sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3

“Tại Sao Họ Không Để Cho Tôi Được Sống Cuộc Đời Của Chính Mình?”

Người Kiểm Soát

Hãy lắng nghe một đoạn hội thoại tưởng tượng giữa một người con trưởng thành và bậc phụ huynh thích kiểm soát của mình. Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng cuộc đối thoại này sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng nếu như hai người này có thể thành thật bộc bạch những cảm xúc được giấu kín ở trong lòng mình, họ sẽ nói ra những điều như dưới đây.

NGƯỜI CON ĐÃ TRƯỞNG THÀNH: Tại sao mẹ lại đối xử với con như vây? Tại sao mọi việc con làm đều sai vậy? Tại sao mẹ lại không thể đối xử với con như người lớn cơ chứ? Có gì khác biệt đối với cha không nếu như con không trở thành bác sĩ? Con cưới ai thì có liên quan gì đến mẹ cơ chứ? Khi nào thì mẹ mới buông tha cho con? Tại sao mẹ lại cư xử như thể mọi quyết định mà con thực hiện đều giống như là đang tấn công vào mẹ vậy?

NGƯỜI MẸ THÍCH KIỂM SOÁT: ​Mẹ không thể diễn tả nổi nỗi đau khổ mà mẹ cảm thấy khi con cố tách ra khỏi mẹ. Mẹ cần con cần tới mẹ. Mẹ không thể chịu được cái suy nghĩ sẽ mất con. Con là toàn bộ cuộc đời của mẹ. Mẹ sợ rằng con sẽ phạm phải những sai lầm khủng khiếp. Mẹ cảm thấy tâm can như bị xé nát khi chứng kiến con bị tổn thương. Mẹ thà chết chứ không muốn cảm thấy mình là một bà mẹ thất bại.

“Bởi Vì Điều Đó Là Tốt Cho Con”

Kiểm soát không nhất thiết là một từ xấu. Nếu như một người mẹ ngăn đứa con mới chập chững biết đi của mình chạy lung tung ngoài đường, ta sẽ không gọi đó là một bà mẹ thích kiểm soát, mà ta gọi bà là người cẩn thận. Bà thực hiện sự kiểm soát phù hợp với thực tế, được thúc đẩy bởi nhu cầu cần được bảo vệ và dìu dắt của đứa con của bà.

Sự kiểm soát phù hợp trở thành kiểm soát quá đà khi mà một người mẹ thực hiện hành động ngăn cản này với đứa con của mình vào mười năm sau đó, rất lâu sau khi đứa trẻ hoàn toàn có thể tự sang đường một mình.

Những đứa trẻ không được khuyến khích hoạt động, thử nghiệm, khám phá, làm chủ, và đối mặt với thất bại, thường cảm thấy vô dụng và không thích đáng. Bị kiểm soát quá độ bởi các bậc phụ huynh hay lo lắng, sợ hãi, những đứa trẻ này tự chúng cũng thường trở nên hay lo lắng và sợ hãi. Điều đó khiến cho chúng khó có thể trưởng thành. Khi chúng lớn lên trong thời niên thiếu và tuổi trưởng thành, rất nhiều trong số đó không bao giờ bỏ được cái nhu cầu cần đến sự dẫn dắt và kiểm soát của cha mẹ mình. Kết quả là, các bậc cha mẹ sẽ tiếp tục xâm lấn, thao túng, và thường xuyên thống trị cuộc sống của chúng.

Nỗi sợ hãi của việc không được cần đến đã thúc đẩy rất nhiều những bậc cha mẹ thích kiểm soát duy trì cảm giác về sự sự bất lực ở con cái họ. Những bậc cha mẹ này có một nỗi sợ hãi không hề lành mạnh về “hội chứng chiếc tổ trống,” là cảm giác không thể tránh được về sự mất mát mà tất cả các bậc cha mẹ đều phải trải nghiệm khi đứa con của họ cuối cùng cũng rời xa nhà. Phần nhiều cái tôi của các bậc cha mẹ hay kiểm soát bị trói buộc trong vai trò của người làm cha làm mẹ nên họ cảm thấy bị phản bội và bị bỏ rơi khi đứa trẻ trở nên độc lập.

Điều khiến cho một bậc phụ huynh thích kiểm soát trở nên độc địa là sự thống trị thường xuyên tới từ vỏ bọc của mối quan tâm. Những lời kiểu như, “đó là để tốt cho con,” “ta chỉ làm điều này vì con,” và “chỉ bởi vì ta yêu con rất nhiều,” đều mang cùng một ý nghĩa: “Ta làm như vậy là bởi vì ta sợ rằng sẽ mất con nên ta sẵn lòng làm con khổ sở.”

Sự Kiểm Soát Trực Tiếp

Chẳng có gì là lạ về sự kiểm soát trực tiếp. Nó công khai, hiển nhiên, và có thể thấy ngay được. “Hãy làm theo những gì ta nói nếu không ta sẽ không bao giờ nói chuyện với con nữa”; “Hãy làm theo lời ta nói nếu không ta sẽ cắt tiền chi tiêu của con”; “Nếu như con không nghe theo lời ta con sẽ không còn là thành viên của cái nhà này nữa”; “Nếu như con không nghe theo lời ta con sẽ khiến ta lên cơn đau tim.” Chẳng có gì là mơ hồ ở đây hết cả.

Sự kiểm soát trực tiếp thường bao gồm sự đe dọa và làm nhục. Những cảm xúc và nhu cầu của bạn cần phải phụ thuộc vào cha mẹ bạn. Bạn bị kéo vào một cái hố không đáy của tối hậu thư. Quan điểm của bạn là vô giá trị; các nhu cầu và khao khát của bạn là không thích đáng. Sự mất cân bằng về mặt quyền lực là vô cùng lớn.

Michael, một chuyên gia quảng cáo 36 tuổi đầy hấp dẫn, ưa nhìn, đã mang đến một ví dụ tốt về điều này. Anh ta đến gặp tôi bởi vì cuộc hôn nhân kéo dài sáu năm của mình với người phụ nữ mà anh yêu say đắm đang có nguy cơ tan vỡ như là kết quả của một cuộc chiến gay go giữa vợ anh và cha mẹ mình.

Vấn đề thật sự bắt đầu kể từ khi tôi chuyển tới California. Tôi nghĩ rằng mẹ tôi cho là đó chỉ là một sự chuyển đi tạm thời. Nhưng khi tôi bảo với bà rằng tôi đang yêu và dự định kết hôn, bà thấy rằng tôi muốn ổn định cuộc sống ở đây. Đó là khi mà bà bắt đầu gây sức ép để buộc tôi quay về nhà.

Tôi yêu cầu Michael kể cho tôi nghe về “việc gây sức ép.”

Sự kiện tồi tệ nhất diễn ra khoảng một năm sau đám cưới. Chúng tôi dự định tới Boston để dự tiệc kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ tôi thì vợ tôi bị nhiễm cúm nặng. Cô ấy ốm lắm. Tôi không muốn bỏ mặc cô ấy, nên tôi gọi cho mẹ tôi và báo rằng sẽ không đến được. Ôi, đầu tiên là bà ấy khóc. Rồi bà bảo với tôi, “Nếu con không tham dự lễ kỷ niệm của cha mẹ, mẹ sẽ chết cho con xem.” Vì thế, tôi nhượng bộ và đến Boston. Tôi đến đó vào buổi sáng của ngày diễn ra buổi tiệc, nhưng ngay khi tôi lên máy bay, họ bắt đầu bảo rằng tôi nên ở lại cả tuần. Tôi không nói có mà cũng chẳng nói không, nhưng tôi rời đi vào sáng ngày hôm sau. Một ngày sau đó tôi nhận được cuộc gọi của cha tôi: “Con đang giết mẹ con đấy. Bà ấy khóc suốt cả đêm. Ta sợ rằng bà ấy sẽ bị đột quỵ mất.” Họ muốn tôi làm cái quái gì kia chứ? Li dị với vợ tôi, quay về Boston, và trở về căn phòng cũ của tôi à?

Cha mẹ của Michael có thể giật giây anh từ khoảng cách ba ngàn dặm. Tôi hỏi anh rằng liệu cha mẹ anh đã bao giờ chấp nhận vợ anh chưa. Micahel bỗng nhiên nổi giận đùng đùng.

Không bao giờ! Bất cứ khi nào họ gọi điện thoại cho tôi, họ không bao giờ hỏi thăm về cô ấy. Thực ra, họ còn chẳng buồn nhắc tới cô ấy. Cứ như thể là họ đang cố giả vờ rằng cô ấy không hề tồn tại vậy.

Tôi hỏi Michael rằng anh đã từng thẳng thắn trao đổi vấn đề này với cha mẹ mình hay chưa, và anh có vẻ xấu hổ khi trả lời rằng:

Tôi ước gì mình đã làm như vậy. Mỗi lần vợ tôi bị cha mẹ tôi công kích, tôi đều mong cô ấy nhận lấy nó. Khi cô ấy than phiền, tôi yêu cầu cô ấy phải thông cảm với họ. Trời ạ, tôi đúng là một thằng ngốc! Cha mẹ tôi đang cố cô lập vợ tôi, và tôi cứ để mặc cho họ làm tổn thương cô ấy.

Tội của Michael nằm ở chỗ anh đã trở nên độc lập. Đáp lại, cha mẹ anh trở nên dữ dội, và tấn công bất ngờ với những chiến thuật mà họ biết tốt nhất: rút lại tình yêu của mình và dự đoán về bi kịch.

Cũng giống như hầu hết các bậc cha mẹ thích kiểm soát khác, cha mẹ của Michael đã cực kỳ xem mình là trung tâm. Họ cảm thấy bị đe dọa bởi hạnh phúc của Michael, thay vì nhìn nhận nó như là một sự ghi nhận về kỹ năng làm cha mẹ của mình. Lợi ích của Michael không quan trọng đối với họ. Theo họ, anh không chuyển tới California để phát triển sự nghiệp, mà anh chuyển tới đó để trừng phạt họ. Anh không hề kết hôn vì tình yêu, mà anh kết hôn để chọc tức họ. Vợ anh không bị ốm bởi vì cô ấy nhiễm phải vi-rút, mà cô ấy ốm để hành hạ họ.

Cha mẹ của Michael luôn buộc anh phải lựa chọn giữa họ và vợ mình. Và họ khiến cho mọi lựa chọn đều trở thành quyết định tất cả-hoặc-không gì cả. Với các bậc cha mẹ kiểm soát trực tiếp, không hề có sự trung lập. Nếu như đứa con đã trưởng thành của họ cố gắng giành lại một chút quyền kiểm soát từ cuộc đời mình, anh ta sẽ phải trả giá bằng cảm giác tội lỗi, tuyệt vọng, và một cảm giác sâu sắc về sự bất nghĩa.

Khi Michael lần đầu đến gặp tôi, anh nghĩ rằng cuộc hôn nhân của anh là vấn đề chính. Anh không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng cuộc hôn nhân của mình hoàn toàn là nạn nhân của cuộc chiến giành quyền kiểm soát được bắt đầu kể từ khi anh rời khỏi nhà.

Cuộc hôn nhân của con cái có thể trở thành một sự đe dọa vô cùng lớn đối với các bậc cha mẹ thích kiểm soát. Họ nhìn nhận người phối ngẫu mới như là một đối thủ cạnh tranh giành lấy sự trung thành của con họ. Điều này dẫn đến một cuộc chiến khủng khiếp giữa cha mẹ và người phối ngẫu, và người con đã trưởng thành sẽ bị giằng xé trong việc phân bố lòng trung thành của mình.

Một vài bậc cha mẹ sẽ tấn công mối quan hệ mới với sự chỉ trích, mỉa mai, và dự đoán về sự đổ vỡ. Những người khác, như trong trường hợp của Michael, sẽ từ chối chấp nhận người bạn đời mới hay thậm chí là phớt lờ sự tồn tại của người này. Và còn có những người khác sẽ hành hạ người bạn đời mới của con cái họ. Cũng chẳng có gì là lạ khi những chiến lược kiểu này lại có thể tạo ra những biến động khiến cuộc hôn nhân tan vỡ.

“TẠI SAO TÔI LẠI PHẢI BÁN MÌNH CHO CHA MẸ?”

Tiền bạc vẫn luôn là thứ ngôn ngữ chính của quyền lực, khiến nó trở thành thứ công cụ hợp lý của các bậc cha mẹ thích kiểm soát. Nhiều bậc cha mẹ độc hại sử dụng tiền bạc để giữ con cái mình ở thế phụ thuộc.

Kim tới gặp tôi với rất nhiều mối lo âu. Ở tuổi 41 cô đang bị thừa cân, không hài lòng với công việc của mình, đã li dị và có hai đứa con đang ở trong độ tuổi thiếu niên. Cô cảm thấy bế tắc: cô muốn giảm cân, đón nhận một vài thách thức trong công việc, và tìm kiếm một hướng đi cho cuộc đời mình. Cô cho rằng các vấn đề của mình đều có thể được giải quyết một khi cô tìm thấy Mr. Right.

Trong quá trình trị liệu, sự việc trở nên rõ ràng rằng Kim tin là cô chẳng là gì nếu không có được một người đàn ông chăm sóc cho mình. Tôi hỏi cô rằng cô lấy cái ý tưởng ấy từ đâu.

À, dĩ nhiên là không phải từ chồng tôi rồi. Tôi toàn phải chăm lo cho anh ta thì đúng hơn. Tôi gặp anh ta khi tôi vừa mới tốt nghiệp đại học. Anh ấy hai mươi bảy tuổi, vẫn sống với bố mẹ, và thực sự lúng túng trong việc anh sẽ làm gì với cuộc đời mình. Nhưng anh ấy nhạy cảm và lãng mạn và tôi thấy rung động trước anh ấy. Cha tôi cực lực phản đối, nhưng tôi nghĩ rằng ông trong thâm tâm ông lại thấy hài lòng bởi vì tôi đã lựa chọn một người không thể bên mình dài lâu. Khi tôi khăng khăng cưới anh ấy, cha tôi bảo với tôi rằng ông sẽ hỗ trợ chúng tôi trong một thời gian, và nếu như mọi chuyện trở nên tệ hơn nữa, ông sẽ nhận chồng tôi vào làm ở công ty của ông. Dĩ nhiên điều này khiến cha tôi có vẻ như là một con người tuyệt vời, nhưng nhờ đó ông cũng có được sự khống chế lớn đối với chúng tôi. Cho dù đã kết hôn, tôi vẫn là đứa con gái bé bỏng của cha tôi. Cha cứu chúng tôi khỏi cảnh kinh tế túng quẫn, nhưng đổi lại, ông lại bảo chúng tôi phải sống đời mình như thế nào. Tôi đã là bà nội trợ và chăm sóc các con và rồi…

Kim bật khóc ngay giữa câu. “Và rồi sao?” tôi hỏi. Cô nhìn xuống nền nhà và nói tiếp:

Và rồi… tôi vẫn cần cha chăm sóc cho mình.

Tôi hỏi Kim rằng liệu cô có nhìn thấy mối liên hệ giữa mối quan hệ của mình với cha và sự phụ thuộc của cô vào đàn ông mới khiến cuộc đời mình trở nên ổn thỏa hay không.

Không cần phải nghi ngờ về việc cha tôi là con người quyền uy nhất trong cuộc đời tôi. Ông từng rất đáng kính khi mà tôi còn nhỏ, nhưng từ khi tôi bắt đầu có chính kiến của riêng mình, ông không thể chấp nhận được điều đó. Ông quát tháo và giận dữ nếu tôi dám phản đối ông. Ông gọi tôi bằng những từ kinh khủng. Ông rất ồn ào và đáng sợ. Khi tôi ở tuổi vị thành niên, ông bắt đầu sử dụng tiền bạc để khống chế tôi. Đôi khi ông vô cùng hào phóng, khiến tôi cảm thấy thật sự được yêu thương và an toàn. Nhưng những khi khác ông làm nhục tôi bằng cách khiến tôi phải khóc lóc và van xin vì những thứ như vé xem phim cho tới sách giáo khoa. Tôi không bao giờ biết rõ tội của mình là gì. Tôi chỉ biết rằng tôi đã dành rất nhiều thời gian cố gắng luận ra cách để làm vừa lòng ông. Không có ngày nào lại giống với này nào hết cả. Ông luôn khiến cho mọi việc ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Đối với Kim mà nói, việc cố làm vừa lòng cha mình cũng giống như là tham gia vào một cuộc thi chạy mà cha cô luôn là người di chuyển vạch về đích. Cô càng cố gắng chạy, thì ông lại càng dịch vạch đích ra xa hơn. Cô không thể giành được chiến thắng. Ông sử dụng tiền bạc để ban thưởng lẫn trừng phạt, mà không hề có tính hợp lý hay nhất quán. Ông vừa hào phóng lại vừa keo kiệt về tiền bạc, giống như là cách mà ông thể hiện tình yêu và sự ưa thích vậy. Thông điệp hỗn loạn của ông làm cô bối rối. Sự phụ thuộc của cô gắn liền với sự chấp thuận của ông. Sự hỗn loạn này tiếp tục được duy trì trong tuổi trưởng thành của Kim.

Tôi khuyến khích chồng mình đến làm việc cho cha tôi. Đó hoàn toàn là một sai lầm! Giờ đây ông thực sự nắm chúng tôi trong lòng bàn tay. Mọi việc phải được thực hiện theo cách của ông – từ việc lựa chọn một ngôi nhà cho tới việc dạy bọn trẻ đi vệ sinh. Ông khiến cuộc đời Jim trở thành địa ngục tại công ty, vì thế mà cuối cùng Jim cũng nghỉ việc. Cha tôi xem điều này như một ví dụ khác về sự vô dụng của Jim, dù cho Jim đã kiếm được một công việc khác ngay sau đó. Cha tôi đã công kích tôi về điều đó và đe dọa sẽ ngừng giúp đỡ chúng tôi, nhưng rồi ông thay đổi ý kiến và, vào Giáng sinh, ông mua tặng tôi một chiếc ô tô mới. Khi ông trao cho tôi chìa khóa, ông nói, “Con không muốn chồng con giàu có như cha ư?”

Cha của Kim sử dụng quyền lực kinh tế của mình một cách độc ác và tiêu cực trong khi ra vẻ hào hiệp. Ông sử dụng nó để khiến mình là không thể thiếu được trong mắt Kim và tiếp tục hạ thấp chồng Kim. Theo cách đó ông tiếp tục kiểm soát cô lâu dài sau khi cô đã rời khỏi ‘tổ’.

“CON KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC ĐIỀU GÌ NÊN HỒN À?”

Nhiều bậc cha mẹ độc hại kiểm soát đứa con đã trưởng thành của mình bằng cách đối xử với họ như thể họ là kẻ vô dụng và không đủ năng lực, ngay cả khi điều này là hoàn toàn không đúng với thực tế.

Martin, một người đàn ông hói, gầy, 43 tuổi và là chủ tịch của một công ty vật liệu xây dựng nhỏ, đến gặp tôi với tâm trạng vô cùng hoảng hốt. Anh nói:

Tôi thật sự rất sợ. Có điều gì đó đang xảy ra với tôi. Tôi thường xuyên giận dữ. Nó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Tôi vẫn luôn là một người không ưa bạo lực, nhưng vài tháng gần đây, tôi quát tháo vợ con mình, đóng sầm cửa lại, và vào ba tuần trước, tôi tức giận đến nỗi đã đấm tay vào tường. Tôi thực sự sợ rằng tôi sẽ khiến người khác bị thương.

Tôi khen anh ấy về việc lường trước và sự can đảm để tới trị liệu trước khi vấn đề vượt khỏi tầm tay. Tôi hỏi anh muốn tấn công ai khi mà anh đấm tay vào tường thế. Anh cười cay đắng:

Đơn giản thôi – đó là ông già tôi. Dù tôi có cố gắng đến đâu, ông ấy luôn khiến tôi cảm thấy rằng bất kỳ việc gì tôi làm đều là sai cả. Chị có tin được rằng ông ấy nỡ lòng kéo tôi xuống nước ngay trước mặt nhân viên của tôi hay không.

Khi Martin nhận thấy tôi không hiểu, anh ta giải thích:

Cha tôi đưa tôi vào công cuộc kinh doanh của mình vào mười tám năm trước, và rồi ông ấy nghỉ hưu vài năm sau đó. Vì thế mà tôi tiếp quản công ty trong mười lăm năm. Nhưng cứ mỗi cuối tuần chết tiệt, cha tôi lại tới và bắt đầu kiểm tra sổ sách. Rồi chê bai về cách tôi điều hành công ty. Ông ấy đi theo tôi tới văn phòng và quát tháo về việc tôi làm hỏng công ty của ông ấy như thế nào. Ông ấy làm như vậy ngay trước mặt các nhân viên của tôi. Điều đáng mỉa mai ở đây là, tôi đã biến đổi doanh nghiệp này. Tôi đã làm tăng gấp đôi lợi nhuận, chỉ trong có ba năm qua, nhưng ông ấy không để cho tôi được yên. Chẳng lẽ ông ấy không bao giờ thấy thỏa mãn hay sao?

Martin đã phải thường xuyên vượt qua muôn vàn khó khăn để chứng tỏ bản thân mình. Anh đã có được những bằng chứng cụ thể về thành tích - lợi nhuận – nhưng những bằng chứng này trở nên mờ nhạt trước sự chê trách của cha anh. Tôi gợi ý với Martin rằng cha anh có thể cảm thấy bị đe dọa bởi thành công của anh. Cái tôi của cha anh dường như gắn chặt với việc đã xây dựng nên công ty đó, nhưng giờ đây thành quả của ông đã bị làm cho lu mờ bởi thành tựu của con trai mình.

Tôi hỏi Martin rằng liệu trong những thời điểm xúc động kia anh còn cảm thấy gì khác ngoài sự giận dữ có thể hiểu được này hay không.

Chắc chị biết là có. Tôi thật xự rất xấu hổ khi nói với chị điều này, nhưng mỗi khi mà ông ấy bước chân vào văn phòng, tôi cảm thấy mình như là một đứa trẻ hai tuổi vậy. Tôi thậm chí không thể trả lời các câu hỏi cho ra hồn. Tôi bắt đầu cà lắp, xin lỗi, và cảm thấy sợ hãi. Ông ấy trông rất mạnh mẽ, mặc dù tôi cũng cao to ngang ngửa ông ấy, vậy mà tôi lại cảm thấy mình chỉ bằng có một nửa ông. Ông ấy có cái ánh nhìn lạnh lùng và cái giọng đầy phê phán. Tại sao ông ấy lại không thể đối xử với tôi như là một người lớn kia chứ?

Cha của Martin sử dụng việc kinh doanh để khiến Martin cảm thấy mình nhỏ bé, mà nhờ đó khiến cha cha anh cảm thấy tốt đẹp hơn về bản thân mình. Khi người cha ấn vào đúng ‘công tắc’, Martin trở thành đứa trẻ vô dụng trong lớp vỏ của một người trưởng thành.

Phải mất một thời gian, nhưng cuối cùng Martin cũng nhận ra rằng anh phải từ bỏ cái hi vọng rằng cha anh sẽ thay đổi. Martin giờ đây đang nỗ lực cố gắng để thay đổi cái cách mà anh đối diện với cha mình.

Sự chuyên chế của người thao túng

Còn có một dạng thức khác của sự kiểm soát mà, dù tinh tế và kín đáo hơn so với sự kiểm soát trực tiếp, lại mang tính tổn hại lớn hơn: sự thao túng. Những người thao túng có được điều mình muốn mà không cần phải hỏi xin điều đó, mà không bao giờ gặp phải rủi ro bị cự tuyệt vì đã bộc bạch về ham muốn của họ.

Tất cả chúng ta đều thao túng người khác ở nhiều mức độ khác nhau. Chỉ một số rất ít trong chúng ta mới có đủ tự tin để yêu cầu mọi điều mà ta muốn trong cái thế giới này, vì thế mà chúng ta phát triển những phương thức gián tiếp để đòi hỏi. Ta không đòi người bạn đời của mình một ly rượu, mà ta hỏi rằng có chai rượu nào đã khui rồi hay không; chúng ta không yêu cầu các vị khách của mình rời đi vào tối muộn, mà ta chỉ thể hiện một cái ngáp; chúng ta không hề hỏi xin một người lạ hấp dẫn số điện thoại, mà ta tạo ra những câu chuyện phiếm. Những đứa trẻ cũng thao túng các bậc phụ huynh nhiều như những bậc phụ huynh làm với con cái. Bạn đời, bạn bè, và họ hàng đều thao túng lẫn nhau. Những người làm kinh doanh kiếm sống bằng sự thao túng. Thực ra chẳng có gì xấu xa về điều này hết cả, đó chỉ đơn giản là một trạng thái bình thường của việc giao tiếp của nhân loại.

Nhưng khi mà nó trở thành một thứ công cụ nhất quán để kiểm soát, sự thao túng có thể trở nên cực kỳ phá hoại, đặc biệt là trong mối quan hệ cha mẹ-con cái. Bởi vì những bậc cha mẹ thích thao túng quá lão luyện trong việc che dấu động cơ thực sự của mình, khiến cho con cái họ sống trong một thế giới của sự bối rối. Họ biết rằng họ đang bị thao túng, nhưng họ không biết phải làm sao.

“TẠI SAO BÀ ẤY CỨ LUÔN PHẢI GIÚP CƠ CHỨ?”

Một trong những hình thức phổ biến nhất của sự thao túng đầy độc địa là “người giúp đỡ.” Thay vì buông tha, người giúp đỡ tạo dựng ra các tình huống để khiến bản thân ông-hay-bà ta “được cần đến” trong sự bỏ mặc, người giúp đỡ tạo ra các tình huống để khiến cho mình “được cần đến” trong cuộc sống của đứa con đã trưởng thành của họ. Sự thao túng này thường ngụy trang dưới dạng thiện chí nhưng lại là một sự trợ giúp không được mong muốn.

Lee, 32 tuổi, là một người thân thiện, mặt tàn nhang, cựu vận động viên tennis nghiệp dư có thành tích rất tốt với tư cách là một tay vợt chuyên nghiệp ở một câu lạc bộ đồng quê. Bất kể một cuộc sống xã hội năng động, sự ghi nhận về mặt chuyên môn, và một công việc tốt, cô ấy vẫn thường trải qua những cơn trầm cảm sâu. Mối quan hệ của cô và mẹ chiếm trọn thời gian của buổi trị liệu đầu tiên của chúng tôi:

Tôi đã rất cố gắng để có được vị trí của mình vào ngày hôm nay, nhưng mẹ tôi không cho rằng tôi có thể tự buộc dây giầy cho mình. Cả cuộc đời bà bao quanh lấy tôi, và việc này còn trở nên tồi tệ hơn nữa kể từ khi cha tôi mất. Bà luôn mang thức ăn tới căn hộ của tôi bởi vì bà không cho rằng tôi ăn uống đủ. Đôi khi, tôi về nhà và thấy bà đang ở đó và dọn dẹp “như một ân huệ.” Bà thậm chí còn sắp xếp lại quần áo và đồ đạc của tôi!

Tôi hỏi Lee rằng có bao giờ cô chỉ đơn giản yêu cầu mẹ cô ngừng làm những việc này lại hay không.

Luôn luôn. Cô ngẩng lên với khuôn mặt đầy nước mắt và khóc, “Có gì là sai đối với một người mẹ giúp đỡ đứa con gái mà mình yêu thương kia chứ?” Tháng trước tôi được mời tham dự một giải đấu ở San Francisco. Mẹ tôi cứ nhai đi nhai lại về việc nơi ấy xa như thế nào và rằng tôi không thể tự lái xe suốt cả quãng đường đến đấy được. Bà xung phong đi cùng tôi. Khi tôi bảo với bà rằng bà không cần phải làm vậy, bà hành xử như thể tôi đang cố tước đoạt của bà một kỳ nghỉ miễn phí vậy. Vì thế mà tôi đồng ý. Tôi đã thực sự trông đợi dịp này để được ở một mình, nhưng tôi còn nói được gì nữa bây giờ?

Khi Lee và tôi cùng làm việc với nhau trong quá trình trị liệu, cô bắt đầu nhìn ra rằng những cảm giác của mình về thẩm quyền đã bị hủy hoại bởi người mẹ ra sao. Nhưng bất kỳ khi nào Lee cố gắng bày tỏ sự thất vọng của mình, cô lại bị choáng ngợp bởi cảm giác tội lỗi bởi vì mẹ cô luôn tỏ ra yêu thương và quan tâm đến cô. Lee trở nên không ngừng gia tăng giận dữ đối với mẹ của mình, và bởi vì cô không thể bộc lộ nó ra, cô phải cố nén nó vào trong lòng. Rốt cuộc, nó tìm được lối ra như là sự trầm cảm.

Dĩ nhiên, căn bệnh trầm cảm của cô lại càng củng cố cho cái vòng lặp này. Mẹ cô không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội để nói những điều như, “Nhìn xem con buồn như thế nào này. Để mẹ nấu một bữa trưa nhỏ, làm con vui lên một chút nhé.”

Trong những dịp hiếm hoi khi Lee có đủ dũng khí để nói với mẹ cô về cảm nhận của mình, mẹ cô sẽ tỏ ra đau đớn với đầy nước mắt. Lee lúc nào cũng cảm thấy tội lỗi và cố gắng xin lỗi, nhưng mẹ cô sẽ ngắt lời cô, “Đừng bận tâm đến mẹ, mẹ sẽ ổn thôi.”

Tôi nói với Lee rằng nếu như mẹ cô trực tiếp hơn trong việc đòi hỏi những gì mình muốn, Lee sẽ không giận dữ đến vậy. Lee đồng ý với tôi.

Chị nói đúng. Nếu như bà chỉ cần nói rằng, “Mẹ rất cô đơn, mẹ nhớ con, mẹ muốn con dành nhiều thời gian bên mẹ hơn,” thì ít nhất tôi cũng biết được là mình đang đối mặt với cái gì. Tôi sẽ có một vài chọn lựa. Nhưng đối với tình hình hiện tại, giống như là bà đang cướp đoạt cuộc đời tôi vậy.

Khi Lee than rằng cô không có quyền lựa chọn, cô đã phản ánh điều mà nhiều người con đã trưởng thành của những bậc cha mẹ thích thao túng tin vào. Sự thao túng đẩy con người ta vào chân tường: không chỉ có vậy, họ cần phải làm tổn thương người khác – những người mà “chỉ cố gắng để tỏ ra tử tế.” Đối với hầu hết mọi người việc nhượng bộ là dễ hơn cả.

ĐÂY LÀ THỜI ĐIỂM ĐỂ SẦU MUỘN

Các bậc cha mẹ thích thao túng luôn tận dụng vài ngày trong những dịp lễ tết, lan tỏa tội lỗi như thể đó là niềm vui vào lễ Giáng sinh. Những kỳ nghỉ lễ có khuynh hướng làm sâu sắc thêm bất cứ mâu thuẫn gia đình nào đang tồn tại. Thay vì cảm thấy vui mừng trong ngày lễ, nhiều người nhận thấy họ đang kinh sợ sự gia tăng căng thẳng trong gia đình mà những kỳ nghỉ lễ thường mang đến. Một trong những khách hàng của tôi, Fred, một nhân viên bán hàng siêu thị 27 tuổi, và là người trẻ nhất trong số bốn anh chị em, kể cho tôi nghe một câu chuyện kinh điển về sự thao túng của mẹ cậu:

Mẹ tôi luôn quan trọng hóa về việc tất cả chúng tôi cần về nhà vào dịp lễ Giáng sinh. Năm ngoái, tôi giành chiến thắng trong một cuộc thi trên đài phát thanh và được nhận vé đi Aspen miễn phí trong kỳ nghỉ lễ. Tôi thật sự rất hào hứng bởi vì bản thân tôi không đủ khả năng chi trả cho một chuyến đi như vậy. Tôi thích trượt tuyết, và đây là một cơ hội tuyệt vời để tôi có thể đưa bạn gái mình đến một nơi tuyệt vời. Chúng tôi đều đã làm việc vô cùng vất vả, chuyến đi này giống như là thiên đường vậy. Nhưng khi tôi thông báo tin này với mẹ, bà nom như thể có người vừa mới mất. Bà trợn ngược mắt lên và môi bà bắt đầu run rẩy, cô biết đấy, như thể bà sắp khóc đến nơi vậy. Rồi bà nói, “Được thôi, con yêu. Các con cứ đi nghỉ vui vẻ. Có thể chúng ta sẽ không có bữa tiệc Giáng sinh vào năm nay,” và điều ấy khiến tôi cảm thấy mình như một kẻ đê tiện.

Tôi hỏi Fred rằng liệu cậu có tiếp tục thực hiện chuyến đi hay không.

Vâng, tôi vẫn đi. Nhưng đấy là thời điểm tồi tệ nhất trong đời tôi. Tôi ở trong một tâm trạng tồi tệ đến mức tôi cứ cãi cọ với bạn gái của tôi suốt. Tôi dành ra nửa số thời gian của chuyến đi để nói chuyện điện thoại với mẹ, và cả các anh trai, và chị gái tôi nữa…. Tôi cứ xin lỗi suốt. Đáng ra không nhất thiết phải đau khổ như vậy.

Tôi thực sự ngạc nhiên vì Fred rốt cuộc vẫn thực hiện chuyến đi ấy. Tôi đã thấy nhiều người phải đi một quãng đường xa hơn nhiều để tránh cảm giác tội lỗi hơn là hủy bỏ một chuyến đi. Các bậc cha mẹ thích chi phối là những bậc thầy về cảm giác tội lỗi, và mẹ của Fred không phải là một ngoại lệ.

Dĩ nhiên là họ vẫn tổ chức tiệc tối mà không có tôi. Nhưng mẹ tôi đau khổ đến nỗi bà làm cháy món gà quay lần đầu tiên trong suốt bốn mươi năm qua. Tôi nhận được ba cú điện thoại của chị tôi để báo với tôi rằng tôi đã phá hỏng truyền thống gia đình như thế nào. Anh trai cả của tôi kể với tôi rằng mọi người đều rất buồn vì tôi không có ở đó. Và rồi người anh khác của tôi đã trách cứ tôi. Anh ấy bảo, “Chúng ta là tất cả những gì mà bà có. Chú nghĩ là bà còn tận hưởng được bao nhiêu lễ Giáng sinh nữa kia chứ?” Cứ như thể là tôi bỏ rơi bà khi bà đang hấp hối trên giường bệnh vậy. Như thế có công bằng không, Susan? Bà ấy thậm chí còn chưa tới sáu mươi tuổi, sức khỏe bà rất tốt. Tôi cá là anh ấy nói nguyên câu đó theo lời mẹ tôi. Để tôi nói cô nghe, tôi không còn dám bỏ lỡ một kỳ Giáng sinh nào nữa.

Thay vì bày tỏ trực tiếp cảm xúc của mình với Fred, mẹ của Fred đã lợi dụng những người con khác làm việc này cho mình. Đây là một chiến lược cực kỳ hiệu quả của nhiều bậc cha mẹ thích thao túng. Hãy nhớ rằng, mục tiêu chủ yếu của họ là tránh sự đối đầu trực tiếp. Thay vì tự mình buộc tội Fred, mẹ cậu lại đóng vai kẻ bị hành hạ trong bữa tối đêm Giáng sinh. Bà không thể lên án Fred một cách mạnh mẽ hơn nếu bà nói thẳng điều đó với cậu.

Tôi giải thích với Fred rằng mẹ và các anh chị của cậu tự mình lựa chọn một kỳ lễ Giáng sinh đau khổ. Fred không phải là người chịu trách nhiệm. Không gì ngoài lựa chọn của bản thân họ đã ngăn cản họ khỏi việc nâng cốc uống mừng Fred trong sự vắng mặt của cậu và có một buổi tối vui vẻ.

Cho tới khi Fred còn tiếp tục tin rằng mình là một người tồi tệ bởi vì cậu dám làm một điều gì đó vì bản thân mình, mẹ cậu sẽ vẫn tiếp tục kiểm soát cậu thông qua cảm giác tội lỗi. Fred cuối cùng cũng hiểu ra được điều này và giờ đây đã chủ động hơn trong việc đối phó với mẹ mình. Dù cho bà nhìn nhận sự quyết đóan mới mẻ ở con trai mình như là một dạng “trừng phạt,” Fred đã đẩy cán cân quyền lực tới vị trí mà bất kỳ một sự nhượng bộ nào cậu đưa ra cũng là một sự nhượng bộ của sự lựa chọn, chứ không phải là sự đầu hàng.

“TẠI SAO CON KHÔNG THỂ GIỐNG NHƯ CHỊ MÌNH THẾ?”

Nhiều bậc cha mẹ độc hại so sánh một đứa con không mấy yêu thích của mình với đứa khác để khiến cho đứa con trong tầm ngắm cảm thấy rằng mình làm chưa đủ tốt để có thể giành được sự yêu mến của cha mẹ. Điều này thúc đẩy người con thực hiện bất cứ điều gì mà cha mẹ mình muốn nhằm dành lại tình cảm của cha mẹ. Kỹ thuật chia rẽ-và-chế ngự này thường được thực hiện với những đứa con trở nên hơi độc lập quá, làm đe dọa sự cân bằng của cấu trúc gia đình.

Dù có ý thức hay vô thức, những bậc cha mẹ này thao túng một mối quan hệ anh chị em bình thường không có tính cạnh tranh thành một sự ganh đua tàn nhẫn mà ngăn chặn sự phát triển của sự gắn kết lành mạnh của tình anh em. Tác động gây ra sẽ đi rất xa. Bên cạnh việc hình tượng bản thân của đứa trẻ rõ ràng sẽ bị hủy hoại, sự so sánh tiêu cực tạo ra sự oán giận và ganh ghét giữa các anh chị em mà có thể bôi đen mối quan hệ của họ suốt cả cuộc đời.

Nổi loạn với một nguyên nhân

Khi các bậc cha mẹ độc hại kiểm soát chúng ta theo những cách mãnh liệt, hăm dọa, tạo ra cảm giác tội lỗi, hay theo cách làm tê liệt về mặt cảm xúc, chúng ta thường phản ứng theo một trong hai cách sau: ta đầu hàng hoặc ta nổi dậy. Cả hai kiểu phản ứng này đều gây ra sự ức chế tâm lý, cho dù sự nổi loạn có vẻ như mang đến điều hoàn toàn ngược lại. Sự thật là, nếu như ta nổi loạn nhằm phản ứng với cha mẹ chúng ta, chúng ta cũng sẽ bị kiểm soát như là khi ta phục tùng.

Jonathan, 55 tuổi, là chủ của một công ty phần mềm máy tính có vẻ bề ngoài sáng sủa, khỏe khoắn. Trong buổi trị liệu đầu tiên của chúng tôi, anh gần như nói lời xin lỗi vì cảm xúc hoảng loạn và cô đơn mãnh liệt của mình:

Lúc này, đừng bắt đầu cảm thấy thương tôi. Tôi có một ngôi nhà xinh đẹp. Tôi có một bộ sưu tập xe hơi. Tôi có đủ loại tài sản. Tôi thực sự có một cuộc đời rất ổn. Nhưng có những lúc tôi cảm thấy rất, rất cô đơn. Tôi có quá nhiều, và tôi không thể chia sẻ với một ai. Đôi khi tôi có cái cảm giác tồi tệ về sự mất mát vì những gì tôi có thể có trong một mối quan hệ yêu đương, thân mật. Tôi sợ rằng tôi sẽ chết già trong cô đơn mất.

Tôi hỏi Jonathan rằng liệu anh có ý tưởng nào về việc tại sao anh lại gặp khó khăn như thế trước các mối quan hệ hay không.

Mỗi khi tôi thân cận một phụ nữ … hay thậm chí là sắp kết hôn với một ai đó, tôi cảm thấy hoảng sợ và chạy trốn. Tôi không biết tại sao … tôi ước gì tôi có thể biết được. Mẹ tôi không bao giờ để tôi nghe được kết cục của nó.

Tôi hỏi Jonathan rằng anh cảm thấy thế nào về sức ép đến từ mẹ mình.

Bà bị ám ảnh về việc tôi kết hôn. Bà tám mươi mốt tuổi, sức khỏe của bà rất tốt, và bà có rất nhiều bạn, nhưng tôi cảm thấy như thể bà dành cả ngày để mà lo lắng về đời sống yêu đương của tôi vậy. Tôi thật sự yêu bà, nhưng tôi không thể chịu nổi việc ở bên bà vì điều này. Bà sống vì hạnh phúc của tôi. Bà làm tôi ngộp thở bởi sự quan tâm của bà. Giống như thể tôi không thể gỡ bà ra khỏi người tôi vậy. Bà cứ luôn bảo tôi phải sống đời mình như thế nào … luôn luôn là vậy. Ý tôi là, bà sẽ hít thở hộ tôi nếu như mà có thể.

Câu nói cuối cùng của Jonathan là sự diễn đạt tuyệt vời về sự “sự hợp nhất.” Mẹ anh vướng bận với anh đến nỗi bà quên rằng bà kết thúc từ đâu và anh bắt đầu từ đâu. Bà “hợp nhất” cuộc đời mình với cuộc đời của anh. Jonanthan trở thành một ‘sự kéo dài’ của bà, như thể cuộc đời anh là cuộc đời của bà. Jonathan cần phải giải phóng mình khỏi sự kiểm soát ngột ngạt của bà, vì thế mà anh nổi dậy. Anh chối bỏ bất cứ điều gì mà bà mong muốn ở anh, bao gồm cả những điều mà anh cũng khao khát, như là kết hôn.

Tôi kiến nghị với Jonathan rằng có lẽ anh đã quá tập trung vào việc chống lại sự kiểm soát của mẹ mà quên đi những khát khao thật sự của bản thân. Việc anh không tuân theo mơ ước của mẹ quan trọng đến mức anh tước đi khỏi chính bản thân mình mối quan hệ với một người phụ nữ mà anh mong muốn. Khi làm điều này, anh tự tạo ra cho mình một ảo tưởng rằng anh “là người đàn ông của chính mình,” nhưng trên thực tế nhu cầu nổi loạn của anh đã vượt qua ý chí tự do của mình.

Tôi gọi điều này là “cuộc nổi loạn tự đánh bại.” Đây là mặt đối lập với sự đầu hàng. Cuộc nổi dậy lành mạnh là một hành động tích cực của sự tự do lựa chọn. Nó tăng cường sự phát triển cá nhân và cá tính. Cuộc nổi dậy tự đánh bại là một phản ứng chống lại một bậc phụ huynh thích kiểm soát, một hành động mà mục tiêu của nó là nhằm cố gắng biện giải cho một kết cục không mấy thỏa mãn. Đây hiếm khi là điều mà ta mong muốn.

Kiểm soát từ dưới mồ

Một thành viên trong nhóm của tôi từng nói, “Cha mẹ tôi đều đã mất, vì thế họ không còn quyền hành gì với tôi nữa.” Một người khác phát biểu: “Họ có thể đã chết, bạn thân mến, nhưng họ vẫn còn sống trong đầu bạn!” Cả việc nổi dậy tự đánh bại và sự đầu hàng đều có thể tồn tại rất lâu sau khi các bậc cha mẹ đã qua đời.

Nhiều người tin rằng một khi các bậc cha mẹ thích kiểm soát đã mất thì họ sẽ được tự do, nhưng ‘sợi dây rốn’ tâm lý không chỉ có độ dài xuyên lục địa mà còn vươn ra từ dưới nấm mồ nữa. Tôi đã chứng kiến hàng trăm những người trưởng thành tuyệt đối trung thành với những yêu cầu của cha mẹ mình và cả những thông điệp tiêu cực kể cả sau khi cha mẹ họ đã mất từ lâu.

Eli, 60 tuổi một doanh nhân vô cùng thành công với tri trí tuệ phi thường và một óc hài hước đáng kinh ngạc, đã đưa ra một đánh giá vô cùng tinh tế về hoàn cảnh của mình: “Tôi là một cầu thủ dự bị trong cuộc đời của chính tôi.”

Khi tôi gặp Eli lần đầu tiên, dù đã là một triệu phú từ lâu, ông vẫn sống trong căn hộ một phòng, lái chiếc xe cũ nát, và sống lối sống của một người đàn ông hầu như không thể kiếm sống. Ông rất hào phóng với hai cô con gái đã lớn của mình nhưng lại bị ám ảnh với việc chi li từng đồng với chính bản thân.

Tôi vẫn nhớ vào một ngày nọ khi ông tới gặp tôi sau giờ làm việc. Tôi hỏi ông rằng ngày hôm đó của ông như thế nào và ông bật cười và kể với tôi rằng ông suýt mất một thương vụ trị giá 18 triệu đô vì trễ một cuộc họp. Mặc dù thường đúng giờ, Eli đã lái lòng vòng quanh tòa nhà những hai mươi phút chỉ để tìm một chỗ đỗ xe trên phố nhằm tránh việc phải trả phí đỗ xe trong tòa nhà. Ông đã đánh cược 18 triệu đô chỉ vì 5 đô la tiền phí gửi xe!

Khi chúng tôi đào sâu vào gốc rễ của nỗi ám ảnh trong ông trước việc tiết kiệm tiền bạc, nó trở nên rõ ràng rằng tiếng nói của cha ông, dù cho tận mười hai năm sau cái chết của ông ấy, vẫn còn vang vọng trong tâm trí Eli:

Cha mẹ tôi là những người nhập cư nghèo. Tôi lớn lên trong sự nghèo khổ. Những người sống quanh tôi, đặc biệt là cha tôi, dạy tôi phải biết lo lắng trước mọi điều. Ông vẫn thường nói, “Ngoài kia là một thế giới tàn nhẫn, nếu như con không cẩn thận, con sẽ bị ăn tươi nuốt sống.” Ông khiến tôi cảm thấy rằng tôi chẳng có gì để trông đợi ngoại trừ nguy hiểm, và ông không dừng lại ngay cả khi tôi đã kết hôn và kiếm được rất nhiều tiền. Ông luôn đưa ra lời cảnh báo ở cấp độ ba về việc chi tiêu của tôi. Và khi tôi lỡ kể với ông về việc đó, phản ứng cơ bản của ông là, “Đồ ngốc! Con đã lãng phí tiền vào những thứ xa xỉ. Con nên tiết kiệm từng xu mới phải. Thời điểm khó khăn sẽ tới, vẫn luôn là như vậy, và rồi con sẽ cần đến số tiền đó.” Đến mức mà tôi thấy sợ hãi khi tiêu từng hào một. Cha tôi không bao giờ nghĩ về cuộc đời như là một thứ gì đó để tận hưởng, ông chỉ nhìn nhận nó như là thứ mà chúng ta phải chịu đựng.

Cha của Eli đã đưa những khủng hoảng và khó khăn của cuộc đời mình vào cuộc đời của con trai ông. Khi Eli trở nên thành công, ông nghe thấy lời nhắc nhở của cha mỗi khi ông cố gắng tận hưởng trái ngọt của sự lao động của mình. Lời dự đoán về tai họa của cha ông hình thành nên một vòng lặp bất tận trong đầu Eli. Ngay cả khi Eli có thể tự mình mua những món đồ phục vụ cho niềm vui của chính mình, tiếng nói của cha vẫn ngăn ông khỏi việc tận hưởng nó.

Sự thiếu tin tưởng của cha ông vào tương lai cũng ảnh hưởng tới suy nghĩ của ông về phụ nữ. Khi ta thành công, phụ nữ sẽ không thể tránh khỏi việc cảm thấy bị hấp dẫn trước ta vào một ngày nào đó. Sự nghi ngờ của ông đối với phụ nữ đã trở thành một sự hoang tưởng. Và con trai ông cũng đã quán triệt những quan điểm này:

Tôi chẳng có gì ngoài vận rủi với phụ nữ. Tôi chỉ là không bao giờ có thể tin tưởng họ. Vợ tôi li dị với tôi bởi vì tôi cứ liên tục chỉ trích cô ấy về sự phung phí. Thật là lố bịch. Cô ấy mua một cái túi xách hay gì đó, và thế là tôi bắt đầu nghĩ đến phiên tòa phá sản.

Khi tôi làm việc cùng với Eli, sự việc trở nên rõ ràng rằng tiền bạc không phải là vấn đề duy nhất giữa ông và vợ mình. Ông cũng gặp khó khăn trong việc bộc lộ những cảm xúc, đặc biệt là sự âu yếm, và cô ấy cảm thấy điều này ngày càng đáng thất vọng. Vấn đề này cũng tồn tại trong cuộc sống độc thân của ông. Như ông bày tỏ:

Mỗi khi tôi hẹn hò với một phụ nữ, tôi lại nghe thấy tiếng nói của cha mình, “Đàn bà chỉ thích lừa lọc đàn ông. Họ sẽ lấy đi của con tất cả những gì con có nếu như con đủ ngu ngốc để cho phép họ làm vậy.” Tôi đoán rằng đó là lý do vì sao mà tôi luôn cặp với những người phụ nữ không phù hợp. Tôi biết là họ không thể khôn hơn tôi được. Tôi luôn thực hiện vô số lời hứa về việc chăm sóc họ về mặt tài chính hoặc hỗ trợ họ trong kinh doanh, nhưng tôi không bao giờ làm theo. Tôi nghĩ là tôi nên lừa dối họ trước khi họ lừa dối tôi. Chẳng lẽ tôi không thể tìm được một người phụ nữ mà tôi có thể tin tưởng hay sao?”

Đây là một người đàn ông thông minh, sâu sắc đã cho phép thứ quyền lực nằm dưới nấm mồ kiểm soát mình, mặc dù ông hiểu rõ những gì đang diễn ra. Ông chính là tù nhân của nỗi sợ hãi và thiếu niềm tin của cha mình.

Eli rất cố gắng trong quá trình trị liệu. Ông đón nhận những rủi ro và thúc ép bản thân chấp nhận những hành vi mới. Ông bắt đầu đối mặt với những nỗi sợ hãi của bản thân. Cuối cùng, ông đã mua một căn hộ cao cấp sang trọng – một bước tiến lớn đối với ông. Ông vẫn còn cảm thấy tội lỗi về điều này, nhưng ông đã học được cách chịu đựng tội lỗi.

Tiếng nói ở trong đầu ông sẽ vẫn luôn còn đó, nhưng ông đã học được cách làm giảm âm lượng của nó xuống. Eli vẫn còn chật vật với sự thiếu tin tưởng của ông vào phụ nữ, nhưng ông đã học được cách nhìn nhận sự thiếu tin tưởng này như là một sự kế thừa từ cha mình. Ông đang rất nỗ lực để tin tưởng người phụ nữ mà ông đang hẹn hò, sử dụng sự tin tưởng như là một thứ vũ khí để đạt được sự kiểm soát đối với cuộc đời mình.

Tôi sẽ luôn ghi nhớ cái ngày ông bước vào văn phòng của tôi và kể với tôi rằng ông đã phải chiến đấu chống lại một cơn ghen vào đêm trước và bỏ đi với một cảm giác về sự chiến thắng. Ông nhìn tôi với đôi mắt ngấn nước và nói, “Chị biết đấy, Susan, đơn giản là không có gì trong thực tế hiện tại của tôi có thể biện minh cho sự sợ hãi của tôi hồi trước.”

“TÔI CẢM THẤY NHƯ KHÔNG THỜ NỔI”

Barbara, 39, cao, mảnh mai, là nhạc sĩ sáng tác nhạc nền cho các chương trình truyền hình, đến gặp tôi trong cơn trầm cảm nghiêm trọng.

Tôi tỉnh dậy giữa đêm, và cảm thấy trống rỗng, gần như là cái chết đến từ bên trong. Tôi là một tài năng âm nhạc, chơi các bản concerto của Mozart khi mới năm tuổi, và nhận được học bổng Julliard ở tuổi mười hai. Sự nghiệp của tôi rất thành công, nhưng tôi chết dần chết mòn ở bên trong. Tôi từng nhập viện để điều trị bệnh trầm cảm vào sáu tháng trước. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ đánh mất chính mình. Tôi không biết phải tìm đến ai nữa.

Tôi hỏi Barbara rằng sự việc cụ thể nào đã khiến cho cô phải nhập viện, và cô kể với tôi rằng cô mất cả cha lẫn mẹ chỉ trong vòng ba tháng. Tôi cảm thấy đau lòng thay cho cô, nhưng cô nhanh chóng can ngăn tôi khỏi sự cảm thông:

Cũng không sao cả. Chúng tôi đã không nói chuyện với nhau trong vài năm rồi, vì thế tôi cảm thấy như là tôi đã mất họ từ trước đó.

Tôi bảo cô kể cho tôi nguyên nhân dẫn đến sự chia cắt này.

Khi Chuck và tôi chuẩn bị kết hôn vào bốn năm trước, cha mẹ tôi muốn đến và ở lại với chúng tôi để giúp đỡ việc chuẩn bị đám cưới. Đó là tất cả những gì tôi cần … để họ giám sát tôi như hồi tôi còn là một đứa trẻ. Ý tôi là họ luôn can thiệp vào đời tư của tôi … tôi luôn bị hỏi han về việc tôi đang làm gì, cùng với ai, đi đâu …. Dù sao thì, tôi đề nghị thuê phòng khách sạn cho họ vì Chuck và tôi đang phải chịu đủ mọi căng thẳng trước lễ cưới, và họ thật sự nổi điên. Họ bảo tôi rằng trừ khi họ có thể tới và ở với tôi, họ sẽ không bao giờ nói chuyện với tôi nữa. Lần đầu tiên trong đời, tôi chống đối lại họ. Đấy quả là một sai lầm. Đầu tiên, họ không tới dự đám cưới, rồi họ nói với cả gia đình rằng tôi khốn nạn ra sao. Giờ thì chẳng còn ai thèm nói chuyện với tôi nữa.

Vài năm sau đám cưới của tôi, mẹ tôi bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư không mổ được. Bà bắt mọi người trong nhà phải thề rằng không được báo với tôi khi bà mất. Tôi đã không biết gì cho tới tận sau khi bà mất được năm tháng, khi mà tôi tình cờ gặp một người bạn của gia đình và nghe được lời chia buồn. Đấy là cách mà tôi biết được tin mẹ mình mất. Tôi về thẳng nhà và gọi cho cha tôi. Tôi không biết, tôi đoán là tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể cứu vãn mọi việc. Điều đầu tiên ông nói với tôi là, “Bây giờ thì mày hạnh phúc rồi chứ, mày đã giết mẹ mày đấy!” Tôi hoàn toàn gục ngã. Ông tiếp tục đau khổ và ra đi ba tháng sau đó. Mỗi khi tôi nghĩ về họ tôi lại nghe thấy lời cha buộc tội tôi và điều đó khiến tôi cảm thấy mình như là một kẻ giết người. Họ vẫn cứ bóp nghẹt tôi với lời buộc tội của mình cho dù lúc này họ đã nằm dưới lòng đất. Làm thế nào để xua chúng khỏi đầu óc mình, khỏi cuộc đời tôi đây?

Giống như Eli, Barbara cũng bị kiểm soát từ trong lòng đất. Suốt nhiều năm cô cảm thấy rằng mình phải chịu trách nhiệm vì đã bức tử cha mẹ mình, và điều này làm tổn hại đến sức khỏe tâm thần của cô và gần như hủy hoại cuộc hôn nhân của cô. Cô trở nên tuyệt vọng trong việc thoát khỏi cảm giác tội lỗi của bản thân.

Kể từ khi họ mất, tôi rất muốn tự tử. Đó dường như là cách duy nhất để ngăn chặn những tiếng nói trong đầu tôi cứ liên tục vang lên, “Mày đã giết cha mày. Mày đã giết mẹ mày.” Tôi đã gần như tự vẫn, nhưng chị có biết điều gì ngăn tôi lại không?

Tôi lắc đầu. Cô mỉm cười lần đầu tiên trong suốt một giờ đồng hồ nói chuyện của chúng tôi và trả lời:

Tôi sợ rằng tôi sẽ phải gặp lại họ. Việc họ hủy hoại cuộc đời tôi trên thế giới này cũng đã đủ tồi tệ lắm rồi; tôi sẽ không để cho họ có cơ hội hủy hoại bất cứ điều gì mà tôi có thể tìm thấy ở thế giới bên kia đâu.

Cũng giống như hầu hết những người con đã trưởng thành của các bậc cha mẹ độc hại khác, Barbara có thể nhận biết được một vài tổn thương mà cha mẹ cô đã gây ra cho cô. Nhưng điều đó là chưa đủ để giúp cô chuyển những cảm giác về trách nhiệm của cô sang họ. Cần phải có một vài hành động nào đó, nhưng chúng tôi cuối cùng cũng cùng vượt qua được điều đó và cô đã chấp nhận rằng hành vi độc ác của cha mẹ cô là hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của họ. Cha mẹ cô đã mất, nhưng Barbara phải mất thêm một năm nữa để khiến họ để cho cô được yên.

Không có cái tôi riêng biệt

Các bậc cha mẹ mà cảm thấy tốt đẹp về bản thân mình thì sẽ thấy không cần thiết phải kiểm soát những người con đã trưởng thành của họ. Nhưng những bậc cha mẹ độc hại mà chúng ta gặp gỡ trong chương này hành động dựa trên một cảm giác sâu sắc về sự bất mãn với cuộc đời mình và nỗi sợ hãi bị bỏ rơi. Sự độc lập của con cái họ đối với họ cũng giống như là việc bị mất đi chân tay vậy. Khi đứa trẻ lớn lên, việc các bậc cha mẹ này cần phải giật dây để giữ cho con cái bị lệ thuộc vào mình càng trở nên quan trọng hơn nữa. Cho tới khi mà các bậc cha mẹ độc hại còn có thể khiến con trai hay con gái họ cảm thấy mình như một đứa trẻ, thì họ vẫn duy trì được quyền kiểm soát.

Kết quả là, những người con đã trưởng thành của các bậc cha mẹ thích kiểm soát thường có một cảm giác rất mơ hồ về bản thân. Họ gặp phải khó khăn trong việc nhìn nhận bản thân như là những thực thể tách biệt với cha mẹ mình. Họ không thể phân biệt được nhu cầu của bản thân với nhu cầu của cha mẹ. Họ cảm thấy bất lực.

Tất cả các bậc cha mẹ đều kiểm soát con cái họ cho đến khi những đứa trẻ này có được sự kiểm soát về chính cuộc đời mình. Trong những gia đình bình thường, sự biến chuyển diễn ra ngay sau thời kỳ thanh thiếu niên. Trong những gia đình độc hại, sự chia rẽ lành mạnh này bị trì hoãn trong nhiều năm – hoặc là mãi mãi. Nó chỉ có thể diễn ra sau khi bạn thực hiện những thay đổi mà cho phép bạn có được quyền tự chủ với chính cuộc đời mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx