sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Nhẫn nhịn như một cách sống

Trong một tiểu luận mang tên Những bước đường tư tưởng của tôi (1958), Xuân Diệu kể: ông là con một ông đồ nho nghèo, đã đỗ tú tài, từ nông thôn chuyển ra thành phố dạy học và khá giả dần lên. Một chi tiết có ý nghĩa quan trọng hơn: ông là con vợ bé. Điều oái oăm ở đây là cho tới lúc ông lớn lên, má ông vẫn ở với bà ngoại, còn Xuân Diệu cũng như người em trai là Tịnh Hà thì ở với đại gia đình, tức bố (mà ông gọi là thầy) và vợ cả của bố (mà ông gọi là mẹ). Bên ngoại cách bên nội độ vài cây số; lâu lâu, bà má tội nghiệp mới được phép đến thăm hai cậu con trai, mà cũng chỉ đứng ngoài cửa, chứ không vào nhà; rồi lại lâu lâu, hai cậu con trai lại trốn về thăm má, thăm ngoại, cho đỡ nhớ thương.

Như các nhà tâm lý học từng quả quyết, tính cách một con người được hình thành chủ yếu lúc ấu thơ, khoảng trước 5 tuổi, và ở đấy, những dữ kiện trong đời sống gia đình có ý nghĩa bao trùm. Tình thế “con vợ bé” nói trên đã nhào nặn nên một khuôn mặt tâm lý đặc biệt ở Xuân Diệu - ông dễ thương người, trong ông thường có những nỗi buồn vô cớ, hậu quả của những giây phút không biết làm gì và không tìm thấy tình cảm ở những người chung quanh. Luôn luôn cảm thấy cái bơ vơ của mình truớc thiên nhiên và trước cuộc đời, thường một con người như vậy hay mếch lòng, dễ bị tổn thương, nhưng lại cũng biết thông cảm với những đau khổ không đâu của người khác.

Trong văn học Trung Hoa cũng có một nhân vật nổi tiếng với những xúc động vẩn vơ không thể cắt nghĩa nổi và Xuân Diệu thường viện dẫn để nói về mình. Đó là Lâm Đại Ngọc trong Hồng lâu mộng. Người con gái này mồ côi, đơn độc trong tình cảm, lại yếu, nên càng mau nước mắt. Sự thương cảm cho mình, cho đời ở cô đã lên đến mức một căn bệnh. Có lần buồn quá, cô nhặt hoa mang vùi một đống, xong lại sụt sịt: Chôn hoa người khóc ngẩn ngơ - Đến khi ta chết, ai là người chôn? Những giây phút Lâm Đại Ngọc kiểu ấy Xuân Diệu không thiếu. Có những tình cảm chỉ ngẫu nhiên thoáng qua mà thi sĩ cứ thấy như là có duyên nợ riêng, chẳng hạn mấy lần, được chứng kiến bọn nhỏ tí khóc lần nào ông cũng như chôn vào ruột. Bởi nghịch cảnh đã dấy lên trong lòng ông một nỗi lo sợ, cảm thấy sự sống ở chính mình rất mong manh, không ghì chặt lấy, không chăm sóc giữ gìn, thì sẽ mất đi nhanh chóng. (Ông dã kể tỉ mỉ trong Những bước đường tư tưởng của tôi).

Theo sự quan sát của các nhà nghiên cứu văn học phương Tây, tâm thế thi sĩ có nhiều nét đồng nhất với tâm lý của loại người quá nhạy cảm và không tìm thấy chỗ đứng của mình trong xã hội. Đại khái đó là tâm lý kẻ ngụ cư, tâm lý kẻ lang thang, sống bên lề những xã hội ổn định, tâm lý những đứa con hoang, không được chiều chuộng và nâng đỡ về tinh thần. Một hình ảnh được sử dụng phổ biến ở phương Tây: mỗi thi sĩ là một gã Do Thái, từng người không có quê hương của mình và cả dân tộc không có Tổ quốc.

Cái tâm thế con vợ lẽ ở Xuân Diệu, cũng có nét tương tự: cảm giác bơ vơ và sự dễ thương người của ông gắn liền với tình thế như là không nơi bấu víu. Nhưng nét trội nhất trong tâm lý con vợ lẽ nó ảnh hưởng nhiều đến cách xử thế của Xuân Diệu có lẽ là sự nhẫn nhịn. “Qua sông nên phải luỵ đò - Tối trời nên phải luỵ cô bán dầu”. Vì tôi ở vào tình cảnh như thế, nên tôi phải chịu nước lép, chứ thực ra trong bụng, tôi thừa biết là tôi chẳng kém gì đời. Những ai đã sống qua cảnh con vợ lẽ nghĩa là ở vào một cái thế rất yếu trong đời hẳn dễ hiểu cái luỵ ấy, và Xuân Diệu càng rất hiểu. Hồi ký Tuổi trẻ Xuân Diệu (do Tịnh Hà ghi) và cuốn sách Đi hoang của Tịnh Hà cho biết: trong khi Tịnh Hà uất ức, phẫn nộ, đã phải bỏ cái đại gia đình kia để sống kiếp lang thang thì Xuân Diệu chọn con đường cắn răng cam chịu, ngoan ngoãn sống với thầy mẹ, dồn tất cả tâm sức vào việc học, vì biết rằng chỉ có học giỏi mình mới nên người, đền đáp xứng đáng công ơn má là người đã dứt ruột đẻ ra mình. Rồi ra sự nhẫn nhịn này sẽ còn đeo đẳng Xuân Diệu trong suốt cuộc đời. Bên trong cái con người ham sống, dám chường mặt ra mà đòi hỏi và cả xin xỏ cho được; bên trong cái con người tham lam vơ véo, lại tự ca tụng mình, tô chuông đúc tượng cho mình, tự coi tất cả những gì mình làm ra đều là ghê gớm, cao cả... thực ra lại có một con người khác, biết điều, an phận, sẵn sàng chịu nước lép, cốt sao được yên bề sống và viết.

Trong số các sự kiện chính của cuộc đời Xuân Diệu trước 1945, có một việc mà ai cũng biết, nhưng lại ít nhắc tới, là việc ông bỏ sáng tác, đi làm tham tá nhà đoan. Sau cái giai đoạn rực rỡ 1935-39, Tự Lực văn đoàn đã bắt đầu lép vế. Qua năm 1940, thì sinh khí của nhóm gần như suy giảm hẳn. Tuy nhiên, mấy người rời bỏ văn đàn đều là những người có chí khí, và việc họ giã từ sáng tác là để có thì giờ đi sâu hơn nữa vào lý tưởng của họ. Cả Nhất Linh và Hoàng Đạo đều bỏ văn chương để đi vào chính trị. Chỉ riêng có Xuân Diệu là vì sinh kế. Nói cho rõ hơn, giữa cuộc đời lam lũ của cánh cầm bút, và cảnh sống khá giả của một công chức cao cấp, Xuân Diệu thấy cái thứ hai hấp dẫn hơn, vì thế, mới đi làm tham tá, để tập trung tiền nuôi Huy Cận học đại học Canh nông, sau khi Huy Cận ra trường, lương cao, bổng hậu rồi, Xuân Diệu mới quay về tiếp tục sáng tác. Đối với Xuân Diệu thì không có chuyện đặt thơ văn là mục đích tối thượng. Sáng tác dẫu sao cũng là yếu tố thứ hai, mà đời sống mới là yếu tố thứ nhất.

Cũng như lòng yêu đời, sự nhẫn nhịn ở Xuân Diệu hiện ra muôn màu muôn vẻ. Nhất là khi động đến quyền lợi thì trước tiên bao giờ ông cũng nhẫn nhịn, để cầu sự thương hại ở người khác mà cũng là để giành bằng được quyền lợi của mình.Cánh biên tập chúng tôi còn nhiều kỷ niệm về chuyện này. Giả sử bỗng nhiên biết rằng chúng tôi đang làm một số báo đặc biệt, hoặc ra một đầu sách, kỷ niệm sự kiện nào đó, thì dù bận trăm công ngàn việc, Xuân Diệu vẫn tìm bằng được một bài viết có chút liên hệ nào đó gửi tới để góp mặt.

Đến với chúng tôi, Xuân Diệu tự nhiên khép nép biết điều, khác hẳn những ông lớn kiêu căng mà chúng tôi rất ngại - ông rủ rỉ hỏi han:

- Đã in ngay chưa các cậu?

- Đang làm anh ạ.

- Có đánh máy ngay không ?

- Còn phải chờ đủ tập chứ anh.

- Khéo để mình mang về, chép lấy một bản giữ lại, rồi sẽ gửi sau.

Với một bài góp chung đã thế, nữa là với một tập sách riêng đứng tên Xuân Diệu! Dù gặp một biên tập viên trẻ, ông cũng làm mọi cách lấy lòng. Và ông hay nài nỉ, mặc cả, muốn rằng sách mình in ra thật dày, thật chững chạc. Cái cách Xuân Diệu chăm sóc tác phẩm khiến bất cứ người bình thường nào cũng ái ngại. Nữa là chúng tôi, vốn học ông từ nhỏ, nể ông nhiều, không nhượng bộ sao được.

Bác Dương Thanh Huyên, một ký giả lớp trước có quen biết cả Nguyễn Tuân và Xuân Diệu hồi mới Cách mạng và trong kháng chiến chống Pháp, từng kể lại mấy mẩu chuyện vui vui. Có lần Thanh Huyên có dịp đi chợ Cầu Bố (Thanh Hoá) cùng với Xuân Diệu. Gặp một cửa hàng bán chiếc mũ cát bằng li-e thuần chất, Xuân Diệu khuyên Thanh Huyên mua. Và khi thấy Thanh Huyên còn dùng dằng, Xuân Diệu mắng yêu :

- Cậu thi sĩ quá! Với cái mũ này “toa” có thể đi hết cuộc kháng chiến.

Lời lẽ mỗi lần một khác nhưng tình thân là một: Xuân Diệu sợ chúng tôi say sưa quá, bốc đồng quá tử vì đạo, rồi không giữ được ngòi bút của mình. Hơn ai hết, ông hiểu về những lưỡi gươm Démocrites thường xuyên treo trên đầu người làm văn nghệ. Khi nói chuyện này giọng ông đột nhiên nhỏ hẳn đi khe khẽ thì thào. Rồi ông lắc đầu, ông lè lưỡi, ý bảo rằng sợ lắm, chính mình cũng sợ lắm, mà cỡ các cậu thì càng phải nên biết sợ ngay thì vừa, nên nhớ là sau có hối cũng không kịp!

Lại nói những chuyện xa xôi hơn một chút: Trong tâm trí của chúng tôi, Xuân Diệu là một trong những nhà thơ thông thái, nhà thơ của những kiến thức uyên bác. Từ 1946, ông đã có mặt trong đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam qua Pháp. Nhưng do chiến tranh kéo dài, mãi 1981, tức là 35 năm sau, trong khuôn khổ một số quan hệ được nối lại với nước Pháp, người ta mới lại thấy ông trở lại thăm cái xứ sở hoa lệ ấy. Ở đó, như báo chí đưa tin, ông có dịp diễn giảng trước các sinh viên đại học Paris về ảnh hưởng văn hoá phương Tây trong văn học Việt Nam, và về những nhà thơ cổ điển Việt Nam có nhiều ảnh hưởng trong đời sống. Nghĩa là, ông đã diễn thuyết toàn những vấn đề cơ bản cả. Thuận miệng và rất hồn nhiên, tôi hỏi Xuân Diệu khi gặp ông đi Pháp trở về:

- Thế anh có dịp gặp Aragon hay những nhà thơ Pháp nổi tiếng, mà các anh vẫn nói với bọn này...

Câu trả lời của Xuân Diệu là hoàn toàn bất ngờ với tôi:

- Em ơi! Đâu người ta có gặp những người như mình. Xuân Diệu đến Pháp, chỉ để nói chuyện thơ với một số bạn Việt kiều và nhà chuyên môn thôi.

Bấy giờ tôi mới sững ra. Sự biết thân biết phận, thường trực ở một người như Xuân Diệu, như một thứ bản năng thứ hai.

Trong chừng mực nào đó, phải nhận sự nhẫn nhịn ở Xuân Diệu là một cái gì đáng quý. Nó không chỉ là khiêm tốn, là biết điều. Sâu sắc hơn thế, nó chứng tỏ một nhận thức chính xác về tình thế người làm văn nghệ ở một nước mà đời sống vật chất còn nhiều khốn khó. Nó giúp cho người nghệ sĩ tránh khỏi những hoang tưởng bốc đồng quá đáng, làm phiền mọi người và làm phiền chính mình. Có điều nhiều khi Xuân Diệu đã đẩy nó đi quá xa, biến thành một cách sống cầu an, chiều đời, tự hạ thấp nhu cầu nghệ thuật và chất lượng sáng tác của mình một cách đáng tiếc.

Ai cũng biết thơ Xuân Diệu sau 1945, có nhiều bài phải gọi là dở. Nó gò gẫm giả tạo. Nó chỉ chứng tỏ rằng người viết cố làm cho bằng được, chứ mất hết cả cái vẻ tự nhiên hồn hậu mà thơ hay đáng lẽ phải có. Tôi không trở lại với những ví dụ đầy rẫy trong thơ Xuân Diệu trong các tập Mẹ con, Riêng chung... in ra về sau, mà muốn trở lại một số bài thơ in ra từ 1946.

Trong đoàn dân tộc đi chân lính

Súng giữ liền tay, cày chẳng rảnh

áo trên vai rách lấy tay gò:

Bụng vẫn thiếu cơm mà phải tỉnh

Hỡi ôi! giành lấy sống cho nhau

Chẳng dám tin trời rèn lấy mệnh

Lâm li biết mấy hùng bao nhiêu

Tiếng thảm run hoà thành nhạc mạnh.

Khiên cưỡng! Nói lấy được! Ai cũng thấy thật không xứng đáng với tầm vóc con người đã viết những Nguyệt cầm, Thơ duyên, Lời kỹ nữ. Tuy nhiên để kéo lại, bài thơ lại nói được cái ý mà người viết và cả không ít người đọc lúc đó cần thiết: thơ phải gia nhập vào đời sống mới. Và bởi lẽ bài thơ lại đứng tên Xuân Diệu nên điều đó càng có ý nghĩa. Nó không còn là một bài thơ lẻ nữa. Nó là một thái độ. Bởi vậy, mới có chuyện bài thơ được in vào một tuyển tập mang tính cách tuyên ngôn Văn hoá và Cách mạng, và được đặt bên cạnh những bài viết sắc sảo khác.

Rồi ra, trường hợp như bài thơ trên sẽ còn trở đi trở lại nhiều lần với Xuân Diệu. ấy không còn là những sáng tác cụ thể nữa. Mà mỗi bài hoặc gần như mỗi bài, là một tuyên ngôn. Và việc sử dụng các bài thơ đó ở những vị trí trang trọng, mỗi lần một chút giúp vào việc hình thành ở Xuân Diệu cách hiểu mới về sự tồn tại. Từ nay mình đã thành nhân vật rồi. Cứ nín nhịn mà chịu đứng tên sau những bài thơ dở, thì rồi cuối cùng cũng vẫn có thể có một sự nghiệp. Với việc một tập thơ không mấy xuất sắc như Ngôi sao được giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955, Xuân Diệu càng có dịp củng cố cái triết lý nhẫn nhịn của mình, nhẫn nhịn trong sáng tác, ngoài ra, không tự ái, không xấu hổ, cứ nằn nì nài nẫm một hồi là chính anh em văn nghệ cũng sẽ thương, sẽ dành những phần thưởng xuất sắc cho mình. Sự nhẫn nhịn trong những trường hợp này gần như đồng nghĩa với tự đánh mất mình, biến con người vốn có của mình thành một con người khác.

Trong khi đó có bao nhiêu điều ông vốn dự định từ lâu mà không tìm ra thời giờ để viết.

Nhà thơ Tế Hanh, khi nghe tôi nói tới sự nhẫn nhịn biết điều của Xuân Diệu, cũng nhớ lại vài chuyện mà ông còn nhớ, và nếu không phải Xuân Diệu nói ra, thì tự ông, không dám tin là thật. Chẳng hạn, có lần Tế Hanh hỏi:

- Diệu ơi! Sao anh làm những Tặng làng Công, với Bà cụ mù loà, lục cục thế?

- Tế Hanh phải có lúc nghĩ tới những người trả lương cho mình nữa chứ!

Câu chuyện trên, có lẽ là xảy ra đã lâu, hồi Tế Hanh mới từ khu Năm ra, gặp Xuân Diệu từ Việt Bắc trở về Hà Nội, cả hai cùng làm báo Văn nghệ. Từ đó, mấy chục năm cùng sống trong giới, Tế Hanh càng hay bắt gặp ở tác giả Thơ thơ cái nét nhẫn nhịn nói trên. Đến mức có lần, bấy giờ đang còn những năm chống Mỹ thấy Tế Hanh có làm bài thơ về Phạm Thái, Xuân Diệu khen:

- Tế Hanh bạo nhỉ!

Thì ra, vốn cũng rất thích Phạm Thái, nhưng Xuân Diệu sẵn sàng “để ở bên lòng” không nói gì về tác giả Sơ kính tân trang, khi trong giới nghiên cứu và sáng tác văn học đương thời lưu hành một dư luận cho rằng Phạm Thái chống Tây Sơn và thơ thì lãng mạn!

Ở trên chúng ta đã nhắc chuyện ông có thời gian bỏ giới sáng tác, đi làm nhà đoan.

Về sau, không bao giờ Xuân Diệu làm công việc từ bỏ dứt khoát như thế nhưng những cuộc từ bỏ nho nhỏ, thì ông làm khá thường xuyên. Ông phải né tránh, và phải làm cả những việc ông không muốn.

Năm ấy, nhà thơ trẻ C.K. mới xuất hiện, tuy là đang ở tuổi vị thành niên. Đi đâu cũng có người khen, nhưng lúc đầu, tôi nhớ là Xuân Diệu không khen. Với cách nói có phần nanh nọc của một người đàn bà nhà quê, ông bảo khen C.K. thì có khác gì ra đường mà kêu ầm lên rằng “các ông các bà ơi, con gái tôi mười ba tuổi mà đã có mang!”.

Có thể là Xuân Diệu đã nói đúng, đến nay không ai còn nhắc đến C.K. nữa. Nhưng vào khoảng thời gian đó, hình như mọi người đang cần khẳng định một tài năng trẻ, cần chứng tỏ chúng ta đang làm rất tốt việc bồi dưỡng các thế hệ kế cận. Mà sự khẳng định ấy phải ở miệng Xuân Diệu nói ra mới quý! Thế là có đơn đặt hàng và khi có người đặt hàng thì Xuân Diệu chấp nhận. ít lâu sau trên báo Văn nghệ, ngay trang một, thấy xuất hiện một bài khen thơ C. K. hết lời. Cái tài bình thơ vốn có tác giả Các nhà thơ cổ điển Việt Nam được Xuân Diệu vận dụng triệt để, cốt để mọi người cũng như chính ông tin rằng thơ C. K. rất hay. Xuân Diệu dám đánh mất mình trong chốc lát, để giữ lấy cái đại cục.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx