sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 1 Tâm Lý Vợ Chồng Trẻ

I. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ

1. NHỮNG KHÁC BIỆT NƠI NGƯỜI VỢ

Những ngày hẹn hò đã qua. Những giây phút thần tiên của tuần trăng mật cũng đã hết. Bây giờ là cuộc sống chung mà đôi vợ chồng trẻ phải giáp mặt và cùng nhau xây dựng. Thực tế trước tiên mà họ phải đương đầu chính là những khác biệt giữa hai người. Lâu đài tình yêu không chỉ được xây bằng những viên gạch đồng điệu nhưng còn cần đến những vật liệu khác biệt nhau.

Do đó, nguyên tắc tối quan trọng để xây dựng đời sống chung là ý thức khác biệt của nhau, đồng thời chấp nhận sự khác biệt ấy như một kho tàng hầu phong phú hóa lẫn nhau.

1. Với người chồng trẻ, chúng tôi xin được phép khuyên ngay điều này: họ cần tâm niệm luôn rằng, người vợ có những điểm hoàn toàn khác biệt với họ. Chỉ khi nào chấp nhận sự thật ấy, người chồng mới thấy hiểu vợ mình là một điều cần thiết. Hiểu vợ mình, hay nói chung, hiểu một người đàn bà là chấp nhận rất nhiều điều mà cách chung, đàn ông chỉ có ý niệm lờ mờ. Những người chồng bắt đầu tỏ ra hờ hững và vô tình kể từ lúc họ cho rằng, chuyện của vợ mình là chuyện vớ vẩn hoặc vợ mình là người kém hiểu biết.

Thật ra, người vợ có cái lý của họ. Những gì mà người chồng cho là vô lý nơi vợ mình, thực ra chỉ là những điều mà ông ta không hiểu hoặc không muốn hiểu. Lắm khi người đàn bà tỏ ra vô lý để buộc người chồng phải xử sự như một người người đàn ông.

Tiếng “không” mà đôi khi người vợ phải thốt lên với chồng là một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy ông không thể xử sự với vợ chỉ bằng lý luận khúc chiết của ông, trái lại, còn phải có tình thương, sự cảm thông và sự khoan nhượng hơn.

Người vợ nói “không” là để thách thức người chồng xử sự như một người chồng đích thực như một tác giả đã nói: “Người người đàn ông chỉ thực sự là người đàn ông khi có người đàn bà”. Người chồng chỉ thực sự là người chồng khi có sự thách thức của người vợ.

Người chồng đừng bao giờ quên rằng: người vợ, tự bản chất, mong muốn cho những người thân của mình được hạnh phúc. Nhưng dĩ nhiên theo cách của bà. Khi mong muốn cho người thân của mình được hạnh phúc, người đàn bà cũng có thể tỏ ra độc tài như là muốn mọi người phải làm theo ý mình. Nhưng cái ý muốn làm cho người khác được hạnh phúc và bắt người khác phải làm theo ý mình thực ra cũng là một hình thức dâng hiến của người đàn bà.

Người ta thường nói: người đàn bà thường hành động bằng tình cảm hơn bằng lý trí. Đó là lý do khiến người đàn bà dễ khăng khăng với lập trường của mình hơn. “Vợ muốn là trời muốn” là thế.

Khác với đàn ông, người đàn bà nhìn vào thực tế bằng một cái nhìn phân tích. Họ dừng lại ở những đặc điểm nhỏ và chi tiết của sự vật do cảm tính thúc đẩy và hướng dẫn. Cái nhìn của ngưòi đàn bà về cuộc sống thường nồng nhiệt, hăng say hơn cái nhìn của người người đàn ông. Họ dễ cảm xúc hơn người đàn ông khi đứng trước nỗi khổ của người khác. Người ta gọi cái nhìn của người đàn bà là cái nhìn trực giác. Nghĩa là đàn bà nhìn xuyên suốt bản chất sự vật và thích nghi với thực tế dễ dàng hơn người đàn ông. Chính vì cái nhìn trực giác ấy mà có lẽ tính khí của đàn bà dễ thay đổi hơn người đàn ông.

2. Trong một đại hội y khoa quốc tế mới đây, người ta khẳng định, sự yếu đuối về cơ bắp nơi cơ thể của người đàn bà được bù đắp bằng hiệu năng của những giác quan và hệ thống thần kinh. Do đó, thực sai lầm khi cho rằng, có một phái mạnh và một phái yếu.

Lịch sử thế giới cũng như lịch sử Giáo Hội cho thấy có biết bao người đàn bà đã viết lên những trang sử hào hùng, hoặc chính nhờ những người đàn bà mà người đàn ông mới có thể có những thành công hiển hách.

Tác giả Asler Montéguy trong cuốn sách nhan đề “Sự Trổi Vượt Của Đàn Bà” đã viết như sau:

“Đàn bà yêu thích những gì thuộc về nhân tính. Đàn ông, nói chung, có thái độ ngược lại. Người đàn ông hành động như thể họ không được yêu thương đầy đủ, như thể họ phải chịu những uẩn ức làm phát sinh trong tâm hồn họ sự thù ghét. Trở nên gây hấn, người đàn ông cho rằng, sự gây hấn là một đặc tính tự nhiên và đàn bà là những kẻ thấp hèn bởi vì họ tử tế và hoà nhã.

Sự trổi vượt của người đàn bà trên người đàn ông được thể hiện trong sức mạnh yêu thương của họ, cũng như sức đẩy nội tại khiến họ có thái độ hợp tác hơn là gây hấn”.

Chúng ta đừng quên, sức đẩy yêu thương và cộng tác là điều tự nhiên của tâm hồn con người. Sự sống còn và định mệnh của nhân loại tuỳ thuộc ở tình yêu và sự tương trợ. Vai trò của người đàn bà chính là dạy cho người đàn ông sống nhân bản, sống nên người hơn.

Một tác giả đã ví von: người đàn bà đối với người đàn ông cũng như một con số đối với những con số không. Tự nó, những con số không chẳng có giá trị nào, nhưng thêm vào đó một đơn vị nó sẽ tăng gấp bội lần giá trị của một con số.

3. Đời sống hôn nhân là khởi đầu của một cuộc khám phá. Yêu nhau, nên một với nhau, không có nghĩa là xóa bỏ mọi khác biệt; cũng không có nghĩa là bắt người khác phải nên giống mình. Sự hoà hợp chỉ có khi hai bên biết tôn trọng những khác biệt của nhau. Mãi mãi, người phối ngẫu vẫn là một mầu nhiệm để chiêm ngưỡng.

Bao lâu người chồng ý thức vợ mình có những khác biệt trong suy nghĩ, trong hành động, trong cách cư xử và cố gắng để tôn trọng và hoà hợp với những khác biệt ấy thì đó là dấu chỉ cho thấy người chồng còn tha thiết với tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.

Trái lại, khi người chồng không nhìn nhận những khác biệt ấy và cưỡng bách người vợ phải khuôn rập theo cách suy nghĩ, hành động và ý muốn của mình, lúc đó sẽ không có tình yêu nữa mà chỉ có nô lệ và sợ hãi.

Khởi đầu cuộc sống vợ chồng, người chồng trẻ nên tâm niệm mỗi ngày, vợ mình có những điểm khác biệt với mình và những khác biệt ấy không là một cản trở cho tình yêu; trái lại, là một yếu tố giúp cho mình được thêm phong phú, cần thiết cho việc vun xới và củng cố tình yêu vợ chồng.

2. NGƯỜI CHỒNG MUỐN ĐƯỢC LÀM ĐÀN ÔNG

Một tác giả đã nói: “Không người chồng nào ve vãn tán tỉnh vợ mình suốt cả đời”.

Sau thời gian hẹn hò, sau những ngày thần tiên của tuần trăng mật, nhiều người đàn bà đã thất vọng. Con người “người đàn ông” của thời gian hẹn hò, của những ngày đầu đời cuộc sống vợ chồng không còn nữa. Trước mắt họ, giờ đây chỉ còn là một người chồng với rất nhiều giới hạn và khiếm khuyết. Con người lý tưởng họ đã từng ôm ấp trong trái tim giờ đây để lộ chân tướng của mình.

1. Chúng tôi xin được phép khyên những người vợ trẻ, đừng thất vọng. Hãy thực tế để chấp nhận chồng mình, một người chồng với rất nhiều giới hạn và khuyết điểm. Người chồng đó là một người đàn ông, nghĩa là một con người có những suy nghĩ, hành động, cách cư xử khác với đàn bà; một người đàn ông luôn muốn được làm đàn ông theo cách thế riêng của họ.

Trong truyện ngắn “Tôi Muốn Làm Đàn Ông”, tác giả kể chuyện một giáo viên gương mẫu sống với người vợ đảm đang và hai đứa con thông minh của mình. Ai nhìn vào gia đình ấy cũng đều cho đó là một cảnh êm ấm tuyệt vời. Thế nhưng, cảnh êm ấm ấy suýt đổ vỡ vì sự xuất hiện của một cô giáo mới và nhất là vì người giáo viên kia muốn thực sự là một người đàn ông.

Một buổi chiều trên đường về nhà, người giáo viên bước ra phía sau khu chung cư của trường. Cảnh cô giáo mới phải loay hoay với chiếc búa và cái đinh trong tay làm người giáo viên cảm thấy xót xa và từ đó, bản tính đàn ông cũng bừng dậy một cách mãnh liệt.

Tuy với bàn tay vụng về của một nhà giáo, người giáo viên cũng giúp cho cô giáo mới đến đóng xong cái đinh, sửa lại cái ghế trong nhà. Ông hãnh diện vì sự giúp đỡ ấy và nhất là thấy được rằng, mình là một người đàn ông hữu dụng. Đó là công việc mà vợ ông không bao giờ cho ông đụng đến. Là một người đàn bà đảm đang, bà làm tất cả mọi việc trong nhà, kể cả những việc của đàn ông.

Có lần trong nhà cũng có cái ghế xiêu vẹo, người giáo viên sực nhớ mình đã hơn một lần cầm búa giúp sửa chữa bàn ghế trong nhà cô giáo ở khu chung cư. Ông muốn tỏ ra mình là một người đàn ông, nên đã mau mắn đi lấy dụng cụ bắt tay vào việc. Nhưng cách làm việc chậm rãi của ông đã khiến cho người vợ sốt ruột. Bà chụp lấy đồ nghề và chỉ trong chớp nhoáng bà đã chữa xong cái ghế. Người giáo viên lại một lần nữa thấy mình chỉ là một đứa con nít thừa thãi trong gia đình.

Những lần đi dạy về, ông thường ghé vào khu chung cư để giúp đỡ cô giáo và nhất là để thể hiện tính đàn ông của mình. Dần dà, căn hộ của cô giáo đã trở thành gian phòng quen thuộc của ông.

Dĩ nhiên, ai cũng có thể đoán được giữa hai người đã có sự khắng khít hoà hợp gần như vợ chồng. Người giáo viên gần như đóng vai trò của một người chồng đối với cô giáo. Cô giáo nương tựa vào ông. Cô hỏi ý kiến ông trong tất cả mọi sự. Nhưng với lương tâm của những nhà giáo, hai người đã biết dừng lại đúng lúc. Dù vậy, người giáo viên ấy cũng đã nói lên tâm trạng của mình như sau:

“Người đàn ông trong tôi vừa mới hồi sinh đã bị chết ngay, chết vĩnh viễn trong ngôi nhà có một người đàn bà toàn diện. Cho nên, nếu có ai hỏi tôi ước ao điều gì, thì tôi xin trả lời: ước ao được làm người đàn ông trong cái vỏ đàn ông của mình”.

2. Người đàn ông nào cũng muốn đóng trọn vai trò đàn ông của họ trong gia đình. Người đàn ông nào cũng muốn thể hiện tính đàn ông của mình, và dĩ nhiên, theo cách thế đàn ông của họ, chứ không theo sự chỉ đạo và yêu cầu của người vợ.

Trong những cuộc xích mích và cãi cọ giữa hai người, người vợ thường gọi chồng mình là kẻ ích kỷ. Đây không phải là một kết luận sai lầm. Quả thực, người đàn ông nào cũng có đôi chút ích kỷ. Ý thức hay vô thức, người đàn ông nào cũng ích kỷ. Sự ích kỷ ấy thường thể hiện bằng nỗi khát khao được độc lập nơi chính mình.

Tự bản chất, người đàn ông không thích sống dựa vào đàn bà như một bóng mờ. Họ muốn làm chủ. Họ muốn điều khiển trong gia đình. Sự độc lập ấy cũng thường được biểu lộ qua những phản ứng đầy tự ái của họ.

Nói chung, người đàn ông không thích được vợ lên lớp chỉ bảo. Cho dẫu rất yếu đuối khi đứng trước đàn bà, dẫu là nô lệ của rất nhiều đam mê, người đàn ông vẫn luôn tỏ ra làm chủ được tư tưởng, đời sống trí thức, những xác tín về tôn giáo và chính trị của mình. Người đàn ông không muốn tỏ ra lệ thuộc vào cách suy nghĩ của đàn bà. Lắm khi chúng ta nghe họ thốt lên: “Chuyện đàn bà! Chuyện vớ vẩn!”.

3. Không muốn tỏ ra lệ thuộc vào đàn bà, người đàn ông đương nhiên muốn tỏ ra mình là chủ trong nhà. Tính khí đàn ông khiến họ muốn điều khiển và chỉ đạo trong nhà. Từ đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có nhiều đàn ông cư xử một cách độc tài.

Đấy cũng chỉ là một thể hiện của sự ích kỷ nơi người đàn ông. Họ muốn được mọi tiện nghi trong nhà. Họ muốn thấy tất cả mọi sự phải sẵn sàng khi họ về đến nhà. Hình ảnh của một người chồng vừa về đến nhà vội nằm ngửa trên ghế bành, bật tivi, đọc báo… trong khi vợ mình phải đầu tắt mặt tối trong bếp, đó là hình ảnh tiêu biểu nhất của những người đàn ông ích kỷ và độc tài. Sự ích kỷ đôi khi cũng khiến cho người chồng thiếu quan tâm đến vợ mình. Ông muốn ngồi yên một chỗ. Ông chán cả những âu yếm vuốt ve của người vợ.

Dĩ nhiên không phải mọi người đàn ông đều hành động theo sự ích kỷ của mình. Sự rèn luyện, tình yêu thương đối với vợ con giúp cho rất nhiều người đàn ông thắng vượt những hẹp hòi nhỏ nhen của họ để có thể hy sinh sống trọn vẹn cho vợ con.

Tuy nhiên, không có người đàn ông nào là lý tưởng cả. Mỗi con người là một thực thể độc nhất vô nhị. Mỗi người đàn ông đều có những đức tính và những khuyết điểm của họ.

Trong những đức tính và khuyết điểm ấy, điểm nổi bật hơn cả nơi đàn ông chính là muốn thể hiện tính đàn ông của mình. Người đàn ông nào cũng muốn làm và được hãnh diện làm đàn ông. Hôn nhân là điều kiện để cho tính đàn ông của họ được thể hiện một cách trọn vẹn. Vai trò của người vợ là giúp cho chồng mình được trở nên đàn ông hơn. Sống với một người đàn ông có nghĩa là chấp nhận những tham vọng, những khó khăn, những khuyết điểm của họ. Nhưng đồng thời cũng giúp cho họ tăng trưởng theo những đức tính của họ.

Tình yêu vợ chồng chỉ có thể được xây dựng, được vun xới trong chân lý và bác ái. Trong chân lý nghĩa là chấp nhận và chịu đựng những khuyết điểm, những thiếu sót của nhau, cũng như những khác biệt trong bản chất của mỗi người. Trong bác ái, nghĩa là không ngừng cảm thông và tha thứ.

Xét cho cùng, sự hiện diện và tình yêu của người chồng là một thách đố đối với người vợ. Người chồng sẽ là động cơ, là trợ lực giúp cho người vợ sống trọn ơn gọi đàn bà của họ hơn.

3. HIỂU VỢ VÀ CẢM THÔNG VỚI VỢ

Những năm gần đây, báo chí không ngừng nói đến cuộc hôn phối không mấy êm đẹp giữa Hoàng tử Charles và Công chúa Diane của nước Anh.

Sau 11 năm chung sống và được hai mặt con, người ta có cảm tưởng như cặp vợ chồng quí tộc này không thể tiếp tục hoà hợp được với nhau nữa. Hoàng tử thì mê man trong những thú vui thể thao và mối quan tâm về môi sinh. Công chúa thì khóc thầm vì không được Hoàng tử săn sóc với những sở thích của mình. Hai tính khí như hai con đường song song với nhau.

Hoàng tử Charles đã chuẩn bị kỹ lưỡng những kỹ năng cần thiết để làm một vị vua, nhưng có lẽ ông chưa chuẩn bị đủ để làm một người chồng tốt.

Một người chồng tốt thiết yếu là một người đàn ông luôn biết quan tâm đến vợ mình. Quan tâm đến vợ cũng có nghĩa là ý thức được những khác biệt của vợ, đoán biết đâu là những chờ đợi của vợ.

Sự hiểu biết và thông cảm đó chính là quy luật cơ bản mà chúng tôi xin được nhắn gửi tới những người chồng trẻ.

1. Trong đời sống vợ chồng, có lẽ không hình ảnh nào đẹp cho bằng hình ảnh người vợ chờ chồng đi làm về. Người vợ như muốn cho chồng mình thấy rằng, chồng là tất cả của họ. Suốt một ngày chờ đợi như nổ tung ra khi người chồng xuất hiện. Người vợ sẽ phá tan sự căng thẳng chờ đợi ấy bằng đủ thứ chuyện mà chị muốn kể cho chồng mình nghe. Từ chuyện những người hàng xóm đến chuyện con cái, quay sang chuyện chợ búa, bếp núc. Người vợ muốn chồng nghe tất cả những gì mà mình đã sống trong một ngày chờ đợi. Có những chuyện quan trọng mà có thể cũng có những chuyện không quan trọng.

Nhưng đối với người vợ, điều quan trọng không phải là nội dung của những gì họ kể ra cho bằng chính nhu cầu được nói, được tâm sự, được chia sẻ.

Cô đơn là thử thách nặng nề nhất đối với người đàn bà. Do đó, nhu cầu lớn nhất của họ là được ra khỏi chính mình. Người chồng tốt là một người chồng luôn biết quan tâm đến nhu cầu ấy.

Sau một ngày vất vả ngoài đồng áng, sau một ngày tất bật nơi sở làm, sau một ngày bị bao vây bởi không biết bao nhiêu bực bội, người chồng nào cũng mong tìm được những giây phút thanh thản yên lặng. Nhưng họ nên nhớ rằng, nhu cầu được thông tin, được chia sẻ của người vợ có lẽ còn lớn hơn cả nhu cầu được yên tĩnh của họ. Sự hoà hợp trong đời sống vợ chồng đòi hỏi người chồng bước thêm một bước nữa trong sự hy sinh của mình. Đó là lắng nghe, cảm thông với vợ mình.

2. Nhu cầu được chia sẻ, được lắng nghe, được nói, được ra khỏi chính mình thật ra, cũng là sự thể hiện một nét đẹp thiên phú của tâm hồn nữ giới. Đó là được dâng hiến, trao ban. Nhu cầu ấy là động lực nguyên thủy trong tâm hồn người đàn bà.

Người đàn ông có thể cuộn mình trong cái vỏ của họ để hưởng thụ, để sống một mình mà không cần quan tâm đến sự hiện hữu của những người chung quanh. Người đàn bà thì trái lại, họ không thể sống, không thể hành động, không thể hưởng thụ một mình. Họ muốn cho những cảm xúc của họ được vang dội trong tâm hồn người khác. Họ muốn cho sự hy sinh của mình được người khác nhìn nhận và biết ơn. Họ muốn niềm vui của mình cũng được chia sẻ cho người khác.

Điển hình nhất hẳn là tâm hồn đầy nữ tính của Mẹ Maria. Ngay sau khi được mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần, Mẹ đã vội vã lên đường đến chia sẻ niềm vui với người chị họ. Người ta cũng thấy rõ sự nhạy cảm đầy nữ tính của Mẹ trong tiệc cưới Cana. Không đợi cho chủ tiệc gợi ý, Mẹ đã đi trước sự cầu cứu của ông.

Sự nhạy cảm, nhu cầu muốn chia sẻ được thể hiện không chỉ qua những cử chỉ quảng đại, nhưng đồng thời, qua cả những chuyện vụn vặt bình thường. Đó là mẫu số chung của mọi tâm hồn nữ giới mà thiết tưởng một người chồng tốt không thể không quan tâm đến.

3. Trao ban và dâng hiến, người đàn bà xem đó như một thể hiện của nữ tính. Đó là một cách thế để họ khẳng định chính mình. Bởi đấy, người đàn bà còn có nhu cầu được nhìn nhận và biết ơn. Một tiếng cám ơn, dù chỉ được nói lên một cách máy móc, sẽ được người đàn bà đón nhận và cất giữ rất trân trọng.

Trong một bài huấn đức ngắn, vị Giáo Hoàng vắn số là Đức Gioan Phaolô I có kể câu chuyện này:

Một người đàn bà đảm đang phục vụ cho một ông chồng, mấy đứa con trai và mấy người anh em trai khác trong nhà. Những người đàn ông trong nhà không biết lay một ngón tay để giúp đỡ bà. Một buổi sáng chủ nhật kia, họ kéo nhau đi chơi ở ngoài, chỉ còn lại người đàn bà với đủ thứ công việc nội trợ. Buổi trưa khi về đến nhà, thay cho mâm cơm trên bàn họ chỉ thấy mặt bàn trống trơn.

Chờ cho những người người đàn ông chấm dứt những lời than phiền kẻ cả của họ, người đàn bà mới lên tiếng nói: “Các ông chỉ chờ cho tôi sai sót để trách móc. Từ bao lâu nay tôi hầu hạ các ông, mà các ông có bao giờ mở miệng nói lên một lời cám ơn hay khen ngợi tôi không?”.

4. Người đàn bà có nhu cầu được khen ngợi và đón nhận những lời cám ơn của người khác. Một người đàn ông muốn giữ vợ, một người đàn ông muốn sống hoà thuận với vợ, người đàn ông ấy phải biết mở miệng khen ngợi và cám ơn vợ mình.

Một người chồng tốt sẽ không bao giờ coi những việc vợ làm cho mình là một bổn phận, là điều phải làm. Hãy đón nhận tất cả những gì vợ làm cho mình như một trao ban. Hãy không ngừng nói lên những tiếng cám ơn và những lời khen tặng. Nhạc sĩ Bach đã có lần nói với vợ ông, “Cho dẫu gương mặt em có vẻ mệt mỏi, cho dẫu tóc em có bạc màu, em vẫn trẻ đẹp như cách đây hai mươi năm”.

Những tiếng cám ơn và những lời khen tặng mà người chồng dành cho vợ không chỉ là những công thức của phép lịch sự và xã giao, mà phải xuất phát từ lòng chân tình của mình. Cái chân tình ấy không xuất phát cách tự nhiên, mà là kết quả của sự thay đổi trong cái nhìn.

Người chồng đừng quên rằng, những cái mà ông cho là nhỏ nhặt, là vớ vẩn, là chuyện đàn bà có thể là những điều rất quan trọng đối với vợ ông. Nếu người đàn ông biết nhìn ra tầm quan trọng của những cái nhỏ nhặt, không ra gì đó có lẽ ông đã tìm ra được bí quyết của hạnh phúc gia đình.

Nói cách khác, người chồng đó đã hiểu được vợ, đã cảm thông với vợ, và nhất là đã biết quan tâm đến vợ mình.

4. HIỂU CHỒNG VÀ CẢM THÔNG VỚI CHỒNG

Cơn khủng hoảng trong gia đình của hoàng gia Anh, giữa Hoàng tử Charles và Công chúa Diane, đã là đề tài sốt dẻo trên báo chí Anh và thế giới suốt nhiều tháng trời. Người ta qui lỗi cho Hoàng tử Charles vì ông không biết yêu thương, chiều chuộng, săn sóc vợ. Nhưng liệu Công chúa Diane có phải là người hoàn toàn không đáng trách trong cuộc khủng hoảng này chăng?

Nếu hôn nhân là một công trình phải xây dựng chung của hai vợ chồng, thì sự đổ vỡ hay bất cứ một xáo trộn nào có phải là tại lỗi của một người không?

Người ta trách cứ Hoàng tử Charles là người không biết để ý đến vợ mình. Nhưng liệu Công chúa Diane có chấp nhận những khác biệt của chồng và biết chia sẻ những thao thức, những tham vọng, những sở thích của chồng mình không?

Chúng tôi nghĩ rằng, tâm trạng của Công chúa Diane cũng có thể là nỗi lòng của rất nhiều người vợ trẻ: “Chồng tôi không còn để ý đến tôi! Chồng tôi không còn săn sóc tôi! Chồng tôi không muốn hiểu tôi nữa”. Những lời than vãn ấy vốn có nền tảng. Nhưng đó cũng có thể là tâm trạng của chính những người vợ không muốn hiểu hoặc chưa hiểu và cảm thông với chồng mình.

Họ quên rằng, người chồng có những cách suy nghĩ, có những phản ứng, có những bộc lộ khác với mình. Họ cũng quên rằng, hôn nhân là một hoà hợp từ những khác biệt giữa hai tính khí khác biệt.

1. Người ta có thể nói, nơi người đàn bà tất cả đều là quả tim, trong khi đó nơi người đàn ông, tất cả đều là cái đầu. Ngay cả khi yêu, người đàn ông cũng yêu với đầu óc, với sự lý luận của mình. Đó là lý do tại sao đàn ông đơn giản hơn đàn bà. Đơn giản ở đây không đồng nghĩa với ngây ngô khờ khạo mà chính là trong suốt, minh bạch. Người đàn ông không để ý đến những chi tiết. Họ nhìn thẳng vào điều cốt yếu. Họ xếp loại mọi sự. Khi biểu lộ tình cảm của mình, người đàn ông xem ra ít tế nhị, ít tinh tế, thậm chí có khi cục mịch nữa.

Lý do là vì đàn ông có khuynh hướng nhắm thẳng vào mục đích hơn là đi vòng vo. Điều này dễ tạo ra xung đột và thậm chí còn gây tổn thương cho người khác. Tính đơn giản nơi người đàn ông một phần cũng do chính cấu trúc thể lý của họ. Sức mạnh thân xác khiến họ tự tin và cũng dễ gây hấn hơn.

Người vợ cũng cần phải hiểu rằng, một trong những nhu cầu lớn của chồng mình chính là hoạt động. Một người đàn ông chỉ thực sự được thỏa mãn khi họ hiến thân cho một công việc, một lý tưởng, một hành động, một công cuộc. Người đàn ông luôn muốn sáng tạo bằng sức mạnh của đôi tay, bằng sự suy nghĩ của khối óc. Người đàn ông thích nghĩ đến những cái mới mẻ. Sự phát triển nhân cách, niềm hạnh phúc của người đàn ông tuỳ thuộc phần lớn vào sức hoạt động ấy.

Do đó, một người vợ tốt sẽ không bao giờ là một cản trở đối với sự hoạt động của chồng. Người vợ ấy sẽ không tỏ ra buồn phiền khi người chồng không dành mọi tâm tư và suy nghĩ cho mình. Người vợ phải nghĩ rằng, nhân cách của người đàn ông mình yêu thương kính trọng chỉ được thực hiện qua những hoạt động và thi thố bên ngoài ấy.

Người ta có trách cứ Hoàng tử Charles của Anh quốc quá đam mê trong những trò chơi thể thao và mối quan tâm về môi sinh đến độ quên đi những chiều chuộng, săn sóc Công chúa Diane đang chờ đợi nơi ông. Nhưng thiết tưởng, người ta cũng cần phải hiểu rằng, Hoàng tử Charles muốn thể hiện nhân cách của ông qua những hoạt động ấy. Ông muốn cho mọi người thấy mình là một người đàn ông dũng mạnh và là một con người biết lo cho đại sự. Hẳn hơn ai hết ông cũng mong được người vợ chia sẻ những sở thích và thao thức của ông.

2. Người vợ nên nhớ rằng, những cách biểu lộ tình cảm của người đàn ông khác với người đàn bà. Tình yêu thương người đàn ông dành cho gia đình, vợ con thường được biểu lộ qua sự chú tâm, những hy sinh, sự cặm cụi làm việc. Cho dẫu người đàn ông có thiếu tế nhị và lịch sự, cho dẫu cung cách của người đàn ông có thiếu sự tinh tế và tình cảm, thì điều đó không có nghĩa là người đàn ông không biết yêu hay không có tình yêu.

Người chồng có thể không nhớ ngày sinh hay những dịp đáng ghi nhớ khác của người vợ hay của đời sống gia đình. Người vợ sẽ không vì thế mà trách móc chồng mình là người vô tâm. Dĩ nhiên, đó có thể là những thiếu sót của người chồng. Nhưng những thiếu sót đó không hẳn đã là thể hiện sự vô tâm. Người đàn bà phải tự nhủ rằng, người đàn ông không thể hiện tình yêu thương giống như mình. Một người đàn bà yêu chồng và tha thiết với hạnh phúc gia đình phải là một người đàn bà sống trọn vẹn cho chồng. Bà hãy xem những tham vọng, những sở thích, những hoạt động của chồng như của chính mình.

Với sức mạnh của đôi tay, với tính khách quan trong phán đoán, với sự tự chủ trong những cảm xúc, người đàn ông cũng muốn là chủ trong nhà. Người đàn bà, tự bản chất, cũng muốn bên cạnh mình có một nơi nương tựa vững chắc. Do đó, trong bất cứ xã hội nào, vai trò chủ động của người đàn ông trong gia đình là điều không ai chối cãi. Người chồng nên thành toàn hơn, nghĩa là có một nhân cách được phát triển hơn khi họ đóng trọn vai trò ấy. Một người vợ yêu chồng sẽ là một người đàn bà biết nhìn nhận vai trò ấy của chồng và tạo điều kiện để chồng mình thi thố vai trò ấy.

Người chồng không chỉ muốn được nhìn nhận như người làm chủ trong gia đình. Ông còn muốn xã hội cũng nhìn nhận điều ấy nữa. Do đó, một người vợ yêu chồng phải là một người tha thiết với những hoạt động xã hội của chồng.

Một trong các phu nhân Tổng thống được ca tụng nhiều nhất hiện nay có lẽ là Đệ Nhất Phu Nhân Bush, phu nhân của đương kim Tổng thống Mỹ. Bà luôn sát cánh bên chồng trong tất cả mọi hoạt động của ông. Người ta nói, bà là cố vấn được Tổng thống tham khảo nhiều nhất. Tuy nhiên, điều đáng ca tụng nơi bà là bà luôn biết rõ vị trí của mình. Bà biết rút lui đúng lúc để không xen vào những quyết định của chồng.

3. Hôn nhân là một công trình xây dựng chung của hai vợ chồng. Hai tâm lý khác nhau, hai lối suy nghĩ khác nhau, hai biểu lộ khác nhau, hai sở thích khác nhau. Đó là kho tàng quí giá nhất của đời sống vợ chồng. Sự khác biệt đó không phải là hố ngăn cách hai người, mà trái lại, bổ túc cho nhau, làm cho nhau nên phong phú hơn.

Hôn nhân là một cách sống ơn gọi làm người. Chính nhờ đời sống hôn nhân mà con người nên người hơn, nên phong phú hơn, nên thành toàn trong nhân cách hơn. Và để đạt được ơn gọi ấy, hai người phối ngẫu phải biết tiếp nhận nhau, biết xem những khác biệt của nhau như những giá trị giúp nhau nên phong phú. Nói tóm lại, nên một với nhau, hoà lẫn với nhau, nhưng không đánh mất chính mình. Đó là vẻ đẹp của đời sống vợ chồng.

5. NHÌN NHẬN SỰ BÌNH ĐẲNG CỦA VỢ

Linh mục Bernard T., nhà luân lý học nổi tiếng người Đức, đã kể lại rằng:

Kỷ niệm đẹp nhất về việc tông đồ trong đời tôi là lần giải tội đầu tiên.

Hôm đó, một người đàn ông đến xưng với cha về một thứ tội dường như không có trong danh mục của bản hướng dẫn xét mình. Người đó xưng thú rằng, mình đã không vâng phục vợ. Lần đầu tiên nghe thứ tội lạ lùng như thế, vị linh mục mới hỏi hối nhân:

- Từ trước đến nay tôi chỉ nghe nói rằng, người vợ phải phục tùng chồng, sao ông lại xưng thú rằng, ông đã không vâng phục vợ?

Người đàn ông giải thích:

- Thưa cha, con có tội, là bởi vì vợ con có lý mà con vẫn không chấp nhận điều đó.

Nghe thế, vị linh mục mới hỏi hối nhân:

- Ông có chấp nhận việc đền tội bằng cách trở về nói với vợ ông rằng, bà ta có lý không?

1. Chấp nhận sự có lý của người vợ không phải chỉ là một việc làm đơn giản. Đó là đòi hỏi cốt yếu của một cái nhìn đúng đắn của người chồng đối với vợ mình. Cái nhìn đó là người vợ bình đẳng với chồng. Tình yêu vợ chồng đích thực chỉ có thể được xây dựng trên sự bình đẳng mà thôi. Đó là điều mà thiết tưởng những người chồng trẻ nên tâm niệm mỗi ngày.

Để giúp hoàn chỉnh đời sống hôn nhân, một người chồng trẻ có lẽ nên xét mình bằng câu hỏi: Tại sao tôi lập gia đình? Tại sao tôi cưới vợ?

Tôi cưới vợ, bởi vì tôi cần có một người nội trợ nấu nướng, chăm sóc cửa nhà.

Tôi cưới vợ, bởi vì tôi có tiền, tôi muốn khuyếch trương công việc làm ăn của tôi.

Tôi cưới vợ, bởi vì tôi muốn có một cuộc sống chừng mực, tôi muốn có những đứa con.

Tôi cưới vợ, bởi vì đó là phong tục của xứ sở tôi, không ai làm khác hơn khi đến tuổi của tôi.

Nếu tôi lập gia đình vì một hay vì tất cả những lý do trên đây thì có lẽ người vợ chỉ còn là một phương tiện hay dụng cụ để tôi giải quyết những vấn đề của tôi mà thôi. Những vấn đề đó có thể thuộc lãnh vực tâm lý, sinh lý, hay xã hội. Nhưng dù nhìn dưới bất cứ khía cạnh nào, người vợ cũng chỉ là một dụng cụ. Liệu trong một cái nhìn như thế về người vợ có thể có một tình yêu vợ chồng đích thực không?

2. Một quan niệm như thế về người vợ hẳn vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều người chồng. Từ chỗ chọn vợ, kén vợ đến việc “dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”. Thái độ này không khỏi hàm ẩn một cái nhìn “chồng chúa, vợ tôi” của nhiều người chúng ta. Người ta đi chọn vợ như chọn một món hàng. Người ta dạy vợ bởi vì vợ là một dụng cụ trong tay cần phải được nhuần nhuyễn mới thỏa mãn được những mục đích mình đề ra.

Vì cái nhìn ấy, người chồng tự cho mình quyền dạy dỗ, răn bảo, khuyên nhủ, hăm đe, và nếu cần, sửa trị bằng những hành động vũ phu. Tại sao có nhiều người chồng thường hành hung vợ? Phải chăng vì họ cho rằng, người vợ trong tay họ như một dụng cụ cần được uốn nắn và sử dụng theo ý mình muốn.

Đành rằng, với sức mạnh của đôi tay, với sự vững chãi trong lý luận, người đàn ông phải đóng vai trò làm chủ, lèo lái trong gia đình. Nhưng điều đó không có nghĩa là người đàn ông đương nhiên làm chủ hay chiếm hữu người vợ như một dụng cụ.

3. Cuộc sống hôn nhân đích thực chỉ có thể xây dựng trên tình yêu. Nói đến tình yêu thì phải nói đến tôn trọng bình đẳng. Tại sao tôi cưới vợ? Câu trả lời đúng đắn phải là: vì tôi yêu thương, và tôi muốn sống hoàn toàn và trọn vẹn cho vợ tôi.

Yêu thương thiết yếu có nghĩa là muốn điều thiện hảo cho người mình yêu. Yêu thương là sống cho và hy sinh tất cả vì người mình yêu. Đó phải là tâm niệm của những người chồng trẻ. Một tâm niệm như thế sẽ khiến cho người chồng gạt bỏ được cái tư tưởng muốn chiếm đoạt và làm chủ vợ mình. Một tâm niệm như thế sẽ giúp họ chấp nhận những khác biệt hay cả những khuyết điểm nơi người vợ.

Mỗi con người là một huyền nhiệm. Điều đó vẫn tiếp tục có giá trị trong đời sống vợ chồng. Mãi mãi người vợ là một kho tàng vô tận để cho người chồng khám phá. Tâm hồn người phụ nữ phong phú đến nỗi dù cả một đời cũng sẽ quá ngắn ngủi để cho người chồng có thể hiểu được trọn vẹn vợ mình. Nơi người vợ, những bất toàn và những cái đẹp quyện vào nhau khắng khít đến độ người chồng phải đón nhận tất cả như một toàn thể.

Một tác giả đã nói: “Người đàn bà dịu dàng và quí phái đến đâu cũng có chút diêm sinh của hỏa ngục. Và không có một người đàn bà nào xấu xa đến độ không còn một góc của thiên đàng trong tâm hồn họ”.

Đón nhận người vợ với tất cả những khuyết điểm và đức tính của họ phải là thái độ cơ bản của một người chồng trưởng thành. Lắm khi trong đời sống vợ chồng, người chồng chỉ lưu ý đến những khuyết điểm mà quên đi những đức tính tốt của vợ mình.

Tình yêu đích thực là một tình yêu tỉnh thức và quảng đại. Tỉnh thức để nhìn ra những đức tính tốt tiềm ẩn nơi người vợ. Quảng đại để có thể cảm thông và tha thứ cho những khuyết điểm của vợ. Đôi khi những khuyết điểm ấy cũng có thể là những đức tính tốt được thể hiện một cách lệch lạc. Chẳng hạn như tính hay ghen nơi người đàn bà.

Người ta vẫn nói một chút ghen tương là gia vị làm cho tình yêu thêm đậm đà. Nhưng gia vị nào được dùng quá liều lượng cũng biến thức ăn ra mặn chát, chua cay. Một chút ghen tương của người vợ là biểu hiện của tình yêu và sự âu yếm mà người vợ dành cho chồng, nhưng khi ghen tương trở thành bệnh hoạn thì tình yêu chỉ còn là mật đắng.

Dẫu sao người chồng cũng nên hiểu rằng, tự nó, ghen tương là mặt trái của một tình yêu không được hướng dẫn. Hiểu được như thế, người chồng sẽ dễ dàng cảm thông với vợ. Đối với những khuyết điểm khác của vợ cũng thế. Nếu người chồng biết nhận ra đó là những tín hiệu của những đức tính tốt, ông sẽ dễ dàng chấp nhận con người của vợ mình hơn.

4. Bước vào đời sống hôn nhân, những người chồng trẻ không nên ghĩ rằng, họ sẽ làm chủ hay làm thầy dạy của vợ mình. Tình yêu của họ phải được xây dựng trên sự tôn trọng và bình đằng. Phải luôn ý thức, chức năng của người chồng không phải là uốn nắn, cải tạo người vợ theo như ý muốn của mình. Người vợ sẽ không bao giờ trở thành mẫu người như người chồng mong muốn.

Với những đức tính cũng như khuyết điểm, người vợ là một thực thể độc nhất vô nhị, không giống ai. Người vợ là đối tượng của tìm hiểu, của cảm thông, của tha thứ. Chỉ trong cái nhìn và cách cư xử như thế, người vợ mới là người bạn đường cùng đồng hành trong yêu thương, chứ không là một dụng cụ.

6. CẦN HIỂU CHỒNG HƠN NỮA

Chuyện hôn nhân của các vị Hoàng tử, Công chúa luôn là những tin sốt dẻo trên báo chí. Chưa hết xôn xao bàn tán về cơn khủng hoảng trong đời sống vợ chồng của Hoàng tử Charles và Công chúa Diane bên Anh quốc, người ta lại chú ý đến chuyện Công chúa Caroline của tiểu vương quốc Monaco.

Người ta kháo lên rằng, Công chúa Caroline sẽ thành hôn với tài tử Vincent, và lần này hôn lễ sẽ công khai diễn ra trong nhà thờ. Bởi vì mới đây, tòa án tối cao của Giáo Hội Rôma đã tuyên bố cuộc hôn phối của cô vào năm 1978 là không thành. Cô và người chồng đầu tiên đã ly dị ở tòa án dân sự năm 1982. Cô đã làm đơn xin Giáo Hội cứu xét để tuyên bố hôn nhân của cô không thành.

Sau 10 năm điều tra, tòa án tối cao của Giáo Hội xác quyết hôn phối đầu tiên của cô đã không thành sự vì thiếu phán đoán và không trưởng thành.

Thiếu phán đoán về nghĩa vụ trong đời sống vợ chồng, và không trưởng thành để có thể nói lên một sự ưng thuận đầy đủ là hai lý do có thể làm cho hôn phối không thành sự. Nhiều người bước vào đời sống hôn nhân nhưng chưa trưởng thành đầy đủ để đảm nhận những bổn phận của đời sống vợ chồng. Nhiều người cũng chưa trưởng thành đầy đủ để xây dựng tình yêu hôn nhân. Một trong những dấu hiệu của sự thiếu trưởng thành đó là họ không hiểu hoặc không muốn hiểu những khác biệt nơi người phối ngẫu của mình. Những xung khắc đưa đến đổ vỡ thường bắt nguồn từ chỗ không hiểu nhau.

Tiếp tục bàn đến những khác biệt giữa vợ chồng, hôm nay chúng tôi xin được khuyên người vợ trẻ hãy cố gắng hiểu và cảm thông với chồng mình.

1. Một trong những điều cơ bản nhất mà người vợ trẻ nên nhớ, đó là người đàn ông không muốn được đối xử như trẻ con. Dĩ nhiên ai cũng muốn được yêu thương, chiều chuộng, săn sóc. Nhưng người đàn ông không chờ đợi nơi vợ mình một thứ tình yêu mà mẹ ông đã dành cho ông.

Người đàn bà nào cũng có khuynh hướng cư xử với chồng như một người mẹ. Họ lo cho chồng từng li từng tí. Thoạt tiên người đàn ông dễ cảm động về sự chú ý và săn sóc của người vợ. Nhưng người đàn bà càng đối xử với chồng bằng tình mẫu tử thì người đàn ông lại càng cảm thấy mình nhỏ bé lại. Hãy thử tưởng tượng một người đàn ông lúc nào cũng có một người đàn bà bên cạnh mình để nhắc nhở, khuyên răn mình mọi chuyện, từ việc ăn uống đến việc phục sức.

Thái độ cực đoan nào cũng dễ làm cho người khác bực mình. Người đàn ông thèm được săn sóc chiều chuộng. Nhưng một sự chiều chuộng thái quá sẽ cho họ có cảm tưởng họ không phải là một người đàn ông cứng rắn, một người trưởng thành và đáng tin cậy.

2. Người đàn ông tự bản chất thích được độc lập. Kinh Thánh nói, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình để luyến ái và nên một với vợ mình. Lìa bỏ cha mẹ, phải chăng đó không phải là một hình ảnh nói lên nỗi khát khao muốn được tự lập của người đàn ông? Hôn nhân chính là cơ hội để người đàn ông thể hiện nỗi khát khao độc lập ấy.

Một gia đình riêng, một mái nhà riêng, một công việc riêng, đó là thể hiện của tinh thần độc lập nơi người đàn ông. Vai trò chủ động trong gia đình cũng xác quyết tư thế độc lập của người đàn ông. Người đàn ông nào cũng muốn có sự tùng phục của mọi người trong gia đình. Nếu không phải là con người bệnh hoạn thì cũng phải là người có cá tính rất mạnh mẽ để người đàn ông có thể chấp nhận vai trò lu mờ sau lưng người vợ của mình. Người ta hay nói đến những ông Quận công ngớ ngẩn phải làm chồng của các nữ hoàng hoặc của những người đàn bà có chức vụ quan trọng trong một quốc gia.

Người chồng nào cũng cần sự trợ giúp của người vợ. Nhưng lắm khi sự trợ giúp ấy không đáp lại được những chờ đợi của người chồng. Đôi khi sự săn sóc chiều chuộng thái quá của người vợ lại làm tổn thương tự ái của người chồng. Cái khuynh hướng độc lập nơi người đàn ông thường khiến họ tìm mọi cách để thoát khỏi sự kiềm tỏa trong gia đình, nhất là của người vợ.

Những người vợ trẻ nên lưu ý, sự hỏi han ân cần của họ làm cho người chồng cảm thấy thoải mái, nhất là khi gặp những căng thẳng ngoài xã hội. Nhưng khi sự ân cần hỏi han ấy biến thành một thứ hạch sách, điều tra thì dĩ nhiên người chồng sẽ cảm thấy bị tổn thương và mặc cảm. Từ đó họ dễ đi đến chỗ khép kín đối với người vợ.

Cái duyên dáng của người đàn bà chính là sự dịu dàng kín đáo. Bao lâu người vợ vẫn còn giữ được nét dịu dàng kín đáo ấy, họ vẫn còn thu hút và giữ được người chồng.

3. Tự bản chất, người đàn ông nào cũng ích kỷ. Thường họ không nhận ra rằng, họ ích kỷ, vì họ vẫn cảm thấy bị lôi cuốn bởi những chuyện đại sự, những lý tưởng cao đẹp. Do đó, người đàn ông không bao giờ tỏ ra ích kỷ vì tính toán suy nghĩ. Lòng tốt vẫn trổi vượt trong tâm hồn họ. Nhưng dĩ nhiên lòng tốt ấy không được diễn tả một cách trực tiếp như nơi người đàn bà. Đó là điều mà người vợ trẻ nên cố gắng tìm hiểu ở chồng mình.

Lòng tốt nơi người đàn ông thường được thể hiện một cách kín đáo, nhưng cương quyết và bền vững. Một người sẵn sàng hy sinh tất cả để lo cho sinh kế của gia đình. Một người cha sẵn sàng đánh đổi tất cả để cho con cái được nên người. Hình ảnh của một người đàn ông đầu tắt mặt tối ngoài đồng, tại công xưởng, hoặc chạy đôn chạy đáo giữa phố chợ, hẳn đó chỉ có thể là biểu lộ của lòng tốt mà thôi.

Lòng tốt ấy đôi khi cũng được thể hiện bằng sự nghiêm khắc. Người cha nào cũng thương con. Nhưng có thể sẽ lạnh lùng và khe khắt với con để chỉ mong sao cho con nên người. Lòng tốt của người đàn ông khiến họ chú tâm vào công việc đến độ hờ hững, lạnh lùng trong cách biểu lộ tình cảm. Họ có thể quên không nói một lời cám ơn. Họ có thể vô tư đến độ không biết nói một lời khen tặng với vợ. Họ cũng có thể không quan tâm đến những kỷ niệm đáng nhớ, những dịp đáng mừng trong gia đình. Nhưng không phải vì thế mà người vợ sẽ suy diễn rằng, chồng mình không còn yêu thương mình nữa. Đó có thể là một thiếu sót, vụng về nơi người chồng. Nhưng đó không hẳn là dấu hiệu của sự nguội lạnh hay sự thiếu tình yêu nơi chồng.

4. Chúng ta thường nói “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Càng gần gũi thân mật, người ta càng dễ coi thường nhau. Điều này càng đúng hơn trong đời sống vợ chồng. Sự gần gũi thân mật giúp hai người hiểu nhau hơn, nhưng đồng thời cũng có thể đưa họ đến chỗ chỉ còn thấy những khyết điểm của nhau.

Người ta chỉ có thể cứu vãn được đời sống vợ chồng khi biết tỏ ra khoan dung và thông cảm. Thông cảm ở đây không chỉ có nghĩa là chấp nhận và tha thứ cho những khuyết điểm của người phối ngẫu, mà còn biết nhìn vào những khuyết điểm ấy cách lạc quan hơn. Nghĩa là coi những khuyết điểm ấy như một cách biểu lộ của những đức tính tốt.

Với một cái nhìn như thế, hẳn người vợ sẽ dễ dàng chấp nhận, thông cảm và tha thứ cho chồng mình hơn. Đạt được một cái nhìn và cách cư xử như vậy là người vợ đã đạt được một bước trong sự trưởng thành nhân cách của mình. Và sống được như thế, tức là thể hiện được ơn gọi làm người của mình hơn.

7. KIÊN NHẪN TÌM HIỂU THÊM VỀ VỢ MÌNH

Nhân dịp mừng 50 năm thành hôn, một cụ già đã phát biểu trước 8 người con trai và 30 người cháu:

“Nếu cuộc hôn nhân của ta được hạnh phúc là nhờ ta đã áp dụng được triệt để lời khuyên của vị linh mục chủ sự lễ hôn phối cách đây 50 năm.

Thật thế, vị linh mục ấy đã nói với ta như sau: ‘Đừng có ai trong hai người khai mào cuộc cãi vã. Ai là người đầu tiên gây sự, sẽ đe doạhạnh phúc lứa đôi’. Vị linh mục này đã có lý.

Từ 50 năm nay chúng ta đã cố gắng giữ hết sức, để không ai là người đầu tiên gây ra cuộc cãi vã. Chúng ta có rất nhiều khác biệt. Nhưng chúng ta đã biết trao đổi để vượt qua những khác biệt đó. Đấy là bí quyết hạnh phúc của chúng ta.

Nếu lời khuyên trên đây chỉ được thực hành với một số điều kiện, thì những điều kiện đó đối với ta luôn luôn có trong các giới răn của Chúa, nhất là cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích.

Các con, các cháu yêu quí, nếu các con, các cháu muốn được hạnh phúc và được Chúa chúc lành thì đừng bao giờ là người đầu tiên tạo ra cuộc cãi vã trong gia đình”.

Lời khuyên của cụ già trên đây, chúng tôi cũng xin được gửi đến các đôi vợ chồng trẻ. Riêng với người chồng trẻ đang chập chững bước vào đời sống hôn nhân chúng tôi xin được khuyên họ: hãy kiên nhẫn để tìm hiểu, cảm thông với người vợ trẻ của mình.

1. Trong một bài thơ bằng tiếng Phạn, người Ấn Độ đã giải thích sự bí ẩn kỳ diệu của người đàn bà qua câu chuyện sáng tạo như sau:

Thượng Đế đã lấy

vẻ uyển chuyển nhẹ nhàng

của chiếc lá rơi

và cái nhìn ngơ ngác

của nai tơ giữa rừng,

Ngài đã lấy sự nhảy múa tung tăng

của ánh mặt trời buổi sớm

và những giọt nước mát của sương mai,

Ngài đã lấy sự bất thường của gió

và sự nhút nhát của con thỏ,

Ngài đã lấy sự uyển chuyển kiêu sa

của loài công vương giả

và nét dịu dàng của chùm lông

trên cổ chim én,

Ngài thêm vào tất cả những thứ đó

sự cứng cỏi của đá kim cương,

sự dịu ngọt của mật ong rừng

sự hung bạo của loài cọp,

sức nóng của lửa thiêu

và hơi lạnh của băng tuyết.

Ngài còn thêm vào nữa

tiếng hót của chim bạc má

và tiếng gù của chim bồ câu

Ngài đã trộn lẫn

tất cả những thứ đó

để tạo nên người đàn bà

và Ngài đã mang tặng

cho người đàn ông.

2. Bài thơ trên đây muốn diễn tả những cái bất thường mà người đàn ông có thể nhìn thấy nơi người đàn bà. Những cái bất thường ấy lại được xây trên rất nhiều lý lẽ vững chắc mà chỉ có người đàn bà mới hiểu được. Người chồng có lẽ chỉ hiểu được những cái bất thường ấy sau một vài năm chung sống với nhau.

Người vợ sẽ làm cho người chồng ngỡ ngàng về tính nhẹ dạ, nông nổi cùng những ước muốn trẻ con của họ. Nhưng rồi sẽ đến lúc, người đàn ông sẽ phải cảm phục sự sáng suốt, óc thực tế bén nhạy nơi người đàn bà. Nhất là sẽ có những lúc người đàn bà tỏ ra quảng đại và can đảm gấp trăm nghìn lần người đàn ông.

Đứng trước một biến cố bất thường hoặc đau thương của gia đình, đôi khi óc lý luận và ngay cả sự tỉnh táo của người đàn ông cũng không giúp giải quyết được gì. Cuối cùng thì phải cần đến sức mạnh của người đàn bà. Đó là sức mạnh của sự chịu đựng, lòng vị tha mà Thiên Chúa đã phú bẩm cho người họ. Sức mạnh ấy kiến hiệu và vượt xa những tính toán của người đàn ông.

Mẹ thiên nhiên xem ra ưu đãi người đàn bà hơn đàn ông. Người đàn bà yếu đuối và dễ bị thương tích hơn người đàn ông, nhưng sức chịu đựng của người đàn bà trổi vượt hơn người đàn ông. Người đàn bà dễ bị xúc động hơn người đàn ông, nhưng lại đứng vững trước thử thách hơn người đàn ông. Người đàn bà có nhiều bệnh tật hơn người đàn ông, nhưng lại sống dai hơn người đàn ông. Người đàn bà chịu đựng cảnh góa bụa dễ hơn người đàn ông.

Sức mạnh đó cộng với sự hiến thân và trực giác nơi người đàn bà là những hệ số vững chắc để bảo vệ hạnh phúc hôn nhân và gia đình vốn bị đe doạbởi không biết bao thứ đột xuất.

Nhưng dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là người đàn ông phải nhắm mắt làm ngơ trước những hành động thiếu suy nghĩ của vợ, nhất là những phản ứng thiếu khoan dung phát xuất từ sự ghen tuông, từ đầu óc thiên vị.

3. Cường độ tình yêu của người đàn ông gắn liền với óc chinh phục và cảm tính. Họ có thể là người tình say mê, nhưng lại là người chồng hờ hững. Khi nét hấp dẫn nơi người đàn bà phai mờ với thời gian thì mối tình đã một thời bốc cháy nơi người đàn ông cũng dễ dàng tàn lụi.

Người đàn bà thì khác hẳn. Tình yêu của họ là một lò lửa luôn bùng cháy. Dù cho thân xác có hao mòn, trái tim của người đàn bà vẫn luôn tươi trẻ. Người đàn bà cho mà không tính toán. Sự hiến thân không giới hạn ấy là một trong những nền tảng vững chắc cho gia đình. Bởi vì gia đình phải được xây dựng trên sự cần cù, nhẫn nại, chịu đựng, hy sinh. Từ bàn ăn, phòng ngủ, phòng khách đến cây cỏ trong vườn, chính nhờ bàn tay và sự hiến thân của người đàn bà mà tất cả đều được giữ gìn trong trật tự tươm tất. Những cái mà người đàn ông cho là phụ thuộc, lại là những điều thiết yếu đối với người đàn bà. Bởi vì họ đặt vào đó tất cả tình yêu của họ.

4. Người chồng phải luôn tâm niệm rằng, người vợ là quà tặng cao quí nhất mà Thiên Chúa đã ban cho mình. Một món quà cao quí, nhưng thường được gói ghém trong một bọc giấy của không biết bao nhiêu những điều bất thường mà người đàn ông không thể hiểu được chỉ bằng sự phân tích và lý luận của mình.

Để tạo nên hạnh phúc gia đình, óc lý luận và sự uyên bác của người đàn ông cần có sự hỗ trợ của trái tim người đàn bà. Người chồng luôn nhớ rằng, người vợ làm tất cả vì yêu thương. Cho dù có những vụng về, những bất thường, những nông nổi trong cách thể hiện tình yêu của người đàn bà, nhưng đó chính là những nét phụ thuộc của tâm hồn họ. Người chồng phải có một nhân cách sống và một sự ân cần tâm niệm mới mong hiểu được cách suy nghĩ, lý luận, biểu tỏ của vợ mình.

Tình yêu đích thực mang tính sáng tạo và chiêm niệm. Không những người chồng biết nhìn ra cái đẹp, cái tích cực nơi vợ mình, mà còn biết tìm hiểu để cảm thông với những cái khác biệt, bất thường của vợ nữa.

Đời sống hôn nhân là trường dạy yêu thương. Nếu người chồng biết tạo cho mình những phản xạ của cảm thông, nghĩa là biết tìm hiểu và đi sâu vào tâm hồn của vợ mình, thì cho dẫu có gặp những điều trái ý và bất thường đến đâu nơi người vợ, người chồng sẽ không bao giờ châm ngòi cho sự cãi vã, gây gổ.

Tâm niệm và luyện tập được một phản xạ như thế, người chồng hãy tin chắc, họ đang nắm trong tay chìa khóa của hạnh phúc.

8. LÀM MẸ NHƯNG VẪN TIẾP TỤC LÀM VỢ

Một cuốn phim Mỹ với tựa đề “Địa Đàng” mô tả cơn sóng gió của một đôi vợ chồng trẻ sống tại một vùng ven biển có tên là Địa Đàng.

Ngày kia, một người bạn của người vợ dẫn đứa con trai đến nhờ họ trông coi suốt kỳ nghỉ hè. Cả hai vợ chồng đều yêu thương đứa bé. Nhưng từ đó, sóng gió cũng bắt đầu nổi lên.

Quả thực, sự hiện diện của cậu bé đã khiến cho người vợ nhớ lại đứa con trai cùng trạc tuổi mà họ đã mất trong một tai nạn giao thông. Sự săn sóc và tình thương dành cho đứa bé càng lớn thì nỗi nhớ thương đối với đứa con đã mất càng mãnh liệt nơi người phụ nữ.

Ngày ngày, bà ra nghĩa địa thăm mộ con. Và mỗi ngày bà trở nên lạnh nhạt với chồng hơn. Từ chỗ khước từ mọi âu yếm, người vợ lại đi đến chỗ cắt đứt mọi liên lạc với chồng. Họ sống bên nhau như hai người xa lạ trong cùng một căn nhà.

Sau mấy tháng nghỉ, người khách tí hon trở lại với gia đình. Sóng gió yên lặng, đôi vợ chồng trẻ làm hoà với nhau. Địa Đàng thực sự trở lại với họ.

Với câu chuyện phim trên đây, chúng tôi xin được nhắn gửi tới người vợ trẻ một lời khuyên: là một người mẹ tốt và một người nội trợ tốt chưa đủ để là một người vợ tốt. Làm mẹ nhưng vẫn tiếp tục làm vợ, đó chính là bí quyết của hạnh phúc hôn nhân.

1. Khi tạo dựng người đàn bà, Thiên Chúa đã phán: “Người đàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một người trợ giúp”. Một trợ giúp, hay nói đúng hơn, một nơi nương tựa. Người đàn bà là nơi nương tựa cho người đàn ông đúng nghĩa nhất. Chúng ta hãy thử tưởng tượng cái cảnh người đàn ông trở về nhà sau một ngày lao nhọc vất vả. Một căn nhà tươm tất, những đứa con được chăm sóc kỹ lưỡng đã đành, nhưng quan trọng hơn cả, phải là sự hiện diện của người vợ. Người đàn ông nào cũng cảm thấy cần được sự bao bọc đỡ nâng của vợ mình.

Với tâm trạng đó, người đàn ông không muốn gì hơn là được chia sẻ với vợ những sinh hoạt trong ngày. Từ chuyện đồng áng đến những lao nhọc vất vả nơi công sở và ngay cả những gặp gỡ va chạm của mình, người đàn ông nào cũng muốn chia sẻ và mong gặp được nơi vợ mình sự cảm thông. Họ chờ đợi gì nếu không phải là sự lắng nghe của người vợ?

Nhưng lắm khi, điều làm cho người đàn ông chán nản nhất, là họ không tìm được một người vợ biết lắng nghe. Chúng ta hãy tưởng tượng cảnh một người đàn ông suốt ngày đã gặp không biết bao nhiêu bực dọc trong công việc làm ăn, vừa bước vào nhà lại phải nghe thêm những than phiền của người vợ. “Hãy để cho tôi yên một chút được không?”. Hẳn đó là câu lẩm bẩm thông thường của người chồng khi gặp phải một người vợ không biết lắng nghe.

2. Một tác giả chuyên về tâm lý học đã nêu lên một số khuyết điểm mà một số phụ nữ thường có như sau:

Trước hết họ hay ngắt lời chồng mình. Thái độ này không chỉ nói lên khuynh hướng muốn làm chủ của người đàn bà mà còn có thể cho thấy người đàn bà không muốn hoặc không ý thức về vai trò trợ giúp đối với chồng mình nữa.

Khuyết điểm thứ hai mà người ta thường thấy nơi một số người vợ, đó là không chú tâm đến câu chuyện của chồng mình. Thái độ này đã đưa người đàn ông đến chỗ khép kín và lạnh nhạt đối với vợ. Dĩ nhiên, ngày nay câu châm ngôn “Phu xướng phụ tuỳ” không còn là luật tối thượng của đời sống gia đình nữa. Sự đối thoại mới là cơ bản của đời sống hôn nhân. Nhưng để có sự đối thoại, cần phải biết lắng nghe.

Một khuyết điểm khác nữa mà nhiều người chồng rất sợ nơi vợ mình, đó là sự thiếu cẩn mật. Tự bản chất, người đàn bà nào cũng thích tâm sự. Nhưng không phải tất cả mọi bí mật đều có thể đem ra chia sẻ. Nhất là khi những bí mật đó liên quan đến người chồng hoặc do người chồng cung cấp. Có biết bao người đàn ông đã phải trả giá quá đắt, vì đã trót nói với vợ những điều mà vợ mình không biết giữ kín.

3. Trong đời sống vợ chồng, người ta dễ nhìn thấy những khuyết điểm của nhau. Nhưng thiết tưởng, thay vì đòi hỏi người chồng phải nên hoàn hảo, thay vì trách cứ chồng mình, thì người vợ nên tự xét mình trước.

Một tác giả đã gợi lên cho người vợ bản xét mình sau đây:

· Tôi có quan tâm đến công việc của chồng tôi không?

· Tôi có biết không tiếc lời để luôn luôn khen tặng và khuyến khích chồng tôi, nhất là trong những năm đầu của đời sống hôn nhân không?

· Khi được chồng ngỏ ý đưa đi dự tiệc, tôi có nghĩ rằng, tôi chỉ làm đẹp vì chồng và được hạnh phúc khi ngồi bên chồng không?

· Tôi có biết hỏi ý kiến chồng mỗi khi mua sắm quần áo không?

· Tôi có biết chia sẻ với chồng một vài thứ tiêu khiển, như đọc sách, xem chiếu bóng không?

· Tôi có còn là người bạn tốt của chồng tôi không?

Đó là những câu hỏi mà thiết tưởng một người vợ biết thao thức với hạnh phúc hôn nhân không thể không đặt ra để xét mình mỗi ngày.

4. Xã hội xưa cũng như nay, có thể đặt người đàn bà vào tư thế đầu tắt mặt tối suốt ngày. Bổn phận của một người mẹ; và trong nhiều trường hợp, bổn phận của một người dâu, bổn phận của một người con trong gia đình có thể khiến cho họ quên đi hoặc xem thường bổn phận làm vợ.

Họ nên nhớ, một người mẹ tốt, một người nội trợ tốt, một người dâu hiền… tất cả chưa đủ để là một người vợ tốt. Một người vợ tốt, cốt yếu phải là một sự trợ giúp, một nơi nương tựa thiết thực cho chồng.

Người vợ trẻ nên đọc lại lời cầu chúc mà Giáo Hội dành cho họ trong nghi thức hôn phối:

“Xin cho họ được âu yếm nồng nàn với chồng như nàng Rakhen. Xin cho họ được khôn ngoan như Rebeca, sống lâu trường thọ và thủy chung như bà Sara”.

9. COI VỢ NHƯ NGƯỜI BẠN ĐƯỜNG

“Chồng chúa vợ tôi” không hẳn là một quan niệm cổ lỗ của các cụ ngày xưa, mà không chừng vẫn còn rơi rớt lại trong rất nhiều người chồng trẻ ngày nay. Nhiều người chồng vẫn còn cho mình là kẻ có quyền sai khiến vợ, dạy bảo vợ và nhất là đánh đập vợ. Đàng sau cung cách cư xử ấy là quan điểm cho rằng, người vợ không bao giờ là người ngang hàng, đồng hành và bình đẳng với chồng.

Một quan niệm như thế khó có thể đem lại hạnh phúc cho vợ chồng. Bởi vì hạnh phúc đó chỉ có thể được xây dựng trên bình đẳng, tôn trọng, đối thoại và cảm thông mà thôi.

Với người chồng trẻ, một lần nữa chúng tôi xin được phép khuyên họ hãy xem vợ thực sự như một người bình đẳng, một người bạn đường. Cái nhìn ấy sẽ giúp họ khoan dung hơn đối với những thiếu sót của vợ, và biết nhận ra những đức tính cao đẹp của vợ. Nhờ đó bản thân họ cũng được kiện toàn hơn.

1. Có nhiều người đàn ông cư xử như thể là ông chủ trong gia đình. Họ gánh vác tất cả trách nhiệm của gia đình. Còn người vợ, dù có đầu tắt mặt tối với bao nhiêu việc nội trợ, cũng chỉ là một kẻ trợ giúp mà thôi.

Đi từ quan niệm tự tôn ấy, nhiều người chồng cho mình có quyền đòi hỏi nơi vợ trăm nghìn thứ dịch vụ khác nhau. Họ đòi hỏi như thế bởi vì họ nghĩ rằng, dưới mắt người đời hay ít ra trong cái nhìn quen thuộc của xã hội, họ là người gánh vác cả gia đình, họ cung cấp tiền bạc cho gia đình, họ lèo lái cả gia đình.

Cái cảnh quen thuộc hay xảy ra và nhiều người cho là bình thường, đó là cái cảnh người chồng vừa đi làm về, ngồi chễm chệ trên ghế bành chờ đợi vợ con đến hầu hạ.

Dĩ nhiên, người cha và người chồng được hưởng sự âu yếm, săn sóc của vợ con. Đó cũng là hạnh phúc của vợ con khi được biểu lộ tình yêu đối với chồng, với cha. Tuy nhiên, khi đón nhận sự săn sóc và phục vụ ấy, người đàn ông đừng nghĩ rằng, đó là quyền của mình.

Nhất là họ đừng nghĩ rằng, công việc nội trợ trong nhà của vợ chỉ là việc phụ. Từ chuyện con cái đến chuyện bếp núc, và nhất là sự đặc biệt nhàm chán của công việc hàng ngày, xem ra công việc của một người vợ trong gia đình còn nặng nề hơn những vất vả của người chồng ngoài đồng áng hay nơi công sở.

Một người chồng có ý thức và công bình sẽ nhận ra rằng, công việc của mình ngoài gia đình và công việc của vợ con trong gia đình đều có giá trị ngang nhau. Cả hai đều cần thiết để xây dựng và bảo trì hạnh phúc lứa đôi và gia đình.

Biết nhận ra sự phân chia trách nhiệm như thế tức là đã nhận ra sự bình đẳng giữa vợ chồng.

2. Ý thức về sự bình đẳng giữa vợ chồng sẽ giúp cho người chồng biết tôn trọng và quan tâm đến vợ mình hơn.

Nếu người chồng sau một ngày làm lụng vất vả biết chờ đợi sự chăm sóc, phục vụ, âu yếm của vợ thì hẳn người vợ còn cảm thấy cái nhu cầu ấy gấp bội. Sự bình đẳng đòi hỏi cả hai phải biết quan tâm phục vụ nhau.

Một tạp chí khuyên người chồng như sau:

“Nếu bạn muốn biến vợ bạn thành một người đàn bà suốt ngày cau có, làu nhàu, thì phương pháp hữu hiệu nhất là bạn đừng lắng nghe bất cứ điều gì vợ bạn nói.

Người vợ nào cũng cảm thấy như được đưa lên tầng trời thứ bảy khi được chồng mình chăm chú lắng nghe trong hai mươi phút liền.

Thực ra, nếu người chồng biết chịu khó gỡ bông gòn ra khỏi hai lỗ tai của mình để lắng nghe vợ, hẳn ông sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng, vợ mình có thể nói được những điều thú vị không ngờ.

Để tránh cho việc trò chuyện giữa vợ chồng có lúc nhàm chán, thỉnh thoảng họ nên quên đi những chuyện thường ngày trong gia đình để bàn luận về những đề tài bao quát hơn, như tôn giáo, chính trị, xã hội, khoa học… Hoặc cũng có thể đọc chung với nhau một trang báo hàng ngày. Người chồng hãy tạo dịp cho vợ mình có dịp phát biểu trong những vấn đề như thế.

Một trong những phương pháp hữu hiệu để chống lại sự nhàm chán, độc điệu trong đời sống gia đình là hãy có chung với nhau một vài sở thích. Điều đó cũng có nghĩa là người chồng cũng phải quan tâm đến những sở thích của vợ mình.

Người vợ nào lại không cảm thấy hạnh phúc khi được người chồng góp ý trong cách ăn mặc và trang điểm? Người vợ nào không cảm thấy sung sướng khi được chồng khen ngợi vì nghệ thuật nấu nướng của mình?

Để giúp cho vợ khỏi trở thành người bạn đường nhàm chán, người chồng cần phải tỏ ra quan tâm đến vợ mình. Và dĩ nhiên, một người chồng biết quan tâm đến vợ cũng sẽ là một người bạn đường khéo léo và hấp dẫn nhất đối với vợ”.

3. Những lời khuyên trên đây của tờ tạp chí cũng mời gọi người chồng phải biết chú ý đến những cái thường ngày, những điều nhỏ nhặt trong đời sống vợ chồng. Hạnh phúc lứa đôi và sự bình an trong gia đình tuỳ thuộc phần lớn vào những điều nhỏ ấy.

Giúp vợ nấu nướng, giặt giũ, quét dọn, hay cùng làm với vợ bất cứ việc nhỏ nào trong nhà, đó là muôn nghìn cách thế người chồng tỏ ra quan tâm đến vợ, và nhất là tôn trọng vợ.

Qua những trợ giúp ấy người chồng cũng sẽ cảm thấy được lớn lên trong nhân cách của mình.

Người ta nói: muốn biết được tư cách của người đàn ông, hãy nhìn cách sống của họ trong gia đình.

Người ta trở về nhà không phải chỉ để ăn uống, để bồi dưỡng, để trốn thoát những khó khăn trong xã hội, mà là để tìm lại chính mình.

4. Trong Tin Mừng, khi nói đến tinh thần phục vụ vô vị lợi, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của người đầy tớ sau khi đã vất vả suốt ngày trong công việc đồng áng, trở về nhà lại phải tiếp tục hầu hạ chủ.

Và Chúa Giêsu kết luận: “Các con cũng thế, sau khi đã làm tất cả những công việc phục vụ đó, hãy nói: đó là công việc các con phải làm, các con chỉ là đầy tớ vô dụng mà thôi”.

Vị Giáo Hoàng trong Giáo Hội thường xưng mình là đầy tớ của mọi đầy tớ Chúa. Đó cũng là lý tưởng cho mọi tín hữu, và nhất là cho mọi người chồng.

Tình yêu đích thực như Chúa Giêsu đã thể hiện chính là hy sinh phục vụ. Và như Ngài đã dạy: Chính lúc mất mạng sống mình, con người sẽ tìm gặp lại chính mình. Đó phải là tâm niệm của người chồng trẻ vậy.

10. CẦN CẢM THÔNG VÀ NÂNG ĐỠ CHỒNG HƠN NỮA

Trong các gương của phụ nữ, người ta nhắc đến vợ của nhà bác học Louis Pasteur. Tuy rất âm thầm nhưng bà Pasteur đã đóng góp thật sự vào những nghiên cứu y khoa của chồng. Có giai đoạn gia đình phải sống rất chật vật vì nhà bác học đầu tư hầu hết vốn liếng vào những chi tiêu cần thiết cho phòng thí nghiệm. Tuy vậy bà Pasteur không hề để lộ một sự bất bình hoặc thốt lên một lời than phiền nào với chồng; vì bà luôn tin tưởng ở sự thành công của chồng.

Người chồng đứa con gái thân yêu của gia đình Pasteur cũng luôn miệt mài trong phòng thí nghiệm của bố vợ. Giữa lúc bụng mang dạ chửa, người vợ trẻ cảm thấy cô độc, lúc đó bà Pasteur thường khuyên con rằng: làm con của một nhà bác học và làm vợ của một nhà khoa học là phải chấp nhận tất cả những thử thách đó.

Sự nâng đỡ và cảm thông là điều mà người chồng cần nhất trong cuộc sống. Cần phải luôn nâng đỡ và cảm thông với chồng. Đó là qui luật cơ bản trong đời sống vợ chồng mà một lần nữa chúng tôi xin được nhắn gửi đến những người vợ trẻ. Đời sống vợ chồng là trường luyện nhân cách, và đức tính chủ yếu và cần thiết cho hạnh phúc lứa đôi là sự cảm thông và chịu đựng của người vợ.

1. Ngày nay, tại Âu Mỹ, người đi xin việc thường phải chứng minh khả năng của mình. Người thiếu khả năng không được thu nhận đã đành, nhưng người thừa khả năng cũng bị từ chối. Có nhiều lý do để không thu nhận người thừa khả năng, nhưng một lý do khiến nhiều người phải ngạc nhiên là người thừa khả năng sẽ dễ nhàm chán với công việc. Và như vậy, hiệu năng của công việc sẽ giảm.

Sự đơn điệu và nhàm chán trong công việc là điều thường xảy ra với người vợ trong gia đình. Nếu người vợ không đặt vào công việc nội trợ tất cả yêu thích và tình thương cộng với tinh thần hy sinh thì quả thực, họ phải vác một gánh nặng khủng khiếp suốt đời. Tình yêu và sự hy sinh là liều thuốc giúp người vợ thắng vượt sự nhàm chán và tìm thấy ý nghĩa trong công việc hàng ngày của mình. Tình yêu và sự hy sinh cũng giúp cho người vợ thấy được sự cảm thông mà họ cần phải có đối với chồng mình.

Dĩ nhiên một người chồng yêu thương vợ thật sự luôn có đủ nhạy cảm để nhận ra những vất vả hy sinh của vợ. Một người chồng có trách nhiệm thật sự đối với đời sống gia đình sẽ không để cho người vợ đầu tắt mặt tối với công việc trong nhà mà không hề lấy một ngón tay để giúp đỡ. Khi giữa hai người đã tâm đồng ý hợp và yêu thương thật sự, thì công việc trong nhà dù nhỏ nhặt và vô danh đến đâu sẽ không còn là việc riêng của người vợ mà phải là công việc chung của hai người.

Tuy nhiên, người vợ cần phải luôn nhớ rằng, thiên chức của họ chính là kiên nhẫn chịu đựng trước những phiền toái và khó khăn của cuộc sống. Có khi họ phải đơn phương gánh chịu một mình. Họ chịu đựng những phiền toái và thử thách ấy vì biết rằng, người chồng của họ cũng có những khó khăn riêng của ông ta.

2. Có quá nhiều người vợ than phiền vì không được chồng mình cảm thông đủ. Một Bác sĩ chuyên gia tâm lý nổi tiếng đã viết như sau:

Những người chồng không hiểu được những lời than phiền của vợ, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi vì người đàn ông không bao giờ hiểu được người đàn bà. Tuy nhiên, về phần mình, những người vợ cũng phải hiểu cho rằng, chính chồng mình cũng không phải là những ông chủ tuyệt đối trong công việc của họ.

Theo Bác sĩ ấy, với sự cảm thông của mình chỉ có người vợ mới có thể an ủi được chồng. Sau một ngày làm việc phải nhã nhặn và chịu đựng đủ mọi hạng người, đôi khi, người đàn ông phải trở về nhà trong tâm trạng dồn nén. Còn cực hình nào lớn hơn đối với người đàn ông khi phải tiếp tục dồn nén bằng cách phải lắng nghe những lời than phiền của vợ, hay phải tiếp tục tỏ ra lịch sự và phải chịu đựng những đay nghiến của vợ? Dĩ nhiên, người vợ có trăm ngàn khó khăn của mình, người vợ chỉ mong gặp lại chồng để trút tất cả nỗi niềm của mình, từ chuyện con cái đến chuyện bếp núc, sang chuyện những người hàng xóm; từ chuyện con gà, con heo, đến chuyện vườn tược. Người đàn bà nội trợ có cả một thế giới riêng của mình. Suốt ngày loay hoay trong thế giới ấy, người đàn bà không mong gì hơn là gặp lại chồng để được giải tỏa. Một người chồng yêu thương vợ, sẽ lắng nghe và đi vào thế giới ấy một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, người vợ cũng cần nhớ rằng, người chồng cũng có một thế giới và những vấn đề riêng của ông ta. Lắm lúc người chồng không mong gì hơn là được yên lặng, cái yên lặng đầy cảm thông và yêu thương của vợ con. Chỉ có người đàn bà do sự cảm thông của mình mới có thể an ủi được chồng. Và đó là chức năng cao cả của người vợ. Người vợ hiện diện bên chồng như một nâng đỡ, ủi an, với sự chịu đựng đầy cảm thông.

3. Một cách nào đó như chúng ta thường gọi người vợ là nội tướng trong gia đình. Người vợ quán xuyến trong gia đình. Người vợ đóng vai trò chủ chốt trong việc dạy dỗ con cái. Nhưng quan trọng hơn cả chính là vai trò gìn giữ và thăng tiến sự hoà thuận trong gia đình. Mái ấm gia đình là công trình chung của vợ chồng, con cái, nhưng vai trò chủ yếu vẫn là người vợ. Sự trật tự tươm tất trong nhà trước hết thuộc trách nhiệm của người vợ. Chăm sóc con cái và quan hệ tốt với người chung quanh, từ trong nhà ra ngoài ngõ, xem ra vai trò của người đàn bà là chủ yếu. Chỉ có lòng yêu thương và quảng đại của người đàn bà mới có thể giúp họ hoàn thành vai trò ấy. Thiếu lòng yêu thương, tinh thần hy sinh, người vợ sẽ không thể chu toàn được vai trò nội tướng của mình, và như vậy sẽ không là một nâng đỡ cho người chồng. Và khi người đàn bà không còn là một nâng đỡ cho người đàn ông thì có lẽ họ chỉ còn là một nỗi phiền toái hay gánh nặng cho người chồng mà thôi.

4. Một tạp chí về gia đình xuất bản ở Hoa Kỳ có kê khai một số cử chỉ của người vợ khiến cho người chồng dễ cảm thấy phiền lòng và do đó, trở nên cau có.

Trước hết, đừng chờ đợi hay bắt người chồng ca tụng mình. Có đến 70% những người chồng không biết ca tụng vợ. Nhưng người vợ nên nhớ, sự thinh lặng của người chồng cũng là một cách biểu lộ đồng tình.

Khi người chồng than phiền về cha mẹ hay một người thân nào trong gia đình, người vợ không nên đổ dầu vào lửa bằng sự biểu lộ đồng tình hoặc những thêm thắt bịa đặt. Người vợ đừng bao giờ làm nhục hay nói ngược lại chồng giữa đám đông. Cho dầu đó là sự sai trái của chồng. Đừng bao giờ cằn nhằn khi người chồng quên hay không làm được một việc mình nhờ vả. Cả khi người chồng khước từ một đề nghị giải trí, người vợ cũng đừng vì thế mà hờn dỗi. Đời sống vợ chồng không là một giấc mơ. Đó là một khám phá không ngừng, và những khám phá bất ngờ nhất lại phát xuất từ chính người phối ngẫu của mình. Dù có liên hệ mật thiết đến đâu, mỗi người vẫn mãi mãi là một huyền nhiệm, một huyền nhiệm để tìm hiểu, để nâng đỡ, và nhất là để cảm thông và tha thứ.

11. NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA VỢ LÀ BỔ TÚC CẦN THIẾT CHO CHỒNG

Kinh Thánh đã kể lại rằng, sau khi tạo dựng Ađam Thiên Chúa nói: “Đàn ông ở một mình không tốt”, cho nên Ngài mới dựng nên người đàn bà. Ngài cho Ađam ngủ say và lấy một chiếc xương sườn của ông để dựng nên người đàn bà.

Dường như dân tộc nào cũng có một huyền thoại riêng của dân tộc mình về nguồn gốc con người. Nhưng có lẽ không có một câu chuyện nào mang nhiều ý nghĩa thâm thúy cho bằng tường thuật của Kinh Thánh. Hình ảnh chiếc xương sườn mà Thiên Chúa rút ra từ Ađam để tạo dựng người đàn bà nói lên ý nghĩa thâm sâu của tình yêu. Thật thế, chỉ có tình yêu khi có sự khác biệt và bổ túc cho nhau. Người đàn ông giống như một tác phẩm chưa được hoàn thành hay như một người đã đánh mất chính mình. Do đó, họ phải không ngừng tìm kiếm những gì mình đã đánh mất. Chỉ nơi người đàn bà, người đàn ông xem ra mới có thể tìm gặp lại bản thân. Cái khác biệt nơi người đàn bà bổ túc cho điều thiếu sót nơi người đàn ông.

Tình yêu lứa đôi, hạnh phúc hôn nhân chỉ có mỗi khi có sự hài hoà giữa những khác biệt ấy. Đó là nguyên tắc cơ bản nhất mà người chồng cần phải nắm vững để xây dựng và bảo toàn hạnh phúc lứa đôi. Nguyên tắc ấy không cho phép người chồng cư xử theo lối “chồng chúa vợ tôi” với vợ mình. Nguyên tắc ấy đòi hỏi ông chồng phải biết tôn trọng những khác biệt nơi vợ mình. Yêu thương đích thực không có nghĩa là xóa bỏ những khác biệt của nhau, bắt người khác phải làm theo ý mình, bắt người khác phải nên giống mình nhưng chính là biết tiếp nhận những khác biệt của người mình yêu thương như những giá trị bổ túc cho những thiếu sót nơi mình. Đó là điều mà một lần nữa, chúng tôi xin được nói với những người chồng trẻ.

1. Đa số các bà vợ than phiền rằng: họ phải chịu đựng tính ích kỷ, sự thiếu quảng đại, thái độ hồ đồ và thiếu cảm thông của người chồng. Nói chung, rất nhiều người vợ cảm thấy chưa nhận được đầy đủ sự chú ý của chồng mình. Có những người đàn ông mắc phải những chứng bệnh tâm lý, chỉ làm đủ mọi cách để hành hạ vợ mình. Nhưng cũng có những người đàn ông vụng về và thiếu hiểu biết đến độ hành hạ vợ mình mà không hay. Đó là hạng người không muốn cảm thông với vợ mình.

Cảm thông với một người nào đó tức là tự đặt mình vào địa vị và hoàn cảnh của người ấy để hiểu được những vấn đề, những khó khăn và những nỗi khổ của người ấy.

Có biết bao ông chồng không hề thấy được những vật vã và bao hy sinh của người vợ trong việc nội trợ. Không ai bắt người đàn ông phải làm những công việc của người vợ nhưng ít ra người đàn ông biết yêu thương và cảm thông với vợ, biết nâng đỡ và trợ giúp vợ, nhất là không tạo thêm những gánh nặng mới cho vợ mình.

2. Người chồng thể hiện sự cảm thông với vợ bằng sự nâng đỡ trong công việc gia đình. Nhưng quan trọng hơn cả và cơ bản hơn cả, là có thể đi vào nếp suy nghĩ, lối lý luận của người vợ. Đây là điều xem ra khó thực hiện nhất đối với người đàn ông. Có những người đàn ông sẵn sàng hy sinh cho vợ, sống chết cho vợ nhưng lại không bao giờ chịu nhượng bộ mỗi khi trao đổi hoặc tranh luận với vợ. Những người đàn ông này quên rằng: quan hệ của người đàn bà với người đàn ông hầu như luôn luôn xây dựng trên cảm tính. Người đàn bà đến với người đàn ông hầu như không phải để thông tin một hiểu biết hay để đi tìm kiếm một chân lý khách quan, mà trước hết là để thiết lập một tương quan. Người ta vẫn nói, người đàn bà không lý luận bằng lý trí mà bằng con tim.

Do đó, tìm cách thuyết phục người đàn bà bằng sự lý luận không những vô ích mà còn nguy hại là khác. Điều này luôn luôn đúng trong quan hệ giữa hai vợ chồng. Những cuộc tranh cãi giữa hai người thường không giải quyết được bất cứ một vấn đề nào bởi vì xem ra mỗi người đều có cái lý của mình. Người chồng tìm được lý lẽ trong lý luận uyên bác và mạch lạc của họ nhưng người vợ lại có lý lẽ của trái tim.

Trong đời sống vợ chồng, người ta không thể cư xử theo lối ăn miếng trả miếng. Người chồng không thể trả đũa một hành động xấu của vợ bằng một hành động xấu của mình. Người chồng cũng không thể đem những lý lẽ của mình ra để bắt bẻ người vợ. Người chồng càng cố gắng chứng tỏ sự có lý của mình càng đẩy người vợ vào thế tự vệ và đối kháng. Chỉ có sự cảm thông mới là khí giới hữu hiệu nhất của người đàn ông. Người ta thường kể giai thoại của nhà hiền triết Hy Lạp Socrate để kêu gọi sự cảm thông và nhẫn nhục của người chồng:

Socrate không may có một người vợ tính tình nông nổi bốc đồng. Một hôm giữa lúc ông đang giảng dạy cho các môn sinh thì bà vợ đến làm nhục ông trước mặt mọi người. Nhưng nhà hiền triết vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Ông mỉm cười nói với các môn sinh: “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Đó là cách cư xử của một nhà hiền triết, một đấng trượng phu nhưng đó cũng phải là khuôn vàng thước ngọc của mọi người chồng.

3. Có người sẽ mỉm cười bảo rằng, phản ứng như vậy là sợ vợ. Nhiều người đàn ông sợ bị chế diễu như người sợ vợ hoặc mang mặc cảm sợ vợ. Có thể do quan niệm “chồng chúa vợ tôi” mà nhiều người cho rằng, đàn ông phải là người làm chủ, ra lệnh phán bảo trong gia đình, và người vợ chỉ là một người “gọi dạ bảo vâng”. Người đàn ông có thể là chủ trong các liên hệ với bên ngoài, nhưng trong gia đình, người đàn bà là người điều khiển đời sống tình cảm của người đàn ông. Như thế, giữa hai người luôn có sự bình đẳng và bổ túc cho nhau.

Nếu người vợ đi ngược lại với ý kiến của người chồng, thì người chồng nên nhớ rằng: thường thì người vợ chỉ làm điều đó vì lợi ích gia đình. Ý kiến ngược lại hay đúng hơn sự khác biệt của người vợ khiến cho người chồng phải làm sáng tỏ và đào sâu quan điểm và những quyết định của mình.

Nói tóm lại, người chồng cần phải luôn cảm thông với vợ bằng cách đặt mình vào địa vị và hoàn cảnh của vợ để từ đó, đón nhận những khác biệt của vợ như là những giá trị bổ túc cho những thiếu sót của mình.

12. SỐNG TỐT MỐI TƯƠNG QUAN VỚI CHỒNG LÀ TỰ HOÀN HẢO HÓA BẢN THÂN

Người ta gán cho Đức Giáo Hoàng Sixto V vào thế kỷ XVI câu nói đáng suy nghĩ như sau: “Tôi sẽ phong thánh ngay tức khắc cho người đàn bà mà người chồng không bao giờ than phiền”.

Có những người đàn ông hay than phiền về vợ. Nhưng có lẽ người vợ cũng nên tự vấn tại sao người chồng hay than phiền về mình. Biết mình thật sự là biết rõ những khuyết điểm của mình. Nhưng người vợ có sẵn sàng muốn biết rõ về mình để cải thiện mối quan hệ với chồng mình không?

Đời sống hôn nhân là lò đào luyện nhân cách. Người chồng không chỉ là một bổ túc cho những thiếu sót của người vợ mà còn là trường đào luyện nhân cách cho người vợ. Sự gặp gỡ trao đổi giữa hai người sẽ giúp họ khám phá được chính bản thân và làm cho mỗi người được thêm phong phú hơn. Đó là ý thức mà chúng tôi xin được gợi lên cho những người vợ trẻ, để mời gọi họ luôn có một cái nhìn lạc quan về đời sống vợ chồng.

1. Biết mình thực sự là biết rõ những khuyết điểm của mình. Nếu người vợ chợt nhận ra những lời than phiền của chồng về mình thì có lẽ họ nên bình tĩnh để tự vấn lương tâm và tìm ra những khuyết điểm của mình. Một nhật báo xuất bản bằng tiếng Pháp đã kê khai 10 sai lầm mà bất cứ một người đàn bà bình thường nào cũng có thể mắc phải như sau:

1) Chểnh mảng trong việc trang sức. Đa số nghĩ rằng, đã có chồng, nghĩa là đã chinh phục được người đàn ông, thì còn động lực nào để làm đẹp nữa. Thực ra người đàn bà phải nghĩ rằng, làm đẹp là yêu thương và tôn trọng chồng mình.

2) Khuyết điểm thứ hai mà dường như không có người đàn bà nào mà không mắc phải: đó là tính ghen tương.

3) Khuyết điểm thứ ba mà nhiều người vợ thường coi đó là điều mà người ta gọi là mặc cảm bị bách hại. Nhiều người vợ xem mình như là nạn nhân của không biết bao nhiêu đàn áp và hà hiếp của chồng.

4) Nhiều người vợ dành mọi săn sóc và âu yếm cho con cái mà quên những bổn phận đối với chồng. Đôi khi sự thay đổi tình cảm này tạo ra thảm trạng trong gia đình mà người vợ không hay biết.

5) Chính sách bế quan tỏa cảng, nghĩa là người vợ tìm cách cắt đứt mọi quan hệ mà người chồng có trước khi cưới vợ.

6) Tính ngăn nắp và sạch sẽ quá đáng. Dĩ nhiên đây là điều tốt. Nhưng nếu người vợ cốt yếu giữ cho ngôi nhà của họ sạch sẽ và ngăn nắp đến độ không còn ai dám bước chân vào nhà, thì không gì làm cho người chồng cảm thấy phiền lòng hơn.

7) Cắt đứt mọi quan hệ họ hàng, ngay cả với chính gia đình thân thuộc của mình.

8) Nhai lại những lỗi lầm quá khứ. Nhiều người đàn bà thường moi móc lại những lầm lỗi trong quá khứ của chồng để hù doạ và bắt chẹt chồng.

9) Cằn nhằn về những phiền toái xảy ra trong ngày, nhất là trong bàn ăn.

10) Khuynh hướng muốn đảo lộn lại câu châm ngôn “Những gì ngươi không muốn người khác làm cho ngươi, thì ngươi cũng đừng làm cho họ”. Có biết bao người đàn bà hành động ngược lại với lời khuyên ấy. Họ không muốn ai làm phiền mình nhưng lại sẵn sàng làm phiền người khác mà không hề hay biết.

2. Để biết chồng mình có than phiền hay không, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Đắc Nhân Tâm, Dale Carnegie đã khuyến cáo các bà vợ hãy tự vấn lương tâm theo bản xét mình sau đây:

- Tôi có cố gắng hết sức để làm vừa lòng chồng lúc chồng tôi có mặt ở nhà không?

- Tôi có cố gắng thay đổi món ăn đến độ chồng tôi sẽ không thể đoán trước được không?

- Tôi có cố gắng theo dõi để hiểu biết công việc của chồng, hầu có thể thảo luận và nếu cần đưa ra một vài lời khuyên hữu ích và đúng lúc không?

- Tôi có đủ can đảm và bình tĩnh để không trách móc chồng vì những thiếu hụt kinh tế trong gia đình; và nhất là không so sánh chồng với những người đàn ông khác may mắn và giàu có hơn không?

- Khi có dịp sắm sửa quần áo hoặc chọn quần áo để mặc, tôi có nghĩ đến sở thích của chồng tôi về thời trang và màu sắc không?

- Tôi có cố gắng tìm hiểu và học hỏi những sở thích của chồng tôi để có thể chia sẻ với chồng trong những giờ nhàn rỗi không?

- Tôi có theo dõi những vấn đề chính trị, sách báo mới, những trào lưu mới để có thể chia sẻ đời sống trí thức của chồng không?

3. Để được nên thánh trong bậc vợ chồng, để được phong thánh như lời Đức Giáo Hoàng Sixtô V đã đề nghị, thiết tưởng chìa khóa mà một người vợ phải nắm vững, đó là luôn sống vui tươi, linh hoạt và có đời sống tinh thần sâu sắc. Biết lắng nghe một cách nghiêm chỉnh và thích thú khi chồng nói đến những vấn đề chính trị, triết học hay bất cứ những gì mà chồng cho là quan trọng và lý thú. Thỉnh thoảng, nên đọc một quyển sách hay và trao đổi nội dung cuốn sách với chồng.

Ít nhất mỗi tuần một lần, dành trọn thời giờ cho chồng, để cho chồng thấy rằng: chồng là nơi nương tựa cần thiết của mình. Quên đi những phiền toái hằng ngày để luôn tạo ra cho chồng bầu khí vui tươi, lành mạnh. Luôn đề cao chồng trước mặt con cái. Sống và hành động như thế nào để không có gì phải giấu diếm với chồng. Nếu trong một đám đông hoặc trong một bữa tiệc, thấy chồng được nhiều người đàn bà khác chú ý thì hãnh diện hơn là tỏ dấu ghen tương. Người đàn ông hãnh diện vì một chút ghen tương của vợ, nhưng sẽ vô cùng đau khổ khi bị vợ làm mất mặt trước đám đông.

Hãy tránh hạch hỏi chồng. Người chồng nào cũng luôn muốn được sống trong bầu khí tin tưởng. Trước và trong bữa ăn đừng bao giờ có những lời cay chua với chồng. Đừng bao giờ nói về chồng rằng: Anh ấy quá già để có thể làm việc nọ hoặc việc kia. Thỉnh thoảng, nên lặp lại cho chồng nghe những lời dịu ngọt, những kỷ niệm của thời mới quen nhau hay đính hôn với nhau. Đừng quá thường xuyên hỏi chồng có còn yêu mình nữa không. Đừng lặp đi lặp lại với chồng về những hy sinh của mình cho gia đình.

4. Kể từ sau Công Đồng Vaticanô II, nên thánh không còn là độc quyền của một số người ưu tuyển mà là ơn gọi chung của mọi tín hữu. Điều đó có ý nghĩa, là mọi người phải nên thánh ngay trong bậc sống của mình. Đời sống gia đình là con đường nên thánh cho những người ở bậc vợ chồng. Chính do mối tương quan với người phối ngẫu và con cái mà người sống trong bậc vợ chồng tìm thấy và thực thi ý Chúa.

Một trong những việc thường làm của các vị thánh là không ngừng nhìn lại bản thân dưới ánh mắt từ nhân của Chúa. Thiết tưởng đó cũng là việc làm thường xuyên của các đôi vợ chồng tín hữu. Nhìn lại những thiếu sót và sai trái của mình để không ngừng cải tạo quan hệ với người phối ngẫu, đó không phải là bí quyết của hạnh phúc gia đình?

13. NGHỆ THUẬT LÀM CHỒNG

Có lẽ không có ai lập gia đình mà lại nghĩ đến chuyện ly dị và có lẽ cũng không ai bước vào đời sống hôn nhân mà không nghĩ đến hạnh phúc. Thế nhưng tại sao đổ vỡ lại xảy ra như cơm bữa trong các gia đình? Câu trả lời duy nhất chỉ có thể là: Người ta không nắm vững được nghệ thuật làm vợ, làm chồng. Người ta chưa biết yêu. Chính vì không nắm vững được nghệ thuật ấy, cách vô tình, người ta làm khổ nhau.

Với những người chồng trẻ mới chập chững bước vào đời sống hôn nhân, một lần nữa chúng tôi xin được góp thêm một vài ý kiến về nghệ thuật làm chồng.

1. Một tạp chí về đời sống gia đình đã nêu ra bảy đức tính của một người chồng lý tưởng như sau:

1) Sự dịu dàng. Đây chắc chắn phải là đức tính mà người đàn bà quí trọng nhất nơi người đàn ông mà họ yêu thương. Có biết bao nhiêu người đàn bà than phiền rằng: chồng họ không bao giờ biết nói với họ một lời dịu dàng. Có những người chồng hễ mở miệng ra là nói những lời cộc lốc thiếu tế nhị. Dĩ nhiên, sự dịu dàng không đồng nghĩa với yếu nhược. Người đàn bà yêu sự dịu dàng nơi người đàn ông, nhưng lại muốn chồng họ phải là con người cứng rắn. Một người đàn ông lý tưởng đối với một người đàn bà phải là một con người can đảm có ý chí khi giải quyết các vấn đề, nhưng lại dịu dàng và âu yếm đối với người mình yêu.

2) Đức tính thứ hai của một người chồng lý tưởng là lịch sự. Nhiều người đàn bà than phiền như sau: “Ước gì chồng tôi cũng nói năng và cư xử lịch sự với tôi như khi giao thiệp với người ngoài”; hoặc “Khi ở một mình với tôi, chồng tôi quên hết cung cách của một người có giáo dục”. Quả thực, có những người đàn ông nghĩ rằng, lịch sự đồng nghĩa với xã giao và như vậy phép lịch sự chỉ có giá trị đối với người ngoài mà thôi. Thực ra như người ta vẫn nói: lịch sự là hoa quả của bác ái, mà bác ái không có luật trừ, thiết tưởng những người thân cận nhất của chúng ta cũng phải là những con người cần được đối xử một cách lịch sự hơn ai hết. Điều này lại càng đúng với người vợ.

3) Đức tính thứ ba của một người chồng như tạp chí nói trên đã đề ra là xã hội tính. Xã hội tính ở đây được hiểu như khả năng có thể ra khỏi chính mình để biết quan tâm đến người khác. Nhiều người đàn bà than phiền rằng: chồng mình là người không biết nói chuyện. Có những người đàn ông sau một ngày làm việc chỉ muốn giam mình trong một thứ thinh lặng khó thở đối với những người chung quanh, nhất là đối với vợ mình.

4) Đức tính thứ tư của một người chồng lý tưởng là sự cảm thông. Người vợ sẽ hạnh phúc biết bao khi người chồng luôn đoán trước những ước muốn của mình, biết ghi nhớ những kỷ niệm quan trọng trong đời sống vợ chồng, biết một cách chính xác sở thích của vợ. Một người chồng tinh tế là một người đàn ông biết chạm đến phần nhạy cảm trong tâm hồn người vợ. Người đàn bà chỉ cảm phục người đàn ông nào biết nhìn nhận nữ tính của họ và hiểu được tính khí của họ. Đức tính cơ bản nhất mà một người vợ luôn chờ đợi là người chồng của mình ý thức về sự bình đẳng đối với vợ. Có biết bao nhiêu người chồng đối xử với vợ như những thụ tạo thấp kém hơn mình. Sức mạnh của đôi tay và lý trí khiến người chồng không xem vợ mình là một người bạn đường bình đẳng mà chỉ như một người giúp việc, một người nội trợ.

5) Đức tính thứ năm của người chồng lý tưởng là biết tôn trọng vợ trong mọi sự và mọi trường hợp. Điều làm cho người đàn bà cảm thấy đau khổ nhất, là khi họ cảm thấy bị người chồng đối xử như một phương tiện. Tình yêu và lòng tin tưởng chỉ có khi người chồng biết nhìn nhận vợ mình như chính mình.

2. Chiếc xương sườn mà Thiên Chúa đã rút ra từ Ađam để tạo dựng Eva là hình ảnh tuyệt vời của sự nên một giữa vợ chồng. Người đàn ông chỉ tìm gặp được chính mình trong người vợ. Người chồng phải luôn tự nhủ, phần cao quí nhất của mình chỉ có thể được tìm thấy nơi vợ mình mà thôi. Cuối cùng, sự thành thật của người chồng là đức tính mà người vợ quí trọng nhất.

Khi người vợ khám phá chồng mình che giấu sự thật, họ sẽ không còn cảm thấy an tâm nữa. Khi chồng nói dối, người vợ sẽ tự hỏi, chồng mình làm gì? Chồng mình đi đâu? Chồng mình đi với ai? Điều làm cho người vợ nghi ngờ và sợ hãi nhất, là chồng mình có đi với một người đàn bà khác không? Tình yêu vợ chồng chỉ có thể được xây dựng trên sự thành thực hỗ tương mà thôi. Một người chồng lý tưởng là người biết sống như thế nào để không có gì phải giấu diếm vợ mình.

3. Nói đến nghệ thuật là nói đến tinh tế, làm chồng hẳn là một nghệ thuật nhiều tinh tế, bởi vì không gì khúc mắc cho bằng tâm hồn người đàn bà. Nhiều người đàn ông vẫn còn giữ quan niệm dạy vợ, sửa trị vợ, răn bảo vợ, như thể mình có khả năng dẹp được tính xấu và những khuyết điểm của vợ. Thay vì chú tâm vào các khuyết điểm của vợ, có lẽ người chồng nên phát triển những đức tính tốt của vợ. Cũng như phương pháp chủng ngừa trong y học, người ta dùng vi trùng để tiêu diệt vi trùng, thì việc phát triển những đức tính tốt giúp chiến thắng những khuyết điểm.

Người đàn bà nào cũng thích được khen tặng. Khi người vợ mặc một chiếc áo đẹp, đừng nói với vợ “anh yêu em” mà hãy nói “anh rất thích chiếc áo này”. Người chồng nên nhớ, vợ ăn mặc đẹp trước tiên là vì chồng. Khi vừa ra khỏi nhà, được chồng khen cách ăn mặc và nếu đó là lời khen duy nhất trong ngày, người vợ sẽ nghĩ: “Tôi đã lấy được người đàn ông duy nhất hiểu được tôi”. Nếu vợ mình đẹp, đừng khen vợ đẹp mà hãy bảo nàng thông minh, bởi vì nàng thừa biết mình đẹp, còn thông minh thì nàng đang chờ đợi được khen tặng. Dĩ nhiên nếu nàng ít đẹp mà khen nàng đẹp thì nàng sẽ nghĩ thầm: “Tôi đã lấy được một người chồng nghệ sĩ”. Khi đi xa nhà, cho dẫu có tìm được niềm vui chính đáng, người chồng không nên biên thư về cho vợ để kể lại niềm vui đó, mà hãy nói “anh đang nghĩ đến em, anh nhớ em”. Người chồng nên nhớ, người vợ không chấp nhận sự kiện chồng mình hạnh phúc mà không có mình. Họ không chấp nhận cho chồng hạnh phúc vì một điều gì khác ngoài họ ra.

Trong nghệ thuật làm chồng, có lẽ người chồng nên lấy những lời sau đây của một văn sĩ Pháp để tâm niệm: “Người đàn bà vốn yếu đuối khi lấy chồng, nên khi người vợ đã hy sinh hoàn toàn ý muốn của mình cho chồng, thì người chồng nên đáp lại bằng cách hy sinh chính sự ích kỷ của mình đi. Những sai lỗi của người vợ là những lời tố cáo về tính ích kỷ, sự cố chấp và tính vô tích sự của người chồng”.

14. BÍ QUYẾT ĐỂ GIỮ CHỒNG

Tạp chí Red Book xuất bản tại Hoa Kỳ đã có lần báo động như sau: Sau năm năm thành hôn, một số rất lớn những người chồng Mỹ bắt đầu ngoại tình, và một số lớn hơn nữa bị cám dỗ muốn ngoại tình. Tạp chí này giải thích rằng: Thông thường người đàn ông ngoại tình không phải để tìm lạc thú mà để củng cố lòng tự tin.

Nhận định trên đây của tạp chí Red Book xem ra phù hợp với cái nhìn của Kinh Thánh về hôn nhân. Kinh Thánh nói rằng: “Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ để luyến ái với vợ mình”. Lìa bỏ cha mẹ là hình ảnh nói lên sự trưởng thành và tự khẳng định của con người. Không những chỉ có những con người trưởng thành mới có thể bước vào đời sống hôn nhân, mà chính hôn nhân phải là môi trường giúp con người đảm nhận trách nhiệm làm người và nên trưởng thành hơn.

Một hôn nhân đổ vỡ là một cuộc sống trong đó người ta không tìm thấy được chính mình hoặc không thể tự khẳng định mình. Đó là lý do khiến người chồng hoặc người vợ đi tìm sự khẳng định và niềm tự tin ở một nơi khác.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới những người vợ trẻ một bí quyết để giữ chồng. Đó là biết giúp chồng trưởng thành hơn, nghĩa là giúp chồng tìm thấy được niềm tự tin trong đời sống vợ chồng.

1. Trước tiên người vợ hãy nhớ kỹ nguyên tắc mà Kinh Thánh đã đề ra. Đó là người đàn ông lìa bỏ cha mẹ để luyến ái với vợ và nên một với vợ trong thân xác và tinh thần. Muốn nên người, con người cần phải bỏ cung lòng và vòng tay ấm cúng của người mẹ. Tiến trình trưởng thành ấy không ngừng đòi hỏi ra đi và tự khẳng định về mình. Do đó, đối với người đàn ông, sự vượt thoát ra khỏi sự săn sóc và vòng kiềm tỏa của người mẹ là một nỗi khát khao mà họ muốn được thỏa mãn trong đời sống hôn nhân.

Một cách cụ thể, người đàn ông không muốn được vợ cư xử như một đứa con. Không gì làm cho người đàn ông cảm thấy mệt mỏi cho bằng phải sống bên một người vợ lúc nào cũng canh cánh bên mình để nhắc nhở cho mình mọi sự. Từ chuyện ăn uống, đến ngủ nghỉ, phục sức đến chuyện giải trí và giao dịch. Dĩ nhiên người đàn ông nào cũng thích sự săn sóc của vợ. Tình yêu không thể không được diễn tả bằng những hành động cụ thể, nhưng người vợ nên nhớ: họ phải săn sóc chồng như một người vợ chứ không phải như một người mẹ. Một người đàn bà đầu tắt mặt tối lo cơm nước và mọi sự cho chồng chưa hẳn là một người vợ lý tưởng. Công việc ấy một người giúp việc và một người mẹ có thể làm được. Người đàn ông không lập gia đình để được săn sóc chiều chuộng. Người ta thường đề cao sự chiều chuộng như đức tính cơ bản mà một người vợ phải có. Nhưng có trăm nghìn cách để chiều chuộng, mà sự chiều chuộng khiến cho người đàn ông cảm thấy tự ái nhiều nhất là sự chiều chuộng của vợ lại như của một người mẹ. Người đàn ông chỉ cảm thấy đầy đủ tự tin trong gia đình khi những săn sóc chiều chuộng của vợ là một biểu lộ sự âu yếm của tình yêu đôi lứa mà thôi.

2. Có nhiều lý do khiến người đàn bà săn sóc chồng như săn sóc một đứa con. Có người thú nhận: vì cảm thấy chồng không chú ý đến mình đủ, cho nên phải tìm cách săn sóc chồng. Họ chờ đợi nơi người chồng một sự đáp trả tình tứ hơn, lãng mạn hơn, nhưng lắm khi họ chỉ nhận được tâm tình biết ơn của một người con mà thôi.

Tình mẫu tử là một bản năng của người đàn bà. Lúc mới lớn lên, quan sát cách sống của người mẹ, người con gái nào cũng học được cách săn sóc, sự chú ý đến những nhu cầu của người khác. Đó là điểm son trong bất cứ nền giáo dục gia đình nào. Đó là cách thế tốt đẹp nhất để chuẩn bị cho người con gái bước vào đời sống gia đình.

Tuy nhiên, một cách vô tình và vô ý thức, người con gái nào cũng tự nhiên muốn áp dụng bài học săn sóc ấy vào chính người chồng của mình. Thoạt tiên sự săn sóc nào cũng hấp dẫn người đàn ông, nhưng về lâu về dài, khi người đàn ông chỉ nhìn thấy trong sự săn sóc ấy cách nối dài sự vỗ về và nhất là sự kềm kẹp của mẹ mình, hẳn họ sẽ cảm thấy tự ái; từ đó, trở nên lạnh nhạt với vợ. Có biết bao nhiêu người than phiền rằng, mình đã săn sóc lo lắng cho chồng không thiếu món gì, vậy mà chồng vẫn lạnh nhạt và đi tìm những người đàn bà khác. Người vợ nên nhớ, người chồng chờ đợi nơi vợ một cái gì khác hơn là sự săn sóc của một người mẹ.

3. Tình yêu được diễn tả bằng sự tôn trọng và sự chấp nhận nhau. Đó là điều mà người chồng nào cũng chờ đợi nơi vợ mình. Chỉ có tình yêu mới mang lại sự tự tin cho người chồng. Sở dĩ nhiều người vợ dành cho chồng một sự săn sóc có tính mẫu tử, bởi họ không tin tưởng đầy đủ vào chồng, cũng như không muốn chấp nhận con người của chồng mình.

Chấp nhận con người của chồng nghĩa là chấp nhận cả những khuyết điểm, những đam mê, những sở thích của chồng. Lắm khi thảm cảnh gia đình xảy ra chỉ vì người ta không muốn chấp nhận những khuyết điểm của nhau. Có những người đàn bà bắt chồng phải giống với một lý tưởng trừu tượng nào đó, thay vì chấp nhận con người với những khuyết điểm và yếu hèn của chồng.

Hãy lấy thí dụ một người nghiện thuốc lá. Dĩ nhiên, xét về những nguy hại cho sức khỏe cũng như bao hệ lụy khác, hút thuốc lá là một khuyết điểm. Tuy nhiên, bỏ thuốc lá không phải là chuyện một sớm một chiều. Chúng tôi nghĩ rằng, người vợ không nên ép buộc chồng mình phải bỏ thuốc lá, hoặc tạo sức ép khiến chồng cảm thấy bứt rứt…

Muốn sửa những khuyết điểm của người đàn ông, muốn uốn nắn người đàn ông theo ý mình, muốn thay đổi những thói quen và sở thích mà người đó đã có từ thuở nhỏ là một sai lầm lớn.

4. Văn sĩ Pháp André Maurois đã nói, “Tình yêu chân thật chỉ có khi những khuyết điểm trở thành kỳ diệu”, nghĩa là khi người ta biết chấp nhận chúng với khoan dung dịu dàng và óc khôi hài. Hạnh phúc đích thực chỉ có được khi người ta không cảm thấy ước muốn thay đổi điều gì nơi người mình yêu. Lời vàng ngọc sau đây của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu cần phải được những người vợ trẻ đem ra tâm niệm:

“Bác ái đích thực là chịu đựng mọi khuyết điểm của tha nhân, là không ngạc nhiên về những yếu hèn của tha nhân, và biết xây dựng tha nhân bằng những hành động nhân đức. Nhưng nhất là, bác ái đích thực không được che giấu trong đáy lòng, bởi vì không đốt đèn rồi để dưới đáy thùng. Nhưng để trên giá đèn hầu soi sáng tất cả mọi người trong nhà”.

Thánh nữ Têrêxa muốn nói rằng, người ta chỉ chữa trị được những khuyết điểm của người khác bằng gương sáng; hay đúng hơn, bằng tình yêu mà thôi. Điều này hẳn phải là chân lý trong đời sống vợ chồng.

15. CƯ XỬ VỚI VỢ NHƯ MỘT NGƯỜI CHỒNG TỐT

Chuyện hy hữu xảy ra tại Hoa Kỳ:

Có một người đàn bà không chấp nhận ngủ cạnh một người chồng có đôi bàn chân lạnh. Người chồng phải đi làm ca đêm, gần sáng ông về nhà, lên giường nằm bên cạnh vợ với đôi bàn chân lạnh ngắt. Người vợ không chịu được cho nên một đêm nọ bà ta đá chồng té xuống khỏi giường. Kết quả là người chồng bị gãy một cánh tay, ông ta đưa vợ ra tòa và xin ly dị. Dĩ nhiên tòa chấp nhận cho ly dị nhưng qui lỗi cho người đàn ông bởi vì theo luật pháp Hoa Kỳ, người đàn bà có quyền quyết định ai được phép ngủ với mình trên một giường.

Những người đàn ông theo dõi câu chuyện hẳn phải nghĩ rằng: người vợ trên đây là người đàn bà quá khó tính. Nhưng có lẽ ông chồng trong câu chuyện cũng phải tự vấn xem mình đã cư xử với vợ như một người chồng tốt chưa. Khi người vợ trẻ trở nên khó tính và bất thường, thiết tưởng thay vì trách móc, người chồng nên tự xét mình; cũng có thể sự thay đổi tính khí của người vợ là do những thiếu sót của người đàn ông tạo nên. Hãy tự xét mình, đó là điều mà một lần nữa chúng tôi xin phép đề nghị với những người chồng trẻ.

1. Những mối tội đầu, những thiếu sót mà người đàn ông cần phải xét đến trước tiên. Đó là tính ích kỷ, thay đổi bất thường, tự phụ và thiếu óc khôi hài. Những thiếu sót ấy người vợ khó mà tha thứ được.

Không gì làm thất vọng cho bằng phải sống bên người đàn ông chỉ biết nghĩ đến mình. Không gì làm mất hứng khởi cho bằng phải sống bên cạnh người đàn ông tính khí bất thường. Không gì tủi nhục cho bằng phải sống bên cạnh người đàn ông huênh hoang tự phụ. Và dĩ nhiên, không gì nhàm chán cho bằng sống bên cạnh người đàn ông không biết cười và cũng không biết làm cho người khác cười. Đó là những mối tội đầu trong đời sống vợ chồng.

Có những thiếu sót khác, tuy không ảnh hưởng trầm trọng tới mối tương giao vợ chồng nhưng sẽ làm cho người đàn ông thành một người bạn đường tầm thường. Trước hết là những lời nói tục tằn và những cử chỉ thô bạo. Chắc chắn không có người vợ nào ưa thích và đề cao mẫu người đàn ông như thế. Thứ đến, sự chểnh mảng trong cách ăn mặc. Cho rằng, phục sức lịch sự là chuyện riêng của người đàn bà là một sai lầm lớn. Lịch sự trong cách ăn mặc là một đòi hỏi của tình yêu. Ăn mặc lịch sự là thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người, nhất là đối với người mình yêu.

2. Một khuyết điểm khác mà người ta cũng thường thấy nơi nhiều người chồng, đó là thiếu tinh thần kỷ luật và trật tự trong gia đình. Họ vất bừa bãi các đồ vật trong nhà, họ không đúng giờ khi có hẹn. Ngược lại với sự bừa bãi, là tính quá tỉ mỉ, khiến cho những người chung quanh không thấy thoải mái khi đến gần.

Bên cạnh những khuyết điểm ấy, người chồng còn có thể làm cho bầu khí gia đình trở nên nặng nề hơn nếu ông là một người khép kín, ít nói, nhất là đối với vợ. Sự dè dặt cẩn trọng quá đáng của người chồng dễ làm cho người vợ thiếu tự tin. Tính thiếu cởi mở của người chồng sẽ gây ra sự nghi ngờ nơi người vợ và từ đó biến bầu khí gia đình trở nên nặng nề.

Có những điều mà người chồng nên tránh. Tránh nói ngược lại với vợ trước mặt con cái hay người khác, tránh trút xuống trên vợ những lo âu và gánh nặng của công việc riêng của mình, tránh nhai lại những lầm lẫn trong quá khứ của vợ, và nhất là tránh nói đến gia đình thấp kém của vợ, tránh nhắc đến sự quan tâm mà mình dành cho một người đàn bà khác.

3. Người chồng nên nhớ, “nhân vô thập toàn”. Người vợ không phải là một người đàn bà hoàn hảo. Có những khuyết điểm gắn liền với cá tính, nhưng cũng có những khuyết điểm do đời sống chung tạo nên. Người chồng cần phải chấp nhận những khuyết điểm của vợ và thích nghi, hơn là chống chọi. Thích nghi có nghĩa là đáp lại bằng cố gắng cải thiện của chính mình. Một người chồng thực tế, thay vì mất giờ để than phiền và trách móc những thiếu sót của vợ, hãy luôn chú ý đến những đức tính của vợ cũng như loại bỏ những khuyết điểm của chính mình.

Đời sống vợ chồng là một lò luyện nhân cách chung. Khuyết điểm của người này gây hại cho người khác và tính tốt của người này xây dựng cho người kia. Mỗi người phối ngẫu cần phải xác tín rằng, khuyết điểm của một người cũng là khuyết điểm chung mà họ phải chia sẻ với nhau; và đức tính tốt của một người cũng là kho tàng chung của hai người. Vì nhau mà phát huy những đức tính tốt, và vì nhau mà mỗi người chiến đấu chống lại những khuyết điểm riêng của mình. Người chồng phải luôn có cái nhìn như thế đối với những đức tính và những khuyết điểm của vợ.

4. Một văn sĩ Pháp đã viết về người đàn bà như sau: “Người ta bảo rằng, đàn bà phức tạp. Không phải thế. Họ rất đơn giản và trong suốt. Đôi cánh tay của người đàn ông giương ra là có thể ôm trọn lấy họ, một nụ hôn của người đàn ông có thể đi sâu vào tâm hồn họ. Chính những người đàn ông là những người làm cho mọi việc nên phức tạp”.

Điều mà người đàn ông bảo là phức tạp nơi người đàn bà, chẳng qua chỉ là sự bất lực của họ để hiểu được sự đơn giản nơi người đàn bà. Để hiểu được người đàn bà, có lẽ người đàn ông phải đặt mình vào địa vị của họ. Đó chính là đòi hỏi của đời sống vợ chồng. Người đàn ông không chỉ nên một với vợ trong thân xác mà còn phải cố gắng nên một với vợ trong tâm hồn. Nên một với vợ trong tâm hồn chính là thông cảm và chấp nhận những đức tính tốt cũng như những khuyết điểm của vợ.

16. BÍ QUYẾT CHINH PHỤC CHỒNG

Chuyện xảy ra tại Hoa Kỳ:

Một người đàn bà nọ đến văn phòng cố vấn hôn nhân để xin hướng dẫn về ly dị… Bà cho biết, bà đang hận chồng và bà chỉ muốn được ly dị, bà nghĩ, đây là cách làm cho ông ta đau khổ hơn cả. Nghe thế, chuyên gia về gia đình mới khuyên bà như sau: “Để được như bà muốn, tôi khuyên bà hãy về và kể từ nay, hãy thử dùng mọi lời lẽ để ca tụng chồng bà. Khi ông ta cảm thấy sống mà không thể thiếu bà, khi ông ta cảm thấy bà yêu ông ta hết lòng, lúc bấy giờ bà hãy xin ly dị. Đó là cách thế hay nhất làm cho ông ta đau khổ hơn cả”.

Vài tháng sau người đàn bà trở lại văn phòng của viên cố vấn. Vừa gặp bà, ông ta liền đề nghị: “Nào chúng ta bắt đầu bàn đến thủ tục ly dị”. Người đàn bà liền kêu lên với tất cả giận dữ, “Ai bảo ông là tôi muốn ly dị, không bao giờ. Bây giờ thì tôi chỉ biết yêu thương và làm đẹp lòng chồng tôi”.

Với câu chuyện trên đây, chúng tôi muốn được gửi tới những người vợ trẻ một bí quyết để xây hạnh phúc gia đình. Họ chỉ có thể chinh phục được chồng bằng tình yêu thương và sự dịu dàng mà thôi.

1. Chỉ cần một thời gian ngắn chung sống với nhau, người vợ sẽ thấy được hầu hết những khuyết điểm của chồng. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Đây là kinh nghiệm chung của những ai sống đời vợ chồng. Điều quan trọng không phải là nhận ra những khuyết điểm của chồng, mà biết được những phản ứng của chính mình. Trước những khuyết điểm của chồng, thái độ thông thường của nhiều người là giận dữ. Phản ứng này dễ đưa đến những cãi vã to tiếng và xúc phạm đến nhau. Có những người đàn bà khi khám phá ra những khuyết điểm của chồng, thì lại rơi vào thất vọng chán nản và giữ mãi trong lòng nỗi đắng cay chua xót. Thái độ này dĩ nhiên chỉ làm cho mối quan hệ giữa hai người ngày thêm tồi tệ.

Trước những khuyết điểm của chồng, thái độ tốt nhất chính là thích nghi với hoàn cảnh, thích nghi có nghĩa là hành động với tất cả kiên nhẫn dịu dàng và yêu thương. Đó là cách thế duy nhất có thể giúp sửa đổi được chồng. Một tác giả đã ví von: “Người chồng là ly cà phê đen. Cà phê càng đen thì cần phải có nhiều đường”. Thật thế, sự bạo động của người vợ trong lời nói hay trong cách cư xử sẽ không bao giờ thuyết phục được chồng; trái lại, chỉ có tình yêu, sự dịu dàng, lòng kiên nhẫn mới có thể lay động được trái tim của họ.

2. Một trong những điều mà người vợ trẻ cho là khuyết điểm lớn nhất nơi chồng mình, đó là sự gắn bó của anh với gia đình chồng, cách riêng với người mẹ. Đa số những người vợ trẻ đều trải qua thảm cảnh “mẹ chồng nàng dâu”. Thảm cảnh, bởi vì họ không biết thích nghi. Nếu vì phong tục hoặc lý do kinh tế khiến đôi vợ chồng phải sống trong một đại gia đình, thì thiết tưởng thích nghi vẫn là thái độ tốt nhất đối với người vợ.

Một cách cụ thể, người vợ trẻ phải biết thích nghi với mẹ chồng bằng sự kiên nhẫn, tình yêu thương và sự dịu dàng mà họ vốn đã dành cho chồng. Họ không nên nhìn mẹ chồng như đối thủ, hoặc tệ hơn, như kẻ thù; nhưng họ phải luôn nhìn thấy nơi bà hình ảnh người mẹ thân yêu của chồng mình. Dù người đàn bà ấy có thế nào đi nữa vẫn là người mẹ của chồng mình. Chính người đàn bà ấy đã sinh ra và đã hy sinh tất cả để dưỡng dục chồng mình.

Một người vợ yêu chồng thực sự là người luôn biết chiều theo ý muốn của mẹ chồng, biết hỏi ý kiến bà, biết chấp nhận những nhận xét cũng như những chỉ bảo của bà. Một người vợ yêu chồng thực sự là người biết xem mẹ chồng như chính người mẹ ruột của mình, bằng cách luôn tìm hiểu và cảm thông với cách suy nghĩ, lý luận và hành động của bà. Sống như thế tức là biết thích nghi với hoàn cảnh. Và như vậy, điều mà người vợ cho là khuyết điểm của chồng vẫn có thể vượt qua được một cách dễ dàng.

3. Kinh Thánh kể lại gương của một nàng dâu mẫu mực tên là Rut. Chuyện kể rằng: Một bà góa tên là Nôêmi đưa hai người con song sinh đến sống tại một vùng dân ngoại giáo. Tại đây hai người con trai này đã lập gia đình với hai người con gái trong vùng. Một nàng dâu tên là Rut. Do yểu mệnh, hai người con trai này đều qua đời sớm. Bà Nôêmi muốn quay trở về quê cha đất tổ. Không muốn cho mẹ chồng phải cô thế một mình, nàng Rut đã xin đi theo và gia nhập vào xã hội Do Thái để được sớm hôm thay chồng phụng dưỡng bà. Tại Belem, quê quán của bà Nôêmi, nàng Rut đã gặp nhà phú hộ tên là Bôốt. Họ lấy nhau và sinh ra Giếtsê thân phụ của vua Đavit, từ đó xuất thân Đấng Cứu Thế.

Thánh Mátthêu, tác giả sách Tin Mừng đã vượt ra ngoài một thông lệ cố hữu của người Do Thái khi nêu tên nàng Rut trong gia phả của Chúa Giêsu.

Qua câu chuyện của bà Rut, chúng ta cũng thấy được cái nhìn của Kinh Thánh về hôn nhân và gia đình. Lập gia đình không chỉ là nên một trong thân xác và tinh thần với người phối ngẫu mà thôi, nhưng còn đi vào tương quan với một gia đình mới, rộng rãi hơn. Bà Rut không chỉ xem bà Nôêmi như mẹ ruột của mình mà còn xem dân tộc bà như dân tộc mình, Thiên Chúa của bà như Thiên Chúa của chính mình. Do sự thích nghi và cởi mở đó, bà Rut được xếp vào hàng tổ tiên của Đấng sẽ đến để thiết lập đại gia đình của Thiên Chúa, trong đó không còn hàng rào của chủng tộc, màu da và văn hoá nữa.

4. Tựu trung, thích nghi với hoàn cảnh cũng có nghĩa là sống giới răn bác ái của Chúa Kitô. Hơn bất cứ hoàn cảnh nào khác, đời sống vợ chồng đòi hỏi phải sống bác ái cao độ. Thiết tưởng lời của thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô chương 13 đáng cho chúng ta tâm niệm mỗi ngày. Chúng tôi mượn lời thánh nhân để kết thúc:

“Bác ái thì khoan dung, nhân hậu, bác ái không ghen tương, bác ái không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất, không giận dữ, không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lòng chân thật. Trong muôn sự, bác ái hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn”.

17. ĐỊA VỊ CỦA NGƯỜI CHỒNG TRONG GIA ĐÌNH

Một cảnh thư giãn mang tính giáo dục rất ý nghĩa được chiếu trên một đài truyền hình:

Giữa đêm khuya, từ phòng riêng, hai vợ chồng trẻ bị đánh thức vì tiếng khóc của đứa con đầu lòng ở phòng bên cạnh. Trong cơn ngái ngủ xem ra không ai muốn dậy để săn sóc con. Họ nhìn nhau mỉm cười rồi đưa tay đánh cá xem ai là người phải dậy để lo cho đứa bé. Không ai thắng cuộc. Thế là cả hai cùng ngồi dậy và cùng chạy sang phòng bên cạnh.

Sau đó có lời giải thích về phút thư giãn giáo dục như sau: “Nuôi con là một chia sẻ trách nhiệm”.

Mọi người đều hiểu, nuôi dạy con không phải chỉ là việc của người vợ, mà là trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng.

Với câu chuyện giáo dục trên đây, chúng tôi xin gợi lên một vài suy nghĩ về địa vị của người chồng trong gia đình. Cần phải hiểu thế nào địa vị làm chủ gia đình của người chồng? Người chồng phải thể hiện quyền làm chủ ấy thế nào?

1. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, dường như đâu đâu cũng đều có một thoả thuận ngầm về vai trò chủ động của người chồng trong gia đình. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côlôsê ở chương 3, cũng đồng một quan điểm. Ngài kêu gọi những người vợ phải phục tùng chồng cho phải phép.

Quả thực người đàn ông là chủ gia đình. Nhưng điều đó không có nghĩa là đàn ông cao trọng hơn đàn bà. Xét về phẩm giá con người, giữa đàn ông và đàn bà không hề có bất cứ một sự khác biệt nào về đẳng cấp. Sự khác biệt về thể lý không đương nhiên tạo ra bất bình đẳng giữa hai phái. Chiều cao của thân xác và sức mạnh của cơ bắp không bao giờ được xem là nền tảng của sự bất bình đẳng.

Người đàn ông và người đàn bà có những đặc điểm khác nhau, nhưng những đặc điểm đó không hề có một giá trị khác nhau. Xét như là những con người khác nhau, họ bổ túc cho nhau chứ không hề là kẻ trên, người dưới đối với nhau.

2. Kể từ Công Đồng Vaticanô II, cái nhìn của Giáo Hội về hôn nhân cũng thay đổi. Trước kia, hôn nhân được quan niệm như một thứ khế ước, trong đó, hai người phối ngẫu trao đổi quyền lợi cho nhau. Một quan niệm có tính cách luật pháp như thế, dĩ nhiên dễ đưa đến chỗ phân quyền và cạnh tranh. Người chồng luôn nghĩ tới những quyền lợi của mình đối với vợ.

Với Công Đồng Vaticanô II, hôn nhân được định nghĩa thiết yếu như một cộng đồng tình yêu mà hai người nam nữ, do giao ước hôn phối, cam kết xây dựng với nhau suốt đời. Định nghĩa này đã được Giáo luật mới của Giáo Hội lặp lại trong số 1055 như sau: “Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống”.

Nói đến thông hiệp là nói đến tình yêu, mà nói đến tình yêu là không còn nói đến quyền lợi nữa. Tình yêu vợ chồng làm cho hai người bình đẳng với nhau đến độ không ai còn nại đến quyền lợi của mình đối với người khác. Nếu có một thứ quyền lợi mà cả hai phải nghĩ đến, thì đó là lợi ích của cộng đồng tình yêu mà họ đã cam kết xây dựng với nhau. Trong tình yêu hôn nhân, người ta có thể nói rằng, không còn có cái tôi với những quyền lợi riêng tư nữa. Hai người phối ngẫu sẽ không còn phải khẳng định: cái này của tôi, cái kia của ông, cái nọ của bà. Họ thuộc về nhau trọn vẹn, họ chia sẻ cho nhau tất cả mọi sự. Họ có chung một trách nhiệm.

3. Có những người đàn ông thích thể hiện quyền lợi của mình. Họ nại đến quyền làm chồng để cưỡng bách vợ phải vâng phục hầu hạ mình. Họ nại đến quyền làm chủ để đơn phương quyết định mọi việc trong nhà. Họ nại đến cả quyền làm đàn ông để hành hạ đàn bà. Khi người chồng chỉ suy nghĩ và hành động trong vòng quyền lợi của mình, thì dĩ nhiên, người vợ sẽ không còn là người bạn đường để cùng xây dựng cộng đồng tình yêu nữa mà có lẽ chỉ còn là người nội trợ không hơn không kém, một người giúp việc để cho người đàn ông sai khiến và sử dụng vào những mục tiêu riêng của mình. Cư xử như thế không phải là thể hiện tư cách làm chủ trong gia đình.

Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Côlôsê, sau khi đã nhắc nhở cho người chồng địa vị làm chủ trong gia đình đã khuyên nhủ như sau: “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến vợ”. Như vậy, với thánh Phaolô, chỉ có một cách thế duy nhất để người chồng thể hiện quyền làm chủ của họ trong gia đình, là yêu thương.

4. Tạp chí “Thành Công” của Italia đã làm một cuộc thăm dò với các nữ độc giả về điều mà họ chờ đợi nơi người đàn ông. Một độc giả đã trả lời như sau: “Người đàn ông sẽ trở thành kỳ diệu khi họ siết chặt ta trong vòng tay âu yếm và làm cho ta cảm thấy nhỏ bé trong họ. Trái lại, họ sẽ trở nên ngu xuẩn khi họ muốn ta phải nhỏ bé lại trước mặt họ”.

Nhận xét trên đây thật chí lý. Người chồng chỉ thể hiện được uy quyền của mình bằng tình yêu chứ không bằng vũ lực hay bất cứ sự cưỡng bức và đe doạ nào.

Người đàn bà tự bản chất luôn cần có sự che chở của người đàn ông. Do đó, đức tính mà người đàn bà đánh giá cao nhất nơi đàn ông, trước hết phải là sự can đảm. Can đảm ở đây không hẳn là phải thể hiện những hành động phi thường, mà chính là biết bình tĩnh để ứng phó và đối đầu với những khó khăn của cuộc sống.

Chính sự cứng rắn và ý chí vững mạnh của người đàn ông sẽ mang lại an ninh cho người đàn bà. Sự can đảm nơi người đàn ông còn được thể hiện bằng chính sự chịu đựng, kiên nhẫn nữa. Sự cứng rắn của người đàn ông phải là một sự cứng rắn đầy yêu thương và dịu dàng. Sức mạnh nơi người đàn ông phải là sức mạnh của sự tế nhị. Nam tính của người đàn ông phải là nam tính của yêu thương và âu yếm.

5. Người chồng phải luôn nhớ mình là chủ gia đình. Nhưng địa vị làm chủ ấy họ chỉ có thể thực hiện như lời căn dặn của Chúa Giêsu: “Ai trong các con muốn làm lớn, hãy làm đầy tớ mọi người”. Đó là nghịch lý của Kitô giáo và cũng là khuôn vàng thước ngọc cho người chồng. Người chồng không thể hiện tư cách làm chủ bằng cách đòi hỏi vợ phải tôn trọng những quyền lợi riêng tư của mình, mà chính là bằng phục vụ và phục vụ trong yêu thương, nhẫn nại, cảm thông và tha thứ.

Lời của thánh Phaolô cần phải được người chồng đem ra thực hành để sống đúng tư cách làm chủ gia đình mình: “Anh em hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương. Đó là giây ràng buộc điều toàn thiện”.

18. GIỮ CHO TÌNH YÊU LUÔN TƯƠI THẮM

Người vợ thứ hai của nhạc sĩ nổi tiếng người Pháp, Claude Gosti đầu thế kỷ 20, có một bí quyết rất độc đáo để giữ chồng. Bà ý thức rằng, với năm tháng, sắc đẹp của bà mỗi lúc một tàn phai. Do đó, để cho người chồng nhạc sĩ không phải thất vọng về nhan sắc của mình, mỗi buổi sáng bà thức dậy trước ông một tiếng đồng hồ rồi lặng lẽ đi trang điểm. Sau đó bà trở lại giường ngủ. Khi thức giấc, Claude Gosti luôn thấy bên cạnh mình một người đàn bà trẻ trung và hấp dẫn.

Người ta thường nói đến bí quyết để giữ chồng. Không có tham vọng đưa ra một bí quyết nào, chúng tôi chỉ xin được góp ý với những người vợ trẻ về việc làm thế nào để tình yêu vợ chồng luôn được thắm tươi và cuộc sống gia đình không trở thành đơn điệu buồn chán.

1. Trong việc sinh con, người cha trong thực tế chỉ can thiệp có một lần và can thiệp từ bên ngoài. Người cha là nguyên lý sự sống cho con cái. Nhưng người mẹ mới thực sự là người tổ chức, là sân khấu, nơi diễn ra tất cả huyền nhiệm việc hình thành sự sống của con cái.

Qua những tháng dài, người mẹ cảm nghiệm được sự sống đang lớn dần lên trong mình. Người mẹ vui với sự hiện diện của đứa con trong lòng. Người mẹ cũng đau đớn vì sự hiện diện của đứa con. Nỗi đau ấy đạt tới tột cùng khi đứa con từ giã cung lòng êm ấm để chào đời. Nhưng nói như Chúa Giêsu, nỗi đau càng lớn thì niềm vui càng tràn ngập tâm hồn người mẹ. Có thể nói, nỗi đau và niềm vui của người mẹ gắn liền với đứa con.

Đó là lý do khiến cho nhiều người đàn bà cảm thấy là mẹ hơn là vợ. Đối với họ, đứa con là mục đích, người chồng chỉ là phương tiện. Sau khi mục đích đã đạt được thì phương tiện, nếu không bị lãng quên, thì cũng bị đặt vào hàng thứ yếu. Trong những âu yếm, bận tâm và nói chung, ngay cả trong tình yêu, tình nghĩa vợ chồng có thể bớt mặn nồng vì sự hiện diện của đứa con. Đó có thể là nguy cơ xảy ra cho một số gia đình trẻ. Vì thế, người vợ phải cư xử thế nào để tình mẫu tử không hạ giảm tình yêu vợ chồng.

Sứ mệnh người đàn bà không chỉ là sinh con mà còn phải làm cho quả tim của người đàn ông luôn tươi trẻ. Người đàn ông bảo vệ người đàn bà. Nhưng chính người đàn bà mới là người nuôi dưỡng người đàn ông bằng tình yêu.

2. Một trong những đặc điểm cơ bản của tâm hồn người đàn ông chính là khát vọng tự do. Họ sẽ cảm thấy nghẹt thở khi bị ràng buộc. Đó là lý do giải thích tại sao người đàn ông thích ra khỏi nhà, thích tìm đến với bạn bè để nhâm nhi tách cà phê, ly rượu nồng, hoặc để qua giờ trong những cuộc sát phạt bài bạc. Những chiều chủ nhật, họ thích đến sân vận động để xem bóng đá, hoặc đi câu cá. Giải trí ở bên ngoài gia đình là thể hiện khát vọng muốn tự do.

Một người vợ yêu chồng, biết chiều chồng hẳn là người biết chẩn đoán tâm hồn của chồng và sẵn sàng tạo điều kiện để chồng thỏa mãn khát vọng tự do của họ.

Tình bạn của họ, sự hiện diện của những người bạn trong cuộc đời của họ là điều không thể thiếu nếu người đàn ông muốn giữ sự quân bình nội tâm. Do đó, thiết tưởng người vợ không những không ngăn cản mà còn phải tạo điều kiện để mối quan hệ của chồng với bạn bè luôn được tốt đẹp.

Việc gặp gỡ bạn bè, hay nói chung, những lần ra khỏi gia đình là những liều thuốc bổ cần thiết cho đời sống vợ chồng. Mối quan hệ với người chung quanh càng tốt đẹp thì tình yêu vợ chồng càng được củng cố. Niềm vui có thêm một người bạn mới, niềm vui được sống hài hoà với người chung quanh, phải chăng không làm gia tăng niềm vui sướng trong gia đình?

3. Đời sống gia đình tự nó là một cuộc sống độc điệu dễ đưa đến buồn chán. Thi sĩ Paul Valéry của Pháp đã nói một câu chí lý: “Số lượng của sự âu yếm mà người ta có thể cảm nhận và diễn tả trong một ngày thường rất giới hạn”. Hẳn thi sĩ Paul Valéry muốn nói rằng, không ai có thể sống một ngày, một tuần hoặc những năm tháng dài mà luôn giữ được sự âu yếm ở một mức độ không thay đổi.

Nói cách khác, người ta dễ mỏi mệt, và mỏi mệt ngay cả đối với những người thân yêu của mình. Do đó, phải tránh làm cho đời sống vợ chồng trở thành đơn điệu, nhàm chán. Tình yêu vợ chồng, hay đúng hơn, sự diễn tả tình yêu cần được thay đổi và mới mẻ luôn.

Thói quen nào cũng dễ làm phát sinh sự nhàm chán. Khi tình yêu bị giới hạn trong những công thức thì tình yêu ấy dễ trở thành giả dối. Trong một câu chuyện ngắn, một văn sĩ đã ghi lại những cuộc hẹn hò dưới trăng của một đôi tình nhân. Cứ mỗi tối, người con trai lại nói với người con gái bằng một giọng rất lãng mạn không bao giờ thay đổi: “Em yêu, đây là chiếc ghế đá trung thành của chúng ta”. Nhưng cô gái đã nhàm chán với điệp khúc ấy bèn thốt lên: “Phải, nhưng lúc nào cũng chỉ là chiếc ghế đá ấy”.

Sự đơn điệu dễ mang lại nhàm chán. Do đó, các đôi vợ chồng phải tổ chức đời sống thế nào để giữ cho tình yêu luôn được tươi trẻ. Thỉnh thoảng họ cần phải ra khỏi khung cảnh gia đình để được sống trọn vẹn cho nhau. Ngoài ra, tình bạn, những quan hệ với những người xung quanh cũng là những thức ăn cần thiết để giữ cho tình yêu vợ chồng được tươi trẻ và tránh được sự độc điệu nhàm chán.

4. Trong việc gìn giữ cho tình yêu vợ chồng được tươi trẻ, hẳn người vợ phải là người đóng vai trò quan trọng nhất. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến vẻ đẹp mà người đàn bà luôn giữ gìn, chăm sóc. Vẻ đẹp của người đàn bà chính là quyền lực của họ đối với chồng. Đó cũng là bí quyết để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi.

Dĩ nhiên, vẻ đẹp tâm hồn là yếu tố quan trọng hơn cả. Một vẻ đẹp thể lý dù lộng lẫy kiêu sa đến đâu cũng sẽ trở thành vô duyên khi người đàn bà không có vẻ đẹp trong tâm hồn. Và dĩ nhiên, vẻ đẹp của tâm hồn không nhất thiết phải là sự thông minh, cũng không hẳn là cái duyên dáng của những điệu bộ, mà chính là tấm lòng quảng đại, yêu thương, tha thứ, phục vụ, quên mình của người đàn bà.

Nhưng, đề cao vẻ đẹp tâm hồn không có nghĩa là không cần quan tâm đến vẻ đẹp của thân xác. Nhiều người đàn bà nghĩ rằng, sự trang điểm và làm đẹp chỉ cần thiết trong thời kỳ hẹn hò với nhau. Họ quên rằng, chính trong đời sống vợ chồng mà người đàn bà cần làm đẹp hơn bao giờ hết. Người đàn bà thường làm đẹp khi họ đang yêu. Phải chăng trong đời sống vợ chồng, người đàn bà không còn đối tượng để yêu thương nữa?

Trang điểm, làm đẹp, giữ cho thân xác luôn tươi tắn là một trong những bí quyết quan trọng để giữ chồng, hay đúng hơn, để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Làm đẹp là một cách thế để nói lên tình yêu đối với chồng.

19. NUÔI DƯỠNG VÀ PHÁT TRIỂN TÌNH YÊU

Nhiều người cho rằng, tình tứ lãng mạn chỉ dành cho thời kỳ theo đuổi hẹn hò với nhau mà thôi. Một khi đã thành vợ thành chồng, người ta sẽ phải sống với nhau thực tế hơn. Thực tế hơn để hiểu nhau hơn, thực tế hơn để đương đầu với những vấn đề của cuộc sống mà có lẽ trong thời kỳ quen biết nhau người ta chưa để ý tới.

Đó là quan niệm thông thường của người chồng, bản tính thích khám phá và chinh phục. Bao lâu chưa chiếm hữu, họ dùng mọi nỗ lực và tài trí để đạt cho bằng được; nhưng khi đã nắm trong tay rồi, họ lại lơ là với đối tượng và đi tìm những đối tượng khác.

Thật ra, tình yêu lứa đôi không phải là một cuộc chinh phục. Đó là một công trình xây dựng suốt đời. Thời kỳ quen biết hẹn hò chỉ là khởi đầu của công trình xây dựng ấy. Mãi mãi tình yêu lứa đôi cần phải được nuôi dưỡng bồi bổ bằng chính sự lãng mạn mà hai người đã trao cho nhau ngay từ ban đầu. Đó là bí quyết để xây dựng tình yêu lứa đôi mà chúng tôi xin được gợi lên cho người chồng trẻ trong bài này.

1. Người ta thường nói, người đàn bà chỉ trở thành đàn bà dưới cái nhìn của người đàn ông. Thực thế, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Chính qua ánh mắt mà con người biểu lộ nội tâm sâu kín của mình. Điều này càng đúng hơn trong tình yêu vợ chồng. Qua ánh mắt tình tứ, hai người trao đổi cho nhau những gì mà họ không thể trao đổi với người khác.

Riêng với người vợ, ánh mắt tình tứ của người chồng là một bảo đảm: người vợ được yêu thương, được bao bọc, được chở che. Ánh mắt ấy như nói với người vợ rằng: chồng luôn ở bên cạnh mình. Ánh mắt ấy như nói với người vợ rằng, lúc nào chồng cũng tán thành những việc làm và luôn cảm thông những lầm lỡ thiếu sót của mình. Ánh mắt ấy là một khuyến khích người vợ trong những công việc đơn điệu và phiền toái mỗi ngày. Một người chồng luôn biết giữ được ánh mắt tình tứ ấy là người biết nắm chắc hạnh phúc lứa đôi.

2. “Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Càng thân mật gần gũi với nhau người ta càng dễ xem thường nhau. Điều này cũng xảy ra ngay trong đời sống vợ chồng. Người ta quan niệm, phép lịch sự chỉ dành cho những người bên ngoài gia đình. Kỳ thực lịch sự là hoa quả của bác ái. Mà không nơi nào đòi hỏi bác ái cho bằng chính môi trường thân thuộc của mình. Càng thiết thân với nhau, người ta lại càng cần lịch sự với nhau hơn.

Hãy lấy thí dụ về những câu chào hỏi hằng ngày. Thông thường người ta nghĩ đó là công thức cần thiết cho việc xã giao. Người ta chào hỏi ông giám đốc, những người đồng nghiệp trong sở làm. Người ta chào hỏi những người quen biết ngoài đường. Nhưng liệu người ta có nghĩ đến việc chào hỏi những người thân trong gia đình không? Người ta quên rằng, chính những người thân trong gia đình mới là những người cần được chào hỏi hơn ai hết. Lời chào hỏi ấy dĩ nhiên không phải là một công thức quen thuộc mà phải là thể hiện của một sự ân cần chăm sóc đặc biệt mà người ta muốn dành cho những người thân của mình.

Điều này càng có giá trị hơn trong mối quan hệ giữa vợ chồng. Một câu chào hỏi ngay từ khi thức giấc mà người chồng dành cho vợ như muốn nói với vợ rằng, chồng luôn ở bên cạnh vợ, chồng thuộc trọn về vợ.

Người ta không chỉ nói để bày tỏ tư tưởng, để bộc lộ nỗi lòng hay để loan truyền sứ điệp cho người khác mà còn để thiết lập quan hệ với người khác. điều này càng có giá trị hơn trong tương quan vợ chồng. Người chồng chào hỏi và chuyện vãn với vợ, trước hết là để thắt chặt sự liên kết của mình với vợ. Một người chồng suốt một tuần lễ không biết tìm dịp để nói chuyện với vợ, nhất là để khen tặng nàng, người chồng đó chưa biết nghệ thuật làm chồng.

3. Người đàn bà thích được khen tặng, không phải vì họ không biết giá trị khách quan của con người họ, hoặc những gì họ có, mà chỉ vì họ muốn được yêu thương, chiều chuộng. Người đàn bà đón nhận một lời khen tặng, trước hết như một biểu lộ của sự chú ý, của quan tâm, của tình yêu mà người khác dành cho họ.

Đối với một quà tặng cũng thế. Người đàn ông thường nhìn quà tặng dưới góc cạnh nghệ thuật hay lợi ích. Họ ít khi gắn liền tình cảm của họ vào quà tặng. Đối với người đàn bà thì ngược lại, giá trị của một món quà hệ tại ở cường độ tình cảm mà nó gợi lên. Một sự vật vô nghĩa và cũ kỹ có thể gợi lên cho trái tim người đàn bà cả một thế giới đầy ắp kỷ niệm hay làm sống dậy muôn nghìn cảm xúc.

Do đó, tất cả mọi quà tặng dù nhỏ bé và vô nghĩa đến đâu cũng đều có giá trị và được họ cất giữ ôm ấp một cách trân trọng. Người đàn bà sẽ đau khổ rất nhiều khi phải sống bên một người đàn ông không biết trao tặng, một người đàn ông không biết trao ban chính mình.

Qua những lời khen, những quà tặng của mình, người đàn ông chứng tỏ họ có một tâm hồn quảng đại và qua đó họ cũng trao tặng chính tình yêu của mình cho vợ.

20. VAI TRÒ CHỦ ĐỘNG CỦA NGƯỜI VỢ TRONG HẠNH PHÚC HÔN NHÂN

Một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất trong thập niên 50 là nam tài tử Gali Copter. Ông nổi tiếng không những vì tài nghệ diễn xuất mà còn vì cuộc sống hôn nhân mẫu mực. Vào khoảng cuối đời, quằn quại trong thể xác, ông đã nói về Rocky, người vợ đã chung sống với ông trong gần 30 năm như sau:

“Rocky là một người đàn bà kỳ diệu. Nàng là một người vợ đã biết thích nghi với tính khí và công việc của tôi. Nàng cũng biết cảm thông với những lỗi lầm của tôi. Nhất là nàng đã biết ở bên cạnh tôi mỗi khi nàng có thể, mỗi khi tôi cần đến nàng. Nàng là một người vợ đích thực”.

Những lời khen tặng trên đây của tài tử Gali Copter là một lời khẳng định: người nắm giữ bí quyết hạnh phúc gia đình, người đóng vai chủ động trong việc xây dựng hạnh phúc hôn nhân chính là người vợ. Dĩ nhiên sự thành công của hôn nhân là do sự hợp tác của hai vợ chồng. Nhưng người vợ vẫn là người đóng vai trò chủ yếu. Đó là điều mà một lần nữa, chúng tôi muốn được chia sẻ với những người vợ trẻ trong bài này.

1. Một trong những bí quyết xây dựng hạnh phúc hôn nhân là biết thích nghi với tính khí của nhau. Tài tử Gali Copter đã ca tụng vợ mình là một người đàn bà kỳ diệu bởi vì bà đã biết thích nghi với tính tình và nhất là biết cảm thông với những lầm lỡ của ông.

Một trong những điều khiến cho những người vợ trẻ thất vọng nhất trong những năm đầu đời hôn nhân là những khuyết điểm của người chồng. Chỉ vài tháng sau ngày cưới, con người đã một thời là hoàng tử của lòng người con gái, nay hiện nguyên hình nguyên trạng với đủ mọi thứ tính hư tật xấu.

Thích nghi, đối với người vợ, trước tiên là chấp nhận sự thật. Cuộc sống hôn nhân không là một cuốn tiểu thuyết. Người ta nói, chín mươi phần trăm những người vợ ngoại tình đều là những người đàn bà xem hôn nhân như là một thứ tiểu thuyết. Chính vì không tìm thấy trong hôn nhân những gì họ mơ tưởng mà nhiều người đã thất vọng và chạy theo những cuộc phiêu lưu. Chấp nhận sự thật là chấp nhận những khuyết điểm và lầm lỗi của người chồng. Một người đàn ông không có khuyết điểm là một người đàn ông ngu đần, hoặc chỉ là một kẻ giả dối. Có những khuyết điểm gắn liền với những tính tốt nơi người đàn ông mà thiết tưởng, người vợ nên chấp nhận mà thôi.

Người vợ hãy cư xử như một người quản lý trong một cơ sở; mỗi ngày, người quản lý đi một vòng xung quanh cơ sở, kiểm soát xem có hư hại, thiếu sót điều gì không. Cũng thế, người vợ phải không ngừng kiểm soát tình hình của cuộc sống chung để kịp thời thấy được những hư hỏng và sửa chữa. Một rạn nứt nếu không sửa chữa kịp thời sẽ gây đổ vỡ lớn. Một chút thiếu sót của người chồng có thể là một rạn nứt trong tòa nhà hạnh phúc. Người vợ hãy thực tế để nhìn nhận sự rạn nứt ấy và tìm cách hàn gắn lại.

2. Anh quốc là nước có tỉ lệ ly dị cao nhất tại Âu châu. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và nhất là việc đóng cửa hàng loạt mỏ than quốc doanh được nhiều người xem là nguyên nhân chính của thảm trạng gia đình. Người ta giải thích rằng, những người đàn ông thất nghiệp đâm ra cau có, quạu cọ và rơi vào nghiện ngập. Tình trạng tài chính bấp bênh, nhà cửa không bảo đảm, đó là những lý do đưa đến bất hoà và cuối cùng là đổ vỡ trong gia đình.

Dĩ nhiên những yếu tố trên đây ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân và gia đình. Tuy vậy, tác nhân chính của thành công và đổ vỡ trong gia đình trước tiên phải là con người. Nếu con người biết xem hạnh phúc, sự thành công của hôn nhân và trách nhiệm của mình thì quy trách cho hoàn cảnh và những yếu tố bên ngoài là một thái độ thiếu trưởng thành. Người ta quy trách cho những điều kiện kinh tế, người ta nói đến sự thay đổi tính khí của người chồng. Thế còn người vợ thì sao?

Chính trong những điều kiện khó khăn về kinh tế, tài chính, tâm lý mà người vợ phải thể hiện vai trò của mình. Trong những hoàn cảnh khó khăn như thế, người vợ cần phải tỏ ra là cột trụ của gia đình, là chỗ dựa của người chồng, là người đóng vai trò chủ yếu trong việc bảo vệ sự vững chắc của gia đình.

3. Tuần báo Paris Match xuất bản tại Pháp đã có lần đề ra một số điểm giúp người vợ bảo vệ hạnh phúc gia đình như sau:

- Trước hết, người vợ đừng bao giờ nghĩ rằng, đã lập gia đình thì không cần chiều chuộng chồng nữa. Hơn cả trong thời gian quen biết và đính hôn, người vợ cần phải không ngừng làm đẹp lòng chồng. Những lúc người chồng gặp khó khăn trong công ăn việc làm là những lúc họ cần được vợ nâng đỡ chiều chuộng hơn cả. Trong mọi sự, người vợ hãy cư xử với chồng như một người tình.

- Thứ hai, người vợ phải luôn tạo ra một bầu khí ấm cúng trong gia đình. Một căn nhà trật tự sạch sẽ, một bữa ăn chuẩn bị chu đáo, đó là hơi ấm mà người vợ mang lại cho chồng sau một ngày lao động vất vả hay sau những giờ phút căng thẳng vì bổn phận.

- Thứ ba, người vợ phải luôn biết khuyến khích cổ võ chồng trong công việc, dù công việc có tăm tối và khiêm tốn đến đâu. Ai cũng muốn được khen tặng. Trong lời khen tặng ấy, không ai có thể thành thật cho bằng người vợ.

- Thứ bốn, người vợ nên nhớ: người chồng không muốn bị kiểm soát trong vấn đề tiền bạc. Thái độ kiểm soát của người vợ sẽ dễ đặt người chồng vào chỗ dối trá và từ đó, xem vợ như là một đối thủ.

- Thứ năm, việc bếp núc là một trong những chìa khóa để bảo vệ hạnh phúc hôn nhân. Khi một người chồng không cảm thấy thoải mái hoặc được săn sóc trong gia đình, họ sẽ bị cám dỗ đi ra ngoài thường xuyên hơn.

- Cuối cùng, người vợ nên nhớ, mình là người bạn đường của chồng. Một khi người chồng không còn cảm thấy được thoải mái để tâm sự với vợ nữa, họ sẽ đi tìm một người khác. Điều này cũng có nghĩa là người vợ phải không ngừng chú ý đến những khó khăn của chồng. Chú ý không có nghĩa là theo dõi, kiểm soát, mà chính là luôn dành tất cả yêu thương cho chồng. Tựu trung, tình yêu là chìa khóa của hạnh phúc.

Benjamin Franklin, Tổng thống Hoa Kỳ, đã nói như sau: “Nơi nào có hôn nhân mà không có tình yêu thì người ta sẽ đi tìm tình yêu ở ngoài hôn nhân”.

4. Ơn gọi của người vợ là sống cho tình yêu. Lời đó cũng có nghĩa là họ phải sống trọn vẹn cho chồng con. Khi một người vợ chỉ chờ đợi được chồng yêu thương chiều chuộng, khi một người vợ nghĩ đến tự do và những quyền lợi riêng của mình hơn hạnh phúc của chồng con, tức là họ đang đi trên con đường dẫn đến đổ vỡ. Sống đời hôn nhân là một thể hiện của ơn gọi làm Kitô hữu. Người ta chỉ tìm được hạnh phúc đích thực khi muốn tìm và xây dựng hạnh phúc cho người khác.

Người vợ hãy luôn tâm niệm lời của Chúa Giêsu: “Ai tìm sự sống của mình sẽ mất, ai mất mạng sống mình, sẽ tìm gặp lại nó”.

21. KHI THỬ THÁCH CHỚM NỞ HÃY NHỚ LỜI THỀ THỦY CHUNG

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành hôn của nhà tỷ phú Mỹ, Henry Ford, có người hỏi ông đâu là công thức để thành công trong đời sống hôn nhân. Ông trả lời: “Cũng chính là công thức đã giúp tôi thành công trong kỹ nghệ chế tạo xe hơi. Công thức đó là: Trung thành với một mẫu duy nhất”.

Sự thủy chung luôn luôn là chìa khóa của sự thành công trong bất cứ địa hạt ngành nghề nào của cuộc sống. Sự thủy chung ở đây dĩ nhiên phải gợi lên cho chúng ta trước tiên sự kiên trì nhẫn nại trong việc đeo đuổi mục đích mà mình đã đề ra.

Công thức trên đây phải được ưu tiên áp dụng cho đời sống vợ chồng. Khi bắt đầu một ngành nghề, người ta không buộc phải thề thốt trung thành với công việc đã chọn. Nhưng trong bậc hôn nhân, đời sống vợ chồng phải đặt nền tảng trên lời thề hứa thủy chung của hai người phối ngẫu. Giao ước mà hai người ký kết với nhau chính là lời hứa thủy chung.

Với những đôi vợ chồng trẻ đang bắt đầu chạm chán với những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân. Chúng tôi xin được nhắc lại với họ công thức trên đây: Thủy chung và thủy chung đến cùng.

Lời thề hứa và tâm niệm ấy sẽ giúp họ vượt qua được những thử thách trong cuộc sống và giúp họ xây dựng được một cuộc hôn nhân thành công.

1. Người ta thường nói đến những thử thách đầu đời của hôn nhân, những thử thách đó có thể đến ngay sau khi đôi tân hôn vừa chấm dứt tuần trăng mật. Sau khi thành hôn, cặp vợ chồng trẻ nào cũng mong được gần gũi quấn quít bên nhau suốt ngày, nhưng thực tế không cho phép họ tiếp tục mộng mơ. Cuộc sống hàng ngày với bao tranh đấu đang chờ đợi họ. Và giờ đây, cả hai đều hiện nguyên hình nguyên dạng với đầy đủ ưu khuyết điểm của mỗi người.

Trong suốt thời kỳ quen biết hẹn hò với nhau, người thanh niên nghĩ rằng, người vợ tương lai của mình là một người đàn bà lý tưởng, nàng không có những khuyết điểm mà chàng đã nhận thấy nơi những thiếu nữ khác. Chàng nghĩ rằng, nàng sẽ thành công ở những điểm mà người khác đã thất bại, và cuộc sống chung với nàng sẽ là một bài ca vô tận.

Nhưng chỉ sau tuần trăng mật, khi chạm với thực tế mỗi ngày, chàng đã bắt đầu nhận thấy nàng có những tính nết không phù hợp với lý tưởng mà chàng đã ôm ấp trước kia.

Dĩ nhiên, về phía người vợ trẻ, nàng cũng có những nhận xét tương tự về chàng. Chàng không còn giống như người thanh niên hào hoa đức độ mà nàng đã quen biết, và cũng không bao giờ là người đàn ông mà nàng ước mơ.

Trong cố gắng giúp nhau, hai người sẽ nhận xét cho nhau về những khuyết điểm của nhau. Nhưng mới chập chững bước vào đời sống vợ chồng, không ai có thể tránh được những vụng về. Những lời nhận xét ban đầu không mấy chốc biến thành một cuộc ăn miếng trả miếng. Thế là những cuộc cãi cọ to tiếng đầu tiên đã xảy ra. Và như loài thú nhai lại, mỗi người sẽ tìm một chỗ thinh lặng nào đó để gặm nhấm nỗi đắng cay đầu đời hôn nhân.

Trong đầu óc mỗi người, những nghi ngờ có thể sẽ dấy lên: “Tôi có lầm lẫn khi bước vào cuộc hôn nhân này không? Phải chăng tôi đã không chọn lầm người? Phải chi tôi đã dành nhiều thời giờ hơn để suy nghĩ trước khi quyết định lập gia đình!”. Sự khám phá ra nhau có thể đưa đôi vợ chồng trẻ đến tâm trạng chán chường ấy.

2. Với những đôi vợ chồng trẻ đang bắt đầu sống trong tâm trạng ấy, chúng tôi xin được khẳng định rằng: Đó là một giai đoạn cần thiết cho đời sống vợ chồng. Va chạm nào cũng đau đớn, nhưng va chạm nào cũng cần thiết để giúp con người hiểu nhau hơn. Một chiến thắng không khó khăn thường không phải là một chiến thắng vinh quang.

Cũng thế, một cuộc sống hôn nhân không có những va chạm, gây gổ, cãi cọ, chưa hẳn là một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Hầu hết các cặp vợ chồng đều thỉnh thoảng gây gổ nhau, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là họ không hạnh phúc. Có những người chồng hãnh diện tuyên bố rằng: Sau bốn, năm năm chung sống với nhau, hai người không bao giờ có lời qua tiếng lại. Thật ra, xét cho cùng, sở dĩ hai người hoàn toàn đồng ý với nhau trong tất cả mọi sự có lẽ chỉ vì người vợ không dám lên tiếng phản đối ý kiến của ông chồng mà thôi. Thành ra, không cãi cọ, gây lộn với nhau chưa hẳn đã có nghĩa là hoàn toàn hạnh phúc bên nhau.

Những đôi vợ chồng mới cưới thường coi lần cãi cọ đầu tiên là một điều xấu. Thật ra, điều đó chỉ có nghĩa là hai cá tính khác nhau, chưa hoà hợp với nhau mà thôi. Đúng hơn, hai người chưa biết cách hoặc chưa tập luyện để chịu đựng nhau trong những thử thách và nghịch cảnh. Lần cãi cọ đầu tiên không hề ảnh hưởng đến lâu đài hạnh phúc của vợ chồng; trái lại, nó giúp hai người biết nhau hơn.

Đối với hôn nhân cũng như những giai đoạn khác trong đời người, những kết quả cuối cùng ra sao là tuỳ ở trí khôn ngoan và sự cố gắng của con người. Khi hai người phối ngẫu quyết tâm không bỏ qua điều gì khả dĩ đem lại sự êm ấm trong gia đình, họ sẽ ít thất vọng. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng, tình trạng êm ấm ấy không phải ngẫu nhiên mà có nhưng đòi hỏi nỗ lực không ngừng của cả hai người.

Người thanh niên nào cũng muốn hết sức cố gắng để được kết duyên với người mình yêu. Vậy thì một khi đã lập gia đình, tại sao người đó không cố gắng thêm nữa để bảo đảm hạnh phúc lâu bền?

3. Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất để bảo đảm hạnh phúc ấy, chính là lòng chân thành với nhau. Gia đình nào cũng có thể gặp sóng gió. Nếu không biết xử lý khôn khéo, người ta dễ gây hiểu lầm cho nhau. Nhưng không gì sai lầm bằng khi nghĩ rằng, người ta có thể tránh được khủng hoảng bằng cách lừa dối nhau. Khi sự lừa dối lộ diện thì niềm tin giữa hai người sẽ ngã đổ. Về chuyện gia đình, chỉ có lòng chân thành mới giúp cho hai người tôn trọng nhau, và sự tôn trọng nhau chính là nền tảng của sự hoà thuận trong gia đình.

Vì hôn nhân là một sự kết hợp trong đó mọi người có quyền ngang nhau, cho nên không thể có hạnh phúc nếu mỗi người không duy trì cá tính của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mỗi người không nên nhìn nhận những sai sót và khuyết điểm của mình. Nếu cần, hai người hãy thành thật xin lỗi nhau. Như vậy, chắc chắn họ sẽ được tôn trọng hơn là cố tâm bỏ qua một sự bất công.

Người Tây phương thường nói: vợ chồng không nên đi ngủ với mối đố kỵ trong lòng. Thật thế, những đố kỵ dù nhỏ bé đến đâu, nếu cứ dồn ép lại, sẽ dễ trở thành những mối thù ghét mà sự ly dị cũng không dập tắt được.

Sự kết hôn không những không thay đổi đột ngột những cá tính của đôi vợ chồng nhưng lại làm nổi bật khuyết điểm của mỗi người. Nhưng đôi vợ chồng trẻ nên nhớ: Cá tính là điều có thể uốn nắn, cải thiện; đồng thời, có thể kết hợp thành một mối hài hoà.

4. Cuối cùng, đôi vợ chồng trẻ nên nhớ, chính trước mặt Chúa và Giáo Hội của Ngài mà họ đã thề hứa chung thủy với nhau. Lòng chung thủy, do đó, không chỉ là một chuỗi những cố gắng duy trì xây dựng của con người, nhưng còn là một thể hiện của lòng tin. Nghĩa là sự thuỷ chung không chỉ là một cố gắng của con người thể hiện cho nhau, mà còn là một cách sống niềm tin nơi Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xem Đức Piô XII mô tả một gia đình Kitô kiểu mẫu như sau:

“Các bạn sẽ thấy mọi người trong gia đình ấy quan tâm chu toàn bổn phận của mình một cách hữu hiệu và ý thức. Mỗi người tìm cách làm vừa lòng mọi người. Mọi người đều tìm cách thực thi công bình, lòng thành thực, sự hiền lành, sự quên mình với nụ cười trên môi và trong tâm hồn. Họ kiên nhẫn chịu đựng nhau, tha thứ cho nhau và thể hiện sức mạnh trong giờ phút thử thách. Các bạn sẽ thấy các bậc cha mẹ giáo dục con cái trong yêu thương và rèn luyện các nhân đức.

Trong một gia đình như thế, Thiên Chúa được tôn vinh và phục vụ một cách trung thành, tha nhân được đối xử một cách tử tế. Các bạn có thể tìm thấy một nơi nào đẹp đẽ và xây dựng hơn không?”.

22. NGUYÊN NHÂN KHỦNG HOẢNG: CHƯA ĐỦ TRƯỞNG THÀNH.

Cơn khủng hoảng đầu đời hôn nhân. Đó là vấn đề mà chúng tôi xin được tiếp tục trình bày.

1. Những cơn khủng hoảng trong đời sống hôn nhân thường xảy đến trong hai thời kỳ:

- Thời kỳ thứ nhất là những năm đầu của đời sống vợ chồng.

- Thời kỳ thứ hai là những năm tháng khi hai vợ chồng bước vào tuổi trung niên. Trong thời kỳ này, người đàn ông xem ra đã nếm đủ mùi vị của cuộc sống gia đình; do đó, dễ sống hướng nội hơn. Về phía người đàn bà, sau khi đã trải qua mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân, nếu không cảm thấy được thỏa mãn, họ dễ bị cám dỗ quay về với những ước mơ của thời niên thiếu. Ở lứa tuổi này người đàn bà dễ rơi vào những cuộc phiêu lưu mà họ không lường trước được.

Một người chồng khép kín, một người vợ mộng mơ chính là nguyên nhân đưa đến cơn khủng hoảng trong thời kỳ thứ hai của đời sống hôn nhân.

2. Trái lại, nguyên do đưa đến khủng hoảng đầu đời hôn nhân phần lớn là vì một hoặc cả hai người phối ngẫu thiếu chuẩn bị trước khi bước vào đời sống hôn nhân.

Nhiều người không hiểu rõ hoặc không được giáo dục đầy đủ về những nghĩa vụ và trách nhiệm của đời sống vợ chồng cũng như những khía cạnh tâm sinh lý và luân lý của đời sống chung. Nhiều người bước vào đời sống vợ chồng mà chưa đủ trưởng thành, do đó, cũng chưa đủ ý thức về những trách vụ mới của đời sống hôn nhân.

Hôn nhân phải là một giao ước được ký kết giữa hai người có tự do. Để có tự do thực sự, con người cần phải hiểu rõ mục đích việc làm của mình và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc làm ấy. Có hiểu biết như thế, con người mới thực sự là người trưởng thành.

Thật ra, trưởng thành không phải là một tình trạng mà con người thủ đắc một lần cho tất cả, cũng không hẳn khi ra khỏi tuổi vị thành niên hoặc bước vào tuổi 30, con người đương nhiên đã là người trưởng thành. Lại không hẳn càng thêm tuổi, càng trưởng thành. Ai cũng có kinh nghiệm, thỉnh thoảng trong cuộc sống, mình đã cư xử như một người thiếu trưởng thành.

3. Đã hẳn cần phải là người trưởng thành, người ta mới có thể làm một quyết định hệ trọng như việc bước vào đời sống hôn nhân. Nhưng cũng chính đời sống hôn nhân làm cho con người nên trưởng thành hoặc trưởng thành hơn. Kinh Thánh xem ra đã xác định điều đó khi nói, “Con người ở một mình không tốt. Người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ để luyến ái vợ và nên một với vợ”.

Để có thể nên một với người phối ngẫu, người ta cần phải ra khỏi chính mình. Hay nói như Chúa Giêsu: quên mình, mất mạng sống mình, thí mạng sống mình vì người khác. Đó là biểu hiện của một nhân cách trưởng thành. Do đó, hôn nhân đòi hỏi hai người phối ngẫu phải không ngừng đi vào tiến trình của sự trưởng thành. Chính trong đời sống vợ chồng mà con người học hỏi và tập luyện để nên trưởng thành hơn.

4. Hiểu được sự trợ giúp của đời sống vợ chồng trong sự thành toàn nhân cách như thế, chúng ta sẽ thấy rằng, cơn khủng hoảng của đầu đời hôn nhân xem ra là một điều cần thiết. Bước từ một giai đoạn này sang một giai đoạn khác trong cuộc sống, con người phải trải qua những cơn khủng hoảng. Đó là định luật của cuộc sống.

Người ta thường gọi đó là cơn khủng hoảng của sự trưởng thành. Ngay cả trong đời sống thiêng liêng, khủng hoảng cũng là một giai đoạn cần thiết giúp con người trưởng thành hơn trong đức tin. Có trải qua thử thách và đau khổ, con người mới cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, và nhờ đó đức tin được tinh luyện hơn.

Chính trong cái nhìn đó mà đôi vợ chồng trẻ nên lượng giá cơn khủng hoảng đang hoặc sẽ diễn ra trong những năm tháng đầu của cuộc sống vợ chồng. Đây là cơn khủng hoảng của sự trưởng thành, cho nên, hãy xem đó như là một điều cần thiết.

Thực ra, cần có những va chạm để hiểu nhau hơn và nhất là để hiểu được chính bản thân mình. Đôi vợ chồng trẻ sẽ thấy rằng, họ sẽ có những phản ứng, những cách cư xử mà họ chưa từng có trước kia; họ sẽ khám phá thêm một bộ mặt mới, những khía cạnh mới trong con người của họ. Và chính nhờ sự khám phá đó mà đôi vợ chồng mới tìm cách điều chỉnh lại mối quan hệ đối với nhau. Điều chỉnh lại mối quan hệ ấy chính là một cố gắng để đạt được sự trưởng thành trong nhân cách.

5. Cơn khủng hoảng trong những năm tháng đầu của đời sống vợ chồng thường bùng nổ bằng một cuộc cãi vã to tiếng. Đôi vợ chồng trẻ chợt nhận ra những phản ứng không ngờ của người phối ngẫu cũng như của chính mình. Đó là một khám phá cần thiết. Tuy nhiên, nếu họ không biết lợi dụng khám phá ấy để điều chỉnh mối quan hệ giữa hai người thì bùng nổ sẽ tiếp diễn. Lúc đó, sự cãi vã sẽ trở thành như cơm bữa và làm cho đời sống chung trở nên khó thở.

Cơn khủng hoảng của sự trưởng thành là điều cần thiết nếu người ta vượt qua nó. Đôi vợ chồng trẻ đã nhận ra được phản ứng nóng giận của mỗi người. Họ đã hiểu, lớn tiếng trong cuộc tranh luận là không muốn lắng nghe người khác. Khăng khăng bảo vệ lập trường của mình là không muốn nhìn những khía cạnh khác nhau của một vấn đề. Muốn áp đảo người khác bằng bạo động trong lời nói hay hành vi là tỏ rõ chính sự bất lực yếu đuối của mình. Một thái độ như thế cho thấy sự thiếu trưởng thành. Một người chồng cãi vã lớn tiếng với vợ và khước từ mọi giải thích của vợ để giữ lại mọi đắng cay trong tâm hồn là một người chồng chưa trưởng thành. Một người vợ cãi vã với chồng và khước từ mọi giải thích của chồng cũng là một người chưa trưởng thành.

Cuộc sống vợ chồng tựa một bản nhạc. Hát cho đúng từng nốt nhạc trong một bài hát không phải là chuyện dễ. Có người không có tai để nghe cho chính xác, có người không có giọng hát chuẩn. Có những người vợ đánh giá sai về quyền lợi của mình nhưng cũng không thiếu những người chồng không biết đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của vợ. Nhiều người vợ có khuynh hướng phiền muộn, lo lắng hoặc gây hấn, khiến người chồng chỉ biết đáp trả bằng những lời lẽ cộc cằn thô thiển, thậm chí bằng những cử chỉ bạo lực. Cả hai, chồng cũng như vợ đều tỏ ra là những người chưa trưởng thành và chưa đóng trọn vai trò phối ngẫu của mình.

6. Hôn nhân là trường đào luyện con người: Chính trong bậc hôn nhân mà con người đạt được sự trưởng thành của mình cũng như giúp cho người phối ngẫu nên người trưởng thành.

Để trưởng thành, con người cần có ý chí. Ý chí không là một ước muốn mơ hồ mà chính là luôn cố gắng chống lại sự ngoan cố, những định kiến, sự gây hấn. Có ý chí cũng có nghĩa là tập sống lạc quan, cởi mở, nhìn rộng, quảng đại, tha thứ.

Nhưng, trên tất cả mọi cố gắng của ý chí, cầu nguyện là phương thế quan trọng và cần thiết nhất trong đời sống của đôi vợ chồng trẻ. Họ phải luôn tâm niệm rằng, một gia đình cầu nguyện là một gia đình đứng vững, và sự trưởng thành nhân cách thực sự chỉ được xây dựng trên sự trưởng thành trong niềm tin mà thôi.

23. KHỦNG HOẢNG CẦN CHO TRƯỞNG THÀNH

1. Cơn khủng hoảng đầu đời lứa đôi là một giai đoạn cần thiết cho sự trưởng thành trong hôn nhân. Đã hẳn cần phải đủ trưởng thành mới có thể bước vào đời sống vợ chồng, nhưng cũng chính đời sống vợ chồng là trường đào luyện cho con người được thêm trưởng thành và phong phú hơn. Một cuộc hôn nhân đích thực luôn hướng đến sự phong phú. Phong phú trong việc sinh con đẻ cái đã đành, nhưng có một sự phong phú khác cơ bản hơn, quan trọng hơn, đó là làm cho vợ chồng được lớn lên trong tình yêu.

Hiểu được mục đích chính của hôn nhân là giúp con người được thêm trưởng thành và phong phú hơn trong tình yêu, chúng ta mới thấy rằng, khủng hoảng đầu đời hôn nhân là điều cần thiết. Cơn khủng hoảng ấy cần thiết vì nó giúp cho hai người phối ngẫu khám phá ra chính mình cũng như sự khác biệt của người phối ngẫu. Biết mình và biết người, con người mới có thể thích nghi hầu cư xử cho hợp lý.

Một trong những tâm lý gia nổi tiếng đã khẳng định rằng, không có một cuộc hôn nhân hoàn hảo nào mà lại không có sự căng thẳng giữa hai người phối ngẫu. Ông nói như sau: “Xét trên phương diện trí não, tinh thần và thể lý, thiên nhiên đã tạo nên một sự khác biệt to tát giữa người đàn ông và người đàn bà. Đến độ người đàn ông luôn nhìn thấy người đàn bà như đối thủ của mình và ngược lại. Đó chính là điều gây nên căng thẳng giữa hai phái. Nếu người đàn ông và người đàn bà bình đẳng với nhau thì có lẽ tất cả đều rơi vào trạng thái tĩnh và trái đất này sẽ trở nên khô cằn”.

2. Thế nên, một cuộc hôn phối thành công không phải là một cuộc sống không gặp sóng gió, nghĩa là không có những căng thẳng và cãi vã giữa hai người. Nên một trong thể xác và tinh thần không có nghĩa là xoá bỏ những khác biệt giữa hai người. Mãi mãi người khác vẫn là người khác với những nét cá biệt của họ. Mỗi người đều có những nhịp sống riêng của mình. Chàng có thói quen ăn nhanh, nàng thì trái lại ăn uống từ tốn. Chàng thì điềm nhiên đến lạnh lùng, nàng thì luôn luôn nhiệt tình đến nóng nảy. Nàng thích nghe nhạc, chàng lại thích thinh lặng để suy tư.

Vậy mà không gì có thể ngăn cản không cho hai con người dù có những khác biệt như thế chung sống hoà hợp với nhau. Trái lại, chính những khác biệt ấy sẽ giúp hai người được phong phú hơn. Hôn nhân là một trường học, trong đó hai người phối ngẫu không ngừng trao đổi cho nhau những gì mình không có. Nhưng dĩ nhiên sự trao đổi và học hỏi nơi nhau chỉ có thể thực hiện khi hai người biết đón nhận những khác biệt của nhau như những giá trị bổ túc cho nhau.

Người ta thường đề cao sự chịu đựng lẫn nhau giữa hai người phối ngẫu; thực ra, chịu đựng không phải là một nhân đức. Khi hai người chịu đựng nhau thì người này sẽ trở thành gánh nặng cho người kia, lúc đầu chỉ có sự mệt mỏi, về lâu về dài sự chán chường sẽ xảy đến. Thay vì chịu đựng nhau, hãy chấp nhận và tha thứ cho nhau.

Nhà giảng thuyết thời danh của Pháp là linh mục Lacordaire đã nói như sau: “Trên thế giới này không ai không có khuyết điểm. Tôi thích một người bạn mà tôi tha thứ, cũng như tôi được họ tha thứ, hơn là một người bạn mà tôi không có gì để tha thứ. Cần phải có sự hỗ tương trong tất cả mọi sự, ngay cả trong những bất toàn”. Lời phát biểu trên đây về tình bạn lại càng có giá trị hơn trong tình nghĩa vợ chồng.

3. Chấp nhận và tha thứ cho những bất toàn của nhau trong đời sống vợ chồng cũng có nghĩa là luôn đối xử với nhau bằng tất cả tế nhị. Hơn bất cứ quan hệ nào, tình nghĩa vợ chồng đòi hỏi hai người phải cư xử với nhau bằng tất cả tế nhị và lịch sự. Tình cảm càng được trân trọng thì càng lâu bền.

Người ta có thể ví đời sống vợ chồng với sinh hoạt ngoại giao. Các nhà ngoại giao quốc tế luôn nói với nhau bằng những lời nói ôn hoà lễ độ. Có lẽ người ta cũng cần áp dụng những nguyên tắc ngoại giao ấy vào chính đời sống vợ chồng. Trong chính trường cũng như trong gia đình, một trong những bí quyết của hoà bình chính là phép lịch sự trong lời lẽ và cung giọng.

Hôn nhân là chuyện của từng ngày, và nếu mỗi ngày được cấu tạo bằng những việc làm nhỏ bé vô danh thì phép lịch sự chính là chìa khoá kỳ diệu của sự thành công. Phép lịch sự trong đời sống vợ chồng là nét đẹp của tâm hồn. Nó làm cho con người quên đi những gai góc trong ngôi vườn để chỉ nhìn thấy những cánh hoa.

Nhiều người trẻ khi bước vào đời sống hôn nhân thường thắc mắc: phải sống như thế nào để thành công trong đời sống vợ chồng? Thiết tưởng câu trả lời đơn giản nhất chính là hãy tôn trọng nhau. Đó là giới răn cơ bản nhất của đời sống vợ chồng. Chính vì vi phạm giới răn này mà người ta chuốc lấy đau khổ và thất bại trong hôn nhân; chính vì không tôn trọng nhau mà người ta mới to tiếng, ẩu đả nhau và cuối cùng bỏ nhau. Tôn trọng nhau là không bao giờ xúc phạm đến nhau, cả khi thấy được những lầm lỗi của nhau.

4. Cuối cùng, có một chút khôi hài trong cuộc sống cũng là một trong những bí quyết để bảo toàn sự quân bình và hoà khí trong gia đình. Thật ra khôi hài cũng là một trong những nét chính yếu trong dung mạo của một con người trưởng thành.

Ông bà ta ngày xưa có lẽ nhờ có được óc trào lộng khôi hài mà thắng vượt được những căng thẳng trong gia đình, hãy thử đọc lại câu ca dao sau đây để thấy được óc khôi hài ấy:

Mũi em mười tám gánh lông,

Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho.

Đêm nằm thì ngáy o o,

Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.

Đi chợ thì hay ăn quà,

Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.

Trên đầu những rác cùng rơm,

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.

Khôi hài đích thực cũng chính là lạc quan, lạc quan để thấy được nét tích cực và dễ thương của con người và cuộc sống. Nhất là khôi hài cũng đồng nghĩa với quảng đại và bình thản trước những bất toàn và thiếu sót của người khác.

Đó là bí quyết xin được gởi đến những đôi vợ chồng trẻ, những người đang trải qua cơn khủng hoảng đầu đời hôn nhân.

24. NGUYÊN TẮC HÒA HỢP VÀ BỔ TÚC

Hai sự kiện tại Anh quốc đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

- Sự kiện thứ nhất là sự đổ vỡ hầu như không gì có thể hàn gắn trong gia đình của Thái tử Charles và Công chúa Diane. Người ta đưa ra nhiều lý do để giải thích về cuộc hôn nhân bất hạnh này. Nào là sự cách biệt về tuổi tác, nào là sự khác biệt về sở thích, nào là những cuộc tình vụng trộm của mỗi người. Tựu trung hai cá tính không thể hoà hợp với nhau cho nên xa nhau là giải pháp tốt nhất. Đó là câu kết luận mà nhiều người thường đưa ra khi theo dõi những sinh hoạt của cặp vợ chồng vương giả này.

- Sự kiện thứ hai cũng thu hút sự chú ý của nhiều người, đó là quyết định của Thượng Hội Đồng Giáo Hội Anh giáo tại Anh quốc cho phép phụ nữ làm linh mục. Những người từ lâu nay tranh đấu trong các phong trào nữ quyền đã tỏ ra hoan hỷ về quyết định này. Họ cho đó là một thắng lợi mới cho phụ nữ trong cuộc tranh đấu dành quyền bình đẳng với nam giới.

Có thể là một liên ý hơi gượng ép nhưng người ta có thể nại vào hai sự kiện trên để đưa ra một nhận xét. Sự đổ vỡ trong hôn nhân thường xảy đến khi hai người phối ngẫu không chấp nhận vai trò của nhau. Và từ đó, không đạt được sự hoà hợp trong đời sống vợ chồng. Hoà hợp và bổ túc cho nhau là nguyên tắc sống nền tảng trong đời sống hôn nhân. Chúng tôi xin được gợi lên cho các đôi vợ chồng trẻ một vài suy nghĩ về nguyên tắc sống này.

1. Hình ảnh chiếc xương sườn của Ađam mà từ đó, Thiên Chúa tạo dựng nên người nữ thật vô cùng phong phú. Chắc chắn người đàn bà không phải là chiếc xương sườn của người đàn ông theo nghĩa họ là một phần của người đàn ông, hoặc là một người đàn ông chưa hoàn thành. Qua hình ảnh này Kinh Thánh muốn nói rằng, xét trong phẩm giá, người nam và người nữ bình đẳng với nhau.

Nhưng bình đẳng không có nghĩa là tự lực tự túc, và điều mà Kinh Thánh muốn nói thêm với chúng ta qua hình ảnh này chính là sự bổ túc cần thiết giữa hai phái. Sự bổ túc ấy giữa hai phái cũng là biểu trưng của một bổ túc khác cơ bản hơn, đó là sự bổ túc giữa người với người. Không ai sinh ra đã là một con người hoàn hảo có thể trưởng thành và tự đủ cho mình mà không cần có sự trợ giúp của người khác. Hôn nhân là môi trường cơ bản nhất để con người trưởng thành và kiện toàn trong ơn gọi làm người của mình. Do đó, điều cần thiết và quan trọng nhất mà hai người phối ngẫu phải nhận thức và tôn trọng chính là sự khác biệt và bổ túc cho nhau giữa hai người.

Bổ túc cho nhau trên hết có nghĩa là mình có những gì mà người kia không có, điều mình có ít thì người kia lại có nhiều. Sức mạnh, vẻ đẹp, sự dịu dàng của tình yêu nằm trong sự bổ túc ấy. Cả hai người trao đổi cho nhau những gì mình có. Cả hai tăng cường cho nhau những gì mình có ít, để từ đó giúp nhau được nên người hơn.

2. Hai vợ chồng phải biết giúp đỡ và bổ túc cho nhau. Mỗi người cố gắng phát triển những đức tính mà thiên nhiên đã phú bẩm để giúp họ chu toàn phận vụ của mình trong đời sống hôn nhân. Người chồng phải trau dồi và phát triển những đức tính cần thiết cho một người chủ trong gia đình. Những đức tính đó là khách quan trong phán đoán, cứng rắn trong quyết định, kiên trì trong các dự tính, bền chí trong việc làm và biết nhìn xa. Nói chung, người chồng phải trau dồi và phát triển những đức tính bảo đảm được sự làm chủ của lý trí và ý chí trên tình cảm và những thúc đẩy của bản năng.

Về phía người vợ, những đức tính cần thiết cho một người vợ phải là nhạy cảm để thấy được những nhu cầu, chú ý và quan tâm đến những nét đặc thù của con người, cảm thông với những khổ đau của người khác, tế nhị trong cách đối xử, lắng nghe và nhất là không lãng quên. Nói chung, những đức tính mà người vợ cần trau dồi là những đức tính nói lên sự hiện diện thường xuyên của một quả tim đang yêu.

Dĩ nhiên với tư cách là một con người và nhất là một Kitô hữu, hai vợ chồng không chỉ trau dồi và phát triển duy những đức tính được kể ra trên đây. Nhưng hơn bất cứ ai, ngoài những đức tính thông thường mà mọi người đều phải luyện tập, những người sống trong bậc hôn nhân còn phải có những đức tính mà bậc sống của họ đòi hỏi. Nói cách khác, những người sống trong bậc vợ chồng phải là những người có nhiều nhân đức hơn những người khác.

Trong việc trau dồi và phát triển những đức tính cần thiết cho bậc vợ chồng, hai người phối ngẫu cũng cần ý thức rằng: Thiên Chúa đã giao phó cho mỗi giới một phận vụ riêng, cho nên cũng ban cho mỗi giới những đức tính riêng. Người chồng có vai trò riêng của mình trong gia đình, người vợ cũng có vai trò riêng của mình trong gia đình.

Xã hội bị xáo trộn một phần nào có lẽ vì mỗi giới không còn muốn nhìn nhận vai trò và chỗ đứng của mình trong gia đình hoặc muốn đảo lộn vai trò của nhau. Sự hài hoà và bổ túc cho nhau trong đời sống vợ chồng không có nghĩa là mỗi người phải trau dồi những đức tính của người khác mà mình không có, nhưng chính là trau dồi và phát triển những đức tính mình đang có.

Người chồng không nên nghĩ rằng, người vợ phải hiện diện bên cạnh mình như một người đàn ông khác, nhưng phải như hiện thân của tất cả những gì là đặc trưng và cao quý nhất của người đàn bà. Bởi vì những đức tính ấy cần thiết cho lợi ích của gia đình và chỉ có người đàn bà mới có thể có những đức tính ấy.

Người vợ cũng nên nghĩ rằng: chồng mình phải thực sự là người đàn ông với những đức tính riêng của đàn ông mới có thể làm cột trụ cho đời sống gia đình.

Không ai bước vào đời sống gia đình đã là một con người hoàn hảo. Chính trong khi xây dựng gia đình mà con người thêm trưởng thành hơn. Do đó, nhận ra những khuyết điểm của nhau là chuyện không thể bỏ qua. Đó là lúc mà hai người phối ngẫu thấy được mục đích của hôn nhân. Mục đích ấy chính là giúp nhau trưởng thành hơn, biết yêu thương hơn. Họ bổ túc cho nhau bằng cách giúp nhau vượt thắng những khuyết điểm và trau dồi những đức tính được phú bẩm cho mỗi người.

4. Tương trợ nhau để được nên trưởng thành hơn đó là mục đích của đời sống vợ chồng. Một cuộc hôn nhân thất bại là một cuộc hôn nhân trong đó con người không được trưởng thành hơn mà trái lại làm mồi cho những khuynh hướng đê hèn của bản thân, như ích kỷ, ganh tị, oán thù.

Hai vợ chồng tương trợ nhau để giúp nhau trưởng thành, không chỉ duy bằng những khuyên giải mà chủ yếu bằng chính cuộc sống của mỗi người. Khi cuộc sống đó là một cuộc sống yêu thương, quảng đại, hy sinh quên mình, thì đó chính là lúc mỗi người đang phát triển những đức tính của riêng mình và giúp cho người phối ngẫu cũng được lớn lên trong những đức tính của họ.

Hôn nhân là trường đào luyện sự trưởng thành trong nhân cách và trong niềm tin Kitô. Nhà sư phạm trong môi trường này không ai khác hơn là mỗi người phối ngẫu. Chỉ có họ mới có thể giúp cho nhau được thành toàn và lớn lên trong niềm tin Kitô giáo.

25. THỬ THÁCH CỦA GHEN TƯƠNG

Khủng hoảng đầu đời hôn nhân là điều cần thiết cho đôi vợ chồng trẻ. Cũng như bất cứ khủng hoảng nào trong tiến trình trưởng thành, khủng hoảng ấy là dịp để các đôi vợ chồng trẻ khám phá chính mình, hiểu biết nhau, và nhờ đó trưởng thành hơn trong tình yêu vợ chồng.

Một trong những tình cảm mà các đôi vợ chồng trẻ sẽ sớm phát hiện trong tâm hồn họ ngay từ những ngày tháng đầu của cuộc sống chung, đó là sự ghen tương. Tình cảm này có thể là một thứ lửa thử vàng cho tình nghĩa vợ chồng nhưng cũng có thể là một thứ nọc độc làm tê liệt đời sống lứa đôi và dẫn đến đổ vỡ.

Xin được gửi đến các đôi vợ chồng trẻ một vài góp ý. Với ước mong giúp họ được bình tĩnh và sáng suốt để đối phó với một trong những sóng gió nguy hiểm nhất trong cơn khủng hoảng đầu đời hôn nhân.

Một giáo sư phân tâm học tại Đại học Milan bên Italia đã ghi lại trường hợp của một người chồng. Mặc dù hoàn toàn tôn trọng và tin tưởng vợ, nhưng trong giấc mơ ông ta luôn luôn bị ám ảnh bởi sự ghen tương. Trong giấc mơ, ông thường thấy vợ mình trong vòng tay một người đàn ông khác. Giấc mơ xảy ra thường xuyên đến nỗi cuối cùng người đàn ông bắt đầu nghi ngờ vợ mình, ông nghĩ, vợ ông phản bội ông để được tự do. Từ ý nghĩ ấy người đàn ông cũng bắt đầu gặm nhấm những đắng cay trong tâm hồn. Rồi như một phản ứng tự nhiên, ông cũng mơ tưởng đến những cuộc phiêu lưu tình cảm của riêng mình.

Dĩ nhiên điều đó chỉ diễn ra trong tiềm thức của người đàn ông, nhưng đa số những người ghen tương đều có những phản ứng tương tự. Người ta thường gán cho người phối ngẫu của mình những động thái mà chính tiềm thức của mình gợi lên. Như vậy, nói chung, sự ghen tương thường xuất phát từ óc tưởng tượng để rồi lớn lên trong tiềm thức và bùng nổ một cách mãnh liệt nếu không được kiềm chế.

2. Sự ghen tương có thể xảy đến với đôi vợ chồng trẻ ngay từ những ngày tháng đầu đời hôn nhân. Trong thời kỳ quen biết và đính hôn, hai người có thể chưa bộc lộ hết những thầm kín cũng như con người thực của họ, nhưng cuộc sống chung sẽ tạo ra những va chạm không thể tránh, và do đó, sự ghen tương cũng như bao khuyết điểm khác sẽ trồi lên một cách dễ dàng. Đó là điều xem ra không thể tránh được nhưng cũng có thể là một điều chính đáng.

Bất cứ ai yêu một người khác phái và yêu một cách lành mạnh cũng đều cảm thấy ghen tương khi người đó biểu lộ một sự quan tâm không hợp lý với một người thứ ba. Thiếu sự ghen tương trong những hoàn cảnh như thế cũng đồng nghĩa với thiếu yêu thương. Như thế, sự ghen tương là một biểu lộ chắc chắn của tình yêu. Có yêu mới ghen.

Để nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, Kinh Thánh không biết dùng hình ảnh nào xác đáng hơn là nói rằng: Thiên Chúa là Đấng hay ghen tương, ghen là biểu hiện của tình yêu. Ai cũng biết, sự vắng bóng của ghen tương là một dấu hiệu cho thấy tình yêu đã vỗ cánh bay xa.

Nói như thế không có nghĩa là bảo rằng, cần phải bày tỏ sự ghen tương ra trước mặt mọi người. Chúng tôi chỉ có ý nói rằng, một dấu hiệu ghen tương nơi người phối ngẫu là dịp để hai người ngồi lại với nhau mà tìm hiểu nhau và tìm hiểu nhau hơn trong tinh thần tôn trọng sự thật và đối thoại. Như vậy, ghen tương có thể là một dịp cần thiết để giúp hai người hiểu nhau hơn và điều chỉnh lại cách cư xử đối với nhau.

Tựu trung, một chút ghen tương có thể là vật xúc tác cần thiết để cho tình yêu vợ chồng luôn được tươi trẻ. Một chút ghen tương là con đường dẫn đến cảm thông, trưởng thành tâm lý và phát triển nhân cách. Tuy nhiên khi đã trở thành thái quá, ghen tương sẽ là nọc độc giết hại tình yêu vợ chồng. Mỗi ngày chúng ta chứng kiến không biết bao nhiêu thảm cảnh do sự ghen tương gây ra, từ những gây gổ ẩu đả cho đến những án mạng rùng rợn. Những vụ án trong hôn nhân đều bắt nguồn từ sự ghen tương.

3. Trước khi trở thành thủ phạm hành hạ người phối ngẫu của mình, người ghen tương đã là nạn nhân của chính mình. Chứng đau tim thường gắn liền với sự ghen tương. Chính trong hệ thần kinh mà sự ghen tương tác hại nặng nề nhất. Nếu không tự chế kịp thời, người ghen tương có thể trở thành người mất cả ý chí lẫn lý trí. Thi sĩ Maurice Riordan của Anh đã làm nổi bật sự xâm chiếm độc ác của tính ghen tương khi ông định nghĩa nó như một thứ lửa đốt cháy mà không có ánh sáng.

Người ghen tương là kẻ muốn chiếm đoạt hoàn toàn và cho riêng mình. Dĩ nhiên đó có thể là mặt trái của tình yêu. Tình yêu đích thực luôn mang tính cách loại trừ, nghĩa là khi yêu nhau người ta muốn thuộc trọn về nhau. Tuy nhiên, thuộc trọn về nhau không có nghĩa là chiếm hữu lẫn nhau, là xem nhau như vật sở hữu. Một tình yêu đích thực luôn được xây dựng trên sự tôn trọng và tin tưởng nhau. Tôn trọng nhau thực sự nghĩa là không xem nhau như vật sở hữu để có thể độc quyền chiếm đoạt. Sự ghen tương trở thành ám ảnh khi tình yêu được quan niệm như một sự chiếm đoạt.

Người ghen tương tựu trung là người chưa biết yêu, một tình yêu đích thực luôn luôn được xây dựng trên sự tôn trọng. Hơn bất cứ quan hệ nào, đời sống vợ chồng đòi hỏi hai người phải tôn trọng và đối xử với nhau tế nhị hơn với bất cứ ai khác. Khi người ta bắt đầu nghi ngờ dẫn đến việc kiểm soát nhau, và nhất là để cắt đứt mọi liên lạc thân hữu với người khác cũng như mọi sinh hoạt xã hội, thì đó là dấu hiệu cho thấy sự tin tưởng giữa hai người không còn nữa. Một khi không còn tin tưởng lẫn nhau, cuộc sống chung sẽ trở nên ngột ngạt, khó thở để rồi sẽ bùng nổ bằng bạo động và đưa đến đổ vỡ.

4. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Có lẽ không ai được miễn nhiễm khỏi tính ghen tương. Một chút ghen tương là một báo động tốt để giúp cho hai người hiểu nhau hơn, trưởng thành hơn trong nhân cách và tình yêu. Nhưng nếu ghen tương đã trở thành một thứ ung nhọt không chữa nổi thì đời sống vợ chồng sẽ như một thứ thân thể bệnh hoạn.

Một trong những phương pháp tốt nhất để đề phòng và chữa trị tính ghen tương là điều chỉnh lại quan niệm về tình yêu. Đôi vợ chồng trẻ phải không ngừng tự vấn lương tâm: tôi đã thực sự biết chưa? Tình yêu của tôi đang còn trong giai đoạn chiếm hữu hay đã trở thành dâng hiến? Tôi có ý thức rằng, một tình yêu đích thực chỉ được xây dựng trên sự tôn trọng nhau không?

Thến nhưng, chống lại tính ghen tương không phải là một trận chiến riêng rẽ mà là một cuộc chiến chung của hai vợ chồng. Đời sống hôn nhân là một trường đào luyện nhân cách trong đó cả hai người đều giúp nhau để nên người trưởng thành hơn. Một tình yêu vợ chồng phong phú thực sự trước tiên là một tình yêu giúp hai người được nên người hơn. Giúp nhau thắng vượt được tính ghen tương cố hữu trong mỗi người, đó phải là mục tiêu hàng đầu trong việc xây dựng đời sống hôn nhân.

Không gì hữu hiệu để giúp đôi vợ chồng thắng vượt tính ghen tương cho bằng lòng chung thuỷ với nhau. Lòng chung thuỷ đối với nhau được thể hiện không chỉ bằng sự đam mê gắn bó với nhau, mà nhất là bằng lòng quảng đại, khoan dung, tha thứ, quên mình. Nói cho cùng, tình bác ái Kitô giáo chính là thể hiện của sự chung thuỷ và là chìa khoá của hạnh phúc hôn nhân.

26. VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG BẰNG CẢM THÔNG

Một luật sư trẻ bị khủng hoảng tinh thần đến nỗi bạn bè và người thân của anh không dám để anh cầm trong tay bất cứ dụng cụ nào có thể gây thương tích cho anh. Anh ghi lại tâm trạng của mình như sau: “Tôi là người bất hạnh. Tôi có khá hơn được không? Điều đó tôi không nói trước được, nhưng tôi có một cảm tưởng khủng khiếp: không bao giờ sẽ khá hơn!”.

Vài năm sau, công việc và trách nhiệm đã mang lại sức mạnh và sự cương quyết giúp anh không những đã tự cứu được mình mà còn cứu được đất nước khỏi một trong những cơn khủng hoảng trầm trọng nhất. Luật sư ấy chính là Abraham Lincoln, một trong những vị Tổng thống tài ba và đức độ nhất của nước Mỹ.

Mượn gương của Abraham Lincoln, chúng tôi muốn nhắn gửi những đôi vợ chồng trẻ đang trải qua cuộc khủng hoảng đầu đời hôn nhân rằng, khủng hoảng đó là điều cần thiết để giúp họ biết chấp nhận chính mình, cũng như chấp nhận nhau; nhờ đó, họ trưởng thành trong nhân cách và trong tình yêu lứa đôi.

1. André Angian, một giáo sư nổi tiếng về khoa tâm lý trị liệu đã tìm thấy hai động cơ căn bản khiến con người khước từ sự phát triển nhân cách của mình.

Trước hết là thái độ không muốn dấn thân. Người không muốn dấn thân là người chịu đựng cuộc sống hơn là thể hiện cuộc sống của mình một cách sung mãn. Họ đi học, đi làm; họ lập gia đình, nhưng không thiết tha và nhiệt tình tham dự vào những sinh hoạt ấy. Nói chung, người không muốn dấn thân là người không biết liên kết mình với những công việc mình đang làm.

Tạp chí Times mới đây đã dành những trang chính để nói về đời sống hôn nhân của những người con của nữ hoàng Anh quốc Elisabeth đệ nhị. Người ta xầm xì thái tử Eduard là người đồng tính luyến ái. Anh chị của thái tử Eduard là quận công Andrew và Công chúa Anne đã ly dị với người phối ngẫu của họ. Còn lại cặp vợ chồng Charles và Diane, tuy không ly dị nhau, nhưng chỉ còn sống với nhau trên danh nghĩa vợ chồng mà thôi. Vì danh dự của hoàng gia, có lẽ cặp vợ chồng vương giả này chỉ xuất hiện trước công chúng như vợ chồng, nhưng trong thực tế, họ chỉ là những người xa lạ bên nhau. Một cuộc sống vợ chồng như thế chỉ là một màn kịch không hơn không kém. Hai người không còn phải cam kết với nhau, phải chăng đó không phải là một thái độ thiếu dấn thân.

Thái độ thứ hai, con người không muốn sống trưởng thành, đó là thái độ mà bác sĩ André Angian gọi là đứng núi này trông núi nọ. Người có thái độ này là người chối bỏ hoàn toàn bản thân mình để thay vào đó một con người tưởng tượng. Người ta trốn chạy thực tại để trú ẩn trong những giấc mộng viển vông.

Trong đời sống hôn nhân, khi gặp khủng hoảng đầu tiên, nhiều người đã thốt ra những lời tiếc rẻ đại loại như sau: “Phải chi tôi không lập gia đình. Phải chi tôi gặp được người khác”. Nói tóm lại, không dấn thân hết mình vào đời sống vợ chồng, không chấp nhận thực tại của mình cũng như của người phối ngẫu, đó là cơn cám dỗ mà các đôi vợ chồng trẻ hay gặp phải trong cơn khủng hoảng đầu đời hôn nhân.

2. Dấn thân và tham dự một cách tích cực vào công việc mình đang làm là một trong những nét chính trong dung mạo của một người trưởng thành. Hơn bất cứ công việc nào khác, đời sống hôn nhân phải được hai vợ chồng xem như công trình xây dựng mà bằng mọi giá họ phải hoàn thành. Không một lý do nào, một trở ngại nào, hay một khó khăn nào cho phép họ lui bước hay bỏ cuộc. Họ chỉ có một quyết tâm để đeo đuổi, đó là họ phải được hạnh phúc bên nhau và suốt đời.

Khi bước vào đời sống hôn nhân, nhiều người trẻ tưởng rằng, họ đã thực sự đạt mục đích. Họ nghĩ rằng, những thời gian hẹn hò, chinh phục đã qua, và giờ đây họ tưởng đã nắm trọn hạnh phúc trong tay, họ chỉ còn có mỗi việc phải làm là tận hưởng. Đó là một ý nghĩ sai lầm. Chỉ trong một thời gian ngắn sống đời hôn nhân đôi vợ chồng trẻ sẽ sớm nhận thức được điều đó.

Hôn nhân là một công trình xây dựng mà họ chỉ là những người mới bắt tay vào việc dàn dựng và xây cất. Công cuộc xây dựng nào cũng thế, từ sơ đồ lý tưởng cho đến việc hoàn thành, lắm lúc người ta phải điều chỉnh, sửa sai và cắt xén cho hợp với thực tế. Trong đời sống hôn nhân cũng vậy, hai người sẽ không ngừng điều chỉnh để đạt được sự hài hoà.

Người ta thường đưa ra sự bất tương hợp của hai cá tính để giải thích sự đổ vỡ của hôn nhân. Người ta thường lý luận rằng: nếu cá tính không hợp với nhau thì nên xa nhau, hơn là cứ sống bên nhau để làm khổ nhau. Đó là cách giải quyết thiếu trách nhiệm. Giải quyết như thế chẳng khác nào bảo rằng, khi gặp khó khăn trong công việc thì tốt nhất là bỏ cuộc.

Thực ra, trong đời sống vợ chồng không có vấn đề hai cá tính không hợp nhau, mà chỉ có mỗi vấn đề là người ta có muốn hoà hợp với nhau hay không. Đã thương nhau, đã chấp nhận chung sống với nhau thì không thể nói đến chuyện khác nhau về cá tính. Vấn đề chính của mỗi người là có sẵn sàng điều chỉnh, thích nghi và nhất là cảm thông không?

3. Nhiều người trẻ bước vào đời sống hôn nhân với khuynh hướng muốn làm chủ mọi sự. Đó là lý do khiến họ có cái nhìn khắt khe và đòi hỏi đối với người khác. Họ muốn người khác suy nghĩ và hành động như họ hay theo ý muốn của họ. Họ không thể chịu đựng được khi thấy người kia làm ngược lại ý muốn của mình. Họ cho rằng, cách hành động của họ là cách đúng đắn và tốt nhất. “Hãy để tôi chỉ cho”, đó là công thức quen thuộc của họ. Có thể họ là những con người có tinh thần phục vụ cao, nhưng họ chỉ muốn giúp đỡ và chỉ dẫn.

Tuy nhiên, họ quên rằng, con người ai cũng muốn có sự độc lập, ai cũng muốn hành động theo suy nghĩ và cách thế riêng của mình. Tâm lý này vẫn tiếp tục trong đời sống vợ chồng. Người chồng có cung cách suy nghĩ và hành động của riêng mình, người vợ cũng có cái nhìn và cách giải quyết công việc theo ý muốn của họ. Nên một với nhau không có nghĩa là xoá bỏ nhưng là biết thích nghi với sự khác biệt ấy. Thích nghi không có nghĩa là bắt người khác phải làm theo ý muốn của mình, mà là biết uốn nắn chính mình để chấp nhận sự khác biệt trên đây.

4. Nói cho cùng, bài học cơ bản nhất về sự trung thành mà đời sống hôn nhân dạy cho con người trong cơn khủng hoảng ban đầu là bài học của cảm thông. Nếu không có cảm thông, nghĩa là nếu không biết từ bỏ chính mình, biết ra khỏi chính mình, để tự đặt mình vào hoàn cảnh và vị trí của người khác thì đời sống hôn nhân sẽ không bền vững, công trình xây dựng sẽ không có nền tảng vững chắc.

Nhưng dĩ nhiên, người ta không thể một sớm một chiều đạt được sự cảm thông; thật ra, đó là cuộc chiến đấu và chinh phục từng ngày. Lớn lên trong tình nghĩa vợ chồng, trưởng thành trong nhân cách chính là mỗi ngày trở nên biết cảm thông hơn.

Trong đức tin, vợ chồng Kitô hữu càng phải suy niệm nhiều hơn về chính sự cảm thông của Thiên Chúa được thể hiện qua mầu nhiệm Nhập thể. Thiên Chúa đã trở thành con người để cảm thông với con người. Đó cũng là mầu nhiệm của tình yêu. Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi đã mang lấy thân phận con người, sống chết như con người.

Hôn phối đã được Thiên Chúa thiết lập thành một Bí tích, nghĩa là thành dấu chứng tình yêu của Ngài đối với con người. Sứ mệnh cao cả của vợ chồng Kitô hữu chính là trở thành dấu chứng của tình yêu ấy. Họ phải yêu thương bằng chính mối tình thuỷ chung của Thiên Chúa. Họ phải sống với nhau bằng chính sự cảm thông của Ngài.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx