sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn - Nhà Vua Trở Về - Quyển VI - Phụ Lục F - Phần 2 (Hết)

II

VỀ VẤN ĐỀ DỊCH THUẬT

Khi trình bày nội dung cuốn Sách Đỏ thành một bộ sử cho người thời nay đọc, toàn bộ bối cảnh ngôn ngữ đã được cố gắng chuyển dịch sang tương quan với thời đại ta. Chỉ các thứ tiếng không liên quan tới Ngôn Ngữ Chung là để lại trong các dạng nguyên thủy, nhưng chủ yếu cũng chỉ xuất hiện trong tên người và địa danh.

Ngôn Ngữ Chung, vì là ngôn ngữ của dân Hobbit và được dùng trong bản kể của họ, đương nhiên được chuyển thành tiếng Anh hiện đại. Trong quá trình ấy, những dị biệt giữa các tiểu loại vốn khá rõ nét trong cách dùng Tây ngữ đã bị nhạt bớt. Văn bản đã cố gắng phản ánh sự khác biệt bằng cách dùng nhiều phong cách nói khác nhau trong tiếng Anh; nhưng khác biệt giữa phát âm và đặc ngữ dùng ở Quận so với thứ Tây ngữ nói ra từ miệng dân Tiên hay giới quý tộc Gondor còn lớn hơn rất nhiều cuốn này cho thấy. Thực tế là dân Hobbit chủ yếu dùng một thứ thổ ngữ quê mùa, còn ở Gondor và Rohan dùng ngôn ngữ cổ kính hơn, quy phạm và ngắn gọn hơn rất nhiều.

Có một điểm dị biệt cần ghi chú riêng ở đây, vì dù rất quan trọng nhưng lại không có cách nào thể hiện trên văn bản. Tây ngữ có một đặc trưng là, các đại từ ngôi thứ hai (và đôi khi cả ngôi thứ ba) có sự khu biệt giữa thể “thân mật” và thể “kính ngữ,” không liên quan đến số. Tuy thế ở Quận, các dạng kính ngữ từ lâu không còn sử dụng trong lời ăn tiếng nói thường ngày. Các đại từ ở thể này chỉ còn lại với những người làng, đặc biệt ở Tổng Tây, dùng làm từ trìu mến. Đấy là một trong những điểm người Gondor thường nêu ra khi bình phẩm về lối nói lạ lùng của Hobbit: chẳng hạn như Peregrin Took trong vài ngày mới đến Minas Tirith dùng đại từ thân mật gọi tất cả mọi người thuộc mọi cấp bậc, kể cả chính Chúa Denethor. Vị Quốc Quản già có lẽ thấy buồn cười, nhưng các người hầu hẳn đã rất kinh ngạc. Hiển nhiên chính việc dùng cách gọi thân mật quá thoải mái đã góp phần củng cố tin đồn rằng Peregrin là một người quyền cao chức trọng ở quê hương[1].

[1] Ở một đôi chỗ có cố gắng ám chỉ tới khu biệt này bằng cách sử dụng thou tuy không nhất quán. Đại từ này đến nay được coi là cổ và bất thường, nên chủ yếu đánh dấu cách dùng ngôn ngữ trang trọng; nhưng đôi lúc dùng thou, thee thay cho you, khi không còn cách nào khác, lại nhằm biểu thị sự thay đổi đáng chú ý từ thể kính ngữ, hay thể lịch sự giữa đàn ông và phụ nữ, sang thể thân mật. [Trong bản dịch tiếng Việt có thay đổi đại từ tương ứng tùy theo quan hệ giữa các nhân vật - BT.]

Có thể nhận thấy rằng một vài Hobbit như Frodo, hoặc một số nhân vật khác như Gandalf và Aragorn, không phải lúc nào cũng giữ nguyên phong cách nói. Điều này là có chủ ý. Những người có học và năng khiếu trong số Hobbit có biết chút ít “ngôn ngữ sách vở” như ở Quận gọi; họ để ý rất nhanh và bắt chước lối nói của những người mình gặp. Ngoài ra điều tự nhiên với những người hay xê dịch là chuyển sang nói chuyện ít nhiều giống như đối phương đang tiếp xúc, đặc biệt với những ai lúc nào cũng khổ sở che giấu xuất thân và dự định của mình như Aragorn. Nhưng thời đó tất cả mọi kẻ thù của Kẻ Thù đều tôn kính những di sản cổ xưa, về ngôn ngữ hay cả những điều khác, và tán thưởng chúng tùy theo trình độ. Dân Eldar xảo diệu ngôn từ hơn hết thảy, nắm vững rất nhiều phong cách, dù họ nói năng tự nhiên nhất bằng thứ Tây ngữ gần với ngôn ngữ gốc của mình, còn cổ điển hơn cả cách nói ở Gondor. Người Lùn cũng là một giống dân giỏi ăn nói, dễ hòa đồng cùng đối tượng chuyện trò, dù giọng họ nghe có phần thô gắt và nhiều âm hầu. Nhưng còn bọn Orc và Quỷ khổng lồ thì nói năng bừa bãi, chẳng hề yêu mến cả chữ nghĩa cũng như sự vật; phát ngôn của chúng thực tế còn đồi bại và bẩn thỉu hơn cả tôi thể hiện ở đây nữa. Tôi không cho là sẽ có nhiều người mong được biết diễn đạt chính xác hơn là như thế nào, dù các ví dụ mẫu cũng không thiếu, vẫn có thể nghe cách ăn nói không khác mấy ở cửa miệng những kẻ có tâm hồn Orc: nhạt nhẽo, trùng lặp, chứa đầy hận thù khinh bỉ, cách xa cái thiện quá lâu đến chẳng còn giữ được cả khí lực trong lời lẽ, trừ trong tai những kẻ chỉ coi tục tằn mới là mạnh mẽ.

Cách thức dịch này là chuyện tất yếu và bất khả kháng trong mọi văn bản nói về thời quá khứ. Người dịch ít khi đi xa hơn nữa. Nhưng tôi đã làm nhiều hơn thế. Tôi đã dịch cả những tên bằng Tây ngữ theo nghĩa của từ. Ở đầu trong cuốn sách này xuất hiện tên hoặc tước hiệu bằng tiếng Anh, ở đó cần hiểu là các tên bằng Ngôn Ngữ Chung đã thịnh hành vào thời ấy, song song với hoặc thay thế cho các tên bằng ngôn ngữ khác (thường là tiếng Tiên).

Các tên bằng Tây ngữ nói chung đều là cách dịch từ các tên xưa hơn: như Thung Đáy Khe, Nguồn Xám, Mạch Bạc, Cát Dài, Kẻ Thù, Tháp Tối. Một số tên có thay đổi về nghĩa: như Đỉnh Định Mệnh thay cho Orodruin “ngọn núi bốc cháy,” hay rừng Âm U thay Taur e-Ndaedelos “rừng nỗi sợ kinh hoàng.” Một số khác lại do tên Tiên biến dạng thành: như Lune và Bia Rum Đun xuất phát từ Lhûn và Baranduin.

Thao tác này có lẽ cần được bào chữa đôi chút. Tôi có cảm giác rằng để lại tất cả mọi tên như nguyên văn sẽ làm lu mờ một trong những đặc trưng cốt yếu thời kì đó, theo cách tri nhận của dân Hobbit (là điểm nhìn tôi cố gắng bảo lưu nhất ở đây): sự đối lập giữa một ngôn ngữ phổ thông, mà họ thấy bình thường và thân quen y như tiếng Anh với chúng ta, và chứng tích còn sống từ những thứ tiếng cổ xưa đáng tôn kính hơn nhiều. Nếu chỉ đơn giản làm việc phiên âm tất cả các tên, thì người đọc hiện đại sẽ thấy cả hai xa lạ ngang nhau: ví dụ nếu tên TiênImladris và cách dịch sang Tây ngữ Karningul đều để nguyên trong văn bản. Nhưng gọi Thung Đáy Khe là Imladris thì cũng như ngày nay gọi Winchester là Camelot, ngoại trừ vị trí là chính xác, hơn nữa ở Thung Đáy Khe vẫn còn cư ngụ một vị chúa danh tiếng, lâu đời vượt xa vua Arthur - giả sử ngài vẫn còn trị vì tại Winchester ngày nay.

Tên của Quận (Sûza) và mọi địa danh Hobhit khác vì thế đã được Anh hóa. Hầu hết các trường hợp không khó lắm, vì những tên ấy cũng thường cấu tạo từ những yếu tố như trong các địa danh thuộc loại đơn giản trong tiếng Anh; hoặc là những từ còn thông dụng như hill [đồi] hay field [đồng], có thể giản lược đôi chút như ton so với town [thị trấn]. Nhưng vài yếu tố, như đã lưu ý, lại xuất phát từ những từ Hobbit đã lâu không sử dụng; chúng được thể hiện bằng các yếu tố tương tự trong tiếng Anh, như wich hay bottle “nơi ở,” hay michel “lớn.”

Riêng về tên người, tên Hobbit ở Quận và Bree thời kì ấy có nhiều đặc thù riêng biệt, đáng chú ý nhất là thói quen hình thành cách đó vài thế kỉ, dùng lại tên trong phạm vi gia đình. Phần lớn các họ này đều có ý nghĩa hiển nhiên (trong ngôn ngữ thông dụng, vì xuất phát từ các biệt danh có tính đùa giỡn, hoặc địa danh, hoặc tên cỏ cây - đặc biệt ở Bree). Dịch những tên đó không có gì khó, nhưng vẫn còn lại một vài tên đã mất nghĩa, tôi đã bằng lòng chỉ Anh hóa về chính tả: như Took thay cho Tûk, hoặc Boffin thay cho Bophîn.

Với các tên riêng Hobbit, chừng nào có thể, tôi cũng làm theo cách ấy. Các con gái thường được người Hobbit đặt tên hoa hoặc đá quý. Các con trai thường đặt tên hoàn toàn không có nghĩa trong ngôn ngữ thường ngày; cả một số tên nữ cũng tương tự. Thuộc loại này có Bilbo, Bungo, Polo, Lotho, Tanta, Nina, vân vân. Đương nhiên sẽ có nhiều tên tình cờ giống các tên chúng ta đang dùng, hoặc biết tới, ngày nay: Otho, Odo, Drogo, Dora, Cora là một số ví dụ. Những tên này tôi giữ nguyên, dù thường Anh hóa bằng cách đổi nguyên âm cuối, vì trong tên Hobbit các từ có đuôi a là giống đực, còn o và e là giống cái.

Trong một số dòng họ lâu đời, đặc biệt thuộc chi Bì Bợt như nhà Took hay nhà Bolger, lại tồn tại tập quán đặt tên gọi rất kêu. Vì có vẻ phần lớn những tên đó lấy từ các truyền thuyết xa xưa, của cả Người lẫn Hobbit, và nhiều tên dù đã thành vô nghĩa với người Hobbit lại rất sát với các tên Con Người ở đồng bằng Anduin, thung lũng hay đất Mark, nên tôi đã đổi chúng thành các tên cổ, chủ yếu có nguồn gốc Frank hay Goth, mà nay ta vẫn dùng hay vẫn gặp trong sách sử. Như vậy ít nhất tôi vẫn giữ được sự đối lập thường rất hài hước giữa tên gọi và tên họ, mà chính người Hobbit cũng ý thức rõ. Các tên có gốc thần thoại ít khi đươc dùng, vì đóng vai trò tương tự tiếng Hy -La trong văn hóa Quận chỉ có các thứ tiếng Tiên, mà các tiếng đó người Hobbit hiếm khi dùng đặt tên. Ở thời điểm nào cũng chỉ có một số rất ít dân Quận biết “ngôn ngữ các vua,” như họ gọi.

Tên dân Trấn Hươu khác hẳn các dân Quận còn lại. Cư dân ở Chằm Lớn cùng nhánh bên kia dòng Bia Rum Đun ở rất nhiều điểm có sự dị thường, như trong sách đã kể. Hiển nhiên chính ngôn ngữ trước kia sử dụng trong chi Đại Cồ miền Nam đã để lại cho họ phần lớn trong số những tên kì cục đó. Những tên này tôi thường để nguyên không đổi, vì nếu bây giờ nghe chướng thì ngay từ hồi đó nghe đã rất trái tai. Cac tên đó có phong cách mà với chúng ta có lẽ phảng phất mùi “Celt.”

Vì sự bảo tồn các yếu tố ngôn ngữ xưa trong cách nói của chi Đại Cồ và con người Bree hao hao giống sự bảo tồn các yếu tố Celt ở Anh, nên đôi chỗ tôi đã bắt chước chất Celt khi dịch. Vì thế Bree, Combe (Coomb [Lòng Chảo]), Archet và Chetwood [rừng Chet] đều mô phỏng các dấu vết trong hệ danh pháp Anh, chọn theo nghĩa từ: bree “đồi,” chet “rừng.” Nhưng chỉ một tên người là đổi theo cách đó. Tên Meriadoc được chọn với lí do tên rút gọn của nhân vật này - Kali - trong Tây ngữ có nghĩa là “hớn hở, vui vẻ,” dù thực tế đấy là cách gọi tắt cái tên Trấn Hươu nay đã mất nghĩa, Kalimac.

Trong quá trình chuyển dịch, tôi không dùng tên có gốc Hebrew hay tương tự. Trong các tên Hobbit không có yếu tố nào tương ứng với yếu tố này trong tên gọi của chúng ta. Các tên ngắn như Sam, Tom, Tim, Mat thường gặp vì là cách gọi tắt của các tên Hobbit thực sự, như Tomba, Tolma, Matta, vân vân. Nhưng Sam và người cha là Ham có tên thật là Ban và Ran. Đấy là cách gọi tắt từ Banazîr và Ranugad, vốn là biệt danh có nghĩa “khù khờ, chất phác” và “ru rú xó nhà”; nhưng các từ đó không còn lưu lại trong cách nói thông dụng, chỉ còn giữ làm tên truyền thống trong một số gia đình. Vì thế tôi đã tìm cách bảo lưu đặc điểm ấy bằng cách dùng Samwise và Hamfast, là cách viết hiện đại hóa chữ tiếng Anh cổ samwís và hámfæst có nghĩa rất sát.

Đã đi xa đến thế trong quá trình hiện đại hóa và quen thuộc hóa ngôn ngữ và tên gọi Hobbit, tôi còn đẩy xa hơn nữa. Các ngôn ngữ Con Người có họ với Tây ngữ, như giờ tôi cảm thấy, cần chuyển sang các dạng có họ với tiếng Anh. Vì thế tôi đã cho ngôn ngữ Rohan dạng tựa như tiếng Anh cổ, vì nó vừa có liên hệ (xa xôi) với Ngôn Ngữ Chung, lại vừa (rất gần) với thứ tiếng trước kia của dân Hobbit miền Bắc, mà lại cổ hơn Tây ngữ. Trong cuốn Sách Đỏ đã vài lần ghi nhận rằng khi nghe dân Rohan trò chuyện, người Hobbit nhận ra nhiều từ và cảm thấy tiếng ấy rất gần gũi với tiếng mình, vì thế sẽ khá ngớ ngẩn nếu những từ ngữ và tên gọi riêng của Rohan lại xuất hiện trong dạng xa lạ.

Có vài trường hợp tôi đã hiện đại hóa dạng thức và chính tả của các địa danh Rohan: như trong Dunharrow [Dunharg] hay Snowbourn [Snawburna], nhưng cũng không nhất quán, vì tôi dựa theo người Hobbit. Họ cũng biến đổi theo cách đó những tên nào họ nhận ra các yếu tố cấu thành, hoặc nghe từa tựa như tên địa danh ở Quận; nhưng rất nhiều tên khác họ để lại, như tôi đã làm, ví dụ như Edoras “sân triều.” Cũng vì lí do ấy một số tên người cũng được hiện đại hóa, như Shadowfax [Bờm Bóng/ Scadufax] và Wormtongue [Lưỡi Giun][2].

[2] Đây chỉ là một quyết định thuần ngôn ngữ, không hề có ý so sánh người Rohirrim với người Anh cổ về các mặt khác, văn hóa hay nghệ thuật, vũ khí hay tập tục chiến trận, chỉ trừ những điểm thông thường do hoàn cảnh chung: một dân tộc giản dị, ban sơ hơn sống gần gũi với một nền văn hóa phát triển rực rỡ, đáng trọng hơn, trên lãnh thổ xưa kia nằm trong địa phậo nền văn hóa đó.

Đồng hóa theo cách này cũng là phương án thuận tiện khi cần thể hiện những từ ngữ địa phương đặc thù Hobbit có gốc miền Bắc. Chúng đã được cho các dạng biến đổi khả thể từ những chữ tiếng Anh nay đã mất, nếu còn lại được đến nay. Vì thế mathom có dụng ý gợi lại từ Anh cổ máthm, mô phỏng quan hệ thực tế giữa từ kast Hobbil và kastu Rohan. Tương tự, smial (hay smile) “hang hốc” là dạng phái sinh khả thể của smygel, rất phù hợp phản ánh quan hệ giữa H. trân với R. trahan. Sméagol và Déagol cũng tạo theo cách đó làm từ tương đương với các tên Trahald “đào hang, luồn lách vào” và Nahald “bí mật” trong ngôn ngữ miền Bắc.

Tiếng dùng ở thành bang thung lũng, còn xa về Bắc hơn nữa, trong sách này chỉ gặp trong tên các Người Lùn quê ở đó, nói tiếng Người vùng đó và dùng đặt “ngoại danh” cho mình. Có thể nhận xét thêm là trong cuốn này, cũng như trong Anh chàng Hobbit, sử dụng dạng dwarves cho Người Lùn, dù trong từ điển vẫn ghi dạng số nhiều của dwarf phái là dwarfs. Chính xác ra phải là dwarrows (hay dwerrows), nếu cả số ít và số nhiều đều chu du theo chiều dài năm tháng, như cặp đôi man và men [người], hay goose và geese [ngỗng]. Nhưng ngày nay chúng ta không còn nói về người lùn thường xuyên như nói về người hay ngỗng, và kí ức Con Người không còn tươi mới tới mức bỏ công ghi nhớ dạng số nhiều đặc biệt cho một chủng tộc nay đã bị đẩy vào lĩnh vực truyện thần tiên, nơi ít nhất còn giữ được cái bóng của sự thật, hoặc cuối cùng vào những truyện nhảm nhí nơi các “chú lùn” bị lấy làm đối tượng cợt nhả. Nhưng vào Kỉ Đệ Tam, cá tính và oai phong trước kia vẫn còn hiển hiện phần nào nơi họ, dù đã có phần mờ bớt; họ là hậu duệ dân Naugrim thời Cựu Niên, trong tim còn cháy ngọn lửa thượng cổ của đức Aulë Thợ Rèn, và than hồng còn ngún khói từ mối hiềm kị dài lâu với dân Tiên; trong bàn tay còn sống động nghề xây đá chẳng ai từng đọ nổi.

Chính vì cớ đó tôi đã mạnh dạn dùng dạng dwarves, mong tách họ phần nào khỏi những câu chuyện ngớ ngẩn vào thời muộn màng này. Nếu để dwarrowscòn tốt hơn, nhưng dạng đó chỉ dùng trong tên Dwarrowdelf [Mỏ Quặng Lùn], dịch tên của Moria trong Ngôn Ngữ Chung: Phurunargian. Vì từ đó có nghĩa là “nơi đào mỏ của Người Lùn,” và mặt chữ đã đủ là dạng cổ. Nhưng Moria thì là tên tiếng Tiên, cái tên đặt không có tình yêu; vì dân Eldar, dù khi hoàn cảnh bắt buộc trong những cuộc chiến cam go với Thế Lực Hắc Ám và bè lũ vẫn xây dựng nhiều pháo đài dưới đất, lại không tự nguyện sống ở những nơi như thế. Họ dành tình yêu cho mặt đất xanh và ánh sáng trời; và Moria trong tiếng của họ nghĩa là Vực Đen. Nhưng chính Người Lùn, và ít nhất có cái tên này không bao giờ bí mật, lại gọi nó là Khazad-dûm, Đại Sảnh của dân Khazâd; vì đấy là cái tên họ tự gọi giống nòi mình, gọi từ khi Aulë ban tên ấy khi nhào nặn nên họ trong những đáy sâu thời gian.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Elves [Tiên] đã được dùng để dịch cả chữ Quendi “loài biết nói,” cái tên Thượng Tiên chỉ chung chủng tộc họ, lẫn Eldar, tên chỉ Tam Tộc đã lên đường tìm Vương Quốc Bất Tử và đến nơi khi Thời Gian bắt đầu (trừ tộc Sindar). Chữ cổ này thực tế là chữ duy nhất dùng được, và xưa kia từng rất thích hợp để chỉ những gì kí ức Con Người còn lưu giữ về họ, hoặc trí tưởng tượng Con Người còn thêu dệt không sai khác hoàn toàn. Nhưng chữ này đã trở nên hạ tiện, và đối với nhiều người ngày nay chỉ còn gợi nhắc đến những sinh linh tưởng tượng, xinh xẻo hoặc ngớ ngẩn, nhưng đều khác với dân Quendi thuở xưa như bướm khác chim ưng thoăn thoắt - dù chẳng phải dân Quendi có bao giờ mọc cánh trên người, cái đó với họ cũng trái tự nhiên chẳng khác nào với Con Người. Họ là một chủng tộc cao quý và tuyệt đẹp, là lứa Con Đầu của thế giới; và trong số họ dân Eldar có địa vị như những vì vua chúa, mà nay không còn: Dân Tộc của Hành Trình Vĩ Đại, Dân Tộc của Muôn Sao. Họ đều cao, da trắng và mắt xám, dù những búp tóc đều màu thẫm, chỉ trừ trong gia tộc tóc vàng của Finarfin[3]; giọng họ du dương hơn bất kì giọng người trần nào bây giờ còn nghe thấy. Họ đều quả cảm, nhưng lịch sử của những ai trở về Trung Địa tha hương lại chứa đầy sầu khổ; và dù trong thuở xa vời đã có dạo song hành cùng số phận các Tổ Phụ, nhưng số phận họ vẫn không chung với Con Người. Thời đại thống trị của họ đã trôi qua lâu lắm rồi, và giờ đây họ sống bên ngoài những vòng biên thế giới, không bao giờ trở lại.

[3] [Những miêu tả về khuôn mặt và màu tóc này thực tế chỉ đúng với tộc Noldor: xem The Book of Lost Tales, Part One.]

Lưu ý thêm về ba tên: Hobbit, Gamgee và Brandywine.

Hobbit là một từ đặt mới. Trong Tây ngữ, từ được sử dụng trong dịp hiếm hoi nào nhắc tới giống dân này là banakil “người tí hon.” Nhưng tới thời ấy dân ở Quận và Bree dùng kuduk, một từ không thấy ở bất kì đâu khác. Tuy nhiên Meriadoc đã có chép lại rằng Vua Rohan dùng chữ kûd-dûkan “dân ở hốc.” Vì dân Hobbit xưa kia dùng thứ tiếng rất gần gũi với người Rohirrim, như đã nói, nên rất có khả năng kuduk đã là dạng tỉnh lược của kûd-dûkan. Chữ này tôi đã dịch là holbytla, theo những lí do nêu trên; và hobbit là dạng tỉnh lược khả thể của holbytla, nếu chữ này từng tồn tại trong ngôn ngữ Anh cổ.

Gamgee. Theo truyện kể gia đình có viết trong cuốn Sách Đỏ, thì họ Galbasi, dạng lược là Galpsi, vốn xuất phát từ làng Galabas, vẫn được cho là phái sinh từ galab- “game” [thú săn] và một yếu tố cổ là bas-, gần tương đương với wick, wich trong tiếng Anh. Gamwich (phát âm như Gammidge) như vậy có vẻ là phương án chuyển đổi khá xác đáng. Tuy thế, cách giản lược Gammidgy thành Gamgee để phản ánh Calpsi không hề có ý ám chỉ quan hệ của Samwise với gia đình Cotton [Xóm Lá], dù cách nói đùa kiểu ấy cũng khá hợp với người Hobbit, giả thử ngôn ngữ của họ tạo điều kiện.

Cotton thực tế là thay thế Hlothran, tên làng khá phổ biến ở Quận, phái sinh từ hloth “chốn ở hoặc hốc có hai buồng” và ran (u) nghĩa là một nhóm các hốc như vậy trên sườn đồi. Dùng làm họ, chữ này có thể là kết quả biến đổi từ hlothram (a) “người sống ở hloth.” Hlothram, tôi đã để là Cotman [Nhà Lá], là tên của ông nội Lão nông Xóm Lá.

Brandywine. Tên Hobbit đặt cho con sông này là biến âm của chữ Tiên Baranduin (trọng âm ở and), phái sinh từ baran “nâu vàng” và duin “sông (lớn).” Brandywine [Bia Rum Đun] có vẻ là kết quả biến âm tự nhiên từ Baranduin trong thời hiện đại. Trong thực tế, cái tên cũ của Hobbit đặt cho là Branda-nîn“sông biên giới,” vì thế dịch Marchbourn [Dòng Biên] thì hợp hơn, nhưng do một câu đùa đã thành quen, cũng lại chỉ màu nước sông, tói thời này con sông thường gọi là Bralda-hîm “bia váng dầu.”

Tuy nhiên cần lưu ý thêm là khi nhà Lão Hươu (Zaragamba) đổi tên thành Hươu Bia Rum (Brandagamba), yếu tố đứng trước có nghĩa là “đất biên giới,” và dịch Marchbuck [Hươu Biên] sẽ sát hơn. Chỉ có Hobbit nào bạo gan lắm mới dám gọi ông chủ Trấn Hươu là Braldagamba mà để ông nghe thấy.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên :

Sienna – Bupbecaumua – tuongmy

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)​


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx