sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Quyển II - Đồ Đồng Nát

Ngày thăm hỏi. Maria mang đến cho tôi một cái trống mới. Sau khi đưa nó qua bên trên hàng chấn song bao quanh giường tôi, nàng định đưa nốt cái hóa đơn của cửa hàng, nhưng tôi gạt đi và bấm nút chuông ở đầu giường cho đến khi Bruno, gã y tá trông coi tôi, chạy vào và làm cái điều mà bao giờ gã cũng làm khi Maria mang đến cho tôi một cái trống mới. Gã cởi dây buộc, để tờ giấy gói màu xanh lơ tự nó mở ra, trịnh trọng nhấc cái trống lên và gấp giấy lại cẩn thận. Chỉ đến lúc ấy Bruno mới sải bước - tôi nói chính xác là sải bước - mang cái trống mới đến bồn rửa mặt, mở vòi nước nóng và bóc cái nhãn ghi giá, nhẹ nhàng không để xước lớp sơn đỏ- trắng.

Khi, sau một hồi thăm hỏi ngắn chưa đến nỗi chán ngấy, Maria chuẩn bị ra về, nàng nhặt cái trống cũ mà tôi đã quần đến tả tơi khi tấu khúc saga về cái lưng của Herbert Truczinski, về bức tượng gỗ trang trí mũi thuyền cũng như khi trình bày cách diễn giải có phần tuỳ tiện của tôi về Thánh Thư thứ nhất gửi người Corinthia. Nàng sẽ mang nó về để chất dưới hầm nhà chúng tôi, sát cánh với tất cả những cái trống xác xơ khác đã phục vụ cho mục đích nghề nghiệp hoặc riêng tư của tôi. "Chẳng còn mấy chỗ ở trong hầm nữa," nàng thở dài nói. "Không biết rồi sẽ để khoai tây mùa đông ở đâu đây."

Tôi tủm tỉm cười, làm như không nghe thấy lời than phiền của bà nội trợ trong Maria, và dặn dò nàng: cái trống "về hưu" phải được đánh số bằng mực đen và những chi tiết "lý lịch" mà tôi đã ghi vắn tắt trên một mảnh giấy phải được chuyển vào cuốn nhật ký bao năm nay vẫn treo ở mặt trong cánh cửa hầm và trong đó có ghi mọi điều về những cái trống của tôi.

Maria gật đầu, vẻ cam chịu và hôn tạm biệt tôi. Nàng không sao hiểu nổi sự ham thích trật tự này của tôi, thực tế, nàng thấy nó gần như điên khùng. Oskar có thể thông cảm nỗi băn khoăn của nàng vì bản thân hắn cũng bối rối khi phải giải thích về thói câu nệ của hắn trong việc sưu tầm trống thiếc nát. Điều kỳ lạ nhất là hắn không bao giờ muốn để mắt đến cái mớ đồng nát trong hầm khoai tây ấy lần nữa chừng nào hắn còn sống. Bởi vì, qua kinh nghiệm, hắn biết rằng con cái thường coi rẻ những bộ sưu tập của cha chúng và thằng con trai Kurt của hắn khá lắm cũng chỉ nhìn bằng con mắt dửng dưng tất cả những cái trống thảm hại mà một ngày kia nó sẽ được thừa kế.

Vậy thì cái gì khiến tôi cứ ba tuần một lần lại dặn dò Maria những điều mà nếu được thi hành đều đặn thì một ngày kia sẽ chiếm hết chỗ trong hầm nhà chúng tôi và đẩy khoai tây mùa đông ra ngoài?

Cái ý thỉnh thoảng vẫn loé lên trong đầu tôi, tuy ngày càng thưa thớt hơn, là biết đâu một ngày kia một bảo tàng nào đó lại chẳng quan tâm đến những cái trống rách của tôi, cái ý ấy chỉ đến với tôi sau khi mấy tá trống đã được xếp xó dưới hầm; do vậy nó không thể là khởi nguồn tạo nên đam mê sưu tầm của tôi. Càng nghĩ, tôi càng ngả về một cái động cơ rất đơn giản: nỗi sợ, sợ thiếu, sợ rằng một ngày kia trống thiếc có thể bị cấm, sợ rằng số trống hiện có có thể bị phá huỷ. Một ngày kia, Oskar có thể sẽ buộc phải bới lên vài cái ít hư hại nhất đem chữa lại dùng tạm để vượt qua một thời kỳ không trống ảm đạm và khủng khiếp.

Các bác sĩ ỏ bệnh viện tâm thần cũng đưa ra một cách giải thích tương tự, tuy họ diễn đạt bằng những lời lẽ khác. Bác sĩ Hornstetter (nữ) thậm chí còn muốn biết đích xác ngày nào tháng nào tôi bắt đầu phát sinh mặc cảm. Tôi nói ngay với bà: ngày 9 tháng 11 năm 1938 vì đó là ngày tôi mất Sigismund Markus, người cung cấp trống cho tôi. Sau khi mẹ tôi chết, việc kiếm một cái trống mới khi tôi cần, cũng đã bắt đầu khó khăn: không còn những chiều thứ năm đến Ngõ Binh Công Xưởng, Matzerath chỉ quan tâm đến việc cung cấp trống cho tôi một cách rất miễn cưỡng còn Jan Bronski thì ngày càng thưa đến thăm chúng tôi. Giờ đây, khi cửa hàng đồ chơi đã bị đập phá tan tành, tình thế của tôi trở nên cực kỳ tuyệt vọng. Hình ảnh Markus ngồi ở cái bàn giấy trống trơn của bác nói rất rõ với tôi: Markus sẽ không cung cấp trống cho mày nữa, Markus sẽ không bán đồ chơi nữa, Markus đã cắt đứt mọi quan hệ làm ăn với những người làm ra những cái trống đẹp đỏ-trắng của mày.

Tuy nhiên, lúc ấy, tôi chưa sẵn sàng tin rằng những ngày tương đối trong sáng và nghịch ngợm của tôi đã chấm dứt với cái chết của Markus; từ đống đổ nát của cửa hàng đồ chơi, tôi chọn ra được một cái trống còn nguyên vẹn và hai cái chỉ sứt sẹo ở cạnh và chạy về nhà với những vật báu của mình, những tưởng sẽ an toàn trong những ngày khó khăn.

Tôi giữ trống rất cẩn thận, ít khi đánh và chỉ đánh khi nào tuyệt đối cần thiết. Tôi nhịn đánh trống suốt những buổi chiều dài dằng dặc và, rất miễn cưỡng, nhịn cả đánh trống vào giờ điểm tâm, cái thói quen cho đến nay đã khiến những ngày của tôi có thể chịu đựng được. Oskar trở nên khổ hạnh, nó sút cân và phải đưa đến khám ở chỗ bác sĩ Hollatz và Xơ Inge, phụ tá của ông mỗi ngày một thêm xương xẩu. Họ cho tôi đủ các thứ thuốc, ngọt có, chua có, đắng có và cả vô vị nữa và đổ tại các tuyến của tôi mà bác sĩ Hollatz cho rằng đã làm đảo lộn thể tạng, đan xen giữa siêu năng và thiểu năng.

Để thoát khỏi sự kiểm soát của bác sĩ Hollatz, Oskar tiết chế bớt chế độ khổ hạnh và tăng cân. Vào mùa hè 1939, nó lại vẫn là thằng bé Oskar ba tuổi, nhưng nó phồng má lên mà đánh bục hẳn cái trống cuối cùng của Markus, hỏng không cách nào chữa được. Cái vật đeo trước bụng tôi giờ chỉ là một cái xác thảm hại, han gỉ và đầy những lỗ trống hoác; lớp sơn đỏ- trắng gần như tróc hết và tiếng thì cực kỳ ảo não.

Có kêu gọi sự giúp đỡ của Matzerath cũng vô ích thôi, mặc dầu Matzerath là một tâm hồn giàu lòng tương trợ và nhân hậu theo cách của ông. Từ khi mẹ tội nghiệp của tôi mất, ông chẳng còn nghĩ đến bất kỳ cái gì khác ngoài công việc của Đảng; khi cần giải trí, ông chỉ họp mặt với các tổ trưởng. Hoặc giả vào quãng nửa đêm, sau khi uống khá nhiều rượu, ông thường lớn tiếng trò chuyện tâm sự với hai tấm ảnh chân dung lồng khung đen của Hitler và Beethoven trong phòng khách của chúng tôi, bậc thiên tài thì nói về Định mệnh còn vị Führer thì giảng về thiên cơ. Khi tỉnh rượu, ông coi việc quyên tiền Cứu trợ mùa đông là định mệnh do thiên cơ dành cho ông.

Tôi không thích nhớ lại những ngày chủ nhật lạc quyên ấy. Chính vào một ngày chủ nhật như vậy, tôi đã tìm cách kiếm một cái trống mới nhưng không thành công. Matzerath dành cả buổi sáng đi quyên ở ngoài rạp chiếu bóng Nghệ thuật ở Hauptstrasse và cửa hàng tổng hợp của sterfeld, buổi trưa về nhà hâm nóng mấy viên thịt băm cho bữa trưa của chúng tôi. Ăn xong - tôi còn nhớ là bữa ăn rất ngon - người quyên tiền mệt mỏi nằm xuống đi-văng làm giấc ngủ trưa. Tiếng thở của ông vừa chuyển thành tiếng ngáy là tôi vớ ngay lấy cái hộp quyên đầy tới nửa ở trên mặt đàn pianô và biến vào gian cửa hàng. Ngồi thu lu dưới quầy hàng, tôi chăm chú xem xét cái vật kỳ cục tựa như một cái vỏ đồ hộp này. Không, tôi không định ăn cắp lấy một xu. Cái ý ngớ ngẩn của tôi là thử sử dụng nó như một cái trống. Nhưng tha hồ cho tôi muốn đánh thế nào, muốn múa dùi ra sao, nó cũng chỉ phát ra một câu trả lời: Cứu trợ mùa đông, xin hãy đóng góp. Chớ để ai phải rét, phải đói. Cứu trợ mùa đông, xin hãy đóng góp.

Sau nửa tiếng đồng hồ, tôi bỏ cuộc; tôi lấy năm xu trong ngăn kéo đựng tiền, góp vào quỹ Cứu trợ mùa đông, trả cái hộp quyên đã giàu thêm chừng nấy về chỗ cũ trên đàn pianô để Matzerath có thể tìm thấy và giết nốt số thời gian còn lại của ngày chủ nhật bằng cách xóc nó loẻng xoẻng vì những người rét và đói trong mùa đông.

Cuộc thử nghiệm thất bại ấy làm tôi tỉnh ngộ mãi mãi. Không bao giờ nữa tôi lại có ý định nghiêm túc sử dụng một cái vỏ đồ hộp, một cái xô úp sấp hoặc đáy một cái chậu tắm làm trống nữa... Tôi ráng hết sức để quên những đoạn chẳng vẻ vang gì ấy đi, càng ít nhắc đến chúng trên những trang giấy này càng tốt. Một cái vỏ đồ hộp thì dứt khoát không phải là một cái trống, một cái xô là một cái xô vả một cái chậu tắm chỉ tốt để tắm hay giặt đồ mà thôi. Dạo ấy cũng chẳng nhiều thế phẩm hơn bây giờ. Một cái trống thiếc với những ngọn lửa đỏ trên nền trắng tự phát ngôn lấy, chứ không gì nói thay cho nó được.

Oskar cô đơn, bị phản bội, bị bán rẻ. Lảm sao nó có thể bảo toàn được diện mạo lên ba của nó nếu nó thiếu thứ cần thiết tối thiểu là cái trống? Tất cả những ngón đánh lừa mà tôi đã thực hiện bao năm nay: thỉnh thoảng đái dầm, bi bô đọc kinh buổi chiều, nỗi sợ ông già Nô-en thực ra tên là Greff, những câu hỏi ngộ nghĩnh điển hình của trẻ lên ba mà tôi băm đi băm lại không biết mệt đại loại như: tại sao ô-tô lại có bánh? - tất cả những thứ vớ vẩn ấy mà người lớn trông đợi ở tôi, giờ tôi phải độc lực làm không dùng đến trống. Tôi đã sắp muốn bỏ cuộc. Trong cơn tuyệt vọng, tôi bắt đầu tìm đến con người không phải là cha tôi song rất có thể đã sinh ra tôi. Oskar bèn đợi Jan Bronski ở gần khu cư xá Ba Lan trên đường Ringstrasse.

Cái chết của mẹ tội nghiệp của tôi đã chấm dứt mối quan hệ đôi khi mấp mé đến tình bằng hữu giữa Matzerath và ông bác tôi (bác mới được đề bạt làm thư ký bưu vụ). Giữa hai người không hề có sự cắt đứt đột ngột, nhưng mặc dù có những kỷ niệm chung, họ cứ dần dần tách xa nhau khi cuộc khủng hoảng chính trị mỗi ngày một sâu sắc thêm. Sự phân rã của hồn và xác mảnh dẻ và giản dị của mẹ tôi kéo theo sự phân rã của tình bạn giữa hai người đàn ông này, cả hai đều soi mình trong tâm hồn mẹ và nuôi dưỡng mình trên thân xác mẹ. Mất cái nguồn dinh dưỡng ấy và cái gương cầu lồi ấy, họ không tìm được sự thay thế nào khác ngoài những cuộc hội họp với những người dốc lòng dốc sức với những ý niệm chính trị đối lập nhau tuy họ vẫn hút cùng một loại thuốc lá. Nhưng cả Sở Bưu Chính Ba Lan lẫn những cuộc họp với các tổ trưỏng mặc sơ-mi nâu đều không thể thay thế một người đàn bà đẹp, dạt dào tình cảm trong cả chuyện ngoại tình. Tuy cả hai đều cần phải thận trọng - Matzerath phải trông chừng đám khách hàng và Đảng của mình, còn Jan thì phải để ý ban quản trị bưu cục - trong khoảng thời gian từ khi mẹ tội nghiệp của tôi mất đến cái chết của Sigismund Markus, hai ông bố của tôi đã gặp nhau nhiều lần.

Mỗi tháng hai, ba lần, vào khoảng nửa đêm, chúng tôi lại nghe thấy Jan gõ nhẹ lên của sổ phòng khách. Matzerath gạt tấm rèm và mở hé cửa sổ một chút; cả hai đềụ hết sức lúng túng cho đến lúc một trong hài tìm được câu gỡ bí và gợi ý làm một chầu xì-cạt nửa đêm. Họ đến rủ Greff ở cửa hàng rau của giả, hoặc nếu giả không muốn - điều này thường xảy ra vì giả có ý ngại Jan và vì, với tư cách là cựu huynh trưởng hướng đạo sinh (giả đã giải tán đội), giả phải thận trọng, vả lại giả không thích xì-cạt, hơn nữa lại chơi rất tồi - thì họ thường rủ Alexander Scheffler, chủ hiệu bánh mì, làm chân thứ ba. Bản thân Scheffler cũng không hào hứng ngồi cùng bàn với Jan lắm, nhưng một chút thương mến đối với mẹ tội nghiệp của tôi chuyển qua Matzerath như kiểu thừa kế và một niềm xác tín đinh ninh rằng dân buôn bán lẻ phải sát cánh với nhau, đã khiến tay chủ hiệu bánh mì chân ngắn cũn cỡn vội vã từ phố Kleinhammer-Weg chạy đến phòng khách nhà chúng tôi, hưởng ứng lời kêu gọi của Matzerath, để trang bài bằng những ngón tay trắng bị bột bánh ăn mòn và chia những quân bài như phát chẩn.

Vì những cuộc bài bị cấm ấy thường chỉ bắt dầu sau nửa đêm-và giải tán vào quãng ba giờ sáng khi mà lò bánh cần đến Scheffler, nên rất hiếm khi tôi có thể ra khỏi giường không mang theo trống và lặng lẽ chui vào một góc tối dưới gầm bàn mà không ai nhìn thấy hoặc nghe thấy.

Như quý vị hắn đã nhận thấy, bao giờ tôi cũng thấy gầm bàn là nơi thoải mái nhất để suy nghĩ: tôi làm những đối chiếu so sánh. Tình hình đã thay đổi biết mấy từ khi mẹ tội nghiệp của tôi mất! Chẳng còn một Jan Bronski thận trọng ở bên trên mà vẫn thua hết ván này đến ván khác, nhưng lại không biết sợ ở bên dưới, phái cái chân đi tất vừa rút khỏi giày vào cuộc thám hiểm giữa hai đùi mẹ tôi. Tình dục - nói chi đến tình yêu - đã biến khỏi bàn xì-cạt. Sáu cái ống quần với những mô-típ xương cá khác nhau bao bọc sáu cẳng chân đàn ông, để trần hay mặc quần đùi, lông rậm rì hoặc lưa thưa ở mé gần mắt cá. Bên dưới, cả sáu đều ráng hết sức để tránh chạm vào nhau dù chỉ là tình cờ, trong khi bên trên, những phần nối dài của chúng - mình, đầu, cánh tay - thì bận bịu với một trò chơi mà lẽ ra đã bị cấm vì những lý do chính trị bởi mỗi ván thua hay được đều tạo cớ cho những suy nghĩ buồn bã hay đắc thắng kiểu như: Ba Lan mất một ván không có chủ bài, hoặc Thành phố Tự do Danzig được một bộ ca-rô vì Đại Đế chế Đức.

Người ta có thể tiên đoán rằng một ngày kia, những kiều tập trận giả ấy sẽ chấm dứt để trở thành những thực tế thảm khốc - như những trò chơi chiến tranh thường vẫn thế.

Đầu mùa hè năm 1939, qua những cuộc họp Đảng hằng tuần, Matzerath mới vỡ lẽ ra rằng các đồng chí của mình là những bạn chơi xì-cạt ít thoả hiệp hơn nhiều so với những viên chức bưu điện và cựu huynh trưởng hướng đạo sinh. Jan Bronski nhớ lại (bác buộc phải nhớ) cái trại mà số phận đã dồn đẩy bác tới; bác bắt đầu gần gũi với những người cùng ở sở bưu điện như bác gác cổng thọt chân Kobyella; bác này, từ độ phục vụ trong đội lê dương huyền thoại của Marszalek Pilsudski, đã bị một chân ngắn hơn chân kia vài ba phân gì đó. Mặc dầu tập tễnh, Kobyella là một người gác cổng xuất sắc, ngoài ra còn là một thợ sửa chữa khéo léo - biết đâu bác chẳng sẵn lòng điều trị cho cái trống đau ốm của tôi. Đường đến Kobyella đi qua chỗ Jan Bronski. Đó là lý do duy nhất khiến tôi quyết định đợi. Jan ở gần khu định cư Ba Lan vào quãng sáu giờ chiều, cả trong thời tiết tháng tám nóng bức ngột ngạt, tôi vẫn đợi, nhưng không thấy Jan xuất hiện. Bình thường, bác là người đúng giờ giấc, cứ tan sở là lên đường về nhà. Không hề tự đặt cho mình câu hỏi rõ ràng: Cái ông-có-thể-là-bố-mày làm gì sau khi tan sở? nhiều khi tôi cứ chờ đến bảy giờ, bảy rưỡi. Thế nhưng vẫn không thấy Jan đâu. Kể ra tôi có thể đến chỗ bác gái Hedwig. Có thể bác Jan ốm. Có thể bác sốt cao hay gẫy chân phải bó bột. Oskar cứ đứng nguyên tại chỗ và đành chỉ thỉnh thoảng nhìn về phía những cửa sổ che rèm căn hộ của người thư ký bưu vụ. Một nỗi ngại ngùng kỳ lạ khiến Oskar không muốn đến thăm bác gái Hedwig mà đôi mắt bò cái ấm áp tình mẹ làm nó nẫu người. Với lại, nó không mê lắm tụi trẻ con nhà Bronski, những đứa có thể là anh chị em cùng cha khác mẹ của nó. Bọn này ứng xử với nó như với một con búp-bê. Chúng muốn dùng nó như một thứ đồ chơi. Cái thằng Stephan, vừa tròn mười lăm tuổi, chỉ hơn nó chút đỉnh, có quyền gì mà lên mặt kẻ cả với nó như một ông bố hay một ông thày như vậy? Lại còn cái con Marga mười tuổi ranh nữa, cái con tóc đuôi sam, mặt tròn vành vạnh như mặt trăng rằm, ai cho nó cái quyền coi Oskar như một thứ ma-nơ-canh ở tiệm may để nó thử đồ, chải đầu, chải áo quần và giảng giải hàng giờ liền? Dưới mắt chúng, tôi chỉ là một đứa dị dạng, một thằng lùn thảm hại, trong khi chúng đều bình thường vầ đầy hứa hẹn. Chúng còn là cháu cưng của bà ngoại tôi nữa, nhưng về điểm này, tôi phải công nhận là tôi đã làm khó cho bà. Tôi tỏ ra chẳng mấy thích thú các truyện cổ tích cũng như sách tranh. Điều tôi chờ đợi ở bà ngoại tôi, điều mà đến giờ tôi vẫn mơ đến với từng chi tiết khoái thú nhất, cái điều ấy rất rõ ràng và đơn giản, do đó khó mà đạt được: hễ thấy bà, là Oskar lại muốn thi đua với ông ngoại Koljaiczek náu bên dưới bốn tầng váy của bà và, nếu có thể, chẳng bao giờ thở hít bên ngoài nơi trú ẩn yên tĩnh này nữa.

Tôi sẵn sàng làm tất cả để được vào trong cái lều ấy! Tôi không tin rằng bà thực sự không thích để Oskar ngồi ở đó. Nhưng bà ngần ngại và thường là từ chối; tôi nghĩ bà ắt vui lòng cho bất kỳ ai hơi hơi giống Koljaiczek được phép trú; tôi không có tầm vóc của ông, cũng không có đôi bàn tay mau mắn xòe diêm của ông, tôi buộc phải nghĩ ra mưu mẹo.

Tôi hình dung Oskar chơi một quả bóng cao-su như một thằng bé lên ba chân chính; hoàn toàn do tình cờ, trái bóng lăn vào dưới váy bà và Oskar, trên đà đuổi theo cái cớ hình cầu đó, chui tọt vào trước khi bà kịp đoán ra mẹo của nó và trả lại quả bóng.

Khi có mặt người lớn, bà tôi không bao giờ cho tôi ở lâu dưới váy bà. Đám người lớn ắt sẽ trêu bà, nhắc lại cuộc hứa hôn của bà ở cánh đồng khoai tây, thường là với những lời lẽ sống sượng, kỳ đến khi bà đỏ nhừ mặt rất lâu, tuy nhiên, dưới mái tóc gần như bạc trắng (bà đã ngoài sáu mươi), sắc diện đó không phải là không phù hợp với bà.

Nhưng khi bà ngoại Anna của tôi có một mình - điều này hiếm thấy và từ khi mẹ tội nghiệp của tôi mất, tôi họa hoằn mới gặp bà, thậm chí hầu như không gặp kể từ khi bà buộc phải bỏ quầy hàng tại phiên chợ hằng tuần ở Langfuhr - bà thuận tình hơn để tôi núp dưới những cái váy màu khoai tây của bà và cho phép tôi ở lại đó lâu hơn.Thậm chí tôi không phải giở đến cái mẹo trái bóng cao-su dấm dớ nữa kia. Trườn qua sàn nhà cùng với cái trống, một chân co, chân kia dận vào các đồ đạc đẩy người đi, tôi tiến về phía trái núi bà tôi; tới chân núi, tôi lấy dùi trống nhấc bốn tấm màn lên và khi đã vào bên trong, buông cả bốn xuống cùng một lúc. Tôi ngồi im phăng phắc một lúc, hít cái mùi ngai ngái của bơ hơi ôi, cái mùi, bất chấp sự chuyển mùa, vẫn tràn ngập không gian chọn lọc này. Đến lúc đó, Oskar mới bắt đầu đánh trống. Biết bà tôi thích nghe gì, tôi gợi lên tiếng mưa tháng mười, giống như thứ âm thanh mà hẳn bà đã nghe bên đống lửa vỏ khoai tây lom rom, khi ông Koljaiczek, kẻ phóng hỏa bị săn đuổi, đến nấp dưới váy bà. Tôi tạo một cơn mưa nhỏ rơi nghiêng trên cái trống của tôi cho đến khi tôi nghe thấy trên đầu mình những tiếng thở dài và những tên thánh; và quý vị có thể nhận ra đó là những tiếng thở dài và những tên thánh thốt ra vào buổi chiều tháng mười năm 1899 khi bà ngồi dưới mưa và ông Koljaiczek ngồi khô ráo trong túp lều váy của bà.

Trong khi chờ Jan Bronski bên ngoài khu định cư Ba Lan hồi tháng tám năm 1939, tôi thường hay nghĩ đến bà ngoại tôi. Có thể bà đang ở thăm bác gái Hedwig cũng nên. Nhưng dù cái mong muốn được ngồi dưới váy bà mà hít cái mùi bơ hơi ôi có hấp dẫn đến mấy, tôi cũng không trèo hai tầng cầu thang để bấm nút chuông dưới tấm biển ghi "Jan Bronski". Oskar có gì để làm quà cho bà ngoại nó? Trống của tôi hỏng rồi, nó không tấu nhạc nữa, nó quên mất tiếng mưa rồi, cái tiếng mưa nhỏ rơi nghiêng nghiêng trên một ngọn lửa vỏ khoai tây. Và vì hiệu quả của những âm thanh mùa thu ấy là cách duy nhất để tiếp cận bà ngoại nó, nên Oskar đành đứng ngoài đường Ringstrasse, nhìn các chuyến xe điện số 5 tiến đến hoặc rời khỏi, vừa rung chuông vừa phóng đi dọc con phố Heeresanger.

Có phải tôi vẫn đứng chờ Jan không? Phải chăng tôi đã bỏ cuộc và, nếu tôi vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ, đó phải chăng chỉ vì tôi chưa tìm ra một cái cớ khả dĩ nghe lọt tai để bỏ đi? Chờ lâu có thể có tác dụng giáo dục. Nhưng chờ lâu cũng có thể khiến người ta mường tượng ra cuộc gặp gỡ mong đợi với những chi tiết làm tiêu tan mọi khả năng của một bất ngờ thú vị. Tuy nhiên bác Jan đã thộp tôi bất ngờ. Định bụng "đột kích" bác, ve vãn bác bằng âm thanh của cái trống tàn tạ, tôi đứng đó, căng thẳng, với đôi dùi trống ở tư thế sẵn sàng. Nếu như những tiếng rên rỉ và kêu than của trống tôi có thể khiến bác thấy rõ tình thế tuyệt vọng của tôi, thì sẽ không cần phải dài lời giải thích nữa. Đợi thêm năm chuyến xe điện, tôi tự nhủ, thêm ba chuyến nữa, chỉ một chuyến này nữa thôi. Cụ thể hoá nỗi lo của mình, tôi tưỏng tượng là gia đình Bronski, theo yêu cầu của Jan, đã được chuyển về Modlin hoặc Vacxava. Tôi hình dung bác làm trưởng bưu cục ở Brmberg hoặc Thorn. Rồi bất chấp những lời tự hứa, tôi đợi thêm một chuyến xe điện nữa, và đã quay gót định lên đường về nhà thì có ai nắm lấy Oskar từ phía sau. Một người lớn lấy tay bịt mắt Oskar.

Tôi cảm thấy đôi bàn tay mềm mại thơm nức mùi xà-phòng đắt tiền, những bàn tay đàn ông khô ráo một cách dễ chịu; tôi cảm thấy đó là Jan Bronski.

Khi bác buông tôi ra và xoay người tôi lại đối mặt bác với một tiếng cười quá to, thì đã quá muộn để trình bày tình thế thảm hại của tôi trên mặt trống. Bởi thế, tôi nhét cả hai chiếc dùi trống dưới đai đeo của cái quần bẩn, bẩn và xờn ở quanh hai túi vì dạo ấy không có ai chăm nom tôi. Như vậy, tôi rảnh tay để nâng cái trống lên, nâng cao nó lên như một lời kết tội, như Cha Wiehnke nâng bánh thánh trong lễ Mi-xa, cũng như Cha, tôi có thể nói: đây là thân xác ta và máu ta, nhưng tôi không nói một lời; tôi chỉ giơ cái mảnh kim loại tả tơi ấy lên. Tôi không cầu ước một biến thể cơ bản hay kỳ diệu; tôi chỉ muốn người ta chữa cái trống cho tôi, không hơn.

Tiếng cười của Jan rành là cuồng loạn. Hẳn bác cũng cảm thấy nó lạc lõng vì bác dừng ngay lại. Bác trông thấy cái trống của tôi, bác không thể không nhìn thấy, nhưng rồi bác quay đi để tìm đôi mắt sáng trong của tôi dạo ấy vẫn còn nguyên cái vẻ chân thật của tuổi lên ba. Thoạt đầu, bác không thấy gì ngoài hai đồng tử xanh lạnh lùng đầy tia lấp lánh và phản quang; tóm lại, tất cả những gì mà người ta bảo là con mắt thường chứa đựng. Rồi sau khi buộc phải thừa nhận rằng những gì phản chiếu trong đó cũng rưa rứa như trong bất kỳ vũng nước nào ngoài phố - không hay hơn, cũng chẳng dở hơn - bác huy động tất cả thiện chí, tập trung trí nhớ và tự cưỡng mình phải tìm cho ra trong nhãn cầu của tôi đôi mắt xám của mẹ mà trong nhiều năm đã từng long lanh những tình cảm dạt dào đối với bác, từ ân cần đến nồng nàn say mê. Có lẽ bác cũng bối rối khi tìm thấy trong đó một thoáng bóng của mình, tuy điều đó không nhất thiết có nghĩa rằng Jan là cha tôi hay, chính xác hơn, người tác tạo ra tôi. Bởi vì mắt bác, mắt mẹ tôi và mắt tôi đều có đặc điểm là cái vẻ đẹp sắc sảo một cách hồn nhiên, long lanh một cách ngây ngô như có thể thấy trong mắt hầu hết thành viên của dòng họ Bronski - mắt Stephan, mắt Marga (kém rõ nét hơn một chút), nhất là mắt của bà ngoại tôi và ông anh Vincent của bà. Tuy nhiên, mặc dù mắt tôi màu xanh và có hàng mi đen, cũng không thể bỏ qua một chút xíu máu phóng hoả Koljaiczek ở trong tôi - nếu không thì làm sao giải thích niềm khoái thú của tôi trong việc dùng tiếng hát để đập vỡ thuỷ tinh? - trong khi thật khó mà phát hiện ra được bất kỳ nét nào của Matzeratn ở nơi tôi.

Lúc này, khi tôi nâng cái trống lên và để cho mắt tôi phát huy tác dụng, bản thân Jan, nếu được hỏi trực tiếp (mặc dầu bác rất muốn né tránh những câu hỏi như thế), ắt phải thú nhận: Chinh là Agnès, mẹ nó, đang nhìn tôi. Hay có lẽ tôi đang nhìn chính mình. Mẹ nó và tôi có quá nhiều cái chung. Nhưng cũng có thể là ông chú Koljaiczek của tôi, hiện ở Mỹ hay dưới đáy biển. Dù sao đi nữa cũng không phải Matzerath đang nhìn tôi và thế càng tốt.

Jan cầm cái trống lên, xoay các chiều, vỗ vỗ thử. Ông là người chúa vụng, gọt cái bút chì cũng không nên, thế mà lúc này lại làm ra vẻ một người cũng biết chút gì đó về việc chữa trống. Rõ ràng là đã đi đến một quyết định, điều hiếm thấy ở ông, Jan dắt tay tôi qua đường đến bến xe điện Heeresanger, khiến tôi ngạc nhiên vì tôi không ngờ là mọi sự lại tiến triển nhanh thế. Xe điện đến, ông kéo tôi lên toa hút thuốc.

Như Oskar đã ngờ ngợ, chúng tôi vào thành phố, đến Quảng trường Hevelius, đến sở Bưu Chính Ba Lan gặp bác gác cổng Kobyella, bác ấy có dụng cụ và kỹ năng mà cái trống của Oskar đang rất cần.

Chuyến xe điện số 5 với tiếng chuông leng keng ấy đã có thể là một chặng hành trình êm đềm thú vị nếu như nó không xẩy ra vào trước ngày 1 tháng 9 năm 1939. Đến Quảng trường Max-Halbe, từ bãi biển Brösen những người đi tắm mệt mỏi nhưng to mồm trần lên đầy xe điện. Buổi chiều cuối hè đang chờ đợi chúng tôi sau khi giao trống cho bác gác cổng - uống xô-đa chanh qua một cuộng rơm ở tiệm cà-phê Weitzke - có thể đã thú vị biết bao nếu các tàu chiến Scheswig và Schleswig- Holstein không bỏ neo ở cửa cảng, đối diện với Westerplatte, phô những sườn thép, tháp súng quay kép, pháo hầm ngầm dữ tợn của chúng. Và sẽ tốt đẹp biết bao nếu chúng tôi đã có thể bấm chuông nhà bác gác cổng của sở Bưu Chính Ba Lan và để lại đó một cái trống trẻ con ngây thơ cho bác Kobyella chữa nếu sở Bưu Chính trong mấy tháng qua không bị biến thành một pháo đài bọc thép trấn giữ bởi những nhân viên bưu điện xưa nay vốn ôn hoà nhưng gần đây đã dành những ngày nghỉ cuối tuần để tập quân sự ở Gdingen và Oxhöft.

Chúng tôi tới gần Cong Oliva. Jan Bronski, mồ hôi đầm đìa, đăm đăm nhìn hàng cây xanh bụi bặm ven đường Hindenburg và hút thuốc vượt xa mức mà ý thức tiết kiệm của ông cho phép. Oskar chưa bao giờ thấy ông bố không chính thức của mình đổ mồ hôi nhiều như thế, trừ vài ba lần nó quan sát Jan ở trên đi-văng với mẹ nó.

Nhưng mẹ tội nghiệp của tôi chết lâu rồi. Tại sao Jan Bronski đổ mồ hôi dữ như vậy. Khi tôi nhận thấy rằng đến gần bến đỗ nào ông cũng chuẩn bị xuống nhưng rồi đến phút chót lại nhớ ra sự hiện diện của tôi, rằng chính vì tôi và cái trống của tôi mà ông quay lại chỗ ngồi, thì tôi hiểu ra tại sao ông đổ mồ hôi. Đó là vì Jan, với tư cách là viên chức Nhà nước, có nhiệm vụ phải tham gia bảo vệ sở Bưu Chính Ba Lan. ông đã bỏ trốn, nhưng rồi gặp tôi với cái đồ đồng nát này ở góc đường Ringstrasse và đường Heeresanger, ông quyết định nghe theo tiếng gọi của bổn phận, ông kéo tôi theo lên xe điện, mà tôi thì không phải là viên chức cũng- chẳng thích hợp với việc bảo vệ một sở bưu điện, cho nên ông mới hút thuốc liên hồi và đổ mồ hôi dữ thế. Tại sao ông không xuống? Chắc chắn tôi chẳng ngăn ông đâu. ông đang ở tuổi tráng niên, chưa đến bốn mươi lăm, mắt xanh, tóc nâu. Đôi bàn tay run rẩy của ông được làm móng chau chuốt và nếu ông không toát mồ hôi một cách thiểu não như thế, thì cái mùi lọt vào lỗ mũi Oskar khi nó ngồi cạnh ông bố không chính thức, ắt phải là nước thơm Cologne thay vì mồ hôi lạnh.

Đến Chợ Gỗ, chúng tôi xuống và di bộ xuôi phố Altstädrischer Graben. Đó là một đêm hè yên tĩnh. Từng hồi chuông vẳng lên trời như mọi đêm vào quãng tám giờ, kéo theo những đám mây bồ câu.

"Hãy Trung Chính cho đến khi xuống mồ", chuông ngân nga như vậy. Thật là đẹp đến muốn khóc. Nhưng xung quanh chúng tôi toàn là tiếng cười. Phụ nữ với trẻ con da rám nắng, áo tắm bằng vải bông xù, bóng màu và thuyền buồm, bước xuống từ những chuyến xe điện chở hàng ngàn người vừa mới tắm ở các bãi biển Glettkau và Heubude. Những cô gái, còn ngái ngủ sau một ngày phơi nắng, nhấm nháp kem phúc bồn tử. Một cô khoảng mười lăm tuổi đánh rơi chiếc kem hình nón, định nhặt lên song lại lưỡng lự và cuối cùng bỏ cái món giải khát mau tan chảy ấy cho những phiến đá lát đường và đế giày của những khách qua đường sắp tới; chẳng bao lâu nữa, cô sẽ thành người lớn và sẽ thôi ăn kem ngoài đường.

Đến phố Schneidermuhlen-Gasse, chúng tôi rẽ trái. Quảng trường Hevelius, ở đầu đằng kia con phố nhỏ này, kín đặc những cảnh vệ ss đứng thành từng nhóm: thanh niên và trung niên với băng đeo tay và súng trường của cảnh sát an ninh. Kể ra, nếu đi vòng rồi từ khối phố Rähn vào sở, thì cũng dễ thôi. Jan Bronski đi thẳng đến chỗ bọn ss. Mục đích của bác đã rõ ràng: bác muốn để bọn này ách lại trước mắt các cấp trên của mình (họ chắc chắn phải theo dõi quan sát Quảng trường Hevelius từ sở bưu chính) và bắt quay lui. Bác hy vọng tự tạo cho mình một hình ảnh tương đối đàng hoàng - một anh hùng bị ngăn trở - đe sau đó trở về nhà vẫn bằng chuyến xe điện số 5 đã chở bác đến.

Bọn cảnh vệ để chúng tôi qua; có lẽ họ không bao giờ nghi rằng con người sang trọng ăn mặc lịch sự dắt một thằng bé lên ba lại có ý định đến sở bưu chính. Họ lễ phép khuyến cáo chúng tôi nên cẩn thận và chỉ đến khi chúng tôi qua cổng ngoài có rào sắt và tới gần cửa chính của sở, mới hô: Đứng lại! Jan ngoảnh lại, phân vân. Cánh cửa nặng nề hé mở và người ta kéo chúng tôi vào bên trong và đây, chúng tôi đã ở trong sảnh chính mờ mờ tối và mát rượi của sở bưu chính.

Các đồng nghiệp chào đón Jan Bronski không lấy gì làm thân ái cho lắm. Họ nghi ngờ ông, có lẽ họ đã coi như bác "biến" rồi. Thậm chí một số tuyên bố rất thẳng thắn rằng họ đã bắt đầu nghi ngờ là thư ký bưu vụ Bronski muốn đào nhiệm. Jan khó mà thanh minh. Không ai nghe cả. ông bị đẩy vào một hàng người đang chuyển những bao cát từ dưới hầm nhà lên. Những bao cát này cùng nhiều đồ vật linh tinh khác được chất lên đằng sau những cửa sổ; các tủ hồ sơ và những bàn ghế nặng được chuyển lại gần cửa chính để chèn lại thành chiến lũy trong trường hợp khẩn cấp.

Có người hỏi tôi là ai, song không có thì giờ đợi Jan trả lời. Ai nấy đều bồn chồn đứng ngồi không yên. Có lúc họ quát nhau rồi đột nhiên lại thầm thì, thận trọng quá đáng. Cái trống của tôi và sự cùng quẫn của nó đã bị quên lãng. Không thấy bác gác cổng Kobyella đâu, người mà tôi trông cậy, người mà tôi hy vọng sẽ phục hưng cái mớ đồng nát lủng lẳng nơi cổ tôi; chắc bác đang ở trên tầng hai hay tầng ba của tòa nhà, tất bật như những nhân viên văn phòng và bưu tá xung quanh tôi đang chất những bao cát để chống đạn. Rõ ràng là sự có mặt: của Oskar gây bối rối cho bác Jan của nó. Cho nên khi cái ông mà những người khác gọi là Tiến sĩ Michon tiến đến dặn dò Bronski, tôi thừa cơ lỉnh đi. Sau khi thận trọng tránh ông Tiến sĩ Michon này - ông đội một chiếc mũ sắt Ba Lan và hiển nhiên là sếp sở - tôi nhìn quanh và cuối cùng tìm ra cầu thang dẫn lên tầng hai. Phía cuối hành lang cầu thang tầng hai, tôi phát hiện thấy một căn phòng tầm trung bình không có cửa sổ, ở đó không có ai chuyển hòm đạn hoặc chất bao cát.

Trong căn phòng vắng ngắt, nhiều giỏ quần áo có bánh xe đựng đầy thư với những con tem đủ màu sắc được đẩy sát vào nhau. Đó là một phòng trần thấp dán giấy phủ tường màu đỏ son. Tôi ngửi thấy loáng thoáng mùi cao-su. Một cái bóng điện không có chụp rủ từ trần xuống. Oskar quá mệt không thiết tìm nút bật tắt nữa. Xa xa, tiếng chuông các nhà thờ Đức Bà, Nữ Thánh Catherine, Thánh Jean, Thánh Bridget, Nữ Thánh Barbara, Chúa Ba Ngôi và Thân Xác Chúa Kirixitô, đồng thanh báo hiệu: Mười giờ rồi Mày phải đi ngủ thôi, Oskar. Vậy là tôi nằm vào một trong những cái giỏ thư, đặt cái trống cũng mệt như tôi bên cạnh mình và ngủ thiếp đi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx