Đời làm báo, tôi gặp gỡ và làm việc với khá nhiều người. Xin kể trước một kỷ niệm, tôi vinh hạnh được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chuyện lý thú là, bác Giáp chủ động rẽ vào gặp tôi. Đó là vào khoảng đầu những năm chín mươi. Hồi ấy Đại tướng đến dự hội nghị về môi trường. Trước khi diễn ra hội nghị, bác Giáp đang đứng ngoài hội trường. Tôi chỉ tay và giới thiệu vị danh tướng thế giới với Đêvít, Trưởng đại diện Quỹ Động vật hoang dã thế giới tại Việt Nam, WWF. Đêvít bảo, biết vị danh tướng này từ hồi còn là sinh viên ở Mỹ. Rất hâm mộ Đại tướng, anh đến chào Đại tướng. Tiếc rằng tôi không có máy ảnh, nếu chụp được một bức, Đêvít sẽ quý lắm.
Cũng hội nghị này, trong giờ giải lao, tôi ngồi lại một mình, trên bàn có biển đề Nhà báo. Tôi vừa uống nước, vừa nhấm nháp chiếc bánh kem. Chợt bác Giáp tiến lại phía bàn tôi. Bác cười và hỏi: Nhà báo hả..... Tôi cảm động qúa, đứng lên chào bác. Bác giơ tay cho tôi bắt. Tôi vội mở chai nước suối và bóc phong bánh kem mới, mời bác. Nhận chiếc bánh từ tay tôi, bác Giáp nhúng luôn bánh vào cốc nước suối. Tôi ngỡ ngàng nhìn hàm răng trắng ngà và đều đặn, bác cười giải thích, răng giả hết ấy mà.
Tôi cứ tiếc mãi, hôm đó giá có anh bạn nhà báo nào chụp cho mình bức hình, tôi được ngồi hầu chuyện Đại tướng, thì quý biết bao. Nghĩ, tôi còn tiếc đến bây giờ.
Giáo sư Đặng Hùng Võ là người hóm hỉnh, thông tuệ, dễ gần,… Có buổi chúng tôi tổ chức diễn đàn trực tiếp. Đón ông ở cổng cơ quan, tôi ngong ngóng nhìn các xe con chạy qua cơ quan. Bất chợt một chiếc xe máy ập đến, đỗ xịch. Sau xe, Giáo sư Võ trèo xuống. Tôi hơi bất ngờ, vội vã ra chào và tò mò hỏi ông, sao… lại dùng xe ôm. Ông cười, bảo: Buổi trưa, cho cậu lái xe về. Mình bắt xe ôm cho tiện. Đơn giản, tiện lợi quá, chẳng kích dích, phiền hà ai.
Một lần khác, khi ngồi bàn nước chờ đến giờ thu, chúng tôi chuyện phiếm. Giáo sư Võ tủm tỉm, kể cái chuyện trước đây ở cơ quan ông. Tôi không nhớ là cục nào, đại khái nó liên quan đến bản đồ. Nơi ông làm việc, lãnh đạo mâu thuẫn lắm. Mẫu thuẫn đến mức, mấy năm liền chẳng có công văn nào được ký. Không có cục trưởng, còn mấy cục phó, chẳng ông nào chịu ông nào. Giáo sư kể:
- Vì mâu thuẫn nặng, cấp trên biết, phải tổ chức hẳn đoàn về thanh tra. Sau ba bốn tháng làm việc, đoàn ra mấy kết luận. Trong đó kết luận thứ nhất là: sự mâu thuẫn này, trước nhất, không có bàn tay địch.... Ối dào ơi, cơ quan to bằng cái ngón tay. Có phải quốc phòng, an ninh quan trọng gì đâu. Chẳng phải thanh kiểm tra, ai chẳng rõ, làm gì có bàn tay địch! Chỉ có mấy ông lãnh đạo nhà ta mâu thuẫn, đấu đá nhau....
Lần ấy tôi có chuyến đi công tác mấy tỉnh miền núi cùng bác Cư Hoà Vần, lúc đó bác là Trưởng ban Định canh định cư, thuộc Bộ Lâm nghiệp và sau này từng là Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội. Chuyến đi cũng nhiều chuyện đáng nhớ.
Tỉnh đầu tiên là Hoà Bình. Xe theo đường B52, nay là Trường Chinh ra hướng Thanh Xuân. Gần đến Ngã Tư Sở, thì bất ngờ từ hướng đường Thanh Xuân, một chiếc xe tải lao tới ào ào, nó leo cả lên vỉa hè và phóng thẳng về phía chúng tôi. Mọi người trên xe hốt hoảng, chỉ còn biết ơ ớ kêu. Nó lao thẳng vào xe ô tô phía trước chúng tôi. Mấy chiếc xe xô vào nhau, dồn đống. May có chiếc xe trước làm vật đệm, nên xe tôi chỉ bị xây xát chút ít và người trên xe chỉ va đập nhẹ.
Chúng tôi vội vàng thoát nhanh khỏi đám tai nạn, chạy tới gần thị xã Hà Đông liền tạt vào quán nước cho anh em hoàn hồn. Mọi người trên xe vẫn còn bàng hoàng trước tai nạn suýt xảy ra với mình trong gang tấc, riêng bác Vần vẫn bình thản, như không có chuyện nguy hiểm vừa xảy ra.
Làm việc với Uỷ ban huyện Đà Bắc xong, theo lời mời của ông chủ tịch huyện, chúng tôi về chơi quê ông. Bản của chủ tịch cách huyện lỵ Đà Bắc khoảng ba mươi cây, nằm ở độ cao năm, sáu trăm mét. Đường đi khá xấu, toàn đường đất leo dốc.
Đến một đoạn, xe trước dừng lại, ông chủ tịch huyện nhảy xuống, chỉ con suối cạn, bảo nếu đi theo đường này, về nhà ông gần được dăm cây số, chỉ tội đường xấu. Bác Vần gật: Đi được. Nói rồi ông bảo lái xe, để ông lên cầm vô lăng. Hồi đó một cán bộ to thế, mà lái xe là chuyện lạ. Bác Vần thuộc hạng tay lái cứng. Lòng suối cạn chạy ngoằn nghèo, đá cuội lổn nhổn, xe chúng tôi vẫn bám sát xe trước.
Nhà ông chủ tịch huyện ở một vị trí khá đẹp. Trước nhà nhìn xuống cái vực, cây rừng ngàn ngạt xanh. Chủ nhà và mấy dân bản tíu tít chuẩn bị bữa cơm đãi khách. Đồ ăn được bày ra sàn, có thịt rừng khô, măng tươi,... Trong lúc người nhà chuẩn bị bữa ăn, ông chủ tịch hàn huyên với khách. Ông say sưa nói về thông thổ, dân tình trong vùng. Trong lúc trò chuyện, ông bỏ ra cái chai:
- Các vị có biết, con gì đây không?
Nói xong ông giải thích ngay, con tấc đấy. Một con sâu ngâm trong rượu, dài và to cỡ ngón tay giữa. Tôi nghĩ bụng, chắc một vị thuốc nam. Ông chủ tịch túc tắc kể về con tấc kia. Loài này sống trong nước, chỉ những vùng nước lặng hay tù. Một lần ông đi bộ, cắt rừng về nhà. Thời tiết nóng nực, ông dừng lại một quãng suối, vục nước rửa mặt. Chỗ dừng chân, quãng suối lặng.
Chuyện bình thường, ông chẳng để ý nữa. Hai, ba tuần sau, ông ho liên tục, mũi thì nhức. Dùng mãi kháng sinh không chuyển, ông đành sang bệnh viện huyện khám. Cuối cùng bác sỹ đã phát hiện ra nguyên nhân, trong mũi ông có vật đang ký sinh. Kể tới đây ông giơ cái chai:
- Con này đấy. Tôi ngâm nó để nhớ.
Nhìn con tấc trong chai rượu tôi thấy rùng mình. Nó to thế mà sống trong mũi người, khiếp thật!
Bữa cơm diễn ra vui vẻ. Người miền núi chân tình, hiếu khách. Hôm đó chúng tôi uống nhiều rượu. Quãng chín, mười giờ đêm, bữa ăn mới xong. Sau khi dọn dẹp, chủ nhà trải chiếu ra sàn. Đoàn khách hơn chục người, bốn, năm cái chiếu được trải ra, riêng chiếc chiếu giữa là đặt đôi gối. Thấy bác Vần ngả mình, tôi nhanh nhảu cầm một chiếc gối đưa cho bác. Bác Vần lắc đầu, từ chối. Chúng tôi đều ngả lưng xuống các chiếu trải xung quanh. Chiếu giữa chưa ai nằm và đôi gối vẫn còn nguyên.
Một lúc sau khi đèn đóm tắt. Trong nhà nhờ nhờ sáng. Tôi thoáng nghe tiếng bước chân. Kìa, vợ chồng chủ nhà bước vào cái chiếu trải giữa. Đến lúc này tôi mới chợt hiểu, tại sao lúc trước, tôi đưa gối, mà bác Vần từ chối. Đấy là phong tục của đồng bào vùng này, vợ chồng chủ nhà ra ngủ "tiếp khách" và đôi gối ấy dành cho họ.
Lâu nay nghe chuyện ông này, bà kia đến phát biểu nhầm hội nghị. Thôi thì cao tuổi, ngày dự và chỉ đạo hai, ba hội nghị, có rút và đọc nhầm báo cáo chuẩn bị sẵn trong túi cũng là chuyện thường. Đằng này có vị chỉ đạo hội nghị cả buổi sáng, mà vẫn không biết mình chỉ đạo nhầm.
Khoảng năm chín mươi, tôi được Phòng phân công đi viết hội nghị về định canh. Hội nghị vinh dự được đón một ông tướng đến phát biểu chỉ đạo. Ông này từng đảm nhận chức vụ khá to ngoài quân đội. Dự hội nghị là đại biểu đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng cao, có khoảng 300 đại biểu. Khi ông tướng lên phát biểu, nghe giới thiệu danh tính, các đại biểu trân trọng và cảm động lắm, mọi người rào rào giở sổ tay ra ghi chép.
Ông này nói to, chỉ tội hay ho khạc. Có lẽ ông bị viêm xoang, hay viêm họng gì đó, cứ mươi giây lại ho khạc một nhịp. Tiếng ho được cái mi cờ rô phóng thanh lên oang oang, thành ra hội trường cứ ầm ào như hội nghị ho. Ông này nói được một lúc, các đại biểu cũng ghi chép được một hồi, song lúc này, nhiều đại biểu dừng viết và ngỏng tai lên nghe ngóng, ánh mắt phân vân. Hình như ông lãnh đạo nói cái gì ấy, chẳng liên quan đến đồng bào, cũng chẳng liên quan đến vùng núi cao, mà toàn chuyện thế giới đẩu đầu đâu. Nhiều đại biểu nghĩ, có thể lãnh đạo mào đầu rộng, đi từ xa đến gần, tức là từ vĩ mô mới đến vi mô.
Mười lăm phút, nửa tiếng, một tiếng, ông lãnh đạo vẫn cứ vĩ mô nói. Lúc này chẳng còn đại biểu nào ghi chép nữa, có ghi chép cũng chẳng lấy đủ giấy đâu ra mà ghi, ông ấy nói dài đến thế cơ mà. Người thì lơ đãng nghe, người thì nói chuyện riêng, người thì ngủ gật, có người ra sân hội trường hóng gió. Trong khi ông lãnh đạo nói, độc anh thư ký là chú ý nhất, nhưng anh ta nghe mà nhấp nhổm, cứ như ngồi trên tổ kiến lửa, còn mặt mũi khá lạ.
Ông tướng nói hăng thật, nói từ tám giờ ba mươi, đến mười một giờ rồi, vẫn nói. Đến quá mười một rưỡi, chắc nói mệt, ông này mời dừng lời. Khi nghe ông dừng chỉ đạo, đại biểu thở phào nhẹ nhóm, chen vội ra hành lang để đi ăn, họ làm như ông lãnh đạo kia sẽ giữ họ lại để chỉ đạo tiếp.
Người ta đặt vè xếp các bà vợ vào loài nói dai. Xếp đối tượng nói dai chỉ có các bà vợ, như vậy là còn thiếu. Các cụ dạy, nói dài, nói dai, đâm nói dại. Nói dài đến ba tiếng, mà lại nhầm, thì gọi là nói gì?
Vừa thấy thủ trưởng dừng lời và từ bục bước xuống, anh thư ký vội vã tiến lại, thì thầm. Nghe anh ta báo cáo, ông tướng quắc mắt lên và tiếng ông oang oang. Lúc này tuy không có míc phóng to, những mấy đại biểu đang đi qua gần đấy, đều nghe rõ:
- Tôi chỉ đạo nhầm nội dung à? Có thế mà cậu không nhắc. Thư ký mà làm ăn như thế à!
Chiều đó, ông lãnh đạo lại đến chỉ đạo gỡ thêm hai tiếng nữa, từ hai giờ đến quá bốn giờ chiều. Lần này thì ông nói đúng nội dung, đúng hội nghị, nhưng ho khạc thì vẫn như buổi sáng.
@by txiuqw4