sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7

Người đứng, người ngồi chờ đợi phiên họp cuối cùng trước khi bước vào kỳ thi. Ai cũng kêu oi bức, ngột ngạt. Thuật đánh cái may-ô ngoại cỡ rộng thùng thình, thòi hai chùm lông nách đen sì, đứng ở cửa sổ sau văn phòng, hóng gió trời. Ngồi soạn hồ sơ thí sinh, hai ống quần ta nhuộm màu bồ quân của ông Thống xoe lên tận gần đầu gối. Thảnh, từ ngày vào hè, bất chấp yêu cầu mô phạm của nghề nghiệp, biến thành một manơcanh

căng ngực phô trương các loại may-ô Pháp, Nhật, Thái Lan mốt tân kỳ nhất. Trong lúc ông thiếu tướng già cặm cụi đào bới nơi rừng rú để thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm đông dược và kiếm tiền thêm, vào mùa viêm nhiệt này, phu nhân của ông càng rừng rực cháy nóng mỡ màng và thảnh thơi, trỏ thành cái mẫu hình tương phản với đám các cô giáo trẻ mỗi ngày một thêm xác ve vì thiếu ăn và cảnh nhà nóng bức.

Riêng Dương, vẫn là một chân dung ổn định. Ngồi trước bức tường treo la liệt bằng khen, giấy khen, cờ thưởng rực rỡ, ông như một bức ảnh đóng khung, bao lâu nay vẫn vậy. Ngày nào cũng giống ngày nào, ông vẫn một bộ quần áo kiều ấy: quần ống đứng gabadin, áo trứng sáo hoặc trắng cộc tay, ba túi. Thông thênh và thanh nhã. Chiếm cứ cái ghế chủ tọa ở giữa bàn, bao năm nay ông không bao giờ để ai ngồi ghế đó, kể cả Cẩm. Dương ngoáy trở cổ tay, khoan thai phật phờ cái quạt giấy. Ngoại ngũ tuần, trắng trẻo, mặt phẳng, tai to mũi cao, môi dậm, với cặp kính vằng vặc, gương mặt Dương là sản phẩm được bào giũa sau cả một quá trình tu luyện, đã đạt đến sự dịu hòa, an nhiên, tự tại - cái thần thái đặc sắc nhất của kẻ hiểu rõ và rất tin vào sứ mệnh hướng dẫn tập thể của mình. Tuy nhiên, nếu tinh ý vẫn có thể nhận ra một nét riêng nữa của tính cách Dương chỉ thoáng hiện ở vẻ mặt. Thuật đã nói về cái cười giấu răng của Dương. Dương luôn luôn biết dè giữ, không lộ mình ra hết, mặc dầu lắm lúc lại lấn át cả Cẩm hiệu trưởng.

Gấp quạt lại, đặt nó xuống cạnh cuốn sổ công tác, Dương e hèm dọn tiếng rồi bắt đầu đóng vai trò hướng dẫn viên tư tưởng của đám giáo viên còn đang tản mạn cả thể xác lẫn tâm hồn.

- Tối qua, các đồng chí có theo dõi cuốn phim Trang vở mới trên màn ảnh vô tuyến truyền hình không? Cuốn phim nói về giáo dục nhà trường chúng ta hay quá. Chủ đề tư tưởng, xét một cách toàn diện, là rất sâu. Chỉ tiếc là mới chiếu được có hai mươi phút thì mất điện!

Ngồi cạnh ông bí thư, ông Thống nghiêm mặt, giấu cái cười tủm. Ông bí thư không là hồ đồ thì cũng là nói lấy được. Mới xem được hai chục phút, biết thế nào mà nói hay quá với rất sâu. Ý đồ giáo huấn thật lộ liễu, lại thêm cái thói lồng chính trị, quan điểm một cách khiên cưỡng đến buồn cười. Ông hiệu trưởng thì lúc nào cũng như thế là rất tốt. Còn ông bí thư thì động nói là xét một cách toàn diện, lắm lúc thật ngô nghê, vô nghĩa.

Thấy không ai hưởng ứng lời mình, Dương liền chỉnh kính, nhăm nhăm nhìn về phía mấy cô giáo trẻ ngồi cạnh Thảnh, vừa như cầu cứu, vừa như thúc ép:

- Các cô có xem cả đấy chứ! Cóng là chủ đề tư tưởng rất sâu không?

Khổ cho mấy cô giáo trẻ. Quả là học trò bị thầy phát vấn bất thình lình, các cô liền buông kim, móc, ngẩn ra rồi ấp a ấp úng. Chê thì không dám. Bảo rằng không xem thì sẽ bị quy kết là bỏ qua một cơ hội giáo dục học sinh. Lờ đi không đáp thì mắc tội vô lễ. Mà quấy quá rằng: “Đúng lắm ạ, rất sâu sắc và hay quá ạ” thì lập tức sẽ được ông “gợi mỏ” như kiểu thầy dẫn dắt học trò: Vậy hay thì hay như thế nào? Sâu thì sâu như thế nào? Bây giờ, sau gần nửa thế kỷ phát triển ngành giáo dục phổ thong, trong trường học đã có tới mấy thế hệ thầy cô, đã có thầy giáo của thầy, cô giáo của cô giáo nữa kia. Chứ đâu phải là cá mè một lứa!

May cho các cô đang đun đẩy nhau trả lời thầy Dương, đã có kẻ tự nguyện là phát ngôn nhân thay cho các cô. Kẻ đó là Thuật. Thuật rời khung cửa sổ hóng gió, lững thững đi về phía bàn họp, thủng thẳng như bâng quơ:

- Phố tôi ở, nghe nói ti-vi chiếu phim, trẻ con kéo đi xem nhờ đông như ruồi. Phim mới chiếu, được mươi phút, chúng đã xem vừa xem vừa chửi là phim dở hơi, lẩm cẩm, vét đĩa, khốttabít. Đến lúc mất điện, chúng nhảy hết ra đường, hét vang trời: Đả đảo nhà máy điên nặng.

Bật cười khoái trá đầu tiên là ông Thống. Tiếp đó, Thảnh và các cô giáo trẻ. Chưng hửng mất mấy giây, Dương lại xòe quạt, hất gió vào mặt, lấy lại phong độ nghiêm nghị:

- Sao lại để trẻ con ăn nói hỗn hào, nhận xét thiếu tinh thần xây dựng như thế. Phim phải có ý nghĩa thế nào Nhà nước mới cho chiếu để toàn dân học lập chứ. Còn vì điện mất, có phải lỗi là ở nhà máy điện dâu! Cả nước, sau mấy chục năm chiến tranh, mỗi năm thiếu hàng trăm mêgaoát. Mình ải hiểu chứ!

Thuật bước tới cạnh Dương, đặt tay lên háng, nhếch mép:

- Vậy thì... theo ông, ông Dương, cuộc đời này là tuyệt hảo rồi! Không được chê bai, phàn nàn gì nữa, hả?

Dương quay trái, quay phải:

- Khó khăn là khó khăn chung. Theo quan điểm toàn diện, mỗi người phải ghé vai chia xẻ một tí. Với lại, còn có cách tự khắc phục chứ. Các đồng chí có biết chuyện ông Châu Lỗ ngày xưa siêng học cho đom đóm vào vỏ trứng làm đèn soi trang sách không? Có người còn học bằng que hương kia!

- Sao? Bằng đom đóm? Bằng que hương?

- Chứ còn gì nữa!

- Trời đất ơi!

Thuật ngửa mặt, rống một tiếng to, rồi gục xuống cười rũ:

- Ông Dương ơi. Ở bên các nước có truyền thống văn minh ấy mà, họ có cái tục lệ rất đáng quý là thế này: Trước khi hai người tranh luận với nhau, mỗi người phải xưng học hàm, học vị. Hoặc cho phép đối phương đặt câu hỏi để đánh giá trình độ mình. Vậy tôi xin phép hỏi ông: ông hay nói về chủ nghĩa Mác-Lênin. Vậy Mác - Lênin là ai, là hai người hay một người?

Dương đứng dậy, ngơ ngác:

- Đồng chí hỏi thế là có nghĩa gì?

- Chỉ có ý nghĩa tìm hiểu trình độ kẻ đối thoại với mình thôi - Thuật nhe răng - Bởi vì còn có ông giáo chính trị nói Mácxít là chủ nghĩa Mác cộng với Xíttalin. Và hồi tôi đi dạy bổ túc văn hóa, có ông đại tá khi đã thân quen, mới thú thật rằng trước kia ông cứ tưởng Lênin là họ Lê, thuộc dòng họ Lê Lợi, Lê Lai. Còn ông, ông Dương ạ, học cái chữ nho nhân chi sơ sờ vú mẹ thì mới dùng đom đóm, que hương được. Chứ còn... nói thế nào nhỉ: ông có biết cái nhị thức Niu-tơn nó dài thế nào không?

- Nhưng mà mình phải có quan điểm toàn diện!

Thấy ông bí thư đáp trả anh chàng giáo viên toán một cách dứt khoát, cứng cỏi, ông Thống liền giơ bàn tay vẫy vẫy Thuật:

- Thầy Thuật ơi, thầy sai từ gốc. Phải lấy cái đạo của trời để trị cái tình của người. Chú cớ sao lại lấy bản thể mình để so với đạo trời!

Dương tưởng được ông Thống ủng hộ, liền xếch hai ống tay áo rộng, ung dung ngồi xuống ghế. Rồi lặng lẽ ngước hai mắt kính lên, Dương như thách thức và nghênh chiến, sẵn sàng tiếp tục tranh luận với kẻ nào trái ý ông. Đèn vỏ trứng và ánh sáng que hương có soi được nhị thức Niu-tơn không, ông không cần biết. Và phim đã cho chiếu trên màn ảnh ti-vi, tức là đã được trên duyệt, thì hẳn là phải hay, phải có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Còn điện mất là do thiếu. Mà thiếu là do chiến tranh, do đế quốc, do sản xuất nhỏ, do quản lý kém... Những chân lý ấy là nhất thành bất biến. Chẳng những thế, suy nghĩ của ông cũng là lối suy nghĩ đã quen thuộc tới mức... chẳng cần suy nghĩ gì nữa. Còn nhớ, hồi năm 1962, ngành có cuộc chỉnh huấn mùa xuân. Học tập xong, một hiệu trưởng lên báo cáo điển hình. Mục đầu của báo nêu khó khăn, khó khăn thì có nhiều. Đáng chú ý là: cơ sở vật chất quá kém, 50 giáo viên chỉ có độc một nhà vệ sinh, nên mọi người phàn nàn lắm. Báo cáo xong, cả lớp tham gia phân tích. Ông Dương lên phát biểu. Ông nổi tiếng toàn đợt chỉnh huấn vì lời phê phán sau đây: “Phải hiểu rằng năm chục người mà chỉ có một nhà vệ sinh là điều kiện rất tốt để rèn luyện phẩm chất anh hung, tinh thần chịu đựng kham khổ!”.

Ở trường Trung học số 5 này. Dương giữ chức vụ bí thư chi bộ đã mười lăm năm. Năm tới, năm tới nữa... có lẽ cũng phải đến lúc ông về hưu, chức trách ấy cũng chẳng có ai đảm nhiệm, ngoài ông.

Chức trách nào thì cũng có tiêu chuẩn của nó. Lãnh đạo một cơ sở đảng tất nhiên phải là một đồng chí dày dạn kinh nghiệm đấu tranh chính trị, có quan điểm lập trường vững vàng, có quan điểm quần chúng và về tính tình thì rất cần sự điềm tĩnh, điều hòa. Và như thế thì có gì đáng băn khoăn nhỉ? Ấy thế?

Dương, tuổi Đảng hơn ba mươi. Ở cái cơ sở hầu hết là tiểu tư sản trí thức này, đó là một ưu thế trội bật. Nó là cái đỉnh Chômôlumgma 8.706m chọc trời với những đảng viên mà Dương mới tổ chức kết nạp hè năm ngoái hay đầu năm học này.

Tuy thế, niềm kiêu hãnh của Dương lại là ở những trang tiểu sử của ông kia. “Các cậu nên nhớ rằng, chỉ có mình tôi hồi đó được đặc cách vào Đảng khi mới tròn mười bảy tuổi thôi!”. Năm nào, nhân ngày 3 tháng 2, Dương chẳng nói câu ấy khi nói chuyện với đoàn viên thanh niên, giáo viên và học sinh nhà trường! Ông nói không ngoa! Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Dương mới là học sinh Moyen un ler tức lớp nhì năm thứ nhất trường huyện, còn chưa đầy mười lăm tuổi kia mà. Nhưng do bản chất giai cấp, Dương sớm giác ngộ và hăng hái tham gia công tác cách mạng. Hai năm liền anh lăn lócêm ngày vào hai công việc: thanh toán nạn mù chữ và gọi loa trên chòi phát thanh của thôn xóm. Việc gọi loa không ngờ lại giúp anh phát tiết năng khiếu lý luận và tuyên truyền. Từ xã, Dương được đưa lên làm công tác tuyên huấn ở huyện. Và ông đã nổi tiếng về nguyên tắc, về sự vận dụng lý luận vào cuộc đấu tranh tư tưởng trong nhiều năm ở cương vị trưởng ban tuyên huấn huyện. Đặc biệt, ông đã có công lớn trong việc vạch mặt chỉ tên những kẻ lợi dụng tự do, dân chủ, lập lờ đánh lận con đen, gieo rắc những tư tưởng phi vô sản. Được tín nhiệm cao, nên đã có khóa ông được cử sang phụ trách ngành công an huyện. Đến năm 1960, Dương được cử đi học lý luận cao cấp. Chín tháng hết khóa, đang sửa soạn balô trở về tỉnh thì tổ chức bên Bộ giáo dục sang xin. Giáo viên chính trị cấp 3! Nguồn đào tạo chưa có! Được những người như Dương bổ sung vào thì quý quá rồi còn gì. Ấy vậy mà có kẻ sau này dám mở miệng nói rằng Dương làm quan tắt. Nghĩa rằng là những kẻ này vốn quen xem xét vấn đề ở bên ngoài. Ở hiện tượng, nên mới bảo ông chưa có bằng tiểu học mà lại là ông giáo dạy trung học. Nghĩa rằng là họ chỉ xuất phát từ những căn cứ không phải là bản chất: chẳng hạn so sánh một cách rất hình thức, rằng như Tự, như Thuật, phải hàng mười năm nấu sử sôi kinh ở bậc học phổ thông và ba bốn năm mài đũng quần ở trường đại học, còn ông… ông chỉ được học tập lý luận chưa đầy một năm trời.

Dương đã nhiều lần phê phán những ý kiến sai lầm trên đây. Ông dẫn định nghĩa tri thức của Mao Chủ tịch, và cho biết: trường đời cách mạng là trường đại học lớn nhất, thực tiễn cách mạng của ông phong phú hơn tất cả kiến thức của các trường đại học cộng lại.

Dương quả là một biên niên sử, từ 1945 đến nay, có phong trào cách mạng, có cuộc chỉnh huấn nào mà ông không tham gia? Chống Pháp. Chống Mỹ. Diệt giặc dốt. Diệt giặc đói. Giảm tô. Cải cách ruộng đất. Chống chủ nghĩa xét lại... Cho đN các phong trào vặt vãnh ở quận, ở phường, như dọn sạch hè phố, chống quần loe, tóc dài... Trình độ lý luận của Dương, kinh nghiệm đấu tranh tư tưởng của Dương, trải qua những thực tiễn ấy khác nào dao càng mài càng sắc.

Dương thường nói: “Tư tưởng con người ta như lươn rúc bùn, như Tôn Ngộ Không bảy mươi phép biến hóa khôn lường. Rất khó, nhưng phải bằng mọi cách nắm bắt lấy. Nắm được thì sẽ điều khiển được người đó. Vì nó tức là sinh mệnh chính trị. Mà sinh mệnh chính trị thì quan trọng như cái sống, cái chết của con người”.

Mấy năm trước, trong dịp di “ba cùng” gặt lúa cho bà con ở một họp tác xã ngoại thành. Tự cao hứng làm bài thơ Mùa cốm. Bài thơ tứ hay, lời đẹp. Nhưng dán ở tờ báo tường Công đoàn mới được nửa giờ, nó liền bị Dương “kiểm duyệt” bóc bỏ. Với lý đo: bài thơ có vấn đề chính trị, cụ thể là vi phạm chủ trương bài trừ ăn cốm làm thâm hụt sản lượng lương thực của huyện ủy. Tự được ông “lên lớp” quan điểm “chính trị là thống soái” suốt một tuần liền. Chưa đọc, nhưng Dương nói: nếu ông là Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên, ông nhất quyết bắt nhà văn Phan Tứ phải đổi tên tiểu thuyết Mẫn và tôi rồi mới cho in. Sao lại tôi! Le moi est haisable. Ông còn nhớ tiếng Tây lớp nhì trường huyện. Cái tôi là đáng ghét! Ông khen tiểu thuyết Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, nhà văn quân đội nổi tiếng. nhưng phê phán kịch liệt từ lính trong nhan đề. Chỉ có đế quốc nó mới gọi là lính!

Không hiểu Tự sẽ nhận được bao nhiêu lời dạy bảo nếu Dương dự những giờ Tự dạy về Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát...?

Khuyết điểm nhiều khi chính là những ưu điểm thái quá và không hợp thời. Tính nguyên tắc và thói máy móc, tệ giáo điều. Niềm tin và chủ duy tín mù quáng. Ổn định và trì trệ. Kiên trì và cố chấp, bảo thủ. Bản lĩnh và thói độc quyền quá quắt. Những cặp khái niệm sóng đôi, đối lập nhau, tiếc thay lại cùng chung sống, núp hóng nhau, đan xen hình ảnh lẫn lộn vào nhau, ở Dương.

Các Mác nói: Không chỉ là nhãn hiệu hàng hóa, mà cả nhãn hiệu chính trị cũng có thể đánh lừa cả chủ nhân của nó. Dương bị chức trách của mình lừa mình. Ông đồng hóa ông với chức vụ và càng thâm niên đảm nhiệm chức vụ đó, ông càng xa cách con người bình thường tự nhiên. Hay quan trọng hóa là đặc điểm của người ít học. Lên mặt cường điệu vai trò của mình là thói tật của kẻ kém phát triển trí tuệ. Kém phát triển trí tuệ, thiếu chiều rộng, chiều sâu hiểu biết, nên trên thực tế, Dương lại phản lại ý định của mình; ông thực thi công tác đảng một cách vô cùng thông tục, tầm thường.

Thế là đã xảy ra hai hiện tượng thuộc hai cực đối lập trong mỗi hành vi của Dương. Dương tự coi mình là vị lãnh tụ anh minh của tập thể, nhưng trên thực tế ông lại bị tập thể coi thường ngấm ngầm. Luôn nghĩ rằng mình như vị tư lệnh tả xung hữu đột trên mặt trận chính trị, tư tưởng, nhưng thực chất Dương chỉ là Đôngkisốt đánh nhau với cối xay gió và đàn cừu: ông không có đối thủ. Tiếc thay, công tác Đảng, cái động lực vĩ đại của cuộc sống, cái linh hồn sống động của sự phát triển. thông qua Dương. biến thành một chuỗi công việc đối phó vặt vãnh và ngờ nghệch. Còn Dương, khi thì là một lão già cổ hủ, dốt nát, khi ở trong vai một mụ dì ghẻ cay nghiệt, lúc hiện hình là một gã cảnh sát chỉ nhăm nhăm phạt vi cảnh người bộ hành, lại có lúc có hành tung của một tên mật thám quỷ quyệt. Và cuối cùng, giữa cái tập thể toàn những tay trí thức già dặn này, ông là một trò cười lố lăng.

Đợi cho Dương dùng cái quan điểm toàn diện quen thuộc như một bửu bối vạn năng trong lý luận, phê phán mình một thôi một hồi nữa. Thuật mới buông phịch tay, trề môi, khinh mạn:

- Ông Dương ạ, nghe ông nói, tôi mới nhận ra điều này. Quả đúng như người ta nói: tổng trí tuệ của hành tinh là một hằng số. Mà dân số hành tinh thì gia tăng liên tục.

Nhận ra mặt Dương ngay như cán tàn. Thuật liền trợn mắt:

- Thôi chết. Tôi quên chưa giải thích. Hằng số nghĩa là một số không đổi. Ông nắm được rồi chứ. Ấy thế, cho nên, tôi ngu, ông ngu…

Ông Thống ngẩng lên cười đánh khà:

- Cho phép tôi chia verbe ngu nhé, thầy Thuật! Giơ ngu, tuy ngu, In ngu, Nu ngu… tôi ngu, mày ngu, nó ngu.

Thuật giơ tay, lấn lướt:

- Riêng trẻ con, phải nói là chúng trác việt chứ không phải là hỗn hào, thiếu ý thức xây dựng. Nhà máy điện mà gọi là nhà máy điên nặng thì thánh thật!

Ông Thống cười hùa theo:

- Còn phong tục được định nghĩa là phong trào nói tục. Chỉ tiêu là đưa chỉ vàng cho các vị có chức quyền tiêu hộ. Tiền thì phải tệ. Dân thì gian. Quyền thì phải có lợi...

Thảnh bị câu chuyện đàm tiếu lôi cuốn, nhấp nhổm:

- Nếu thế thì chưa hay bằng câu chuyện tôi sẽ kể cho các vị nghe sau đây. Giờ hóa tuần trước, tôi hỏi: nếu ta bỏ một đồng tiền vàng vào dung dịch axítxuynphuyarích thì nó có bị ăn mòn không? Một đứa giơ tay- “Thưa cô, không ạ!” - “Vì sao?” - “Thưa cô, vì mọi người sẽ tranh nhau thò tay vào dung dịch axít ấy để nhặt ạ”.

- Há! Ha! - Đấm mạnh tay xuống mặt hàn. Thuật hét váng, hết cỡ - Cực kỳ thông minh! Cực kỳ nhạy bén!

Cẩm từ nãy lụi hụi với đám giấy tờ thi cử, nghe Thảnh kể mới lắng tai, giờ ngẩng lên, nhìn Thuật, mặt ngây đờ:

- Nói thế, chứ bố ai dám thò tay vào!

- Ai bảo ông thế?

Thuật xấn đến trước mắt Cẩm:

- Tôi thò! Vì lợi nhuận bốn trăm phần trăm thì có bị treo cổ cũng xông vào cơ mà. Có phải không ông Dương, nhà mácxít lỗi lạc? Tôi đảm bảo, ông Dưỡng lúc đầu đắn đo, rồi xem xét một cách toàn diện xong, ông cũng thò. Tất nhiên, sau tôi là bà Thảnh. Tiếp đó, ông Cẩm. Nghĩa là tôi thò, chị thò, anh thò.

- Giơ thò, tuy thò, in thò, tất cả chúng ta đều thò.

Ông Thống lắp lại trò chia động từ, hai con mắt lơ lơ lẻo lẻo. Cẩm đỏ sậm mặt, sẵng:

- Bậy!

Ông Thống cười hề

- Quân tử đi theo danh. Tiểu nhân đi theo của. Xưa có câu nói vậy đấy.

Thuật giơ tay:

- Đúng thế. Vị nào đóng mũ cao, áo dài, đeo cân dai bối tử xin cứ việc. Còn tôi, tôi xin nói thật, tôi không có động cơ nào khác là... tiền! Tiền đây, xin công khai. Tôi dạy thêm một cua năm mươi giờ, bất kể giá cả trượt lên trượt xuống, chỉ biết thu về đúng một chỉ. Còn các vị? Thế nào, nhà chính trị?

Dương sượng sùng, khịt mũi:

- Nói thế là tự bôi nhọ mình. Phải có tiền để sống. Nhưng, sống là để làm việc cho lý tưởng. Khẩu hiệu Tất cả vì học sinh thân yêu là thực chất mọi hành vi của chúng ta.

- Trời ơi! Lý tưởng với chả học sinh thân yêu! Còn có sự bịp bợm nào khả ố hơn thế nữa không? - Thuật thở dồn - Khốn nạn thay cho cái nghề gõ đầu trẻ của nước Đại Cồ Việt chúng ta. Từ lâu nó đã bị hạ giá rồi, các vị ạ. Không tin, xin mời các vị mở sách Tiếu lâm ra mà xem. Toàn chuyện các thầy đói khát, khốn khổ khốn nạn, đến mức phải giả đò ra câu đố mà liếm nốt chỗ mật dính ở trôn đĩa, đến mức phải ăn vụng chè!

Thảnh nguýt Thuật, dài giọng:

- Rõ sốt ruột! Hết tử vi lại đến tiếu lâm! Có thôi đi không!

Thuật trợn trừ

- Thì thôi, không tiếu lâm nữa.

- Họp đi thôi, rồi còn trần văn biến chứ!

- Không được! Phải nghe tôi kể nốt một câu chuyện có thật này đã. Một đêm tháng năm đầu mùa phượng vừa rồi. Tại ngã ba Trần Hưng Đạo-Quang Trung. Quãng hai mươi ba giờ. Hai tên lưu manh chặn đường trấn một người trai trẻ xanh rớt như nước canh rau muống. Thọc tay vào túi người này, kéo ra một chiếc ví, mở ví thấy nhõn có hai đồng bạc rách, hai tên côn đồ liền quát thẳng vào mặt nạn nhân: “Tiền đâu? Bỏ ra đây!”. Người trai trẻ tỏ ra không sợ hãi, nhưng ấp a ấp úng, và ngượng nghịu xoay tròn một cuộn giấy nhỏ trong tay. Sinh nghi, hai tên nọ liền giật cuộn giấy nhỏ với hy vọng tìm thấy tiền bạc của người trai trẻ giấu ở đó. Thì ôi chao, hóa ra đó là mấy cái giáo án dạy văn bổ túc văn hóa. Không đợi cho nạn nhân xưng danh, hai kẻ trấn lột liền dúi trả lại cả giáo án lẫn cái ví lép cho người nọ, kèm thêm một lời cảnh cáo và gia ân như sau: “Lần sau phải nói ngay là giáo viên để bọn này khỏi mất thì giờ nhé! Đây, cho thêm ba đồng cho đủ tiền ăn bát phở bồi dưỡng. Dạy Văn là bán cháo phổi đó, thầy!”.

- Há, há...

- Bịa! Bia! Nhảm nhí quá! Bêu riếu nhà giáo quá xá!

Người ngồi quanh bàn cười nói ngả ngốn, nhộn nhạo.

Ông Thống kìm cơn ho sặc sụa, mổ ngón tay về phía Thuật:

- Thầy ơi, điển chế đời Nguyên bên Tàu chia dân làm mười hạng. Thì hứ bảy là thợ, thứ tám là kỹ nữ, thứ chín là... nhà nho. Và thứ mười là ăn mày! Còn ở nước nam ta, loại nho sĩ bẹt dem là các vị hàn nho, tức các ông đồ, các cụ bốc thuốc làm kế sinh nhai. Nó là cái dớp không sao thoát khỏi được, các vị ạ.

Thuật gật đầu, vẫn đang đà khoái hoạt:

- Chuyện chưa kết thúc.

- Thôi, thôi họp đi!

- Còn Vĩ thanh của câu chuyện nữa. - Thuật lại giơ tay.- Khi hai tên lưu manh nọ đặt ba đồng bạc vào tay nhà giáo, nhà giáo liền ngớ người, rồi lắc đầu quầy quậy. “Lại còn sĩ à?”- Một tên lưu manh hỏi gằn. Nhà giáo ngớ ngẩn: “Không! Nhưng tôi không còn nhớ nữa. Phở là gì, hả hai anh?”.

Chỉ có mấy cô giáo trẻ cười rúc rích. Cảm nhận cực kỳ tinh tế của đám đông đã thấy được giới hạn cuối cùng không nên vượt qua của trò đùa. Biết, nhưng Thuật vẫn kéo hai ống quần bò ngồi xuống, mặt câng câng ương ngạnh kiểu trẻ con. Dương giấu nỗi bất bình, mặt lặng phắc; phe phẩy cái quạt như đạo cụ sân khấu chèo giữ nhịp.

Không khí khảng tảng sau cuộc đàm tiếu biểu hiện ở sự im lặng tẻ ngắt kéo dài cho đến khi Tự tay cắp cái cặp bìa đựng giáo án từ ngoài cửa văn phòng bước vào. Những nỗ lực của giờ dạy cuối cùng để ngày mai học trò bước vào cuộc đấu trí còn in dấu ở hai vạt áo đẫm mồ hôi của Tự.

Ông Thống đặt cốc nước chè tươi trước mắt Tụ:

- Mát phổi, bổ hơn bia hublon đấy, thầy Tự ạ!

Thảnh ngồi dịch lại, nhường chỗ cho Tự, chép miệng:

- Tán nhảm mãi, chua cả miệng! Nào, bàn bạc gì thì bàn bạc đi. Thi cử ào cái cho xong, rồi xem phiếu nghỉ phân phối thế nào, còn để anh em đi nghỉ chứ! Cứ ở mãi thế này rồi thế nào cũng phát rồ, phát dại cả lũ!

Cẩm đã xếp xong đống giấy tờ, hồ sơ, ngẩng dậy, bất chợt bắt gặp luồng mắt đong đưa của Thảnh liền ngây ngây. Cẩm chỉ sực tỉnh khi nhận được cái hích nhẹ vào sườn của Dương. Dương đã ra ám hiệu như thường lệ. Cẩm liền liếm môi, ghé lại sát mặt người bí thư, lẩm bẩm: Vâng, xin mời anh, mời anh!

Chỉ đợi có vậy, Dương lập tức hắng giọng một hồi rõ dài, rồi mở máy:

- Các đồng chí ạ. Ta tạm thời chấm dứt câu chuyện ngoài lề ở đây nhé. Đồng chí Thảnh vừa nói có hai chỗ không chỉnh. Một, gọi là tán nhảm; không đúng vì trong này có vấn đề tư tưởng. Hai, sao lại nói thi ào đi cho xong. Đùa cũng không được. Nhưng thôi. Ta sẽ trở lại những vấn đề đã đặt ra khi có điều kiện. À, tự do tư tưởng mà!

Không khí đang nồng oi mà bỗng nhu lạnh rợi như hai cái mắt kính của Dương. Mọi người im phắc, tất cả đều hiểu mũi dùi của Dưỡng chĩa vào không phải là Thảnh.

Dương tiếp:

- Thôi. Ta họp. Hội đồng thi chủ yếu là giáo viên trường ta. Có vài ba đồng chí ở trường khác, cũng là để tăng cường tính khách quan của công việc thôi. Trước hết, ta cần nắm vững mấy điểm sau. Một là, trường ta là trường tiên tiến, chi bộ ta là chi bộ vững mạnh nhiều năm liền. - Dương nghiêng người, như để thu hút sự chú ý của mọi người vào bức tường lộng lẫy giấy khen, cờ thưởng, đoạn nuốt ực nước miếng, tiếp: - Đặc điểm đó dẫn đến đặc điểm sau, học sinh trường ta đa phần là con em cán hộ trung cao. Đứng trên quan điểm toàn diện mà xét...

Thuật hít hà, cướp lời Dương:

- Thì đặc điểm này rất quan trọng.

Cẩm liếc Thảnh, nhanh nhảu:

- Tôi xin mở cái ngoặc ý đồng chí bí thư vừa phát các cán bộ trung cao, có nghĩa rằng là các đồng chí lãnh đạo thành phố và quận, có quan hệ thiết thân đến trường ta.

Dương quay lại, lườm nhẹ ông hiệu trưởng vụng về:

- Chỗ này phải nói ngay, không lại hiểu sai ý lãnh đạo. Đặc điểm ấy nêu ra để ta nhắc nhau phải tổ chức kỳ thi hết sức nghiêm mật. Vì, nếu có sai sót gì thì tai tiếng cũng từ đây mà loang ra...

Cảm thấy vẫn còn luẩn quẩn và tầm thường, Dương liền ngắt đoạn rồi lên giọng rắn rỏi:

- Tuy nhiên, điều mà các đồng chí cần quán triệt là ở chỗ này: Xét một cách toàn diện, thi cử là sự kiểm tra của Đảng, Nhà nướ,. nhân dân với mỗi giáo viên chúng ta. Vì vậy, tôi đNị ta phải thực hiện đúng ba yêu cầu sau đây: Một là, nghiêm chỉnh chấp hành quy chế, kỷ luật thi cử. Hai là, công bằng. Ba là, đoàn kết nội bộ, không được trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay và triệt để chống tiêu cực. Từ trước đến nay, chúng ta chưa hề có chuyện ăn hối lộ, chữa điểm lậu bài thi, lộ đề thi... Nói chung là không có chuyện vi phạm qui chế. Nhưng, tư tưởng con người vốn lắt léo, những tư tưởng sai trái nó như con lươn rúc bùn, như Tôn ngộ Không 72 phép biến hóa, nên vẫn cứ phải nhắc, không sợ thừa.

Cẩm thở phì phì:

- Đồng chí bí thư nhắc nhở là rất đúng. Để xảy ra những chuyện trên thì có mà mặt mo!

- Mặt mõ! - Thuật đế.

Thảnh vênh mặt:

- Lộ đề thi là lộ từ Bộ, từ Sở chứ!

Ông Thống giơ tay:

- Tôi chỉ là thủ trống, nay được giao thủ thư cho kỳ thi. Xin góp ý như sau: Một nghìn ngày làm việc thiện, thiện vẫn chưa đủ. Một phút làm việc xấu, xấu vẫn dư thừa đấy ạ.

Dương hỉ hả:

- Đồng chí Thống nói rất thâm thúy đấy.

Ông Thống lắc dầu:

- Cám ơn ông Dương có lời kh. Tôi, cổ giả, chữ nghĩa, chính trị ít. Bảo chữa trống là vác đi. Cũng như bây giờ. Một, hai, ba, bốn, năm, sáu yêu cầu là gì, tôi không rõ. Tôi chỉ biết cái tủ hồ sơ đứng ở giữa hai cái tủ mọt kia, báo cáo là khóa Việt - Tiệp mới mua. Hai chìa, tôi giữ một,.ông chủ tịch Cẩm giữ một. Lộ đề thi, mất đề thi, có hiện tượng gian lận bài thi... xin tróc tôi và ông Cẩm. Đức chứa ở bên trong mà nghiệm thấy ở bên ngoài. Tôi, cứ xin nói thẳng; vì lời nói càng khéo càng mất chân thực. Ngày xưa, cái gì không hay thì bỏ. Cái gì hay thì phải công nhận. Chứ đừng hầm bà lằng anh anh tôi tôi như thầy trò ngày nay. Tôn sư trọng đạo. Thầy của con mình cũng là thầy của mình. Thầy chết, môn sinh đưa tiễn còn hơn cha đẻ. Là xấu hay sao? Còn thi cử? Ngày xưa, thí sinh đem sách vào phòng thi, bắt được là è cổ nhận án hiệp hoài văn tự, chung thân bất đắc ứng thí. Giám khảo thì sao? Thánh thi Cao Bá Quát chỉ vì trọng tài, thiện chí, chữa quyển cho thí sinh mà bị tư lên Bộ Lễ, Viện Đô Sát, rồi bị tra tấn khốc hại và xuýt bị xử trảm đấy ạ, chả lẽ thời Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa, có sự lãnh đạo mà lại thua kém kỷ cương thời phong kiến hủ bại hay sao? Tôi đề nghị, ai ăn hối lộ, ai gà thí sinh, ai gian lận... bắt được, đồng chí bí thư đã từng ở ngành công an, nay vẫn thường xuyên nhắc nhở phải chuyên chính, xin cứ lô phôn cho công an quận, mang còng số tám tới.

Phấn khởi vì mình tung có kẻ hứng, Dương đứng thẳng dậy, vỗ tay bộp bộp ngay khi ông Thống vừa dứt lời:

- Hay lắm! Đồng chí Thống nói là không biết chính trị. Nhưng, như thế là chính trị đấy. Chính trị là gì nữa, các đồng chí? - Dương hất hàm về phía các cô giáo trẻ.

Lại một lần nữa, các cô được Thuật cứu nguy. Thuật duỗi đôi giầy đá bóng đánh soạt, ngáp một tiếng dài:

- Là vào công việc cụ thể đi! Vòng vèo mãi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx