sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 132: Ba Ngày Bốn Trận - Suối Cụt: Trận Đánh Nhỏ, Bi Kịch Lớn; Rừng Tre: Chết 3 Ban Chỉ Huy Đại Đội, 60 Lính; Vườn Trầu: Vĩnh Biệt Tình Yêu & Trận Kết 25 Năm Cầm Súng

Tình hình yên lặng quá! Ở trên cứ giục đánh. Nhưng các ông lớn ở trong hầm rất kỹ, họ quên rằng chính họ đã ra lệnh phân tán mỏng để khỏi bị tiêu diệt. Tán mỏng thì chỉ đánh du kích thôi chớ gầy trận sao được với những cuộc hành quân Việt Mỹ nhỏ nhất là cấp Trung đoàn, lớn nhất là 2, 3 sư đoàn.

Tôi đã yên thân với cái chánh sách đó bên cạnh Thu Hà, chờ đứa con ra đời rồi sẽ tính tới. Nhưng nào có được yên thân. Lệnh phân tán mỏng vừa xong thì lại lệnh phải tập trung đơn vị lại để đánh. Đơn vị như cái xe bò nát, kéo đi cũng rã mà bỏ nó nằm ỳ không xài cũng rã. Vậy tốt nhất đem dùng nó được việc gì hay việc nấy. Súng ống chôn giấu, móc lên. Lính tráng cho nghỉ phép gọi trở lại. Còn cán bộ thì chân tới chân lui, không được mấy người còn nhiệt huyết như gà rót, đá độ nỗi gì!

Trong tình thế đó, ban chỉ huy họp bàn và quyết định đánh bót Suối Cụt. Đó là một cái bót nhỏ thuộc xã Phước Hiệp đâu chừng một trung đôi địa phương quân trấn giữ, nằm trên tỉnh lộ A nối liền với bót Trung Hoa, cách bót Thái Mỹ chừng 4km, cách quận lỵ Củ Chi chừng 6 km. Nếu Suối Cụt bị tấn công sẽ có 3 mũi tiếp viện chớp nhoáng: Trung Hòa, Củ Chi và Đồng Dù.

Mục tiêu rất nhỏ, nhưng rất khó đánh vì không có địa hình thuận tiện cho việc chuyển quân và bày binh bố trận. Ba bên là nhà cửa dân chúng, ấp chiến lược, chợ búa, thất Cao Đài còn một bề thì dây chì gai và bãi mìn chết.

Kế hoạch 11 giờ đêm nổ súng, nhưng chưa tới giờ đã bị lộ. Lính trong đồn bắn pháo sáng kêu cứu. Đại liên trong đồn vét trên mặt đường chặn lối tiến quân của địch. Tôi kêu Tư Thới dập cối mở đường cho xung kích vào.

Cây xăng tư nhân bốc cháy sáng lòa.

Trinh sát báo cáo: - Tụi thằng Sáu Đông bị mìn văng mất cây 12/8 rồi.

Toán xung kích bậc thang leo lên nóc bót bị dội xuống báo cáo: nóc bót đầy bùi nhùi gai, leo lên không được. Tụi lính chống cự ác lắm. Mình lên nhiêu rớt nhiêu.

Tôi kêu đem súng phun lửa tới. Nhưng trinh sát báo cáo: không có! (Tôi quên mất súng phun lửa trên R đòi, đem trả hồi sau đợt 1, còn đâu!) Tôi lại kêu đem bộc phá sào đánh tường. Nhưng đạn bên trong tủa ra, không vô gần tường được. Tình thế thật rối ren. Chiến trận xảy ra chưa đầy 15 phút thì pháo Trưng Hòa bắt đầu đề-pa có trái rơi trúng đội hình của Cl. Một trái rơi sau lưng tôi nghe tiếng miểng phang. Đồn này có công sự bê-tông. Hễ bị tấn công là lính chui hết xuống hầm để cho pháo hủy diệt trận địa. Chơi kiểu này chỉ có thời chống Mỹ chớ thời đánh Pháp không có. Dakota thả pháo sáng rực trời chẳng khác ban ngày.

Thằng Tiển đẩy tôi vô một ngôi nhà:

- Anh vô đó có hầm.

Vô hầm không có máy làm sao mà chỉ huy? Tôi chần chờ. Bỗng được báo cáo: Bảy Sơn Ct C3 bị thương.

Bảy Sơn là xã đội trưởng Phước Hiệp tôi bắt lên phong chức Ct giao cho chỉ huy một C. Sơn đang nghỉ phép nhưng nghe đánh Suối Cụt thì trở về tham dự. Sơn thuộc đường vùng này nên hướng dẫn đơn vị rất nhanh. Bây giờ nó bị thương rồi tôi biết cậy nhờ ai làm hướng đạo?

Tôi có linh tính trận này không ăn gọn như Phước Hưng và Thái Mỹ nhưng không nói ra. Bây giờ quả y như rằng. Cho nên tôi hét: "Xung phong! Xung phong!" Đơn vị nghe lịnh "xung phong" thì hộc tốc rút lui hết. (lệnh xung phong là rút lui) Một ông già ở đâu không biết, chạy đến trước mặt tôi chắp tay xá xá:

- Tôi xin ông chỉ huy đánh tới đó thôi, cho nó sợ đủ rồi. Chớ giết hết thì tội nghiệp cho vợ con họ mà rồi tốp khác kéo đến cũng như không, mà rồi mấy ông cũng không khỏi tổn hao xương máu. Đám lính này hiền khô chớ đâu có khuấy phá gì đồng bào.

Tôi bảo Hai Khởi điều động thương binh ra, Bảy Ga coi việc rút lui còn tôi ở lại giải quyết những vấn đề lòng thòng.

Mẹ kiếp, cái đồn có bằng hai ngón tay tréo, đánh chả được, mất hết uy tín lâu nay. Nhưng nếu chần chờ tới sáng thì xe tăng Đồng Dù sẽ ra chận bít mấy ngách hết đường rút. Người chỉ huy phải biết nhẫn nhục không nên nóng nảy mà giết hết lính.

Ông già lôi tay tôi vào nhà tránh đạn. Tôi đi theo như máy. Thằng Tiển chạy theo.

Một người đàn bà đứng bên ngọn đèn. Nhác trông thấy, tôi suýt kêu lên. Quen quá mà không biết là ai. Người đàn bà cũng nhìn tôi sửng sốt, có lẽ cũng thấy tôi quen.

Ông già lấy cái vỏ bình làm bằng trái dừa để trên bàn, vừa giở nắp chậm chạp vừa ngó tôi, tay lôi chiếc binh, rót nước tràn cả ra ngoài:

- Mời ông chỉ huy!

- Dạ!

- Chú em uống trà được không? - ông chủ nhà hỏi thằng Tiển.

- Dạ bác để đó cháu.

Tôi nâng tách nước. Cổ cháy như than, ực liền mấy hớp. Trà ấm chạy khắp châu thân. Tôi đặt chiếc tách lên bàn. Mắt người đàn bà tự nãy giờ không rời tôi. Chị ngập ngừng rồi hỏi:

- Xin lỗi anh có phải người Tân Bửu không?

- Sao chị biết gốc tôi?

- Biết chớ sao không biết... rồi chị ồ lên khóc.

- Chị là ai?

- Em là con Nguyệt nè!

- Nguyệt. nào? - Tôi như mơ.

- Nguyệt con của ông chủ tịch làng Bình Khánh.

Tôi kêu lên một tiếng rồi quay lại ông già. Người đàn bà bảo:

- Ba em chết rồi. Đây là cha chồng!

- Nguyệt chị của Ánh phải không?

- Phải. Em có chồng về đây lâu rồi!

Trời! Cuộc đời gì kỳ lạ vậy. Hai đứa thuở nhỏ học chung lớp lớn lên bà con cáp đôi, tưởng thành ai dè quác lơ. Lúc gặp Ánh trên R tôi tưởng là Nguyệt. Nhưng chỉ là cô em. Nguyệt đã già đi một thế hệ. Cũng như tôi, mà không hay! Ôi cái tuổi già!

- Chồng em bị tù ngoài Côn Đảo mấy năm rồi, không có tin. - Nguyệt quay vào trong - Diễm a! ra chào cậu Hai nè con.

- Cậu Hai nào má?

- Cậu Hai bên bà ngoại.

Thằng Tiển giục:

- Xe tăng tới rồi anh Haỉ!

- Thôi tôi đi nghe!

Tôi chào chung chung không nói với ai!

Nguyệt lôi tay con nhỏ đến trước mặt tôi:

- Em cho anh con Diễm nè!

Thằng Tiển giục:

- Xe tăng tới! Mau anh! - Nó đẩy tôi ra cửa.

Tôi chạy, tai nghe tiếng khóc sau lưng rồi giọng Nguyệt:

- Anh có cần gì nhắn cho em nghe!

Trời rựng sáng. Thăng Tiền dắt tôi chạy. Tôi cũng không hỏi chạy đi đâu. Bỗng thấy lúm xúm trước mặt. Tôi chạy riết tới Bảy Sơn nằm trên võng phết đất dân công khiêng mệt đuối, để xuống nghỉ. Một người đàn bà vật vã la khóc bên cạnh.

- Ai vậy?

- Dạ Chị Bảy!

- Ai cho chỉ hay?

- Dạ ông Hai Khứ!

Chị Bảy than khóc thảm thiết. Năm Hồng y sĩ báo cáo:

- Dạ, em cho ga-rô rồi anh Hai. Nhưng gãy xương cả hai chân, ở đây không giải quyết nổi. Phải đem về nhà. Chắc phải đi qua Bưng Còng mới cứu được.

Chị Bảy càng gào to:

- Gãy hết hai chân làm sao sống? Tôi đã bảo đừng có đi, đừng có đi mà không nghe tôi. Tôi không nuôi nổi mấy đứa con. Bây giờ đó! Rồi quay sang tôi:

- Anh Hai đừng cho chồng em đi lên R. Em biết mồ mả đâu mà tìm. Em lạy anh Hai, em lạy anh Hai! Để cho em chở ảnh đi nhà thương Cộng Hòa ở Sài Gòn người ta cứu giùm. (Chị Tư Re, vợ Tư Quân cũng như vợ Bảy Sơn. Chị Tư theo chồng làm cứu thương để lấy xác chồng về chôn. Chị Bảy Sơn thì không cho chồng đi. Bây giờ cả hai đều góa bụa.)

Còn thảm não nào hơn? Thằng Tư Ếch, ngày mai làm đám cưới, tối nay lên bàn thờ. Cái đời chỉ huy của tôi chỉ gặp toàn những cảnh như vậy. Đành gục mặt.

Tôi bảo chị Bảy:

- Chị để cho anh em đưa anh Bảy đi mới cứu được chị Bảy à!

Chị lắc đầu:

- Bị thương như vầy, khiêng đi cũng đủ chết rồi. Từ đây lên R đâu phải gần. Đi chưa tới đã chết. Em biết ở đâu mà tìm. Thôi, anh Hai để ở nhà cho em chôn.

Dân công tiếp tục khiêng. Chị Bảy đi theo. Tiếng khóc át cả tiếng máy xe tăng.

Vô tới mí vườn, thoát một đám ma lại gặp một đám ma khác.

Thằng Hùng- em cô Quắn. Độc giả hẳn còn nhớ cô gái ở Ràng. Em của Ba Quyết chết trận Pari Tân Qui, ông già đến bốc xác đem về chôn trong vườn nhà. Thằng Hùng em Ba Quyết và Sáu Quắn. Còn thằng con trai độc nhất, ông sợ cụt dòng nên không cho đi theo giải phóng, bảo ở nhà. Thằng nhỏ vô nhân dân tự vệ. Cô Quắn đi cứu thương Giải phóng gặp thằng em bị thương.

Thằng Hùng còn nói được rõ ràng và còn nhận ra chị:

- Chị đừng băng cho em! Em không cần! - Thằng Hùng bứt băng ném tung và quát: Anh Ba muốn em đi theo ảnh, nhưng em không muốn. Còn ba sợ em như anh Ba. Em tiếc là em không báo được cho xếp đồn. Chị nói với ba đừng chôn em gần anh Ba.

- Anh Hai nè Hùng. - Tôi chen vô đám đông và cúi sát mặt nó.

Thằng Hùng quay mặt cười nhợt nhạt. Tôi không biết nói sao. Người dân ở giữa bom đạn, đi bên nào cũng chết. Tôi bảo Quắn:

- Em đem thằng Hùng về nhà đi. Rồi anh sẽ đến chia buồn với bác sau.

Ông già chết cả hai đứa con trai rồi sống làm sao? Còn Nguyệt - người bạn gái thời thơ ấu - góa chồng mấy mươi năm, còn sống bao nhiêu năm lạnh lùng nữa?

Đơn vị chạy về Rừng Tre bên Trảng Bàng mục đích là để đánh lạc hướng địch. Rừng Tre là tiếng gọi của địa phương chớ không có tên trên bản đồ. Nó nằm trong xã Lộc Thuận quận Trảng Bàng, có nhiều tre trúc dọc ven rừng Cả Chúc và đường số 6 từ Trảng Bàng đi vào bến Bùng Binh sông Sài Gòn. Phía bắc giáp với con đường đá đỏ dọc theo sông. Ngược lên thì đụng sóc Lào, còn trở xuống thì đụng đường 15 đi về Hố Bò, An Nhơn và Phú Hoà Đông. Ở đây pháo Chà Rầy xơi ngon như phở tái, pháo Trung Hòa cũng ăn gỏi, còn Đồng Dù thì chơi pháo nòng dài dư xăng. Ở gần Rừng Tre có suối Lộc Thuận. Nơi đây năm 1960 là trường tân binh của Quân khu, khai giảng được một khóa rồi dẹp tiệm vi lính của ông Hiệu trưởng (tên Hai Chòi- tục gọi Q Hai Chòi = Cu Hai Chòi) đưa ra đơn vị yếu nhớt không vác nổi thùng đạn. Ở vùng Rừng Tre này cũng bắt chước Củ Chi đào địa đạo chừng vài trăm thước rồi bỏ luôn không ai dám chui làm trò cười cho thiên hạ.

Trước đây vùng Sóc Lào và dọc lộ số 6 nhà cửa khá sầm uất, nhưng từ sau ngày có MTGP chiến tranh tràn lan, người dân tản ra ấp chiến lược hoặc đi Sài Gòn. Nhiều nhà ngói rộng lớn và vườn cây trái bỏ hoang, thấy rất đau lòng.

Đầu năm 1966 quân đội HK mở cuộc càn Operation Crimp, dân trong vùng từ Lộc Thuận xuống tận Phú Hoà Đông đi sạch. Lộc Thuận chỉ còn căn cứ của hậu cần ở Rừng Tre, quân y Trảng Bàng ở rừng Cả Chúc. D14 Tây Ninh thì xịt lên xịt xuống vùng Cả Chúc, Trảng Cỏ suốt năm cứ vác súng chạy rong, đến đỗii Sáu Di phát quạu phải lên tiếng rủa: "Mong cho quân Mỹ nó đốt sạch rừng Bời Lời Trảng Cỏ để tỉnh đội Tây Ninh ra một đánh đấm với người ta!" Năm 66, 67 Củ Chi không còn đất sống, chúng tôi phải qua Trảng Bàng ở đậu, chính là nhờ khu Rừng Tre này. Ba Tới tỉnh đội trưởng Tây Ninh cũng đang chạy lang thang như chuột cháy hang gặp tôi, bảo: "tao cho ở tạm nhưng không cấp gạo!" Chúng tôi phải tự tìm mua từng bao gạo đem ra rừng nấu lấy mà ăn. Cá không còn nước, phải lóc trên bờ tìm cách mà sống lấy chớ sao.

Trong lúc ở đậu, chúng tôi kết nghĩa với D14 để giúp đỡ nhau. Một lần hai bên bàn kế hoạch đánh xe tăng, sắp giàn trận thi BCH D14 cáo lui không có lý do. Chúng tôi liều mình đánh luôn. Bị xe tăng đuổi chạy tuốt tới xóm Ba Cụm. Kịp lúc đó trên R tăng viện cho một E gốc Thanh Nghệ Tỉnht thuộc F324 mà đài Giải Phóng tung hô là đơn vị "Trung Dũng Kiên Cường", được bà phó Tư Lệnh nhận làm "chị nuôi!" nhưng vừa đến Sóc Lào (trên Rừng Tre chừng 5 km) thì bị một trận B52 đứt gần một D (D8). Để vớt vát tinh thần, trung đoàn này phối hợp với chúng tôi đánh quân Mỹ cụm ở Bàu Trâu do Hai Đồng chỉ huy, bị Mỹ xơi luôn. Hai Đồng mất tinh thần bỏ đơn vị đi lang bạt kỳ hồ, xin cơm ăn như một tên hành khất (sau bị Mỹ bất). Qua những trận E "Trung dũng kiên cường" đụng với Mỹ ở Bàu Trâu, Bùng Binh, Trảng Dầu Bà, Rừng Cả Chúc, quân Mỹ tìm thấy xác linh Bắc việt nên bắt đầu xài hóa học rắc dài từ Bời Lời, Sóc Lào, Bà Nhã, Nam lộ 6, Rừng Cả Chúc, Rừng Tre, đến tận Hố Bò, (năm 65 thằng Lạn chở xe đạp tôi qua vùng rừng này để xuống Củ Chi). Đêm đêm máy bay Mâu-hốc chụp hình tìm dấu vết hành quân, hầm trú ẩn, vết xe bò chở gạo. Pháo bắn canh chừng suốt đêm. Ngoài ra còn thả biệt kích vào bìa rừng.

Một lần Mỹ bắt được một cậu liên lạc tên là Nguyễn Văn Binh. Có lẽ cậu này khai báo cho nên cách đó ít lâu Út Lịa Ef bị bắn chết ở vùng này cùng với nguyên ban bộ văn phòng của E 268. Hoàng Chí Thanh xuống thay thế, đem binh đi đánh bót Tân Thông không xong, đánh luôn bớt Cầu Ván bị xén mất trọn một D. Thanh bỏ luôn đơn vị trốn về R chạy tội. - Chẳng khác nào ông đầu trọc Năm Sĩ sau trận pháo Tầm Lanh. Cái E này còn có tật là đánh cuội tức là nổ súng vào khoảng không- để báo cáo láo. Thực tế vào năm 1969, một C chỉ còn chừng 18-20 lính, súng nặng, cối, đều bỏ hầm, chỉ còn AK nhưng không đủ lính cầm. Đây là thời kỳ Ba Tam làm Et. Vì không có đủ quân số, nên cán bộ lấy tiền xài tha hồ. Trong lúc đó lính giải phóng của Ba Tam giả biệt kích Sài Gòn, chặn đánh các đoàn tiếp tế của Giải Phóng. Làm ăn được vài cú thì ló đuôi, Quân khu phải trả cả đơn vị về cho bà Chị Nuôi nuôi nấng. Tất cả mọi việc kể trên đều xảy ra ở chung quanh khu vực Sóc Lào, Bà Nhã, Trảng Cỏ, Rừng Tre. Trong 3 năm, lính sanh Bắc tử Nam bỏ xác ở đây cả ngàn tên.

Vùng này có vẻ như bị Mỹ bỏ quên từ Mậu Thân tới nay. Cho nên sau khi không ngon xơi cái Suối Cụt thì tôi cho đơn vị chạy thẳng một lèo không quay đầu ngó lại, tới Rừng Tre để nghỉ quân và đánh lạc mục tiêu quân Mỹ.

Tôi đã cho đào công sự trước ở đây từ lâu. Bây giờ kéo lên sẵn ổ đẻ, chớ đâu có mất công gì. Lính mắc súng lên cây chổng cẳng ngủ.

Tôi nằm lên võng đầu óc còn mơ màng vụ Bảy Sơn, thằng Hùng và Nguyệt.

(Bảy Sơn được đưa qua Bưng Còng cho Tám Lê. Chuyển đi đường xa, thịt thối phải cưa cả hai chân. Rồi đưa đi R đến suối Bà Chiêm thì chết, chôn dọc đường không biết ở đâu. Còn thẳng Hùng được chị nó đưa xác về nhà.) Chết mà khỏe thân hơn sống.

Nguyệt! Ánh! hai chị em giống nhau như đúc. Hồi đó Ánh mới biết đi lẩm đẩm. Khi gặp trên R ở nhà ông Ba Thắng đêm đó, tôi tưởng Ánh ]à Nguyệt. Nếu Nguyệt biết chuyện của Ánh chắc nàng buồn lắm.

Tôi đi vào giấc ngủ và những giấc mơ và ác mộng cùng một lúc.

Bỗng có tiếng đập võng kêu:

- Anh Hai, xe tăng!

Nghe hai tiếng "xe tăng" thì mê cũng phải tỉnh. Tỉnh ngay. Chết cũng phải sống dậy, chạy.

- Ở đâu?

- Nó tới rồi kìa. - Thằng Tiển đứng trước mặt tôi trỏ tay ra bìa rừng.

Ngó quanh chưa thấy ai nhúc nhích, tôi nhảy xuống đất quát:

- Sao còn nằm đó?

Thằng Tiển nói tiếp:

- Du kích Ba Cụm nó bắn báo động rồi kìa.

- Ối! Ba thằng du kích cơm! - Hai Khởi nhựa nhựa. Xe tăng ở dưới Đồng Dù lên đây nhanh vậy sao?

- Nó bay ông nội ơi! (Trực thăng trái chuối móc nó) - Tôi gắt- ông biết bây giờ là mấy giờ không? Mười một giờ trưa đó.

Hai Khởi bật dậy hét:

- Đứa nào báo vậy?

- Liên lạc dưới C3 lên báo cho ban chỉ huy. Xe tăng chia làm hai cánh, một cánh bọc ngoài ruộng một cánh ghim thẳng vào rừng.

- Liên lạc C3 đâu? - Hal Khởi gắt.

- Nó trở về dưới rồi!

Thằng Tiền vừa dứt lời thì thấy hai chiếc cá nhái lướt qua ngọn cây. Tất cả hụp, né, trốn.

Tôi nghĩ: Tăng tới thiệt rồi. Cá nhái dẫn đường đây!

Bảy Ga bảo:

- Đứa nào leo lên cây dòm coi!

Thăng Tiển leo vọt lên cây bắc ống dòm nói xuống:

- Đông lắm.

- Đông là bao nhiêu?

-...20. Hai mươi mấy.

Tôi đoán chắc C3 của Hai Nhiên bị tăng áp sát nên không chạy về đây được.

- Báo cáo anh Hai có xe tăng!

- Biết rồi. Cho các đại đội bố trí đi. Nằm tại chỗ! Không được bỏ công sự! Đây là cái lệnh bất đắc dĩ. Lính nào lại bỏ công sự mà phải bảo?

Trực thăng quần trên đầu, lá cây cuộn lật ngửa lên như bão tới. Tôi lấy thuốc ra hút. Tôi thấy tay tôi hơi run khi kê bật lửa lên mồi thuốc. Tụi nó đuổi theo mình chớ không phải tao ngộ chiến.

Bảy Ga la:

- Ông hút thuốc khói lên nó thấy!

Hai Khởi quát:

- Xuống hầm đi. Thằng Tiển hụp xuống.

- Trồi lên để quan sát chớ.

Bỗng tiếng đại liên, rồi B40 tiếp theo.

Nghe đất lắc lư, tôi nói thầm: tăng M48, nên đất run run kiểu này. Tiếng nổ loạn xạ DKZ, B40 lẫn cà-nông 20 ly, 40 ly của xe tăng. Rồi rầm rầm. Tiếng đề-pa của pháo. Đạn bay vút qua đầu. Xê xè... nổ sau lưng.

Thằng Tiển la:

- Anh Hai xuống hầm mau. Pháo Chà Rầy câu tới đó!

Ùng ùng liên tiếp.

- Gì vậy Tiển?

- Cá lẹp phóng rốc-kết.

Tiếng xích sắt nghe rõ cò két cò két như tiếng nghiến răng. Đất run chuyển mạnh. Thằng Tiển nắm chân tôi lôi xuống. Thằng Đá ở đâu chạy về, hổn hển:

- Nó ngừng lại ngoài bìa rừng rồi anh Hai.

- Tụi bây đem B40 ra phía trước chặn.

Thằng Đá và hai cậu trinh sát vừa vọt đi thì hai chiếc Thần Sấm tới, vút sát ngọn cây thấy rõ cái bụng đen ngòm đeo mấy trái bom.

Nó vòng lại thì đầm già vừa bắn điểm. Khói lên mù mịt bên cạnh.

- Chạy! Thăng Tiển la.

Tất cả vọt lên khỏi hầm thì hai trái bom rơi ngay bên cạnh. Đất đá bay rèn rẹc, cây đổ ào ào. Cả đám lòi lưng, cố trườn dậy chạy xa điểm.

Rầm!

- Cá lẹp rớt rồi. Chắc ông Lức bắn!

Sau 3 đợt bom, xe tăng lại tiến vào rừng. Khói bốc mù mịt không còn thấy đường.

Bảy Ga bảo:

- Chạy qua C4 đi anh Hai.

- Ờ, mỗi người xuống một C.

Bom dội, pháo bắn liên tục. Tôi nghe nóng ran như đang ở trong chảo bắc trên bếp. Nó chơi tới súng phun lửa rồi. Rừng bắt đầu cháy. Cây nổ, gió quay cuồn cuộn ù ù, khỉ chuột cũng cháy thiêu.

Tôi móc K54 ra khỏi bao, quát:

- Không ai được rời khỏi trận địa.

Đất run bần bật. Xe tăng tiến tới rồi dừng lại chờ bom bỏ dứt loạt và cá lẹp phóng rốc-kết một chập rồi lại lủi vào. Chúng hạ thấp lòng súng bắn xéo, đạn đan thành đường chéo với nhau trên đầu nắp hầm. Ló lên là rụm, ngay: bể sọ! Nếu trông thấy một bóng người là nó càng tăng cường hỏa lực để tiêu diệt.

Sau lệnh của tôi tất cả đều ngồi im dưới hầm. Bỗng nghe "rầm" một tiếng. Thằng Tiển la lên:

- Cá lẹp rớt rồi. Đại liên của Sáu Lức nổ. (Nó chỉ tin tưởng một mình Sáu Lức)

Tôi nhìn qua lỗ trống thấy xe tăng tới, thằng lính đội mũ sắt đang ghìm đại liên về phía này. Thằng Đá hỏi:

- Bắn chưa anh Hai?

- Chưa!

Hai Khởi gắt:

- Chờ lệnh ổng. Đừng có bắn ẩu nghe thằng Bắc Kỳ con!

- Nó bò tới gần quá anh Hai.

Khối thép đen ngòm lù lù lăn vô, xích khua cò két cò két như con quái vật nghiến răng nghe rợn xương sống.

- Còn chừng 20 thước, bắn chưa anh Hai?

- Chưa!

- Còn 15 thước!

- Nó thấy mày không?

- Nó hướng qua Tư Thới C4.

- Sát quá rồi.

- Chừng nào nó thấy mày thi mày nổ trước nó. Tôi bảo.

Tiển năn nỉ:

- Đá ơi! Mày đừng bắn nghe Đá’ (Nếu nó thấy mục tiêu thì nó phun lửa rụm hết rồi.)

Chiếc xe tăng tắt máy lớn, chạy máy nhỏ êm ru rồi dừng tại chỗ. Tôi bảo: thằng này có vẻ làm nhiệm vụ cảnh giới thôi. Một giờ, một giờ ruỡi. Chúng không tiến tới. Pháo Chà Rầy vẫn giã không ngớt. Tiếng ầm ì vẫn vang vang bên ngoài. Bỗng nghe đánh "xẹt" gần bên. Tôi hỏi. Thông Tiển đáp.

- Nó bắn pháo lệnh gì đó chắc!

- Ừa, đám cá lẹp, cá nhái đâu mất hết rồi???

- Nó thụt lùi rồi anh ạ!

Như vậy chúng tôi đã "nắm thắt lưng Mỹ mà đánh và đội bạt bom Mỹ" trong 6 tiếng đồng hồ rồi đó chớ ông đại tướng mặt vuông! Các ông hô hào đánh Mỹ nhưng các ông có biết Mỹ ra sao. Hầm các ông sâu còn hơn âm phủ nữa mà! Ở dưới đó tha hồ hò hét xung phong.

Tôi bảo trinh sát chạy xuống các C cho rút về Cỏ Ống, bộ phận nào còn khỏe cho đi thẳng xuống luôn Vườn Trầu. Kêu Bảy Ga và Hai Khởi điều động toàn bộ, tôi ở lại sau.

Thằng Tiển và thằng Đá vác AK và B40 ở lại với tôi đi khảo sát trận địa. Chúng nó rút thật. Lửa cháy rừng đỏ một góc trời. Khói cuộn ù ù. Tôi vừa che mắt vừa đi vừa chạy. Trời sẫm tối. Dakota bắn pháo sáng yểm trợ chúng rút đi. Thẳng Đá xẹt đèn pin rồi thụt lùi lại. Tôi hỏi. Nó kêu lên:

- Ghê quá anh Hai ơi! Ba đứa cháy đen thụi miệng há hốc. AK cháy quẹo. B40 cong.

- Thôi bỏ đi! Miệng nói vậy nhưng tôi cố nhìn. Hàm răng nhô ra, có cái sáng chói. Tôi biết là Hai Nhiên- anh Bắc Kỳ già. Anh em gọi là Sáu Già có đứa gọi là bố. Tôi đã từng cảm xúc đậm đà khi gặp anh ở Bàu Lách lúc đó chưa dưới quyền tôi. Hỏi: sao bịt răng vàng làm gì, le với ai? - Le gì đâu anh Hai! Bịt vô răng mình không bán, không cho ai được. Chừng xong chiến tranh về cho mẹ đĩ làm vốn buôn bán nuôi mình. Chớ chừng đó mình già rồi, làm ăn gì được nữa? Nghe anh nói tôi rơi nước mắt, thương quá.

Trời! một con người chân thật như thế, nay đã chết. Chúng nó chơi súng phun lửa. Đại đội trưởng Hai Nhiên đã chết. Hai cậu kia chắc là trinh sát của đại đội, mặt mũi cháy thành than không nhìn ra. Đất miệng hầm đỏ chạch như nung. Súng phun lửa 2000 độ, sắt thép còn không chịu nổi nữa là da thịt người.

Cách đó ít bước, dưới một cái hầm không nắp, hai người khác ngồi quay mặt về một hướng, cháy queo, tay chân co quắp. Thằng Sáu Mã Tử!

- Còn đứa nào kia?

- Để em coi. - Thằng Tiển rọi đèn pin sát- không biết anh Hai à! Chắc là thằng Bọ Ngựa.

Tôi đã từng thấy cảnh lính chết cháy này ở trận Suối Sâu, nên áo não trong lòng không muốn nhìn lâu. Làm gì bây giờ? Cứ nhắm mắt cho qua. Đành làm tên chỉ huy dã man, không tim.

Bỗng từ một gốc cây nhô ra một cái bóng. Thằng Tiển kêu:

- Mẫm! Mày còn sống à?

- Nó không phun tới tao. Hì hì!

- Còn thằng Bọ Ngựa đâu?

- Không biết. Tao chỉ thấy thằng Xinh cứu thương chạy qua lúc nãy.

Đi một đỗi nghe tiếng rên hù hù, tôi dừng lại, hét lớn:

- Cậu nào còn sống ở đó?

Tiếng hừ hừ càng nổi lên to. Tôi bảo Tiển Đá lại xem. Dưới một thân cây, lòi ra cặp giò mang dép cao su. Thằng Tiển la:

- Bọ Ngựa đây!

- Sao mày biết?

- Cặp giò chàng hiu của nó đây chớ ai! Bọ Ngựa! Bọ Ngựa!

- Mày hả Tiển. - Tiếng trả lời.

- Ừ, tao với anh Hai. Sao không chui ra?

- Tao gãy xương sống rồi.

Gốc cây ác quá ngả đè lên thằng nhỏ. Nếu xe tăng cán qua thì nó nhẹp rồi. Cũng may! Ba anh em hè hụi khiêng cái cây qua một bên, nhưng cây to không nhúc nhích. Tôi bảo lấy xẻng đào đất chung quanh thằng Bọ Ngựa rồi lôi tuột nó ra.

- Ơi trời ơi! Cha mẹ ơi!

Bọ Ngựa kêu rống lên.

Thằng nhỏ đã thoát nạn. Thằng Tiển vén áo soi đèn vào lưng nó. Xoa xoa ít cái.

- Hết đau chưa?

- Chắc tao chết quá!

- Chết chóc gì. Đứng dậy! Xe tăng tới kìa!

Thăng Bọ Ngựa đứng phắc dậy mắt láo liên:

- Xe tăng đâu? Xe tăng đâu?

Thằng Tiển rút nút bí đông kê vô miệng nó, quát:

- Uống đi rồi chạy ông nội ơi, ở đó nó tới cán mày nhẹp phát nữa!

Thằng Bọ Ngựa ực mấy hớp. Thằng Tiển và thằng Đá kè đi. Được ít bước Bọ Ngựa chạy như bay. Tôi hỏi:

- Mày đỡ chưa?

- Dạ còn hơi ê ê chút. Anh có thuốc cho em xin điếu.

Tôi đưa thuốc đốt sẵn cho nó và giục:

- Đi về nhanh để kêu xã đội tới chôn cất anh em. Mới lướt qua sơ sịa mà thấy bộn!

Được một quãng, thằng Đá kêu:

- No đủ rồi anh Hai ơi!

- Đồ hộp! Chắc Mỹ đóng quân ở đây. Nó bỏ cả đống nè!

- Coi chừng mìn!

- Mìn thì mìn! Đói quá để em lượm ăn cái đã.

Thằng Bọ Ngựa thấy đồ hộp thì cũng ngồi xuống quơ lia. Thằng Tiển bảo:

- Mỹ nó cán mày, bây giờ nó cho mày thịt hộp bồi dưỡng đó. Đắp một miếng vô xương sống là hết đau ngay.

Ba đứa quơ hốt nào là hộp thiếc, hộp giấy cà phê, sữa, khăn bàng lông, cả sách nữa. Thông Tiền rọi đèn lên sách, la lớn:

- Á ngộ, coi nè anh Hai!

- Cái gì vậy?

- Đầm ở truồng.

Thằng Bọ Ngựa ngóng cổ:

- Đâu đâu, đưa coi!

- Mới rên hừ hừ đó mà nghe hơi đã hỏi!

Tôi quát:

- Vứt đi! Đem về đơn vị tao phạt nghe!

Bỗng eo éo tiếng con gái:

- Anh Hai ơi, phải anh đó hôn?

Thằng Tiển đáp ngay:

- Anh Hai hi sinh rồi. tụi bây kiếm ni-lông lại gói khiêng về.

- Thiệt hả? Hu hu.

- Tao láo cho pháo ăn tụi bây đi!

Tiếng con Phương và con Hướng xen kẽ:

- Tôi đi ngang qua hầm ảnh thấy còn nguyên mà!

Tôi lên tiếng, chấm dứt cuộc đối thoại.

- Mấy em có sao không?

- Hai đứa bị thương. Vì tụi Mỹ không đánh chính diện.

Hường chạy đến ôm tôi hôn lia lịa. Vừa hôn vừa nói:

- Anh còn đây! Anh còn đây!

Thăng Tiển thăng Đá cười hả hả:

- Sao không hôn tụi tui nè!

- Tụi bây về nhà có má mấy con Mí con Xuân hôn.

- Hôn đỡ đỡ ít cái bây giờ đi mà! Hổng hôn tui, tui hôn đại!

Thụp thụp Con Hường đấm lưng thằng Đá. Thằng Tiển đưa đồ hộp cho mấy đứa con gái rồi bảo:

- Vừa đi vừa ăn vừa coi cái này đã quá!

- Cái này là cái gì?

- Coi thì biết. - Nó chìa sách ra và rọi đèn lên.

Đám con gái nhìn một hồi, không biết là cái gì. Bỗng con Hường la lên và vứt quyển sách:

- Thằng mắc dịch!

- Người ta cho coi sách cò chửi!

- Ai coi ba thứ đồ ôn binh đó?

- Đẹp ghê mà la ôn binh.

- Đưa đây cho tôi đốt đi!

Nửa đêm về tới Cỏ Ống, tôi kiểm điểm sơ qua thấy mất 60 chiến sĩ, còn các ban chỉ huy thì:

-Cl: Hai Nhiên, Mã Tử chết, Bảy Mẫm bị thương.

-C2: Năm Thơm, Hai Toại chết, Năm Đầu Ban bị thương.

- C3: toàn BCHC chết hết.

Tôi đề bạt ngay Bọ Ngựa lên làm Cf Cl (khi tôi pháo kích Trung Hòa và Đồng Dù lần đầu tiên, nó chỉ là liên lạc viên) và một số Bt, Bf lên Ct, Cf. Rồi tìm xã đội Lộc Hưng yêu cầu cho du kích dọn dẹp chiến trường giùm. Để đền ơn họ tôi tặng 10 AK (giữ lại cũng không có ai cầm. Cho du kích có lợi nhiều mặt). Bây giờ tôi mới thấm mệt, đau nhức toàn thân. Chân dẫm lửa, phỏng da, mặt mũi xước rát. Chưa trận nào như trận này. Thôi, còn sống, đống... cứt!

Bộ binh, xe tăng, cá lẹp, cá nhái đầm già, thần sấm, pháo lớn pháo nhỏ, không còn món phép nào Mỹ không chơi ở đây. Rừng Tre muôn kjếp không quên. Tôi không dám ở Cỏ Ống mà rán lê luôn ra Vườn Trầu.

Trên bản đồ tên chính là "Dương Trâu" nhưng dân địa phương kêu trại ra là "Vườn trầu". Đây là một nơi vô danh nằm tận quốc lộ 1 giữa Lào Táo và ấp Trảng Dầu, phía dưới Lâm Vồ và Tịnh Phong, cách bót Trung Hòa không xa. Đóng ở đây sẽ tránh được nạn B52. Hơn nữa, ở gần hai ấp Mít Nài và ấp Mây Đắng tôi có quen nhiều, dễ bề liên lạc nhờ mua các thứ cần thiết và lấy tin của Quân Báo Ba Xuyên.

Quân báo cho biết sốt dẻo Mỹ bị cháy 8 xe tăng, rơi 2 trực thăng ở Rừng Tre. Còn tôi mất 9 cán bộ đại đội, 60 lính! Ai thua?

Tôi cấm toàn đơn vị không được nói về "kết quả" trận đánh này. Nhưng chỉ ngày hôm sau thì mọi sự đều bật mí. Dân chúng nhìn thấy đơn vị thưa lính. Còn cán bộ đeo "colt" toàn người mới, từ B lên C. Mấy ông C đâu mất hết.

Đến Vườn Trầu, Hai Khởi cho móc dây điện. Quân binh là phải biết đề phòng chuyện bất ngờ. Tôi cho bố trí mặt trận ngay.

Mỹ dư biết Củ Chi giờ không còn E nào thực chất cả. Q16 đi đã bị tống ra Chân Thành làm liên lạc. E 88 của Năm Sĩ thì tiêu tan ở Tầm Lanh. E268 chỉ còn cái tên. E Mũi Nhọn đã nướng ở Sài Gòn. Chỉ còn có E Quyết Thắng của Hai Lôi là cầm cự thôi. Chúng quyết lùng, diệt xong là tịt cái mồm 3/4, 4/5 láo toét.

Mấy bữa rày đi không về, bỏ Thu Hà ở nhà một mình. Tôi rất lo. Bụng mang. dạ chửa như vậy làm sao chui hầm? Nhưng việc nước trước tình nhà, ngàn xưa vẫn thế. Đầu óc đặc nghẹt súng đạn.

Đóng quân ở Vườn Trầu, tôi cho chú ý mặt Trảng Dầu còn mặt ruộng nước Lào Táo thì không lo lắm. Giữa Bàu Trâu và Mây Đắng thì chú ý Mây Đắng hơn. Đã nửa đêm nhưng vẫn chưa ngủ được.

Tôi cho người sang ông Mười Bị- Cục phó hậu cần - thủ trưởng của Thu Hà xem ông có cất giấu súng đạn gì trong vùng này không? Sau đợt 1 đã xài sạch rồi còn gì? Độ 10 giờ sáng có người đàn bà đi chợ về báo:

- Xe tăng ngoài Đồng Dù vô đông quá, tôi phải lội xuống Mây Đắng tắt về đây.

Chập sau pháo Đồng Dù nện rung đất. Trinh sát báo cáo:

- Xe tăng giàn hàng ngang xắn vô ngay chóc chỉ huy sở!

Ba Tùng xã đội trưởng Lợi Hòa Đông dắt một toán du kích mặt xanh mày xám chạy vô:

- Tụi nó đổ từ trên Lâm Vồ kéo xuống vàng cả đồng. (Đi kèm với Ba Tùng là Mười Bị)

Tôi dắt qua giao cho ông một ông bự để ông lo giùm, ở bên tôi không có "đồ phép", kế đó tôi nghe tiếng Thu Hà:

- Anh Hai ơi! Em với chú Mười nè!

Tôi rối ren trong bụng: Trời ơi! Qua bên đây làm gì lúc này? Nhưng ngoài mặt làm tỉnh:- Ờ, dắt chú Mười vô hầm đây!

Xe tăng chạy rung đất, máy hù hù nghe càng rối rắm thêm lên. Hầm khá rộng nhưng người dồn xuống đã chật như nêm cối rồi. Tôi bảo mọi người ép vào nhau nhường chỗ cho đàn bà chửa và ông già.

Ông Mười run như sốt rét:

- Pháo bắn dữ quá Hai Lôi!

- Nó thì vậy chú à!

Vừa dứt lời, có tiếng kêu:

- Có Hai Lôi đó không?

- Ai đó?

- Văn Công quận. Bầu Phạm Sang nè!

Trời ơi! Ba cái ông đờn cò Tây này cũng bám lấy mình, đố khỏi chết chùm. Nhưng làm sao, chằng lẽ chối từ? Thôi xuống đây các cha!

Trinh sát báo:

- Trực thăng đổ quân từ Tịch Phong giăng hàng ngang dài xuống Lợi Hòa Đông đen đồng.

Rồi:

- Trực thăng đổ quân phía sau Vườn Trầu trước đội hình đám nữ.

Rồi lại:

- Xe tăng bao bít mặt Mây Đắng!

Tôi nghĩ bụng: còn đường đâu mà rút? Chỉ có cách lủi xuống suối đi rong theo nước xuôi qua Suối Sâu, An Phú thôi Nhưng đường hẹp súng nặng làm sao di chuyển. Nếu nó trông thấy nó tung lựu đạn chết hết. Tôi cho Tiển, Đá chạy đi tìm Ba Xuyên để biết thêm tình hình. Nhưng không gặp. Chỉ đụng xe tăng.

Lại có tiếng con gái:

- Anh Hai ơi, em bị thương rồi!

Con bé Ngọc Văn Công mếu máo kêu... cứu.

- Em bị ở đâu?

- Trước ngực.

Tôi kêu Thu Hà xé áo băng cho nó và quát:

- Đừng có khóc rối trí anh.

- Dạ, em không có khóc đâu. Ngọc quệt nước mắt đáp.

Pháo nổ lụp bụp như pháo chuột, pháo nện như giã gạo trên đầu. Tôi ngồi cắn răng chịu, quên cả Thu Hà bên cạnh. Làm sao? Nó bao chữ O rồi. Chỉ còn một cách: mở đường máu. Trong chớp nhoáng tôi quyết định. Phải tìm cái sống qua đầu cái chết. May ra. Còn nếu ở đây thì chắc trụm nguyên cả đám.

Tôi kêu trinh sát tới hạ lệnh:

- Các cậu cho C2 rút theo đường vô Bàu Trâu. Cl, C2 tự chọn đường, C3, C4 và đoàn bộ theo tôi. Kế hoạch: tất cả bắn thẳng vào tụi bộ binh ngồi ngoài đồng càn trên đầu chúng nó mà vọt. 9 giờ tối bắt đầu xung phong đồng loạt rõ chưa?

Ông Mười giọng run run;

- Liệu có thoát không em?

- Mình phải cương quyết chú à!

Dắt một đoàn Nam phụ lão ấu đàn bà chửa, ông già, thương binh, gần 20 người như thế này càn qua đầu bộ binh đang vây mình, xưa nay không biết có ai chơi chưa kiểu này? Chín nút khó. Bù là cái chắc.

Còn nửa giờ. Tôi ra lệnh:

- Tất cả theo tôi. Sẵn sàng xung phong. Nổ súng thẳng vào quân Mỹ mà chạy.

Tôi đi đầu dắt cả đoàn ra tuyến C3, cho kiểm tra lại cả C3 lẫn C4 xem đã thấu triệt mệnh lệnh của tôi chưa?

Đúng 9 giờ. Tôi bắn một phát lệnh và xung phong. Tất cả tung vọt lên khỏi chiến hào và chạy ra đồng, vừa chạy vừa bắn xả vào đám lính Mỹ đang ngồi hàng ngang giăng trước mặt. Pháo sáng rực trên trời dưới đất. Tôi thấy rõ chúng đang ngồi hút thuốc uống nước ngọt. Bị tấn công bất ngờ, bò càn không chống cự được. Nhờ vậy tôi đưa được cả đoàn ra khỏi vòng vây. Nhưng chúng nó lấy lại bình tĩnh và quay họng súng bắn theo ngay.

Tôi nghe tiếng kêu của Thu Hà:

- Anh Hai ơi, em làm sao chạy nổi?

Tôi nắm tay Thu Hà chạy chậm sau đoàn, nhưng nàng cũng không theo kịp. Thằng Đực cõng con Ngọc chạy trước mặt, dừng lại bảo:

- Anh Hai cõng em Ngọc, để em cõng chị Thu Hà cho!

Đực rất khỏe. Chuyên vác đạn cối và đại liên. Nó cõng con Ngọc như cõng trẻ con. Tôi bảo:

- Em chạy nhanh đi.

Thằng Tiển lôi tay ông Mười. Còn thẳng Đá không chịu chạy nhanh, cứ quay lại kêu:

- Anh Hai ơi! mau lên! Chị Thu Hà ơi!

Tôi nghe phía trước có tiếng đùa:

- Mày tha cục mỡ sướng rồi, nghe con mèo Đực.

- Thằng nào muốn, lại đây thay tao nè!

Tôi nghe các cánh Cl, C2 cũng nổ súng và tiếng xung phong dậy trời. Cứ cho là thoát 50% cũng tốt hơn là bị diệt toàn bộ. Tụi Mỹ chỉ bất cập loay hoay một lúc rồi đuổi nột. Pháo từ Đồng Dù và Trung Hòa gởi theo. Xe tăng cũng quay súng tiễn đưa chứng tôi bằng những loạt nín thở hai lần chưa dứt.

Tôi dìu Thu Hà vừa quát đoàn vừa bắn lệnh.

- Chạy mau lên, đừng dừng lại!

Ông Mười phang cặp giò cheo khá nhanh nhưng không đeo kịp thằng Đực. Chỉ mình tôi và Thu Hà tụt hậu xa lắc.

Đang chạy bỗng như có bàn tay vô hình xô sau lưng tôi ngã chúi xuống trước. Thu Hà cũng ngã quỵ.

- Chết em anh ơi! - Tiếng kêu lạc giọng.

Tôi vùng dậy bò lại gần nàng.

- Có sao không em?

Thu Hà chỉ quơ quơ hai tay, không đáp.

Tôi hét. Tiển, Đá quay lại.

Tôi quát:

- Vứt hết đồ đạc!

Tôi lột xắc-cốt, ném K54, mang đồ của Thu Hà! Hai đứa vác chạy. Tôi cõng Thu Hà. Nhưng tay nàng xụi lơ không bám vào cổ tôi được tôi phải xốc nàng theo kiểu vác thương binh, thân mình gập đôi trên vai tôi.

Súng vẫn bắn đuổi theo như tàn lửa dưới chân. Tôi cứ chạy vô tới bờ tre đặt nàng xuống đất. Úp mặt tôi vào mặt nàng. Hơi thở nàng đứt đoạn. Tôi nghe tim. Không nghe đập, chỉ nghe tiếng súng nổ đùng đùng. Tiếng quân Mỹ la hét đuổi theo.

Tôi sờ tìm vết thương, không thấy máu. Thằng Tiển rọi đèn. Một vệt loang ở cổ. Tôi đỡ nghiêng đầu nàng qua. Một vết nhỏ ngay gáy phía trên đầu. Chỗ ác nghiệt.

Miệng nàng há ra. Tôi biết nàng gọi "anh ơi" nhưng không rõ tiếng. Vạt áo nàng động đậy. Tôi chợt nhớ- giở lên. Bên hông nhúc nhích mãnh liệt. Trời ơi đứa bé trong bụng mẹ. Con tôi! Nó mới 4 tháng.

- Thu Hà! Thu Hà! - Tôi thét.

Mi mắt nặng nề mở ra. Bàn tay xanh lè chậm chạp giơ lên rồi rụng xuống bụng. Môi há ra mấp máy. Cái chân đạp căng da bụng mãnh liệt hơn mọi ngày, rồi im. Tôi biết nàng nói câu thường ngày.

- Nó khỏe lắm. Chắc con trai!

Mắt nàng khép lại.

Thằng Đá hét:

- Chạy! Anh Hai!

Tôi xốc nàng lên vai. Thân thể nàng còn ấm nhưng dịu oặt, tóc xõa dọc chân tôi. Vào đến xóm. Người chủ nhà đẩy tôi vào hầm. Tôi gục trên xác nàng. Xe tăng tới. Bộ binh rầm rập theo sau. Tiếng đạn lấp tiếng la hét tiếng giày.

Thằng Tiển thằng Đá rứt tôi ra, lôi chạy. Nàng ở lại với con. Hai mẹ con.

.... Sáng hôm sau tôi không dậy nổi. Thức nằm trên võng, đầu óc tỉnh khô, nhớ hết mọi việc đêm qua. Bàn chân chòi đạp trong bụng mẹ, tìm sự sống. Ngột ngạt rồi im. Cứ nhoi nhói trong đầu tôi. Mặt trời mọc trên đầu bụi tre đỏ hoét như đám cháy. Suốt ngày im như chết. Đến chiều Bảy Ga đến cho người trở lại chôn cất Thu Hà. Thấy tôi kiệt sức, tắt tiếng không thể di chuyển được, hắn cho thằng Đá thằng Tiển ở lại với tôi.

Tôi hỏi:

- Anh em hi sinh bao nhiêu?

Bảy Ga không đáp, chỉ bảo tôi ở lại dưỡng sức. Hai Khởi vẫn đùa bất cứ trong trường hợp nào:

- Có cần em Tám Lệ nắn bóp không? Hì hì...

Tôi không cười nổi. Hai Khởi còn tiếp:

- Để tôi cho nàng hay chắc nàng đem cù là tới cạo...!

Rồi hai người kéo đi. Tôi thèm đi theo. Nhưng cố lê ra hàng ba thìôm gốc cột gục đầu. Ngoài đường đơn vị kéo qua. Tôi biết mặt từng người Cl, C3, C4, đội nữ.

Trời! Chỉ còn bấy nhiêu thôi sao? Tôi nhớ lần hành quân đánh quận lỵ Củ Chi, tôi mua cả một đám mía Tây chia ra cả đơn vị xước, rột rẹt vui quá. Đoàn quân dài hơn cây số. Thằng Đá dìu tôi vào võng. Tôi nằm vật ra. Chóng mặt, tưởng địa cầu run như sắp đổ. RừngTre nuốt mất 60 lính 9 cán bộ đại đội, rồi mở đường máu Vườn Trầu mất bao nhiêu?

Trời tối dần. Buổi chiều ảm đạm nhất đời tôi. Đời tư và binh nghiệp. Đám cưới chạy tang xui thật. Bươm bướm rơi trắng đồng.

Tôi nằm úp mặt vào mép võng như con đà điểu chui trốn sự thật. Nhưng những cảnh tượng Rừng Tre, Vườn Trầu vẫn còn nóng rực. Cái chân nhỏ xíu chòi đạp trong bụng mẹ cứ nhoi nhói trong đầu tôi. Nó khỏe lắm. Chắc trai. Thu Hà ơi!

Bỗng nghe tiếng pháo Đồng Dù đề-pa nổ dây như pháo Tết. Tôi ngóc dậy:

- Nổ đâu vậy Tiển?

- Nghe hướng trại Giàn Bầu.

- Chắc không?

Thằng Tiển chờ dứt hai ba loạt mới đáp:

- Đụng rồi anh Hai. - Nó chạy ra sân rồi trở vào - khói lên chỗ cụm cây cao.

Tôi biết đó là xóm nhà nào. Rồi trực thăng đổ quân ào ào. Bầy cá nhái vòng qua tận đây. Đơn vị vừa tới, chưa kịp bố phòng, là bị nó nhảy ngay trên đầu. Không trở tay kịp. Tôi tiên đoán. Quả thật.

Đơn vị bị xúc gần hết. Hai Khởi bị bắt sống. Chỉ Bảy Ga chạy thoát. Ai còn sống sót bị đưa về bên kia sông sát nhập vào đơn vị khác. Riêng dũng sĩ Bảy Mô thì được bà Phó Tư lệnh vớt về R ban chức "chị nuôi" (không rõ vụ nàng bị du kích Bàu Me bắt, tôi cố giấu nhẹm, có bị lộ ra không?) Như vậy Trung đoàn Mũi Nhọn, tức Quyết Thắng I đã đem đi nướng rụm ở tuyến lửa Sài Gòn hồi đợt I. Trung đoàn Quyết Thông II ở lại trấn thủ Củ Chí làm nhiệm vụ cầm chân địch và bảo vệ căn cứ ở trung tuyến, bị đánh tan trong 3 ngày 4 trận. Cả hai đều có sự đóng góp xương máu của tôi trong 5 năm trờii. Và cả hai đều đã vong thân trong chiến dịch Mậu Thân. Củ Chi đã được quét sạch.

Chuyện xảy ra đã 30 làm chẵn. Mỗi lần hồi niệm Củ Chi tôi lại nhớ Vườn Trầu.

Cái bàn chân cứ chòi đạp nhoi nhói trong đầu tôi. Giọng nói đứt quãng của Thu Hà. Những tiếng nàng mang theo xuống mồ như cũng vọng về tìm lại người xưa.

Đám cưới chạy tang xui thật. Nhưng tôi cũng còn một chút hên.

Nhờ ốm mà tôi không có mặt ở trại Giàn Bầu, trận kết thúc cuộc đời của tên Lê Dương Đỏ sau 25 năm lang bạt khắp đó đây Cũng là trận chấm dứt cái huyền thoại "giải phóng tới cửa ngõ Sài Gòn - 4/5 dân chúng, 3/4 đất đai và đón Bác vô Sài Gòn", một giấc mộng hoang đường của một kẻ ngây thơ chết xuống mồ còn ôm mối hận Ô Giang.

7 - 95

Lôi – Vũ


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx