sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bướm Và Đèn

Một con người từ bỏ tất cả, băng qua đại dương, tới Mỹ và trở nên giàu có. Thôi được, về ông ngoại tôi như thế là tạm đủ, bất kể ta gọi ông là Goljaczek (theo tiếng Ba Lan), Koljaiczek (theo tiếng Kashubes) hay Colchic (theo tiếng Mỹ).

Với một cái trống thiếc tầm thường bán đầy ở quầy đồ chơi các cửa hàng bách hoá tống hợp, thật chẳng dễ gì mô tả cho sinh động những đoàn bè gỗ trôi đầy sông đến tận chân trời. Tuy nhiên, tôi đã dùng tiếng trống gợi lên được hình ảnh khu cảng gỗ với hàng mớ củi rều lềnh bềnh trong vịnh hoặc mắc vào những đám sậy, tái tạo được những bến hạ thủy của các xưởng đóng tàu Schichau và Klawitter, kho chứa sắt vụn của nhà máy toa xe, bãi thải cùi dừa khô thối hoắc của nhà máy macgarin, tất cả các ngóc ngách của cái cù lao bến cảng này mà tôi thuộc như lòng bàn tay.

Ông chết rồi, ông không hề trả lời, không tỏ ra quan tâm chút nào đến các cuộc hạ thủy những con tàu nhà vua, đến sự suy sụp của một con tàu bắt đầu ngay từ lúc hạ thủy và đôi khi kéo dài suốt hai, ba chục năm, cụ thể là trường hợp của TĐV Columbus có dạo được gọi là niềm kiêu hãnh của hạm đội; dĩ nhiên, người ta đưa nó vào chạy tuyến châu Mỹ và về sau nó bị đánh chìm hoặc tự đánh chìm bằng cách đục thủng đáy, trừ phi có thể nó đã được đưa lên đà để cải biến, thay tên hoặc thải bỏ. Cũng có thể con tàu Columbus ấy, bắt chước ông ngoại tôi, chỉ nhào xuống nước và đến tận hôm nay cả cái khối bốn mươi tấn ấy với phòng ăn, phòng tập thể dục lát đá hoa, bể bơi và các phòng mát xa vẫn còn vật vờ đâu đó tận sáu ngàn mét dưới đáy vụng Philppin hay Emden; ta có thể kiểm tra điều này trong sách “Weyer” hay trong các lịch hàng hải. Tôi cho rằng con tàu Columbus - thứ nhất hoặc thứ hai - đã tự đánh chìm bởi lẽ vị thuyền trưởng không còn mặt mũi nào tiếp tục sống sau một vết nhơ nào đó trên màu hạm kỳ.

Tôi đã đọc cho Bruno nghe đoạn kể về đoàn bè rồi yêu cầu y hãy thật khách quan trả lời câu hỏi của tôi.

“Một cái chết đẹp!” Bruno kêu lên phấn khích và ngay lập tức, với những đoạn dây xoắn nút, y bắt tay vào thể hiện hình tượng ông ngoại tôi chết chìm thành một sáng tác mới. Tôi đành bằng lòng với câu trả lời của y và từ bỏ những dự định ngông cuồng tìm đường sang châu Mỹ hòng kiếm chác chút của thừa tự.

Hai bạn tôi, Klepp và Vittlar, đến thăm tôi. Klepp mang đến một đĩa nhạc jazz: King Oliver cả hai mặt. Vittlar, với những cử chỉ điệu đàng, biếu tôi một quả tim bằng sôcôla tết một dải nơ hồng. Họ làm trò hề đủ kiểu, nhái lại nhiều cảnh trong vụ án của tôi và để làm vừa lòng họ, tôi làm bộ vui vẻ như những lần thăm hỏi khác, thậm chí còn cười tán thưởng những câu đùa ngớ ngẩn nhất. Trước khi Klepp kịp mở đầu bài thuyết trình tất yếu của hắn về quan hệ giữa nhạc jazz và chủ nghĩa Mác, tôi tranh thủ kể câu chuyện của tôi về người đàn ông bị kẹt dưới một đoàn bè gỗ dài bất tận, không thoát ra nổi; chuyện xảy ra vào năm 1913, không lâu trước khi cuộc chiến bắt đầu và không ai tìm thấy xác ông ta đâu cả.

Đáp lại những câu hỏi mà tôi đặt ra một cách thoải mái tự nhiên với giọng ngán ngẩm ra mặt, Klepp xoay cái bộ mặt phụng phịu trên cái cổ núng nính mỡ, cởi khuy áo rồi lại cài vào, làm ra cách đang bơi như thể chính hắn đang ở dưới bè vậy. Cuối cùng, hắn lắc đầu thoái thác và viện lẽ mới đầu giờ chiều, còn quá sớm để trả lời câu hỏi của tôi.

Vittlar thì ngồi cứng đơ, trong khi bắt chéo chân vẫn thận trọng không để nhàu những nếp “li” của chiếc quần kẻ sọc nhỏ, phô cái vẻ cao ngạo kỳ lạ chỉ có thể thấy ở những thiên thần nhà trời. “Tớ ở trên bè. Tớ thấy ở trên bè là tốt. Phiền một nỗi bị muỗi đốt. Tớ ở dưới gầm bè. Cũng tốt. Chẳng có con muỗi nào đốt tớ. Thật dễ chịu. Tớ nghĩ tớ có thể sống thoải mái dưới gầm bè miễn là không muốn ở trên bè để bị muỗi đốt.”

Vittlar dừng lại một lát để gây hiệu quả, nhìn kỹ tôi từ đầu đến chân rồi, nhướn cặp lông mày vốn đã khá cao như mỗi lần hắn muốn ra bộ giống một con cú mèo và nhấn giọng theo cách rất tuồng: “Tớ đồ rằng người chết đuối dưới gầm bè, nếu không phải là ông ngoại cậu, thì cũng là ông chú cậu. Cảm thấy có nghĩa vụ đối với cậu trong tư cách là ông chú và, hơn thế nữa, là ông ngoại, ổng thà chết còn hơn vì không gì khổ hơn cho cậu là có một vị ông ngoại còn sống. Do vậy cậu không những là kẻ giết ông chú cậu mà còn là kẻ giết ông ngoại cậu. Tuy nhiên, như mọi đấng ông ngoại chân chính, ổng muốn phạt cậu một tí, ổng không cho cậu niềm thoả mãn được hãnh diện chỉ vào một cái xác trương phềnh nước mà rằng:

‘‘Hãy nhìn ông ngoại tôi chết đây này. Đó là một vị anh hùng! Ông đã lao mình xuống nước khi bọn chúng truy đuổi ông. Ông ngoại cậu đã giấu biệt xác của mình đi không cho ai thấy. Tại sao? Để cho hậu thế và thằng cháu ngoại của mình còn phải băn khoăn bận tâm về ổng dài dài.”

Rồi vụt đổi giọng, ra bộ ranh mãnh, hắn hơi ngả người về phía trước, vỗ về: “Châu Mỹ! Vui lên đi, Oskar! Cậu có một mục đích, một sứ mệnh trong đời. Cậu sẽ được trắng án, được thả. Và cậu sẽ đi đâu nếu không phải là châu Mỹ, nơi mà người ta có thể tìm thấy lại mọi thứ, kể cả một người ông bị mất tích!”

Câu trả lời của Vittlar, tuy đầy ý giễu cợt, thậm chí xúc phạm, vẫn cho tôi cảm giác xác thực hơn là cái kiểu dấm dẳn của Klepp bạn tôi, cứ lập lờ giữa sống và chết chẳng chút phân định rạch ròi, và hơn cả câu trả lời của gã y tá Bruno nữa; gã này thấy cái chết của ông ngoại tôi là đẹp chỉ vì một lý do duy nhất: ít bữa sau khi ông tôi mất, con tàu Columbus được hạ thủy. Cầu Chúa ban phước cho cái châu Mỹ của Vittlar, nơi bảo tồn những người ông, mục đích và lý tưởng mà tôi có thể vịn vào để vươn dậy nếu một ngày nào đó, chán châu Âu, tôi định quẳng cả trống lẫn bút: “Tiếp tục viết đi, Oskar, hãy làm thế vì ông ngoại Koljaiczek của cậu, vị tỷ phú chán sống, nhà buôn gỗ ở Buffalo, ở Mỹ, người chơi nghịch diêm trong toà nhà chọc trời của mình!”

Khi, cuối cùng, Klepp và Vittlar chào và ra về, Bruno bèn thông gió triệt để cho căn phòng nhằm xua hết cái mùi khó ngửi của các bạn tôi. Rồi tôi lại vớ lấy trống, nhưng tôi không kể về những thỏi gỗ bè giấu tử thi nữa; tôi gióng lên cái tiết tấu nhanh, hoạt mà mọi người phải nhất nhất hoà nhịp theo trong một thời gian dài từ sau tháng Tám năm 1914 ấy. Điều đó khiến tôi chỉ có thể nói qua loa về quãng đời, cho tới cái giờ tôi lọt lòng, của cái nhóm nhỏ dăm ba người chịu tang mà ông tôi để lại bên châu Âu.

Khi Koljaiczek mất tích dưới đoàn bè. Bà ngoại tôi cùng con gái là Agnès, ông Vincent Bronski cùng con trai là Jan bấy giờ mới bảy tuổi, đang đứng trên bến bãi xưởng cưa, giữa đám họ hàng bà con cánh thợ bè, lo lắng theo dõi. Đứng né một chút bên cạnh là Gregor, ông anh trai của Joseph, người được gọi lên tỉnh để thẩm vấn. Ông Gregor này bao giờ cũng sắp sẵn vẫn một câu bất di bất dịch để trả lời cảnh sát:

“Tôi chả biết gì mấy về em trai tôi. Thực tình, tôi chỉ biết tên nó là Joseph. Lần cuối cùng tôi gặp nó, có lẽ nó chỉ mới mười hoặc mười hai tuổi là cùng. Nó thường đánh giày cho tôi và đi mua bia mồi khi mẹ tôi và tôi muốn uống bia.”

Mặc dù nhờ đó người ta có thể xác định được rằng cụ cố bà tôi vốn thích uống bia, câu trả lời của Gregor vẫn chẳng giúp gì cho cảnh sát. Song sự hiện hữu của ông anh trưởng Koljaiczek lại là một hỗ trợ lớn cho bà ngoại tôi. Ông Gregor đã sống đa phần cuộc đời ở Stettin, Berlin, rồi cuối cùng ở Schneidemÿhl, lưu trú tại Danzig, kiếm được việc làm ở nhà máy thuốc súng và sau một năm, khi mọi rắc rối, như cuộc hôn nhân của bà tôi với người mạo danh Wranka, đã được làm sáng tỏ, ông bèn cưới bà; bà vẫn thiết tha với dòng họ Koljaiczek và ắt sẽ không lấy ông Gregor, hoặc chỉ ít cũng không sớm thế, nếu ông không phải là một người mang họ Koljaiczek.

Nhờ làm việc ở nhà máy thuốc súng mà Gregor không phải đi lính trong thời bình cũng như thời chiến sau này. Ba người vẫn ở trong cái căn hộ một gian rưỡi đã từng bao năm là chỗ nương náu của kẻ phạm tội phóng hỏa. Nhưng rồi hóa ra không phải mọi người mang họ Koljaiczek đều nhất thiết phải giống nhau, vì sau một năm chung sống, bà tôi buộc phải thuê một cửa hàng dưới tầng hầm một chung cư ở Troyl và kiếm thêm đồng rau đồng cháo bằng cách bán tạp phẩm, từ kim găm đến cải bắp, vì Gregor, tiếng rằng kiếm hàng đống tiền ở nhà máy thuốc súng, nhưng được bao nhiêu đều uống sạch trơn, không mang về nhà đến cả khoản tối thiểu cần thiết cho sinh hoạt gia đình. Khác với ông ngoại Joseph của tôi thi thoảng mới làm một tợp rượu mạnh, Gregor là một tay Lưu Linh thực sự, có lẽ bởi “gien” cụ cố bà tôi. Ông uống không phải vì buồn, cũng chẳng phải vì vui. Ngay cả khi ông có vẻ hoan hỉ - một điều hiếm thấy vì ông vốn mắc chứng sầu bi - ông cũng không uống vì vui. Ông uống vì ông là một người triệt để, thích đi đến cùng kiệt sự vật, với be rượu cũng như với mọi thứ khác. Bình sinh, chưa ai từng thấy Gregor Koljaiczek tha cho một giọt rượu nào còn nằm ở đáy cốc.

Mẹ tôi, hồi đó là một cô gái bầu bĩnh mười lăm tuổi, ngoài công việc nội trợ trong nhà, còn đỡ đần bà tôi ở cửa hàng - dán tem phiếu vào sổ cái, phục vụ khách hàng vào những ngày thứ bảy và viết những bức thư vụng về nhưng giàu tưởng tượng độc đáo để thúc các khách nợ thanh toán. Tiếc rằng tôi không còn giữ được bức nào trong số đó. Sẽ tuyệt vời biết bao nếu tôi có thể trích dẫn ra đây một vài lời kêu than đau đớn đẩy chất nhi nữ từ những bức thư đó của mẹ tôi - xin nhớ mẹ tôi hầu như mồ côi vì ông Gregor còn xa mới đạt tới tư cách hoàn hảo của một ông bố dượng. Quả thật, bà tôi và mẹ tôi phải hết sức vất vả mới giấu được cái “két” - gọi thế cho sang, chứ thực ra chỉ là hai cái đĩa sắt tây úp vào nhau trong đó chỉ có mấy đồng bạc còn chủ yếu là tiền đồng - khỏi con mắt cú vọ thèm khát và rầu rầu, rất Koljaiczek, của lão thợ làm thuốc súng. Chỉ đến năm 1917, khi Gregor Koljaiczek chết vì bệnh sốt rét, phần lãi của cửa hàng mới tăng lên chút đỉnh, nhưng cũng chả được bao nhiêu: thử hỏi, vào cái năm 17 ấy thì còn có gì mà bán với chác?

Căn phòng nhỏ - trống vắng từ khi ông thợ làm thuốc súng chết, vì mẹ tôi, vốn sợ ma, nhất định không chịu ở đó - về sau được xếp cho anh họ mẹ tôi là Jan Bronski hồi đó vừa hai mươi tuổi; sau khi tốt nghiệp trường trung học ở Karthaus và qua một thời gian tập sự ở trạm bưu diện huyện, Jan rời Bissau và cha để đi lập nghiệp với tư cách là viên chức Sở bưu chính Danzig-I. Ngoài chiếc va-li, Jan mang theo một bộ sưu tập tem đồ sộ góp nhặt từ hồi bé thơ. Quý vị thấy đó, sự gắn bó của ông với bưu chính vượt xa mối quan tâm nghề nghiệp; thực vậy, ông có một thứ tình cảm ân cần riêng tư đối với ngành hành chính này. Chàng thanh niên lẻo khoẻo với dáng đi lòng khòng này, bù lại, có một khuôn mặt trái xoan xinh đẹp, có lẽ hơi quá dịu dàng và đôi mắt đủ xanh để khiến mẹ tôi - bấy giờ đã mười bảy - phải lòng. Đã ba lần Jan ra trước hội đồng tuyển quân, nhưng lần nào cũng bị trả về vì gầy yếu đến thảm hại. Điều này nói lên quá rõ thể chất của Jan Bronski bởi hồi đó mọi kẻ thuộc giống đực còn tàm tạm đứng thẳng được đều bị dồn xuống tàu chở đến Verdun để chuyển tư thế từ thẳng đứng sang nằm ngang vĩnh viễn.

Chuyện huê tình của họ hẳn đã bắt đầu khi hai mái đầu trẻ kề bên nhau cùng xem những cuốn album tem, cùng ngắm nghía đường răng cưa và hình soi của những chiếc tem quý. Trong thực tế, nó bùng nổ khi Jan bị gọi tuyển lính lần thứ tư. Mẹ tôi, có việc lên tỉnh, đã theo ông đến tận quân khu và đứng chờ bên ngoài chòi gác của một tay dân quân. Hai người đã nhất trí với nhau rằng lần này Jan phải đăng lính bằng mọi giá để được đưa sang Pháp, ở đó không khí nổi tiếng là chứa nhiều thành phần sắt và chì có thể sẽ chữa lành hai lá phổi ọp ẹp của Jan. Có lẽ mẹ tôi đã đếm đi đếm lại số khuy trên bộ đồng phục của tay dân quân và mỗi lần kết quả một khác. Tôi có thể dễ dàng hình dung hàng khuy của mọi bộ quân phục đều được sắp xếp sao cho khi đếm đến chiếc cuối cùng bao giờ cũng là Verdun, là Hartmannsweilerkopt, hoặc một dòng sông nhỏ nào đó, sông Somme hay sông Marne.

Khi, sau ngót một tiếng đồng hồ, gã thanh niên tuyển lính-bốn-lần-không-đắt, ra khỏi cổng quân khu, lao xuống các bậc thềm và ôm chầm lấy cổ mẹ tôi mà thì thầm cái câu rất êm tai hồi đó: “Đằng trước đằng sau đều không đạt. Trả về. Cho hoãn một năm!” thì lần đầu tiên mẹ tôi ghì chặt Jan Bronsski trong vòng tay và tôi không chắc có bao giờ họ hạnh phúc hơn thế trong vòng tay nhau.

Tôi không biết những chi tiết của mối tình thời chiến ấy. Jan bán một phần bộ sưu tập tem để thỏa mãn những yêu cầu của mẹ tôi, người vốn rất nhạy cảm với tất cả những gì hợp thời trang, đẹp và đắt tiền; nghe nói ông có một cuốn nhật ký mà tiếc thay, lại thất lạc mất. Xem ra bà ngoại tôi đã dung thứ cho mối quan hệ của đôi trẻ - rõ ràng vượt xa ranh giới tình cảm họ hàng - vì Jan Bronski vẫn trú tại căn hộ chật hẹp ở Troyl cho đến một thời gian ngắn sau chiến tranh. Chàng chỉ ra đi khi sự hiện hữu của một me xừ Matzerath trở nên hiển nhiên, không thể chối cãi. Mẹ tôi hẳn đã quen me xừ này vào mùa hè năm 1918, khi bà làm y tá phụ ở bệnh viện Silberhammer gần Oliva. Alfred Matzareth, quê ở vùng Rhine, nằm viện với một viên đạn xuyên qua đùi, chẳng bao lâu, do tính tình vui nhộn vốn là bản chất của người vùng Rhine, đã trở thành đối tượng ưu ái của các nữ y tá. Mới nhúc nhắc được tí chút, ông đã lò cò ngoài hành lang, vịn tay một cô y tá nào đó, giúp việc Agnès mẹ tôi trong bếp vì chiếc mũ nữ y tá xinh xinh sao mà hợp với khuôn mặt tròn trĩnh của mẹ và vì ông vốn là người mê nấu bếp, có thể chế biến tình cảm thành xúp.

Khi vết thương lành, Alfred ở lại Danzig và kiếm ngay được chân đại diện cho một hãng văn phòng phẩm lớn ở Rhine vì ông đã làm việc ở đó từ hồi trước chiến tranh. Chiến tranh đến hồi tàn. Người ta nặn ra những hoà ước bôi bác chỉ để có cớ gây thêm những cuộc chiến tranh mới: vùng lãnh thổ quanh cửa sông Vistula - được phân giới đại khái bằng một đường chạy từ Vogelsang trên sông Nehrung dọc sông Nogar đến Pieckel, xuôi theo sông Vistula đến Czankau, cắt thẳng góc tới tận Schönfliess, vòng quanh khu rừng Saskoschin đến Hồ Ottomin, bỏ Mattern, Ramkau và vùng Bissau của mẹ tôi lại một bên và quay về Biển Baltic ở điểm KleirpKatz - được tuyên bố là một Bang tự do dưới sự kiểm soát của Hội Quốc Liên. Ngay trong địa phận bang này, Ba Lan được một cảng miễn thuế: cảng Westerplatte gồm cả kho đạn dược, sở hỏa xa và một nhà bưu điện riêng trên Quảng trường Hevelins.

Trong khi tem bưu chính của Bang tự do loè loẹt những màu vàng, đỏ của huy hiệu phường buôn thì những người Ba Lan dán trên bì thư của mình những cảnh minh họa truyền sử về Casimir [1] và Bathory [2] thuần một màu tím thê lương.

Jan Bronski theo Ba Lan nên chuyển sang làm ở Sở Bưu Chính Ba Lan. Hành động này xem ra có vẻ hồn nhiên song nhiều người lại cho đó là một phản ứng với sự không chung thủy của mẹ tôi. Năm 1920, khi Marszalek Pilsudski đánh bại Hồng quân trước cửa ngõ Vacxava, cái phép thần kỳ mà ông Vincent Bronski cho là do Đức Mẹ Mary Đồng Trinh, còn các chuyên gia quân sự thì gán cho tướng Sikorski hoặc tướng Weygand, phải, vào cái năm rất đậm nét Ba Lan ấy, mẹ tôi đính hôn với Matzerath, công dân của Đế chế Đức. Tôi đồ rằng cuộc đính hôn này chẳng làm bà ngoại tôi thích thú gì hơn bác Jan. Để lại cho con gái cái cửa hàng dưới tầng hầm ở Troyl mà bà đã gây dựng nên phát đạt, bà rút về Bissau ở với ông anh Vincent, và trên lãnh thổ Ba Lan, lại sắn váy quai cồng quản lý cái nông trại với những cánh đồng củ cải và khoai tây như thời kỳ tiền-Koljaiczek. Để cho ông anh đầy lòng biết ơn mặc sức trò chuyện với Đức Mẹ Đồng Trinh - Hoàng Hậu Ba Lan, bà trở lại ngồi bệt dưới đất trong bốn chiếc váy trước đống lửa mồi bằng vỏ khoai tây khô mà hấp háy mắt nhìn về phía chân trời vẫn ngắt từng đoạn bởi những cột điện báo.

Mãi đến khi Jan tìm được và cưới nàng Hedwige của mình, một cô gái Kashubes sống ở thành phố nhưng vẫn có ruộng đất ở Ramkau, quan hệ giữa ông và mẹ tôi mới được cải thiện. Tình cờ gặp nhau trong một tối khiêu vũ ở tiệm cà phê Woyke, mẹ tôi giới thiệu Jan với Matzerath. Hai me-xừ rất khác nhau này, song lại đồng điệu về tình cảm đối với mẹ tôi, đâm ra thích nhau, mặc dầu Matzerath vẫn thẳng thừng nhận xét bằng cái giọng đặc sệt vùng Rhineland rằng việc Jan chuyển qua sở Bưu chính Ba Lan là rồ dại.

Jan nhảy với mẹ tôi, Matzerath nhảy với nàng Hedwige cao lớn, to xương có cái nhìn không thể hiểu nổi của một con bò cái khiến người ta tưởng như cô nàng có mang thường trực.

Năm 1921, vào thời kỳ lạm phát, khi mà người ta có thể dán giấy phủ tường một căn phòng ngủ với chi phí bằng giá một bao diêm, nghĩa là bằng không, Matzerath cưới mẹ tôi. Jan là một người làm chứng, còn người kia là một nhà buôn tên là Mühlen. Về Mühlen, tôi không biết gì nhiều để kể với các bạn. Sở dĩ phải nhắc đến ông ta, chỉ là vì vào đúng thời kỳ đồng mark củng cố được đưa vào cuộc, mẹ tôi và Matzerath đã mua lại của ông ta một cửa hiệu tạp hoá xập xệ, xơ xác vì bán chịu, ở khu ngoại ô Langfuhrr. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ tích luỹ được kinh nghiệm hồi giúp việc dưới tầng hầm ở Troyl, biết cách ứng xử khéo léo với mọi loại khách hàng quen mua chịu, lại có khiếu bẩm sinh về buôn bán cộng thêm tài đối đáp linh hoạt, mẹ tôi đã vực được cái cửa hiệu sắp chết chìm phất lên đến độ Matzareth có thể từ bỏ chức vụ đại diện ngành giấy vốn chẳng phát đạt gì để giúp việc trong cửa hiệu.

Hai người bổ sung cho nhau thật tuyệt. Sự thao lược của mẹ tôi từ sau quầy hàng tương xứng với tài giao dịch của ông chồng trong giới chào hàng và bán buôn. Một điều nữa khiến cuộc hôn phối của họ càng thêm hoàn hảo: niềm đam mê của Matzerath đối với nghệ thuật nấu ăn bao gồm cả việc rửa bát đĩa - một may mắn lớn cho mẹ tôi vốn chẳng thú gì công việc bếp núc.

Căn hộ kề liền cửa hiệu đành rằng cũng chật chội và thiết kế vụng, nhưng so với điều kiện ăn ở ở Troyl (mà tôi chỉ được nghe kể lại) thì có thể xem như vào bậc trung lưu, đủ khiến cho mẹ tôi cảm thấy thỏai mái, chí ít là trong những năm đầu của đời sống vợ chồng.

Ngoài cái hành lang dài, hơi xệch xẹo, thường xuyên chất đống những hòm xà-phòng mảnh, còn có một gian bếp rộng cũng ngổn ngang các loại hàng như đồ hộp, bột mì, hạt lúa mạch. Trung tâm của căn hộ dưới tầng trệt là phòng khách có hai cửa sổ nhìn ra phố và một mảnh vườn nhỏ đằng trước, mùa hè được điểm tô bằng những vỏ ốc biển Baltic. Giấy dán tường đậm một màu đỏ vang, còn chiếc xôfa thì bọc bằng vải màu tía. Một cái bàn có tấm nối thêm, tròn góc, bốn chiếc ghế tựa bọc da đen và một cái bàn tròn nhỏ cho người hút thuốc không ngừng bị chuyển chỗ, đứng dạng chân trên một tấm thảm xanh lơ. Một chiếc đồng hồ đen và vàng treo giữa hai cửa sổ. Sát cạnh chiếc xôfa màu tía là chiếc piano đen, thoạt đầu thuê sau rồi mua trả góp, với chiếc ghế xoay đặt trên một tấm da thú lông dài màu trắng đã ngả vàng. Đối diện với chiếc piano là tủ buyp-phê đen với cửa kính trượt nẹp đen có trang trí hình trứng; phần dưới, đựng bát đĩa và khăn bàn, có cửa chạm trổ đầy hình quả trái, bốn chân là những móng vuốt đen xì. Trên mặt tủ, giữa chiếc cốc pha lê đựng hoa quả giả và chiếc bình xanh được giải xổ số, là một khoảng trống mà sau này, tài buôn bán của mẹ tôi đã kịp lấp đầy bằng một máy thu thanh vô tuyến màu nâu nhạt.

Phòng ngủ rực sắc vàng và nhìn ra sân của khu chung cư bốn tầng. Quý vị có tin tôi hay không thì tùy, nhưng cái vòm của chiếc giường phu thê đích thị là màu da trời và dưới ánh sáng xanh lơ đó, một tấm hình nàng Madeleine đỏ da thắm thịt nằm trong hang đá, ăn năn sám hối, phóng một tiếng thở dài lên mép trên bên phải của bức tranh và xoắn hai tay vào nhau, đôi bàn tay nhiều ngón đến nỗi người ta cứ phải đếm đi đếm lại vì ngỡ đâu như không phải chỉ có mười. Phía trước giường phu thê là tủ lớn láng trắng có hai cửa gương, bên trái, một bàn phấn nhỏ, bên phải, một tủ com-mốt mặt cẩm thạch; thiết bị ánh sáng gắn vào hai nhánh đồng treo thõng từ trần xuống, không che chụp bằng xa tanh như ở phòng khách mà bằng hai bán cầu sứ màu hồng nhạt từ đó chòi ra hai bóng đèn lung linh.

Hôm nay tôi đã khua trống suốt cả buổi sáng, hỏi nó xem những bóng điện trong phòng ngủ nhà tôi là bốn mươi hay sáu mươi oát. Đây không phải lần đầu tiên tôi đặt ra cho bản thân, cũng như cho cái trống của mình, cái câu hỏi cực kỳ quan trọng này đối với tôi. Đôi khi tôi phải mất hàng mấy tiếng đồng hồ mới quay về được với những chiếc bóng đèn ấy. Bởi vì tôi phải thoát ra khỏi cả một rừng bóng đèn bằng cách nện trống thật rền không khoa tay múa dùi và phải quên đi hàng ngàn nguồn sáng mà tôi đã nhóm, lên hay tắt đi, mới quay về được với những ánh quang của phòng ngủ nhà chúng tôi ở Labesweg.

Mẹ tôi sinh tôi ngay tại nhà. Khi bắt đầu đau đẻ, mẹ tôi còn ở cửa hàng, đang đóng đường vào những bao một “pao” và nửa “pao”. Đã quá muộn để đưa mẹ vào bệnh viện, đành phải gọi một bà đỡ lớn tuổi sắp thôi hành nghề, ở phố Hertastrasse gần đấy. Trong phòng ngủ, bà ta giúp cho mẹ con tôi tách rời khỏi nhau.

Vậy đó, ánh sáng đầu tiên đón tôi ra đời là hai ngọn đèn điện sáu mươi oát. Chính vì thế mà bao giờ tôi cũng thấy cái câu trong Kinh Thánh: “Cầu cho ánh sáng bừng lên, và thế là ánh sáng bừng lên” là khẩu hiệu quảng cáo đạt nhất của hãng bóng đèn Osram. Mọi sự trôi chảy, mẹ tròn con vuông, ngoại trừ điều tất yếu là vỡ đáy chậu. Tôi thoát ra khỏi tư thế lộn ngược, vốn được cả thai nhi lẫn các bà mẹ và bà đỡ ưa chuộng, để chui đầu ra trước, chẳng mấy khó khăn.

Xin nói ngay lập tức: tôi thuộc loại trẻ sơ sinh rất thính tai, với độ phát triển tâm lý hoàn chỉnh từ lúc lọt lòng, sau đó chỉ cần bổ khuyết thêm chút đỉnh. Tỉnh bơ, tôi rình ngóng những lời cha mẹ buột nói ra dưới hai bóng điện. Tai tôi cảnh giác cao độ. Đôi tai nhỏ xíu, gầy và bẹt ấy (mặc dầu vậy vẫn xinh xẻo) đã chộp được những phát biểu mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tôi bởi lẽ đó là nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi. Và những gì tai nghe được, óc bèn phân tích đánh giá tức thì. Sau khi suy ngẫm về những điều nghe lỏm được, tôi quyết dịnh một số điều cần làm và một số điều tuyệt đối không nên làm.

“Một đứa con trai. Lớn lên, nó sẽ thay chúng ta trông nom. cửa hàng,” xừ Matzerath, tưởng mình là cha tôi, nói vậy. “Chí ít chúng ta cũng biết vì sao mình đã làm lụng đến mòn vẹt mười đầu ngón tay.”

Mẹ tôi thì lo chuyện tã lót cho tôi hơn là nghĩ đến cửa hàng. “À, tôi đã biết trước là con trai mặc dù đôi khi tôi vẫn nói là thị mẹt.”

Như vậy, từ rất sớm tôi đã làm quen với cái lôgic của đàn bà. Câu tiếp theo tôi nghe được là: “Khi nào bé Oskar lên ba, bé sẽ được một cái trống thiếc để chơi.”

Trong khi cân nhắc và so sánh những lời hứa ấy của phụ mẫu, tôi quan sát và lắng nghe một con bướm đêm bay lạc vào trong phòng. Tầm cỡ trung bình và đầy lông, nó ve vãn hai cái bóng điện sáu mươi oát và hắt những cái bóng lớn gấp bội đôi cánh dang rộng của nó, trùm lên căn phòng cùng mọi thứ bày biện trong đó một chuyển động rung rinh. Tuy nhiên điều khiến tôi quan tâm nhất không phải là trò chơi chập chờn sáng-tối, mà là tiếng rì rầm đối thoại giữa bướm và đèn: bướm ta liến thoắng như thể đang hối hả bộc bạch hết những điều mình hay biết, như thể không còn thời gian nào khác để tận hưởng những nguồn sáng này, như thể đây là lời tâm sự cuối cùng của bướm với đèn vậy. Và như thể sau sự xá tội do bóng đèn ban cho, sẽ chẳng còn dịp nào để mắc tội lỗi hoặc phạm điều rồ dại.

Ngày nay, Oskar ắt chỉ nói đơn giản là chú bướm đêm chơi trống. Tôi đã từng nghe thỏ, cáo và sóc đánh trống. Loài cóc [3] có thể dóng trống gọi mưa. Người ta nói chim gõ kiến nện trống để xua bọn sâu bọ ra khỏi chỗ trú của chúng. Còn người thì gõ thanh la, chũm choẹ và trống cái. Người ta tả súng bắn như trống dồn hoặc những hồi trống ‘‘tùng-bi-li” trên pháp trường. Người ta đánh trống tan trường, đánh trống tập hợp quân sĩ, đánh trống tiễn đưa người ra đi vĩnh viễn. Có những chú bé đánh trống và những tay trống đội trưởng quân nhạc. Có những nhạc sĩ viết concerto cho bộ dây và bộ gõ. Ấy là chưa kể những cố gắng tự thể hiện của Oskar trên trống. Nhưng tất cả những cái đó chẳng thấm tháp gì so với cuộc truy hoan trống mà chú bướm đêm đã diễn tấu trên hai chiếc bóng điện sáu mươi oát tầm thường nhân dịp tôi ra đời. Có những người da đen ở châu Phi chính cống hoặc những người đen khác ở châu Mỹ song chưa quên gốc Phi, với cái năng khiếu nổi tiếng của họ về tiết tấu, có thể bắt chước loài bướm đêm Phi châu (to hơn, đẹp hơn bướm đêm Đông Âu là cái chắc) chơi trống một cách say mê cuồng nhiệt mà vẫn quy củ chặt chẽ về nhịp phách; tôi thì chỉ có thể dựa vào tiêu chuẩn Đông Âu của mình mà ca ngợi chú bướm đêm màu phấn nâu, tầm cỡ trung bình xuất hiện vào giờ tôi sinh - đó chính là sư phụ của Oskar vậy.

Đó là vào những ngày đầu tháng chín. Mặt trời đang ở cung Xử Nữ. Một cơn dông cuối hè cuốn theo hòm xiểng, đồ đạc đang xuyên đêm tiến lại gần Sao Thủy khiến tôi có thói hay chỉ trích, sao Thiên Vương cho đầu óc tưởng tượng, sao Kim khiến tôi tin vào sự tiện nghi và sao Hỏa thì cho tôi niềm tin vào tham vọng của mình. Cung Thiên Xứng, thăng lên trong phổ hoàng đạo đầu đời nơi chân trời đằng đông, khiến tôi nhạy cảm và thích phóng đại. Sao Hải Vương nhập vào phổ hoàng đạo thứ mười, tức giữa đời, cột tôi vào một thái độ trung dung giữa niềm tin vào những điều kỳ diệu và sự vỡ mộng. Chính sao Thổ, đối lập với sao Mộc trong phổ hoàng đạo thứ ba, khiến cho nguồn gốc của tôi thành khả nghi. Nhưng ai đã phái chú bướm đêm tới và, giữa lúc một cơn dông cuối hè đang la lối như một ông hiệu trưởng trường trung học, cho phép chú gieo trong tôi niềm đam mê đối với cái trống thiếc mà mẹ đã hứa sẽ cho tôi?

Trong khi bề ngoài, tôi la khóc và vào vai một đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn, trong bụng tôi đã quyết định chối bỏ mọi dự định của cha tôi, nghĩa là tất cả những gì liên quan đến cửa hàng, mà sẽ ưu tiên xem xét kế hoạch của mẹ tôi vào đúng lúc, cụ thể là vào dịp sinh nhật lần thứ ba của tôi,

Ngoài tất cả những toan tính ấy về tương lai của mình, tôi mau chóng nhận ra rằng mẹ tôi và xừ Matzerath này không đủ thông minh để hiểu và tôn trọng những quyết định, chống đối hay đồng tình, của tôi. Cô đơn, không người tri âm, Oskar nằm dưới hai bóng đèn điện và mường tượng là sự tình cứ tiếp diễn như thế này trong sáu, bảy mươi năm cho đến lúc, kết cục, một cú chập mạch làm tắt ngóm mọi nguồn sáng; thế là tôi mất hết hứng khởi ngay cả trước khi cuộc sống dưới hai bóng điện bắt đầu. Chỉ có viễn cảnh về cái trống mới ngăn được tôi khỏi bộc lộ mạnh mẽ hơn niềm khao khát muốn lộn trở về bào thai.

Vả lại, bà đỡ đã cắt cuống nhau, chẳng làm gì được nữa.

Chú thích:

[1] Vương hiệu của nhiều triều vua Ba Lan, trong đó vị đầu tiên là Casimir I (1015 - 1058) được mệnh danh là “Người Phục Hưng”, trị vì từ 1040 đến 1058.

[2] Dòng họ quý tộc Hunggary khởi đầu từ thế kỷ XIII, trong đó có thể kể Istvan Bathory (1533 - 1586) từng làm vua ở Ba Lan.

[3] Trong nguyên bản là ếch, chúng tôi đổi thành cóc cho hợp với nếp nghĩ và tín niệm của người Việt: cóc nghiến răng là trời sắp đổ mưa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx