sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 5

Thưa thầy, cuộc sống có những ngẫu nhiên may mắn thì đây là một ngẫu nhiên may mắn nhất của dời em. Em đã tìm thấy thầy sau gần hai mươi năm trời không tin tức và đã có lúc chợt lạnh người đi, vì nghĩ tới điều hiểm họa khi hồi tưởng tới cái buổi chiều tiễn đưa thầy ra mặt trận mưa rơi tầm tã trên sân ga L.

Chuyện tình cờ mà như có bàn tay tạo hóa sắp đặt. Tên thầy, địa chỉ của thầy, em tìm được, sung sướng và buồn lòng thay, lại là trang bìa lót mấy cuốn sách cũ em mua được một cách bất chợt, trong đó mới đây là cuốn Từ điển Bồ Đào Nha - An Nam - khi em từ một vùng duyên hải lên thành phố này, tham dự một cuộc hội thảo chuyên đề: buôn bán với người nước ngoài trên biển xa.

Em đã ứa nước mắt khi nhìn thấy sự nỗ lực đầy ý thức của thầy: thầy đã cố gắng hết mứt để tẩy xóa tên thầy cùng dấu ấn của thư viện gia đình thầy ở những tờ bìa trang sách, cốt để không ai bận tâm về sự nghèo túng của mình. Lòng tự trọng của thầy, chúng em đều còn nhớ.

Theo địa chỉ, em tìm đến nhà thầy. Buổi trưa một ngày đầu tháng năm hoa phượng đỏ ngập trời. Một người phụ nữ dở dở ương ương, nửa hiểu biết, nửa vô học, đã sẵng với em một cách thật thô lỗ khi em đứng ở cổng, hỏi tên thầy.

Thôi, kể nữa làm chi những điều phiền muộn đang đầy rẫy trong đời sống hàng ngày, làm nhức nhối tâm trí chúng ta. Nhà trường là một bộ phận của xã hội, nhưng không phải là góc chợ của cái chợ. Nó là bộ phận trang nhã nhất của xã hội. Đứa trẻ lấy cha nó làm nhân vật lý tưởng. Học trò nhận thầy của chúng em làm siêu nhân. Lòng sùng kính đối với thầy giáo là lòng sùng kính với người thay mặt cho một ý nguyện lịch sử. Lịch sử, bằng vai trò của các thầy, thể hiện nguyện vọng không bao giờ muốn bị đứt đoạn. Bởi vì, nếu như chữ viết thời khai sinh đã giúp các tu sĩ ghi nhớ được các kí ức lâu hơn, thì văn hóa đã giúp con người nhận ra mình và bối cảnh. Nghề thầy, do vậy không phải là một nghề bất kỳ. Người thầy không phải là một con người bất kỳ.

Em nói vậy không phải chỉ vì em đã được hưởng những đặc ân của các thầy. Vâng, chúng em thời đó đã được hưởng đặc ân, lần dầu tiên trong lịch sử của mình, tỉnh nhỏ mở trường cấp 3, chúng em được hưởng trọn vẹn nền giáo dục trung học phổ thông hoàn chỉnh ở ngay địa phương mình. Chúng em được tiếp cận với một lớp thầy giáo trẻ từ lò đại học ra, tràn đầy nhiệt huyết và dầy dặn hành trang hiểu biết. Em nhớ mãi thầy Nhị dạy toán rất tài hoa, năng động mà hiền như con gái. Thầy Châu cặm cụi làm đủ các thí nghiệm hóa học, khi cao hứng tuyên bố sẽ phát minh một định luật giật giải Nôben. Thầy Tỵ, dạy khúc triết, sắc sảo, lại là tay thợ mộc kỳ tài đã hướng dẫn chúng em dựng ngôi nhà gỗ làm phòng thí nghiệm và hai cột bóng rổ ở sân trường - sau này cả hai đã thành tro than trong một cuộc hỏa hoạn khủng khiếp, đầy bí ẩn về nguyên nhân mà thầy phải hứng chịu tai ương. Em nhớ thầy Phúc dạy địa rất thương học trò, đứa nào bị điểm kém sụt sịt xin thầy, thầy lại cho kiềm tra lại, nhưng thầy có bộ mặt nghiêm nghị quá, đến mức bạn hữu tinh nghịch có bận đã táo tợn đề nghị: “Thưa thầy, hôm nay là Ngày Quốc tế các nhà giáo, thầy cười một tiếng ạ”. Còn thầy và môn văn của thầy là một trùng điệp ấn tượng về một niềm hạnh phúc choán ngợp hồn người, giống như một đêm; ta ngước lên nhìn vòm trời lồng lộng sao, ta bàng hoàng ngớ ngẩn, rồi ta tìm đến ngôi sao chiếu mệnh ta, liệu có phải là ngôi sao bạc mệnh không, hỡi vị tinh tú của ta?

Những năm đó, dẫu mới là đơn sơ, nhưng nhà trường sự là một tổ hợp liên kết thầy - trò trong một quan hệ vừa thân mật, vừa nghiêm túc, đậm đà hương vị Á Đông, dân tộc, cổ truyền nhưng không già nua, cứng ngắc; trái lại, tươi trẻ, hồn nhiên. Nó toàn tâm toàn lực hướng về cái khoa học lớn nhất, cái nghệ thuật lớn nhất. cao quý nhất của mọi khoa học, mọi nghệ thuật: giáo dục con người. Nó vẫn giữ được bầu không khí dưỡng dục tự nhiên, cao nhã, vẻ giản dị vẫn có của học đường với phấn trắng bảng đen, những đặc trưng ngọc ngà của môi trường.

Các thầy, những nhà khoa học kiêm nghệ sĩ của chúng em, đẹp làm sao! Em nói vậy từ lòng ngưỡng mộ thật thà. Nhưng, em sẽ là một kẻ nói dối nếu em không nói thêm câu này: Các thầy của chúng em mới yếu đuối làm sao!

Thầy Tự ơi, em đã ngẫm nghĩ rất nhiều năm để đi tới câu nói thêm ấy. Và em muốn bắt đầu từ cái buổi khai giảng năm học đầu tiên cấp trung học đầu tiên của chúng ta. Thầy còn nhớ không thầy, cái ngày hội khai sáng ấy? Dân thị xã nô nức tới, ai cũng muốn là chứng nhân của lịch sử. Ai cũng muốn được chia vui. Sân trường phấp phới các sắc cỡ và hồng hào những gương mặt hân hoan của thầy - trò.

Các thầy có lẽ là những người vui nhất. Thầy mặc áo trắng, quần xanh, tóc rẽ ngôi. Bài diễn văn của thầy súc tích, bóng bẩy như văn thầy nói hàng ngày với chúng em. Nhưng, hôm đó, em kinh sợ phát hiện ra, lại cố phủi bỏ đi, cuối cùng là nhớ mãi, chính các thầy lại là những kẻ tủi hổ nhất trần đời. Em nhớ như in cảnh tượng này. Bốn mươi mốt đứa học sinh lớp 8 chúng em ngồi trên ghế băng ở giữa cùng với hơn hai trăm các em học trò lớp 7. Hai bên cánh gà thì bên trái là hơn hai trăm đại biểu và nhân dân, cùng cha mẹ học sinh, bên phải là các thầy ngồi trên những chiết ghế ba nan. Lễ khai giảng tổ chức ở sân trường. Một tấm phông xanh căng làm nền, trước đó là cái bàn trên đặt lọ hoa tươi. Ông Lại, Bí thư Thị ủyã đứng ở sau cái bàn ấy hơn một tiếng đồng hồ liền. Nắng sớm tháng tám nhuộm đỏ khuôn mặt sần sùi trứng cá của ông. Ông to như ông hộ pháp trong chùa, nhưng dài trên, ngắn dưới, tai bẹp, mắt gườm gườm. Ông chẳng có được một ánh cười trên đôi môi dày như đắp nặn, ngay cả ở cái câu đầu tiên gieo điệu nhạc cho toàn thể bài huấn thị:

- Hôm nay, thị xã ta khai giảng trường cấp ba. Rồi đây chúng ta sẽ mở trường cấp bốn, cấp năm, cấp sáu. Cũng như hiện tỉnh ta đã có giống lợn Mường Khương, nhiều mỡ, rồi đây ta sẽ có giống lợn lai kinh tế nhiều nạc, tăng trọng nhanh.

Chúng em, có đứa bịt mồm cười. Nhưng, rồi nén được. Lòng kính trọng với cấp lãnh đạo đã thành một cơ chế hãm. Vả lại, ai còn lạ ông. Ông Lại, đồ tể ở cái batoa cuối phố, cái lò mổ lợn bò của một người Hoa. Năm 1948, ở cái batoa hẻo lánh ấy, cán bộ Việt Minh đã tới, bắt mối được vào anh đồ tể Lại. Năm 1950, ông Lại chạy ra đón bộ đội vào giải phóng thị xã. Ấy là chiến dịch Biên Giới. Tây chạy dài suốt rẻo biên cương. Ông Lại ở các hội nghị Quân Dân Chính Đảng hồi ấy, kể lại chiến công hiển hách của mình như sau: “Tôi dẫn một tiểu đội xông vào dinh thằng tỉnh trưởng. Cửa đóng. Tôi đạp một phát, nhảy vào. Bàn giấy nó tung tóe giấy tờ, tài liệu. Khoái quá! Đã bao giờ được đến đây. Vinh hoa bõ lúc phong trần. Tôi liền vạch chim, tương luôn một bãi lên mặt bàn giấy của nó. Cho nó sướng!”.

Ông Lại là một con người như thế đấy. Trời, Phật, Đức Chúa Trời ba ngôi, ông ta cũng có thể chửi bới, khinh miệt, huống hồ chúng em, huống hồ các thầy.

Tuy vậy, chúng em cũng không thể ngờ rằng, vào cái ngày mở đầu một tiến trình văn hóa mới, vui vẻ này, ông Bí thư Thị ủy lại gây cho chúng em một nỗi buồn đau và tủi nhụư thế!

Ông nói: Này, các cô cậu học trò, nên nhớ rằng đây là một ân huệ quá lớn và lẽ ra các người không đáng được hưởng đâu. Bởi vì bố mẹ, cô dì, chú bác các người, đều là những phần tử tội lỗi, thuộc thành phần phi vô sản. Vậy thì các người chớ có mà lên mặt. Và hãy liệu hồn, chớ có nhi nhoe, cậy dăm ba cái kiến thức để vênh váo, trí thức không bằng một cục cứt chó khô đâu, các người hãy nhớ lấy!

Bây giờ thì em biết cái thứ chính trị ấy là chính trị đồ tể rồi. Nhưng thời ấy bọn em sợ lắm, và thắc mắc lắm.

Kìa, bạn Phiêu vô gia cư vì mẹ đi bước nữa bỏ mặc. Bạn Ngọc, con ông phán tòa sứ. Lễ, con cụ Sơn nhân sĩ. Thức, con bà ký giây thép. Lý, con ông đội khối đỏ… Chúng em ngơ ngác giữa đời. Tự thân chưa làm nên giá trị gì, đã phải mang cái nghiệp chướng từ kiếp phận trước. Buồn ghê, lịch sử thì hồn nhiên như thơ và đầy tính ngẫu hứng. Người ta bảo vậy. Nhưng lại có kẻ nói: nhà ngươi vừa mới đẻ đã thành tội đồ của lịch sử rồi. Có khác gì khoa tử vi nói: phương trình đời mày đã lập xong rồi từ lúc mày còn là cái bào thai kia.

Mác nói: Cuộc cách mạng nào cũng có cái điên rồ của nó. Nếu vậy thì có thể Lại là một tên điên rồ. Em thấy rõ các thầy cảm thấy bất nhẫn quá. Các thầy cúi gằm cả xuống, ngượng và buồn. Nhưng tên điên ấy đâu có buông tha các thầy. Sau khi mạt sát chúng em, hắn quay sang các thầy:

- Các anh giáo! Xin nói để các anh biết. Tầng lớp trí thức tiểu tư sản các anh chẳng qua chỉ là các cái sinh thực khí, tức là cái của thằng đàn ông. Nghĩa là xung trận, được kích thích thì nó cương cứng lên. Rồi sau đó thì ỉu xìu như thằng chết t

Tự thưởng thức sự khám phá và tài hình tượng hóa của mình, viên Bí thư Thị ủy nói xong mấy câu nọ, cười hộc lên một hồi. Có độ chục người cười theo. Còn tất cả thì như các thầy, gầm mặt, tiếp tục chịu dựng lời dạy bảo thô lỗ và sự dọa dẫm hung hăng của tên điên. Để rồi sau đó, trưởng phòng giáo dục thị xã, một tên có biệt hiệu Không xương sống, lên khúm núm “xin lĩnh ý” đồng chí bí thư, “nguyện thực hiện nghiêm chỉnh những lời huấn thị vàng ngọc của đồng chí”.

Thật là những ngày tháng khôi hài hết chỗ nói. Kẻ nói thì không biết. Kẻ biết thì không được nói. Buổi khai giảng biến thành buổi đưa ma. Đưa ma mấy cái xác chết tri thức. Lần đầu tiên em thấy bứt rứt. Và em đã lờ mờ nhận ra. Các thầy, như phấn trắng bảng đen, hiền lành và không phương tiện chống đỡ!

Sự kiện mà không khái quát thì là sự kiện câm. Nhưng liệu đã có đủ dữ kiện để khái quát? Ngay hôm nay đây, tư duy của lắm kẻ vỗ ngực là tài năng trong chính giới cũng đã hơn gì tư duy của người làm ra câu ca: “Nhất sĩ nhì nông. Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”? Huống hồ là cái thời cách đây hai mươi năm, một gã đồ tể chỉ cần đi theo cách mạng hai năm, hơn bảy trăm ngày, là có thể đủ vốn liếng để trỏ thành một Đấng Quyền Năng Cao Cả, bao trùm một lãnh địa, tỏa quyền lực như vòi bạch luộc vào tất cả các ngõ ngách đời sống! Một vốn đến hàng trăm lời chứ đâu chỉ có bốn lời!

Thế cho nên mới có một gã công an đi chiếc xaiđơca lên trường. Hằm hằm, gã đòi thầy phải bỏ dở giờ dạy ra gặp gã. Ôi, những câu chuyện, giờ đây kể lại ai mà có thể tin được rằng nó đã xảy ra!

Thật là dột khi tranh luận với một kẻ ngu và độc ác vì người ngoài cuộc đâu có phân biệt được sự khác nhau giữa anh và hắn. Thôi thì mặc hắn nói: nhà trường phải đuổi tên học trò hắn què gà nhà Bí thư Lại. Hắn nói: Xã hội đang hỗn loạn từ ngày có trường phổ thông cấp 3. Hắn nói, công an đã thu thập được đầy đủ các chứng cớ về sự chống đối, xỏ xiên của tầng lớp tri thức tiểu tư sản, tức là các thầy giáo. Hắn hạch, thầy định chửi bóng gió ai khi dạy những truyện tiếu lâm như Quan sắp đánh bố, Thơ con voi, Thích xu nịnh? Hắn gằn:

- Này anh, đừng có hòng bịt mắt chúng tôi. Anh dạy hài: “Quan lái lợn làm cụ trong dân”. Anh tưởng chúng tôi ngu, không biết nói lộn ba chữ quan lái lợn, hả? Anh chửi xỏ đồng chí bí thư còn hơn cả bọn phản động đấy!

Thầy nhếch mép:

- Thật là một trường hợp đáng tiếc. Nhưng theo tôi, lỗi tại đồng chí bí thư. Lẽ ra đồng chí đó phải cải tên. Khối người ở nhà tên là Cột, là Kèo, nhưng khi đi làm cách mạng đều đổi tên là Quyết Thắng, Quyết Chiến, Hùng Anh, Mạnh Hùng đấy. Đổi như thế tên vừa kêu, vữa đỡ phiền hà, khỏi sinh ra việc phạm húy như thời mồ ma các vua chúa.

Gã công an đỏ mặt vì biết bị lỡm. Gã chỉ mặt thầy:

- Anh đúng là cái con củ thìu. Bọn các anh bản chất là vậy, đồng chí bí thư nói không sai tẹo nào cả.

Thật là những năm tháng có lẽ lắm điều quái dị. Nhưng, thầy không quyền lực đấy, mà đâu có chịu lép một bề. Cốt cách thầy kích động thói nghịch ngợm, ngỗ ngược của học trò chúng em. Cuối cùng, ai đó viết bằng than một dòng chữ to tướng ổng trường: “Đả đảo Quan Lớn Lại”. Động trời! Công an đánh một xe commăngca tới bao vây “hiện trường”. Sau đó ra tuyên bố: đã dập tắt một âm mưu phản loạn từ trong trứng nước ở cái pháo đài chống cộng - tức trường cấp 3 của thầy.

Tiếu lâm Việt Nam, ôi, cái Rừng Cười vĩ đại. Nó đẻ ra cả những trận cười ra nước mắt.

Thôi thì cứ nhũng nhẵng rắc rối như vậy mà cuộc sống đi từng bước chậm chạp. Biết làm sao được. Vì giữa thầy và bọn Quan Lớn Lại đã hình thành một cuộc đối đầu. Thầy chẳng có gì trong tay. Thầy là số ít. So với thầy, họ đông họ khỏe, họ có quyền lực, họ mạo nhận và họ có gan làm liều, do tự thị và vô học.

Nhưng, thầy cũng là một kẻ cao ngạo và ẩn tàng một sức mạnh văn hóa. Thế là đã xảy ra một cuộc quyết đấu dữ dội vào đúng cái thời điểm đôi bên đã tích tụ đủ tri thức và nghị lực.

Đó là lúc năm học lớp 10 sắp kết thúc. Chúng em trở thành các cô tú, cậu tú đầu tiên của tỉnh này. Ôi, một thành tựu lớn lao của cách mạng!

Ấy thế mà Lại và vây cánh ông ta lại la lớn: Hỏng rồi, đã để lọt lưới cho một lô một lốc con cái phần tử phi vô sản sắp trở thành... các nhân tài! Ăng-ghen nói: “Tất cả những điều dẫn con người vào sự vận động đều phải đi qua cái đầu của họ”.

Các đầu của bí thư Lại đã nghĩ ra một biện pháp ngăn chặn. Cụ thể là tất cả chúng em đều phải qua công an kiểm tra lý lịch ba đời, trước khi tham dự kỳ thi. Và ết quả là ba mươi sáu đứa bị loại ra khỏi vòng chiến. Với lý do lý lịch không rõ ràng. Nghĩa là đã ngu ngốc mà sinh ra ở những gia đình có ông bố, bà mẹ là thong phán, cai, ký, khố xanh, khố đỏ, nhân sĩ, thầu khoán, cô đầu...

Cuộc dấu tranh đã diễn ra ở giữa hai hệ thống Pơtôlêmê và Côpecních. Thầy: một tầm vóc nhân văn., lạc long, cô đơn giữa các khối quyền lực vật chất. Thầy bị cô lập, bị giễu cợt, bị kết tội. Thôi thì còn thiếu một từ xấu nào mà thầy được miễn nhận? Kẻ hoang mang dao động. Tên bạch vệ. Thằng tay sai của tầng lớp phi vô sản. Cái bộ phận tục tĩu trong cơ thể đàn ông. Chất thải qua đường ruột của con người. Để nhiều năm sau, vẫn đọng lại một ám thị nặng nề và kinh sợ, ghê tởm cái hoàn cảnh sống mà con người ít nhiều trở nên hèn kém bạc nhược đi.

Nhưng mà thầy vẫn là một nhân cách không dễ khuất phục. Ngay giữa vòng vây của họ, thầy vẫn là hiệp sĩ xả thân cho tình nhân và lẽ phải.

Thầy nói:

- Tôi khuyên các ông nên dừng lại ở chỗ chưa thể biết. Nói chung, cách mạng là hành động của cái chưa biết. Chúng ta, tất cả, đều đang đứng trên một cái nền là chưa biết cái gì thấu đáo cả mà cứ hợm hĩnh.

Quan lớn Lại nói:

- Đừng có dạy khôn tôi. Đừng có dạy khôn tập thể.

- Tôi không dạy khôn ai. Tôi chỉ cung cấp dữ kiện. Trong số học trò của Khổng Tử, có người học trò xuất sắc là Nhan Hồi, xuất thân thứ dân chứ không phải quý tộc. Cách mạng xong, không một dạng tư sản nào xử bắn con cái kẻ thù của nó.

- Anh có dược người la dạy chủ nghĩa Mác không? Có hiểu linh hồn của chủ nghĩa Mác là gì không?

- Chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa nhân đạo hoàn thiện, là chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị. Lịch sử là một dòng chảy tự nhiên, ở ngoài ý chí cá nhân, là dòng chảy vô thức xã hội.

- Ngu! Linh hồn của chủ nghĩa Mác là chuyên chính!

Thầy lắc đầu:

- Người xưa nói: ngựa vì buộc nó bằng giàm, ách nên nó mới lồng lên hung hăng. Trị người như trị ngựa. Làm trái chân tính sẽ gây rối loạn.

Quan lớn Lại đập bàn:

- Im đi! Vừa phong kiến vừa sặc mùi tư bản là anh! Cút!

Thầy báo cáo khẩn cấp lên Tỉnh ủy. Tỉnh ủy nhùng nhằng, không quyết đáp. Chỉ còn cách là báo cáo lên Bộ. Nhưng, các ngả đường về Bộ đã bị chặn rồi. Công văn, thư từ của thầy gửi đi đều bị giữ lại ở Bưu điện. Ga xe lửa được lệnh không bán vé, không cho một học trò, một thầy giáo nào lên tàu. Màng lưới công an giăng khắp nơi. Không khí như sắp có loạn. Chúng em tập trung hết ở trường học. Một tiểu đội công an tới, lảng vảng quanh trường. Chúng bay định phản loạn hả? Ta sẽ bóp cổ chết bọn bay ngay tại sào huyệt của bọn bay!

Bế tắc? Không! Lịch sử tự nó mở dường di.

Một đêm, thầy và thầy Tỵ tự dưng mất tích. Chúng em hoảng hồn. Nhưng, ba hôm sau, thầy Nhị dạy toán rỉ tai chúng em: Yên trí! Thầy Tự và thầy Tỵ đã về đến Hà Nội rồi. Thì ra thầy Tỵ dạy lý, tay thợ mộc tài hoa đã đóng một chiếc mảng vầu và hai thầy đã bí mật lên bè, như dân tộc ta, nhờ dòng thuỷ lộ mở rộng địa bàn sinh tỏa. Chiếc bè đã thực hiện mỹ mãn chức năng phao cứu sinh cho những kẻ đang ngoi ngóp giữa cơn sóng gió bạo tàn.

Một tuần lễ sau có đoàn phái viên của Bộ trưởng Giáo dục đáp xe lửa lên. Và khi phượng nở, ve ran, tất cả bốn mươi mốt đứa chúng em bước vào phòng thi tốt nghiệp cấp trung học với niềm vui tái sinh.

Thầy Tự ơi, số phận chúng em sẽ ra sao nếu ngày đó không có thầy? Khác đi, xấu đi là chắc chắn rồi. Chỉ tiếc là cái giá phải trả vì hành động nhân văn ấy lại quá đắt. Tên thầy bị ghi vào sổ đen. Lý lịch thầy bị truy xét. Không có tòa án, nhưng tội thầy đã được định danh. Quyền lực nó không buông tha thầy dâu. Cả chục con mắt ngày đêm theo dõi từng lời ăn, tiếng nói, cử chỉ của thầy. Cái đêm Nôen thấy tới dự ở nhà thờ thị xã cùng chị Phương, người ta cũng ghi vào sổ nợ, bắt thầy phải thanh toán đấy. Thầy có biết không? Vòng vây con mắt đã dần dần khép chặt. Chỉ có điều là họ còn chờ cơ hội và tìm phấn sáp để hóa trang. Em lo sọ cho thầy quá! Thầy thân cô thế cô, có sức mạnh gì trong tay đâu, làm sao mà đương cự lại nổi họ?

Nhưng thôi, chuyện còn dài. Và đó sẽ là nội dung ở những lá thư sau em viết tiếp cho thầy. Mùa thi tới rồi, em nghĩ, thầy rất bận.

Một học sinh


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx