sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cuốn Sách Thứ Hai: Nguyễn Khắc Viện, Vietnam Une Longue Histoire; L' Harmanttan, Paris, France 1999.

Trước khi nói về cuốn sách thứ hai - Sách do một người được đánh giá là "trí thức năng động nhiệt thành, tham dự một cách khách quan vào một giai đoạn lịch sử" viết nên, và cuốn sách được trao giải thưởng cao nhất của Hàn Lâm Viện Pháp dành cho Khối Pháp Thoại (Grand Prix de la Francophonie 1992). Ông cũng là người Việt độc nhất được Hàn Lâm Viện Pháp phong tớc - Chúng tôi thiết nghĩ nên nhắc lại vài sự kiện có liên quan đến nhân sự viết cuốn sách nầy. Năm 1985, Tố Hữu, đệ nhất "văn lại" Hà Nội, ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị Trung ương đảng cộng sản, Bí thư Ban văn hóa tư tưởng, được xung thêm chức vụ mới: Trưởng ban cải cách công- nông-thương nghiệp. Bởi ngoài tài làm những câu "tụng ca" đại loại: "Hoan hô Sít-ta-lin! Vững bền cây đại thọ.Rợp bóng mát hòa bình. Ngọn hải đăng vô sản.."Tố Hữu, tiểu danh Lành còn có khả năng điều hành, tổ chức sản xuất, cách mạng công-nông nghiệp (cũng với, bằng.. lời thơ) qua những câu: "Với sức người, sỏi đá cũng thành.. cơm!"; hoặc liên quan ngành công chánh xây dựng với: "Ðường ta rộng thênh thang.. tám thước!" Ðể vận động "thơ" của Tố Hữu thành "cơm ăn, đường đi, của cải cho xã hội", toà soạn báo Nhân Dân (Cơ quan có chức năng chính trị như một Ban, lớn hơn một Bộ) được huy động để quảng bá tài làm thơ của quý thủ trưởng, chế biến thơ nên thành sản phẩm nông nghiệp, vật liệu sản xuất, và xây dựng công nghiệp. Tòa báo bày ra cuộc thi thơ với hai câu của "người" làm chuẩn: Bốn cống, năm cầu, ba cửa ô. Cùng nhau ta xây dựng cơ đồ.. Nghĩa là, sau, từ hai câu thơ "chuẩn" của Tố Hữu, thần dân toàn nước Việt có bổn phận phải tìm ra thêm hai câu thơ nữa có tính chất vừa hay, vừa thơm, vừa tốt (Chữ của Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng khi ra "chỉ tiêu" cho Ðề Cương Văn Hóa Việt Nam, vận động vào năm 1948) để làm khẩu hiệu thi đua cho cả nước tiến công lên mặt trận công-nông-nghiệp, quyết tâm xây dựng "xã hội xã hội chủ nghĩa tiên tiến, văn minh và giàu mạnh" Nhưng chỉ sau một năm, 1986 cuộc cách mạng (qua thơ ca, khẩu hiệu của, do Tố Hữu chỉ đạo) biến thành trò thảm hại. Cả nước đứng sẵn bên bờ vực chết đói kiểu 1945; miền Nam sau ba-trăm năm mở nước, lập quốc cũng rơi vào tình trạng ăn cơm độn.. thực phẩm gia súc! Trước tình trạng "khẩn trương"của cả nước sau vận động "Văn Hóa-Công Nông Nghiệp" thất bại, người trí thức Nguyễn Khắc Viện từ Pháp được đảng gọi về giúp nước. Viện được mời đi "tham quan" để sau đó viết bài động viên nhân dân làm cách mạng xã hội bằng phát triển nông nghiệp theo "mô hình hợp tác xã tiên tiến – hợp tác xã hội xã hội chủ nghĩa!" Nguyễn Khắc Viện viết một loạt bài "rất trí tuệ" gồm những "dữ kiện có tính cách thuyết phục" với nội dung như sau (xin lưu ý, những chữ trong ngoặt kép hoặc viết nghiêng thuần là của báo Nhân Dân; của ủy viên trung ương Tố Hữu; của trí thức vô sản Nguyễn Khắc Viện v..v): "Nhân một buổi về tham quan hợp tác xã vùng đồng bằng sông Hồng, Viện được chứng kiến một hoạt cảnh sinh động, điễn hình tiên tiến.. Một chị đội trưởng hợp tác xã vừa thổi cơm bằng rơm, vừa thuyết minh "cơ cấu tổ chức" hợp tác xã, chế độ vần công, cách thức điều hành xã viên, phân chia nông phẩm, phân phối phân bón, thuốc trừ sâu, thực hiện nghĩa vụ thuế nông nghiệp.. Chị vừa trình bày vấn đề trọng đại, vừa thổi mồi rơm; lửa hắt ánh hồng lên khuôn mặt tươi trẻ, hiện thực vẽ đẹp cao quý của người lao động trong chế độ ưu việt-chế độ xã hội chủ nghĩa- Chế độ triệt tiêu "hiện tượng người-bóc lột-người" mà trí tuệ siêu việt Karl Marx, Engel hằng tiên tri, nay Bác Hồ hiện thực trên đất nước Việt Nam giàu đẹp, sau cuộc chiến thắng trời long đất lỡ, đánh bại hai tên đế quốc sừng sõ, ghê gớm nhất của nhân loaiï, thực dân Pháp và Ðế quốc Mỹ." Ông đề nghị một cách khôn ngoan trong loạt bài báo (có tính khoa học cao): "Người Việt nên thay đổi "cơ cấu bữa ăn cổ truyền với thuần gạo tẻ" (và thay vì gọi là "cơm độn" mà nên gọi là "cơm trộn") bằng: "cơ cấu mới: gạo-ngô-khoai-sắn"- vì ngô-khoai-sắn có nhiều chất sắt hơn trong một hàm lượng so với gạo tẻ." Viện trích dẫn nghiên cứu của Tiến sĩ nông học Phạm Hoàng Hộ: "Mười cân rau muống bổ dưỡng bằng một cân thịt bò". Viện vạch rõ, cũng từ một nghiên cứu khoa học, "rau muống có nhiều chất sắt hơn thịt bò!" Ðấy là câu chuyện của 20 năm trước. Nay, thành quả nghiên cứu nghiêm túc của Viện Sĩ Nguyễn Khắc Viện, điển hình "trí thức xã hội chủ nghĩa" được hệ thống hóa và nâng cấp qua cuốn sách: ViêtNam, Une Longue Histoire.

Lịch sử quả thật đang trên đà tiến tới nhưng hình cũng như luôn được lập lại – Lập lại nhiều lần với những sai lầm, hư hại bởi những con người ác độc, nhẫn tâm, hiện diện qua những chế độ cai trị độc hại. Sự độc hại của những chế độ ấy chỉ được thay thế, hoặc được hạn chế nếu nhà nước cầm quyền thực hiện được một căn bản pháp trị - Nói rõ hơn, khi Kẻ Sĩ, Người Lập Thuyết cho chế độ giữ đúng lương tri, và hành xử đúng lương năng của mình. Với quan niệm tổng quấy nầy, cuốn sách của Nguyễn Khắc Viện có thể kết luận trước tiên mà không sợ sai lầm: Là một tường trình ngang ngược biện minh cho chế độ làm hư, xấu con người đang tồn tại một cách dai dẳng ở Hà Nội, Việt Nam. Bởi cuốn sách (lại là một sách về lịch sử) được viết trên một cơ sở lập luận không hợp lý: Chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam (1883-1945); chính quyền Quốc Trưởng Bảo Ðại (1948-1954); hai kỳ cộng hòa ở Miền Nam (1954-1975) có rất nhiều khuyết điểm trong một giai đoạn lịch sử dài.. Vậy nay (nếu) như chế độ chuyên chế Hà Nội có sai phạm thì cũng chỉ là (sản phẩm tất yếu) của lịch sử mà thôi.

Năm 1985, Nguyễn Khắc Viện về nước, viết loạt bài huy động cải cách nông nghiệp với mục tiêu: "Tiến đến thực hiện chỉ tiêu xuất cảng "1 triệu tấn gạo" do Ðại Hội VI của đảng đề ra". Trong phần "Việt Nam Thời Kỳ Hiện Ðại", tiểu mục "Sự bóc lột kinh tế của thực dân (Pháp)" của cuốn sách, Viện trích dẫn phần tài liệu: "..Trước năm 1918 (năm chấm dứt Thế giới chiến tranh lần I), hầu như toàn thể đất đai của Ðông Dương bị thực dân Pháp trưng dụng đều được trồng lúa. Chỉ riêng Nam Kỳ, đã phải nhận một chỉ tiêu cung cấp vượt trội xuất khẩu gạo: Từ 800.000 tấn cho năm 1900, lên tới 1.200.000 tấn cho thập niên 1920. (Nguyễn Khắc Viện, trang 179)". Như thế là thế nào? Chẳng lẻ cố công thực hiện một cuộc chiến tranh tiêu hao với giá máu của cả một dân tộc, đầy ải hàng triệu sinh linh vào biển máu lửa với cuộc chiến kéo dài hơn ba thập kỷ (1945-1975); phóng tay mở đầu giai đoạn cách mạng toàn cầu; giải phóng lãnh thổ Ðông Dương ra khỏi ách thực dân (cũ lẫn mới) chỉ cốt để tiến tới một "mục tiêu mà người Pháp thực dân đã thực hiện hơn sáu- mươi năm trước hay sao?!" Nhưng mục tiêu chính của cuốn sách không phải chỉ để trình bày sự kiện bóc lột về kinh tế, mà hơn ba phần tư cốt nói về những hoạt động chính trị, quân sự, khởi loạn theo quan điểm duy vật lịch sử.. Từ khởi nghĩa của Trương Quyền (con Trương Ðịnh) năm 1863, có sự tham dự của Lục Sãi người Miên Pokumbo được đánh giá nên thành "kết hợp giữa nhân dân hai nước chống chủ nghĩa đế quốc tây phương (NKV trang 158). Lần thành lập Ðạo Cao Ðài được giải thích: "Tổ chức tôn giáo nầy đã bị "lũng đoạn do thành phần nhân sự lãnh đạo đã bị nhà cầm quyền thực dân ngấm ngầm điều hành" (NKV trang 212). Cuộc vũ trang nổi dậy tại Yên Bái (9, 10 tháng 4, 1930) do Quốc Dân Ðảng lãnh đạo thất bại được quy ra, "khuyết điểm thiếu tính quần chúng", dẫn đến hậu quả những thành phần yêu nước tích cực đồng tìm đến một tổ chức cách mạng hữu hiệu khác (tức là Ðảng Cộng Sản Ðông Dương); đám còn lại trốn qua Tàu, gia nhập Quốc Dân Ðảng Trung Hoa "biến chất thành phản động, mất hẳn trên vũ trường chính trị.". (NKV trang 213-214).. Tất cả cuối cùng nêu bật một điều: "Ðảng cộng sản kiểu Lê-nin do Bác Hồ thành lập, huấn luyện, tổng bí thư Trần Phú chỉ đạo là đáp số cuối cùng và chung nhất bởi đã tập trung được giai cấp công nhân làm thành phần chủ đạo chiến lược". Tuy nhiên, Nguyễn Khắc Viện cũng có phần chân thật khi xác nhận rằng: "Lúc đảng thành lập (3 tháng 2, 1930) theo thống kê năm 1929, tổng số công nhân toàn bộ Ðông dương không quá 200.000 người, trong đó có 80.000 vừa bỏ đồng ruộng Miền Bắc di cư vào Nam hành nghề cạo mũ cao su tại các đồn điền chủ Pháp (NKV trang 201)".

Xuyên qua tất cả luận lý, dữ kiện nêu trên, chúng ta có thế đặt nên những câu hỏi với tổ chức đảng kia: "Vậy tìm ở đâu ra một "giai cấp công nhân tiên tiến" theo định nghĩa của Karl Marx, Lénine để làm lực lượng nòng cốt sẵn sàng cho "đêm hôm trước cuộc cách mạng vô sản" ở Việt Nam - Một nước với nông dân chiếm 90% dân số của vùng bán đảo Ðông Dương, toàn cõi Châu Á, buổi đầu thế kỷ 20?!" Tuy nhiên, cuộc cách mạng vẫn được khởi dậy với khí thế dũng mãnh, bởi vì người dân được kích thích, hứa hẹn: "Từ đấy hồn tôi bừng nắng hạ. Mặt trời chân lý chiếu qua tim.." Khi Tố Hữu đã viết như thế thì lịch sử tất yếu phải đi theo chiều hướng xã hội chủ nghĩa vậy (NKV trang 240). Sự sa đọa của chữ nghĩa do những "trí thức cách mạng" thực hiện càng ngày càng tệ hại. Hãy nghe Viện Sĩ Nguyễn Khắc Viện của Viện Hàn Lâm Pháp tố cáo thành tích tàn ác của thực dân Pháp đối với "đồng bào ta": "Năm 1929: Bắt giữ 1,490 người; bắt nhốt 300; tuyên án tử hình 3. Năm 1930: Nhốt 2, 963; kết án tử hình, 83; chung thân khổ sai, 543…" (NKV trang 227). Màn hài hước nhân đạo ái quốc rỡm bất cận nhân tình trên nỗi thống khổ của con người (lại là người chung huyết thống) phải ngưng tại đây nếu chúng ta được biết như sau: "Khu nhà tù Hỏa Lò do người Pháp dựng nên sau khi bình định được nước Việt là trại giam trung ương của Miền Bắc. Ngay sau khi bộ đội cộng sản vào Hà Nội 10 tháng 10, 1954, nhà tù nhận thêm nhiều đợt tù mới (nhiều gấp bội so với tù của thực dân Pháp) để từ đây chuyển đi các trại trung ương từ biên giới Việt-Trung đến Nghệï An, Hà Tĩnh, các trại tập trung dọc vùng thung lũng sông Mã, Thanh Hóa, Hòa Bình, hậu thân của hệ thống trại Lý Bá Sơ, đã thành danh hiệu một Tây Bá Lợi Á của cộng sản Việt Nam. Chiếc cùm chân cùm Trường Chinh ở phòng giam Hỏa Lò nay vẫn được giữ lại như một chứng tích lịch sử của "thời thực dân tàn ác" thật không thấm vào đâu so với khối cùm hộp kẹp vỡ xương ống chân của những con người trong câu chuyện sắp kể ra dưới đây. Thế nên, phải nói một điều tưởng chừng như vô lý: "Nhà tù Hỏa Lò thời thực dân Pháp đã là một thiên đường so với thời "tập trung cải tạo xã hội chủ nghĩa theo lời dạy của Bác Hồ vô vàn kính yêu!!"

Chúng ta cần nêu một so sánh để khỏi bị cáo buộc đã nói điều vô bằng cớ. Khi xây khám, người Pháp dự trù chỉ để giam cứu cho vài ba trăm người với những dãy nhà dài rộng. Sau 1954, công an Hà Nội chia thành bốn khu chính với những phòng giam ngăn cách bởi những dãy tường đá, trên thả kẻm gai, và mãnh chai vỡ. Một nhân vật của câu chuyện kể (vốn là đại úy Quân Ðội Quốc Gia trước năm 1954) tháng 8, 1961 bị đưa vào tù theo "Nghị Quyết Tập Trung Cải Tạo" (Ban hành trước khi thành lập Mặt Trận Giải Phóng, quyết định thanh toán Miền Nam bằng vũ lực sau Ðại Hội 3 của đảng, tháng 5, 1960) có danh số tù là 4257. Ðiều nầy giúp cho chúng ta biết, chỉ mới đến tháng 8 lượng tù đã quá số 4000, cuối năm, theo nhịp tập trung bắt giữ như đã xẩy ra, ắc hẳn sẽ có khoản 6000 lượt người vào, và chuyển dần đi. Hỏa Lò nhận một số tù gấp mười lần số lượng dự trù. Trong khi ấy, diện tích phòng giam bị co rút lại, thế nên, các phòng giam dẫu treo khẩu hiệu, "Ăn sạch. Ở sạch. Nội vụ sạch", sinh hoạt "điễn hình tiên tiến" nơi phòng Số 14 đã diễn ra như sau:

..250 con người trong căn phòng (dự trù chỉ 20 người) kia có những nhu cầu cấp kíp trong đêm, họ phải đi tiểu, đại tiện.. Kẻ đi vào phòng vệ sinh phải trở thành một diễn viên xiếc thượng thặng giữa đám người nằm nêm cứng. Vào được phòng vệ sinh, lại phải thêm một phen chen chúc. Một tên ngồi gục đầu trên hố xí, úp mặt xuống lỗ hố thối thủm, một tên khác ngồi ở bệ bước lên, nhưng dù sao đấy cũng là "hai chỗ ngủ tốt". Có tên nằm co quắp trong bệ tiểu tiện, phải đánh thức tên nầy dậy mới đi tiểu được, vừa tiểu tiện xong, bệ tiểu đã có một tên nhảy vào ngồi trám chỗ. Từ cửa phòng vệ sinh, lão (người tù có danh số 4257) nhìn ra.. Căn phòng im lặng lềnh đặc mùi tanh tưởi của máu, mủ, mồ hôi, mùi phân người bốc lên ngầy ngật. Mấy trăm bộ xương da khẳng khiu, lỡ loét ngập tràn, nằm ôm cứng la liệt như đống xác chết như một nấm mồ tập thể, lộ thiên chưa lấp đất. (Nguyễn Chí Thiện, Hỏa Lò, Nhà Xuất Bản Cành Nam, VA, USA, 2000 trg 48-88)

Cảnh tượng trên chỉ là một phòng giam Số 14 của Hỏa Lò, đã vượt xa, xa hơn hẳn nhà tù thực dân Pháp của gần một thế kỷ trước. Và nếu Nguyễn Khắc Viện theo chúng tôi, chỉ cần qua 14 trại của vùng Hoàng Liên Sơn thuộc quyền quản lý của Ðoàn 776 đã cũng đếm đủ gần ba chục ngàn tù của tổng số 130.000 (một trăm ba chục ngàn) người Nam bị lùa vào trại cải tạo đem ra Bắc sau năm 1975 - Con số được đọc lên do Lê Hữu Qua, Cục trưởng Cục Trại Giam ở Trại Phong Quang, khi Qua chủ toạ buổi thả tù do chính sách khoan hồng nhân đạo của đảng (năm 1976) - Ðể có chỗ đủ chỗ nhốt tù từ Miền Nam đưa ra trong mùa Hè cùng năm.

Nguyễn Khắc Viện sống lâu năm ở Pháp, hẳn đã có cơ hội để gặp và biết về Người Chết Bất Tử trước nòng súng kẻ nghịch - Trần Văn Bá. Bá không chết một mình, ngày 8 tháng 1, 1985, Anh linh hiễn về trời với Lê Quốc Quân, và Hồ Thái Bạch - Tổng số ba người chết vì chế độ cộng sản Việt Nam bách hại trong một vụ việc bằng số lượng người bị thực dân Pháp đưa ra pháp trường trong toàn năm 1929 xưa kia. Số lượng mà Nguyễn Khắc Viện nại dẫn để tố cáo chính sách giam giữ, toà án xét xử bất công của chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam. Có hai điều khả thể xẩy ra qua vụ án năm 1929 kia: Hoặc là chế độ thực dân Pháp đầu thế kỷ quá khoan hồng nhân đạo so với chế độ xã hội chủ nghĩa sau nầy của Hà Nội; Hoặc ba kẻ bị kết án tử hình năm 1929 kia là bọn sát nhân can tội giết người đoạt của. Và bênh vực chúng tức mặc nhiên về hùa với hành động của bọn vô lại, lưu manh.

Chúng tôi muốn nói nhiều hơn nữa về cuốn sách và người viết cuốn sách, nhưng cuối cùng biết ra: Cuốn sách là bản in lại từ bản gốc của Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, Việt Nam 1993. Và Nguyễn Khắc Viện thì đã chết từ 1997. Hoá ra, cuốn sách chỉ là phó bản sao chép về một nội dung tuyên truyền của trung ương đảng cộng sản nơi Hà Nội. Và tác giả của nó đã là một thây ma. Chúng ta còn có thể nói gì hơn!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx