sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ca Khúc -Trái Phá Tầm Xa

Nữ bác sĩ Hornstetter - người hầu như ngày nào cũng ghé thăm tôi một lúc vừa đủ để hút hết một điếu thuốc lá, người có nhiệm vụ chữa bệnh cho tôi nhưng lại được tôi điều trị vì sau mỗi lần thăm bệnh, bà ra về đỡ căng thẳng hơn lúc đến, người thuộc loại ít giao tiếp và chỉ thân với điếu thuốc lá của mình - cứ một mực cho rằng tuổi thơ của tôi bị biệt lập, tôi quá ít chơi với những đứa trẻ khác.

Ờ, về những đứa trẻ khác thì có thể bà nói đúng. Đúng là tôi quá bận bịu với những bài học của Gretchen Scheffler, quá bị giằng xé giữa Goethe và Rasputin, đến nỗi dù có muốn đến mấy cũng không kiếm đâu ra thì giờ để chơi nhảy vòng tròn hoặc trốn tìm. Nhưng bất cứ khi nào tôi bắt chước một ông học giả nào đó bất chợt quay lưng lại với sách, tuyên bố đó là tha ma của ngôn ngữ, và tìm về với đời thường thì tôi lại chạm trán với bọn quỷ con ăn thịt người ở cùng khu nhà và sau một thoáng ngắn tiếp xúc với chúng, tôi cảm thấy rất sung sướng được quay về an toàn với bài tập đọc của mình.

Oskar có thể rời căn hộ của cha mẹ bằng hai lối: hoặc qua cửa hàng rồi ra phố Labesweg, hoặc qua cửa trước đến chân cầu thang. Từ đây, nó có thể, hoặc ra thẳng ngoài phố, hoặc leo bốn tầng gác đến căn phòng áp mái, nơi tay nhạc công Meyn đang thổi t’rompét, hoặc nữa, lựa chọn cuối cùng là ra sân. Đường phố lát đá cuội. Sân rải cát nện là nơi cho thỏ sinh sản và cho mọi người làm vệ sinh thảm. Ngoài những cuộc song tấu năm thì mười hoạ với Meyn say khướt, căn phòng áp mái còn cho tầm nhìn bao quát cảnh vật xung quanh và đem đến cái ảo giác thú vị về tự do mà những kẻ leo tháp đều tìm kiếm, nó khiến những người sống trên tầng áp mái trở nên mơ mộng.

Đối với Oskar, sân chứa đầy nguy hiểm, còn tầng áp mái thì an toàn cho đến khi Axel Mischke cùng đồng bọn trục nó ra khỏi đó. Sân có chiều rộng bằng cả khu nhà, nhưng chỉ sâu bảy bước, phía sau có một hàng rào gỗ quét hắc ín, trên phủ dây thép gai, ngăn cách với các sân khác. Từ tầng áp mái, có thể nhìn rất rõ cái mê cung bên trong khối nhà giới định bởi bốn phố: Labesweg phía sau, Herta và Louise hai bên, và Nữ thánh Marie cách một quãng ở đằng trước. Trong cái hình chữ nhật lớn bao gồm nhiều khoảng sân xệch xẹo ấy, còn có một xưởng sản xuất kẹo chống ho và mấy xưởng sửa chữa vặt. Đây đó trong các sân, hiện rõ những cây lớn cây nhỏ đánh dấu nhịp mùa đi. Các sân, bất kể rộng hẹp và hình dạng khác nhau, đều có thỏ và dụng cụ để đập thảm. Thỏ thì ngày nào cũng có mặt và hoạt động, nhưng còn thảm thì theo nội quy của khu chung cư, chỉ được làm vệ sinh vào những ngày thứ ba và thứ sáu. Vào những ngày này, mới thấy rõ quy mô thực sự của khối nhà. Từ trên tầng áp mái, Oskar nhìn và nghe thấy rõ mồn một: hơn trăm tấm thảm các loại: thảm lớn trải phòng, thảm dài trải hành lang, thảm nhỏ trải chân giường, được xát bằng dưa bắp cải, rồi chải, đập thật kỹ cho đến khi hiện lên thật rõ các họa tiết. Một trăm mụ nội trợ, cánh tay để trần tròn trĩnh, tóc chít gọn trong một nút khăn, khuân từ các nhà ra hàng núi thảm, quăng đám tội đồ ấy lên những giá nhục hình, vớ lấy những chày đập và không gian bỗng tràn ngập những tiếng dập dồn như sấm.

Oskar chúa ghét cái khúc nhạc ngợi ca sự sạch sẽ ấy. Nó đấu tranh với tiếng ồn đó bằng cái trống của mình; tuy nhiên, ngay cả trên tầng áp mái cách xa nguồn sấm, nó vẫn chịu thua. Một trăm mụ đàn bà đập thảm có thể công phá cả bầu trời và xén cụt cánh những con én trẻ; chỉ với dăm bảy cú đập, họ đã làm đổ nhào ngôi đền nhỏ mà cái trống của Oskar đã dựng lên trong không khí tháng tư.

Những ngày không làm vệ sinh thảm, bọn trẻ con trong khu chung cư tập thể dục trên những giá gỗ dùng để đập thảm. Họa hoằn lắm tôi mới ra sân. Nơi duy nhất tôi cảm thấy tương đối an toàn là cái hăng-ga của già Heilandt. Ông già này chỉ cho mình tôi được vào cái kho ngổn ngang những ốc vít, ròng rọc, máy khâu gãy, xe đạp thiếu bộ phận này nọ, và những hộp xì-gà đựng đầy những chiếc đinh cong queo hoặc đã uốn thẳng lại. Đó là một trong những bận bịu chính của già: khi nào không nhổ đinh khỏi những cái hòm cũ thì già lại lọ mọ bên chiếc đe, cặm cụi uốn thẳng mớ đinh đã thu hồi ngày hôm trước. Ngoài việc thu hồi đinh, già còn là người giúp việc dọn nhà khi cần, làm thịt thỏ vào dịp lễ và nhổ bã thuốc lá nhai khắp nơi trong sân, trên cầu thang và trên tầng áp mái.

Một hôm, khi bọn trẻ con, theo cách của trẻ con, nấu xúp cách hăng-ga của già Heilandt không xa, Nuchi Eyke yêu cầu già nhổ vào nồi xúp ba lần. Già chấp thuận, mỗi lần lại hắng giọng một tiếng, rồi biến vào trong hăng-ga tiếp tục gõ búa uốn thẳng lại những chiếc đinh quằn. Axel Mischke cho thêm gạch nghiền nhỏ vào xúp. Oskar đứng ngoài cuộc, nhưng tò mò theo dõi. Axel Mischke và Harry Schlager đã lấy chăn, mền và quần áo cũ dựng một cái lều để ngăn người lớn khỏi nhòm ngó vào món xúp của chúng. Khi món xúp gạch bắt đầu sôi, Honschen Kollin bèn dốc túi, góp vào hai con ếch sống vừa bắt được ở Hồ Aktien. Susi Kater, đứa con gái duy nhất ở trong lều, bĩu môi vì thất vọng, cay đắng khi hai con ếch biến mất tăm trong nồi xúp một cách thảm hại, thậm chí không cố làm một cú nhảy cuối cùng xem như tiếng hót thiên nga. Bất chấp sự có mặt của Susi, Nuchi Eyke mở khuy quần, tè vào bữa tiệc nhất món. Axel, Harry và Honschen Kollin cũng làm theo. Cũn-Cỡn định chứng tỏ với các anh lớn mười tuổi là nó cũng làm được, nhưng không đạt. Mọi con mắt đổ dồn về Susi và Axel đưa cho nó một cái chậu men màu xanh da trời. Oskar đã định đi nhưng nán chờ đến lúc Susi (chắc chẳng mặc gì dưới váy) ngồi xổm lên cái chậu, đầu gối khép chặt, đôi mắt vô hồn nhìn vào khoảng không, và cuối cùng nheo mũi lại khi một tiếng tong tong khe khẽ nơi đáy chậu báo hiệu là Susi đã đóng góp phần mình vào bữa xúp.

Đến đây thì tôi bỏ chạy. Đáng ra tôi không nên chạy; đáng ra tôi nên bình tĩnh đi cho đàng hoàng. Mắt chúng còn để cả vào cái chậu kia, nhưng vì tôi chạy nên chúng mới nhìn theo. Tôi nghe thấy tiếng Susi: "Nó chạy đi làm gì nhỉ, chắc là nó đi chỉ điểm bọn ta". Cái đó giáng mạnh vào lưng tôi và tôi vẫn còn cảm thấy nó xuyên qua người khi tôi leo hết bốn cầu thang tới căn áp mái và dừng lại để lấy hơi.

Hồi ấy, tôi bảy tuổi rưỡi. Susi có thể là chín tuổi. Cũn-Cỡn thì chỉ lên tám; Axel, Nuchi, Honschen và Harry khoảng mười hoặc mười một. Còn có Maria Truczinski nữa. Nó lớn tuổi hơn tôi một chút, nhưng nó không bao giờ ra sân chơi; nó chơi với búp-bê ở trong nhà bếp của Mamăng Truczinski hoặc với cô chị lớn Guste phụ việc ở vườn trẻ Tin Lành.

Có gì là lạ nếu cho đến nay tôi vẫn không chịu nổi cái tiếng đàn bà đái vào bô ở trong phòng ngủ? Ngồi trên tầng áp mái, Oskar xoa dịu vỗ về tai mình bằng cách đánh trống. Nó vừa mới bắt đầu cảm thấy rằng tiếng xúp sôi ùng ục đã lùi xa đằng sau lưng, thì cả bọn chúng, tất cả những đứa đã góp phần mình vào nồi xúp, đột nhiên xuất hiện, đứa chân đất, đứa đi dép lê. Nuchi bê cái nồi. Chúng quây thành một vòng tròn quanh Oskar, Cũn-Cỡn đến sau cùng. Chúng hích nhau, thì thào qua kẽ răng: “Làm tới đi!" Sau cùng, Axel túm lấy Oskar từ phía sau và khoá cánh khuỷu nó. Susi cười, lưỡi hơi thè lè giữa hai hàm răng đều đặn ươn ướt, và nói tại sao lại không nhỉ, tại sao lại không nên. Nó cầm lấy chiếc cùi -dìa nhỏ từ tay Nuchi, chùi vào đít quần rồi nhúng vào nồi xúp đang bốc hơi. Như một bà nội trợ đảm, nó chậm rãi quấy, thử xem xúp có sánh không, múc một cùi-dìa đầy, thổi cho nguội và cuối cùng tọng nó vào mồm Oskar, phải, nó ấn cả cái cùi-dìa vào mồm tôi. Suốt ngần ấy năm, tôi chưa bao giờ ăn một cái gì như thế, cái vị của nó còn lưu cữu mãi trong cổ họng tôi.

Mãi đến khi những người bạn cực kỳ quan tâm đến chế độ ăn uống của tôi rời khỏi tầng áp mái vì Nuchi nôn vào nồi xúp, tôi mới bò tới góc sân phơi quần áo ở đó lúc bấy giờ chỉ phất phơ vài tấm drap ( khăn trải giường), và mửa ra mấy cùi-dìa xúp đo đỏ trong đó, lạ thay! chẳng thấy chút vết tích nào của ếch cả. Tôi trèo lên một cái tủ kê ngay bên dưới cửa sổ mái để mở. Miệng vẫn lạo xạo chút bụi gạch, tôi nhìn ra mấy cái sân đằng xa và cảm thấy một thôi thúc muốn hành động. Nhìn về phía những cửa sổ xa xa của những ngôi nhà phố Nữ thánh Marie, tôi thét và hát nhằm chính hướng ấy. Tôi không thấy được kết quả gì; tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin vào khả năng công phá tầm xa bằng giọng hát đến nỗi từ đó, khoảng sân này và tất cả các sân khác trở nên quá nhỏ đối với tôi. Khát thèm khoảng cách, không gian, toàn cảnh bao quát, tôi quyết định lợi dụng mọi dịp rời khỏi khu ngoại ô Labesweg, hoặc một mình hoặc cùng với mẹ, để thoát khỏi những săn đuổi của bọn nấu xúp trong mảnh sân đã trở nên quá nhỏ hẹp.

Thứ năm nào mẹ tôi cũng vào thành phố để mua sắm. Thông thường, mẹ vẫn cho tôi đi cùng. Bao giờ mẹ cũng đem tôi theo khi cần mua một cái trống mới ở cửa hàng Sigismund Markus trong ngõ Binh Công Xưởng gần Chợ Than. Thời kỳ này - từ bảy tuổi đến năm lên mười - cứ hai tuần tôi chơi nát một trống. Từ mười đến mười bốn tuổi, không đầy một tuần, tàn một đời trống. Sau này, tôi trở nên khó lường hơn: tôi có thể chỉ trong một ngày biến một cái trống mới thành đồ đồng nát, nhưng cũng có giai đoạn, trong một trạng thái tinh thần cân bằng, tôi có thể chơi liền ba, bốn tháng một cách từ tốn, tự chủ nhưng không kém phần mạnh mẽ mà trống vẫn hầu như nguyên vẹn, trừ một vài vết nứt trên lớp sơn.

Nhưng ta hãy quay lại những ngày mà, theo chu kỳ, tôi thoát ra khỏi sân nhà chúng tôi với những cuộc đập thảm, những tên nấu xúp của nó, nhờ mẹ tôi cứ hai tuần một lần đưa tôi đến cửa hàng Sigismund Markus, ở đó tôi được phép chọn một cái trống mới. Đôi khi, cái trống cũ của tôi vẫn còn tương đối tốt, nhưng mẹ vẫn cho tôi đi theo. Tôi rất khoái những buổi chiều đó trong khu phố cổ rực rỡ sắc màu, ở đó bao giờ cũng có một vẻ gì tựa như bảo tàng và luôn luôn vang ngân những hồi chuông từ nhà thờ này hay nhà thờ nọ.

Những chuyến đi của chúng tôi thường đơn điệu một cách thú vị. Bao giờ cũng có mấy thứ phải mua ở các cửa hiệu Leiser, Sterfeld hay Machwitz; sau đó chúng tôi đến chỗ Markus. Từ lâu, Markus đã có thói quen ngợi khen tâng bốc mẹ tôi lên đến mây xanh. Hiển nhiên là bác ta mê mẹ, nhưng theo như tôi biết thì bác chưa bao giờ đi quá cử chỉ xiết chặt bàn tay "đáng giá vàng cân" (theo lời mô tả nồng nàn của bác) và lặng lẽ áp môi lên đó trong một nụ hôn thành kính - trừ cái lần bác quỳ gối tỏ tình mà lát nữa tôi sẽ kể tới.

Ngoài cái thân hình đầy đặn, chắc khoẻ, mẹ còn thừa hưởng ở bà ngoại Koljaiczek thói phù phiếm dễ thương hòa hợp với tính hồn hậu, tốt bụng, thế nên mẹ chịu đựng được thái độ xoắn xuýt săn đón của Markus. Hẳn là trong chừng mực nào đó, mẹ cũng xiêu lòng trước những đôi tất dài bằng lụa - thuộc loại hàng không đủ quy chuẩn nhưng phẩm chất rất tốt - mà bác bán cho mẹ với giá rẻ đến mức có thể nói đó thực chất là quà tặng. Đó là chưa kể những cái trống mà, cứ đều đặn hai tuần một lần, bác đưa qua mặt quày cho tôi với những giá không đáng kể.

Đều đặn cứ đúng bốn rưỡi, mẹ lại nhờ Sigismund trông tôi một lúc, vì trời đã về chiều mà mẹ còn có mấy việc quan trọng phải làm cho xong. Miệng tủm tỉm một nụ cười kỳ lạ, Markus nghiêng đầu và với lời lẽ hoa mỹ, hứa sẽ gìn giữ tôi, Oskar, như con ngươi của mắt mình để mẹ yên tâm giải quyết những việc quan trọng nọ. Thoáng giễu cợt nhẹ nhàng trong giọng bác không làm mẹ tổn thương, nhưng đôi khi cũng khiến mẹ đỏ mặt, ngờ ngợ rằng Markus biết thực chất đó là việc gì.

Về phần mình, tôi biết tỏng những việc mà mẹ bảo là quan trọng và nhiệt tình thực hiện đến thế.

Một thời gian, mẹ cho tôi đi theo đến một nhà trọ rẻ tiền trong Ngõ Thợ mộc, ở đó mẹ để tôi lại với mụ chủ rồi biến lên gác đúng ba khắc đồng hồ. Không một lời, mụ chủ (chuyên uống cà-phê pha rượu) đặt trước mặt tôi một cốc xô-đa vị tởm lợm và tôi ngồi đó đợi cho đến lúc mẹ trở lại, bộ dạng hồ như không có gì thay đổi. Mẹ chào tạm biệt mụ chủ, mụ không buồn ngẩng đầu lên khỏi cốc cà-phê pha rượu - và nắm tay tôi dắt đi. Mẹ chẳng bao giờ ngờ rằng nhiệt độ nơi bàn tay mẹ khiến tôi nảy sinh những ý nghĩ này nọ. Bàn tay tôi nằm gọn trong bàn tay mẹ nóng rực, chúng tôi đi đến tiệm cà-phê Weitzke ở phố Thợ len. Mẹ gọi môka, Oskar gọi kem chanh và chúng tôi ngồi đợi (không lâu) cho đến khi bác Jan Bronski "tình cờ" đi qua; bác đến nhập bọn với chúng tôi và một cốc môka thứ hai được đặt lên mặt bàn đá hoa mát rượi.

Họ nói trước mặt tôi mà như thể không có tôi ở đó và câu chuyện của họ khớp với những gì tôi đã biết từ lâu: hầu như thứ năm nào mẹ và bác Jan cũng gặp nhau bốn mươi lăm phút ở một phòng trọ trong ngõ Thợ mộc do bác Jan thuê và trả tiền. Hẳn là chính bác Jan không muốn mẹ đem tôi đến ngõ Thợ mộc rồi đến tiệm cà-phê Weitzkei. Đôi khi bác rất e thẹn, e thẹn hơn cả mẹ nữa kia; mẹ thì thấy chẳng việc gì phải ngăn không cho tôi chứng kiến đoạn vĩ thanh khép lại giờ khắc ái ân của họ vì mẹ luôn luôn - ngay cả sau đó nữa - tin chắc đó là quyền chính đáng của mình.

Vậy là theo yêu cầu của bác Jan, hầu như chiều thứ năm nào tôi cũng ở lại với Sigismund Markus từ bốn rưỡi cho đến gần sáu giờ. Tôi được phép xem suốt lượt, thậm chí còn đánh thử, bộ trống của bác - thử hỏi Oskar có thể cùng một lúc chơi mấy cái trống ở đâu khác ngoài nơi này? Trong khi chờ đợi, tôi có thể ngắm gương mặt buồn thiu của Markus. Tôi không rõ những ý nghĩ của bác từ đâu đến, nhưng chúng đi đâu thì tôi biết chắc: chúng đang lượn lờ trong ngõ Thợ mộc, khẽ cào trên những cửa phòng đánh số, hay ngồi thu lu như chàng Lazare [1] tội nghiệp dưới gầm bàn mặt đá ở tiệm cà-phê Weitzke. Chờ đợi cái gì? Những mảnh vụn chăng?

Mẹ và bác Jan chả để lại chút mảnh vụn dư thừa nào. Tuyệt không. Họ tắc lẻm hết sạch. Cơn háu ăn của họ không lúc nào vơi đi, nó cắn cả đuôi của chính mình. Họ quá mải mốt nên cùng lắm, họ chỉ coi những ý nghĩ của Markus dưới gầm bàn như những vuốt ve không đúng lúc của một luồng gió lùa mà thôi.

Vào một trong những buổi chiều ấy - hẳn là vào tháng chín gì đó vì mẹ rời cửa hàng của Markus trong bộ đồ mùa thu màu gỉ sắt - tôi thấy Markus chìm đắm trong suy nghĩ đằng sau quầy. Không biết cái gì đã thôi thúc tôi vớ lấy cái trống mới mua và đi vào cái ngõ Binh Công Xưởng mát rượi và mờ tối như một đường hầm. Hai bên ngõ san sát những tủ kính lộng lẫy, nào đồ kim hoàn, nào sách, nào món ăn đặc sản. Nhưng dù có hấp dẫn đến mấy, những thứ đó cũng nằm ngoài tầm của tôi. Chúng không giữ được chân tôi và tôi tiếp tục đi hết ngõ, ra Chợ Than. Giữa vầng sáng bùi bụi, tôi đứng đối diện với Binh Công Xưởng. Mặt tiền màu xám ba-zan của Xưởng lỗ chỗ những vết đạn thần công từ nhiều cuộc bao vây khác nhau, ghi lại lịch sử của thành Danzig cho khách vãng lai chiêm ngưỡng. Những quả đạn thần công ấy chả có gì là lý thú đối với tôi, vì tôi biết rằng chúng không tự nguyện gắn mình vào tường, rằng ở thành Danzig có một người thợ xây làm công ăn lương của cả Sở Xây dựng lẫn Sở Bảo tồn Đền đài di tích, hai sở này có nhiệm vụ gắn những quả đạn của các thế kỷ trước lên mặt tiền các nhà thờ và tòa thị chính, đặc biệt lên tường mặt trước và mặt sau của Binh Công Xưởng.

Tôi quyết định đi tới Nhà Hát thành phố; tôi có thể nhìn thấy cái cổng có mái và hàng cột dẫn vào Nhà Hát, chỉ cách Binh Công Xưởng một cái ngõ tối. Đúng như tôi chờ đợi, Nhà Hát đóng cửa – phòng bán vé cho đêm diễn chỉ mở từ bảy giờ. Tính sẵn đường rút, tôi vừa dạo trống vừa phân vân rẽ sang ngả trái. Thế rồi Oskar chợt thấy mình đang ở giữa toà Tháp Công Lý và cổng phố Langgasse. Tôi không dám qua Cổng vào phố Langgasse rồi rẽ trái đến phố Thợ len, vì hẳn là mẹ và bác Jan Bronski đang ngồi đó; và ví dù họ có chưa tới đó thì chắc họ cũng vừa kết thúc cái công việc quan trọng ở ngõ Thợ mộc và đang trên đường đến giải nồng với ly môka bên cái bàn mặt đá.

Tôi không nhớ là tôi đã làm thế nào để đi qua Chợ Than, luồn lách giữa những chuyến xe điện leng keng hối hả lao qua lao lại dưới vòm cổng, rít ken két khi ngoặt đường "cua" hướng tới Chợ Than, Chợ Gỗ và nhà ga trung tâm. Có lẽ một người lớn, một cảnh sát thì phải, đã nắm tay tôi, dắt qua trùng trùng hiểm nguy của dòng xe cộ qua lại.

Tôi đứng trước ngọn Tháp Công Lý, tường gạch vút lên trời. Chỉ là do ngẫu nhiên, trong một thoáng buồn chán, mà tôi đem nhét cặp dùi trống vào giữa phần xây và nẹp sắt của cánh cửa. Tôi ngước mắt dọc theo mép tường nhưng thật khó mà nhìn được suốt mặt tiền vì lũ chim bồ câu không ngừng bay ra từ những hốc tường và cửa sổ để dừng một thoáng ngắn, vừa độ nghỉ của một con chim câu, trên những đầu ống máng hoặc lầu canh trước khi lao xuống, buộc tôi phải đưa mắt nhìn theo.

Hoạt động bay tới bay lui của lũ chim câu làm tôi bực mình. Không cách nào nhìn thấu đỉnh điểm của bức tường vươn lên bầu trời nên tôi đành thu luồng mắt về và, để xua tan nỗi bực dọc, tôi bắt đầu kiên quyết dùng cặp dùi trống làm đòn bẩy. Cánh cửa nhượng bộ. Không cần phải mở thật rộng, Oskar đã lách được vào bên trong tháp, leo lên cầu thang xoáy trôn ốc, luôn luôn đưa chân phải lên trước rồi kéo chân trái theo sau. Nó lên tới những gian ngục đầu tiên và tiếp tục leo nữa, qua phòng nhục hình với những dụng cụ tra tấn được lưu giữ cẩn thận và mang nhãn chỉ dẫn rõ ràng. Đến đây, nó bắt đầu đưa chân trái lên trước rồi kéo chân phải theo sau. Lên cao hơn chút nữa, nó ghé mắt nhìn qua một cửa sổ chấn song, ước lượng độ cao, xem xét bề dày của tường xây và xùy đuổi mấy con bồ câu. Đến khúc quành sau, nó lại gặp vẫn những con bồ câu ấy. Nó bèn trở lại cách bước chân phải trước và sau một lần đảo chân nữa, lên tới đỉnh tháp. Mặc dầu hai chân đã nằng nặng, nó vẫn cảm thấy có thể tiếp tục leo mãi, leo mãi được. Nhưng cầu thang đã bỏ cuộc trước. Trong một loé chớp, Oskar chợt hiểu ra sự phi lý và vô ích của việc xây dựng những ngọn tháp.

Tôi không biết Tháp Công Lý trước kia (và cả hiện nay nữa, vì sau chiến tranh nó vẫn đứng vững) cao bao nhiêu. Tôi cũng không muốn hỏi Bruno, tay y tá trông nom tôi, kiếm hộ một cuốn sách nghiên cứu về các công trình Gô-tích xây bằng gạch ở Đông Đức. Tôi đoán chừng, từ chân đến đỉnh, nó hẳn phải cao tới bốn mươi lăm mét.

Tôi buộc phải dừng lại - vì cái cầu thang thiếu dũng khí của lòng tin- trên một hành lang bao quanh đỉnh tháp. Tôi ngồi xuống, đút chân vào giữa những gióng lan can và cúi mình về phía trước. Cánh tay phải ghì chặt một gióng lan can, tôi ghé mắt qua đó nhìn xuống Chợ Than, trong khi tay trái nắm chắc cái trống để yên trí rằng nó vẫn an toàn sau khi đã cùng tôi làm trọn cuộc leo tháp này.

Tôi không muốn làm quý vị phát chán với việc mô tả toàn cảnh Danzig - thành phố cổ kính với hàng trăm tháp và gác chuông mà người ta nói là còn dạt dào hơi thở của thời Trung cổ - cái đó quý vị có thể thấy trên hàng tá bưu ảnh in rất đẹp. Tôi cũng sẽ không phí thì giờ nói về những con bồ câu mặc dầu nhiều người vẫn coi đó là chất liệu văn học. Đối với tôi, bồ câu chả là cái quái gì, thậm chí còn kém cả hải âu về ngôi thứ. Cái con "chim bồ câu hòa bình" của các người chỉ có giá trị như một nghịch lý. Tôi thà gửi gắm một thông điệp hòa bình vào một con diều hâu hay thậm chí một con kền kền còn hơn là giao cho một con bồ câu bởi nó đích thị là giống vật hay gây gổ nhất dưới bầu trời của Thượng Đế. Nói gọn một câu cho nhanh: có nhiều chim bồ câu trên Tháp Công Lý. Nhưng có ngọn tháp tự trọng nào mà không có bồ câu?

Dù sao đi nữa, cũng không phải lũ bồ câu níu mắt tôi, mà là một cái gì khác: Nhà Hát thành phố mà tôi thấy đóng cửa khi tôi từ Binh Công Xưởng đi đến đây. Cái toà nhà hộp với mái vòm ấy nom rất giống một cái cối xay cà-phê phóng to lên một cách quái gở theo phong cách tân cổ điển. Ngôi đền Thi Ca này chỉ thiếu một cái tay quay để nghiền từ từ mọi thứ trong đó - đào kép và khán giả, kẻ chạy cờ và người nhắc vở, phông màn và đạo cụ, Goethe và Schiller - thành bột li ti như cám. Toà nhà này làm tôi phát phiền, nhất là những cửa sổ có cột hai bên trong sảnh, lấp lánh những tia nắng xế của chiều tà càng lúc càng pha thêm sắc đỏ.

Trên ngọn tháp này, ba mươi mét cao hơn Chợ Than với những xe điện cùng đám công chức tan sở lũ lượt về nhà, chót vót bên trên cửa hiệu của Markus và tiệm cà-phê Weitzke với hai cốc môka trên cái bàn mặt đá hoa, tít bên trên mẹ và bác Jan Bronski, bên trên tất cả các sân, tất cả những cái đinh quằn và được uốn thẳng lại, tất cả lũ trẻ con nấu xúp - trên ngọn tháp này, tôi, kẻ cho đến nay chỉ la thét khi có đầy đủ lý do chính đáng, giờ trở thành một kẻ la thét vô cớ. Cho đến ngày tôi nảy ra ý nghĩ leo lên đỉnh Tháp Công Lý, tôi đã phóng những nốt công phá lên kính, thuỷ tinh, bóng đèn, chai bia, nhưng chỉ trong trường hợp có người muốn tước đoạt cái trống của tôi; giờ đây, trên đỉnh tháp, tôi cất tiếng thét mặc dầu cái trống của tôi không hề bị đe dọa, kể cả từ xa.

Chẳng ai định cướp đi cái trống của Oskar, tuy nhiên nó vẫn thét. Không có con chim câu nào làm rớt phân lên trống của nó. Gần bên tôi có gĩ đồng trên những lá đồng, nhưng không hề có kính. Vậy mà Oskar vẫn thét. Mắt những con bồ câu long lanh một ánh đo đỏ, nhưng không có con nào nhìn nó bằng một con mắt thuỷ tinh; thế mà nó vẫn thét. Nó nhằm cái gì mà thét? Đối tượng nào ở đằng xa? Phải chăng nó muốn áp dụng phương pháp khoa học vào cái thí nghiệm nó đã làm văng mạng trên tầng áp mái sau khi nếm mùi xúp bột gạch? Oskar nghĩ đến thứ thuỷ tinh nào? Oskar muốn thí nghiệm với loại thuỷ tinh nào, bởi mục tiêu phải là thuỷ tinh mới được?

Chính những ô kính cửa sổ lấp lánh ánh nắng chiều của Nhà Hát thành phố, cái cối xay cà-phê kịch nghệ ấy, đã thu hút những âm sắc hiện đại chủ nghĩa gần như kiểu cách mà tôi đã thử nghiệm lần đầu trên tầng áp mái nhà chúng tôi. Sau mấy phút thét nhiều tiếng ở độ cao khác nhau không gây hiệu quả gì, tôi chợt phát ra được một tiếng hầu như vô thanh và một lát sau, Oskar đỏ bừng mặt tự hào và vui sướng nhận thấy hai ô kính giữa cửa sổ cuối sảnh đã thôi không phản chiếu ánh tà dương nữa, để lại hai hình chữ nhật đen ngòm chắc chẳng bao lâu sẽ phải nhờ đến tay người thợ lắp kính.

Tuy nhiên, còn phải kiểm tra kết quả cho chắc ăn. Như một họa sĩ hiện đại, sau bao năm mầy mò, cuối cùng, tìm ra bút pháp mong muốn, bắt tay vào hoàn thiện nó và bộc lộ hết độ chín của tài năng bằng cách liên tục cho ra hàng chục tác phẩm theo phong cách mới, tất cả đều táo bạo và đẹp như nhau, tôi cũng lao vào thao diễn.

Trong vòng không đầy mười lăm phút đồng hồ, tôi giải tán kính của tất cả các cửa sổ trong sảnh và một số cửa lớn. Một đám đông tụ tập bên ngoài Nhà Hát, nhìn từ đây, họ có vẻ rất khích động. Nhưng ngay cả những trò ngu xuẩn nhất cũng thu hút đám đông. Những kẻ ngưỡng mộ nghệ thuật của tôi chả gây ấn tượng gì đặc biệt đối với tôi. Cùng lắm họ chỉ khiến Oskar rèn nghệ thuật của mình vào kỷ luật, cố gắng đạt tới thuần khiết hơn về hình thức. Tôi đang sắp sửa phanh phui lõi cốt của sự vật bằng một thử nghiệm táo bạo hơn nữa, cụ thể là phóng một tiếng kêu đặc biệt qua hành lang thông thống, qua lỗ khoá một buồng hạng lô, lọt vào bên trong nhà hát còn tối om, một tiếng kêu nhằm đánh vào lòng kiêu hãnh của tất cả những người thuê bao rạp: cỗ đèn chùm với toàn bộ những đồ trang kim bóng loáng, nhiều mặt phản chiếu và khúc xạ ánh sáng của nó, phải, tôi đang sắp sửa làm thế thì chợt nhìn thấy một đốm vải màu nâu gỉ sét trong đám đông bên ngoài Nhà Hát: mẹ tôi trên đường từ tiệm cà-phê Weitzke trở về, mẹ đã uống suất môka của mình và đã chia tay với bác Jan Bronski.

Ngay cả như thế, cũng vẫn phải thừa nhận rằng Oskar đã phóng một tiếng nhằm vào cỗ đèn chùm của Nhà Hát. Nhưng hình như không đạt mục đích vì ngày hôm sau báo chí chỉ nói đến những cửa sổ và cửa ra vào bị vỡ toang hết kính vì những lý do bí hiểm không ai hay. Trong mấy tuần liền, các nhà cung ứng lý thuyết khoa học và nửa khoa học xổ ra những chuyện nhăng cuội quái đản chiếm nhiều cột trên trang cuối các báo hằng ngày. Tờ Neueste Nachrichten nói đến những tia vũ trụ. Các nhân viên đài quan sát địa phương - hẳn nhiên là những người thạo tin nhất - thì bảo do những vết trên mặt trời.

Còn tôi thì lao xuống cầu thang trôn ốc thật nhanh, mở hết tốc độ có thể của đôi chân ngắn, và, thở không ra hơi, nhập vào đám đông bên ngoài Nhà Hát. Không thấy bộ đồ mùa thu màu nâu gỉ sắt của mẹ tôi đâu cả, chắc là mẹ đã ở cửa hàng của Markus, đang kể về sự huỷ hoại do giọng tôi gây nên. Và Markus, vốn coi cái giọng kim cương cùng cái gọi là tình trạng chậm phát triển của tôi là chuyện đương nhiên, hẳn đang lắc đầu lè lưỡi và xoa hai bàn tay vàng bệch vào nhau.

Vừa bước chân vào cửa hiệu, cái cảnh bày ra trước mắt khiến tôi quên phắt mọi thành công của mình với tư cách là ca sĩ. Sigismund Markus đang quỳ dưới chân mẹ, và tất cả những con vật bằng bông, gấu, khỉ, chó, búp bê nhắm mắt mở mắt, xe cứu hoả, ngựa bập bênh và cả những anh rối đứng canh cửa cũng như thể sắp quỳ xuống cùng bác. Bác cầm hai tay mẹ trong đôi bàn tay loăn xoăn những túm lông hung hung trên mu của bác, và bác khóc.

Nom mẹ cũng rất trịnh trọng vì mẹ dành sự chú ý thích đáng cho tình thế này. "Không, Markus," mẹ nói, "em xin đấy, Markus. Đừng làm thế ở đây, ngay trong cửa hàng."

Nhưng Markus cứ tiếp tục mãi không thôi. Có vẻ như bác hơi đẩy lên quá mức, nhưng cái âm sắc cầu khẩn van xin trong giọng bác thì tôi không bao giờ quên được: "Đừng làm thế nữa với Bronski, hắn làm cho Sở Bưu Chính Ba Lan. Hắn về phe Ba Lan, thế là không tốt. Đừng có đặt cược vào bọn Ba Lan, nếu cần chọn bên nào thì hãy ủng hộ người Đức, vì thế họ đang lên, sớm muộn họ cũng sẽ thắng. Và giả sử như họ thắng mà Matzerath phu nhân vẫn cặp với Bronski? Nếu em muốn Matzerath thì tốt, em vốn đã có anh ta. Hoặc giả hãy cho tôi một ân huệ là chọn Markus này, hắn vừa mới được ban thánh thể mà. Chúng mình sẽ đi Luân Đôn, ở đó tôi có nhiều bạn bè và vô khối cổ phiếu, nếu em quyết định đi cùng tôi, hoặc nếu em không muốn đi với Markus cũng được, bởi vì em khinh tôi, vậy thì cứ khinh tôi đi. Nhưng tôi quỳ hai gối xin em đừng có cặp với Bronski nữa, hắn thật điên khùng nên mới khư khư bám lấy cái sở Bưu chính Ba Lan trong khi bọn Ba Lan đang sắp bị người Đức quét sạch."

Đúng vào lúc mẹ tôi, rối trí trước bao khả năng va bao điều bất khả, sắp sửa oà lên khóc, thì Markus trông thấy tôi ở cửa ra vào và hùng hồn chỉ cả năm ngón tay về phía tôi: "Tôi xin em, Agnès. Chúng ta sẽ mang nó theo đến Luân Đôn. Nó sẽ sống như một hoàng tử nhỏ,"

Mẹ quay về phía tôi và thoáng nở một nụ cười. Có thể mẹ nghĩ đến những cửa sổ mất kính ở sảnh Nhà Hát hoặc có thể ý nghĩ về thành Luân Đôn làm mẹ phấn khích. Nhưng tôi ngạc nhiên thấy mẹ lắc đầu và nhẹ nhàng nói như từ chối một lời mời nhảy: "Cảm ơn Markus, nhưng không thể được. Thật sự không thể được... vì Bronski."

Cái tên ông bác tôi như một tín hiệu nhắc vở khiến Markus đứng bật dậy và cúi gập người làm đôi. "Tôi xin lỗi," bác ta nói. "Từ đầu đến giờ, tôi vẫn nghĩ thế. Không thể được là vì anh ta."

Lúc chúng tôi rời cửa hàng thì chưa đến giờ đóng cửa, nhưng Markus cứ khoá lại từ bên ngoài và đưa chúng tôi đến bến xe điện. Nhiều khách qua đường và một số cảnh sát vẫn còn đứng bên ngoài Nhà Hát. Nhưng tôi chả sợ tí nào, tôi đã quên hẳn chiến tích của mình. Markus cúi xuống sát tôi và thì thầm, với chính mình thì đúng hơn là với tôi: "Cái thằng bé Oskar! Nó đánh mấy tiếng trống mà điên đảo cả Nhà Hát."

Bác khoát tay trấn an mẹ tôi khỏi băn khoăn vì đống thuỷ tinh vỡ. Rồi xe điện tới và khi chúng tôi bước lên toa đầu, bác thốt ra điều khẩn cầu cuối cùng bằng một giọng rất khẽ để người khác khỏi nghe thấy: "Thôi nếu đã vậy, thì xin hãy nghe tôi: hãy ở lại bên Matzerath vốn đã là của em và đừng có cặp với cái gã Ba Lan ấy nữa."

Bây giờ đây, nằm hoặc ngồi trên cái giường bệnh viện này, nhưng dù ở tư thế nào cũng không ngừng gõ trống, khi Oskar thăm lại ngõ Binh Công Xưởng và Tháp Công Lý với những dòng chữ nguệch ngoạc trên tường các gian ngục tối cùng các dụng cụ tra tấn được tra dầu cẩn thận, khi một lần nữa hắn nhìn xuống ba cái cửa sổ bên ngoài sảnh của Nhà Hát thành phố rồi sau đó lại quay về ngõ Binh Công Xưởng và cửa hàng của Sigismund Markus, tìm kiếm những chi tiết của một ngày tháng chín, hắn không thể không tìm đất nước Ba Lan luôn thể. Tìm bằng cách nào? Bằng đôi dùi trống. Hắn cũng tìm đất nước Ba Lan cả bằng tâm hồn nữa chứ? Hắn tìm bằng mọi cơ quan của bản thể hắn, nhưng tâm hồn không phải là một cơ quan.

Tôi tìm đất nước của những người Ba Lan bị mất vào tay những người Đức, chí ít cũng vào thời điểm này. Ngày nay, những người Đức đã bắt đầu tìm cách chiếm lại Ba Lan bằng tín dụng, bằng máy ảnh Leica và la bàn, bằng radar và đũa thần, bằng các phái đoàn và các hội sinh viên vận lễ phục. Một số mang Chopin trong trái tim mình, một số khác lại mang những tư tưởng phục thù. Lên án bốn lần đầu phân chia đất Ba Lan, họ lại đang ráo riết âm mưu một cuộc chia cắt thứ năm. Trong khi chờ đợi, họ đáp chuyến bay Air France sang Vacxava để đặt vòng hoa tưởng niệm ở chỗ xưa kia là trại Ghetto với vẻ ăn năn hối hận thích đáng. Rồi một ngày tới, họ sẽ tìm lại Ba Lan bằng tên lửa và rốc-két. Tôi, tôi tìm Ba Lan trên cái trống của tôi. Và đây là lời trống của tôi: Ba Lan mất nhưng không phải là mãi mãi, tất cả đã mất nhưng không phải mất mãi mãi, Ba Lan không vĩnh viễn mất. [2]

Chú thích:

[1] Anh trai của Marie và Marthe, được Chúa Jêxu hồi sinh từ cõi chết (Kinh Thánh. Sách Phúc âm theo Thánh Jean, chương 11 - 12).

[2] Đại ý lời Quốc ca Ba I.an (Jeszcze Folska Nie Zginela).


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx