sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Biến động tại hàn hải

Người bất thần xuất hiện ấy là ai?

Thì ra, bóng người đó chính là vị chưởng môn của phái Hoa Sơn, một người đang tràn đầy căm hận đối với Kim Cô Lâu và không ngớt truy tìm hầu thanh toán mối hận đó.

Trong khi lão ta chưa kịp đứng vững đôi chân, thì đã vung tay tuốt thanh trường kiếm xuống nghe một tiếng “rẻng”, rồi nhanh nhẹn vung lên gây thành một đạo kình phong rít gió nghe vèo vèo.

Gia Cát Ngọc hết sức kinh hoàng, nhanh nhẹn lách mình tránh ra xa ba bước.

Nhưng, ba nhân vật đang đứng vây quanh chàng đều là bậc tôn sư của một môn phái trong võ lâm cả. Bọn họ lúc ấy đều đang tràn đầy sự căm hờn tức giận, vậy nào để cho chàng thoát đi một cách dễ dàng?

Tiềm Long của phái Thiếu Lâm nhanh nhẹn vung ngọn thiền trượng trong tay lên, rồi tràn tới ba bước, trợn to đôi mắt như muốn nuốt sống Gia Cát Ngọc.

Nhất Diệp đạo trưởng của phái Võ Đương cũng vung tay vuốt thanh “Ngân hồng kiếm” ra khỏi vỏ nghe một tiếng “rẻng”, đôi chân đứng thành chữ bát trong khi đôi tay vận chân lực tập trung tinh thần để sẵn sàng giao tranh.

Đại Hoang Chân Nhân của phái Hoa Sơn thì trông hung tợn chẳng khác chi một con cọp đang nổi cơn điên, nhanh nhẹn sử dụng ngay những thế kiếm tuyệt học trong “Thông thiên kiếm pháp” gây thành ba đạo ánh sáng chói ngời, trông chẳng khác nào những đóa ngân hoa, bắt từ trên đầu Gia Cát Ngọc tuôn đổ xuống như một vầng tuyết trắng.

Gia Cát Ngọc bị thế công của lão ta bắt buộc thối lui ra sau không ngớt. Tuy nhiên, cá tính bướng bỉnh của chàng cũng cùng một lúc với thế kiếm của Đại Hoang Chân Nhân công tới, nổi dậy mạnh mẽ hơn.

Do đó, đôi mày lưỡi kiếm của chàng liền nhướng cao, quát rằng:

– Tại hạ đã cố gắng nhẫn nhịn đến đây, nếu tiền bối không chịu đoán mọi việc cho rõ ràng thì xin chớ trách vãn bối tại sao vô lễ đó.

Đại Hoang Chân Nhân nghe qua lời nói của chàng, liền cất tiếng cười giận giữ nói:

– Kim Cô Lâu. Dù cho miệng lưỡi của ngươi có khôn khéo đến mực nào, ngày hôm nay cũng không mong gì được bần đạo tha cho đâu.

Hai tiếng “tha cho” rõ ràng là có phần lớn lối, do đó Gia Cát Ngọc vừa nghe qua, lại nhướng cao đôi mày và hiện lên một vẻ lạnh lùng đáng sợ, rồi cất tiếng to “Hừ” một lượt qua giọng mũi, nói:

– Tiền bối nếu cứ dồn ép mãi, thì tại hạ chỉ còn phải bước ra lãnh giáo tuyệt học từng làm rung động cả giới giang hồ từ bấy lâu nay của phái Hoa Sơn mà thôi.

– Hừ, hừ. Nếu thế thì ngươi hãy tuốt binh khí ra đi nào.

– Tại hạ chỉ dùng đôi chưởng bằng xương bằng thịt này để dượt thử với “Thông thiên kiếm pháp” thôi.

Đại Hoang Chân Nhân là một người ngạo mạn, thế mà câu nói của Gia Cát Ngọc càng tỏ ra ngạo mạn hơn. Chẳng những câu nói ấy của chàng có vẻ ngạo mạn, mà đồng thời lại xem đối phương không ra gì cả. Vậy, thử hỏi Đại Hoang Chân Nhân, một trưởng thượng của một môn phái lớn trong võ lâm nào lại chịu được lời lẽ và thái độ đó?

Chính vì vậy mà câu nói của chàng chẳng khác nào lửa đang cháy mà lại chế thêm dầu, khiến Đại Hoang Chân Nhân tức giận đến khuôn mặt tái xanh, cất giọng lạnh lùng cười nói:

– Nếu nói như vậy, thì bần đạo xin sẵn sàng lĩnh giáo thôi.

Câu nói vừa dứt thì thế kiếm của lão ta cũng liền vung ra, dùng thế “Nhật lạc hoa tàn” gây nên năm đóa hoa kiếm to bằng cái thúng, đồng thời kình khí cũng theo đó rít lên vèo vèo buốt cả da thịt, nhắm thẳng năm đại huyệt trên người của Gia Cát Ngọc công tới.

Lão ta biết Gia Cát Ngọc là người có chân tài thực học, nên tuy đang cơn giận dữ nhưng vẫn không hề dám xem thường. Trong khi thế kiếm chưa công đến nơi, thì chưởng trái của lão ta lại nhanh nhẹn đánh ra liên tiếp ba chưởng, với một luồng kình lực mạnh mẽ không thể tả.

Gia Cát Ngọc liền thét dài rồi nhanh nhẹn rùn thấp thân người, tay trái dùng “Cửu môn tuyệt hộ chưởng” trong khi tay phải sử dụng Thiên Ma Chỉ và đôi chân không hề xê dịch, đôi vai không hề lắc, công trả ba thế võ tới tấp vô cùng kỳ tuyệt.

Cửu môn tuyệt hộ chưởng của chàng đã gây thành những luồng kình phong dấy động ầm ầm như sấm nổ, khiến tà áo của mọi người chung quanh đều bị tung bay và giũ nghe rèn rẹt. Trong khi đó, Thiên Ma Chỉ bắn ra những luồng kình khí vèo vèo thực kỳ ảo khó đoán.

Bởi thế, những thế kiếm vô cùng mãnh liệt và cao siêu của Đại Hoang Chân Nhân chỉ trong chớp mắt là đều bị phá vỡ tất cả. Đồng thời, lão ta lại nhanh nhẹn nhảy lùi năm bước dài để tránh thế phản công của Gia Cát Ngọc.

Tức thì, khung cảnh xung quanh đều trở thành im phăng phắc. Tiềm Long đại sư cũng như Nhất Diệp đạo trưởng đều kinh hoàng thất sắc, đứng trơ người ra như gỗ.

Lúc bấy giờ đêm đã khuya, trên nền trời sao thưa không ngớt nhấp nháy, một vầng trăng lưỡi liềm đang treo ngược lơ lửng trên không gian. Trong Vân Gia Bảo gió lạnh không ngớt thổi vi vu, đâu đó cũng nồng nặc mùi tanh máu, lại càng làm cho khung cảnh đêm khuya trở thành đáng ghê rợn hơn.

Đêm khuya tĩnh mịch, côn trùng xa xa không ngớt kêu rả rích. Nhưng bên trong khung cảnh tĩnh mịch ấy, lại đang tràn đầy không khí ngột ngạt và căng thẳng, khiến ai nấy không ngớt hồi hộp đợi chờ một cái gì diễn biến đáng sợ...

Bởi thế, sắc mặt của số người hiện diện đều nghiêm trang và lo lắng. Trong lòng của họ bao nhiêu ý nghĩ đang nổi lên cuồn cuộn như sóng to ngoài biển cả.

Đồng thời, cũng đang căng thẳng như một sợi dây đàn. Do đó, không khí chung quanh vô cùng ngột ngạt, cơ hồ có thể nghe rõ quả tim đang nhảy từng nhịp của người?

Tiềm Long đại sư đưa ngang ngọn thiền trượng, trong khi cánh tay cũng dồn đầy nội lực từ từ bước tới trước. Cứ mỗi một bước của lão ta đều nghe rõ được tiếng xào xạc dưới chân và mặt đá xanh lót trên đất cũng theo với từng bước chân ấy bị nghiền nát tung bay ra thành vô số mảnh vụn.

Thanh “Ngân hồng kiếm” của Nhất Diệp đạo trưởng không ngớt chiếu lập lòe dưới bóng trăng nhợt nhạt. Lão ta cũng đưa chân bước từ từ tới trước và bước chân nhẹ nhàng như một con mèo đang rình chuột, không hề gây nên một tiếng động khẽ.

Tuy nhiên, trên mũi kiếm của lão ta kình khí không ngớt rít vèo vèo, thực chẳng khác gì một nồi nước đang sôi sục. Đồng thời, cùng một lúc với tiếng rít ấy, lại có những vầng khói trắng bốc ra từng sợi một, chứng tỏ lão ta đang tập trung toàn thể chân lực trong người, sẵn sàng đánh nhau quyết liệt một mất một còn với đối phương.

Riêng Đại Hoang Chân Nhân, một con người vừa bị Gia Cát Ngọc đánh lui, thì đôi mắt đang nảy lửa đưa ngang lưỡi kiếm trước mặt cũng như xòe thẳng đơn chưởng lên, trông bén nhọn như một lưỡi dao thần, mũi thở hổn hển, đôi chân từ từ bước thẳng tới.

Ba vị chưởng môn của ba môn phái lớn trong võ lâm lúc bấy giờ đã xem Gia Cát Ngọc là một tên ma đầu đáng sợ, quyết tâm phải diệt trừ cho bằng được mới hả lòng. Do đó, họ sẵn sàng hy sinh danh vọng bấy lâu nay, hầu hợp lực vây đánh để hạ sát người thiếu niên trước mặt mình.

Gia Cát Ngọc biết sức vây đánh của ba người tất chẳng phải là thầm thường, nhưng cá tính của chàng vốn rất bướng bỉnh nên nào chịu tỏ ra sợ sệt?

Bởi thế, sau một tiếng “rẻng”, chàng đã vung tay tuốt thanh đoản kiếm quý báu nhất trong đời siết chặt vào lòng bàn tay, rồi rung qua một lượt, cất giọng lạnh lùng cười ngạo nghễ nói:

– Các phái Võ Đương, Hoa Sơn và Thiếu Lâm từ bấy lâu nay tự cho mình là danh môn chính phái, thế mà hôm nay xem qua rõ ràng chỉ là bọn người hồ đồ, chẳng biết gì là phải quấy. Ha ha. Gia Cát Ngọc tôi hôm nay thử chống mắt xem cho biết tài nghệ của các ông cao cường tới đâu?

Câu nói ấy vừa thốt ra khỏi miệng thì đã xé tan bầu không khí tĩnh mịch nằng nề chung quanh. Ba vị chưởng môn sắc mặt đều bừng đỏ, nhưng liền ngay đó cả ba đồng thanh gằn giọng quát to đầy giận dữ.

Đại Hoang Chân Nhân của phái Hoa Sơn nhanh nhẹn hơn hết, vung lưỡi kiếm lên như một con rồng lồng lộn giữa không trung, gây nên ánh thép sáng ngời đi đôi với một ngọn kình phong cuốn thẳng về phía Gia Cát Ngọc.

Thế kiếm ấy chính là một thế tuyệt học trong “Thông thiên kiếm pháp”. Thủ pháp của lão ta kỳ tuyệt khó lường, cũng như thế kiếm diễn biến không ai ngời trước được. Xưa kia, chẳng biết bao nhiêu nhân vật hắc đạo đã bị mất mạng dưới thế kiếm tuyệt học của lão ta. Giờ đây, lão ta lại tái xuất giang hồ và thế kiếm đó lại được sử dụng một cách vững vàng kỳ tuyệt hơn trước nữa.

Tiềm Long đại sư thấy Đại Hoang Chân Nhân ra tay đánh nhau với đối phương thì nhanh nhẹn tràn tới, sử dụng ngay thế “Trượng trảo ngũ nhạc” đi đôi với một luồng chưởng phong cứng rắn mãnh liệt, công thẳng về phía chàng chẳng khác gì trời long đất lở.

Hai vị ấy đã tràn tới tấn công thì Nhất Diệp đạo trưởng nào chịu khoanh tay đứng nhìn? Do đó, lão ta vai không hề lắc, thân hình không hề di động là đã lướt thẳng tới nhẹ nhàng như một cọng liễu bay trước gió. Tức thì thanh trường kiếm trong tay của lão ta cũng vung thẳng ra, dùng ngay một thế tuyệt học trong “Thiên cang kiếm” đánh ra luôn hai thế võ hiểm hóc. Và tiếp đó, lão ta cũng sử dụng ngay đến hai thế tuyệt học “Phong động trường hà thiên xích đằng” và “Vân tỏa thanh sơn vạn trượng nham” công thẳng về phía Gia Cát Ngọc.

Bởi thế, cuồng phong liền dấy động ầm ầm, gió lạnh buốt cả da thịt chẳng khác chi một bức tường bằng sắt thép, từ bốn phương tám hướng cuốn thẳng về phía chàng.

Gia Cát Ngọc hết sức kinh hoàng, quát to lên một tiếng, rồi sử dụng toàn bộ “Cửu cửu huyền công”, tay trái tựa hồ như đỡ vào thế công của đối phương, trong khi chưởng phải đánh thẳng về phía trước một cách mãnh liệt, vừa điểm lại vừa chém, vừa chụp lại vừa khóa.

Chỉ trong chớp mắt là chàng đã đánh ra ba thế võ, đồng thời chàng diễn biến luôn chín lần một cách kỳ diệu.

Gia Cát Ngọc quả không hổ danh là một bậc kỳ tài trong võ lâm, trong khi chàng chống trả với Đại Hoang Chân Nhân của phái Hoa Sơn thì thanh “Phỉ Thúy Hàn Tinh Tỷ” cũng nhanh nhẹn đỡ thẳng vào thế kiếm của Nhất Diệp đạo trưởng.

Chàng đã vận dụng toàn bộ chân lực trong người để chống trả với Đạo Môn Song Kiếm. Và khi thế võ của đôi bên va chạm thẳng vào nhau, thì quả tim của chàng không ngớt nhảy nghe thình thịch, đôi chân của chàng không ngớt lảo đảo thối lui liên tiếp năm bước.

Sau đó, khi chàng gượng đứng vững lại được, thì ngọn thiền trượng của Tiềm Long đại sư cũng đã quét ngang đến nơi. Xem ra nếu ngọn thiền trượng ấy lướt tới, chắc chắn Gia Cát Ngọc đành chịu tan xương nát thịt, chết ngay tại chỗ...

Nhưng thốt nhiên, sau một tiếng “hự” khô khan, tức thì chân trái của chàng đã lách ngang nửa bước, và chân phải đã xoay tròn cả thân người, đồng thời lưỡi “Phỉ Thúy Hàn Tinh Tỷ” trên tay chàng cũng chém xéo tới, chưởng trái cũng quét thẳng ra. Chàng đã dùng một thế võ nhưng đánh thành hai miếng để đỡ thẳng vào thế công của Tiềm Long đại sư.

Do đó, sau một tiếng nổ ầm thực to, thì đôi vai của đôi bên đều chao động mạnh, đồng thời đều bị hất lui ra sau tám bước dài.

Sau đó, sắc mặt của Tiềm Long đại sư đã trở thành tái nhợt, hơi thở không ngớt hổn hển...

Nhưng, Gia Cát Ngọc vì phải vận dụng toàn lực để chống trả với ba cao thủ tuyệt đỉnh trong võ lâm, nên liền “ụa” lên một tiếng to rồi hộc ra một ngụm máu tươi đỏ cả vạt áo.

Trong khi đó, Nhất Diệp đạo trưởng cũng như Đại Hoang Chân Nhân đều đang kinh hoàng trước võ công của Gia Cát Ngọc, máu huyết trong người đang cuồng loạn tơi bời. Tuy nhiên, bọn họ nhìn thấy Gia Cát Ngọc bị trọng thương liền có ngay ý nghĩ là nhổ cỏ phải nhổ cho tận gốc, nên đồng thanh quát to lên một tiếng, rồi hai lưỡi kiếm trong tay hai lão ta lại công tới mãnh liệt.

Song kiếm của hai vị đạo sĩ lừng danh về kiếm thuật này khi hợp lực để tấn công, thì chẳng những vô cùng ác liệt, biến hóa khó lường mà lại hết sức chặt chẽ, cuốn tới cuồn cuộn như dòng nước đại giang, dù cho mưa to gió lớn cũng không làm sao xâm nhập được màn kiếm quang của họ.

Gia Cát Ngọc lúc bấy giờ đang tràn đầy sự căm giận nên giương đôi mắt to, cất tiếng thét dài rồi thanh “Phỉ Thúy Hàn Tinh Tỷ” trong tay phải cũng như chưởng lực nơi tay trái cùng một lúc công trả mãnh liệt, khiến gió lạnh trên lưỡi đoản kiếm rít nghe vèo vèo, chưởng phong cũng dấy động ầm ầm vì được chàng sử dụng toàn bộ chân lực đánh ra.

Trong khi mũi kiếm của chàng chưa va chạm vào lưỡi kiếm của đối phương, thì kiếm khí đã công thẳng tới nơi gây thành một tiếng nổ ầm như trời long đất lở, khiến cả thân người của Đạo Môn Song Kiếm đều chao động lảo đảo bước dài ra sau liên tiếp ba bước.

Trong khi đó, Gia Cát Ngọc vẫn đứng sững y nguyên một chỗ, nhưng phiến đá xanh lót dưới chân chàng đã bị chàng giẫm thành những mảnh vụn tan nát.

Tuy nhiên, chính vì chàng cố đứng yên một chỗ không chịu thối lui, nên đã làm cho thương thế của chàng trở thành trầm trọng hơn. Chàng “ụa” lên liên tiếp hai tiếng, rồi máu tươi từ trong miệng vọt ra xối xả khiến cho vạt áo ướt đẫm và đỏ hồng...

Tiềm Long đại sư phá lên cười to như điên dại, nói:

– Kim Cô Lâu. Tất cả ba mươi mạng người trong gia đình Vân Thê đệ tử tại gia của phái Thiếu Lâm đều bị mất mạng dưới tay ngươi, vậy giờ đây người nên đền mạng lại cho họ.

Tiếng cười của lão ta sắc bén như dao, lạnh lùng như băng giá. Và nhanh như chớp, lão ta vung ngọn thiền trượng lên, sử dụng ngay thế “Trực đảo hoàng long”.

nhắm ngay lồng ngực của Gia Cát Ngọc quét thẳng tới.

Thế võ ấy trông thật tầm thường chẳng có gì biến hóa hay kỳ tuyệt, nhưng lúc bấy giờ Gia Cát Ngọc đã bị trọng thương, trong người đã kiệt sức nên xem ra ngọn thiền trượng ấy công tới chắc chàng không làm sao chống trả nổi. Tuy nhiên giữa cơn phẫn nộ, chàng vẫn phá lên cười như điên dại, nói:

– Trời cao không có mắt, vậy tôi biết nói sao bây giờ? Thôi ông hãy xuống tay đi.

Nói đoạn, chàng liền nhắm nghiền đôi mắt trong khi đôi tai nghe gió lạnh rít vèo vèo. Nhất Diệp đạo trưởng và Đại Hoang Chân Nhân đứng cạnh đấy cũng đang tràn đầy sát khí, nhanh nhẹn vung trường kiếm đâm thẳng vào người chàng.

Giữa lúc mũi kiếm của đối phương vừa chạm đến lớp áo ngoài và sự chết sống của chàng chỉ còn trong đường tơ kẽ tóc, thì bất thần nghe một tiếng quát to rồi lại thấy hai bóng người từ trên không lao thoắt tới. Hai bóng người ấy chưa phi thân đến nơi thì đã nhanh nhẹn vung tay đánh ra gây thành hai đạo kình phong như xô bạt được cả núi đồi, nhắm ngay Đạo Môn Song Kiếm và Tiềm Long đại sư cuốn tới, hất lùi họ ra xa tám bước dài.

Ba người ấy đều là bậc tôn sư của những môn phái lớn trong võ lâm, lúc bấy giờ tuy đã thấm mệt nhưng dù sao cũng không dễ gì chỉ quét ra một chưởng là đẩy lui được họ như vậy.

Thế người vừa đến ấy là ai mà lại có một trình độ võ công cao cường đến mức đó?

Bốn người hiện diện không ai bảo ai, đều giương to đôi mắt để nhìn...

Và sau khi trông thấy kỹ đối phương là ai rồi, thì trong lòng Gia Cát Ngọc bỗng cảm thấy nhẹ nhõm. Trái lại, ba người kia thì không khỏi kinh hoàng thất sắc.

Thì ra, hai bóng người vừa bất thần xuất hiện đó đều là những nhân vật lừng danh như Thái Sơn Bắc Đẩu trong võ lâm cả. Một người chính là Cùng Thần Công Tôn Xú và người kia chính là Túy Quỷ Thương Huyền.

Đại Hoang Chân Nhân sau khi kinh hoàng, liền vội vàng lên tiếng nói:

– Kim Cô Lâu và phái Hoa Sơn chúng tôi có một mối hận thù sâu như bể cả, vậy nhị vị nếu có rảnh mà can dự vào việc không đâu như vậy thì chớ trách Đại Hoang tôi sao không nể mặt nhị vị đó.

Cùng Thần cười ha hả nói:

– Đại Hoang lão đạo. Ông chớ nên ăn nói bừa bãi như vậy. Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân, vậy ông chưa có đủ chứng cớ xác đáng, tại sao lại gán vội tội cho kẻ khác một cách bừa bãi như thế?

Nhất Diệp đạo trưởng cất giọng lạnh lùng, cười nói:

– Công Tôn đại hiệp được liệt vào hàng Ngũ Bá, vậy không đến nỗi lại không thể nhận xét được mọi việc một cách phân minh. Kim Cô Lâu đã từng đang đêm xâm nhập vào Võ Đương sơn nổi lửa thiêu rụi Thượng Thanh Cung, vậy chả lẽ đấy còn là một việc không xác đáng nữa hay sao?

Túy Quỷ Thương Huyền nghe qua, liền cất tiếng cười to nói:

– Đúng thế. Kim Cô Lâu quả từng đang đêm xâm nhập vào Võ Đương sơn, nhưng việc nổi lửa đốt cháy Thượng Thanh Cung ấy chính là hành động của một kẻ khác. Vậy tại sao ông lại vu oan giá họa cho người ta không biết xấu hổ sao?

Nhất Diệp đạo trưởng nghe qua lời nói đó thì không khỏi sửng sốt. Tiềm Long đại sư cũng cất tiếng lạnh lùng, cười nói:

– Mọi việc xảy ra tại Võ Đương sơn và Hoa Sơn, dù cho là hành động của một kẻ khác đi nữa nhưng riêng việc cả nhà Vân Thê, tức đệ tử tại gia của phái Thiếu Lâm tôi đây, bị sát hại như vậy chẳng lẽ lại không phải là hành động của thằng ranh này hay sao?

– Đại sư có được mục kích mọi việc xảy ra chăng?

– Tuy tôi chẳng hề mục kích, nhưng chính tai tôi đã nghe lời nói của hắn.

– Tôi sẵn sàng nghe ông giãi bày cặn kẽ về việc đó.

– Khi bần tăng vừa đến đây thì mọi hành động tàn ác của Kim Cô Lâu vừa mới xong, nhưng tựa hồ tên ma đầu này chưa hả cơn tức giận nên bảo là sẽ truy tìm những người còn sống sót để giết cho Vân Gia Bảo không còn một mạng nào mới nghe.

– Lời nói ấy có đúng sự thật không?

– A Di Đà Phật. Ngươi xuất gia thì không khi nào nói dối bao giờ.

Mặc dù trong võ lâm những sự gian manh đâu đâu cũng có, nhưng nếu bảo một vị chưởng môn đường đường của phái Thiếu Lâm lại đặt điều nói láo, thì chắc chắn không thể có được. Chính vì vậy Cùng Thần và Túy Quỷ nghe qua không khỏi giật nảy mình, quay mặt nhìn thẳng về phía Gia Cát Ngọc.

Lúc bấy giờ, Gia Cát Ngọc đang ngồi bẹp trên đất đôi mắt nhắm nghiền, lo vận dụng “Cửu cửu huyền công” để chữa trị thương thế. Đôi mắt của chàng khi ấy mở to thì chiếu ánh sáng tinh anh trông thần sắc uy nghi khiến ai cũng không khỏi kiêng nể, nào có vẻ gì là một tên gian manh hành động gian ác đâu.

Cùng Thần cất tiếng to, cười nói:

– Xin ba vị chưởng môn hãy sáng suốt. Theo Cùng Thần tôi phán đoán thì việc này chắc chắn có mưu gian gì đây. Vậy xin ba vị hãy nể mặt anh em chúng tôi bỏ qua việc trong ngày hôm nay và đợi đến kỳ đại hội trong đêm Trung Thu, tôi hứa Kim Cô Lâu sẽ trưng đủ bằng chứng để ba vị thấy rõ nỗi hàm oan này.

Ba người là bậc tôn sư của võ lâm, lẽ tất nhiên đều biết được Cùng Thần và Túy Quỷ là những con người võ công phi thường, nếu không bằng lòng thì e rằng hai người ấy sẽ tức giận, hành động liều lĩnh thì tất hậu quả tai hại vô cùng, do đó dù cho họ không bằng lòng cũng không được.

Nhất Diệp đạo trưởng, Đại Hoang Chân Nhân và Tiềm Long đại sư bất giác đưa mắt nhìn nhau một lượt, Đại Hoang Chân Nhân và Tiềm Long đại sư bất đắc dĩ phải khẽ gật đầu trong khi Nhất Diệp đạo trưởng cất giọng ôn tồn nói:

– Nếu Cùng Thần và Túy Quỷ bằng lòng đứng ra chịu trách nhiệm đối với việc này, thì ba phái chúng tôi còn có gì để nói nữa? Song, nếu trong đêm Trung Thu hắn ta không trưng đủ bằng cớ để biện minh mọi nghi vấn, thì...

– Thì hai chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Cùng Thần và Túy Quỷ nói chưa dứt lời thì nhanh nhẹn phi thân đến đứng sát hai bên tả hữu của Gia Cát Ngọc, không ai bảo ai nhanh nhẹn thò tay ra nắm lấy hai cánh tay của chàng và trải qua một khoảng thời gian độ dùng xong một chung trà thì hai lão ta đồng thanh quát to rằng:

– Mau đi.

Tức thì, ba bóng người cùng một lúc phi thân vọt thẳng lên không trung, lướt nhanh tới trước như một ngọn gió hốt và chỉ trong chớp mắt là đã lẩn khuất giữa màn trời đêm.

Thân pháp của họ nhanh nhẹn đến nỗi ba vị chưởng môn của ba môn phái lớn trong võ lâm nhìn thấy đều phải thầm kinh hoàng.

Hai vị võ lâm quái kiệt này đến đây làm gì?

Thì ra họ nghe lời đồn đãi là Phi Long Thiền Sư, tên môn đồ phản trắc của Thiếu Lâm đã lấy được món di bảo của Diễm Lôi nên cao bay xa chạy đến tận cùng sa mạc miền Bắc. Và một số đông nhân vật giang hồ trong hai phe Hắc Bạch đều ùn ùn đuổi theo lão ta như đỉa đói.

Hai vị quái kiệt này lo lắng là món di bảo ấy sẽ rơi vào tay kẻ khác thì không làm sao chuẩn bị kịp để đối phó nổi với cuộc đại hội trong đêm Trung Thu sắp tới.

Tuy nhiên, vì hai lão ta đang bận tìm nơi tĩnh mịch kín đáo để rèn luyện tuyệt nghệ, không có thì giờ truy đuổi theo bọn họ.

Và sau một lúc suy nghĩ, hai lão ta đã chợt nhớ ra một mầm non ưu tú trong võ lâm là Gia Cát Ngọc...

Trong khi hai lão ta đang đi tìm kiếm Gia Cát Ngọc khắp nơi, thì lại nghe lời đồn đại bảo là Kim Cô Lâu xâm nhập Hoa Sơn tàn sát môn phái này, đồng thời lại nổi lửa đốt rụi môn phái Võ Đương. Hai người mặc dù nghe như vậy, nhưng trong lòng đoán biết Gia Cát Ngọc không khi nào lại có những hành động phi nhân phi nghĩa ấy. Và sau khi tìm hiểu thêm, thì quả nhiên hai lão ta đã biết bên trong việc này còn có những lý do bí mật khác.

Chính vì vậy nên hai vị võ lâm quái kiệt này hết sức sốt ruột muốn tìm gặp cho bằng được Gia Cát Ngọc, nên tiếp tục đi tìm kiếm khắp nơi không kể ngày đêm. Dọc đường hai lão ta đã trông thấy có nhiều môn nhân của ba phái Võ Đương, Hoa Sơn và Thiếu Lâm xuất hiện. Do đó, cả hai đoán biết mọi việc đã xảy ra vô cùng nghiêm trọng và kịp khi họ hay được tin ba vị chưởng môn của ba môn phái lớn ấy đã kéo đến vùng này, thì liền hối hả theo dấu đến nơi gặp lúc Gia Cát Ngọc đang lâm nguy như mành chỉ treo chuông...

Cùng Thần và Túy Quỷ sau khi dẫn Gia Cát Ngọc đi ra khỏi Vân Gia Bảo và sau khi nhận xét tình hình hiện nay trong giới giang hồ, liền sai chàng cấp tốc đi ra phía Bắc quan ải hầu sử dụng mọi thủ đoạn cần thiết, đoạt lại cho kỳ được di bảo Diễm Lôi trở về kẻo nó lại rơi vào tay bọn gian tà ma đạo thì sẽ làm hỏng bét cuộc đại hội trong đêm Trung Thu sắp tới.

Gia Cát Ngọc nghe qua, bèn hối hả từ biệt hai lão già lên đường ngay tức khắc.

Riêng Xích Diện Thần Long sau khi Gia Cát Ngọc giã từ ra đi, thì ông ta cũng cáo từ vợ chồng Bát Đẩu Thư Sinh và mọi người rồi tiếp tục dấn bước giang hồ hầu truy tìm cho được Phi Long Thiền Sư để thanh toán mối thù cho người em kết nghĩa là Ngân Tu Tẩu đã bị sát hại trước đây.

Thiết Chỉ Cái biết Xích Diện Thần Long không phải là đối thủ của Phi Long Thiền Sư, nên sau một lúc bàn bạc với Bát Đẩu Thư Sinh bèn quyết định lưu lại Tư Đồ Uyển, Tiểu Thanh cô nương và Xích Diễm tàn chưởng để canh giữ Vô Tình Cốc và Đoạn Trường Giáp, còn chính lão ta cùng Thạch Kình Thiên và Vạn Thú Thần Quân thì hỗ trợ cho Xích Diện Thần Long trở lại chốn giang hồ, hầu truy tìm tung tích của Phi Long Thiền Sư.

Thủ hạ của Thạch Kình Thiên ở rải rác khắp mười ba tỉnh cả miền Nam lẫn miền Bắc, trong khi đó đệ tử của Cái Bang cũng tản mát khắp cả Cửu Châu, hiện diện khắp trong tứ hải. Do đó, chẳng bao lâu sau họ đã biết được tin Phi Long Thiền Sư đã mang món di bảo của Diễm Lôi trốn đến tận vùng sa mạc miền Bắc.

Tất cả bốn người đều là những nhân vật tài ba xuất chúng trong võ lâm, nên tuy biết rằng vùng sa mạc miền Bắc đầy rẫy nguy hiểm nhưng vẫn không hề kiêng sợ, hối hả chuẩn bị lương thực rồi mua ngựa lên đường đi ngay. Chỉ sau mấy hôm là họ đã tiến đến vùng Hàn Hải mênh mông.

Khi vừa lọt đến địa giới vùng Hàn Hải thì bốn người liền thấy khung cảnh chung quanh có điều khác lạ. Vì vùng Đại Qua Bích mà bình nhật rất ít bóng người này chẳng rõ vì đâu hiện nay lại tấp nập nhân vật võ lâm, người nào người nấy đều có vẻ hối hả tựa hồ đang có một công việc gì trọng đại lắm.

Ngày hôm ấy, khi trời đã ngả bóng hoàng hôn, vầng tịch dương đã lặn xuống chân trời và chỉ còn sót lại trên không gian những tia nắng vàng nhợt nhạt, trông chẳng khác gì đôi mắt lờ đờ của kẻ sắp chết khiến vùng sa mạc mênh mông này lại càng trở thành thê lương, lạnh lùng hơn...

Nhiệt độ xung quanh cũng theo với bóng hoàng hôn từ từ hạ thấp...

Buổi hoàng hôn ở vùng sa mạc vừa tĩnh mịch lại vừa ngột ngạt vô cùng.

Chân trời xa thẳm, cát vàng mênh mông, trong khi từng đoàn người nhỏ li ti đang tiếp tục xê dịch trông vô cùng bé bỏng và cũng vô cùng cô liêu.

Những con tuấn mã vì không quen đi trên bãi cát, nên bốn vó không ngớt loạng choạng khiến người ngồi trên ngựa lắc lư như ngồi trên thuyền đang nhấp nhô qua trăm nghìn đợt sóng...

Giờ phút này chính là giờ phút phải đi tìm nơi để nghỉ chân.

Bốn bóng người đang bôn ba mệt mỏi, không ngớt nhấp nhô dưới bóng tịch dương cùng giục ngựa nhắm một vùng có cây cối tươi tốt đi thẳng tới.

Trong bãi sa mạc mênh mông gặp được một vùng có cây cỏ tươi tốt, thực chẳng khác nào một thiên đường đối với người đang muôn dặm lữ thứ. Thạch Kình Thiên cất tiếng reo mừng, rồi nhanh nhẹn phi ngựa nhắm thẳng vùng cỏ cây tươi tốt ấy lướt tới như bay.

Đến nơi, y định cúi xuống để bụm nước uống cho đã thèm thì bỗng nhiên lại trông thấy giữa dòng nước trong veo kia phản chiếu một chiếc lều vải...

Đấy là ai? Ai lại cắm lều ở nơi này? Có phải đấy là những người du mục Mông Cổ chăng? Hay là...?

Y còn đang nghĩ ngợi thì bỗng nghe một tiếng “vèo” và lại thấy từ trong chiếc lều ấy nhanh như chớp chui thẳng ra một bóng người...

Bóng người đó mặt mày dơ bẩn, thân mình mặc một chiếc áo dài lam rách rưới, đôi mắt chiếu ngời ánh sáng, sắc mặt đầy vẻ kinh ngạc. Khi người ấy nhìn rõ được bốn người vừa đến nơi thì dáng điệu có vẻ kinh hoàng luống cuống hơn, hối hả quay mặt nhìn đi nơi khác.

Đấy là ai thế? Có phải chính là...?

Thạch Kình Thiên trong khi còn đang kinh ngạc thì Thiết Chỉ Cái đã cất tiếng cười ha hả, nói:

– Tên giặc trọc Phi Long kia. Trông thấy khách đến mà ông lại lơ là như vậy thử hỏi nào phải là thái độ của vị chủ nhân?

Tiếng kêu to của Thiết Chỉ Cái đã làm cho ai nấy như vừa bừng tỉnh cơn mộng. Vì không sai tí nào cả, quái nhân ăn mặc lam lũ đang đứng trước mặt mọi người kia chính là người môn đồ phản bội của phái Thiếu Lâm, mà từ bấy lâu nay mai danh ẩn tích tức Phi Long Thiền Sư.

Thạch Kình Thiên bèn nhanh như chớp phi thân lao vút tới như một mũi tên bắn, rồi đáp nhẹ nhàng xuống trước mặt Phi Long Thiền Sư.

Phi Long Thiền Sư đoán biết không thể nào lẩn tránh bọn người này được, nên liền dừng chân đứng yên lại cất tiếng cười ha hả, nói:

– Thạch Kình Thiên. Với tài nghệ của ngươi vậy chả lẽ muốn đến đây để lấy lại món di bảo của Diễm Lôi hay sao?

Đôi mắt của Xích Diện Thần Long gần như nảy lửa tức giận “Hừ” một tiếng, nói:

– Tên giặc trọc Phi Long. Ngày hôm nay nào phải anh em chúng ta đến đây để lấy lại di bảo của Diễm Lôi mà thôi đâu? Đồng thời ta cũng còn phải thanh toán với ngươi món nợ máu của Bành lão nhị nữa. Vậy ngươi bằng lòng trả cho chứ?

– Kha kha. Xích Diện lão nhi. Ông chớ nên hiểu sai sự thật như vậy. Bành Lão Nhị chính là mất mạng dưới tay của Ngũ Đinh Thủ, vậy nào có dính dấp gì đến ta?

– Hừ. Trong khi ngươi trao trả lại pho Lục Ngọc Di Đà, thì chẳng những ngươi đã hèn mạt đánh tráo một pho tượng giả, mà còn lại tán tận lương tâm, sắp đặt mưu gian ác độc để hại người. Nếu chẳng phải thế thì tại sao Bành lão nhị lại chết dưới tay của Ngũ Đinh Thủ được?

Giọng nói của Xích Diện Thần Long càng lúc càng phẫn nộ, càng bi ai. Lão ta khoát mạnh tay áo rộng lên, sử dụng “Càn khôn phong lôi tụ” đánh ra đi đôi với một luồng chưởng lực, gây thành cuồng phong ào ào nhắm ngay ngực của Phi Long Thiền Sư cuốn thẳng tới.

Phi Long Thiền Sư cất giọng lạnh lùng, cười khanh khách nói:

– Xích Diện lão nhi. Nếu ông biết được mọi sự thật đó thì định làm gì? Chính ông không biết tự lượng sức như vậy, thì chẳng qua là muốn tìm cái chết cho sớm mà thôi.

Nói đoạn, lão ta bèn vung chưởng quét ra, tức thì một ngọn kình phong liền dấy động ào ào, cuốn tới cuồn cuộn như dòng nước đại giang.

Bởi thế, sau một tiếng nổ “ầm” thực to, Xích Diện Thần Long đã bị sự va chạm hất mạnh làm đôi vai không ngớt dao động và thối lui ra sau liên tiếp ba bước.

Phi Long Thiền Sư cất tiếng cười ha hả như điên dại, nói:

– Bần đạo vì nghĩ đến cái tình hương hỏa ngày trước nên không muốn dùng tuyệt học của Diễm Lôi để sát hại ông, vậy ông hãy mau quay đầu trở về Di Thế Sơn Trang ngay tức khắc đi nào.

Xích Diện Thần Long hết sức kinh ngạc trong khi Thạch Kình Thiên cất tiếng cười to ha hả như điên, nói:

– Tên giặc trọc kia. Ngươi chớ nên khoác lác, mong hiếp đáp người ta. Gã đầu đảng ăn cướp ta đây không hề chịu phục trước ngươi và nhất định tìm hiểu cho biết tuyệt kỹ Diễm Lôi lợi hại đến mức nào và đáng khiếp sợ đến đâu?

Nói đoạn, đôi vai y lắc mạnh rồi lao vọt thẳng về phía trước nhanh như chớp, công ra liên tiếp chín chưởng mãnh liệt.

Phi Long Thiền Sư một mặt vung chưởng chống trả, một mặt cất giọng lạnh lùng, cười khanh khách nói:

– Thạch Kình Thiên. Ta nghĩ tình là ngươi thành danh không dễ, vậy nếu ngươi tỏ ra không tự lượng sức mình thì ta bắt buộc phải sử dụng đến tuyệt học của Diễm Lôi đó.

– Gã đầu đảng ăn cướp ta đang muốn lãnh giáo để biết đây.

Tiếng nói chưa dứt thì y lại nhanh nhẹn tràn tới công ra bảy chưởng và đá bảy đá như mưa sa bão táp.

Tất cả những người hiện diện ai nấy đều kiêng sợ trước những võ công của Diễm Lôi nên vận dụng chân lực, thủ thế sẵn sàng để ứng chiến. Họ tập trung tinh thần chú ý về phía Phi Long Thiền Sư để theo dõi. Nếu lão ta sử dụng đến thứ võ công tuyệt nghệ đó thì sẽ đồng loạt ra tay đối phó ngay.

Nhưng, hiện nay tựa hồ Phi Long Thiền Sư đã tỏ ra từ bi hơn trước nhiều, nên nghe qua lời nói ấy của Thạch Kình Thiên thì lão ta chẳng những không hạ độc thủ mà trái lại cất giọng ôn tồn nói:

– Tuyệt học của Diễm Lôi vì bần đạo mới tìm hiểu được, nên sử dụng ra thì dễ mà nếu muốn thu về thì khó, vậy ông nên suy nghĩ cho chín chắn.

– Gã đầu đảng ăn cướp ta đã nghĩ chín chắn rồi. Nếu ngươi đã tìm hiểu được di bảo của Diễm Lôi thì đâu nào lại cam tâm mai danh ẩn tích giữa chốn sa mạc cô liêu hoang vắng này?

Thạch Kình Thiên tuy là con người thô lỗ, nhưng cũng có những nhận xét rất tế nhị. Lời nói ấy của y quả thực là hữu lý, nên làm cho số người của Thiết Chỉ Cái đang đứng xung quanh đều bừng hiểu ra, ai nấy phá lên cười to ha hả rồi đưa chân thong thả tràn về trước.

Phi Long Thiền Sư trông thấy vậy thì quả tim không khỏi nhảy lên thình thịch, cuống quít gầm một tiếng to rằng:

– Được. Nếu vậy thì ngươi hãy thử cho biết đây.

Tiếng quát to ấy quả nhiên có tác dụng. Vì chẳng những số người của Thiết Chỉ Cái đều lọ vẻ kinh ngạc, mà ngay đến Thạch Kình Thiên cũng vội vàng đổi thế công ra thế thủ, chuẩn bị đối phó với những đường võ tuyệt học của Diễm Lôi do Phi Long Thiền Sư sắp đánh ra.

Sắc mặt của Phi Long Thiền Sư tỏ ra thực trang trọng, đôi chưởng từ từ nâng cao, đôi chân cũng tràn về phía trước. Xem ra nếu nhất định lão ta đánh ra thì chắc chắn vừa mãnh liệt, vừa kỳ tuyệt không làm sao chống trả nổi...

Tất cả những người đang hiện diện xung quanh đều cảm thấy tâm trạng vô cùng căng thẳng, ai nấy đều đưa chân bước sát vào nhau tựa hồ họ chuẩn bị trong khi cần thiết thì bốn người sẽ hợp lực để đối phó với một thế đánh vô cùng lợi hại của đối phương.

Nhưng, bỗng nhiên khung cảnh chung quanh lại bất thần biến đổi hẳn...

Vì Phi Long Thiền Sư bỗng vọt người phi thân lên không trung, rồi nhắm ngay lưng một con ngựa đang đứng bên cạnh phía trái lao thoắt tới như ngọn gió hốt. Và khi thân hình của lão ta vừa đáp yên xuống lưng ngựa thì hai tay lại vung lên vun vút, đánh ra liên tiếp ba chưởng...

Thế là qua những tiếng hí dài ghê rợn, ba con kiện mã còn lại đều bị đánh chết tốt tức khắc. Trong khi đó, Phi Long Thiền Sư ngồi yên trên lưng một con ngựa mà lão ta vừa đáp xuống tra roi cho nó phi nhanh về phía trước như một cơn gió hốt, khiến cát vàng bay mịt mù.

Số người của Thiết Chỉ Cái không khỏi kinh ngạc, nhưng liền quát to lên một tiếng rồi phi thân đuổi theo như bay...

Song thân hình bốn người vừa vọt lên, thì lại nghe từ phía xa vọng đến một tiếng hú dài và chỉ trong chớp mắt đã thấy có ba bóng người xuất hiện đến nơi.

Ba bóng người ấy không nói một tiếng nào, đồng thanh cất giọng lạnh lùng cười to rồi nhanh nhẹn quét ra sáu đạo kình phong mờ mịt như sướng khói.

Những đạo kình phong đó mang theo những luồng hơi lạnh buốt cả da thịt, hòa tan giữa bầu không khí diêm nhiệt, vừa mãnh liệt lại vừa kỳ tuyệt vô cùng khiến ai nấy đều không thể đoán được đối phương là ai.

Bởi thế, bốn người đều không khỏi giật mình, không ai bảo ai dừng chân đứng ngay lại rồi nhanh như chớp mỗi người quét ra hai chưởng để phản công.

Tức thì, hai luồng kình lực đã chạm thẳng vào nhau, gây thành tiếng nổ ầm thực to cuốn bay cát vàng mù mịt, khiến cho số người vừa phi thân lướt tới bị hất lùi ra xa đến năm bước.

Trong khi đó, số người của Thạch Kình Thiên tuy đông đến bốn và chống trả lại với ba, nhưng họ vẫn không hề chiếm được ưu thế hơn. Người nào người nấy đôi vai đều chao động, rồi cùng bị hất bắn ra sau, kẻ lùi năm bước, người lùi tám bước nên ai nấy đều kinh hoàng thất sắc.

Thạch Kình Thiên tức giận “Hừ” một tiếng qua giọng mũi, nói:

– Quân ngông cuồng to gan kia. Các ngươi chặn bước tiến của các ông đây là có ý gì?

Tên cầm đầu trong bọn ba người liền cất giọng quái dị cười to nghe chẳng khác nào tiếng chim cú kêu giữa đêm khuya lạnh lẽo, nói:

– Quân không biết gì là sống chết kia. Chả lẽ bọn các ngươi ngay đến cái tên Đại Mạc Tam Hồ mà từ trước đến nay cũng chưa hề nghe qua hay sao? Bọn các ngươi hãy nói mau, trong số các ngươi gã nào là giặc trọc Phi Long đâu?

Đại Mạc Tam Hồ là một bọn người hoành hành ở vùng Hàn Hải từ bấy lâu nay. Cả ba đều luyện được một thứ “Hoàng sa tý ngọ công” rất lợi hại, tuy ở Trung Nguyên ít nghe tên tuổi của họ, nhưng đối với một con người kiến thức rộng rãi như Thiết Chỉ Cái và Thạch Kình Thiên thì nào lại không biết?

Thiết Chỉ Cái cất giọng lạnh lùng, cười nói:

– Đại Mạc Tam Hồ. Lão hóa tử ta từ lâu đã nghe được đại danh của các ngươi, nhưng không ngờ hôm nay lại được dịp gặp mặt... ha ha... thì lại thấy bọn các ngươi chỉ là một số người hiểu biết nông cạn, hành động nóng nảy mà thôi.

– Tên lão tặc kia. Người muốn chết mà.

Cùng với tiếng quát đó, gã Thiên Thủ Hồ tức là lão tam trong Đại Mạc Tam Hồ bất thần tràn ngay tới trước, công ta liên tiếp ba thế võ.

Ba thế võ của hắn ta hoàn toàn khác lạ với nhánh võ học ở Trung Nguyên, chưởng lực vừa quét ra thì thân hình cũng di động, khi bóng chỉ vừa công tới thì đôi chưởng cũng lật qua thân hình lướt đến vị trí “bàng môn” rồi lách về “biên phong”, trông vô cùng quái dị khó hiểu.

Thiết Chỉ Cái trông thấy vậy thì không khỏi giật mình, hai tay nhanh nhẹn tung ra trong khi mười ngón tay cũng giương thẳng gây thành những luồng chỉ phong bén nhọn rít gió nghe vèo vèo, vừa công đánh liên tiếp ba thế võ không hề nương tay.

Qua ba thế võ đánh mạnh đỡ thẳng ấy, thì cả hai đối phương đều không khỏi thầm kinh hãi. Vì một bên là võ lâm quái kiệt ở vùng Trung Nguyên, còn một bên là ma đầu khét tiếng ở vùng Hàn Hải, tài nghệ kẻ nửa cân, người tám lạng, không ai hơn kém hơn ai.

Thiên Thủ Hồ đang có ý định tràn tới tấn công lần thứ hai thì gã lão nhị là Độc Thiên Hồ bỗng lách mình chặn ngang trước mặt hắn ta, nói:

– Lão tam hãy chậm đã. Để ta hỏi rõ xem lão nào là tên giặc trọc Phi Long rồi sẽ ra tay cũng không muộn.

Vạn Thú Thần Quân trông thấy thế liền cất tiếng cười nhạt nói:

– Cái quân có mắt không tròng kia, vậy còn hỏi gì nữa? Các ngươi xem bốn anh em ta đây, ai là tên giặc trọc Phi Long đâu?

Bóng tịch dương vừa lặn xuống chân trời phía Tây, vầng trăng sáng vừa nhô lên khỏi mặt đất, nên dù trời đã tối nhưng vẫn có thể trông thấy rõ được diện mục hay cách ăn mặc của mọi người. Và trong số bốn người này, chẳng có ai giống lão môn đồ phản trắc của phái Thiếu Lâm là Phi Long Thiền Sư cả.

– Lạ thực. Chả lẽ nơi ẩn cư của tên giặc trọc đó không phải là nơi này hay sao?

– Hừ. Nơi đây quả là địa điểm ẩn cư của tên giặc trọc ấy không sai, nhưng đáng tiếc là bọn các ngươi đã đến chậm một bước rồi.

– Lời nói ấy có nghĩa làm sao?

– Ta không có thì giờ đâu ở đây nói lải nhải với các ngươi nữa.

– Quân có mắt mà không tròng kia. Bọn các ngươi lại dám hành động ngang tàng trước mặt Đại Mạc Tam Hồ thì rõ là hết muốn sống rồi.

Cùng một lúc với tiếng quát đó, bất thần thấy bóng người bay thoắt lên, thế là Thạch Kình Thiên và Thiên Thủ Hồ lại tràn tới đánh nhau ba thế võ...

Trong khi đó Độc Thiên Hồ và Hắc Thiên Hồ lại đồng thanh cất giọng ngạo nghễ cười to rồi đưa chân từ từ tràn tới...

Thiết Chỉ Cái, Xích Diện Thần Long và Vạn Thú Thần Quân đều dồn nội lực ra đôi chưởng, thủ thế để sẵn sàng ứng chiến.

Trên trời cao, sao thưa không ngớt nhấp nháy, mảnh trăng lưỡi liền cũng treo lơ lửng đơn côi. Màn đêm đang trùm kín khắp vùng sa mạc, khiến không khí âm u ghê rợn vô cùng.

Một cuộc hỗn chiến đẫm máu xem ra sẽ bùng nổ tức khắc.

Nhưng, bỗng nhiên từ hướng Phi Long Thiền Sư bỏ chạy, bỗng có một tiếng gào thảm thiết vọng đến...

Tiếng gào thảm thiết đó đã loang đi thật xa trong bãi sa mạc vắng lặng và nghe càng ghê rợn, hãi hùng hơn.

Thạch Kình Thiên và Thiên Thủ Hồ nhanh nhẹn nhảy lui ra xa. Tức thì bóng đen không ngớt chập chờn giữa màn trời đêm, thế là tất cả bảy người không ai bảo ai, nhắm ngay hướng có tiếng gào ấy, lướt tới như ngựa chạy.

Tiếng gào thảm thiết ấy là gì thế?

Chả lẽ đấy lại chính là tiếng gào của Phi Long Thiền Sư, một con người đang giữ món di bảo của Diễm Lôi trong người đấy sao?

Có phải lão ta đã gặp phải kẻ cường địch nên đã bị đánh trọng thương rồi chăng?

Qua một lúc phi thân lướt nhanh thì Thiết Chỉ Cái và Hắc Tâm Hồ đã đến trước hơn mọi người. Họ trông thấy bên dưới một cái đồi cát đang nằm sóng sượt một xác chết...

Có lý đâu Phi Long Thiền Sư đã bị độc thủ của ai đó rồi chăng?

Vì bóng đêm lờ mờ nên hai người không làm sao nhận xét rõ được chân giả, nên không ai bảo ai nhanh như một mũi tên bắn lại lao thoắt về phía xác chết ấy.

Giữa lúc thân hình của họ chưa kịp đến nơi, thì đã vung mạnh đôi chưởng quét ra một ngọn kình phong và vừa nghe có tiếng rốp rốp nổi lên...

Tức thì, xác chết ấy đã bị đánh đứt ra làm hai đoạn và khi hai người cúi đầu nhìn xuống thì thấy đó là một người mặc áo gấm thực sang trọng, tóc rối bời và nào phải là người xuất gia? Họ hối hả cúi xuống nhặt lấy một nửa mảnh xác chết đang nằm dưới đất.

Liền đó, số người của Thạch Kình Thiên và Thiên Thủ Hồ, Độc Thủ Hồ cũng vừa nối gót nhau chạy đến. Họ cúi mặt nhìn kỹ thì trông thấy xung quanh có rất nhiều dấu chân, chứng tỏ trước đây chẳng bao lâu, tại nơi này đã xảy ra một cuộc kịch chiến mãnh liệt. Nhưng số người nào đã giao tranh với nhau như vậy?

Bởi thế, mọi người lại vượt thẳng qua ngọn đồi cát, đưa mắt nhìn kỹ khắp nơi thì trông thấy dưới bóng trăng mờ tỏ, có dấu ngựa chạy về hướng Đông, một phi về hướng Đông Nam, tựa hồ Phi Long Thiền Sư vừa bỏ chạy đến đây thì bất ngờ gặp kẻ địch đón đánh và qua một hồi giao tranh, một tên trong số hai địch thủ đã bị giết chết, còn một tên khác thì kinh hoàng bỏ chạy đi...

Phi Long Thiền Sư dường như cũng sợ kẻ địch đuổi theo, nên đã hối hả bỏ chạy...

Song, hai hàng dấu chân ngựa còn lưu lại trên mặt cát này chẳng rõ dấu ngựa của Phi Long Thiền Sư đã đi về hướng nào?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx