sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cuốn Sách Thứ Ba: Trương Như Tảng (Co Translators: Chanoff David & Ðoàn Văn Toại), Journal Of A Vietcong; Johnathan Cape, London, England 1986.

Ðây không là một cuốn sách thông thường, với nội dung là một tác phẩm văn học, hoặc hồi ký hoạt động của một nhân vật chính trị nào đó. Nhưng qua đấy, chúng ta sẽ nhận thấy ra sự tai hại chính trị - đúng ra là thảm họa chính trị (không phải xẩy ra riêng đối với mỗi cá nhân đã gây nên sự kiện, hoặc trách nhiệm thuộc về một tập thể đặc biệt nào) mà là BI KỊCH CHUNG CHO TOÀN DÂN TỘC VIỆT- THỰC HIỆN BỞI THÀNH PHẦN GỌI LÀ "TRÍ THỨC ƯU TÚ"- NHỮNG NGƯỜI HIẾN DÂNG HẾT CUỘC ÐỜI (với hậu quả không chỉ tác động giới hạn trên cá nhân bản thân họ, mà liên hệ trực tiếp đến gia đình, những người chung huyết thống, giới thân cận, bạn bè, người cộng tác) VỚI MỤC TIÊU CAO THƯỢNG: ÐỘC LẬP DÂN TỘC - HẠNH PHÚC TOÀN DÂN.

Chúng ta hãy cùng xem lại một hành trình thảm hại và tai họa trong sáu-mươi năm dài từ 1945-2005, mà mỗi người chúng ta hẳn cũng đã chia phần trách nhiệm gánh vác, hoặc chịu đựng sự khốn cùng gây nên từ bộ máy bạo lực gọi là chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lập lại thêm một lần cũng không thừa - Trường hợp Trương Như Tảng là một điễn hình sắc nét, cụ thể nhất – Ðến hôm nay, Thế kỷ 21 vẫn còn giá trị của một lời cảnh cáo nghiêm trọng nhất đối với cái gọi là "thành phần trí thức khoa bảng trẻ tuổi yêu nước". Biết đến bao giờ mới đủ cho một tấm gương phản tỉnh cho nhữngngười gọi là "trí thức thiên tả"? Hở biết đến bao giờ?

Màn Một. Trương Như Tảng đến với chủ nghĩa cộng sản, chiến đấu cho phía chế độ chuyên chế sau một quá trình tham gia lâu dài, với căn bản hiểu biết, kinh nghiệm kết tập của một trí thức khoa bảng Miền Nam. Với tình yêu nước sâu sắc, thêm tìm hiểu, phân tích, đánh giá thời cuộc theo cùng chuỗi biến chuyển của vận mệnh quê hương suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua, nơi địa bàn quốc nội, cũng như tại một trung tâm chính trị thế giới, Paris, nước Pháp. Trương Như Tảng tiến tới "chủ nghĩa yêu nước" tưø vị thế một đại gia họ Trương (người Việt gốc Hoa), sở hữu một căn lầu ba tầng đường Lê Thánh Tôn, con đường và vị trí cơ sở có giá trị thương mải số một của Sài Gòn ở thời điểm trước kia cũng như hiện nay. Tài sản họ Trương không chỉ có thế, họ còn có đồn điền cao su ở Thủ Dầu Một (Bình Dương), nhà in tại Sài Gòn, nhà nghỉ mát Ðà Lạt cho mùa Hè, biệt thự Vũng Tầu cho mùa Ðông. Vị thế nhà giáo của người cha nơi Trường Chasseloup Laubat (Sài Gòn, trước 1954) chỉ cốt tăng thêm phần "trí thức" chứ không phải là nguồn lợi kinh tế để sinh sống, vì gia đình bên ngoại hằng tặng biếu cho tổ chức Ðạo Cao Ðài ba trăm mẫu đất để xây Toà Thánh Tây Ninh. Từ giòng giỏi giàu sang, phú quý như kia, sáu anh em trai (không con gái) nhà họ Trương đồng được theo học các trường dành cho trẻ con Pháp tại Sài Gòn, đại học Hà Nội, và tiếp theo các đại học tại Thủ Ðô Paris, hoặc các nước Tây Âu để thành bác sĩ, kỹ sư. Nhưng dẫu có đời sống vật chất đầy đủ thế kia, (mỗi cậu nhà họ Trương có một có một á mẫu người Hoa chăm sóc đời sống vật chất; có có gia sư chuyên dạy học, đờn, ca..), cậu ấm Tảng vẫn mang nặng mặc cảm "ghét Tây"- Mặc cảm thời niên thiếu nẩy sinh do bị các trẻ con phương Tây cùng trường gọi một cách khinh miệt là bọn "nhaque- nhà quê", hoặc là lũ mọi rợ "Annamite-An-nam mít". Mặc cảm ngày nhỏ nầy là động cơ đầu tiên thúc đẩy cậu dấn thân vào đường cách mạng một cách sớm sủa vì cậu xem đấy là một xúc phạm trầm trọng (TNT trg 5). Người thanh niên 22 tuổi lên đường cách mạng thật sự vào tháng, ngày lịch sử, 2 tháng 9, 1945 khi nghe lời kêu gọi từ Công Trường Ba Ðình, Hà Nội: "Mọi người sinh ra đều bình đẳng.. Họ được đấng tạo hoá trao gởi cho những quyền hạn không thể phủ nhận.." Người nói lời hàm xúc cao quý nầy ngừng lại để hỏi câu thắm thiết: "Ðồng bào có nghe rõ tôi không?"(TNTg trg 6). Từ thúc dục hứng khởi nầy, Tảng có mặt ngay tại đội ngũ đầu tiên của đoàn Thanh Niên Tiền Phong với khẩu súng săn của người anh để lại (không hề có lắp đạn), nhận lãnh nhiệm vụ (được chỉ định) người chỉ huy, vì sức học cao của cậu so với đám thanh niên cùng lứa. Một thanh niên của đoàn Tiền Phong bị bắn hạ khởi động làn sóng phẫn nộ khắp thành phố, đoàn người tràn vào các khu vực Pháp kiều trú ngụ để trả thù. Anh thanh niên Tảng chứng kiến cảnh tượng đoàn biễu tình hành hung một Pháp kiều cô thế - Anh có nghi vấn: "Cách mạng đâu phải là bạo lực, "vinh quang"giải phóng dân tộc đâu phải cần đến máu người vô tội?!" Anh giao khẩu súng lại cho người bạn thân Albert, để người nầy tiếp tục làm cách mạng, và đáp tàu tới Paris, kinh đô nước Pháp – Nơi đây anh gặp một người gây nên ảnh hưởng quyết định đối với sinh mệnh chính trị bản thân – Bác Hồ, Hồ Chí Minh. Cũng cần nói thêm chi tiết, người bạn thân tên Albert kia là Phạm Ngọc Thảo, em Phạm Ngọc Thuần, Phó chủ tịch Uûy Ban Hành chánh Nam Bộ. Toàn là những người trẻ tuổi trí thức, cách mạng yêu nước (TNTg trg 7).

"Bác" dạy cho cậu thanh niên Trương Như Tảng nhiều điều quý giá, kỳ lạ với cung cách cha dạy con (Bác gọi Tảng: "Nầy, con ạ..") về văn học, ngôn ngữ, lịch sử và cuối cùng (lẽ tất nhiên), chính trị. Trước tiên, bác chỉ cho Tảng việc tên của anh có điều nhầm lẫn: "Tên anh phải là "Toản chứ không là Tảng". Vì tên ấy viết theo chữ Hán thuộc bộ "Ngọc", chỉ loài ngọc quý, chứ nếu là "Tảng" chỉ là một cục đá tầm thường." Bác hình như không biết, hoặc cố ý không biết để tránh rơi vào việc xúi cậu thanh niên làm một việc vô lễ: Lấy tên một bậc cha, chú làm tên mình. Vì đại tộc Trương (gốc Minh Hương) đã có một người tên Toản, Trương Duy Toản, viết báo Lục Tỉnh Tân Văn (1907), liên lạc viên của Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể. Bác dạy tiếp cho Tảng về chiến công giữ nước của Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, và Quang Trung; bác chỉ cho Tảng sự kết hợp giữa thực dân Pháp và phong kiến Việt Nam trong quá trình bóc lột nhân dân; bác giải thích về "Cách Mạng Tháng Tám", và cuộc chiến đấu không những chỉ chống xâm lược, nhưng còn chống dốt nát, nghèo đói.. Cuối cùng, bác kết luận: "Không có gì quý hơn độc lập-tự do".

Lần đầu tiên cậu thanh niên Trương Như Tảng nghe được lời quý giá nầy, đời cậu đã có hướng đi quyết định: Vì độc lập, tự do chứ không còn gì khác. (TNTg trg 14-15). Trước ngày rời đất Pháp, bác gọi Tảng và một nữ sinh viên người Việt (cô Lý) đến nhà riêng vùng Montmorency, cho Tảng tấm ảnh với lời: "Tặng cháu "Toản" với tất cả lòng thương mến". Qua hai lần gặp gỡ, Tảng (nay đúng ra là Toản như tên bác sửa lại) đánh giá: "Bác là tổng hợp của nhiều tính chất tương phản.. Quốc gia, Nhân chủ, Mác-xít, Lê-nin-nít, Mác-chi-ven-li-an, và cả Khổng Tử! Bác quả thật hơn hẳn nhiều lãnh đạo thế giới khác!" (TNTg trg 16-17).

Tất cả sự việc kể trên có một nghi vấn về thời điểm: Hồ Chí Minh (thật ra đang là Nguyễn Tất Thành)đã rời Paris từ 1923 với tư cách là đảng viên cộng sản Pháp đi Mạc-tư-khoa để dự Hội Nghị Nông Dân Quốc Tế dự trù khai mạc ngày 10/10/1923. Sau một thời gian dài được huấn luyện ở Nga, ông về hoạt động ở Ðông-Nam Á. Có chăng, là "Bác gặp cháu Toản" trong thời đoạn ngắn ngủi khi qua dự Hội Nghị Fontainbleau (7-9/1946). Một hội nghị bế tắc toàn diện vì không ai tương nhượng ai. Hồ Chí Minh phải ký Tạm Ước Sống Chung với Bộ Trưởng Thuộc Ðịa Marius Moutet để mua thời gian. 19/9 ông Hồ về nước. 19/12, chiến tranh Pháp-Việt Minh bùng nổ. Vậy trong thời hạn ngắn ngủi, giữa tình thế căng thẳng của hội nghị, và thời cuộc, chắc chắn "Bác không thể dạy cho cháu Toản" điều gì nhiều hơn ngoài đôi ba câu chuyện giữa hai người mới lần đầu gặp mặt.

Từ căn bản chính trị, hướng dẫn chỉ đạo nhận trực tiếp từ bác, Trương Như Tảng là thành viên năng động nhất trong phong trào chống "Chiến tranh bẩn thỉu - La sale guerre" ở Ðông Dương trong giai đoạn sau 19 tháng 12, 1946 - Ngày chiến tranh Pháp- Việt Minh bùng nổ. Anh cùng những đồng bạn trong cộng đồng người Việt tiếp xúc, vận động những "trí thức tiến bộ" tại Pháp, Tây Aâu ủng hộ cuộc chiến đấu cao cả kia, đối tượng (vận động) chủ yếu là tập thể người cộng sản Pháp. Nhưng Tảng không thể không nhận ra tính "không thực của những người bạn chiến đấu nầy", điễn hình qua lời tuyên bố (mang tính thực dân phản động) của Maurice Thorez, Tổng thư ký đảng cộng sản Pháp: "Nếu chúng ta không đạt được nhượng bộ, thoả thuận với họ (những người Việt có tinh thần dân tộc- Ở đây chỉ người cộng sản Việt do Hồ Chí Minh lãnh đạo), thì chúng ta buộc phải nói chuyện với họ bằng nòng súng." (TNT trg 23). Cho dẫu Tảng đã một lần xử dụng ngay đến người vợ mới cưới của mình tự thân trao tặng bó hoa cho Bà Jeannette Versmersch (vợ Thorez) trong một đại hội để thắt chặt thêm tình chiến đấu của hai đảng, giữa những người (cộng sản) tiến bộ đấu tranh cho Tự Do- Bình Ðẳng- Huynh Ðệ! Sự kiện cô vợ của Tảng tặng hoa cho vợ Thorez gây phẫn nộ đối với hai người cha ở Việt Nam; ông thân sinh Tảng (cùng ông sui gia) quyết định: Tảng và vợ phải trở về nước. Cuối cùng hai vợ chồng trẻ phải chọn một biện pháp đầy tính bi kịch: Chỉ cô vợ trở về (đang mang thai đứa con đầu lòng), Tảng ở lại tiếp tục việc học, và nhất là đi đến cùng con đường cách mạng cứu nước (theo hướng cộng sản). Hai người cha quyết liệt hơn: Cắt yểm trợ tiền bạc, hiện thực dứt bỏ tình phụ tử, buộc người vợ trẻ phải ký giấy ly dị. Không nao núng, sờn lòng, Tảng đi rửa chén, lột khoai ở nhà hàng, quyết định sống tự lập, thực hiện hoài bão chính trị "cứu nước dành độc lập" của mình. Anh đã bỏ ngành Dược để theo học Ðại Học Quốc Gia về Khoa Học Chính Trị. Cao thượng thay và cũng bi thảm thay. Bi kịch của cá nhân người có tên Trương Như Tảng mới trình diễn màn đầu. (TNT trg 20- 24)

Màn Hai: Năm 1951, Trương Như Tảng tốt nghiệp cao học chính trị, ghi danh học luật, và có những vấn đề được đặt ra bởi trong nước xẩy ra những biến chuyển quan trọng: Chiến trận quân sự bùng vỡ lớn với sự tăng cường của hai phía, phía người Pháp nhận thêm nguồn quân viện của chính phủ Mỹ; phiá Việt Minh được yểm trợ trực tiếp do biên giới Hoa-Việt thông thương sau khi quân đội Mao Trạch Ðông thâu tóm Hoa Lục, 1949. Về mặt chính trị, chính phủ Bảo Ðại được tăng cường củng cố qua hiện diện của chế độ Quốc Gia Việt Nam được cộng đồng thế giới công nhận (Tháng 2, 1950); chính phủ Hồ Chí Minh cũng được Liên Sô và khối cộng sản Ðông Âu thừa nhận sau chuyến công du của Hồ qua ngã Tàu (tháng 3, 1950). Tảng có những chọn lựa: Về chiến khu dưới quyền lãnh đạo của Việt Minh để chiến đấu trực tiếp kháng Pháp- Nhưng ý niệm, dự định nầy bị gạt bỏ ngay, vì người trong Hội Người Việt (tổ chức ngoại vi của cộng sản Việt Nam nhằm vận động Việt kiều ở Pháp) có nhận định: Tảng sẽ gây gánh nặng cho kháng chiến hơn là góp phần vào cuộc chiến đấu. Tảng cũng tự đánh giá: "Mình chỉ là người có khả năng tổ chức cho cuộc đấu tranh chính trị nơi hậu trường, ở đất Pháp, chứ không là một chiến sĩ nơi rừng rậm". Nhưng cuối cùng, Tảng về Sài Gòn để giúp cha gầy dựng lại các cơ sở kinh doanh bi hư hại, suy thoái qua chiến tranh, cũng để cho các anh, em được tiếp tục việc học (ở những đại học Tây Âu) (TNT trg 25-27). Về đến Sài Gòn, để tránh lệnh động viên của chính phủ Bảo Ðại, Tảng xuống Châu Ðốc (vùng châu thổ sông Cửa Long, nơi có nhiều người gốc Hoa sinh sống) lập trường dạy học. Nhưng tiếng gọi cách mạng không hề tắt: Thầy giáo Trương Như Tảng bắt liên lạc với tổ chức cộng sản địa phương để đưa anh vào chiến khu. Và thêm một lần, Tảng được trông thấy tận mắt cảnh tượng tàn sát của lực lượng cộng sản phục kích đoàn tàu người Pháp trên kênh Châu Văn Tiếp và anh lại hiểu rõ thêm một lần: Chỗ đứng của anh không phải nơi tuyến chiến đấu với những du kích. Anh đã có liên hệ chặt chẽ với trường học, môi trường giáo dục, các học sinh, và nhất là cơ sở thương mãi, hệ thống kinh tài của gia đình ở Sài Gòn mà nay anh đã thay mặt cha quán xuyến tất cả, bởi các anh, em vẫn còn ở ngoại quốc chưa về. Mối lợi lớn do cơ sở giáo dục ở Châu Ðốc, hệ thống kinh tài đồn điền ở Sài Gòn, miền Ðông Nam bộ hồi phục, giúp phát triển lại tình trạng tài chánh của tộc họ Trương. Ðể tránh tình trạng chiến tranh đang mở rộng, lệnh trưng binh khẩn cấp, một lần nữa, Trương Như Tảng trở lại đất Pháp với vị thế sinh viên sĩ quan Trường Hàng Hải Toulon. Tháng 7, 1955 Tảng trở về Sài Gòn, các anh, em đồng tốt nghiệp sau nhiều năm du học ở Anh, Ðức, Pháp..v..v Trương Như Tảng trở về lại quê hương với hãnh diện do chiến thắng của lực lượng cộng sản ở mặt trận Ðiện Biên Phủ và sự khinh miệt giới cầm quyền Việt Nam hiện tại. Tảng đánh giá: "Vua Bảo Ðại chỉ là một tay chơi được biết tên ở những sân golf, sòng bài, bởi những tay pha rượu; Thủ tướng Ngô Ðình Diệm thì hoàn toàn không có một khả năng nào cả." (TNT trg 27-32).

Quả thật, chế độ Thực Dân Pháp "gian ác bóc lột", và những chế độ "bù nhìn, hư hại" của Miền Nam trong các thời kỳ từ 1945 đến 1975 đã rất rộng lượng, hào hiệp đối với rất nhiều người, nhiều giới người - Gia đình và bản thân "người cách mạng Trương Như Tảng" là kẻ thụ hưởng nhiều nhất, đủ nhất, và lâu dài nhất. Chẳng cần đợi đến phần cuối của cuốn sách, đến đây chúng ta đã có thể xác định như thế mà không sợ nhầm lẫn.

Giai đoạn về nước lần thứ hai sau 1955, người thanh niên Trương Như Tảng đã hoàn toàn trưởng thành về mọi mặt. Ông đã có một tư thế chính trị, sở học, và bằng cấp chuyên môn – Trên cơ sở nầy thái độ chống đối chính quyền của Thủ Tướng, hoặc sau đó của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm càng thêm dứt khoát, mãnh liệt. Chế độ mới với nền cộng hòa đối với ông là bất khả dung hợp do phạm những lỗi: Không kết hợp được "thành phần thân Pháp - Ðiễn hình là giai cấp quan lại, đại điền chủ, tư sản Miền Nam như gia đình ông"; người quốc gia kháng chiến chống Pháp (những thành phần giáo phái, Cao Ðài (bên ngoại ông là những chức sắc cao cấp), Hòa Hảo.vv); nhất là thành phần theo Việt Minh (mà theo kinh nghiệm bản thân là toàn thể nhân dân có mặt trong kháng chiến chống Pháp vừa qua). Ông chủ trương không nên khơi động hận thù Bắc- Nam mà nên mở rộng dân chủ như theo chiều hướng của cộng hòa Pháp. Tóm lại, chỉ còn Hồ Chí Minh với chủ trương nhận viện trợ của Nga và Tàu nhưng vẫn giữ nguyên tính chất của một người quốc gia là giải pháp cuối cùng cho vấn đề Việt Nam.

Một ngày tháng Giêng năm 1956, sau mười năm xa cách Trương Như Tảng gặp lại người bạn thiết từ thuở thiếu niên, Albert Phạm Ngọc Thảo. Lần gặp gỡ và những câu chuyện sau sau đó có tác động như đặt xuống viên đá tảng bắt đầu cho một sự nghiệp lớn: LẬT ÐỔ CHÍNH QUYỀN MIỀN NAM - Tuy cả hai không nói ra (sẽ nói thành lời vào một thời điểm thuận tiện sau nầy) nhưng ngầm ý với nhau rằng: Chúng ta luôn là Bạn thiết của thời thơ ấu, và bây giờ cùng đi một đường, tuy hai phương tiện, và vị thế khác nhau. Ngay từ lần đầu tiếp xúc nầy Phạm Ngọc Thảo đã tiết lộ với Trương Như Tảng về "âm mưu nằm vùng trong Dinh Ðộc Lập qua việc chiếm lòng tin của Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục, Tổng Thống Diệm, Cố Vấn Nhu, kể cả của Bác Sĩ Tuyến, Giám Ðốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị" (TNT trg 42-50).. Gần hết một đời người, thật tình chúng tôi chưa hề nghe, biết được một cán bộ cộng sản (loại chiến lược) nào mau mắn, cả tin, và thẳng thắng như hai người bạn nầy – Ngay buổi gặp mặt đầu tiên đã nói cho nhau nghe về những dự mưu chết người (không phải chỉ một vài người mà cả Miền Nam, toàn dân tộc). Chúng ta có thể tạm chấm dứt phần liên hệ giữa Trương Như Tảng và Phạm Ngọc Thảo ở nơi đây qua sự kiện Tảng bị bắt vào khám Chí Hòa (tháng 1, 1965) do có liên hệ mật thiết với người bạn, "Chuyên viên tình báo số 1" đánh giá của Tảng đối với Thảo, người bạn thân. Riêng phần những hoạt động lật đỗ, đão chánh, chống đão chánh của Phạm Ngọc Thảo trong suốt năm 1965 – Hành động mà ông ta đã thực hiện từ bước đầu dự mưu đảo chánh của biến cố 1 tháng 11, 1963 – Tất cả được Trương Như Tảng nhận định nằm trong mục đích mà hai người đã một lần cùng nhau bàn định: "..Ðiều tốt nhất là làm sao mà thống nhất đất nước bằng lối hoà bình, và nếu ai có thể làm công việc ấy thì tôi sẽ cộng tác…" (TNT trg 44). Ý niệm nầy được nói lại rõ ràng hơn qua trao đổi thân mật, kín đáo, ngắn gọn giữa hai người:

- "Ba!", Thảo gọi tôi với tên tộc với giọng nói có chủ ý. "Tôi nhận thấy bồ vừa có ý gì? Bồ có với trong bưng phải không?"

- "Albert", Tôi đáp: "Tôi cũng thấy cái điệu ấy nơi bạn."(TNT trg 55)

Trương Như Tảng nghe tin về cái chết của Phạm Ngọc Thảo khi đang còn bị giam ở Chí Hòa (tháng7, 1965), và ông có kết luận: Thất bại lớn nhất của Thảo – Cũng như của Mặt Trận Giải Phóng vào những năm đầu 60 – là không lường được quyết định tham chiến của Mỹ. Cũng không thể trách ông ta (PNThảo) đã không vạch rõ ra đủ sự bất lực trầm trọng của hệ thống chính trị Nam Việt Nam – Ðể từ đó, chính phủ Mỹ áp dụng toàn bộ chiến lược mới mẻ của họ. (TNT trg 62)

Chúng tôi có nhận định hoàn toàn khác hẵn quan điểm trên. Phạm Ngọc Thảo bị bức tử do không phải đã đánh giá không đủ về người Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng Hòa – Những nhân sự và sự việc ông ta hằng coi thường bởi đã biết tường tận. Ông đã từng gọi Nguyễn Khánh là "thằng chó đẻ" qua lần nói chuyện với Nguyễn Cao Kỳ (có mặt của Trương Như Tảng) từ một phòng điện thoại công cộng ở Ðường Hàm Nghi dẫu đang ở thời kỳ lẫn trốn truy lùng của Nguyễn Khánh. (TNT trg 60). Nhưng Phạm Ngọc Thảo quả đã chết vì KHÔNG LƯỜNG ÐƯỢC SỰ ÁC ÐỘC TÀN NHẪN CỦA NHỮNG NGƯỜI ÐỒNG CHÍ CỦA ÔNG – GIỚI LÃNH ÐẠO ÐẢNG CỘNG SẢN TRIỆT ÐƯỜNG TRỞ VỀ KHI MỘT CÁN BỘ TÌNH BÁO ÐÃ HOÀN TOÀN BỊ LỘ.

Sinh mệnh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam cùng thành phần nhân sự lãnh đạo (gồm bản thân Trương Như Tảng) cũng sẽ được quyết định theo một cách thế tương tự. Và chương kế tiếp sẽ là câu trả lời chính xác cho vấn nạn vừa nêu.

Màn Ba: Cao điểm bi kịch của Trương Như Tảng là buổi chiều ngày 16 tháng 6, 1967 khi ông trở về từ văn phòng bị một chiếc xe của mật vụ văn phòng Tướng Ngọc Loan chận lại. Ông bị đưa về trung tâm thẩm vấn đặc biệt của Tổng Nha Cảnh Sát ở Chợ Lớn để đối mặt cùng Ba Trà, liên lạc viên mà Mặt Trận Giải Phóng bố trí để làm việc với ông trong buổi họp của Phong Trào Tự Quyết ở Thủ Ðức từ tuần trước. Trong giai đoạn nầy Trương Như Tảng đang là chủ tịch của Liên Hiệp Thanh Niên, một tổ chức ngoại vi của Mặt Trận. Ba Trà là em rể của Bác sĩ Phùng Văn Cung, thành viên trong chủ tịch đoàn của tổ chức nầy. Nhân viên thẩm vấn (có sự hiện diện của Ba Trà), buộc Tảng phải thú nhận: "Ông là đảng viên đảng cộng sản". Lời thú nhận thừa thãi và vô nghĩa lý nầy không được xác nhận. Toán thẩm vấn ra tay như nghề nghiệp cho phép. Tảng vẫn giữ nguyên ý chí: "Ông là người của Mặt Trận, không phải là đảng viên cộng sản!" Cuộc hỏi cung không kéo dài, một hôm vợ ông vào thăm và được phép nói chuyện riêng.. Người vợ nói: "Ông cứ nhận là đảng viên đi có khác gì nhau (!); bà đã có những đường giây để lo riêng (theo ngã hối lộ).. Làm sao phải ra khỏi phòng giam đặc biệt nầy để được trả về giam chính thức bên tổng nha, vì nơi đây có thể bị thủ tiêu bởi là chỗ hỏi cung, thẫm vấn đặc biệt." Ông theo lời người vợ, phần cũng biết có giàn xếp giữa Trần Bạch Ðằng ( Bí thư thành ủy Sài Gòn ở giai đoạn 1967-68) và Toà Ðại Sứ Mỹ để trao đổi mật những nhân sự (tình báo) cao cấp. Phía cộng cộng sản có Tảng, và vợ của Trần Bạch Ðằng. Cũng trong những ngày nầy, mật vụ Tướng Loan đã ra tay thủ tiêu Trần Văn Kiều, bí thư công đoàn thành phố và Lê Thị Riêng, hội trưởng hội phụ nữ. Trước một nguy hiểm như thế, nhận hay không nhận (một vấn đề hiễn nhiên) thì nào có nghĩa lý gì. Một ngày cuối tháng 2, 1968, Tảng cùng hai người khác, Sáu Nổ, Duy Liênra khỏi nhà giam tổng nha, được chở lên Tân Sơn Nhất, nằm đợi trong một căn phòng đẹp như khách sạn bốn sao, hai ngày sau được trực thăng Mỹ chở đến một sân bay ở Trãng Bàng, Hậu Nghĩa. Ở đây, có một viên đại uý quân đội Miền Nam đợi sẵn với một chiếc xe Lambretta ba bánh. Xe chạy đến quán cà-phê có một chiếc khác đợi sẵn, viên đại úy trở lại. Cuộc trao trả hoàn tất. Tảng và hai người kia được đưa về Cục R (Trung Ương Cục Miền Nam) gặp Trần Nam Trung, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Mai Chí Thọ.. Ðể làm báo cáo cuộc trao đổi và hoạt động vừa qua – Thuần là cán bộ trung ương đảng cộng sản Việt Nam - Không có một chức sắc nào của Mặt Trận Giải Phóng có mặt trong buổi "hỏi cung" ngụy danh nầy. Ngày 8 tháng 6, 1969, Chính Phủ Lâm Thời cộng Hòa Miền Nam được thành lập để "hợp thức hoá" sự có mặt tại hòa hội Paris (khai diễn chính thức vào tháng 10, 1968), Trương Như Tảng nhậm chức Bộ Trưởng Tư Pháp - Bộ trưởng của một chính phủ không có hệ thống toà án, hành chánh, tài chánh, bởi không thể kiểm tra dân chúng, không đất đai quản trị, kể cả không có một địa vực gọi là thành phố, thủ đô. Chúng ta không hề thắc mắc về tính cách và khả năng của chính phủ cách mạng nầy, nhưng những người đặt vấn đề đối với ông và các thành viên trong chính phủ lâm thời lại là những "giảng viên" của đợt học tập chính trị theo lệnh của Lê Duẩn tiến hành trong ba tháng của mùa Thu 1971. Ðợt chính huấn để tẩy rửa tính chất phản động của lớp tiểu tư sản thành thị được nuôi dưỡng từ chế độ thực dân cũ và mới ở Miền Nam.. Ðứng trước cao trào cách mạng mạnh mẽ… Thành phần trí thức thuộc giai cấp tư sản dân tộc phải có những tiến bộ, biết tách rời khỏi giai cấp của mình và thúc dẩy con em mình cũng phải chấp hành như thế.. " Lê Duẩn răn đe dạy dỗ không che dấu. (TNT trg 197). Không chỉ một mình Lê Duẩn lên mặt dạy dỗ mà ngay cả đám cán bộ trường Ðảng Nguyễn Aùi Quốc thực chất chỉ là những "lý thuyết gia" hạng thứ yếu, chỉ biết lập đi lập lại những từ ngữ sáo rỗng vô nội dung của đảng cộng sản Liên Sô viết nêân từ đầu thế kỷ.. "tiến bộ nhất định; triệt để tẩy rửa tính giai cấp phản độn; nhiệt liệt thành tâm tin tưởng vào giai cấp vô sản.." (TNT trg 197). Hành vi thô bạo trắng trợ của "giới cầm quyền Hà Nội" không chỉ giới hạn trong buổi học tập, về những lý thuyết, chúng được "chuyển biến thực tế" bằng cách cắt cử một người miền Bắc thuần gốc, Ba Cấp ( không rõ tên thật) thay thế Chín Chiến (người Nam) làm ủy viên điều hành Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Tranh Thủ Hòa Bình – Một cơ quan lập nên do ý đồ của Hà Nội muốn cột chặt Mặt Trận Giải Phóng vào sự chi phối trực tiếp của họ. Trịnh Ðình Thảo được chỉ định giữ chức chủ tịch tổ chức nầy nhưng quyền hành thực sự nằm ở tay Ba Cấp, nhận lệnh trực tiếp từ Lê Duẩn. Người có khí tiết trong mặt trận như Huỳnh Văn Nghi (chồng Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Bộ Trưởng Y Tế của chính phủ lâm thời) phải nói lên lời cay đắng, phẫn uất: "Nếu chúng tôi nhận sự chỉ đạo chính trị của đảng Lao Ðộng là bởi đến nay đảng đã theo đúng con đường độc lập dân tộc. Chúng tôi tham gia kháng chiến là do trái tim, lý trí, lòng yêu nước thúc dục đáp ứng lời kêu gọi của Tổ Quốc – Không là lời kêu gọi của cách mạng vô sản."(TNT trg 197) Lời phẩn uất của Huỳnh Văn Nghi không được hưởng ứng, bởi Bùi thị Nga (vợ Huỳnh Tấn Phát) đã lu loa kể khổ: "Chúng tôi đội ơn đảng một món nợ không trả được.."(TNT trg 198) Nga thuộc về một gia đình quan lại phong kiến miền Bắc trước 1945.

Màn Cuối: Sáng 15 tháng 5, 1975, Lần trả lời trọn vẹn đối với màn kịch dài của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, của chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, của Liên Minh Dân Chủ Tranh Thủ Hòa Bình, lẽ tất nhiên cũng đối với chính cá nhân Trương Như Tảng.. Và hằng ngàn (có thể là vạn, triệu) người đã từ một thuở thanh xuân đi theo tiếng gọi "cứu nước", những người "vùng lên nhân dân Việt Nam anh hùng..", kể cả những kẻ "đi B-xẽ dọc Trường Sơn chống Mỹ, diệt Ngụy "- Tất cả những người chiến đấu dưới ngọn cờ hai mầu "Ðỏ-Xanh với Ngôi Sao Vàng" của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Trên lễ đài được thiết lập trước Dinh Ðộc Lập (nay đổi tên là Thống Nhất) với Lê Ðức Thọ chiếm giữ vị trí trung tâm đoàn chủ tịch nhìn xuống những đơn vị quân đội duyệt binh.. Ðạo quân vừa "thâu giang sơn về một mối", lực lượng vừa "giải phóng Miền Nam" theo như câu hát hàm xúc hứng khởi của mặt trận. Các đơn vị lần lượt đi qua.. Bộ binh, chiến xa, thiết giáp, tên lửa, pháo binh, hải, lục, không quân của bộ đội Miền Bắc hiện diện đủ. Nhưng, dần đến tàn cuộc lễ, những viên chức lãnh đạo của "mặt trận, của chính phủ lâm thời" đưa mắt hỏi thầm nhau.. Những "đơn vị của mình", những "công trường của chúng ta", những Sư Ðoàn 5,7, 9.. của miền Ðông Nam Bộ, của đồng bằng Sông Cửu Long.. Tất cả bây giờ ở đâu? Ở đâu? Cuối cùng, không thể chịu đựng thêm, Trương Như Tảng, Bộ Trưởng Tư Pháp Chính Phủ Lâm Thời nghiêng vai hỏi Văn Tiến Dũng, đứng cạnh ông: "Những sư đoàn của chúng tôi đâu rồi, những sư đoàn Một, Ba, Năm, Bảy và Chín? Dũng đưa mắt nhìn Tảng như nhìn một thứ, vật quái dị: "Hả, mấy thứ đó hả.. Bộ đội đã biên chế thống nhất rồi". Xong Dũng quay đầu nhìn xuống đường khoé miệng trề xuống khinh miệt. (TNT sđd trg 264-265)

Sự cay đắng lập lại lần thứ hai, tàn nhẫn và lạnh lùng hơn. Tháng 6, 1976 Trương Như Tảng trở lại Hà Nội để dự lễ phê chuẩn Văn Kiện Hội Nghị Hiệp Thương "Thống nhất Nước Nhà về mặt Nhà Nước" (Kể ra cách chơi chữ sống sượng tàn nhẫn đến thế nầy là tối đa). Trong buổi tiếp tân, có một người vỗ vai Tảng. Ông quay lại.. Trường Chinh. Chinh nhìn Tảng với cách nhìn của Văn Tiến Dũng hôm Tháng 5 năm trước trên lễ đài ở Sài Gòn: "Tôi trông đồng chí có vẻ quen quen?!" Ðồng chí "Bộ Trưởng Tư Pháp Chính Phủ Cộng Hòa Miền Nam" ngớ người.. Mới năm ngoái, trước khi trở lại Miền Nam (sau ngày 30 tháng Tư), toàn bộ viên chức "Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam" đã được chiêu đãi, chào mừng cũng ở căn phòng nầy, với những con người nầy, những "đồng chí lãnh đạo", Trường Chinh, Lê Ðức Thọ.. Trương Như Tảng ấp úng: "Tôi là Bộ Trưởng Tư Pháp của Miền Nam!" Mắt Trường Chinh sáng lên khoái trá: "Thế à.. Thế tên là gì? Bây giờ đồng chí làm cái gì?" (TNT sđd trg 286). Viết hồi ký mà thực đến thế quả là "đạt tiêu chuẩn".

Chúng ta có thể chấm dứt câu chuyện không mấy vui trên bằng cách nhắc lại vài điều phấn khởi. Cuối cùng, chịu không nỗi cách "xách mé đểu cáng cộng với kỹ thuật ăn cướp công khai xã hội chủ nghĩa" của những "đồng chí" đến từ Hà Nội, Trương Như Tảng với Tôn, một người bên vợ đường quyết định vượt biên từ Long Xuyên. Trong lòng chiếc ghe dơ bẩn, chật chội, Tảng có ý nghĩ: "Nếu bị bắt lại thì nhảy xuống biển trầm mình thà chết chứ không để bị bắt." Ông nhớ lại chặng đường cách mạng mấy mươi năm đi qua từ thuở còn trai trẻ.. Hồi ức dừng lại nơi lần gặp gỡ với cha ông ở Tổng Nha Cảnh Sát Sài Gòn (1967, năm ông bị bắt vì hoạt động trong phong trào Liên Hiệp Thanh Niên). Cha ông đã nói: "Con ơi, cha không thể nào hiểu được.. Con đã bỏ tất cả: Gia đình êm ấm, hạnh phúc, giàu sang.. để theo bọn cộng sản. Rồi đây, chúng sẽ không trả lại cho con một chút gì so với những gì con đã hiến dâng. Rồi con sẽ thấy. Chúng sẽ phản bội con, và con sẽ đau khổ suốt đời.." Trương Như Tảng nhói đau trong hầm chiếc ghe khi nhớ lại "lời tiên tri" của người cha.. Chỉ có điều an ủi khi ông nghĩ đến Loan, cô con gái đầu lòng hiện nay (năm 1978) đang ở Mỹ. Cô Loan đi Mỹ trước 1975 do Bà Nguyễn Văn Thiệu bảo lãnh vì Loan học cùng lớp với con gái bà ở Ðà Lạt từ tấm bé. Năm 1967, khi Trương Như Tảng vào tù, Ông Thiệu, tổng thống "chế độ phản động Mỹ -Ngụy" có nói riêng với Loan: "Cháu yên tâm, ba cháu với tonton là kẻ đối nghịch.. Nhưng, cháu luôn luôn được coi như là con cháu trong nhà nầy, chuyện kia không ăn nhằm gì cả.." (TNT sđd trg 260-261)

À, hóa ra chế độ, và con người (ở Miền Nam) bị cả thế giới chê trách, bêu xấu lại tốt đẹp gấp vạn lần so với người và chế độ ở Hà Nội. Sự việc đơn giản nầy mấy người nào hay?

Sau Mười-hai năm ở Mỹ

Cũng để hiểu đôi điều của Việt Nam.

Santa Ana, 11/ 2005

--------------------------------

1 Ðài Phát Thanh Ðà Lạt (Pháp ngữ) giai đoạn 1960-1963 chỉ là một đài chuyển tiếp của Ðài Pháp Á Sàigòn (vào buổi trưa) chuyên về ca nhạc, tin tức xã hội địa phương (liên quan với dân cư xử dụng Pháp ngữ). Ðài không là một đài trung ương để có tiết mục bình luận chính trị, quân sự. Ðà Lạt của thời điểm kia cũng không hề (không bao giờ) là bản doanh quân sự quan trọng với những nhân sự chỉ huy cao cấp. PNN

2 Thành phần thứ Ba: Tập hợïp của những người "làm chính trị" ở Miền Nam (1960-1975). Thành phần nầy được kể ra một lần trong văn bản Hiệp Ðịnh Paris 1973. Bị vất bỏ ngay sau 30 tháng Tư, 1975 cùng lần với cái gọi là "Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam" do chính nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội.

3 Chị Cả Bống; Chuyện Phạm Lưu Vũ (Hà Nội), Thế Kỷ 21, CA, USA, Số Tháng 8, 2005.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx