sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Những Thông Cáo Đặc Biệt

Thật khó mà làm thí nghiệm trên mặt đĩa trắng của trống tôi. Lẽ ra tôi phải biết rõ điều đó. Trống của tôi đòi hỏi bao giờ cũng được làm bằng cùng một loại gỗ. Nó muốn đối thoại vớí dùi trống và trả lời những câu đích đáng hoặc bỏ lửng các câu hỏi/đáp. Cho nên, quý vị thấy đấy, trống tôi không phải là một cái xoong để rán thịt cho giòn trên bếp, cũng chẳng phải sàn nhảy cho những cặp thậm chí.không biết mình có hợp cạ hay không. Do đó, ngay cả trong những giờ cô đơn nhất, Oskar cũng không bao giờ rắc bột sủi lên mặt trống, trộn với nước bọt của mình để tạo nên cái cảnh tượng đã bao năm không được thấy lại, mà tôi nhớ vô cùng. Quả thật là Oskar không thể không thử làm một thí nghiệm với loại bột nói trên, song nó tiến hành một cách trực tiếp hơn, để trống ngoài cuộc; làm vậy là tôi đánh bài liều vì không có trống, bao giờ tôi cũng thấy bơ vơ, trơ trọi.

Kiếm được bột sủi đâu phải là chuyện dễ. Tôi phái Bruno đi khắp các cửa hàng tạp hóa ở Grafenberg, đi xe điện đến tận Gerresheim. Tôi nhờ anh ta lên thành phố lùng, nhưng ngay cả ở những quầy giải khát ở cuối các tuyến xe điện, Bruno vẫn không tìm ra bột sủi. Các cô gái trẻ bán hàng chưa bao giờ nghe nói đến thứ đó, những chủ hiệu lớn tuổi thì hồi nhớ lại dông dài; khi nghe Bruno mô tả, họ bóp trán tư lự và nói: "Chú muốn cái gì? Bột sủi ư? Cái đó là từ hồi xửa hồi xưa rồi. Người ta bán thứ đó dưới thời Wilhelm và hồi đầu thời Adolph [1]. Đó là những ngày vàng son thuở trước. Nhưng nếu chú thích một chai xôđa hay Côca thì có ngay."

Vậy là gã y tá quản lý tôi uống mấy chai xôđa hoặc Côca bằng tiền của tôi mà không kiếm ra cái tôi cần. Tuy nhiên, cuối cùng, Oskar cũng có được bột sủi: hôm qua, Bruno mang cho tôi một gói nhỏ màu trắng không có nhãn; một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm của bệnh viện chúng tôi, một Cô Klein nào đó, đã thông cảm mở ngăn kéo, lấy các bình, ống, giở sách tham khảo, đóng vài gam chất này, vài gam chất kia và cuối cùng, sau mấy lần thử, đã trộn thành một thứ bột sủi mà, theo lời Bruno, có thể sủi, gây nhột nhột, chuyển thành màu xanh và phảng phất có vị waldmeisster.

Và hôm nay là ngày thăm hỏi. Maria đến. Nhưng người đến đầu tiên là Klepp. Chúng tôi cười với nhau khoảng bốn mươi lăm phút về một cái gì đó đáng quên đi. Tôi phải lựa lời với Klepp để khỏi xúc phạm những tình cảm cách mạng của hắn, tránh không nhắc đến những sự kiện thời sự và không đả động gì đến thông báo đặc biệt về cái chết của Stalin mà tôi đã hay tin qua cái đài xách tay- quà của Maria tặng cách đây mấy tuần. Nhưng hình như Klepp đã biết vì một mảnh băng tang đã được khâu một cách vụng về trên ống tay áo măng-tô nâu kẻ ca-rô của hắn. Rồi Klepp đứng dậy và Vittlar bước vào. Hai bạn hình như lại cãi nhau vì Vittlar chào Klepp bằng một tiếng cười lớn và giơ ngón tay làm sừng trên đầu: "Tin Stalin chết làm mình sửng sốt sáng nay giữa lúc đang cạo mặt," hắn trịnh trọng nói và giúp Klepp xỏ tay áo ngoài. Với một vẻ thành kính bóng nhẫy trên gương mặt to rộng, Klepp giơ mảnh vải đen trên ống tay áo:

" Chính vì thế mà mình để tang đây," hắn thở dài và, bắt chước tiếng t’rompét của Armstrong[2], dạo mấy phách đầu tang khúc của New Orleans Function: pòm-pà-pòm-pi-pom- rồi lách qua cửa chuồn thẳng.

Vittlar ở lại, hắn không chịu ngồi mà cứ tí tởn trước tấm gương và trong mấy phút, chúng tôi trao đổi với nhau những nụ cười thông đồng chẳng dính dáng gì đến Stalin cả.

Tôi cũng không biết là mình định tâm sự với Vittlar hay muốn đuổi hắn đi. Tôi vẫy hắn lại gần, bảo hắn ghé tai và thì thầm vào cái cùi-dìa ấy của hắn: "Bột sủi! Cái đó có nghĩa gì với cậu không, Gottfried?" Hốt hoảng, Vittlar nhảy phốc một cái ra cách xa cái giường cũi của tôi; hắn chĩa ngón tay trỏ và cất giọng kép hát quen thuộc mần tuồng: "Bớ Xatăng, mi định lấy bột sủi cám dỗ ta đó sao? Mi không biết ta là một thiên thần ư?"

Và lấy dáng như một thiên thần bay rập rờn, Vittlar tếch, trước khi đi không quên soi lần cuốị vào tấm gương bên trên bồn rửa mặt. Cái bọn thanh niên ngoài bệnh viện tâm thần quả là một lũ kỳ dị và điệu đàng.

Thế rồi Maria tới. Nàng mặc một bộ đồ mùa xuân may đo ở tiệm và đội một chiếc mũ sang nhã màu xám da chuột điểm những nét vàng rơm vừa tinh vi vừa kín đáo. Ngay cả khi đã vào phòng tôi, nàng vẫn không bỏ đồ mỹ phẩm ấy ra. Nàng chào tôi một tiếng ngắn gọn, chìa má cho tôi hôn và ngay ngay lập tức, bật cái đài xách tay mà tuy nàng đã tặng cho tôi, nhưng dường như chỉ dành riêng cho nàng sử dụng vì chức năng của cái hộp đáng ghét bằng chất dẻo đó là chiếm một phần cuộc trò chuyện của chúng tôi vào những ngày thăm hỏi. "Anh có nghe tin sáng nay không? Giật gân nhỉ? Hay là anh không nghe?" "Có, Maria," tôi kiên nhẫn đáp. "Họ không giấu tôi cái tin Stalin chết, nhưng thôi tôi xin, hãy tắt hộ cái đài đi."

Maria lẳng lặng làm theo, ngồi xuống, đầu vẫn đội mũ và chúng tôi nói chuyện về bé Kurt như thường lệ.

"Anh thử tưởng tượng coi, Oskar, thằng ranh không chịu đi tất dài nữa, mà bây giờ mới là tháng ba và đài nói là sắp sửa có đợt rét nữa." Tôi không biết tin dự báo thời tiết, nhưng về chuyện đi tất dài thì tôi đứng về phe Kurt. "Thằng bé đã mười hai tuổi rồi, Maria, nó ngượng, sợ đi tất len đến trường, chúng bạn cười"

"Dào, với em, sức khoẻ của nó là trên hết, nó phải đi tất cho đến lễ Phục Sinh."

Thời hạn ấy được tuyên bố một cách dứt khoát đến nỗi tôi phải thay đổi chiến thuật: "Vậy thì Maria phải mua quần trượt tuyết cho nó vì những cái tất len ấy quả thật là xấu. Thử nghĩ lại hồi mình bằng tuổi nó mà xem. Trong sân chung cư chúng mình ở phố Labesweg ấy. Cũn Cỡn bao giờ cũng phải đi tất dài cho đến tận lễ Phục Sinh, Maria có nhớ bọn chúng đã làm gì nó không? Nuchi Eyke (nó bị giết ở Crete), Axel Mischke (chết ở Hà Lan ngay trước khi chiến tranh kết thúc) và Harry Schlager, chúng nó đã làm gì Cũn Cỡn? Chúng bôi hắc ín vào những chiếc tất len dài của thằng bé cho nó dính vào da đến nỗi phải đưa Cũn Cỡn đi bệnh viện."

"Đó không phải lỗi tại tất, lỗi tại Susi Kater," Maria giận dữ kêu lên. Mặc dầu Susi đã tham gia đội nữ điện báo viên ngay từ đầu chiến tranh và nghe đồn sau đó đã lấy chồng ở vùng Bavaria, Maria vẫn mang một mối hiềm kéo dài đối với cô hàng xóm hơn mình mấy tuổi, theo cái kiểu giữa đàn bà với nhau, như chỉ đàn bà mới có thể hiềm nhau dai đến thế, từ lúc ấu thơ cho đến tuổi làm bà.

Tuy vậy việc tôi nhắc đến những chiếc tất bị phết hắc ín của Shorty cũng có một hiệu quả nào đó. Maria hứa sẽ mua quần trượt tuyết cho Kurt. Chúng tôi có thể tiếp tục trò chuyện theo một hướng khác, ở trường học, Kurt được điểm tốt. ông hiệu trưởng đã khen nó trong cuộc họp mặt giữa các thày giáo và phụ huynh học sinh. "Anh thử tưởng tượng xem, nó xếp thứ nhì trong lớp. Và nó còn giúp em ở cửa hàng, đắc lực hết chỗ nói."

Tôi gật đầu tán thưởng và lắng nghe nàng tả những thứ mà cửa hàng đặc sản vừa mới mua. Tôi khuyến khích Maria mở một chi nhánh ở Oberkassel. Thời kỳ này đang thuận lợi, tôi nói, đợt phát đạt sẽ còn tiếp tục- tôi vừa bắt mạch được cái xu thế ấy qua tin tức trên đài. Thế rồi tôi quyết định là đã đến lúc rung chuông gọi Bruno. Gã bước vào và đưa tôi cái gói nhỏ màu trắng đựng bột sủi.

Oskar đã vạch sẵn kế hoạch. Không giải thích dài dòng, tôi yêu cầu Maria đưa tay trái cho tôi. Mới đầu, nàng định đưa tay phải, nhưng rồi sửa lại ngay. Vừa cười vừa lắc đầu, nàng chìa mu bàn tay trái cho tôi, hắn là chờ đợi tôi hôn lên đó. Nàng không hề tỏ vẻ ngạc nhiên cho đến khi tôi lật ngửa bàn tay đó lên và rốc bột trong gói ra thành một đống nhỏ giữa gò Trăng và gò Vệ Mữ. Nhưng ngay cả đến lúc đó, nàng cũng không phản đối. Nàng chỉ phát hoảng khi Oskar cúi xuống và nhổ như mưa lên đống bột sủi.

"Ủa, cái gì vậy?" nàng bất bình kêu lên, đẩy bàn tay ra thật xa mình và kinh hãi nhìn trân trân vào lớp bọt xanh đang vồng lên. Mặt Maria đỏ bừng từ trán đổ xuống. Tôi đã bắt đầu hy vọng thì nàng bỗng bước nhanh ba bước đến bồn rửa mặt. Nàng để cho nước, dòng nước ghê tởm, thoạt đầu lạnh sau rồi nóng, chảy tràn lên chỗ bột sủi. Đoạn, nàng lấy xà-phòng của tôi rửa tay.

"Oskar, anh thật không chịu nổi. Anh muốn ông Münsterberg nghĩ gì về chúng mình?" Như để xin bỏ qua cho ứng xử điên rồ của tôi, nàng quay về phía Bruno, gã này trong khi tôi làm thí nghiệm, đã đến chiếm vị trí ở chân giường. Để Maria khỏi phải bối rối thêm, tôi bảo gã y tá ra khỏi phòng và khi gã vừa đóng cửa lại sau lưng, gọi nàng trỏ lại bên giường. "Em còn nhớ không? Hãy nhớ lại đi, anh xin em. Bột sủi! Ba xu một gói. Hãy nghĩ về ngày xưa. Waldmeister, phúc bồn tử, nó sủi bọt lên đẹp biết bao và cái cảm giác, Maria, cải cảm khoái nó gây cho em."

Maria không nhớ. Bỗng dưng sợ tôi một cách phi lý, nàng giấu bàn tay trái, cuống cuồng tìm đầu đề trò chuyện khác, một lần nữa nói về việc học hành tấn tới của Kurt ở trường, về cái chết của Stalin, về cái tủ lạnh mới ở cửa hàng đặc sản Matzerath, về dự định mở chi nhánh ở Oberkassel. Nhưng tôi thì vẫn trung thành với bột sủi, bột sủi, tôi nói, nàng đứng dậy, bột sủi, tôi van nài, nàng vội vã nói tạm biệt, vân vê chiếc mũ, phân vân không biết nên đi ngay hay nán lại, và bật đài, và đài bắt đầu léo nhéo. Nhưng tôi quát to hơn tiếng đài: "Bột sủi. Maria, nhớ lại đi!"

Rồi nàng đứng ở cửa ra vào, khóc, lắc đầu và để lại mình tôi với cái đài léo nhéo, lạo xạo, đóng cửa rón rén như thể đang để tôi lại trên giường lâm chung vậy.

Và thế là Maria không còn nhớ bột sủl nữa. Tuy nhiên đối với tôi, chừng nào tôi còn thở được và đánh trống được, cái đó - bột sủi – sẽ không bao giờ thôi sủi và ngầu bọt; vì chính nước bọt của tôi, vào cuối hè 1940, đã khuấy động chất waldmeister và phúc bồn tử, đánh thức những cảm giác, thúc giục xác thịt tôi đi tìm, khiến tôi trở thành kẻ sưu tầm mùi nấm sữa ngai ngái cùng những thứ nấm hương khác tôi chưa từng biết, khiến tôi thành bố, phải, thật vậy, mới tí tuổi đầu mà tôi đã thành bố, bởi vì đến đầu tháng 11 thì không còn nghi ngờ gì nữa, Maria đã mang thai, cái thai trong bụng Maria đã sang tháng thứ hai và tôi, Oskar đây, chính là người bố.

Điều đó, cho đến nay, tôi vẫn tin chắc vì chuyện với Matzerath mãi về sau mới xảy ra; ba tuần, không, mười lăm ngày sau khi tôi làm Maria thụ thai trong khi nàng ngủ trên chiếc giường cũ của người anh cả Herbert lưng đầy sẹo, ngay trước những bưu ảnh do người anh thứ hai hạ sĩ gửi về, phải, mười lăm ngày sau, trong bóng tối, giữa những bức tường và cửa kính dán giấy phòng không, tôi bắt gặp Maria, lần này thì không ngủ mà hổn hen trên đi-văng nhà chúng tôi; nàng nằm bên dưới Matzerath và nằm bên trên nàng là Matzerath.

Oskar, sau những phút suy tưởng trên tầng áp mái, đeo trống đi xuống dưới nhà, theo hành lang vào phòng khách. Hai người không nhận thấy tôi đến. Họ quay đầu về phía cái bếp lò gạch tráng men. Thậm chí họ cũng không cởi quần áo cho tử tế nữa. Cái quần đùi của Matzerath tụt đến đầu gối, quần dài thì lù lù một đống trên thảm. Váy ngoài và váy lót của Maria cuốn lên trên xú-chiêng đến tận nách. Quần lót của nàng lòng thòng quanh bàn chân phải lủng liểng nơi đầu cái căng chân vặn vẹo một cách tởm lợm bên rìa đi-văng. Chân kia của nàng gập lại trên chiếc gối như thể không liên qụan. Giữa hai chân nàng là Matzerath. Tay phải ông xoay nghiêng đầu nàng sang một bên, còn tay kia dọn đường cho ông hành sự. Qua những ngón tay doãng ra của Matzerath, Maria nhìn trân trân vào tấm thảm, như đang theo dõi những họa tiết trên đó đến tận dưới gầm bàn. Ông cắn ngập răng vào một cái gối bọc nhung và chỉ nhả ra khi họ nói chuyện. Bởi vì đôi lúc họ cũng nói chuyện mà vẫn không ngừng hành sự. Chỉ khi đồng hồ điểm ba khắc, hai người mới nghỉ cho đến tiếng chuông cuối cùng, và rồi tiếp tục nhiệm vụ, ông nói: "Kém mười lăm." Rồi ông hỏi nàng có thích cách làm của ông không. Nàng nói có mấy lần liền và xin ông hãy cẩn thận. Ông hứa sẽ chú ý. Nàng ra lệnh, không, cầu xin ông hãy đặc biệt cẩn thận. Rồi ông hỏi đã đến lúc chưa. Và nàng nói ừ, sắp rồi. Tiếp đó, chắc là nàng bị chuột rút ở bàn chân thõng ra ngoài đi- văng vì thấy nàng đá hất lên nhưng chiếc quần lót vẫn lủng lắng ở đó. Rồi ông lại cắn vào chiếc gối bọc nhung và nàng kêu lên: rút ra và ông cũng muốn rút nhưng không được vì Oskar đã phốc lên trên hai người trước khi ông kịp rút, vì tôi đã dằn mạnh cái trống lên mông ông và đang vung dùi nện trống, bởi vì tôi hết chịu nổi, không thể tiếp tục nghe họ bảo nhau rút ra rút ra, bởi vì tiếng trống của tôi át tiếng rút ra của họ, bởi vì tôi sẽ không cho phép ông rút như Jan Bronski bao giờ cũng rút khỏi mẹ tôi, vì mẹ bao giờ cũng bảo Jan rút ra và bảo Matzerath rút ra, rút ra, rút ra. Và thế là họ rời nhau ra, để cho tinh trùng rớt xuống bất kỳ chỗ nào, trên một chiếc khăn đặt sẵn ở đó, hoặc nếu không có khăn, thì trên nệm đi-văng, có khi trên thảm cũng được. Nhưng tôi thì chẳng chịu nổi phải nhìn cái cảnh tượng đó. Bởi vậy tôi đã không rút ra. Chính vì thế mà tôi mới là bố chứ không phải cái ông Matzerath bao giờ cũng tin đến cùng rằng ông là cha tôi. Nhưng cha tôi là Jan Bronski. Jan Bronski đã đi bước trước Matzerath và đã không rút ra mà trụ lại nơi đang chiếm lĩnh và trao gửi tất cả những gì mình có; tôi đã thừa kế phẩm chất đó từ Jan Bronski: đi bước trước Matzerath và trụ lại; và sản phẩm là con trai tôi chứ đâu phải con trai ông. Ông không bao giờ có con. Ông không phải là một người cha đích thực, cho dù ông có cưới mẹ tội nghiệp của tôi đến mười lần, cho dù ông có cưới Maria vì nàng có mang. Và ông nghĩ chắc chắn mọi người xung quanh nghĩ thế. cố nhiên, họ nghĩ rằng Matzerath đã xơi tái Maria và vì thế nên mới cưới nàng mặc dù nàng mới mười bảy còn ông đã sang tuổi bốn mươi lăm. Nhưng nàng rất già dặn so với tuổi, còn về phần bé Oskar, nó rất vui thích có được một người mẹ kế như vậy; vì Maria không đối đãi với đứa bé tội nghiệp theo cách một người mẹ ghẻ mà như một bà mẹ đích thực, ngay cả nếu bé Oskar đầu óc có không bình thường và đáng ra, phải đưa vào nhà thương điên ở Silberhammer hay Tapiau.

Theo lời khuyên của Gretchen Scheffler, Matzerath quyết định cưới người tôi yêu. Nếu coi ông bố hờ này là cha tôi, thì tất phải suy ra rằng cha tôi đã cưới người vợ tương lai của tôi, gọi con trai Kurt của tôi là con trai ông và chờ đợi tôi nhận cháu nội ông là em cùng cha khác mẹ, chấp nhận và chịu đựng sự có mặt, với tư cách là mẹ kế, của Maria, người yêu dấu thơm mùi va-ni của tôi, trên cái giường tanh mùi trứng cá của ông. Nhưng nếu, phù hợp hơn với sự thật, tôi nói: ông Matzerath này thậm chi không phải là bố hờ của mày, mà hoàn toàn là người dưng đối với mày, không bõ qúy mến cũng chẳng đáng ghét, làm bếp giỏi và với tài nấu nướng đã chăm sóc mày như một người cha cho tới nay bởi vì mẹ tội nghiệp của mày đã để mày lại cho ông ấy; nhưng giờ đây trước mắt mọi người, đã phỗng mất của mày người đàn bà ưu tú nhất, bắt mày phải chứng kiến hôn lễ của ông ta và, năm tháng sau, một lễ rửa tội, biến mày thành khách mời trong hai nghi lễ gia đình mà đáng ra mày phải là chủ, vì đúng ra, mày phải đưa Maria đến phòng giá thú của toà thị chính, đúng ra, mày mới là người chọn cha và mẹ đỡ đầu cho đứa bé. Nhìn lại sự phân vai nhầm trong vở bi kịch này, tôi đâm ngán cái nghiệp sân khấu vì nỗi Oskar, nhân vật chính đích thực, lại bị phân cho một vai phụ có bỏ đi cũng chả sao.

Trước khi tôi đặt tên cho con trai tôi là Kurt, trước khi đặt cho nó cái tên mà lẽ ra không bao giờ nên đặt - bởi lẽ tôi có thể cho thằng bé mang tên cụ nội Vincent Bronski của nó - trước khi tôi đành chọn cái tên Kurt, Oskar cảm thấy cần phải kể lại nó đã tự vệ như thế nào trong quá trình Maria mang thai để chống lại sự kiện chờ đợi.

Vào buổi tối của chính cái hôm tôi bắt quả tang hai người trên đi-văng, cái hôm tôi ngồi nện trống trên cái lưng đẫm mồ hôi của Matzerath và phá hỏng biện pháp phòng ngừa mà Maria yêu cầu, tôi đã làm một cố gắng tuyệt vọng nhằm giành lại người tôi yêu.

Matzerath hất được tôi xuống khi đã quá muộn. Vì thế, ông bạt tai tôi. Maria bênh vực tôi và té tát mắng Matzerath vì tội cẩu thả. Matzerath tự bào chữa như một ông già. Đó là lỗi tại Maria, ông cãi, lẽ ra nàng nên bằng lòng với một lần thôi, đằng này, nàng lại chưa đã cơ. Maria khóc và nói là với nàng chuyện ấy không phải cho vào rút ra đánh xoẹt một cái là xong, nếu vậy thì ông kiếm người nào khác còn hơn, phải, nàng thừa nhận rằng nàng thiếu kinh nghiệm nhưng chị gái nàng là Guste làm ở khách sạn Eden thì thông thạo ngọn ngành chị ấy bảo không mau thế đâu, tốt nhất là Maria cứ nên cảnh giác, lắm gã chỉ muốn phóng cái chất nhớt của mình càng sớm càng tốt và có vẻ như Matzerath cũng là một gã kiểu đó, nhưng từ giờ trở đi nàng sẽ không giây với ông ta nữa, nàng cũng phải rung chuông chứ, như lần vừa rồi. Nhưng dù sao, đáng ra ông cũng nên cẩn thận, ông phải dành cho nàng chút trân trọng tối thiểu như vậy chứ. Rồi nàng khóc thêm chút nữa và vần ngồi trên đi-văng. Và Matzerath trong chiếc quần xà lỏn quát tướng lên rằng ông hết chịu nổi cái kiểu bù lu bù loa của nàng; rồi ông xin lỗi vì đã nổi cáu và lại phạm lỗi lần nữa, có nghĩa là định luồn tay vào dưới váy xoa cái mông trần của nàng và điều đó khiến nàng nổi cơn lôi đình thịnh nộ.

Oskar chưa bao giờ thấy nàng như thế. Những vết đỏ cháy lên khắp mặt nàng và đôi mắt xám mỗi lúc một tối sẫm thêm. Nàng gọl Matzerath là đồ “em chã”, thế là ông vớ lấy quần, xỏ chân vào và cài khuy, ông có thể biến đi đâu thì biến - nàng rít lên hết cỡ giọng - đi mà nhập bọn với các tổ trưởng Đảng của ông, một lũ hoạt tinh, cả bầy đều thế tuốt tuồn tuột. Matzerath cầm chiếc áo vét lên và nắm quả đấm cửa, ông cam đoan với nàng rằng mọi sự sẽ thay đổi, ông ngấy đàn bà đến tận cổ rồi; nếu nàng nóng máy đến thế, tại sao không bẫy lấy một cha nào đó trong đám lao công ngoại quốc, chẳng hạn cái gã người Pháp đi giao bia chắc chắn là thiện nghệ hơn. Còn đối với ông, Matzerath đây, tình yêu có nghĩa là một cái gì cao hơn cái trò con heo ấy, ông đi đánh vài ván xì-cạt đây, ở bàn xì-cạt chí ít người ta cũng biết phải chờ đợi cái gì.

Và thế là còn một mình tôi với Maria trong phòng khách. Nàng đã thôi khóc và đang mặc quần lót vào, vẻ tư lự, miệng vẫn huýt sáo, nhưng rất dè dặt. Hồi lâu nàng vuốt phẳng lại chiếc áo váy đã bị làm nhàu trên đi-văng. Rồi nàng mở đài, làm bộ nghe thông báo mực nước trên sông Vistula và sông Nogat. Sau khi báo mực nước ở hạ lưu sông Mottlau, phát thanh viên giới thiệu một điệu van-xơ và bài van-xơ lập tức bắt đầu, bấy giờ, đột nhiên nàng lại tụt quần lót ra, vào trong bếp, dằn mạnh một cái chậu xuống và mở vòi nước; tôi nghe thấy tiếng ga xì xì và đoán là Maria quyết định làm một chầu tắm ngồi.

Để xóa đi cái hình ảnh không mấy thú vị ấy, Oskar tập trung chú ý vào bài van-xơ. Nếu tôi nhớ không lầm, thì thậm chí tôi còn dạo trên trống mấy nhịp phách của Strauss và thấy khoái nữa. Thế rồi bài van-xơ bị ngắt quãng để nhường chỗ cho một thông cáo đặc biệt. Oskar dám chắc đó là tin từ Đại Tây Dương và nó đã không lầm. Mấy chiếc tàu ngầm đã đánh chìm được ngoài khơi bờ biển phía tây Alien bảy-tám tàu trọng tải ngần nấy, ngần nấy tấn. Một nhóm tàu ngầm khác cũng đã cho ngần nấy tấn hải hạm xuống chầu Hải Vương. Một chiếc tàu ngầm dưới quyền chỉ huy của trung uý Schapke - hoặc có thể là trung uý Kreischmar, dù sao sao đi nữa cũng là một trong hai người, trừ phi đó là một thuyền trưởng tàu ngầm thứ ba không kém trứ danh -đã tỏ ra đặc biệt xuất sắc: không những đạt kỷ lục về trọng tải tàu địch bị đánh chỉm, mà còn hạ một khu trục hạm Anh hạng XY nữa.

Trong khi tôi biến tấu trên trống bài "Hạm đội tấn công nước Anh" tiếp nối bản tin và thiếu chút nữa thì chuyển nó sang nhịp van-xơ, Maria trở lại phòng khách, một chiếc khăn xốp vắt trên tay. Hàng nói khe khẽ: "Có nghe thấy không, Oskar, lại một thông cáo đặc biệt nữa. Nếu cứ tiếp tục như thế này thì..."

Không nói cho Oskar biết chuyện gì sẽ xẩy ra nếu cứ tiếp tục như thế này, Maria ngồi xuống cái ghế mà Matzerath thường vắt chiếc áo vét lên. Nàng vặn xoắn chiếc khăn ướt thành dạng cuốn thừng và, hoà với đài, huýt sáo bài "Hạm đội tấn công nước Anh" khá to và đúng nhịp. Nàng còn láy lại đoạn hợp xướng kết thúc một lần nữa sau khi đài đã ngừng hảt và tắt đài ngay khi bài van-xơ bất tử lại nổi lên. Nàng để chiếc khăn cuốn thừng lên bàn, ngồi xuống và đặt đôi bàn tay xinh lên đùi.

Im lặng trầm sâu bao trùm phòng khách, chỉ có cụ cố đồng hồ quả lắc là nói mỗi lúc một to và Marla dường như đang tự hỏi có nên mở đài lại hay không. Nhưng rồi nàng có một quyết định khác. Nàng áp mặt vào chiếc khăn vặn cuốn thừng để trên bàn, buông thõng hai cánh tay xuống giữa hai đầu gối về phía tấm thảm và lặng lẽ khóc đều đều.

Oskar tự hỏi không biết có phải Maria xấu hổ vì bị tôi bắt gặp trong cái tình huống oái ăm nọ hay không. Tôi quyết định khích lệ cho nàng khuây khoả. Tôi lẻn ra khỏi phòng khách; trong cửa hàng tối om, bên cạnh mớ giấy sáp và nhưng gói pút- đinh, tôi tìm thấy một gói nhỏ mà khj ra hành lang sáng hơn, tôi nhận ra là một gói bột sủi có vị waldmeisster. Oskar lấy làm hài lòng về sự chọn mò của mình vi lúc bấy giờ tôi cho rằng Maria thích waldmeisster hơn tất cả các vị khác.

Khi tôi trở vào phòng khách, má phải của Maria vẫn áp trên chiếc khăn cuộn xoắn. Hai cánh tay vẫn đu đưa ẽo ợt giữa hai đùi. Từ phía bên trái, Oskar tiến lại gần nàng và thất vọng thấy mắt nàng nhắm lại và ráo hoảnh. Tôi kiên nhẫn chờ đến khi những mí mắt dấp dính của nàng mở ra mới chìa cái gói ra, nhưng nàng không nhận thấy cái nhãn waldmeisster và dường như nhìn xuyên qua cái gói, xuyên qua cả tôi nữa.

Hắn nước mắt đã làm nhòa mắt nàng, tôi nghĩ vậy, ý muốn biện minh cho nàng; sau một lúc suy tính, tôi quyết định chọn một cách tiếp cận trực tiếp hơn. Oskar bò xuống gầm bàn và ngồi thu lu dưới chân Maria - với những ngón hơi xoay vào trong cầm lấy một trong hai hàn tay huông thõng của nàng, lật ngửa lên, dùng răng mở gói bột, rốc một nửa vào cái hõm hất động và bắt đầu nhổ nước bọt. Đúng lúc hột bắt đầu sủi bọt, một cú đá vào giữa ngực làm Oskar lăn kềnh dưới gầm bàn.

Mặc dù đau điếng, tôi vẫn nhổm dậy ngay và chui ra khỏi gầm bàn. Maria đứng dậy và chúng tôi đối diện nhau, thở hổn hển. Maria vớ lấy chiếc khăn xốp, lau sạch tay rồi vứt chiếc khăn xuống chân tôi; nàng gọi tôi là đồ lợn ghê tởm, là giống lùn nham hiểm, là tên quỷ lùn điên đáng lý phải tống vào nhà thương điên. Nàng túm lấy tôi, bợp vào sau đầu và rủa mẹ tôi đã cho ra đời một thằng nhãi ranh như tôi. Khi tôi sắp sửa cất tiếng thét, tuyên chiến với tất cả thuỷ tinh trong phòng khách và trên thế giói, thì nàng nhét cái khăn vào miệng tôi; tôi cắn vào khăn, nó rắn hơn cả thịt bò bạc nhạc.

Chỉ đến khi Oskar đỏ mặt tía tai do dồn máu, nàng mới buông ra. Tôi có thể thét tan tành tất cả các đồ thuỷ tinh và ô kính cửa sổ trong phòng và tái diễn cuộc công kích thời ấu thơ nhằm vào mặt cụ cố đồng hồ quả lắc. Song tôi không thét, tôi mở cánh cửa tim tôi đón vô một mối uất hận bắt rễ sâu đến nỗi cho tới tận bây giờ, mỗi khi Maria bước vào phòng, tôi vẫn cảm thấy nó giữa hai hàm răng như chiếc khăn xốp ngày nào.

Vốn tính đồng bóng, Maria quên ngay cơn giận dữ của mình. Nàng cười hồn hậu và bằng một cái ngoắt tay, lại mở máy thu thanh. Huýt sáo theo điệu van-xơ trong đài, nàng tiến lại phía tôi, định vuốt tóc tôi làm lành. Chả là tôi vốn thích được nàng vuốt tóc mà.

Oskar để cho nàng lại thật gần. Rồi bằng cả hai nắm tay, đấm móc lên vào đúng cái chỗ nàng đã để cho Matzerath thâm nhập. Nàng nắm lấy hai tay tôi trước khi tôi kịp đánh nữa, thế là tôi bèn cắm ngập răng vào chính cái chỗ đáng nguyền rủa ấy và, vẫn bám thật chặt, gieo mình xuống đỉ-văng cùng với Maria. Tôi nghe thấy đài loan báo một thông cáo đặc biệt nữa, nhưng Oskar chẳng thiết nghe, do đó nó không thể nói cho quý vị biết ai đánh chìm cái gì và bao nhiêu chiếc, vì một cơn nức nở khiến hàm tôi buông lỏng ra và tôi nằm không động cựa trên Maria và nàng khóc vì đau trong khi Oskar khóc vì căm ghét, vì mối tình tuy không chết nhưng đã trở thành một nỗi đơn côi nặng như chì.

Chú thích:

[1] Tức Adolph Hitler.

[2] Daniel Louis Armstrong (1900-1971), nhạc sĩ Mỹ da đen, cây t'rompét cự phách, một trong những ông tổ nhạc jazz New Orleans.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx