sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8: Chúng tôi trở thành lũ giết người như thế nào?

Như tôi đã nói, bản tham luận mà các bạn đang đọc sẽ không bao giờ được trình bày trên diễn đàn, thậm chí không được gửi tới cuộc hội thảo theo đúng kế hoạch.

Lý do thứ nhất có tên Hải cò.

Lý do thứ hai có tên Tủn.

Lý do thứ ba hiển nhiên có tên là Tý sún.

Lý do thứ ba ghé thăm tôi vào một sáng chủ nhật đẹp trời. Ðây mới là lý do quan trọng khiến bản tham luận đáng lẽ đến nơi lý ra nó phải đến là cuộc hội thảo do UNESCO tổ chức thì cuối cùng nó lại rẽ ngoặt đến nhà xuất bản.

Con Tí sún, lạ lùng thay, đã bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu, đã là mẹ của năm đứa con rồi mà khi gặp lại tôi, nó vẫn sún.

- Này em, sao không chịu đi trồng răng đi?

- Em thích thế.

- Anh nghĩ chồng em thích thế thì đúng hơn.

- Ðúng rồi. Em thích thế là vì chồng em thích thế.

Con Tí sún hồi tám tuổi là đứa hiền lành, chậm chạp, không giỏi khoa ăn nói. Bây giờ, nghe cách đối đáp thông minh và thật thà của nó, tôi nghĩ nếu đi làm MC, chắc chắn nó sẽ là MC số một.

Ở đời, lắm kẻ thông minh cũng lắm người thật thà. Và người nhiều thật thà lại ít thông minh. Thông minh bao giờ cũng khéo ăn khéo nói khéo ứng xử, mà điều gì khéo quá thì thường kém chân thật, khổ thế!

Con Tí sún là trường hợp đặc biệt. Nó vừa thông minh vừa thật thà.

Nói cách khác, nó thông minh một cách thật thà.

Nói cách khác nữa, nó thật thà một cách thông minh.

2 lần 2 là 4 là một kết luận quá sức thật thà. Nhưng khi sự thật thà tiếp cận chân lý thì nó đồng thời cũng là sự thông minh.

Con Tí sún nói thật lòng mình, không xấu hổ cũng không uốn éo: “Em thích thế vì chồng em thích thế.”. Vì vậy đó là một câu nói thông minh: nó chạm đúng vào bản chất tình cảm của con người.

Có vẻ như tôi khen con Tí sún hơi nhiều.

Chắc vì nó vẫn còn sún răng. Tức là trông nó không khác mấy với con Tí sún tôi nhắc tới trong bản tham luận.

Nhưng hơn cả chuyện răng cỏ, tính tình con Tí sún sau bao nhiêu năm gặp lại dường như vẫn không thay đổi.

Tôi hỏi nó:

- Có phải em đến đây vì bài viết của anh …

- Ðúng rồi.

- Vậy chắc là em đã biết anh từ bỏ ý định lôi chuyện ngốc nghếch hồi bé ra bêu riếu. - Tôi nói như hôm trước nói với con Tủn, lưu loát và cay đắng. – Anh đã quyết định thay đổi tên nhân vật...

- Chính vì vậy mà em đến đây. – Con Tí sún cắt ngang lời tôi.

Tôi khoát tay:

- Em yên tâm đi, không có con Tí sún nào trong bài viết của anh hết.

- Ý em không phải thế!

- Chứ ý em là thế nào? - Tôi mếu xệch miệng - Chẳng lẽ em muốn anh xé luôn bài viết này?

- À không! – Con Tí sún kêu lên bằng giọng của một con mèo bị khép tội oan (vì thực tế tụi vừa chén sạch đĩa cá chiên của tôi là hai con mèo khác có tên là H và T. – Chú thích H và T tức là Hải cò và Tủn).

Tôi để mặc cho cơn phẫn nộ dẫn dắt:

- Tức là xé vẫn không chắc ăn. Vẫn còn dấu tích. Em muốn anh đốt bản thảo này?

- Anh ơi! – Con Tí sún bắt đầu rơm rớm nước mắt - Hổng lẽ anh nghĩ em tệ đến thế sao? Em đến đây để khuyên anh không sửa không xé không đốt gì hết. Anh đừng có nghe lời hai người kia. Chuyện tụi mình hồi bé thế nào anh cứ viết như vậy.

Tôi nhìn sững con Tí sún, sực nhớ ra cách đây bốn mươi năm nó từng là vợ tôi, một cô vợ hiền lành, ngoan ngoãn. Chẳng lẽ vì những đứa con bây giờ của nó không phải là con tôi mà tôi nghĩ xấu về nó?

Nếu như còn tám tuổi, tôi đã đưa tay lên cốc đầu mình mấy cái rồi.

- Anh xin lỗi...

Tôi nói, sau một hồi, và nhận ra mình không thể tìm thấy câu nói nào vô duyên hơn. Con Tí sún quẹt nước mắt.

- Cách xin lỗi hay nhất là anh nghe lời em.

Ðôi mắt đẫm lệ bao giờ cũng là đôi mắt đẹp, dù nó có xấu xí đến cỡ nào.

Những giọt nước mắt của con Tí sún rơi xuống trái tim tôi.

Tôi xụi lơ như người chết rồi:

- Anh sẽ nghe lời em.

- Anh sẽ không đốt bản thảo?

- Anh sẽ không đốt.

- Anh sẽ không xé nó?

- Anh sẽ không xé.

- Anh vẫn giữ nguyên tên nhân vật.

- Anh vẫn giữ nguyên.

Tôi đáp và ngạc nhiên quá thể về cái sự dễ dãi của mình.

o0o

Hồi xưa đâu có vậy. Cách đây bốn mươi năm, con Tí sún có lẽ từng nuôi hy vọng tôi sẽ nghe lời nó, dù chỉ một lần. Nhưng hy vọng nhỏ nhoi đó, nó không bao giờ nuôi nổi.

Hy vọng trong lòng nó vừa lóe lên, đã bị tiếng quát của tôi làm cho tắt ngóm.

Ngày nào tôi cũng quát nó để sung sướng nhìn thấy nó rụt rè giương mắt ngó tôi và sau đó tuân lệnh tôi răm rắp.

Ðể cho đời bớt nhạt, một hôm tôi bảo nó:

- Tụi mình sẽ đi tìm kho báu.

- Kho báu ở đâu mà tìm?

- Tụi mình sẽ vượt biển khơi. Kho báu thường được chôn ngoài đảo hoang.

- Eo ôi, còn bé như tụi mình làm sao vượt biển khơi được?

- Mày nhát gan quá! – Tôi nheo mắt nhìn con Tí sún – Tao xem phim, thấy cả khối người đóng bè vượt biển.

- Nhưng họ là người lớn.

Tôi nhún vai:

- Người lớn hay con nít gì cũng thế thôi! Quan trọng là có gan hay không!

- Nhưng người lớn thì không cần xin phép ba mẹ.

Con Tí sún làm tôi chưng hửng. Lý lẽ của nó hết sức đơn giản nhưng hết sức quan trọng. Quan trọng hơn cả chuyện có gan hay không. (Chà, cái phẩm chất thật thà một cách thông minh, nó đã bộc lộ từ bé!)

- Ờ há. – Tôi hạ giọng. - Thế tụi mình sẽ không vượt biển nữa. Nhưng tụi mình có thể vào rừng sâu hay lên núi cao.

- Rừng sâu hay núi cao thì cũng thế. – Con Tí sún lại nói, tự nguyện tròng vào mặt vẻ biết lỗi vì lại tiếp tục ngăn cản tôi - Chắc chắn ba mẹ sẽ không cho tụi mình ra khỏi nhà lâu như vậy.

- Ờ. – Tôi thở dài, hờn dỗi – Ba mẹ không bao giờ tin tụi mình. Ba mẹ lúc nào cũng sợ tụi mình đi lạc.

Tôi tiếp tục ấm ức:

- Nếu sợ tụi mình không đi lạc thì ba mẹ lại sợ mình bị rắn rết hùm beo tha đi mất.

Thấy tôi buồn, con Tí sún buồn theo. Nó lắc lắc cánh tay tôi, nói như an ủi:

- Ðợi lớn lên đi anh. Khi trở thành người lớn, tụi mình có thể đi bất cứ nơi đâu mà không sợ bị cấm cản.

Nó lim dim mắt, xuýt xoa:

- Ôi chỉ nghĩ tới thôi đã thấy thú vị rồi.

Một lần nữa, con Tí sún lại là người phát ngôn của chân lý. Nhưng ngay cả chân lý cũng có mặt thứ hai của nó. Sau này tôi dần dần khám phá ra rằng nếy khi còn bé tôi thường xuyên đau khổ vì không được làm những gì mình thích thì khi lớn lên tôi lại rơi vào những nỗi đau khác vì có quá nhiều tự do để làm những điều mình thích, mà so với trẻ con thì những ý thích bốc đồng của người lớn thường là ngu ngốc hơn và nguy hiểm hơn.

Người lớn tất nhiên cũng có những “người lớn” của mình. Nếu những nguyên tắc đạo đức là bà mẹ thì những nguyên tắc luật pháp là ông bố của người lớn: một bên đưa ra những khuyên giải nhẹ nhàng, một bên suốt ngày hầm hè và thốt ra những răn đe. Nhưng cũng giống như trẻ con, người lớn không phải lúc nào cũng biết vâng lời bố mẹ. Vì vậy mà tôn giáo xuất hiện. Tôn giáo xét về phương diện nào đó, cũng là đạo đức và luật pháp. Nó khuyên làm điều này, cấm làm điều kia. Nhưng vì tôn giáo xây dựng trên đức tin, nên con người ta làm theo mà không thắc mắc (theo kiểu con cái hay thắc mắc trước các mệnh lệnh của bố mẹ), bởi một thực tế là nếu không còn tin ai nữa thì con người cũng khó mà yên tâm về sự tồn tại của mình trên cõi đời.

Ôi, tôi lại nói nhăng nói cuội gì thế này!

Tôi đang nói về tôi và con Tí sún, về kế hoạch truy tìm kho báu sắp sụp đổ thảm hại của chúng tôi.

Như vậy, rốt lại chúng tôi không ra đảo được, cũng không lên núi hay vô rừng được. Tám tuổi thì khốn khổ khốn nạn thế đấy: Cuộc đời nhìn đi đâu cũng thấy rào cản giăng giăng.

Tôi ngó con Tí sún, thấy nó giống hệt một sinh linh bé bỏng đang ngụp lặn giữa một trần gian bao la, và nghĩ lại phận mình, tôi buồn tủi thấy tôi cũng thế, nhỏ nhoi và bất lực.

Tôi nhìn mông lung, đầu óc trống rỗng như căn nhà kho sau cơn hoả hoạn, chưa biết phải nhét thứ gì vào đó để có cái mà xê dịch, ánh mắt tôi chợt bắt gặp những cây mận trong khu vườn nhỏ phía sau nhà thằng Hải cò.

- Tí sún nè. - Mắt tôi sáng lên – Tao nhớ ra rồi. Người ta cũng hay chôn kho báu trong vườn cây.

- Vườn cây á? – Con Tí sún ngơ ngác hỏi lại, không biết tôi định dẫn dắt cuộc phiêu lưu này đến đâu.

- Ờ, vườn cây. – Tôi gật đầu, và chỉ tay về phía nhà Hải cò – Mày nhìn đi! Có thấy vườn mận sau nhà thằng Hải cò không?

Con Tí sún nhìn khu vườn đằng xa rồi quay lại nhìn tôi chờ đợi:

- Thấy.

- Trong khu vườn đó người ta chắc chắn có chôn kho báu! – Tôi nói bằng giọng chắc nịch, thậm chí vẻ mặt tôi còn quả quyết hơn cả giọng nói của tôi.

Con Tí sún bán tín bán nghi:

- Ai chôn hở anh?

- Một người nào đó, có thể là ba mẹ Hải cò. Nhưng cũng có thể là của những người chủ cũ.

- Thế thì tụi mình đào lên đi!

Con Tí sún hào hứng giục, không hẳn nó tin có ai đó chôn kho báu dưới những gốc mận mà vì để khỏi phải nghĩ đến chuyện trốn ba mẹ mà ra đảo hoang hay vô rừng thẳm, điều mà nó tin chắc một đứa điên điên như tôi sớm muộn gì cũng xúi nó làm.

o0o

Tham gia cuộc khai quật kho báu trong vườn nhà thằng Hải cò có tất cả là bốn đứa.

Hải cò đương nhiên chiếm một suất, vì nó là chủ khu vườn. Con Tủn cũng đương nhiên chiếm một suất vì thỉnh thoảng nó đóng vai vợ của Hải cò, tức là bà chủ của khu vườn.

Nhưng dĩ nhiên lý do quan trọng là bốn đứa tôi đều là bạn của nhau. Chúng tôi chia sẻ với nhau từ niềm vui nho nhỏ cho đến nỗi buồn lớn lao trong cuộc sống, từ lằn roi ba mẹ thường quất vô mông cho đến kho báu vô giá sắp tìm được.

Nhưng một lý do quan trọng hơn hết thảy: Nếu không hì hục xới tung khu vườn lên để tìm kho báu thì cuộc sống của chúng tôi không biết sẽ buồn tẻ đến nhường nào. Ăn, ngủ và học, ba cái món chán ngắt đó hổng lẽ chúng tôi cứ phải chất lên cuộc đời mình để kéo lê chúng hết ngày này sang ngày khác như những con lừa thồ ngu ngốc.

Nếu không thể không thồ một thứ gì đó vào năm tám tuổi thì bọn quyết định sẽ thồ kho báu.

Bốn đứa tôi đều thống nhất như thế và chọn một ngày nắng ráo chúng tôi bắt đầu đào xới khu vườn.

Công cuộc khai quật này được ba mẹ Hải cò ủng hộ hết sức nồng nhiệt. Họ nghĩ chúng tôi là những thợ làm vườn tự nguyện, tức là những đứa trẻ ngoan.

Ba Hải cò xoa đầu tôi:

- Giỏi lắm, con trai.

Mẹ Hải cò rưng rưng khi nhìn con Tủn xách thùng chạy tới chạy lui:

- Cẩn thận kẻo vấp té đó con.

Sau một tuần thì khu vườn không còn chỗ nào nguyên vẹn. Như những nhà khảo cổ, chúng tôi xới từng gốc cây, bụi cỏ, hết sức kỹ lưỡng. Nhưng kho báu vẫn chưa chịu hiện ra. Chúng tôi mỏi mòn chờ tiếng va của lưỡi cuốc vào nắp hòm gỗ, hoặc một vật gì cưng cứng như vàng hay kim cương nhưng hoài công. Thỉnh thoảng cây cuốc trên tay tôi và Hải cò cũng kêu đánh “cạch” một tiếng nhưng cái làm vang lên âm thanh hi vọng đó chỉ là những mảnh bát vỡ hay một thanh sắt han gỉ.

Sau mười ngày, đã xuất hiện trong vườn những hục hang và vài cái hố sâu hoắm.

Tới ngày thứ mười một, toàn bộ cây cối bắt đầu nói lời từ giã cuộc sống. Cành khô đi, lá rủ xuống và những trái mận quắt lại.

Buổi sáng, ra thăm vườn, bàn tay ba thằng Hải cò không còn xoa đầu tôi nữa. Lông mày dựng ngược, tay chỉ ra cổng rào, ông quát lên bằng cái giọng người ta chỉ dùng để quát kẻ cắp:

- Cút!

Mẹ nó nhìn những cây mận tàn héo bằng vẻ mặt còn tàn héo hơn, trông bà vô cùng đau khổ và mất mát. Bà không quát tháo mà rên lên:

- Ôi, lũ giết người!

Bọn tôi không định trở thành những kẻ sát nhân. Bọn tôi chỉ đi tìm kho báu nhưng có thể vì hăm hở tàn phá khu vườn mà bọn tôi khiến mẹ thằng Hải cò lăn đùng ra chết cũng nên. Ý nghĩ u ám đó làm tôi run lên trong đầu.

Con Tủn và con Tí sún chắc cũng nghĩ như tôi nên trong nháy mắt ba đứa tôi đã biến như khói.

Chỉ có Hải cò không biết chạy đi đâu được. Vì nó không biết chạy đi đâu.

Ðối với một đứa bé, ngôi nhà rất quan trọng. Một đứa bé sống trong nhà mình cũng tự nhiên và máu thịt như sống trong bản thân mình. Nó không thể chạy ra khỏi nhà mình, vì điều đó sẽ làm nó đau đớn. Cũng như một con thỏ không thể chạy ra khỏi bộ da của mình.

Chỉ có người lớn mới làm được điều kỳ cục đó. Trong một số trường hợp, bản ngã có thể biến thành tha nhân. Lớn lên, tôi nghe các triết gia kháo với nhau như vậy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx