sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 126: Những Chuyện Đời Chưa Thấy

Đồng Dù như cái quạt xòe ra, mỗi đạn đạo là cái nan vô hình chĩa vào các cứ điểm của Việt Cộng không sót một nơi nào. Tính từ đường 1 Làng trở lên Trung Hòa từ Phước Hiệp ra tận mé sông Sài Gòn thì có: Bàu Tre, Ba Xa, Truông Viết, Trảng Cấm, Bàu Chứa, Bàu Tròn, Bàu Lách, Bàu Trăn, Ba Gia, Bến Đình, Bến Cỏ, Ngã Ba Cây Trắc, Bến Nẫy v.v...

Từ đường 1 Làng trở xuống, trước kia có một số vùng tranh chấp nên Mỹ không bắn, nay trở thành khu oanh kích tự do. Đồng Dù hủy diệt cả Rạch Cây Da là điểm pháo của Bình Dương, nơi ông Phó Tư lệnh R Chín Vinh mới bị một loạt 175 đã són trong quần. Mỹ nó biết đánh giặc chớ ông Phó?

Tôi và Thu Hà sáng nào cũng ngồi chờ chụp. Nếu nó chụp chỗ khác rồi chúng tôi mới yên tâm sống vài tiếng đồng hồ trong Hòa Bình. Nhung lắm khi chúng chụp một lúc hai ba điểm, hoặc nhảy cóc liên miên. Mới thấy nó đổ xuống Bàu Lách mình ở Bàu Cạp, tưởng đã yên thân, thì chúng lại xúc quân ở Bàu Lách đổ xuống Ba Xa. Rồi từ Ba Xa vọt lên Gót Chàng. Đó là chưa kể xe tăng và pháo yểm trợ. Ngày xưa các chiến tướng không rời giáp, ngựa chằng rời yên, ngày nay lính GP ăn cơm cũng đeo súng. Hở là máu đổ, hở là đem chôn.

Cuộc sống xoay như chong chóng.

Thu Hà mệt lả. Nàng tưởng về Củ Chi có thể dưỡng sức nào ngờ ở đây còn mệt hơn. Ở Tam Biên tuy uống nước suối, bị muỗi đòn xóc chích (3 phát là run eng), nhưng nằm trùm chăn rên mà không sợ gì khác, ngoài B52. Còn ở đây chỉ kém sốt rét còn các khoản đưa đến cái chết thì không đâu bằng. Bom pháo, biệt kích, mìn bẫy, xe tăng, đổ chụp lớn nhỏ....không kể đêm ngày. Những kẻ sống sót thất thểu ở khoảng trống giữa hai làn đạn.

Một hôm chạy mệt lả, kiệt sức, Thu Hà bảo tôi:

- Sao anh không qua đóng ở Tầm Lanh thử ít ngày xem?

- Em cũng biết Tầm Lanh nữa sao?

- Biết chớ. Em xem bản đồ thấy nó ở gần suối Bà Cả Bảy, cây cối xanh tươi mát mê lắm!

- Nhưng em chưa biết lịch sử của nó đâu. Từ Lâm Vồ qua đó chừng 3 tiếng đồng hồ cuốc bộ. Nếu mỏi chân thì ghé Ràng uống nước đá rồi qua Tầm Lanh.

- Bữa nào tình hình êm, em với anh đi uống nước đá một bữa!

- Vậy từ về Củ Chi tới nay em chưa "hủ hóa tiểu tư sản" à?

- Em có uống một ly xi-rô nhưng em thích uống nửa ly, anh uống nửa ly. Em thích anh ăn nửa tô bún còn nửa tô đưa cho em. Vậy đó anh hiểu chưa?

Tôi hiểu rồi. Tôi cũng muốn như vậy. Nhưng làm sao tôi nói với nàng rằng hiện nay Tầm Lanh là bãi tha ma. Ai cũng sợ ma Tầm Lanh nhát. Ai qua đây, phải chạy chớ không dám đi, vì con ma đầu trọc. Đó là Ba Lanh Ev E88 của Năm Sĩ. Ban Chỉ huy E chỉ sống sót có một mình Năm Sĩ.

Tôi hỏi nàng:

- Em sợ ma không?

- Em không tin dị đoan.

Nhiều lần bị chụp rát, nàng cứ đòi xuống địa. Nàng thiết tha:

- Ở trên Trường Sơn em nghe đài giải phóng nói Củ Chi có hằng trăm cây số địa đạo, có phòng đọc sách, có bệnh viện giải phẫu óc, có nhà thương sản phụ, có câu lạc bộ cho bộ đội xem văn công... em mê quá. Em định bụng về đến nơi thế nào em cũng xin đi nằm bệnh viện vài ngày để dưỡng sức.

Tôi tiếp:

- Địa đạo Củ Chi hiện nay đang phát triển mạnh. Nó luồn qua cả sông Sài Gòn đến Bến Cát đó em. Để hôm nào anh sẽ đưa em qua sông chơi.

Thu Hà phấn khởi tiếp:

- Đài giải phóng còn nhắc lai lịch địa đạo Củ Chi hồi kháng chiến chống Pháp.. Hồi đó làng nào cũng có địa đạo. Mỗi lần Tây vô ruồng là đồng bào xếp hàng đi xuống địa đạo, nhiều gia đình đem theo cả heo gà để khỏi bị Tây bắt.

Tôi gạt ngang:

- Heo gà mà nói làm chi. Cả trâu bò nữa cơ đấy.

- Thế à. Trâu bò cũng xuống được à?

- Từ cơ sở cũ, bây giờ địa đạo mới bung ra thênh thang, nhiều chỗ có kho lúa nông nghiệp. Nay mai sẽ có chợ chồm hổm, sân banh, trường học nhà giữ trẻ, mà hổng biết chừng có cả xe bò vận tải gạo ở dưới đó nữa.

Thu Hà vỗ tay reo:

- Vày nay mai, em sẽ xin ở trên cấp cho em một phòng để may quân trang cho bộ đội.

- Rồi đây ban địch vận hoạt động mạnh, lính Mỹ sẽ đào ngũ đem quần áo về cho mình xài đâu có hết! Mới vừa rồi anh tặng cho nông hội mấy xe bò đồ "trây di."

Thu Hà chắt lưỡi:

- Em nghe anh nói em mê quá. Chừng nào anh cho em tham quan địa được?

- Anh sẽ đưa em qua sông Sài Gòn bằng đường hầm dưới đất cái. Bên đó em sẽ gặp ông Hai Quợt bí thư quận Bến Cát. Ông ta sống liền tù tì dưới địa 6 tháng trong lúc trên mặt đất bom đạn và lính Mỹ tàn phá không còn một ngọn cỏ. Cả mấy làng đều trở thành bãi tro than. Thế mà ổng vẫn sống nhăn.

Thu Hà hỏi:

- Mỹ nó không dùng B52 sao anh?

- Có chớ sao không! Nhưng bom rơi trên lưng địa chẳng khác nào banh vồng trên sân cỏ. Trái nào nổ cũng chỉ sâu vài thước, còn mình ở tuốt dưới..., ăn thua gì!

- Em nghe nói bom khoan sâu từ 6 đến 12 thước mà sao không ăn thua.

- Tầng 3 địa đạo sâu 16 thước. Nếu có rắc ngay thì mình chỉ hơi nhức đầu, uống 2 viên aspirine là khỏi thôi.

- Ủa có tầng 3 nữa sao anh?

- Có chớ. Tầng 1, tầng 2 và tầng 3. Khi tầng 1 bị tấn công bằng hơi độc hoặc súng phun lửa thì mình rút xuống tầng 2 đậy nắp lại. Nếu tầng 2 bị tấn công mình sẽ rút xuống tầng 3 nghỉ ngơi lấy sức rồi luồn lên tổng phản công lại.

Thu Hà hỏi:

- Nếu nó tấn công luôn 3 tầng thì mình làm sao anh?

- Thì mình bố trí hỏa lực chống lại. Trời! Đánh địa đao chiến khỏe lắm. Lính Mỹ là một tụi gà tồ không biết gì cả. Hễ chúng nó mò xuống thì các cô dũng sĩ lụi hết chớ đâu có tới bộ đội. Cả xe tăng cũng thế mà! Bắn hạ chúng xong, du kích chui xuống địa đạo, tụi sống sót biết nơi nào mà tìm. Thế là nó bỏ xác xe tăng cho mình cạy gỡ đem về nấu thép chảy bằng nồi om đúc ra lựu đạn. Tụi thằng Năm Cội, con Tư Gừng chế tạo mìn nội hóa là nhờ xác xe tăng đó chớ.

Thu Hà nghe tôi "kể" chuyện về sự kiến trúc địa đạo mà mê tơi. Nhưng khổ cho tôi là nàng cứ nằg nặc đòi xuống tham gia địa như nhà báo ngoại quốc nọ. Tôi cũng khất lần cho qua truông cho đến mấy tháng sau xẩy ra trận Vườn Trầu.

Bỗng một hôm nàng bảo nhỏ tôi:

- Em tắt kinh rồi anh ạ!

Tôi chờ đợi câu nói này từ lâu. Nhưng khi nghe nàng bảo, tôi vẫn ngạc nhiên:

- Em... em... lâu chưa?

- Tháng rồi.

Tôi mừng vô cùng. Sắp được làm cha. Mình sẽ hôn con mình, không phải hôn khín con ai. Với cái bụng bầu nàng không thể qua lọt miệng hầm. Đó là lý do duy nhất để tôi từ chối không đưa nàng xem địa. Nhưng nàng lại bắt tôi phải xin cho nàng một nơi để gởi con sau khi sanh. Ối! chuyện đó còn lâu, để đó anh lo. Thế lại qua truông.

Rõ các bà hậu cần ngây thơ thật! Cũng như lão Tư Kẹt ngố! Nhưng nhân loại cũng ngây ngô có kém gì. Là do ngòi bút của bọn báo biếc bất lương lô-can lẩn quốc tế.

Trong tiếng pháo Đồng Dù, Trung Hòa, trong tiếng bom nổ rung đất, dưới ánh sáng hỏa châu, đèn trực thăng soi, chúng tôi tìm một nơi an toàn trên mặt đất có thể dùng làm chiếc nôi cho đứa bé sắp ra đời. Tôi chợt nghĩ tới Sáu Hùm và cô dũng sĩ Bảy Bánh Ú nay đã buông súng để nâng bầu sữa nuôi con. Thằng bé sống trong cái hang đất. Tôi nhớ đến cô mụ giải phóng Tám Mang không biết giờ này ở đâu? Vườn Trầu hay Ba Xa. Suốt đời đi đẻ cho người khác rồi đến phiên cô ai đẻ cho. Đời bất công lắm vậy!

Tôi nhớ những đứa bé gọi tôi bằng ba" ngọt. Bé Rớt, Bé Liên, Bé Hoàn, Bé Tiền.

Tôi hiểu nỗi đau khổ của nhũng người đàn bà mất chồng một lần rồi hai ba lần trong đời.

Thu Hà rất thích thú khi cầm tay tôi đặt lên hông no tròn của nàng và hỏi:

- Anh có nghe gì không? Con máy mạnh lắm. Chắc trai!

Và tôi thấm thía câu văn của Ilya Erhenbourg văn hào Nga: "Trong chiến tranh những cặp vợ chồng không dán đẻ con, không dám làm nhà ". Thế mà tôi rất sung sướng vì sắp có con ở đây: Củ Chi lửa đạn bời bời. Tôi và Thu Hà bàn luận đặt tên con, một cái tên mặn như muối Trường Sơn, nâu như đất Củ Chi và mát như con sông quê hương Tân Bửu của hai đứa tôi. Tôi khác hơn với Sáu Lức. Từ khi có tin mừng, tôi thấy nhát bom đạn, không xông xáo nữa.

Chơi với lửa đã nhiều, bây giờ sợ lửa.

Cuộc đời cứ mãi mãi là chuyến xe đêm. Bao nhiêu cơ hội tốt lành đã qua. Năm 1954, Trần Bá Xài đem tôi về nhà nhạc phụ ở Cạnh Đền, định gả cô em vợ cho nhưng lại phải đi tập kết. Ở bến tập kết gặp lại người bạn thời thiếu sinh quân, có gương mặt giống Đức Mẹ, hai đứa chỉ chào nhau rồi đi. Ra Hà Nội gặp Ánh Tuyết, ngồi với nhau cả đêm ở vườn hoa Canh Nông, rồi anh về Nam, em đi Trung Quốc. Rồi làm bạn với cô bé sinh viên dược con ông tướng Râu Kẽm v.v...

Trước khi vô Trường Sơn, tôi được biệt phái qua dạy động tác quân sự cho một đoàn dân chánh. Ở đây tôi lại quen với một diễn viên đoàn ca múa Hà Nội. Hai bên cùng thề nguyền sẽ làm lễ thành hôn khi về đến quê nhà.

Chuyến này đôi uyên ương cùng hội cùng thuyền, không có lý gì chia cắt nữa. Nhưng rồi khi đến ngã rẽ xuống Bác Kế - đường xuống khu 5- thì nàng được lệnh về phục vụ Quảng Nam. Thế là chúng tôi phải gạt nước mắt chia tay. Trên đường xuống Quảng Nam, đoàn bị phục kích ở Eo Máu. Nàng bị một mảnh đạn nhỏ, đáng lẽ không chết mà chết.

Chúng tôi mơ một viễn ảnh huy hoàng. Nàng sẽ biểu diễn trên sân khấu Sài Còn giữa ánh sáng chiến thắng. Tôi mặc quân phục giải phóng quân đón nàng. Hai bên cha mẹ sẽ ôm con mừng rỡ xiết bao và sẽ tác thành cho đôi trẻ.

Lúc chia tay nàng trao tất cả hình ảnh của nàng đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới, cái thì múa quạt, cái thì múa xòe, cái thì chèo thuyền trên sông Danube, cái thì tắm biển ở Krimee. Nàng còn đưa cho tôi một kỷ vật và dặn không được đánh mất. Đó là đôi giày trẻ thơ nhỏ xíu nàng mua ở Trung Quốc: "Chúng ta sẽ có con..."

Rồi nàng cắt cho tôi một mép tóc.

Nhưng rồi giấc mộng đã vỡ tan. Kẻ đi Quảng Nam không bao giờ còn đặt chân về quê chồng nữa. Còn chàng về quê chỉ với mép tóc Vũ Phương Thảo - người con gái có đôi chân tuyệt đẹp với phép thần đạp lùi cả ngàn dặm núi rừng.

Tất cả những gì nằm trong tay đều đã tuột đi hết. Con người của tôi có duyên mà không có nợ. Bắt đầu thì tươi sáng, nhưng kết cuộc thì tối om.

Tôi ngỡ là không bao giờ chuyến xe đêm còn trở lại rước ông khách lạc lõng này ở giữa chốn bụi đời. Từ sau hôm đó, tôi chỉ còn một giấc mơ: đặt chân lên quê nhà, gặp lại cha mẹ và các em. Nhưng đến Mã Đà, thì làm quen với Thu Hà.

Ở đây nằm lểnh nghểnh những bệnh nhân đủ loại. Tôi có cảm tưởng tất cả bệnh tật của thế gian đều gom lại vùng rừng núi này: sốt rét, đau bao tử, đau gan, phù thũng, tê bại, mù lòa, ghẻ lở, không thể kể hết những chứng bệnh do đói rét gây ra. Một thằng bạn đoàn viên trong đoàn của tôi, Trần Chánh Lý, phó phòng tăng đang đi bỗng xin ngồi nghỉ "một chút". Tôi chờ nó đúng "một chút" đến kêu nó đứng dậy đi. Thì nó đã chết. Một chút đã trở thành thiên thu. Cả đoàn phải dừng lại để chôn nó bên đường. Chưa đến Mã Đà mà anh hùng đã tận.

Nhiều ông già bướng bỉnh xin về Nam cho được. Đi chưa đến 10 trạm đã nằm và không bao giờ đứng dậy. Nhiều ông già không đi được nữa, cố lết gần đến ranh Bà Rịa bảo anh em "khiêng cho tao qua đất Bà Rịa rồi tao chết: Tao đã đến đất mình!"

Trái tim đau cần thuốc trị. Dòng sông cần đò ngang. Thuốc trị và đò ngang của tôi: Thu Hà.

Tôi gặp Thu Hà như một định mệnh. Một người con gái cùng quê. Chính bàn tay của nàng đã là phép lạ nâng gót tôi đi qua khỏi Mã Đà Sơn cước anh hùng vận. Hôm nay, tôi đang sống với Nàng trên đất Củ Chi mà cứ ngỡ là mộng.

... Suối tuôn bọt trắng xoá dưới chân. Nàng đã đi xuống giữa lòng suối, quay lại ngoắc tôi. Tôi ngập ngừng mãi mới bước theo. Nàng chụp lấy tay tôi, kéo ập vào nàng, rồi hai đứa trửng giỡn với nhau như trẻ con. Khi yêu nhau người ta trở thành trẻ con- dù ở tuổi nào. Cát hai bên bờ nâu non mịn màng. Chim hót véo von bên bờ cây xanh rợp bóng.

- Anh sợ nước à!

- Không sợ gì hết.

- Sao không dám lặn. Nào có lặn đua không?

Rồi một tay nàng bịt mũi tôi, một tay nàng tự bịt mũi nàng - Hai đứa cùng lặn. Đứa nào trồi lên trước phải thua. Tôi thua nàng.

Nàng bảo:

- Tắm cho đã đi! Về trên An Điền không có suối đâu mà lặn. Chỉ có nước giếng và măng le thôi.

Rồi nàng đưa tay ôm choàng lấy tôi để hai đứa cùng hụp xuống. Tôi bị nước vô lỗ tai và không tắm tiếp nữa, leo lên bờ. Nàng chạy theo dỗ dành. Tôi mặc quần tiều còn nàng thì mặc đồ tắm biển. Nữ sinh đi kháng chiến còn vương bụi đô thành. Chúng tôi bẻ lá làm ụ như ổ heo rừng nằm với nhau dưới nắng và nhắc các bạn cũ ở trường. Nàng bảo: mình giống như đôi tân hôn đi hưởng tuần trăng mật ấy nhỉ? Tôi hỏi trăng mật là gì? Nàng nói riêng Pháp tôi mới hiểu, à ra thế. Con trai bao giờ cũng chậm tiến hơn con gái về điểm này.

Chúng tôi đã công tác chung với nhau hơn một năm. Nay cơ quan chia đôi và dời địa điểm, phải xa nhau. Nàng đứng dậy chào tôi, vụt di, không bắt tay cũng không từ giã. Tôi nhìn theo dáng nàng đi xa dần lẫn trong lá xanh rồi khuất. Làn da ngà còn lưu lại chút dư hương. Tôi nghẹn ngào kêu lên:" Cúc! Cúc!" và chạy đuổi theo.

- Anh kêu ai vậy? Tiếng Thu Hà bên tai.

Thì ra là một giấc chiêm bao. Thu Hà hỏi:

- Anh gọi Cúc nào?

- Anh có gọi Cúc nào đâu?

- Anh mới vừa gọi. Nãy giờ em đâu có ngủ. Anh nói gì em đều nghe cả mà!

Tôi ậm ờ một chốc rồi nói:

- Ờ ờ, anh nhớ ra rồi. Sáu Cúc, Phó ban Quân Báo khu ấy mà.

- Anh nằm chiêm bao gặp ổng à?

- Hồi trước anh liên hệ công tác luôn. Ảnh chết rồi. Anh thấy ảnh đầu cổ máu me đầm đìa nên anh la hoảng.

Thu Hà bảo:

- Em tưởng cô Cúc nào chớ!

- Anh không có Cúc, Hồng, Lan, Huệ nào hết, chỉ có Thu Hà thôi.

Thế là qua truông - Tôi vội vã bắt sang chuyện khác:

- Mấy ông lên Cao Miên hết cả rồi. Hay là em về nhà ở với má được không?

- Cái bản mặt em đã vắng ở làng 4-5 năm rồi. Bà con đều biết em đi đâu?!Làm sao mà về được? Lỡ có bề gì liên lụy với gia đình hai bên.

Tôi nói:

- Nếu ở đây thì ở đâu?

Tôi có nghĩ đến nhà Tám Râu. Nhưng về tá túc ở đó thì lại đụng đầu nàng Trúc Mai. Rồi không sớm thì muộn sẽ đổ bể.

Thu Hà nói:

- Ông Hai Tốt đã ôm một bao bạc ra Sài Gòn. Ông ấy thuộc hệ thống hậu cần. Em không biết ổng nhưng biết đâu ổng biết em. Về ngoại rủi đụng đầu ổng làm sao?Thôi thà ở đây sống chết có nhau. Em đã vượt qua bao nhiêu sông suối, bom đạn để về tìm anh. Bây giờ đang sống với nhau lại xa nhau rồi chừng nào gặp lại?

Ông Tham mưu trưởng Trung Đoàn đã từng bày binh bố trận, từng chuyển bại thành thắng, từng bao phen mạo hiểm đánh Mỹ, nay trước một bài toán nhỏ gia đình mà đành vô kế khả thi.

- Em muốn sao anh nghe vậy!

Thu Hà cầm tay tôi đạt lên hông nàng:

- Chúng mình sắp thêm một nhiệm vụ mới.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx