sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Anh Ninh - Phần I - Chương 2

Đông Kinh đất lành chim đậu, kinh đô cả ba triều đại đều liên tiếp đặt tại nơi này, cung thành tráng lệ không ngừng mở rộng xây lớn. Trên thành dưới cổng, lính canh nghiêm trang, giáo mác chỉnh tề, người nào muốn qua lại đều phải trình giấy thông hành có ghi tên tuổi đóng dấu đàng hoàng. Muốn có được tấm giấy này lại không phải là chuyện dễ dàng gì, ấy vậy mà ngày nào cũng như ngày nào, bất kể nắng mưa, cứ sáng sáng gà vừa mới gáy giờ Sửu, từ gác canh trên thành nhìn xuống là đã thấy lao nhao bên dưới nào là người xe, súc vật, hàng hóa đủ thứ.

Tuy nhiên sáng nay để ý, thấy bên dưới có thêm mấy người phụ nữ tay bế con tay và vai đeo túi vải, đàn ông thì kéo xe gỗ đựng đồ đạc lỉnh kỉnh trong nhà được buộc vội bằng mấy sợi dây thừng vắt qua vắt lại. Có người đi riêng lẻ, có người đi thành từng nhóm, nhưng điểm chung dễ thấy nhất giữa bọn họ với đám buôn bán hàng gánh thường ngày chính là mặt mũi ai nấy cũng phờ phạc, miệng thì ngậm tăm không một lời chào tiếng hỏi.

Cái không khí u ám là lạ đó chậm chạp và khe khẽ len lỏi vào giữa cái sự ồn ào vui tươi của phố thị, thế nhưng lại không một ai nhận ra điều khác lạ này cho đến khi nó hoàn toàn bao trùm lên cả vùng đất đương một thời thịnh trị dưới chân Ngài Ngự.

Bến Yên Hoa nằm ở Đông thành, một bên bờ của sông Tô Lịch. Hàng quán và bến cảng kéo dài đến tận hai con phố dài là Trường Hoa và phố Yên Phụ. Cuối phố Yên Phụ, đối diện một sạp vải còn chưa mở là một mô đất nhỏ, cỏ xung quanh đó cứ hễ ngóc đầu được vài phân thì liền bị cả chục cả trăm đôi giày dẫm qua dẫm lại đến nát bét. Chỗ mô đất đó có dựng một cái tủ gỗ đã hơi cũ kĩ, bên trong chất một chồng lá chuối non xanh mướt và mấy cục bột nếp vo tròn nhân đậu xanh mỡ hành. Cái bếp dầu bên cạnh quay lưng ra bờ sông, từ lúc đốt lửa đến đầu giờ Ngọ, cô Hương chủ hàng bánh nếp rán này cứ bận tay mãi để đảo đều hai mặt bánh trên cái chảo dầu nóng hừng hực. Bánh ở đây nức tiếng cả vùng đến mức đầu phố cũng có mấy người mở bán theo. Thế nhưng thứ bánh mà vỏ ngoài vàng giòn, cắn vào thì mềm dẻo, nhân đậu thanh và lại ngậy mùi mỡ hành thì chẳng ai có thể làm cho giống được ngoại trừ cô Hương. Vậy nên dù hàng mở sớm hết sớm lại phải lặn lội về tận dưới này mới mua được người ta cũng không nề hà gì.

Năm mười sáu tuổi, lúc theo anh trai lên kinh, đến nay đã được hai năm có lẻ, không ngày nào là Anh Ninh không mua một cái bánh nếp của hàng này. Quen mặt đến mức vì biết rõ Anh Ninh thích ăn mỡ hành phải cháy vàng nên lần nào cô chủ cũng làm riêng một cái để giành sẵn, hễ mà nghe cái giọng lanh lảnh gọi tên mình hai lần liên tiếp là cô liền nhanh tay gói bánh vào lá chuối đưa ra.

Thế nhưng từ ngày phải dậy sớm, áo mũ chỉnh tề để vào cung hầu Gia Thục Công chúa[1] học lễ giáo và văn chương, Anh Ninh hầu như không còn có thể đến mua bánh nếp được nữa vì lúc rời khỏi nhà thì hăng còn quá sớm mà khi trở về thì hàng bánh đã dẹp mất rồi. Mặc dù có mấy hôm cô Hương lặn lội qua mấy con phố để đưa bánh cho phủ Trạng nguyên nhưng vì ngại cô ấy phải dở dang việc hàng quán chỉ vì mỗi cái bánh nên Anh Ninh từ chối luôn.

May thay việc hầu học mới được non nửa năm thì Thánh Thượng đã ban hôn, thời gian này Công chúa phải tập trung học điều lệ và phép tắc làm dâu làm vợ mà thậm chí còn nhiêu khê[2] hơn cả lời giảng trong Đại Học[3] nên lớp lễ giáo bị đẩy ra ngoài. Hơn nữa một phần vì Công chúa mất mẹ từ nhỏ, được một tay Thái hậu dạy dỗ nuôi nấng, việc hôn lễ tất nhiên không thể qua loa cho có. Mấy ngày hôm nay người hầu trong điện Thừa Hoa[4] bận bịu luôn tay luôn chân, thấy không còn việc của mình, Anh Ninh liền xin phép Thái hậu không vào cung nữa.

Anh Ninh không phải là không thích Công chúa mà ngược lại còn rất yêu quý Người. Một đứa trẻ chỉ mới mười một tuổi, giọng nói hẵng còn non nớt thế nhưng biết rõ mình là Trưởng Công chúa phải làm gương cho các em nên làm gì cũng cố gắng gò ép theo quy củ, lấy khoan dung nhường nhịn làm đầu, nhiều khi tủi thân cũng không biết kể cho ai. Vậy mà mỗi lần học cùng với Anh Ninh là lại trở nên nhõng nhẽo y hệt một cô em gái nhỏ, cũng là vì Anh Ninh lớn hơn Công chúa sáu tuổi, biết nhiều điều hơn Công chúa, rất ra dáng một cô chị đáng tin cậy. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, những gì một đứa trẻ mười hai tuổi có thể học hiểu cũng chỉ có Tam Tự Kinh, chưa bàn luận được chuyện gì thâm sâu mà chỉ biết ngước mắt lắng nghe, ngày nào cũng như ngày nào Anh Ninh thành ra chán chường mà không thể nói được gì.

Sáng nay được ngủ thêm một canh giờ, tâm trạng cũng vì thế mà thoải mái hơn, Anh Ninh hào hứng gọi Thục Nhi ra ngoài mua bánh rán nếp như trước kia. Ai ngờ lúc ngang qua một con ngõ nhỏ vốn vẫn vắng người trên phố Trường Hoa thì thấy đám đông đứng tụ tập lao xao như vỡ chợ, đến độ không có nổi một khe hở để chen qua nên cả hai đành đứng lại xem thử. Anh Ninh bắt gặp trong đám đông một ông lão vận đồ xanh xám trên tay đang xách mấy cái túi giấy buộc chặt, nghe mùi cam thảo và kim ngân hoa còn có tang bạch bì vẫn đương nồng hương thì liền biết là người bị ho đàm mới đi mua thuốc uống về. Gần đây có hai tiệm thuốc là của lão Chương và Hoàng Sơn Đường, ông chủ Hoàng Sơn Đường có tang của mẹ vợ nên ba bốn hôm nay đều đóng cửa, vậy thì chỉ có thể là mua ở chỗ của lão Chương. Lão Chương này bán thuốc rất rẻ cho nên nhiều người tới mua, nhưng thuốc của lão đa phần đều là đồ giả đồ hư uống vào cả chục thang có khi cũng không đỡ bệnh. Lão này rất ghét Huy Triết và Anh Ninh vì có một lần cả hai vạch trần thuốc giả của lão ngay trước cửa tiệm khiến lão mất bao nhiêu khách còn bị chửi xối xả. Không biết lần này lão lại bán thuốc gì cho người ta nữa đây.

Anh Ninh hỏi ông lão áo xanh xám: “Bác gì ơi, có chuyện gì mà người ta đứng xem đông thế?”

Ông lão nhìn cô với ánh mắt khá hoang mang, khàn giọng đáp lại: “Hình như có người bị giết…”

Một bà thím ăn mặc loè loẹt đứng cạnh đó lập tức quay sang ra vẻ hay chuyện:

“Tận hai người bị giết, là anh em nhà họ Đoàn ở phố Hành. Chao ôi, bị cắt mất tai mất mắt, máu chảy lênh láng thế kia chắc chắn là buôn bán gian lận gì cho người ta nên mới bị trả thù như thế…”

Bà thím kia cứ thao thao bất tuyệt như thể chính mình tận mắt nhìn thấy người kia bị giết vậy.

Anh Ninh nhón chân cố nhìn vào bên trong thì bắt gặp Huy Triết bước ra từ con ngõ tối tăm, đi bên cạnh còn có bốn người khiêng hai túi bố bọc kín, ước lượng dài vừa đúng bằng chiều cao của một người trưởng thành.

Đám đông đột ngột im bặt đi, ánh mắt dán chặt vào chiếc xe ngựa chở hai cái túi đựng cái mà ai cũng đoán được là gì kia vội vã chạy về phía Đại lý tự.

Anh Ninh thầm nghĩ trình tự tiếp theo hẳn sẽ là quan chủ thẩm vụ án điều tra mối quan hệ từ phía gia đình, những người từng xảy ra chuyện bất hoà với nạn nhân chắc chắn sẽ bị chú ý nhất. Thế nhưng có một điều khó hiểu xảy ra ngay sau đó chính là sự có mặt của Đại lý tự Thiếu khanh, thấy y đi ra từ trong con nhỏ rồi leo lên xe cùng với một nha dịch thế nhưng xe ngựa lại chạy ngược hướng Đại lý tự, có lẽ là đến nhà họ Đoàn ở phố Hành như lời bà thím kia kể. Tuy nhiên điều làm Anh Ninh thấy ngạc nhiên đó chính là Thiếu khanh của một tự trật ngũ phẩm chắc chắn sẽ không đích thân đi điều tra một vụ án báo thù cá nhân như thế này. Vậy có nghĩa là cái chết của anh em nhà họ Đoàn thực chất không hề đơn giản như người ta nhìn vào.

“Cô Hai, thế bây giờ có đi mua bánh nếp nữa không ạ?” Thục Nhi sực nhớ ra việc định làm, lên tiếng nhắc nhở Anh Ninh.

Anh Ninh giật mình quay lại cười trừ, kéo vội tay Thục Nhi: “Đi chứ, nhanh chân lên, không thì hết bánh mất!”

Đầu giờ Mão, Mặt Trời đã lên nhưng vẫn còn khuất nửa sau đám mây trắng dày của trời đông. Người trên đường co vai rút sau vào lớp áo bông dày cộm, ai nấy cũng chăm chăm đi nhanh về nhanh, chẳng một ai muốn nán lại giữa cái thời tiết tháng Mười Một rét căm này cả.

Tiệm bánh nếp cuối phố Quang, khách ngồi kín cả chỗ, tiếng giục bánh thi thoảng lại vang lên giữa tiếng lao xao trò chuyện và tiếng giòn tan khi ai đó cắn vào vỏ bánh.

“Hôm nay cô làm cho con ba cái nhé!”

Bởi vì được nghỉ nên Anh Ninh dự định sang nhà một người bạn thân thiết, nhân tiện mang theo chút bánh làm quà.

Trong lúc đợi cô Hương chiên bánh, Anh Ninh phát hiện bên vệ đường, một dãy xe đẩy hàng nối đuôi nhau. Tủ bàn và đồ đạc dùng trong nhà chồng chất lỉnh kỉnh, nhìn đoạn dây thừng buộc đồ bị vắt qua vắt lại không có trật tự thì rõ là người buộc đang rất vội vàng. Đoàn người dừng lại ăn tạm cái bánh mặt mày ai cũng bơ phờ mệt mỏi, áo quần lấm lem bụi đường, đến cả lũ trẻ con bình thường náo động nay chẳng dám ngọ nguậy, mắt dáo dác ngó quanh.

Anh Ninh kéo hai cái ghế gỗ, ra hiệu Thục Nhi ngồi xuống, hướng về phía hai người đàn ông phía dưới gốc cây trắc thối[5] vẫn chưa nở hoa. Một trong hai người nói thì thầm, nghe ra là giọng kinh thành:

“...người ta vẫn đồn ầm lên là tai ương sắp sửa ập xuống cái hôn lễ hoàng gia này.”

Người còn lại đáp lại không nghĩ ngợi: “Lại còn chẳng!”, người nọ lấy ngón tay vẽ gì đó trên bàn, đoạn nói tiếp: “Ông nghe tôi này, lấy Đông Kinh này làm trung tâm, hướng ra bốn phía là tứ trấn Kinh Bắc, Sơn Nam, Sơn Tây và Hải Đông[6], tai họa sẽ lần lượt gieo rắc xuống tựa như bốn cái cột nhà bị đốn đổ đến lúc đó thì thần thánh cũng chẳng đỡ nổi cho chúng ta.”

Người kinh thành nghe một hồi thì hơi nghi ngờ: “Tôi nào có nghe thấy gì đâu, ông nói rõ xem nào.”

Người nọ uống cạn chén trà, nhìn xung quanh xem xét gì đó rồi mới lấy hơi nói: “Tôi có một người họ hàng tháng trước vừa đi buôn chè ở tận Lạng Giang chính mắt trông thấy một nam một nữ bị giết. Lạ một chuyện là hai người bọn họ chẳng giống người chết mà lại giống một ả đào và một tay khách, miệng của cô ả bị khâu lại còn tai của tên kia thì bị cắt đi. Tên họ hàng kia của tôi có tiếng gan to vậy mà chỉ mới nghía qua một lần đã chết trân tại chỗ.”

Người ở kinh thành trợn mắt há hốc mồm như không tin nổi, lát sau hắn mới ngập ngừng nói: “Tôi cũng vừa nghe kể một vụ giống y như thế ở Trường An[7], là thật sao?”

“Vậy cho nên tôi mới bảo, hết Bắc rồi đến Nam, trước sau gì cũng đến chỗ Đông Tây bọn tôi, có ai dám ở lại đâu, tất cả gói ghém đồ đạc mà chạy cho nhanh chỉ mong thoát khỏi cái nạn này rồi về lại quê làm lụng.”

“Thôi thì chỉ biết trông vào cái số trời, đã ghi sinh tử rồi thì có chạy đằng nào cũng vậy cả...”

Rồi cả hai ngồi trầm mặc, mỗi người nghĩ một chuyện khác, không ai còn tâm trạng mở miệng tán gẫu nữa.

Thục Nhi ôm túi đựng bánh vào lòng để giữ độ ấm, theo bước Anh Ninh xuống phố rời khỏi quầy bánh rán cuối phố đầy những con người vẫn còn hoang mang chưa rõ điều gì sắp sửa ập xuống cuộc sống đơn điệu của mình.

Họ Đoàn ở phố Hành vốn không phải gốc ở Đông Kinh, do cha ông đời trước cư ngụ lấy thương nghiệp làm nghề chính lâu ngày mới xây dựng nên cơ ngơi không nhỏ. Đoàn Văn Anh là con trưởng và cũng là con trai duy nhất của chi chính đời thứ ba, sau khi cha qua đời, vẫn tiếp tục theo gia nghiệp. Trước giờ chưa từng nghe tin nhà này có hiềm khích gì to lớn với ai, họ cứ sống bình lặng với cái nghề cha truyền con nối như vậy, thế mà cuối cùng vẫn không tránh khỏi được tấn thảm kịch tang thương.

Quang Nguyên và hai nha dịch vừa đến trước cổng đã cảm nhận được một bầu không khí đau buồn bao bọc lấy căn nhà khang trang bề thế này. Quản gia trong nhà vội vàng ra đón khách vào tiền sảnh, sợ bị quan trên hiểu lầm nên liền thanh minh.

“Mợ chủ nhà chúng tôi vừa hay tin dữ sáng nay thì liền khóc ngất đi, tới giờ vẫn cứ mê man mãi, mong quan lớn lượng thứ cho sự thất lễ.”

Quang Nguyên cũng không chấp nhặt làm gì, chỉ khoát tay cho qua.

“Không sao, bổn quan hiểu. Mong gia quyến đừng quá đau buồn. Để nhanh chóng tìm ra thủ phạm, bổn quan muốn gặp vài người làm thân cận với cậu Đoàn và cô Đoàn để hỏi vài câu.”

---------------------------------------------- [1] Gia Thục Công chúa: (? – 1474) tên húy là Lê Thanh Toại. Công chúa là con gái trưởng của Vua Lê Thánh Tông, mẹ người họ Phạm, là Tu nghi chủ cung Trường Xuân. Công chúa ra đời thì mẹ mất, nhờ Hoàng Thái hậu nuôi 5 năm. Năm Hồng Đức thứ 5 (1474), gả cho con trai Thái Bảo Kiến Dương Hầu Lê Cảnh Huy, tên là Tòng. Đã có con nhưng vô dưỡng vì qua đời sớm (Có ghi chép nói công chúa sinh năm 1461 tức lấy chồng năm 13 tuổi, tuy nhiên trên tấm bia mộ chí của Công chúa lại ghi Chúa qua đời lúc 22 tuổi sau khi sinh con tức Chúa sinh năm 1452 vậy là Thánh Tông sinh con lúc mới 10 tuổi(???)).[2] Nhiêu khê: phức tạp rắc rối.[3] Đại Học: là một thiên trong bộ Lễ Ký do Tăng Tử tức học trò của Đức Khổng Tử truyền lại, gồm 11 phần, trong đó có phần đầu tiên là Thánh Kinh tức lời truyền dạy của Khổng Tử và các phần còn lại là ghi chép giải thích phần Thánh Kinh của Tăng Tử.[4] Điện Thừa Hoa: là điện của Quang Thục Thái hậu, thân mẫu của Vua Lê Thánh Tông (theo Wikipedia)[5] Trắc thối: người xưa gọi hoa sưa là cây trắc thối Giao Chỉ.[6] Hải Đông: hay còn gọi là Hải Dương, 1 trong 13 đạo thừa tuyên dưới thời Hồng Đức.[7] Trường An: dưới thời Hồng Đức là một phủ thuộc đạo thừa tuyên Sơn Nam.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx