sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Nguyễn Minh Châu - 5. Không phải chỉ bằng bản năng

Năm 1968, khi tôi được chuyển về công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội thì bộ phận nghiên cứu phê bình ở đây còn rất yếu ớt, trước tôi chỉ có nhà phê bình Nhị Ca, dù có cố gắng đến đâu thì hai chúng tôi không thể lo hết việc. Bởi vậy ở toà soạn mới đặt ra cái lệ là chính các nhà văn chuyên sáng tác cũng phải tham gia viết cho mục này, đọc sách, phê bình, trình bày kinh nghiệm sáng tác và suy nghĩ về nghề nghiệp thế nào cũng được miễn sao một năm có đủ hai bài.

Phải nói thật gọi là quy định thế thôi chứ bọn tôi cũng biết là nhiều anh em trong cơ quan không thích thú gì với việc này. Hoặc các anh khất lần không viết hoặc có viết cũng chỉ hươu vượn cho qua.

Riêng có hai người hào hứng viết, chỉ cần bọn tôi ới một tiếng là có bài đúng hẹn, chẳng những thế theo tôi là còn viết với nhiều ý đồ rõ rệt, đó là Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu.

Xin tạm gọi những bài sổ tay viết văn, hoặc đọc sách phê bình của Nguyễn Minh Châu là một thứ tuỳ bút nghề nghiệp. Những bài viết này được viết theo kiểu những chiêm nghiệm của một nghệ sĩ đang trên đường tìm tòi. Tuy ở đó có những điều có phần sơ đẳng hoặc gần như ai cũng biết, song người ta vẫn thích được đọc nó, bởi một lẽ đơn giản tác giả đã sống với nó một cách chân thành, đã mang vào đây tất cả tâm huyết của một người cầm bút nó là những băn khoăn trăn trở thường trực của ông, và ông có nhu cầu phải viết nó ra để, trước khi chia sẻ với bạn đọc thì tự ông được đối diện với nó, cùng sống với nó mà làm văn chương.

Thơ Phạm Tiến Duật là một hiện tượng được cả xã hội chú ý hồi chống Mỹ và nhiều nhà văn nhà thơ thường đã nêu ra nhiều vấn đề của sự sáng tác nhân đọc những bài thơ như Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong... Nguyễn Minh Châu cũng có bài viết Người viết trẻ và cánh rừng già. Mở đầu ông để một đoạn dài tả khá kỹ cái nơi Duật thường tá túc những khi từ chiến trường về Hà Nội, nào là để vào được căn phòng ấy ông đã phải “dắt chiếc xe đạp lách qua hàng dãy xe xích lô dãy hàng vỉa hè những dãy gà trống gà mái bày la liệt của những người đàn bà và những anh bộ đội phục viên mang từ thôn quê lên bán”, nào là “lối đi lên gác phải đi qua nhà dưới, một cái bậc thềm đổ xuống vỉa hè treo những sợi dây rút, bấc đèn dầu hoả và trên cánh cửa có cái biển đề ở đây lộn cổ áo sơ mi”. Tác giả Dấu chân người lính tỏ ra đặc biệt thú vị khi nhận ra rằng Duật đã ngồi đấy để viết những câu thơ về chiến trường. Và ông khái quát:

- Không biết có thể gọi là một kinh nghiệm nhỏ được không, tôi nghiệm thấy rằng trong những năm qua tôi không thể viết nổi cái gì nếu không ra thoát khỏi cái thực tế mà tôi đã lấy tài liệu. Từ cái môi trường mới, ta có thể nhìn thấy mọi người mọi vật ở nơi cũ một cách bao quát hơn... Nếu xuống biển hay về thành phố chúng ta sẽ nghĩ về rừng sáng tỏ và khái quát hơn, tất nhiên trước đó phải có những ngày sống ở rừng sống lâu dài và hết mình.

Ở đây Nguyễn Minh Châu đã động đến một vấn đề mà lý luận văn học trong thế kỷ XX mới đề cập tới, đó là sự lạ hoá trong nhận thức và khám phá đời sống. Nhưng chỗ xuất phát của ông lại chính là hoàn cảnh sáng tác của ông, những điều ông phải đối phó hàng ngày, nó là cái cuộc sống long đong lật đật không sao lảng tránh nổi. “Cách tốt nhất để tiêu hoá những khó khăn trong cuộc đời riêng là phải đưa được nó vào trang viết” - tôi nhớ có lần ông đã nói với tôi như vậy và sự thực là càng về sau ông càng tỏ ra hào hứng vì đã mang được cuộc đời quanh mình vào tác phẩm.

Sự đời có những chuyện rất lạ mà nếu nó không xảy ra thì chẳng ai dám hình dung là có. Chẳng hạn vào khoảng 1979-1980, nổi lên một cuộc tranh luận chung quanh bài viết của Hoàng Ngọc Hiến nhan đề Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật nước ta trong giai đoạn vừa qua, mà nội dung chủ yếu là phê phán cái gọi là chủ nghĩa hiện thực phải đạo do Hoàng Ngọc Hiến khái quát. Song có một điều nhiều người không để ý ấy là luận điểm này của Hoàng Ngọc Hiến được gợi ý từ một ý tưởng của Nguyễn Minh Châu. Trong khi suy nghĩ chung quanh việc viết về chiến tranh, ông lờ mờ cảm thấy “Hình như trong ý niệm sâu xa của người Việt Nam chúng ta, hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại mà là cái hiện thực mọi người đang hy vọng đang mơ ước”, bởi vậy các nhân vật trong các tác phẩm viết viết về chiến tranh “thường khi có khuynh hướng được mô tả một chiều thường là quá tốt, chưa thực”. Ý Nguyễn Minh Châu muốn có một sự thay đổi và nói sao viết vậy, ông đã thực hành trong sự sáng tác của mình. Thử đọc lại những trang Cỏ lau của ông, người ta sẽ thấy ở đó có nhiều nhận xét về chiến tranh được phát biểu từ gan ruột của người trong cuộc, thực tế ở đó là cái đang tồn tại chứ không phải là cái người ta mơ ước.

Hoá ra, Nguyễn Minh Châu không chỉ là một nhà văn viết theo bản năng, một người rất có năng khiếu như mọi người thường nhận xét. Mà đấy còn là một nhà văn có nhiều suy nghĩ trước khi đặt bút viết và không thôi suy nghĩ khi nhìn vào sáng tác của các đồng nghiệp đồng đội khác. Đôi khi cái thiện ý đưa mọi chuyện lên một tầm ý thức cần thiết có làm cho truyện của ông mang tính chất luận đề gò bó. Song sự nỗ lực của ông thì không ai có thể phủ nhận.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx