sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

An Tư - Chương 03 - Phần 1 + 2

Chương III

Phần 1

Trần Thông giơ kiếm trỏ một dãy núi mập mờ trong khói mưa phùn. Con ngựa nâu cao lớn của chàng bỗng hí vang lừng như mừng với chủ. Chàng quay lại bảo các bạn đồng hành:

- Vạn Kiếp đấy.

Vạn Kiếp, nơi phủ đệ của Quốc công, vì thường đi đôi với tên vị anh hùng đã nhiều lần cứu quốc, mà cả nước sùng bái. Vạn Kiếp còn là nơi tụ hội các nghĩa sĩ bốn phương, những người tâm huyết, đã bỏ gia đình đến đây gánh vác một nhiệm vụ nặng nề, những người mà tên tuổi và thủ đoạn đã lừng danh như sấm sét.

Hai nghìn quân Tinh Cương lướt sướt tiến trong mưa, họ đi đã lâu mà mưa càng ngày càng nặng hạt nhưng nghe hai tiếng Vạn Kiếp, họ bỗng quên hết cả rét mướt và đường trường, tinh thần đột nhiên thêm phấn phát. Mắt họ cùng nhìn, tay họ cùng trỏ, nghìn miệng cùng reo:

- Vạn Kiếp!

Họ rảo bước, lòng cởi mở như cách buồm căng gió bể. Họ đã đến nơi mà lâu nay khi còn ở hương thôn họ vẫn thường khao khát được để chân tới. Vạn Kiếp có một tính cách thiêng liêng hơn một ngôi đền, những người muốn xứng danh nên trăm nhà không thể bỏ qua, họ đến đây để rèn luyện và buộc mình theo sát kỷ luật của Quốc công.

Trần Thông, sau khi vào yết kiến đại vương trở ra trông nom anh em đóng trại và thu dọn. Tuy đang háo hức mà chàng không khỏi có ý nhớ nhà, lại thêm nỗi bỡ ngỡ vì chưa quen không khí ở đây. Những hào cũ làm việc mới nhanh nhẹn làm sao! Họ nói cười luyên thuyên, khuân vác rất nặng nhọc, nhưng trông họ đẹp vô cùng. Văng vẳng trong khe rừng, trên đỉnh núi là những tiếng ca trong trẻo, hồn nhiên, tưởng như ở đây người ta sống trong hòa bình. Chiêu Thành Vương bất giác thẹn vì mình đến muộn, nếu không thì đâu đến nỗi vụng về ban mới này. Trông khóe mắt, nghe tiếng cười, vương cảm thấy khó chịu như họ chế nhạo vương. Mà thực ra, họ tâm địa gì đâu? Họ niềm nở với những người lính mới, họ còn khen quân Tinh Cương gọn ghẽ, nhanh nhẹn, tuy mới mẻ mà gần như đã được trải qua sự rèn luyện ở Vạn Kiếp.

Nhưng vương và quân Tinh Cương sánh làm sao kịp những bậc đàn anh kia! Trước làn sóng quân thù, họ là những con đê ngăn thứ nhất. Sung sướng thay người lính đã ngã đầu tiên trong buổi giao phong! Trông họ mới nhẹ nhàng mới kiên quyết biết bao! Họ đã dự những trận ác liệt ở Khả Lộc Châu, họ đã chiến đấu anh dũng trên ải Chi Lăng. Họ đã từng đâm chém vật lộn quân thù. Họ giàu bao nhiêu kinh nghiệm, họ phần nhiều mang những vết sẹo vinh quang. Có lẽ họ cũng tự đắc đôi chút, mặt họ dương dương, tiếng cười giòn giã. Thú vị nhất là họ mặc những chiếc áo của triều đình ban, do những phi tần, công chúa may. Có người lại khoe với vương những đường kim chỉ khéo léo của nàng An Tư, đẹp nhất trời Nam. Vương thấy nao nao thứ tình êm dịu của người yêu. Vương phảng phất như nàng ở gần đây, lòng choán một nỗi buồn pha chút ghen tuông, nhớ hão.

Tết đã tràn lấn khắp nơi, như một đợt sóng im lìm từ ải bắc đến đồng nam trong những hương thôn đầm ấm, tết đang ghé đến bên bờ Vạn Kiếp. Đêm ba mươi mưa phùn lành lạnh, gió thổi đón Đông quân vui vầy. Vương cũng có đôi chút nhớ nhà, và khắc khoải vì An Tư, nhưng rồi cũng tan ngay. Khi một hồi trống nổi, các tướng sĩ kéo vào mừng Quốc công, thì bao nhiêu thói nhi nữ trong lòng đều tiêu tan như mây khói.

Trong buổi đầu xuân, Quốc công cùng mọi người nâng chén rượu thề quên thân đuổi giặc. Ý hào hùng của chiến sĩ nhẹ hơn gió xuân, cung kiếm đẹp hơn giò bánh và những tiếng chan chát của côn quyền vui hơn tiếng pháo. Người ta mừng tuổi nhau, người ta hỏi nhau về binh thư, về võ nghệ, quây quần nghe những bạn hát giỏi, đàn sáo hay, vỗ tay làm nhịp hay múa kiếm mua vui. Cho nên ở đây, tuy sặc mùi chiến tranh, hình thần chết phảng phất, mà cuộc đời có một sinh thú vô cùng thiêng liêng cao quý. Người ta đã hưởng một cái tết lạ lùng ra ngoài khuôn khổ của người thường, người ta cảm thấy cái say sưa kiêu ngạo của chàng thủy thủ đứng mũi thuyền chống chọi với sóng gió vững mạnh lái, cố tránh cho những kẻ ngồi trong khoang ấm nỗi chết dưới vực sâu. Vương đã dần dần thân với những anh hùng mà chàng kính phục và muốn theo gương can đảm. Chàng quyến luyến tất cả mọi người. Những bất trắc của nghề binh đao càng làm cho họ thân nhau, giúp đỡ lẫn nhau, không tính toán, không quản công. Chỉ vài hôm chàng đã hoàn toàn là người con yêu quý trong đại gia đình Quốc công.

Và chính ở đây, chàng mới cảm thấy tất cả cái nghĩa của gia đình, vì ở đây người ta sống hòa hợp nhau, anh em ruột cũng không có những hy sinh như thế. Quốc công quả xứng đáng là chủ cái gia đình ấy.

Chính gia đình riêng của Quốc công thì đã phân ly rồi. Phu nhân và Nguyên quận chúa mà bóng liễu thường thướt tha trong vùng Vạn Kiếp, nay đã tạm lánh vào miền trong. Trong bốn vương tử, một người có tội, đã bị Quốc công đày ra ở một cù lao xa lánh ngoài biển Đông, bạn với sóng gió, chim trời và giặc biển. Ba người ở nhà cũng chẳng hưởng được quyền lợi gì đặc biệt, và thường vẫn chung những nguy hiểm với mọi người.

Ở đây, đại vương để hết chân thành; tưởng hồ đượm một màu vô cùng thân ái. Người ta cũng như Quốc công, ai cũng yêu gia đình mới với tất cả tâm can phế phủ. Ba nghìn môn khách của Quốc công cũng đến đây, mong đua thi đấu sức đáp ơn người có độ lượng như Mạnh Thường Quân mà tài trí thì gấp trăm nghìn. Họ quây quần bên đại vương, tận lực phù tá. Văn tài như Trương Hán Siêu, mưu lược như anh em Phạm Ngộ, Phạm Mai, Ngô Sĩ…

Lại có người như Vũ Trí Thắng, cơ mưu hơn người, ngoài chiến trường là một dũng tướng, Chính Vũ đã dâng lên đại vương một tập địa đồ, do Vũ biên chép rành mạch sau khi phiêu lưu khắp các miền trong nước, tập này đã giúp Quốc công nhiều trong sự bày binh bố trận. Còn bao nhiêu người tài nghệ: Người sành tính toán, người giỏi biên chép, người có tài ăn nói, cả người thạo âm nhạc, người nào cũng có một công việc thích hợp với bản lĩnh riêng, không một người nào thấy mình vô dụng trong “xưởng” hoạt động của Quốc công. Tài mọn nào cũng được đại vương điều khiển và giữa hàng môn khách không có một chút ghen tị nào giữa mọi người.

Sau hàng môn khách, còn có những gia trưởng trung thành. Mỗi khi nói đến Dã tượng, Yết Kiêu không ai không cảm động. Không biết họ sinh quán ở đâu, có lẽ họ là những đứa bé bị bỏ rơi, được đại vương cứu vớt, rồi lớn lên theo hầu. Nhờ họ mà trong trận thua ở Ki Cấp, Quốc công mới thoát khỏi tay giặc chạy về Vạn Kiếp, giữa mấy lần vây như bao nhiêu vòng thép, tướng sĩ lạc lõng, đại vương chỉ còn có Dã Tượng theo hộ vệ, Tượng đã mang bao nhiêu thương tích, mặt mũi thân thể chân tay, máu chảy lênh láng, vậy mà vẫn chống đỡ cho chủ, hết sức dẹp một đường máu để đưa đại vương đi. Đến khi thoát trùng vây, đại vương tuy đã dặn Yết Kiêu đợi thuyền ở bến Bãi Tân nhưng lại muốn dùng đường bộ về Vạn kiếp, Dã Tượng nói: Yết Kiêu chưa thấy đại vương chắc chưa bỏ chạy, về Bãi Tân thì hơn.

Quốc công ngần ngại, vì bao nhiêu chiến thuyền do Yết Kiêu quản lĩnh đã có tin bị quân giặc đánh tan, lẽ nào Yết Kiêu còn ở đấy.

Dã Tượng quả quyết:

- Yết Kiêu là người trung nghĩa, đại vương truyền đóng quân ở chỗ nào thì dù chết cũng không chịu bỏ. Tiểu nhân đã biết, xin đại vương cứ ra Bãi Tân, có thế mới thoát được.

Quốc công nghe lời, chạy ra Bãi Tân, quả nhiên Yết Kiêu vẫn còn ở đó. Kiêu bị thương cũng nặng như Dã Tượng, chiến thuyền tan cả, nhưng vẫn cố giữ một chiếc liều chết đợi đại vương. Thấy Quốc công, Kiêu ghé thuyền vào đón, mừng quá ôm lấy đầu gối đại vương mà khóc, rồi rong buồm thuận lái chở vương về Vạn Kiếp. Quân giặc cũng vừa tới nhưng đuổi không kịp, đại vương nhân việc ấy than rằng:

- Chim hồng chim hộc bay cao được nhờ lông cánh, nếu không có lông cánh thì cũng chỉ là chim thường mà thôi.

Cho nên đối với Yết kiêu, Dã Tượng, các tướng sĩ có rất nhiều thiện cảm, coi như hai người có công lớn nhất với quốc gia.

Ngoài Yết Kiêu, Dã Tượng, còn có ba gia tướng Cao Mang, Đại Hành, Nguyễn Địa Lô, tất cả năm người thân tùy Quốc công, toàn là những tay võ nghệ giỏi và rất được việc. Những mệnh lệnh của Quốc công đều do họ truyền đi không sai một ly, trong những công cán hiểm nghèo như việc đi dò xem trận giặc họ như đội quân cảm tử, họ thường theo Quốc công và không bao giờ không làm tròn phận sự…

Ba vương tử Hưng Vũ Vương, Hưng Hiếu Vương, Hưng Trí Vương dường như không thua kém những vị kia.

Sau khi thất trận ở mặt Bắc, quân gia tan tác, Quốc công sai ba con về mộ quân ở Bàng Hà, Na Ngạn, Trà Hương, An Sinh, Long Nhãn. Nhờ tài khôn khéo, lòng nhiệt thành phấn phát, chỉ trong có mấy hôm, ba người đã khởi được mười vạn quân. Nhân tài kéo ra như nước, về cả Vạn Kiếp để chịu quyền tiết chế của đại vương. Vì thế mà lỗ hổng trong quân đội do những trận thua lớn ở Bác Giang lấp được ngay và quân tình lại phấn khởi.

Ngoài những người ấy, còn có các tướng của triều đình. Nào là Hùng Thắng, Huyền Du, nào là nội quân Đô Hánh, nào là đại tướng Nguyễn Thức, coi quân Thánh Dực dũng nghĩa. Nào là hai anh em Hưng Đức Hầu Trần Tự Quyền, Nhân Đức Hầu Trần Tự Toàn, dòng dõi Trung Tín Hầu Trần Tự Khánh lúc trước đã lừng danh trong trận tử thủ ở Chi Lăng. Vì lòng quyết chiến, vì những phương sách phòng thủ rất khéo, vì tài biến báo rất nhanh và phong phú, hai hầu chỉ có năm ngàn quân mà đã cầm cự với cả đại đội binh mã của Thoát Hoan tấn công hàng năm, sáu hôm liền. Hai hầu đã nổi tiếng là thiện thủ. Chính Quốc công giao cho hai hầu trọng trách giữ việc phòng thủ Vạn Kiếp.

Chương III

Phần 2

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

(Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan)

Vị lão tướng Lê Phụ Trần, người đã cứu vua Trần Thái Tông khi trước, bậc tráng sĩ của hai trận, cũng có mặt bên Quốc công, làm cố vấn cho quan quân. Lê không những là một người lính giỏi, lại có nhiều lần sang sử nên hiểu tình hình triều đình và quân Nguyên hơn cả mọi người. Nhưng không phải chỉ giữ vai tham mưu thụ động, Lê vẫn hăng hái ra sa trường, treo gương can đảm cho đàn trai trẻ, hoặc vâng mệnh Quốc công thao luyện quân sĩ, làm kinh ngạc mọi người vì sức khỏe tuyệt luân rất hiếm đối với một ông già ngoài sáu mươi tuổi.

Vì lão anh hùng ấy còn được cái vinh dự là thuộc vào một trong bốn hổ tướng khỏe nhất nước Nam, vì chỉ có Lê cùng Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão là địch được viên tướng kiêu dũng Ô Mã Nhi.

Ba người sau không có mặt ở đây. Họ vâng mệnh Quốc công (…)* Quan quân đã về tựu ở Vạn Kiếp từ nửa tháng nay, chỉnh đốn lại tình thế vậy mà Thoát Hoan vẫn còn lần chần trên mặt Bắc, tiến quân rất chậm, cũng vì thế mà Quốc công đã một lần bảo các tướng:

- Không có Bảo Nghĩa Vương ở đây ta bó tay mất.

(…)* Mất một đoạn trong bản thảo. Tuy nhiên qua nội dung đoạn văn sau đó, có thể đoán được đoạn bị mất nói về các võ công và chiến tích của Trần Bình Trọng. Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão, đặc biệt là công lao của Trần Bình Trọng, trong việc ngăn chặn Thoát Hoan không cho y đánh nhanh xuống (chú thích của người biên soạn)

Người ta nhận thấy những việc khó khăn nhất trong quân, Quốc công thường hay giao cho Bảo Nghĩa, mỗi khi cử Bảo Nghĩa làm việc gì quan trọng Quốc công cũng yên trí là không có điều gì sơ suất. Cho nên Hưng Đạo hay nhắc đến Bảo Nghĩa Vương, thậm chí Bình Trọng không có mặt ở Vạn Kiếp mà tưởng như là có mặt.

Nhiều tướng khác cũng vậy tuy ở xa mà vẫn phảng phất sống bên mọi người. Họ có nhiều giai thoại trong quân đội nên các tướng sĩ thường đem ra bình luận. Họ hay nhắc tới đảm lược của Chiêu Văn Vương một ngựa bình Mán năm xưa. Họ ca ngợi cảnh tang thương khí khái của lão bán than ở bến Bình than, nay đã phò cố tướng quân Nhân Huệ Vương trấn thủ Vân Đồn, uy danh dậy khắp vùng biển. Câu thơ Tàu địch mỉa mai vương: “Vân Đồn kê khuyển diệu giai kinh” thì đối với người Nam lại là lời khen, quân sĩ đọc lấy làm khoái trá. Người ta còn mến Nhân Huệ Vương vì đã cực lực chủ chiến, tán thành ý kiến của Hưng Đạo Vương (…)*. Nhờ những ý kiến ấy biết đâu tình thế non sông không xoay khác và quân Nguyên không làm chủ được nước Nam rồi? Họ còn truyền tụng cả cái cử chỉ của chàng trai đan sọt làng Ủng mải tính công việc mà gươm giáo đâm thủng đầu gối cũng không hay… Những giai thoại về những tướng mà họ thường gặp và cũng đang lo cứu nước như họ, những giai thoại ấy đã ảnh hưởng rất lớn và bổ ích cho tinh thần tướng sĩ và càng làm tăng lòng tin tưởng về tương lai của họ.

(….)*Một đoạn trong bản thảo nữa bị mất, nhưng có thể đoán được đoạn bị mất ý nói nếu không có Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư cực lực chủ chiến, tán thành ý kiến của Hưng Đạo Vương thì tình thế có thể đã khác và đất nước biết đâu không mất vào tay giặc (Lời người biên soạn).

Nhưng người có cảm tình nhất với Chiêu Thành Vương là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Khi vương mới đến Vạn Kiếp, hầu vâng lệnh Quốc công đi do thám tình hình giặc, mãi đến mồng hai tết mới về. Vương vẫn mộ danh hầu nhưng chưa diện kiến bao giờ vì hầu ít tuổi, không mấy khi đến kinh thành. Lần đó có một dịp được gặp hầu là ngày hội nghị Bình Than, khi ấy vương lại không thèm để ý đến cho là con nít mà vua không cho dự bàn. Vậy mà đứa trẻ ấy đã tỏa sáng từ vinh quang này đến vinh quang khác, những mưu lược anh hùng đã làm cho triều đình kinh ngạc, quân giặc kiêng dè gây được cảm tình của quân đội và quốc dân. Danh hầu đã lừng lẫy khắp mọi nơi. Người ta thường lấy hầu làm gương can đảm cho con trẻ.

“Bằng tuổi này, Hoài Văn Hầu đã đánh bao nhiêu trận, lập bao nhiêu công…” Trẻ con thường vểnh tai nghe kể chuyện hầu, từ việc bóp cam cho đến việc chiêu quân mãi mã, thêu lá cờ đề sáu chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân”. Người con nít ấy với sáu trăm quân và một lòng táo bạo đã từng đối chọi với cả một đạo binh của Thoát Hoan và đã suýt lấy đầu Trấn Nam Vương. Người trẻ tuổi nhất trong quân đội ấy, lạ lùng thay lại là người được dân gian nói đến nhiều nhất chỉ sau Quốc công Hưng Đạo.

Chiêu Thành Vương đã đến cùng Hoài Văn Hầu với tất cả lòng ngưỡng mộ. Vương khao khát công danh và rất mong nổi tiếng. Hầu tiếp vương trong trại riêng. Vương đã được nhìn thấy lá cờ thêu sáu chữ lừng danh trong dân gian, đã chính mắt nhìn thấy đứa trẻ kỳ dị. Đã ngưỡng phục vương lại càng ngưỡng phục. Hầu cao dong dỏng hơi gầy, thân thể hoàn toàn chưa nở hết, da trắng môi đỏ mắt sáng loáng như gương, dung mạo có vẻ đàn bà hơn là chiến sĩ. Vương bỗng thấy quyến luyến hầu như một người con trai đối với một người con gái và vương hơi thấy tủi thân, danh đã không bằng hầu mà vương còn xấu xí và già hơn biết bao! Có chút an ủi họa chăng còn có An Tư nhưng lúc này tình cảm ấy như phai nhạt. Tuy vậy cái tủi của Chiêu Thành Vương chỉ thoáng qua trong giây phút. Hoài Văn Hầu niềm nở đón tiếp vương thật thà nói:

- Chú đến bao giờ! Cháu vẫn nghe tiếng chú. Quốc công vẫn thường nói đến chú. Cháu vẫn muốn gặp chú, sao chú đến muộn thế? Bây giờ có chú ở đây, không sợ gì quân giặc nữa.

Ngoài nghĩa gia tộc, một tình bằng hữu thiêng liêng gắn chặt hai người tuổi trẻ ngay từ phút đầu gặp gỡ và cũng từ đó trên hầu hết bãi chiến trường người ta thường thấy lứa anh hùng ấy song song cùng tiến.

Quốc công Hưng Đạo đặt hết lòng tin vào tướng sĩ, chưa bao giờ để lộ một chút nghi ngờ về lòng trung nghĩa của họ. Có lẽ đó là then chốt của thành công trong điều khiển và là nguyên nhân uy tín của đại vương. Tuy vậy, đại vương hiểu hết mọi sự để ý đến từng việc trong ngoài và thường có mặt ở khắp nơi. Người ta tưởng như đại vương có tài phân thân như Tề Thiên Đại Thánh, để chỉ huy quân sĩ. Khi bàn bạc với các tham mưu trong trướng, khi đi thăm các trại, khi xem xét những cơ quan phòng thủ, cả xưởng chế khí giới, bãi đóng chiến thuyền, duyệt những cuộc thao luyện bộ chiến, thủy chiến, những phép công, thủ, chỗ nào cũng ban lời chỉ giáo rất tinh tế hay có lúc cho những huấn lệnh thật nghiêm minh. Những sai lầm nào đại vương cũng nhận ra, lời đính chính mới thân mật làm sao! Những sở trường nào, những tiến bộ nào dù không đáng kể cũng được đại vương khuyến khích, khen ngợi. Hình như đại vương chỉ trông thấy cái hay của mọi người và tìm hết cách để làm nảy nở những tài riêng. Cho nên đại vương chỉ trông về đại cương thúc đẩy mọi việc chạy rất đều tiến rất nhanh.

Tuy đại vương là một người quyền nghiêng thiên hạ, chỉ một lệnh truyền là có hàng bao nhiêu kẻ rụng đầu vậy mà đại vương ít khi quở trách ai, nếu có thì những quở trách ấy không làm cho người ta tủi mà đem lòng oán thán, người bị mắng chỉ cố sức mong sao chuộc được lỗi mình.

Nói rằng quân sĩ quyến luyến chưa đủ, phải nói họ say mê đại vương, họ có một tình yêu hồn nhiên sâu xa đối với chủ tướng. Họ khao khát trông thấy mặt vị anh hùng, tuy đại vương nghiêm nghị nhưng khi qua chỗ nào thì nơi đó trán lo âu bỗng sáng, người mỏi mệt bỗng khỏe, những ủy mị bỗng tan, lửa nhiệt tình lại nhóm, những khó khăn hóa ra dể dàng. Nghe đại vương nói thì không ai không mê, lời rõ ràng khúc chiết, không kiểu cách thấm thía đến tận đáy lòng, khi êm dịu khi hùng hồn. Cho nên bước chân của đại vương thường để lại ánh sáng, hòa hợp và tin tưởng. Mỗi lần đại vương đi khỏi người ta bâng khuâng nhớ tiếc như hội vui qua và mong mỏi như con trẻ mong cha.

Mà quả thật nếu đại vương không là cha mọi người, thì sao lại thân yêu họ đến thế? Sao lại thưởng phạt công minh như thế? Sao lại khéo dàn hòa những xích mích và hiểu thấu lòng họ đến thế? Tình thế nguy ngập, việc quân phiền toái, bao nhiêu khó nhọc đều để trên vai đại vương, vậy mà đại vương vẫn còn thì giờ hỏi han quân sĩ, chuyện trò thân mật, săn sóc cả đến việc ăn mặc của họ. Có ai đau yếu hay thương tích nhiều khi đêm khuya trời giá đại vương cũng đến tận nơi tự tay bắt mạch, tự tay bốc thuốc hay xem xét các vết thương, lại có những lời an ủi rất cảm động.

Đại vương bận rộn như thế, ngày nào cũng như ngày nào. Ba quân rất thương đại vương, không mấy khi được nghĩ ngơi, thoắt ở Vạn Kiếp thoắt ở Chí Linh, thoắt ở Phao Sơn, thoắt ở Huyền Đình, ngựa của đại vương tung vó khắp cánh đồng, đỉnh núi. Vậy mà đến đêm, khi mọi người đi ngủ đại vương vẫn còn một mình suy tính bên ngọn đèn xanh, có khi suốt sáng. Ăn uống thì thanh đạm, bữa cơm của vị chủ súy ba quân sơ sài như bữa cơm của một tên tiểu tốt.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx