sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Thời Gian Biểu

Nhiều khi Klepp bỏ ra hàng mấy giờ liền để lập thời gian biểu. Việc hắn vừa làm thế vừa nhồm nhoàm nhai dồi tiết và hạt đậu lăng hâm lại, xác nhận cái lý thuyết đơn giản của tôi: bọn mơ mộng đều tham ăn tục uống. Và việc hắn tích cực lấp kín từng giờ khắc lại xác nhận một luận đề khác của tôi, cụ thể là: chỉ có những thằng đại lãn số dách mới có thể đẻ ra những phát minh tiết kiệm lao động.

Năm nay nữa, Klepp lại bỏ ra hơn hai tuần để lên lịch hoạt động của mình. Hôm qua, hắn đến thăm tôi. Hắn làm ra vẻ bí bí mật mật hồi lâu, rồi móc từ túi ngực ra một tờ giấy gấp kỹ càng, đưa cho tôi. Rõ ràng là hắn rất hài lòng với mình: lại một kế hoạch tiết kiệm lao động nữa.

Tôi đọc lướt bản viết tay của hắn, chẳng có gì mới mẻ cho lắm: mười giờ điểm tâm; suy tưởng cho đến giờ ăn trưa; ăn xong, ngủ trưa (một tiếng); rồi uống cà-phê ngay tại giường nếu có thể; nằm trên giường thổi sáo (một tiếng); đứng dậy; vừa đi quanh phòng vừa thổi kèn túi (một tiếng); tiếp tục chơi kèn túi ngoài sân (nửa tiếng). Kế đó là một khoảng thời gian hai tiếng đồng hồ phân bố đan xen cách nhật: hôm nay uống bia nhắm dồi tiết thì hôm sau xem xi-nê; trong cả hai trường hợp - trước khi xem phim hoặc trong lúc nhậu bia - kín đáo tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Đức hoạt động bất hợp pháp (không quá nửa tiếng, chớ nên thái quá). Mỗi tuần ba buổi tối chơi nhạc nhảy ở tiệm Kỳ Lân; ngày thứ bảy, bia và tuyên truyền lui đến tối, buổi chiều dành cho tắm và mát-xa ở Grỹnstrasse, sau đó là bốn mươi lăm phút vệ sinh với gái ở "U 9", rồi cùng với nàng và một cô bạn của nàng uống cà-phê, ăn bánh ngọt ở Schwab; cạo mặt và nếu cần cắt tóc trước khi tiệm đóng cửa; khẩn trương làm một "pô" ảnh photomaton; rồi bia, tuyên truyền Đảng và thư giãn.

Tôi tỏ vẻ thán phục cái thời gian biểu cẩn thận, khít khao của Klepp, xin hắn một bản và hỏi hắn làm gì khi, thi thoảng, xuất hiện những khoảng trống.

Dĩ nhiên, kể vậy cốt để dẫn đến trải nghiệm, đầu tiên của Oskar với thời gian biểu.

Chuyện bắt đầu một cách vô hại ở vườn trẻ của Cô Kauer. Sáng sáng, Hedwig Bronski đến đưa tôi cùng Stephan đến chỗ Cô Kauer ở đường Posadowski-Weg; tại đó, cùng với năm, sáu đứa nhóc khác - bao giờ cũng có mấy đứa ốm - chúng tôi phải chơi cho đến khi phát ớn đến tận cổ. May sao, cái trống của tôi được coi như một thứ đồ chơi, tôi không bao giờ buộc phải chơi xây cất bằng những miếng gỗ và chỉ khi nào cần một kỵ sĩ đánh trống đội mũ giấy, tôi mới phải cưỡi lên một con ngựa bập bênh mà thôi. Ngón trống của tôi nhằm vào cái áo lụa dài màu đen với vô vàn khuy cài của Cô Kauer.

Mỗi ngày mấy bận, tôi diễn trống cởi hết khuy áo của cô, mở phanh ra rồi lại cài lại đâu vào đó. Người Cô gày đét, toàn những nếp nhăn, dám chắc là tôi không mảy may tơ tưởng đến thân thể Cô khi làm vậy.

Những cuộc đi dạo buổi chiều dọc những đại lộ giữa hai hàng cây hạt dẻ qua tượng đài Gutenberg, vượt gò Erbsberg tới tận rừng Jeschkentaler, thật tẻ nhạt mà dễ chịu, ngẩn ngơ mà trong sáng thiên thần đến nỗi ngay cả bây giờ, tôi vẫn ao ước lại được nắm bàn tay khô như giấy của Cô Kauer cùng đám bạn lau nhau dạo chơi như trong tranh truyện.

Thoạt tiên, cả bọn chúng tôi - khoảng sáu đến tám hay mười hai đứa - phải được thắng như thắng ngựa vào xe. "Càng xe" là một dải băng bằng len màu xanh nhạt. Mỗi bên buộc sáu dây cương bằng len có gắn lục lạc, đủ chỗ cho tổng cộng mười hai đứa. Cô Kauer cầm mớ dây cương và bọn tôi lon ton đi trước, leng keng leng keng, nhong nhong ếp ếp, ríu ra ríu rít, tôi uể oải dạo trống qua những dãy phố ngoại ô mùa thu. Thỉnh thoảng, Cô Kauer bắt giọng: Jêxu, vì Người chúng con sống,Jêxu, vì Người chúng con chết hoặc Sao Biển, ta chào ngươi. Chúng tôi hát vang bầu trời tháng Mười: Ôi, mẹ Mary, xin cứu giúp con và M-ẹ-ẹ-ẹ dịu hiền của Chúa, khiến những người qua đường rất xúc động. Khi chúng tôi đến những phố chính, xe cộ phải dừng lại nhường đường chúng tôi. Tàu điện, ô-tô, xe ngựa tất cả đứng im trong khi chúng tôi rước Ngôi Sao Biển qua đại lộ. Có tiếng sột soạt như vò giấy khi Cô Kauer vẫy tay cảm ơn viên cảnh sát đã điều khiển giao thông cho chúng tôi qua.

"Chúa Jêxu sẽ ban thưởng cho bạn", Cô hứa trong tiếng sột soạt của chiếc áo lụa.

Tình thật, tôi rất tiếc khi, vào mùa xuân năm lên sáu, Oskar phải cùng với (và bởi tại) Stephan từ biệt Cô Kauer và mớ khuy áo của Cô. Duyên do là vì chính trị: ở đâu có chính trị, ở đó có bạo lực. Chúng tôi vừa tới gò Erbsberg. Cô Kauer tháo dải-len-thắng-đái, cành lá lấp lánh và mạch sống mới xao động trong cây. Cô Kauer ngồi lên một bệ chỉ đường đầy rêu, ghi những nơi có thể đi bộ tới trong vòng một tiếng, một tiếng rưỡi hoặc hai tiếng. Như một thiếu nữ rạo rực những tình cảm khôn tả khi xuân về, Cô cất tiếng hát là-la-lá-la, đầu lắc lư từng chặp như một con gà mái tây, trong khi tiếp tục đan một dải thắng đái mới màu đỏ như lửa. Thật không may, tôi chẳng bao giờ được dịp mang nó vì đúng lúc đó, những tiếng la hét vang lên từ bụi rậm. Cô Kauer cuống quít đứng dậy, và chạy bổ vào lùm cây trên đôi chân sếu vườn, kéo theo sau cuộn len đỏ. Tôi chạy theo Cô và cuộn len, và cái mà tôi nhìn thấy sau đó còn đỏ hơn màu len: máu từ mũi Stephan chảy lênh láng và một thằng cu tên là Lothar, tóc xoăn, thái dương nổi gân xanh, đang dận đầu gối lên ngực thằng bé ốm yếu, thắng cánh nện xuống mũi nó.

"Pô-lắc1!" nó rít lên giữa những cú đấm. "Đồ Pô-lắc!".

Năm phút sau, khi cô Kauer lại quây bọn tôi trong dải thắng đái màu xanh nhạt - riêng tôi được đi bên ngoài để quấn lại cuộn len - Cô lầm rầm một bài kinh thường được đọc giữa lễ Tấn phong và lễ Thánh thể: "Cúi đầu hổ thẹn, lòng đầy đau đớn và ăn năn..."

Chúng tôi xuống khỏi gò Erbsberg và dừng lại trước tượng Gutenberg. Chĩa một ngón tay dài ngoằng về phía Stephan vẫn đang sụt sùi, ấp một chiếc mù-soa trên mũi, Cô dịu dàng nhận xét: "Nếu nó là một thằng bé Ba Lan, thì đó đâu phải lỗi tại nó".

Theo lời khuyên của Cô Kauer, Stephan được đưa ra khỏi vườn trẻ. Mặc dầu Oskar không phải là người Ba Lan và cũng chẳng ái mộ gì Stephan, nhưng nó tuyên bố nếu Stephan không được đi vườn trẻ nữa thì nó cũng chả thiết. Thế rồi lễ Phục sinh đến và người ta quyết định thử cho chúng tôi đến trường xem sao. Bác sĩ Hollatz ngầm nghĩ đằng sau cặp kính gọng sừng, thấy là điều đó vô hại và nói to ý kiến đó lên: "Cái đó quyết không thể gây hại gì cho bé Oskar cả".

Jan Bronski đã tính cho Stephan đến trường công Ba Lan sau lễ Phục sinh, ai can cũng không chịu nghe. Năm lần bảy lượt, bác vạch rõ với mẹ tôi và Matzerath rằng bác là một viên chức Ba Lan, làm việc tốt ở Sở Bưu Chính Ba Lan và được đãi ngộ xứng đáng. Chung cục, bác là người Ba Lan và Hedwig cũng sẽ mang quốc tịch Ba Lan ngay sau khi giấy tờ thủ tục xong xuôi, vả lại, một đứa bé sáng dạ như Stephan có thể học tiếng Đức ở nhà. Còn Oskar - bao giờ bác Jan cũng khẽ thở dài mỗi khi nói "Oskar" - nó cũng sáu tuổi như Stephan; đành rằng nó nói chưa được sõi lắm, nhìn chung, nó có chậm phát triển so với tuổi, còn về tầm vóc của nó... dào, nói mãi rồi, nhưng dù thế nào đi nữa cũng cứ nên thử, nói cho cùng, giáo dục là cưỡng bách - miễn là ban giám hiệu nhà trường không phản đối.

Ban giám hiệu nhà trường tỏ ý ngần ngại và yêu cầu có giấy chứng nhận của bác sĩ. Hollatz nói rằng tôi là một đứa trẻ khoẻ mạnh tuy về hình thể chỉ bằng đứa lên ba - ông ta phải thừa nhận thế - và tôi nói chưa được tốt lắm, nhưng ngoài ra, trí khôn của tôi không kém một đứa 5- 6 tuổi bình thường, ông cũng nói điều gì đó về tuyến giáp trạng của tôi.

Tôi phải qua đủ mọi kiểu khám và xét nghiệm. Nhưng tôi đã quen với cái trò đó và tôi đón nhận nó một cách dửng dưng, thậm chí hòa nhã, nhất là khi không có ai định tước cái trống của tôi: người ta vẫn kinh hoàng nhớ đến cuộc hủy diệt bộ sưu tập cóc, rắn và phôi của Hollatz.

Chỉ khi ở nhà, vào buổi sáng hôm đầu tiên đến trường, tôi mới ở thế buộc phải sử dụng đến chất kim cương của giọng mình: Matzerath, cực chẳng đã, yêu cầu tôi để cái trống ở nhà, không được mang nó qua cổng trường Pestalozzi.

Cuối cùng, khi ông dùng đến vũ lực, toan đoạt lấy cái không thuộc về ông, chiếm hữu một thứ nhạc cụ mà ông không biết chơi, hơn nữa lại chẳng có chút tình cảm gì với nó, tôi bèn đập tan một cái lọ cổ, thấy bảo là đồ "gin". Khi cái lọ cổ "gin" nằm trên thảm dưới hình thức những mảnh vỡ "gin", Matzerath, vốn rất quý nó, giơ tay toan đánh tôi. Nhưng đúng lúc ấy, mẹ tôi chồm lên và bác Jan, vừa ghé qua cùng Stephan với chiếc Sừng Phồn Thịnh truyền thống [2], cũng xông vào can.

"Alfred, tôi xin, tôi xin!" bác nói theo cái cách bình tĩnh, ngọt như mía lùi của bác và Matzerath, khuất phục trước ánh mắt xanh của bác Jan và xám của mẹ tôi, đành hạ tay xuống đút vào túi quần.

Trường Pestalozzi là một toà nhà hộp mới ba tầng, gạch đỏ, mái bằng, trang trí bằng bích họa theo lối cạo sáng trên nền tường sẫm, do Hội đồng quản trị khu ngoại ô xây dựng dưới áp lực ráo riết của Đảng Xã hội Dân chủ hồi đó còn hoạt động rất mạnh. Tôi cũng hơi thích cái nhà hộp này, trừ cái mùi của nó và những hình lực sĩ thiếu niên trong các bích hoạ.

Trên vạt sỏi ngoài cổng trường, có mấy cái cây quắt queo một cách trái tự nhiên đến nỗi người ta sửng sốt khi thấy chúng bắt đầu xanh lá; chúng được chống đỡ bằng những cọc sắt nom như gậy phép của đức giám mục. Từ khắp phía, đổ về những bà mẹ, tay ôm Sừng Phồn Thịnh, tay lôi sềnh sệch những thằng bé - thằng khóc mếu, thằng ngoan ngoãn mẫu mực - theo sau. Chưa bao giờ Oskar thấy nhiều bà mẹ cùng hướng về một điểm như thế, cứ như là họ đang trên đường đến một cái chợ ở đó họ có thể chọn mua đứa con đầu lòng hoặc thứ hai của mình vậy.

Từ cửa vào, tôi đã thoáng ngửi thấy cái mùi được mô tả biết bao lần của trường học, cái mùi thân mật hơn mọi thứ nước hoa trên đời. Ở sảnh ngoài, có bốn, năm bể tròn lớn bằng granít được gắn trên nền gạch lát, không theo hàng lối trật tự nào. Từ dưới đáy, nước từ nhiều nguồn khác nhau đồng loạt phun lên. Nhìn bọn trẻ vây quanh bể nước, trong đó có những thằng trạc tuổi tôi, tôi lại nhớ đến con lợn nái của bác Vincent ở Bissau, nó thỉnh thoảng vẫn nằm nghiêng một bên mạn sườn cho lũ con khát sữa hùng hổ tấn công vào bầu vú.

Lũ trẻ cúi mình trên thành bể với những tia nước dựng đứng, rũ tóc xuống, há mồm cho nước phọt vào. Tôi không dám chắc là chúng chỉ đùa nghịch hay uống thật. Thi thoảng, hai thằng đứng dậy gần như đồng thời, phồng má rồi, với một tiếng ọc ọc nghe ghê người, nhổ vào mặt nhau ngụm nước bể âm ấm chắc chắn là có lẫn nước bọt và vụn bánh mì, Lúc bước chân vào sảnh ngoài, tôi đã vô tư liếc mắt qua khe cửa để ngỏ của phòng tập thể dục ở bên cạnh, trông thấy con ngựa da, những sào và dây tập leo, cái xà đơn khủng khiếp luôn luôn đói thèm một vòng lộn. Tất cả những cái đó khiến tôi khát ghê gớm và cũng như lũ nhóc kia, tôi những muốn tợp một ngụm nước cho đã. Nhưng thật khó mà hỏi xin mẹ bế Oskar-tí-hon lên ngang tầm một trong những tia nước kia. Ngay cả nếu tôi có đứng lên cái trống cũng không vươn tới được. Nhưng khi nhảy vội tới ngó qua thành bể, tôi nhận thấy những mẩu thừa bánh mì bèo nhèo chặn luồng chảy của nước và đáy bể đầy một chất cặn nhầy độc hại, thì cái cơn khát liền tiêu tan: tôi đã tích luỹ nó trong tưởng tượng nhưng với một cường độ thể xác trong khi lang thang qua cái sa mạc các thiết bị phòng tập thể dục.

Mẹ dẫn tôi lên những cầu thang đồ sộ xây cho người khổng lồ, qua những hành lang âm vang tới một phòng có treo phía trên cửa một cái biển đề 1- A. Trong phòng đầy những thằng bé trạc tuổi tôi. Các bà mẹ chúng túm tụm sát mé tường đối diện cửa kính vào lớp, tay ghì chặt những chiếc Sừng Phồn Thịnh nhiều màu phủ một lớp giấy lụa vốn đã thành truyền thống trong ngày đầu tiên đến trường. Những cái Sừng Phồn Thịnh cao vượt đầu tôi. Mẹ tôi cùng mang một cái.

Khi mẹ dẫn tôi vào phòng, đám dân đen cười ồ lên và đám mẹ dân đen cũng cười theo. Một thằng béo phục phịch định đánh trống của tôi. Không muốn giở đến võ đập thủy tinh, tôi buộc phải đá nó mấy cú vào ống đồng, làm nó ngã đập cái đầu chải mượt vào một cái bàn học sinh. Vì tội đó, tôi bị mẹ bợp tai mấy cái. Thằng quỷ con gào lên. Tôi thì không. Tôi chỉ gào khi có ai định tước cái trống của tôi. Xấu hổ vì màn trình diễn đó trước đám đông, mẹ đẩy tôi ngồi vào cái bàn học sinh đầu tiên ở dãy cạnh cửa sổ. Dĩ nhiên là cái bàn đó quá cao. Nhưng ở đằng sau, bàn còn cao hơn và bọn dân đen mặt đầy tàn nhang còn thô kệch hơn.

Tôi đành vậy và bình tĩnh ngồi vì chẳng có lý do gì để mất bình tĩnh. Mẹ tôi, hình như còn rất bối rối, tìm cách lẩn vào giữa các bà mẹ khác. Trước mặt những người cùng hội cùng thuyền, có lẽ mẹ cảm thấy hổ thẹn về cái gọi là trạng thái chậm phát triển của tôi. Các bà này cứ làm như thể lũ ngựa con của họ (theo ý tôi thì chúng lớn quá nhanh) là một cái gì đáng lấy làm hãnh diện lắm vậy.

Tôi không thể nhìn cánh đồng cỏ Fröbel qua cửa sổ vì, cũng giống như cái bàn học sinh nọ, thành cửa sổ không vừa tầm tôi chút nào. Chán quá. Nếu không tôi đã có thể phóng mắt ra cánh đồng cỏ, ở đó, theo như tôi biết, các hướng đạo sinh, dưới sự dắt dẫn của Greff-Rau-Quả, đang dựng lều, chơi bài lăngxcơnê và làm việc thiện, đúng với tư cách hướng đạo sinh. Chẳng phải là tôi thích gì cái cách họ ngợi ca thái quá cảnh sống lều trại. Điều hấp dẫn tôi là quan sát Greff cũn cỡn trong chiếc quần soọc. Giả mê cái đám thiếu niên mặt trắng bệch, mắt to, mảnh mai ấy đến nỗi không ngần ngại mặc bộ đồng phục của Baden-Powell, người cha của hướng đạo sinh.

Bị cái thứ kiến trúc dở hơi ấy che khuất cảnh tượng ngoạn mục mong muốn, tôi đành ngước mắt lên trời và lát sau, thấy lòng dịu lại. Những đám mây không ngớt hình thành và trôi về phía tây nam, như thể cái hướng này có một lực hấp dẫn đặc biệt đối với mây vậy. Tôi kẹp chặt cái trống giữa hai đầu gối và cạnh bàn mặc dầu nó chẳng bao giờ thoáng nghĩ đến chuyện lang bạt xuống mạn tây nam làm gì. Đầu Oskar dựa vào lưng chiếc ghế đóng liền bàn. Đằng sau tôi, cái đám được gọi là đồng môn của tôi gầm gừ, rống lên, cười, khóc và náo loạn. Chúng vo giấy ném tôi, nhưng tôi không buồn ngoảnh lại; tôi thấy những đám mây êm ả trôi về hướng đã định còn đáng nhìn hơn là cái lũ ngu độn nhăn nhó, động kinh nọ.

Lớp 1-A im bặt khi một người bước vào tự giới thiệu mình là Cô Spollenhauer. Tôi thì không cần phải im bặt vì tôi vốn đã im sẵn, chờ đợi sự việc xẩy đến trong một trạng thái gần như trầm ngâm hoàn toàn. Nói thật tình, Oskar hầu như không hề nghĩ đến những gì có thể sẽ xẩy đến với nó bởi lẽ nó đâu có cần giải trí. Vậy ta hãy nói rằng nó không chờ đợi mà chỉ ngồi ở bàn học của mình, khoan khoái biết rằng cái trống đang ở đúng chỗ thuộc về nó và mải mê ngắm những đám mây trôi sau những ô kính cửa sổ vừa được lau chùi bóng loáng vào dịp lễ Phục sinh.

Cô Spollenhauer mặc một bộ đồ nhiều góc cạnh khiến Cô có cái dáng vẻ khô khốc của đàn ông. Cảm giác ấy càng được tô đậm thêm bởi cái cổ áo chật cứng bó quanh yết hầu, làm hằn những nếp nhăn sâu nơi cổ. Vừa bước chân vào lớp trong đôi giày bẹt, Cô đã cảm thấy cần tỏ ra chan hòa và hỏi: "Nào, các con thân yêu, ta có thể hát một bài được không?"

Một tiếng gầm đáp lại và hẳn Cô hiểu đó là sự biểu đồng tình bởi vì Cô lập tức bắt đầu bằng một giọng kiểu cách the thé: "Đây là tháng Năm vui vẻ" mặc dầu bấy giờ mới là giữa tháng tư. Việc Cô Spollenhauer chưa chi đã báo sang tháng năm đủ khiến cho địa ngục bùng nổ. Không cần đợi hiệu lệnh bắt đầu, không cần thuộc lời, bất chấp nhịp điệu bài hát, đám dân đen đằng sau tôi bắt đầu gào rú, làm long cả vữa trát tường.

Bất kể màu da vàng bệch, những búp tóc loi xoi và cái cà-vạt đàn ông lấp ló sau cổ áo Cô, tôi vẫn thấy thương hại Cô Spollenhauer. Rứt ra khỏi những đám mây - hiển nhiên là hôm nay chúng không phải đến trường - tôi đứng bật dậy, rút cặp dùi trống ra khỏi dây đeo quần, và mạnh mẽ, dõng dạc dóng trống theo nhịp của bài hát. Nhưng đám dân đen không thèm nghe cũng chẳng đếm xỉa gì đến những cố gắng của tôi. Chỉ có Cô Spollenhauer gật đầu động viên tôi, mỉm cười về phía các bà mẹ đứng thành hàng nép vào tường, nháy mắt riêng với mẹ tôi. Xem đó là một hiệu lệnh tiến tới, tôi tiếp tục gõ trống, thoạt đầu còn nhẹ nhàng đơn giản, rồi trổ hết nghệ thuật, phô diễn mọi tiết tấu phức tạp nhất. Đám dân đen đằng sau tôi từ lâu đã ngừng tiếng gào rú man rợ. Tôi vừa bắt đầu tưởng tượng ra rằng cái trống đang dạy dỗ, giáo dục bọn đồng môn của tôi, biến chúng thành học trò của tôi, thì Cô Spollenhauer tiến lại gần bàn tôi. Cô quan sát đôi tay tôi và cặp dùi trống hồi lâu, thậm chí không có vẻ gì là khiếm nhã cả; với một nụ cười lơ đãng như thể quên cả mình đang ở đâu, Cô vỗ tay hòa theo nhịp trống của tôi. Trong một lúc, Cô trở thành một cô gái luống tuổi không đến nỗi khó coi, quên phắt chức trách chuyên môn sư phạm của mình và giàu tính người, có nghĩa giống như trẻ thơ, tò mò, phức tạp và vô luân.

Tuy nhiên, khi Cô không bắt được vào nhịp với tôi, Cô lại rơi trở về cái vai trò thường ngày, nghiêm chỉnh ngay ngắn một cách đần độn, và, tệ hơn nữa, với đồng lương rẻ mạt; Cô lấy lại tư thế như các nhà giáo thỉnh thoảng vẫn phải cố làm vậy và nói: "Chắc hẳn con là bé Oskar. Chúng ta đã nghe nói nhiều về con. Con đánh trống mới hay làm sao! Có phải không các con? Oskar của chúng ta là một tay trống cự phách, đúng không nào?".

Bọn trẻ con gào rú, các bà mẹ tụm lại gần nhau hơn nữa, Cô Spollenhauer lấy lại chủ động: "Nhưng bây giờ ta hãy để cái trống vào tủ đã; chắc nó mệt rồi và muốn ngủ. Rồi khi nào học xong, con sẽ lấy lại."

Trước cả khi xổ ra hết những lời đạo đức giả tầm phào ấy, Cô đã xoè những móng tay nhà giáo được cắt rất sát toan nắm lấy cái trống của tôi - mà lạy Chúa, nó đâu có mệt và buồn ngủ! Tôi giữ vững, ghì chặt tang trống hai màu trắng - đỏ giữa hai ống tay áo nịt. Thoạt đầu, tôi nhìn chằm chằm vào Cô nhưng rồi thấy Cô vẫn giống cái mô hình một giáo học trường công, tôi bèn nhìn xuyên suốt qua Cô. Bên trong Cô Spollenhauer, tôi tìm thấy đủ chất liệu lý thú cho ba chương đồi bại, song vì cái trống của tôi đang lâm nguy nên tôi đành rứt ra khỏi đời sống nội tâm của Cô và, dõi cặp mắt xoi mói vào khoảng giữa hai xương bả vai của Cô, tôi phát hiện ra trên làn da nhẵn mịn một cái bớt to bằng đồng xu với một túm lông dài mọc kín.

Tôi không biết đích xác là do Cô cảm thấy mũi khoan của tia nhìn hay vì giọng tôi đã gại vào mắt kính bên phải của Cô như một lời cảnh cáo nhẹ nhàng: dù sao đi nữa, Cô cũng ngừng cuộc thị uy đã khiến các khớp ngón của Cô căng ra đến trắng trợt. Có vẻ như Cô không chịu nổi cú gại trên mục kính, nó làm Cô sởn gai ốc. Cô rùng mình buông cái trống của tôi ra và, ném một cái nhìn trách móc về phía mẹ tôi lúc này chỉ muốn chui xuống đất, Cô tuyên bố: "Mày là một thằng bé Oskar độc ác, con ạ." Rồi, để cái trống không hề buồn ngủ lại cho tôi, Cô quay đằng sau và rảo bước trên đôi giày gót bẹt tới bàn mình, lấy trong cặp ra một cặp kính khác, chắc là kính đọc, giựt phắt khỏi sống mũi cặp kính đã bị giọng tôi gại lên như kiểu người ta lấy móng tay cào trên cửa kính, với một cái nhăn mặt như hàm ý rằng tôi đã làm uế tạp mục kính của Cô, đeo cặp kia lên, rướn thẳng người khiến các đốt xương kêu răng rắc và một lần nữa thò tay vào cặp, tuyên bố: "Bây giờ, ta sẽ đọc thời gian biểu cho các con nghe!"

Lần này, Cô lôi từ trong cặp ra một tệp phiếu. Giữ lại một cái cho mình, Cô phân phối số còn lại cho các bà mẹ trong đó có mẹ tôi và truyền đạt tỉ mỉ cho lớp học đã lại nhộn nhạo: "Thứ hai: tôn giáo, tập viết, số học, trò chơi; Thứ ba: số học, thư

pháp, học hát, cách trí; Thứ tư: số học, viết tập, vẽ, vẽ; Thứ năm: địa dư, số học, tập viết, tôn giáo; Thứ sáu: số học, trò chơi, thư pháp; Thứ bảy: số học, hát, trò chơi, trò chơi".

Cái sản phẩm trang trọng này của một hội đồng sư phạm, được tuyên đọc bằng một giọng nghiêm nghị không bỏ sót một chữ nào, vang lên như một định mệnh không bề xoay chuyển. Nhưng rồi nhớ lại những điều đã học ở Trường Sư phạm, Cô Spollenhauer bỗng dịu dàng và ngọt xớt: "Và bây giờ, các con thân yêu," Cô bốc lên trong niềm hoan hỉ đầy tinh thần tiến bộ, "Tất cả chúng ta hãy đồng thanh nhắc lại. Nào: Thứ hai?"

Cả lũ gào "Thứ hai."

"Tôn giáo?" Và bọn vô đạo được rửa tội rống lên "tôn giáo". Riêng tôi thì kìm giọng, chỉ nhấn các âm tiết trên trống.

Đằng sau tôi, dưới sự kích động của Cô Spollenhauer, bọn tà giáo lại gầm lên: "Tập viết!" Tùng-tùng, trống tôi rền vang. "S-ố h-ọ-c!" Thêm hai nhát nữa.

Trước mặt tôi: Cô Spollenhauer lải nhà lải nhải, đằng sau tôi: đám dân đen gào rú. Ngậm bồ hòn làm ngọt, tôi gõ các âm tiết với mức độ vừa phải và mọi sự cứ tiếp tục như thế cho đến khi Cô Spollenhauer, chẳng biết bị con quỷ nào chọc bậy, nhảy dựng lên, rõ ràng là nổi đoá, nhưng không phải với bọn Tácta đằng sau tôi; không, chính tôi là kẻ đã khiến đôi má Cô đỏ bừng giận dữ; cái trống nhỏ tội nghiệp của Oskar đã thành vật chướng ngại của Cô, thành duyên cớ tranh chấp khiến Cô hận tôi.

"Oskar, nghe ta này: Thứ năm, địa dư?" Bỏ qua hai chữ Thứ năm, tôi gõ hai tiếng "địa dư", hai tiếng "số học" và hai tiếng "tập viết"; với từ "tôn giáo", tôi không gõ hai nhát đơn mà, theo nguyên lý thần học sùng kính, khấn hai tiếng kẹp ba (tượng trưng Chúa Ba Ngôi).

Nhưng tai Cô Spollenhauer đâu có phân biệt được những tinh tế ấy. Đối với Cô, mọi điệu trống đều tởm lợm như nhau. Một lần nữa Cô xoè mười móng tay cắt ngắn và một lần nữa chúng định túm lấy cái trống của tôi.

Nhưng trước cả khi Cô chạm tay vào nó, tôi đã phóng tiếng thét diệt thủy tinh, phá tan những ô kính trên cùng của ba cái cửa sổ to quá khổ của lớp học. Tiếng thét thứ hai xóa sổ hàng ô kính ở giữa. Không còn bị chắn lối, không khí êm dịu của mùa xuân tràn vào lớp. Với tiếng thét thứ ba, tôi tiêu diệt nốt những ô kính dưới cùng, song tôi phải thừa nhận rằng cú đó là thừa, đơn thuần do rửng mỡ, có thể nói vậy, vì mụ Spollenhauer đã thu móng vuốt về ngay từ lúc những ô kính trên cùng và ở giữa hy sinh. Thay vì công phá những ô kính cuối cùng còn lại, đơn thuần vì thói chơi hiểm, đáng ngờ về phương diện nghệ thuật, lẽ ra Oskar nên hành động khôn ngoan hơn, để mắt đến mụ Sollenhauer đang rút lui vô trật tự.

Có trời biết mụ kiếm đâu ra cái roi ấy. Dù sao chăng nữa, nó đột nhiên xuất hiện nơi tay mụ, rung lên trong không khí lớp học lúc này đã trộn lẫn với không khí mùa xuân. Mụ khoa roi vun vút trong không khí hỗn hợp ấy, ướm thử độ mềm dẻo của nó, kích cho nó thèm khát được làm trầy da toác thịt, thèm khát tiếng gió rít veo veo, thèm khát tiếng rèm loạt xoạt mà một cây roi vung lên có thể gợi nên. Và đây, nó quật xuống bàn tôi mạnh đến nỗi một tia tim tím phọt lên từ lọ mực của tôi. Rồi khi tôi không chịu chìa tay ra hứng đòn, mụ bèn quật vào cái trống. Mụ đánh cái trống thân yêu của tôi! Mụ, cái mụ Spollenhauer ấy dám đánh bảo vật của tôi! Vì cớ gì mà mụ đánh? Ừ, cứ cho là mụ ngứa tay muốn đánh một cái gì, nhưng sao lại nhằm cái trống của tôi? Thế còn cái bọn nhà quê đằng sau tôi thì sao? Có nhất thiết phải là cái trống của tôi không? Thử hỏi mụ - một kẻ không biết gì, hoàn toàn không biết tí gì về nghệ thuật chơi trống - mụ có quyền gì mà tấn công và đánh đập cái trống của tôi? Cái ánh long lanh trong mắt mụ là gì vậy? Một con thú sẵn sàng tấn công? Nó xổng ra từ vườn thú nào, nó đang thèm khát gì, nó tìm kiếm con mồi nào? Cũng một con thú loại ấy chiếm lĩnh Oskar; không biết từ đáy vực nào, nó dâng lên, xuyên qua đế giày, qua gan bàn chân, lên nữa và lên nữa, tiếp quản thanh đới và thúc ép Oskar bật lên một tiếng gầm đủ mạnh để "phi kính hoá" cả một cái nhà thờ Gôtích lung linh ánh khúc xạ của hàng trăm cửa sổ.

Nói cách khác, tôi dồn lực vào một tiếng kêu kép, đập tan thành bụi cả hai mắt kính của mụ Spollenhauer. Cặp mày của mụ hơi chảy máu, mắt hấp háy qua hai trồng kính rỗng không, mụ rờ rẫm lùi lại và cuối cùng, bắt đầu thút thít một cách thảm hại, mất hết tự chủ, chẳng xứng với một nhà giáo dục chút nào, trong khi bọn dân đen đằng sau tôi chìm vào một im lặng khiếp đảm, có đứa răng đánh đàn cầm cập, một số đứa khác chui xuống gầm bàn. Mấy thằng lỉnh từ bàn này sang bàn khác về phía các bà mẹ. Các bà này, khi nhận thức được mức độ tổn hại, nhìn quanh tìm thủ phạm và như sắp sửa nhảy bổ đến xé xác mẹ tôi ra làm nhiều mảnh. Hẳn họ đã làm thế nếu tôi không ôm trống lao tới để yểm trợ mẹ.

Vượt qua Cô Sollenhauer mù dở, tôi rẽ đường tới bên mẹ đang bị đám Nữ thần tóc rắn uy hiếp, nắm tay mẹ kéo ra khỏi lớp 1-A lúc này đầy gió lùa. Những hành lang đầy âm vang, những cầu thang đá cho trẻ con nòi khổng lồ. Cùi bánh mì trong những bể phun nước bằng granít. Trong phòng tập thể dục mở cửa, những đứa trẻ run sợ dưới xà đơn. Mẹ vẫn còn cầm tấm phiếu ghi thời gian biểu. Ra khỏi cổng trường Pestalozzi, tôi giật lấy nó từ tay mẹ và bỏ vào mồm nhai đến nát bét.

Có bác thợ ảnh đứng giữa hai cột cổng trường chờ các học sinh mới cùng mẹ chúng. Oskar đồng ý để bác bố trí một kiểu chụp nó cùng cái Sừng Phồn Thịnh vẫn nguyên vẹn qua cả vụ lộn xộn. Mặt trời ló ra, các lớp học lao xao trên đầu. Bác thợ ảnh xếp Oskar đứng trước một tấm bảng đen làm phông, trên đó viết: Ngày đầu tiên đi học của tôi.

Chú thích:

[1] Tiếng miệt thị chỉ người Ba Lan.

[2] Theo lục lệ, các ông bố bà mẹ, ngày đầu tiên đưa con đến trường, đều mang theo một túi giấy hình phễu với nhiều màu sắc trang trí tượng trưng cho sự phồn thịnh sung túc để cầu chúc điều tốt lành cho con.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx