sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ghi Chú

[1] Nạn Đói Khủng Khiếp: Một nạn đói lớn đã quét qua Ukraine đầu những năm 30. Hạn hán năm 1931 và năm 1932 đương nhiên là một lý do nhưng nhiều học giả cho rằng chính sách tập thể hoá cưỡng bức của Stalin mới là lý do chính. Nông dân Ukraine đã thịt hết gia súc và ngựa thay vì phải đem nộp vào nông trang tập thể. Các đại lý của Nhà nước tịch thu lương thực và các sản phẩm nông nghiệp để bẻ gãy sự chống đối của nông dân và cũng là để giữ cho những thành phố chính như Moscow và Leningrad được cung cấp đủ lương thực.

[2] Huy hiệu dành cho các xạ thủ ngoại hạng.

[3] Đó là lần thứ hai trong năm 1942 Tổng hành dinh ra lệnh tái tổ chức các lữ đoàn đổ bộ đường không. Tháng 6/1942, trong 10 lữ đoàn đổ bộ đường không hiện có được lọc ra ba lữ đoàn còn toàn bộ được bổ sung cho các sư đoàn bộ binh từ số 32 đến số 41 và gửi đến Stalingrad. Mùa thu năm 1942, Tổng hành dinh ra lệnh tập hợp 8 lữ đoàn đổ bộ đường không mới. Tuy nhiên theo lời kể của Litvin, các lữ đoàn được tập hợp trong lần thứ hai này đã được chuyển thành 10 sư đoàn đổ bộ đường không Cận vệ. Họ đã được dạy kỹ thuật nhảy dù và đưa vào lực lượng đổ bộ đường không nhưng thường xuyên đánh nhau như bộ binh.

[4] Litvin giải thích các tay bắn tỉa Phần Lan được biên chế trong các đơn vị Đức trên Mặt trận Tây Bắc.

[5] Sư đoàn này được đặt danh hiệu “Sivash” nhờ những chiến công tại Sivash (Crimea) trong cuộc Nội chiến Nga.

[6] Thông tin này được chuyển lên cho Trung tướng Pukhov, chỉ huy Tập đoàn quân 13, ông này ngay lập tức thông báo cho Nguyên soái Georgi K.Zhukov về những tù binh và thông tin có được từ chúng. Zhukov, Phó Tổng chỉ huy Hồng quân và là đại diện Tổng hành dinh cho khu vực phía bắc Kursk đã ra lệnh báo động. Tiếp theo đó, tướng Rokossovskii, chỉ huy Phương diện quân Trung tâm, quyết định bắt đầu kế hoạch pháo kích phản chuẩn bị ngay lập tức. Vào lúc 2h20’ sáng ngày 5/7, pháo binh Phương diện quân Trung tâm đã vào cuộc.

[7] Chính sách của quân Đức cho phép lấy quân từ một Cụm tập đoàn quân hoặc tập đoàn quân tăng cường cho đơn vị bạn đã đạt điểm tới hạn vào tháng 9/1943. Khi các sư đoàn Đức còn lại sau trận đánh thuộc Tập đoàn quân 2 của tướng Weiss rút chạy qua sông Desna, chỉ huy Cụm tập đoàn quân Von Kluge đã yêu cầu Weiss đưa các sư đoàn về phía nam để phản kích ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở Cụm tập đoàn quân Nam. Weiss đã trả lời rằng tập đoàn quân của ông ta đã giảm sức mạnh xuống dưới mức trung bình với chỉ khoảng 1000 người mỗi sư đoàn và chiến tuyến của ông ta dọc sông Desna đã có đầy những đầu cầu của Hồng quân. Earl F.Ziemke, “Từ Stalingrad tới Berlin: thất bại của nước Đức ở phía đông” (Stalingrad to Berlin: The German Defeat in the East), Trung tâm quân sử quân đội Mỹ ấn hành năm 1968 tại Washington DC, trang 167.

[8] Một chương không được xuất bản trong cuốn lịch sử Sư đoàn Đổ bộ đường không Cận vệ số 4, qua tác phẩm của một nhà sử học trước Litvin, giải thích về cuộc hành binh kỳ dị này. Tiểu đoàn chống tăng của Litvin tiến cùng với Trung đoàn bộ binh Đổ bộ đường không Cận vệ 9, theo sau là các trung đoàn 12 và 15. Khẩu đội của đại uý Nishchakov di chuyển trong hàng quân của Trung đoàn 9 trong khi các khẩu đội còn lại của Tiểu đoàn 6 chống tăng lại nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Sư đoàn. Nhà sử học giải thích: “Đó là điều thường sảy ra trong chiến tranh, vị trí có thể thay đổi bất thình lình. Tuyến đầu của các trung đoàn đổ bộ đường không dàn trận trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đã rời khỏi con đường để hành quân đến vị trí chuẩn bị tấn công vào Gaivoron từ bên sườn. Khẩu đội của đại uý Nishchakov không nhận được bất cứ mệnh lệnh mới nào nên vẫn tiếp tục tiến thẳng vào Gaivoron.

[9] SMERSH là từ viết tắt tiếng Nga Smert’ shpionam (Cái chết cho bọn gián điệp!). Đó là đơn vị phản gián khét tiếng do Stalin thành lập năm 1943 để phát hiện và trừ bỏ gián điệp, những kẻ “chủ bại”, đào ngũ và các thành phần chống đối Xô viết trong Hồng quân. Nó đã bắt giữ hàng trăm ngàn sĩ quan và binh sĩ, nhiều người trong số họ đã bị bắn.

[10] Đó không phải là thành phố Gaivoron trên sông Bug được giải phóng bởi Phương diện quân Ukrain 2 của tướng Konev ngày 12/3/1944 mà là một ngôi làng cùng tên ở Chernigov Oblast nằm cách quận lị Bakhmachi khoảng 22km về phía tây nam.

[11] Trong khi tường thuật, Litvin luôn cho chúng là “Ferdinand”, loại pháo tự hành hạng nặng của Đức chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế trước trận Kursk. Nếu vậy thì có vẻ như người Đức có nguồn cung cấp vô hạn các loại xe thiết giáp hạng nặng, chưa kể không hiểu bằng cách nào loại pháo chống tăng cỡ tương đối nhỏ 45mm trang bị trong pháo đội của Litvin lại có thể lúc nào cũng tiêu diệt hoặc dồn được chúng tháo lui. Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, tôi đã cho Litvin xem một loạt ảnh pháo tự hành Đức, nhờ đó có thể nhận ra rằng trong suốt cuộc chiến, Litvin và các đồng đội cho rằng tất cả pháo tự hành Đức đều là Ferdinand. Cũng theo cách đó, các binh sĩ cũng có xu hướng gọi tất cả pháo lớn của Đức là “pháo 88mm” hoặc, trong sự hỗn loạn của thời chiến, nhìn bất cứ tăng Đức nào cũng thành “Tiger”. Đến khi có thể, tôi yêu cầu Litvin chỉ ra loại pháo tự hành mà ông và pháo đội của ông đã đối mặt, trong phần lớn trường hợp chúng là những cỗ pháo tự hành hạng nhẹ “Marder” (Stuart Britton).

[12] Theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Xô viết, Trung uý Cận vệ Bastrakov trên thực tế được nhận danh hiệu đó vì những hành động anh hùng trong trận đánh chiếm làng Gubin ngày 3/10/1943 và sau đó là đóng giữ nó chống lại bảy cuộc phản công của quân Đức vào ngày 4/10. Bastrakov sau đó hi sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ gần Cherkassy vào tháng 1/1944.

[13] Litvin có lẽ đã mô tả về cuộc phản công của quân Đức diễn ra vào ngày 4 và 5/10/1943. Trong hai ngày này, quân Đức đã tiến hành một loạt các cuộc phản công dữ dội vào các đầu cầu của quân Nga tại khu vực này, cố gắng loại trừ mối đe doạ cho “Bức tường phía đông” của Hitler và cho Kiev. Các đơn vị của sư đoàn 7 và 8 thiết giáp Đức đã tái chiếm được Chernobyl và cắt được đầu cầu vượt sông Pripiat của Hồng quân ra làm đôi, sau đó đẩy lùi Quân đoàn 18 Bộ binh Cận vệ khỏi làng Ditiaki vài km. Tuy nhiên, trong một trận đánh ác liệt, Quân đoàn 18 đã chặn được đà tiến của Sư 7 Thiết giáp Đức và rút cục là cuộc phản công của người Đức đã thất bại trong mục tiêu loại bỏ đầu cầu.

[14] Buổi họp chính để lên kế hoạch Chiến dịch Bagration diễn ra tại Moscow ngày 20/5/1944, Stalin và Rokosovskii đã bất đồng sâu sắc về kế hoạch dành cho Phương diện quân Belorussia một của Rokosovskii. Stalin muốn đâm thẳng một mũi vào Bobruisk từ Rogachev. Rokosovskii, người hiểu hơn ai hết rằng Tập đoàn quân 9 Đức đã dự liệu trước điều đó, muốn mở thêm hướng tấn công nữa từ phía nam qua Parichi. Trong một diễn biến kịch tính, Stalin đã hai lần đuổi Rokosovskii ra khỏi phòng để tự xem lại thái độ của mình, cả hai lần Rokosovskii đều quay lại và khẳng định rằng ông tin hai mũi tấn công thì tốt hơn là một. Cuối cùng, Stalin hỏi: “Có thể nào hai mũi tấn công lại tốt hơn là một?” và chấp thuận kế hoạch của Rokosovskii. Đó là một vụ rắc rối đã được công khai. Rokosovskii, người từng bị bắt và tra tấn trong thời kỳ Stalin thanh lọc quân đội năm 1938, đã cho thấy cá tính mạnh mẽ của ông. Stalin, mặt khác, đã chứng tỏ tinh thần cầu thị với những viên tướng dưới quyền đã phục vụ ông rất tốt từ sau năm 1942. Xem “The Road to Berlin: Continuing the History of Stalin’s War with Germany”, tác giả John Erickson, Westview Pres xuất bản năm 1983, trang 202-203.

[15] Thuật ngữ Maskirovka (nghi binh) trong tiếng Nga là một bộ các phương pháp tạo nên một phần quan trọng của nghệ thuật chiến tranh Xô viết, nó một lần nữa được Tổng hành dinh (Stavka) áp dụng tài tình và hiệu quả để đánh lừa Hitler và Bộ Tổng tham mưu Đức (OKH). Các tướng lĩnh tham mưu Xô viết đã nghiên cứu chi tiết các biện pháp bảo mật cho Chiến dịch Bagration theo đó các phương diện quân theo kế hoạch sẽ tiến công một cách bất ngờ. Kế hoạch nghi binh bao gồm việc mở rộng xây dựng công sự và các bãi mìn giả tạo cảm tưởng quân ta chỉ muốn phòng thủ nguyên tại vị trí; giả vờ chuyển tăng pháo và binh lính đi vào ban ngày nhưng đến đêm thì tái tập hợp lại; xây dựng những con đường và nút giao thông giả; tập trung pháo binh ở những nơi thứ yếu, tại đó bố trí thật nhiều chướng ngại vật, sau đó rút đi chỉ để lại toàn pháo giả trong các hoả điểm; bố trí số lượng lớn tăng và pháo tự hành giả trên các hướng thứ yếu; tuyệt đối không liên lạc vô tuyến; và các sĩ quan phải kiểm tra hàng ngày việc thực thi Maskirovka. Xem “Belorussia 1944: The Soviet General Staff Study”, David M. Glantz và Harold S. Orenstein, Frank Cass xuất bản tại London năm 2001, trang 43-44 và 56-57.

[16] Sách đã dẫn, trang 62-63.(xem chú thích 11)

[17] Đây là một điểm thú vị. Nếu tiểu đoàn xung kích đặc biệt, đơn vị dẫn đầu cuộc tấn công, đã phải mất hai ngày hành quân mới tới được tuyến phòng ngự Đức thì có nghĩa là các lực lượng tấn công chính của Phương diện quân Belorussia một đã được giấu ở cách xa chiến tuyến trước khi cuộc tiến công nổ ra. Điều này làm sáng tỏ một phần những biện pháp đánh lừa mà Tổng hành dinh đã áp dụng.

[18] Các đơn vị chặn hậu được thành lập theo mệnh lệnh nổi tiếng “Không lùi một bước” của Stalin trong những ngày đen tối mùa hè năm 1942. Nhiệm vụ của họ là ngăn chặn những biểu hiện hèn nhát trong chiến đấu và bắt những binh lính bỏ chạy quay lại chiến đấu. Họ có quyền bắn hạ tại chỗ những binh lính bỏ chạy nếu họ không chấp hành lệnh quay lại chiến đấu.

[19] Loại pháo 20mm hai nòng thường được sử dụng để phòng không.

[20] Quân Đức đã bắt sống tướng Andrei Andreivich Vlasov, chỉ huy Tập đoàn quân Xung kích 2 vào ngày 11/7/1942 khi tập đoàn quân của ông bị bao vây và tiêu diệt ở phía tây nam Leningrad. Có lẽ do cay đắng vì nghĩ mình đã bị chỉ đạo tồi và bị khinh bỉ bởi quân đội và nhân dân dưới chế độ Bolshevik, ông ta đã chấp nhận cộng tác với quân Đức nhằm thành lập Quân đội Giải phòng Nga (RLA), chủ yếu bao gồm những tù binh Soviet.

[21] P.I. Batov, Ukaz. Soch, trang 413; được trích dẫn lại trong cuốn “354-ia v boiakh za rodinu” của V.A.Mochalov, Penza xuất bản năm 1996, trang 144.

[22] Đối với phần lớn tù binh trên Mặt trận Phía Đông, câu hỏi không phải là họ có chết trong thời gian bị giam cầm hay không mà là khi nào và như thế nào. Hành quyết tù binh là chuyện thường ngày ở Mặt trận Phía Đông. Thậm chí nếu một tù binh tránh khỏi bị hành quyết, cơ hội sống sót qua thời gian bị giam giữ và lao động trong những điều kiện như nô lệ cũng rất nhỏ. Nhà quan sát Max Hastings cho biết: “Cả người Đức và người Nga đều không sẵn sàng tha chết cho tù binh, họ chỉ giữ lại những người có giá trị cung cấp thông tin hay để làm việc như nô lệ trong những việc như dò mìn hoặc lao động trong nhà máy. Chỉ một số ít quân Đức đầu hàng được đưa vào các trại tù binh chiến tranh.” Để biết rõ hơn các cuộc thảo luận về vấn đề hành quyết tù binh, xem “Armageddon: The Battle for Germany, 1944-1945”, Max Hastings, NXB Knopf, New York 2005, trang 109.

[23] Phần lớn chi tiết lịch sử được chú giải trong chương này của Hồi ký lấy từ cuốn “East Front Drama – 1944: The Withdrawal Battle of Army Group Center”, tác giả J.J. Fedorwicz, Winnipeg xuất bản tại Canada năm 1996.

[24] Đó là quả đồi được đánh dấu 181.2 trên bản đồ và đã được đề cập trong các tài liệu lịch sử của Đức về chiến dịch này. Đồi 181.2 do một bộ phận của Sư đoàn Thiết giáp SS 5 “Wiking” chiếm được ngày 22/7 trong cuộc tấn công từ phía nam để cắt đứt các bộ phận dẫn đầu Tập đoàn quân 65 và khép vòng vây quanh Kleshcheli.

[25] Litvin không cho biết thiệt hại nhưng hình như nó khá nặng nề. một tài liệu lịch sử Đức về trận đánh ở Kleshcheli và Avgustinka cho biết một số bộ phận của Sư đoàn 354 đã bị Trung đoàn Phóng lựu Thiết giáp “Germania” thuộc Sư 5 Thiết giáp SS bao vây tiêu diệt gần Avgustinka. Các cuộc tấn công sau đó lên những quả đồi phía bắc Czeremcha cũng gây tổn thất lớn cho Tập đoàn quân 65. Xem Hinze, “East Front Drama”, trang 276-277.

[26] Trong hồi ký của mình, Rokossovskii viết rằng chỉ đến khi pháo binh Soviet bắn thẳng từ bờ đông mới chặn được bọn Đức đập nát đầu cầu. Sách đã dẫn, trang 269.

[27] Các đơn vị phòng thủ khu vực, như cái tên của nó đã đề cập đến, thường được thành lập từ những người địa phương để tăng cường cho những vị trí nằm trên biên giới Liên bang Xô viết. Về cơ bản họ được tổ chức thành những trung đoàn hoặc lữ đoàn bao gồm ba hoặc hơn tiểu đoàn súng máy – pháo binh. Các tiểu đoàn này được trang bị mạnh với súng máy, cối, súng trường chống tăng và pháo chống tăng. Khi họ đi theo Hồng quân tiến về phía tây, họ thường được dùng để làm lực lượng chiếm đóng tại các vị trí trước đây Hồng quân trong quá tình di chuyển đã chiếm được, nhờ vậy giúp Hồng quân không phải để lại quân đồn trú mà tiếp tục tiến lên.

[28] Tại Liên bang Soviet, Do thái được coi là một dân tộc giống như Nga, Estonia, Georgia v.v…

[29] Ngày bắt đầu cuộc tấn công tháng 1/1945 của quân đội Soviet đã được đẩy sớm khoảng một tuần vì lí do chính trị liên quan đến những chiến thắng ban đầu của quân Đức trong cuộc tấn công Ardennes. Tuy nhiên, Stalin cũng hiểu rằng chiến dịch Ardennes đã làm yếu lực lượng Đức trên Mặt trận phía Đông và với sự vượt trội hơn hẳn về quân số, pháo, thiết giáp, cuộc tấn công về hướng sông Vistula và các vùng phụ cận sẽ không có hại gì nếu bắt đầu sớm hơn một tuần.

[30] Thiếu tướng Codne, “Thực trạng Sư 7 Thiết giáp và tầm quan trọng của các đơn vị tăng – thiết giáp”, David M. Glantz sưu tầm và biên soạn trong cuốn “The 1986 Art of War Sympossium: From the Vistula to the Order: Soviet Offensive Operations – October 1944 – March 1945, A Transcript of Proceedings”, NXB Carlisle thuộc Học viện Lục quân Mỹ xuất bản năm 1986, tái bản có bổ sung bản đồ năm 1999.

[31] Đại tá A. von Garn, “Thực trạng Trung đoàn 7/Sư 252 Bộ binh/Quân đoàn 27”, sách đã dẫn, trang 435-450.

[32] Sách đã dẫn.

[33] Codne, “Thực trạng Sư 7 Thiết giáp” trong cuốn “1986 Art of War Symposium”, trang 459-466.

[34] Tại khu vực của Tập đoàn quân 65 có 256 khẩu pháo cho mỗi km chiến tuyến, các cỗ pháo thực sự xếp sát nhau bánh chạm bánh. Lần đầu tiên trong lịch sử Sư 354 Bộ binh không cần quan tâm đến pháo yểm, hỏa lực được cung cấp hầu như không giới hạn. Tuy nhiên, sương mù đã hạn chế phần nào hiệu quả của trận pháo chuẩn bị, các pháo thủ đã phải bắn mà không nhìn thấy gì, chỉ căn cứ vào tọa độ cho sẵn trên bản đồ. Mochalov, 354-ia v boiakh za rodinu, trang 170.

[35] Đòn đánh chính của Tập đoàn quân 65 nhắm vào Sư 35 Bộ binh, cánh trái và chính diện Sư 252 Bộ binh Đức. Tập đoàn quân 65 tấn công bằng lực lượng lớn bộ binh đi trước, giữ thiết giáp lại phía sau theo kế hoạch. Đến tối 14/1, Tập đoàn quân đã tới được tuyến hào thứ 3 và là tuyến cuối cùng trên tuyến phòng ngự đầu tiên của quân Đức. Đêm đó, các bộ phận còn lại của Sư 252 Bộ binh cũng đều rút hết về tuyến phòng ngự thứ 2. Von Garn, “Thực trạng Trung đoàn 7 Bộ binh”, trang 445.

[36] Mochalov, 354-ia v boiakh za rodinu, trang 172.

[37] Thực vậy, sức chống cự của người Đức sau khi bị quân Nga chọc thủng tuyến phòng ngự, như đã được viết trong bài “Tổng quan Chiến dịch Đông Phổ: tháng 1-2/1945” của đại tá D. Glantz (“The 1986 Art of War Symposium”, trang 332), là “vô cùng thưa thớt và yếu kém đến mức rất hiếm khi quân Nga cần dàn trận cấp sư đoàn hoặc quân đoàn để tấn công. Thông thường các đơn vị đi trước thừa đủ sức vượt qua các vị trí phòng thủ mà họ gặp phải và các Tập đoàn quân Nga cứ việc tiến thẳng đến sông Vistula”. một dấu hiệu cho thấy sự hỗn loạn của quân Đức là trong cuộc rút lui từ sông Oder và sông Narev vào ngày 24/1, Sư 252 Bộ binh chỉ còn bốn tiểu đoàn thuộc biên chế trong khi lại thu nhặt được bốn tiểu đoàn và hai đến ba đại đội đi lẻ từ các sư đoàn khác. Von Garn, “Thực trạng Trung đoàn 7 Bộ binh”, trang 449.

[38] Nay là Gruziadz.

[39] Trên thực tế, thiết lập đầu cầu là một nhiệm vụ khó khăn của Trung đoàn 1199 Bộ binh. Ngay sau khi vượt sông, các binh sĩ chưa kịp đào công sự thì đã bị phản công dữ dội và phải quay lại bờ bên này. Cuốn lịch sử sư đoàn viết: “Sư trưởng đã không thể vui mừng đón nghe tin tức đó.” Dzhandzhgava lệnh cho chỉ huy Trung đoàn 1199 là Piatenko quay lại bờ tây sông Vistula “bằng mọi giá”. Tối hôm đó, Trung đoàn 1199 lần thứ hai cố vượt sông trên mặt băng mỏng và lần thứ hai phải dừng lại mà không đạt mục tiêu. Chỉ có một tiểu đoàn của Trung đoàn 2003 bám giữ được một vị trí trên bờ tây Vistula. Phải đến ngày 29/1, Sư 354 Bộ binh mới dựng được một cây cầu qua sông sau khi đã ném phần lớn bộ binh và pháo binh nhẹ vào đầu cầu này. Mochalov, 354-ia v boiakh za rodinu, trang 174-175.

[40] Theo các bản đồ được đưa trong bài viết “Tổng quan chiến dịch Đông Phổ” của Glantz, các đơn vị Đức bị vây tại Torun là Sư 31 và 73 Bộ binh và tất nhiên là cả các bộ phận bị cắt rời, vô tổ chức của các đơn vị quân đội Đức khác đang rút lui. Ngày 31/1/1944, các đơn vị đóng giữ Torun trong vòng vây, tổng cộng khoảng 30.000 người, đã cố gắng chọc về hướng tây bắc để rút qua sông Vistula tại Kulm. Họ đã chọc thủng vòng vây ở khu vực sau lưng Tập đoàn quân 70 thuộc Phương diện quân Belorussia 2 khiến cho lực lượng pháo binh và hậu tuyến của Tập đoàn quân 65 vẫn đang nằm bên bờ đông Vistula bị đe doạ.

[41] Tường thuật ngắn gọn về trận đánh Pháo đài Graudenz được lấy trong cuốn “Gotterdammerung 1945: Germany’s Last Stand in the East”, tác giả Russ Schneider, NXB Philomont, 1998, trang 269-276.

[42] Lời khen thông dụng của người Nga dành cho những cô gái trẻ hấp dẫn, thường dùng ở vùng nông thôn.

[43] Hastings, Armageddon, trang 275.

[44] Đó là cách gọi tất cả các cựu Hồng quân hay dân thường Soviet đã tham gia hàng ngũ quân địch.

[45] Lúc này tại Danzig cũng có hàng trăm ngàn người Đức tại Đông Phổ tị nạn, tất cả cố gắng thoát khỏi những người lính Hồng quân đang khao khát trả thù.

[46] Từ ngày 13/1 đến 25/4/1945, Phương diện quân Belorussia 2 có 159.940 thương vong. Cộng thêm 421.763 thương vong của Phương diện quân Belorussia 3, chúng ta có thể thấy cái giá đắt mà Hồng quân phải trả cho chiến thắng trong chiến dịch Đông Phổ. Trong ba tháng đó, số thương vong của Hồng quân tại Đông Phổ đã tương đương với toàn bộ số thương vong trước đó của quân Anh – Mỹ trong các trận đánh từ Normandy đến Elbe. Hastings, Armageddon, trang 292.

[47] Một binh sĩ Sư 354 Bộ binh kể lại sự khốn khổ đó như sau: “Chân tê cóng vì dòng nước lạnh giá tháng tư và chúng tôi không còn biết gì nữa… Trong suốt 1h, chúng tôi đi loanh quanh trong nước cho đến khi ai đó ở bờ đông thông báo về tình trạng đáng thương của chúng tôi và chỉ huy một tiểu đoàn công binh nhanh chóng cho mấy chiếc thuyền đến giúp. Ở trên thuyền thậm chí còn lạnh hơn, chúng tôi run lên bần bật và răng đánh vào nhau côm cốp không ngừng. Chúng tôi đã nghĩ mình không thể đến được bờ an toàn, cảm thấy như tim tôi đập và run lên cùng với cả người tôi”. Mochalov, 354 – ia boiakh za rodinu, trang 187.

[48] Erickson, The Road to Berlin, trang 574.

[49] Với việc Berlin thất thủ và nước Đức đầu hàng đã trở nên chắc chắn, nhiều chỉ huy quân Đức đã cương quyết không chịu hi sinh thêm binh sĩ một cách vô vọng mà chỉ còn tập trung vào việc cố để những người còn lại không rơi vào tay Hồng quân. Bất chấp lệnh phải giữ chặt tuyến phòng ngự, Heinrici, chỉ huy Cụm Tập đoàn quân trong đó có Tập đoàn quân Thiết giáp 3 của Von Manteuffel đã cho phép Tập đoàn quân này rút chạy càng nhanh càng tốt về phía tây, tới khu vực chiến tuyến của Cụm Tập đoàn quân 21 Anh.

Table of Contents

Tựa

§1: TÔI TRỞ THÀNH LÍNH ĐỔ BỘ ĐƯỜNG KHÔNG

Chiến tranh bùng nổ

Tôi tình nguyện tham gia lực lượng đổ bộ đường không

Mặt trận Tây Bắc: Demiansk và Staraia Rusa

§2: KURSK

Chuẩn bị phòng thủ

Trận đánh bắt đầu và vết thương của tôi

§3: TIẾP TỤC

Chiến dịch Kutuzov

Tiến tới sông Dnepr

Gaivoron

Vượt sông Dnepr

§4: TÔI TRỞ THÀNH TÀI XẾ

Một lần thoát chết

Cái chết bất ngờ của một người đồng chí

Tại xưởng sữa chữa

Bị thương lần thứ 2 và thiên chuyển lần nữa

§5: CHIẾN DỊCH BAGRATION

Vi phạm của tôi và sự trừng phạt

Chiến dịch Bagration bắt đầu

Chúng tôi dẫn đầu cuộc tấn công vào Pairichi

Cuộc chém giết ở Bobruisk

§6: TIẾN VÀO BA LAN CÙNG SƯ ĐOÀN 354 BỘ BINH

Một nhiệm vụ không mong muốn

Thiên chuyển lần nữa

Kleshcheli và Avgustinka

Đầu cầu Narev

Sự can thiệp của thiếu tá Chirkin

Phục vụ Sư trưởng Sư 354 bộ binh V.N.Dzhandzhgava

§7: CUỘC TẤN CÔNG CUỐI CÙNG

Tiến lên!

Tại trại chăn nuôi

Graudenz và Vistula

Tại điền trang Bá Tước

Tới Dazig

Danzig

Ngày tàn của cụm quân Đông Phổ

Tới Stettin

Trận đánh cuối cùng bắt đầu

Chiến tranh kết thúc

Tôi bị bắt giữ và cuộc sống sau chiến tranh

800 Days on the Eastern Front: A Russian Soldier Remembers World War II. Cuốn này nằm trong series: Modern War Studies. Trong bìa tiếng Việt các bạn có ghi: Hồi ức 1 người lính Nga về cuộc chiến Thế Giới II mà trong tiêu đề lại ghi Hồi ức một người lính Nga về War World II nên chưa đồng nhất giữa bìa và phần giới thiệu. Đồng thời trong phần tiếng Anh chỉ có ghi: 800 days on the Eastern Front mà bỏ sót: A Russian Soldier Remembers World War II.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx