Rượu là một phát minh của nhân loại! Thế nên, trong các buổi tiệc tùng, chiêu đãi, bao giờ người ta cũng dùng rượu.
Triết lý của dân rượu: Uống mà không say, thì uống để làm gì? Phí rượu!
Lại triết lý nữa: Uống mà không say uống là không phải uống.
Uống để ta tỉnh người say.
Uống say mà ta vẫn tỉnh.
Uống.......
Nghe đồn ông Chu Ân Lai là bậc cao thủ. Chả biết có thật không, vì đã uống với ông ta bao giờ.
Nhà thơ Lâm Huy Nhuận, con trai nhà thơ Yến Lan, có thơ say:
Có một lần say khóc
Nỗi buồn thả dây cương
Tỉnh lại ân hận mãi
Có vương ai trên đường
Sếp Hoàng, tôi và Hùng Béo đôi chiều uống với nhau. Quán góc ngã tư Khâm Thiên là điểm chúng tôi ưa ngồi. Chúng tôi uống có lúc tỉnh, lúc say, có lúc khi say mà tỉnh, có lúc khi tỉnh mà say. Nhưng say như cụ Lý Bạch, thì chửa bao giờ có.
Nói về say rượu, thì ngày bé tôi có một bữa uống vụng rượu, bị say chí chết. Không ngờ, lớn, lại làm đúng nghề phải say. Ngay khi về Đài, có buổi liên hoan phòng, tôi lính mới, vì biết nấu ăn, liền lao vào bếp.
Hôm ấy, ngoài anh em trong phòng, còn có bác Đặng Tình. Bác vốn trước chỉ đạo mảng nội dung của phòng Dân tộc. Nhà văn Đặng Tình giành hai giải nhất truyện ngắn báo Văn nghệ và giải ba truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội. Bác từng là Trưởng ban Đồng Bào. Cái tên ông Thào mà nhiều người đùa gọi bác là nhân vật trong truyện ngắn bác viết. Một dịp tôi định ngo ngoe viết chuyện miền núi, sau khi đọc truyện của bác Đặng Tình, nghe văn chương và thấy một người quá am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng bào, chuyển tải được cái thần của đồng bào dân tộc sang ngôn ngữ Việt, tôi không dám viết nữa. Văn thế mới là viết!
Bữa liên hoan, nấu nướng ngay tại phòng. Củi lửa là gỗ gỡ ra từ mấy thứ lung lay khắp các bàn, ghế, còn tủ thì tấm nào mọt mọt, cho vào nổi lửa luôn. Thiếu, dùng thêm giấy báo.
Lúc tôi ngồi chặt thịt gà, anh Đinh Sơn ngắm lính mới, buông câu: Thằng Mới! Và anh cười hề hề. Tôi cú quá. Ông này dân ngôn ngữ, văn chương nhiều, tưởng tôi anh chàng học hoạn lợn, nên gọi xỏ mình là thằng Mới. Thế có cú không cơ chứ.Tôi nhớ và thù mãi. Bữa liên hoan đó tôi được trận say chí chết. Nghĩ lại, mình mới về cơ quan, sao không biết giữ gìn, cứ thục mạng, hết mình uống.
Trận say nhớ đời là chuyến đi công tác Lạng Sơn. Tối đó Ban Định cư tỉnh đãi khách. Trừ sếp Phán Lương không uống, còn chủ, khách say khướt. Say đến mức, mấy ông trong Ban định canh túm vào đánh nhau, còn khách chúng tôi hô hố cười, vỗ tay tiếp sức. Vui nhất là một ông cán bộ định canh chồm chỗm ngồi lên bài nhặt xương ăn tiếp.
Sáng hôm sau sếp Lương vào phòng, thấy anh Nhung nằm thiêm thiếp, hỏi, như thế này nó say đến bao giờ. Anh Thuận, phải mấy ngày nữa. Sếp hoảng. Đúng lúc ấy anh Đinh Sơn nhỏm lên, tỉnh như sáo.
Tôi còn nhớ chuyện đợt ấy chúng tôi tranh luận với ông lãnh đạo Sở Tài chính Lạng Sơn. Ông này nói rất hay và có lý của ông ta. Khi tôi hỏi về ngân sách tỉnh dành cho công tác nghiên cứu khoa học, ông say sưa trình bày, say sưa tới mức, coi chúng tôi như kẻ đi xin kinh phí.
- Nghiên… nghiên cứu cái gì. Các ông cứ dài ra đòi kinh phí. Tôi hỏi, xưa nay nông dân Lạng Sơn nghiên cứu cây thuốc lá bao giờ. Vậy mà thuốc vẫn ngon, khói vẫn đậm. Còn các ông vòi tiền, tỉnh đầu tư không biết bao nhiêu rồi. Cây thuốc lá chưa nghiên cứu, thì cao tới cả mét mới có hoa, lá to bằng tàu lá chuối. Còn các ông nghiên cứu, thuốc mới cao bằng cấy lúa, đã trổ hoa, lá thì to bằng cái lá hẹ. Đấy, nghiên cứu đấy! Tôi mà có quyền ấy à, cứ đuổi ráo đám khoa học nghiên cứu ấy đi.
Không biết đuổi được những ai, chỉ biết rằng, chính ông này suýt bị đuổi. Hình như ông dính vào tham nhũng. May thay, tự dưng ông lăn đùng ra bán thân bất toại, nên không phải hầu toà. Sau này mỗi khi gặp anh Thuận, tôi thường đùa, chào anh: Nghiên cứu, nghiên cứu cái gì...
Với anh Thuận có nhiều chuyến công tác Tây Bắc và vùng cao. Ông này là cái kho tiếu lâm phóng tác và thu nhặt lắm thứ chuyện ở Đài. Thường người miền núi rất hồn nhiên, hay hỏi đi nhờ xe, anh Thuận gọi đùa các chàng trai trẻ Mông là anh cu Tỉn. Một lần chúng tôi đến huyện lỵ Bắc Hà, vùng quê rượu ngô của người Mông ngon có tiếng, nghỉ tại nhà khách huyện, là khu dinh thự của viên quan người Mông Hoàng A Tưởng, xây năm 1919.
Hôm đó chúng tôi đến đúng vào dịp có cuộc họp cán bộ các xã. Đường từ xã, bản lên huyện, nhiều nơi mất cả buổi xe ôm, nên cán bộ xã thường lên ngủ đêm trước ở huyện, hôm sau họp. Buổi sáng tôi và anh Thuận ra đánh răng, rửa mặt.
Tôi múc chậu nước, vắt khăn lên thành chậu và ngồi đánh răng. Mải đánh răng, khi quay lại, tôi thấy một anh cán bộ người Mông hồn nhiên dùng khăn và chậu nước tôi múc sẵn, rửa mặt. Tôi ngạc nhiên, nhưng nín lặng. Chờ cho anh ta rửa mặt xong, tôi tráng và múc lại chậu nước khác, dùng tay mà rửa. Rửa mặt xong, quay sang, thì lại thấy cả bản chải và ca đang được anh ta sử dụng tiếp. Còn đang ngây ra nhìn, thì ông cán bộ kia, sau khi đánh răng, rửa mặt xong, hồn nhiên trả lại bàn chải và khăn mặt cho tôi. Còn anh Thuận lúc này sằng sặc cười:
- Thế nào, biết anh cu Tỉn chưa?
Trở lại buổi sáng, sau bữa say rượu đêm trước ở Ban định canh Lạng Sơn, chúng tôi tới làm việc với đồn biên phòng Tân Thanh. Thôi rồi, lại sa vào ổ say. Bia đổ như nước, cả đoàn được trận say tiếp. Say, mà ngay sau đó, chúng tôi vẫn lên xe. Liều thật.
Xe theo đường số 4 đi Bắc Sơn. Đường núi vắng hoe. Nhìn bên đường ngăn ngắt đá vôi cao xanh thẳm. Ban Lương sợ lạc, mấy lần bảo dừng xe hỏi đường, nhưng sợ trấn lột, lại thôi.
Tới một quán nước, xe dừng, gặp được ông khách. Ông này giới thiệu là chánh văn phòng Tràng Định và còn hỏi đi nhờ nữa. May quá, chúng tôi rước vội ông ta lên xe. Trên xe, thấy ông này líu lo nói. Thôi chết rồi, vớ phải một ông say. Xe bốn người, thì ba ông say, kiếm được tay dẫn đường, lại phải ông say nốt. Được cái trên xe toàn kẻ say, nên câu chuyện rôm rả. Có lúc anh Thuận vừa điều khiển xe, vừa ngó sang bên đường:
- Lãng phí quá! Sao lại xây những hai cái nghĩa trang liền nhau.
Ban Lương đã sẵn sợ ông lái say, vẫn không nhịn được, phá lên cười:
- Có mày say, một, nhìn thành hai.
Sau chuyến đi này, say thế mà anh Đinh Sơn viết được cái ký thật hay.
Đài có hai vị cùng họ, cùng đệm, nhưng không phải anh em, họ hàng, là nhạc sỹ Dương Nhật, Trưởng phòng Tham quan Minh Nhật. Tôi và họ có mấy bận say.
Minh Nhật tâm huyết với nghề và cũng là một tay viết cứng. Còn trẻ mà cũng say ra phết. Một bận tôi và Minh đi uống. Lúc về say, tôi đèo Minh phóng như bay. Qua quãng Cửa Nam, có anh béo cảnh sát giao thông đứng chỉ đường. Lúc đó đường đông, xe chạy chầm chậm. Tôi phải tạt sát vào anh cảnh sát. Minh ngồi sau, giơ tay, đập một nhát vào cái mông béo của anh ta, miệng quát to:
- Ơ, cái đít!
Anh cảnh sát giao thông bất thình lình bị đập đít, ngớ ra nhìn. Thấy kẻ say, đành chỉ biết cười nhìn theo.
Còn một bận tôi đi uống với Dương Nhật nhạc sỹ, tôi say và Dương Nhật tỉnh. Lúc về, anh bạn lại dại dột trèo lên xe tôi. Tôi say lướt xe vù vù. Vừa phi, tôi vừa quay lại chửi bạn. Chửi rất hăng. Kẻ say nó chửi, thì không sao, kệ xác nó. Đằng này nó lại cầm tay lái, mình ngồi sau và nó chẳng nhìn đường, cứ ngó ngang mà chửi. Anh chàng Dương Nhật sợ, xuống không được, ngồi không xong, chỉ còn cách xuống nước, mặc cả với kẻ say:
- Thôi, ông cứ chửi đi! Nhưng thẳng mặt lên mà chửi.
Nghe bạn bảo vậy, nghĩ, tôi càng tức, nó khinh mình. Chửi mà không nhìn vào mặt nhau, thì chửi cái nỗi gì. Tôi liền quay hẳn lại chửi. May chả xô vào ai.
Hôm sau Dương Nhật hỏi tôi:
- Hôm qua ông chửi gì thế?
- Chửi ai, chửi cái gì?
- Ông chẳng chửi hăng lắm cơ mà!
- À, tao thấy mấy thằng đi đường, phi xe nhanh quá. Bảo chúng từ từ thôi, kẻo không, tai nạn giao thông, chết bỏ mẹ cả lũ!
Tôi làm quen và chơi với Dương Nhật cũng vì quá hâm mộ nhạc sỹ. Sau chơi rồi, thấy anh chàng này rất sát giải, cứ dự thi là trúng, mà trúng toàn giải to, đâm nể. Nhưng khoản nghe nhạc của Nhật, tôi hãi, toàn thính phòng, giao hưởng, ngang bằng đêm nghe buổi nhạc đãi của cậu em Trường Doãn.
Tôi phải kể thêm trận say ở Khu bảo tồn Pù Mát, Nghệ An. Chuyến ấy tôi vào Pù Mát để phản ánh dự án rừng do anh bạn trẻ Đậu Phi Tú theo dõi. Tú nhà ở ngay thành Vinh, nay phụ trách một dự án liên doanh vơi Đài Loang, tới hai mươi triệu đô. Một anh chàng năng động và dễ mến. Bữa trưa, các thày cô trường trung học phổ thông Con Cuông mời cơm nhà báo. Các thày cô nhiệt tình quá, tôi lu bù được chuốc rượu. Kể ra mình hơi tham, nếu khéo từ chối, chả say thế. Lúc về, nhà trường cử một ông thày đỡ say, đèo tôi. Đưa đến cổng trụ sở Khu bảo tồn, thày giáo lảo đảo quay xe luôn.
Tôi loạng choạng bước vào nhà bảo vệ, nằm vật ra chiếc võng mắc sẵn ở đây. Tưởng người lạ, anh bảo vệ vừa thay ca, bước lại phía tôi. Anh ta nói nhiều lắm, mà tôi chẳng rõ anh ta nói gì. Thấy anh ta nói mãi, tôi đành ngóc đầu lên, phun cho một bãi. Anh chàng hoảng hồn, may còn né kịp, không thì hưởng trọn bãi nôn tôi tặng. Chiều ấy ông Giám đốc Khu bảo tồn có bữa chiêu đãi. Đến lúc này anh bảo vệ kia mới nhận ra khách. Cầm ly rượu, anh chàng tiến về phía tôi, bẽn lẽn xin lỗi khách. Giám đốc không hiểu anh chàng dưới quyền xin lỗi khách cái gì, hỏi, tôi liền gạt phắt:
- Nôn say ấy mà!
@by txiuqw4