sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

9X'09 - Chương 07 - 08

Chương 7. Có gì đó nứt hoác

Nghe lời tôi, Len cũng chịu tìm một bác sĩ tư khám bệnh, gom tiền để chuẩn bị thuốc thang này nọ, nhưng điều ấy không làm tôi bớt đau lòng. Tôi quyết định xa con Len một thời gian. Những ngày không gặp Len, tôi thấy bên trong mình có gì đó nứt hoác.

Đó là giai đoạn tôi cảm thấy chán chường. Kiểu chán ngầy ngật khó tưởng tượng nổi mình vướng phải. Tôi đờ đẫn đối với tất cả mọi thứ tác động đến. Chỉ thích nằm trên giường, gác chân lên bậu cửa sổ. Một cuốn sách giải trí rẻ tiền dễ đọc đặt lên mặt. Và ngủ. Giá có thể ngủ lan tràn từ đêm đến sáng, từ sáng qua chiều, từ chiều sang tối, tối lại về đêm. Được ngủ mà không phải dậy. Cảm giác đến cái ngưỡng ấy thì ắt tệ hại. Biết thế.

Đến một lúc nào đó, khi cơn buồn ngủ không luồn qua khe mắt nhắm, tôi vác cái xác lờ đờ về nhà - gia đình của tôi. Trong bữa cơm, thấy ý chừng Du tiên sinh không được hài lòng cho lắm. Ông nhìn tôi với kiểu rất dò hỏi. Còn Thi bang chủ nói toẹt ra: “Lười học, được. Không ưa làm việc, được. Thích cà kê quán xá, được. Rượu chè à, cũng được. Nhưng sầu đời thế kia thì dứt khoát không được.”

Nghe mẹ nói thế, thằng oắt Shu và con nhóc Shi cười khúc khích. Thằng Shu nháy mắt với tôi. Còn con Shi đu đưa chân khoái chí đến nỗi đạp cả vào ống đồng tôi đau điếng. Tôi sầu thì sao, mẹ kiếp, có ai là tôi để biết những gì tôi đang mang. Hôm đó tôi bỏ bữa, chui vào phòng của tôi - giờ đã là của thằng oắt Shu, sao mà nó nhanh khủng khiếp khi lấy xoẹt của ai đó thứ gì vốn là thiết thân với họ - tôi thấy không ai hiểu mình, mà đến chính tôi cũng còn đang không biết mình muốn gì. Khốn kiếp quá đi mất! Tôi đi từng bước quanh phòng, ngó nghiêng mấy thứ đồ linh tinh của thằng Shu…

“Shu! - tôi gào lên - mày để mấy cái poster của tao đâu rồi?”

“Shu! - tôi lại gào tiếp - ai cho mày dám vứt poster của tao?”

Lát sau, cửa phòng he hé, thằng Shu bước vào, trên tay cầm đĩa bánh ngọt.

“Muốn làm điếc tai cả nhà tốt nhất là ông nên mở toang cửa ra, rồi gào xuống phía dưới nhà ấy. Cứ đứng trong phòng quát ông ổng ra, thối bỏ mẹ.”

“Mày trả lời đi, sao vứt poster của tao?”

“Phòng ông tôi còn chiếm, giường ông tôi thoải mái nằm, ông chẳng có ý kiến gì nữa là mấy cái poster. Sao ông không nói toẹt ra là muốn có tôi?” “Ừ đấy!” Tôi cười ngượng.

“Ăn bánh đi không đói. Làm gì thì cũng đừng để mẹ buồn.”

“Biết rồi.”

“Biết mà bỏ bữa, như trẻ con, chẳng lớn tí nào.”

“Kệ tao.”

“Đã bảo làm thế mẹ buồn. Mẹ đang rầu thối ruột dưới bếp kia kìa.”

“Mặc tao.”

“Mặc là sao, ông chẳng về nhà thì thôi, lâu lâu mới về, lại vác cái mặt đưa đám.”

“Mày không chịu được thì kệ mày.”

“Không phải tôi không chịu được, mà là mẹ. Rồi còn cả bố nữa. Bố bảo tôi mang bánh lên cho ông.”

“Mày ăn đi!”

“Bánh của ông. Tôi ăn no rồi chứ không rửng mỡ bày đặt dỗi dằn bỏ cơm như ông.”

“Mày là tao, bị mẹ nói thế, mày cũng bỏ.”

“Mẹ nói đúng chứ sao.”

“Đúng là thế nào.”

“Mẹ chỉ muốn ông đừng buồn vì chuyện không đáng.”

“Thì sao?!”

“Chả sao. Chỉ có thằng mang tâm lý bọn đàn bà như ông thì mới bày trò dỗi.”

“Tao không mang tâm lý đàn bà.”

“Thế sao lại thảm não rớt ra thế?”

“Mày đếch hiểu gì thì im mồm đi.”

“Cái mặt ngớ ngẩn kiểu này chắc là do thất tình rồi.”

“Mày nói nữa, tao đấm vỡ mồm mày!”

“Thì đếch nói.”

“Đã bảo không nói!”

“Thì thôi…!”

Shu không nói thêm gì với tôi thật. Nó nhảy lên giường nằm. Mặt úp xuống đệm, chân tay dang rộng ra thoải mái. Thi thoảng, còn hát, the thé như mèo sơ sinh. Trời ơi, nó làm tôi càng chán, chán đến muốn chết đi được.

“Shu này…”

(Im lặng)

“Shu!”

(Lại hát)

“Tao bảo…”

(Im lặng tiếp)

“Shu ơi, mày không thương tao à?”

“Đã bảo tôi không được nói cơ mà?”

“Mày có cuốn sách gì hay hay không?”

“Không có sách, chỉ có nhạc thôi.”

“Nhạc gì mày?”

“Nhạc lăng nhăng, đồ thừa của con Shi quẳng cho.”

“Con Shi mà chịu cho ai thứ gì hả mày?”

“Đấy là khi nó không còn chỗ để chứa nữa, thì nó sang tên chủ. Cái thứ đĩa nghe tí thì vấp.”

“Không còn gì nữa hả mày?”

“Không!”

“Sao mày sống nhạt nhẽo thế?”

“Tôi là vậy mà. Đời này, thằng nào mà chả nhạt nhẽo. Chẳng mấy khi kiếm được thằng nào bớt nhạt kiểu của ông.”

“Ờ.”

“Thế mà cũng ờ được.”

“Mày nói đúng mà chả ờ.”

Nghe kiểu lý luận đểu đểu của tôi, Shu cười khinh khích. Tôi đã bảo thằng Shu rất hay, tôi quả tình luôn thấy thoải mái khi bên nó.

“Mày thấy bộ dạng tao thế nào?”

“Là sao?”

“Kiểu như là, người khác nhìn vào, có biết là tao đang thất tình không?”

“Cũng không đến nỗi đâu.”

“Thế liệu họ có biết không?”

“Không biết đâu, nếu ông chẳng nói toẹt điều ấy ra.”

Shu vẫn nằm sấp trên giường. Tôi ngồi xuống sàn nhà, vừa nói chuyện, vừa ăn bánh. Bánh ngon thật, nhưng không vì thế mà tôi bớt buồn rầu.

“Thầy Tường - cái ông thầy dạy Hóa ấy - chết rồi!” - Shu nói.

“Sao thế mày?” - Tôi hỏi giọng hờ hững, mà đúng ra, tôi nên ngạc nhiên hay thảng thốt chứ, tôi nghĩ là tôi không ghét thầy Tường. Ông thầy ấy khá lắm. Ông là thầy giáo dạy môn Hóa cả ba năm tôi học cấp ba. Rồi lại trở thành giáo viên của thằng Shu. Từ xưa đến giờ, tôi học trường gì thì Shu cũng theo học trường ấy. Anh em tôi vì thế gặp nhau luôn có chuyện để nói.

“Ông ấy chết vì ung thư phổi.” - Mấy phút sau Shu mới trả lời tôi.

Thế thì cũng phải thôi, ông ấy từng hút thuốc lá nhiều đến thế cơ mà. Nhà trường luôn có các quy định rất chi là linh tinh và rõ ràng đối với học sinh, ngay ngày đầu khai giảng, mỗi đứa chúng tôi được phát một tờ nội quy và việc đầu tiên là phải học thuộc lòng từng chữ một, còn các thầy cô giáo thì không biết có bị ràng buộc gì. Chỉ thấy mỗi khi lên lớp, trong bất cứ giờ giảng nào (kể cả khi có người trên phòng, sở giáo dục về dự), hai hàm răng thầy Tường luôn luôn cắn chặt đầu lọc của điếu thuốc. Cửa sổ và cửa ra vào thì phải đóng kín mít vì ông thầy chúa ghét các âm thanh tạp len vào lớp học, trừ tiếng ho của học sinh bởi khói thuốc. Hầu như ông luôn di chuyển quanh lớp học khi giảng bài. Chẳng bao giờ cầm bất cứ quyển sách giáo khoa hay tài liệu gì cả. Khi muốn gọi từng đứa lên bảng làm bài tập, ông nói bài mấy, trang nào rất ư chính xác. Thậm chí nhớ nằm lòng đầu bài lẫn phương pháp giải. Ông có thú vui đặc biệt, là ném đầu mẩu phấn vào mặt học sinh mỗi lần ngồi vào bàn giáo viên. Ông ném rất nghệ, viên nào cũng trúng mặt một thằng mặt mũi lơ là, thiếu tập trung nào đấy, kể cả khi nó ngồi tận cùng dãy phía bên kia của cuối lớp. Hay cái là ông chỉ ném bọn con trai, còn lũ con gái thì ông tha. Ông bảo, phải biết học cách tôn trọng phụ nữ, ngay từ khi thò lò nước mũi. Cái này rất có lợi. Chắc hẳn ông hiểu điều này rõ hơn ai hết vì ông có một bà vợ lẫn bốn cô con gái. Vài thằng lớp tôi nói người sợ vợ thì hay đau lưng, quả là thầy Tường thường than mỏi lưng thật. Đã vậy, ông không được cao cho lắm, lại còn béo ịch. Ông có cái trán đến là hói và bóng. Còn mép thì lúc nào cũng chảy nước bọt. Tuy thế, ông ấy là người thầy tử tế nhất mà tôi từng biết. Ít ra là không mở lớp tại nhà, bắt học sinh của mình đi học thêm như những thầy cô giáo còn lại trong trường. Ông ấy quả tình cũng cưng chiều tôi. Vẫn gọi tôi lên bảng giải quyết các bài tập khó khi không có bất cứ đứa nào làm được, tạo điều kiện để tôi ngẩng cao đầu và nhếch mép cười kiêu ngạo khi về chỗ ngồi. Ông ấy còn hết lời khen ngợi tôi trước lớp, cả với bố mẹ tôi mỗi lần có dịp gặp.

Tôi bất ngờ vì không thấy buồn trước cái chết của thầy giáo mình. Điều này làm tôi bỗng dưng thấy chán hơn. Cứ như tình cảm của tôi đang xơ cứng đi vậy. Chả lẽ tôi khoái con Len đến mức ấy hay sao?!

“Đi ra ngoài ăn gì đi!” - Shu rủ.

“Mày ăn rồi cơ mà?” - tôi ngạc nhiên.

“Không phải cho tôi, mà là ông. Ông chén cho chật ních bụng, tôi thì uống cái gì đó đỡ khát. Ở ngoài đường có thể dễ chịu hơn trong cái phòng bé tí này.”

“Ừ, thế cũng hay.” - Tôi tán thành.

Tôi đã bảo, thằng Shu rất hiểu tôi!

Shu kém tôi đúng hai tuổi hai tháng. Nó đang ở độ tuổi mười bảy. Cái tuổi của khỏe mạnh, thông minh, bướng bỉnh và tò mò. Tôi yêu tuổi mười bảy của nó cũng như yêu tuổi mười chín của mình. Tuổi tôi là nơi Shu sẽ tới, tuổi Shu là nơi tôi luôn nhớ về.

“Hôm qua tôi vừa bị đám bạn tẩn.” - Shu bắt đầu câu chuyện khi chúng tôi ngồi cùng nhau ở một cái quán ăn vỉa hè.

Trên đầu là trời, là gió, là đêm, dưới lòng đường xe cộ đi hối hả, ngay sát mình là đồ ăn bốc khói thơm lựng. Quán xá vỉa hè luôn làm tôi thấy một cảm giác quen thuộc ấm áp mỗi khi ghé qua.

Tôi lơ đãng. Tôi không tập trung lắm vào những điều Shu nói.

“Ông có thấy không, chảy cả máu ở đây này.”

Shu giơ cánh tay ra. Một vết xước còn mới, kéo thành vệt dài, tấy đỏ khuỷu tay.

“Sao thế?” - Tôi tò mò.

“Can thiệp nội bộ.”

“Đếch hiểu!”

“Thò mũi vào chuyện không phải của mình.” “Rõ hơn đi!” - Tôi làu bàu.

“Thì hết giờ học, không về luôn, lảng vảng trong sân trường. Đến khi buồn tiểu tiện thì vào toilet. Thấy một đôi đang làm trò khỉ trong ấy. Ái chà, hừng hực khí thế và mùi mẫn, ngay trong toilet nam hẳn hoi. Đã quay mặt ngay, đóng sập cửa ý nhị. Thế mà hai đứa ranh đó vẫn nhớ mặt mới tài. Hôm sau, mấy thằng chặn lại, xử lý dằn mặt, bắt hứa mồm phải luôn kéo băng dính chặt.”

“Ờ, thế à.”

Tôi chỉ biết nói thế, cũng có tí thương xót thằng em, nhưng biết làm sao, tôi là không phải là thằng ưa ẩu đả. Cứ dính vào mấy vụ đó là tôi chuồn, chẳng dại.

“Luôn tự nhủ sẽ không làm thằng ngu, thế rồi vô tình vẫn ngu đấy!”

Ai mà chả ít nhất một ngày làm việc (nghĩ) ngu một lần. Trời ạ, thế mà cũng phải than thở. Riêng tôi thì ngu từng giờ, chả có gì để sáng rỡ mà rờ trí não vào, nhưng tôi chưa từng dại dột nhận mình ngu, tôi không được tử tế như thằng Shu. Tôi biết!

Giữa mơ màng bởi bia, tôi nhớ Len khó tả.

Tôi ngu!

Không muốn về phòng trọ trống hoác (lúc này, tự dưng thấy thế), tôi lật đật bước theo sau Shu.

Nhiều nhà hai bên đường đã tắt đèn, các ô cửa sổ tối om om như lỗ mắt đêm. Lá xà cừ rụng đầy vạt đường, thi thoảng gió qua kéo theo những mảnh vàng mảnh nâu nhuộm bụi phố. Cái phố này theo tôi mà già nua đi, thế mà đêm về, nó trở nên thanh xuân nửa chừng.

Đến trước một cửa hàng tạp hóa nhỏ, thuộc về một dãy nhà xây theo kiểu Pháp chân tường mốc rêu, thằng Shu ngồi bệt xuống bậc tam cấp. Vai nó gồ lên in bóng xuống đường đen thẫm. Ngực nó chắc hẳn to gấp rưỡi tôi, nếu có đánh nhau, tôi chảy máu mồm trước là cái chắc.

Lại nghĩ ngu!

***

Có gì đó đang tuột dốc.

Lần đầu tiên, bố than với mẹ rằng tài khoản dùng chung của hai người hiện quá ít tiền. Mẹ động viên bố gắng giữ tài khoản riêng của từng người, chỉ chi dùng cho việc lớn và dứt khoát cần chi tiêu tiết kiệm.

Hình như quả xe máy ba mươi triệu đang dần rời xa tôi.

Chương 8. Tôi mười chín tuổi, điều gì là thật sự cần vào lúc này?

Đeo một cái kính đen đẹp, mặc chiếc quần ngố rách lua rua chỗ gấu, áo ba lỗ trắng muốn ná thở và cặp dép chưa kịp bóc giá dưới đế, thong thả từng bước quanh Bờ Hồ. Tôi thấy mọi thứ không có gì phải vội khi mình mười chín tuổi.

Tôi và Shu vừa xem xong bộ phim sex, bắt đầu cảm giác không còn cương cứng mỗi khi màn hình hiện ra cảnh gái trai. Shu cũng mất đi những háo hức thường thấy ban đầu, nó vừa xem, vừa tranh thủ giải nốt bài toán được giao về nhà cho kịp tiết học buổi chiều. Tôi nằm trên sàn, ơ hờ nhìn cảnh tượng nhập nhoạng trên màn hình, nghĩ miên man một điều gì mà sau đó quên ngay lập tức. Khi thằng Shu bật máy tính, vào facebook loay hoay post ảnh thì bộ phim kết thúc. Tôi thở phào ngồi bật dậy, tắt tivi, lôi đĩa ra, bẻ đôi rồi vứt vào sọt rác, và ấn nút stand by.

Bờ Hồ vẫn giống như trong trí nhớ của tôi cách đây mười lăm năm, đường dài quanh tròn đổ bóng cây, liễu chạy dọc ven một góc hồ, nhiều trẻ con và cụ già đi loanh quanh ngó nghiêng, vài đôi bạn tình đến từ tỉnh lẻ rụt rè ôm nhau ở mấy ghế đá, các bà các cô cầm máy ảnh lượn quanh cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn luôn mồm chào mời, tranh giành nhau, bọn chíp con bán post card và sách du lịch rẻ tiền chèo kéo đủ kiểu với khách du lịch nước ngoài (giờ khác hơn là thêm màn đấm bóp, vừa đấm vừa nài nỉ), trên gốc cây lộc vừng chín nhánh ngày trước nằm khuất sau khu nhà vệ sinh lộ thiên, lúc này là nửa chìm nửa nổi nhưng không hết mùi khai dầm khai dề, có vài đứa trẻ chừng chín, mười tuổi cả trai lẫn gái đánh đu và chửi nhau lóe xóe. Tất cả không thay đổi nhiều lắm, chỉ có xe máy thì quá trời và phố ken dày những người là người.

Tôi không thích lắm thành phố này. Nơi có thể tìm dễ dàng một cánh cửa nhà tù luôn đóng im ỉm chen giữa cây xanh, nằm vắt vẻo trên tuyến đường đông vui, đô hội, náo nức bậc nhất. Sát bên hàng rào dây thép gai gợi nhớ lại những chiến tích, bên không gian lặng phắc đến chừng nghe cả tiếng giày nện vào sàn lộp cộp, phía bên kia của cái bàn rộng ghi tên người thảng hoặc vào bên trong xem các chuồng cọp, những góc tra tấn tù nhân, nhiều hình nhân bị xích nghiêng ngả xô chèn lên nhau… một tòa tháp đôi cao lớn, khoác trên mình đủ vẻ sang trọng, hào nhoáng e lệ mọc lên. Nào xe Audi và xe Mec và xe Ford và một số loại trị giá trên hai tỉ đồng mỗi chiếc; nào nai tơ tóc vàng mắt xanh áo hai dây hở rốn váy digan rực rỡ hoa chấm mắt cá chân đến từ Pháp, Anh; nào tóc xoăn da đen áo ba lỗ trắng xóa, quần hộp, giày đinh cao cổ đến từ châu Phi; nào da trắng thịt thừa chen trong áo sơ mi, quần âu thẳng thớm là lượt đến từ Mỹ, Đức; nào áo dài ngang đầu gối, quần vải lanh tối màu, mặt mộc, tóc đen chải rối đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản; nào tóc nhuộm, chải dựng, quần tụt khoe đồ lót hàng hiệu, dép xỏ ngón loẹt xoẹt, tay đong đưa cái laptop nhỏ xíu hàng xách tay đích thị trai gái trẻ Việt Nam… đều lần lượt diễu qua, bước ra bước vào khung cửa kính rộng có đôi bảo vệ trẻ đẹp trai to lớn mặc đồng phục trắng viền đỏ đứng hai phía.

Cũng trong thành phố, chẳng khó gì để tìm một vài cái lô cốt còn sót lại từ thời chiến, khu tưởng niệm tội ác chiến tranh, và ven đô cơ man những nghĩa trang liệt sĩ. Lắm lúc vẫn gặp trên đường nhiều tay lao động ngoại tỉnh nằm chờ việc, trên người khoác những bộ quần áo may giống kiểu quân phục, mũ cối xanh ngăn ngắt, mua dễ dàng ngoài chợ. Thi thoảng ven Hồ Gươm, như lúc này đây, còn thấy mấy cụ mặc áo lính, ngực phủ kín huy chương, cười với nhau lào phào sau chòm râu bạc, tay cầm bó hoa hồng nhỏ bó vội bằng giấy nylon, ắt hẳn vừa cùng nhau rời một hội nghị hay cuộc gặp gỡ cựu chiến binh thường niên nào đó.

Chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng khi ký ức còn sống, khắc lên cơ man tượng đài, trên một xác xe tăng, cánh máy bay rơi nằm chết bên rìa đường phố (một tấm biển dựng lên ghi chú ngày/tháng/ năm, trận đánh…), trên lô cốt, ụ súng, nghĩa trang, trên những thân hình dị dạng vì chất độc da cam, trên nhiều khuôn mặt người… thì chúng tôi, cái lũ sinh vào những năm của thập kỷ 90 - thế kỷ XX, tưởng chừng đã cắt đứt khỏi quá khứ khổ đau trước, vẫn phải nhớ!

Giữa nhiều lời ca cẩm của mẹ, tôi đôi khi buộc phải tưởng tượng về một thời từng khó khăn của gia đình, khi bố mẹ vừa cưới, chỉ đủ tiền để dựng một giá sách, cả căn hộ nhỏ mười mét vuông thuê lại từ một người bạn trống trơn đồ đạc. Để tôi có sữa uống, tã sạch để thay, hoa quả đủ đầy… bố mẹ đã vất vả thế nào, tuy nhiên tôi đâu có thực sự trải qua khó khăn ấy, chỉ có bố mẹ, vì thế, tất cả đều chui qua não rơi ra khỏi lỗ tai. Tôi ghét mấy chuyện chán ngán của mẹ!

Không muốn mình phải nghĩ ngợi nhiều, mà đâu có gì phải nghĩ!

Tôi sinh năm 1990, và thấy đời sống vật chất của mình quá ổn!

Thế rồi, mọi tư duy của tôi cuối cùng đột nhiên cũng bị chặn lại.

Mẹ kiếp! Một thằng oắt to kềnh càng lao xe sượt lên vỉa hè, sém chút nữa cán gãy chân phải tôi. Cái xe SH trượt bánh, xoáy đúng 180 độ rồi nằm đổ nghiêng trên đường thật ngoạn mục. Với điểm ngắm cách chừng 20 centimet, tôi thề rằng con SH không mảy may xước một bụi sơn. Chà! Thằng oắt quả chừng là tay lái siêu. Tất nhiên, nó không rảnh thời gian hay thừa độ hâm hấp để bày trò biểu diễn cho tôi (một thằng oắt lờ ngờ lạ mặt) xem. Ngay lập tức, một chiếc Dylan khựng lại, cách vật cản đúng hai centimet. Thằng tóc vàng cầm lái, thằng tóc nâu tết bím nhỏ ngồi sau, mặt mày xám ngoét, kiểu như biết rõ điều gì sắp xảy ra. Ba giây sau, hai cái xe - một Wave và một Future - áp vào, đẩy Dylan nghiêng sát vỉa hè.

Không chần chừ, tôi co cẳng chạy sượt qua bốn cái xe thật nhanh, cách chừng mười mét, biết hẳn đã an toàn, lựa gốc cây to, nấp đằng sau, nghển cổ cố nhìn. Nhiều người đi đường cũng đã xịch xe lại ngó nghiêng, còn lại, thả ga tà tà buông vài lời bình phẩm.

Tóc vàng-Dylan nói nhỏ vào tai Tóc nâu bímDylan một câu gì đó, rất nhanh! Không nói không rằng, Tóc nâu bím-Dylan nhảy ra khỏi xe, lao lên vỉa hè, quay đầu chạy ngược. Không để sổng con mồi, Wave và Future, ngoặt tay lái, đuổi theo. Chẳng trù trừ dù nửa tích tắc, Tóc vàng-Dylan rú ga, lách qua SH vẫn đang ngả ngớn, vụt lẹ. Đúng kiểu anh hùng tự hiến liều mình cứu mạng, Tóc nâu bím-Dylan bị bốn thằng thay nhau lao vào đấm đá, nằm rạp dưới đất như chuồn chuồn bị ngắt cánh, hai chân gồng co lên che ngực, hai tay cố phủ đầu che tai, gắng gỏi làm sao chỉ bị bầm nát phần mềm. Còn cái thằng SH! Nó chầm chậm dựng lại xe lên, mở cốp, lấy từ bên trong ra một… cái máy quay phim cầm tay nhỏ. Một tay ghi hình, một tay lừ đừ châm thuốc hút. Trông mặt mày thằng SH rất rạng rỡ, cứ như nó đang trong vai trò một đạo diễn kiêm nhà quay phim tài ba. “May sao bọn này quên mang theo côn và dao! Không kiểu gì cũng có án mạng”, tôi nghĩ. Nhìn một cái thân bê bết máu chảy vì thân nát hoặc óc phọt ra từ đầu quả tình không dễ dàng gì.

Năm phút sau, Tóc nâu bím-Dylan rõ ràng khó thể chịu đựng hơn, nó nằm nghiêng ra, bật khóc rống lên, mồm kêu gào những từ không rõ nghĩa. Người xem đã bu đông nhưng vẫn cẩn thận tránh xa bán kính chín mét. Bị khuất tầm mắt, tôi rời gốc cây, len qua mấy đầu người để tiếp tục theo dõi sự việc.

Rồi đám đông bỗng dạt sang hai phía ngay tắp lự. Tiếng rú ga, tiếng quẹt bô, tiếng kim loại va vào nhau xủng xoẻng, tiếng hét tưởng đứt thanh quản thị uy. Tóc vàng-Dylan đã quay lại, kéo theo năm cái xe máy đủ loại cùng mười thằng to vật. Trên tay năm thằng ngồi sau, liếc qua thấy đủ đồ chơi. Nào kiếm, nào dao, nào mã tấu, côn sắt, thậm chí có cả cán chổi!

Biết nguy, thằng SH nhảy lên xe, nổ máy vọt lẹ. Bốn thằng còn lại buông con mồi, chạy ra xe, lảo đảo mở điện, quành tay lái theo hướng SH. Năm cái xe máy vừa xuất hiện đi theo, bám sát. Tóc vàngDylan ghé vào vỉa hè, xốc vai, kéo bạn ngồi ra sau xe. Tóc nâu bím-Dylan mắt nhắm nghiền, người nhũn ra, không ôm nổi bạn. Chẳng thấy ai có ý chạy ra giúp, cứ để hai thằng đánh vật với nhau mười mấy phút không đành, tôi len lén chạy ra, cười cười với Tóc vàng-Dylan, ngỏ ý muốn giúp. Trong lúc dùng hết sức đẩy Tóc nâu bím-Dylan ngồi sát và giữ mặt ngả lên vai Tóc vàng-Dylan, tôi sững sờ vì chợt nhận ra hình nét quen xưa.

Jin!

***

Mười chín tuổi còn ham gây gổ đánh nhau, thằng khùng ấy vẫn chưa hết ngu! Nó nằm sõng sượi trên giường, mặt nhăn nhó vì các vết thương tấy nhức, mắt lộn vào trong, lọt thỏm giữa cục u đỏ tấy, miệng sưng vều lên. Ấy thế mà rõ ràng, cả cái mặt phèn phẹt vẫn nhệch lên thành một kiểu cười.

“Mười ba năm rồi đấy, giờ mới gặp lại!” - Nó lầm rầm.

“Sống thêm một trăm ba mươi năm nữa chắc mày vẫn ngu thế nhỉ?” - Tôi ngồi trên ghế nhựa lùn màu xanh, cặp chân đặt trên sàn lều nghều thừa thãi, hất hàm hỏi.

“Ngu sao?” - Jin ngơ ngác kiểu chẳng làm gì mà khi không bị chửi.

“Mang thân ra cho người ta đánh!” - Tôi bĩu môi.

Nghe thế, người nó rung rung, tay huơ huơ, miệng xô lệch đi, nó lại cười, có vẻ khoái chí tợn!

“Chắc tại mày là thằng bạn đầu tiên của tao, và mày đá đít tao trước nhất!”

Nghe thế, và chợt nhớ lại cái ngày xa xưa, khi nó bị bà giáo lột trần truồng nằm co ro trước cái quạt thổi thốc gió, trong cái lạnh tái tê ngày đại hàn, quả tình, tôi thấy cay cay hốc mũi.

Theo một cảnh ướt át rẻ tiền thường thấy trong phim truyền hình Hàn Quốc, tôi cầm lấy tay nó, lắc nhẹ, rồi nhanh chóng bước ra khỏi phòng, hai chân díu vào nhau.

***

Ra đến cổng bệnh viện, đang định ngoắc một tay xe ôm, thấy túi quần rung rung, mở điện thoại, té ra cô ả gọi:

“Này! Đi khám và làm đủ xét nghiệm quỷ tha ma bắt rồi! Em không bị mắc cái bệnh kinh tởm mà anh nói đâu nhé. Nghe rõ này: Dị ứng bao cao su! Đồ trù ẻo bầm dập thối thây!”

Tít! tít! tít!

***

Thời gian này, đọc báo TT, tôi bắt đầu có cảm giác khó mà chịu nổi. Hình ảnh một thằng bé hai mươi tháng tuổi, bị lột trần truồng, nằm thiêm thiếp trên vỉa ba toa của đường phố Sài Gòn làm tôi không thể thở. Và các cảnh cô bảo mẫu đánh đập trẻ em cứ tua qua tua lại trên các phương tiện truyền thông và Youtube. Tiếp theo là các loại dịch tràn về, nào sốt xuất huyết, nào là bệnh gì đó gần giống với sốt xuất huyết nhưng không phải nó, nào cúm pN1. Ngoài ra là bão, hết trận bão này sang trận bão khác, thành phố tôi đang sống cứ trôi nổi qua làn nước lạnh, bẩn tràn rộng như hồ lớn không biết đâu là bờ.

Tôi chẳng thấy sung sướng gì vì chưa vấp phải cảnh bị đối xử ngược đãi hay mắc các bệnh truyền nhiễm để rồi vất vưởng trước các phòng khám bệnh ken đặc người, rồi kiểu gì, những cái đen đủi cũng vướng trúng đầu thôi.

Tôi gấp tờ báo lại, quẳng lên chồng báo ngày các loại cao ngất ngưởng của bố, tự thề rằng không giở bất cứ trang báo nào nữa, vào hôm sau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx