sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 24: Đầu Cầu Narev

Sông Narev chảy qua vùng đông bắc Ba Lan, bắt đầu từ khu rừng Bialowiecz thuộc Belorussia chảy về phía nam thành một hình vòng cung dài hơn 400km rồi đổ vào sông Vistula ở phía bắc Warsaw. Sau khi chống lại được các cuộc phản công của bọn Đức tại khu vực Kleshcheli và Avgustinka, quân ta vượt qua sông Western Bug tiến về phía tây với tốc độ chậm lại một chút. Chiến dịch Bagration đã làm bọn Đức kiệt sức nhưng nó cũng làm cả chúng tôi kiệt sức. Chúng tôi liên tục truy kích địch trong khi chúng cũng liên tục chặn bước tiến quân ta bằng các vị trí phòng thủ kiên cố và các cuộc phản công cục bộ.

Chỉ huy Phương diện quân Rokossovskii lo rằng Phương diện quân của ông sẽ rớt lại phía sau trong cuộc đua đến nước Đức, vì vậy ông ra lệnh cho Tướng Batov chỉ huy Tập đoàn quân 65 chiếm một đầu cầu vượt sông Narev không muộn hơn tuần đầu tháng 9. Rokossovskii chỉ định một khu vực giữa Pultusk và Serotsk, phía bắc Warsaw, là địa điểm lập đầu cầu của chúng tôi và nó phải đủ lớn để làm bàn đạp mở một cuộc tấn công lớn vào sâu trong đất Đức. Vào lúc đó các Sư đoàn của Tập đoàn quân 65 đang ở trong tình trạng yếu kém. Chúng tôi đã tiến hơn 600km kể từ khi Chiến dịch Bagration bắt đầu và trong hai tháng rưỡi kể từ ngày đó chúng tôi đã mất hơn một nửa quân số trong những trận đánh liên tục không ngừng. Tuy nhiên, sáng ngày 5/9/1944, những cỗ xe tăng thuộc Quân đoàn Xe tăng Cận vệ một “Sông Đông” đã vượt sông Narev. Sau đó những chiếc tăng đã cố gắng chiếm được một cây cầu qua sông. Nhưng bọn Đức đã cho nổ mìn chiếc cầu và tấn công vào cả hai đầu cầu khi những chiếc tăng quân ta tiến tới, thậm chí mặc kệ việc trên cầu đầy quân Đức đang rút lui. Những tên may mắn thoát chết còn ở giữa cầu nhảy xuống sông cố bơi vào bờ phía tây. Khúc sông này không có cây cầu hay chỗ nước cạn nào khác và bây giờ quân ta phải vượt qua nó với sự mưu trí và dũng cảm cao độ. Tại điểm này, sông Narev là một chướng ngại vật lớn trên đường tiến quân của chúng tôi. Nó rộng tới 200m và sâu 6m. Quân đoàn Xe tăng Cận vệ một “Sông Đông” tới nơi và được lệnh vượt sông dưới nước. Lúc này một số xe tăng còn khả năng chiến đấu của Quân đoàn đã đi khỏi, chỉ có 18 chiếc đảm nhận nhiệm vụ vượt sông. Tôi đứng xem khi những người lính lái tăng hàn kín tất cả những lỗ thủng và kẽ nứt trên chiếc tăng, đặt những cái ống cao để cấp khí cho máy xe và thoát khói. Sau khi việc đó kết thúc, lính lái tăng nối những chiếc tăng vào nhau bằng dây cáp để đề phòng trường hợp máy xe bị nghẹt chiếc tăng sẽ được xe khác kéo. Khi mọi việc đã xong, chiếc dẫn đầu trườn xuống nước và những chiếc khác nối đuôi nhau lao xuống theo. Họ đã vượt sang bờ bên kia thành công và ngay lập tức triển khai bảo vệ tuyến vượt sông trong khi rất nhiều bộ binh ào ạt chống bè qua sông. Sau khi xe tăng và bộ binh đã qua bờ bên kia, pháo binh bắt đầu vượt sông. Đám lính pháo binh cởi trần trùng trục điều khiển lũ ngựa bơi vượt sông, kéo theo sau những bè chở pháo.

Khi mỗi đơn vị vượt được sông, họ lập tức di chuyển để mở rộng đầu cầu. Trong vài giờ đầu tiên, đầu cầu mới chỉ rộng và sâu khoảng 1,5km. Lính công binh bận rộn lắp một cây cầu gỗ gần Vul’k – Zatorsk, khi cây cầu hoàn thành, các bộ phận còn lại của Tập đoàn quân 65 cũng bắt đầu vượt sông. Đến tối ngày 5/9 hơn một nửa bộ binh quân ta đã vượt sông. Bọn Đức phản ứng lại bước tiến đó theo cách thông thường của chúng là cố đẩy chúng tôi ra khỏi đầu cầu. Chiến sự ác liệt suốt bốn ngày. Chúng tôi đánh để mở rộng đầu cầu trong khi bọn Đức thì cố loại trừ nó. Rút cục, bọn Đức đã thất bại trong việc bóp nghẹt đầu cầu. Các trung đoàn trong sư đoàn tôi đã cắt được tuyến đường giữa Pultusk và Serotsk và tiến được khoảng 8km, sau đó dừng lại đào các công sự phòng ngự kiên cố. Đó là vì chúng tôi không thể mở rộng đầu cầu ra xa hơn nữa, sức chúng tôi chỉ đến thế. Mặc dù đầu cầu vượt sông Narev không được sâu (tại khu vực của Sư 354 Bộ binh nó chỉ sâu chưa được 8km), Rokossovskii vẫn cho rằng nó rất quan trọng và lệnh cho tướng Batov phải kiên quyết bảo vệ bằng được. Sau khi những nỗ lực ban đầu của bọn Đức nhằm đẩy Tập đoàn quân 65 về bên kia sông Narev thất bại, chiến sự tạm ngừng một thời gian. Chúng tôi cố gắng củng cố đầu cầu đến mức tốt nhất có thể trong khi bọn Đức có lẽ cũng đang tái tập hợp và tăng cường lực lượng. Quân ta chỉ nhận được một mức tăng cường nhỏ giọt. Trong khi chúng tôi cần 6.000 người để có đủ sức mạnh ban đầu, chúng tôi chỉ nhận được 800. Trong số những người mới có một số người Moldavi và nhờ họ chúng tôi được biết Moldavi đã được giải phóng. Trong thời gian chiến sự tạm lắng đó, tôi phục vụ với tư cách tài xế của Sư đoàn phó phụ trách tuyến sau Sư đoàn. Hậu cứ Sư đoàn tôi đóng trong một khu rừng thông nằm dọc bờ trái (bờ đông) con sông, giữa Vul’k – Zatorsk và con sông. Chiếc cầu gỗ nằm cách đó khoảng 1km. Trong khu rừng thông đã trưởng thành đó tất cả các bộ phận tuyến sau và các đơn vị cơ hữu của Sư đoàn 354 đóng. Các kho đạn, Tiểu đoàn Vận tải 473, bệnh viện dã chiến sư đoàn và các bộ phận khác đóng ở rìa tây nam khu rừng. Sở chỉ huy sư đoàn, SMERSH, kiểm sát viên, toà án quân sự thì đóng ngay trong làng Vul’k – Zatorsk. Người của tiểu đoàn vận tải và bệnh viện dã chiến sống trong các công sự. Những người bị thương ở trong các lều bệnh viện. Có cả một nhà tắm hơi bằng gỗ súc. Sau nhiều tuần lễ dài tiến công và chiến đấu, những chỗ ở này có vẻ thật xa xỉ.

Chiếc jeep Willy của tôi vẫn chạy một cách tốt nhất có thể – tức là không tốt lắm. Rồi động cơ xe cũng trút hơi thở cuối cùng, vì vậy chúng tôi quyết định thay thế nó bằng động cơ một chiếc “Citroen” chiến lợi phẩm. Việc lắp ráp thay thế này là vấn đề khó khăn trong điều kiện tại chỗ vì những lý do sau:

1- Điểm chốt nối vỏ khớp li hợp với hộp số khác nhau.

2- Chúng tôi phải cắt ngắn bớt trục sơ cấp của hộp số, và chúng tôi cũng phải đối mặt với những sự thay đổi thông thường khác.

Lắp động cơ thay thế vào chiếc Willy mất hơn hai tuần. Cuối cùng tôi cũng lắp lại xong chiếc xe, khởi động và chạy thử. Tôi tăng tốc và vào số một ngon lành chỉ trong một giây, tiếp đó tôi vào số 3 và thế là chiếc xe bắt đầu chạy giật lùi. Điều đó có nghĩa là khi tháo hộp số để cắt ngắn trục sơ cấp tôi đã để lẫn các bánh răng khiến cho hai mức tốc độ hoá thành một tiến và một lùi. Tôi buộc phải tháo hộp số lần thứ ba và chỉnh lại các bánh răng – nhưng không có kết quả. Tôi phải sửa chiếc Willy thêm một tuần nữa và chỉ đến khi tôi kiếm được hộp số của một chiếc xe tải nhẹ Đức chiến lợi phẩm vừa với chiếc Willy thì vấn đề mới được giải quyết. Từ ngày vào quân ngũ, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thư nhà của mẹ tôi hoặc thư của bố tôi cũng đang phục vụ đâu đó trong Hồng quân. Trong thời gian tạm dừng chiến sự ở đầu cầu Narev, tôi lại nhận được những bức thư mới. Mẹ tôi đang làm việc trong một nhà máy sản xuất makhorki, một loại thuốc lá quấn rẻ tiền rất phổ biến trong những năm khó khăn này. Tôi cũng được biết Leonid, cậu em 15 tuổi của tôi, đang làm việc trong một nhà máy sản xuất động cơ nhỏ. Cậu em 17 tuổi Anatolii thì đang làm việc trong một nhà máy sản xuất đạn của Hải quân. Những bức thư của bố tôi thì cho biết ông đang ở Crimea, sư đoàn của ông đang tham gia vào lực lượng trục xuất những người Tatar khỏi Crimea, nhưng sư đoàn cũng được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho hội nghị Yalta của các lực lượng Đồng Minh.

Sau khi động cơ được thay thế, chiếc Willy chạy khá tốt. Một vài ngày sau khi hoàn thành việc sửa chữa, tôi lái xe tới nhiệm sở của Sư đoàn phó và gặp được một sĩ quan quen biết – Thiếu tá Georgii Chirkin. Trước đây, tầm năm 1943 đến đầu năm 1944, anh ta là đại uý trợ lý kỹ thuật cho chỉ huy Tiểu đoàn Vận tải của Tập đoàn quân 91, nơi tôi quen biết anh lần đầu. Sau khi được thăng cấp, Chirkin được gọi lại vào Tiểu đoàn Vận tải / Tập đoàn quân 91 và được bổ nhiệm làm chỉ huy đơn vị phụ trách bảo dưỡng ô tô cho sư đoàn tôi. Chúng tôi chào đón nhau như những người thân trong gia đình. Viên thiếu tá nói anh ta muốn chúng tôi lại làm việc cùng nhau nhưng chỉ huy đơn vị phụ trách bảo dưỡng ô tô chẳng được có bất kỳ trợ lý nào về bất kỳ lĩnh vực nào, vì vậy anh ta không thể bố trí cho tôi. Để được làm cùng nhau, anh ta hứa cho tôi một chỗ trong đội lái mô tô của sư đoàn. Trong khi chờ đợi, tôi tiếp tục đảm nhiệm vị trí lái xe cho Trung tá Davydkin. Trong khoảng giữa tháng 9, chúng tôi được nhận thêm một tốp lính mới vào tiểu đoàn vận tải. Họ là những người đồng chí trẻ măng, tất cả đều sinh năm 1926 và đều đã hoàn thành khoá học lái xe. Nhưng chúng tôi đâu cần thêm lái xe, vì vậy chúng tôi giao cho họ làm những công việc sửa chữa nhỏ các xe cộ hỏng hóc, các việc vặt trong doanh trại và canh gác. Trong số họ có vài người Kiselov, định mệnh rút cuộc đã lôi chúng tôi lại rất gần nhau.

Bản đồ khu vực của Tập đoàn quân 65 trong cuộc phản công của quân Đức vào đầu cầu Narev, ngày 4-5/10/1944.

Thắng lợi trong cuộc tiến công từ Parichi và Bobruisk đã cho phép quân ta qua những trận đánh đẩy lùi chiến tuyến địch 600km chỉ trong vòng hơn hai tháng. Vào lúc này, quân ta đã ép quân địch ra xa khỏi đường biên giới Liên Bang Xô viết. Quân Đức nhận thấy đầu cầu qua sông Narev của chúng tôi như một khẩu súng lục kề vào trái tim nước Đức. Tám giờ sáng ngày 5/10/1944, tôi nghe thấy tiếng gầm thét như sấm dậy của trận pháo kích. Nó nhắc tôi nhớ đến âm thanh mà tôi đã nghe khi những khẩu pháo hạng nặng khai hoả gần Ponyri, nhưng ở đây tôi cách tuyến đầu tới 8km, vậy mà âm thanh của trận đánh vẫn nghe rất rõ. Tình cờ lúc đó tôi đang đứng gác cạnh một kho nhiên liệu. Bọn Đức tấn công hoàn toàn bất ngờ và có vẻ như nhằm vào khu vực Dzerzhenin trên chiến tuyến (xem bản đồ). Chỉ huy tiểu đoàn huấn luyện sư đoàn tôi, Đại uý Grechukha, một người bạn tốt của tôi, sau đó mô tả lại trận đánh bảo vệ đầu cầu như sau: “Không ai nói bọn Đức còn bất kỳ khả năng nào để phản công. Mọi người đều tin chắc rằng quân địch không còn đủ lực lượng hoặc phương tiện cho một cuộc tấn công. Theo các trinh sát của quân ta, bọn Đức đã xây dựng một tuyến phòng thủ dày đặc và nhiều tầng xung quanh đầu cầu của chúng tôi với nhiều công sự cố định và bãi mìn. Căn cứ vào chiến thuật đó và với những hiểu biết gần nhất về quân địch, bộ phận tình báo đã không có thông báo về bất kỳ một lực lượng tấn công nào. Chỉ có vài sĩ quan tình báo chú ý đến một bằng chứng nghe được trên radio địch mà các kỹ thuật viên radio quân ta đã bắt được vào cuối tháng 9. một trạm phát radio đặc biệt của bọn Đức đã hai lần phát một thông điệp mã hoá về sự sẵn sàng chuyển sang tấn công. Thông điệp nghe trộm được đó không cho biết trực tiếp về đòn đánh sắp tới, việc nâng cao tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân ta do thông tin tình báo này đã bị bỏ qua sau đó vì không có cuộc tấn công nào xảy ra. Có vẻ như thông tin trao đổi đó chỉ là một trò bịp khác của bọn Đức.

Đêm ngày 4/10 xem ra không có gì khác với bất kỳ đêm nào trước đó. Thỉnh thoảng có vài loạt súng máy hay vài phát đại bác, những thứ đã trở nên bình thường với chúng tôi, có cảm tưởng như không có điềm báo bất cứ sự đe doạ nào. Theo lệ thường, vào lúc bình minh người ta chuyển bữa sáng nóng từ các bếp dã chiến đến các chiến hào và hầm trú ẩn. Bất thần, một loạt pháo dữ dội gầm lên. Các binh sĩ của Sư 354 Bộ binh chưa từng nghe hoặc có kinh nghiệm về một trận pháo phủ đầu mãnh liệt đến thế của bọn Đức. Chỉ trong vài phút, liên lạc hữu tuyến bị cắt đứt khiến vào lúc này, các binh sĩ tuyến đầu bị mất chỉ huy. Liên lạc vô tuyến cũng bị gián đoạn. Trận pháo chuẩn bị tiếp tục trong vòng 1h, sau đó là cuộc tấn công. Thình lình xe tăng địch xuất hiện từ hướng rừng Budy Tsepelenske. Hướng tấn công nhanh chóng trở nên rõ ràng, đòn đánh chính nhằm vào điểm tiếp giáp giữa các Sư đoàn Bộ binh 193 và 354. một tiểu đoàn của Trung đoàn 1199/Sư 354 không thể đứng vững trước cuộc tấn công đầu tiên và rút lui kéo theo sự rút lui của cả hai tiểu đoàn trong thê đội tuyến trước của Trung đoàn 1202 đang làm dự bị cho họ. Tình thế trở nên nghiêm trọng. Đến 10h sáng, quân địch đã tiến tới tuyến thứ hai trên hàng phòng ngự của ta. Chúng chọc thủng vành ngoài của tuyến phòng thủ này tại khu vực bao quanh phần phía tây khu dân cư Dzerzhenin. Khu dân cư này thực tế đã không còn tồn tại, tại đây chỉ còn tàn tích của những căn nhà đổ nát. Sở chỉ huy tiền tiêu sư đoàn đóng tại đó, trên một đống gạch vụn như vậy, chỉ huy là người phó của Đại tá Dzhandzhgava, Trung tá Vorob’ev. Ông vừa mất hai sĩ quan tham mưu và một điện đài viên trong căn hầm hiện nằm dưới đống đổ nát. Lúc hầm sập bản thân ông đang chạy dọc các chiến hào, tập hợp các binh sĩ bỏ chạy và ra lệnh cho các bộ phận của Sư đoàn ngừng rút lui.” Nhìn bề ngoài, vành ngoài tuyến phòng thủ thứ hai của quân ta nằm đối diện với sườn một khu đất cao. Trong thực tế, lúc này quân ta đã mất toàn bộ chiều sâu phòng thủ và chiến tuyến quân ta đã sụp đổ chỉ còn một tuyến duy nhất được tạo bởi bộ binh, súng bắn thẳng và các pháo đội pháo tự hành. Tất cả họ đồng loạt bắn vào xe tăng và bộ binh địch đang xông tới khi chúng xuất hiện trên đỉnh sườn dốc đối diện. Quân địch không kích liên tục, khói bốc mù mịt, tiếng nổ của súng tiểu liên, súng máy, bom trộn lẫn với nhau không sao phân biệt nổi. Cuối cùng quân địch đã không thể phá vỡ được tuyến phòng thủ cuối cùng này trên đường tiến công, mặc dù chúng đã áp sát được nó.[26]

Thời điểm quyết định nhất của trận đánh là giữa 2h và 4h chiều. Quân địch một lần nữa phối hợp tấn công trên toàn tuyến để chọc ra được tới bờ sông. Đây đó, cũng có vài chiếc tăng Đức đơn lẻ đã xuyên thủng được phòng tuyến và chạy được tới bờ sông. Đúng vào thời khắc nghiêm trọng đó, tiếng gầm của động cơ và những loạt súng máy dài thu hút sự chú ý của mọi người. Những viên đạn lửa rít qua đầu bộ binh ta bay về phía quân thù, xe tăng hạng nặng của ta đã đến! Những chiếc tăng tiến đến các vị trí của bộ binh và dừng lại. Cửa nóc một chiếc mở ra và từ đó bắn lên một loạt pháo hiệu xanh lá cây. Như để hưởng ứng theo, những khẩu pháo trên những cỗ xe tăng hạng nặng còn lại đồng loạt gầm lên, nhiều xe tăng địch bùng cháy. Cuộc đấu tăng tiếp tục trong khoảng 40 phút cho đến khi những chiếc xe tăng Đức còn sống sót bỏ chạy. Lúc này, lực lượng tăng cường tiếp theo cũng tới nơi, đó là pháo đội chống tăng và những người lính bộ binh thuộc Sư đoàn 44 Bộ binh. Những khẩu pháo chống tăng thiết lập vị trí ngay sau hào bộ binh. “Những pháo thủ chết trên càng pháo nhưng quân thù sẽ không vượt qua được” – Đó là một trong những khẩu hiệu của họ trong trận đánh.

Từ đầu đến cuối hôm diễn ra trận đánh bảo vệ đầu cầu, Đại tá Dzhandzhgava luôn luôn hiện diện tại những điểm bị đe doạ nhất dọc chiến tuyến quân ta. Tối ngày 4/10, ông đã lệnh cho các Sư đoàn phó của mình vượt sông đến đầu cầu để trực tiếp chỉ huy binh sĩ dưới quyền. Điện đài viên cao cấp của chỉ huy sư đoàn, Thượng sĩ Konstantin Shebeko sau đó kể lại: “Xe tăng địch chọc thủng chiến tuyến quân ta ở khu vực của Trung đoàn 1199 và áp sát bờ sông Narev ngay cạnh điểm vượt sông của quân ta. Sư trưởng đứng tại vị trí quan sát ngay trên mép nước bờ sông Narev, giữa những khẩu pháo của tiểu đoàn chống tăng, gần như ở ngay tuyến đầu. Từ vị trí này ông quan sát diễn biến trận đánh và không cho phép bất kỳ ai vượt sông rút về bờ trái (bờ đông) con sông.” Đêm đó, một pháo đội pháo tự hành SU-76 vượt sông trên cây cầu mỏng manh và đến được sở chỉ huy sư đoàn, chính là điểm quan sát của Dzhandzhgava dưới triền sông. Những khẩu pháo tự hành này trang bị loại pháo ZIS-3 cỡ nòng 76mm tuyệt vời có sức công phá lớn. Chúng cũng có giáp trước mạnh nhưng giáp sườn thì rất mỏng, nóc và đuôi thì chỉ che bằng vải dầu. Vì bộ giáp yếu kém mà chúng tôi gọi những chiếc SU-76 là “Proshchai, Rodina!” (tức là “Vĩnh biệt, Đất Mẹ!”), nhưng cánh lính lái thường gọi chúng là “Suka” (tức là “con chó cái”) như một sự pha trộn giữa khâm phục và khinh rẻ.

Cách điểm quan sát của Dzhandzhgava và cũng là điểm vượt sông khoảng 1km, Năm khẩu pháo tự hành Marder của bọn Đức đã thiết lập vị trí, chúng bắn vào cây cầu và tất cả những gì đi qua đó. Đại tá Dzhandzhgava lệnh cho chỉ huy pháo đội SU-76 tiêu diệt hoặc đánh đuổi đám thiết giáp Đức đó. Viên chỉ huy này quan sát khu vực, vị trí mục tiêu, lựa chọn phương án chiến đấu rồi ra lệnh vận động. Từ chỗ quan sát thuận lợi của mình, tôi nhìn thấy cỗ pháo tự hành đầu tiên trong pháo đội bắt đầu chậm chạp bò lên dốc bờ sông. Các pháo thủ nạp đạn vào súng chính để chuẩn bị bắn bất ngờ vào bọn Đức. Nhưng ngay khi cỗ pháo leo lên đỉnh dốc bờ sông nó đã trúng một phát đạn và bùng cháy mà chưa kịp bắn phát nào. Tai hoạ giống hệt cũng xảy ra với cỗ pháo thứ hai khi nó cũng định tiến theo chiến thuật cũ. Giờ hai chiếc “Suka” đang bốc cháy. một viên trung uý chạy đến chỗ pháo đội trưởng và đề nghị cho phép thử tiêu diệt quân địch một lần nữa, pháo đội trưởng đang bối rối vì vừa mất hai cỗ pháo đã chấp thuận. Tay trung uý chọn một nhóm tình nguyện gồm lái xe, pháo thủ và thợ máy rồi ra lệnh sau đây cho lái xe và pháo thủ: Tốc độ lớn nhất, chạy qua bên tay phải chiếc “Suka” đang cháy, vọt lên đỉnh dốc bờ sông chỉ cách bên phải nó 1m và bắn. Bắn xong lùi lại hết tốc lực rồi lao sang trái khoảng 200m đến một căn nhà nhỏ ở đó. Từ sau căn nhà đó bắn vào chiếc “Ferdinand” ngoài cùng bên trái, sau đó lại quay lui hết tốc lực và trở lại bên phải các anh.

Lái xe và pháo thủ trèo vào trong chiếc SU-76 đợi sẵn. Những thành viên khác của kíp lái vẫn ở lại phía sau dưới sự che chở của bờ sông. Kíp lái nhỏ bé đã làm chính xác những gì viên trung uý chỉ thị và nhờ được cỗ pháo tự hành cháy che chở một phần họ đã nhanh chóng xác định mục tiêu và khai hoả. Chiếc Marder ở giữa bốc cháy. Quân địch cũng phát hiện được hướng viên đạn bay tới và bắn trả nhưng ở đó chẳng còn gì, chiếc Suka đã quay xuống dốc. Trong khi những cỗ pháo tự hành địch vẫn tiếp tục bắn vào chỗ cũ chiếc SU-76 đã đến được vị trí thứ hai bên cạnh ngôi nhà. Cỗ pháo nhanh chóng nhằm vào chiếc Marder bên trái và bắn cháy nó ngay phát đầu tiên. Địch có vẻ không phát hiện được vị trí mới của kẻ vừa ra tay với chúng nên không chuyển hướng bắn về phía ngôi nhà. Vậy là kíp lái bé nhỏ dũng cảm của chiếc Suka quyết định bắn tiếp phát nữa từ vị trí đó. Lần này đến lượt chiếc Marder bên phải bùng cháy, giờ ba chiếc Marder đã bị bắn cháy, hai cỗ pháo tự hành Đức còn lại rút ra sau đỉnh một quả đồi nhỏ và chuồn mất. Kíp lái thắng lợi và được vinh danh bằng những phần thưởng và huân chương.

Thời tiết dần tốt lên và không quân ta xuất hiện với số lượng ngày một nhiều. Cuối ngày hôm đó, khi tôi đang ngồi gần chỗ Sư trưởng, một thiếu tá ngồi cạnh quan sát trận đánh. Đột nhiên viên thiếu tá hỏi Sư trưởng: “Ông có thấy những bụi cây kia không?” Sư trưởng nhìn kỹ những bụi rậm cách chỗ chúng tôi khoảng 1km và trả lời: “Tôi thấy chúng.” – Và ông có thấy những khẩu pháo Đức dưới những bụi cây đó? – Không, tôi chẳng thấy gì cả. – Thế ông đang ngồi trên cái quỷ gì thế? một phi đội ném bom bổ nhào của quân ta nhanh chóng xuất hiện và nhắm vào mục tiêu mà tay thiếu tá đã chỉ: 1, 2 rồi 3 chiếc cường kích lao xuống và thả bom. Pháo đội Đức đã bị loại khỏi vòng chiến. Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn cho quân ta. Những chiếc “Ferdinand” Đức đã rút chạy còn pháo đội của chúng cũng đã bị tiêu diệt. Đêm đó, Sư 37 Bộ binh Cận vệ tới nơi. Sức ép từ quân địch cũng không còn khi bọn Đức nhận ra rằng quân ta đã được tăng cường. Đại tá Dzhandzhgava tái lập chiến tuyến, chuyển Trung đoàn bộ binh 1201 đang ở cánh trái sang cánh phải. Với sự giúp đỡ của Sư đoàn 37 Bộ binh Cận vệ, chúng tôi dần đẩy bọn Đức lui lại được 4km và tái lập được các vị trí phòng thủ đầu cầu. Cơn khủng hoảng đã qua nhưng các trận đánh bảo vệ đầu cầu vẫn tiếp tục cho đến ngày 10/10. Khi trận đánh bảo vệ đầu cầu kết thúc, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vận tải 473 được lệnh chuyển ngay 14 người cho Sở chỉ huy Sư đoàn. Sư đoàn đã chuyển hậu cứ và bổ sung cho các đơn vị tuyến đầu. Tôi nằm trong số 14 người đó. Chúng tôi được mọi người tiễn đi một cách buồn bã: các đồng đội của tôi đã được báo trước điều gì đang chờ đợi chúng tôi.

Tại điểm tập kết, thêm chúng tôi vào nữa là có tất cả khoảng 200 người. Họ tập hợp 14 người chúng tôi thành một trung đội. Mọi người trong trung đội tôi biết rằng tôi đã qua khắp các chỗ cấp trên và tôi quen biết nhiều sĩ quan, vì vậy họ đề nghị tôi tới chỗ Ban tham mưu Sư đoàn để nhắc lại mệnh lệnh của Stalin cấm luân chuyển binh lính và hạ sĩ quan có kỹ năng đặc biệt, ví dụ như lái xe hoặc thợ máy, ra làm lính tiền tuyến. Tôi không muốn cắm cổ nghe theo, nhưng họ đã ép tôi. một viên trung tá nghe tôi nói xong quát thẳng thừng: “Lui ra!”

Khi tôi quay về trung đội mình, tôi thấy một lái xe đang tới gặp Thiếu tá Chirkin. Tôi đề nghị anh ta chuyển một tin nhắn của tôi cho Chirkin, để anh ta biết họ đã chuyển chúng tôi ra làm bộ binh thường. Tay lái xe đi khỏi và tôi bắt đầu trở lại với chiến tuyến. Nhiều sĩ quan cao cấp của Sở chỉ huy cũng tới đi cùng với lực lượng tăng cường cho tuyến đầu. Tất cả có khoảng 400 người hành quân và chúng tôi bổ sung vào dàn đồng ca đó. một sĩ quan của bộ phận phụ trách chính trị mà tôi quen tên là Butsol nhìn thấy tôi và hứa sẽ xem xét vấn đề của tôi. Chúng tôi đến tiền tuyến và được nghỉ một lúc, sau đó chúng tôi đi tiếp đến thay thế cho những đơn vị đã kiệt sức ở tuyến đầu. Chúng tôi ngay lập tức củng cố các công sự và thiết lập các ổ súng máy hạng nặng. Chúng tôi đã trải qua một tuần ở tuyến đầu. Trở lại chiến hào lần nữa, tôi trở thành người cố vấn đầy kinh nghiệm và là người bảo vệ cho một chàng trai trẻ người Kiselov. Anh ta là một trong những tài xế mới bổ sung cho chúng tôi tháng trước. Tôi dạy cậu ta nhiều mánh khoé để sống sót ở tuyến đầu và cách tự chăm sóc bản thân trong điều kiện chiến đấu. Bọn Đức không gây ra vấn đề nghiêm trọng nào trong suốt quãng thời gian đó. Sau đó một đơn vị phòng thủ khu vực tới thay thế chúng tôi.[27] Họ có hàng đống súng máy và tiếp quản khu vực của chúng tôi trên chiến tuyến trong khi trung đoàn tôi lui về phía sau để bổ sung và tái tổ chức.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx