sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8

TẠI SAO CÁC BẬC CHA MẸ LẠI HÀNH XỬ NHƯ VẬY?

HỆ THỐNG GIA ĐÌNH

Ai trong chúng ta cũng đều phải dấn thân vào thử thách mang tên gia đình. Trong những năm gần đây, chúng ta đã nhận thức được rằng “gia đình” là thứ gì đó cao siêu hơn là một tập hợp những người có cùng huyết thống. Nó là một hệ thống, một nhóm những người dây mơ rễ má với nhau, mỗi người đều có ảnh hưởng lên người khác một cách sâu sắc và thường theo những cách vi tế nhất. Nó là một mạng lưới chằng chịt của tình thương, đố kị, tự ái, lo sợ, vui vẻ, và tội lỗi- những đợt thủy triều lên xuống của tình cảm con người. Những cảm xúc này như những bọt nước nổi lên từ đại dương mênh mông tăm tối của thái độ, nhận thức và quan hệ trong gia đình. Và giống như biển cả, những vận động nội tại của hệ thống gia đình ít được thể hiện lên trên bề mặt. Bạn càng lặn sâu, bạn càng khám phá được nhiều thứ hơn.

Hệ thống gia đình đã thiết lập nên toàn bộ thực tại của bạn khi bạn còn bé. Bạn đã có những quyết định khi còn là một đứa trẻ, về cách bạn tương tác với những người khác, quyết định đó dựa trên thế giới quan mà hệ thống gia đình đã dạy bạn. Nếu bạn có những người cha mẹ độc hại, bạn có thể sẽ đưa ra những lựa chọn như kiểu: ”Mình chả tin được ai cả”; “Mình chả đáng quan tâm”; “Mình chả là cái khỉ mốc gì cả.” Những quyết định đó tự đánh ngã bạn và chúng cần phải được thay đổi. Bạn có thể thay đổi những quyết định ban đầu đó cũng như hoàn cảnh sống của bạn, nhưng đầu tiên bạn phải thấu triệt được hệ thống gia đình đã ảnh hưởng to lớn như thế nào đến cảm xúc, cách sống và niềm tin của bản thân.

Hãy nhớ rằng cha mẹ bạn cũng có phụ huynh. Một hệ thống gia đình độc hại giống như một vụ tai nạn liên hoàn vậy, hậu quả của nó kéo dài từ đời này sang đời khác. Hệ thống này không phải do cha mẹ bạn tạo lập nên, nó là kết quả của những tình cảm, luật lệ, cách đối xử, và niềm tin được tích lũy từ nhiều đời tổ tông của bạn.

NIỀM TIN: CHÂN LÝ DUY NHẤT

Nếu bạn muốn bắt đầu thoát khỏi màn sương mù dày đặc và hỗn loạn của hệ thống gia đình độc hại, điều bạn cần đầu tiên đó là nhìn vào hệ thống niềm tin của gia tộc, đặc biệt những niềm tin quyết định cách cha mẹ đối xử với con cái và con cái phải sống như thế nào cho phải phép. Có gia đình sẽ tin rằng cảm xúc của con trẻ rất quan trọng, trong khi một gia đình khác đối xử với thế hệ sau như những công dân hạng hai. Những niềm tin quyết định cách chúng ta nhìn nhận, tư duy và đánh giá. Ảnh hưởng của chúng lớn khủng khiếp. Chúng phân định ranh giới đúng sai và thiện ác. Chúng định nghĩa những mối quan hệ, giá trị đạo đức, học thức, tính dục, sự lựa chọn nghề nghiệp, chuẩn mực sống và tiền bạc. Chúng đúc ra chiếc khung hành vi gia đình.

Những bậc phụ huynh trưởng thành và có tâm sẽ tin tưởng rằng việc quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của các thành viên trong gia đình hết sức quan trọng. Họ sẽ cho đứa trẻ nền tảng căn bản để phát triển và tự lập trong tương lai. Niềm tin đó có thể là: “Những đứa trẻ có đầy đủ quyền để nói không”; “Cố ý làm tổn thương con trẻ là không đúng”; hay “Những đứa trẻ có thể thoải mái phạm sai lầm.”

Những niềm tin độc hại của cha mẹ đối vẻ con trẻ thường có chung nguồn gốc chính từ sự ích kỉ chỉ muốn phục vụ bản thân. Họ tin những thứ đại loại như: “Trẻ con phải nghe lời người lớn, cấm cãi”, “Trẻ con có hai lựa chọn: làm theo ba mẹ hoặc phạm sai lầm”; hay “Trẻ con chỉ để ngắm thôi chứ không phải để lắng nghe”. Những niềm tin này là mảnh đất dữ ươm mầm những bậc cha mẹ bậc hại trong tương lai.

Những bậc cha mẹ độc hại luôn tìm lí do để chống lại bất cứ điều gì đi ngược lại với niềm tin của họ. Thay vì thay đổi, họ chọn cách tạo ra một thực tại méo mó và sống chung với nó. Đa số con trẻ không đủ suy nghĩ sâu sắc để nhận ra cái thực tại méo mó đó. Khi những đứa trẻ lớn lên chúng đem cái thực tại méo mó chưa được điều chỉnh đó bước vào tuổi trưởng thành.

Có hai loại niềm tin: Thành văn và bất thành văn. Loại niềm tin thành văn được thể hiện hay truyền đạt một cách trực tiếp. Chúng luôn thể hiện rõ ràng và mọi người đều nghe được. Loại này thường được thể hiện dưới lớp vỏ của những lời khuyên, dễ thấy trong những từ, “nên”, “phải”, “đáng lẽ.”

Những niềm tin dưới dạng công khai này cho chúng ta một ý tưởng nào đó để chiến đấu với chúng khi chúng ta trưởng thành. Mặc dù những niềm tin đã trở thành một phần của chúng ta, nhưng một khi chúng nắm rõ được danh tính của chúng thì ta vẫn có thể suy nghiệm về chúng, và có thể dần dần vứt bỏ chúng và dung nạp những niềm tin phù hợp với cuộc sống hiện tại hơn.

Ví dụ như, cái nhìn ác cảm của cha mẹ về ly hôn có thể làm cô con gái níu kéo một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Nhưng rồi niềm tin đó bị thách thức. Người con gái tự hỏi “Ly hôn có gì sai?” Và cô ấy bắt đầu tìm cách trả lời cho câu hỏi đó và dần thoát khỏi niềm tin của cha mẹ.

Thật không dễ để có thể chối bỏ một thứ gì đó không hình không tướng. Những niềm tin bất thành văn chi phối nhận định của chúng ta về rất nhiều mặt trong cuộc sống. Chúng tồn tại dưới bề mặt của nhận thức. Cách mà cha bạn đối xử với mẹ bạn hay cách họ đối xử với bạn, chúng ta học những điều quan trọng từ hành vi của cha mẹ.

Hiếm khi thấy gia đình nào ngồi ăn cơm và nói những chuyện như: “Phụ nữ chỉ đáng xếp sau”; “Con cái phải hy sinh vì cha mẹ”; “Con nít đẻ ra đã hư rồi”; “Con cái phải quyết nhường nhịn để cung phụng cha mẹ”. Cho dù gia đình đó biết họ có những niềm tin này, nhưng chẳng ai công nhận điều đó cả. Nhưng những niềm tin tiêu cực bất thành văn này vận hành gia đình dưới bàn tay của những bậc cha mẹ và điều này ảnh hưởng khủng khiếp đến cuộc sống của những đứa trẻ.

Micheal có một người mẹ luôn dọa rằng bà ta sẽ “tăng xông” nếu cậu chuyển ra ở riêng, câu chuyện của cậu cho ta thấy những niềm tin bất thành văn của các bậc phụ huynh:

Nhiều năm liền tôi bị ám ảnh bởi suy nghĩ tôi là một đứa con bất hiếu khi lập gia đình và chuyển đến California. Tôi luôn giữ suy nghĩ rằng nếu anh không đặt cha mẹ lên trên tất cả thì anh là một đứa con hư hỏng. Cha mẹ tôi không dạy tôi điều đó những tôi đã tiếp thu thông điệp đó một cách thật rõ ràng. Tôi chưa từng dám đứng ra bênh vực vợ tôi dù ba mẹ tôi có đối xử tệ với cô ấy như thế nào. Tôi luôn tin rằng con cái phải tin bất cứ lời nào ba mẹ mớm cho nó. Và tôi phải lết tới ba mẹ để xin thứ lỗi mỗi khi mắc sai lầm. Trong mắt họ tôi là một thằng bé ngu ngốc.

Hành vi của cha mẹ Micheal đã truyền tải một thông điệp rằng họ là những người duy nhất đúng và họ phải được đặt hàng đầu. Họ không dùng lời nói nhưng họ tiêm nhiễm vào suy nghĩ của Micheal rằng cảm xúc của họ là thứ duy nhất quan trọng. Micheal chỉ tồn tại để làm họ vui. Họ suýt bóp chết Micheal và cuộc hôn nhân của anh ấy. Nếu Micheal đã không đến phòng khám tâm lý, có lẽ anh ấy đã đem những niềm tin bất thành văn đó vào con cái anh ấy. Anh ấy đã nhận thức được những niềm tin đó và thách thức chúng chúng. Cha mẹ của anh ấy, giống những cha mẹ độc hại khác, luôn dùng hình phạt và sự vô tâm để dành lại quyền kiểm soát cuộc đời Micheal. Nhờ sự thấu hiểu của Micheal đối với mối quan hệ với cha mẹ của anh, anh đã không dẫm phải vết xe đổ đó.

“PHỤ NỮ KHÔNG THỂ SỐNG MÀ KHÔNG CÓ NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHE CHỞ CHO HỌ”

Kim có một người cha với tính khí thất thường luôn kiểm soát cô bằng tâm trạng và tiền bạc của ông ấy, Kim cũng đã nhận ra những niềm tin bất thành văn từ cha mẹ. Cô đã diễn tả như sau:

Cha và mẹ tôi đã có một cuộc hôn nhân như địa ngục. Mẹ tôi sợ cha tôi như sợ cọp, tôi chắc là ông ấy đã từng động tay chân với bà nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Mẹ tôi thường ngồi lên giường và khóc, mỗi khi tôi đến an ủi bà, bà lại kể cho tôi nghe cuộc hôn nhân này làm bà đau khổ thế nào. Tôi hỏi tại sao bà không bỏ ông ấy, mẹ tôi luôn đáp, “Con muốn mẹ làm gì? Mẹ chẳng có nghề nghiệp gì cả, mày muốn mẹ bỏ hết mọi thứ sao? Rồi chúng mày ra đường sống à?”

Một cách vô tình, mẹ Kim đã củng cố thứ niềm tin không lời mà trước đó cô đã học được từ cha cô, rằng phụ nữ thật sự rất vô dụng khi không có đàn ông, điều đó làm cho cô phụ thuộc vào người cha đầy quyền lực của cô hơn, làm cô mất đi phẩm hạnh và cơ hội để có một mối quan hệ lành mạnh.

Trên đời có bao nhiêu bậc cha mẹ thì có bấy nhiêu hệ ý thức. Những hệ ý thức này là bộ khung xương hình thành cách chúng ta suy nghiệm và nhìn nhận thế giới. Cảm xúc và hành vi của chúng ta là lớp da bọc bên ngoài, chính bộ xương đã tạo ra hình dạng của lớp da. Những tư tưởng méo mó từ cho mẹ làm cho cảm xúc và hành vi của chúng ta sai lệch như chính bộ xương không hoành chỉnh đó.

NHỮNG LUẬT THÀNH VĂN VÀ BẤT THÀNH VĂN

Từ hệ thống niềm tin của cha mẹ sinh ra những luật lệ của phụ huynh. Hệ thống niềm tin càng nhiều thì luật lệ càng dài ra. Luật lệ chính là biểu hiện của niềm tin. Chúng là những kẻ hành pháp, đơn giản nhất thể hiện ở những “Phải và Không được.”

Ví dụ như một gia đình có truyền thống nói rằng con người chỉ được kết hôn với người cùng tôn giáo, niềm tin đó sẽ sinh ra những quy luật như sau: “Không được yêu kẻ ngoại đạo”; “Chỉ được yêu những chàng trai quen ở nhà thờ”; “Không bao giờ đồng tình với những đứa bạn yêu kẻ ngoại đạo.”

Ứng với niềm tin, luật lệ cũng phân ra thành văn và bất thành văn. Những luật lệ thành văn tuy có phần độc đoán nhưng chúng rất rõ ràng như: “Phải ăn cơm ở nhà vào dịp Giáng Sinh”, “Không được trả treo”. Bởi những lời lẽ này rất rõ ràng nên con người ta có thể xét lại khi trưởng thành.

Nhưng những luật lệ gia đình đó giống như những hồn ma điều khiển rối. Chúng đứng sau giật dây và những con rối vô tri sẽ làm theo. Chúng hoàn toàn vô hình, những hồn ma vô hình toàn tại dưới tầng bậc nhận thức, những luật lệ như: “Con không được giỏi hơn cha”, “Con không được hạnh phúc hơn mẹ”, “Mày không được tự quyết đời mày”, “Mày lúc nào cũng phải dựa dẫm vào tao”, hoặc “Con tuyệt đối không được rời xa bố mẹ.”

Lee là một huấn luyện viên tennis và có một người mẹ phục vụ cô không giới hạn, cô đã phải sống với những luật lệ bất thành văn nguy hiểm này. Người mẹ của cô củng cố luật lệ này mỗi khi bà ra tay giúp đỡ cô. Bà sẵn sàng chở cô đến San Francisco, dọn dẹp căn hộ cho cô, đem thức ăn đến, niềm tin vô thức của bà đó là: “Con gái mình không thể tự chăm sóc bản thân thì nó sẽ luôn cần mình.” Niềm tin này chuyển hóa thành một luật lệ “Con không được tự chủ.” Dĩ nhiên bà chẳng bao giờ nói ra những lời đó, mà nếu hỏi bà thì bà sẽ chối ngay, không bao giờ thừa những việc bà làm nhằm mục đích biến con gái mình trở nên vô dụng. Nhưng hành vi của bà đã rủ rỉ vào tai của Lee rằng: Nếu muốn bà vui thì hãy phụ thuộc vào bà.

Cha của Kim cũng giống như vậy, đặt ra những quy luật bất thành văn để kiểm soát cuộc đời cô con gái. Lúc nào cô còn nghĩ cô luôn chọn sai người yêu, miễn là cô quay về cầu xin sự giải cứu từ cha, lúc mà lời chấp nhận của người cha quyết định cuộc đời cô, thì cô đã thầm chấp nhận một điều luật: “Đừng trưởng thành, hãy luôn là cô con gái bé bỏng của cha.”

Những luật bất thành văn sẽ đem bám suốt cuộc sống của chúng ta. Để thay đổi, ta phải thấu hiểu.

TUÂN THEO

Nếu niềm tin là bộ xương, luật lệ là phần máu thịt thì sự tuân theo mù quáng chính là phần cơ bắp vận hành cơ thể.

Chúng ta đều mù quáng tuân theo những luật lệ gia đình bởi trái luật tức là phản bội gia đình. Sự trung thành với đất nước, với đảng phái hay tôn giáo thật mờ nhạt khi đem so sánh với sự tôn thờ gia đình. Chúng ta đều có lòng trung thành đó. Chúng làm chúng ta mù quáng với ý thức hệ, với cha mẹ chúng ta và niềm tin của họ. Lòng trung thành đó bắt chúng ta trung thành với những “lễ giáo, gia quy”. Nếu những luật lệ đó hợp lí, chúng sẽ cho đứa trẻ một bộ khung đạo đức và chuẩn mực để phát triển.

Nhưng trong những gia đình có những cha mẹ độc hại, những luật lệ thường dựa trên nhận thức méo mó về vai trò của mỗi thành viên trong gia đình. Mù quáng tuân theo dẫn đến những hành vi tự hủy hoại và tự đánh gục bản thân.

Kate đã từng bị đánh đập bởi cha mình, cô cho thấy để thoát khỏi vòng xoáy của sự tuân phục mù quáng khó như thế nào:

Tôi thực sự nghĩ tôi muốn được sống tốt. Tôi không muốn bị dính trong trầm cảm. Tôi không muốn làm rối tung các mối quan hệ. Tôi không muốn sống như hiện tại. Nhưng mỗi lần tôi cố làm những điều tích cực, tôi lại làm hỏng mọi thứ. Tôi sợ phải từ bỏ nỗi đau. Nó quá quen thuộc với tôi, giống như đó là cảm giác mà tôi đáng phải chịu.

Cô ấy tuân theo lời người cha vũ phu của cô: “Mày phải chấp nhận mày là một đứa trẻ hư đốn”, “Mày không được hưởng hạnh phúc”; “Ráng mà chịu khổ đi”. Mỗi khi cô muốn cãi lại những thứ luật này, sự trung thành đối với ý thức hệ của gia đình trỗi dậy mạnh mẽ hơn những ước muốn của cô. Cô phải tuân theo, cô cảm thấy sự khuất phục đem đến cảm giác thân thuộc, tuy đau đớn nhưng dễ chịu.

Trường hợp của Glenn cũng vậy, anh ấy đã thể hiện sự trung thành với gia đình bằng việc nhận người cha sáng say chiều xỉn của anh vào công ty và đưa số tiền anh cần để trang trải cuộc sống cho mẹ. Anh tin rằng cha mẹ của anh sẽ khốn đốn nếu anh không ra tay giúp đỡ. Luật của gia đình anh đó là: “Phải lo cho người thân bằng bất cứ giá nào.” Anh đã đem luật đó vào gia đình nhỏ của anh. Anh đã luôn tuân theo luật và gồng mình để cứu lấy người cha, người mẹ và người vợ nghiện rượu của mình.

Glenn cố chống lại sự tuân phục mù quáng đó nhưng anh dường như không có khả năng giải thoát bản thân.

Họ chả quan tâm đến tôi khi tôi còn nhỏ, vậy mà tôi phải chăm sóc họ khi tôi khôn lớn. Điều đó thật đau lòng. Tôi có làm bao nhiêu cho họ đi nữa cũng không thay đổi được họ. Tôi chán ghét điều đó nhưng tôi chẳng biết cách nào để thoát ra cả.

CẠM BẪY CỦA SỰ PHỤC TÙNG

Loại “nghe lời” tôi nói ở đây không phải quyết định đưa ra từ suy nghĩ tự do; nó không phải là sản phẩm của ý thức. Jody, cô là bạn nhậu của cha mình khi chỉ mới 10 tuổi, cô đã bỏ ngang cuộc điều trị tâm lý bởi cô cảm thấy cái gì đó đang thách thức niềm tin rằng cô là một đứa hư hỏng. Cô cảm thấy đã vi phạm những luật lệ rằng “Đừng nói thật làm gì”, “Đừng lớn lên và bỏ cha ở lại”; và “Đừng có mối quan hệ lành mạnh với ai cả.” Về mặt lý thuyết, những luật lệ này thật quá lố bịch để tuân theo. Ai lại tuân theo luật như kiểu “đừng có quan hệ lành mạnh” chứ?

Thật đáng buồn, câu trả lời là tất cả những đứa trẻ có cha mẹ độc hại đều sẽ tuân theo. Nên nhớ rằng những luật lệ đó đều là những điều luật vô thức. Chẳng ai muốn có những muốn quan hệ độc hại cả, nhưng điều đó không thể ngăn hàng triệu người lún vào vũng bùn đó hết lần này đến lần khác.

Khi tôi yêu cầu cầu Jody suy nghiệm về ý thức hệ gia đình của cô, tác động của những luật lệ lên đời sống của cô, sự lo âu đã làm cho cô phải từ bỏ trị liệu. Điều đó giống như cô ấy nói rằng: “Nhu cầu phục tùng cha tôi quan trọng hơn là nhu cầu chữa lành của tôi.”

Thậm chí khi cha mẹ đã qua đời, những đứa con vẫn tôn thờ ý thức hệ của gia đình. Eli, là một người đàn ông giàu có sống cuộc sống như vương giả, sau nhiều tháng trị liệu anh đã nhận ra người cha quá cố vẫn còn kiểm soát anh từ dưới mồ:

Tôi quá sốc khi nhận ra nỗi sợ và cảm giác tội lỗi là những thứ trỗi dậy khi tôi cố làm gì đó cho bản thân, đó là cách để tôi làm hài lòng cha tôi. Tôi làm rất tốt. Tôi đã giữ cho thế giới không sụp đổ chung quanh tôi. Nhưng những lời của cha vẫn còn vang vọng dưới mồ nói với tôi rằng sự thành công của tôi có ngày sẽ đi đến dấu chấm hết, mỗi người phụ nữ tôi hẹn hò có ngày sẽ phản bội tôi, đối tác sẽ luôn tìm cách đâm sau lưng tôi. Và tôi đã tin ông ấy. Điều đó làm tôi thấy bất ngờ. Có lẽ sống trong đau khổ là cách để tôi giữ kí ức về ông ấy sống mãi.

Thứ Eli nhận lại từ việc số một cuộc sống tù túng và không thỏa mãn chính là cảm giác được an ủi khi anh trung thành với gia đình, thể hiện qua việc tôn thờ niềm tin của người cha quá cố (Cuộc sống là để chịu đựng chứ không phải để tận hưởng) và tuân theo luật lệ của gia đình (“Không được tiêu tiền nhiều” và “đừng tin thằng nào cả”).

Sự phục tùng mù quáng tạo ra những đặc điểm hành vi của chúng ta từ giai đoạn ta còn non trẻ và nó ngăn chúng ta thoát khỏi những đặc điểm đó. Thường thì kì vọng và đòi hỏi của cha mẹ ta quá xa so với những nhu cầu của ta. Áp lực phải tuân phục luôn che mờ nhu cầu và khát khao của chúng ta. Chỉ khi nào bạn bật ngọn đèn soi rọi vào phần vô thức và đem những thứ đó lên bề mặt, chúng ta mới có thể vứt bỏ đi những thứ luật lệ đang hủy hoại bản thân ta. Chỉ khi nào ta nhìn rõ chân tướng của những thứ luật lệ đó ta mới có thể được sống tự do.

TÔI KHÔNG BIẾT LÚC NÀO NÓ CHẤM DỨT VÀ CUỘC SỐNG CỦA TÔI BẮT ĐẦU

Sự khác biệt duy nhất rõ ràng nhất giữa môi trường gia đình độc hại và lành mạnh đó chính là cách mỗi thành viên cảm thấy được tự do như thế nào để thể hiện bản thân. Những gia đình lành mạnh khuyến khích tính cá nhân, trách nhiệm cá nhân và sự tự lập. Những gia đình đó khuyến khích sự phát triển của tính tự trọng và cảm giác xứng đáng ở con trẻ.

Những gia đình không lành mạnh luôn cấm đoán thể hiện cá nhân. Mọi người đều phải điều chỉnh giống với suy nghĩ và hành động của những bậc cha mẹ độc hại. Họ tạo ra một không gian hỗn độn, xóa mất ranh giới cá nhân và kết các thành viên thành một khối hỗn tạp. Trong vô thức của những người trong gia đình, thật khó để họ nhận ra ranh giới của họ ở đâu và nơi kết thúc là ở điểm nào. Trong nỗ lực kết nối với người khác, họ thường chèn èn cá tính riêng của người đó.

Trong một ra đình rối như tơ vò, cảm giác được chấp nhận mong manh phải đánh đổi bằng chính bản thân mỗi người. Bạn sẽ không thể tự hỏi “Tối nay mình có thật sự muốn gặp mọi người không nhỉ?”. Thay vào đó những câu hỏi văng vẳng bên tai bạn: “Nếu mình không đi cha lại đánh mẹ thì sao? Mẹ sẽ khóc trong lúc quá chén thì sao? Lỡ mọi người cho mình ra rìa thì sao?” Những câu hỏi này vang lên bởi bạn biết bạn sẽ cảm thấy tội lỗi như thế nào nếu những việc đó xảy ra. Mỗi lựa chọn của bạn dường như đều dính mắc vào mớ tơ vò rối rắm của gia đình. Bạn dần hy sinh đi cảm xúc, lựa chọn và hành vi cá nhân. Bạn không còn là bạn nữa, bạn trở thành một vật kí sinh vào hệ thống gia đình từ lúc nào không hay.

KHÁC BIỆT LÀ XẤU XA

Khi Fred quyết định đi trượt tuyết thay vì dành thời gian Giáng Sinh cho gia đình, anh đã cố để tìm lại bản thân của mình, giải thoát bản thân khỏi hệ thống gia đình. Thay vào đó, địa ngục như mở ra với anh. Mẹ và các anh chị em của anh ví anh như kẻ phá đám đánh cắp Giáng Sinh, họ đổ xuống đầu anh cả tấn cảm giác tội lỗi. Thay vì tận hưởng buổi trượt tuyết với người yêu ở sườn núi Aspen, Fred ngồi một mình trong căn phòng khách sạn, bấm lấy bấm để điện thoại, tuyệt vọng tìm cách chuộc lỗi vì sự đau khổ mà gia đình đổ lỗi là do chính anh gây ra.

Khi Fred cố gắng làm thứ gì đó tốt đẹp cho bản thân- những thứ mà cả gia đình anh đều phản bác-gia đình của anh cùng nhau họp lại để công kích anh. Anh trở thành một kẻ thù chung của gia đình, một mối nguy hại cho dòng tộc. Họ tấn công anh với cơn tức giận, những lời trách móc và buộc tội. Vì anh bị ràng buộc quá mức với gia đình nên cảm giác tội lỗi đang mang anh quay trở lại guồng quay đó.

Trong những gia đình giống như gia đình của Fred, phần lớn cảm giác về bản thân và ảo tưởng về sự an toàn dựa trên cảm giác còn dây dưa với gia đình. Anh ấy đã nuôi dưỡng khát khao được trở thành một phần của người khác và biến người khác trở thành một phần của mình. Anh không thể chịu được cảm giác bị ruồng bỏ. Khao khát chắp nối đó được mang theo vào những mối quan hệ khi trưởng thành.

Kim đã chiến đấu với khao khát đó khi cô kết thúc cuộc hôn nhân:

Mặc dù cuộc hôn nhân không đẹp như tưởng tượng, nhưng ít nhất tôi cũng đã cảm thấy mình là một phần trong cuộc đời ai đó. Và khi nó chấm dứt và anh ấy không còn ở đây nữa, tôi bỗng cảm thấy hoảng sợ. tôi cảm thấy tôi chẳng là gì cả. Tôi cảm thấy tôi không tồn tại. Tôi cảm thấy khoảng thời gian duy nhất tôi cảm thấy ổn đó là khi tôi ở cạnh một người đàn ông và anh ấy nói tôi ổn.

Khi Kim còn nhỏ, sự lệ thuộc của cô với người cha đầy quyền lục tạo cho cô cảm giấc an tâm tạm thời. Mỗi khi cô muốn xa ông, ông luôn tìm mọi cách để triệt tiêu ý tưởng tự lập của cô. Khi cô lớn lên, cô không thể cảm thấy an toàn trừ khi cô là một phần của một người đàn ông và anh ta là một phần của đời cô.

Sự dính mắc tạo ra sự lệ thuộc tuyệt đối vào những cái gật đầu và chấp nhận đến từ tác nhân bên ngoài. Người yêu, người sếp, bạn bè và cả người lạ bỗng trở thành những kẻ đến sau trong mắt cha mẹ. Người trưởng thành như Kim được nuôi dưỡng trong gia đình mà ít khi nào cô được thể hiện cái tôi và rồi trở thành một con nghiện những lời tán thành, luôn khát khao được người khác “chỉnh”.

HÀNH ĐỘNG ĐỂ CÂN ĐỐI GIA ĐÌNH

Như ta đã thấy trong trường hợp của Micheal, một gia đình rối ren có thể tạo ra một ảo tưởng về tình cảm và sự bền vững miễn là không có ai cố gắng để chia cắt và mọi người đều tuân thủ luật lệ của gia đình. Khi Micheal quyết định ra ở riêng để kết hôn và thành gia lập thất, để sống một cuộc sống tự lập, anh ấy đã vô tình làm mất cân bằng trong nội bộ gia đình.

Mỗi gia đình đều tự tạo ra thế cân bằng để đạt được một mức độ ổn định nào đó. Miễn là các thành viên trong gia đình tương tác với nhau theo một chừng mực quen thuộc và dễ đoán biết, sự cân bằng hay thăng bằng này sẽ không bị đe dọa.

Từ cân bằng thể hiện sự tĩnh lặng và trật tự. Nhưng trong một hệ thống gia đình độc hại, giữ được sự cân bằng giống như màn đi trên dây vậy, lúc nào cũng chực mất thăng bằng. Trong những gia đình như vậy, sự rối loạn là cách sống của họ, đó cũng là thứ duy nhất để họ bám víu vào. Tất cả các hành vi độc hại chúng ta biết -thậm chí là bạo hành và loạn luân- đều nhằm phục vụ mục đích duy trì thế cân bằng mỏng manh trong gia đình này. Trên thực tế, những bậc cha mẹ chống lại thế mất cân bằng bằng cách làm tăng thêm sự rối loạn.

Micheal là một ví dụ điển hình. Nếu mẹ anh ấy làm lớn chuyện trong gia đình, Micheal có lẽ sẽ cảm thấy tội lỗi và xách quần áo về ở với mẹ. Anh sẽ làm mọi chuyện để giữ lại thế cân bằng của gia đình, thậm chí sẵn sàng hy sinh quyền làm chủ cuộc đời mình. Gia đình càng độc hàng, sự cân bằng càng dễ bị đe dọa, và bất cứ sự mất cân bằng nào cũng có vẻ đe dọa đến sự tồn vong của gia đình. Đó là lí do những người cha mẹ độc hại thường phản ứng đối với những kích ứng dù là nhỏ nhất như thể điều đó đe dọa sinh mạng của họ

Glenn đã làm mất cân bằng gia đình anh ấy bằng việc nói ra sự thật. Anh giải thích:

Một ngày trước khi tôi bước sang tuổi hai mươi, tôi quyết định đến đối mặt với cha tôi về vấn đề nghiện rượu của ông ấy. Tôi đã rất hoảng sợ khi phải làm điều đó, nhưng tôi biết rằng có điều gì đó không đúng. Tôi định nói với cha tôi rằng tôi không thích các ông ấy hành xử khi ông ấy say xỉn, và tôi không muốn ông ấy như vậy nữa. Điều diễn sau đó làm tôi thật sửng sốt. Mẹ tôi đã nhảy vào bênh vực cha tôi, làm tôi cảm thấy xấu hổ vì đã gợi lên chuyện đó. Cha tôi chối bỏ mọi chuyện. Tôi liếc qua những người chị của tôi xin cứu viện nhưng họ chỉ muốn được an phận. Tôi cảm thấy thật tệ, như thể tôi làm một điều gì đó kinh khủng lắm vậy. Sự thật đó là, tôi đã nói lên một sự thật rằng cha tôi là một kẻ nghiện rượu nhưng cuối cùng tôi cảm thấy mình thật điên khi làm điều đó.

Tôi hỏi Glenn liệu cố gắng phơi bày sự thật của anh có bất cứ ảnh hưởng lâu dài nào trong ứng xử gia đình không.

Trớ trêu thay, tôi như trở thành một con hủi trong mắt gia đình. Chẳng ai thèm nói chuyện với tôi. Như thể, tôi là cái quái gì mà dám đổ lỗi chứ? Họ đối xử với tôi như tôi chẳng hề tồn tại, Tôi không thể chịu đựng việc bị gia đình hắt hủi nữa. Nên từ đó tôi chẳng hé môi về chuyện bia rượu của cha. Tôi chẳng nói đến nó nữa trong hai năm tiếp theo và cho đến …ngày hôm nay.

Trong gia đình Glenn, mỗi thành viên đều mang một vai diễn thiết kế ra để đảm bảo sự trường tồn của hệ thống gia đình. Vai của cha là uống rượu; của mẹ là người phụ thuộc; và thật ngược đời, con cái đóng vai cha mẹ. Điều này cũng thật dễ đoán và khá quen thuộc nên mọi người cảm thấy thật an toàn. Khi Glenn thắc mắc về những vai trò đó, anh ấy đã làm đảo loạn trật tự. Hình phạt của anh ấy là bị “ăn bơ Siberia”.

Chẳng cần quá lâu để châm mồi một cuộc khủng hoảng trong một gia đình độc hại: Người cha mất việc, một người thân qua đời, ba mẹ chồng hay vợ chuyển đến sống chung, đứa con gái đi chơi suốt với bạn trai, thằng con trai ra ở riêng, hay người mẹ bị bệnh. Như cách gia đình Glenn đã làm khi anh cố để nói chuyện với cha của anh, đa số cha mẹ độc hại giải quyết khủng hoảng bằng cách chối bỏ, giấu diếm và tệ hơn hết là đỗ lỗi. Và lời đỗ lỗi luôn mắt đến con cái

CÁCH CHA MẸ ĐỘC HẠI HÀNH XỬ

Trong một qua đình hoạt động tương đối đúng, cha mẹ thường đối mặt với áp lực cuộc sống bằng các đi thẳng vào vấn đề thông qua trò chuyện trực tiếp, tìm kiếm giải pháp và không sợ phải cầu viện từ bên ngoài nếu cần thiết. Những cha mẹ độc hại mặt khác, lại phản ứng với những mối đe dọa đến sự cân bằng bằng cách chạy cỗ máy sợ hãi và tức giận mà chẳng hề nghĩ đến hậu quả có thể gây ra với con cái. Cơ chế giải quyết của họ rất cứng nhắc và họ đã quen làm như vậy. Sau đây là những thứ hay xảy ra nhất:

Chối bỏ. Như bạn đã đọc trong suốt quyển sách, chối bỏ thường là cơ chế giải quyết thứ 3 những cha mẹ độc hại thực hiện để lấy lại thăng bằng. Sự chối bỏ có hai dạng: “Chả có gì sai cả” và “Có sai vài thứ nhưng sẽ không xảy ra nữa.” Sự chối bỏ làm cho những hành vi có tính băng hoại trở nên giảm nghiêm trọng, trở thành trò đùa cho qua, được hợp lí hóa hay được gắn những cái tên khác. Gắn tên khác là một dạng của chối bỏ, lấy một vấn đề ra và nói lại bằng những từ hoàn toàn mới. Kẻ nghiện rượu trở thành “người uống xã giao”; kẻ bạo hành biến thành “người kỉ luật nghiêm khắc.”

Phóng chiếu (Projection) *. Sự phóng chiếucũng có hai mặt: những bậc cha mẹ có thể kết tội đứa trẻ vì những yếu kém của chúng, và họ có thể đỗ lỗi rằng tính độc hại của họ là do sự yếu kém của những đứa trẻ mà ra. Ví dụ như, một người cha kém cỏi không thể giữ được công việc quay sang kết tội đứa con trai vì cậu lười biếng thụ động; một người mẹ nghiện rượu có thể đổ thừa cô con gái làm bà buồn nên bà phải mượn rượu giải sầu. Chẳng có gì lạ khi những người cha mẹ độc hại dùng phương pháp phóng tác này để tránh phải chịu trách nhiệm cho hành vi và quyết định của mình. Họ cần một vật tế và đó thường là đứa trẻ dễ bị tổn thương nhất trong gia đình.

Phá hoại. Trong một gia đình với những người cha mẹ hoàn toàn “hư hỏng nặng”- điên rồ, nghiện ngập, bệnh hoạn hay bạo lực- những thành viên khác sẽ nhận vai cho mình là những người cứu giúp hoặc người chăm sóc. Điều này tạo ra một thế cân bằng như yếu/mạnh, tốt/xấu hay yếu/khỏe. Nếu những bậc cha mẹ sai trái này bắt đầu cải thiện bản thân hay tham gia điều trị, điều đó sẽ gây mất thăng bằng lần nữa. Con cái (những người đóng vai cha mẹ) sẽ tìm cách để phá hoại quá trình sửa đổi này để mọi người quay trở lại vai trò như bình thường. Điều này cũng có thể xảy ra nếu một đứa bé gái hư hỏng bắt đầu cải thiện bản thân. Tôi đã từng thấy những cha mẹ độc hại rút con mình khỏi cuộc điều trị trong khi đứa trẻ tỏ ra đang cải thiện.

Tạo thế tam giác. Trong một hệ thống gia đình độc hại, một người cha hoặc mẹ sẽ lôi kéo con mình trở thành đồng minh để chống lại người kia. Những đứa trẻ trở thành một phần của tam giác này, trong đó chúng bị áp lực phải theo một phe. Khi người mẹ nói, “Mẹ khổ vì ba mày,” hay cha nói, “Mẹ mày ra ngủ riêng rồi,” đứa trẻ trở thành một bãi rác cảm xúc cho ba mẹ tha hồ xả sự bực bội mà không phải đối mặt với gốc rễ của vấn đề.

Giữ Bí mật. Bí mật giúp những cha mẹ độc hại giải quyết vấn đề bằng cách biến gia đình họ trở thành những câu lạc bộ thành viên, không kẻ ngoài cuộc nào có quyền tham gia vào. Điều này tạo ra sự gắn kết, cột gia đình lại với nhau, nhất là khi sự cân bằng bị đe dọa. Đứa trẻ giấu việc mình bị bạo hành bằng cách nói với cô giáo mình bị té cầu thang, đó là cách để bảo vệ câu lạc bộ gia đình khỏi chịu sự can thiệp từ bên ngoài.

Khi bạn nhìn vào cha mẹ độc hại từ góc nhìn hệ thống gia đình - từ niềm tin, luật lệ, đến sự vâng lời trước những luật lệ đó-những hành vi mang tính hủy hoại bắt đầu dễ nhận ra. Bạn đến gần hơn với hiểu biết về động lực mạnh mẽ thúc đẩy những hành vi của cha mẹ và cuối cùng là của bạn.

Thấu hiểu là bước đầu của thay đổi. Nó mở ra những lựa chọn và con đường mới. Nhưng nhìn mọi việc theo một cách khác vẫn chưa đủ. Tự do thật sự chỉ đến khi ta hành động khác đi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx