Vào dịp cuối năm thứ tư, tôi đi thực tập tốt nghiệp. Tôi và Nga, quê thị xã Phủ Lý cùng một nhóm. Chúng tôi về thực tập ở trung tâm nghiên cứu vịt.
Khi mới đến, Nga bảo tôi, anh giả vờ là người yêu em, thật tình cảm vào. Tôi chả rõ, sao phải làm vậy, những cũng nghe theo bạn, đóng mình như người yêu thật. Việc đóng không phức tạp gì, chỉ cần xưng anh, gọi em và một vài việc quan tâm giúp, thế là thành yêu nhau rồi.
Cũng vì giả đóng tình yêu, tý nữa tôi mất anh bạn. Tôi và Lũy ở cùng phòng ký túc. Cậu quê Gia Lộc, giờ làm Phó giám đốc Trung tâm Thú y Hải Phòng. Lũy và tôi thân nhau như anh em ruột. Cậu mấy năm đơn phương yêu Nga và bao lần thổ lộ với tôi. Khi thấy tôi tình cảm với Nga, anh bạn tưởng rằng chúng tôi yêu nhau, thế là cậu chàng lẳng lặng buồn và đau khổ. Mãi mấy năm sau Lũy mới tâm sự ra điều đó. Tình cảm, suy nghĩ của con người phức tạp thế. Cũng chả trách Lũy, tin bạn còn mất vợ nữa cơ mà!
Việc giả yêu, sau này khi thực tập ở đây, tôi mới hay, phụ nữ thật khổ. Và Nga biết trước những chuyện phức tạp này. Là con gái đi thực tập, lại chưa có người yêu, sẽ rất mệt, mấy ông lãnh đạo xúm vào. Mất bao tháng ngày ăn học, có vượt qua ngưỡng này, mới giành được tấm bằng đại học, nhiều cô đành cố mà chịu.
Y như rằng, cái ông lãnh đạo ở trung tâm vịt có cái máu dê. Tôi không chứng kiến cảnh dê của ông ta, vì dù có dê, ông ta cũng không dê với tôi. Chỉ nghe kể một câu chuyện đã thấy lộn ruột.
Có hai sinh viên mấy khoá trước về thực tập, ông ta thích một cô. Họ ở cùng phòng, ngủ cùng giường. Một đêm, ông kia máu quá, mò vào. Cô sinh viên mà ông ta định tòm tem, lại nằm phía trong. Muốn vào, ông ta phải trườn qua cô sinh viên nằm ngoài. Trong lúc đang trườn, cô này tỉnh giấc. Ông kia vội bịt mồm cô ta, trấn an: Anh… không em đâu.
Việc kín như thế mà nó cứ toé ra. Sau đó ở trung tâm, nhiều người chào nhau bằng câu cửa miệng: Anh… không em đâu. Chuyện nghe như tiếu lâm, thế mà việc hành sự của ông ta vẫn xong.
Xin tả một chút về ông này. Người cao lêu đêu, gày như ống sậy, mặt dạng lưỡi cày. Ấn tượng nhất là đôi mắt tèm nhem, di chứng của tục rửa nước ao tù, nên đau mắt hột. Thứ nữa là cái bình và cảnh ông ta xịt thuốc vào mũi. Bị bệnh phế quản, ông ta luôn giắt theo mình cái bình xịt thuốc kháng sinh dòng streptomycin. Cứ lên cơn là ông ta đút cái vòi vào lỗ mũi, xịt xịt, bóp bóp, trông đến tởm. Hình dong như vậy mà ông ta xơi được khối sinh viên thực tập. Phải chịu với ông ta, kể cũng khiếp!
Phép của Nga áp dụng lại đâm ra hiệu nghiệm. Cái ông máu dê kia không dám đụng vào Nga. Chỉ khổ nỗi, cả hai chúng tôi bị hành, phải thực tập y như là thực tập thật. Trung tâm vịt được đầu tư khá lớn. Thấy bảo trung tâm này sẽ thành nơi nghiên cứu vịt tầm cỡ quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Nghe nói nó được các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đổ vào rất nhiều tiền, quy đổi ra tới cả triệu rúp - đô la.
Tầm cỡ thế nào chưa biết, chỉ thấy rằng, trứng đưa vào ấp, đa phần thành trứng vịt lộn và lũ vịt Tây Anh đào gốc nhập về, nặng ba bốn cân, lai ra thành giống vịt trắng đẹn, chạy khắp các cánh đồng vùng Từ Liêm, Hà Nội, đến mấy huyện vùng cầu Giẽ, Hà Tây,..... Một thành quả nữa là cái lò ấp vịt thủ công, dùng dầu hoả, công trình nghiên cứu khoa học của Viện Nuôi vịt đưa xuống, rất tai quái, cứ sểnh người ra, nhiệt độ lên vù vù. Có lúc nhiệt kế báo tới bốn lăm độ xê. Vịt, chứ người nhét vào ấp, cũng thành người đẹn.
Thế nên công nghệ ấp vịt chính của trung tâm nghiên cứu này là chảo gang và thóc rang ủ trứng, còn điều khiển quy trình ấp trứng là một anh nông dân hợp đồng. Anh này tính hơi bị dở, thích thì làm, không thích thì thôi. Mấy tay kỹ sư chăn nuôi, cán bộ nghiên cứu của trung tâm, nghiến răng nghe anh ta sai phái. Họ phải nghe, bởi anh ta được ông lãnh đạo mắt tèm nhem kia cưng chiều.
Nhiệm vụ của trung tâm rất nhiều, song quan trọng nhất là khâu đón tiếp kính thưa các đoàn khách của Bộ chủ quản qua đây. Trong khi đón tiếp, ít thì đưa khách ra đánh chén lòng lợn tiết canh ở mấy quán xá khu vực thị trấn gần đó, rồi kính tặng mỗi thành viên đoàn vài ba chục trứng nghiên cứu ấp dở, sắp thành vịt lộn. Trứng nghiên cứu đưa vào ấp đều đánh sổ, ghi tỷ mỷ vào sổ về lý lịch cụ kỵ hai bên nội ngoại con vịt. Công việc của Bộ nhiều, nên các đoàn của Bộ qua đây cũng sẵn, họ cứ đều đặn vào thăm Trung tâm, một tuần chí ít cũng tới mươi đoàn.
Thời gian chúng tôi thực tập khoảng hơn nửa năm, từ tháng mười đến tháng sáu năm sau. Do hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở bung ra làm kinh tế. Tuỳ theo sự tháo vát và cách làm ăn của từng nơi, kế hoạch ba rất đa dạng. Kế hoạch ba của trung tâm này là dùng quỹ công đoàn mua một con bò. Dịp mua bò đúng vào đợt chúng tôi đến thực tập ở đây.
Đất của Trung tâm rộng, không trồng cấy gì, để cỏ mọc hoang, con bò kia ăn tự do. Không như trung tâm nghiên cứu bao đề tài, như: nuôi vịt thế nào lớn nhanh, mà không tốn thức ăn; trứng vịt loại nào ấp, tỷ lệ ấp ra nhiều… trứng vịt lộn. Đại loại toàn nghiên cứu tầm vĩ mô. Còn con bò kia chỉ chăm chỉ ăn, chẳng cãi cọ với ai, chẳng phấn đấu chỉ tiêu nào, cũng không phải ra tiếp khách từ Bộ xuống.
Đến kỳ chúng tôi hết đợt thực tập, cũng vào dịp trung tâm bình bầu, xét duyệt lao động tích cực giữa năm, bọn sinh viên thực tập chúng tôi chẳng thuộc loại dạng nào, vẫn vinh dự được lôi vào họp. Ngồi cho có mặt, dự cho có đủ thành phần, tôi biết vậy, nên yên phận tìm một góc, im ỉm họp bình bầu.
Cuộc họp rất căng, moi móc ra đủ chuyện. Ông lãnh đạo mắt tèm nhem còn sùi bọt mép giảng giải về chỉ tiêu, mục đích phấn đấu của Trung tâm, về nghĩa cử cao đẹp mà các nước phe xã hội chủ nghĩa anh em Đông Âu, dành cả triệu rúp-đô la ra viện trợ cho chúng ta,...
Đến mục bình bầu lao động tích cực, nghĩa là những thành viên nhiệt huyết, hết lòng phấn đấu vì trung tâm, trong không khí tranh đấu của mọi người, bất chợt tôi ngó ra ngoài cửa sổ, trông thấy con bò, nó đang nhởn nhơ gặm cỏ.
Chỉ sau năm, sáu tháng được hít thở khí trời tự do, thoải mái gặm cỏ, và chẳng có ai định hướng cho nó cả, chú bò gầy giơ xương trước kia, nay thành mũm mĩm. Ôi, con vật ít tư duy kia lại đem cho xã hội một đống của cải, vật chất cụ thể. Giá trị của nó là mấy chục cân thịt nục nạc. Chẳng như một lô cán bộ nghiên cứu họp trong phòng này, toàn là trứng vịt lộn. Bất chợt phát hiện ra điều lý thú kia, suýt tôi giơ tay, bầu con bò là lao động tích cực, không, phải lao động xuất sắc cơ. May mà tôi mới chỉ thoáng có ý nghĩ trong đầu. Hôm ấy mà bầu con bò là lao động xuất sắc, thì tôi chẳng có cái bằng đại học như ngày hôm nay.
@by txiuqw4