sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

Tự nhảy ngay lên chiếc Championat không chắn xích, không chắn bùn, hai lốp mòn trơ, ngay khi ra khỏi cổng. Cắm cúi đạp như chạy trốn, anh đi hết phố của mình, rẽ vào ngõ nhỏ để đi tắt sang một đường phố lớn có tàu điện dẫn tới cổng trường. Lối đi ngoắt ngoéo, nhưng là lối đi Tự chọn riêng cho mình. Trên lối đi này, Tự nghĩ, anh sẽ luôn được thỏa mãn óc thẩm mỹ. Cảnh hai bên dường đẹp u trầm với những bóng cây và đền chùa xưa cũ.

Nhưng, hôm nay rẽ vào cái ngõ nhỏ. Tự đã phải xuống xe. Cái ngõ lạ hẳn di. Nó biến thành cái chợ sầm uất từ lúc nào. Đời sống đang có một bước chuyển ngoặt. Anh như mắc vào một cái mạng nhện nhằng nhịt, vừa phải lựa tay dắt xe sao cho xe khỏi va vướng vào các thúng mẹt rau quả la liệt mặt đường, vừa phải để mắt tới cuốn Tự điển, một giá trị lớn, bọc trong giấy báo, buộc ở dưới xe. Nó mà mất thì anh vỡ một hy vọng. May mà cái ngõ không dài. Nhưng sắp ngoặt ra đường phố lớn, anh lại bị mắc kẹt. Một chiếc xe tải lớn nghềnh ngàng trên lưng một cái côngtenơ đang loay hoay tiến tiến lui lui tìm chỗ đậu để hạ hòm hàng từ nước ngoài gửi về. Người tò mò xúm đông bên hè. Tự phải nhấc xe men theo bờ tường tìm lối.

Tới đường phố lớn, chuyến tàu điện vừa đi qua, Tự ngồi lên xe, tranh thủ thời gian đã mất, đạp vội. Nhưng, chiếc xe khốn khổ của Tự chỉ lăn được vài chục vòng bánh đã phải khựng lại. Đám đông gây ách tắc này là một đám ma - một đám ma hiếm hoi với các nghi thức cổ xưa.

Cuộc đưa tiễn biến thành một cuộc biểu dương những khả năng tối đa thể hiện lòng thương nhớ con người có thể đạt dược. Diễu hành đầu tiên là năm lá cờ ngũ hành phấp phới. Tiếp đó là hai ông sư đội mũ hình thiên, tay cầm cây tích trượng mở đường. Hai hàng các già áo nâu, đi thong thả, tay cầm phướn hoặc cành phan. Bức trướng hồng thêu ba chữ Vọng thiên thu tiếp theo sau. Hai bên là đôi câu đối do hai ông già đội khăn xếp nâng cao trịnh trọng; với bên tả là Kinh sư hựu nhân sự, bên hữu là Ái dân hòa ái quốc.

Tiếp đó là một chú thiếu niên đội khăn vàng ôm trước ngực bức chân dung truyền thần của người quá cố: một ông lão mặc áo the, vẻ mặt vừa khoan dung, vừa quắc thước. Phường kèn phá vỡ bầu không khí trang nghiêm. trầm mặc xung quanh cái kiệu long đình đặt linh cữu sơn son: trên vai các đô tì toàn các ông trung niên áo sơ mi trắng, gài băng tang đen. Trống nẩy linh binh. Kèn réo rắt. Toàn những thầy kèn giỏi, hít hơi qua mũi tạo nên hơi kèn dằng dặc dài, thể hiện rất rõ nỗi lòng thương nhớ dai dẳng của những người đưa tiễn. Hoa rất nhiều. do hai chục thiếu nhi cầm, đi hai bên cỗ kiệu. Không có tiếng khóc, người đi đưa đông tới năm trăm. Vừa cúi đầu, bước chân chầm chậm, họ vừa lầm rầm trò chuyện, trong khi đó, len lách qua lại là một bà mặt hoa da phấn, răng đen nhánh, tay ôm tráp trầu, tay cầm bao thuốc Sông Cầu mời mọc mọi người, miệng đon đả đưa đẩy: “Dạ, cụ cháu là ông giáo Liễu nổi tiếng, ngồi bảo học từ năm một nghìn chín trăm ba mươi cơ ạ”. “Dạ, đây toàn là các môn sinh của cụ cháu đấy ạ. Có người tận Huế, Đà Nẵng cũng ra kia ạ”. “Dạ, bức trướng và đôi câu đối là do nhà thơ vốn học trò cụ cháu kính viếng đấy ạ”. “Dạ, bằng trắc thì chưa thật chỉnh, nhưng ý thì sâu xa lắm ạ”. “Dạ, ông cháu còn hai tuổi thọ nữa là chín mươi. Đại phúc đấy ạ. Khi chuyển linh cữu đốt một bánh pháo dài lắm ạ”.

Tự ngẩn người vì một ý nghĩ chợt đến. Bỏ ý nghĩ định vượt lên trước, anh lặng lẽ nhập vào đám người đưa tiễn. Bao nhiêu cái rủi ro, đau buồn, khốn khổ sẽ theo cái chết mà đi xuống mồ. Đi đường gặp đám tang là may. Người ta bảo vậy. Thế mà đây có thể sẽ là đám tang cuối cùng của thiên niên kỷ học trò sùng kính ông thầy theo nguyên tắc cổ kính hàng ngàn năm nay. Tự bỗng nhận ra, lúc này đây, anh cũng ngờ ngờ. Anh trở lại trạng thái yên hòa và bỗng dưng phấp phỏng một điều gì đó từa tựa như bắt gặp một ý niệm tiên thiên.

Tự không hề hay biết rằng, cùng với cuộc tống tiễn người thầy quá cố, thiên nhiên đang khơi dậy những dự cảm tươi mới trong lòng anh. Thực tình là đã xảy ra một tương giao huyền nhiệm giữa tâm hồn đa cảm của anh với cuộc chuyển mùa bộc lộ mạnh mẽ ở sắc đỏ rực rỡ của hoa phượng vĩ trên hàng cây bên đường anh đi qua mà anh không thể ngờ.

Lớp trên vòm cây Tự đi ở bên dưới là cuộc ngẫu hứng tưng bừng của tự nhiên: Phượng tháng năm đã nở tràn trề, như son đổ lênh láng từng vầng hào phóng, thiết tha. Kỳ lạ thế! Suốt cả mùa đông, phượng gầy guộc lặng thinh đến nỗi như bị quên lãng. Rồi bất ngờ, trên tất cả các cành nhánh phượng xòa tỏa những vầng, những tảng, những thảm, tươi rói cái màu son trinh nữ, nguyên thuần, như một linh thể uy nghiêm vã sống động. Phượng, lời chào nồng hậu mùa hè!

Phượng, nhạc khúc mùa hè đang âm thầm vang động cả không gian và lòng người.

Nửa tiếng sau, dắt cái xe đạp tàng vào trường. Tự lại sững lại trước sân trường. Nhìn cái khung trời rợp cây khuôn trong ba dãy trường lớp, anh bồi hồi như gặp một cái gì đó vô cùng thân thiết đã lắng đọng từ rất lâu rồi ở trong anh. Vậy là vẫn còn nguyên vẹn những rung động non tơ, những ham mê say đắm. Vẫn còn đủ nỗi háo hức không bao giờ biết buồn nản trước cái chưa biết, chưa dạt tới. Vẫn còn như hoa phượng, qua mùa đông tháng giá phũ phàng, vẫn bật hoa tươi đúng cỡ, đúng kỳ. Như một bản năng sống, một tình đời dồi dào, không vơi cạn. Vẫn như mùa phượng nở, lề luật chặt chẽ mà vẫn đậm đà sắc vẻ tuỳ hứng, bất thường.

Ôi, phượng nơi sân trường. Cuộc tụ hội náo nhiệt của cung màu mạnh nhất trong quang phổ. Phượng, cái ngôn ngữ đặc sắc, riêng biệt của mùa hè. Phượng, hoa của học đường. Hoa của tuổi hoa niên cắp sách đến trường. Hoa của một thời, trên mái nâu, cửa kính, phấn trắng, bảng đen. Phượng, hoa của mùa thi cử.

Tự đứng ngẩn, cảm xúc trôi dạt đưa anh vào trạng thái phi thực giữa tiếng ve đột ngột nổi dậy một hiệp âm lanh lảnh, da diết nỗi niềm.

Ca khúc mùa hạ. Hòa âm trường ốc. Chưa bao giờ anh cảm nhận được giai điệu nào đẹp như giai điệu này.

- …

- Đá lại đây cho em, thầy Thuật ơi.

- Ê ê… đây cơ mà.

- Đây! Đây! Ông ơi!

Tiếng la hét của đám học trò, vừa ào ra từ một lớp học. Ở góc sân kia, đã làm đứt đoạn khúc nhạc xốn xang lòng Tự. Hơn ba chục đứa con trai. Toàn loại choai choai mười sáu mười bảy. Chúng nhảy tâng tâng như đứng trên đệm cao su. Mắt chúng hóng về phía giữa sân. Ở đây, một người đàn ông mặc quần bò, áo ca rô, đang nâng quả bóng bằng mũi giày đá bóng. Quả bóng từ đất đã theo chân ông, nẩy liên tiếp, cao dần, thật là điệu nghệ. Nhưng, bọn học trò không chịu nổi trò tâng bóng nọ, sốt cả ruột, lại hò hét, giục. Người đàn ông chuyển quả bóng sang mũi giày bên trái, đưa mắt nhìn về phía góc sân, rồi lấy đà, tung chân phải. Lại một lần điệu nghệ bất ngờ nữa. Quả bóng không bay về phía bọn trẻ ngóng. Nó bắn thẳng thước thợ lên cao. Vọt qua một vầng phượng, nó phá thủng một lỗ tròn, biến mất trên vòm cây. Bọn trẻ ngẩng cổ. Hoa phượng rụng cánh lả tả. Quả bóng đâu? Bỗng roạt một tiếng, bọn trẻ xô cả lại nơi quả bóng rơi. Quái, quả bóng đã ở trong chân người đàn ông. Và lần này, lại như lần trướ,. nó phá vỡ một thảm phượng, bắn lên cao, mất hút.

Bắt đầu một cuộc chơi ú tim của quả bóng. Bất thình lình nó rơi xuống chỗ này. Bất thình lình nó đáp xuống chỗ khác. Tình cờ lăn vào chân ai đó, lập tức nó trở thành vật thể hiện cơn tức hứng của anh ta. Khi sân trường đỏ lòe một cuộc mưa hoa phượng thì quả bóng bỏ phương thẳng đứng, bắt đầu bắn phá theo chiều ngang, nhằm những bức tường vôi màu trắng, những khung cửa sổ màu lục. Cuối cùng, nó, quả bóng ma quái ấy không tha cả tấm bảng lớn dùng để thông báo tin tức gắn trên hai cái cọc xi măng ở trước cửa Văn phòng. Phát bắn thứ nhất quả bóng làm nhòe chữ CẤM trong dòng chữ kẻ bằng phấn ở đầu bảng: CẤM ĐÁ BÓNG TRONG SÂN TRƯỜNG. Tiếp đó, bị quả bóng liên tiếp đá va đập, cái bảng trở thành một bản hỗn độn các tin tức với các câu què lủng củng thật ngô nghê. Thông báo của Đoàn Thanh niên về sinh hoạt hè. Thông báo của Văn phòng yêu cầu các lớp nộp lại sách giáo khoa cho mượn. Các lời rao hỏi mất sách, vở, bút máy, chìa khóa. Mấy hình vẽ tục tĩu. Một câu chửi. Hai lời rao vặt, về chó giống và giá vàng mười. Tờ niêm yết danh sách thí sinh thiếu hồ sơ bị rách một miếng tướng ở chính giữa. Sau hết, quả bóng như một hồn ma trêu chọc ấy làm tung gio bụi mấy cái bếp ở phía cổng sau, khiến bọn nữ sinh đang lúi húi nấu nướng ở đó nhảy cẫng lên, thét mắng ầm ĩ cả một góc sân.

Tự để xe vào nhà xe, đi qua sân, đầu cứ phải quay ngang quay ngửa, trong một ý thức phòng ngừa rất tội nghiệp. “Tại sao lại lộn ẩu như thế nhỉ?”, anh nghĩ, bước chắm chúi về phía văn phòng nhà trường. Trước anh, cách anh chừng bốn năm bước chân, một người đàn ông đội mũ lá cọ, nách cắp cái cặp da, cũng vừa từ nhà để xe đi ra. Bỗng, Tự sững lại. Vừa lúc anh thấy cái mũ cọ trên đầu người đàn ông bị hất tung lên cao và rơi ụp xuống đất. Một hơi gió lướt qua anh. Có tiếng một đứa học trò reo khoái trá một câu rất hỗ

Tự hước vào văn phòng, dừng lại, cố ổn định những cảm xúc lộn xộn mà bất lực. Chẳng lẽ tâm linh có cơ cấu là một trạng thái hỗn độn?

Văn phòng trường Trung học số 5 này nhỏ, lộn xộn không kém gì cảnh ngoài sân trường những ngày cuối năm học. Cái cảnh nghèo nàn của nó vào những ngày này hiện lên tang thương hơn bao giờ hết. Ba cái tủ gỗ, trừ một cái cũ bằng gỗ lim, là cứng cáp, làm chỗ tựa cho hai cái tủ ọp ẹp, xiêu vẹo, cố tạo nên một thế giăng hang, làm nhiệm vụ chia căn buồng hơn hai chục mét vuông làm đôi, nửa trong là nơi ăn ngủ của ông Thống thư ký văn phòng, nửa ngoài là phòng làm việc, họp hành, tiếp khách. Lúc này bừa bộn, ngổn ngang trên mặt bàn họp, dưới gầm bàn của ông thư ký văn phòng, trên nóc tủ, bên rìa tường là những đồ dùng giảng dạy, sách vở cũ, bản đồ rách, các mô hình động vật sứt sẹo, cùng là lưới bóng thủng, vợt cầu lông gãy, vỏ bóng bẹp...

Tự không biết đứng ngồi chỗ nào, vì trên hai cái ghế băng, ai đã chất lên mấy chục cái lốp xe đạp. Thấy lốp xe, ba bốn giáo viên vừa bước vào văn phòng sau Tự liền xô tới vừa gọi ông Thống vừa xục vào bói chọn. Trong khi đó, ở góc văn phòng, không hiểu từ khi nào, một chú học trò đã đứng mặt gằm như phạm nhân đứng trước vị chánh án là một cô giáo có giọng nói vừa chua, vừa gai góc:

- Tôi đã bảo các cô các cậu rồi. Mắt tôi là mắt cú mắt vọ. Tay tôi là roi song, gậy sắt. Tôi là tôi không có nể nang cô cậu nào hết. Cô nào ném hột táo lên bảng khi tôi đang viết bảng? Phải tìm cho ra. Không thì cả lớp: hạnh kiểm kéỗ hay trượt kỳ thi tới thì mặc xác! Bận gì đến tôi mà tôi lo cho nó mệt người nào!

Nơi còn giữ được trật tự mực thước là cái bàn của ông hiệu trưởng. Những xấp học bạ xếp ngay ngắn, cạnh một cái máy điện thoại đen bóng kiểu quay tay. Nơi còn giữ được vẻ tôn nghiêm của một văn phòng, chốn hội họp, là cái mảng tường bên trái. Trên đó cao nhất là tấm bằng khen Chi bộ bốn tốt lồng khung kính lồng lộng sáng. Tiếp theo, thấp hơn là ba cái giấy khen trong ba cái khung kính, nhỏ hơn hai cái bằng khen của hai tổ chuyên môn và công đoàn. Tầng dưới nữa là bảy, tám lá cờ chữ nhật tua vàng: Cờ thưởng trường tiên tiến mỗi năm học.

Cuối cùng là tầng cờ đuôi nheo biểu dương những thành tích vệ sinh, bắn sung, phòng cháy chữa cháy, cầu long, thể dục đồng diễn của nhà trường...

Mặt những khung kính sáng bóng. Nền lụa đỏ của các lá cờ không một dấu bụi. Có lẽ vì những báu vật nọ được chăm sóc luôn. Ngay bây giờ đây cũng vậy. Đứng trên cái ghế đẩu, một người đàn ông tầm thước, vẻ mặt, hài hòa tự nhiên, cầm cái phất trần khoan thai phẩy bụi và chốc chốc lại nghiêng đầu ngắm nghía những cái bằng khen, cờ thưởng nọ một cách rất mãn ý.

Chỉ đến khi quả bóng quái quỷ ở đâu đó tọt vào văn phòng, mấy người giáo viên đang bới đống lốp kêu ầm lên, đòi tịch thu quả bóng và cô giáo đang dương oai trước chú học trò tội nghiệp quay lại, kêu rằng học trò mất dạy chủ ý đá bóng vào ông thư ký văn phòng khiến ông váng đầu phải nằm nghỉ ở buồng trong, người đang đứng phẩy bụi mới từ từ đặt chân xuống đất, xỏ vào đôi dẹp nhựa vàng, quay ra cửa, nói rất đĩnh đạc:

- Tôi nhân danh bí thư, yêu cầu các đồng chí giáo viên cho học sinh vào lớp, chấn chỉnh tư tưởng rã đám. Phải lập lại kỷ cương! Sắp tới còn thi tốt nghiệp. Xét một cách toàn diện, không thể lơi lỏng kỷ luật như thế được!

Vừa lúc cái trống ở đầu hồi, bục một tiếng nghe như tiếng đập chiếu.

- Chào các em. Các em ngồi xuống.

Tự hơi nghiêng mình, đáp lại cái chào của bốn mươi gương mặt trẻ. Và khi tất cả học sinh của anh, nghe theo lời anh, ngồi xuống, bắt đầu công việc chuẩn bị cho bài học. Tự vẫn còn đứng im trên bục giảng. Thời gian để sửa soạn nói lời dầu tiên của bài dạy chưa đầy một phút. Nhưng đó là một khoảng khắc thật hệ trọng. Trong thời gian vô cùng ngắn ngủi ấy, anh lập lại cảm xúc, chuyển hóa bản thân: bỏ lại lất cả những gì ngẫu nhiên, trở thành người thầy với ý nghĩa là con người tự do và sáng tạo. Trong phút giây kỳ lạ đó, anh giao tiếp với học trò, ngắm nhìn mình qua mấy chục tấm gương phản chiếu, thấy mình thật đẹp đẽ, thật hùng mạnh, cao quý. Và bao giờ anh cũng hài long, nhận ra trong môi trường như là phi vật chất này, anh không gặp phải sự phản bội. Nghề thầy đẹp xiết bao. Anh được tỏa sáng và học sinh của anh là những vật dẫn truyền.

Nhưng, hôm nay, trong thao tác tâm lý sư phạm này, Tự cảm thấy kết quả không như ý muốn. Anh không tạo lập dược sự hòa đồng. Lớp học là một môi trường khảng tảng, đầy mâu thuẫn, mập mờ những ẩn ngữ.

Linh giác đã mảo Tự và sự vật đã được xác nhận. Bước giữa hai dẫy bàn bọc, xuống cuối lớp, quay lên, anh liền khựng lại. Đập vào thị giác anh: một dòng chữ lớn viết ngay ngắn, đầy ý thức, ngay giữa tấm bảng đen chiếm cả chiều dài bức tường: ĐỜI LÀ MỘT VẠI DƯA MUỐI HỎNG!

Một trò đùa trí tuệ? Một thử thách tâm lý? Tuần trước cũng đã xảy ra. Tháng trước cũng có một bất ngờ tương tự! Phải! Chúng đã thử thách anh. Một phong bì tiền, thật mỏng, nhưng vì phong bì mỏng lắm nên vẫn nhận số tiền đựng bên trong, đã được đặt ngay trên bàn của anh. Tiền thù lao của học trò góp để trả công cho những giờ anh dạy thêm cho chúng đấy! Thật là sòng phẳng! “Tôi biếu thầy một cân kẹo, thầy hãy nâng điểm cho tôi”. “Tôi đưa thầy mấy cân nếp, thầy hãy xí xóa lỗi lầm cho tôi”. Anh đã nổi khùng và diễn dạt cái trò ấy bằng mấy mệnh đề trên.

Còn bây giờ? Cái trò gì vậy? Hãy giải mã di.

- Thưa thầy, thầy cho em ý kiến.

Cuối lớp đứng dậy một thân hình thiếu niên, cái mặt gầm xuống đỏ nhừ. Tự hất hàm:

- Tất nhiên là cậu, là lớp trưởng cậu phải trả lời!

- Thưa thầy, lỗi tại em. Em sơ ý không kịp xóa bảng. Bạn trực nhật, yêu cầu bạn làm nhiệm vụ! Tôi yêu cầu từ nay không được bạn nào tự tiện viết bậy lên bảng!

- Hừ, viết bậy!

-

Dào lên quanh Tự những lời xì xầm vừa khó hiểu, vừa tiếc rẻ. Tự bỗng bước nhanh lên trước lớp. Dâng lên trong anh cảm giác cay cú và hiếu thắng là lạ.

- Thôi, không cần xóa!

Anh nói thật to, lạ lùng vì tiếng nói đầy vẻ phấn khích của mình.

- Thưa thầy, em thay mặt cả lớp xin lỗi thầy.

- Xin lỗi! Hơi xa xỉ đấy, anh bạn trẻ ạ.

- Thưa thầy...

- Thôi! Không cần truy tìm thủ phạm. Thủ phạm là tất cả chúng ta. Có đúng không?

- Thưa thầy, đúng ạ.

- Hoan hô thầy!

- Vậy thì bài tổng kết giáo trình văn học hôm nay sẽ bắt dầu từ cái ngẫu sự này. Một câu văn đầy hình tượng. Một cách gọi tên sự vật rất văn. Rất dân tộc nữa. Nào, chúng ta hãy giải đoán!

Không khí tù hãm tựa như tìm được khung cửa thông gió. Tự nhận ra khuôn mặt học trò của anh lấp lánh một nỗi vui khoái trá vừa thơ dại vừa độc địa. Ngoài sân, những chùm phượng yên ả rung rinh trong vạt nắng lóa.

- Nào, ta hãy lên tiếng. Đời là cái gì? Là vại dưa muối hỏng? Kìa, vầ7;ng đỏ. Trang điểm cho vại dưa muối chăng? Không ai nói. Tức là không chính kiến. Trưởng lớp? Bí thư chi đoàn?

- Thưa thầy...

- Sao lại chỉ có một người xin nói. Không được! Tất cả đều bày tỏ. Không lạc đề đâu. Rất có ích cho kỳ thi nay mai đấy, các em ạ. Bởi vì, suy cho cùng, văn học và thỏa mãn cái nhu cầu tự ngắm, tự xem xét mình, nghĩa là để chúng ta biết cách gọi tên sự vật một cách văn. Nào!

- Thưa thầy...

- Vẫn chỉ có một. Thế là thế nào? Chúng ta đã hư hỏng lắm rồi dấy. Thầy Thuật bảo với tôi rằng: không thể nào chống được tệ quay cóp. Một cô cậu đã làm được bài thì cả lớp sẽ làm được ngay tức khắc. Tôi không sợ thực trạng đó bằng thực trạng này: Một bài tập, nghĩ ba phút thấy khó, là không còn ai theo đuổi. Không được. Phải bắt mình nghĩ. Hơn nữa, đây là đối thoại. Tôi cũng tham gia. Đối thoại tự do! Đó là phương pháp Platông, Arixtốt, Galilê dùng để tìm kiếm chân lý. Hãy bằng trực giác, lý tính, cảm lính, linh giác xem xét cuộc sống. Gọi tên sự vật lên! Nào, cán sự văn! Cán sự chính trị! Các cây lý luận! Chúng ta lớn rồi. Sau kỳ thi tới, chúng ta sẽ ra đời.

Tự vừa dồn dập, vừa kìm nén. Anh muốn tất cả học trò của anh là những mảnh gương phản chiếu anh. Nhưng, anh có cảm giác bất lực, Tất cả học trò của anh đều nấp sau một tấm mộc che chắn rất kín đáo. Dường như đã có một trận địa được bày sẵn.

- Thưa thầy, - Lần này không đợi Tự cho phép, một chú bé loắt choắt ở bàn đầu đứng phắt dậy, rất rành mạch: - Chúng em hiểu tất cả lời thầy nói. Lúc này, tất cả chúng em đa trong tâm trạng phân vân. Chúng em muốn nghe ý kiến của thầy.

- Tôi muốn hỏi các cô, các cậu!

- Còn chúng em, chúng em muốn thầy nói, bằng thể nghiệm của chính cuộc đời thầy!

Tự chống tay lên bàn. Lớp học ồn ào, rồi ran lên tiếng vỗ tay như chào mừng, như hoan nghênh, như bái phục. Tự có cảm giác anh sẽ không đứng vững, nếu không có điểm tựa là cái mặt bàn. Sự việc đã vượt ra khỏi ranh giới. Không còn là một lớp học, cũng không phải là cái không khí đầy phấn hứng của đám khán giả trước tài nghệ sĩ biểu diễn. Không phải là một trò tinh nghịch của tuổi học trò. Cũng không hẳn là một thái độ khinh bạc, cố tình chọc tức Tự: cái dòng chữ định nghĩa cuộc đời ấy.

Tự biết vậy và nhận ra rằng anh không thoát được sự vây bủa. Anh phải bộc lộ mình. Mấy chục con mắt đang hướng về anh, chờ đợi. Ôi, cái đoạn đời hai mươi năm đã qua của anh! Đâu có phải bao giờ nó cũng cho anh cái cảm tưởng rằng mình đẹp, mình mạnh, như khi anh đứng trên bục giảng dạy! Cái đoạn đời vừa qua của anh, nó lộn xộn, chắp vá, vừa đa diện, vừa giản đơn, dường như chẳng có quy luật nào!

Cái trống ở đầu hồi bục một tiếng báo hiệu tiết sau bắt đầu. Tự mới ra khỏi lớp. Anh nhận ra cái trống đã thủng cả hai mặt da. Hai mặt da đã bợt bạt từ lâu, vừa rồi lại bị một kẻ nào đó nghịch ngợm, thọc tay đâm thủng và kéo cho rách rộng ra, nay nhìn thông thừ bên nọ sang bên kia.

Thấy ông thư ký văn phòng đã qua cơn váng vất, nhún vai, không biết rằng ông phân bua về tình trạng thảm hại của cái trống. Tự liền như thanh minh:

- Tôi quá giờ một chút. Giờ tổng kết, cái gì cũng muốn nói. Ra nghề hai chục năm rồi mà vẫn chưa hết được tật tham lam, bác Thống ạ.

Ông Thống gài dùi trống, quay lại:

- Người xưa nói: Có viên ngọc tốt, người thầy có lương tâm không bao giờ cất giữ cho riêng mình, thầy Tự ạ.

- Chà trống thủng chiêng long thế kia có phải là dấu hiệu của mạt vận hay không, hả hai bậc túc nho?

Nghe thấy tiếng giày đá bóng bước cậm cạch và tiếng nói hý lộng của Thuật ở phía sau. Tự quay lại. Thuật cũng vừa từ một lớp 12 đi ra. Hai tay trắng phấn. Cái áo carô bó một thân người lép kẹp. Cái quần bò bợt hai đầu gối cùng đôi giầy đá bóng xứt xát.

Ông Thống tủm tỉm:

- Cỗ chạp phải có giò nem. Nhưng, giò nem không phải là cỗ chạp, thầy Thuật ạ.

- Khá, xứng là miệng nhà quan!

- Cái trống, cũng như mọi thứ, hết khấu hao là phải đại tu, thầy ạ.

- Ha ha... Của em bưng bít vẫn bùi ngùi. Nóng vì chưng kẻ nặng dùi... đấy, bác Thống ạ. Nhưng mà, lúc này có cái gì mà không thủng, không rách nhỉ!

Đi qua ông thư ký văn phòng. Thuật vừa đọc thơ Hồ Xuân Hương, vừa nói, bước đến cạnh Tự. Thuật cao xấp xỉ Tự. Cùng vóc người thanh mảnh. Cùng hai gương mặt trái xoan. Tuổi tác không xa cách bao nhiêu. Nhưng hai người lại là hai bức chân dung hoàn toàn khác biệt. Mặt Thuật hẹp như mặt chim. Mũi nổi gồ như sống dao. Hai mắt sắc lạnh. Khuôn mặt đầy những đường nét biến động, không yên ổn, hơi bợm bãi.

- Tự ạ. Cái trống không còn đủ sức phát ra một thông điệp nào nữa. Đã quá cái ngưỡng chịu dựng rồi. Nhưng mà tất cả vẫn chưa sụp đổ tan tành, là bởi vì vẫn còn những hiệp sĩ cao cả như ông. Ông vừa thuyết giảng đề tài gì mà say sưa thế? Học trò lớp tôi chúng không học. Chúng bảo tôi: Thầy ơi, thầy rát hơi bỏng họng dạy chúng em làm gì. Cho chúng em biết đề thi, thế là xong, là gọn nhất. Thế mà chúng dỏng tai nghe ông.

Thuật nói thật hay nói kháy Tự? Rất khó đoán định. Mặt Thuật cứ tỉnh không, cứ lạnh không. Tự thấy mền mệt. Tiết học là cả một cuộc vật lộn với chính mình.

Ngồi trong văn phòng, ông Dương bí thư chi bộ vẫn còn đang ngắm nghía bức tường treo giấy khen, cờ thưởng, nghe tiếng ba người trò chuyện, liền quay ra, vỗ tay bồm bộp:

- Các đồng chí ơi! Khe khẽ cái miệng một tý nào. Vào trong này! Vào trong này mà trao đổi! Mà trao đổi về những vấn đề thuộc phạm vi trường mình, lớp mình, môn mình phụ trách thôi!

Ngoài cổng có tiếng chuông xe đạp. Người bưu tá tới. Ông Thống chạy ra, lát sau ôm một chồng báo chí, thư từ vào, đặt l họp.

Dương nhặt tờ báo của Thành phố. Thuật mở tờ Văn nghệ. Thảnh, nữ giáo viên, mới vào, ngồi xuống cạnh Tự, kéo tờ Phụ nữ, mở loạt soạt, gấp lại, quạt hấtvào cái cổ nõn. hằn hai ngấn thịt, dính một sợi dây chuyền vàng nhỏ tí, tay nâng mớ tóc uốn sau gáy, môi dẩu ra:

- Nóng quá thể! Đứng trong lớp mà người cứ như thiu đi! Mới đầu hè mà đã thế này, ít nữa thì khéo phát điên lên mất.

Ông Thống ngồi ở cái bàn văn thư, vừa bóc phong bì công văn. vừa thủng thẳng:

- Thời buổi này ai mà chả có điên điên dại dại, hả chị Thảnh?

- Không điên vì nóng bức thì cũng phát rồ về học sinh. Có nhẽ chưa có thời nào học trò hư đốn như thời này. Anh Dương ạ, sở dĩ lúc nãy em phải lên mặt cú vọ với học sinh là vì chúng quá đáng lắm. Ai lại vừa quay lên bảng viết cái công thức S04H2O thì cạch một tiếng. một hòn táo ném ngay vào lưng mình. Quay lại hỏi: Em nào ném? Không nói, tôi phạt cả lớp! Bốn chục đứa là bốn chục ông bụt mọc.

Thuật đập tờ báo xuống bàn, cười phá:

- Khá! Thế là còn khá!

- Lại còn khá?

- Khá quá đi chứ. Tôi hỏi. Bốn mươi cái loa hai mươi nhăm oát nói: “Thưa thầy! hạt táo dai đấy ạ!”.

- Đồ

- Không bịa đâu. Tôi mở lớp dạy thêm. Hai chục đứa rồi. Nhưng đến mà không có sách, bút. Chỉ có cái cassette. Tôi nói: “Thầy mẹ các em đã trả tiền để tôi dậy các em”. Chúng cười: “Thầy cứ nghỉ. Cứ lấy tiền. Chúng em cứ nhảy nhót. Cuối khóa, chỉ cần cho chúng em đề thi”. Sòng phẳng chưa? Chưa hết. Hôm qua, một đứa đem biếu tôi một cân lạp xường, rồi nói: “Thầy chữa điểm toán từ 4 lên 6 cho tôi đi!”.

Tự đưa mắt ra khuôn cửa sổ. Một vầng phượng rập rờn ru hồn anh. Anh muốn được chợp mắt quá. Ông Thống vò cái phong bì, ném vào bồ giấy lộn, chép miệng:

- Chung quy ông giáo chẳng còn được tôn lên hàng quân, sư, phụ…

- Hừ...

Dương hất mắt lên phía trên mắt kính, nhìn ông Thống. Thuật cười khẩy:

- Bác Thống ơi, lạc hậu quá. Xưa thì mới không thầy đố mày làm nên, chứ bây giờ thầy với trò là bạn bè.

- Bây giờ thì nhà trường là cơ quan. Giáo viên là cán bộ, công nhân viên ăn lương Nhà nước.

- Thế thì còn đòi hỏi gì nữa, bác?

- Ấy thế, nhưng, cái gì mà rời khỏi linh thể là tầm thường ngay. Xưa, thầy của con là thầy của mình. Học trò thì sống tết, chết giỗ thầy. Đồng môn sinh còn theo giỗ thầy cho đến hết đời. Nay cào bằng hết. Cào bằng hết nên mới loạn. Loạn này là loạn to, loạ dương.

Dương bỏ tờ báo, khịt mũi:

- Phải tìm thiếu sót ở phần chủ quan của mình chứ. Hãy xem lại mình, từ lời ăn tiếng nói đến cái áo mình mặc, đôi giầy mình đi. Âm với dương, nghe đặc sệ, mê tín dị đoan!

Một làn khói đem mùi chả nướng vào văn phòng, may thay đã đưa câu chuyện có cơ trở nên căng thẳng vì sẽ xảy ra đối đầu, chuyển sang một hướng khác.

Thuật thừa biết Dương định móc máy mình, lờ đi, hít hà:

- Chà, lớp nào liên hoan bún chả thế không biết! Lại có tiếng nồi sốt vang sôi ậm ịch.

Thảnh vừa nhìn ra ngoài sân, thét: “Này, đứa nào định hun các thầy các cô thế?”, quay lại, xưng xỉa rất vô lý:

- Lớp tôi nấu sốt vang. Khỏi chê nhé!

Thuật khim khíp mắt:

- Học ăn thì năm đời, chứ học lấy cái đối nhân xử thế, phong cách sang trọng thì phải mười đời cơ. Bà Thảnh này, bà thì giàu có đấy, nhưng sang thì chưa đâu. Ở lưng bà, cam đoan là có...

Thảnh xong xóc chặn họng Thuật:

- Lại tử vi, tướng số đấy, hử!

- Thầy tử vi, tướng số thế kỷ hai mươi đeo kính trắng gọng vàng, mặc Kinh rô, đi Honda Cub và đeo Longil nhé. Ông Dương này, ở Pháp ấy mà, số thầy tướng số, tử vi nhiều hơn số bác sĩ y khoa kia. Đâu có phải dân Phú Lãng Sa ngu hơn dân Giao Chỉ ta. Ấy thế, chính vì tử vi tướng số nó không bị chính trị, không bị cái mà ông vẫn gọi là quan điểm, lập trường giai cấp hay quan điểm toàn diện gì đó, chi phối. Nghĩa là nó xem xét con người ở bản thể của nó. Vì vậy, nó chính xác, bình đẳng. Ai cũng vậy. Với tôi, bất vị thân quen hay chức quyền. Tôi cứ lột trần ra cả.

- Thế còn đối với chính thầy?

- Chà. cụ Thống. Đáng trọng cụ lắm đấy!

- Tôi lòng thành. Các vị nhớ hộ tôi nhé.

- Tôi được cả mọi đường. Nhưng kết cục thảm hại. Vì có sao hóa kỵ cư ở tật ách, nên trước sau cũng khốn nạn. Tất cả là do cái lưỡi, hoặc không thì cũng chìm trong biển thị phi, đắm trong trường khẩu thiệt.

- Tôi còn đây. Thầy còn dấy. Rồi xem nhé!

- Còn ông Dương kia, tai có thành quách, số công khanh. Răng hạt gạo, khi nói giấu răng, là cái tính mập mờ của ông. Ông hiển đạt đấy, nhưng liệu hồn, có thể chết bất đắc kỳ tử!

- Trời!

Mấy người cùng bật nảy người, kêu to. Thuật tàn nhẫn, phũ miệng, trắng trợn quá. Nhưng, Thuật đâu có thèm để đến tiếng kêu của mấy bạn đồng nghiệp.

- Biết làm sao được - Thuật tỉnh không - Phương trình đã lập từ trong bụng mẹ rồi. Bác Thống ạ, bác đếm hộ tôi số răng của bác. Bác đủ ba mươi sáu răng, nghiệp bá đấy. Còn bà Thảnh, lúc nãy tôi nói chưa hết, bà mệnh dương, đầy mâu thuẫn. Thu vào được, nhưng không gìn giữ được. Như kho không khóa. Cặp má đỏ, cao của bà, bệnh lý đấy...

- Đồ đểu! Đồ ba que!

Thảnh chồm lên, vừa cười khinh khích vừa đu đẩy Thuật “Nhảm nhí! Mệt óc!”. Tự đứng dậy, muốn tìm một vùng yên tĩnh. Nhưng Thuật vừa né tránh Thảnh đã quài tay, tóm được gấu áo anh.

- Ông định đi đâu? Đã tới lượt ông đâu nhỉ?

- Thôi, để mình yên.

- Không có hang động nào trốn ẩn được lâu. Ai cũng phải lãnh đủ số phận của mình, Tự à. Ngồi xuống đi. Mình cam đoan không gây phiền hà cho ông.

Tự ngồi xuống, rơn rởn lạnh vì nhớ tới lần Thuật gọi căn gác xép của anh là hang động lẩn trốn ái tình. Nhưng, Thuật đã thu nét mặt lại, vẻ quái ác tan biến trong giọng nói bỗng mèm mại hẳn đi:

- Tự ơi, mặt ông nhật, nguyệt định vị chiếu sáng. Ông lớn chứ không tầm thường như tất cả chúng mình. Ông tầm cỡ quốc gia, quốc tế, bậc chính nhân quân tử. Ông là quốc sĩ.

- Thôi, Thuậ không thích...

- Nhưng, ông là một cuốn sách hay để lầm chỗ. Một đám cưới không thành. Một bữa tiệc dang dở. Ông có những tình nhân tuyệt vời. Ông không danh vị mà mọi người xúm đến. Ông sinh ư nghệ, tử ư nghệ.

Tự quay đi, nhận ra ông Dương đang rũ rũ tờ báo, trong một cử chỉ rất vô nghĩa, cố thoát ra khỏi ám thị mà Thuật vừa gieo rắc. Thuật đắc ý, giơ tay, cao giọng:

- Bây giờ, tôi nói về ông hiệu trưởng của chúng ta. Ông Cẩm đâu rồi nhỉ? À, đi họp ở sở về quy chế thi tốt nghiệp. Phải nói rằng chưa có khuôn mặt nào biểu đạt đầy đủ, rõ ràng nội tâm, phẩm hạnh như khuôn mặt ông. Ông là một con người nhất trong chúng ta. Thèm ăn và libiđô!

- Há!

Ông Thống bị ma xui quỷ khiến đang thọc tay vào miệng đếm răng, kêu to một tiếng thích thú, rồi chỉ tay vào mặt Thuật, cười khặc khặc:

- Thầy đoán sai toét cả. Xin thầy giải nghệ cho. Tôi chỉ có nhõn hai mươi chiếc lẻ một cái răng.

Thuật gân cổ:

- Nhưng mà trước dây đã từng có!

- Trước đây cũng chưa từng có.

- Thế thì ông anh bác có!

- Tôi không có anh

- Vậy thì em bác!

- Tôi là con một.

- Thế thì con trai, con gái bác có!

Ông Thống ngửa mặt, cười:

- Thế này thì thật quá con chó sói trong thơ ngụ ngôn của đại thi sĩ La Phôngten: “La raison du plus fort est toujour la meilleure”. Lý sự của kẻ mạnh luôn luôn là đúng đắn hơn cả, nhưng mà, thầy Thuật ơi. Thầy có nghe chuyện thầy bói Quý Hàm nước Trịnh chưa? Cái gì cũng thóc mách, thông tỏ, trần trụi thì khiếp sợ lắm! Nhưng mà thôi, tôi còn một đứa con gái út đang học lớp 12 ở quê, tôi sẽ viết thư hỏi nó xem rằng nó có đủ từng ấy cái răng không, thầy nhé.

Ông Thống đã thực sự cải thiện bầu không khí quan hệ. Ai cũng biết Thuật chỉ là mượn chuyện tử vi tướng số để chĩa mũi dùi đả kích vào ông Dương. Giữa họ, từ lâu hình như đã tồn tại âm thầm một khúc mắc.

Nhưng bây giờ thì Dương đã lấy lại thản nhiên, ngoảnh ra của, hai mắt kính Dương chợt bừng sáng:

- Đồng chí Cẩm!

Ngoài cửa văn phòng. Cẩm vừa xuống xe, cúi xuống, rút cái kẹp gấu quần, thở è è nhắc chiếc xe lên thềm. Cũng đến giờ hết tiết học cuối, ông Thống đi ra đầu hồi, chỗ treo trống.

Tự bất giác phảnhận là Thuật tinh quái. Cẩm to ngang, cục mịch. trùng trục một khối, lại như đang vận nội công, quằn quại, trông thật khổ ải. Vai Cẩm dốc như vai một kẻ chỉ quen cởi trần. Mặt Cẩm là một khối dày, nặng. Từ mũi vòng xuống, chui vào mép hai nét vạc như quai chảo. Môi Cẩm dầy, bong, đầy vẻ thèm thuồng. Cảm nghĩ chung là Cẩm kệnh cỡm và hèn hèn thế nào.

Tay kia xách cặp da trâu, tay này giơ cao chào mọi người. Cẩm như phởn chí, oang oang từ cửa:

- Chào tất cả các đồng chí!

Dương bập tay vào tay Cầm, hoan hỉ, kiểu cách:

- Anh họp xong Sở còn rẽ vào những đâu? Tôi sốt ruột quá!

- Nhiều việc quá! Đắm đò giặt mẹt luôn. Tôi đi một lèo lên Quận, Ủy ban kế hoạch.

- Còn việc thi cử?

- À, báo tin để các đồng chí mừng. - Cẩm nhịn một hơi thở, đưa tay quệt đám mồ hôi đang đọng đầy trán. - Là kỳ thi tốt nghiệp cấp trung học này. Bộ, Sở đã quyết định: trường nào chấm thi ngay tại trường ấy. Như thế là rất tốt.

- Hoan hô!

Chỉ có tiếng reo của Thảnh và mấy cô giáo trẻ. Tự im lặng. Có gì mà tỏ ra vui mừng nhỉ? Thuật đổi mặt khinh khỉnh từ lúc Cẩm xuất hiện. Đón nhận tin mừng Cẩm vừa thông báo. Dương đờ ra một lát. Rồi chớp mắt, dè dặt

- Anh Cẩm nói thế nào chứ... năm ngoái là tập trung tất cả bài thi lên quận chấm cơ mà! Hay chỉ là trường nào coi thi trường ấy thôi?

- Đây... đây… Văn bản đây...

Cẩm náo nức ấn ngón tay cái vào cái khóa cặp. Dương rên khe khẽ:

- Trường nào chấm trường ấy, thật là thuận đấy. Nhưng xét theo quan điểm toàn diện thì cũng không phải là không phức tạp, nếu như ta không làm tốt công tác tư tưởng và công tác tổ chức.

- Cắc! Cắc! Cắc cắc cắc…

Không ai ngờ niềm vui ngấm ngầm của ông Dương lại tắt nghỉm ngay lúc đó. Ấy là bởi có sự phá đám vô tình của ông Thống. Ra gõ trống báo hết giờ, thấy trống đã thủng toang, ông thư ký văn phòng liền phát huy sáng kiến, giơ ngang dùi trống nện một hồi dài vào tang trống. Gỗ gặp gỗ phát ra một chặp cắc cắc khiến ngay ông hiệu trưởng cũng thấy nghịch nhĩ, giật mình.

Dương nhìn ra cửa, sa sầm nét mặt:

- Thật không còn ra thể thống gì cả. Ai lại để cái trống tang thương như thế bao giờ! Trường phải ra trường! Lớp phải ra lớp! Thầy phải ra thầy!

- Trống phải ra trống!

Thuật nhanh nhảu. Dương g

- Đồng chí Thuật lúc nào cũng đùa cợt, bông tuồng được là thế nào nhỉ!

Thuận gân cổ:

- Sao lại đùa! Trống như thế thì là mõ. Chứ là trống sao được.

Cẩm như bị chạm nọc, ngúc ngắc cái cổ ngắn, đẫm mồ hôi. Dương chau mày:

- Đây là chuyện nghiêm túc. Nhà trường tiên tiến mà không có được cái trống nên hồn là thế nào. Kỳ thi lại sắp tới rồi.

Ông Thống đứng ở đầu bàn, xòe bàn tay:

- Báo cáo là kinh phí không còn một trinh, một kẽm ạ.

- Thế thì phải xin Sở, xin Quận chứ!

- Gay lắm! - Cầm gãi cái gáy đỏ hăm - Bao nhiêu thứ phải chi. Đây này, trong cặp của tôi, luận chứng kinh tế - kỹ thuật xây dựng trường sở năm học tới đã được duyệt đâu.

- Ôi dào, tiền của Nhà nước như nước ấy, lo gì.

- Nhưng mà còn phải xây dựng chuồng lợn trước đã, bà Thảnh ạ.

- Đồng chí Thuật và đồng chí Thảnh nói thế là không đúng, xem xét vấn đề gì cũng phải có quan điểm toàn diện.

Thảnh vuốt mép:

- Thế thì đưa ra ban phụ huynh học sinh để họ bàn!

- Cái gì cũng đưa ra ban phụ huynh học sinh thì cũng bất tiện.

Ông hiệu trưởng nói. Thảnh dài giọng:

- Thế thì phải kêu to lên. Con không khóc mẹ nào cho bú!

- Còn thiếu mức.

- Thế vậy có muốn đây giúp một tay không nào?

- Hay quá!

- Nhưng mà không có giúp không đâu nhé!

Thuật dập đế giầy đánh cạch, đứng dậy che lấp luồng mắt ông hiệu trưởng ddang nôn nức rọi vào gương mặt tươi hớn của bà giáo dạy môn Hóa học, giơ tay trịnh trọng:

- Tôi có sáng kiến đây. Nhân kỳ thi tới, ta bổ đầu thí sinh, bắt chúng đóng thêm một khoản, gọi là trống phí!

- Kịp thế nào được!

- Báo cáo có tiền là xong hết ạ.

Tưởng Thuật nói thật, Thảnh và ông Thống phản ứng mau lẹ. Thuật trợn mắt, đập bộp vào ngực mình, đi hết đà lỡm cợt:

- Không thì tôi xin chịu trách nhiệm. Tôi biết chỗ thuê đám nhạc hiếu của phường tôi có cái trống to đùng, đám ma nào cũng hai người khiêng đi dầu.

Hừ một tiếng thật to, chẹn ngang mấy cái cổ họng đồng nghiệp sắp bật lên tiếng cười tung tóe, Dương lườm anh giáo toán tếu táo, rồi đưa mắt thu tất cả cái nhìn của mọi người vào mình:

- Không đùa cợt nữa, các đồng chí. Có một việc con con như thế mà không quyết nổi là thế nào? Dân chủ nhưng không được quá trớn. Dân chủ nhưng phải tập trung. Làm chủ tập thể cũng là chuyên chính. Đừng quên là đấu tranh ai thắng ai còn gay gắt. Tôi đề nghị phải giữ nguyên tắc. Từ những việc như phân phối lốp xe đạp kia, hay việc phân phối phiếu nghỉ hè sắp tới. Có phải không, anh Cẩm?

Cẩm nhấp nhổm:

- Tôi quên chưa báo tin để các đồng chí biết: hè này ta được một số phiếu nghỉ.

Thảnh sốt sắng:

- Thế thì bàn vào việc đi!

Dương giơ tay:

- Tôi nói tiếp đã. Riêng cái trống phải chữa ngay. Đồng chí Thống chịu trách nhiệm. Trống chữa phải đạt ba yêu cầu, một là đúng ngày thi phải có, hai là kỹ thuật

tốt, ba là đúngức tài vụ.

Thuật duỗi chân đánh soạt. Tự nhận ra, chỉ có một người cũng như anh, có cái cười thầm trên môi, ấy là ông Thống. Ông Thống gãi gãi tai, khụt khịt:

- Dạ, thủ trống là tôi không chịu trách nhiệm thực hiện ba yêu cầu ấy thì còn ai vào đây nữa ạ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx