Bà nội tôi đông anh em, có tới ông em thứ mười một. Bà em gái gần áp út xinh xẻo, lại có tiền. Bà này tính khí cành cao. Lúc tuổi xuân, bà vắt vẻo, mãi chả ưng ai. Tý nữa thành gái già. May mà bà lấy được chồng, chỉ tội lấy được vài năm, ông chồng vội vã ra đi. Bà đành đi bước nữa, làm lẽ nhà người. Là tính khí rồi, dù cảnh lẽ mọn, bà vẫn rất bắc bậc.
Ông chồng mà bà làm lẽ thuộc hàng danh giá, cụ Chánh. Ngày cưới của bà, tuy không đến mức năm, bảy cái lọng đón dâu, như bà thách trước đây, nhưng đám cưới vẫn diệu vợi, và rất xôm trò. Lấy chánh tổng, bà nghiễm nhiên thành bà chánh, nên tên bà thành bà Chánh.
Chuyện thành bà goá của bà cũng thật ly kỳ. Làm lẽ, mà bà không chịu phận lẽ, vẫn cứ tai ngược, đành hanh, định át cả người. Vớ phải bà cả không phải tay vừa. Vậy là nhà cửa không lúc nào yên. Lúc tiếng bấc của bà cả, lúc tiếng chì của bà hai, ông Chánh không làm sao chịu được.
Giải pháp ông áp dụng là sau một trận đấu khẩu chí chết của hai bà vợ kia, ông đem luôn của quý của mình ra... xẻo. Người nhà vội khiêng ông ra nhà thương tỉnh lỵ Hưng Yên. Đem tới nhà thương, cái chăn bông lót cho ông nằm trong võng, máu ướt dầm dề. Rất may, vết cắt nhẹ tay, các đốc tờ còn cứu kịp.
Tưởng đã xong, các bà từ rày chừa, đố ai dám ghen nhau nữa. Thế mà hai bà vẫn chưa chừa, lại vẫn tiếng bấc tiếng chì tiếp tục. Đến nước này, dù trong thời kỳ dưỡng thương, không còn chịu nổi, ông Chánh nghiến răng, cắt tiệt cái của quý của mình đi. Lần này, chẳng ông đốc tờ nào cứu được ông nữa. Từ ấy, hai bà Chánh thành hai bà Chánh goá.
Đã bảo tính bà vốn bắc bậc, không chỉ với bà cả, với ông chánh, mà đến đứa con gái duy nhất do bà sinh ra, bà cũng không khoan nhượng. Năm ấy, vào quãng đầu năm sáu mươi, bà đã chuyển ra sống ở thị xã Hải Dương. Lúc này bà tuổi ngoài năm mươi.
Do mẹ con xích mích gì đó, bà làm đơn ra toà từ con. Đây là phiên xử đặc biệt của toà án thị xã Hải Dương, mẹ từ con. Dù không muốn, toà vẫn phải xử. Trong phiên toà, con gái khóc hết nước mắt, bà vẫn không tha. Sau khi từ con bà rời đến một phố thị giáp đất Hải Phòng, sống một mình. Nhiều năm sau, người con gái này mấy đận đến tận nhà xin mẹ. Đúng thủ tục, bà mời mấy người họ hàng đến chứng kiến và ra vườn, bẻ tàu lá chuối, đem vào lót tay, dắt cô con gái ra khỏi nhà.
Mỗi người một tính, một phận. Khi nhắm mắt, bà có của, chỉ tội chết trong cô quạnh. Chắc số bà là số trời hành.
Bà nội tôi có số hầu Thánh, không còn đền, miếu nào quanh vùng là chưa tới. Tại nhà, bà lập hẳn một ngôi điện thờ và bao một ban chầu văn. Ngoài hầu đồng ở đền nọ miếu kia, hàng tháng bà còn tổ chức một buổi hầu Thánh tại gia. Nhà đông con, nhiều cháu, với điện thờ ấy, chỉ những đứa con trai, cháu trai nào chưa vợ, bà mới cho phép vào thắp hương điện Thánh.
Cái tính thích hầu bóng của bà, không ai ngăn cản được, kể cả ông nội tôi. Mà nhà lắm tiền, nhiều của thế, không hầu bóng, thì còn trò giải trí gì? Ông nội tôi nửa đùa, nửa thật: Thôi, nhờ hầu đồng, mỗi tháng, cả nhà có bữa cỗ. Bà tôi thích nhảy đồng, chắc như mấy bà hiện nay đi nhảy đầm cho khoẻ và giữ eo ấy.
Ban cung văn có mấy ông gẩy đàn và một người hát. Nhờ cái điện thờ của bà tôi và cùng bà đi hầu hết đền nọ miếu kia, họ cũng kiếm được. Có chuyện vui rằng, vào một đêm hầu, trước đó buổi chiều, nhà tưng bừng cỗ cúng rượu thịt. Mấy ông chú tôi lúc đó còn trẻ con, âm mưu trước, bày ra một trò. Đám trẻ bí mật hái lá thị, thái ra phơi, rồi trộn vào thuốc lào. Sau bữa rượu thịt thoả thuê, mấy ông chầu văn quây quần quanh chiếu nước, rít thuốc lào. Có ông bảo, thuốc sao nhàn nhạt, ngai ngái. Chê thì chê, mỗi ông cũng làm dăm điếu.
Giờ hầu Thánh tới. Giá hầu Cô Bé Thượng Ngàn:
Cô bé về đồng
Cô chít khăn xanh
Cô bận áo lục
Bà nội tôi khăn chầu áo ngự, múa lượn trước ban thờ. Mấy ông ban cung văn đàn hát hăng hái. Tiếng đàn thánh thót, tiếng hát bổng trầm. Trong lúc bà đồng thánh nhập, nhảy tênh tếch, thì mấy con nhang để tử, các bạn đồng ngồi gần các ông cung văn cứ giãn, giãn ra. Ánh mắt họ nhìn cánh cung văn khang khác.
Dù hương khói thơm ngát, vẫn không át được mùi thoang thoảng... thối. Ai để ý còn thỉnh thoảng nghe thấy sấm dậy trời Nam... Chỉ đến khi có tiếng bủm rõ to, đám trẻ không nhịn được, phá lên cười, chạy tán loạn ra sân, làm cánh cung văn ngừng đàn đánh khự. Bà nội tôi đang lúc thánh nhập, cũng phải chừng mặt, nhìn quanh. Cảnh ấy làm hai người hầu dâng luống cuống.
Bận ấy bà nội tôi tra tìm, rồi biết được nguyên nhân. Từ đấy, bà cấm tiệt đám trẻ con không được mon men vào những đêm hầu thánh nữa. Cái điện thờ và tính thích hầu bóng của bà nội tôi còn kéo dài mãi tới năm bốn chín, thì điện thờ bị giặc Tây đốt trụi. Từ đấy, tuyệt không thấy bà nhắc tới việc hầu bóng nữa. Ngay dịp giỗ chạp, cũng không bao giờ thấy bà thắp hương, khấn vái. Nhưng lệ chọn người khấn lễ, bà vẫn giữ, chỉ những đứa trai chưa vợ, bà mới cho phép vào khấn khứa các cụ.
Mê hầu đồng, nhưng bà nội tôi tính không đồng bóng, mà cương cường, hầu như chả biết sợ hãi ai. Năm Cải cách ruộng đất, trong khi xóm làng náo loạn, nhà nhà thin thít co mình lại mà sống. Nhà bà nội tôi thuộc loại có máu mặt, có của ăn của để. Riêng về khoản ruộng vườn, thì nhà chỉ có mấy sào. Năm 1939, trận lũ bão đã cướp hết gỗ nứa, tre pheo, hàng hoá buôn bè của gia đình. Tiếp đó ông nội tôi vướng phải một vài vụ kinh doanh thua lỗ, ông đâm chán, sa vào cờ bạc. Bao nhiêu ruộng vườn, các trận đỏ đen, ông nướng sạch. Đến khi Cải cách, lại hoá may.
Dịp Cải cách, làng xóm cứ tối tối dân làng tập trung đi họp. Đêm đêm xóm làng vắng tanh. Ai có việc gì thật cần thiết mới ra đường. Có chăng, đường làng chỉ còn mấy ông đội Cải cách, hay đám xâu, rễ, lảng vảng đi thăm dò, nhòm ngó nhà những đối tượng đang chuẩn bị đấu tố.
Có một ông đội, một tối lảng vảng quanh bờ rào nhà bà tôi. Biết rõ là vậy, bà vẫn điềm nhiên đứng trong sân, cầm hòn đất ném ra. Tay ném, miệng bà còn chõ ra chửi, chó má nhà ai, đêm hôm còn đến nhòm ngó nhà bà. May là ở xã ấy, phụ trách đội là một người có học, không thì gia đình bà nội tôi bị vạ lớn. Anh đội này, sau mấy tháng ở xã bà nội tôi, không quy đủ được tỷ lệ địa chủ như chỉ tiêu trên giao, bị điều đi nơi khác.
Bà là người cứng vía. Một lần mẹ tôi và bà đi chợ bán hàng. Ngày ấy người chạy chợ thường đi rất sớm, quãng gà gáy canh hai, canh ba, họ đã quẩy gánh hàng lên đường. Hôm ấy bà và mẹ tôi đi được một chặng khá xa, đến mươi cây số. Trời vẫn tối. Hàng nặng, hai mẹ con thấm mệt, dừng lại nghỉ.
Chỗ ngồi nghỉ giáp ngay cây cầu. Lúc đi thì chỉ chú ý đến mặt đường, tránh giẫm vào đá, hay bước vào ổ gà, bà và mẹ tôi không mấy khi chú ý hai bên đường. Mẹ tôi đặt đòn gánh xuống đường làm đoạn kê để ngồi. Vừa cầm nón quạt quạt, mẹ tôi vừa ngó nhìn sang bên đường. Dưới ánh trăng lờ nhờ, mẹ tôi thấy một hàng cọc và hình như... Không tin nổi mắt mình, những cái đầu lâu cắm trên đầu cọc. Mẹ tôi hốt hoảng hét lên, nháo nhào chạy.
Có lẽ chỉ đến khi nghe con dâu la hét, bà nội tôi mới kịp ngó sang nhìn dãy đầu lâu cắm la liệt hai bên đường. Bà thản nhiên đứng lên, gánh gánh hàng đi một quãng tiếp và còn quay lại, gánh tiếp gánh hàng do cô con dâu bỏ lại. Mẹ tôi sợ phát ốm, nghỉ mấy phiên chợ. Bà nội tôi đồ rằng, đấy là đầu việt gian, mấy ông Việt Minh giết, cũng có thể là đầu Việt Minh, lính Tây chặt.
Với bà, nhân gian là sự hoà trộn giữa thế giới thần linh, ma quỷ và con người. Bà là người vui chuyện. Mỗi dịp về quê, bà kể với tôi, thằng cháu nội, đủ điều. Trong những câu chuyện của bà, không rõ đâu là thế giới thực, đâu là thế giới hư vô. Một câu chuyện ma bà kể, tôi còn nhớ:
Ở bến đò giáp khu trại của bà nội tôi có mấy con ma: con ma cây gạo, sát bờ sông; con ma cây thị, giữa vườn; con ma cây chay... Con ma cây thị tóc nó.... dài. Những đêm trở giờ, con ma này hay luẩn quẩn trước sân nhà bà. Nó thích nghe đàn bầu và lẩy Kiều. Một hôm, vào tối sáng trăng, ông nội tôi đem đàn bầu ra sân gảy, ông ngâm nga câu Kiều. Bà nội tôi ngồi sắp gánh hàng cho buổi chợ sớm hôm sau. Bà kể:
- Mới đầu tao thấy nó ngồi ở cuối sân. Sau nghe say quá, nó sán sát ông nội mày. Nó còn xoã tóc ra.
- Thế ông nội biết không?
- Biết chứ. Tao tức mình đứng lên, hậm hự mấy cái. Thế mà nó không sợ. Đến đận tao phải ra tận nơi, nó mới bỏ đi.
- Sao bà đuổi nó. Có phải nó sán đến gần ông quá, bà ghen?
Bà cười hềnh hệch:
- Tao mà thèm ghen với ma!
Cụ bảo không ghen, nhưng tôi biết chắc, bà nội tôi có tính ghen.
Ông nội tôi có người em trai, mỗi khi em trai tới chơi nhà, chiều chiều anh em khăn xếp ô Tàu, dắt nhau lên phố phủ tom chát, như ta bây giờ ta rủ nhau đi hát karaoke vậy. Tôi hỏi bà cô:
- Thế các bà không nói gì à?
Cô tôi cười:
- Các bà dám!
Bà thoáng như vậy, nhưng chồng muốn lẽ mọn thì cương quyết không nghe.
Ông nội tôi số đào hoa. Ngoài các con chính thức, ông còn mấy người con riêng nữa. Người phụ nữ mà cụ dan díu, nhà ở bến đò bên kia sông, trông sang nhà cụ bên này sông. Có lẽ để cho canh ngọt, cơm sôi, ông nội tôi không dám ra mặt nhận. Người lớn không chính thức, con cái ai còn dám. Sau này lớn, họ vẫn gặp gỡ, thậm chí có ông chú ruột tôi còn công tác với một trong những người kia, thế mà không bên nào dám nhận bên nào.
Năm bà nội tôi ngoài tám mươi, gia đình tổ chức xây cất, quần tụ phần mồ mả cho các cụ, trong đó có mộ phần của ông nội tôi. Nghĩ rằng đây là dịp cuối cùng con cái thực hiện bổn phận thiêng liêng trước tiền nhân, các chú tôi xin phép mẹ, tức bà nội tôi, thông báo cho mấy “người kia” biết. Vừa nghe, bà cụ ngoài tám mươi đã quắc mắt:
- Không phải mời thằng nào, con nào.
Ô kìa, bà cụ già lụ khụ, vẫn còn ghen!
Khi bà đã yếu, tính tình đổi khác, cứ lầm lì ngồi một chỗ. Có lần bà lẩm bẩm, cô con dâu cả làm dâu cỡ đến năm chục năm rồi. Bác về làm dâu khoảng năm 1940, vài ba năm sau thì chồng mất, bác ở vậy nuôi con, phụng dưỡng mẹ chồng.
Ông chú hiệu trưởng định đưa bà lên Hà Nội, nhưng chưa có cách nào thuyết phục được. Nói, bà im lặng, ra chiều không đồng ý. Hay bà lẩn thẩn mất rồi, chú tôi nghĩ vậy. Một lần chú tụ tập anh em, con cháu. Sau một hồi phân tích và thuyết phục, ông cao giọng:
- Bà mà không đi, tôi báo dân quân, du kích nó đến bắt bà!
Anh con trai chưa nói hết câu, bà cụ đã đốp lại luôn:
- Nhà tao, tao ở. Thằng nào, con nào dám bắt tao!
Ồ, hoá ra bà già chưa lẩm cẩm. Con cháu ồ lên cười.
Khi bà đi gặp ông, tiễn đưa bà có anh em, con cháu và rất đông dân làng.
@by txiuqw4