sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cuốn Album Ảnh

Tôi còn giữ được một kho báu. Suốt những năm xấu gồm toàn ngày chiếu theo lịch, tôi đã giữ gìn, cất giấu nó những lúc không giở ra xem; trong cuộc hành trình trên toa chở hàng, tôi ghì nó vào ngực và khi tôi ngủ, Oskar ngủ trên kho báu của mình: cuốn album ảnh này.

Không có cái nghĩa trang gia đình này mà nhờ đó mọi sự trở nên phân minh, rõ ràng như ban ngày, liệu tôi có thể làm gì được? Album có một trăm hai mươi trang. Trên mỗi trang, từ bốn đến sáu, hoặc đôi khi chỉ hai, tấm hình được dán cẩn thận, cái trên cái dưới hoặc cạnh nhau, phân bố đều đặn, chỗ đối xứng chỗ không, nhưng bao giờ cũng vuông thành đứng cạnh. Sách đóng bìa da, càng lâu ngày càng rõ mùi da thuộc. Đôi khi, trải mưa nắng phong sương, cuốn album của tôi bị xuống cấp, ảnh bong ra, nom thiểu não đến nỗi tôi phải vội vàng dán chúng trở lại vị trí quen thuộc.

Thử hỏi có cuốn tiểu thuyết nào hoặc giả có gì khác trên thế gian này có được cái quy mô hùng tráng như một album ảnh? Lạy Cha chúng ta trên trời - đấng amatơ không mệt mỏi chụp chúng ta từ trên cao mỗi sáng chủ nhật dưới một ánh sáng ít nhiều thuận lợi và dán chúng ta vào cuốn albumn của Ngài - cầu sao Ngài dắt tôi vững vàng đi qua cuốn album này, đừng để tôi nán lại quá lâu ở những chỗ tôi ưa thích và ngăn cái sở thích của Oskar đối với những gì vòng vèo, ngoắt ngoéo, bởi tôi thường quá ham liên hệ từ ảnh đến người thật.

Hãy thử ngó qua xem: đồng phục đủ mọi loại, thời trang và kiểu tóc thay đổi, mẹ béo ra, bác Jan bệu ra, một số người tôi không biết nhưng tôi có thể đoán được. Chà, ai chụp tấm này đấy nhỉ? Nghệ thuật quả đang xuống cấp. Phải, dần dần ảnh nghệ thuật năm 1900 đổ đốn thành thứ ảnh thực dụng ngày nay. Hãy thử so tấm hình giàu chất tượng đài của Koljaiczek ông ngoại tôi với bức ảnh căn cước của Klepp bạn tôi mà coi. Chỉ cần đặt hai cái cạnh nhau, tấm ảnh ông tôi in màu nâu và tấm ảnh căn cước bóng loáng như đang kêu xin một cái dấu triện, cũng đủ thấy công cuộc tiến bộ đã đưa ta đến đâu trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Ấy vậy mà cái ảnh cấp tập đó lại đòi hỏi cả một lô xí xộ phương tiện hiện đại! Thực ra, về điểm này, tôi phải tự trách mình nhiều hơn là đổ lỗi cho Klepp bởi vì, với tư cách là chủ nhân cuốn album, lẽ ra tôi phải giữ vững một số tiêu chuẩn nhất định chứ. Tôi biết, nếu quả có một ngày chúng ta phải nếm mùi địa ngục, một trong những tội hình ác độc nhất sẽ là nhốt vong hồn trần truồng vào một căn phòng với những tấm ảnh đóng khung thuở sinh thời của hắn. Nào, mau mau sang sề thật mùi mẫn vào: Ôi con người giữa những tấm ảnh chụp chớp nhoáng, những tấm ảnh căn cước! Ôi con người dưới ánh đèn “flash”, Ôi con người đứng thẳng bên tháp nghiêng Pisa, Ôi con người photomaton phải vểnh cái tai phải lên nếu muốn xứng đáng được một tấm ảnh căn cước! Và... mà thôi, tắt giọng mùi mẫn được rồi. Có thể cái địa ngục này còn khả dĩ chịu được bởi vì những tấm hình tồi tệ nhất mới chỉ là trong mơ chứ chưa được chụp, hoặc giả nếu chụp rồi thì cũng chưa được rửa ra ảnh.

Những tấm ảnh này của Klepp và tôi được chụp và rửa vào những ngày đầu bọn tôi ở phố Jỹlicher- strasse, khi chúng tôi kết bạn với nhau nhân một buổi cùng ăn spaghetti. Dạo ấy, tôi đang ấp ủ mộng ngao du sơn thuỷ. Có nghĩa là tôi đang buồn chán đến nỗi tôi quyết định phải làm một chuyến du lịch và muốn vậy, phải xin hộ chiếu. Nhưng vì tôi chưa đủ tiền để chi phí cho một chuyến du lịch đàng hoàng bao gồm Roma, Napoli, hay chí ít là Paris, nên tôi lại lấy làm mừng vì sự thiếu hụt tài chính đó, vì còn gì bi đát hơn là lên đường trong tình trạng hầu bao lép kẹp? Nhưng tiền đi xem phim thì đủ. Thế nên vào thời kỳ đó, Klepp và tôi đến mọi rạp xi-nê có chiếu những phim Viễn Tây hoang dại phù hợp với khẩu vị của Klepp, hoặc những phim đúng yêu cầu của tôi trong đó Maria Schell sắm vai cô nữ y tá lã chã nước mắt và Borsche (vai bác sĩ phẫu thuật) sau mỗi ca mổ khó khăn lại đứng bên cửa sổ mở rộng chơi những bản xônat của Beethoven, bộc lộ rõ một ý thức trách nhiệm cao.

Chúng tôi rất bất mãn vì các buổi chiếu chỉ kéo dài có hai giờ. Có nhiều chương trình phim bọn tôi muốn xem hai lần. Lắm khi, cuối buổi chúng tôi đứng lên, định ra mua vé xem tiếp. Nhưng vừa ra khỏi phòng, trông thấy đám người xếp hàng chờ trước cửa bán vé, chúng tôi lại đâm nản. cả việc phải giáp mặt lần thứ hai với cô bán vé lẫn những cái nhìn trâng tráo của những người lạ hoặc chĩa vào mặt chúng tôi đều làm chúng tôi phát ngượng, hết muốn đứng vào cuối hàng.

Kết quả là hầu như sau mỗi buổi xem phim, bọn tôi đều đến một hiệu ảnh gần Quảng trường Graf- Adolf để chụp ảnh căn cước. Tại đây người ta đã biết chúng tôi, người ta chào đón chúng tôi bằng một nụ cười: chúng tôi là khách hàng vì vậy chúng tôi được tiếp đãi lịch sự. Phòng chụp vừa rảnh là một cô gái đưa chúng tôi vào liền - về cô gái này, tôi chỉ nhớ một điều là cô ta rất dễ ưa. Cô ta khéo léo chỉnh tư thế đầu chúng tôi cho đúng góc độ, đầu tiên là tôi rồi đến Klepp, và bảo chúng tôi nhìn cố định vào một điểm. Lát sau, một loé chớp cùng lúc với một tiếng chuông báo hiệu là hình chúng tôi đã được ghi trên phim sáu lần liền.

Khoé miệng còn cứng đơ vì lấy dáng, chúng tôi được cô gái mời ngồi thoải mái vào hai chiếc ghế bành mây; với thái độ nhuần nhã (ăn mặc cũng nhã), cô đề nghị chúng tôi chịu khó chờ năm phút. Chúng tôi vui vẻ chờ. Bởi vì giờ đây chúng tôi đã có cái để chờ đợi - tấm ảnh căn cước của chúng tôi - và chúng tôi đang tò mò muốn xem nó ra sao. Đúng bảy phút sau, cô gái vẫn nhuần nhã nhưng không có gì đặc sắc đưa cho chúng tôi hai chiếc phong bì và chúng tôi trả tiền.

Chao, cái ánh đắc thắng trong cặp mắt hơi lồi của Klepp! Vừa nhận hai chiếc phong bì ảnh, chúng tôi tức thị có ngay lý do để đến quầy bia gần nhất bởi lẽ có ai mà lại thích ngắm ảnh hộ chiếu của mình ở giữa đường giữa chợ tấp nập, ồn ào, bụi bặm, làm cản trở giao thông. Cũng như chúng tôi luôn trung thành với hiệu ảnh nọ, bao giờ chúng tôi cũng chỉ đến quán bia ở đường Friedrichstrasse. Sau khi gọi bia, dồi xúc xích với hành và bánh mì đen, tranh thủ lúc các món nhậu chưa dọn ra, chúng tôi rải những tấm ảnh còn hơi ẩm lên mặt chiếc bàn tròn nhỏ và trong khi thưởng thức bia với dồi xúc xích vừa được mang đến, chúng tôi trầm ngâm ngắm vẻ mặt căng thẳng của chính mình.

Bao giờ chúng tôi cũng mang theo những tấm hình chụp vào dịp xem phim lần trước. Như vậy, chúng tôi có cái để so sánh và một khi đã có cái để so sánh thì lại có cớ để gọi thêm một chầu bia thứ hai, thứ ba, thứ tư cho thêm phần rôm rả, hay, theo cách nói ở vùng Rhine, để tạo ambiance (không khí).

Tôi không định nói là một người buồn vô cớ có thể giải buồn bằng tấm ảnh căn cước của chính mình; bởi vì nỗi buồn chân chính bao giờ cũng vô cớ; một nỗi buồn như thế, chí ít là nỗi buồn của bọn tôi, không thể truy tìm nguyên nhân cụ thể được và với tính chất vu vơ hồ như vô lối của nó, nỗi buồn này của chúng tôi đã lên tới một cường độ mãnh liệt không chịu nhường bước bất cứ cái gì. Nếu có cách gì bầu bạn được với nỗi sầu của chúng tôi, thì đó là thông qua những tấm ảnh, bởi vì trong những hình chụp chớp nhoáng hàng loạt ấy, chúng tôi tìm thấy một hình ảnh của chính mình dẫu không thật rõ ràng nhưng - đây mới là điều chủ yếu - thụ động và trung lập. Điều đó khiến chúng tôi có thể tự do xử lý với chính mình; chúng tôi có thể uống bia, ngấu nghiến đả dồi xúc xích, vui chơi tung tẩy. Chúng tôi bẻ cong, gập đôi những tấm ảnh, rồi cắt vụn ra bằng chiếc kéo nhỏ mang theo cốt để làm việc ấy. Chúng tôi chồng chắp ảnh cũ ảnh mới vào nhau, biến mình thành độc nhỡn hoặc ba mắt, đặt mũi vào chỗ tai, cho cái tai phải vểnh ra thay miệng đảm nhiệm chức năng nói hoặc im lặng, kết hợp trán với cằm làm một. Và không phải đứa nào dùng ảnh đứa nấy để dựng những tác phẩm lắp ráp đó: Klepp mượn nhiều nét của tôi và ngược lại. Như vậy, chúng tôi đã tạo ra đựơc những sinh linh mới mẻ và - chúng tôi hy vọng thế - hạnh phúc hơn. Thi thoảng chúng tôi cũng cho đi một tấm.

Chúng tôi - đây chỉ nói riêng Klepp và tôi, chứ không nhằm các nhân vật tổng hợp được tạo nên bằng cách ghép ảnh - đâm có thói quen tặng ảnh bác bồi bàn mà chúng tôi gọi là Rudi mỗi khi gặp bác ta và điều này xảy ra ít nhất mỗi tuần một lần. Rudi, một tay có mười hai con chính thức và ít nhất là tám con “gửi” thiên hạ, thông cảm nỗi sầu muộn của chúng tôi, bác ta có tới hàng tá ảnh chân dung nhìn nghiêng của chúng tôi và ảnh chính diện thì còn nhiều hơn thế; tuy nhiên, lần nào mắt bác ta cũng ánh lên vẻ thiện cảm kèm theo lời cảm ơn mỗi khi, sau hồi lâu bàn cãi và chọn lựa cẩn thận, chúng tôi đưa cho bác tấm ảnh.

Oskar không bao giờ tặng ảnh cho cô phục vụ ở quầy hoặc cô gái tóc đỏ bê khay thuốc lá; cho phụ nữ ảnh chả phải là một ý hay hớm gì, bởi lẽ ai mà biết được họ sẽ dùng nó vào việc gì. Nhưng gã Klepp béo tròn, hồn nhiên, có thể là mồi ngon cho phái đẹp, tính nó lại cởi mở đến khờ dại, chỉ cần có mặt phụ nữ là xổ hết gan ruột ra, chắc hắn đã giấu tôi đem cho cô ả thuốc lá một tấm ảnh; bằng chứng là hắn đã đính hôn rồi sau đó cưới cô ả chỉ vì hắn muốn lấy lại tấm ảnh đó.

Tôi đã đi trước và dành quá nhiều lời cho những trang cuối của cuốn album. Những tấm ảnh chụp chớp nhoáng ấy không đáng được như thế; tuy nhiên, nếu lấy làm một vế để so sánh thì chúng có thể cho quý vị thấy là tấm ảnh chân dung ông ngoại Koljaiczek của tôi ở trang đầu, cho đến bây giờ, vẫn còn gây một ấn tượng nghệ thuật trác tuyệt, hùng vĩ như thế nào đối với tôi.

Thấp và to ngang, ông đứng đó, đằng sau một cái bàn cà-phê đầy nét chạm trổ. Tiếc thay, ông lại không chụp hình dưới dạng kẻ phóng hoả, mà với danh tính là me-xừ Wranka lính cứu hỏa tình nguyện. Nhưng bộ đồng phục cứu hỏa vừa khít với tấm huy hiệu cứu trợ và chiếc mũ sắt cứu hỏa đem lại cho cái bàn dáng vẻ của một ban thờ, những cái đó hồ như có thể thay thế bộ ria của kẻ phóng hỏa. Cái nhìn của ông mới nghiêm trang làm sao, chất chứa đau buồn của những năm đau buồn. Cái nhìn kiêu hãnh bất chấp mọi bi kịch ấy dường như đã thành phổ cập trong những năm của Đế chế Đức; ta gặp lại nó trên gương mặt của người thợ làm thuốc súng Gregor Koljaiczek lúc nào cũng say khướt nhưng trong ảnh thì lại có vẻ như chưa uống gì. Tấm ảnh ông Vincent Bronski chụp ở Czestochowa tay cầm một cây bạch lạp thờ nom đượm màu huyền bí. Một tấm chân dung thời trẻ của bác Jan Bronski ốm yếu là một kỷ lục của nhiếp ảnh buổi sơ khai về thể hiện vẻ âu sầu ngượng nghịu.

Phụ nữ thời ấy quả có vụng hơn trong việc tìm ra sắc diện phù hợp với tính cách của mình. Ngay cả bà ngoại tôi vốn là người đầy cá tính - về điểm này, quý vị hãy tin tôi - trong những tấm hình chụp không lâu trước Thế Chiến I, cũng màu mè làm duyên, dán lên môi một nụ cười ngẩn ngơ không mảy may gợi nhớ đến bốn cái váy lớn đùm bọc chở che của bà.

Trong những năm chiến tranh, họ vẫn tiếp tục cười nụ với tay phó nháy trong khi hắn ngó ngoáy nhún nhảy dưới tấm vải đen. Về thời kỳ này, tôi còn giữ một tấm khổ bưu ảnh “đúp”, bồi các-tông, chụp hai mươi ba nữ y tá của quân y viện Silberhammer, trong đó có mẹ tôi, rụt rè xúm quanh một ông bác sĩ quân y bệ vệ. Các nữ y tá này phần nào có vẻ thoải mái hơn trong một tấm ảnh về một cuộc vũ hội hoá trang dành cho các thương binh sắp khỏi. Mẹ tôi đánh bạo nháy mắt, dẩu môi, dáng vẻ ấy như muốn nói rằng, dù mẹ có mang cánh thiên thần và tết kim tuyến trên tóc, thì thiên thần cũng chẳng vì thế mà mất đi giới tính. Trong ảnh, Matzerath quỳ dưới chân mẹ trong một bộ trang phục mà ông hẳn rất lấy làm sung sướng nếu được mặc thường xuyên ngày này qua ngày khác: ông đội một cái mũ đầu bếp, tay vung một cái muôi. Nhưng khi vận bộ quân phục gắn tấm huân chương Thập Tự sắt hạng nhì thì ông cũng dõi về phía xa một cái nhìn bi tráng có dụng ý hắn hoi và trong mọi tấm ảnh, ông đều trội hơn cánh phụ nữ.

Sau chiến tranh, các gương mặt thay đổi. Đàn ông nom ra vẻ đã “về vườn”; giờ đến lượt cánh phụ nữ vươn lên hợp thời thế, đến lượt họ có lý do để phô một cái nhìn trang nghiêm; ngay cả khi mỉm cười, họ cũng không cố che giấu đi một thoáng buồn bởi họ đang tập đau buồn. U sầu đang là vẻ thích hợp với phụ nữ của thập kỷ 20. Bất kể ngồi, đứng hay nửa nằm nửa ngồi, với những lọn tóc đen loăn xoăn bên thái dương, cách nào họ cũng gợi lên được hình ảnh kết hợp hài hoà giữa Đức Mẹ và kỹ nữ.

Tấm ảnh mẹ tôi năm hai mươi ba tuổi - chắc là chụp ít ngày trước khi mang thai - cho thấy một thiếu phụ với khuôn mặt tròn bình thản nghiêng nghiêng trên một cái cổ đầy đặn, rắn chắc. Nhưng dù nghiêng đầu hay không, bao giờ người xem ảnh cũng thấy như mẹ tôi đang nhìn thẳng vào mắt mình. Mẩy da chắc thịt, cái nét nhục dục ấy bị làm nhoà bớt bởi nụ cười rầu rĩ thời thượng và đôi mắt nhiều phần xám hơn là xanh; đôi mắt ấy nhìn vào tâm hồn những người cùng thời - và cả tâm hồn bản thân mình nữa, như thể đó là những vật thể rắn đại loại như cái tách uống trà hay chiếc bót thuốc lá. Nói cái nhìn trong đôi mắt mẹ tôi có hồn, theo tôi, vẫn chưa lột tả được hết.

Chẳng hay ho gì hơn nhưng dễ diễn giải hơn và, do đó, mang nhiều thông tin hơn, là những tấm ảnh tập thể của thời đó. Áo cưới hồi ký hiệp ước Rapallo mới đẹp làm sao, mới “ra” chất hôn lễ làm sao! Trong tấm ảnh cưới, Matzerath còn đeo cả một cái cổ cồn cứng. Nom ông oách ra dáng, trang nhã, gần như trí thức. Chân phải đưa ra đằng trước, trông hơi giống một tài tử điện ảnh thời bấy giờ, hình như là Harry Liedicke thì phải. Dạo ấy, người ta mặc váy ngắn. Áo cưới của mẹ tôi, trắng tinh và xếp rất nhiều nếp, chỉ xuống tới dưới đầu gối một tí, để lộ hai bắp chân thon thả và đôi bàn chân khiêu vũ xinh xẻo trong đôi giày trắng có khoá cài. Một số ảnh khác chụp cả họ nhà gái. Giữa đám người ăn mặc và lấy dáng như dân thành thị, bà ngoại Anna của tôi và ông anh Vincent được ân sủng của Chúa, bao giờ cũng nổi bật lên với cái cứng nhắc tỉnh lẻ và cái vẻ ngượng nghịu đáng tin cậy. Gốc gác từ cùng một cánh đồng khoai tây như cha đẻ, như bà cô ruột Anna và như cô em họ Agnès, Jan Bronski khéo giấu chất quê mùa Kashubes của mình đằng sau vẻ sang trọng hội hè của một nhân viên bưu chính Ba Lan. Nhỏ bé và mảnh khảnh giữa những người vạm vỡ choán phần lớn không gian, nhưng với cái nhìn khác thường và - nét mặt đều dặn, đẹp như con gái, ông trở thành trung tâm của mọi tấm ảnh. Ngay cả khi ông đứng hay ngồi ở rìa.

Từ nãy đến giờ, tôi cứ ngắm hoài một tấm ảnh chung, chụp sau lễ cưới ít bữa.Tôi đã phải lấy trống và dùi ra gõ để cố gợi lại trong tâm tưởng hình ảnh cái bộ ba chỉ thấy lờ mờ trên mảnh giấy cứng hình chữ nhật màu nâu đã phai.

Tấm ảnh hẳn đã được chụp trong căn hộ của gia đình Bronski ở phố Magdeburger, không xa Khu học xá sinh viên Ba Lan, vì ta thấy ở nền sau một mảnh ban-công đầy nắng với những chùm lá đậu leo phủ kín tới một nửa (kiểu ban-công này chỉ có ở các khu chung cư của người Ba Lan). Mẹ tôi ngồi, Matzerath và Jan Bronski đứng. Nhưng mẹ tôi ngồi như thế nào và hai người kia đứng như thế nào? Có lúc tôi đã ngớ ngẩn định vẽ đồ thị chòm sao Tam Hùng này - vì mẹ tôi có đầy đủ phẩm chất của một người đàn ông - bằng một chiếc thước kẻ, một chiếc thước góc và một chiếc com-pa mà Bruno đã ra ngoài phố mua giúp tôi. Bắt đầu từ góc giữa cổ và vai, tôi kẻ một hình tam giác; tôi phóng những hình chiếu, suy đoán ra những nét tương tự, vẽ những đường cung gặp nhau rõ rành bên ngoài hình tam giác - có nghĩa là trong đám lá đậu leo - và tạo nên một điểm, bởi vì tôi cần một điểm thuận lợi, một điểm xuất phát, một điểm tiếp xúc, một điểm nhìn.

Tất cả những gì tôi đạt được với cái trò kỷ hà siêu hình ấy là một loạt lỗ nhỏ xíu nhưng đến là khó chịu do mũi nhọn của chiếc com-pa tạo ra trên tấm ảnh quý. Tôi không khỏi tự hỏi: có cái gì đặc biệt nơi tấm ảnh này? Cái gi đã thúc bách tôi tìm kiếm - và thực tế, đã tìm thấy - những quy chiếu toán học và vũ trụ (đến là vô lý!) trong đó? Ba người: một người đàn bà ngồi, hai người đàn ông đứng. Mẹ tôi tóc đen lượn sóng, Matzerath tóc vàng rơm loăn xoăn, Jan tóc màu hạt dẻ chải bẹt từ trán ngược về phía sau. Cả ba cùng mỉm cười, Matzerath ngoác miệng rộng hơn Jan Bronski; và hai ông đều toe toét hơn mẹ tôi nhiều vì nụ cười của họ để lộ cả hàm răng trên trắng bóng trong khi mẹ tôi chỉ hơi nhếch mép mà mắt chẳng hề cười chút nào. Matzerath tì tay trái lên vai phải mẹ tôi; Jan thì chỉ dựa hờ tay phải vào lưng ghế. Mẹ tôi nhìn thẳng vào ống kính, hai đầu gối hơi nghiêng về bên phải, trên lòng bàn tay đặt một quyển sách mà nhiều năm trước đây, tôi tưởng là một trong những cuốn album tem của Jan, sau đó đoán là một số báo thời trang và gần đây lại cho là một bộ sưu tập ảnh những ngôi sao màn bạc lấy từ các bao thuốc lá. Tay mẹ tôi, lúc bấm máy, có vẻ như sắp sửa giở từng trang của cuốn album, cả ba đều có vẻ vui sướng như thể đang chúc mừng nhau về khả năng miễn dịch đối với những bất ngờ thuộc loại chỉ xảy ra nếu một thành viên trong Tam Hùng bắt đầu hoặc đã có những bí mật riêng tư giấu kín trong lòng. Trong mối liên kết tay ba này, họ chẳng mấy cần đến một người thứ tư, cụ thể là vợ Jan - Hedwig Bronski hồi con gái mang họ cha là Lemke - thời gian này đang mang thai đứa bé sau này có tên Stephen; hoặc nếu có cần thì chỉ để nhờ chĩa máy vào họ nhằm làm vĩnh tồn niềm hạnh phúc tay ba của họ, chí ít là trên tấm ảnh.

Tôi đã bóc mấy tấm hình chữ nhật khác từ cuốn album đem đặt cạnh tấm này. Những tấm hình chụp mẹ tôi hoặc với Matzerath, hoặc với Jan Bronski. Không tấm nào phản ảnh cái giải pháp tối hậu, bất di bất dịch kia rõ ràng như tấm hình ở ban công. Đây một tấm chụp riêng mẹ tôi với Jan - tấm này thoảng mùi bi kịch, mùi hám tiền, mùi phấn khích đến độ phè phỡn, một sự phè phỡn vì phấn khích. Mazerath và mẹ tôi: tấm này có cái không khí ngày nghỉ cuối tuần tại nhà của đôi vợ chồng, có tiếng sườn rán xèo xèo, đôi lời cằn nhằn trước bữa ăn tối, ngáp vài cái sau khi ăn tối, nói đùa dăm câu trước khi đi ngủ, bàn cãi tí chút về tờ khai thuế cho có bối cảnh trí tuệ của hôn nhân. Tuy vậy, tôi vẫn thích cái buồn tẻ được ghi lại trên ảnh ấy hơn tấm hình chớp nhoáng “mô-ve-gu” của những năm sau trong đó người ta thấy mẹ tôi ngồi trên lòng Jan ở trong Rừng Oliva gần Freudental; vì tấm ảnh cuối này với tính chất tục tĩu của nó - bàn tay của Jan biến mất dưới váy mẹ tôi - chỉ nói lên nỗi đam mê cuồng dại của cặp uyên ương bất hạnh này, chìm đắm trong ngoại tình ngay từ ngày đầu cuộc hôn nhân của mẹ tôi; Mazerath, tôi đoán thế, chính là người chụp ảnh bị lừa. Ở đây chẳng còn chút gì của cái trong sáng nơi tấm hình ban-công, của cái tế nhị, thận trọng nơi những cử chỉ nhỏ nhẹ dường như chỉ có thể có khi cả hai người đàn ông cùng có mặt, đứng đằng sau hay bên cạnh mẹ tôi, hoặc cùng nằm dưới chân mẹ như trong tấm ảnh bãi tắm Heubude; xem ảnh kèm đây.

Còn một tấm ảnh nữa chụp ba nhân vật chính của giai đoạn đầu đời tôi hợp thành một hình tam giác. Tuy không tập trung bằng cảnh ban công kia, nhưng tấm này cũng toả ra cái vẻ hoà bình căng thẳng như vậy, thứ hoà bình chỉ có thể ký kết giữa ba người. Bạn có thể chán phè những tình huống tay ba trong kịch, song nghĩ cho cùng, khi chỉ còn trơ hai người trên sân khấu, thử hỏi họ có thể làm gì ngoài việc đối đáp chí chết hoặc thầm ước có một người thứ ba? Trong tấm ảnh của tôi, ba người cùng có mặt. Họ đang chơi xì-kạt. Có nghĩa, họ đang cầm bài xoè ra đều tăm tắp như cái quạt, nhưng thay vì nhìn vào những con chủ bài của mình để tính nước thì họ lại dõi mắt vào ống kính. Bàn tay Jan đặt bẹt cạnh một mớ tiền lẻ, riêng ngón trỏ hơi giơ lên. Matzerath thì dũi dũi móng tay vào khăn bàn trong khi mẹ tôi chơi một trò nhỏ mà tôi thấy là khá đạt: mẹ rút một quân bài phô ra trước ống kính nhưng không để các đối thủ thấy. Thật dễ dàng xiết bao, chỉ bằng một động tác đơn giản - giơ môt quân Q “cơ” - là gợi lên được một biểu tượng không quá trắng trợn: ai mà chẳng sẵn sàng “xin chết” vì Nữ hoàng của trái tim?

Như mọi người đều biết, xì-kạt là kiểu bài chỉ chơi tay ba, nó không chỉ là một trò chơi tiện nhất cho mẹ tôi và hai chàng phò mã, đó là chốn nương náu của họ, nơi bao giờ họ cũng rút lui về mỗi khi cuộc đời đe dọa đẩy họ, cách này hay cách khác, vào những trò chơi tay đôi ngu xuẩn như bêzi hay sáusáu.

Về ba con người đã cho tôi ra đời, chừng nấy xem như là đủ. Trước khi kể về bản thân tôi, xin nói đôi điều về Gretchen Scheffler, bạn gái mẹ tôi, và ông chồng Alexander Scheffler chủ hiệu bánh mì. Chồng thì hói, vợ lúc nào cũng toe toét cười phô hai hàm răng ngựa, có đến một nửa bịt vàng. Chồng thấp tè, ngồi trên ghế mà chân không chạm tới thảm trải nhà, vợ bao giờ cũng mặc những chiếc áo dài tự đan lấy với những họa tiết cực kỳ rắm rối. Trong những ảnh chụp sau này, ta thấy đôi vợ chồng Scheffler ngả ngốn trong những chiếc ghế nằm đặt trên boong tàu hoặc đứng cạnh những chiếc xuồng cứu hộ của tàu Wilhelm Gustloff thuộc tổ chức “Sức Mạnh thông qua Niềm Vui” [1] hoặc trên boong dạo của tàu Tannenberg (Tuyến hàng hải Đông Phổ). Năm này sang năm khác, họ đi đây đi đó và mang những đồ xú-vơ-nia [2] từ Pillau, Na Uy, quần đảo Azores hoặc Italia an toàn về tới ngôi nhà của họ ở Kleinhammer-Weg, nơi chàng nướng bánh mì, nàng thêu áo gối. Khi nào ngừng nói, Alexander lại thè lưỡi liếm môi trên liên tục, một thói quen mà Greff, chủ hiệu rau quả, một người bạn của Matzerath ở bên kia đường, cho là tục tĩu và “mô-ve-gu” [3].

Mặc dầu đã có vợ, Greff vẫn ra dáng đoàn trưởng hướng đạo sinh hơn là một đức ông chồng. Trên một tấm ảnh, ta thấy giả to ngang, khoẻ mạnh và nghiêm nghị trong đồng phục với quần soọc, mũ hướng đạo sinh và dây biểu chương đoàn trưởng. Đứng bên cạnh giả là một thiếu niên tóc vàng rơm, mắt khí quá to, trạc mười ba tuổi, cũng vận đồng phục tương tự. Tay Greff âu yếm quàng qua vai cậu thiếu niên. Tôi không biết cậu ta, nhưng sau này tôi có dịp làm quen và hiểu Greff qua cô vợ Lina.

Tôi ngợp trong đống ảnh chụp chớp nhoáng của đám khách du lịch theo chương trình “Sức khoẻ thông qua Niềm vui” và những biểu hiện của thói gợi dục thiếu niên hướng đạo sinh. Xin được bỏ qua vài trang để nhảy cóc tới tấm ảnh chân dung đầu tiên của tôi.

Tôi là một đứa bé xinh trai. Tấm ảnh được chụp vào dịp lễ Hạ trần, năm 1925. Lúc ấy tôi được tám tháng, kém Stephan Bronski hai tháng; một tấm ảnh Stephan cùng khổ ở trang sau toát ra một vẻ tầm thường khôn xiết tả. Tấm hình của tôi làm theo kiểu bưu ảnh có mép viền lượn sóng, mặt sau có kẻ dòng để ghi địa chỉ. Chắc là được in với số lượng lớn cho gia đình họ hàng tùy nghi sử dụng. Trong khung chữ nhật lớn, khuôn ảnh chính có hình quả trứng cực kỳ đối xứng. Trần truồng, tượng trưng cho lòng đỏ trứng, tôi nằm xấp trên một tấm da lông thú trắng có lẽ là quà tặng của một chú gấu Bắc cực tốt bụng cho một nhiếp ảnh gia Đông Âu chuyên chụp trẻ sơ sinh. Cũng như với biết bao ảnh thời kỳ ấy, người ta đã chọn cho tấm ảnh đầu đời của tôi một màu nâu nồng ấm không lẫn được mà tôi cho là “có tính người”, tương phản với cái lạnh lùng phi nhân tính của những tấm ảnh đen trắng ngày nay. Một vòm lá mờ ảo, có lẽ là “phông” giả, tạo thành một nền sẫm chỉ loáng thoáng điểm vài ba chấm sáng Trong khi cái thân hình nhẵn nhụi, hồng hào của tôi nằm bẹp với vẻ tự mãn trên tấm lông thú, tận hưởng sự tiện nghi bắc cực ấy, thì cái đầu trọc lốc như hòn bi-da cố nghểnh lên dõi đôi mắt long lanh nhìn đối lại ai đó đang ngắm sự trần truồng của tôi.

Quý vị có thể nói: một tấm ảnh trẻ sơ sinh bình thường như mọi tấm ảnh trẻ sơ sinh khác. Xin hãy thử nhìn kỹ đôi bàn tay mà xem. Quý vị sẽ phải thừa nhận rằng tấm chân dung đầu tiên của tôi khác hẳn tất thảy những kiểu ảnh chỉ có tác dụng ghi lại những mẩu đời xinh xẻo mà quý vị có thể thấy trong các album gia đình ở khắp nơi trên thế giới. Quý vị thấy hai bàn tay tôi nắm chặt. Quý vị không thấy nhưng ngón tay nhỏ xinh mũm mĩm đùa nghịch với những túm lông như bất giác tuân theo một thôi thúc mơ hồ của bản năng thai nhi. Những nắm tay nhỏ xíu của tôi lơ lửng ngang tầm đầu tôi, với vẻ rất tập trung, sẵn sàng nện xuống. Nện xuống cái gì? Cái trống chứ còn cái gì nữa!

Ta chưa thấy nó trên tấm ảnh, cái trống mà, dưới những bóng điện bữa tôi lọt lòng, người ta đã hứa sẽ cho tôi vào dịp sinh nhật lần thứ ba, nhưng đối với bất kỳ người nào có kinh nghiệm ghép ảnh, việc đưa thêm vào một chiếc trống đồ chơi với cỡ tương ứng, là chuyện đơn giản xiết bao. Chẳng cần phải thay đổi tư thế của tôi, mà chỉ bỏ béng cái bộ da thú ngớ ngẩn mà tôi chẳng thèm mảy may để ý tới, là xong. Đó là một chi tiết lạc lõng trong cái bố cục lẽ ra rất hài hòa ấy nhằm chào mừng cái tuổi tinh nhanh, sáng suốt khi mà những chiếc răng sữa đầu tiên sắp sửa nhú ra.

Ít lâu sau, người ta thôi đặt tôi nằm trên những tấm da gấu Bắc cực. Có lẽ tôi đã được một năm rưỡi khi người ta đẩy tôi trong một chiếc xe nôi bánh cao đi ngang qua một hàng rào gỗ phủ một lớp tuyết, và điều đó khiến tôi tin rằng tấm ảnh đã được chụp vào tháng giêng năm 1926. Ngắm kỹ hồi lâu, hình dáng thô của cái hàng rào cùng mùi hắc ín phả ra từ đó khiến tôi nghĩ tới khu ngoại ô Hochstriess với những trại lính rộng lớn trước kia đã từng là nơi đồn trú của khinh kỵ binh Mackensen và vào thời tôi, là trụ sở cảnh sát Bang tự do. Nhưng vì không nhớ ra ai đã từng ở khu ấy, nên tôi chỉ có thể kết luận là tấm ảnh đã được chụp vào một ngày mà song thân tôi đến đấy thăm một vài người nào đó mà sau này chúng tôi không bao giờ, hoặc rất ít khi, gặp lại.

Đứng hai bên chiếc xe nôi, cả mẹ tôi và Matzerath đều không mặc áo choàng ấm, mặc dù bấy giờ là tiết đông hàn. Mẹ vận một chiếc “blu” Nga có những họa tiết thêu hợp với cảnh trí đến nỗi người ta có thể tưởng tượng đây là gia đình Sa hoàng đang chụp hình ở nơi thẳm cùng rét mướt nhất của nước Nga, Rasputin đang cầm máy ảnh, còn tôi là hoàng nhi, trong khi đằng sau hàng rào gỗ kia, bọn cách mạng đang tự chế lấy bom và âm mưu lật đổ gia đình hoàng tộc chuyên chế của chúng tôi. Nhưng ảo tưởng đó tan biến ngay trước cái vẻ bề ngoài chỉnh chu, rất Đông Âu của Matzerath, nó báo trước (như ta sẽ thấy) một tiền đồ chủ tiệm. Chúng tôi đang ở khu ngoại ô Hochstriess yên tĩnh, cha mẹ tôi chỉ ra khỏi ngôi nhà của chủ nhân một lát thôi, là phải mang áo choàng, chỉ một thoáng đủ để nhờ vị chủ nhân chụp nhanh hộ một tấm hình cùng với bé Oskar có cái nhìn rất chi là láu cá, rồi sau đó, khoan khoái thưởng thức cà phê, bánh ngọt, kem đánh tơi trong phòng ấm.

Còn có cả một tá ảnh chụp Oskar hồi một tuổi, hai tuổi và hai tuổi rưỡi, cái nằm, cái ngồi, cái bò toài, cái chạy lon ton. Những tấm này không tồi, song tựu chung, đó chỉ là tiền đề dẫn đến tấm ảnh chân dung cả người nhân dịp sinh nhật lần thứ ba của tôi.

Đến đận này thì tôi có nó rồi. Phải, tôi đã có cái trống của tôi. Nó lủng lẳng ngay trước bụng tôi, mới toanh, viền răng cưa sơn đỏ và trắng. Tôi cầm hai chiếc dùi bắt chéo trên mặt trống, vẻ cương quyết một cách trịnh trọng. Tôi mặc một chiếc áo chui đầu kẻ xọc, chân đi giày da bóng loáng. Tóc tôi dựng ngược như cái bàn chải sẵn sàng hành động và cặp mắt xanh của tôi ánh lên ý chí của một lãnh chúa quyết ra tay mà không cần tới thủ hạ. Chính trong tấm hình này, tôi đã đi đến một quyết định mà tôi thấy chẳng có lý do gì để thay đổi. Chính vào thời điểm đó tôi đã tuyên bố, đã quyết định, đã nhất quyết không bao giờ làm chính trị trong bất kỳ hoàn cảnh nào, càng không thèm làm anh lái buôn tạp phẩm, mà chỉ dừng lại đây thôi, mãi mãi vẫn nguyên xi như thế này - và tôi đã thực hiện đúng như thế; trong bao năm, tôi không chỉ giữ nguyên tầm vóc này mà cả bộ trang phục này nữa.

Những người nhỏ con và những người to con, Tí Hon và Khổng Lồ, David và Goliath, Ngón Tay Cái và Gargantua, tôi vẫn mãi là đứa trẻ lên ba, là chú bé Tí Hon, là người xứ Lilliput, là thằng lùn quyết không chịu lớn nữa. Tôi làm thế để khỏi phải học vấn đáp đại và tiểu giáo lý và để khi đến tuổi trưởng thành, cao trên một mét bảy, khỏi phải đối phó với người đàn ông vẫn tự gọi mình là cha của Oskar mỗi khi soi gương cạo mặt, ông sẽ ép tôi đi vào con đường kinh doanh tạp phẩm, lĩnh vực mà Matzerath hy vọng sẽ trở thành thế giới của tôi khi tôi hai mươi mốt tuổi. Để tránh cái máy thu ngân, tôi bám riết lấy cái trống của tôi và từ lần sinh nhật thứ ba trở đi, không chịu lớn thêm lên một đốt tay nào nữa. Tôi giữ nguyên là thằng bé lên ba sớm khôn ngoan, lọt thỏm giữa đám người lớn cao vòi vọi, song lại đứng trên mọi người lớn, không chịu so bóng mình với bóng họ, hoàn chỉnh cả bề trong lẫn bề ngoài trong khi bọn họ, cho đến lúc kề miệng lỗ, vẫn băn khoăn hoài về chuyện “phát triển”; tự mình ngộ ra những gì mà bọn họ phải kinh qua bao khó khăn, thậm chí đau khổ, mới hiểu thấu và chẳng cần phải thay đổi cỡ giày cũng như cỡ quần năm này sang năm khác để chứng tỏ có một cái gì đang lớn.

Tuy nhiên - ở đây, Oskar phải thừa nhận một sự phát triển nào đó - có một cái gì đang lớn lên thật (và không phải lúc nào cũng theo chiều hướng có lợi cho tôi), cuối cùng vươn tới những tầm vóc Cứu thế; nhưng vào thời buổi ấy có người lớn nào thèm để tai lắng nghe Oskar, thằng bé đánh trống mãi mãi ba tuổi?

Chú thích:

[1] Kraftdurch Frende: một tổ chức của bọn Quốc xã Đức phụ trách các hoạt động giải trí trong khuôn khổ kỷ luật cho giai cấp công nhân: sân khấu, thể thao, du lịch... Hồi đó không một đoàn thể xã hội nào được phép hoạt động ở Đức mà không chịu sự kiểm soát của tổ chức toàn quyền này.

[2] xú-vơ-nia = souvenir = kỷ niệm. (@Ct.Ly).

[3] mô-ve-gu = Mauvaive goût = thói, tật xấu hay có một hương vị xấu. (@Ct.Ly).


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx