sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

Một năm sau ngày Tổng Thống Ngô-Đình-Diệm bị lật đổ, ở đâu không biết chứ Mỹ Tho hầu như Việt Cộng cũng chưa dám bò ra hang, nên người dân hai làng Long Hưng và Thạnh Phú vẫn còn sống trong thanh bình trên những cánh đồng lúa trỉu hạt, nhịp nhàng tiếng chày giã gạo vào những đêm trăng, và chợ Xoài Hột vẫn tấp nập người mua kẻ bán. Đối diện với khu chợ bên bờ kia của con kinh Thầy Tùng là xưởng cưa của ông Bảy Thọ. Xưởng tuy không lớn lắm, nhưng xẻ gổ cung cấp đủ cho nhu cầu xây dựng nhà cửa, đóng thuyền ghe của cư dân hai làng Long Hưng và Thạnh Phú. Ông Bảy Thọ là con Út của Hương Hào Thân, nên ở nhà hương hoả cách đó khoảng vài trăm mét, tuy giàu có nhưng nổi tiếng hiền đức, thường giúp đở cho những gia đình neo đơn, túng quẫn. Bà Bảy ngày trước nghe nói cũng là hoa khôi ngoài Sông Thuận, cũng rất hiền lành tốt bụng. Ông bà có hai người con, 1 trai là cậu Hai Long đang học y khoa trên Saigon, 1 gái là cô Ba Hạnh, xinh đẹp, thật giỏi giang, cùng Bà Bảy quán xuyến hết cả công việc đồng áng, thợ thầy, nên ông Bảy thường chỉ lo về giao tế. Ông bà còn có 2 chiếc ghe chài do hai người cháu gọi ông Bảy bằng Cậu trông coi, 1 chiếc đi về các tỉnh miền Tây và 1 chiếc đi Saigon, nên xưởng cưa của ông có làm một chiếc cầu ra chỗ neo ghe thật rộng để vận chuyển hàng và những đêm trăng ra đó nhâm nhi vài xị, lai rai đờn ca đón ngọn gió mát lạnh từ Kinh Xáng thổi vào thì còn gì hơn.

Chiếc ghe chài đi miền Tây, được đóng tại xưởng cưa nầy do đích thân Mười Tung là một thợ mộc lão luyện, tay nghề cha truyền con nối ở tại làng Thạnh Phú chỉ huy người làm, hạ thủy cách nay đã hai năm và đã giúp chủ nhân buôn may bán đắt, nên hầu như mọi người trong hai làng LH và TP không ai là không biết bác Mười, vì tay nghề mà còn vì cơ ngơi đồ sộ của bác nữa...

Hai ngày nay Bà Bảy vô cùng thắc mắc, tại sao hàng hoá trên chiếc ghe chài đi miền Tây đã bốc lên hết, mà sao Ông Bảy không cho xếp hàng mới của khách xuống mặc dù mọi thứ đã sẳn sàng trong kho, thì vừa kịp thằng Tỵ, xếp của chiếc ghe bước vào nhà:

- Cậu Bảy có nhà không mợ?

Bà Bảy dựng chiếc cào lúa vào vách nhà:

- Sáng giờ có thấy ổng đâu, bộ không có ngoài xưởng à.

- Con ở ngoải về đây mà, chỉ có con Hạnh ngoài đó hà.

- Ủa lạ, ông nầy đi đâu vậy kìa, trưa trời trưa trật rồi... Bà dở nắp lu nước mưa bên hông nhà, lấy chiếc gáo dừa múc nước uống một ngụm... mà nè Tỵ, sao tao chưa thấy tụi bây đem hàng xuống ghe vậy, còn đợi gì nữa chứ, coi chừng trể giao đồ cho người ta đó nhen.

- Con cũng đang lo đây nè, ghe của thằng Sữu xuống hàng gần xong rồi, ái cha, con không biết sao nữa, hôm qua Cậu Bảy kêu con lại, căn dặn nhiều lần là không được đem hàng gì xuống ghe nếu Cậu chưa biểu, con lo quá nên đi kiếm Cậu nè....

Bà Bảy tháo chiếc khăn trên đầu xuống lau sơ qua trán đi vào nhà:

- Mầy ăn cơm chưa, thôi vào làm ba hột đi, chờ ổng về tao hỏi coi như thế nào.

- Dạ.

Bà Bảy vào nhà chưa kịp gọi chị Mén là người giúp việc trong nhà dọn cơm thì Ông Bảy đạp chiếc xe đạp Alcion (*) về đến.

- Ổng về kìa... và bà gọi Mén:

- Mén ơi, coi dọn cơm đi con, ông bây về rồi kìa...

Có tiếng Mén dạ lớn ngoài sau, cũng vừa lúc Tỵ quay lại nhìn Ông Bảy dắc xe đạp vào nhà:

- Con kiếm Cậu sáng giờ, hôm nay xếp hàng xuống ghe được chưa Cậu?

Ông Bảy Thọ sắc mặt đăm chiêu:

- Vào ăn cơm đi, từ từ, tao có chuyện nói cho mầy nghe.

Bà Bảy cũng hơi ngạc nhiên trước câu trả lời của ông Bảy với Tỵ:

- Có chuyện gì vậy ông?

- Ồ, tôi nghĩ cũng không quan trọng đâu, Bà đừng lo, thôi vào ăn cơm đi, tôi đói bụng quá rồi.

Hình như đã quen với tính của ông nên Bà Bảy nói theo:

- Ông ra sau rữa mặt cho mát đi, tôi vào phụ con Mén chút.

- Ừ, nhớ kêu mấy đứa đang phơi lúa ngoài sau vào ăn luôn nha Bà.

- Tôi nhớ mà.

* xe đạp Alcion là xe đạp đắt tiền của Pháp, thường chỉ người giàu có mới sắm được. (cái nầy là nghe nói thôi, đúng sai không biết hihiihihiiiii )

Bà Bảy bới chén cơm thứ hai đưa sang cho Ông Bảy:

- Ông nè...

Nhưng Bà chưa kịp nói gì thêm thì Ông đã ngắt lời:

- Thằng Lành về chưa vậy?

- Thằng Lành... Bà như sực nhớ ra... ủa, mà sáng giờ nó cũng đi đâu mất, tôi tưởng nó ở ngoài xưởng cưa chứ.

Tỵ xen vô:

- Sáng giờ con ngoài xưởng cưa mà, đâu thấy nó chứ.

- Tôi đã sai nó đi kêu người, trưa nay khi nước đứng lớn, kéo chiếc ghe chài miền Tây lên ụ để sửa, bây giờ tôi nghĩ nó phải về rồi chứ.

Bà Bảy cũng như Tỵ kêu lên:

- Kéo ghe lên ụ để sửa, ghe còn mới mà sửa gì chứ?

Ông Bảy thở dài:

- Bà hãy nghe lời tôi đi, còn nguyên nhân tại sao thì từ từ tôi nói cho Bà biết.

Vừa lúc đó một thanh niên lực lưởng, nước da đen sạm bước vô nhà, mà vừa nhìn thấy Tỵ đã nói:

- Thằng Lành về kìa Cậu.

Ông Bảy Thọ tươi ngay nét mặt:

- Lành, vô ăn cơm luôn đi, xong hết rồi chứ?

Gã thanh niên tên Lành cúi đầu:

- Thưa Cậu, mọi việc con đã lo xong xuôi, chỉ chờ nước đứng là kéo nó lên ụ.

Tỵ kéo ghế cho Lành, trong lúc Mén từ sau đã đem thêm chén đủa, và Bà Bảy mau mắn:

- Đưa tao xúc cơm cho.

Và bữa cơm thêm sự hiện diện của anh lực điền nầy đã vui hẳn lên. Lành mồ côi từ thuở nhỏ, cha mẹ Lành là tá điền của ông bà Bảy, một đời chăm chỉ với công việc ruộng đồng, nhưng sau đó cha Lành đã tham gia kháng chiến chống Tây và đã tử trận, mẹ Lành sau đó mang bệnh cũng đã qua đời lúc Lành vừa được 5 tuổi.Ông Bà Bảy đã đem Lành về nuôi, coi như con cháu trong nhà, cả Long và Hạnh cũng xem Lành như em vì Lành nhỏ hơn Hạnh 1 tuổi. Khi lớn lên Ông Bà cũng đã có ý cho Lành theo Long lên Saigon để học, nhưng Lành nhất định không chịu mà ở lại quê để giúp Ông Bà trong công việc đồng áng và với tánh tình cũng giống như tên nên Lành được hầu hết mọi người trong làng quí mến.

- Cậu Bảy à, con thấy ghe còn mới mà, có hư gì đâu mà kéo lên sửa chứ. Tỵ lập lại với ông Bảy Thọ thắc mắc của mình khi mọi người ăn cơm xong qua uống nước trà.

- Có nhiều chuyện tạm thời chưa nói cho bây nghe được, cứ làm theo lời tao đi.

- Rồi có đi kêu bác Mười Tung đến không. Muốn kêu bác thì Cậu phải nói sớm chứ lúc nầy nghe nói bác bận lắm đó. Tỵ tiếp.

Ông Bảy Thọ bưng tách nước trà, uống một ngụm trầm ngâm:

- Không cần đâu.

Lành trố mắt nhìn Bảy Thọ:

- Ủa, sửa ghe mà sao không kêu bác Mười, hở Cậu?

Bà Bảy vừa bước ra nghe vậy cũng thắc mắc:

- Không kêu anh Mười, vậy ông định kêu ai?

- Tôi cũng chưa biết nữa, kéo ghe lên đi rồi tính. Thôi tụi bây uống nước rồi ra ngoài đó làm những việc tao dặn đi. Tao nghỉ chút rồi ra sau có gì về cho tao hay nha.

Tỵ và Lành "dạ", chào ông bà Bảy rồi đi về xưởng cưa lo kéo chiếc ghe lên ụ mà mỗi đứa một suy nghĩ.

Thấy Lành và Tỵ đã đi khuất, mà ông Bảy vẫn còn ngồi bên tách trà đã nguội, bà Bảy nhắc ông trước khi định bước ra sân coi người cào trở lúa:

- Ông vào nghỉ chút đi, còn ngồi đó làm gì chứ?

Ông Bảy chỉ chiếc ghế trước mặt mình:

- Bà ngồi xuống đi, tôi có chuyện nói với bà, lúa thóc để tụi nhỏ lo được rồi.

Bà Bảy chỉ chờ có bấy nhiêu:

- Chuyện gì vậy ông, có phải chuyện chiếc ghe miền Tây không?

- Đúng vậy.

- Nhưng tôi thấy có gì đâu nà, tụi thằng Tỵ trông nom chu đáo lắm mà.

- Chuyện không phải từ tụi nó... mà... Ông Bảy đổi giọng... Bà còn nhớ ngày mình hạ thủy chiếc ghe không?

- Nhớ chứ... ngày 29 tháng tư, cách đây hai năm... à mà, hôm nay không đúng là ngày đó hay sao... bà Bảy nhẩm tính.

- Ừ, đúng là ngày đó đó, nên tôi quyết định kéo nó lên ụ, vì bà biết không... cái đêm trước ngày hạ thủy nó, để thưởng công cho đám thợ mình đã làm heo đải tụi nó, và tôi ham vui nên quá chén say mèm ngủ luôn trong xưởng... nửa đêm mắc tiểu tôi đi ra sau bánh lái ghe để tiểu, thình lình tôi nghe có tiếng búa đóng nhẹ nhẹ trước mủi ghe và tiếng nói xù xì... Tôi men theo thành ghe lên coi ai... trong bóng đêm lờ mờ, nhưng tôi vẫn nhận ra lão Mười Tung... lão gỏ gỏ chiếc búa nhỏ vào mủi ghe và nói..." mi phải ở đây...làm việc cho ta... hai năm đầu cho bọn chúng hanh thông buôn may bán đắt, đến năm thứ ba thì nhận chìm nó, coi như lễ ta tạ cho mi... nhớ lời ta dặn... nhớ chưa"... dứt lời lão gỏ gỏ chiếc búa vào mủi ghe, và hình như lão nói 3 lần như vậy... mới bỏ đi. Lúc đó tôi tuy có sợ thiệt, nhưng tôi nghĩ dù sao mình cũng có thời gian 2 năm để lo nên tôi im lặng. Sau đó tôi có nói sự việc nầy cho thầy Hai Lý...

Bà Bảy cướp lời ông mà giọng nói run run:

- Thầy Đông y sĩ Lý ngoài vàm đó hở ông, rồi thầy nói sao?

- Đúng vậy, thầy Hai là thầy thuốc, cũng là người coi quẻ Tiên Thiên rất giỏi, thầy đã coi cho tôi một quẻ, nói phúc đức gia đình ta lớn, có thể sẽ không có chuyện gì, nhưng nếu đã bị người ta ếm thì phải kiếm người để giải...

- Trời... bà Bảy kêu lên... mình đối xử với anh Mười như bát nước đầy, tiền bạc sòng phẳng thì nguyên do gì ảnh lại ếm gia đình mình chứ?

Ông Bảy thở dài:

- Theo lời thầy Hai, thầy nghĩ lão Mười Tung chắc là xữ dụng bùa Lỗ Ban, mà nếu đã là bùa Lỗ Ban thì ếm người không cần nguyên do đâu.

Bà Bảy hỉ mủi, sụt sịt khóc:

- Bây giờ mình phải làm sao hở ông? thầy Hai có chỉ cho ông không?

- Lúc đó thầy nói sau hai năm thì kéo chiếc ghe lên rồi sẽ tìm cách giải, nhưng...

- Nhưng gì chứ...?

- Hai ngày nay tôi vào tìm thầy Hai, nhưng người nhà thầy cho biết, thầy đã đi Saigon để trị bịnh cho người ta rồi nên tôi chưa biết phải làm sao.

- Trời đất ơi, sao lúc nầy mà thầy lại đi vắng chứ? Bà Bảy kêu lên.

- Bà bình tỉnh đi, chuyện đâu còn có đó mà, phải giữ kín, đừng làm rùm beng nhiều người biết không tốt đâu... à mà, lúc trước quẻ Tiên thiên của thầy Hai có nói, trong gia đình mình người tuổi Thân có phước tướng sẽ giúp giải được nạn nầy.

- Tuổi Thân... con Hạnh... Bà Bảy trố mắt nhìn ông.

- Ừ, chỉ có con Hạnh là tuổi Thân, nhưng tôi không biết làm sao mà nó giải được nạn nầy chứ.

Bà Bảy cúi đầu lẩm bẩm:

- Sao lại là con Hạnh....

Thì cũng vừa lúc đó, Hạnh đạp xe vô trong cổng nhà.

Cô Ba Hạnh đã xinh đẹp, đi dưới cái nắng ban trưa gay gắt nên đôi má càng hồng trông càng đẹp hơn, vừa bước vào nhà cô tháo chiếc nón lá xuống quạt những giọt mồ hôi đang rịn ra hai bên thái dương:

- Ba ơi, các ảnh đã kéo chiếc ghe lên ụ rồi, Ba có cần ra đó coi lại không?

Chợt nhìn thấy nước mắt bà Bảy vẫn còn rưng rưng, cô hốt hoảng:

- Má, có chuyện gì vậy? Sao Má khóc... Ba, có chuyện gì mà Má khóc vậy Ba?

Bà Bảy quẹt nước mắt, nắm lấy tay cô, trong khi ông Bảy nhìn Hạnh:

- Con ngồi xuống đây đi, Ba có chút chuyện cần nói cho con biết... và ông tóm tắt câu chuyện cho Hạnh nghe. Hạnh thảng thốt:

- Hèn chi, lúc nảy khi mấy ảnh kéo chiếc ghe lên ụ, con thấy thằng Hoành, con của lão Mười Tung cứ đến hỏi đon hỏi ren hoài... không ngờ lại có chuyện như vầy...

- Ba nghĩ, thằng Hoành nó thấy lạ nên hỏi vậy thôi, chứ Mười Tung đời nào nói cho nó biết chuyện lão ta làm chứ...

Hạnh cúi đầu im lặng, như để đánh giá thái độ lúc nảy của tên Hoành, và cô ngước lên hỏi ông Bảy:

-Anh Tỵ và chú Lành đã biết chuyện nầy chưa Ba?

- Ba mầy chưa muốn cho tụi nó biết. Bà Bảy xen vào.

- Vậy bây giờ mình phải làm gì?

- Hai má con đi Saigon một chuyến đi. Ông Bảy nói.

- Đi Saigon? Làm gì chứ? Bà Bảy và Hạnh cùng lên tiếng.

Ông Bảy chậm rãi:

- Người nhà của thầy Hai Lý có nói cho Ba biết, thầy Hai lên Saigon ở nhà người bạn của thầy là chủ tiệm thuốc Bắc, kế bên nhà hàng Á Đông trong Chợ Lớn để cùng định bệnh ông nhà giàu nào đó... Nếu con là phước tướng của gia đình ta, đi tìm thầy Hai, Ba nghĩ... biết đâu...

- Nhưng Ba nói là lúc trước thầy Hai cũng đâu biết cách giải chứ... cô Ba Hạnh thắc mắc...

- Ừ, nhưng hy vọng là thầy Hai có bạn bè hay quen biết được ai có khả năng giúp mình... vì ngoài thầy Hai mình cùng đâu quen biết ai...

- Ba con nói cũng đúng đó Hạnh... sẳn đó thăm anh Hai con luôn... Ông định chừng nào tui với con Hạnh đi?

- Đi ngay bây giờ, chứ chừng nào nữa? Thôi má con bà vô sữa soạn quần áo, tui ra kêu thằng Lành về đánh xe đưa bà với nó vô lộ trong... nhớ đừng hé môi cho bất cứ người nào biết chuyện nầy ngoài thầy Hai Lý nha... cả thằng Long cũng đừng cho nó biết, hông thôi nó về đây lại sanh thêm chuyện...

Rồi như để trấn an vợ con, ông Bảy Thọ cười:

- Má con bà an tâm đi, gia đình mình không hề làm gì tổn đức sẽ được ơn trên che chở mà...

Bà Bảy sụt sùi nhìn theo ông Bảy lên xe đạp, đạp ra ngoài xưởng cưa...

- Ông cũng phải cẩn thận nha...

Sáng hôm nay là ngày thứ hai, Bà Bảy và Hạnh trở lại tiệm thuốc Bắc Vạn Sanh Đường, địa chỉ số 402 đường Trần Thanh Cần kế bên Nhà hàng Á Đông, đúng theo miếng giấy người nhà thầy Hai Lý ghi đưa cho Ông Bảy, để hy vọng gặp thầy Hai, vì hôm qua khi họ đến, tiệm thuốc đã đóng cửa không có ai ở nhà.

Nhưng họ vô cùng thất vọng khi thấy cửa tiệm vẫn đóng. Sự hiện diện của họ ngày hôm qua, rồi hôm nay, đứng nhìn căn tiệm đóng cửa đã gây chú ý cho những người buôn bán lẻ trên lề đường... một người Hoa trung niên, có xe bán nước sâm gần đó nhìn họ:

- Hai người pị pệnh, muốn tìm thầy hốt thuốc hở, uống lước sâm li, mát lắm...

- Dạ... dạ... không phải, nhưng... Hạnh lúng túng trả lời..

Ông người Hoa, không hỏi nữa, nhưng nhìn họ có vẻ ngạc nhiên vì không bị bệnh thì đến tiệm thuốc làm gì chứ... Bà Bảy nhìn thấy vẻ hiền lành của ông ta, nên cười thân thiện;

- Được, tôi cũng đang khát nước, cho hai ly lạnh đi... mà nè, nị bán ở đây, nị có biết tiệm thuốc nầy tại sao không mở cửa bán vậy?

Ông người Hoa vui vẻ vặn nước sâm trong bình ướp lạnh ra ly cho Bà Bảy và Hạnh:

- Không piết gia lình ông chủ li chơi lâu zồi, pa pốn ngày lay không có mở cửa chớ...

Bà Bảy không dấu được tiếng thở dài, thất vọng:

- Nị có biết chừng nào họ về không?

- Chời ơi, ngộ sao mà piết lược chớ... hai người muốn tìm người quen chong lầy ha?... vài ngày sau chở lại li nha...

Mẫu đối thoại ngắn ngủi, cùng vẻ mặt thất vọng của Bà Bảy và Hạnh, khi Hạnh mở chiếc bóp đeo vai, trả tiền nước sâm, đã làm một vài người rổi việc nảy giờ đứng xung quanh nhìn theo, khi hai người đi ra đầu chợ Kim Biên tìm xe xích lô:

- Hai người nầy, chắc chắn ở dưới quê lên tìm người nhà rồi...

Vài ba người liền tách ra, đi theo họ...

Phía trước Hạnh vừa đi vừa hỏi bà Bảy:

- Bây giờ mình làm sao hả Má?

- Tao cũng không biết phải làm gì nữa, về nhà trước đi, rồi hẳn tính.

- Hôm qua, anh Hai nói với con, ảnh không tin lần nầy con với Má lên thăm ảnh như bình thường, ảnh hỏi con, ở dưới nhà bộ có chuyện gì sao?

- Rồi mầy nói gì với nó?

- Đâu có nói gì chứ, nhưng con chỉ sợ nếu mình ở lại lâu quá thì sẽ không dấu được ảnh đó.

- Tao.... nhưng liền đó thì có tiếng la của Hạnh:

- Má ơi... bà chỉ kịp nhìn thấy Hạnh loạng choạng suýt chúi đầu xuống đất... một tên lưu manh từ phía sau đã xô mạnh vào vai Hạnh... và lợi dụng lúc đó một tên khác đã giựt chiếc bóp đeo ngang vai của Hạnh chạy biến vào khu chợ Kim Biên.

Định thần, Hạnh nhổm dậy, đuổi theo tên lưu manh, miệng la inh ỏi:

- Cướp, cướp... bớ người ta... và phía sau là tiếng bà Bảy:

- Bớ làng xóm ơi, cướp, cướp giựt bóp con tôi... cướp, cướp...bớ người ta...

Tên cướp bất ngờ thấy Hạnh đuổi theo bén gót lại la inh ỏi, nên thay vì chạy vào trong chợ, hắn rẻ vào khu nhà dân đối diện với chợ Kim Biên... bởi một số người nghe tiếng Hạnh la, cùng rượt theo hắn... và ngay đầu hẽm, hắn bị đá té bổ nhào, chiếc bóp có dây đeo vừa cướp được của Hạnh văng ra xa...

Người đá ngã tên cướp cạn là một anh phu xích lô đạp, đang ngồi trên xe chờ khách, đậu trước đầu con hẽm, thấy tên cướp chạy ngang và nhiều người đang đuổi theo phía sau, nên phóng xuống xe đá vào chân tên cướp. Anh cúi xuống nhặt chiếc bóp lên, chưa kịp đưa cho Hạnh cũng vừa chạy đến, thì tên cướp đã lồm cồm bò dậy, tức tối húc đầu vào bụng anh. Cười nhạt, anh nghiêng người qua để tránh, tên cướp hụt đòn lão đão, thì thêm ba tên khác từ trong xóm, cầm cây dầu loại 3 phân vuông, xông vào... Mọi người ai cũng đều nghĩ là họ sẽ giúp anh phu xích lô để bắt tên cướp, nhưng sự việc hoàn toàn ngược lại. Ba tên mới đến đã tấn công anh phu xích lô đang tóm gáy tên cướp, để giải vây cho hắn. Quá bất ngờ, nên mọi người đều há hốc mồm kinh ngạc, kể cả Hạnh, nên cô đứng chết trân. Anh phu xích lô buông tên cướp nhãy ra ngoài, ngay trước Hạnh để tránh những khúc cây dầu vuông phang tới tấp, và Hạnh thấy, hình như ngón tay trỏ của anh ngay ra chỉa xuống đất khoanh khoanh mấy vòng tròn. Thật lạ lùng, bọn cướp cạn đang hung hản như vậy, bỗng ngây người ra, thì vừa lúc có tiếng tu-huýt của Cảnh Sát ré lên từ bên chợ, và hai nhân viên Cảnh Sát cùng vài người dân chạy qua... Họ đã còng tay bọn cướp cạn thật dễ dàng vì hình như chúng không còn chút hơi sức nào để kháng cự... Được những người mục kích sự việc thuật lại tường tận hai nhân viên Cảnh Sát đã mời Hạnh và anh phu xích lô theo về bót để làm biên bản sự việc... Có lẽ là lần đầu tiên phải tới cò bót, nên dù rối rít cám ơn anh phu xích lô, Bà Bảy vẫn lo lắng hỏi Hạnh, khi thấy nhân viên Cảnh Sát đã tạm giữ chiếc bóp của Hạnh:

- Bóp của mầy bị giựt mà, sao họ chưa chịu trả cho mầy, còn đi đâu nữa chứ Hạnh?

Hạnh chưa biết phải trả lời bà Bảy như thế nào vì hình như đầu óc cô vẫn chưa được tập trung, thì anh phu xích lô đở lời:

- Bác và cô hãy an tâm, về bót họ sẽ trả lại cho cô, sau khi lập biên bản vì họ cần có tang vật để truy tố bọn cướp cạn nầy.

Hạnh nhìn anh phu xích lô, đang đẩy xe đi kế bên bà Bảy, lí nhí tiếng cám ơn... Bây giờ cô mới nhìn kỷ ân nhân của mình... khoảng hăm lăm, hăm sáu, người dong dỏng cao, gương mặt tuy hơi đen vì nắng gió, nhưng còn phảng phất đâu đó chút hình ảnh thư sinh với nụ cười tự tin nửa miệng, nhất là đôi mắt cương nghị được biểu lộ dưới đôi lông mày rậm hình lưởi mác... và không hiểu sao, cô có linh cảm đây mới chính là người gia đình cô muốn tìm chứ không phải là thầy Hai Lý...

Từ bót Cảnh Sát đi ra thì trời đã quá xế trưa, Hạnh thấy vui vui biết được tên của anh phu xích lô là Trần Hữu Định, lúc anh khai báo với Cảnh Sát... nên cô cười khi nghe anh đề nghị đưa hai người về nhà:

- Má à, hay chúng ta mời anh Định đi ăn cơm luôn đi, trời cũng đã xế rồi, con thấy đói bụng quá.

Bà Bảy đồng ý ngay, nhìn Định:

- Phải đa, cậu kiếm chổ nào, mình làm ba hột rồi về cũng không muộn.

- Bác và cô không sợ người nhà trông sao?

Hạnh đở lời cho bà Bảy:

- Ồ, không sao, anh hai của Hạnh đi học, giờ nầy chưa về nhà đâu... và cô nheo mắt tinh nghịch nhìn Định:

- Anh tìm chổ nào rẻ rẻ nha, Hạnh không có tiền nhiều đâu đó...

Định chợt vui lây:

- Thì cho phép tôi mời cô với Bác cũng được mà...

- Ý chết, ai làm thế với ân nhân của mình chứ...

Định từ từ đạp xe, sau khi kéo chiếc mui che bớt nắng cho Hạnh với Bà Bảy:

- Cô nói quá lời, ân nhân gì đâu, chỉ là việc nhỏ thôi... nhưng nếu tôi đoán không lầm thì cô và bác gái không phải là người sống ở Saigon.

- Phải, má con tôi... nhưng bà Bảy chưa kịp nói gì thêm thì Hạnh đã xen vô:

- Sao anh biết?

Định cười lớn:

- Người Saigon có bao giờ rổi rảnh mà mời những người như chúng tôi đi ăn cơm chứ...

Sau bữa cơm trưa thật ngon miệng, tại quán cơm bình dân của chú Pa Pụng mà Định là một thân chủ trung thành, Hạnh được biết thêm, Định cũng từng là sinh viên năm thứ hai đại học luật, nhưng vì là con mồ côi, người Dì nuôi quá nghèo, nên phải bỏ học đạp xích lô ban ngày, ban đêm đi dạy thêm tại các Trung Tâm Bình Dân Học Vụ, giúp cho các trẻ em nghèo hiếu học... Hạnh đã thầm cảm phục trong lòng, nên trên đường về chợ Tân Định, nơi ông bà Bảy có mua một căn phố lầu mặt tiền đường Trần Văn Thạch, để Long ngụ đi học và dự trù ngày sau sẽ lập gia đình dựng nghiệp, còn bây giờ thì có chổ nghỉ ngơi khi ông bà cần lên Saigon mua hàng, Hạnh suy nghĩ, không biết có nên hỏi anh chàng nầy những thắc mắc của mình hay không...

Định theo tay chỉ của bà Bảy từ từ thắng xe lại trước nhà Hạnh, nhảy xuống yên kềm chiếc xe cho bà Bảy và Hạnh bước xuống...

- Cám ơn cậu nha... Bà Bảy nói với Định và bước lên lề đường, trong lúc Hạnh mở bóp:

- Anh Định cho Hạnh gởi tiền xe, bao nhiêu vậy anh?

Định cười, quay xe, nhảy lên đạp:

- Hồi nảy được cô đãi ăn cơm, thôi coi như mình làm quen, lần sau hãy tính nha.

Hạnh nắm mui xe, toan kéo lại:

- Anh không lấy tiền xe, lần tới rủi có chuyện gì ai dám nhờ anh giúp...

- Thì lần sau, tôi sẽ tính gấp đôi... chào cô...

Định cười, gật đầu chào Hạnh rối nhấn mạnh bàn đạp, chiếc xích lô hướng ra đường Hai Bà Trưng, để lại trong lòng cô Ba Hạnh bao nhiêu dòng cảm nghĩ, cô lấy chìa khoá mở cửa nhà mà còn nghe tiếng bà Bảy:

- Cái thằng, thiệt tình mà...

Hai ngày sau đó, cửa tiệm thuốc Bắc Vạn Sanh Đường vẫn đóng im lìm nên dù bán tín bán nghi với sự cả quyết của Hạnh là hình như Định cũng biết chút gì đó hôm đánh nhau với bọn cướp cạn, bà Bảy phải đồng ý để Hạnh đi tìm Định cầu may. Bà Bảy tuy không an tâm nhưng phải để Hạnh đi một mình vì hôm nay bà bận đi thăm Bác Tư của Hạnh, bị bịnh, và ngày mai bà quyết định về Mỷ Tho vì sợ ông Bảy trông. Long, thuận đường đến trường nên đã chở bà Bảy đi từ sáng sớm, Hạnh sau khi đi chợ lo cho bửa cơm chiều cũng đã hơn 10 giờ, cô khoá cửa nhà, ra đường Hai Bà Trưng đón xe xích lô đạp đi vô Chợ Lớn tìm Định. Ngang tiệm thuốc Vạn Sanh Đường vẫn còn đóng cửa, cô nói người phu xích lô quẹo vô chợ Kim Biên. Đến chổ đầu hẽm, nơi Định thường ngồi neo xe đợi khách, cô thấy cũng có vài chiếc xích lô đậu, nhưng những phu xe toàn là người lạ, không thấy bóng dáng Định đâu. Cô bảo ngừng xe, bước xuống đến bên một người phu hơi lớn tuổi, đang ngồi hút thuốc trên xe của anh ta:

- Chú ơi, sáng giờ chú có thấy anh Định ra đây không chú?

Người phu xích lô gở điếu thuốc khỏi môi, nhướng mắt nhìn Hạnh:

- Không, sáng giờ chả thấy nó đâu... mà cô là gì của nó? Tìm nó có chuyện gì không?

- Dạ, cháu... nhưng Hạnh cũng không biết phải nói sao, nên ấp úng... cháu...

Người phu xe bật cười:

- Cô cần nhắn gì cho nó cứ nói đi, gặp nó tui nói lại cho...

Hạnh chưa kịp trả lời, thì có tiếng của anh phu xích lô trẻ hơn gần đó:

- Ủa, cô nầy là cô bị giựt bóp hôm nọ mà... và anh ta nhảy xuống xe đi đến bên Hạnh:

- Ngày hôm sau, thì anh Định có ra, nhưng những ngày tiếp theo cũng như hôm nay thì không thấy anh ấy đâu... bộ có chuyện gì nữa sao cô, mà cô phải tìm anh ấy vậy?

Hạnh nhìn anh ta, lắc đầu:

- Không có chuyện gì đâu anh, chẳng qua...

Cô lại bỏ lững câu nói, vì không biết phải nói thế nào cho hợp...

- Thôi cám ơn chú và anh nha... cô lắc lắc đầu và bước lên xe của mình...

- Nhờ anh đưa tôi ra chợ An Đông đi...

Chiếc xe chở Hạnh đã lăn bánh mà Hạnh còn nghe tiếng của người phu xích lô già:

- Vậy mà tao tưởng vợ thằng Định đi tìm nó chứ... và những tiếng cười vang làm Hạnh cãm thấy nóng nóng hai bên tai...

Hạnh có người bạn thân, vì Hạnh cũng là khách hàng sộp của Thúy, chủ nhân một sạp vải chuyên bán sĩ trong chợ An Đông. Họ thân nhau vì tuổi tác và tác phong bươn chảy làm ăn... mỗi lần lên Saigon, dù không đến đặt hàng, Hạnh cũng đến thăm bạn, để cả hai cùng đến thăm những quầy bán thức ăn ngon nổi tiếng của chợ An Đông và hôm nay cũng không ngoại lệ, dù Hạnh vẫn lo lắng nếu không gặp được thầy Hai Lý hoặc Định thì những ngày tới gia đình Hạnh sẽ như thế nào đây...

Uống hết ly bông cỏ mát lạnh, Hạnh như quên đi cái nắng gay gắt của Saigon, cũng đã quá 2 giờ trưa, Hạnh từ giả Thúy. Thúy đưa bạn ra đường:

- Ê, chừng nào bồ lên nữa?

- Chừng lên thì bồ biết liền chứ gì, bộ hổng sợ hao sao mà muốn tui lên hoài vậy?

- Thì tính tiền hàng mắc chút gở lại mấy hồi, lo gì... về cho tui gởi lời thăm Bác Gái với anh Long nha...

- Ê, bồ Thúy nè, tui thấy bồ làm chị dâu tui được đó nha, chịu hông tui làm mai cho...

Thúy đỏ mặt đấm vào vai bạn, khi thấy nụ cười tinh nghịch trên môi Hạnh:

- Tui mà làm chị dâu bồ hở, tui đì bồ sói trán luôn...

Nhìn Thúy quày quả bỏ đi vào trong chợ, Hạnh như vừa khám phá ra một điều thú vị bù vào những căng thẳng của mấy ngày qua, cô mĩm cười lẩm bẩm:

- Vái trời cho anh Hai đừng có bồ...

Với niềm vui bất chợt đó, Hạnh đưa tay vẩy anh phu xích lô vừa đổ khách xuống:

- Đi về Tân Định không anh?

- Đi chứ... và anh ta kéo chiếc nón vải khỏi trán lau mồ hôi... ủa, cô là...

- A, anh Định... Hạnh reo lên...

Định nhảy xuống - phải, người phu xích lô vừa đổ khách xuống chính là anh - kềm chiếc xe cho Hạnh bước lên:

- Cô Hạnh, cô đi chợ hả, còn Bác gái đâu?

Nhưng Hạnh chưa vội bước lên xe:

- Má Hạnh ở nhà, Hạnh đi thăm người bạn trong chợ nầy, nhưng chỉ là phụ thôi, còn chánh là... Hạnh bỏ lững câu nói nhìn Định và Định cũng nhìn lại cô, như muốn nghe cô nói tiếp...

- Chánh là muốn tìm anh đó...

- Tìm tôi? Định như không tin ở tai mình... có chuyện gì không, cô Hạnh?

- Có chuyện nầy Hạnh muốn hỏi anh, nhưng anh có cho phép không vậy?

- Trời ơi, cô làm gì mà quan trọng quá vậy... Định kêu lên... phép với tắc không biết nữa, có chuyện gì cô cứ nói đi.

- Vào chổ xe sinh tố uống nước nha, rồi Hạnh nói...

Hạnh quay đi cố giấu một niềm vui nho nhỏ trong ánh mắt của mình, đi về chổ bày hàng của các xe sinh tố, tìm một chiếc bàn trống, ngồi xuống thì Định cũng kéo ghế ngồi phía đối diện, chiếc xích lô anh kéo bánh sau để lên lề đường.

- Anh Định uống gì?

- Còn cô?

- Mảng cầu... nhưng ly nhỏ thôi...

Định hướng về người bán hàng:

- Cho 1 ly mảng cầu nhỏ và 1 ly nước chanh lớn đi cô chủ ơi...

- Có ngay... tiếng người chủ xe...

Định nhìn Hạnh:

- Sao cô có chuyện gì mà tìm tôi vậy?

- Anh Định nè, hỏi thật anh nha, hôm rồi khi đánh nhau với bọn cướp cạn, anh làm gì mà tự nhiên bọn chúng đứng ngây người ra để lính còng tay vậy?

Định giựt mình, nhưng anh trấn tỉnh ngay, cười trả lời Hạnh:

- Bọn chúng nghe tiếng còi của Cảnh Sát nên hoảng sợ đứng im, chứ tôi có làm gì đâu...

Vẻ hơi mất tự nhiên của Định không sao qua được mắt Hạnh, cô nhìn anh:

- Hạnh nghĩ không như anh nói đâu, trước khi có tiếng còi của Cảnh Sát, Hạnh thấy anh co ngón tay vẻ vòng tròn, và bọn chúng đã ngây người, nên khi Cảnh Sát đến, không tên nào còn chống cự được...

Định nheo mắt cười lớn:

- Trời, cô làm như tôi biết bùa chú không bằng.

Hạnh nói ngay:

- Thì Hạnh nghĩ anh biết, chứ còn gì nữa, đúng không?

Định không trả lời Hạnh mà hỏi lại cô:

- Bộ cô tin đời bây giờ còn có bùa chú sao?

- Trước thì không, nhưng bây giờ thì có.

- Sao lại như vậy?

Định còn muốn nói thêm gì nữa, nhưng anh chợt để ý thấy hình như những người khách ngồi bàn kế bên đang để ý lắng nghe câu chuyện của anh và Hạnh, anh liền uống hết ly nước chanh gọi tính tiền, đồng thời nói với Hạnh:

- Cô uống nước đi, rồi tôi đưa cô về...

Hạnh hiểu ý của Định, uống thêm một hớp nước, rồi đi trả tiền trong lúc Định đẩy chiếc xích lô ra đường.

Kềm chắc chiếc xe cho Hạnh leo lên xong, Định vừa đạp xe vừa nói:

- Về nhà cô đi, tôi cũng muốn biết lý do nào mà cô đi tìm tôi...

Hạnh cảm thấy thật vui trong lòng, và cô bỗng nhớ lại lời Ba cô, theo quẻ bói của thầy Hai Lý "cô là phước tướng sẽ giải nạn cho gia đình", nhưng cô có làm được gì đâu, chỉ là không biết tại sao cô lại có một niềm tin mạnh mẻ vào anh chàng đạp xích lô có khuôn mặt thư sinh nầy, sẽ giúp cô làm chuyện đó.

Và cô nói lớn cho Định nghe:

- Anh Định ghé lại chợ Vườn Chuối, ngay góc đường Vườn Chuối và Phan Đình Phùng đón má Hạnh về luôn nha.

- Xong ngay thôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx