sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương Kết: Bài Nói Chuyện Của Dương Đình Lôi Trước Tiền Đình Tòa Hành Chánh Tỉnh Bình Dương Với 2000 Đồng Bào Bình Dương- Hậu Nghĩa Ngày 10 Tháng 9 Năm 1970

Tôi là Dương Đình Lôi, Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Trung Đoàn Quyết Thắng, nguyên quận đội trưởng Quận Củ Chi, xin có đôi lời bày tỏ cùng đồng bào.

Thưa đồng bào, thưa các mẹ, các anh chị Bình Dương Hậu Nghĩa, đặc biệt đồng bào Củ Chi. Có lẽ đồng bào không lạ gì đối với tôi, một người đã từng tiếp xúc và sống với đồng bào 2000 ngày đêm trên mảnh đất đầy mưa bom, bão đạn này từ năm 1965 đến nay.

Hôm nay tôi xin thưa cùng đồng bào lý do tại sao tôi có mặt ở đây, - nơi mà cách đây 2 năm ngay trong đợt 2 của cuộc tổng công kích Mậu Thân, Thượng tá Trần Văn Đắc chánh ủy mặt trận tiền phương đã rời bỏ hàng ngũ Cộng Sản trở về với chánh nghĩa Quốc Gia. Trước ông đã có nhiều người và sau ông sẽ còn nhiều người hơn nữa đi theo bước chân ông. Tôi là người thứ 300.677 đã trở về với chánh nghĩa Quốc Gia từ khi có chánh sách Chiêu Hồi.

Tại sao tôi theo Cộng Sản 20 năm rồi lại bỏ Cộng Sản?

Đối với tôi đây là một vấn đề rất lớn phải được trình bày tỉ mỉ, nhưng hôm nay tôi chỉ xin tóm tắt như sau:

Năm 1945-46, xã tôi có một người tù tên Bình không biết rõ gốc gác ở đâu, từ Côn Đảo về. Vì tình hình lộn xộn cha tôi không cho đi học nữa chứ không phải tôi tự ý về nhà. Thời kỳ đó những hoạt động của Việt Minh đều mang danh nghĩa yêu nước, không phân biệt đảng phái. Tôi có chút ít chữ nghĩa nên thích những bài hát cải cách gọi là bài hát Thanh Niên như những bài: Thượng lộ tiểu khùc, Lên Đàng, Tiếng gọi sinh viên, Bạch Đằng Giang, Chi Lăng, Đồng Đa, Hội nghị Diên Hồng, v.v... Tôi còn thích đi chợ để nghe diễn thuyết, tuyên truyền về lòng yêu nước. Trưởng ban Tuyên Truyền tỉnh là thầy cũ của tôi hồi tôi học lớp nhất. Ngoài ra còn những vị thầy khác cũng đi kháng chiến. Hơn nữa có cả ông Đốc trường quận và ông Đốc các trường liên tỉnh cũng đi kháng chiến. Những vị này đến nhà tôi, được ba tôi tiếp đãi rất trọng hậu.

Một đứa học trò thấy thầy mình đi theo Việt Minh thì ắt phải nghĩ rằng đó là một việc làm đúng đắn, một hành động ái quốc.

Ông Bình thường tuyên truyền chủ nghĩa Cộng Sản bên Liên Xô: "Các thặng sở năng, các thụ sở nhu".

Không ai hiểu gì cả. Cũng không ai biết Liên Xô Liên Xiết ở đâu? ông bèn giải thích "Các thặng sở năng" là làm tùy sức hưởng tùy tài. Tức là làm được bao nhiêu thì được trả công bấy nhiêu- không ai bóc lột ai. Lập tức có người chất vấn: ở đâu mà không thế đợi gì phải bên Liên Xô?

...Khi lên Cộng Sản chủ nghĩa rồi thì "các thụ sở nhu" "làm tùy sức hưởng tùy nhu cầu". Nghĩa là người dân chỉ làm hết sức mình nhưng được lãnh theo nhu cầu cần thiết. Thí dụ: một ngày công của tôi chỉ đáng giá 5 cắc nhưng tôi cần: vải, nước mắm, dầu lửa, cá thịt giá 5 đồng thì tôi vẫn được phát cho đủ các món đó. Trên khắp thế giới hiện nay chỉ có Liên Xô đang tiến lên Cộng Sản chủ nghĩa thôi. Dân Liên Xô là dân tộc sống sung sướng nhất hoàn cầu. Bởi vậy nước nào cũng muốn trở thành Cộng Sản như Liên Xô. Chủ nghĩa Cộng Sản làm chơi ăn thiệt ai mà không mê? Có người hỏi sao ông không sang Liên Xô ở, sung sướng mãn đời (có tiếng cười ầm) thì ông ta đổ quạu không trả lời. Người ta lại hỏi: ông có thấy thật hay chỉ nghe ai đồn? ông Bình càng nổi cáu.

Tôi ham thích đọc báo và chép thơ. Thời đó có một bài thơ rất hay, nó ăn sâu vào từ nhớ của tôi đến nay. Tôi xin đọc mấy đoạn trong bài AN PHÚ ĐÔNG:

Thật là một bài thơ tuyệt tác ca ngợi tinh thần chống xâm lăng, yêu nước của người vệt Nam. Bất cứ nơi nào cũng có bức tranh hùng vĩ đó. Nơi nào có quân Pháp đến đóng đồn thì nơi đó đều trở thành An Phú Đông.

Năm 1946, quân Pháp đến đóng bót ở chợ làng tôi- do một tên Pháp chỉ huy. Được sự chỉ dẫn của người địa phương, hắn đem lính vào xóm vây nhà bắt ba tôi để ép ông ra làm việc. Nhưng ông vốn đã cẩn thận trốn tránh hằng ngày nên chúng không bắt được. Chúng bèn quay ra bắt má tôi. Tôi bảo: má tôi già yếu, mấy ông bắt tôi đây? Thế là chúng bắt tôi đem về đồn mong ba tôi nóng lòng sẽ ra hợp tác với chúng. Nhưng ba tôi không ra. Còn tôi, tôi cũng không sợ chúng chút nào.

Sáng hôm sau, tôi đang nhởn nhơ trước bót (tôi không bị giam) thì có một chiếc xe nhà binh từ trên quận chạy xuống. Tôi đoán là tên quan hai chỉ huy phân khu. Có lẽ trông thấy mặt mũi tôi sáng sủa, một tên vẫy tay tôi đến, hỏi giọng hách dịch:

- Mày làm gì ở đây?

- Dạ, tôi bị bắt ạ?

- Tại sao?

- Tôi cũng không biết tại sao!

Vừa lúc đó tên xếp đồn xuất hiện. Tên này báo cáo về trường hợp của tôi. Tên quan hai hất hàm:

- Tại sao chúng mày không hợp tác với quân Pháp?

-Tại vì tôi không thích sự có mặt của các ông ở đây.

- Tại sao?

- Cũng như chính dân tộc Pháp không thích quân Phổ (Les Prussiens- quân Đức) sang chiếm đất Pháp hồi trước.

- Chúng tao đem văn minh tới cho nước mày mà tại sao mày lại có vẻ căm thù chúng tao?

- Vâng, tôi yêu Balzac, Maupassant nhưng không yêu các ông.

- Ai dạy mày thế!

- Thầy tôi, giáo sư De la Goutte. Ông dạy tôi những bài thơ của Victor Hugo, tiểu sử của Jeanne d’Arc và những gương yêu nước của người Pháp.

- Ông ta ở đâu bây giờ?

- Ông ta còn dạy ở trường trên tỉnh lỵ.

- Tại sao mày không trở lại trường mà trốn học ở nhà?

- Tôi ở nhà vì tôi không muốn đi học nữa chớ không phải trốn học.

- Đi theo Việt Minh phá làng phá xóm mà không phải trốn học? Được rồi tao sẽ cho mời ông thầy mày đến dạy dỗ thằng học trò cứng đầu này.

Tôi tưởng tên sĩ quan nói chơi, chẳng ngờ độ một tiếng đồng hồ sau, một chiếc xe ca chạy tới đỗ ngay trước cửa bót. Cửa xe mở. ông thầy tôi bước xuống. Tôi tưởng mơ nhưng mà thật. Trông thấy tôi ông reo lên:

- Con... đó hả? Sao ở đây! Người ta bảo con là tên ma cà rồng.

- Thưa thầy, không ạ! Con vẫn là học trò của thầy, con vẫn là thằng bé học tiểu sử của Jeanne d’Arc và nghe tiếng kèn trận của cậu bé Barbara trong thung lũng Ronceveaux vang lên thúc giục lòng quân sĩ đến điệp khúc sau cùng, con vẫn là đứa học trò được thầy cho 18 điểm khi giải thích bài thơ của Victor Hugo: vinh quang thay những đứa con chết cho Tổ Quốc!...

Tôi nói một hơi như một dòng suối tuôn tràn trước mặt vị giáo sư Pháp văn. Và ông cũng lấy làm vui sướng với nét mặt rạng rỡ khi nghe đứa học trò bỏ lớp mà vẫn không quên những bài học của ông dạy cho.

Vị giáo sư đưa tay cho tôi. Tôi khúm núm, vì chưa bao giờ dám bắt tay thầy. Ông bảo:

- Bây giờ con là công dân một nước rồi! Thầy lấy làm hãnh diện bắt tay con.

- Con xin cám ơn thầy. - Tôi bắt tay thầy và cúi mọp.

Các sĩ quan Pháp và pạc-tí-dăng ngơ ngác trước câu chuyện của hai thầy trò. Viên xếp đồn hơi bực mình kể lại câu chuyện về tôi cho vị giáo sư nghe rồi kết luận:

- Thằng nhỏ này ngang bướng lắm. Nó chịu bắt thay cho mẹ nó!

- Đó là một tấm gương tốt chớ sao ông bảo nó ngang bướng. Người Á Đông vẫn thường có những cử chỉ như thế. Chúng ta phải hoan nghênh.

- Nhưng bố nó có tinh thần bất hợp tác với chúng ta. Không thể nào tha thứ được.

- Thì cũng như chúng ta bất hợp tác với quân Phổ trước đây vậy. Thằng bé này đã chịu ảnh hướng tinh thần của chúng ta ngày xưa.

- Thưa giáo sư, viên quan hai nói - Chúng ta chỉ giúp họ tiến tới văn hóa, văn minh tiến bộ.

- Nhưng họ lại không chấp nhận sự có mặt của chúng ta ở đây. Tinh thần Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái là những điểm chính của nền văn minh đó. Ngay như tôi, tôi cũng khâm phục công cuộc giành độc lập cho đất nước họ. Tôi sẽ rời xứ này trở về nước nay mai vì họ không cần sự có mặt của ta nữa. - nghỉ một chút, quay sang tôi, ông tiếp- Tôi nghĩ là quí ông không có lý do gì bắt bớ một cậu bé như thế này. Nó đã nghe dư âm tiếng gọi Jeanne d’Arc thiêng liêng vọng lại từ lịch sử ta, các ngài không lấy đó làm hãnh diện hay sao Nếu tôi là các ngài thì tôi sẽ viết một bài báo gởi về Pháp.

.... Thế là tôi được thả ra.

Thưa đồng bào, tôi đã kể hầu đồng bào những câu chuyện về chủ nghĩa Cộng Sản của ông Bình và về lòng yêu nước vừa chớm nở của tôi. Lúc đó tôi kính phục ông Bình cũng như kính phục vị giáo sư của tôi. Và tôi lầm tưởng rằng cô Jeanne d’Arc và cậu Barbara đã nhờ chủ nghĩa Cộng Sản mà có được lòng yêu nước như vậy. Và lầm tưởng chủ nghĩa Cộng Sản và lòng yêu nước chỉ là một. (Có tiếng cười ồ và thính giả xôn xao). Bởi xưa nay có ai biết Cộng Sản là cái gì? Đảng Cộng Sản Đông Dương giải tán hay không giải tán thì có ý nghĩa gì? Một trò bịp, làm sao một bộ óc non nớt như tôi xét đoán nổi. Chỉ biết nước mình bị nô lệ thực dân Pháp thì phải nổi lên đánh đuổi nó để giành độc lập thôi. Khi đi học thì chào cờ Pháp hát "Maréchal nous voilà!"

Bây giờ hát "Này thanh niên ơi niên ơi đứng lên đáp lời sông núi" - nó sướng cái miệng làm sao.!

Lúc chưa thành nhân tôi đã quảy ba lô làm cán bộ, đi tổ chức các đoàn thể thanh niên cứu quốc, nông dân cứu nước, cả thiếu nhi cứu quốc và giúp đỡ các bà tổ chức Phụ nữ Cứu Quốc nữa.

Cùng đi có các bạn học cũ của tôi, toàn là con Cai Tổng, Hương Cả và con thầy học của tôi. Chúng tôi quảy đờn đi đến đâu tổ chức lửa trại và đóng kịch cương, lấy làm thú vị và tự hào cho tuổi trẻ của mình lắm.

Hai tiếng "núi sông" thiêng liêng thúc giục lòng trai vô cùng. Chúng tôi say mê "cứu nước". Thỉnh thoảng các anh lớn thấy cậu bé thông minh, đưa mấy cuốn sách vỡ lòng của Các Mác do Như Quỳnh Hải Triều và Đặng Thái Mai dịch. Đọc nhưng chẳng hiểu gì, chỉ nhớ có một câu: "chủ nghĩa tư bản là con ngựa bất kham ném chủ nó xuống hố."

Năm 1952 tôi vớ được một quyển Études Soviétiques trong đó có bài "Bắt kịp và Qua mặt" trong đó tác giả phân tách 2 nên kinh tế Hoa Kỳ và Liên Xô và kết luận trong 5 năm kế hoạch lần thứ... Liên Xô sẽ qua mặt Hoa Kỳ tính về bơ, sữa, thịt cá, điện, trên mỗi đầu người. Tôi không hiểu gì cả, nhưng cũng không gạt bỏ.

Năm 1954 tôi tập kết ra miền Bắc, thình lình tôi thấy cái khẩu hiệu chữ to bằng người YÊU NƯỚC LÀ YÊU CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, cái chủ nghĩa xã hội không giai cấp làm 5 cắc lãnh 5 đồng của ông Bình ấy mà! (tiếng cuời vang)

Một hôm tôi đi mậu dịch mua đường cát. Xếp hàng rồng rắn dài ngoằn ngoèo, chờ cả buổi mới tới phiên. Nhưng cô mậu dịch lắng lặng treo tấm bảng "HẾT HÀNG". Ông già đứng cách tôi chừng 3 người nổi cáu, quay ra chìa cái phiếu cho người đứng phía sau với vẻ mặt giận dữ: "tôi bán cho anh nè!" Tôi nhận ra ngay là ông Bình. Ông cũng nhận ra tôi. Ông có vẻ xẽn lẽn. Có lẽ ông nhớ những bài giảng của ông trước kia. Tôi hỏi lấp ngang:

- Bây giờ bác Ba công tác ở đâu bác Ba?

- Ờ, ờ goa công tác ở trường lý luận trung cao.

Gặp lại thằng học trò cũ, nhưng ông thầy không vui. Tôi chào tạm biệt. Xã hội miền Bắc năm đó, 1961- còn ăn độn, nhiều nơi ăn củ chuối nhưng chế độ phân chia làm 16 giai cấp, biểu hiện trong các tấm phiếu. Phiếu A có 4 giai cấp: Al, A2, A3, A4 - B có B1, B2, B3, B4 v.v... Đó là giai cấp mua hàng. Còn ăn cơm có 4 giai cấp: đặc tiểu táo, tiểu táo, trung táo, đại táo.

Đặc tiểu táo thì 10 người nấu cho 1 người ăn.

Tiểu táo thì 5 người nấu cho 3 người ăn.

Trung táo thì 1 người nấu cho 10 người ăn.

Đại táo thì 1 người nấu cho 100 người ăn.

Đó là xã hội chủ nghĩa "không giai cấp" của miền Bắc!

Chẳng những nó được thi hành ở miền Bắc mà trong hoàn cảnh rừng rú của R và ngay cả trên Trường Sơn cũng có phiếu A, B, C. Loại A ăn muối sả. Loại B ăn muối sống (cười).

Các bạn có biết ai đã xóa cái nạn giai cấp xã hội chủ nghĩa ở khu giải phóng không? Đó chính là Mỹ. Tại sao? Bom bỏ rầm rầm, pháo bắn phát điên, thằng nào cũng chạy bộ và ăn bốc chớ tiểu táo, đặc táo, phiếu Al, A2 sao được? (tiếng cười rần rần)

Thưa đồng bào, tiện đây tôi cũng muốn nêu lên một vấn đề mà chắc chắn từ thành thị đến thôn quê, bà con có nghe Đài Giải Phóng, đài Hà Nội ít hay nhiều đều biết. Đó là Địa đạo Củ Chi "dài 100 dặm" bao quanh và luồn qua cả dưới đít Đồng Dù. Nó còn chui qua cả sông Sài Gòn và nối thôn liền thôn xã liền xã. Hơn nữa ở dưới địa đạo còn có bệnh viện, câu lạc bộ, tiệm quán, kho thuế nông nghiệp, giếng sâu 16 thước. (tiếng cười rào rào). Mỗi lần Mỹ chụp đồng bào chui xuống địa, an toàn 100% và giúp đỡ bộ đội dùng "địa đạo chiến" đánh quân Mỹ tơi bời. (tiếng cười)

Ở đây chắc có bà con Củ Chi. Chắc bà con không khỏi ngạc nhiên về cái địa đạo đó. Tôi đã từng đưa ông Kiệt xuống tham quan cái địa thôn liền... thôn đó "mất 7 ngày". Khi trở lên mặt đất các nàng "dũng sĩ" đã tặng cho ông một tô nước "mắc cở". Uống xong ông phấn khởi quá mức kế hoạch nhà nước ông vọt thắng lên Cao Miên "nắm thắt lưng Mỹ mà đánh "túi bụi" rồi không trở lại Củ Chi để xuống đường Sài Gòn. (Tiếng cười rần rần kéo dài).

Thưa đồng bào,

Tôi đi theo Việt Minh từ 1945 tới nay. Trong bụng tôi lúc nào cũng có câu hỏi: Tại sao nó như thế này? Tại sao nó như thế kia? Có lần ở Đồng Tháp Mười (1948)tôi đã cãi nhau với Hà Huy Giáp về chủ nghĩa Mác (Các thặng sở năng... Các thụ sở nhu.)

Tại sao một người chỉ có 2 sào đất (bằng 1 công đất trong Nam) lại bị quy là địa chủ. Tại sao địa chủ ủng hộ kháng chiến nhiệt tình như vậy mà bị cho là phản động?... Tại sao một anh cán bộ gởi thơ về nhà (ở Sài Gòn) không xin gì, chỉ xin cái sườn xe đạp? Tại sao miền Bắc nghèo đói mà đòi giải phóng Miền Nam giàu có?

Một ngàn câu hỏi mọc lên trong đầu tôi. Không ai giải đáp cho tôi thông suốt, ngoài cái thực tế trước mắt.

Chủ nghĩa Cộng Sản chỉ mang lại nghèo đói, dốt nát, tù tội, tem phiếu, dép râu (Tiếng cười rần).

Tôi đã bị mê hoặc vì những sách vở nói láo và những bài học của lão Ba Bình. Tôi muốn mở mắt cho những người mê muội theo Cộng Sản như tôi nhưng thời giờ quá ít. Trời đã trưa, nóng bức, xin hẹn đồng bào một dịp khác.

Tóm tắt buổi hầu chuyện cùng bà con hôm nay tôi muốn nói rằng: Chủ nghĩa Cộng Sản không phải một lý tưởng mà là một trò đại bịp. Còn người Cộng Sản không có tài gì ngoài lừa bịp. Họ là những người không có tư cách, không có gì đáng kính mà cũng không có gì đáng yêu.

Xin kính chào.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx