. Anh... anh tưởng trẻ lại vài chục cái xuân xanh.

Một cô liếng thoắng đến vuốt xương sống Già Tư hỏi:

- Cháu thấy Bác Tư trẻ hơn Bác Hồ đó. Bác kể chuyện địa 3 tầng cho chúng cháu nghe với. Thú thiệt với bác chúng cháu chưa có lần nào xuống dưới đó cả.

Út Nhỡ, cô dũng sĩ đã từng quào rách mặt 1 lính Mỹ ở địa gần Cây Điệp trong cuộc càn Mahattan và đã được đài Giải Phóng tuyên dương anh hùng diệt Mỹ 18 lần, đem nước đến dâng Bác Tư:

- Bác uống một hớp rồi kể chuyện địa 3 tầng cho chúng cháu nghe.

Già Tư phóng mắt nhìn tô nước và hỏi:

- Nước gì nâu nâu giống màu cứt trâu khô vậy?

Tụi con gái lý lắc cười om, Út Nhỏ nói:

- Bác Tư bảo vậy tội chết. Chúng cháu đâu dám cho bác Tư uống nước cứt trâu. Đây là nước mắc cỡ đấy! Dạ nước mắc cỡ đấy bác Tư!

- Tao bảo đừng có xưng "bác chú" mà nên xưng "anh em" cho thân mật nghe chưa?

- Dạ vâng. -Út Nhỏ tiếp - Tụi em lo cho "anh Tư" (ừ, kêu vậy nghe phải thầm tình đồng chí vô sản rởm không? Cái con nỡmm này!) xuống dưới địa rồi giống như bác Hai Phón và chú Tư Quợt bên Bến Cát đấy ạ!

- Hai Phón nào? Tư Quợt nào?

Bọn con gái cười, đấm lưng nhau thùm thụp. May sao chúng không nói toạc ra. Hai Phón là phó tư lệnh mỹ danh là Trần Hải Phụng có tật nghe pháo bắn là chui hầm trước nhất và cái vòi rồng bao giờ cũng sẵn sàng rưới nước ướt cả hầm. Còn Tư Quợt mỗi lần Mỹ chụp thì vừa đái vừa ỉa, nên không ai dám trốn chung hầm.

Có lẽ Già Tư rành biện chứng pháp nên đoán được những đức tính của các đồng chí kể trên, Già xua tay:

- Anh Tư không có thế đâu! Cho anh một tô nước.lạnh để lấy lại trí nhớ kể cho các em nghe chuyện địa 3 tầng!- Già Tư bất mánh xưng "anh em" luôn với các cô- Thiệt là không thể tưởng tượng được. Đi ở dưới thênh thang như dạo Bờ Hồ, không phải bò trườn, khỏi cả khom lưng. Anh ở dưới 6, 7 tháng ủa 6, 7 ngày mà không mất miếng thịt nào. Chợ họp còn đông hơn chợ hắc xì... Đồng Xuân, cửa hàng đầy ấp vải lụa, bánh trái. Anh gặp đồng chí Hoàng Cầm đang lý thuyết về cái "bếp không khói" nữa. Luôn tiện anh thăm luôn bệnh viện và tặng quà cho chiến thương. Trời, ở dưới đó có cả nữ cán bộ đẻ con thiệt an toàn. Đẻ con xong giao con cho nhà trẻ rồi bò lên đi công tác Con nít dưới đó uống toàn sữa Liên Xô.

Một cô đưa đà:

- Anh có xem vườn hoa không?

- Ờ ờ, có chớ. Đi xa mỏi chân, chú Ngó có dẫn anh Tư đền ngồi ở vườn hoa Con Cóc nghỉ mệt. Anh có hái mấy đóa để về gắn lên áo các em dũng sĩ cho tươi đây.

Bọn con gái vỗ tay reo: Hoa của tụi em mới xin giống Mùa Hoa Nở của Liên Xô trồng làm kiểu mẫu đầu tiên đó anh Tư. Sau này sẽ còn nhiều vườn hoa ở dưới đó nữa.

Già Tư khựng lại rồi tịt luôn.

Năm Ngó không muốn thấy ông thượng cấp đi lố cồn xa quá khó rút lui, nên quát:

- Thôi bây đừng có hỏi nữa, để anh Tư nghỉ khỏe, đặng đi thăm "vành đai thép" của tụi bây tối nay.

Út Nhỏ bướng bỉnh:

- Muốn xem cho rõ thép đen hay thép đỏ thỉ phải đi ban ngày chớ ban đêm tối thui làm sao thấy, chú Năm!

Năm Ngó trợn mắt ý chừng muốn bảo:

- Anh Tư đeo kiếng lão, ban đêm cũng như ban ngày không thấy gì hết, nhưng anh Tư còn có cái lỗ mũi và hai bàn tay hiểu chưa?

Già Tư ngồi ngớ ra nhớ lại cuộc "du địa" phủ... vừa qua:

Ngay đêm đó, dưới làn đạn của mấy chục xe tăng bao vây Bàu Lách, tôi phải hộ tống anh Tư mở đường máu chạy suốt đêm lên sông Bà Hảo để vọt qua đất Miên mở đợt 3 Tổng công kích Nam Vang. Lúc chia tay, anh Tư cảm động nói với tôi:

- Đồng chí ở lại rán giữ vững cơ sở nhé!

Dạ. - Nhìn lại xiêm y của anh Tư, thấy lõa lồ thảm não quá, tôi cởi cái quần kaki dài đưa cho anh Tư, kẻo chạy ngang phum Chà Ruột bọn Cao Miên ra đón tiếp thì bất tiện ghê nơi vậy đó anh Tư bầy trẻ à! Nghe nói sau đó anh Tư đến Swayriêng 2 an toàn. Cũng may là ở đây không có cây cầu khỉ nào nên Năm Ngó không phải cõng anh Tư như cõng anh Chín qua Rạch Cây Da và khỏi phải ướt ưng áo.

Từ đêm đó không thấy anh Tư trở lại để chúng tôi cho ảnh tham quan cái "vành đai thép" của mấy em. Nhưng cái tô nước "mắc cỡ" chắc anh Tư uống thấm tới ruột cùng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx