sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Kế Tục Chúa Kirixitô

Nào, hãy nói chuyện trở về nhà! Vào lúc tám giờ bốn phút tối, đoàn tàu chở lính về phép vào ga Danzig. Felix và Kitty tiễn tôi đến tận Quảng trường Max-Halbe. Kitty òa khóc khỉ hai người nól lời chia tay. Rồi - lúc đó là gần chín giờ tối - họ về trụ sở Đội Tuyên Truyền ở Hochstriess trong khi Oskar ì ạch xách hành lý xuôi phố Labesweg.

Về nhà! Ngày nay, mọi gã thanh niên từng làm giả một tấm hối phiếu, xung vào đội Lê-dương và, khi về nhà sau vài năm, huênh hoang dăm ba câu chuyện, đều có thể được coi như một Ulysse [1] hiện đại. Có thể trên đường về, anh bạn trẻ của chúng ta lên nhầm tàu đi Oberhausen thay vì Frankfurt và dọc đường, trải qua vài cuộc phiêu lưu - tại sao không? - và về tới nhà là luôn miệng nhắc đến những cái tên thần thoại: Circe, Penelope, Telemaque [2].

Oskar không phải là một Ulysse, trước hết vì khi trở về nhà, gã thấy chẳng có gì thay đổi cả. Maria yêu dấu của gã không hề bị bủa vây bởi kẻ dâm đãng rắp ranh, ve vãn, có thể ví như một nàng Penelope nếu gã là Ulysse, nàng vẫn ở với Matzerath mà nàng đã quyết định chọn từ lâu trước khi Oskar ra đi. Và tôi hy vọng những vị có đầu óc cổ điển trong số các độc giả của tôi không vì thuật mộng du của nàng mà tưởng lầm Roswitha tội nghiệp của tôi là một Circe, người đẹp mê hồn biến đàn ông thành thú vật. Sau rốt, thằng con trai Kurt của tôi không hề giơ lên đến một ngón tay để chào người cha trở về, do vậy, nó đâu phải là Telemaque, cho dù nó không nhận ra tôi.

Nếu cần phải so sánh - và tôi hiểu rằng những kẻ đi xa trở về nhà phải chịu đôi điều so sánh - thì tôi những muốn được ví với Đứa Con Hư trong Kinh Thánh; bởi lẽ Matzerath đã mở cửa và hoan hỉ đón tôi như một người cha thật chứ không phải cha hờ. Thực vậy, ông tỏ ra sung sướng thấy Oskar trở về đến mức ứa những giọt nước mắt thật sự và lặng lẽ, đến nỗi từ hôm ấy trở đi, tôi không chỉ tự gọi mình là Oskar Bronski mà còn là Oskar Matzerath nữa.

Maria đón tôi bình thản hơn nhưng không phải là không thân ái. Nàng dang ngồi ở bàn, dán những tem thực phẩm cho Phòng Thương mại; trước đó nàng đã xếp mấy gói quà sinh nhật cho bé Kurt sang bàn hút thuốc, vốn là người có đầu óc thực tế, nàng nghĩ trước tiên đến sự thoải mái thể chất của tôi, cởi quần áo cho tôi và tắm cho tôi như ngày xưa, mặc cho tôi đỏ mặt vì ngượng ngùng, rồi đặt tôi ngồi vào bàn trong bộ đồ pyjama trước một đĩa trứng ốp-la và khoai tây rán mà Matzerath đã dọn sẵn cho tôi. Tôi uống sữa và trong khi tôi ăn uống, cuộc tra hỏi bắt đầu: "Anh đã ở những đâu. Bọn tôi - và cả cảnh sát nữa - đã tìm anh như điên khắp mọi nơi; thậm chí bọn tôi đã phải ra tòa thề rằng đã không thủ tiêu anh. Thôi được, giờ anh đã về đây, đội ơn Chúa. Nhưng anh đã gây cho chúng tôi bao nhiêu rắc rối và sắp tới sẽ còn tiếp tục phiền toái nữa; bởi vì chúng tôi sẽ phải báo cáo là anh đã trở về. Tôi chỉ hy vọng họ đừng bắt anh vào một trại cải huấn. Mà có thế cũng đáng kia, ai bảo trốn biệt chẳng nói một lời!"

Maria nói đúng. Quả là lắm thứ rầy rà. Một tay ở Bộ y Tế đến nói chuyện riêng với Matzerath, nhưng Matzerath quát to đến nỗi cả nhà nghe thấy: "Không thể thế được. Tôi đã thề với vợ tôi trên giường lâm chung của bà ấy. Tôi là cha nó chứ không phải là cảnh sát vệ sinh y tế.

Vậy là tôi không phải vào trại cải huấn. Nhưng cứ hai tuần họ lại tống xuống một công văn, yêu cầu Matzerath ký vào; Matzerath không chịu ký, nhưng trán ông hằn những nếp nhăn lo âu.

Oskar đã nói hơi sớm; giờ thì gã phải tạm xóa những nếp nhăn trên trán Matzerath đi đã, vì tối hôm tôi về, ông tươi như hoa; ông ít lo lắng hơn Maria nhiều, ít lục vấn hơn và thấy tôi về là sướng rồi. Tóm lại, ông ứng xử như một người cha thực sự. "Kurt gặp lại anh trai chắc thích lắm!" ông nói khi bọn họ đặt tôi vào giường trong căn hộ của Mamăng Truczinski (bà có vẻ hơi ngỡ ngàng). "Và đúng vào hôm trước sinh nhật lần thứ ba của nó!"

Trên bàn sinh nhật của nó, con trai Kurt của tôi thấy một cái bánh ga-tô với ba ngọn nến, một chiếc áo chui đầu đỏ thắm do Gretchen Scheffler đan, mà nó chẳng buồn để ý tới, cùng nhiều thứ khác. Có một quả bóng gớm ghiếc màu vàng cho nó cưỡi lên nhong nhong ếp ếp để rồi cuối cùng chọc thủng bằng một con dao gọt khoai tây. Nó ghé miệng vào vết thương, mút lấy cái chất nước lờ lợ tụ lại bên trong mọi trái bóng thổi bằng hơi; chán rồi, nó bắt đầu quay sang phá cái thuyền buồm đến tơi tả. Con quay cùng cây roi đánh quay không được nó đụng đến, nhưng nằm ngay trong tầm tay đến dễ sợ.

Từ lâu, Oskar đã nghĩ đến dịp sinh nhật này. Gã đã hối hả lao về phía Đông giữa một trong những cơn cuồng phong dữ dội nhất của lịch sử, quyết không lỡ dịp mừng đứa con trai thừa kế mình tròn ba tuổi. Giờ đây, gã đứng né một bên theo dõi những nỗ lực phá hoại của thằng bé, thán phục ý chí quyết tâm của nó, so sánh kích thước, tầm vóc của hai cha con. Tôi phải nhìn thẳng vào sự thật. Trong khi mày đi xa, tôi hơi lo lắng tự bảo, Kurt đã cao lên hơn một cái đầu. So với cái mức chín mươi tư xăngtimét mà mày đã giữ nguyên từ ngót nghét mười bảy năm nay, nó đã vượt hai hoặc ba xăngtimét; đã đến lúc phải luyện nó thành một tay trống và chặn đứng sự tăng trưởng vô độ này lại.

Tôi lên tầng áp mái, nơi tôi đã cất bộ trống và cuốn sách duy nhất của mình, chọn ra một cái trống mới toanh, bóng lộn. Vì những người lớn khác không ai nghĩ đến điều đó nên tôi quyết đem lại cho con trai tôi cùng một cơ hội như mẹ tội nghiệp của tôi đã đem lại cho tôi, đúng như mẹ đã hứa, vào dịp sinh nhật lần thứ ba của tôi.

Từ hồi tôi còn thơ ấu, Matzerath đã muốn tôi sau này sẽ kế nghiệp ông trông nom cửa hàng. Dự định ấy không thành, giờ đây tôi có lý do để nghĩ rằng ông đã chuyển kỳ vọng của mình sang Kurt. Tôi tự nhủ phải ngăn điều này bằng mọi giá. Nhưng tôi không muốn quý vị nhìn tôi như một kẻ thù không đội trời chung với ngành bán lẻ. Nếu như người ta định cho con trai tôi sở hữu một xí nghiệp hay thậm chí một vương quốc kèm theo những thuộc địa, tôi cũng sẽ ứng xử y hệt như thế. Oskar không muốn nhận những gì đã dùng rồi cho bản thân mình và cũng không muốn con trai mình nhận dồ "xê-cân hen". Điều Oskar muốn - và đây là chỗ yếu trong lôgích của tôi - là biến Kurt thành một thằng bé đánh trống mãi mãi ba tuổi, cứ như thể, đối với một thiếu niên có triển vọng, việc tiếp nhận một cái trống thiếc còn đỡ tởm lạm hơn là thừa kế một cửa hàng tạp hóa có sẵn vậy.

Đó là ý kiến bây giờ của Oskar. Nhưng hồi ấy, gã chỉ nung nấu một ước muốn: được thấy một trống sĩ con bên cạnh một trống sĩ cha, hai tay trống tí hon quan sát những hành vi của thế giới người lớn; thiết lập một triều đại trống sĩ có khả năng trường tồn và truyền từ đời này sang đời khác sự nghiệp của tôi trên trống thiếc sơn hai màu đỏ-trắng.

Cuộc đời trước mặt chúng tôi biết bao hứa hẹn! Đáng ra chúng tôi đã có thể hòa trống, cánh sát cánh, hoặc riêng rẽ ở hai phòng khác nhau, mà cũng có thể là nó ở Labesweg và tôi ở phố Luisen, nó dưới hầm rượu, tôi trên tầng áp mái, Kurt trong bếp, Oskar trong toa-lét, cha và con, kẻ đây người đó nhưng cũng đôi khi bên nhau; và khi gặp dịp, hai cha con có thể chui vào tạm trú dưới những tầng váy của Anna Koljaiczek, bà ngoại tôi và cụ ngoại nó, để đánh trống và hít cái mùi bơ hơi khăn khẳn. Ngồi xệp bên cửa váy bà, tôi sẽ nói với Kurt: "Hãy nhìn vào trong, con trai. Chúng ta từ đó mà ra. Và nếu con là một đứa bé ngoan, chúng ta có thể trở lại đó một vài giờ, thăm những người đang đợi chúng ta."

Và bé Kurt sẽ cúi xuống ghé mắt nhòm. Và rất lễ phép, nó sẽ đề nghị tôi, cha nó, giải thích.

Và Oskar sẽ thì thầm: "Người thiếu phụ yêu kiều ngồi ở giữa đang múa đôi bàn tay đẹp kia, người thiếu phụ yêu kiều mà gương mặt trái xoan dịu dàng làm ta - và có thể cả con nữa - ứa nước mắt, đó là mẹ tội nghiệp của ta, bà nội của con; bà chết bởi món xúp lươn vì tim bà quả mềm yếu."

"Kể nữa đi, cha, kể nữa đi," bé Kurt ắt sẽ gặng thêm. "Thế cái ông có ria là ai?"

Với một vẻ bí ẩn, tôi sẽ hạ thấp giọng hơn nữa: "Đó là Joseph Koljaiczek, cụ ngoại của con. Hãy nhìn kỹ đôi mắt loé chớp bốc lửa kia, nhìn kỹ sự dữ dằn thần thánh rất Ba Lan kia và cái chất Kashubes tinh quái thực dụng của vầng trán kia. Hãy quan sát những cái màng giữa các ngón chân cụ. Vào năm 1913, khi hạ thuỷ tàu Columbus, cụ đã trốn dưới gầm một bè gỗ. Sau đó cụ phải bơi một chặng đường dài; cụ bơi mãi, bơi mãi cho đến khi tới Mỹ và trở thành triệu phú. Nhưng thi thoảng, cụ lại xuống nước, bơi trở về và hụp lặn ở đây, nơi lần đầu tiên trong khi trốn chạy, cụ tìm thấy sự che chở và góp phần tạo ra mẹ ta."

"Nhưng còn cái ông đẹp trai nấp sau cái bà mà cha bảo là bà nội của con, cái ông giờ đang ngồi xuống cạnh bà nội và vuốt tay bà? Mắt ông ấy cũng xanh y hệt mắt cha, cha à!"

Bấy giờ tôi, đứa con ngoại hôn và phản trắc, sẽ phải lấy hết can đảm để trả lời con trai yêu quý của tôi: "Chính là những con mắt xanh mơ mộng của dòng họ Bronski đang nhìn con đó. Mắt con màu xám, giống mắt mẹ con. Tuy nhiên, cũng như ông Jan (người đang hôn tay mẹ tội nghiệp của ta kia) hay cụ Vincent thân sinh ra ông, con cũng là một thành viên của dòng Bronski, một kẻ mơ mộng tuyệt đối nhưng với một khía cạnh thực tế rất Kashubes. Một ngày kia chúng ta sẽ trở lại đó, một ngày kia ta sẽ ngược về nguồn, nơi phả ra cái mùi bơ khăn khẳn ấy. Đó là điều mong đợi."

Hồi ấy, tôi cảm thấy cuộc sống gia đình đích thực chỉ có thể có được trong "nội vi" hay theo cách tôi gọi đùa, trong cái hũ bơ của bà ngoại tôi. Bây giờ, nhiều cái đã thay đổi. Với một cái búng tay, tôi có thể sánh ngang, nếu không muốn nói là vượt, Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và, quan trọng hơn nữa, Đức Chúa Thánh Thần. Kế tục Chúa Kirixitô đã trở thành một công việc mà tôi thực thi một cách ngán ngẩm y như khi làm các công việc khác. Và mặc dầu ngày nay, lốì vào bà tôi đã xa tít mù tắp, những cảnh gia đình đẹp đẽ nhất mà tôi mường tượng ra vẫn là ở giữa các bậc ông bà cha mẹ.

Những hoang tưởng ấy đến với tôi đa phần vào những ngày mưa: bà ngoại tôi gửi giấy mời và tất cả chúng tôi gặp nhau bên trong bà. Jan Bronski đến với những bông hoa, phần lớn là cẩm chướng, cắm ở những lỗ đạn xuyên thủng bộ ngực người-bảo-vệ-sở-bưu-chính-ba-lan của ông. Maria rụt rè tiến lại gần mẹ tôi (theo yêu cầu của tôi, nàng cũng nhận được một giấy mời); cầu cạnh xu nịnh, nàng đưa trình mẹ những sổ sách kế toán do mẹ lập nên một cách hoàn hảo không chê vào đâu được và được Maria kế tục một cách hoàn hảo không chê vào đâu được, và mẹ phá lên cười, cái cười điển hình Kashubes, kéo cục cưng của tôi lại hôn lên má và nháy mắt, nói: "Có gì mà phải xấu hổ, bé em. Chẳng phải cả hai chúng ta đã cưới một tay Matzerarh và nuôi ẵm một thằng Bronski đó sao?"

Tôi phải kiên quyết tự cấm mình tiếp tục liên tưởng theo hướng đó, chẳng hạn như suy biện về một đứa con trai do Jan gieo giống, được mẹ tôi đặt vào trong bụng bà ngoại Koljaiczek và cuối cùng ra đời trong hũ bơ. Những ý tưởng như vậy tất yếu sẽ dẫn đi quá xa. Rất có thể thằng em trai cùng cha khác mẹ Stephan Bronski của tôi - nói cho cùng, nó cũng là người trong gia đình - chợt nảy ra ý nghĩ liếc nhìn Maria một cái, rồi sau đó toan tính những gi khác có trời biết. Do vậy, trí tưởng tượng của tôi dừng lại ở một cuộc xum họp gia đình vô hại. Khước từ một tay trống thứ ba, thứ tư, tôi đành tự bằng lòng với Oskar và bé Kurt mà thôi. Mua vui cho những người có mặt, trống tôi kể đôi điều về cái Tháp Eiffel, mà tôi xem như thay thế bà tôi ở nơi đất khách quê người. Tôi vui mừng thấy các khách mời và cả nữ chủ nhân Anna Koljaiczek đều khoái bài trống và vỗ vào đùi nhau bồm bộp theo nhịp.

Cho dù có là điều kỳ thú khi được: thấy thế giới cùng những mối quan hệ của nó triển khai bên trong bà ngoại của chính mình, đạt tới chiều sâu trong một phạm vi hạn hẹp, Oskar vẫn phải quay về - vì cũng như Matzerath, gã chỉ là một ông bố giả định thôi - với những sự kiện ngày 12 tháng sáu năm 1944, với buổi mừng sinh nhật lần thứ ba của Kurt.

Tôi nhắc lại: người ta đã cho thằng bé một chiếc áo chui đầu, một quả bóng, một cái thuyền buồm, một con quay sáo cùng cây roi đánh quay và nó lại sắp được một cái trống sơn hai màu đỏ-trắng nữa. Khi nó hoàn thành việc tháo tung chiếc thuyền buồm, Oskar bèn tiến đến, chiếc trống mới làm quà tặng giấu sau lưng, còn chiếc cũ đã tã thì lủng lắng trước ngực. Chúng tôi đứng mặt đối mặt, chỉ cách nhau một bước ngắn. Oskar, người chim chích, Kurt cũng chim chích tuy có cao hơn hai xăngtimét. Vẻ mặt nó dữ dội và tập trung vì nó vẫn đang bận phá nốt chiếc thuyền buồm. Đúng lúc tôi giơ cái trống lên, nó bẻ gẫy cột buồm cuối cùng của con thuyền Pamir, vì đó là tên của món đồ chơi gió này.

Kurt buông rơi cái xác thuyền, vớ lấy cái trống và lật ngửa lên. Dường như nó đã dịu đi một chút, nhưng vẻ mặt nó vẫn căng thẳng. Đã đến lúc đưa dùi trống cho nó. Thật không may, nó hiểu sai ý nghĩa động tác kép của tôi, cảm thấy bị đe dọa và đẩy cái trống ra khiến cạnh của nó làm văng đôi dùi trống khỏi tay tôi. Trong khi tôi cúi xuống nhặt, nó với tay ra sau lưng. Tôi lại thử đưa cặp dùi trống cho nó một lần nữa, thế là nó lùi lại với cái tặng phẩm sinh nhật và đánh tôi. Nó không quất con quay mà quất Oskar, không quất con quay sáo vốn được làm ra để bị quất, mà quất cha nó. Quyết tâm dậy cha nó quay, Kurt quất tôi, bụng nghĩ: hãy đợi đấy, anh trai. Như vậy Gain quất Abel [3] cho đến khi Abel bắt đầu quay cuồng, thoạt đầu lảo đảo, rồi nhanh hơn và chính xác hơn, cho đến khi gã bắt đầu hát, thoạt đầu ầm ừ nho nhỏ, rồi cao dần lên và rền hơn, cuối cùng thành tiếng huýt gió của con quay sáo. Và với cây roi của nó, Gain khiến tôi hát mỗi lúc một cao, như một ca sĩ tê-no hát bài nguyện buổi sáng, như những thiên thần bạc, như dàn đồng ca thành Vienna, như một hợp xướng hoạn quan - tôi hát như Abel hắn đã hát trước khi gục xuống; và tôi cũng gục xuống dưới ngọn roi của Kurt con trai tôi.

Khi nó thấy tôi nằm lăn ra đấy, rên rỉ như một con quay hết đà, nó bèn quất vào không khí như thể chưa hả cơn giận. Rồi nó xem xét thật kỹ cái trống trong khi vẫn giám sát tôi bằng con mắt hoài nghi. Đầu tiên, nó đem cọ vào cạnh gờ một chiếc ghế cho bong sơn ra; rồi nó ném món quà tặng của tôi xuống sàn nhà, vớ lấy cái thân to gộc của cái vừa mới đây còn là thuyền buồm và bắt đầu nện trống. Nhưng những thanh âm nó tạo ra đâu phải là tiếng trống, thậm chí không thể nhận ra một tiết tấu nào, dù là thô sơ nhất. Với một vẻ tập trung cuồng khấu, nó phũ phàng bổ xuống cái trống vốn không chờ đợi một nhạc công như thế, vốn được tạo ra để tấu thật rền, thật bay bướm chứ không phải dành cho mưa dập gió vùi. Cái trống oằn xuống, cố vùng ra khỏi đai để thoát thân, cố cải dạng bằng cách rũ bỏ lớp sơn đỏ-trắng để trơ chất thiếc xám xịt, cầu xin tha mạng. Nhưng thằng con trai không hề mủi lòng đối với món quà tặng sinh nhật của cha. Và khi người cha ráng cầu hòa, cắn răng nuốt những cơn đau buốt lê qua tấm thảm đến chỗ thằng con, nó lại vung roi lên một lần nữa. Con quay mệt đừ đành xin hàng, thôi không quay, không rên, không huýt gió nữa và cái trống từ bỏ mọi hy vọng được trao vào tay một nhạc công nhạy cảm với ngón dùi tuyệt kỹ, mãnh liệt mà không thô bạo.

Khi Maria bước vào, cái trống đã có thể đem ra vứt ngoài đống rác được rồi. Nàng bế tôi lên, hôn vào đôi mắt sưng vù và vành tai rách tướp, liếm máu và những vết roi lằn trên tay tôi.

Ôi, giá như Maria đừng hôn đứa trẻ bị ngược đãi, chậm phát triển, bất bình thường một cách thảm hại, mà là nhận ra người cha bị xúc phạm, nhận ra người tình qua từng vết thương! Nếu vậy, thì trong những tháng đen tối sau đó, tôi đã có thể là một niềm an ủi lớn biết bao, một người chồng giấu mặt nhưng trung hậu biết bao đối với nàng!

Đầu tiên là cái chết của người anh em cùng cha khác mẹ của tôi, mặc dù tổn thất này không trực tiếp đụng chạm đến Maria. Stephan Bronski hay, nếu quý vị muốn, Ehlers, vì cậu ta đã lấy họ của ông bố dượng, ngã xuống trên trận tuyến Bắc cực sau khi vừa được thăng chức thiếu uý; cái chết đánh dấu chấm hết cho binh nghiệp của cậu. Khác với Jan, cha cậu, khi bị hành quyết ở nghĩa trang Saspe vì tội tham gia bảo vệ sở Bưu Chính Ba Lan còn giấu trong ống tay áo một quân bài, chàng thiếu uý được chôn với huân chương Thập Tự sắt hạng nhì, huy hiệu Bộ binh và cái gọi là huy chương Đông Lạnh.

Cuối tháng 6, Mamăng Truczinski bị một cơn đột quỵ nhẹ khi người bưu tá mang đến cho bà tin dữ: Trung sĩ Fritz Truczinski đã hy sinh cùng một lúc cho ba điều lớn: đức Führer, Nhân Dân và Tổ Quốc. Chuyện này xảy ra ở Quân khu Trung tâm và tư trang của Fritz - cái ví đựng những tấm ảnh các cô gái xinh đẹp, phần lớn đều tươi cười, chụp ở Heidelberg, Brest, Paris, Kreuznach va Saloniki, huân chương Thập Tự sắt hạng nhất và hạng nhì, nhiều huy chương cho những vết thương khác nhau, tấm giáp đồng cận chiến, hai cầu vai binh chủng chống tăng, một số thư riêng - được một viên đại uý Kanauer nào đó gửi trực tiếp từ Tổng hành dinh Quân khu Trung tâm về Labesweg, Langfuhr.

Matzerath giúp đỡ hết mình và chang bao lâu Mamăng Truczinski đã đỡ tuy không bao giờ bình phục lại hoàn toàn, cả ngày bà ngồi trên chiếc ghế bên cửa sổ, chốc chốc lại hỏi tôi hay Matzerath (mỗi ngày hai, ba bận, ông mang đồ ăn thức uống lên) cái "Quân khu Trung tâm" ấy ở đâu, có xa không và liệu có thể đi tàu hoả đến vào một ngày chủ nhật nào đó không.

Với tất cả thiện ý trên đời, Matzerath vẫn không soi sáng được gì cho bà. Tuy nhiên, Oskar đã học được chút kiến thức địa lý qua các phim thời sự và những thông cáo của Wehrmacht. Tôi bỏ ra mấy buổi chiều đằng đẵng cố gắng dùng ngôn ngữ trống thuật lại cho Mamăng Truczinski ngồi im như tượng trên chiếc ghế, trừ cái đầu hơi lắc lư, nghe tất cả những gì tôi biết về Quân khu Trung tâm và những di chuyển ngày càng cấp tập của nó.

Maria rất yêu quý người anh trai tuấn tú của mình. Nàng trở nên sùng đạo. Suốt tháng 7, nàng hành đạo theo cái tôn giáo nàng đã được dậy từ bé; chủ nhật nào nàng cũng đến nghe mục sư Hecht giảng ở Nhà thờ Chúa Kirixitô; một đôi khi Matzerath đi cùng nàng tuy rằng nàng ưng đi một mình hơn.

Những buổi hành lễ Tin Lành không thoả mãn Maria. Một hôm - thứ năm hay thứ sáu gì đó - Maria giao cửa hàng cho Matzerath trông, dắt tay tôi, tín đồ Chính giáo, ra khỏi nhà. Xuất phát về phía Chợ Mới, chúng tôi rẽ vào Elsenstrasse, rồi theo đường Đức Bà, đi qua cửa hàng thịt của Wohlgemuth, tới tận Công viên Kleinhammer - đây rồi, Oskar nghĩ thầm, chúng ta ra ga Langfuhr lên tàu làm một chuyên du lịch nho nhỏ, có thể là đến Bissau ở Kashubes chăng. Nhưng rồi chúng tôi rẽ trái, dừng lại gần cầu chui theo thói quen mê tín chờ cho một đoàn tàu chợ đi qua rồi đi tiếp vào một đường hầm ri rỉ nước. Đến đầu hầm đằng kia, thay vì đi thẳng về phía Cung Điện ảnh, chúng tôi quẹo trái dọc theo chân đường tàu. Hoặc là nàng kéo tôi đến phòng khám của bác sĩ Hollatz, tôi đoán, hoặc là nàng định đến Nhà thờ Thánh Tâm để cải giảo.

Cửa nhà thờ trông ra đường xe lửa. Chúng tôi dừng một lát giữa rệ đường tàu và khung cửa mở. Một buổi chiều cuối tháng tám đầy tiếng côn trùng bay vo ve. Đằng sau chúng tôi, mấy người phụ nữ Ukraina chít khăn trắng đang cuốc và xúc đá ba-lát. Chúng tôi đứng đó, dòm vào cái bụng râm mát của nhà thờ. Tận trong cùng, như một lời mời chào khéo léo, lấp lánh một con mắt rực lửa: ngọn đèn vĩnh hằng. Đằng sau chúng tôi, trên rệ đường tàu, mấy người phụ nữ Ukraina thôi cuốc và xúc. Một tiếng còi rúc, một đoàn tàu đang đến, nó đây rồi, vẫn đây, chưa qua, qua rồi, còi rúc, và những người phụ nữ lại làm việc. Maria tần ngần, như không biết đưa chân nào lên trước, và dồn tất cả trách nhiệm lên tôi vì từ lúc ra đời và được rửa tội, tôi vốn gần gũi hơn với Nhà thờ Cứu rỗi; lần đầu tiên sau nhiều năm, lần đầu tiên kể từ hai cái tuần lễ bột sủi và tình yêu ấy, nàng tự ký thác cho sự dẫn dắt của Oskar.

Chúng tôi để lại đường tàu và những âm thanh của nó, tháng tám và những tiềng rì rào của nó ỏ bên ngoài. Tư lự, tôi uể oải dạo những ngón tay trên trống dưới lần áo khoác, trong khi bề ngoài phô một vẻ mặt dửng dưng. Tôi nhớ lại những lễ mi-xa, những buổi lễ trọng do đức Giám mục chủ tế, những buổi kinh chiều và những buổi xưng tội ngày thứ bảy bên cạnh mẹ tôi - ít lâu trước khi chết, cuộc dan díu cuồng nhiệt với Jan làm cho mẹ trở nên ngoan đạo, và đều đặn các ngày thứ bảy, mẹ trút gánh nặng bằng xưng tội, chủ nhật lại củng cố thêm bằng phép bí tích để rồi, vơi tội và được củng cố như vậy, thứ năm sau lại gặp Jan ỏ phố Thợ Mộc. Vị linh mục hồi đó là ai nhĩ? Phải, Cha Wiehnke hiện vẫn là linh mục của Nhà thờ Thánh Tâm, những bài thuyết giảng của Cha nhỏ nhẹ êm ái mặc dầu chẳng ai hiểu gì cả, Cha tụng kinh Credo bằng một giọng mảnh và não nùng đến nỗi ngay cả tôi hồi ấy cũng suýt cảm thấy bị xâm chiếm bởi một cái gì từa tựa như niềm tin nếu không có cái ban thờ bên trái với Đức Mẹ Đồng Trinh, Chúa hài đồng Jêxu và thánh lean Bastiste hồi nhỏ.

Tuy nhiên chính cái ban thờ ấy đã thúc tôi kéo Maria khỏi ánh mặt trời để đi qua cửa, bước trên sàn lát đá vào gian giữa giáo đường.

Oskar cứ thủng thỉnh, lặng lẽ ngồi bên Maria trên chiếc ghế dài gỗ sồi, cảm thấy mỗi lúc một thoải mái hơn. Nhiều năm đã trôi qua, vậy mà tôi có cảm giác như vẫn những người ấy đang lần giở cuốn sách lễ, sắp sẵn những điều sẽ rót vào tai Gha Wiehnke. Chúng tôi ngồi hơi chếch sang bên lối đi giữa. Tôi muốn để Maria lựa chọn nhưng tạo điều kiện cho sự lựa chọn của nàng dễ dàng hơn. Một mặt, phòng xưng tội không ở gần nàng đến mức khiến nàng rối trí, như vậy nàng có thể lặng lẽ cải giáo một cách không chính thức; mặt khác, nàng có thể thấy những người khác ứng xử ra sao trong khi chuẩn bị xưng tội và, trong khi quan sát như vậy, đi đến quyết định. Nàng chỉ đi một quãng là có thể gặp Cha Wiehnke trong phòng xưng tội và thỉnh Cha về những chi tiết cho phép nàng chuyển sang Chính giáo duy nhất cứu rỗi. Tôi ái ngại cho nàng; nom nàng thật bé nhỏ, vụng về khi nàng quỳ giữa khói hương, bụi, xtuých-cô, những thiên thần uốn éo, ánh sáng khúc xạ, các vị thánh co giật, khi nàng quỳ dưới và giữa sự ngọt ngào đau khổ -của Thiên Chúa giáo và lần đầu tiên làm dấu thánh giá lộn. Oskar bấm Maria, bày cho nàng làm dấu thánh giá lại cho đúng cách. Nàng sốt sắng học. Oskar chỉ cho nàng Cha và Con và Thánh Thần ngự ở đâu - trên trán, đáy tim, hai khớp vai -, phải chắp tay thế nào để nói amen. Maria làm theo, chắp hai tay lại như khi nói amen và bắt đầu cầu nguyện.

Thoạt đầu, Oskar cũng thử cầu nguyện cho một số người chết, nhưng trong khi cầu xin Thượng Đế cho Roswitha được an tĩnh và hưởng những niềm vui thiên giới, gã lại lạc vào những chi tiết trần tục đến nỗi rút cục, an tĩnh và những niềm vui thiên giới đậu xuống một khách sạn ở Paris. Vậy nên tôi bèn náu vào Phần Mở Đầu vì đoạn này tương đối trôi chảy; đời đời chẳng cùng, tôi cầu, sursum corda, dignum et justum - xứng phẩm cách và công bằng. Rồi tôi bỏ lửng và ngó sang bên quan sát Maria.

Sự cầu nguyện Thiên Chúa giáo thật hợp với nàng. Lòng mộ đạo làm cho nàng xinh, đẹp như một bức tranh. Lời cầu nguyện khiến hàng mi nàng như dài thêm, cặp lông mày nhướn cao lên, đôi má hây hây, vầng trán trang nghiêm, cổ mềm mại hơn và đôi cánh mũi phập phồng. Nét mặt Maria, bừng nở trong đau buồn, suýt khiến tôi bày tỏ tình cảm. Nhưng không nên quấy rầy người đang cầu nguyện, không nên quyến rũ họ hoặc để họ quyến rũ mình, ngay cả nếu người đang cầu nguyện có hài lòng khi biết ai đó đang ngắm mình.

Oskar tụt xuống khỏi cái ghế dài nhẵn bóng và chuồn khỏi Maria. Dưới lần áo ngoài, hai tay tôi vẫn ngoan ngoãn chắp trên cải trống trong khi chúng tôi - tôi và trống - bước trên sàn đá lát, qua các chặng dừng trên hành trình của Thánh Giá ở lối đi bên trái của gian giữa; chúng tôi không dừng lại với ông Thánh Antoine - cầu cho chúng tôi - vì chúng tôi không đánh mất túi tiền cũng chẳng đánh rơi chỉa khóa nhà, cũng không dừng lại với Thánh Adalbert thành Praha bị bọn Phổ vô đạo giết hại. Chúng tôi cứ đi tiếp, nhảy chân sáo từ phiến đá này sang phiến đá kia như trên những ô bàn cờ, và chỉ dừng lại khi tới những bậc rải thảm dẫn đến ban thờ bên trái.

Quý vị có tin hay không thì tuỳ, nhưng quả là chẳng có gì thay đổi trong cái Nhà thờ Thánh Tâm xây bằng gạch theo kiểu Tân-Gôtích này, nhất là ở ban thờ bên trái. Chúa Jêxu hài đồng hồng hào và trần truồng vẫn ngồi trên cặp đùi hồng hào của Đức Mẹ Đồng Trinh - tôi không gọi người là Đức Mẹ Maria Đồng Trinh vì sợ lẫn với Maria của tôi lúc này đang bận cải giáo. Chú bé Jean Baptiste, quấn độc một tấm da sống màu sô-cô-la, vẫn nép bên đầu gối phải của Đức Mẹ Đồng Trinh. Bản thân Đức Mẹ vẫn chỉ ngón trỏ của bàn tay phải vào Jêxu, nhưng mắt lại nhìn Jean.

Tuy nhiên, sau nhiều năm vắng mặt, Oskar lại không mấy quan tâm đến niềm tự hào hiền mẫu của Đức Mẹ Đồng Trinh, mà chú trọng hơn đến thể chất của hai chú bé. Jêxu vào tầm Kurt con trai tôi hôm sinh nhật lần thứ ba của nó, nói cách khác, cao hơn Oskar khoảng hai xăngtimét. Jean - lớn tuổi hơn Jêxu, theo tài liệu để lại - thì vào tầm tôi. Nhưng cả hai đều có cái vẻ già trước tuổi như tôi, kẻ vĩnh viễn lên ba. Chẳng có gì thay đổi. Vẫn cái vẻ xảo trá trên khuôn mặt như nhiều năm trước, vào hồi tôi thường xuyên đến Nhà thờ Thánh Tâm cùng mẹ tội nghiệp của tôi.

Leo lên những bậc rải thảm mà không đọc bài Nhập lễ, tôi xem xét từng nếp vải, chậm rãi và thận trọng khảo sát lớp thạch cao bên ngoài hai chú bé theo chủ nghĩa khỏa thân bằng cái dùi trống, nó nhạy cảm hơn tất cả những ngón tay của tôi cộng lại, không bỏ sót tí gì. Tôi cứ soát mọi chỗ, đùi, bụng, cánh tay, đếm từng nếp thịt, từng lúm đồng tiền. Jêxu đúng là hình ảnh của Oskar, da thịt lành mạnh của tôi, đôi đầu gối khoẻ khoắn hơi bụ bẫm của tôi, đôi cánh tay ngắn nhưng cuồn cuộn cơ bắp của người đánh trống là tôi và tư thế của cu cậu cũng là tư thế của người đánh trống. Cu cậu ngồi trên đùi Đức Mẹ Đồng Trinh, cánh tay và nắm tay giơ lên như thể định đánh trống, như thể Jêxu, chứ không phải Oskar, là trống sĩ, như thể cu cậu chỉ chờ cái trống của tôi, như thể lần này, cu cậu có ý định nghiêm chỉnh muốn đãi Đức Mẹ Đồng Trinh, Jean và chính tôi một tiết tấu mê ly trên trống. Tôi lại làm cái điều tôi đã làm nhiều năm trước đây. Tôi nhấc, cái trống ra khỏi bụng mình để cho Jêxu đánh thử. Thận trọng, không làm xước lớp thạch cao sơn, tôi đặt cái trống sơn đỏ-trắng của Oskar lên cặp đùi hồng của cu cậu. Nhưng lần này đơn thuần là trò tinh nghịch, tôi đã mất niềm tin ngu xuẩn vào những phép màu, tôi chỉ muốn cho cu cậu biết tay thôi. Bởi vì tuy cu cậu ngồi giơ hai nắm tay lên, tuy cu cậu có kích thước và tầm vóc rắn rỏi như tôi, tuy cu cậu là bản sao bằng thạch cao của đứa trẻ lên ba mà tôi vẫn giữ được mình nguyên vẹn là thế bằng giá của biết bao cố gắng, biết bao mất mát thiếu thốn, nhưng cu cậu lại không đánh trống được, cu cậu chỉ làm ra vẻ biết đánh trống mà thôi. Nếu tớ có một cái trống, tớ sẽ đánh được, có vẻ như cậu ta đang nghĩ thế; ha-ha, tôi nói, thì bây giờ cậu có rồi đấy, để xem cậu làm gì nào? Cười ngặt nghẽo, tôi ấn cả hai dùi trống vào những ngón tay của cu cậu, mười ngón như mười thoi xúc xích nhỏ - hỡi Jêxu thạch cao yêu mến, nào, đánh trống đi! Oskar bước giật lùi, xuống ba bậc, rời tấm thảm sang sàn đá lát, nào, đánh trống đi chú bé Jêxu. Oskar lại lùi một bước dài để mở rộng tầm nhìn. Oskar bắt đầu cười đau cả bụng vì tất cả những gì Jêxu có thể làm là ngồi đó, không biết đánh trống mặc dầu có lẽ cu cậu cũng muốn. Sự ngán ngẩm đã bắt đầu gặm nhấm tôi như con chuột nhắt gặm miếng thịt sấy thì kia - xin thề độc - cậu ta bắt đầu dóng trống.

Trong khi quanh chúng tôi không có gì động đậy, thì cậu ta khởi đầu bằng dùi phải, rồi một, hai nhát bằng dùi trái, rồi cả hai cùng một lúc. Thế rồi cậu bắt chéo dùi, phải nói là hồi trồng rền không đến nỗi tồi. Cậu đánh rất nghiêm túc và cách chơi khá đa dạng. Cậu trổ mấy ngón rất phức tạp, và khi chuyển sang tiết tấu đơn giản cũng rất thành công. Không có gì giả tạo trong lối chơi, cậu tránh mọi thủ thuật và chỉ chú trọng vào tiếng trống của mình. Phong cách của cậu thậm chí không nhuốm màu tôn giáo, cũng không hề vướng chất nhà binh tầm thường. Cậu là một nhạc công thuần tuý, không chút đua đòi. Cậu thuộc tất cả các bài thời thượng. Cậu chơi bài Es geht alles vorüber (Mọi sự đều qua đi) mà hồi đó, ai cũng hát, và dĩ nhiên cả Lili Marlene nữa. Từ từ, có phần hơi cà giựt, cậu quay cái đầu tóc xoăn với đôi mắt xanh nhà Bronski về phía tôi, tủm tỉm cười hơi ngạo mạn (tôi có cảm giác thế) và trộn những bài ưa thích của Oskar thành một thứ nộm: bắt đầu là Tan tành ô kính cửa sổ, rồi lướt qua Thời gian biểu một tí; cũng như tôi, cu cậu đem Rasputin đối chọi với Goethe, cùng tôi leo lên Tháp Công Lý, trườn dưới khán đài, bắt lươn ở đê chắn sóng, cùng tôl đi sau cỗ quan tài thuôn thuôn đẳng chân của mẹ tôi và, điều làm tôi sửng sốt nhất, liên tục tìm đến náu dưới bốn tầng váy của Anna Koljaiczek bà ngoại tôi.

Oskar bước lại gần hơn. Một cái gì hút gã về phía trước. Gã muốn đứng trên thảm chứ không muốn ở trên sàn đá lát nữa. Bậc này tiếp bậc kia, tôi leo lên, mặc dầu trong bụng muốn cậu ta bước xuống. "Jêxu," tôi nói, huy động hết chút giọng tàn còn lại, "đó không phải giao ước của chúng ta. Trả lại trống cho tớ ngay đi. Cậu đã có cây thánh giá, thế là đủ rồi. » Cậu ta từ từ kết thúc tấu khúc không chút đột ngột và bắt chéo cặp dùi đặt lên trống một cách cẩn trọng quá đáng và không một lời cãi lại, trao trả cái mà Oskar đã nhẹ dạ cho cậu mượn.

Tôi đã sắp lao xuống các bậc không một lời cảm ơn và chạy trốn khỏi Thiên Chúa giáo với toàn bộ tốc lực có thể của đối chân, thì một giọng tuy hách dịch nhưng êm ái chạm vào vai tôi: "Ngươi có yêu ta không, Oskar?" Không ngoái lại, tôi đáp: "Tôi không biết." Cậu nhắc lại, không cất cao giọng: "Ngươi có yêu ta không, Oskar?" Lần này, giọng tôi sẵng hơn: "Xin lỗi, mình e rằng không." Lần thứ ba, cái giọng khó chịu của cậu phóng vào tôi: "Oskar, ngươi có yêu ta không?" Tôi quay phắt lại, nhìn thắng vào mặt cậu: " Đồ con hoang, tao ghét mày, mày và trò bịp của mày!"

Lạ thay, sự hằn học của tôi không làm cậu chưng hửng, mà lại khiến cậu đắc thắng. Giơ ngón tay trỏ lên như một cô giáo tiểu học, cậu giao nhiệm vụ cho tôi: "Ngươi là Oskar, tảng đá, và trên tảng đá ấy, ta sẽ xây Nhà thờ của ta. Hãy theo ta."

Quý vị có thể tưởng tượng được nỗi bất bình của tôi. Tôi phát khùng đến nổi cả da gà. Tôi bẻ một ngón chân thạch cao của cậu, nhưng cậu không hề nhúc nhích. "Nhắc lại coi," Oskar rít lên, "tao sẽ cạo tuột sơn khỏi người mày."

Sau đó, không một lời nào nữa. Chỉ có ông già mọi khi, ông già muôn thủa lệt xệt đôi dép lê khắp các nhà thờ trên thế giới, ông liếc mắt về phía ban thờ bên trái nhưng không trông thấy tôi, và lại lệt xệt đi tiếp. Ông đã đến chỗ thánh Adalbert thành Praha khi tôi lật đật xuống các bậc, rảo bước từ thảm sang sàn đả lát và, không ngoái lại, vượt qua nhưng ô bàn cờ tới chỗ Maria đúng lúc ấy đang làm dấu thánh giá đúng theo cách tôi đã chỉ dẫn.

Tôi nắm tay nàng dẫn đến bồn nước thánh; đến đúng trước cửa ra vào, tôi bảo nàng làm dấu thánh giá một lần nữa hướng về phía ban thờ chính, nhưng tôi không làm theo và khi nàng định quỳ gối, tôi kéo tuột nàng ra ngoài ánh mặt trời.

Trời đã ngả chiều. Đám phụ nữ Ukraina đã rời khỏi đường tàu. Nơi họ làm việc ban nãy, một chuyến tàu hàng đang rẽ sang đường ray khác, ngay gần ga Langfuhr. Lơ lửng trên không từng đàn muỗi. Từ trên cao, vắng xuống những hồi chuông, hoà lẫn với những tiếng động trên đường sắt. Muỗi vẫn túm tụm từng đám. Mặt Maria đầm đìa nước mắt. Oskar những muốn gào lên. Tôi phải làm gì để đối phó với Jêxu đây? Tôi cảm thấy muốn nạp năng lượng cho giọng mình. Tôi phải làm gì với cây thánh giá của cậu ta? Nhưng tôi thừa biết giọng tôi hoàn toàn bất lực đối với những cửa sổ nhà thờ của cậu ta. Cậu ta cứ việc xây giáo đường của mình trên những người tên là Pierre. "Cẩn thận đấy, Oskar, đừng động đến những cửa sổ nhà thờ," Xa-tăng thì thầm bên trong tôi. "Kẻo tay ấy sẽ làm tiêu giọng của cậu đó." Tôi phóng một tia nhìn lẻ loi lên thử đo kích thước của một trong những cửa sổ kiểu Tân Gô-tích kia rồi kiên quyết dứt mắt ra khỏi đó. Tôi không cất giọng, tôi không đi theo Jêxu, mà chỉ lon ton bên Maria đến cầu chui ỏ Bahnhofstrasse. Qua đường hầm ri rỉ nước, đi ngược lên đến Công viên Kleinhammer, rẽ phải vào phố Đức Bà, qua cửa hiệu bơ của Wohlgemuth, rẽ trái vào phố Elsenstrasse, băng qua Striessbach đến Chợ Mới, nơi người ta đang xây một bể nước phòng không. Phố Labesweg dài dằng dặc nhưng rồi chúng tôi cũng đến nhà. Tách khỏi Maria, Oskar leo chín mươi bậc thang lên tầng áp mái. Người ta phơi nệm trải giường và đằng sau đó, là một đống cát phòng không. Đằng sau đống cát cùng những xô nước, đằng sau những xấp báo và những chồng ngói, là nơi cất giấu cuốn sách và lô trống của 'tôi. Ngoài ra, còn có mấy cái bóng điện đã cháy nhưng vẫn giữ nguyên hình trái lê, cất trong một hộp đựng giầy.

Oskar chọn ra một cái và cất giọng diệt tan nó. Gã lấy một cái nữa, biến nó thành thuỷ tinh vụn, còn cái thứ ba thì cắt gọn làm đôi. Trên cái thứ tư, giọng gã khắc chữ JESUS bằng mẫu tự Sütterlin, rồi đập nát cả bóng lẫn chữ khắc. Gã muốn tiếp tục nhưng không còn bóng nào nữa. Kiệt lực, tôi gieo mình xuống đống cát phòng không. Oskar vẫn còn giọng! Có thể Jêxu vẫn còn người kế tục. Còn tôi, những thánh tông đồ đầu tiên của tôi là băng Quét Bụi.

Chú thích:

[1] Anh hùng truyền thuyết Hy Lạp, nhân vật chính trong tường ca Odyssé của Homère, đã trải nhiều gian truân, nhiều cành ngộ phi thường trong một chuyến đi dài.

[2] Những nhân vật trong trường ca Odyssé cúa Homère - Circe: nữ phù thủy từng biến Ulysse thành lợn; Penelope: người vợ chung thủy cúa Ulysse; Tclemaque: con irai Ulysse.

[3] Abel là con thứ hai của Adam và Eva, bị anh trai là Cain giết vì ghen tị (Kinh Thánh, Sáng Thế Kỷ, ch.4)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx