sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

An Tư - Chương 02 - Phần 2

Chương II

Phần 2

Cối kê cựu sự quân tu kỷ,

Hoan ái ta còn thập vạn binh.

Trước mắt vua, hiện rõ một bức tranh tiêu điều. Mọi năm đến bây giờ gia đình vẫn đang quây quần ríu rít, nay người ta đương thổn thức hay lo âu?! Chỉ còn trơ những mái tóc điểm sương tựa cửa, những khăn yếm chạy quanh, những miệng thơ gọi bố. Người ta thiếu một kẻ thân yêu gân guốc, trụ cột của gia đình. Lại còn nhiều nhà mang khăn trở, vì tin dữ đã đưa về. Biết bao quỷ không đầu đang bơ vơ bên mộ phần tiên tổ! Những người còn sống ngẩn ngơ trước bàn thờ giá lạnh, nhớ đến kẻ thân yêu không bao giờ trở về nữa! Mà đã biết đâu, rồi ra nếu quan quân thất lợi mãi, giặc dữ tràn vào, còn bao nhiêu cảnh tiêu đàn. Những thảm họa thực không sao tả hết được.

Vua bỗng xúc động trong lòng, và cảm thấy một niềm thương vô biên, bao trùm cả chúng sinh cây cỏ. Càng nghĩ càng lo, lòng vua càng hoang mang rối như canh hẹ. Bất giác không trấn nổi được tiếng thở dài.

Chiêu Thành vương nói:

- Quan gia hãy vững tâm, đợi gặp Quốc công xem sao, đã có điều chi lo ngại đâu?

Khí chiều càng lạnh. Dần dần vua thấy đói. Vì lo việc nước, từ sáng hôm nay, vua chưa dùng một miếng cơm. Liếc nhìn Chiêu Thành vương vua ái ngại: Chắc cũng như vua, suốt ngày vương nhịn đói. Mình chịu được nhưng vương thì tính sao? Vua hối hận mình quá hoang mang, quên khuấy cả một việc tối cẩn. Vương vẫn cung kính ngồi bên, không tỏ một chút gì nóng nảy khó chịu.

Chợt tên tiểu tốt Trần Lai nhìn vua, có ý khác. Vương không để một việc gì lọt mắt, vì vương là người tinh tế, lại mang một trách nhiệm thiêng liêng. Vương đã nắm đốc gươm, giữ thế. Lai đã buông mái chèo, xô lại gần vua. Vương định nắm đầu tên tiểu tốt, nhưng xem ra thì không có điều gì quan ngại, tuy vậy thanh kiếm đã tuốt khỏi vỏ. Lai ngập ngừng muốn nói rồi lại thôi. Y còn trẻ, bộ áo lính nghiêm nghị và hơi lùng thùng không làm giảm được vẻ ngây thơ măng sữa.

Vua hỏi:

- Con muốn tâu gì trẫm, Lai?

Tiếng run run không rõ.

- Tâu quan gia, tiểu nhân không dám tâu, tiểu nhân có việc này…

Lai bỗng ôm đầu gối vua, òa khóc nức nở. Vua nói giọng hiền như cha:

- Có việc gì con khóc đó, Lai?

- Tâu quan gia, – Lai vừa nói vừa nức nở, – tiểu nhân thấy quan gia từ sáng ngày chưa ăn… Đến như tiểu nhân là kẻ hèn mọn mà còn no bụng. Mẹ tiểu nhân sợ tiểu nhân đi xa, đã nắm cho tiểu nhân một nắm cơm đỏ để ăn đường cho đỡ đói. Tiểu nhân tuy tay chèo nhưng lòng vẫn nghĩ đến quan gia, quan gia dẫu lo việc nước, cũng không nên biếng ăn quên ngủ, ngọc thể có làm sao thì non sông trông cậy vào ai? Tiểu nhân trăm sợ có nắm cơm đỏ đã mấy lần muốn dâng, hiềm vì nỗi thân hèn, vật mọn nên không dám. Nhưng sợ quan gia đói, từ sớm chưa ăn, nên tiểu nhân đánh bạo tâu lên, tiểu nhân thực là đáng chết…

Rồi Lai phủ phục dưới chân vua, thiếp đi vì sợ hãi, hai tay dâng lên một nắm cơm đỏ lớn bọc lá chuối xanh.

Vua Thiệu Bảo xoa đầu Trần Lai, mắt vua đã rơm rớm lệ. Vua nhìn Chiêu Thành vương khi ấy đã tra gươm vào vỏ. Ân cần vua tiếp lấy nắm cơm, rồi lay tên tiểu tốt:

- Lai con ngửng đầu lên nghe trẫm bảo.

Trần Lai ngửng đầu, đôi mắt giàn giụa, run bắn người lên. Vua phán:

- Trẫm cảm ơn con. Con đừng sợ. Có lẽ nào trẫm lại quở người có lòng thảo như con. Con chưa hiểu trẫm, trẫm có khó tính đâu. Cơm gạo là của quý, xấu nữa trẫm cũng ăn, trẫm thấy con trung thành có nghĩa, trẫm vui lòng lắm, chỉ có việc này trẫm cũng đủ no rồi. Cơm của mẹ con nắm cho là của quý, con nên giữ lấy mà ăn thì phải hơn. Nhưng trẫm không muốn phụ lòng con, sợ con tủi, nên trẫm nghĩ thế này: Trẫm nhận ăn nắm cơm dâng, nhưng trên thuyền ta có năm người, trẫm, vương gia, con và hai người kia, không cứ trẫm mà năm người cùng đói cả. Trẫm tính chia nắm cơm đỏ này thành năm phần, mỗi người một ít thế mới công bình.

Nói xong vua bóc lá chuối vứt xuống sông, tuốt chiếc bảo kiếm đeo bên mình, chia cơm nắm thành năm phần, trao cho mọi người. Giữa khúc sông im lặng, trong bóng tối lạnh lùng lần đầu tiên vua ăn một bữa cơm đạm bạc ngon lành hơn cả cao lương mỹ vị đã nếm qua…

Nửa đêm, vua tới Hải Đông. Các quan hay tin vua giáng lâm tấp nập ra đón ngài vào hành cung. Vì lao tâm lực liên tiếp mấy ngày ròng, vua gây gây sốt. Vua muốn đi thẳng vào Vạn Kiếp, nhưng các quan khuyên can đành tâm nghỉ lại ở Hải Đông rồi truyền cho Quốc công về hỏi chuyện. Ở Hải Đông, biết thêm tin tức mới, vua càng lo ngại. Đến đây vua mới càng nhận thấy sức mạnh tuyệt đối của quân Nguyên, đánh đâu được đấy, thực có cái thể trúc chẻ, ngói tan. Còn quan nhà thì từ ngày thất thế trên mặt Bắc, thua ở Chi Lăng, tướng sĩ tan vỡ, phần thì chết chóc, phần thì bị bắt, phần thì trốn tránh tan nát, mười phần không còn được một. Những người trung nghĩa theo Quốc công về Vạn Kiếp thì ốm yếu già tật, tình hình rất nguy khốn.

Quân Nguyên có khí giới tinh xảo, binh lính quen chiến đấu, lại thêm đại bác trợ lực, phá thành cướp trại dễ như trở bàn tay. Đã thế giặc lại tàn ác, Thoát Hoan giận vì triều nước Nam ngang ngạnh, được dịp trả thù dung túng cho quân càn rỡ, thành thử quân Mông Cổ tự do hoành hành, tàn hại lương dân, phá từng làng từng tổng, đi đến đâu là lửa cháy rực trời. khói bốc ngùn ngụt, làm tội cả đến tiểu nhi, hãm hiếp đàn bà con gái, những thảm họa ở vùng Bắc chỉ có những cảnh âm ty địa ngục sánh kịp.

Vua thở dài thương cảm, lui vào hành cung, nhưng trằn trọc suốt đêm. Hể chợp mắt lại mê thấy cảnh dân gian chạy loạn, quân Mông Cổ hung ác đuổi theo, ngọn giáo dài xâu những xóc đầu lâu mới chém, những tướng hình dung dữ tợn: Ô Mã Nhi, A Bát Xích, Áo Lỗ Xích, với những tên quỷ quái như quỷ sứ nhà trời…

Trong một lúc vô cùng đau đớn, vua rên rỉ một mình:

- Trời ơi! Dân có tội gì?

Và thốt lời nguyền:

- Dẹp giặc mạnh xong nguyện xin thế phát xuất gia, phổ độ chúng sinh, cầu cúng cho oan hồn tử sĩ.

Sáng hôm sau vua trở dậy, người đau đớn như dần. Vua cùng Chiêu Thành vương ra bến sông chờ đợi, nóng nảy và sốt ruột, vua đi đi lại lại, đăm đăm nhìn về phía Vạn Kiếp, hơi một tiếng động nhỏ cũng giật mình như Hưng Đạo vương tới. Đợi đã lâu, vua là người có tiếng thuận hòa, vậy mà lúc ấy cũng sinh gắt gỏng, gần trưa, các quan dâng cơm, vua nể lời mời nhưng chỉ dùng một lưng. Giữa lúc lòng vua khó chịu đến cùng độ thì Trần Lai se sẽ tâu:

– Tâu quan gia, hình như thuyền Quốc Công.

Vừa bước xuống tận bờ sông. Xa xa, hai chấm đen dần dần hiện rõ, hai chiếc thuyền vun vút đi lại, một chiếc tới gần. Hưng Đạo vương đeo kiếm đứng trước mũi thuyền, gió đánh bạt chòm râu đen dài tuyệt đẹp. Dã Tượng, Yết Kiêu đứng hầu. Thuyền vừa cập bến, Quốc Công nhảy xuống, tiến lại phía vua, định sụp lạy.

Vua Thiệu Bảo đỡ đại vương và nói:

- Quốc Công không phải giữ lễ.

Lòng vua đã trở lại bình tĩnh như thường. Quốc công như có một uy quyền kì dị. Giữa lúc mọi người hoang mang, hoài nghi và chán nản, đại vương đem lại một nguồn nghị lực dồi dào. Lòng tin đã bị lung lay trong thâm tâm vua đã gần như chôn vững. Chiêu Thành vương liếc mắt nhìn Quốc Công: Đại vương như tất cả đàn ông họ Trần, người cao lớn, nhưng đặc biệt nhất là vai rất nở, mắt rất tinh, tuổi già càng thêm quắc thước. Vương đã nhiều lần gặp Quốc Công, nhưng không bao giờ thấy vị đổng nhung đẹp và khôi vĩ như thế. Có lẽ trường chinh chiến ác liệt đã làm rắn tâm can và mài rũa thêm hung tài sẵn có của đại vương.

Quốc công tâu:

- Để quan gia phải nhọc thân, lão phu thực mang tội chết.

Vua nói:

- Quốc công trăm nghìn việc không mỗi lúc rời quân sĩ được, đáng lẽ thì trẫm phải đến Vạn Kiếp mới phải…

- Quan gia không luận tội là may. Lão phu thân làm đại tướng mà đến nỗi hao binh tổn tướng, bỏ thành mất đất, thực là hổ thẹn vô cùng. Chẳng hay quan gia vời lão phu đến có việc gì?

- Trẫm thấy nói thế giặc mạnh, lo lắm. Không phải quân ta không có sức, tướng sĩ không tận tâm, nhưng vì quân giặc quá nhiều, lại thạo nghề chinh chiến, mấy bữa nay lòng trẫm lại càng thương cảm. Trẫm nghe: “Tranh đất cướp quyền, giết người nơi đồng nội”. Dân ta có tội tình gì, nghĩ đến cha mẹ không người nương tựa, trẻ thơ toàn một lũ mồ côi, trẫm ái ngại lắm. Huống chi họ ta lên làm vua, ân huệ chưa thi đủ cho thiên hạ, mà bắt bách tính lầm thân cơ cực như thế này trẫm càng không nỡ…

Ngập ngừng một lát, vua nói tiếp:

- Hay là trẫm hãy tạm hàng đi đã rồi sẽ liệu sau…

Vị đại vương mà tất cả biến cố trong đời đều không làm rung chuyển được lòng, nghe vua nói đến đây cũng hơi biến sắc mặt. Quốc công nhìn vua, lâu lâu chậm rãi nói:

- Quan gia nói thế thật nhân đức, nhưng còn tông miếu xã tắc thì sao?

Lời nói thấm thía vô cùng! Rồi chuyển giọng, Quốc công tụt khăn quỳ xuống, cất lời khẳng khái tâu rằng:

– Quan gia muốn hàng, xin trước hết chém đầu lão phu đi đã.

Giọng Quốc công đã hay, lời Quốc công lại mạnh, câu nói đanh thép đầy tự tin, như gội một luồng sinh khí vào ông vua héo hon vì do dự. Bao nhiêu lòng hoài nghi tan hết, vua như choàng tỉnh từ một cơn mê. Vua nâng đại vương dậy, thẹn thò vì lời nói hèn nhát của mình. Tất cả những người đứng chung quanh ngây người vì câu đáp rắn rỏi, họ hướng cả vào Quốc công, lòng kính ái và mạch máu cuồn cuộn say sưa phấn đấu. Tiếng đáp như còn quyện trong gió mây, Chiêu Thành vương cũng ngạc nghiên vì câu nói bất ngờ của vua Thiệu Bảo, chàng cảm nhận được nỗi thẹn của nhà vua. Chàng có cảm tưởng rằng lúc đó Quốc công là một bó đuốc dẫn đường. Ngay trong lòng chàng, những tro tàn chán nản cũng biến thành than hồng tin tưởng.

Vua hỏi:

– Trẫm hối đã làm phiền Quốc công. Chỉ vì trẫm quá lo và thương dân nên mới có ý quy hàng. Xin Quốc công lượng cho.

Hưng Đạo nói:

- Quan gia lo là phải, thương là phải, nhưng lão phu liệu thế giặc, xem tình hình nước, non sông chưa đến nỗi nào. Quân giặc có được, quân ta có thua, đất cát có mất, tướng sĩ có nản, dân tâm có chấn động, tình thế có nghiên trọng, nhưng cái đó chỉ là bề ngoài và nhất thời. Nội tình của ta vẫn vững vàng và thực lực của ta có thể đánh lại quân Nguyên; chúng như quả đẹp, nhưng con sâu đã đục sẵn ở trong. Riêng vì sự bạt thiệp sơn xuyên, đài tải nặng nhọc, cũng đã yếu rồi. Còn quân ta như quả đương chín, mới trông xanh, có nhận rõ mới biết nhựa sống rất nhiều. Riêng một việc cả nước đồng tâm, tướng sĩ một lòng phò tá cũng đủ đuổi giặc rồi. Đó là cái thế thắng sau này, sao ta lại nỡ phụ ý dân để chuốc tiếng xấu cùng thiên hạ? Vả lại, giữ được có còn cơ thúc thủ, bỏ đi thì mất không bao giờ lấy lại được mà trong việc đánh nhau, người thắng không cần sức khỏe mà cần phải dai. Quan gia chắc còn nhớ gương Cao Tổ nhà Hán vậy. Đến như việc thương dân, lòng từ bi hỉ xả của quan gia, lão phu thực không sánh kịp. Nhưng chỉ nghĩ: Thương dân không cứ phải thương kẻ đương thời, còn phải thương đến con cháu muôn đời sau nữa. Đó là suy rộng mà nói thôi, thực ra tình thế vẫn vững. Lão phu về Vạn Kiếp, quân tướng cũ còn nhiều, lại mới khởi quân mới tất cả được mười vạn quân. Kể cả số quân đóng ở kinh thành và các nơi, tổng số trên hai mươi vạn còn đủ tranh hùng cùng rợ dữ, bảo vệ xã tắc, đã có điều chi đáng ngại, cúi xin quan gia cứ yên tâm. Việc rối ta gỡ dần rồi cũng được. Lão phu quyết không phụ lòng ủy thác của quan gia và lòng dân tin cậy. Lão phu đã có mưu đuổi giặc.

Lòng vua thắt chặt, đến đây hoàn toàn cởi mở. Vua cảm thấy một nguồn vui mênh mang tràn ngập lòng, vô cùng êm dịu. Tất cả những khó khăn đều có thể san phẳng được, trong ý vua. Mặt vua mấy bữa nay rầu rầu đột nhiên trở lại tươi tỉnh, lời nói biến thành mạnh mẽ.

Vua phán:

- Trẫm nhờ Quốc công giảng cho điều hơn thiệt, như được người trích cho nhọt độc vỡ, vén làn mây mờ. Trẫm không còn nghi ngại gì nữa, ý trẫm đã quyết, trẫm thề cùng quân giặc không đội trời chung, chống cự đến cùng, trừ khi nước sông này chảy ngược trẫm mới sai lời thề.

Hưng Đạo tâu:

- Lão phu cũng xin vì quan gia lo liệu đại sự, kỳ cho đuổi xong giặc dữ, rửa nhục cho non sông mới thôi.

Vua mừng rỡ, muốn ngỏ cho mọi người biết lòng vui cuồng nhiệt của mình. trong lúc nhiệt thành, vua nhớ đến niềm hậu thuẫn của non sông, vùng Hoan Ái hiểm trở, tiềm tàng một sức mạnh dồi dào chưa dùng đến, ẩn trong những bắp thịt nở nang, những nghị lực phong phú, óc vua bỗng nảy hai câu thơ hùng kiện.

Vua giữ Quốc công ở lại uống rượu, Quốc công tâu:

- Lão phu được về đây, diện kiến quan gia, đã thỏa bụng khao khát lắm rồi. Việc quân đang bách, không chóng thì chầy Thoát Hoan sẽ đến Vạn Kiếp, lão phu không thể nấn ná được nữa. Cúi xin quan gia miễn tội cho.

- Trẫm không dám giữ Quốc công, trẫm sự xin nhờ vào Quốc công cả. Chỉ mong chóng thái bình, trẫm được nâng chén rượu giai lão mừng Quốc công mới thỏa nguyện.

Bây giờ trời đã về chiều, mây ám phủ đầy bốn phương đặc một màn sát khí, xa xa về phía Vạn Kiếp rực rỡ một ánh hào quang như ngọn đuốc đỏ giữa đêm đông lạnh. Vua quyến luyến không nỡ rời tay, cùng Quốc công nói chuyện mãi. Khi tới bờ sông, vua bỗng cầm tay Hưng Đạo vương nói:

- Xin Quốc công hãy dừng lại. Trẫm mới nghĩ ra hai câu thơ này gửi cho quan quân tướng sĩ ở Vạn Kiếp. Trẫm nhờ Quốc công nói cho mọi người rằng trẫm có lời hỏi thăm, và nhân dịp cuối năm có câu thơ chúc Tết, riêng tặng anh hùng. Còn trẫm thì xin theo gương tướng sĩ, đồng tâm phá giặc, tiếp ứng quân nhu, khí giới, nằm gai nếm mật cho kỳ dẹp tan cường khấu, thu phục sơn hà, rửa nhục cho nòi giống, báo thù cho tử sĩ, khi ấy trẫm mới chịu thôi.

Trần Lai nghiêng bút. Vua cúi xuống đuôi chiếc thuyền của Quốc công, trịnh trọng viết hai câu hùng tráng:

Cối Kê cựu sự quân tu kỷ

Hoan Ái do tồn thập vạn binh.

( Cối kê việc cũ người nên nhớ

Hoan Ái ta còn mười vạn binh.)

Hưng Đạo nhìn vua, hiểu ý, lạy vua rồi bước lên thuyền. Vua tôi trông mãi nhau. Vua Thiệu bảo lặng im, như để hồn nhè nhẹ vương theo thuyền đại tướng về chung đụng với những tráng sĩ ở Vạn Kiếp, đang mang nặng một nhiệm vụ thiêng liêng.

Đêm tối đã bao phủ quanh mình vua, vua chỉ nhận rõ thân hình cao cao của Chiêu Thành Vương đứng cạnh. Và vua phán:

- Thôi chú cháu ta về thôi. Bây giờ trẫm mới yên tâm.

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

(Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx