sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ba Mươi

A, phải, cuộc trốn chạy, cuộc đào tẩu của tôi. Hãy còn chuyện đó để kể với quý vị. Tôi chạy trốn để nâng cao giá trị lời tố cáo của Vittlar. Một cuộc đào tẩu, tôi nghĩ, trước hết đòi hỏi một nơi đến. Đi đâu, ôi Oskar, mày sẽ trốn đi đâu? Những hàng rào chính trị, cái gọi là Tấm Màn sắt chặn đường tôi chạy sang phía Đông. Không thể tìm đến náu dưới bốn cái váy của bà ngoại tôi, Anna Koljaiczek, bốn cái váy cho đến nay vẫn xoè ra chở che trên những cánh đồng khoai tây Kashubes, mặc dù tôi vẫn tự bảo, nếu vạn nhất phải trốn, thì những cái váy của bà ngoại tôi vần là nơi đáng tin cậy nhất.

Nhân tiện cũng xin nói rằng hôm nay là sinh nhật lần thứ ba mươi của tôi. Ở tuổi ba mươi, người ta buộc phải xử trí với những vấn đề nghiêm túc như chuyện đào tẩu với tư cách một người lớn chứ không thể như một chú bé. Khi mang chiếc bánh cắm ba mươi cây nến vào, Maria nói: “Hôm nay, anh ba mươi tuổi rồi, Oskar. Đã đến lúc phải có lý trí một chút.”

Klepp, bạn Klepp thân mến của tôi, như thường lệ, tặng tôi mấy đĩa nhạc jazz và dùng năm que diêm để thắp ba mươi cây nến trên cái bánh sinh nhật. “Cuộc đời bắt đầu từ tuổi ba mươi!” Klepp nói.

Hắn mới hai mươi chín.

Vittlar, bạn Gottfried thân yêu nhất với lòng tôi, tặng tôi kẹo và cúi trên những chấn song giường tôi nói với cái giọng the thé của hắn: “Khi Jêxu ba mươi tuổi, Người lên đường và thu nạp các tông đồ quanh mình.”

Vittlar bao giờ cũng thích làm mọi sự trở nên rắc rối với tôi. Chỉ vì tôi bước vào tuổi ba mươi, hắn muốn tôi rời khỏi giường và thu nạp môn đồ. Thế rồi luật sư của tôi đến, vung một tờ giấy và oang oang chúc mừng. Treo cái mũ ni-lông vào cọc giường tôi, ông ta tuyên bố với tôi và tất cả các khách dự sinh nhật của tôi: “Thật là một sự trùng hợp đẹp đẽ làm sao! Hôm nay, thân chủ của tôi mừng sinh nhật lần thứ ba mươi; và đúng hôm nay, tôi nhận được tin vụ án Ngón Tay Đeo Nhẫn mở lại. Người ta đã tìm ra một manh mối mới. Xơ Beata, bạn của Xơ Dorothea, các vị còn nhớ chứ...”

Đúng là cái điều tôi vẫn sợ trong nhiều năm nay kể từ khi tôi đào tẩu: là họ tìm ra kẻ sát nhân thật, mở lại vụ án, tuyên bố tôi trắng án, cho tôi ra khỏi bệnh viện tâm thần này, lấy đi cái giường êm ấm của tôi, đẩy tôi ra ngoài phố Tạnh, mưa gió, và buộc một gã Oskar ba mươi tuổi phải thu nạp môn đồ quanh bản thân gã và cái trống của gã.

Thì ra là Xơ Beata, vì ghen bầm gan tím ruột, đã giết Xơ Dorothea của tôi.

Có lẽ quý vị còn nhớ chứ? Có cái tay bác sĩ Werner ấy ở giữa hai nữ y tá, một tình huống rất chi là thông thường trong đời sống củng như trong phim. Một vụ xấu xa. Beate yêu bác sĩ Werner. Bác sĩ Werner lại yêu Dorothea. Và Dorothea thì chẳng yêu ai cả, trừ phi là yêu vụng nhớ thầm Oskar bé nhỏ. Werner ngã bệnh. Dorothea săn sóc giả vì giả được sắp xếp điều trị ở khoa nàng. Beata không chịu nổi. Cô ta dụ Dorothea đi dạo chơi và giết hay - nếu quý vị ưng chữ này hơn - thủ tiêu nàng trong một ruộng lúa mạch đen gần Gerresheim. Gìơ thi Beata có thể thoải mái chăm sóc bác sĩ Werner. Nhưng xem chừng cô ta chăm sóc giả theo một cách hơi đặc biệt thành thử giả không đỡ mà trái hẳn lại. Có lẽ cô y tá cuồng si này nghĩ: chừng nào chàng còn ốm, chàng còn thuộc về mình. Phải chăng cô ta cho giả quá nhiều thuốc? Phải chăng cô ta cho giả uống nhầm thuốc? Dù sao đi nữa, bác sĩ Werner đã chết, nhưng khi làm chứng trước toà, Xơ Beata không nói gì về chuyện quá nhiều thuốc hay nhầm thuốc và không một lời nào về cuộc đi dạo với Xơ Dorothea. Còn Oskar, cũng không thú nhận điều gì nhưng lại sở hữu một ngón tay tang vật ngâm trong một cái bô-can, thì bị kết tội là hung thủ trong vụ án ruộng lúa mạch. Nhưng xét vì Oskar không hoàn tòan ý thức về hành động của minh, nên họ chuyển tôi đến bệnh viện tâm thần để theo dõi quan sát. Dù sao mặc lòng, trước khi họ kết tội gã và gửi gã đến nhà thương điên, Oskar đã đào tẩu vì tôi muốn bằng sự biến mất của mình làm tăng giá trị lời tố cáo của Vittlar bạn tôi.

Vào thời điểm tôi chạy trốn, tôi hai mươi tám tuổi. Cách đây mấy giờ, ba mươi ngọn nến tỉnh bơ nhỏ giọt trên chiếc bánh sinh nhật của tôi. Hôm tôi chạy trốn cũng vào tháng chín như hôm nay. Tôi sinh ở cung xử Nữ mà. Nhưng lúc này tôi đang nói về cuộc chạy trốn, chứ không phải về lúc tôi ra đời dưới hai bóng đèn điện.

Như tôi đã nói, hướng tẩu thoát sang phía Đông cũng như về rúc váy bà ngoại tôi đều đã khép lại rồi. Do vậy, như tất cả những người khác hiện nay, tôi buộc phải trốn sang phía Tây. Oskar, tôi tự nhủ, nếu cái mớ bòng bong chính trị ngăn mày đến với bà ngoại mày, thì tại sao không chạy sang với ông ngoại mày hiện đang sống ở Buffalo, Mỹ? Hãy chọn Châu Mỹ làm đích đến, rồi xem mày đi dược đến đâu.

Ý nghĩ này về ông ngoại Koljaiczek đang ở Mỹ đến với tôi trong khi tôi còn nhắm mắt và con bò đang liếm tôi trên đồng cỏ gần Gerresheim. Bấy giờ chắc vào khoảng bảy giờ sáng và tôi tự nhủ: các cửa hàng mở cửa vào tám giờ. Tôi cười khanh khách chạy đi, để cái trống lại với con bò cái, nghĩ bụng: Gottfried rất mệt, chắc hắn không đến trình cảnh sát trước tám giờ hay tám rưỡi cũng nên. Hãy tận dụng chút lợi thế ban đầu này của mày. Ở cái khu ngoại ô Gerresheim ngái ngủ này, tôi phải mất mười phút mới gọi được một cái tắc-xi qua điện thoại. Xe đưa tôi đến nhà Ga Trung Tâm. Dọc đường tôi đếm lại tiền có trong tay; tôi phải đếm lại từ đầu mấy lần vì tôi không nhịn được cười, những chuỗi cười sớm mai tươi trong. Rồi tôi giở hộ chiếu ra xem và thấy rằng nhờ những cố gắng của Văn phòng Hoà nhạc, tôi có Visa vào cả Pháp lẫn Mỹ. Ts Dösch vẫn luôn hy vọng rằng một ngày kia, Oskar Trống sẽ chấp nhận đi lưu diễn ỏ hai nước đó.

Voilà [1], tôi tự nhủ, ta hãy vù sang Paris, nghe có lý đấy. Có thể hình dung chuyện này xảy ra như trong phim – Gabin [2] hút tẩu thuốc truy lùng tôi đến cùng, ráo riết không khoan nhượng nhưng đôn hậu và thông cảm. Nhưng ai sẽ đóng vai tôi? Chaplin [3]? Picasso? Cười ngất, kích thích bởi những ý nghĩ về cuộc đào tẩu, tôi vẫn còn vỗ đùi đen đét, khi người tài xế đòi 7 DM. Tôi trả tiền rồi ăn điểm tâm trong nhà hàng Ga. Tôi để bảng giờ tàu bên cạnh đĩa trứng “la cóóc” và tìm được một chuyến tàu thích hợp. Sau khi điểm tâm xong, tôi còn thì giờ đổi ngoại tệ và mua một cái va-li da nhỏ loại hảo hạng. Sợ phải triềng mặt ỏ phố Jülicher, tôi sắm luôn một lô sơ-mi đắt tiền nhưng rộng thùng thình, hai bộ đồ ngủ màu xanh nhạt, bàn chải, kem đánh răng vân vân chất dầy va-li. Vì không cần phải tiết kiệm, tôi mua một vé hạng nhất và lát sau, thấy mình chễm chệ trên một chiếc ghế nhồi nệm tiện nghi cạnh cửa sổ trong toa hạng nhất, chạy trốn mà khoẻ de không tốn sức gì hết. Nệm ghế giúp tôi suy nghĩ. Khi tàu chuyển bánh, chính thức khai trương cuộc đào tẩu của tôi, Oskar bắt đầu đưa mắt nhìn xung quanh, tìm một cái gì để mà sợ; bởi vì tôi tự bảo không phải không có lý: chạy trốn mà không sợ thì sao gọi là chạy trốn được? Nhưng, Oskar, mày có thể sợ cái gi đến độ phải trốn chạy nếu như đến cả cảnh sát cũng chỉ khiến mày bật lên những chuỗi cười sớm mai tươi trong?

Phải chăng là do tiếng tàu chạy xinh xịch nhịp nhàng, tiếng bánh xe nghiến trên đường ray? Dần dà bài hát hình thành vả một lúc trước khi tới Aachen, tôi đã hoàn toàn nhận ra nó. Những lời đơn điệu. Chúng chiếm lĩnh tôi trong khi tôi ngả người trên nệm ghế hạng nhất. Sau Aachen - tàu qua biên giới lúc mười rưỡi - chúng vẫn ở trong tôi, càng lúc càng rõ và ghê rợn hơn, đến nỗi tôi những muốn cảm ơn các nhân viên thuế quan đã mang đến sự thay đổi. Họ tỏ ra quan tâm đến cái bướu của tôi hơn là tên tôi trong hộ chiếu, và tôi nghĩ thầm: ôi cái tên Vittlar! Cái đồ lười chảy thây! Đã gần mười một giờ rồi mà hắn vẫn chưa mang cái bô-can đến cảnh sát trong khi tôi vì hắn mà phải bận rộn với cuộc chạy trốn này từ tinh mơ sáng, tự lên dây cót mình đến nấc khiếp sợ chỉ cốt để tạo một cái cớ cho cuộc trốn chạy. Nước Bỉ. Ôi, tôi đã khiếp sợ biết bao khi đường ray hát: Đâu rồi mụ Phù Thuỷ đen như hắc ín? Đây rồi mụ Phù Thuỷ đen độc ác. Ha-ha-ha...

Hôm nay tôi ba mươi tuổi. Tôi sẽ được toà xử lại và xem chừng sẽ được trắng án. Tôi sẽ bị ném ra đường phố và ở khắp nơi, trên tàu hoả và trên tàu điện, những lời hát đó vẫn sẽ vang lên trong tai tôi: Đâu rồi mụ Phù Thuỷ đen như hắc ín? Đây rồi mụ Phù Thuỷ đen độc ác.

Tuy nhiên, ngoài nỗi sợ mụ Phù Thuỷ Đen mà tôi chờ đợi sẽ xuất hiện ở mỗi ga, chuyến đi khá thú vị. Một mình tôi chiếm cả buồng toa - nhưng có thể mụ đang ở buồng bên cạnh đằng sau vách ngăn cũng nên - tôi làm quen với các nhân viên thuế quan của Bỉ rồi của Pháp, thỉnh thoảng ngủ gà ngủ gật và thức dậy với một tiếng kêu nhỏ. Trong một cố gắng nhằm xua đuổi mụ Phù Thuỷ, tôi lật giở số báo Der Spiegel mua ở sân ga Düssendorf. Làm sao mà họ biết lắm thế, nhiều nguồn tin thế, tôi nghĩ thầm. Thậm chí tôi còn thấy một bài về ông bầu của tôi, Ts Dösch phụ trách Văn phòng Hoà nhạc “Phương Tây”, xác nhận một điều mà tôi đã biết: Oskar Trống là trụ cột của hãng Dösch (kèm theo một ảnh chân dung rất đạt của tôi). Và lúc này “trụ cột” Oskar đang hình dung sự sụp đo tất yếu của Văn phòng Hoà nhạc sau khi tôi bị bắt.

Cả đời, tôi chưa bao giờ sợ mụ Phù Thuỷ Đen. Mãi đến cuộc đào tẩu này, khi tôi muốn sợ, mụ mới luồn lách vào dưới làn da của tôi. Và mụ ở lì đó cho tới ngày hôm nay, sinh nhật lần thứ ba mươi của tôi, mặc dù phần lớn thời gian, mụ ngủ miết. Mụ dùng một số hình thức khác nhau. Chẳng hạn, đôi khi chỉ một cái tên “Goethe” cũng khiến tôi thét lên và chui vào chăn. Từ thủa bé, tồi đã cố gắng hết mình để học vị thi bá, vậy mà sự bình tĩnh uy nghiêm của ông vẫn làm tôi sởn gai ốc. Ngay lúc này, mất hết vẻ sáng láng và cổ điển, cải trang thành một mụ phù thuỷ đen còn dữ dằn hơn Rasputin nhiều, ông đang dòm qua chấn song giường tôi và hỏi, nhân dịp tôi tròn ba mươi tuổi: “Đâu rồi mụ Phù Thuỷ đen như hắc ín?” - làm tôi sợ cứng người.

Ha-ha-ha, con tàu dưa Oskar-kẻ-trốn-chay đến Paris hát. Tôi đã sẵn sàng giáp mặt cảnh sát Quốc tế khi tàu chầm chậm vào ga Bắc, Gare du Nord như người Pháp gọi. Nhưng không có ai chờ tôi, chi có một người phụ khuân vác nồng nặc mùi rượu đến nỗi dù có thiện ý đến mấy, tôi cũng không thể nhầm hắn là mụ Phù Thuỷ Đen được. Tôi đưa hắn cái va-li và để hắn vác đến cách cửa ga vài bước. Cảnh sát và mụ Phù Thuỷ, tôi nghĩ bụng, chắc chả thấy cần phí tiền mua vé ké làm gì, họ sẽ dợi cho mày ra cửa rồi mới áp sát và bắt mày. Vậy tốt nhất là mày cứ lấy lại va-li trước khi qua cửa. Nhưng cảnh sát không có ở đó để xách đỡ va-li hộ tôi, thành thử tôi phải hoàn toàn tự lực một mình tha nó đến ga xe điện ngầm.

Tôi sẽ không nói nhiều về cái mùi đặc biệt của xe điện ngầm: cả thế giới đều biết nó rồi. Gần đây tôi có đọc đâu đó rằng người ta chế nó thành một thứ nước hoa đựng trong lọ có bơm xịt. Có điều là: giống như tàu hoả, xe điện ngầm cũng hỏi mụ Phù Thuỷ Đen ở đâu, tuy với một tiết tấu khác. Tôi còn nhận thấy một điều nữa: các hành khách khác hắn cũng sợ mụ không kém gì tôi, vì tất cả đều đổ mồ hôi hột. Tôi định tiếp tục đi xe điện ngầm đến cửa Italie rồi từ đó lấy tắc-xi ra sân bay Orly. Đã không được bị bắt ở Ga Bắc, thì Orly, một sân bay nổi tiếng thế giới, với mụ Phù Thuỷ cải trang thành chiêu đãi viên hàng không, tôi nghĩ, sẽ là nơi tuyệt vời để được-bị bắt ở đó. Có một chặng đổi tàu, may mà va-li- của tôi rất nhẹ. Xe điện ngầm đưa tôi về phía nam và tôi ngầm nghĩ: mày sẽ xuống đâu, Oskar? Lạy Chúa, biết bao nhiêu điều có thể xảy ra trong một ngày, sáng nay, một con bò cái liếm mày ở gần Gerresheim, mày vui vẻ và chẳng biết sợ là gì, và bây giờ mày đang ở Paris - mày sẽ xuống quãng nào, mụ ta, đen kịt và gớm ghiếc, sẽ đến đâu để gặp mày? ở Quảng trường Italie? hay Cửa Italie?

Tôi xuống tàu ở Maison Blanche, ga cuối trước Cửa Italie, nghĩ bụng: chắc hắn họ nghĩ mình nghi họ đợi ở Cửa Italie. Nhưng Mụ biết mình nghĩ gì và họ nghĩ gì. Với lại, tôi đã chán ngấy rồi. Cuộc chạy trốn và những cố gắng để duy trì nỗi sợ làm tôi rất mệt. Oskar hết muốn đi tiếp đến sân bay. Đến lúc này, gã lại thấy Maison Blanche độc đáo hơn Orly. Cái ý này của gã cũng có lý. Vì ga này có một cầu thang cuốn. Một cái cầu thang cuốn, tôi tin vậy, có thể làm cho tôi phấn chấn và tiếng chạy rịch-rịch của nó sê ăn với câu hát “Đây rồi mụ Phù Thuỷ đen độc ác. Ha-ha-ha!”

Oskar hơi bối rối. Cuộc chạy trốn của gã, và cùng với nó, câu chuyện của gã, sắp kết thúc. Liệu cái cầu thang cuốn ở ga xe điện ngầm Maison Blanche có đủ cao, đủ dốc, đủ tượng trưng để hạ màn cho những hồi ức này một cách xứng hơp không?

Nhưng còn có buổi sinh nhật lần thứ ba mươi của tôi nữa. Với những ai thấy cái cầu thang cuốn là ồn quá và những ai sợ mụ Phù Thuỷ Đen, tôi xin đề nghị lấy buổi sinh nhật lần thứ ba mươi của tôi làm phương án kết thúc, thay thế, bởi lẽ: Trong tất cả các lần sinh nhật, chẳng phải lần thứ ba mươi là có ý nghĩa nhất sao? Nó có Ba trong đó và nó báo hiệu Sáu Mươi mà do vậy Sáu Mươi trở nên không cần thiết. Khi ba mươi cây nến cháy lung linh trên chiếc bánh sinh nhật của tôi sáng nay, tôi có thể khóc vì vui sướng và phấn khởi nhưng tôi xấu hổ trước mặt Maria: ở tuổi ba mươi, người ta đã mất quyền được khóc.

Ngay khi tôi giẫm lên bậc đầu tiên của cầu thang cuốn - nếu như có thể nói một cái cầu thang cuốn có bậc nào gọi lả thứ nhất - và nó bắt đầu đưa tôi lên, tôi bỗng cười phá. Mặc dù sợ, tôi vẫn cười hay chính vì sợ mà tôi cười. Nó từ từ lên dốc - và kìa, họ đang đợi trên đầu dốc. Còn đủ thì giờ hút một điếu thuốc. Trên tôi hai bậc, một cặp tình nhân trơ tráo vần vò nhau. Dưới tôi một bậc, một bà già đội một chiếc mũ với những hoạ tiết trang tri hình quả, mà tôi ngờ là mụ Phù Thuỷ mặc dù không có căn cứ gì xác đáng. Vừa hút thuốc, tôi vừa cố hết sức tưởng tượng ra những điều mà một cái cầu thang cuốn có thể gợi ý. Oskar là Dante trên đường từ địa ngục trở về; trên kia, ở đầu cầu thang cuốn, những phóng viên năng nổ của báo Der Spiegel đang đợi gã. “Thế nào, Dante” họ hỏi, “dưới ấy ra sao?” Rồi tôi lại là thi bá Goethe và các phóng viên hỏi tôi cuộc đến thăm các Mẹ có thú vị không. Nhưng rồi tôi thấy chán các thi sĩ và tôi tự nhủ: đó không phải là phóng viên báo Der Spiegel mà cũng chẳng phải là mật thám đang rình trên đó. Đó là Mụ, phải, mụ Phù Thuỷ. “Đây rồi mụ Phù Thuỷ đen độc ác. Ha-ha-ha!”

Song song với cầu thang cuốn, có một cấu thang thông thường cho người từ trên mặt phố xuống ga métro. Hình như bên ngoài đang mưa vì những người đi xuống nom có vẻ ướt. Điều đó làm tôi lo lo. Tôi đã không đủ thì giờ mua một cái áo mưa trước khi rời Düssendorf. Tuy nhiên, ngước nhìn lên một lần nữa, Oskar thấy những quý ông quàu quạu kia có cầm ô dân sự - nhưng điều đó chứng tỏ rành rành sự tồn tại của mụ Phù Thuỷ Đen?

Tôi sẽ xưng hô với họ như thế nào? tôi tự hỏi, từ từ tận hưởng điếu thuốc của mình trong khi cái cầu thang cuốn từ từ khuấy lên trong tôi những tình cảm cao thượng và làm giàu thêm kiến thức của tôi: người ta trẻ lại trên một cái cầu thang cuốn và trên một cái cầu thang cuốn người ta càng lúc càng già đi. Tôi có sự lựa chọn như sau: bước ra khỏi cầu thang cuốn như một đứa bé lên ba hay như một ông già sáu mươi, gặp các ngài Interpol, chưa kể Mụ Phù Thuỷ Đen, như một nhi đồng hay như một lão trượng.

Hẳn là đã muộn rồi. Cái cọc giường của tôi nom có vẻ mệt rũ. Và Bruno gã y tá của tôi đã hai lần ghé một con mắt nâu hoảng loạn vào lỗ nhòm. Bên dưới bức tranh màu nước vẽ cỏ lông ngỗng, chiếc bánh sinh nhật của tôi còn nguyên chưa cắt với ba mươi ngọn nến của nó. Có lẽ Maria đã ngủ. Ai đó - tôi nghĩ là Guste, chị gái Maria - chúc tôi may mắn trong ba mươi năm tiếp theo. Tôi thèm muốn ngủ ngon được như Maria. Còn Kurt, chú bé học sinh gương mẫu bao giờ cũng nhất lớp, Kurt con trai tôi đã chúc tôi những gì nhân dịp sinh nhật nhỉ? Khi Maria ngủ, các đồ đạc xung quanh nàng cũng ngủ theo luôn. Tôi nhớ ra rồi: Kurt chúc tôi mau chóng bình phục nhân dịp sinh nhật lần thứ ba mươi. Nhưng điều tôi tự chúc là một xíu giấc ngủ ngon của Maria: tôi mệt và cạn hết chữ rồi. Cô vợ trẻ của Klepp làm bài thơ mừng sinh nhật ngớ ngẩn nhưng đầy thiện ý tặng cái bướu của tôi. Hoàng tử Eugene cũng dị dạng nhưng điều đó không ngăn nổi ông chiếm thành phố và pháo đài Belgrade. Hoàng tử Eugene cũng có hai người cha. Hôm nay, tôi ba mươi tuổi nhưng cái bướu của tôi thì trẻ hơn. Louis XIV là cha hờ của Hoàng tử Eugene. Trong nhiều năm qua, nhiều người đàn bà đẹp ngoài phố đã sờ vào cái bướu của tôi, họ nghĩ nó sẽ mang lại may mắn cho họ. Hoàng tử Eugene dị dạng và vì thế ông chết một cái chết tự nhiên. Nếu Jêxu có một cái bướu thì chắc bọn họ đã chẳng đóng đinh Người lên Thánh giá. Liệu tôi có cần, chỉ vì lý do tôi đã ba mươi tuổi, lên dường và thu nạp môn dồ quanh mình?

Đó là cái loại ý tưởng đến với ta khi đứng trên một cái cầu thang cuốn. Nó đưa tôi lên mỗi lúc một cao. Phía trước tôi và bên trên tôi, đôi tình nhân trơ tráo. Đằng sau và bên dưới tôi, bà già đội mũ. Bên ngoài, trời đang mưa và trên đầu cầu thang, các thám tử của Interpol. Các bậc cầu thang cuốn có những thanh mỏng gối nhau. Đi cầu thang cuốn là dịp tốt để nhìn nhận lại mọi điều: Mày từ đâu tới? Mày đi đâu? Mày là ai? Tên thật mày là gì? Mày theo đuổi cái gì? Những mùi xưa xộc đến bủa vây tôi. Mùi va-ni tươi trẻ của Maria. Mùi dầu cá xác-đin mà mẹ tôi hâm lên và uống nóng sốt cho đến khi mẹ lạnh toát và được đặt xuống huyệt lấp đất lên. Mặc dù Jan Bronski xức đẫm nước thơm Cologne, cái mùi chết yểu vẫn rỉ qua tất cả những khuyết áo của ông. Cái hầm kho cửa hàng rau quả của Greff đã có mùi khoai tây vụ đông. Và một lần nữa, mùi giẻ lau bảng phơi khô của học sinh lớp một. Và Roswitha của tôi sực mùi quế và hạt hồi. Tôi bồng bềnh trôi trên một đám mây axít cácbôlic khi ông Fajngold rẩy thuốc tẩy uế lên cơn sốt của tôi. A, và cái mùi Thiên Chúa giáo của Nhà Thờ Thánh Tâm, tất cả những áo lễ không bao giờ được hong ra khí trời, đám bụi lạnh và tôi, trước ban thờ bên cánh trái, chỉa cái trống của tôi, cho ai?

Đó là cái loại ý tưởng đến với ta khi đứng trên một cái cầu thang cuốn. Hôm nay, họ muốn đè tôi xuống, họ muốn đóng đinh tôi lên thánh giá. Họ bảo: mày đã ba mựơi tuổi. Vậy mày phải thu nạp môn đồ. Hãy nhớ lại mày đã nói gì khi người ta bắt mày. Hãy đếm những ngọn nến trên chiếc bánh ga-tô sinh nhật của mày, ra khỏi cái giường này mà đi thu nạp môn đồ. Tuy nhiên, có ối khả năng còn để ngỏ cho một gã đàn ông ba mươi tuổi. Tôi có thể, chẳng hạn, nếu người ta thực sự ném tôi ra khỏi bệnh viện, cầu hôn Maria lần thứ hai. Cơ may của tôi bây giờ khá hơn nhiều rồi. Oskar đã gây dựng cơ sở làm ăn buôn bán cho nàng, gã vẫn còn kiếm được ối tiền với những đĩa nhạc của gã và gã đã già dặn, chín chắn hơn. Đến tuổi ba mươi, một người đàn ông cũng nên lấy vợ.

Hoặc giả tôi cứ sống độc thân và chọn hẳn lấy một nghề, mua một mỏ đá vôi, thuê một số thợ đá và trực tiếp giao dịch với những người xây dựng. Đến tuổi ba mươi, một người đàn ông cũng nên khởi đầu sự nghiệp.

Hoặc giả, trong trường hợp công việc kinh doanh của tôi lụn bại do sự cạnh tranh của bê-tông đúc sẵn, tôi có thể lại cộng sự với Nàng Thơ Ulla, và cánh sát cánh, chúng tôi sẽ đem lại cảm hứng cho các hoạ sĩ. Thậm chí một ngày nào đó, tôi có thể biến Nàng Thơ thành một người dàn bà lương thiện, cô gái tội nghiệp với tất cả những cuộc đính hôn chớp nhoáng ấy. Đến tuổi ba mươi, một người đàn ông cũng nên lấy vợ thôi.

Hoặc giả nếu tôi thấy chán Châu Âu, tôi có thể di cư sang Mỹ sang Buffalo, giấc mơ xưa của tôi: tôi sẽ đi tìm ông ngoại tôi, nhà triệu phú Joe Colchis, xưa là Joseph Koljaiczek, kẻ đốt nhà. Đến tuổi ba mươi, một người đàn ông nên nghĩ đến chuyện ổn định cuộc sống riêng.

Hoặc giả tôi có thể buông xuôi, để cho họ đóng đinh tôi trên Thánh giá. Chỉ bởi lẽ tôi đã ba mươi, tôi phải lên đường và sắm vai Đấng Cứu Thế mà họ thấy ở nơi tôi; ngược với lý trí sáng suốt, tôi bắt cái trống của mình mang một ý nghĩa lớn hơn thực chất của nó, biến nó thành một biểu tượng, lập một giáo phái, một đảng, hay có khi chỉ là một nơi họp hội.

Những ý nghĩ ấy đến với tôi trên cầu thang cuốn bất chấp cặp tình nhân bên trên tôi và bà già đội mũ bên dưới tôi. Không biết tôi đã nói rằng cặp tình nhân dứng trên tôi hai bậc chứ không phải một bậc, rằng tôi đã để cái va-li của mình giữa họ và tôi? Thanh niên ở Pháp đến là kỳ. Trong khi cầu thang cuốn đưa chúng tôi lên, cô gái cởi cúc áo blu-dông da của cậu con trai, rồi đến sơ-mi và mân mê làn da trần mười tám tuổi của cậu. Nhưng động tác của cô có vẻ rất chi là “công vụ”, hoàn toàn không gợi dục đến nỗi tôi ngờ rằng chính phủ đã thuê họ để giữ tiếng cho Paris như là thành phố của tình yêu công khai không hổ thẹn. Nhưng khi họ hôn nhau thì nỗi nghi ngờ ấy biến mất vì cậu ta gần như chết nghẹn với cái lưỡi của cô ta và vẫn còn ho khi tôi giập điếu thuốc vì tôi muốn gặp những thám tử với tư cách là người không hút thuốc.

Bà già đứng dưới tôi với chiếc mũ - điều tôi muốn nói là mũ bà ngang tầm với đầu tôi vì hai bậc đủ bù cho vóc người thấp bé của tôi - chẳng làm gì đáng chú ý, ngoại trừ việc bà cứ lẩm bẩm một mình, nhưng mà phần lớn những người già ở Paris đều làm thế cả. Cái tay vịn bọc cao-su cũng lên cùng với chúng tôi. Quý vị có thể đặt tay lên đó cho nó trượt thoải mái. Tôi ắt đã làm thế nếu tôi mang găng. Mỗi viên gạch hoa trên tường phản chiếu một giọt điện. Những dây cáp và ống màu kem cùng lên với chúng tôi. Xin đừng nghĩ rằng cái cầu thang cuốn này gây tiếng động khủng khiếp. Bất kể tính chất cơ khí của nó, đây là một dụng cụ nhẹ nhàng, dễ chịu. Mặc đầu mụ Phù Thuỷ khua loẻng xoẻng, tôi vẫn thấy ga métro Maison Blanche là một nơi thú vị. Gần như ở nhà. Tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái trên cái cầu thang cuốn này: bất luận nỗi khiếp sợ của tôi, bất luận mụ Phù Thuỷ, tôi vẫn sẽ tự coi mình là sung sướng nếu như những người trên cầu thang cuốn này không phải hoàn toàn xa lạ, mà là bạn bè, thân quyến của tôi, sống và chết: mẹ tội nghiệp của tôi giữa Matzerath và Jan Bronski; Mamăng Truczinski, con chuột nhắt tóc bạc, với các con của bà Herbert, Guste, Fritz, Maria; Greff-Rau-Quả và Lina lôi thôi lếch thếch của ông; và dĩ nhiên là Bebra và Roswitha bé nhỏ và duyên dáng - tất cả những người đã đóng khung cuộc đời đầy nghi vấn của tôi, những người đã mắc cạn nơi cuộc đời tôi. Nhưng trên đầu cầu thang, tôi những muốn được thấy, thế vào chỗ các nhân viên Interpol, đối cực thật sự của mụ Phù Thuỷ Đen: bà ngoại Anna Koljaiczek đứng đó như một trái núi và khi cầu thang dừng lại, săn sàng đón nhận tôi và tùy tùng của tôi vào dưới những chiếc váy của bà, vào giữa trung tâm trái núi.

Nhưng đó lại là hai quý ông không mang vảy mà khoác áo mưa kiểu Mỹ. Và đến cuối chặng lên thang, tôi đành phải mỉm cười bằng cả mười đầu ngón chân trong giày mà nhận ra rằng cặp tình nhân trơ tráo đứng trên tôi và bà già lạu bạu đứng dưới tôi chỉ là những thám tử bình thường.

Tôi còn phải nói thêm gì nữa: ra đời dưới hai bóng điện, chủ tâm không lớn nữa từ tuổi lên ba, được tặng cái trống, hát vỡ thuỷ tinh, ngửi mùi va- ni, ho khù khụ trong nhà thờ, quan sát kiến, quyết định lớn, chôn trống, di tản sang miền Tây, bỏ miền Đông, học nghề khắc đá, làm mẫu vẽ, bắt đầu trở lại đánh trống, thị sát bê-tông, kiếm tiền, lưu giữ ngón tay, cho đi ngón tay, cả cười mà trốn chạy, lên thang cuốn, bị bắt, bị kết án, bị tống vào nhà thương điên, chẳng bao lâu nữa sẽ được trắng án, hôm nay kỷ niệm sinh nhật lần thứ ba mươi và vẫn còn sợ mụ Phù Thuỷ Đen.

Tôi vứt điếu thuốc. Nó rơi vào một đường rãnh trên bậc cầu thang cuốn. Sau khi được chở trên thang cuốn lên dốc bốn mươi lăm độ, Oskar bước ba bước nữa theo chiều ngang rồi để cho cặp thám-tử-tình-nhân-trơ-tráo và thám-tử-bà-nội đẩy từ cầu thang cuốn sang một sàn bằng đứng tại chỗ. Khi các quý ông Interpol tự giới thiệu và gọi gã là Matzerath, gã bèn trả lời theo dòng suy tư trên thang cuốn, đầu tiên bằng tiếng Đức: “Ich bin Jesus (Ta là Jêxu)”, rồi chợt nhớ ra họ là nhân viên quốc tế, bằng tiếng Pháp và cuối cùng bằng tiếng Anh: “I am Jesus.”

Tuy nhiên, tôi vẫn bị bắt dưới cái tên Oskar Matzerath. Không hề chống cự, tôi tự đặt mình dưới sự che chở của các nhân viên Interpol và, vì trời đang mưa trên Đại lộ Italie, dưới những cái ô của họ. Nhưng tôi vẫn còn sợ. Mấy lần tôi lo lắng nhìn quanh và mấy lần tôi thấy đây đó - phải, đó là một trong những tài của mụ - cái bộ mặt lạnh lùng dễ sợ của mụ Phù Thuỷ Đen giữa những khách bộ hành trên đại lộ và sau đó trong đám đông xúm quanh xe chở tù nhân.

Tôi cạn lời rồi. Tuy nhiên, tôi không thể không tự hỏi Oskar sẽ làm gì sau khi tất yếu phải ra khỏi bệnh viện tâm thần. Cưới vợ? Tiếp tục sống độc thân? Di cư? Làm mẫu vẽ? Mua một mỏ đá? Thu nạp môn đồ? Lập một giáo phái?

Tất cả những khả năng giờ đây mở ra trước một gã đàn ông ba mươi tuổi đều cần được xem xét, nhưng làm sao mà xem xét được chúng nếu thiếu cái trống của tôi? Vậy tôi sẽ đánh lên cái bài ca nhỏ đã trở nên ngày càng thật hơn đối với tôi, mỗi lúc một thêm hãi hùng. Tôi sẽ gọi mụ Phù Thuỷ Đen tới, hỏi ý kiến mụ và sáng mai tôi sẽ có thể nói cho Bruno, tay y tá trông nom tôi, biết gã Oskar ba mươi tuổi này dự định sẽ sống theo phương thức nào dưới bóng một con ngoáo ộp mà tuy mỗi ngày một đen hơn, vẫn là người bạn cũ thường nhát tôi ở cầu thang hầm kho, thường “hù-ù-ù!” tôi trong hầm than khiến tôi không thể nhịn cười, nhưng dù sao nó vẫn đó, nói chuyện bằng ngón tay, ho khặc khặc qua lỗ khoá, rền rĩ trong bếp lò, rít kèn kẹt cùng với cánh cửa, nhả khói lên từ những ống khói khi những con tầu kéo còi trong sương mù, khi một con ruồi vo ve hàng giờ giãy chết giữa hai lần cửa so kép, hoặc khi lươn đòi mẹ và mẹ tội nghiệp đòi lươn và khi mặt trời chỉm xuống đằng sau Tháp Zoppot nhưng vẫn le lói ánh hổ phách trong ngần. Herbert nhằm ai khi anh tấn công bức tượng gỗ? Và đằng sau ban thờ chính - thử hỏi Thiên Chúa giáo còn là cái gì nếu không có mụ Phù Thuỷ Đen trùm bóng đen của mình lên mọi phòng xưng tội? Chính bóng mụ đã đổ dài khi những đồ chơi của Sigismund Markus bị đập tan tành. Bọn nhóc trong sân nhà chúng tôi, Axel Mischke và Nuchi Eyke, Susi Kater và Hänschen Kollin, chúng biết cả: vì chúng hát gì khi nấu món cháo gạch của chúng? “Đâu rồi mụ Phù Thuỷ đen như hắc ín. Đây rồi mụ Phù Thuỷ Đen độc ác. Ha-ha-ha! Tội của mụ. Và mụ nữa. Tội của mụ là chính, Mụ, Mụ, Mụ! Đâu rồi mụ Phù Thuỷ đen như hắc ín?... ” Bao giờ mụ cũng có mặt, ở đâu mụ cũng có mặt, kể cả trong bột sủi sủi bọt hồn nhiên và xanh ngắt; mụ ở trong tủ quần áo, trong tất cả các tủ quần áo tôi từng chui vào. Rồi mụ mượn bộ mặt chéo ba góc của Lucy Rennwand làm mặt mình, ăn xúc-xích cả da và tống cả băng Quét-Bụi lên tháp nhẩy cầu: còn mình Oskar ở lại, gã quan sát đàn kiến và gã biết: chính bóng mụ đã nhân lên thành côn trùng đen đi tìm của ngọt. Mọi từ ngữ: được ban phước, đau buồn, đầy duyên sắc, đồng trinh của đồng trinh... và mọi thứ đá: ba-dan, tufa, đi-o-rít, ổ đá điệp, minh ngọc thạch rất mịn... và tất cả thuỷ tinh vỡ vụn, thuỷ tinh trong, thuỷ tinh thổi đến mỏng như tờ giấy... và tất cả những cửa hàng tạp hoá, những gói bột và đường nửa ‘pao’ và một ‘pao’. Sau nữa, bốn con mèo, trong đó có một con tên là Bismarck, cái bức tường phải quét vôi mới, những người Ba Lan tán dương cái chết, những thông cáo đặc biệt, ai đánh chìm cái gì lúc nào, những củ khoai tây rơi xuống từ bàn cân, những áo quan thuôn đằng chân, những nghĩa trang tôi đã đến, những phiến đá tôi đã quỳ lên, những xơ dừa tôi đã nằm lên... những con chó con trộn vào bê-tông, nước hành làm chảy nước mắt, chiếc nhẫn trên ngón tay và con bò cái liếm tôi... Xin đừng hỏi Oskar mụ là ai! Tôi đã cạn lời. Đầu tiên mụ ở đằng sau tôi, về sau mụ hôn tôi mọc bướu, nhưng giờ đây, bây giờ và mãi mãi, mụ ở trước mặt tôi, sáp lại gần.

Luôn ở đằng sau tôi, Phù Thuỷ Đen ĐEN

Nay ở trước mặt tôi, đối mặt tôi ĐEN

Lời đen, áo đen, tiền đen ĐEN

Không còn là bài ca trẻ con thường hát:

Đâu rồi mụ Phừ Thuỷ đen như hắc ín?

Đây rồi mụ Phù Thuỷ Đen độc ác

Ha -ha -ha!

Chú thích:

[1] Tiếng Pháp trong nguyên bản: thế đấy.

[2] Jean Alexis Moncorge tức Jean Gabin (1904-1976), diễn viên điện ảnh Pháp, từng đóng trên một trăm phim, trong đó nhiều phim đã trở thành kinh điển như Ông già biệt danh Le Moko của J.Duvivier; Bến cảng Sương Mù của Marcel Carné...

Diễn viên Jean Garbin

[3] Sir Charles Spencer tức Charlie Chaplin (1889-1977), người Mỹ gốc Anh, diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất phim, một trong những gương mặt văn hoá lớn nhất của thế kỷ XX, được mệnh danh là vua hề Charlot. Các phim của ông đã trở thành kinh điển của điện ảnh thế giới như Thời hiện đại, Đổ xô đi tìm vàng, Chú Nhóc, Tên độc tài, Ánh đèn sân khấu,…

HẾT


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx