sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn - Nhà Vua Trở Về - Quyển VI - Phụ Lục A - Phần 1

PHỤ LỤC A

SỬ KÍ CÁC VUA VÀ QUAN CAI TRỊ

Về nguồn tư liệu cho hầu hết nội dung bàn đến trong các Phụ lục sau đây, đặc biệt là phụ lục A - D, xin xem phần ghi chú cuối Phi lộ. Mục A III, Dân Durin, hẳn là chép theo lời Người Lùn Gimli, ông vẫn giao hảo thân thiết với Peregrin và Meriadoc và họ còn nhiều lần tái ngộ tại Gondor hay Rohan.

Các truyền thuyết, lịch sử và tích truyện chứa trong các nguồn ấy cực kì phong phú, nhưng dưới đây chỉ trình bày lại những trích đoạn liên quan, hầu hết đều lược đi đáng kể. Mục đích chính ở đây là minh họa cho cuộc Nhẫn Chiến và nguyên ủy sinh ra cuộc chiến, cũng như bổ khuyết nhiều phần trong bản kể chính. Những truyền thuyết thái cổ về Kỉ Đệ Nhất, mối quan tâm chính của Bilbo, cũng được nhắc sơ qua để minh họa cho dòng dõi Elrond cũng như các vua và thủ lĩnh người Númenor. Các đoạn trích nguyên văn từ sử kí hay truyện thuật dài hơn đều để trong ngoặc kép. Bổ sung của người đời sau được đưa vào ngoặc vuông. Các chú thích nằm trong ngoặc kép đều có sẵn trong sách gốc. Chú thích còn lại đều của người biên tập[1].

Ngày tháng đều tính theo Kỉ Đệ Tam, trừ khi có chú KĐ2 (Kỉ Đệ Nhị) hay KĐ4 (Kỉ Đệ Tứ). Kỉ Đệ Tam vẫn được tính là kết thúc khi Bộ Ba Nhẫn ra khơi vào tháng chín năm 3021, nhưng riêng trong thư tịch ở Gondor, năm 1 KĐ4 bắt đầu vào ngày 25 tháng ba 3021. Về cân đối ngày tháng giữa Gondor và Niên lịch Quận, xem tập I tr. 5 và tập III tr. 473-474. Trong các danh mục dưới đây, tên vua hoặc quan cai trị nào chỉ kèm theo một con số thì đó là năm tử. Kí hiệu † đánh dấu cái chết trước hạn, tử trận hoặc vì lí do khác, dù sự kiện đó không nhất thiết được chép trong sử kí.

______________

[1] Một đôi chỗ có cung cấp để đối chiếu số trang tương ứng trong Chúa tể những chiếc Nhẫn và Anh chàng Hobbit. [Trong bản tiếng Việt, số trang lấy theo Anh chàng Hobbit, 2011 và Chúa tể những chiếc Nhẫn I, II, III 2013-2014. - BT]

I

CÁC VUA NÚMENOR

(i)

Númenor

Fëanor là người vĩ đại nhất trong tộc Eldar về mặt kĩ nghệ và hiểu biết tích truyện, nhưng cũng là kẻ kiêu hãnh và bảo thủ hiếm ai bằng. Chính ngài chế tác ra Ba Ngọc, những viên Silmaril, đặt vào lòng chúng ánh thiên quang của Hai Cây Telperion và Laurelin[1] hằng chiếu sáng xứ sở Valar. Ba Ngọc trở thành đối tượng thèm khát của Kẻ Thù tức Morgoth; hắn đánh cắp ngọc, hủy diệt Hai Cây, rồi mang ngọc tới Trung Địa và cho canh giữ cẩn mật trong thành trì lớn tên Thangorodrim. Bất chấp ý nguyện của Valar, Fëanor từ bỏ Vương Quốc Hằng Phước mà tự rước lấy số phận tha hương ở Trung Địa, dẫn theo một phần lớn dòng tộc mình; vì lòng kiêu hãnh đã xui khiến ngài quyết tâm giành lại Đại Ngọc trong tay Morgoth bằng vũ lực. từ đó bắt đầu cuộc chiến vô vọng của hai chủng tộc Eldar và Edain đánh lại Thangorodrim, chấm dứt bằng thất bại hoàn toàn. Người Edain (Atani) bao gồm ba gia tộc Con Người đầu tiên đi sang miền Tây Trung Địa, tới cả bên bờ đại dương, kết liên minh với Eldar chống lại Kẻ Thù.

Có tất cả ba cuộc phối ngẫu giữa dân Eldar và Edain: Lúthien với Beren, Idril với Tuor, Arwen với Aragorn. Nhờ vào hôn sự thứ ba, các nhánh từ lâu chia cắt của dân Á Tiên đã được tái hợp, dòng dõi họ được nối lại.

Lúthien Tinúviel là con gái Vua Thingol Áo Choàng Xám ở Doriath vào Kị Đệ Nhất, nhưng mẫu thân nàng là Melian chính thuộc dòng dõi Valar. Beren là con trai Barahir thuộc Gia Tộc Edain Thứ Nhất. Cùng nhau họ đoạt lại một viên silmaril trên Vương Miện sắt của Morgoth. Lúthien nhận lấy phận phàm trần hữu tử, vĩnh viễn xa rời nòi giống Tiên. Dior là con trai nàng. Elwing là con gái nàng, đến lượt mình nhận giữ viên silmaril.

Idril Celebrindal là con gái Turgon, vua của thành Gondolin ẩn lánh. Tuor là con trai Huor thuộc Gia tộc Hador, Gia Tộc Edain Thứ Ba, là người lừng danh nhất trong các cuộc chiến chống Morgoth. Eärendil Nhà Hàng Hải là con trai họ.

Eärendil kết hôn với Elwing, nhờ quyền năng của viên silmaril, đã vượt qua Bóng Nước mà tới tận Tây Cực, trình bày nguyện vọng của cả Tiên lẫn Con Người, giành được sự trợ giúp của Valar lật đổ Morgoth. Eärendil không được phép trở lại đất phàm trần, nên con thuyền chàng gắn viên silmaril được định phận căng buồm lướt sóng trên các tầng trời, làm ngôi sao và tín hiệu hi vọng cho cư dân Trung Địa sống dưới ách áp bức của Kẻ Thù Lớn hay các bầy tôi của hắn. Chỉ mình ba viên silmaril còn bảo tồn được ánh sáng thượng cổ từ Hai Cây Valinor trước khi bị Morgoth đầu độc, nhưng hai viên còn lại đến cuối Kỉ Đệ Nhất đã thất lạc. Những việc này được thuật lại đầy đủ, cùng rất nhiều tích khác về Tiên và Con Người, trong Huyền sử Silmaril.

Các con trai Eärendil, Elros và Elrond, là Peredhi ltức Á Tiên. Chỉ mình họ còn giữ trong huyết quản dòng máu các thủ lĩnh Edain anh hùng vào Kỉ Đệ Nhất, và tới sau khi Gil-galad lâm chung, kể cả dòng dõi các Vua Thượng Tiên ở Trung Địa cũng chỉ còn lưu lại trong số hậu duệ hai người.

Vào cuối Kỉ Đệ Nhất, Valar đặt cho các Á Tiên một lựa chọn không thể đảo ngược, đứng về phía chủng tộc nào. Elrond lựa chọn làm Tiên, sớm trở thành bậc thầy tri thức. Vì thế ngài cũng được ban ân huệ giống như các Thượng Tiên còn lưu lại Trung Địa: rằng khi cuối cùng cũng thấy mệt mỏi với đất người trần, họ có thể lên tàu tại Cảng Xám mà đi về Tây Cực, và ân huệ ấy vẫn được duy trì sau cuộc thay đổi thế giới. Nhưng những con cháu Elrond cũng vẫn phải đối mặt với lựa chọn ấy: hoặc theo ngài rời khỏi các vòng biên thế giới này, hoặc nếu ở lại, phải trở thành người trần rồi chết ở Trung Địa. Bởi thế với Elrond, cuộc Nhẫn Chiến dù tới kết cục nào cũng đều chứa đầy khổ não.

Elros chọn làm Người và ở lại cùng tộc Edain; nhưng được ban cho tuổi thọ cao gấp nhiều lần những chủng người thấp kém.

Ban thưởng cho những hi sinh của người Edain trong cuộc chiến chống Morgoth, Valar tức các Vệ thần của Thế giới tặng họ miền đất mới làm quê hương, tránh xa những hiểm nguy Trung Địa. Vì thế hầu hết đã giương buồm vượt đại dương, theo ánh Ngôi Sao Eärendil mà tới Đảo Elenna lộng lớn, nằm chót cùng phía Tây mọi miền đất Phàm Nhân. Vương quốc Númenor mọc lên ở đó.

Chính giữa hòn đảo có một ngọn núi cao tên Meneltarma, và đứng trên đỉnh núi, người tinh mắt có thể thấy ngọn tháp trắng ở Cảng Eldar trên đảo Eressëa. Từ đó dân Eldar tới gặp Edain, trao tặng họ hiểu biết cùng quà biếu; nhưng có một mệnh lệnh người Númenor phải tuân theo - “Lệnh Cấm từ Valar”: cấm họ lên thuyền đi về Tây, vượt ngoài tầm nhìn từ bờ biển đảo, hoặc tìm cách đặt chân lên Xứ Sở Bất Tử. Bởi dù được ban cho tuổi thọ trường sinh, nguyên thủy dài gấp ba lần các chủng Người thua kém, họ vẫn phải là người hữu tử, vì Valar không được phép lấy đi Món Quà của Con Người (hoặc Định Mệnh của Con Người như sau này gọi).

Elros là Vua Númenor thứ nhất, sau này lấy đế hiệu tiếng Thượng Tiên Tar-Minyatur. Hậu duệ của ngài đều trường thọ, nhưng đều chết. Về sau, khi trở nên hùng mạnh, họ quay ra căm tức lựa chọn của tổ phụ mình, thèm muốn số phận như đã dành cho dân Eldar, còn bất tử chừng nào thế giới này còn sống, và ngấm ngầm phản đối Lệnh Cấm. Từ đó bắt đầu cuộc nổi loạn dưới sự dẫn dắt của Sauron tà ác, đưa đến cuộc Sụp Đổ Númenor và hủy hoại toàn thế giới cổ đại, như kể trong cuốnAkallabêth.

Sau đây là tên các Vua và Nữ Hoàng Númenor:Elros Tar-Minyatur, Vardamir, Tar-Amandil, Tar-Elendil, Tar-Meneldur, Tar-Aldarion, Tar-Ancalime (Nữ Hoàng Chấp Chính đầu tiên), Tar-Anárion, Tar-Súrion, Tar-Telperiën (Nữ Hoàng thứ hai), Tar-Minastir, Tar-Ciryatan, Tar-Atanamir Đại Đế, Tar-Ancalimon, Tar-Telemmaitë, Tar-Vanimeltë (Nữ Hoàng thứ ba), Tar-Alcarin, Tar-Calmacil, Tar-Ardamin.

Từ sau Ardamin, các Vua lên nhận vương trượng lấy hiệu bằng ngôn ngữ Númenor (tức Adûnaic): Ar-Adûnakhôr, Ar-Zimrathôn, Ar-Sakalthôr, Ar-Gimilzôr, Ar-Inziladûn. Inziladûn hối cải, sửa lại thói tục của Các Vua mà đổi hiệu thành Tar-Palantir “Mắt Nhìn Xa.” Con gái ngài đáng lẽ trở thành Nữ Hoàng thứ tư, Tar-Míriel, nhưng cháu trai nhà Vua đã tiếm ngôi đoạt trượng mà trở thành Ar-Pharazôn Kim Đế, vị Vua Númenor cuối cùng.

Vào thời Tar-Elendil, lần đầu tiên người Númenor phái tàu quay lại Trung Địa. Con đầu lòng của ngài là nữ, tên gọi Silmariën. Con trai ngài là Valandil, khởi đầu chức Lãnh Chúa Andúnië ở mạn Tây hòn đảo; các lãnh chúa đều nổi danh vì tình bạn thân thiết với dân Elder. Hậu duệ của ngài có Amandil, lãnh chúa cuối cùng, và con trai ngài là Elendil Khôi Vĩ.

Vua thứ sáu chỉ có một con, là nữ. Bà trở thành Nữ Hoàng đầu tiên, vì khi đó có luật ban bố rằng với hoàng tộc, con trưởng nhà Vua dù nam hay nữ cũng sẽ đều tiếp nhận vương trượng.

Vương quốc Númenor trường tồn mãi đến cuối Kỉ Đệ Nhị, mỗi lúc một thêm hùng mạnh và rực rỡ, và cho đến giữa Kỉ Nguyên người dân Númenor cũng không ngừng thêm thông tuệ và hoan hỉ. Cái bóng rồi sau này sẽ phủ xuống họ lấp ló lần đầu tiên là vào triều đại Tar-Minastir, Vua đời thứ mười một. Chính ngài là người đã cử đội quân hùng hậu đến tiếp ứng Gil-galad. Ngài yêu mến tộc Eldar, nhưng lại ganh tỵ với họ. Người Númenor lúc này đã rất cừ khôi trong nghề hàng hải, đã khám phá hết mọi vùng biển phía Đông, tim họ bắt đầu mong mỏi phương Tây cùng những vùng nước cấm; và cuộc đời càng hạnh phúc thì họ càng khát khao số phận bất tử của Eldar.

Thêm nữa, kể từ sau Minastir, các Vua trở nên tham lam - cả về của cải lẫn quyền lực. Vốn lúc đầu người Númenor tới Trung Địa làm thầy dạy và bạn hữu của những chủng Người thua kém sống khổ sở dưới ách Sauron; nhưng tới giờ cảng biển đã biến thành thành trì, miền duyên hải rộng lớn trở thành đất phụ thuộc. Atanamir cùng những người kế vị đánh tô thuế rất nặng, mỗi con thuyền Númenor hồi hương đều chất trĩu của vơ vét.

Chính Tar-Atanamir là người đầu tiên công khai phản đối Lệnh Cấm, và tuyên bố mình có quyền hưởng tuổi đời của Eldar. Khi ấy bóng tối đặc dần, ý nghĩ về cái chết bắt đầu nhuộm đen trái tim dân đảo. Rồi người Númenor bắt đầu chia rẽ: một bên là các Vua và những người ủng hộ, lạnh nhạt với Eldar và Valar; bên kia là nhóm thiểu số tự xưng là những người Trung Tín. Những người này chủ yếu sống về phía Tây đảo.

Các Vua và những người ủng hộ dần dà từng chút một thôi không dùng các thứ tiếng Eldar, và cuối cùng Vua thứ hai mươi lấy hiệu tiếng Númenor, tự xưng là Ar-Adûnakhôr, “Chúa tể phương Tây.” Đây có vẻ là điềm gở với số người Trung Tín, vì từ trước tới giờ danh hiệu đó chỉ được dành cho các Valar, hay thậm chí là cho Vua Cả. Và quả là Ar-Adûnakhôr bắt đầu truy sát nhóm Trung Tín và trừng trị những ai công khai nói tiếng Tiên; và dân Eldar không còn đến Númenor nữa.

Quyền lực và của cải của người Númenor, tuy thế, vẫn tăng thêm, nhưng tuổi thọ ngắn dần mà nỗi sợ chết thì càng dai dẳng, và niềm vui sống không còn. Tar-Palantir cố gắng sửa chữa tai họa ấy, nhưng đã quá muộn, Númenor chìm vào nổi loạn và xung đột. Khi ngài chết, cháu ngài cầm đầu phe nổi loạn đã cướp vương trượng, trở thành Vua Ar-Pharazôn. Ar-Pharazôn Kim Đế là người kiêu hãnh nhất, hùng mạnh nhất trong cả dòng Vua, và chẳng nhắm đến điều gì thấp hơn làm vua trên toàn thế giới.

Ngài quyết định khiêu chiến với Sauron Đại Đế để giành ngôi thượng tôn Trung Địa, và cuối cùng đích thân cầm đầu một đoàn thuyền chiến hùng hậu ra khơi, đổ bộ tại cảng Umbar. Mãnh lực và vẻ rực rỡ của đoàn quân Númenor lớn tới mức chính các bầy tôi Sauron cũng bỏ chúa chạy trốn, còn Sauron nhún mình tiến lễ và thỉnh cầu ân xá. Rồi Ar-Pharazôn, lóa mắt vì kiêu ngạo, đã mang hắn về làm tù nhân tại Númenor. Chẳng mấy lâu sau hắn đã bỏ bùa Nhà Vua, trở thành cố vấn tin cẩn của ngài, và ít lâu nữa hớp hồn toàn dân Númenor, chỉ trừ những người Trung Tín còn sót lại, khiến họ quy phục bóng tối.

Và Sauron dối gạt Nhà Vua mà nói sự sống trường sinh sẽ thuộc về kẻ nào chiếm hữu được Xứ Sở Bất Tử, và nói Lệnh Cấm đặt ra chỉ nhằm cản trở các Vua Con Người trở nên hùng mạnh hơn cả Valar. “Nhưng vĩ đại là những vị Vua chiếm lấy những gì thuộc về mình,” hắn nói.

Cuối cùng Ar-Pharazôn cũng thuận theo lời khuyên ấy, vì ngài cảm thấy ngày tháng đời mình đang dần ngắn lại, và u mê đi vì nỗi sợ Tử Thần. Ngài sửa soạn vũ trang cho một đội đại thủy quân lớn chưa từng thấy trên thế giới, và khi tất cả sẵn sàng, ngài lệnh cho kèn thổi và nhổ neo ra khơi; và ngài phạm vào Lệnh Cấm từ Valar mà toan dùng chiến tranh giành lấy sự sống vĩnh cửu từ các Chúa tể phương Tây. Nhưng khi Ar-Pharazôn đặt chân lên bờ biển đảo Aman Hằng Phước, Valar liền rời bỏ trách nhiệm Vệ thần tới kêu cầu Đấng Cả, và thế giới bị thay đổi. Númenor bị lật nhào, chìm đắm đáy đại dương, còn Xứ Sở Bất Tử bị mang đi vĩnh viễn ra ngoài các vòng biên thế giới. Vinh quang của Númenor vậy là chấm dứt.

Những thủ lĩnh cuối cùng của dân Trung Tín, Elendil và các con, đã trốn thoát khỏi cuộc Sụp Đổ mang theo chín thuyền, chở một mầm non từ hạt cây Nimloth và Bảy Quả Cầu Nhìn Thấu (là món quà dân Eldar tặng cho Gia tộc đó); và họ được cơn bão dữ dội đưa đi trên cánh gió, đẩy dạt vào bờ Trung Địa. Ở đó trên mạn Tây Bắc họ thành lập các vương quốc Númenor lưu vong, Arnor và Gondor. Elendil trở thành Đại Vương, sống trên miền Bắc tại thành Annúminas; còn quyền trị vì miền Nam được trao cho hai con trai Isildur và Anárion. Dưới đó họ dựng thành Osgiliath, nằm giữa Minas Ithil và Minas Anor, cách không xa địa giới Mordor. Vì ít nhất họ nghĩ có một điều thiện đã thành giữa cảnh trầm luân, rằng cả Sauron cũng đã tử mạng.

Nhưng không phải vậy. Quả đúng là Sauron cũng vướng trong cơn tận diệt Númenor, khiến xác phàm hắn khoác lấy từ lâu bị tiêu hủy; nhưng hắn đã trốn trở về Trung Địa, một linh hồn thù hận trên cánh gió đen. Từ đó về sau không bao giờ hắn mang hình hài đẹp đẽ trước mắt con người được nữa, mà trở nên đen đúa ghê tởm, và từ đó về sau quyền năng hắn chỉ còn ở việc gieo rắc kinh hoàng. Hắn trở lại Mordor, ẩn nấp rất lâu và câm lặng. Nhưng hắn điên giận không tả xiết khi biết tin Elendil, người hắn căm hận nhất, đã thoát ra và giờ đang thiết lập một vương quốc giáp giới lãnh địa mình.

Vì vậy mà đến một lúc hắn lại tuyên chiến cùng lớp Tha Hương, trước khi họ kịp cắm rễ. Lại lần nữa núi Orodruin phừng cháy, và được đặt tên mới ở Gondor: Amon Amarth, Đỉnh Định Mệnh. Nhưng Sauron ra đòn quá sớm, trước khi quyền năng chính hắn kịp phục hồi, còn sức mạnh của Gil-galad thì đã tăng nhiều trong lúc hắn vắng mặt; và trong Liên Minh Cuối Cùng nhằm chống lại hắn, Sauron bị lật đổ và Nhẫn Chúa bị cướp khỏi tay. Tới đó kết thúc Kỉ Đệ Nhị.

______________

[1] Nay không còn hình ảnh nào về Cây Vàng Laurelin lưu lại ở Trung Địa.

(ii)

Các vương quốc Lưu Vong

Dòng Bắc

Kế vị Isildur

Arnor.

Elendil †3441 KĐ2, Isildur †2, Valandil 249[1], Eldacar 339, Arantar 435, Tarcil 515, Tarondor 602, Valandur†652, Elendur 777, Eärendur 861.

Arthedain.

Amlaith ở Fornost[2] (trưởng nam Eärendur) 946, Beleg 1029, Mallor 1110, Celepharn 1191, Celebrindor 1272, Malvegil 1349[3], Argeleb I †1356, Arveleg I 1409, Araphor 1589, Argeleb II 1670, Arvegil 1743, Arveleg II 1813, Araval 1891, Araphant 1964, Arvedui Vua Cuối †1975. Chấm dứt Vương quốc Bắc.

Thủ Lĩnh.

Aranarth (trưởng nam Arvedui) 2106, Arahael 2177, Aranuir 2247, Aravir 2319, Aragorn I †2327, Araglas 2455, Arahad I 2523, Aragost 2588, Aravorn 2654, Arahad II 2719, Arassuil 2784, Arathorn I †2848, Argonui 2912, Arador †2930, Arathorn II †2933, Aragorn II 120 KĐ4.

Dòng Nam

Kế vị Anárion

Các Vua Gondor.

Elendil, (Isildur và) Anárion †3440 KĐ2 Meneldil con trai Anárion 158, Cemendur 238, Eärendil 324, Anardil 411, Ostoher 492, Rómendacil I (Tarostar)†541, Turambar 667, Atanatar I 748, Siriondil 830. Tiếp đến là bốn “Vua Tàu”:

Tarannon Falastur 913. Ngài là vì vua đầu tiên không con, truyền ngôi cho con trai em mình là Tarciryan. Eärnil I †936, Ciryandil †1015, hi armendacil I (Ciryaher) 1149. Gondor lên tới đỉnh cao quyền lực.

Atanatar II Alcarin “Vinh Hoa” 1226, Narmacil I 1294. Ngài là vị vua không con thứ hai, truyền ngôi cho em trai. Calmacil 1304, Minalcar (nhiếp chính 1240-1304), lên ngôi hiệu Rómendacil II 1304, chết 1366, Valacar 1432. Trong thời ngài bắt đầu thảm họa đầu tiên ở Gondor, vạ Thân Tranh.

Eldacar con trai Valacar (tên trước kia là Vinitharya), truất ngôi 1437. Castamir Thoán Nghịch†1447. Eldacar tái lập, chết 1490.

Aldamir (thứ nam Eldacar) †l540, hi armendacil II (Vinyarion) 1621, Minardil †1634, Telemnar †1636. Telemnar và các con chết trong đại dịch; nối ngôi là cháu ngài, con trai Minastan, con trai thứ Minardil. Tarondor 1798, Telumehtar Umbardacil 1850, Narmacil II †1856, Calimehtar 1936, Ondoher †1944. Ondoher cùng hai con trai bị sát hại trong chiến trận. Năm sau, 1945, vương miện được trao cho viên chỉ huy thắng trận Eärnil dòng dõi Telumehtar Umbardacil. Eärnil II 2043, Eärnur †2050. Tới đây dòng Các Vua chấm dứt, cho tới khi Elessar Telcontar nối lại năm 3019. Từ đây vương quốc do các Quốc Quản cai trị.

Quốc Quản Gondor.

Gia tộc Húrin: Pelendur 1998. Ngài cai trị một năm sau khi Ondoher tử trận, là người khuyên Gondor từ chối trao vương quyền cho Arvedui. Vorondil Thợ Săn 2029[4]. Mardil Voronwë “Kiên Trung,” mở đầu dòng Quốc Quản Chấp Chính. Những người kế nhiệm ngài bỏ không dùng tên tiếng Thượng Tiên.

Quốc Quản Chấp Chính.

Mardil 2080, Eradan 2116, Herion 2148, Belegorn 2204, Húrin I 2244, Túrin I 2278, Hador 2395, Barahir 2412, Dior 2435, Denethor I 2477, Boromir 2489, Cirion 2567. Vào thời ngài, người Rohan đến Calenardhon.

Hallas 2605, Húrin II 2628, Belecthor I 2655, Orodreth 2685, Ecthelion I 2698, Egalmoth 2743, Beren 2763, Beregond 2811, Belecthor II 2872, Thorondir 2882, Túrin II 2914, Turgon 2953, Ecthelion II 2984, Denethor II. Ngài là Quốc Quản Chấp Chính cuối cùng, truyền vị cho con trai thứ Faramir, Lãnh Chúa Emyn Arnen, Quốc Quản của Vua Elessar, 82 KĐ4.

______________

[1] Ngài là con trai thứ tư của Isildur, sinh tại Imladris. Các anh trai ngài đều tử trận trên Đồng Diên Vĩ.

[2] Từ sau Eärendur, các Vua không còn lấy hiệu tiếng Thượng Tiên.

[3] Từ sau Malvegil, Các Vua tại Fornost lại xưng vương khắp lãnh thổ Arnor, lấy hiệu có tiền tố ar(a) ghi nhận điều đó.

[4] Loài bò trắng hoang nay vẫn còn thấy gần Biển Rhûn được truyền thuyết kể là con cháu giống Bò của Araw, đấng Vala ưa săn bắn, cũng là Vala duy nhất thường lui tới Trung Địa vào thời Cựu Niên. Oromë là dạng tiếng Thượng Tiên của tên.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx