sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Fortuna Bắc

Hồi đó, chỉ những người có chút gì đáng giá để lại sau khi từ giã cõi đời này, mới có khả năng sắm cho mìn một tấm bia mộ. Không cần phải là một viên kim cương hay một dây chuyền ngọc trai. Với năm bì khoai tây, anh có thể có một tấm bia xấu xí nhưng khá to bằng đá vôi Grenzheim. Một tang đài gra-nít trên ba đế cho một mộ đôi đã mang lại đủ tiền cho chúng tôi mua vải may hai bộ com-lê có cả gi-lê. Vợ goá của ông thợ may bán vải cho chúng tôi, vẫn thuê một thợ phụ; bà ta đồng ý may cho chúng tôi hai bộ com-le với giá công là một bờ viền bằng đá đô-lô-mít quanh mộ.

Một tối, sau khi làm việc, Korneff và tôi đáp chuyến xe điện số 10 đến Stockum, vào tiệm của bà goá Lennert để lấy các số đo. Oskar hồi đó mặc một bộ đồng phục bộ binh thiết giáp do Maria sửa lại, nom đến lố bịch. Khuy áo đã phải dịch đi nhưng vẫn không cài được do hình dạng đặc biệt của tôi.

Bộ com-lê mà tay thợ phụ Anton may cho tôi, màu xanh thẫm có xọc nhỏ và lần lót màu xám nhạt; áo vét cài thẳng, độn vai nghiêm chỉnh không giả tạo, không cốt che giấu cái bướu mà tôn nó lên nhưng không quá đáng; quần gấu vắt nhưng không quá cao. Mẫu mực của tôi về y phục vẫn là Sư phụ Bebra, do đó không may đỉa để luồn thắt lưng, mà đính khuy cho đai đeo; gi-lê đóng đằng sau, mờ đằng trước, lót màu hồng già. Tất thảy mất năm lần thử.

Trong thời gian Anton còn đang may bộ com-lê cài chéo của Korneff và bộ cài thẳng cho tôi, một tay buôn bán giày dép đến đặt chúng tôi một cái bia mộ cho vợ ông ta bị chết trong một cuộc oanh tạc hồi năm 43. Thoạt đầu, ông ta gạ đổi tem phiếu cung cấp, nhưng chúng tôi đòi lấy hàng. Với một bia cẩm thạch Silesia viền “phăng-te-di” cộng thêm lắp đặt, Korneff kiếm được cho ông một đôi giày dạ hội nâu sẫm kèm một đôi dép đế da và cho tôi một đôi giày đen cao cổ cỡ số 5 kiểu cũ nhưng cực mềm bó rất em hai mắt cá chân yếu ớt của tôi và tuy hơi cổ nhưng nom vẫn sang trọng.

Đặt một xấp reichmark lên bàn cân mật ong, tôi nhờ Maria mua hộ hai cái sơ-mi trắng có xọc nhỏ và hai cái cà-vạt, một xám nhạt, một nâu sẫm. “Còn lại bao nhiêu”, tôi nói, “cho Kurt và cô, Maria thân mến, người chỉ lo cho kẻ khác và không bao giờ nghĩ đến bản thân mình”.

Đang cơn hào phóng, tôi tặng Guste một cái dù cán bằng xương thật và một bộ bài xì-cạt gần như mới vì chị thích bói bài mà mỗi lần muốn thử xem bao giờ Köster về, phải sang mượn hàng xóm, chị rất ngại.

Maria làm ngay việc tôi nhờ, không chút chậm trễ. Với số tiền còn lại – khá nhiều – nàng sắm cho mình một chiếc áo mưa và cho Kurt một chiếc cặp học sinh giả da, bề ngoài thì xấu xí nhưng được việc. Ngoài sơ-mi và cà-vạt, nàng còn mua thêm ba đôi bít tất mà tôi quên không dặn.

Khi Korneff và Oskar đến lấy hai bộ com-lê, chúng tôi rất bối rối khi ngắm mình trong gương, song người nọ đều thấy người kia là oách. Korneff hầu như không dám quay cái cổ chằng chịt sẹo nhọt. Đôi vai khòng khòng làm tay ông thông về đằng trước và ông cố uốn thẳng đôi đầu gối vòng kiềng. Còn về phần tôi, bộ đồ mới mang lại cho tôi một vẻ vừa ma quái vừa trí thức, nhất là khi tôi khoanh tay trước ngực, khiến chiều ngang phía trên càng bè ra, và dùng chân phải yếu hơn làm trụ đỡ trọng lượng toàn thân mà nhướn chân trái một cách hờ hững. Mỉm cười với Korneff và vẻ ngỡ ngàng của ông, tôi bước đến sát tấm gương, sát đến độ có thể hôn cái hình ảnh lộn trái của mình trong đó, nhưng tôi chỉ hà hơi cho nhoà mặt mình đi và nói với giọng bỡn cợt: “Ê, Oskar, mày hãy còn thiếu cái cài cà-vạt.”

Một tuần sau, vào chiều chủ nhật, khi đến thăm các nữ y tá của mình ở Bệnh viện thành phố, phô bộ cánh mới bảnh bao (không phải là không có chút hợm hĩnh), tôi đã có một chiếc trâm cài cà-vạt bằng bạc có gắn một viên ngọc trai.

Các cô nàng thân yêu há hốc miệng khi nhìn thấy tôi ngồi trong phòng y tá. Đó là vào cuối mùa hè năm 1947. Tôi khoanh tay trước ngực theo cách truyền thống và vân vê đôi găng tay da. Đã hơn một năm nay, tôi phụ việc cho Korneff, trở thành bậc thày trong kỹ thuật đi nét và đục rãnh. Tôi bắt chéo chân, thận trọng không để nhàu “li” quần. Chị Guste đôn hậu chăm sóc bộ com-lê của tôi như thể nó được đặt may cho Köster, người sẽ thay đổi mọi sự khi trở về. Helmtrud muốn sờ mặt vải và dĩ nhiên tôi chiều ý nàng. Mùa xuân 47, chúng tôi đã mừng sinh nhật lần thứ bảy của Kurt bằng rượu trứng cất lấy và bánh ga-tô cũng của nhà làm (hết gần một ký bơ đấy. Kìa, ăn đi chứ, lấy miếng này này) và tôi tặng nó một cái áo măng-tô màu xám. Trong khi đó, Gertrude đến nhập bọn và tôi đưa kẹo mời suốt lượt – số kẹo này cùng với gần mười kí đường nâu là giá của một tấm bia đó đi-o-rít đấy. Bé Kurt, theo tôi thấy, quá ư ham đi học. Cô giáo nó – trẻ và hấp dẫn, khác hẳn cái mụ Spollenhauer – khen nó lắm; cô bảo nó thông minh nhưng hơi nghiêm trang. Các cô y tá mà được mời ăn bánh kẹo thì cứ là vui như sáo! Khi đứng riêng một lát với Gertrude, tôi hỏi ngày chủ nhật rỗi rãi nàng làm gì.

“Như hôm nay chẳng hạn, tôi xong việc lúc năm giờ. Nhưng,” Gretrude nói, vẻ cam chịu, “thành phố mình chả có gì giải trí hay ho cả.”

Tôi cứ nói thử xem. Phản ứng của nàng: “Ích gì?” Nàng cho rằng ngủ bù cho đã còn hơn. Tôi ngỏ lời mời thẳng thắn, không úp mở nữa và khi thấy nàng vẫn lưỡng lự, bèn kết luận: “Hãy phát huy sáng kiến một tí nào, Xơ Gertrude. Chúng ta chỉ có một thời trẻ trung. Tôi biết một người có rất nhiều tem bánh ngọt.” Tôi minh hoạ ý cuối cùng này bằng một cái vỗ nhẹ mang tính cách điệu lên túi ngực mình và mời nàng một cái kẹo nữa. Lạ thay, tôi thấy hơi sợ sợ khi cô gái vùng Westphalie lực lưỡng ngoại cỡ đối với tôi này nói cái tủ thuốc: “Thôi được, nếu anh thích thế. Vậy thì sáu giờ nhé, nhưng không phải ở đây. Quảng trường Cornelius được không?”

Cứ làm như tôi tính chuyện hẹn gặp Xơ Gertrude hay bất kỳ ai khác ở ngay trong hành lang hoặc gần cổng bệnh viện không bằng! Đúng sáu giờ, tôi đợi nàng dưới cái đồng hồ Quảng trường Cornelius vẫn chưa chịu chạy đúng giờ do hậu quả chiến tranh. Nàng đến đúng giờ, như tôi có thể kiểm định bằng cái đồng hồ bỏ túi không đắt tiền lắm mà tôi đã mua trước đó mấy tuần. Suýt nữa tôi đã không nhận ra nàng. Nếu tôi nhìn thấy nàng trước đó một lát, chẳng hạn vào lúc nàng bước xuống từ xe điện cách đây khoảng năm chục bước, trước khi nàng kịp thấy tôi, thì có lẽ tôi đã lặng lẽ chuồn thẳng; bởi vì Xơ Gertrude đã đến không phải dưới dạng Xơ Gertrude trong bộ đồ trắng cài huy hiệu Chữ Thập Đỏ, mà trong một bộ đồ dân sự may cực xấu, phải, một cô Gertrude Wilms quê ở Hamm hay Dortmund, hay một thị trấn nào đó nằm giữa Dortmund hay Hamm.

Nàng không nhận thấy vẻ thất vọng của tôi, mà nói với tôi rằng nàng suýt đến trễ vì đúng lúc trước năm giờ, bà y tá trưởng, đơn thuần vì thích hành người khác, đã giao cho nàng một việc gì đó.

“Vậy thì, cô Gertrude, tôi có thể đưa ra một vài gợi ý không? Trước hết, ta hãy thư giãn một lúc trong một hiệu bánh ngọt và sau đó thì tuỳ ý cô: ta có thể đi xem phim, vì bây giờ đã muộn không kịp mua vé xem kịch nữa. Hay là đi nhảy?”

“À, phải, ta đi nhảy đi,” nàng phấn khởi reo lên. Khi, với một vẻ sợ hãi gần như không giấu nổi, nàng nhận ra rằng, mặc dù ăn vận bảnh bao, tôi chẳng có thớ gì để là bạn nhảy xứng hợp với nàng, thì đã quá muộn.

Với một cảm giác thoả mãn nham hiểm – ai bảo nàng không đến trong bộ đồng phục nữ y tá mà tôi xiết bao yêu thích? – tôi duyệt phương án đó. Do thiếu đầu óc tưởng tượng, nàng mau chóng quên nỗi sợ hãi của mình và cùng tôi đả bánh ga-tô – tôi ăn một còn nàng ăn ba – những cái bánh hình như làm bằng xi-măng. Sau khi tôi thanh toán bằng tiền mặt và tem bánh ngọt, chúng tôi đáp chuyến xe điện đi Gerresheim vì, nếu đúng như lời Kornefff, thì ở mạn dưới Grafenberg, có một vũ trường.

Chúng tôi thả bộ từ từ đi nốt quãng đường cuối vì xe điện dừng ở chân dốc. Một tối tháng chín như thường thấy tả trong sách. Đôi xăng-đan gỗ của Gertrude, loại có thể mua không cần tem, kêu lách cách như cối xay bên bờ suối. Âm thanh đó làm tôi cảm thấy vui. Những người từ trên dốc đi xuống ngoái lại nhìn chúng tôi. Gertrude có vẻ bối rối. Tôi thì quen rồi, không buồn để ý. Nói cho cùng thì chính những tem bánh ngọt của tôi đã thết nàng ba cái bánh xi-măng ở hiệu bánh ngọt Kürsten.

Vũ trường Wedig còn có tên phụ là Hang Sư Tử. Trước khi chúng tôi rời cửa bán vé, đã thấy tiếng cười khúc khích và khi chúng tôi bước vào, nhiều cái đầu quay lại nhìn. Xơ Gertrude, vướng víu trong bộ đồ dân sự, suýt ngã nhào trên một cái ghế gấp nếu một gã bồi và tôi không kịp đỡ. Gã bồi chỉ cho chúng tôi một bàn gần sàn nhảy. Tôi gọi hai ly giải khát có đá và dặn nhỏ cho riêng gã bồi bàn nghe: “Nhưng xin giỏ mấy giọt rượu vào.”

Hang Sư Tử gồm chủ yếu một phòng rộng chắc trước kia là một câu lạc bộ đu quay. Trần nhà hư hại nặng, trơ rui mè đã được trang trí bằng những cờ đuôi nheo và dây hoa từ vũ hội hoá trang năm ngoái. Những ánh đèn màu được giảm độ sáng lia vòng tròn, rọi phản quang trên những mái tóc bết sáp bóng của những thanh niên buôn bán chợ đen, một số ăn mặc rất mốt, và trên những áo vải mỏng của các cô gái mà hình như tất cả đều quen biết nhau.

Khi nước giải khát được bưng ra, tôi mua của gã bồi bàn mười điếu thuốc lá Mỹ, mời Gertrude một và gã bồi một; gã này dắt điếu thuốc vào mang tai. Sau khi châm lửa cho người bạn nhảy, tôi triềng chiếc bốt hổ phách của Oskar ra, cắm một điếu Camel vào và hút một nửa. Các bàn xung quanh chúng tôi lắng xuống dần. Gertrude đánh bạo ngước mắt nhìn. Khi tôi rập nửa điếu Camel còn lại vào cái gạt tàn, bàn tay thành thạo của Gertrude chộp lấy nó, nhét vào cái xắc bằng vải sơn của mình.

“Để phần cho chồng chưa cưới của tôi ở Dortmund,” nàng nói. “Anh ấy hút như điên.”

Tôi lấy làm mừng vì mình không phải là chồng chưa cưới của nàng và cũng vì nhạc đã bắt đầu nổi lên.

Ban nhạc năm người chơi bản “Đừng quây kín em”. Những con đực đi giày đế crếp lao qua sàn nhảy không đụng nhau để xí bạn nhảy và những cô này, khi đứng dậy, gửi xắc cho bạn gái giữ hộ.

Một số cặp nhảy lão luyện lướt ngọt như ba-lê. Nhai kẹo cao-su rất nhiều thỉnh thoảng, một tốp trai chợ đen ngừng nhảy mấy nhịp để trao đổi bằng thổ ngữ vùng Rhine điểm dăm ba từ lóng Mỹ, trong khi các cô bạn nhảy sốt ruột nhún chân tại chỗ. Những vật nho nhỏ chuyển từ tay người này qua tay người khác: dân chợ đen chân chính không biết có giờ nghỉ.

Chúng tôi bỏ qua bài đầu và cả bài fox-trot tiếp theo nữa. Thỉnh thoảng, Oskar quan sát chân bọn nam. Khi ban nhạc bắt vào bài “Rosamund”, người hắn mời nhảy là một nàng Gertrude rất đỗi hoang mang.

Nhớ lại tài khiêu vũ của Jan Bronski và biết mình thấp hơn Xơ Gertrude gần hai cái đầu, tôi đã quyết định chọn một bài tăng-gô: tôi ý thức rõ là hai chúng tôi sẽ nảy một nốt kệch cỡm và tôi quyết nhấn mạnh thêm cái nốt đó. Với thái độ cam chịu, nàng để tôi dẫn bước. Tôi giữ chắc mông nàng, ba mươi phần trăm len; má áp vào coóc-xê, tôi đẩy toàn bộ trọng lượng nàng lùi lại và dấn theo bước nàng. Gạt phăng các chướng ngại bằng cánh tay dang thẳng, chúng tôi băng chéo qua sàn nhảy, từ góc nọ sang góc kia. Mọi sự tốt hơn tôi dám hy vọng. Tôi đánh bạo đưa vào một vài thay đổi. Má vẫn dính vào áo chẽn ngực của nàng, tay vẫn đặt phía trên mông nàng, tôi xoay quanh nàng, không từ bỏ tư thế cổ điển của tăng-gô, có nghĩa là tạo ra cái cảm giác như người nữ sắp ngã ngửa ra đằng sau và người nam sắp ngã đè lên, tuy không ai ngã thật cả vì họ là những vũ công hoàn hảo.

Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã có cổ động viên. Tôi nghe thấy những tiếng reo: “Mình đã bảo cậu mà, đó chính là Jimmy! Này, hãy ngắm nhìn Jimmy! Hê-lô Jimmy! Come on Jimmy! Let’s go, Jimmy!”

Tiếc thay, tôi không thể nhìn thấy mặt Gertrude và đành chỉ hy vọng rằng nàng thoải mái chấp nhận những tràng vỗ tay như là một sự tôn vinh đầy thiện ý. Nói cho cùng, một nữ y tá phải làm quen với những tán tụng nhiều khi vụng về của bệnh nhân chứ.

Khi chúng tôi về chỗ ngồi, những bàn xung quanh vẫn còn vỗ tay. Ban nhạc năm người tấu liền ba hồi tán thưởng rộn rã trong đó người chơi bộ gõ tỏ ra cố gắng vượt bậc. Những tiếng hô: “Jimmy!” Và: “Cậu có thấy cặp ấy không?” Đến đây, Xơ Gertrude đứng dậy, ấp úng nói là đi vệ sinh, cầm cái xắc đựng mẩu thuốc lá dành cho vị hôn phu ở Dortmund và, mặt đỏ như gấc, rẽ lối giữa đám bàn ghế, va vấp lung tung, hối hả về phía nhà vệ sinh nữ ở gần cửa ra vào.

Nàng không quay lai nữa. Trước khi đi, nàng đã làm một hơi dài cạn ly nước của mình, một cử chỉ rõ ràng có nghĩa tạm biệt: Xơ Gertrude đã bỏ rơi tôi.

Còn Oskar? Một điếu thuốc lá Mỹ cắm ở chiếc bót hổ phách, hắn gọi một ly schnaps không pha trong khi gã bồi kín đáo nhấc đi cái ly đã cạn của Xơ Gertrude. Hắn quyết giữ nụ cười bằng mọi giá, nụ cười có thể là hơi buồn nhưng vẫn là một nụ cười. Tay khoanh lại và chân bắt chéo, hắn ve vảy một chiếc giày đen nhỏ xinh cỡ số 5 và tận hưởng sự ưu việt của kẻ bị bỏ rơi.

Đám trẻ khách quen của Hang Sư Tử rất dễ thương. Đang có một bài swing và mỗi lúc lướt qua trên sàn nhảy, họ lại nháy mắt với tôi. “Hello,” đám con trai nói và các cô gái: “Take it easy (Vô tư đi).” tôi vẫy cái bót thuốc lá cảm ơn những kẻ gìn giữ tính nhân đạo chân chính và mỉm cười rộng lượng với người chơi bộ gõ khi anh ta dóng một hồi giòn giã và biểu diễn một tiết mục trên trống, chũm choẹ và phách tam giác, làm tôi nhớ thời “khán đài” xa xưa của mình. Bài tới, anh ta thông báo, sẽ đến lượt quý bà quý cô mời bạn nhảy.

Một tiết mục cuồng nhiệt, “Jimmy Mãnh Hổ”, hẳn là dành cho tôi, mặc dù không ai ở Hang Sư Tử này có thể hay biết về sự nghiệp phá rối các cuộc mít-tinh quần chúng của tôi. Một cô bé tóc nhuộm đỏ ngúng ngoáy đến trước mặt tôi, tạm ngừng nhai kẹo cao-su mà thì thầm vào tai tôi bằng một giọng khàn hút thuốc: “Jimmy the Tiger (Jimmy Mãnh Hổ)”. Tôi là bạn nhảy lựa chọn của cô. Giữa những đe doạ của rừng thẳm, chúng tôi nhảy điệu Jimmy. Trong khoảng mười phút, Mãnh Hổ bước trên những móng vuốt nhung. Lại một hồi trống tán thưởng, vỗ tay và một hồi nữa; bởi vì cái bướu của tôi diện oách, và chân tôi thoăn thoắt và tôi tạo nên một hình ảnh xuất sắc trong vai Jimmy Mãnh Hổ. Tôi mời cô gái hâm mộ tôi về bàn và Helma – đó là tên cô ta – hỏi liệu Hannelore, bạn gái cô, có thể đến ngồi cùng không. Hannelore trầm lặng, ngồi yên chỗ và uống rất nhiều. Helma thì nghiện thuốc lá Mỹ và tôi phải gọi bồi bàn lấy thêm thuốc.

Một buổi tối thú vị. Tôi nhảy “Hey Bob A Re Bop,” “In the Mood,” “Shoeshine Boy”, tán gẫu giữa hai bài nhảy và thết đãi hai cô gái; họ không đòi hỏi gì nhiều và kể với tôi rằng họ làm việc ở Trạm điện thoại liên tỉnh trên Quảng trường Graf-Adolf, rằng bọn con gái ở Trạm tối chủ nhật nào cũng kéo đến Wedig rất đông. Bản thân họ cũng đến đây đều đặn nếu không có phiên trực và tôi cũng hứa sẽ đến đây luôn vì Helma và Hannelore rất dễ thương và vì các nữ điện thoại viên không điện thoại xem ra thật dễ kết thân – một câu đùa mà họ đủ thông minh để cười tán thưởng.

Sau đó một thời gian dài, tôi mới trở lại thăm Bệnh viện thành phố. Khi đó, Xơ Gertrude đã chuyển sang bộ phận phụ khoa. Tôi không bao giờ gặp lại nàng, nếu không kể những lần vẫy chào nhau từ xa. Tôi trở thành một khách quen được biệt đãi ở Hang Sư Tử. Các cô gái “bám càng” tôi nhưng không quá đáng. Thông qua họ, tôi làm quen với một số người trong đội Quân Chiếm đóng Anh và học lỏm được dăm chục từ tiếng Anh. Tôi kết bạn với vài nhạc công, nhưng tôi cố tự kiềm chế, có nghĩa lánh xa những cái trống và tự bằng lòng với việc khắc chữ ở xưởng của Korneff.

Trong suốt mùa đông 1947-48 khắc nghiệt, tôi giữ liên lạc với những cô gái điện thoại. Không tốn kém bao nhiêu, tôi kiếm được chút ấm áp từ cô nàng Hannelore trầm lặng ngồi yên chỗ, mặc dù chúng tôi chưa bao giờ đi quá giai đoạn giao lưu bằng tay chưa hứa hẹn gì sâu sắc hơn.

Mùa đông, Korneff chăm lo việc củng cố trang thiết bị. Các dụng cụ phải rèn lại, một số khối đá tồn đọng được cắt xén phẳng phiu, sẵn sàng để khắc chữ. Korneff và tôi bổ sung kho dự trữ đã vơi đi trong mùa thu và chế biến một số bã vôi vỏ điệp thành đá nhân tạo. Tôi cũng thử tay nghề dùng máy đột làm đôi ba chế tác điêu khắc đơn giản – những phù điêu với hình đầu thiên thần, đầu Đức Chúa Jêxu đội mũ gai và những con chim bồ câu của Đức Chúa Thánh Thần. Khi tuyết rơi, tôi xúc tuyết và khi không có tuyết, tôi làm tan băng cho thông ống dẫn nước đến máy mài.

Cuối tháng 2-1948, ít lâu sau Lễ Tro[1], tôi đã sút cân trong dịp vũ hội hoá trang và hẳn là nom khá thư sinh vì một số cô gái ở Hang Sư Tử gọi đùa tôi là Bác sĩ – những nông dân đầu tiên từ tả ngạn sông Rhine đến coi mặt hàng của chúng tôi. Korneff không có nhà: như mọi năm, ông đi trị bệnh thấp khớp bằng cách làm việc trong một lò cao ở Duisburg. Khi, sau hai tuần, ông trở về, khô đét và hết nhọt, tôi đã bán được với giá hời ba tấm bia, trong đó có một tấm cho hầm mộ ba người. Korneff bán được hai tấm bằng đá vôi điệp Kirchheim. Và đầu tháng ba, chúng tôi bắt đầu mang bia đi dựng – một tấm bằng cẩm thạch Silesia ở Grevenbroich, hai tấm đá vôi điệp Kirchheim ở một nghĩa địa làng gần Neuss, tấm đá cát kết đỏ với những đầu thiên thần của tôi ở nghĩa trang Stomml. Đến cuối tháng ba, chúng tôi chất lên xe tấm đi-ô-rít với đầu Đức Chúa Jêxu đội mũ gai cho hầm mộ ba người và lái rất từ từ - vì chiếc xe ba bánh bị quá tải – về phía Kappes-Hamm, có nghĩa là phải qua sông Rhine ở Neuss. Từ Neuss qua Grevenbroich đến Rommerschen, rồi rẽ trái theo đường đi Bergheim Erft. Bỏ Rheidt và Niederaussem lại sau lưng, chúng tôi tới Oberaussem không gãy một cái trục. Nghĩa trang nằm trên một ngọn đồi thoai thoải dốc về phía làng.

Ôi, một toàn cảnh hùng vĩ! Dưới chân chúng tôi là vùng than mềm Erftland. Tám ống khói của nhà máy Fortuna rít lên như sắp nổ tung. Hàng núi cứt sắt, bên trên là những đường dây của hệ thống chuyên chở bằng xe điện cáp. Cứ ba phút, một đoàn xe không hoặc đầy than coke, nhỏ như một thứ đồ chơi, chạy về phía nhà máy hoặc từ đó lao đi. Một đồ chơi khác lớn hơn, một đồ chơi của người khổng lồ, là đường dây cao thế vắt qua một góc của nghĩa trang, dăng hàng ba, ro ro băng về phía Cologne. Những đường dây khác hối hả chạy tới chân trời theo những hướng khác nhau, Bỉ và Hà Lan – trung tâm của thế giới.

Chúng tôi dựng bia cho gia đình Flies.

Người đào huyệt và gã giúp việc – cái gã thay thế vai trò của Leo Schugger ở nghĩa trang này – đi qua với những đồ nghề của họ. Cách đó ba dãy, họ bắt đầu đào một cái huyệt chuẩn bị di chuyển người nằm đó – những khoản bồi thường chiến trang trôi trên đường dây điện cao thế - gió mang đến cái mùi điển hình của một cuộc cải táng trước thời hạn – không đến nỗi lộn mửa, mới là tháng ba mà. Giữa những đống than coke, những cánh đồng mùa xuân xanh rờn. Người đào huyệt đeo cặp kính gẫy gọng phải buộc lại bằng dây thép, y đang bàn cãi điều gì với gã Leo Schugger của mình. Rồi còi nhà máy Fortuna rú lên đúng một phút, làm chúng tôi hào hển nín thở, nói chi đến người đàn bà mà hài cốt sắp bị di rời, chỉ có những đường dây cao thế là vẫn tiếp tục công việc. Tiếng còi nhà máy lảo đảo, ngã lộn nhào và chìm nghỉm – trong khi từ những mái đá xám của ngôi làng bốc lên những cuộn khói báo giờ ăn trưa, kế theo là những hồi chuông nhà thờ: cầu nguyện và làm việc, công nghiệp và tôn giáo, những bạn tâm giao. Đổi ca ở nhà máy Fortuna. Chúng tôi mở gói xăng-đuých thịt lợn hun khói, nhưng việc cải táng không thể chậm trễ và dòng điện cao thế 220.000 volt không ngừng tuôn chảy về các cường quốc thắng trận để thắp sáng những ngọn đèn của Hà Lan, trong khi ở đây luôn luôn bị cắt điện – nhưng người đàn bà chết lại được thấy ánh mặt trời.

Trong khi Korneff khoan hai cái lỗ một mét rưỡi để đổ móng, bà ta được mang lên thở không khí tươi mát. Bà ta nằm dưới đó trong bóng tối chưa lâu lắm, mới từ mùa thu năm ngoái, vậy mà đã tiến kịp những cải thiện đang được thực hiện khắp nơi. Việc tháo dỡ các nhà máy công nghiệp ở các vùng Ruhr và Rhine đã tiến triển như mọi thứ, trong cái mùa đông mà tôi đã phung phí ở Hang Sư Tử, người đàn bà này đã có những bước tiến quan trọng và giờ đây, khu chúng tôi đang đổ bê-tông và đặt cái đế bia vào chỗ, thì người ta phải thuyết phục bà vui lòng cho họ bốc từng bộ phận của bà lên. Nhưng cái loại tiểu bằng kẽm là thế, mục đích của nó là giữ sao cho còn nguyên, không mất gì hết, kể cả bộ phận vặt vãnh nhất của bà. Cũng như khi người ta phát không than ở Fortuna, bọn trẻ con chạy theo sau những xe moóc đầy tú ụ và nhặt những bánh than rơi ra, bởi vì Giáo chủ Frings đã tuyên bố từ bục giảng kinh: “Thật tình, ta nói với các con, ăn cắp than không phải là một tội lỗi”. Nhưng người đàn bà này đâu có còn cần than để đốt lửa. Tôi không nghĩ rằng bà ta thấy rét trong cái không khí tháng ba này, bà hãy còn khối da tuy nhiều mảng bị toạc và thủng lỗ chỗ, nhưng bù lại, có những mảnh vải còn sót và tóc nữa, không những thế tóc vẫn nguyên nếp dợn sóng. Các bộ phận của áo quan cũng đáng được chuyển và thậm chí có những mẫu gỗ cũng muốn đi theo sang nghĩa trang kia, ở đó sẽ không có những nông dân hoặc thợ mỏ từ Fortuna: nó nằm trong thành phố, nơi lúc nào cũng có cái để giải trí, với mười chín rạp chiếu bóng cùng hoạt động một lúc. Bởi vì, như người đào huyệt nói với chúng tôi, bà ta không phải người ở đây mà là sơ tán đến thôi: “Bà ta người Cologne và bây giờ người ta đưa bà ta về Mülheim ở bờ bên kia sông Rhine”. Lẽ ra y còn nói nữa nếu còi nhà máy không rú lên lần nữa, cũng đúng một phút. Lợi dụng lúc còi đang rú, tôi lại gần huyệt; tôi muốn chứng kiến cuộc cải táng này. Tôi xách theo một vật; khi tôi tới cạnh cái tiểu bằng kẽm thì hoá ra là cái xẻng của tôi và tôi bèn cho nó hoạt động luôn, không phải để tương trợ, mà là vì tôi có nó sẵn trong tay. Tôi xúc lên một vật gì bị đánh rơi xuống đất. Cái xẻng này trước kia thuộc về Sở Lao động của Reich. Và cái tôi xúc lên bằng cái xẻng của Sở Lao động là hay đã từng là ngón tay giữa và ngón tay đeo nhẫn – đến giờ tôi vẫn tin là thế - của người đàn bà sơ tán. Chúng không rơi ra, mà bị người đào huyệt tàn nhẫn chặt đứt. Tôi có cảm giác đó là những ngón tay đẹp và khéo léo. Cũng như vậy, cái đầu bà ta (lúc này đã được đặt trong tiểu) vẫn giữ được một vẻ cân đối đều đặn nào đó trong suốt mùa đông 47-48, một mùa đông khắc nghiệt như quý vị chắc còn nhớ, và có thể nói là đẹp, cho dù đó là một sắc đẹp đang tàn. Hơn nữa, cái đầu và những ngón tay của người đàn bà này gần gũi với tôi, người hơn là vẻ đẹp của Fortuna Bắc. Có thể nói tôi khoái cái cảnh quan công nghiệp ấy như tôi thưởng thức tài diễn xuất của Gustaf Gründgens ở nhà hát – một vẻ đẹp bề mặt mà tôi không bao giờ tin, mặc dù chắc chắn là đầy tính nghệ thuật, trong khi tác động do người phụ nữ sơ tán này gây ra lại quá tự nhiên. Cứ cho rằng những đường dây cao thế 220.000 volt, cũng như Goethe, cho tôi một cảm giác vũ trụ, nhưng những ngón tay của người đàn bà này lại xúc động tâm can tôi.

Tôi bắt đầu hình dung bà như một người đàn ông bởi vì như thế phù hợp với điều tôi sắp quyết định và với trí tưởng tượng đang biến tôi thành Yorick và bà thành Hamlet (một nửa bà vẫn còn nằm trong huyệt, nửa kia đã xếp vào cái tiểu bằng kẽm). Và tôi, Yorick, hồi V, gã hề: “Tôi biết anh ta, Horatio.” Lớp I, tôi, như trên mọi sân khấu của thế giới này, đưa cho Hamlet mượn cái sọ của tôi để cho một Gründgens hay Sir Laurence Olivier nào đó trong vai Hamlet có thể suy tư trên đó: “Ôi, Yorick tội nghiệp! Đâu rồi những câu đùa rí rỏm của ngươi? Những tung tăng nhảy nhót của ngươi?” Vậy tôi, Oskar, giữ những ngón tay của Hamlet trên lưỡi xẻng Sở Lao động, đứng trên mặt đất rắn của vùng than mềm Rhine giữa những mồ mả của công nhân mỏ, nông dân và gia đình họ, và nhìn xuống những mái nhà lợp đá xám của làng Oberaussem. Khu nghĩa trang của làng này trở thành trung tâm thế giới đối với tôi, trong khi Fortuna Bắc đứng đó như một á thần đáng sợ, đối thủ của tôi. Cánh đồng là cánh đồng Elsenor Đan Mạch; vùng Erft là vùng Belt của tôi, những gì thối rữa quanh đây là thối rữa trong vương quốc Đan Mạch – và tôi là Yorick. Những thiên thần cao thế dàn hàng ba tải điện 220.000 kilovolt, ca hát trong dây cáp trên đường tới chân trời, tới Cologne, tới con quái vật phong cách Gô-tích của nó[2] - những vị khách nhà trời trên những cánh đồng củ cải. Nhưng đất chỉ giao lại than và thi thể, không phải của Yorick mà của Hamlet. Còn những người khác, không có vai trong vở kịch, thì bị chôn hẳn – “Còn lại là im lặng” – bị đè dí dưới những bia mộ như chúng tôi đang đặt tấm bia đi-o-rít này đè lên gia đình Flies vậy. Nhưng đối với tôi, Oskar Matzerath Bronski Yorick, một kỷ nguyên mới đang hé mở, và bất giác, tôi liếc nhìn những ngón tay mòn vẹt của Hamlet trên lưỡi xẻng của tôi một lần nữa – “Anh ta béo và thở hổn hển” – tôi nhìn như thế trong khi Gründgens, Hồi III, Lớp I, loay hoay với câu hỏi hiện hữu hay không hiện hữu; nhưng tôi gạt bỏ lối diễn đạt ấy mà đặt câu hỏi một cách cụ thể hơn: Con trai tôi và những viên đá lửa của con trai tôi, những ông bố giả định dưới trần và trên trời của tôi, được biến thành bất tử trên những tấm ảnh, những vết sẹo chằng chịt trên lưng Herbert Truczinski, những giỏ thư thâm máu ở Sở Bưu Chính Ba Lan, Châu Mỹ - nhưng Châu Mỹ là cái quái gì so với chuyến xe điện số 9 đi Brösen? Tôi đem đối lập cái mùi va-ni đôi lúc vẫn còn thoang thoảng đâu đây của Maria với những hoang tưởng của tôi về bộ mặt tam giác của Lucy Rennward; tôi nhờ ông Fajngold, người tẩy uế cả cái chết, tìm giúp cái huy hiệu Đảng đã biến mất trong khí quản của Matzerath. Và, sau rốt, quay sang Korneff, hay đúng hơn về phía những cột điện cao thế, tôi nói – phải, tôi đã quyết định, nhưng trước khi nói ra, tôi cảm thấy cần tìm một lời thoại kịch khả dĩ khiến Hamlet thành đáng ngờ, song lại hợp thức hoá tôi, Yorick, thành một công dân – vậy thì nhân Korneff đang gọi tôi vì đã đến lúc gắn bia vào đế, tôi quay sang ông và, thôi thúc bởi mong muốn trở thành một công dân lương thiện, tôi nói, hơi bắt chước Gründgens mặc dù ông không bao giờ đóng Yorick, nói qua lưỡi xẻng: “Lấy vợ hay không lấy vợ, đó là vấn đề.”

Sau cơn khủng hoảng ấy ở khu nghĩa trang đối diện với nhà máy Fortuna Bắc, tôi thôi đi nhảy ở Hang Sư Tử, cắt đứt mọi liên lạc với các cô gái điện thoại mà ưu điểm chủ yếu của họ là khả năng thiết lập những mối liên lạc.

Tháng năm, tôi đưa Maria đi xem chiếu bóng. Sau đó, chúng tôi đến một nhà hàng và ăn khá ngon. Chúng tôi trò chuyện tâm tình với nhau. Maria lo phát ốm vì nguồn của Kurt đang cạn dần, vì công việc kinh doanh mật ong đi xuống, vì tôi, mặc dầu “yếu đau quặt quẹo” – theo chữ dùng của nàng – vẫn phải gánh vác cả gia đình hàng mấy tháng nay. Tôi an ủi Maria, nói với nàng rằng Oskar lấy làm sung sướng được hết khả năng của mình, rằng Oskar không thích gì hơn là được gánh vác một phần trách nhiệm nặng nề; tôi khen nàng dạo này đẹp ra và cuối cùng, nói lời cầu hôn.

Nàng xin khất để có thời gian suy nghĩ. Hàng tuần liền, đáp lại câu hỏi Yorick của tôi chỉ là im lặng và thoái thác; chung cuộc, chính cuộc cải cách tiền tệ đã mang lại câu trả lời.

Maria nêu ra vô số lý do. Nàng vuốt ve tay áo tôi, gọi tôi là “Oskar thân yêu”, nói tôi quá tốt để sống ở cái thế giới tệ hại này; nàng xin tôi thông cảm và hãy mãi mãi là bạn nàng, chúc mọi điều tốt đẹp nhất cho tiền đồ của tôi, dù tôi tiếp tục làm thợ đá hay làm gì khác. Nhưng khi tôi hỏi dồn và muốn trắng đen rõ ràng thì nàng từ chối không chịu lấy tôi.

Và thế là Yorick không trở thành một công dân tốt, mà thành một Hamlet, một thằng điên.

Chú thích:

[1] Ngày đầu tiên của tuần chay, rơi vào thứ tư.

[2] Chỉ nhà máy điện Cologne.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx